Luận A Tỳ Đạt Ma Tạng Hiển Tông Quyển 16

Luận A Tỳ Đạt Ma Tạng Hiển Tông Quyển 16
1563-2

LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẠNG HIỂN TÔNG
Tác giả: Tôn giả Chúng Hiền
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 16

Phẩm thứ 4: BIỆN VỀ DUYÊN KHỞI, phần 5

Như vậy là đã biện về hữu tình nơi hế gian. Khí thế gian nay sẽ biện.

Tụng nêu:

An lập khí thế gian

Phong luân ở cuối dưới

Lượng ấy rộng vô số

Dày mười sáu lạc-xoa.

Tiếp trên thủy luân sâu

Mười một ức hai vạn

Tám lạc-xoa dưới nước

Khác đọng kết thành vàng.

Thủy kim luân này rộng

Thẳng mười hai lạc-xoa

Ba ngàn bốn trăm rưỡi

Chu vi gấp ba lần.

Luận nói: Cảnh giới một trăm câu-chi bốn châu lớn này được an lập như thế, là đồng hoại đồng thành. Nghĩa là các hữu tình do pháp như vậy tu đắc các tĩnh lự, ở cõi dưới mạng chung xong, sinh trong địa của tĩnh lự thứ hai v.v… ở bên dưới. Khí thế gian dưới đã bị ba tai họa hủy hoại, trải qua thời gian lâu xa thì dựa vào bên dưới không trung. Do sức tăng thượng của nghiệp nơi các hữu tình, nên có gió nhẹ thổi, càng về sau thì chuyển tăng cuộn khúc, kết thành lớp dày (Luân). Thể của nó cứng chắc liền khít. Giả như có một Đại-nặc-kiện-na, dùng vòng kim cang dương oai từ trên cao đánh xuống, thì kim cương có vỡ nát, còn phong luân không hao tổn.

Như thế phong luân rộng là vô số, dày mười sáu ức du-thiện-na. Lại, do sức tăng thượng của nghiệp nơi các hữu tình nên dấy khởi mây lớn, mưa tưới trên phong luân, giọt nước mưa như trục xe, nước chứa thành vầng.

Thủy luân như thế, ở phần vị chưa ngưng kết, sâu mười một ức hai vạn du-thiện-na, chiều rộng tương xứng với phong luân. Có người nói: Do nghiệp lực của hữu tình nhỏ hẹp đã duy trì khiến không tan rã. Như thức ăn uống, khi chưa nấu chín, biến đổi, sau cùng không dời chuyển, rơi xuống thục tạng.

Có Sư khác cho: Do được gió giữ gìn, khiến không chảy sang bên cạnh, như vựa tròn đã chứa giữ lúa. Vì nghiệp lực của hữu tình đã dẫn gió riêng khởi, vỗ đánh trên phần nước này, kết thành vàng. Như sữa chín ngưng đọng lại trên mặt thành mô. Nên thủy luân giảm, chỉ dày tám lạc-xoa, phần còn lại chuyển thành vàng, dày ba ức hai vạn. Ranh giới hai luân có riêng một trăm câu-chi, mỗi mỗi nơi hai luân lượng rộng đều bằng nhau. Nghĩa là đường thẳng có mười hai ức ba ngàn bốn trăm rưỡi. Chu vi về số biên kia thành gấp ba lần. Nghĩa là lượng chu vi thành ba mươi sáu ức, một vạn ba trăm năm mươi du-thiện-na.

Đã biện về ba luân. Về núi nay sẽ biện. Tụng nêu:

Tô-mê-lô ở giữa

Tiếp Du-kiện-đạt-la

Núi Y-sa-đà-la

Núi Khiết-địa-lạc-ca

Tô-đạt-lê-xá-na

Át-thấp-phược-yết-noa

Núi Tỳ-na-đát-ca

Núi Ni-dân-đạt-la

Ở bên ngoài châu lớn

Có núi Thiết-luân-vi

Bảy trước vàng tạo thành

Tô-mê-lô bốn báu.

Vào nước đều tám vạn

Diệu Cao nhô cũng vậy

Tám khác, nửa nửa thấp

Rộng đều bằng với cao.

Luận nói: Ở trên kim luân có chín núi lớn. Núi chúa Diệu Cao trụ ở giữa. Tám núi còn lại thì vây bọc quanh núi Diệu Cao. Ở trong tám núi ấy thì bảy núi trước gọi là trong. Bên ngoài núi thứ bảy có châu lớn v.v… Ngoài đấy lại có núi Thiết-luân-vi bao quanh như vòng vây làm ranh giới của bốn châu. Bảy núi như Trì song v.v… thì chỉ do vàng tạo thành. Núi chúa Diệu Cao dùng bốn báu làm thể. Nghĩa là bốn mặt như thứ lớp bắc, đông, nam, tây, do các báu vàng, bạc, phệ-lưu-ly, phả-chi-ca tạo thành. Tùy theo uy đức của báu mà màu sắc hiện rõ nơi hư không, nên khoảng không của châu Thiệm Bộ giống với sắc của phệ-lưu-ly.

Các thứ báu như thế v.v… từ đâu mà sinh?

Từ sức tăng thương nơi nghiệp của các hữu tình. Lại, mây lớn khởi mưa tuôn trên kim luân, giọt nước mưa như trục xe, trải qua thời gian lâu, nước tích tụ thành, sóng cả xô đẩy sâu hơn tám vạn, gió dữ xoáy đập làm biến đổi khiến các báu v.v… sinh.

Những biến đổi như thế sinh ra các báu như vàng v.v… xong, lại do sức của nghiệp đã dẫn khởi gió riêng, phân biệt các báu v.v… gồm thâu khiến tụ tập thành núi, thành châu, phân chia nước ngọt, nước mặn khiến thành lập riêng biển trong, biển ngoài.

Vì sao một loại nước có thể khiến các loại báu riêng khác sinh khởi? Do nước mưa có thể làm nơi chốn nương dựa chứa giữ các thứ loại báy khác. Lại bị vô số thứ uy đức nơi gió mạnh đã xoáy đập, khiến sinh nhiều báu. Nên không có lỗi.

Chín núi như thế trụ trên kim luân, phần núi chìm sâu trong nước đều bằng tám vạn du-thiện-na. Núi Tô-mê-lô nhô ra khỏi nước cũng như vậy.

Như thế tức nói núi chúa Diệu Cao từ bên dưới là kim luân lên đến đỉnh núi, tổng cộng có mười sáu vạn du-thiện-na. Tám ngọn núi còn lại phần nhô ra khỏi nước thì lượng cao từ trong đến ngoài theo nửa, nửa thấp dần. Nghĩa là đầu tiên, núi Trì Song phân nhô ra khỏi nước là bốn vạn, cho đến núi Thiết-luân-vi sau cùng thì phân nhô ra khỏi nước là ba trăm mười hai rưỡi du-thiện-na.

