LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 57
Chương 2: KIẾT UẨN
Phẩm 2: BÀN VỀ NHẤT HÀNH, phần 2
4. Hoặc cả hai cùng không trói buộc: Nghĩa là tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, đối với pháp do kiến khổ, tập đoạn và pháp không tương ưng với kiết kiến của cõi sắc, cõi vô sắc do kiến diệt, đạo đoạn, cùng với pháp nơi hai cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn không có hai kiết trói buộc. Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, nơi pháp do kiến khổ, tập, diệt đoạn và pháp không tương ưng với kiết kiến của cõi sắc, cõi vô sắc do kiến đạo đoạn cùng với pháp của cõi sắc, cõi vô sắc do tu đạo đoạn không có hai kiết trói buộc. Đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ, chưa lìa nhiễm cõi dục, đối với pháp do kiến đạo đoạn và pháp của cõi sắc, cõi vô sắc do tu đạo đoạn không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi dục, đối với pháp của cõi dục không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi sắc, đối với pháp của cõi dục, cõi sắc không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi vô sắc, đối với pháp của ba cõi không có hai kiết trói buộc.
Trong đây, các pháp là chủ thể trói buộc và đối tượng bị trói buộc đều cùng đã đoạn, nên đều lìa hai kiết, nghĩa là cùng lìa sự trói buộc của kiết giận, kiết kiến.
Hỏi: Cõi dục có giận dữ, người kia đối với kiết giận lúc được lìa trói buộc có thể nói là không trói buộc. Ở cõi sắc, cõi vô sắc vốn không có kiết giận, vì sao nói kiết giận kia không trói buộc?
Đáp: Không trói buộc có hai thứ: 1. Từ trói buộc đạt được không trói buộc. 2. Bản tánh không trói buộc nên gọi là không trói buộc. Vì các pháp của cõi dục có kiết giận nên lúc được giải thoát nói là người kia từ trói buộc đạt được không trói buộc. Pháp của hai cõi trên vốn không có kiết giận, nên nói hai cõi đó bản tánh không trói buộc, nên nói do không trói buộc bao gồm hai thứ nghĩa, tức ở đây nói là cả hai cùng không trói buộc. Như nơi Tỳ-nại-da nói: Có hai thứ Bổ-đặc-già-la gọi là thanh tịnh: 1. Từ trước đến giờ không phạm giới cấm. 2. Phạm rồi như pháp sám hối từ bỏ. Loại thứ nhất, vì bản tánh không nhiễm nên gọi là thanh tịnh. Loại thứ hai, từ nhiễm được tịnh nên gọi là thanh tịnh. Không trói buộc cũng vậy, nên không có lỗi.
Hỏi: Pháp không tương ưng với kiết kiến thuộc cõi sắc, vô sắc do kiến diệt kiến đạo đoạn là thế nào?
Đáp: Là pháp tương ưng, không tương ưng nơi các tụ như: Tự tánh của tà kiến và kiến thủ, giới cấm thủ, nghi, tham, mạn, vô minh không chung.
Pháp tương ưng: Nghĩa là tâm tâm sở pháp trong các tụ tự tánh của tà kiến và kiến thủ cho đến vô minh không chung.
Pháp không tương ưng: Nghĩa là bốn tướng hiện có trong tụ tà kiến cho đến vô minh không chung cùng tướng chủ thể, tướng đối tượng trong các tụ đắc kia.
Như đối với kiết kiến, thì đối với kiết nghi cũng vậy. Nghĩa là như kiết kiến chung nơi ba cõi, chỉ có bốn bộ, duyên chung nơi hữu lậu, vô lậu là biến hành, không phải là biến hành, kiết nghi cũng như vậy. Thế nên kiết giận đối với kiết nghi cũng như đối với kiết kiến.
Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết giận trói buộc cũng có kiết thủ trói buộc chăng?
Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp: Trong đây, kiết giận chỉ chung cho năm bộ nơi cõi dục, chỉ duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành. Kiết thủ chung cho ba cõi, chỉ có bốn bộ, duyên nơi hữu lậu, chung cho biến hành, không phải là biến hành.
Các người gồm đủ trói buộc: Đối với sự việc của năm bộ nơi cõi dục, nếu có kiết giận trói buộc cũng có kiết thủ trói buộc. Nếu có kiết thủ trói buộc cũng có kiết giận trói buộc Đối với sự việc của năm bộ nơi cõi sắc, cõi vô sắc, có kiết thủ trói buộc không có kiết giận trói buộc.
Người không gồm đủ trói buộc: Kiết giận chỉ có nơi cõi dục, không phải là biến hành nên ngắn, vì chung cho năm bộ nên dài. Kiết thủ vì chỉ có bốn bộ nên ngắn, vì chung cho ba cõi, là biến hành, không phải là biến hành, nên dài. Vì hai thứ này cùng có nghĩa dài ngắn, nên về câu hỏi đã nêu nên tạo ra bốn trường hợp để đáp:
1. Hoặc có kiết giận trói buộc không có kiết thủ trói buộc: Nghĩa là chưa lìa nhiễm cõi dục, tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có kiết giận chưa đoạn. Diệt trí đã sinh đạo trí chưa sinh, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có kiết giận chưa đoạn. Đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ, chưa lìa nhiễm cõi dục, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có kiết giận chưa đoạn. Trong đây, hoặc có kiết giận của chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết giận của một phẩm chưa đoạn. Do chưa đoạn nên có kiết giận trói buộc, không có kiết thủ trói buộc. Vì sao? Vì kiết thủ là biến hành duyên nơi năm bộ. Vì kiết giận kia đã đoạn, vì không phải là biến hành, nên kiết thủ đối với pháp do tu đạo đoạn, chưa đoạn hay đã đoạn đều không có khả năng trói buộc, vì bộ do tu đạo đoạn không có kiết thủ.
