LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 77
Chương 2: KIẾT UẨN
Phẩm 4: BÀN VỀ MƯỜI MÔN, phần 7
Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có bốn vị Đại Luận sư, mỗi vị đều kiến lập riêng về ba đời có khác nhau. Tôn giả Pháp Cứu nói về loại có khác. Tôn giả Diệu Âm nói về tướng có khác. Tôn giả Thế Hữu nói về phần vị có khác. Còn Tôn giả Giác Thiên nói về đối đãi có khác.
Nói về Loại có khác, vị này cho: Các pháp ở đời khi chuyển biến là do loại có khác, không phải là do Thể có khác. Như khi đập vỡ kim khí để tạo các vật dụng khác, hình tướng tuy có khác, nhưng sắc hiển bày không khác. Lại như khi sữa biến chế thành tô, lạc, chỉ chuyển bỏ mùi vị không bỏ màu sắc hiển bày. Các pháp như thế từ đời vị lai khi đến với đời hiện tại, tuy bỏ loại vị lai để được loại hiện tại, nhưng Thể của pháp ấy không được cũng không bỏ. Lại, từ đời hiện tại khi trở thành đời quá khứ, tuy bỏ loại hiện tại để được loại quá khứ, nhưng Thể của pháp ấy cũng không được, không bỏ.
Nói về Tướng có khác, vị này nêu: Các pháp ở đời khi chuyển biến là do tướng có khác, không phải là do Thể có khác. Mỗi mỗi pháp ở đời có tướng của ba đời: Một là tướng chánh hợp. Hai là tướng không phải là lìa. Như một người đang khi đắm nhiễm một nữ sắc, đối với các nữ sắc khác không gọi là lìa nhiễm. Các pháp như thế khi trụ ở đời quá khứ, chính là cùng với quá khứ tương hợp, đối với tướng của hai đời còn lại kia không gọi là lìa. Khi trụ ở đời vị lai, chính là cùng với vị lai tương hợp, đối với tướng của hai đời còn lại kia không gọi là lìa. Khi trụ ở đời hiện tại, chính là cùng với hiện tại tương hợp, đối với tướng của hai đời còn lại kia không gọi là lìa.
Nói về Vị có khác, vị này cho: Các pháp ở đời khi chuyển biến là do vị trí có khác, không phải là do Thể có khác. Như đem một thẻ đặt vào một vị trí gọi là một, đặt mười vị trí gọi là mười, đặt một trăm vị trí gọi là một trăm v.v… Tuy trải qua nhiều vị trí có khác, nhưng Thể của chúng không khác. Các pháp như thế trải qua vị trí của ba đời, tuy được ba tên gọi, nhưng Thể không khác. Chỗ lập về đời của vị Luận sư này không tạp loạn. Vì sao? Vì căn cứ vào tác dụng lập ra ba đời khác nhau. Nghĩa là pháp hữu vi chưa có tác dụng gọi là đời vị lai. Đang có tác dụng gọi là đời hiện tại. Tác dụng đã diệt gọi là đời quá khứ.
Nói về Đối đãi có khác, vị này nói: Các pháp ở đời khi chuyển biến, trước sau cùng đối đãi nên lập tên gọi có khác. Như một người nữ đối với mẹ gọi là con gái, đối với con gái gọi là mẹ. Thể tuy không khác nhưng do đối đãi mà có khác, nên được mang tên là con gái, hoặc mẹ. Các pháp như thế đối với sau gọi là quá khứ, đối với trước gọi là vị lai, cùng đối đãi gọi là hiện tại.
Chỗ lập về đời của vị Luận sư này có sự xen lẫn. Vì sao? Vì trước sau cùng đối đãi, trong mỗi mỗi đời đều có ba đời. Nghĩa là đời quá khứ, trước sau nơi từng sát-na gọi là quá khứ vị lai. Khoảng giữa gọi là hiện tại, vị lai. Về loại của ba đời cũng nên như thế. Pháp của đời hiện tại tuy là một sát-na đối sau, đối trước và cùng đối đãi nên thành ba đời, há là hợp với chánh lý? Nói về Tướng có khác: Ba đời được lập cũng có xen lẫn. Pháp của mỗi mỗi đời, vị này đều cho là có tướng của ba đời. Nói về Loại có khác: Lìa tự tánh của pháp mà nói thì cái gì là loại? Cho nên cũng không đúng lý. Các pháp hữu vi khi từ đời vị lai đến nơi đời hiện tại thì loại trước nên diệt. Khi từ đời hiện tại đến nơi đời quá khứ thì loại sau nên sinh. Quá khứ có sinh, vị lai có diệt, thì đâu có đúng lý?
Thế nên chỉ có thuyết thứ ba lập về đời là tốt (tức là Vị có khác), các hành dung nạp khi có tác dụng.
***
* Lại có ba pháp: 1. Pháp thiện. 2. Pháp bất thiện. 3. Pháp vô ký.
Hỏi: Thế nào là pháp thiện?
Đáp: Tức là năm uẩn thiện và trạch diệt.
Hỏi: Thế nào là pháp bất thiện?
Đáp: Tức là năm uẩn bất thiện Hỏi: Thế nào là pháp vô ký?
Đáp: Tức là năm uẩn vô ký và hư không phi trạch diệt.
Các nghĩa còn lại nói rộng như trước nơi phẩm Bất Thiện.
***
* Lại có ba pháp: 1. Pháp thuộc cõi dục. 2. Pháp thuộc cõi sắc. 3. Pháp thuộc cõi vô sắc.
Hỏi: Thế nào là pháp thuộc cõi dục?
Đáp: Tức là năm uẩn thuộc cõi dục
Hỏi: Thế nào pháp thuộc cõi sắc?
Đáp: Tức là năm uẩn thuộc cõi sắc.
Hỏi: Thế nào pháp thuộc cõi vô sắc?
Đáp: Tức là bốn uẩn thuộc cõi vô sắc.
Các nghĩa còn lại nói rộng cũng như trước nơi phẩm Bất Thiện.
***
* Lại có ba pháp: 1. Pháp học. 2. Pháp vô học. 3. Pháp phi học phi vô học.
Hỏi: Thế nào là pháp học?
Đáp: Tức là năm uẩn hữu học.
Hỏi: Thế nào là pháp vô học?
Đáp: Tức là năm uẩn vô học.
Hỏi: Thế nào là pháp phi học phi vô học?
Đáp: Tức là năm uẩn hữu lậu và ba thứ vô vi.