Chín núi như vậy thì lượng rộng của mỗi mỗi núi đều so với phần nhô ra khỏi nước của chính mình là đồng.

Đã biện về chín núi. Về biển nay sẽ biện.

Tụng nêu:

Giữa núi có tám biển

Bảy trước gọi là trong

Đầu tiên rộng tám vạn

Bốn bên đều gấp ba.

Sáu còn nửa nửa hẹp

Thứ tám gọi là ngoài

Ba lạc-xoa, hai vạn

Hơn ba ngàn hai trăm.

Luận nói: Núi chúa Diệu Cao là đầu, Luân Vi là sau, trung gian là tám biển. Bảy biển trước gọi là bên trong. Trong bảy biển này nước đều gồm đủ tám công đức: (1) Ngọt. (2) Lạnh mát. (3) Mềm mại. (4) Nhẹ nhàng. (5) Trong sạch. (6) Không hôi. (7) Khi uống thì không tổn hại nơi yết hầu. (8) Uống xong thì không tổn hại nơi bụng.

Bảy biển như thế, biển đầu rộng tám vạn. Căn cứ theo lượng vòng khắp bên trong của núi Trì Song. Nơi bốn mặt của núi đó, số lượng đều gấp ba lần. Nghĩa là đều thành hai ức bốn vạn du-thiện-na. Lượng rộng của sáu biển còn lại, nửa nửa hẹp dần. Nghĩa là lượng của biển thứ hai rộng bốn vạn, cho đến lượng của biển thứ bảy rộng một ngàn hai trăm năm mươi du-thiện-na. Các lượng này không nói về lượng chu vi, vì nhiều phiền phức, so sánh với phần trước nên biết. Biển thứ tám gọi là bên ngoài, nước mặn tràn đầy. Lượng rộng là ba ức hai vạn ba ngàn và hai trăm tám mươi bảy du-thiện-na rưỡi. Tiếng tám mươi bảy rưỡi còn lại là đã hiển bày.

Đã biện về tám biển. Sẽ biện về hình lượng của các châu có khác.

Tụng nêu:

Trong ấy: Tướng châu lớn

Nam Thiệm Bộ như xe

Ba bên đều hai ngàn

Biên nam có ba rưỡi.

Châu Đông Tỳ-đề-ha

Tướng nó như bán nguyệt

Ba bên như Thiệm Bộ

Bên đông ba trăm rưỡi.

Châu Tây Cù-đà-ni

Tướng như vầng trăng đầy

Ngang hai ngàn năm trăm

Chu vi gấp ba này.

Châu Bắc như tòa vuông

Bốn mặt đều hai ngàn

Châu vừa lại có tám

Bên bốn châu đều hai.

Luận nói: Ở trong biển bên ngoài châu lớn có bốn. Nghĩa là ở bốn mặt đối diện với núi chúa Diệu Cao. Châu Nam Thiệm Bộ, phía bắc rộng, nam hẹp, lượng ba bên thì bằng nhau. Tướng của châu như chiếc xe. Bên phía nam chỉ rộng ba du-thiện-na rưỡi. Ba bên đều có hai ngàn du-thiện-na. Chỉ trong châu này có tòa kim cang. Trên đấy tận cùng biên vực của đất, dưới là dựa vào kim luân. Các loại Bồ-đề Tát đỏa của thân sau cùng, sắp chứng đắc quả vị Chánh đẳng Bồ-đề vô thượng, đều ngồi trên tòa này, khởi định kim cương dụ, dùng lực kiên cố hiện có của vô dư y và xứ khác để có thể giữ gìn định này.

Châu Đông Thắng Thân, phía đông hẹp, tây rộng, lượng của ba mặt thì bằng nhau, hình trông như nửa vầng trăng. Phía đông gồm ba trăm năm mươi du-thiện-na, ba bên đều hai ngàn du-thiệnna. Châu đông này bên phía đông rộng tiếp giáp với bên nam của châu nam. Nên châu đông như nửa mặt trăng, còn nam Thiệm Bộ thì như chiếc xe.

Châu Tây Ngưu Hóa thì hình tướng như mặt trăng đầy. Đường kính là hai ngàn năm trăm, chu vi bảy ngàn năm trăm.

Châu Bắc Câu Lô hình như tòa ngồi vuông, lượng của bốn bên là bằng nhau, mỗi mặt đều hai ngàn, chu vi lượng tám ngàn du-thiệnna. Tùy theo tướng của tự châu mà gương mặt người cũng như vậy. Lại có tám châu vừa là quyến thuộc của châu lớn. Nghĩa là bên cạnh của bốn châu lớn đều có hai châu vừa. Hai châu vừa bên châu Thiệm Bộ là: (1) Châu Già-mạt-la. (2) Châu Phiệt-la-già-mạt-la.

Hai châu vừa bên châu Thắng Thân: (1) Châu Đề-ha. (2) Châu Tỳ-đề-ha.

Hai châu vừa bên châu Ngưu Hóa: (1) Câu-xá-quắc. (2) Châu Ốt-đát-la-mạn-đát-lý-noa.

Hai châu vừa bên châu Câu Lô: (1) Châu Củ-lạp-bà. (2) Châu Kiều-lạp-bà.

Tất cả châu này đều là nơi cư trú của con người. Do nghiệp thấp kém đã tăng thượng mà sinh ra, nên thân hình của những người trụ nơi các châu vừa kia đều thấp, xấu xí.

Có Sư khác cho: Châu Già-mạt-la là nơi cư ngụ của loài La-sátsa. Ngoài ra đều là nơi trú xứ của con người.

Đã biện về các châu xong. Ao Vô nhiệt não ở phương nào? Lượng rộng lớn là bao nhiêu?

Tụng nêu:

Bắc chín núi đen này

Trong núi Tuyết, Hương Túy

Ao Vô nhiệt dọc rộng

Năm mươi du-thiện-na.

Luận nói: Chí giáo nói trong châu Thiệm Bộ này, từ trung Ấn Độ dần theo hướng bắc, ba xứ đều có ba lớp núi đen, có núi Đại Tuyết ở phía bắc núi đen. Phía bắc núi Đại Tuyết có núi Hương Túy. Nơi phía bắc núi Tuyết, phía nam núi Hương, có ao nước lớn, gọi là Vô nhiệt não, là nơi xuất phát bốn dòng sông lớn, từ bốn mặt chảy đến bốn biển cả: (1) Sông Căng Già. (2) Sông Tín Độ. (3) Sông Đồ Đa. (4) Sông Phược Sô.

Ao Vô nhiệt não dọc ngang là bằng nhau, mỗi mặt đều là năm mươi du-thiện-na. Nước gồm đủ tám công đức luôn tràn đầy trong đó. Không phải người đã chứng đắc thông thì khó đến được nơi ấy. Bên cạnh ao này có khu rừng Thiệm Bộ, hình cây cao to, quả ngon ngọt. Vì dựa theo khu rừng này nên gọi là châu Thiệm Bộ. Hoặc dựa theo quả của cây này để lập tên châu.