2. Hoặc có kiết thủ trói buộc không có kiết giận trói buộc: Nghĩa là chưa lìa nhiễm cõi dục, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, nơi pháp của cõi dục do kiến khổ đoạn có kiết thủ do kiến tập đoạn, chưa đoạn, nơi pháp của cõi sắc, cõi vô sắc có kiết thủ chưa đoạn. Trong đây, chưa lìa nhiễm cõi dục, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, pháp của cõi dục do kiến khổ đoạn, kiết giận, kiết thủ cả hai đều cùng đã đoạn. Pháp của cõi dục do kiến tập đoạn có kiết thủ chưa đoạn, nên đối với pháp ở cõi dục do kiến khổ đoạn là sự trói buộc của đối tượng duyên. Kiết giận của cõi dục do kiến tập đoạn tuy chưa đoạn, nhưng đối với pháp của cõi dục do kiến khổ đoạn, không phải là sự trói buộc của đối tượng duyên, vì không phải là biến hành, không phải là sự trói buộc của tương ưng vì là tụ khác. Đối với pháp của cõi sắc, cõi vô sắc, có kiết thủ chưa đoạn. Nghĩa là hoặc có kiết thủ của tám địa chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết thủ của một địa chưa đoạn. Nơi địa ấy, hoặc có kiết thủ của bốn bộ chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết thủ của một bộ chưa đoạn. Do chưa đoạn nên có kiết thủ trói buộc, không có kiết giận trói buộc, vì nơi hai cõi đó không có giận dữ.
3. Hoặc cả hai đều cùng có trói buộc: Nghĩa là người gồm đủ trói buộc đối với pháp của cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Ở đây người gồm đủ trói buộc đối với pháp của cõi dục do kiến khổ đoạn có một bộ kiết giận trói buộc, hai bộ kiết thủ trói buộc. Nơi pháp của cõi dục do kiến tập đoạn cũng như vậy. Đối với pháp của cõi dục do kiến diệt đoạn có một bộ kiết giận trói buộc, ba bộ kiết thủ trói buộc. Đối với pháp của cõi dục do kiến đạo đoạn cũng như vậy. Đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có một bộ kiết giận trói buộc, hai bộ kiết thủ trói buộc.
Lại nữa, chưa lìa nhiễm cõi dục, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với pháp của cõi dục do kiến tập, diệt, đạo, tu đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Trong đây, đối với pháp của cõi dục do kiến tập đoạn có một bộ kiết giận trói buộc, một bộ kiết thủ trói buộc. Đối với pháp của cõi dục do kiến diệt, đạo đoạn đều có một bộ kiết giận trói buộc, hai bộ kiết thủ trói buộc. Đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có một bộ kiết giận trói buộc, một bộ kiết thủ trói buộc. Lúc ấy, đối với pháp của cõi dục do kiến khổ đoạn tuy có kiết thủ trói buộc, nhưng không có kiết giận trói buộc, nên ở đây không nói.
Lại nữa, tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, nơi pháp của cõi dục do kiến diệt, kiến đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Ở đây cũng chưa lìa nhiễm cõi dục, đối với pháp của cõi dục do kiến diệt, kiến đạo đoạn đều có kiết giận của một bộ trói buộc, kiết thủ của một bộ trói buộc. Bấy giờ, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn, tuy có kiết giận trói buộc nhưng không có kiết thủ trói buộc, nên ở đây không nói.
Lại nữa, diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, đối với pháp ở cõi dục do kiến đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Trong đây, cũng chưa lìa nhiễm cõi dục, ở nơi pháp của cõi dục do kiến đạo đoạn có kiết giận của một bộ trói buộc, kiết thủ của một bộ trói buộc. Lúc ấy, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn tuy có kiết giận trói buộc nhưng không có kiết thủ trói buộc, vì vậy ở đây không nói đến.
4. Hoặc có cả hai đều cùng không trói buộc: Nghĩa là khi chưa lìa nhiễm cõi dục, tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, ở nơi pháp do kiến khổ, kiến tập đoạn và pháp của cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn đều không có hai kiết trói buộc. Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, đối với pháp do kiến khổ, tập, diệt đoạn và pháp của cõi sắc, cõi vô sắc do tu đạo đoạn không có hai kiết trói buộc. Đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ chưa lìa nhiễm cõi dục, đối với pháp do kiến đạo đoạn và pháp của cõi sắc, cõi vô sắc do tu đạo đoạn không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi dục, đối với pháp của cõi dục không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi sắc, đối với pháp của cõi dục, cõi sắc không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi vô sắc, đối với pháp của ba cõi không có hai kiết trói buộc. Chủ thể trói buộc và đối tượng bị trói buộc của các pháp trong đây vì đều đã đoạn, nên đều lìa hai kiết. Nghĩa là đều lìa trói buộc của kiết giận, kiết thủ.
Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết giận trói buộc cũng có kiết ganh ghét trói buộc chăng?
Đáp: Nếu đối với việc này có kiết ganh ghét trói buộc tất có kiết giận trói buộc. Hoặc có kiết giận trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Nghĩa là ở nơi pháp của cõi dục do kiến đạo đoạn, có kiết giận chưa đoạn. Nơi đây, kiết giận chỉ có ở nơi cõi dục, chung cho năm bộ, chỉ duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành. Kiết ganh ghét chỉ ở nơi cõi dục do tu đạo đoạn, duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành.
Các người gồm đủ trói buộc: Nghĩa là về sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn, nếu có kiết giận trói buộc cũng có kiết ganh ghét trói buộc. Nếu có kiết ganh ghét trói buộc cũng có kiết giận trói buộc. Ở nơi sự việc của cõi dục do kiến đạo đoạn, có kiết giận trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc.
Người không gồm đủ trói buộc: Nếu chưa lìa nhiễm cõi dục, thì sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn có đủ hai kiết trói buộc. Sự việc của cõi dục do kiến đạo đoạn, tùy thuộc vào xứ chưa đoạn, có kiết giận trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Nếu ở xứ đã đoạn thì không có hai kiết trói buộc. Nếu đã lìa nhiễm cõi dục, đối với sự việc nơi năm bộ của cõi dục, không có hai kiết trói buộc. Đối với sự việc nơi năm bộ của cõi sắc, cõi vô sắc, nếu gồm đủ trói buộc, hoặc không gồm đủ trói buộc, tất cả thời đều không có hai kiết trói buộc, vì kiết giận thì dài, kiết ganh ghét ngắn, chỗ nêu câu hỏi trên, nên thuận theo trường hợp sau để đáp.
