LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 56

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ NHẤT HÀNH, phần 1

* Có chín kiết: Nghĩa là kiết ái cho đến kiết keo kiệt (Xan). Nếu đối với sự việc này có kiết ái trói buộc cũng có kiết giận trói buộc chăng? Chương như thế và giải thích nghĩa của chương v.v… đã lãnh hội rồi, tiếp theo nên giải thích rộng.

Trong đây nói sự việc, tức sự việc có 5 thứ:

  1. Sự việc của tự Thể.
  2. Sự việc của đối tượng duyên.
  3. Sự việc trói buộc.
  4. Sự việc của nhân.
  5. Sự việc thâu nhận.

Sự việc của tự Thể: Là như nơi phần Kiến Uẩn nói: Nếu sự việc có thể thông đạt sự việc kia, là có thể nhận biết khắp chăng? Nếu như sự việc có thể nhận biết khắp sự việc kia, thì có thể thông đạt chăng? Phần kia đối với tự Thể của các nhẫn, các trí, lấy tiếng sự việc để nói, tức phần Luận kia lại nói: Nếu sự việc đã được thì sự việc đó thành tựu chăng? Nếu như sự việc thành tựu thì sự việc đó đã được chăng?

Ở đây, có thuyết nói: Tự Thể của tất cả pháp dùng tiếng sự việc để nói.

Có thuyết cho: Nếu pháp có được thì dùng tiếng sự việc để nói.

Sự việc của đối tượng duyên: Nghĩa là như Luận Phẩm Loại Túc nói: Tất cả các pháp đều là đối tượng nhận biết của trí, nên tùy thuận sự việc đó. Thế nào là tùy thuận sự việc đó? Nghĩa là nếu pháp là cảnh nơi đối tượng hành của trí này, thì Luận kia đối với đối tượng duyên dùng tiếng sự việc để nói. Nhưng Khế kinh nói: Ta sẽ vì các ông nói bốn mươi bốn sự việc của trí và bảy mươi bảy sự việc của trí.

Các Luận sư A-tỳ-đạt-ma nói: Kinh kia nói về sự việc của tự Thể. Nghĩa là các nhẫn trí duyên nơi hữu chi, là dùng tiếng sự việc để nói.

Tôn giả Diệu Âm nói: Kinh kia nói về sự việc của đối tượng duyên. Nghĩa là các nhẫn trí đã duyên nơi hữu chi nên dùng tiếng sự việc để nói.

Sự việc trói buộc: Nghĩa là như trong đây nói: Nếu đối với sự việc này có kiết ái trói buộc, cũng có kiết giận trói buộc chăng? Cho đến nói rộng.

Pháp của năm bộ ở đây dùng tiếng sự việc để nói. Nghĩa là pháp do kiến khổ, tập, diệt, đạo, tu đạo đoạn, là sự việc bị trói buộc của năm bộ phiền não nên nói là sự việc trói buộc.

Sự việc của nhân: Nghĩa là như Luận Phẩm Loại Túc nói: Thế nào là pháp có sự? Thế nào là pháp không sự? Ý của Luận kia nói: Pháp có nhân, pháp không nhân. Lại như kệ nói:

Tâm Bí-sô tịch tĩnh

Vĩnh viễn đoạn các sự

Sinh tử kia đã dứt

Không thọ nhận thân sau.

Ý của tụng nói: Tất cả sinh tử đều căn cứ nơi nhân. Vì có nhân nên có sinh tử. Nhân đã đoạn nên sinh tử hết, do đó không còn thọ nhận sự sinh của ba hữu ở vị lai.

Sự việc thâu nhận: Nghĩa là như Khế kinh nói: Nên bỏ tâm thâu nhận các sự việc ruộng nương, nhà cửa, tài sản, nên lìa nghiệp thâu nhận ruộng nương, nhà cửa, của cải. Lại như kệ nói:

Nếu nơi sự ruộng, của

Tôi tớ, cùng bò, ngựa v.v…

Nam nữ thân dục riêng

Người ấy gọi tham nhất.

Lại, người tại gia nói: Tôi thâu nhận sự việc này, tôi gìn giữ sự việc ấy. Những sự việc như thế, gọi là sự việc thâu nhận.

Lại có 5 sự việc:

  1. Sự việc của giới.
  2. Sự việc của xứ.
  3. Sự việc của uẩn.
  4. Sự việc của đời.
  5. Sự việc của sát-na.

Đối với 10 sự việc này, trong đây chỉ dựa vào sự việc trói buộc để tạo luận, không dựa vào chín sự việc còn lại.