Hỏi: Ba pháp như học v.v… nghĩa của chúng là thế nào?
Đáp: Dùng đạo học không tham sân si đoạn trừ tham sân si là nghĩa của học. Dùng đạo vô học không tham sân si đoạn trừ tham sân si tức đã dùng học để đoạn trừ là nghĩa của vô học. Trái với hai điều nêu trên là nghĩa của phi học phi vô học.
Lại nữa, dùng đạo học không ái đoạn trừ ái và sự việc không phải ái là nghĩa của học. Dùng đạo học không ái đoạn trừ ái là để che chở cho đạo vô học. Đoạn trừ sự việc không phải là ái là để che chở cho đạo thế tục. Dùng đạo vô học không ái đoạn trừ ái tức đã dùng học để đoạn trừ, cũng là đoạn trừ sự việc không phải là ái là nghĩa của vô học. Dùng đạo vô học không ái đoạn trừ ái là để che chở cho đạo hữu học. Đoạn trừ sự việc không phải là ái là để để che chở cho đạo thế tục. Trái với hai điều nêu trên là nghĩa của phi học phi vô học.
Lại nữa, dùng học đoạn trừ các phiền não, cũng dùng học hiện quán các đế là nghĩa của học. Dùng không học đoạn trừ phiền não tức đã dùng học để đoạn trừ, cũng dùng không học hiện quán các đế tức đã dùng học để hiện quán các đế là nghĩa của vô học. Trái với hai điều nêu trên là nghĩa của phi học phi vô học.
Lại nữa, dùng học đoạn trừ hai thứ cầu là cầu dục và cầu hữu, học đầy đủ một thứ cầu là cầu phạm hạnh là nghĩa của học. Dùng không học đoạn trừ hai cầu tức đã dùng học để đoạn trừ, không học đầy đủ một thứ cầu tức đã học viên mãn là nghĩa của vô học. Trái với các điều nêu trên là nghĩa của phi học phi vô học.
Lại nữa, nếu trong sự nối tiếp có phiền não đắc, lại cũng có đạo vô lậu đắc, dùng học đoạn trừ phiền não là nghĩa của học. Nếu trong sự nối tiếp không có phiền não đắc, nhưng có đạo vô lậu đắc, dùng không học đoạn trừ phiền não tức đã dùng học để đoạn trừ là nghĩa của vô học. Trái với hai điều nêu trên là nghĩa của phi học phi vô học.
Lại nữa, nếu trong sự nối tiếp chưa lìa tham ái, nhưng có đạo vô lậu đắc, dùng học đoạn trừ tham ái là nghĩa của học. Nếu trong sự nối tiếp đã lìa tham ái, có đạo vô lậu đắc, dùng không học đoạn trừ tham ái tức đã dùng học để đoạn trừ là nghĩa của vô học. Trái với hai điều nêu trên là nghĩa của phi học phi vô học.
Lại nữa, do kiến đạo, tu đạo thâu giữ là nghĩa của học. Do đạo vô học thâu giữ là nghĩa của vô học. Trái với hai điều nêu trên là nghĩa của phi học phi vô học.
Lại nữa, do địa kiến đạo, tu đạo thâu giữ là nghĩa của học. Do địa vô học thâu giữ là nghĩa của vô học. Trái với hai điều nêu trên là nghĩa của phi học phi vô học.
Lại nữa, do hai căn vị tri đương tri căn, dĩ tri căn thâu giữ là nghĩa của học. Do cụ tri căn thâu giữ là nghĩa của vô học. Trái với hai điều nêu trên là nghĩa của phi học phi vô học.
Lại nữa, đạt được các đạo vô lậu trong thân năm Thánh giả là Tùy tín hành, Tùy pháp hành, Tín thắng giải, Kiến chí, Thân chứng là nghĩa của học. Đạt được các đạo vô lậu trong thân hai Thánh giả là Tuệ giải thoát, Câu giải thoát là nghĩa của vô học. Trái với hai điều nêu trên là nghĩa của phi học phi vô học.
Lại nữa, đạt được các đạo vô lậu trong thân bảy Thánh giả là bốn hướng và ba quả trước là nghĩa của học. Đạt được các đạo vô lậu trong thân một Thánh giả là quả thứ tư là nghĩa của vô học. Trái với hai điều nêu trên là nghĩa của phi học phi vô học.
Lại nữa, đạt được các đạo vô lậu trong thân mười tám Thánh giả hữu học là nghĩa của học. Đạt được các đạo vô lậu trong thân chín Thánh giả vô học là nghĩa của vô học. Trái với hai điều nêu trên là nghĩa của phi học phi vô học.
Hỏi: Trụ vào quả học cho đến khi chưa khởi được đạo thắng quả, các đạo vô lậu vì sao gọi là học?
Đáp: Do ý lạc (A-thế-da) của bậc học vẫn chưa dứt, nên đạo vô lậu kia cũng được gọi là học.
***
* Lại có ba pháp: 1. Pháp do kiến đạo đoạn trừ. 2. Pháp do tu đạo đoạn trừ. 3. Pháp không đoạn trừ.
Hỏi: Thế nào là pháp do kiến đạo đoạn trừ?
Đáp: Là do nhẫn của các bậc Tùy tín hành, Tùy pháp hành hiện quán biên đoạn trừ. Đây lại là thế nào? Tức là do kiến đạo đoạn trừ tám mươi tám thứ tùy miên cùng các tâm tâm sở pháp tương ưng với chúng và chỗ cùng khởi hành bất tương ưng. Đó gọi là pháp do kiến đạo đoạn trừ.
Hỏi: Thế nào là pháp do tu đạo đoạn trừ?
Đáp: Là do các bậc Học kiến tích tu tập đoạn trừ. Đây lại là thế nào? Tức là do tu đạo đoạn trừ mười thứ tùy miên cùng những thứ tương ưng, những thứ khởi lên hai nghiệp thân ngữ, và chỗ cùng khởi hành bất tương ưng và các pháp hữu lậu không nhiễm ô. Đó gọi là pháp do tu đạo đoạn trừ.
Hỏi: Thế nào là pháp không đoạn trừ?
Đáp: Tức là năm uẩn vô lậu và ba thứ vô vi. Các nghĩa còn lại nói rộng như trước nơi phẩm Bất thiện.
***
* Có bốn đế: 1. Khổ đế. 2. Tập đế. 3. Diệt đế. 4. Đạo đế.
Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?