Nếu đối với sự việc này có kiết ganh ghét trói buộc, tất có kiết giận trói buộc. Nghĩa là nơi sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn, chưa lìa trói buộc, hoặc có kiết giận trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Nghĩa là đối với pháp của cõi dục do kiến đạo đoạn có kiết giận chưa đoạn. Trong đây hoặc có kiết giận của bốn bộ chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết giận của một bộ chưa đoạn. Do chưa đoạn, nên có kiết giận trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Vì sao? Vì bộ do kiến đạo đoạn không có kiết ganh ghét.
Như đối với kiết ganh ghét, thì đối với kiết keo kiệt (xan) cũng vậy. Nghĩa là ganh ghét với keo kiệt đều cùng chỉ ở nơi cõi dục do tu đạo đoạn, duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành.
Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết vô minh trói buộc cũng có kiết kiến trói buộc chăng?
Đáp: Nếu đối với sự việc này có kiết kiến trói buộc, tất có kiết vô minh trói buộc. Hoặc có kiết vô minh trói buộc, không có kiết kiến trói buộc, cho đến nói rộng.
Trong đây kiết vô minh chung nơi năm bộ của ba cõi, duyên nơi hữu lậu vô lậu là biến hành và không phải biến hành.
Kiết kiến chung nơi ba cõi, chỉ ở nơi bốn bộ duyên chung cả hữu lậu, vô lậu là biến hành và không phải biến hành.
Các người gồm đủ trói buộc, đối với sự việc nơi năm bộ của ba cõi, nếu có kiết vô minh trói buộc cũng có kiết kiến trói buộc. Nếu có kiết kiến trói buộc cũng có kiết vô minh trói buộc.
Người không gồm đủ trói buộc, vì kiết vô minh dài, kiết kiến ngắn, chỗ đã hỏi, nên thuận theo trường hợp sau để đáp.
Nếu đối với sự việc này có kiết kiến trói buộc, tất có kiết vô minh trói buộc. Nghĩa là ở nơi năm bộ của ba cõi có sự việc kiết kiến chưa đoạn, hoặc có kiết vô minh trói buộc, không có kiết kiến trói buộc. Tức là tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, pháp không tương ưng với kiết kiến, do kiến diệt, kiến đạo đoạn và pháp do tu đạo đoạn có kiết vô minh chưa đoạn. Trong đây, pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến diệt, kiến đạo đoạn, nghĩa là tự tánh của tà kiến kia và pháp tương ưng không tương ưng nơi các tụ như kiến thủ, giới cấm thủ, nghi, tham, giận, mạn và vô minh không chung.
Đối với các pháp này vì kiết vô minh chưa đoạn, nên có kiết vô minh trói buộc. Kiết kiến kia là thuộc về đối tượng duyên của tụ mình và thuộc về tương ưng, nếu ở tụ khác là thuộc về đối tượng duyên, không phải thuộc về tương ưng, nên không có kiết kiến trói buộc. Vì sao? Vì kiết kiến biến hành duyên nơi năm bộ, vì chúng đã đoạn. Số còn lại chưa đoạn, là pháp không tương ưng với kiết kiến này, không phải thuộc về đối tượng duyên, vì duyên nơi vô lậu, không phải thuộc về pháp tương ưng, là vì tụ khác, vì tự tánh không tương ưng với tự tánh. Pháp do tu đạo đoạn kia vì kiết vô minh chưa đoạn, nên có kiết vô minh trói buộc. Hoặc có kiết vô minh của chín địa chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết vô minh của một địa chưa đoạn. Ở trong địa này, hoặc có kiết vô minh của chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết vô minh của một phẩm chưa đoạn. Không có kiết kiến trói buộc. Vì sao? Vì kiết kiến biến hành duyên nơi năm bộ, vì chúng đã đoạn, vì bộ do tu đạo đoạn không có kiết kiến.
Lại nữa, diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến đạo đoạn, cùng với pháp do tu đạo đoạn có kiết vô minh chưa đoạn. Ở đây, pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến đạo đoạn như trước đã nói. Đối với các pháp này và pháp do tu đạo đoạn đều có kiết vô minh trói buộc, không có kiết kiến trói buộc, cũng như trước đã nói.
Lại nữa, đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ, đối với pháp do tu đạo đoạn có kiết vô minh chưa đoạn. Trong đây, hoặc có kiết vô minh của chín địa chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết vô minh của một địa chưa đoạn. Nơi địa này, hoặc có kiết vô minh của chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết vô minh của một phẩm chưa đoạn, vì chưa đoạn, nên có kiết vô minh trói buộc, không có kiết kiến trói buộc. Vì sao? Vì hết thảy kiết kiến kia đã đoạn.
Như đối với kiết kiến, thì đối với kiết nghi cũng vậy. Nghĩa là như kiết kiến chung nơi ba cõi, chỉ có bốn bộ, duyên chung cả hữu lậu, vô lậu là biến hành và không phải biến hành, thì kiết nghi cũng vậy.
Thế nên, kiết vô minh nếu đối với kiết nghi cũng như đối với kiết kiến.
Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết vô minh trói buộc cũng có kiết thủ trói buộc chăng?
Đáp: Nếu đối với sự việc này có kiết thủ trói buộc, tất có kiết vô minh trói buộc. Hoặc có kiết vô minh trói buộc, không có kiết thủ trói buộc, cho đến nói rộng.
Trong đây, kiết vô minh chung nơi năm bộ của ba cõi, duyên nơi hữu lậu, vô lậu, là biến hành và không phải biến hành. Kiết thủ thì chung nơi ba cõi, chỉ có bốn bộ, duyên nơi hữu lậu chung nơi biến hành và không phải biến hành.
Các người gồm đủ trói buộc: Đối với sự việc nơi năm bộ của ba cõi, nếu có kiết vô minh trói buộc cũng có kiết thủ trói buộc. Nếu có kiết thủ trói buộc cũng có kiết vô minh trói buộc.