Các Luận sư A-tỳ-đạt-ma nói: Sự việc bị trói buộc là thật, kiết có thể trói buộc cũng là thật, Bổ-đặc-già-la là giả.

Độc Tử Bộ nói: Sự việc bị trói buộc là thật, kiết có thể trói buộc cũng là thật, Bổ-đặc-già-la là thật.

Phái Thí Dụ nói: Kiết có thể trói buộc là thật, sự việc bị trói buộc là giả, Bổ-đặc-già-la cũng là giả.

Hỏi: Vì sao phái kia nói sự việc bị trói buộc là giả?

Đáp: Phái kia nói cảnh có nhiễm cùng với cảnh không nhiễm là không quyết định, nên biết cảnh không phải là thật. Nghĩa là như có một người nữ đẹp đẽ, phục sức trang nhã đi vào chúng hội. Có người trông thấy tỏ vẻ kính nể. Có kẻ trông thấy khởi tâm tham. Có người vừa thấy thì khởi giận. Có kẻ trông thấy khởi ganh ghét. Có người nhìn thấy sinh tâm nhàm chán. Có kẻ vừa thấy khởi tâm bi. Có người trông thấy sinh tâm xả. Nên biết trong số này, người hiển bày rõ khởi tâm kính nể. Kẻ tham đắm dục thấy thì khởi tâm tham. Những người oán ghét thấy thì khởi giận dữ. Những kẻ cùng trang lứa với chồng cô ta thấy rồi thì khởi ganh ghét. Đối với người có tu tập quán bất tịnh thấy thì khởi tưởng nhàm chán. Các tiên đã lìa dục trông thấy là khởi tâm bi, cảm nghĩ: Sắc tướng xinh đẹp này không bao lâu sẽ bị vô thường hủy diệt. Các A-la-hán thấy thì sinh tâm xả. Do đó, nên biết cảnh không có thật thể.

Phái kia nói là phi lý. Vì sao? Vì nếu cảnh không thật tức nên không tạo duyên để sinh tâm tâm sở. Nếu vậy tức nên không có pháp phẩm nhiễm, tịnh, Bổ-đặc-già-la nhất định không phải thật có, vì Đức Phật nói: Không có ngã, không có ngã sở.

Các phiền não có thứ tương ưng với năm thức, có thứ tương ưng với ý thức. Phiền não tương ưng với năm thức: Là nếu ở quá khứ thì trói buộc sự việc của quá khứ. Nếu ở hiện tại thì trói buộc sự việc trong hiện tại. Nếu pháp ở vị lai, pháp sinh thì trói buộc sự việc của vị lai, pháp không sinh thì trói buộc sự việc trong ba đời. Phiền não tương ưng với ý thức: Là nếu ở quá khứ, nếu ở vị lai, nếu ở hiện tại, đều dung nạp sự trói buộc sự việc của ba đời.

Lại nữa, phiền não tương ưng với nhãn thức đối với sắc xứ tạo nên sự trói buộc của đối tượng duyên. Đối với ý xứ pháp xứ tương ưng với phiền não kia, tạo nên sự trói buộc của pháp tương ưng. Phiền não tương ưng với nhĩ thức đối với thanh xứ tạo nên sự trói buộc của đối tượng duyên. Đối với ý xứ pháp xứ tương ưng với phiền não kia tạo nên sự trói buộc của pháp tương ưng. Phiền não tương ưng với tỷ thức đối với hương xứ tạo nên sự trói buộc của đối tượng duyên. Đối với ý xứ pháp xứ tương ưng với phiền não kia tạo nên sự trói buộc của pháp tương ưng. Phiền não tương ưng với thiệt thức đối với vị xứ tạo nên sự trói buộc của đối tượng duyên. Đối với ý xứ pháp xứ tương ưng với phiền não kia tạo nên sự trói buộc của pháp tương ưng. Phiền não tương ưng với thân thức đối với xúc xứ tạo nên sự trói buộc của đối tượng duyên. Đối với ý xứ pháp xứ tương ưng với phiền não kia tạo nên sự trói buộc của pháp tương ưng. Phiền não tương ưng với ý thức đối với mười hai xứ tạo nên sự trói buộc của đối tượng duyên. Đối với ý xứ pháp xứ tương ưng với phiền não kia tạo nên sự trói buộc của pháp tương ưng.

Đây gọi là một hành tóm lược về Tỳ-bà-sa.

Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết ái trói buộc cũng có kiết giận trói buộc chăng?

