LUẬN ĐẠI TÔNG ĐỊA HUYỀN VĂN BỔN
Bồ-tát Mã Minh tạo luận
Hán dịch: Đời Trần, Tam Tạng Chân Đế
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 6

Phần thứ 11: ĐẠI QUYẾT TRẠCH VÔ TẬN VÔ CÙNG TRẦN TRẦN SỐ LƯỢNG ĐẠO LỘ

(Phần quyết trạch về số lượng vô cùng vô tận không thể kể xiết của con đường)

Như vậy đã nói về phần Đại quyết trạch Đại Long Vương trùng trùng quảng hải vô tận đại tạng. Tiếp theo sẽ nói về phần Đại quyết trạch vô tận vô cùng trần trần số lượng đạo lộ. Tướng trạng đó thế nào?

Kệ nói:

Trong hằng hà sa số con đường
Số lượng như trước đây đã nói
Cũng có năm mươi mốt địa vị
Quyết định là phần vị kim cang
Dựa vào phần vị nay lập tướng
Thì cò mười tầng về chủng loại
Lấy đó làm số lượng con đường
Như các loại hai nhân một quả…

Luận nói: Ở trong phần này có bao nhiêu số lượng phần vị? Có năm mươi mốt loại phần vị Chân kim cang, đầy đủ trọn vẹn không thiếu sót. Như kệ nói: “Trong hằng hà sa số con đường, số lượng như trước đây đã nói, cũng có năm mươi mốt địa vị, quyết định là phần vị kim cang”. Ở phần vị này, có mười loại pháp môn đối nhau biến đổi, có thể thâu tóm số lượng pháp môn. Thế nào là mười loại? Đó là:

1. Loại hai nhân một quả.
2. Loại một nhân một quả.
3. Loại ít nhân nhiều quả.
4. Loại nhân quả một vị.
5. Loại vô nhân vô quả.
6. Loại an trú tự nhiên.
7. Loại nhân quả.
8. Loại quả nhân.
9. Loại ngôn thuyết.
10. Loại ngôn nhân (người – nói về người).

Đây gọi là mười loại. Mười loại như vậy lấy đó làm số lượng pháp môn. Như kệ nói: “Dựa vào phần vị này lập tướng, thì có mười tầng về chủng loại, lấy đó làm số lượng con đường, như các loại hai nhân một quả…” Loại thứ nhất kia hình tướng như thế nào? Kệ nói:

Lấy tâm tín làm điểm khởi đầu
Như thứ tự dẫn chủng loại mình
Ban đầu lấy phần vị còn lại
Đạt đến phần vị của tâm định
Thì nên chọn lấy địa Như Lai
Cũng giống như theo thứ tự ấy
Lấy tâm bất thoái làm thứ nhất
Dẫn theo bậc cùng chủng loại mình
Chọn phần vị khác làm thứ hai
Đạt đến phần vị của tâm nguyện
Cũng lại chọn lấy địa Như Lai
Phần vị tu hành làm thứ nhất
Như thứ tự dẫn chủng loại mình
Chọn phần vị khác làm thứ ba
Đạt đến phần vị của chánh tâm
Cũng lại chọn lấy địa Như Lai
Phần vị bất thoái làm thứ nhất
Như thứ tự dẫn chủng loại mình
Chọn phần vị khác làm thứ tư
Tức đạt đến địa trú quán đảnh
Cũng nên chọn lấy địa Như Lai
Thực hành lìa si là thứ nhất
Như thứ tự dẫn chủng loại mình
Chọn phần vị khác làm thứ năm
Đạt đến phần vị hành vô trước
Cũng nên chọn lấy địa Như Lai
Thực hành tôn trọng là thứ nhất
Như thứ tự dẫn chủng loại mình
Chọn phần vị khác làm thứ sáu
Đạt đến phần vị hành chân thật
Cũng nên chọn lấy địa Như Lai
Tùy thuận quán sát mọi chúng sanh
Hồi hướng theo đó là thứ nhất
Như thứ tự dẫn chủng loại mình
Chọn lấy bốn phần vị còn lại
Tất cả số lượng đều phù hợp
Ngoài ra còn có địa Như Lai
Lấy các địa như nhau làm bạn
Trang nghiêm một biển giác mênh mông
Tất cả gọi là nhân và quả
Phối hợp giải thích quán sát rộng
Lý đó sẽ phân biệt rõ ràng.