Các người không gồm đủ trói buộc: Vì kiết vô minh dài, kiết thủ ngắn, về câu đã hỏi nên thuận theo trường hợp sau để đáp: Nếu đối với sự việc này có kiết thủ trói buộc, tất có kiết vô minh trói buộc. Nghĩa là ở nơi năm bộ của ba cõi, có sự việc của kiết thủ chưa đoạn. Hoặc có kiết vô minh trói buộc, không có kiết thủ trói buộc. Nghĩa là tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, ở pháp do tu đạo đoạn, có kiết vô minh chưa đoạn. Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, ở pháp do tu đạo đoạn có kiết vô minh chưa đoạn. Đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ đối với pháp do tu đạo đoạn có kiết vô minh chưa đoạn. Trong đây hoặc có kiết vô minh của chín địa chưa đoạn cho đến hoặc có kiết vô minh của một địa chưa đoạn. Nơi địa này, hoặc có kiết vô minh của chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết vô minh của một phẩm chưa đoạn. Do chưa đoạn nên có kiết vô minh trói buộc, không có kiết thủ trói buộc. Vì sao? Vì kiết thủ biến hành duyên nơi năm bộ, là chúng đã đoạn.
Vì kiết thủ không phải biến hành chưa đoạn thì đã đoạn, đối với pháp do tu đạo đoạn, vì không có khả năng trói buộc, vì bộ do tu đạo đoạn không có kiết thủ.
Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết vô minh trói buộc cũng có kiết ganh ghét trói buộc chăng?
Đáp: Nếu đối với việc này có kiết ganh ghét trói buộc, tất có kiết vô minh trói buộc. Hoặc có kiết vô minh trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Nghĩa là ở pháp của cõi dục do kiến đạo đoạn và pháp của cõi sắc, cõi vô sắc có kiết vô minh chưa đoạn.
Trong đây, kiết vô minh chung nơi năm bộ của ba cõi, duyên nơi hữu lậu, vô lậu, là biến hành, không phải biến hành. Kiết ganh ghét chỉ ở nơi cõi dục do tu đạo đoạn, duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành.
Các người gồm đủ trói buộc: Nơi sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn, nếu có kiết vô minh trói buộc, cũng có kiết ganh ghét trói buộc. Nếu có kiết ganh ghét trói buộc cũng có kiết vô minh trói buộc. Ở sự việc nơi bốn bộ của cõi dục do kiến đạo đoạn và sự việc nơi năm bộ của cõi sắc, cõi vô sắc có kiết vô minh trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc.
Người không gồm đủ trói buộc: Nếu chưa lìa nhiễm cõi dục, thì nơi sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn có đủ hai kiết trói buộc. Sự việc nơi bốn bộ của ba cõi do kiến đạo đoạn, tùy thuộc ở xứ chưa lìa trói buộc, có kiết vô minh trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Nếu ở xứ đã lìa trói buộc thì không có hai kiết trói buộc. Sự việc của cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn, có kiết vô minh trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi dục, đối với sự việc của năm bộ nơi cõi dục không có hai kiết trói buộc. Sự việc nơi năm bộ của cõi sắc, vô sắc, tùy thuộc ở xứ chưa lìa trói buộc, có kiết vô minh trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Nếu là xứ đã lìa trói buộc thì không có hai kiết trói buộc. Do kiết vô minh dài, kiết ganh ghét ngắn, tức về câu hỏi nêu trên nên thuận theo trường hợp sau để đáp.
Nếu đối với sự việc này có kiết ganh ghét trói buộc, tất có kiết vô minh trói buộc. Nghĩa là nơi sự việc chưa lìa bỏ trói buộc của cõi dục do tu đạo đoạn, hoặc có kiết vô minh trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Nghĩa là ở pháp của cõi dục do kiến đạo đoạn, có kiết vô minh chưa lìa. Trong đây, hoặc có kiết vô minh của bốn bộ chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết vô minh của một bộ chưa đoạn. Nơi pháp của cõi sắc, cõi vô sắc có kiết vô minh chưa đoạn. Ở đây, hoặc có kiết vô minh của tám điạ chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết vô minh của một địa chưa đoạn. Trong địa này hoặc có kiết vô minh của năm bộ chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết vô minh của một bộ chưa đoạn. Nơi bộ này, hoặc có kiết vô minh của chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết vô minh của một phẩm chưa đoạn. Vì chưa đoạn nên có kiết vô minh trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Vì sao? Vì bộ do kiến đạo đoạn không có kiết ganh ghét. Vì ở cõi sắc, cõi vô sắc cũng không có ganh ghét.
Như đối với kiết ganh ghét, thì đối với kiết keo kiệt cũng vậy. Nghĩa là ganh ghét cùng với keo kiệt đều chỉ ở nơi cõi dục do tu đạo đoạn, duyên nơi hữu lậu và không phải là biến hành.
Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết kiến trói buộc cũng có kiết thủ trói buộc chăng?
Đáp: Nếu đối với sự việc này, có kiết kiến trói buộc tất có kiết thủ trói buộc. Hoặc có kiết thủ trói buộc, không có kiết kiến trói buộc, cho đến nói rộng.
Trong đây, kiết kiến chung nơi cả ba cõi chỉ có bốn bộ, duyên chung cả hữu lậu, vô lậu, là biến hành và không phải biến hành. Kiết thủ chung cho cả ba cõi, chỉ có bốn bộ, duyên nơi hữu lậu, chung cho cả biến hành và không phải biến hành.
Các người gồm đủ trói buộc: Về sự việc nơi năm bộ của ba cõi, nếu có kiết kiến trói buộc cũng có kiết thủ trói buộc. Nếu có kiết thủ trói buộc cũng có kiết kiến trói buộc.
Người không gồm đủ trói buộc: Đối với pháp không tương ưng với kiết kiến, do kiến diệt kiến đạo đoạn, có kiết thủ trói buộc không có kiết kiến trói buộc, vì kiết kiến ngắn, kiết thủ dài, tức nơi câu hỏi đã nêu nên thuận theo trường hợp trước để đáp.
Nếu đối với sự việc này, có kiết kiến trói buộc tất có kiết thủ trói buộc. Tức là ở sự việc chưa lìa kiết kiến trói buộc nơi năm bộ của ba cõi, hoặc có kiết thủ trói buộc, không có kiết kiến trói buộc. Nghĩa là tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến diệt, kiến đạo đoạn, có kiết thủ chưa đoạn. Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến đạo đoạn, có kiết thủ chưa đoạn. Trong đây, pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến đạo đoạn như trước đã nói.