Đáp: Nếu đối với sự việc này có kiết giận trói buộc tất có kiết ái trói buộc.

Hoặc có kiết ái trói buộc không có kiết giận trói buộc: Nghĩa là đối với pháp của cõi sắc, cõi vô sắc, có kiết ái chưa đoạn.

Trong đây, kiết ái là chung nơi năm bộ của ba cõi, chỉ duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành. Kiết giận chỉ chung nơi năm bộ của cõi dục, chỉ duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành.

Các người gồm đủ trói buộc: Đối với sự việc của năm bộ nơi cõi dục, nếu có kiết ái trói buộc cũng có kiết giận trói buộc. Nếu có kiết giận trói buộc cũng có kiết ái trói buộc. Đối với sự việc của năm bộ nơi cõi sắc, cõi vô sắc, có kiết ái trói buộc không có kiết giận trói buộc.

Các người không gồm đủ trói buộc: Đối với sự việc của năm bộ nơi cõi dục, tùy ở xứ chưa đoạn, có kiết ái trói buộc cũng có kiết giận trói buộc. Nếu ở xứ đã đoạn, không có kiết ái trói buộc cũng không có kiết giận trói buộc. Đối với sự việc của năm bộ nơi cõi sắc, cõi vô sắc, tùy ở xứ chưa đoạn, có kiết ái trói buộc không có kiết giận trói buộc. Nếu ở xứ đã đoạn, không có kiết ái trói buộc cũng không có kiết giận trói buộc, do kiết ái thì kéo dài, kiết giận thì ngắn.

Nơi câu đã hỏi, nên thuận với câu sau để đáp: Nếu đối với sự việc này có kiết giận trói buộc tất có kiết ái trói buộc: Nghĩa là đối với sự việc của năm bộ nơi cõi dục, chưa đoạn trừ hết. Hoặc có kiết ái trói buộc không có kiết giận trói buộc: Nghĩa là đối với pháp của cõi sắc, cõi vô sắc có kiết ái chưa đoạn.

Ở đây, hoặc có tám địa chưa đoạn, cho đến hoặc có Phi tưởng phi phi tưởng xứ chưa đoạn. Nơi địa này, hoặc có năm bộ chưa đoạn, cho đến hoặc có tu đạo đoạn chưa đoạn. Ở trong bộ này, hoặc có chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có phẩm hạ hạ chưa đoạn. Trong đây, nói tướng chung là nói chưa đoạn.

Hỏi: Vì sao pháp của năm bộ nơi cõi sắc, cõi vô sắc không có kiết giận trói buộc?

Đáp: Do hai cõi trên không có kiết giận.

Hỏi: Vì sao hai cõi trên không có kiết ấy?

Đáp: Vì hai cõi đó đối với kiết giận không phải là ruộng, là vật chứa đựng.

Lại nữa, các Sư Du-già đã nhàm chán sự tai hại của kiết giận, mong cầu hai cõi trên. Nếu hai cõi trên có kiết giận thì các Sư Du-già không nên siêng năng tu gia hạnh để cầu mong được sinh lên nơi đó. Nếu pháp ở địa dưới có, địa trên cũng có, tức nên không có pháp lần lượt diệt. Nếu không có pháp này, cũng nên không có pháp diệt cứu cánh là chỗ được dẫn. Nếu lại bác bỏ pháp diệt cứu cánh thì cũng nên bác bỏ giải thoát, xuất ly. Chớ nên phạm lỗi lầm này, thế nên hai cõi trên không có kiết giận.

Lại nữa, kiết giận tất dựa vào sự thô tháo nối tiếp. Còn nơi cõi sắc, cõi vô sắc sự nối tiếp là những tiếp xúc vi tế, được thấm nhuần do Xa-ma-tha (Chỉ) thù thắng, nên không có kiết giận.

Lại nữa, nếu ở cõi này có ưu căn, khổ căn, tức có kiết giận. Các loài hữu tình dựa vào ưu căn, khổ căn, nên đối với sự nối tiếp khác dấy khởi giận dữ. Ở cõi sắc, cõi vô sắc không có ưu căn, không có khổ căn, nên không có kiết giận.

Lại nữa, vì trong cõi dục có không hổ không thẹn tức có kiết giận. Các loài hữu tình nương dựa vào không hổ không thẹn, nên đối với sự nối tiếp khác khởi giận dữ. Ở cõi sắc, cõi vô sắc không có không hổ không thẹn, nên không có kiết giận.