Luận nói: Nay trong phần này là trình bày về nghĩa gì? Vì muốn hiển thị năm mươi mốt phần vị đều có số lượng như nhau, dùng hai loại nhân tố cảm được một quả, mở rộng biển cả Tam bảo đến vô cùng vô tận. Nghĩa này thế nào? Điều ấy có nghĩa là hai loại nhân tố của địa tâm tín và phát tâm, cùng một hành tướng không tách rời nhau, cùng thực hành hợp lại chuyển hóa trú vào một sở tác mà khởi, lên vô lượng, đầy đủ-sanh ra vô biên công đức, trang nghiêm đầy đủ một biển cả Đại Giác, là nhân chủ động sanh ra và lớn lên, gọi là tâm tối thượng bậc nhất đã sanh ra và tăng trưởng quyết định chân thật, là mẹ nguyên sơ của Bổn tạng, xa rời sự trang nghiêm ràng buộc, là biển hội tụ sự trang nghiêm của chủng tử Vô thắng địa. Quả gọi là đầy đủ phần vị kim cang chân thật, Pháp thân viên mãn Đại từ bi sánh bằng hư không bao la không có sai biệt, là địa trong quả địa đầu tiên nhất không gì trên, như biển tột cùng chỉ một, tận cùng đại giáo, như không có hai núi chúa. Tiếp theo là hai loại pháp của địa tâm niệm và hạnh hoan hỷ, là nhân năng sanh và nuôi lớn, trang nghiêm đầy đủ cả một đại dương Đại Giác. Nhân gọi là an lạc thường sáng suốt quyết định tăng trưởng, là biển quy tụ chủng tử của không khổ đau không hư vọng tự nhiên chiếu rọi thông suốt tất cả pháp tánh, không có chướng ngại. Quả gọi là thường an lạc và thông minh như hư không thế giới rộng lớn sâu xa cùng cực luôn luôn biết rõ, như không có hai núi chúa. Tiếp theo là hai loại pháp của địa tinh tấn tâm cứu hộ tất cả chúng sanh và địa hồi hướng là nhân năng sanh ra và nuôi lớn, trang nghiêm đầy đủ cả một đại dương Đại Giác. Nhân gọi là nhân tố phát khởi dòng nước và ánh sáng của tâm đại bi thù thắng rời xa tâm lười nhác lơi lỏng, thường thường vượt qua, thường thực hành bổn địa, tự tánh đầy đủ thông suốt đại dương quy tụ mọi chủng tử. Quả gọi là ánh sáng từ bi luôn luôn đạt được trí tuệ là không hề có hai núi chúa. Tiếp theo là hai loại pháp của địa tuệ tâm và địa nghịch lưu hoan hỷ, là nhân có thể sanh ra và nuôi lớn, trang nghiêm đầy đủ cho một đại dương Đại Giác. Nhân gọi là đại dương quy tụ mọi chủng tử của đại tâm kim cang chân thật sáng ngời như mặt trăng mặt trời, tự tánh xa rời đau khổ đoạn trừ biển phẩm loại đen tối. Quả gọi là địa tầng cao nhất đạt tới cực điểm, một thể tánh vô thượng tự nhiên vô cùng rõ ràng không có hai núi chúa. Tiếp theo là hai loại pháp của địa định tâm và địa đại cực địa, là nhân có thể sanh ra và nuôi lớn, trang nghiêm đầy đủ cho một đại dương Đại Giác. Nhân gọi là là đại dương quy tụ mọi chủng tử quyết định an tịch rời xa tán loạn, chiếu rọi vô cùng vô tận mọi đại chủng nước-lửa. Quả gọi là địa váng lặng hoàn toàn, địa sáng suốt hoàn toàn, đầy đủ mọi công đức tàng ẩn và tuyệt đối không có hai núi chúa. Như vậy, chư Phật đều thực hiện ba việc lớn. Thế nào là ba việc? Một là hưng hóa. Hai là thuyết pháp. Ba là thắng tiến. Nói hưng hóa, là phát khởi xuất hiện một thân biến hóa số lượng tính bằng vi trần thế giới mười phương. Nói về Thuyết pháp, là tuyên thuyết cả một đại dương pháp môn về địa phát tâm và tâm tín với số lượng tính bằng vi trần của thế giới mười phương. Nói về thắng tiến, là hướng về phần vị tiến lên phía trước, như thứ tự mà đi vào. Đây gọi là ba việc lớn. Ở trong thân biến hóa thì tất cả mỗi thân cũng đều có ba sự việc này, thuận theo thông suốt mở rộng, phù hợp như vậy và hoàn toàn như vậy lần lượt thuận theo Như Như, các phần vị về sau nữa theo ví dụ trước nên biết! Như kệ nói: “Lấy tâm tín làm điểm khởi đầu, như thứ tự dẫn chủng loại mình, ban đầu lấy những phần vị khác, đạt đến phần vị của tâm định, thì lại chọn lấy địa Như Lai”.