Ở nơi các pháp này, vì kiết thủ chưa đoạn, nên có kiết thủ trói buộc. Kiết kiến kia là thuộc về đối tượng duyên ở nơi tụ mình và thuộc về pháp tương ưng. Nếu đối với tụ khác là thuộc về đối tượng duyên, không phải thuộc về pháp tương ưng, nên không có kiết kiến trói buộc. Vì sao? Vì kiết kiến biến hành duyên nơi năm bộ, chúng đều đã đoạn. Số còn lại chưa đoạn, đối với pháp không tương ưng với kiết kiến này không thuộc về đối tượng duyên, vì duyên nơi vô lậu, không phải thuộc về pháp tương ưng vì là tụ khác, do tự tánh không tương ưng với tự tánh.
Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết kiến trói buộc cũng có kiết nghi trói buộc chăng?
Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp. Trong đây, kiết kiến là chung nơi ba cõi, chỉ có bốn bộ, duyên nơi hữu lậu, vô lậu, chung cho cả biến hành, không phải biến hành. Kiết nghi cũng như vậy.
Các người gồm đủ trói buộc: Đối với sự việc nơi năm bộ của ba cõi, nếu có kiết kiến trói buộc cũng có kiết nghi trói buộc. Nếu có kiết nghi trói buộc cũng có kiết kiến trói buộc.
Người không gồm đủ trói buộc: Là hai kiết kiến, nghi đều ở nơi tụ của mình, vì có trói buộc nên dài, đều ở nơi tụ khác, vì không có trói buộc nên ngắn. Thế nên nơi câu hỏi đã nêu nên tạo ra bốn trường hợp của tự gốc để đáp.
1. Hoặc có kiết kiến trói buộc không có kiết nghi trói buộc. Nghĩa là tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, pháp tương ưng với kiết kiến do kiến diệt, kiến đạo đoạn, có kiết kiến chưa đoạn. Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, đối với pháp tương ưng với kiết kiến do kiến đạo đoạn có kiết kiến chưa đoạn. Trong đây, pháp tương ưng với kiết kiến do kiến diệt kiến đạo đoạn, nghĩa là tâm tâm sở pháp tương ưng với tà kiến kia, kiết kiến đối với tà kiến kia có thuộc về pháp tương ưng, vì lý do chưa đoạn, không thuộc về đối tượng duyên, vì duyên nơi vô lậu, kiết nghi đối với tà kiến kia hoàn toàn không có nghĩa hệ thuộc. Vì sao? Vì kiết nghi biến hành, duyên nơi năm bộ, chúng đã đoạn, số còn lại chưa đoạn là pháp tương ưng với kiết kiến, không phải thuộc về đối tượng duyên, vì duyên nơi vô lậu, không phải thuộc về pháp tương ưng, vì là tụ khác.
2. Hoặc có kiết nghi trói buộc không có kiết kiến trói buộc. Nghĩa là tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, đối với pháp tương ưng với kiết nghi do kiến diệt, kiến đạo đoạn, có kiết nghi chưa đoạn. Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, đối với pháp tương ưng với kiết nghi do kiến đạo đoạn, có kiết nghi chưa đoạn. Trong đây, pháp tương ưng với kiết nghi do kiến diệt, kiến đạo đoạn, nghĩa là tâm tâm sở pháp tương ưng với nghi kia, kiết nghi đối với chúng có thuộc về tương ưng, do chưa đoạn, không thuộc về đối tượng duyên, vì duyên nơi vô lậu. Kiết kiến đối với nghi kia hoàn toàn không có nghĩa hệ thuộc. Vì sao? Vì kiết kiến biến hành, duyên nơi năm bộ, là chúng đã đoạn. Số còn lại chưa đoạn đều là pháp tương ưng với kiết nghi, không phải thuộc về đối tượng duyên, vì duyên nơi vô lậu, không phải thuộc về tương ưng, vì là tụ khác.
3. Hoặc cả hai đều cùng có trói buộc. Người gồm đủ trói buộc: Đối với pháp do tu đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Trong đây, người gồm đủ trói buộc ở nơi pháp do kiến khổ đoạn có kiết kiến của hai bộ trói buộc, kiết nghi của hai bộ trói buộc. Ở nơi pháp do kiến tập đoạn cũng vậy.
Pháp tương ưng với kiết kiến do kiến diệt đoạn có kiết kiến của ba bộ trói buộc, kiết nghi của hai bộ trói buộc. Pháp tương ưng với kiết nghi do kiến diệt đoạn có kiết nghi của ba bộ trói buộc, kiết kiến của hai bộ trói buộc. Nơi pháp không tương ưng với hai kiết kiến, nghi do kiến diệt đoạn, có kiết kiến của hai bộ trói buộc, kiết nghi của hai bộ trói buộc. Nơi pháp do kiến đạo đoạn cũng vậy.
Ở nơi pháp do tu đạo đoạn, có kiết kiến của hai bộ trói buộc, kiết nghi của hai bộ trói buộc. Khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với pháp do kiến khổ, tập, diệt, đạo, tu đạo đoạn, có hai kiết trói buộc. Trong đây, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với pháp do kiến khổ đoạn có kiết kiến của một bộ trói buộc, kiết nghi của một bộ trói buộc. Đối với pháp do kiến tập đoạn cũng vậy. Pháp tương ưng với kiết kiến do kiến diệt đoạn, có kiết kiến của hai bộ trói buộc, kiết nghi của một bộ trói buộc.
Pháp tương ưng với kiết nghi do kiến diệt đoạn, có kiết nghi của hai bộ trói buộc, kiết kiến của một bộ trói buộc. Pháp không tương ưng với hai kiết kiến, nghi, do kiến diệt đoạn, có kiết kiến của một bộ trói buộc, kiết nghi của một bộ trói buộc. Đối với pháp do kiến đạo đoạn cũng vậy. Về pháp do tu đạo đoạn có kiết kiến của một bộ trói buộc, kiết nghi của một bộ trói buộc.
4. Hoặc có cả hai đều cùng không trói buộc. Nghĩa là tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, đối với pháp do kiến khổ, kiến tập đoạn, và pháp không tương ưng với hai kiết kiến, nghi do kiến diệt, kiến đạo đoạn cùng đối với pháp do tu đạo đoạn, không có hai kiết trói buộc.
Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, đối với pháp do kiến khổ, tập, diệt đoạn, cùng pháp không tương ưng với hai kiết kiến, nghi do kiến đạo đoạn và pháp do tu đạo đoạn, không có hai kiết trói buộc, Đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ, đối với pháp do kiến đạo tu đạo đoạn không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi dục, đối với pháp cõi dục không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi sắc, đối với pháp cõi dục, cõi sắc không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi vô sắc, ở nơi pháp của ba cõi không có hai kiết trói buộc.
Trong đây, các pháp vì chủ thể trói buộc, đối tượng bị trói buộc đều cùng đã đoạn, nên đều lìa hai kiết. Nghĩa là đều cùng lìa trói buộc của kiết kiến, kiết nghi. Pháp không tương ưng với hai kiết kiến, nghi do kiến diệt, kiến đạo đoạn, tuy chưa lìa sự trói buộc nơi bộ mình, nhưng vì hai kiết kiến, nghi đối với pháp kia không trói buộc, nên gọi là không có hai kiết trói buộc.
Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết kiến trói buộc cũng có kiết ganh ghét trói buộc chăng?
Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp. Ở đây: Kiết kiến thì chung nơi ba cõi, chỉ có bốn bộ, duyên chung cho hữu lậu, vô lậu, là biến hành, không phải biến hành. Kiết ganh ghét chỉ có nơi cõi dục do tu đạo đoạn, duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành.
Các người gồm đủ trói buộc: Đối với sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn, nếu có kiết kiến trói buộc cũng có kiết ganh ghét trói buộc. Nếu có kiết ganh ghét trói buộc cũng có kiết kiến trói buộc. Ở sự việc nơi bốn bộ của cõi dục do kiến đạo đoạn và sự việc của năm bộ nơi cõi sắc, cõi vô sắc có kiết kiến trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc.
Người không gồm đủ trói buộc: Nếu chưa lìa nhiễm cõi dục, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với sự việc nơi bốn bộ của ba cõi do kiến đạo đoạn và sự việc của cõi sắc cõi vô sắc do tu đạo đoạn có kiết kiến trói buộc không có kiết ganh ghét trói buộc. Ở nơi sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn, có đủ hai kiết trói buộc. Tập trí đã sinh, diệt hoặc đạo trí chưa sinh, ở nơi sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn có kiết ganh ghét trói buộc, không có kiết kiến trói buộc. Pháp tương ưng với kiết kiến của ba cõi do kiến diệt hoặc kiến đạo đoạn, có kiết kiến trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Đối với pháp của ba cõi do kiến khổ, kiến tập và pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến diệt, kiến đạo đoạn, không có hai kiết trói buộc. Nếu đã lìa nhiễm cõi dục, đối với sự việc nơi năm bộ của cõi dục, không có hai kiết trói buộc. Đối với sự việc nơi năm bộ ở cõi sắc, cõi vô sắc, tùy thuộc ở người chưa lìa kiết kiến, có kiết kiến trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Nếu người đã lìa kiết kiến, thì không có hai kiết trói buộc. Hai kiết này cùng có nghĩa dài ngắn nên ở câu hỏi đã nêu phải nêu ra bốn trường hợp mà đáp:
1. Hoặc có kiết kiến trói buộc không có kiết ganh ghét trói buộc. Nghĩa là ở nơi pháp của cõi dục do kiến đạo đoạn và pháp của cõi sắc, cõi vô sắc, có kiết kiến chưa đoạn. Trong đây, pháp của cõi dục do kiến đạo đoạn, có kiết kiến chưa đoạn. Hoặc có kiết kiến của bốn bộ chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết kiến của một bộ chưa đoạn. Ở nơi pháp của cõi sắc, cõi vô sắc, có kiết kiến chưa đoạn, hoặc có kiết kiến của tám địa chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết kiến của một địa chưa đoạn. Nơi địa này, hoặc có kiết kiến của bốn bộ chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết kiến của một bộ chưa đoạn. Do chưa đoạn, nên có kiết kiến trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Vì sao? Vì bộ do kiến đạo đoạn và vì hai cõi trên không có kiết ganh ghét.
2. Hoặc có kiết ganh ghét trói buộc không có kiết kiến trói buộc. Nghĩa là chưa lìa nhiễm cõi dục, tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, ở nơi pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có kiết ganh ghét chưa đoạn. Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có kiết ganh ghét chưa đoạn. Đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ, chưa lìa nhiễm cõi dục, ở nơi pháp của cõi dục do tu đạo đoạn, có kiết ganh ghét chưa đoạn. Trong đây, hoặc có kiết ganh ghét của chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết ganh ghét của một phẩm chưa đoạn. Do chưa đoạn, nên có kiết ganh ghét trói buộc, không có kiết kiến trói buộc. Vì sao? Vì kiết kiến biến hành, duyên nơi năm bộ, là chúng đã đoạn. Số còn lại chưa đoạn, đối với pháp do tu đạo đoạn, vì không có khả năng tạo trói buộc, vì duyên nơi vô lậu, vì bộ do tu đạo đoạn không có kiết kiến.
3. Hoặc cả hai đều cùng có trói buộc: Nghĩa là người gồm đủ trói buộc, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Trong đây, người gồm đủ trói buộc, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn, có kiết kiến của hai bộ trói buộc, kiết ganh ghét của một bộ trói buộc. Lại nữa, chưa lìa nhiễm cõi dục, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, ở nơi pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Trong đây, chưa lìa nhiễm cõi dục, hoặc có chín phẩm chưa lìa, cho đến hoặc có một phẩm chưa lìa. Khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, ở nơi pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có kiết kiến của một bộ trói buộc, kiết ganh ghét của một bộ trói buộc.
4. Hoặc cả hai đều cùng không trói buộc: Nghĩa là chưa lìa nhiễm cõi dục, tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, đối với pháp do kiến khổ, kiến tập đoạn, cùng pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến diệt, kiến đạo đoạn và pháp của cõi sắc, cõi vô sắc do tu đạo đoạn, không có hai kiết trói buộc. Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, đối với pháp do kiến khổ, kiến tập, kiến diệt đoạn, cùng pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến đạo đoạn, và pháp của cõi sắc, cõi vô sắc do tu đạo đoạn, không có hai kiết trói buộc. Đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ, chưa lìa nhiễm cõi dục, ở nơi pháp do kiến đạo đoạn và pháp của cõi sắc, cõi vô sắc do tu đạo đoạn, không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi dục, ở nơi pháp của cõi dục không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi sắc, ở pháp của cõi dục, cõi sắc không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi vô sắc, ở nơi pháp của ba cõi không có hai kiết trói buộc. Trong đây, hoặc có trường hợp vì đã đoạn nên không trói buộc. Hoặc có trường hợp vì vốn không có kiết, nên không trói buộc.