Lại nữa, nếu ở cõi này có tật (ganh ghét), xan (keo kiệt), tức có kiết giận. Các loài hữu tình nương theo tật, xan, nên đối với sự nối tiếp khác khởi giận dữ. Ở cõi sắc, cõi vô sắc không có ganh ghét, không có keo kiệt, nên không có kiết giận.

Lại nữa, nếu ở cõi này có nam căn, nữ căn, tức có kiết giận. Các loài hữu tình dựa vào nam căn, nữ căn, nên đối với sự nối tiếp khác khởi giận dữ. Ở cõi sắc, cõi vô sắc không có nam căn, nữ căn, nên không có kiết giận.

Lại nữa, nếu ở cõi này ăn uống bằng đoạn thực tức có kiết giận. Các loài hữu tình dựa vào sự ăn uống ấy, nên đối với sự nối tiếp khác khởi giận dữ. Ở cõi sắc, cõi vô sắc không có ăn uống bằng đoạn thực, nên không có kiết giận.

Lại nữa, nếu ở cõi này có ái dâm dục tức có kiết giận. Các loài hữu tình dựa vào ái dâm dục, nên đối với sự nối tiếp khác khởi giận dữ. Ở cõi sắc, cõi vô sắc không có ái dâm dục, nên không có kiết giận.

Lại nữa, nếu ở cõi này có năm cái nặng nề tức có kiết giận. Các loài hữu tình dựa vào năm cái nặng nề ấy, nên đối với sự nối tiếp khác khởi giận dữ. Ở cõi sắc, cõi vô sắc không có năm cái nặng nề ấy, nên không có kiết giận.

Lại nữa, nếu ở cõi này có năm dục diệu tức có kiết giận. Các loài hữu tình dựa vào năm dục diệu, nên đối với sự nối tiếp khác khởi giận dữ. Ở cõi sắc, cõi vô sắc không có năm dục diệu, nên không có kiết giận.

Lại nữa, nếu ở cõi này có tướng oán ghét tức có kiết giận. Tướng oán ghét nghĩa là chín sự não hại. Vì ở cõi sắc, cõi vô sắc không có tướng oán ghét, nên không có kiết giận.

Do đó, Tôn giả Diệu Âm nói: Nếu hữu tình gặp phải các tướng oán ghét liền khởi kiết giận. Vì các tướng oán ghét nơi hai cõi trên không có, nên ở đấy không có kiết giận.

Lại nữa, Từ là đạo đối trị gần của kiết giận. Vì cõi sắc có Từ, nên không có kiết giận. Như nơi chốn có gió Phệ-lam-bà mạnh, nơi đó mây khói tất không dừng được. Vì cõi sắc không có nên cõi vô sắc cũng không. Vì không phải các phiền não nơi địa dưới đã không có, mà địa trên được có để lần lượt đoạn trừ.

Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết ái trói buộc cũng có kiết mạn trói buộc chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu như có kiết mạn trói buộc lại có kiết ái trói buộc chăng?

Đáp: Đúng vậy. Nghĩa là kiết ái, kiết mạn đều chung cho cả năm bộ của ba cõi, chỉ duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành, vì dài, ngắn v.v… đối với câu hỏi đã nêu nên có câu đáp như thế.

Nếu người gồm đủ trói buộc: Tức sự việc của năm bộ nơi ba cõi đều bị hai kiết trói buộc.

Người không gồm đủ trói buộc: Theo xứ đã đoạn, không có hai kiết trói buộc. Nếu ở xứ chưa đoạn, tức có hai kiết trói buộc.

Ở đây, hoặc có chín địa, cho đến hoặc có một địa. Nơi địa ấy, hoặc có năm bộ, cho đến hoặc có một bộ. Ở trong bộ này, hoặc có chín phẩm, cho đến hoặc có một phẩm, nên nói như thế.

Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết ái trói buộc cũng có kiết vô minh trói buộc chăng?

Đáp: Nếu đối với sự việc này có kiết ái trói buộc tất có kiết vô minh trói buộc.

Hoặc có kiết vô minh trói buộc không có kiết ái trói buộc: Nghĩa là khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với pháp do kiến khổ đoạn có kiết vô minh do kiến tập đoạn, chưa đoạn.

Trong đây, kiết ái là chung cho năm bộ của ba cõi, chỉ duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành. Kiết vô minh là chung cho năm bộ của ba cõi, đều duyên nơi hữu lậu, vô lậu, là biến hành, không phải biến hành.