Đáp: Vì muốn phân biệt rộng nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là trong Khế kinh nói: Có bốn Thánh đế. Khế kinh tuy nói như thế nhưng không biện giải rộng. Kinh là chỗ dựa căn bản của Luận này, những gì Kinh kia chưa nói nay nhằm nói đến. Do đó tạo ra phần Luận này.
Hỏi: Như vậy tự tánh của bốn đế là gì?
Đáp: Các Luận sư A-tỳ-đạt-ma nói: Năm thủ uẩn là khổ đế. Nhân hữu lậu là tập đế. Trạch diệt kia là diệt đế. Các pháp học, vô học là đạo đế.
Phái Thí Dụ cho: Các danh sắc là khổ đế. Nghiệp phiền não là tập đế. Các nghiệp phiền não dứt hết là diệt đế. Xa-ma-tha, Tỳ-bátxá-na là đạo đế.
Phái Luận Phân Biệt nói: Nếu có tám tướng khổ là khổ, là khổ đế. Các pháp hữu lậu khác là khổ, không phải là khổ đế. Các ái gây tạo nên thân sau là tập, là tập đế. Các ái khác, các nhân hữu lậu khác là tập, không phải là tập đế. Dứt hết các ái chiêu cảm thân sau là diệt, là diệt đế. Dứt hết các ái khác, dứt hết các nhân hữu lậu khác là diệt, không phải là diệt đế. Tám chi Thánh đạo học là đạo, là đạo đế. Các pháp học khác và tất cả pháp vô học là đạo, không phải là đạo đế.
Hoặc có thuyết nói: Các bậc A-la-hán chỉ thành tựu hai đế là khổ và diệt, không thành tựu hai đế tập và đạo. Vì sao? Vì các ái chiêu cảm thân sau, các bậc A-la-hán đã đoạn dứt hết. Lại học tám chi Thánh đạo, lúc chứng đắc quả A-la-hán đều đã xả bỏ.
Tôn giả Diệu Âm nói: Nếu gắn liền với năm uẩn nối tiếp của mình, hoặc gắn liền với năm uẩn nối tiếp của kẻ khác, hoặc là các uẩn thuộc số hữu tình và số vô tình. Tất cả các thứ như thế đều là khổ, là khổ đế. Người tu hành quán, lúc khởi hiện quán, chỉ quán phần gắn liền với năm uẩn nối tiếp của mình là khổ, không quán phần gắn liền với năm uẩn nối tiếp của người khác và các uẩn thuộc số vô tình là khổ. Vì sao? Vì hiện quán hành tướng bức bách là khổ. Do phần gắn liền nơi sự nối tiếp của người khác cùng uẩn thuộc số vô tình, đối với sự nối tiếp của mình không có bức bách. Luận sinh trí kia nói như thế này: Uẩn nối tiếp của mình hết sức bức bách đối với mình, không phải là sự nối tiếp của kẻ khác và uẩn thuộc số vô tình. Không phải lìa tự thân thì thân kẻ khác cùng phi tình có thể cùng bức bách. Nếu không có tự thân thì hai thứ kia đâu có chỗ để bức bách? Do đấy, khi hiện quán, chỉ quán phần gắn liền với năm uẩn nối tiếp của mình là khổ, không phải thứ khác.
Hoặc là gắn liền với nhân của năm uẩn nối tiếp nơi mình. Hoặc là gắn liền với nhân của năm uẩn nối tiếp nơi kẻ khác. Hoặc là nhân của các uẩn thuộc số hữu tình và số vô tình. Tất cả các thứ như thế đều là tập, là tập đế. Người tu hành quán, lúc khởi hiện quán, chỉ quán nhân của phần gắn liền với năm uẩn nối tiếp của mình là tập, không quán nhân của phần gắn liền với năm uẩn nối tiếp của người khác và nhân của các uẩn thuộc số vô tình là tập.
Hoặc phần gắn liền nơi thuộc năm uẩn nối tiếp của mình đã dứt hết. Hoặc phần gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của người khác đã dứt hết. Hoặc các uẩn thuộc số hữu tình và số vô tình đã dứt hết. Tất cả các thứ như thế đều là diệt, là diệt đế. Người tu hành quán, lúc khởi hiện quán, chỉ quán sự dứt hết phần gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của mình là diệt, không quán sự dứt hết phần gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của người khác và sự dứt hết uẩn thuộc số vô tình là diệt.
Hoặc đối trị về phần gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của mình. Hoặc đối trị về phần gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của người khác. Hoặc đối trị về các uẩn thuộc số hữu tình và số vô tình. Tất cả các thứ đối trị như thế đều là đạo, là đạo đế. Người tu hành quán, lúc khởi hiện quán, chỉ quán các đối trị về phần gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của mình là đạo, không quán các đối trị về phần gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của người khác và các uẩn thuộc số vô tình là đạo.
Nên nói như vầy: Hoặc là gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của mình. Hoặc là gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của người khác. Hoặc các uẩn thuộc số hữu tình và số vô tình, tất cả các thứ như thế đều là khổ, là khổ đế. Người tu hành quán, lúc khởi hiện quán, đều quán là khổ.
Hỏi: Hành tướng bức bách là khổ, khi hiện quán. Phần gắn liền nơi sự nối tiếp của người khác và uẩn thuộc số vô tình, đối với sự nối tiếp của mình không có bức bách. Như vậy, vì sao người tu hành quán khi khởi hiện quán cũng quán chúng là khổ?
Đáp: Nếu chúng đối với mình không thể tạo bức bách thì cũng quán là khổ. Vì sao? Vì từ vô thỉ đến nay, đối với tất cả khổ đều khởi vô trí, nên để đối trị chúng đều phải khởi trí. Từ vô thỉ đến nay, đối với tất cả khổ đều khởi do dự, nên để đối trị chúng đều phải khởi quyết định. Từ vô thỉ đến nay, đối với tất cả khổ đều khởi phỉ báng, nên để đối trị chúng đều phải khởi tin tưởng. Thế nên quán khắp tất cả là khổ. Huống chi chúng đối với mình cũng có thể gây bức bách. Vì sao? Vì nếu như bị người khác xô chạm, đánh đập cũng sinh khổ lớn, há chẳng phải là bị bức bách? Hoặc bị cây cối, ngói gạch từ trên cao rơi trúng vào thân mình cũng sinh khổ lớn, há chẳng phải là bức bách? Đã có nghĩa bức bách nơi sự nối tiếp của mình, nên lúc hiện quán cũng quán các thứ là khổ.