Như đối với kiết ganh ghét, thì đối với kiết keo kiệt cũng vậy. Nghĩa là ganh ghét với keo kiệt đều cùng chỉ ở nơi cõi dục do tu đạo đoạn, duyên nơi hữu lậu, là không phải biến hành.
Như kiết kiến đối với phần sau làm một hành, kiết nghi đối với phần sau làm một hành cũng vậy. Nghĩa là kiến với nghi đều cùng chung cả ba cõi, chỉ có bốn bộ, duyên chung cả hữu lậu, vô lậu, là biến hành và không phải biến hành.
Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết thủ trói buộc cũng có kiết nghi trói buộc chăng?
Đáp: Nếu đối với sự việc này, có kiết nghi trói buộc tất có kiết thủ trói buộc. Hoặc có kiết thủ trói buộc không có kiết nghi trói buộc, cho đến nói rộng.
Trong đây, kiết thủ chung nơi ba cõi, chỉ có bốn bộ, duyên nơi hữu lậu, chung cho biến hành và không phải biến hành. Kiết nghi chung nơi ba cõi, chỉ có bốn bộ, duyên chung nơi hữu lậu, vô lậu, là biến hành và không phải biến hành.
Các người gồm đủ trói buộc: Đối với sự việc nơi năm bộ của ba cõi, nếu có kiết thủ trói buộc cũng có kiết nghi trói buộc. Nếu có kiết nghi trói buộc cũng có kiết thủ trói buộc.
Người không gồm đủ trói buộc: Là ở nơi pháp không tương ưng với kiết nghi do kiến diệt, kiến đạo đoạn có kiết thủ trói buộc, không có kiết nghi trói buộc. Do kiết thủ dài, kiết nghi ngắn, tức nơi câu hỏi đã nêu nên thuận theo trường hợp sau để đáp.
Nếu đối với sự việc này, có kiết nghi trói buộc tất có kiết thủ trói buộc. Nghĩa là đối với sự việc nơi năm bộ của ba cõi, chưa lìa kiết nghi, hoặc có kiết thủ trói buộc không có kiết nghi trói buộc. Nghĩa là tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, pháp không tương ưng với kiết nghi do kiến diệt, kiến đạo đoạn, có kiết thủ chưa đoạn. Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, pháp không tương ưng với kiết nghi do kiến đạo đoạn, có kiết thủ chưa đoạn. Trong đây, pháp không tương ưng với kiết nghi do kiến diệt, kiến đạo đoạn, nghĩa là tự tánh của nghi kia và pháp tương ưng, không tương ưng của các tụ như tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tham giận, mạn, vô minh không chung v.v…
Đối với các pháp này, kiết thủ chưa đoạn, nên có kiết thủ trói buộc. Kiết thủ kia ở nơi tụ của mình là thuộc về đối tượng duyên và thuộc về pháp tương ưng. Nếu đối với tụ khác, tức thuộc về đối tượng duyên, không phải thuộc về pháp tương ưng. Không có kiết nghi trói buộc. Vì sao? Vì kiết nghi biến hành, duyên nơi năm bộ, là chúng đã đoạn. Số còn lại chưa đoạn đối với pháp không tương ưng với kiết nghi này, không phải thuộc về đối tượng duyên, vì duyên nơi vô lậu, không phải thuộc về pháp tương ưng, vì là tụ khác, vì tự tánh không tương ưng với tự tánh.
Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết thủ trói buộc cũng có kiết ganh ghét trói buộc chăng?
Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp. Trong đây, kiết thủ là chung cho ba cõi chỉ có bốn bộ, duyên nơi hữu lậu, chung cho biến hành và không phải biến hành. Kiết ganh ghét chỉ ở nơi cõi dục do tu đạo đoạn duyên nơi hữu lậu, là không phải biến hành.
Các người gồm đủ trói buộc: Đối với sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn, nếu có kiết thủ trói buộc cũng có kiết ganh ghét trói buộc. Nếu có kiết ganh ghét trói buộc cũng có kiết thủ trói buộc. Đối với sự việc nơi bốn bộ của cõi dục do kiến đạo đoạn và sự việc nơi năm bộ của cõi sắc, cõi vô sắc, có kiết thủ trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc.
Người không gồm đủ trói buộc: Nếu chưa lìa nhiễm cõi dục, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với sự việc nơi bốn bộ của ba cõi do tu đạo đoạn và sự việc của cõi sắc, cõi vô sắc do tu đạo đoạn, có kiết thủ trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Nơi sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn, có đủ hai kiết trói buộc.
Tập trí đã sinh, diệt trí hoặc đạo trí chưa sinh, đối với sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn, có kiết ganh ghét trói buộc, không có kiết thủ trói buộc. Về sự việc của ba cõi do kiến diệt hoặc kiến đạo đoạn, có kiết thủ trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Ở nơi sự việc của ba cõi do kiến khổ, kiến tập đoạn không có hai kiết trói buộc. Nếu đã lìa nhiễm cõi dục, về sự việc nơi năm bộ của cõi dục, không có hai kiết trói buộc. Ở nơi sự việc của năm bộ thuộc cõi sắc, cõi vô sắc, tùy vào chỗ chưa lìa kiết thủ, có kiết thủ trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Nếu đã lìa kiết thủ, thì không có hai kiết trói buộc. Vì hai kiết này đều có nghĩa dài, ngắn xen lẫn, tức ở nơi câu hỏi đã nêu nên tạo ra bốn trường hợp để đáp.