Như vậy đã nói về chủng loại hai nhân một quả. Tiếp theo nói về chủng loại một nhân một quả, tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Trong năm mươi mốt loại phần vị
Tất cả không cần đến lực khác
Chỉ một mình an trú chính mình
Cho nên cảm ứng được một quả
Trong danh tự của nhân và quả
Bởi vì giống như thứ tự đó
Thêm tên gọi chủng tử Đại Giác
Phối hợp giải thích biết rõ ràng
Theo thứ tự giống như trước nói
Tăng giảm không như nhau mà thôi.

Luận nói: Nay trong kệ này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị hai pháp nhân quả có số lượng phù hợp trang nghiêm giác đạo, để cho đại dương Tam bảo chuyển thành rộng lớn hơn. Như kệ nói: “Trong năm mươi mốt loại phần vị, tất cả không cần đến lực khác, chỉ một mình an trú chính mình, cho nên cảm ứng được một quả”. Do nhân và quả xứng với danh tự vốn có, thêm vào tên gọi của chủng tử Đại Giác. Như kệ nói: “Trong danh tự của nhân và quả, vì giống như thứ tự đó, thêm tên gọi chủng tử Đại Giác, phối hợp giải thích biết rõ”. Tướng trạng chuyển đổi theo thứ tự cùng với trước kia đã nói như nhau không có sai biệt, chỉ sai khác ở chỗ tăng số lượng hay giảm số lượng mỗi loại không giống nhau. Như kệ nói: “Theo thứ tự giống như trước nói, tăng giảm không như nhau mà thôi”. Vì như vậy mà hết thảy chư Phật đều thực hiện ba sự việc lớn, tên gọi giống như trước đã nói mà nghĩa lý thì có điểm không như nhau. Nói về Hưng hóa, là lưu hành xuất hiện thân biến hóa số lượng tính bằng vi trần của mười thế giới mười phương. Nói về Thuyết pháp, là tuyên thuyết về đại dương pháp môn nhân vị tất cả đều có số lượng tính bằng vi trần của mười thế giới mười phương. Nói về Thắng tiến, là hướng về phần vị tiến lên phía trước như thứ tự hội nhập. Ở trong thân Biến hóa, cũng có ba sự việc này, thuận theo thông suốt mở rộng. Như vậy đã nói về chủng loại một nhân một quả. Tiếp theo sẽ nói về chủng loại ít nhân nhiều quả, tướng trạng đó thế nào?

Kệ nói:

Trong năm mươi mốt loại phần vị
Từng loại một đều đủ tất cả
Cảm ứng phần vị năm mươi quả
Gọi là ít nhân mà nhiều quả.

Luận nói: Nay trong phần này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị chỉ có một loại nhân mà cảm đến năm mươi quả, tự tại vô ngại không có gì thiếu sót, do đó đại dương Tam bảo chuyển thành rộng lớn hơn. Như kệ nói: “Trong năm mươi mốt loại phần vị, từng loại một đều đủ tất cả, cảm ứng phần vị năm mươi quả, gọi là ít nhân mà nhiều quả”. Như vậy tất cả chư Phật thảy đều thực hiện ba sự việc lớn, tên gọi giống như trước mà nghĩa lý có điểm không như nhau. Nói về Hưng hóa, là lưu hành xuất hiện ra thân Biến hóa số lượng tính bằng vi trần của trăm thế giới mười phương. Nói về Thuyết pháp, là tuyên thuyết về đại dương pháp môn nhân vị tất cả đều có số lượng tính bằng vi trần của thế giới mười phương. Nói về Thắng tiến, là hướng về phần vị tiến lên phía trước như thứ tự hội nhập. Ở trong thân Biến hóa có ba sự việc này, thuận theo thông suốt mở rộng. Như vậy đã nói về chủng loại ít nhân nhiều quả. Tiếp theo sẽ nói về chủng loại nhân quả chỉ một, vị tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Trong năm mươi mốt loại phần vị
Từng loại một đều đủ tất cả
Biển rộng có năm trăm quả vị
Trong biển rộng năm trăm quả vị.
Từng quả một đều đủ tất cả
Có biển rộng năm trăm nhân tố
Bởi nhân quả bình đẳng như vậy
Gọi là nhân quả chỉ một vị.