Hoặc là nhân của phần gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của mình. Hoặc là nhân của phần gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của người khác. Hoặc là nhân của các uẩn thuộc số hữu tình và số vô tình. Tất cả các thứ như thế đều là tập, là tập đế. Người tu hành quán, lúc khởi hiện quán, đều quán là tập.
Hoặc phần gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của mình đã dứt hết. Hoặc phần gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của người khác đã dứt hết. Hoặc các uẩn thuộc số hữu tình và số vô tình đã dứt hết. Tất cả các thứ dứt hết như thế đều là diệt, là diệt đế. Người tu hành quán, lúc khởi hiện quán, đều quán là diệt.
Hoặc đối trị về phần gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của mình. Hoặc đối trị về phần gắn liền nơi năm uẩn nối tiếp của người khác. Hoặc đối trị về các uẩn thuộc số hữu tình và số vô tình. Tất cả các thứ đối trị như thế đều là đạo, là đạo đế. Người tu hành quán, lúc khởi hiện quán, đều quán là đạo.
Như thế gọi là tự tánh, là bản tánh, tướng phần, tự thể, ngã vật của bốn đế.
Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.
Hỏi: Vì sao gọi là đế? Đế là nghĩa gì?
Đáp: Đế là nghĩa thật, là chân, là như, là không điên đảo, là không hư dối.
Hỏi: Nếu nghĩa thật là nghĩa của đế cho đến nghĩa không hư dối là nghĩa của đế, thì hư không phi trạch diệt cũng có nghĩa là thật cho đến có nghĩa là không hư dối, vì sao Đức Thế Tôn không lập làm đế?
Đáp: Nếu pháp là khổ, là nhân của khổ, là khổ hết, là đối trị khổ, thì Đức Thế Tôn lập làm đế. Hư không phi trạch diệt không phải là khổ, không phải là nhân của khổ, không phải là khổ hết, không phải là đối trị khổ, nên Đức Thế Tôn không lập làm đế.
Lại nữa, nếu pháp là uẩn, là nhân của uẩn, là uẩn hết, là pháp đối trị uẩn, thì lập làm đế. Hư không phi trạch diệt không phải là uẩn, không phải là nhân của uẩn, không phải là uẩn hết, không phải là pháp đối trị uẩn, nên không lập làm đế.
Lại nữa, nếu pháp là tật bệnh, là nhân của tật bệnh, là tật bệnh hết, là pháp đối trị tật bệnh, thì lập làm đế. Hư không phi trạch diệt không phải là tật bệnh, không phải là nhân của tật bệnh, không phải là tật bệnh hết, không phải là pháp đối trị tật bệnh, nên không lập làm đế.
Lại nữa, nếu pháp là ung nhọt, tên độc, tai họa, buồn khổ, là nhân của ung nhọt, tên độc, tai họa, buồn khổ, là sự dứt hết các thứ ung nhọt, tên độc, tai họa, buồn khổ, là pháp đối trị về ung nhọt, tên độc, tai họa, buồn khổ, thì lập làm đế. Hư không phi trạch diệt không phải là các thứ ấy, nên không lập làm đế.
Lại nữa, nếu pháp là gánh nặng, là có thể gánh vác gánh nặng, là sự dứt hết các gánh nặng, là sự đối trị gánh nặng, thì lập làm đế. Hư không phi trạch diệt không phải là các thứ đó, nên không lập làm đế.
Lại nữa, nếu pháp là bờ bên này, là bờ bên kia, là dòng sông, là thuyền bè, thì lập làm đế. Hư không phi trạch diệt không phải là các thứ đó, nên không lập làm đế.
Lại nữa, nếu pháp là khổ, là nhân của khổ, là đạo, là quả của đạo, thì lập làm đế. Hư không phi trạch diệt không phải là khổ, không phải là nhân của khổ, không phải là đạo, không phải là quả của đạo, nên không lập làm đế.
Lại nữa, nếu pháp có tánh của nhân, tánh của quả, thì lập làm đế. Hư không phi trạch diệt không có tánh của nhân, tánh của quả, nên không lập làm đế.
Lại nữa, hư không phi trạch diệt là vô lậu nên không phải là khổ đế, tập đế. Là vô ký nên không phải là diệt đế. Là vô vi nên không phải là đạo đế.
Lại nữa, hư không phi trạch diệt không có gắn liền nơi thế gian nên không phải là ba đế. Là vô ký nên không phải là diệt đế.
Lại nữa, hư không phi trạch diệt không phải là tự tánh của uẩn, nên không phải là ba đế. Là vô ký nên không phải là diệt đế
Lại nữa, hư không phi trạch diệt không tùy thuộc khổ nên không phải là ba đế. Là vô ký nên không phải là diệt đế.
Lại nữa, nếu pháp là đối tượng duyên của tuệ vô lậu và tà kiến thì lập làm đế. Hư không phi trạch diệt không phải là đối tượng duyên của tuệ vô lậu và tà kiến nên không lập làm đế.
Lại nữa, nếu pháp là đối tượng duyên của minh và vô minh thì lập làm đế. Hư không phi trạch diệt không phải là đối tượng duyên của minh và vô minh nên không lập làm đế.
Lại nữa, nếu pháp là sự tạp nhiễm và sự thanh tịnh thì lập làm đế. Hư không phi trạch diệt không phải là sự tạp nhiễm và sự thanh tịnh nên không lập làm đế.
Lại nữa, nếu pháp là sự việc đáng vui và sự việc đáng chán thì lập làm đế. Hư không phi trạch diệt không phải là sự việc đáng vui và sự việc đáng chán nên không lập làm đế.
Lại nữa, nếu pháp là sự việc của tác ý vui và sự việc của tác ý chán thì lập làm đế. Hư không phi trạch diệt không phải là sự việc của tác ý vui và sự việc của tác ý chán nên không lập làm đế.
Hỏi: Nếu nghĩa không điên đảo là nghĩa của đế, nên bốn thứ điên đảo không thuộc về đế chăng? Vì sao? Vì chúng chuyển theo điên đảo.
Đáp: Do các duyên khác nên thiết lập điên đảo và do các duyên khác nên là thuộc về đế. Tức do ba duyên nên lập điên đảo: Một là quyết định suy tính. Hai là tăng trưởng. Ba là hoàn toàn nghiêng đổ. Còn là có, là thật, là thật tướng tương ưng nên thuộc về đế.