Lại ở nơi xứ nào để lập Nại-lạc-ca? Lượng như thế nào, có bao nhiêu?

Tụng nêu:

Dưới đây quá hai vạn

Vô gián, sâu rộng đồng

Trên: Bảy Nại-lạc-ca

Tám tăng đều mười sáu.

Là phân, tiểu tro nóng

Mũi nhọn, sông lửa tăng

Đều ở bốn phương kia

Khác: Tám địa ngục lạnh.

Luận nói: Bên dưới châu Thiệm Bộ này, quá hai vạn du-thiệnna có đại Nại-lạc-ca là A-tỳ-chỉ, sâu rộng đồng với trước, nghĩa là đều hai vạn. Nên đáy của địa ngục kia cách châu này bốn vạn duthiện-na.

Do đâu chỉ ở bên dưới châu này có ngục vô gián?

Vì chỉ ở nơi châu này đã khởi nghiệp ác cực nặng. Nên các tai họa như đao binh v.v… chỉ ở châu này có. Chỉ người của châu này là thuộc loại lợi căn bậc nhất. Do không có vui xen lẫn, nên lập tên vô gián. Trong các địa ngục khác, tuy không có dị thục vui nhưng vì không có tội lỗi lớn, nên có đẳng lưu lạc.

Có thuyết nói: Không có chút lỗ trống nào nên lập tên vô gián. Tuy hữu tình ít mà thân lớn.

Có thuyết cho: Ở trong ấy đã thọ khổ vô gián. Nghĩa là các hữu tình kia thân đều bị hàng trăm cây đinh đóng vào. Đối với cửa của sáu xúc luôn nhận lấy khổ kịch liệt, ở trên đất là sắt nóng, tường sắt vây quanh, ngọn lửa dữ giao tiếp nhau từng không tạm dứt. Thân gặp phải thống khổ do lửa cháy nóng bức bách, khó nhẫn chịu. Tuy có bốn cửa nhìn xa thấy có mở, đóng, nhưng chạy đi tìm đường ra, liền thấy đóng ngay. Điều cầu mong không toại lại còn bị hại do kẻ oán đối đã dùng thân mình làm củi ném vào lửa dữ, đốt rụi chi thể, xương thịt cháy tan. Vì nghiệp ác đã giữ lấy nên không đến chết.

Bảy địa ngục khác chồng chất từng lớp bên trên vô gián mà trụ. Bảy địa ngục khác là những gì? (1) Cực nhiệt. (2) Viêm nhiệt. (3) Đại khiếu. (4) Hào khiếu. (5) Chúng hợp. (6) Hắc thằng. (7) Đẳng hoạt.

Có thuyết nêu: Bảy địa ngục này ở bên cạnh địa ngục vô gián, các chi tiết nơi thân người khác và thân mình, cả trong ngoài đều phát ra lửa dữ, cùng nhau thiêu đốt tàn hại. Nhiệt bên trong là rất nhiều nên gọi là Cực nhiệt. Lửa theo thân chuyển, cháy hừng hực vây quanh, vì khổ do nóng bức khó chịu nổi, nên gọi là Viêm nhiệt. Khổ kịch liệt đã bức bách, phát ra tiếng kêu gào thảm khốc, buồn bã gọi la, oán thán, nên gọi là Đại khiếu. Loại khác bị nhiều thứ khổ não hại, buồn oán, tuôn ra tiếng kêu khóc, nên gọi là Hào khiếu. Rất nhiều vật dụng tạo khổ đều cùng ập đến bức hại thân, hợp với bè nhóm cùng tàn hại, nên gọi là Chúng hợp. Trước dùng dây màu đen để lường buộc siết khắp chi thể, rồi sau mới cưa xẻ, nên gọi là Hắc thằng. Quá nhiều thứ khổ bức hại thân, khiến tội nhân luôn ngất xỉu như chết tức thì sống lại như trước, nên gọi là Đẳng hoạt. Nghĩa là hữu tình kia tuy phải chịu vô số thứ chặt, đâm, mài, giã, nhưng vừa gặp chút gió mát thổi đến tức liền sống lại như cũ. Vì sống lại là bằng như trước, nên lập tên Đẳng hoạt.

Số lượng tăng thêm của tám Nại-lạc-ca đều là mười sáu. Nghĩa là bên ngoài bốn cửa đều có bốn Nại-lạc-ca tăng thêm. Do không phải đều là tên khác, nên chỉ nêu lên số nhất định, Đức Bạc-già-phạm đã nói tụng này:

Tám Nại-lạc-ca này

Ta nói rất khó vượt

Dùng sắt nóng làm đất

Vây quanh có tường sắt.

Bốn mặt có bốn cửa

Cổng đóng dùng cửa sắt

Khéo bày biện phân lượng

Tăng đều có mười sáu.

Nhiều trăm du-thiện-na

Trong đầy kẻ tạo ác

Lửa cháy suốt cùng khắp

Lửa dữ luôn tỏa rực.

Trong mười sáu địa ngục này thọ nhận khổ càng thêm dữ dội, vì vượt hơn địa ngục gốc, nên nói là tăng. Hoặc ở trong ấy thọ vô số thứ khổ, vì có nhiều loại vật dụng tạo khổ, nên nói là tăng. Hoặc ở trong địa ngục đã nhận lấy khổ khắp rồi lại gặp tiếp những khổ ấy lần nữa, nên nói là tăng.

Có thuyết nói: Hữu tình ra khỏi địa ngục rồi, vì thường lại gặp khổ nữa, nên nói là tăng.

Cửa đều có bốn thứ tăng, tên gọi ấy là những gì?

Là các thứ tro nóng, tử thi phân, mũi nhọn, sông lửa. Cửa cửa có bốn thứ tăng, thảy đều giống nhau.

Tro nóng tăng: Nghĩa là trong ngục tăng này tro nóng chìm ngập tới đầu gối, lượng ấy rộng lớn, nhiều du-thiện-na. Hữu tình đi qua trong đó, vừa bỏ chân xuống, tức thì da thịt với máu đều cùng vữa nát, rơi rớt. Đưa chân lên là sinh trở lại, bình phục như cũ.

Tử thi phân tăng: Nghĩa là trong ngục tăng này tử thi, phân bùn, đầy dẫy tuôn chảy tung tóe hôi thối ngập sâu nơi người. Lại lượng rộng lớn so với trước là tăng. Trong đó có nhiều loài trùng lang củ trá, mỏ nhọn bén như kim, thân trắng, đầu đen. Hữu tình đi đến đây đều bị thứ trùng này dùi xoắn vào da làm vỡ nát xương ăn lấy tủy.

Mũi nhọn tăng: Trong phần ngục tăng này lại có ba thứ:

1. Đường đao nhọn: Ở đây sắp đặt các thứ dao nhọn ngửa lên, dùng làm đường lớn. Hữu tình đi qua trên đó, khi vừa đặt chân xuống, da thịt cùng với máu đều bị cắt nát, rơi xuống. Đưa chân lên thì sinh trở lại, bình phục như cũ.