Các người gồm đủ trói buộc: Đối với sự việc của năm bộ nơi ba cõi, nếu có kiết ái trói buộc cũng có kiết vô minh trói buộc. Nếu có kiết vô minh trói buộc cũng có kiết ái trói buộc.

Người không gồm đủ trói buộc: Ở nơi xứ đã đoạn, hoặc có kiết vô minh biến hành trói buộc, không có kiết ái trói buộc, vì kiết vô minh dài, kiết ái ngắn.

Tức nơi câu hỏi đã nêu nên thuận theo trường hợp trước để đáp: Nghĩa là trong sự việc của năm bộ nơi ba cõi, nếu có kiết ái trói buộc tất có kiết vô minh trói buộc. Hoặc có kiết vô minh trói buộc không có kiết ái trói buộc, nói rộng như trước. Nghĩa là khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, kiết ái, kiết vô minh do kiến khổ đoạn, nơi sự việc của bộ mình đã đoạn hết, nên đều không thể trói buộc. Kiết vô minh biến hành do kiến tập đoạn, đối với sự việc do kiến khổ đoạn là thuộc về đối tượng duyên. Kiết ái do kiến tập đoạn, đối với sự việc do kiến khổ đoạn không phải thuộc về đối tượng duyên, vì không phải là biến hành, không phải thuộc về tương ưng, vì là tụ khác.

Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết ái trói buộc cũng có kiết kiến trói buộc chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp: Trong đây, kiết ái là chung cho cả năm bộ của ba cõi, chỉ duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành. Kiết kiến là chung nơi ba cõi, chỉ có nơi bốn bộ, đều duyên chung nơi hữu lậu, vô lậu, là biến hành, không phải biến hành.

Các người gồm đủ trói buộc: Đối với sự việc của năm bộ nơi ba cõi, nếu có kiết ái trói buộc cũng có kiết kiến trói buộc. Nếu có kiết kiến trói buộc cũng có kiết ái trói buộc.

Người không gồm đủ trói buộc: Vì kiết ái chung cho năm bộ, nên dài, vì chỉ duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành, nên ngắn. Vì kiết kiến chỉ có bốn bộ, nên ngắn, vì duyên chung nơi hữu lậu, vô lậu, là biến hành, không phải biến hành, nên dài. Vì hai kiết này cùng có nghĩa dài, ngắn, nên nơi câu hỏi đã nêu cần tạo ra bốn trường hợp để đáp.

1. Hoặc có kiết ái trói buộc không có kiết kiến trói buộc: Nghĩa là tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh. Đối với pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến diệt, kiến đạo đoạn cùng đối với pháp do tu đạo đoạn có kiết ái chưa đoạn.

Trong đây, pháp không tương ưng với kiến kiến do kiến diệt, kiến đạo đoạn: Nghĩa là tự tánh của tà kiến kia và pháp tương ưng không tương ưng của các tụ như kiến thủ, giới cấm thủ, nghi, tham, giận, mạn, vô minh không chung. Đối với các pháp này có ái chưa đoạn.

Có kiết ái trói buộc, kiết đó đối với tụ của mình là thuộc về tượng duyên và thuộc về pháp tương ưng. Nếu ở nơi tụ khác là thuộc về đối tượng duyên, không phải thuộc về pháp tương ưng nên không có kiết kiến trói buộc. Vì sao? Vì kiết kiến biến hành, duyên nơi năm bộ, là chúng đã đoạn. Số còn lại chưa đoạn là pháp không tương ưng với kiết kiến nay, không phải thuộc về đối tượng duyên, vì duyên nơi vô lậu, không phải thuộc về pháp tương ưng, vì là tụ khác, vì tự tánh không tương ưng với tự tánh.

Đối với pháp do tu đạo đoạn kia, vì ái chưa đoạn nên có kiết ái trói buộc. Hoặc có kiết ái của chín địa chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết ái của một địa chưa đoạn. Trong địa này hoặc có kiết ái của chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết ái của một phẩm chưa đoạn. Không có kiết kiến trói buộc. Vì sao? Vì kiết kiến biến hành duyên nơi năm bộ, là chúng đã đoạn, vì bộ do tu đạo đoạn không có kiết kiến.

Lại nữa, diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, đối với pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến đạo đoạn và đối với pháp do tu đạo đoạn, có kiết ái chưa đoạn. Trong đấy, pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến đạo đoạn như trước đã nói. Nơi các pháp này và pháp do tu đạo đoạn có kiết ái trói buộc không có kiết kiến trói buộc, cũng như trước đã nói.