Lại nữa, kẻ kia đối với vô thường cho là thường, đối với khổ cho là vui, đối với bất tịnh cho là tịnh, đối với vô ngã cho là ngã, nên lập làm điên đảo. Còn do có tánh nhân, tánh quả, nên thuộc về đế.
Hỏi: Nếu nghĩa không hư dối là nghĩa của đế, thì các lời hư dối tức nên không thuộc về đế chăng? Vì sao? Vì chúng chuyển theo hư dối.
Đáp: Do các duyên khác nên thiết lập lời hư dối, tức là trái với các tưởng của mình, dối gạt người khác. Do các duyên khác nên thuộc về đế, tức là có, là thật, là thật tướng tương ưng.
Lại nữa, do các duyên khác nên thiết lập lời hư dối, tức là không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, không nghe nói nghe, nghe nói không nghe, hiểu nói không hiểu, không hiểu nói hiểu, không biết nói biết, biết nói không biết. Do các duyên khác nên thuộc về đế, tức là có tánh nhân, tánh quả.
Thế nên đế có nghĩa là thật v.v…, cho đến đế có nghĩa là không hư dối.
Hỏi: Bốn Thánh đế này được thành lập như thế nào? Là căn cứ vào sự thật, là căn cứ vào nhân quả hay là căn cứ vào hiện quán để kiến lập? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Cả ba đều có lỗi. Vì sao? Vì nếu căn cứ vào sự thật để kiến lập thì đế nên có ba. Nghĩa là khổ đế, tập đế không thể riêng nên hợp làm một, diệt đế là thứ hai, đạo đế là thứ ba, nên chỉ có ba đế.
Nếu căn cứ vào nhân quả để kiến lập thì đế nên có năm. Nghĩa là pháp hữu lậu có nhân quả riêng nên đã lập làm hai, các đạo vô lậu cũng có nhân quả nên phân làm hai, diệt đế là thứ năm, nên có năm đế.
Nếu căn cứ vào hiện quán để kiến lập thì đế nên có tám. Nghĩa là các Sư Du-già khi nhập nơi vị hiện quán, trước là quán riêng về khổ của cõi dục, sau hợp quán khổ của cõi sắc, cõi vô sắc. Trước quán riêng nhân của các hành ở cõi dục, sau hợp quán nhân của các hành ở cõi sắc, cõi vô sắc. Trước quán riêng phần diệt các hành nơi cõi dục, sau hợp quán phần diệt các hành nơi cõi sắc, cõi vô sắc. Trước quán riêng các hành được đối trị ở cõi dục, sau hợp quán các hành được đối trị ở cõi Sắc, cõi vô sắc, nên có tám đế.
Đáp: Nên nói bốn Thánh đế này căn cứ vào nhân quả để kiến lập.
Hỏi: Nếu như thế thì nên có năm đế không phải là bốn?
Đáp: Nhân quả của Thánh đạo hợp lập làm một, nên đế là bốn không phải là năm. Nghĩa là tánh nhân tánh quả của đạo vô lậu đều là có thể hướng tới các khổ của thế gian là sinh già bệnh chết và cứu cánh là hành diệt, nên hợp lập làm một.
Hỏi: Nếu như vậy thì tánh nhân tánh quả của hữu lậu cũng đều là có thể hướng tới các khổ của thế gian là sinh già bệnh chết và lưu chuyển thành hành tập, cũng nên hợp làm một, nên đế chỉ có ba chăng?
Đáp: Tuy như thế nhưng hành tướng của chúng có riêng, có chung, thế nên kiến lập Thánh đế chỉ có bốn. Nghĩa là đối với tánh quả của hữu lậu có bốn hành tướng: Một là khổ, hai là vô thường, ba là không, bốn là vô ngã. Đối với tánh nhân của hữu lậu có bốn hành tướng: Một là nhân, hai là tập, ba là sinh, bốn là duyên. Đối với tánh nhân, tánh quả của đạo vô lậu thì gồm chung chỉ có bốn hành tướng: Một là đạo, hai là như, ba là hành, bốn là xuất.
Có thuyết nói: Do ba duyên nên kiến lập bốn đế: Một là sự thật, hai là nhân quả, ba là hủy báng tin tưởng.
Về sự thật: Sự thật của bốn đế này có hai thứ là hữu lậu và vô lậu.
Về nhân quả: Nghĩa là trong sự hữu lậu có tánh nhân tánh quả. Tánh quả lập khổ đế, tánh nhân lập tập đế. Trong sự vô lậu có hai chủng loại: Một là có tánh nhân có tánh quả. Hai là có tánh quả không có tánh nhân. Có tánh nhân có tánh quả thì lập đạo đế. Có tánh quả không có tánh nhân thì lập diệt đế.
Hỏi: Vì sao tánh nhân tánh quả của sự hữu lậu mỗi thứ lập một đế, còn tánh nhân tánh quả của đạo vô lậu hợp lập một đế?
Đáp: Vì duyên nơi sự hủy báng tin tưởng có riêng, chung. Nghĩa là: Đối với tánh nhân tánh quả của hữu lậu đều khởi riêng sự hủy báng: Một là đối với tánh quả hủy báng là thật không phải khổ. Hai là đối với tánh nhân hủy báng là thật không phải tập. Lại, đối với tánh nhân tánh quả của hữu lậu đều sinh riêng tin tưởng: Một là đối với tánh quả thì tin thật là khổ. Hai là đối với tánh nhân thì tin thật là tập. Đối với tánh nhân tánh quả của đạo vô lậu thì khởi chung một hủy báng, tức hủy báng không phải là đạo, sinh chung một tin tưởng tức tin tưởng là đạo.
Thế nên do ba duyên kiến lập bốn đế.
Lại có thuyết cho: Căn cứ vào hiện quán nên kiến lập bốn đế.
Hỏi: Nếu như thế thì Thánh đế nên có tám không phải là bốn?
Đáp: Hành tướng của đế là đồng nên đế có bốn không phải là tám. Nghĩa là khổ ở cõi dục và khổ ở cõi sắc, vô sắc tuy hiện quán riêng, nhưng đồng là khổ đế và hành tướng được quán như khổ v.v… là đồng, nên hợp lại lập làm một.
Còn nhân của các hành ở cõi dục và nhân của các hành ở cõi sắc, vô sắc tuy hiện quán riêng, nhưng đồng là tập đế và các hành tướng đã quán như nhân v.v… là đồng, nên hợp lập làm một.
Về phần diệt các hành ở cõi dục và diệt các hành ở cõi sắc, vô sắc tuy hiện quán riêng, nhưng đồng là diệt đế và các hành tướng đã quán như diệt v.v… là đồng, nên hợp lập làm một.