2. Rừng lá gươm: Trên rừng này thuần dùng các thứ mai nhọn, gươm bén làm lá. Hữu tình đi vào bên dưới, gió thổi, lá rụng, chém đâm khắp chi thể, xương thịt rơi rớt khắp. Có thứ chó đen lang lổ vồ xáp tới khiến thân ngã nhào. Chó liền cắn nát đầu, xé chân ngoạm cổ, moi bụng lấy tim nhai nuốt.

3. Rừng sắt nhọn đâm: Tức bên trong rừng này có những cây sắt cao vút, lượng quá trăm người. Lại có nhiều sắt bén nhọn đâm, dài mười sáu ngón tay. Hữu tình khi bị bức bách trèo lên cây nhảy xuống đất tức thì bị các thứ mũi nhọn đâm từ dưới lên trên. Có loài chim mỏ sắt xún lại mổ lấy tròng mắt, tim gan của các hữu tình kia tranh nhau mà ăn.

Ba thứ như đường dao nhọn v.v… tuy khác, nhưng các thứ binh khí bằng sắt thì đồng, nên thuộc về một địa ngục tăng.

Sông lửa tăng: Nghĩa là sông của phần tăng này lượng rất sâu rộng, nước dữ mặn sôi sục đầy tràn trong đó. Hữu tình rớt ngập trong sông ấy, hoặc nổi hoặc chìm, hoặc ngược hoặc xuôi, hoặc ngang hoặc chuyển, đều bị chưng nấu, xương da nát nhừ như cháo nhuyễn. Như nước tro đựng đầy trong vạc lớn, ném vào đấy những hạt mè, hạt gạo v.v… bên dưới lửa dữ cháy bùng, mè, gạo v.v… ở trong ấy xoay chuyển lên xuống. Các hữu tình kia toàn thân bị nhừ nát cũng như vậy. Nếu như muốn chạy trốn, thì trên hai bờ sông có các lính ngục, tay cầm dao thương ngăn cản khiến phải quay trở lại, không do đâu để ra khỏi.

Lại có lính ngục bủa giăng lưới sắt lớn, lùa các hữu tình đem đặt trên bờ, dùng nước đồng sôi rót vào miệng, lại khiến nuốt hòn sắt nóng. Các thứ khổ trải qua đủ, trở lại ném các hữu tình kia xuống sông. Sông này như hào, ba mặt phía trước giống như khu vườn vây quanh, tạo vẻ oai nghiêm cho các địa ngục lớn.

Đã nói về tám Nại-lạc-ca nóng. Nại-lạc-ca lạnh giá cũng có tám thứ. Đó là: (1) Át bộ đà. (2) Ni thích bộ đà. (3) Át triết trá. (4) Hoắc hoắc bà. (5) Hô hô bà. (6) Ốt bát la. (7) Bát đặc ma. (8) Ma ha bát đặc ma.

Hữu tình ở trong ấy luôn bị các thứ lạnh giá bức bách. Tùy theo âm thanh phát ra từ thân hình ung nhọt biến đổi để lập danh tưởng có sai biệt. Nghĩa là hai, ba, ba (hai loại đầu, ba loại tiếp, ba loại sau), như thứ lớp ấy.

Những địa ngục lạnh này ở tại nơi chốn rất tối tăm bên ngoài núi Luân Vi vây quanh bốn châu, trong ấy luôn có gió lạnh buốt, trên dưới thổi đập xô đẩy ngang dọc xoay giữ. Hữu tình đi qua vùng đất băng giá này đều dựa vào nhau. Khí lạnh khốc liệt cắt xé thân thể, da thịt phồng lên, nứt lở ra, thân run rẩy, cứng đờ, đều phát ra âm thanh khác lạ, các mụt nhọt vỡ toét, như tướng của ba thứ hoa.

Phần nhiều do hủy báng Thánh Hiền nên đã chiêu cảm quả khổ như thế.

Có thuyết nói: Những địa ngục lạnh này ở bên cạnh địa ngục nóng. Do châu Thiệm Bộ trên hẹp, dưới rộng, hình như đống lúa, nên có thể thâu nạp. Thế nên biển cả càng sâu dần thì hẹp dần.

Mười sáu địa ngục lớn đều do nghiệp tăng thượng của các hữu tình đã chiêu cảm. Ngoài ra có các địa ngục riêng lẻ, hoặc nhiều, hoặc một, hai, đều do nghiệp riêng chiêu cảm. Hoặc ở gần nơi sông lớn nhỏ, trong núi, đồng rộng. Hoặc ở nơi xứ khác: dưới đất, trong không. Ba địa ngục Vô gián, Cực nhiệt và Viêm nhiệt, trong ấy đều không có lính ngục canh giữ. Ba địa ngục Đại khiếu, Hào khiếu và Chúng hợp, có ít lính ngục. Các sứ của Diễm ma vương thường xuyên qua lại để tuần tra các hữu tình kia. Số còn lại đều được các lính ngục canh giữ. Lính ngục là loại khác của hữu tình vô tình, vì giữ việc canh phòng, trị phạt các tội nhân nên lửa không thiêu đốt.

Lính ngục hữu tình: Vì thân của những kẻ ấy bẩm thọ riêng loại đại chủng khác biệt. Hoặc do sức của nghiệp đã ngăn cách. Tất cả thân hình của địa ngục đều đứng thẳng.

Đầu tiên là đồng Thánh ngữ. Từng nghe có người dùng Thánh ngữ nói với họ: Ông ở trong nhân gian, không quán xét lỗi lầm của dục. Lại không kính vâng các bậc Phạm chí, Sa-môn. Thế nên nay phải nhận lấy các thứ khổ dữ dội này. Các tội nhân kia nghe nhận hiểu, tâm sinh xấu hổ, hối hận. Về sau không còn phân minh, vì luôn bị khổ não bức bách. Phần khí thế gian của các địa ngục đã được sắp đặt yên định như thế.

Chỗ ở của bàng sinh là dưới nước, đất liền, trên không. Hình sắc hiển sắc của loại sinh thì có vô biên sai biệt. Tướng đi của thân chúng phần đứng thẳng ít, phần ngang nhiều. Gốc trụ ở trong biển, về sau lưu chuyển nơi năm nẻo, đầu tiên là đồng Thánh ngữ, về sau sai trái dần.

Các quỷ vốn cư trú ở nước của Diễm ma vương, từ nước này lần lượt phân tán đi đến phương khác.

Ở phía nam châu Thiệm Bộ này, đi thẳng xuống bên dưới, lượng sâu quá năm trăm du-thiện-na, có kinh đô của Diễm ma vương, lượng dài rộng cũng như vậy.