Luận nói: Nay trong phần này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị số lượng của hai pháp nhân quả phù hợp với nhau không có thêm bớt, do đó đại dương Tam bảo chuyển thành rộng lớn hơn. Như kệ nói: “Trong năm mươi mốt loại phần vị, từng loại một đều đủ tất cả, biển rộng có năm trăm quả vị, trong biển rộng năm trăm quả vị, từng quả một đều đủ tất cả, có biển rộng năm trăm nhân tố, do nhân quả bình đẳng như vậy, gọi là nhân quả chỉ có một”. Như vậy, chư Phật đã thực hiện ba sự việc, cũng lại giống như trước chỉ riêng nghĩa lý khác nhau. Điều ấy có nghĩa là tính đến số ngàn, thân tướng biến hóa cũng lại như vậy. Như vậy đã nói về chủng loại nhân quả chỉ một. Tiếp theo sẽ nói về chủng loại vô nhân vô quả, tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Pháp của năm mươi mốt phần vị
Không phải nhân cũng không phải quả
Pháp nảy sanh ngàn nhân – ngàn quả
Gọi là vô nhân và vô quả.

Luận nói: Nay trong phần này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị nhân tố của năm mươi mốt phần vị mà không có quả, nhân sanh ra biển lớn của ngàn nhân, quả mà lại không có nhân, quả sanh ra biển lớn của ngàn quả, do đó đại dương Tam bảo chuyển thành rộng lớn hơn. Như kệ nói: “Pháp của năm mươi mốt phần vị, không phải nhân cũng không phải quả , pháp nảy sanh ngàn nhân – ngàn quả, gọi là vô nhân và vô quả”. Như vậy, chư Phật đã thực hiện ba sự việc, cũng lại giống như truớc chỉ có nghĩa lý khác nhau. Điều ấy có nghĩa là tính đến số vạn. Như vậy đã nói về chủng loại không nhân không quả. Tiếp theo sẽ nói về chủng loại an trú tự nhiên, tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Trong năm mươi mốt loại phần vị
Từng loại một đều đủ tất cả
Trải qua vô lượng kiếp chuyển đổi
Không ra ngoài phần vị của mình.

Luận nói: Nay trong phần này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị từng phần vị một đều trải qua vô lượng kiếp để tu hành thành đạo, những sự việc chuyển thành rộng lớn hơn. Như kệ nói: “Trong năm mươi mốt loại phần vị, từng loại một đều đủ tất cả, trải qua vô lượng kiếp chuyển đổi, không ra ngoài phần vị của mình”. Vì như vậy mà chư Phật đã thực hiện ba sự việc, cũng lại giống như trước chỉ có nghĩa lý khác nhau. Điều đó có nghĩa là tính đến số ức. Như vậy đã nói về chủng loại an trú tự nhiên. Tiếp theo sẽ nói về chủng loại nhân quả, tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Phát sanh năm mươi mốt phần vị
Phát sanh năm mươi mốt phần vị
Năng sanh-sở sanh không cùng tận
Gọi là chủng loại của nhân quả.

Luận nói: Nay trong phần này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị về chủ thể sanh-đối tượng sanh không cùng tận, đối tượng sanh -đối tượng sanh không cùng tận, do đó đại dương Tam bảo chuyển thành rộng lớn. Như kệ nói: “Phát sanh năm mươi mốt phần vị, phát sanh năm mươi mốt phần vị, chủ thể sanh-đối tượng sanh không cùng tận, gọi là chủng loại của nhân quả”. Như vậy, chư Phật đã thực hiện ba sự việc, cũng lại giống như trước chỉ có nghĩa lý khác nhau. Nghĩa là đến số mười ức. Như vậy đã nói về chủng loại nhân quả. Tiếp theo sẽ nói về chủng loại quả nhân, tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Nghĩa này ví dụ trước rõ ràng
Ý thú không sai khác gì trước
Chỉ có số lượng là tăng thêm
Trú vào tâm thuận theo quán sát.

Luận nói: Nay trong phần này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị năm mươi mốt phần vị cũng là nhân cũng là quả, tất cả phát sanh vô tận vô tận nhân quả trong đại dương pháp môn, vì vậy đại dương Tam bảo chuyển thành rộng lớn hơn. Như kệ nói: “Chỉ có số lượng là tăng thêm”. Như vậy, chư Phật đã thực hiện ba sự việc, cũng lại giống như trước chỉ có nghĩa lý khác nhau. Nghĩa là đến số một trăm ức. Như vậy đã nói về chủng loại quả nhân. Tiếp theo sẽ nói về chủng loại ngôn thuyết, tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Hết thảy mọi đại dương Tam bảo,
Thảy đều bắt đầu từ ngôn thuyết
Bởi vì không có gì cùng tận
Gọi là chủng loại của ngôn thuyết.