Về phần đối trị các hành ở cõi dục và phần đối trị các hành ở cõi sắc, vô sắc tuy hiện quán riêng, nhưng đồng là đạo đế và các hành tướng đã quán như đạo v.v… là đồng, nên hợp lập làm một.
Thế nên căn cứ vào hiện quán kiến lập bốn đế không tăng không giảm.
Hỏi: Khổ, tập, diệt, đạo mỗi thứ có những tướng gì?
Đáp: Hiếp Tôn giả nói: Bức bách là tướng của khổ. Sinh trưởng là tướng của tập. Tịch tĩnh là tướng của diệt. Xuất ly là tướng của đạo.
Tôn giả Thế Hữu nói: Lưu chuyển là tướng của khổ. Có thể chuyển dời là tướng của tập. Thôi dứt là tướng của diệt. Hoàn diệt là tướng của đạo.
Lại có thuyết nói: Chỗ dựa của sinh lưu chuyển là tướng của khổ. Chỗ dựa của sinh có thể chuyển đổi là tướng của tập. Chỗ dựa của sinh dừng dứt là tướng của diệt. Chỗ dựa của sinh có thể diệt trừ là tướng của đạo.
Đại đức nói: Đối với sự có thật kiến lập tên đế. Nghĩa là năm thủ uẩn như một thỏi sắt rất nóng từ lò nung mới lấy ra. Chỗ tùy thuận của ba khổ, khổ lưu chuyển, chìm đắm trong biển khổ, cùng trụ nơi tạp khổ. Như khổ hợp thành cũng như thỏi sắt hợp nhau với lửa, vì sức lửa đeo đuổi nên rất nóng như lửa. Năm thủ uẩn này cũng lại như vậy. Cùng hợp với khổ nên như các khổ hợp thành. Thế nên cùng với khổ kết hợp là tướng của khổ đế. Như thế, khổ uẩn là từ phiền não sinh. Do nghiệp chuyển biến khiến lưu chuyển nơi các nẻo, luôn nối tiếp nhau từ vô thỉ, nên có thể sinh chuyển là tướng của tập đế. Các nghiệp phiền não này hoàn toàn lìa hẳn nên đối với các nẻo sinh không còn lưu chuyển. Do đó không lưu chuyển là tướng của diệt đế. Tu tịnh giới, định, chánh quán về sinh diệt có thể đoạn trừ nhân của hữu, có thể chứng đắc hữu dứt hết, do đó có thể đoạn, chứng là tướng của đạo đế.
Hỏi: Nếu có bốn vì sao Đức Thế Tôn nói có một đế, như tụng đã nói:
Một đế không có hai
Chúng sinh nơi đây nghi
Nói riêng nhiều thứ đế
Ta nói không Sa-môn.
Tụng này ý nói chỉ có một đế, ngoại đạo do dự nên nói riêng có nhiều thứ. Đức Phật nói trong pháp đó không có đạo quả Sa-môn, vì đạo quả Sa-môn nương vào một đế.
Hiếp Tôn giả nêu: Nói một đế nghĩa là trong bốn Thánh đế mỗi thứ chỉ có một. Tức là chỉ có một khổ đế, không có khổ thứ hai. Chỉ có một tập đế, không có tập thứ hai. Chỉ có một diệt đế, không có diệt thứ hai. Chỉ có một đạo đế, không có đạo thứ hai. Cho nên khi nói một đế không trái với khi nói bốn đế.
Lại nữa, nói một đế nghĩa là một diệt đế, là vì muốn ngăn chận loại trừ các thứ giải thoát khác. Vì các ngoại đạo nói có bốn thứ giải thoát: Một là giải thoát không thân tức là Không vô biên xứ. Hai là giải thoát vô biên ý tức là Thức vô biên xứ. Ba là giải thoát tịnh tụ tức là Vô sở hữu xứ. Bốn là giải thoát Thế-tốt-đổ-ba tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Đức Phật nói: Các thứ đó không phải là giải thoát xuất ly chân thật, chỉ là các cõi trời ở Vô sắc giới. Còn giải thoát thật sự chỉ là một diệt đế, là Niết-bàn cứu cánh.
Lại nữa, nói một đế nghĩa là một đạo đế, là nhằm ngăn chận loại trừ các loại đạo đế khác. Vì các ngoại đạo nêu ra nhiều đạo đế, như cho tự nhịn đói là đạo, hoặc cho nằm trên tro than là đạo, hoặc cho nhìn theo mặt trời di chuyển, hoặc nuốt hơi gió, hoặc chỉ uống nước, chỉ ăn trái cây, ăn rau cỏ v.v… là đạo. Hoặc cho lõa hình, nằm trên gai nhọn, hoặc đứng luôn không nằm, hoặc ăn mặc quần áo cũ rách, hoặc nhịn ăn chỉ uống các loại cỏ thuốc v.v… là đạo. Đức Phật nói các sự việc như thế không phải là đạo chân chánh, là đạo tà vạy, đạo giả trá, đạo lừa dối. Các đạo như thế các bậc thiện tri thức không hành tập, chúng chỉ dành riêng cho những kẻ xấu ác hành sử. Đạo chân tịnh chỉ có một đạo đế, tức là tám chi Thánh đạo như chánh kiến v.v…
Lại nữa, nói một đế nghĩa là một diệt đế, tức là dứt bỏ hết tất cả các khổ sinh tử. Lại, nói một đế nghĩa là một đạo đế, tức có thể đoạn trừ tất cả nhân của sinh tử.
Nơi Khế kinh khác nói: Có hai đế là thế tục đế và thắng nghĩa đế.
Hỏi: Hai đế thế tục và thắng nghĩa là thế nào?
Đáp: Có thuyết nói: Đối với bốn đế, hai đế trước là thế tục đế, tức là các sự việc nam nữ đi đứng, tới lui, các thứ vật dụng bình chén quần áo v.v… Các sự việc thế tục ở thế gian hiện thấy đều thuộc vào hai đế khổ, tập. Hai đế sau là thắng nghĩa đế, tức là các công đức chân thật xuất thế gian đều thuộc về hai đế diệt, đạo.