Quỷ có ba thứ. Nghĩa là không có, có ít, có nhiều của cải. Không có của cải lại gồm ba. Nghĩa là đuốc, cây kim, miệng hôi. Ít của cải cũng có ba. Nghĩa là cây kim, lông hôi, có bướu. Nhiều của cải cũng có ba: Trông mong cúng tế, từ bỏ, thế lực lớn. Giải thích rộng về chín thứ này, như nơi Luận Thuận Chánh Lý. Nhưng trong các quỷ không có oai đức, chỉ ở nơi ba châu có, trừ châu Bắc Câu lô. Nếu có oai đức thì trên các trời cũng có.

Nơi bãi ở phía tây châu Thiệm Bộ có năm trăm bãi nhỏ. Trong đó có hai bãi chỉ là nơi chốn cư trú của quỷ. Mỗi bãi đều có thành. Hai trăm năm mươi quỷ có oai đức trụ nơi thành của một bãi. Quỷ không có oai đức thì ở nơi thành của một bãi còn lại. Các quỷ phần nhiều có hình tướng thẳng đứng mà đi.

Vào thời kỳ đầu tiên của kiếp, đều đồng Thánh ngữ, về sau tùy theo xứ dị biệt, nên có vô số thứ sai trái.

Về nghĩa nơi cư trú dung lượng của mặt trời, mặt trăng v.v… Tụng nêu:

Nhật, nguyệt nửa Mê lô

Năm mươi mốt, năm mươi

Nửa đêm nhật lặng giữa

Nhật xuất, bốn châu cùng.

Mùa mưa tháng thứ hai

Chín sau, đêm dần tăng

Thứ tư lạnh cũng thế

Đêm giảm, ngày trái đây.

Ngày đêm tăng lạp-phược

Lúc hành đường nam, bắc

Nhật gần che bóng mình

Nên thấy vầng trăng khuyết.

Luận nói: Mặt trời, mặt trăng (nhật, nguyệt), các vì sao dựa vào gì để trụ? Dựa vào gió để trụ. Nghĩa là do sức tăng thượng nơi nghiệp của các hữu tình đã cùng dẫn gió khởi, xoay vần trong không, vòng quanh núi Diệu Cao, chuyển vận, giữ gìn mặt trời v.v… khiến không dừng lại, rơi xuống.

Nơi chốn an trụ của mặt trời, mặt trăng kia cách đây bao nhiêu du-thiện-na?

Đỉnh núi Trì Song bằng một nửa núi Diệu Cao. Lượng đường của mặt trời v.v… có bao nhiêu du-thiện-na? Mặt trời có năm mươi mốt. Mặt trăng chỉ năm mươi. Các ngôi sao nhỏ nhất là nửa câu-lôxá, to nhất là mười sáu du-thiện-na.

Ở nơi bốn châu, mặt trời, mặt trăng đều có riêng chăng? Không phải như vậy. Bốn châu đều đồng một mặt trời, mặt trăng. Bốn xứ đều cùng thời tạo tác các sự việc chăng? Không phải thế. Vì sao? Vì các khoảng thời gian: Nửa đêm mặt trời lặn, giữa ngày mặt trời mọc nơi bốn châu là như nhau.

Bốn châu Câu Lô, Thiệm Bộ, Ngưu Hóa, Thắng Thân cách núi Diệu Cao, cùng đối với núi mà trụ. Nếu ở châu Câu Lô là nửa đêm, tức ở châu Thiêm Bộ là giữa ngày. Châu Thắng Thân mặt trời lặn, tức ở châu Ngưu Hóa là mặt trời mọc. Nếu ở châu Ngưu Hóa là giữa ngày, tức ở châu Thắng Thân là nửa đêm. Ở châu Thiệm Bộ mặt trời lặn, thì ở châu Câu Lô là mặt trời mọc.

Ở đây tóm lược nghĩa: Tùy theo châu nào cùng đối nơi giữa ngày, giữa tháng, hai châu còn lại, theo chỗ tương ưng thì phía tây lặn, phía đông mọc, châu thứ ba ở giữa đêm, giữa ngày. Do đấy, nếu thời gian ở châu Thắng Thân, châu Ngưu Hóa, như thứ lớp đó là giữa ngày, giữa tháng. Bấy giờ, ánh sáng nơi bốn châu đều có. Nhưng ánh sáng tạo sự việc tại châu đông nam thì ở nơi châu tây bắc, chỉ dùng ánh sáng làm việc. Đều cùng thấy hai sự việc ở châu nam bắc, nghĩa là ở châu Thiệm Bộ. Thấy mặt trời mọc, mặt trăng lặn, thấy mặt trăng mọc, mặt trời lặn, là ở châu Câu Lô. Châu Đông Thắng Thân chỉ được thấy mặt trời. Chỉ được thấy mặt trăng, nghĩa là ở châu Ngưu Hóa.

Như thế, phần so sánh còn lại nên tư duy, lựa chọn.

Do đâu ngày đêm có giảm, có tăng?

Vì đường đi của mặt trời xuyên qua châu này có riêng khác. Từ ngày mồng chín nửa sau của tháng thứ hai, thuộc mùa mưa, thì đêm tăng dần. Từ ngày thứ chín nửa sau của tháng thứ tư, thuộc mùa lạnh, thì đêm giảm dần. Phần vị tăng giảm của ngày là trái với đây. Lúc đêm tăng dần, thì ngày tức giảm dần. Phần vị đêm giảm dần, thì ngày tức tăng dần.

Khi ngày đêm tăng, thì một ngày đêm tăng bao nhiêu? Tăng một lạp-phược. Ngày đêm giảm cũng như vậy.

Mặt trời vận hành nơi châu này là theo hướng nam, hướng bắc. Như thứ lớp đó là đêm tăng, ngày tăng.

Vì sao vầng trăng ở nơi phần vị đầu của nửa tháng sáng trời, cuối của nửa tháng tối trời thì thấy có khuyết?

Trong phần Thiết lập thế gian đã giải thích như thế này: Do cung điện của mặt trăng vận cận hành vầng mặt trời, mặt trăng bị ánh sáng của vầng mặt trời soi chiếu lấn át. Bên còn lại đã phát khởi bóng tự che khuất vầng mặt trăng khiến vào thời bấy giờ thấy không tròn đầy.

Lý tất nên như vậy. Vì vào lúc bấy giờ cũng trông thấy vầng trăng sáng không hoàn toàn. Do đấy, lúc mặt trời lặn là khi mặt trăng mọc, cách nhau rất xa, trông thấy mặt trăng tròn đầy cùng với các cung điện như mặt trời v.v…

Hữu tình nào cư trú nơi trời Tứ đại vương. Thiên chúng của các bộ ấy là các thiên chúng chỉ trụ ở đấy chăng?

Nếu là chư thiên cư trú nơi hư không thì chỉ ở nơi các cung điện như mặt trời v.v… như thế. Nếu là chư thiên cư trú nơi đại địa thì ở nơi núi Diệu Cao.

Về các tầng cấp v.v… thì có bao nhiêu? Lượng của chúng như thế nào? Những chư thiên nào cư trú ở nơi tầng cấp nào?