1. Hoặc có kiết thủ trói buộc không có kiết ganh ghét trói buộc: Nghĩa là ở nơi pháp của cõi dục do kiến đạo đoạn và pháp của cõi sắc, cõi vô sắc có kiết thủ chưa đoạn. Trong đây, ở nơi pháp của cõi dục do kiến đạo đoạn, có kiết thủ chưa đoạn. Nghĩa là hoặc có kiết thủ của bốn bộ chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết thủ của một bộ chưa đoạn. Ở nơi pháp của cõi sắc, cõi vô sắc có kiết thủ chưa đoạn. Hoặc có kiết thủ của tám địa chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết thủ của một địa chưa đoạn. Nơi địa này, hoặc có kiết thủ của bốn bộ chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết thủ của một bộ chưa đoạn. Do chưa đoạn, nên có kiết thủ trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Vì sao. Vì bộ do kiến đạo đoạn và ở hai cõi trên không có kiết ganh ghét.
2. Hoặc có kiết ganh ghét trói buộc không có kiết thủ trói buộc. Nghĩa là chưa lìa nhiễm cõi dục, tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, ở nơi pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có kiết ganh ghét chưa đoạn. Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có kiết ganh ghét chưa đoạn. Đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ, chưa lìa nhiễm cõi dục, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn, có kiết ganh ghét chưa đoạn. Ở đây, hoặc có chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có một phẩm chưa đoạn. Vì chưa đoạn, nên có kiết ganh ghét trói buộc, không có kiết thủ trói buộc. Vì sao? Vì kiết thủ biến hành, duyên nơi năm bộ, là chúng đã đoạn. Số còn lại chưa đoạn ở nơi pháp do tu đạo đoạn không có khả năng tạo sự trói buộc, vì không phải đối tượng duyên, vì bộ do tu đạo đoạn, không có kiết thủ.
3. Hoặc cả hai cùng có trói buộc. Nghĩa là người gồm đủ trói buộc, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Trong đây, người gồm đủ trói buộc đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có kiết thủ của hai bộ trói buộc, kiết nghi của một bộ trói buộc. Lại nữa, chưa lìa nhiễm cõi dục, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Trong đây, chưa lìa nhiễm cõi dục hoặc có chín phẩm chưa lìa, cho đến hoặc có một phẩm chưa lìa. Khổ trí kia đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có kiết thủ của một bộ trói buộc, kiết ganh ghét của một bộ trói buộc.
4. Hoặc cả hai đều cùng không trói buộc. Nghĩa là chưa lìa nhiễm của cõi dục, tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, pháp do kiến khổ, kiến tập đoạn, pháp của cõi sắc, cõi vô sắc do tu đạo đoạn không có hai kiết trói buộc. Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, ở nơi pháp do kiến khổ, tập, diệt đoạn và pháp của cõi sắc, cõi vô sắc do tu đạo đoạn, không có hai kiết trói buộc. Đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ, chưa lìa nhiễm cõi dục, ở nơi pháp do kiến đạo đoạn và pháp của cõi sắc, cõi vô sắc do tu đạo đoạn không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi dục, ở nơi pháp của cõi dục không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi sắc, đối với pháp của cõi dục, cõi sắc không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi vô sắc, ở nơi pháp của ba cõi không có hai kiết trói buộc. Trong đây, hoặc có trường hợp vì đã đoạn, nên không trói buộc, hoặc có trường hợp vì vốn không có, nên không trói buộc.
Như đối với kiết ganh ghét, thì đối với kiết keo kiệt cũng vậy. Nghĩa là ganh ghét với keo kiệt cùng chỉ có nơi cõi dục do tu đạo đoạn, duyên nơi hữu lậu, là không phải biến hành.
Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết ganh ghét trói buộc cũng có kiết keo kiệt trói buộc chăng?
Đáp: Đúng vậy.
Hỏi: Nếu như có kiết keo kiệt trói buộc lại có kiết ganh ghét trói buộc chăng?
Đáp: Đúng vậy. Nghĩa là kiết ganh ghét và kiết keo kiệt đều cùng chỉ ở nơi cõi dục do tu đạo đoạn, tức nơi câu hỏi vừa nêu, nên đáp theo câu như vậy. Nếu chưa lìa nhiễm cõi dục, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có đủ hai kiết trói buộc. Ở nơi pháp của ba cõi do kiến đạo đoạn và pháp của cõi sắc, cõi vô sắc do tu đạo đoạn, không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi dục, đối với hết thảy pháp của ba cõi không có hai kiết trói buộc. Vì dài, ngắn tương tợ nên nói là: Đúng vậy.
Hỏi: Kiết ganh ghét là căn cứ ở người khác mà chuyển, còn kiết keo kiệt thì dựa vào mình mà chuyển, do đâu đều cùng nêu hỏi và đều đáp: Đúng vậy?
Đáp: Có thuyết nói: Kiết ganh ghét là đối với người khác, có khả năng duyên, cũng hiện khởi, đối với chính mình có khả năng duyên nhưng không hiện khởi. Kiết keo kiệt đối với chính mình có khả năng duyên cũng hiện khởi, đối với người khác có khả năng duyên nhưng không hiện khởi. Vì đây là căn cứ ở khả năng duyên nên nói là: Đúng vậy.
Có thuyết cho: Hai kiết ganh ghét keo kiệt đều cùng duyên nơi chính mình và người khác mà hiện khởi.
Hỏi: Kiết ganh ghét duyên nơi kẻ khác mà khởi có thể là như thế. Còn duyên nơi chính mình mà khởi là thế nào?
Đáp: Như có thí chủ vì hai Bí-sô, dâng cúng các vật dụng cần cho sự sống. Một vị thì thành tựu tốt đẹp, một vị thì không thành tựu tốt đẹp. Người không thành tựu tốt đẹp, vừa trông thấy tức sinh ganh ghét, nghĩ: Vật dụng hỗ trợ đời sống của người kia cũng như ta đã có được, há không vui sao? Sự ganh ghét này cũng có khả năng duyên nơi chính mình mà khởi.
Hỏi: Kiết keo kiệt duyên nơi chính mình mà khởi có thể là như vậy, còn duyên nơi người khác mà khởi thì thế nào?
Đáp: Như có một loại người lúc thấy người khác thí cho, vội khởi tâm keo kiệt, nghĩ: Đối với người kia, đâu cần cho họ vật ấy làm gì. Nhưng vật thí cho đó đối với mình hoàn toàn không có phần.
Sự keo kiệt này cũng có khả năng duyên nơi người khác mà khởi, nên đáp: Đúng vậy, về lý là không trái.
HẾT – QUYỂN 57