Lại có thuyết cho: Đối với bốn đế, ba đế trước là thế tục đế, tức trong khổ đế, tập đế có các sự việc thế tục như trước đã nói. Đức Phật nói diệt đế như thành trì, cung điện, hoặc như bờ bên kia. Các sự việc thế tục như thế được thiết lập trong diệt đế, nên diệt đế cũng gọi là thế tục. Chỉ một đạo đế là thắng nghĩa đế, vì các sự việc thế tục được thiết lập không có trong ấy.
Hoặc có thuyết nêu: Bốn đế đều thuộc thế tục đế. Đối với ba đế trước có các sự việc thế tục, nghĩa như trước đã nói. Đạo đế cũng có các sự việc thế tục. Đức Phật đã dùng tên Sa-môn, Bà-la-môn để giảng nói về đạo đế, nên chỉ tất cả pháp có lý không, vô ngã mới là thắng nghĩa đế. Vì ở trong không và vô ngã, các sự việc thế tục dứt tuyệt không thiết lập.
Lời bình: Nên nói là cả bốn đế đều có thế tục và thắng nghĩa: Trong khổ, tập có thế tục đế: Nghĩa như trước đã nói. Trong khổ đế có thắng nghĩa đế: Tức có các lý khổ, vô thường, không, vô ngã. Trong tập đế có thắng nghĩa đế: Tức là các lý nhân, tập, sinh, duyên. Trong diệt đế có thế tục đế: Tức như Đức Phật nói diệt đế cũng như vườn, như rừng, như bờ bên kia. Trong diệt đế có thắng nghĩa đế: Tức là các lý diệt, tĩnh, diệu, lìa. Trong đạo đế có thế tục đế: Tức Đức Phật nói đạo như thuyền bè, như núi đá, như bậc thang, như đài quán, như hoa, như nước. Trong đạo đế có thắng nghĩa đế: Tức có các lý đạo, như, hành, xuất. Do đó, nói bốn đế đều có thế tục đế và thắng nghĩa đế.
Thế tục, thắng nghĩa đều gồm thâu mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn. Hư không phi trạch diệt cũng thuộc về hai đế này.
Hỏi: Tánh thế tục trong thế tục là do thắng nghĩa nên có hay là do thắng nghĩa nên không? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Cả hai đều có lỗi. Vì sao? Vì nếu tánh thế tục trong thế tục do thắng nghĩa nên có, tức nên chỉ có một đế là thắng nghĩa đế. Nếu tánh thế tục trong thế tục do thắng nghĩa nên không, tức cũng nên chỉ có một đế là thắng nghĩa đế.
Đáp: Nên nói như vầy: Tánh thế tục trong thế tục là do thắng nghĩa nên có. Nếu tánh thế tục trong thế tục do thắng nghĩa nên không, thì hai đế do Đức Phật đã nói nên cho là không phải thật. Nay đã cho hai đế của Phật nói là thật, tức tánh thế tục trong thế tục do thắng nghĩa nên có.
Hỏi: Nếu như vậy thì chỉ nên có một đế là thắng nghĩa đế chăng?
Đáp: Thật sự là chỉ có một đế là thắng nghĩa đế.
Hỏi: Nếu như vậy vì sao lập có hai đế?
Đáp: Vì dựa vào duyên sai biệt nên lập có hai đế, không phải dựa vào sự thật. Nếu dựa vào sự thật thì chỉ có một đế là thắng nghĩa đế. Dựa vào duyên sai biệt nên kiến lập hai thứ. Nếu dựa vào duyên này lập thế tục đế thì không dựa vào duyên này lập thắng nghĩa đế. Nếu dựa vào duyên này lập thắng nghĩa đế thì không dựa vào duyên này lập thế tục đế.
Ví như một thọ có tánh bốn duyên. Nếu dựa vào duyên này lập tánh nhân duyên, thì không dựa vào duyên này cho đến lập tánh tăng thượng duyên. Nếu dựa vào duyên này lập tánh tăng thượng duyên, thì không dựa vào duyên này cho đến lập tánh nhân duyên.
Lại như một thọ có tánh sáu nhân. Nếu dựa vào duyên này lập tánh nhân tương ưng, thì không dựa vào duyên này cho đến lập tánh nhân năng tác. Nếu dựa vào duyên này lập tánh nhân năng tác, thì không dựa vào duyên này cho đến lập tánh nhân tương ưng.
Hai đế cũng như thế, dựa vào duyên sai biệt để lập, không dựa vào sự thật.
Hỏi: Thế tục, thắng nghĩa cũng có thể thiết lập mỗi thứ là một vật không xen tạp nhau chăng?
Đáp: Cũng có thể thiết lập.
Sự việc đó như thế nào? Tôn giả Thế Hữu nói: Chủ thể hiển bày là thế tục. Các pháp được hiển bày là thắng nghĩa.
Lại có thuyết cho: Tùy thuận thế gian để nêu bày gọi là thế tục. Thuận theo bậc Hiền Thánh để giảng nói gọi là thắng nghĩa.
Đại đức nói: Nói rõ về các sự việc như y phục, bình chén v.v… của hữu tình, tâm không hư vọng lúc nêu bày là thế tục đế. Tuyên thuyết về các lý duyên tánh, duyên khởi, tâm không hư vọng khi diễn nói là thắng nghĩa đế.
Tôn giả Đạt-la-đạt-đa cho: Tự tánh của danh là thế tục. Đây là phần ít của khổ, tập đế. Tự tánh của nghĩa là thắng nghĩa. Đây là phần ít của khổ, tập đế và hai đế còn lại và hai vô vi.
Như Khế kinh nói: Phạm chí xuất gia gồm chung có ba thứ đế Bà-la-môn.
Hỏi: Thế nào là ba thứ?
Đáp: Nghĩa là có Phạm chí xuất gia nói: Tất cả hữu tình đều không nên hại. Lời nói như vậy là đế, không phải là hư giả. Đó gọi là đế Bà-la-môn thứ nhất. Lại có Phạm chí xuất gia nói: Ta không phải là sở hữu của kẻ kia, kẻ kia không phải là sở hữu của ta. Lời nói như thế là đế, không phải là hư dối. Đó là đế Bà-la-môn thứ hai. Lại có Phạm chí xuất gia nói: Các pháp có tập đều là pháp có diệt. Lời nói như vậy là đế, không phải là hư dối. Đó là đế Bà-la-môn thứ ba.
Hỏi: Trong đó: Thế nào là Bà-la-môn? Thế nào là đế?