Tụng nêu:

Diệu Cao có bốn tầng

Cách nhau đều mười ngàn

Bên xuất mười sáu ngàn

Lượng tám, bốn, hai ngàn.

Kiên Thủ và Trì Man

Hằng Kiêu, Đại vương chúng

Thứ lớp trụ bốn cấp

Cũng trụ bảy núi khác.

Luận nói: Núi Tô-mê-lô có bốn tầng cấp.

Bắt đầu từ mé nước đến hết tầng thứ nhất, cách nhau mười ngàn du-thiện-na.

Như thế, cho đến từ tầng thứ ba đến hết tầng thứ tư, cũng số lượng là mười ngàn. Bốn tầng cấp này từ bên núi Diệu Cao nhô ra vây quanh đến hết nửa dưới của núi kia. Tầng cấp đầu tiên nhô ra mười sáu ngàn. Tầng cấp thứ hai, thứ ba, thứ tư, như thứ lớp đó là tám, bốn, hai ngàn.

Vì trời trụ nơi tầng đầu tiên gọi là Kiên Thủ. Trì Man ở tầng thứ hai. Hằng Kiêu ở tầng thứ ba. Bốn Đại Thiên vương và các quyến thuộc đều cùng theo một phương diện ở nơi tầng thứ tư. Ba vị trời như Kiên Thủ v.v… đều thuộc về chúng Tứ vương. Trên bảy núi vàng như núi Trì Song v.v… cũng có thôn ấp thuộc bộ phận của Tứ vương. Đây gọi là trời Tứ đại vương chúng dựa vào đại địa trụ.

Ở trong trời thuộc cõi dục, trời này rất rộng.

Trời Ba Mươi Ba trụ ở xứ nào?

Tụng nêu:

Đỉnh Diệu Cao tám vạn

Trời Ba Mươi Ba ở

Bốn góc có bốn ngọn

Chỗ trụ Kim Cang Thủ.

Cung giữa gọi Thiện kiến

Vòng vạn du-thiện-na

Thành vàng cao một nửa

Tô điểm đất mềm nhuyễn.

Giữa có điện Thù thắng

Chu vi ngàn do tuần

Ngoài: bốn vườn trang nghiêm

Chúng xa, Thô, Tạp, Hỷ.

Đất diệu ở bốn phía

Cách nhau đều hai mươi

Cây Viên sinh: Đông bắc

Thiện pháp đường: Tây nam.

Luận nói: Trời Ba Mươi Ba cư trú ở đỉnh núi Mê Lô. Bốn mặt của đỉnh ấy đều rộng hai mươi ngàn. Nếu căn cứ theo chu vi thì số lượng thành tám vạn.

Có Sư khác nói: Mỗi mặt đều tám mươi ngàn, so với bốn bên của mé dưới, số lượng kia không khác.

Bốn góc của đỉnh núi đều có một ngọn núi, lượng cao rộng đều là năm trăm du-thiện-na. Có thần Dược-xoa tên Kim Cang Thủ cư trú trong đó để bảo vệ chư thiên. Ở giữa đỉnh núi có cung điện gọi Thiện kiến, mỗi mặt là hai ngàn năm trăm, chu vi là một vạn duthiện-na. Thành bằng vàng, lượng cao một du-thiện-na rưỡi, mặt đất nơi cung điện kia thì bằng phẳng, cũng do vàng ròng tạo thành, đều dùng một trăm lẻ một thứ báu xen lẫn để tô điểm. Đất chạm xúc thì mềm mại như Đố-la-miên. Khi bước giẫm lên đất thì tùy theo bước chân mà đất có cao, thấp. Đây là thành lớn, là kinh đô của Thiên Đế Thích. Thành có một ngàn cửa, trang nghiêm tráng lệ. Ở mỗi cửa đều có năm trăm Dạ-xoa mặc áo xanh khỏe mạnh, dũng mãnh, oai nghiêm, lượng là một du-thiện-na, đều trang bị áo giáp, tay cầm binh khí phòng thủ cửa thành. Trong thành có điện Thù thắng, dùng vô số thứ báu đẹp đẽ để trang nghiêm đầy đủ. Vì che khuất những cung trời khác, nên gọi là Thù thắng. Mỗi phía là hai trăm năm mươi, chu vi là một ngàn du-thiện-na. Đó gọi là các sự việc đáng yêu thích trong thành. Bốn mặt bên ngoài thành có bốn khu vườn trang nghiêm, là nơi chốn của chư thiên kia cùng dạo chơi:

1. Vườn Chúng xa: Nghĩa là trong vườn này, tùy theo sức phước của trời, nên có vô số thứ xe hiện ra.

2. Vườn Thô ác: Khi trời sắp chiến đấu, tùy theo chỗ cần dùng, áo giáp, binh khí v.v… hiện ra.

3. Vườn Tạp lâm: Chư thiên vào vườn dạo chơi, thưởng ngoạn đều đồng, đều cùng sinh vui mừng thù thắng.

4. Vườn Hỷ lâm: Dục trần cực diệu đủ loại xen tạp đều cùng hiện đến, ngắm xem qua không chán.

Bốn khu vườn như thế, hình tướng đều vuông vức, mỗi mỗi khu vườn, chu vi một ngàn du-thiện-na, trong ấy đều có một ao Như ý, diện tích đều năm mươi du-thiện-na, nước đủtám công đức tràn đầy nơi ao. Tùy theo ý muốn tức có các thứ hoa đẹp, thuyền báu, chim quý, mỗi mỗi đều kỳ lạ tươi đẹp với vô số trang nghiêm.

Bốn bên của bốn khu vườn có bốn thửa đất đẹp đẽ, trung gian đều cách khu vườn hai mươi du-thiện-na, mỗi mỗi bên của thửa đất, lượng đều là hai trăm, là nơi chốn các thiên chúng thường đến dạo chơi vui thích. Chư thiên ở nơi bốn thửa đất kia đã luôn thi tài đấu sức vui vẻ tranh hơn thua.

Ngoài thành về phía đông bắc có cây Viên sinh, là nơi chốn thích hợp để chư thiên trời Ba Mươi Ba thọ hưởng dục lạc. Rễ cây cuộn khúc, cắm sâu vào đất rộng năm mươi du-thiện-na. Thân cây cao vút, cành nhánh đan xen phủ rậm, lượng cao rộng bằng nhau là một trăm du-thiện-na. Nơi chiếc lá tận cùng của cành cây thì nở hoa hương diệu, tỏa ngát thuận theo gió, xông đầy một trăm du-thiện-na. Nếu ngược gió thì hương xông tỏa cũng đến khắp năm mươi du-thiện-na.

Ở góc phía tây nam ngoại thành, có Đại Thiện Pháp Đường, là nơi chốn chư thiên trời Ba Mươi Ba tập hợp để xem xét biện biệt về các sự việc như pháp, không như pháp, như chế phục A-tố-lạc v.v….