Lại nữa, đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ, đối với pháp do tu đạo đoạn có kiết ái chưa đoạn. Ở đây, đạo loại trí đã sinh, vì thấy biết đủ bốn Thánh đế nơi ba cõi, nên gọi là thấy biết đủ. Các đệ tử kia đối với pháp do tu đạo đoạn, vì ái chưa đoạn, nên có kiết ái trói buộc. Hoặc có kiết ái của chín địa chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết ái của một địa chưa đoạn. Trong địa này, hoặc có kiết ái của chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết ái của một phẩm chưa đoạn. Không có kiết kiến trói buộc. Vì sao? Vì tất cả kiết kiến nơi hàng đệ tử kia đã đoạn.

2. Hoặc có kiết kiến trói buộc, không có kiết ái trói buộc: Nghĩa là khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với pháp do kiến khổ đoạn, có kiết kiến do kiến tập đoạn chưa đoạn. Trong đây, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, kiết ái, kiết kiến do kiến khổ đoạn, cả hai đều cùng đã đoạn. Kiết kiến do kiến tập đoạn chưa đoạn, nên đối với pháp do kiến khổ đoạn là thuộc về đối tượng duyên. Kiết ái do kiến tập đoạn tuy chưa đoạn, nhưng đối với pháp do kiến khổ đoạn không phải thuộc về đối tượng duyên, vì không phải là biến hành, không phải thuộc về pháp tương ưng, vì là tụ khác.

3. Hoặc cả hai kiết đều cùng có trói buộc: Nghĩa là người gồm đủ trói buộc, đối với pháp do kiến đạo, tu đạo đoạn có hai kiết trói buộc.

Hỏi: Vì sao gọi là người gồm đủ trói buộc?

Đáp: Vì hữu tình này, tất cả chi phần đều có thể trói buộc. Vì tất cả chi phần đều bị trói buộc, nên gọi là gồm đủ trói buộc. Tất cả chi phần đều có thể trói buộc, nghĩa là phiền não của năm bộ đều có thể tạo trói buộc.

Tất cả chi phần đều bị trói buộc: Là các pháp của năm bộ đều bị trói buộc. Người gồm đủ trói buộc này, đối với pháp do kiến khổ đoạn, có kiết ái của một bộ trói buộc và kiết kiến của hai bộ trói buộc. Đối với pháp do kiến tập đoạn cũng như vậy.

Đối với pháp tương ưng với kiết kiến do kiến diệt đoạn có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết kiến của ba bộ trói buộc. Đối với pháp không tương ưng với kiết kiến, có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết kiến của ba bộ trói buộc. Đối với pháp do kiến đạo đoạn cũng vậy.

Đối với pháp do tu đạo đoạn có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết kiến của hai bộ trói buộc.

Lại nữa, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với pháp do kiến tập, diệt, đạo, tu đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Trong đây, đối với pháp do kiến tập đoạn có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết kiến của một bộ trói buộc. Đối với pháp tương ưng với kiết kiến do kiến diệt đoạn có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết kiến của hai bộ trói buộc. Đối với pháp không tương ưng với kiết kiến, có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết kiến của một bộ trói buộc. Đối với pháp do kiến đạo đoạn cũng như vậy. Đối với pháp tu đạo đoạn có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết kiến của một bộ trói buộc. Bấy giờ, đối với pháp do kiến khổ đoạn tuy có kiết kiến trói buộc nhưng không có kiết ái trói buộc, thế nên ở đây không nói.

Lại nữa, tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, đối với pháp tương ưng với kiết kiến do kiến diệt, kiến đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Ở đây, đối với pháp tương ưng với kiết kiến do kiến diệt, kiến đạo đoạn đều có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết kiến của một bộ trói buộc. Lúc ấy đối với pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến diệt kiến đạo đoạn và pháp do tu đạo đoạn, tuy có kiết ái trói buộc nhưng không có kiết kiến trói buộc, nên ở đây không nói.

Lại nữa, diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, nơi pháp tương ưng với kiết kiến do kiến đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Trong đây, đối với pháp tương ưng với kiết kiến do kiến đạo đoạn có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết kiến của một bộ trói buộc. Bấy giờ, đối với pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến đạo đoạn và pháp do tu đạo đoạn, tuy có kiết ái trói buộc nhưng không có kiết kiến trói buộc, thế nên ở đây không nói.