Đáp: Ở đây ý nói: Ngoại đạo xuất gia gọi là Bà-la-môn. Trong các điều họ nói thì ba điều vừa nêu trước là đế, các thứ khác đều là hư vọng. Tất cả hữu tình đều không nên hại: Nghĩa là các hữu tình đều không nên giết hại. Ta không phải là sở hữu của kẻ kia. Kẻ kia không phải là sở hữu của ta: Nghĩa là ta không thuộc về kẻ kia. Kẻ kia không thuộc về ta. Các pháp có tập đều là pháp có diệt: Nghĩa là các thứ có sinh đều quy về diệt.
Lại có thuyết nói: Ở đây ý nói người trụ nơi pháp Phật gọi là Bà-la-môn, tức trước đã nói ba thứ gọi là đế.
Vì để đối lại với ngoại đạo, nên Đức Phật nói kinh này. Nghĩa là có ngoại đạo tự cho ta là Bà-la-môn chân chánh, nhưng để cúng tế, họ giết hại các loài bò, dê, lại còn gom tụ nhiều loài chúng sinh khác để giết hại. Để đối trị người này, Đức Phật nói: Giết hại người, vật khác không phải là Bà-la-môn chân chánh, Bà-la-môn chân chánh đối với các hữu tình đều không nên giết hại.
Lại có ngoại đạo tự cho ta là Bà-la-môn chân chánh, nhưng vì muốn được sinh lên xứ trời để hưởng các thứ dục lạc nên siêng tu phạm hạnh. Để đối trị người này, Đức Phật nói: Vì muốn thọ hưởng dục lạc của xứ trời nên tu phạm hạnh không phải là Bà-la-môn chân chánh. Bà-la-môn chân chánh là đối với các thứ mong cầu hiện có đều không lệ thuộc mà tu phạm hạnh.
Lại có ngoại đạo tự nói ta là Bà-la-môn chân chánh, nhưng người này lại chấp đoạn, chấp thường, trái với trung đạo. Để đối trị người này, Đức Phật nói: Kẻ chấp đoạn, chấp thường không phải là Bà-la-môn chân chánh. Bà-la-môn chân chánh là nhận biết: Các pháp có tập đều là pháp có diệt. Vì có tập nên không phải là đoạn. Vì có diệt nên không phải là thường. Không phải là đoạn, không phải là thường là khế hợp trung đạo.
Lại nữa, kinh này ý nói: Ba môn giải thoát hiện có các gia hạnh: Tất cả các hữu tình đều không nên hại, là nói về gia hạnh của môn giải thoát không. Ta không phải là sở hữu của kẻ kia, kẻ kia không phải là sở hữu của ta, là nói về gia hạnh của môn giải thoát vô nguyện . Các pháp có tập đều là pháp có diệt, là nói về gia hạnh của môn vô giải thoát vô tướng.
Có thuyết nói: Kinh này ý nói ba môn giải thoát như thứ lớp của chúng.
Hoặc có thuyết cho: Kinh này ý nói ba Tam-ma-địa tức là ba thứ không, vô nguyện, vô tướng, theo như thứ lớp của chúng.
Lại có thuyết nêu: Kinh này ý nói ba thứ giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn theo thứ lớp của chúng. Như nói về ba uẩn, ba học, ba tu, ba tịnh nên biết cũng như thế
Như Khế kinh nói: Phật bảo các Bí-sô: Quán bốn phương nghĩa là quán bốn đế.
Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn đối với bốn Thánh đế dùng tiếng phương để nói?
Đáp: Là do quán về các hữu tình được hóa độ thích hợp với việc nghe giảng nói. Nghĩa là có người được hóa độ khi nghe dùng tiếng bốn phương để chỉ cho bốn Thánh đế liền dễ ngộ nhập, nên Đức Phật đối với bốn đế nói là bốn phương.
Như Khế kinh khác nói: Phật vì các hữu tình được hóa độ, đối với tám thứ giải thoát nói tiếng tám phương khiến người nghe liền dễ ngộ nhập. Kinh này cũng như thế, nên đối với bốn Thánh đế nói là bốn phương.
Hỏi: Bốn đế và bốn phương có gì giống nhau để nói bốn đế là bốn phương?
Đáp: Bốn đế và bốn phương đều cùng có số bốn.
Hỏi: Đức Phật lấy phương nào để chỉ cho đế nào?
Đáp: Đức Phật đối với khổ đế nói là phương Đông, đối với tập đế nói là phương Tây, do khi hiện quán thì trước quán khổ đế kế tiếp là quán tập đế.
Có thuyết cho: Phương Đông chỉ cho tập đế, phương Tây chỉ cho khổ đế, là vì theo thứ lớp nói nhân trước quả sau.
Đức Phật đối với đạo đế nói là phương Nam, vì phương Nam và đạo đế đều nên cúng dường. Đức Phật đối với diệt đế nói là phương Bắc, vì phương Bắc và đạo đế đều là tối thắng.
Như Khế kinh nói: Đối với bốn Thánh đế nên biết là tuệ căn.
Hỏi: Đây là dựa vào sự gồm thâu hay dựa vào đối tượng duyên? Nếu dựa vào sự gồm thâu thì bốn đế và tuệ căn đều không gồm thâu nhau, vậy sao đối với bốn đế nói nên biết là tuệ căn? Nếu dựa vào đối tượng duyên thì tất cả các pháp đều là đối tượng duyên đâu chỉ riêng bốn đế?
Đáp: Nên nói như vầy: Ở đây không dựa vào sự gồm thâu, cũng không dựa vào đối tượng duyên để nói như thế. Nhưng khi kiến lập bốn Thánh đế thì tác dụng của tuệ là tối thắng, nên nói như vậy. Như khi kiến lập bốn chứng tịnh thì tác dụng của tín là tối thắng, nên nói đối với bốn chứng tịnh nên biết là tín căn. Như khi kiến lập bốn chánh thắng thì tác dụng của tinh tấn là tối thắng, nên nói đối với bốn chánh thắng nên biết là tinh tấn căn. Như khi kiến lập bốn thần túc thì tác dụng của định là tối thắng, nên nói đối với bốn thần túc nên biết là định căn. Ở đây cũng như thế.
Có thuyết lại nói: Ở đây là dựa vào đối tượng duyên.
Hỏi: Tuệ căn đã có thể duyên nơi tất cả pháp đâu chỉ riêng nơi bốn đế để nói như thế?
Đáp: Nếu pháp duyên nơi tuệ hữu lậu vô lậu thì ở đây nói riêng. Vì hư không phi trạch diệt chỉ duyên nơi tuệ hữu lậu, nên ở đây không nói.
HẾT – QUYỂN 77