Như thế là đã biện về khí thế gian bên ngoài, thuộc nơi chốn cư trú của trời Ba Mươi Ba. Khí thế gian thuộc nơi chốn cư trú của thiên chúng hữu sắc còn lại thì thế nào?

Tụng nêu:

Trời hữu sắc trên đây

Cung điện dựa hư không.

Luận nói: Từ trời Dạ ma đến trời Sắc cứu cánh, cung điện của nơi chốn cư trú đều chỉ nương dựa vào hư không.

Có thuyết cho: Trong hư không mây dày phủ kín, bủa giăng khắp như đất, làm khí thế gian bên ngoài, là đối tượng nương dựa của cung điện kia.

Đến trên trời Sắc cứu cánh, vì vô sắc nên không thể thiết lập.

Như thế là đã nói về các thiên chúng. Trong ấy, Tụng nêu:

Sáu thọ dục giao, ôm

Cầm tay, cười, nhìn dâm

Luận nói: Trời Phạm chúng v.v… do sức đối trị, nên đối với các pháp dục đều đã xa lìa. Chỉ sáu trời thuộc cõi dục thọ nhận cảnh của dục diệu. Sáu trời thuộc cõi dục là:

1. Trời Tứ đại vương chúng: Nghĩa là trời kia có bốn đại vương và chúng được thống lãnh. Hoặc thiên chúng kia phụng sự bốn đại vương, là đối tượng thống lãnh của bốn đại vương.

2. Trời Ba Mươi Ba: Tức xứ trời kia là nơi chốn cư trú của chư thiên thuộc ba mươi ba bộ. Bốn mặt của đỉnh núi Diệu Cao, mỗi mặt đều có tám bộ thiên chúng, trung ương có một, tức Thiên Đế Thích, nên gọi là Ba Mươi Ba.

3. Trời Dạ Ma: Nghĩa là xứ trời kia thời thời phần nhiều đều xưng hô “Vui thích thay”.

4. Trời Đổ Sử Đa: Tức xứ trời kia phần nhiều đối với chốn thọ sinh của chính mình có tâm biết đủ.

5. Trời Lạc Biến Hóa: Tức xứ trời kia luôn ưa thích cảnh dục hóa tác để ở đấy thọ lạc.

6. Trời Tha Hóa Tự Tại: Nghĩa là xứ trời kia đối với cảnh dục do người khác đã biến hóa luôn tự tại thọ lạc.

Trong sáu trời thuộc cõi dục, thì hai trời đầu (Trời Tứ đại vương chúng và trời Ba Mươi Ba) là trời cư trú dựa vào đại địa, thì hình giao thành dâm so với người không khác. Nhưng gió nổi lên thì những nóng bức do hơi tiết ra liền trừ, không phải như nơi nhân gian có chất bất tịnh khác.

Thiên chúng trời Dạ Ma vừa ôm nhau là thành dâm. Đều cùng khởi tâm nhiễm, khi vừa ôm nhau thì những nóng bức liền dứt. Chỉ một bên khởi nhiễm, tuy thọ lạc khi ôm nhau, nhưng không thành dâm. Nếu cả hai đều cùng không có tâm nhiễm, thì tuy cùng cầm tay, ôm nhau, như người thân cùng kính yêu, thì không có lỗi.

Trời Đổ Sử Đa chỉ do cầm tay thì những nóng bức liền dứt.

Trời Lạc Biến Hóa chỉ hướng vào nhau cười liền trừ bỏ nóng bức.

Trời Tha Hóa Tự Tại chỉ nhìn nhau là thành dâm.

Như thế, ba trời sau đều cùng chỉ một bên khởi thì là không nhiễm. Lạc ái thành dâm có sai biệt như trước.

Trong hai trời sau, chỉ biến hóa của cải, vật dụng. Nếu khác với đây, thì đều cùng có nhiễm là không thành. Thật ra thì đều cùng hình giao mới thành sự việc dâm. Luận Thi Thiết đã nói thời gian hiển bày là không đồng. Do cảnh dục của chư thiên cõi trên càng thượng diệu. Tâm tham nơi thân thô nặng chuyển, tức chạm xúc có khác. Nên trải qua thời gian ít, nhưng luôn thành việc dâm. Không như vậy, thì dục lạc của trời, tức nên ít hơn trong nẻo người. Tùy trên đầu gối của nam, nữ chư thiên kia, có đồng nam, đồng nữ đột nhiên hóa sinh, tức nói là trời kia đã sinh nam nữ. Lượng thân của thiên chúng mới sinh như thế nào?

Tụng nêu:

Đầu, như năm đến mười Sắc viên mãn, có áo.

Luận nói: Lại chư thiên của sáu trời thuộc cõi dục mới sinh, như thứ lớp tức như con người năm, sáu, bảy, tám, chín mười tuổi. Sinh xong thì thân hình nhanh chóng được đầy đủ. Thiên chúng của cõi sắc lúc mới sinh, lượng thân là hoàn toàn viên mãn, có đủ y phục tốt đẹp. Tất cả thiên chúng đều nói lời Thánh. Nghĩa là ngôn từ của các trời kia là đồng với vùng trung Ấn Độ. Nhưng không do học mà tự hiểu được ngôn ngữ của sách vở.

Dục sinh, lạc sinh có sai biệt như thế nào?

Tụng nêu:

Dục sinh ba, người trời

Lạc sinh ba, chín xứ.

Luận nói: Dục sinh ba: Là có các hữu tình ưa thích thọ nhận các cảnh của dục diệu hiện tiền. Hữu tình kia ở trong cảnh của dục hiện như thế tự tại mà chuyển. Nghĩa là toàn nẻo người và bốn trời dưới.

Có các hữu tình ưa thích thọ nhận các cảnh của dục diệu do tự mình biến hóa. Hữu tình kia ở trong cảnh của dục diệu do tự mình biến hóa tự tại mà chuyển. Nghĩa là chỉ trời thứ năm, tức trời Lạc Biến Hóa.

Có các hữu tình ưa thích thọ nhận các cảnh của dục diệu do người khác biến hóa. Hữu tình ấy ở trong cảnh của dục diệu do người khác biến hóa tự tại mà chuyển. Nghĩa là trời thứ sáu, tức trời Tha Hóa Tự Tại.

Dục sinh ba này dựa vào gì để kiến lập?

Dựa vào thọ như sinh cảnh dục hiện tiền. Dựa vào thọ như ưa thích cảnh dục tự biến hóa. Dựa vào thọ như ưa thích cảnh dục do người khác biến hóa. Lại, dựa vào cảnh đã thọ nhận có hạ, trung, thượng. Lại dựa vào cảnh dục hiện tiền đã thọ dụng có tội, có nhọc mệt. Dựa vào cảnh dục do tự biến hóa đã ưa thích thọ dụng không có tội, có nhọc mệt. Dựa vào cảnh dục do kẻ khác biến hóa đã ưa thích thọ dụng không tội, không nhọc mệt.