Luận nói: Nay trong phần này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị tất cả Tam bảo thảy đều tuyên thuyết riêng biệt từng phần về đại dương Tăng vô tận-đại dương Pháp vô tận-đại dương Giác vô tận, do đó đại dương Tam bảo chuyển thành rộng lớn hơn. Như kệ nói: “Hết thảy mọi đại dương Tam bảo, thảy đều bắt đầu từ ngôn thuyết, bởi vì không có gì cùng tận, gọi là chủng loại của ngôn thuyết”. Như vậy, các Tam bảo đã thực hiện ba sự việc, lại cũng giống như trước chỉ có nghĩa lý khác nhau. Nghĩa là đến số một ngàn ức. Như vậy đã nói về chủng loại ngôn thuyết. Tiếp theo sẽ nói về chủng loại ngôn nhân (nói về người), tướng trạng đó thế nào? Kệ nói:

Hết thảy ngôn thuyết của Tam bảo
Người tạo tác số lượng như thuyết
Bởi vì không có gì cùng tận
Gọi là chủng loại của ngôn nhân.

Luận nói: Nay trong kệ này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị như trước đã nói về nhiều loại Tam bảo thuyết pháp giống như số lượng đã nói, vì hành giả tạo tác không cùng tận, do đó đại dương Tam bảo chuyển thành rộng lớn hơn. Như kệ nói: “Hết thảy ngôn thuyết của Tam bảo, người tạo tác số lượng như thuyết, bởi vì không có gì cùng tận, gọi là chủng loại của ngôn nhân”. Như vậy, các bậc đã thành đạo rồi đã thực hiện ba sự việc, lại cũng giống như trước chỉ có nghĩa khác nhau. Nghĩa là đến số vạn ức. Trong Kinh Đại Minh Tổng Trì Cụ Túc Tâm Địa nói như vầy: “Ví dụ như đạo hạnh khắp mười phương không ranh giới-không nguồn gốc-không bắt đầu-không kết thúc mà chân đi trong từng địa vị một của pháp tạng, thì có mười loại thù thắng chuyển tiếp nhau tăng lên gấp bội, đại dương quy tụ pháp môn đầy đủ gấp bội và tròn đầy rộng lớn hơn”. Cho đến nói rộng.

 

Phần thứ 12: ĐẠI QUYẾT TRẠCH BẤT KHẢ TƯ NGHỊ BẤT KHẢ XƯNG LƯỢNG CÂU CÂU VI TRẦN BỔN ĐẠI SƠN VƯƠNG

(Phần quyết trạch về số lượng hoàn toàn không thể nghĩ bàn-không thể nói được của Bổn Đại Sơn Vương).

Như vậy đã nói về phần Đại quyết trạch vô tận vô cùng trần trần số lượng đạo lộ. Tiếp theo sẽ nói về phần Đại quyết trạch bất khả tư nghị bất khả xưng lượng câu câu vi trần Bổn Đại Sơn Vương. Sắc thái đó thế nào? Kệ nói:

Trong đại dương không nghĩ bàn được
Do phát sanh ra ba loại pháp
Nghĩa là có ba lần gấp bội
Phối hợp giải thích biết rõ ràng.

Luận nói: Ở trong thể tánh không thể nghĩ bàn của Bổn Đại Sơn Vương, có ba loại. Thế nào là ba loại?

Một là số lượng của Pháp bảo gấp bội.

Hai là số lượng của Tăng bảo gấp bội.

Ba là số lượng của Phật bảo gấp bội.

Đây gọi là ba loại gấp bội. Tăng lên số lượng bao nhiêu để trở thành nghĩa gấp bội? Nghĩa là đại dương Tam bảo tăng thêm số lượng vi trần của ức ức thế giới mười phương. Như thứ tự ấy, dựa vào đạo lộ một loại gấp bội lên thêm mười lần, hãy quán sát tường tận! Như kệ nói: “Trong đại dương không nghĩ bàn được, do phát sanh ra ba loại pháp, nghĩa là có ba lần gấp bội, phối hợp giải thích biết rõ ràng”. Cuối đầu ngọn của ba lần gấp bội dựa vào bản thân nó mà nói, thuận theo mở rộng thông suốt. Trong Kinh Tâm Địa nói như vầy: “Trong phạm vi tánh hải căn bổn có câu trần vô thượng không thể nghĩ bàn được, đầy đủ trọn vẹn ức ức đại phương trong đại dương của ba đức, lấy phạm vi của đại phương để kiến lập đại phương. Cho đến nói rộng”.