4. Hoặc cả hai kiết cùng không trói buộc: Nghĩa là tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, ở nơi pháp do kiến khổ, kiến tập đoạn, không có hai kiết trói buộc. Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, đối với pháp do kiến khổ, tập, diệt đoạn, không có hai kiết trói buộc. Đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ, đối với pháp do kiến đạo đoạn, không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi dục, nên đối với pháp của cõi dục không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi sắc, nên đối với pháp của cõi dục, cõi sắc không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm của cõi vô sắc, nên với pháp của ba cõi không có hai kiết trói buộc.

Hỏi: Trong đây: Các pháp là chủ thể trói buộc và đối tượng bị trói buộc, vì đều cùng đã đoạn, nên đều lìa cả hai kiết. Nghĩa là đều cùng lìa trói buộc của kiết ái, kiết kiến. Ở đây lại nên nêu ra hỏi đáp về Từng có, Nếu như: Từng có pháp tương ưng với kiết kiến do kiến diệt kiến đạo đoạn, có kiết ái trói buộc, không có kiết kiến trói buộc, đều là chỗ tùy tăng của tùy miên kiến chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là sáu phẩm kiết đoạn rồi nhập chánh tánh ly sinh. Tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, pháp tương ưng với kiết kiến của sáu phẩm trước do kiến diệt kiến đạo đoạn có kiết ái trói buộc. Kiết ái của ba phẩm sau duyên nơi pháp kia chưa đoạn. Không có kiết kiến trói buộc, vì kiết kiến biến hành duyên nơi năm bộ, là chúng đã đoạn. Sáu phẩm trước của tự bộ vì kiết kiến duyên nơi vô lậu cũng đã đoạn. Ba phẩm sau của tự bộ vì kiết kiến duyên nơi vô lậu, tuy chưa đoạn nhưng ở nơi sáu phẩm trước đã đoạn. Pháp tương ưng với kiết kiến, không phải thuộc về đối tượng duyên, vì duyên nơi vô lậu, không phải thuộc về tương ưng, vì là tụ khác nhưng tùy miên kiến không phải là không tùy tăng. Vì kiến thủ, giới cấm thủ ở nơi tự bộ, ba phẩm sau đối với sáu phẩm trước cũng tùy tăng. Tùy miên kiến chung cho cả năm kiến, còn kiết kiến chỉ là ba kiến trước. Như đối với kiết kiến, đối với kiết nghi cũng vậy. Nghĩa là như kiết kiến chung nơi ba cõi, chỉ có nơi bốn bộ, duyên nơi hữu lậu, vô lậu chung cho biến hành, không phải là biến hành, kiết nghi cũng như vậy. Thế nên, kiết ái nếu đối với kiết nghi cũng như đối với kiết kiến.

Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết ái trói buộc cũng có kiết thủ trói buộc chăng?

Đáp: Nên nên ra bốn trường hợp:

Trong đây kiết ái thì chung nơi năm bộ của ba cõi, chỉ có duyên nơi hữu lậu không phải là biến hành. Kiết thủ chung cho ba cõi, chỉ có bốn bộ, duyên nơi hữu lậu chung cho cả biến hành và không phải biến hành. Các người gồm đủ trói buộc, đối với sự việc nơi năm bộ của ba cõi, nếu có kiết ái trói buộc cũng có kiết thủ trói buộc. Nếu có kiết thủ trói buộc cũng có kiết ái trói buộc.

Người không gồm đủ trói buộc: Vì kiết ái chung cho năm bộ nên dài, vì chỉ không phải là biến hành nên ngắn. Kiết thủ chung cho cả biến hành và không phải biến hành nên dài, vì chỉ có bốn bộ nên ngắn. Do hai thứ này đều cùng có nghĩa dài ngắn, nên câu hỏi đã nêu cần tạo ra bốn trường hợp để đáp:

1. Hoặc có kiết ái trói buộc không có kiết thủ trói buộc: Nghĩa là tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, đối pháp do tu đạo đoạn có kiết ái chưa đoạn. Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, đối với pháp do tu đạo đoạn có kiết ái chưa đoạn. Đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ, đối với pháp do tu đạo đoạn có kiết ái chưa đoạn. Ở đây hoặc có kiết ái của chín địa chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết ái của một địa chưa đoạn. Trong địa này, hoặc có kiết ái của chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết ái của một phẩm chưa đoạn. Do chưa đoạn nên có kiết ái trói buộc, không có kiết thủ trói buộc. Vì sao? Vì kiết thủ biến hành duyên nơi năm bộ, là chúng đã đoạn, kiết thủ không phải biến hành chưa đoạn, đã đoạn, đối với pháp do tu đạo đoạn không thể trói buộc, nên bộ do tu đạo đoạn không có kiết thủ.