Lạc sinh ba: Là trong ba tĩnh lự, đối với chín xứ sinh thọ nhận ba thứ lạc. Do hữu tình kia đã thọ nhận có dị thục lạc, không có dị thục khổ, nên gọi là lạc sinh.

Lạc sinh ba này dựa vào gì để kiến lập?

Dựa vào nhiều an trụ nơi ly sinh hỷ lạc, định sinh hỷ lạc, cùng ly hỷ lạc. Hoặc dựa vào ba thứ tai họa đã bắt kịp. Hoặc dựa vào tầm hỷ lạc đã tăng thượng. Hoặc dựa vào thân tưởng khác, không khác.

Đã nêu bày về hai mươi hai xứ của chư thiên. Trên, dưới cách nhau, lượng ấy như thế nào?

Tụng nêu:

Như trời kia cách dưới

Cách trên, số cũng vậy.

Luận nói: Mỗi mỗi trung gian theo lượng du-thiện-na, không phải dễ có thể tính đếm, chỉ có thể nêu tổng quát. Lượng trời kia cách dưới, cách trên, so sánh là như vậy.

Tùy theo từ lượng cách biển dưới của trời nào, thì chỗ đến tới trên của trời kia so với lượng cách trời dưới là đồng. Nghĩa là núi Diệu Cao, từ tầng cấp thứ tư, cách biển cả dưới là bốn vạn du-thiệnna, thì trời trên cách trời Ba Mươi Ba cũng như lượng cách biển dưới. Như trời Ba Mươi Ba cách biển cả dưới, thì trời trên cách trời Dạ Ma, lượng ấy cũng như vậy.

Như thế cho đến như trời Thiện Kiến cách biển cả dưới, thì từ trời trên kia cách trời Sắc Cứu Cánh, lượng ấy cũng như vậy. Như thế, cách xa nhiều du-thiện-na, như người mắt sáng trong khoảnh khắc vừa thấy sắc. Đức Thế Tôn có thể dùng thần thông ý thế, vận thân qua lại tự tại, vô ngại, nên thần lực của Phật là không thể nghĩ bàn.

Ở xứ dưới sinh lên xứ trên là có thấy chăng?

Tụng nêu:

Lìa sức thông, dựa người

Dưới lên trên không thấy.

Luận nói: Như trời Tứ đại vương chúng thấy lên trời Ba Mươi Ba, không phải trời Ba Mươi Ba v.v… thấy lên trời Dạ Ma v.v… Nhưng trời kia nếu được định đã phát khởi thông, thì tất cả đều có thể thấy lên trời trên. Hoặc dựa vào sức của người khác thấy lên trời trên. Nghĩa là được thần thông cùng thiên chúng của trời trên tiếp dẫn đi đến trời kia theo chỗ thích ứng. Hoặc trời trên đi tới trời dưới cũng có thể thấy. Nếu địa của cõi trên, khi lại hướng xuống của địa cõi dưới, không phải là hóa thân của cõi dưới, do mắt của cõi dưới không thấy, vì không phải là cảnh giới của họ. Như không nhận biết xúc của cõi kia. Khi địa cõi trên lại hướng xuống địa của cõi dưới, tất hóa làm thân của cõi dưới khiến cõi dưới trông thấy.

Dựa vào thiên chúng cư trú, dựa nơi đại địa đã nói về lượng của xứ.

Lượng của xứ như trời Dạ Ma v.v… thì thế nào?

Có thuyết nói: Bốn trời như đỉnh núi Mê Lô.

Có thuyết cho: Bốn trời này càng lên trên là tăng gấp bội.

Có Sư khác nêu: Cung điện của địa thuộc tĩnh lự thứ nhất, dựa nơi xứ bằng một nơi bốn châu. Tĩnh lự thứ hai thì bằng tiểu thiên giới. Tĩnh lự thứ ba thì bằng trung thiên giới. Tĩnh lự thứ tư thì bằng đại thiên giới.

Có Sư khác nói: Ba tĩnh lự dưới như thứ tự, lượng bằng: Tiểu, trung, đại thiên. Lượng của tĩnh lự thứ tư là không có biên vực.

Ngang với lượng nào để nói là tiểu, trung, đại thiên?

Tụng nêu:

Bốn châu lớn trời, trăng

Tô-mê-lô trời dục

Phạm thế đều một ngàn

Gọi một tiểu thiên giới.

Gấp ngàn tiểu thiên này

Gọi là một trung thiên

Gấp ngàn này: Đại thiên

Đều đồng một thành, hoại.

Luận nói: Một ngàn bốn châu lớn cho đến Phạm thế. Như vậy nói chung là một tiểu thiên. Ngàn lần tiểu thiên gọi là một trung thiên giới. Một ngàn trung thiên giới gọi chung là một đại thiên.

Như thế, đại thiên đồng thành, đồng hoại, trong đó, loài hữu tình thành hoại cũng đồng.

HẾT – QUYỂN 16

Bài Viết Liên Quan

1563-2

Luận A Tỳ Đạt Ma Tạng Hiển Tông Quyển 39

LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẠNG HIỂN TÔNG Tác giả: Tôn giả Chúng Hiền Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ   QUYỂN 39 Phẩm thứ 9: BIỆN VỀ ĐỊNH, phần 2 Như thế là đã...
1563-2

Luận A Tỳ Đạt Ma Tạng Hiển Tông Quyển 08

LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẠNG HIỂN TÔNG Tác giả: Tôn giả Chúng Hiền Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ   QUYỂN 8 Phẩm thứ 3: BIỆN VỀ SAI BIỆT, phần 4 Tuy lìa đối...
1563-2

Luận A Tỳ Đạt Ma Tạng Hiển Tông Quyển 33

LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẠNG HIỂN TÔNG Tác giả: Tôn giả Chúng Hiền Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ   QUYỂN 33 Phẩm thứ 7: BIỆN VỀ HIỀN THÁNH, phần 5 Đã nói rõ...
1563-2

Luận A Tỳ Đạt Ma Tạng Hiển Tông Quyển 12

LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẠNG HIỂN TÔNG Tác giả: Tôn giả Chúng Hiền Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ   QUYỂN 12 Phẩm thứ 4: BIỆN VỀ DUYÊN KHỞI, phần 1 Đã dựa nơi...
1563-2

Luận A Tỳ Đạt Ma Tạng Hiển Tông Quyển 31

LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẠNG HIỂN TÔNG Tác giả: Tôn giả Chúng Hiền Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ   QUYỂN 31 Phẩm thứ 7: BIỆN VỀ HIỀN THÁNH, phần 3 Đã biện về...
1563-2

Luận A Tỳ Đạt Ma Tạng Hiển Tông Quyển 24

LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẠNG HIỂN TÔNG Tác giả: Tôn giả Chúng Hiền Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ   QUYỂN 24 Phẩm thứ 5: BIỆN VỀ NGHIỆP, phần 7 Như trên đã nói...