2. Hoặc có kiết thủ trói buộc, không có kiết ái trói buộc: Nghĩa là khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với pháp do kiến khổ đoạn, có kiết thủ do kiến tập đoạn chưa đoạn. Trong đây, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, kiết ái, kiết thủ do kiến khổ đoạn cả hai đều cùng đã đoạn. Vì kiết thủ do kiến tập đoạn chưa đoạn, nên đối với pháp do kiến khổ đoạn là thuộc về đối tượng duyên. Kiết ái do kiến tập đoạn tuy chưa đoạn, nhưng đối với pháp do kiến khổ đoạn, không phải thuộc về đối tượng duyên, vì không phải là biến hành, không phải thuộc về tương ưng, vì là tụ khác.

3. Hoặc cả hai kiết cùng có trói buộc: Nghĩa là người gồm đủ trói buộc, đối vối pháp do kiến đạo, tu đạo đoạn có hai kiết trói buộc.

Trong đây, người gồm đủ trói buộc đối với pháp do kiến khổ đoạn có kiết ái của một bộ trói buộc và kiết thủ của hai bộ trói buộc. Về pháp do kiến tập đoạn cũng như vậy. Đối với pháp do kiến diệt đoạn có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết thủ của ba bộ trói buộc. Đối với pháp do kiến đạo đoạn cũng như vậy. Ở nơi pháp do tu đạo đoạn có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết thủ của hai bộ trói buộc.

Lại nữa, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với pháp do kiến tập, diệt, đạo, tu đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Về pháp do kiến tập đoạn trong đây có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết thủ của một bộ trói buộc. Đối với pháp do kiến diệt, kiến đạo đoạn đều có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết thủ của hai bộ trói buộc. Đối với pháp do tu đạo đoạn có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết thủ của một bộ trói buộc. Bấy giờ, ở nơi pháp do kiến khổ đoạn, tuy có kiết thủ trói buộc nhưng không có kiết ái trói buộc nên ở đây không nói.

Lai nữa, tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, đối với pháp do kiến diệt, kiến đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Về pháp do kiến diệt, kiến đạo đoạn trong đây đều có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết thủ của một bộ trói buộc. Lúc ấy, đối với pháp do tu đạo đoạn, tuy có kiết ái trói buộc nhưng không có kiết thủ trói buộc, nên ở đây không nói.

Lại nữa, diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, đối với pháp do kiến đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Với pháp do kiến đạo đoạn trong đây, có kiết ái của một bộ trói buộc, kiết thủ của một bộ trói buộc. Bấy giờ, ở nơi pháp do tu đạo đoạn, tuy có kiết ái trói buộc, nhưng không có kiết thủ trói buộc, nên ở đây không nói.

4. Hoặc cả hai kiết cùng không trói buộc: Nghĩa là tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, đối với pháp do kiến khổ, kiến tập đoạn, không có hai kiết trói buộc. Diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, đối với pháp do kiến khổ, kiến tập, kiến diệt đoạn, không có hai kiết trói buộc. Đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ, đối với pháp do kiến đạo đoạn không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi dục, đối với pháp của cõi dục không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi sắc, ở nơi pháp của cõi dục, cõi sắc không có hai kiết trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi vô sắc, đối với pháp của ba cõi không có hai kiết trói buộc. Trong đây, các pháp là chủ thể trói buộc, đối tượng bị trói buộc, đều cùng đã đoạn nên đều lìa hai kiết, nghĩa là cùng lìa sự trói buộc của kiết ái, kiết thủ.

Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết ái trói buộc cũng có kiết ganh ghét (Tật) trói buộc chăng?

Đáp: Nếu đối với sự việc này có kiết ganh ghét trói buộc tất có kiết ái trói buộc. Hoặc có kiết ái trói buộc không có kiết ganh ghét trói buộc. Nghĩa là pháp của cõi dục do kiến đạo đoạn và pháp của cõi sắc, cõi vô sắc có kiết ái chưa đoạn. Trong đây: Kiết ái chung cho cả năm bộ của ba cõi, chỉ có duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành. Kiết ganh ghét chỉ có nơi cõi dục do tu đạo đoạn, duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành.

Các người gồm đủ trói buộc: đối với sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn, nếu có kiết ái trói buộc cũng có kiết ganh ghét trói buộc. Nếu có kiết ganh ghét trói buộc cũng có kiết ái trói buộc. Đối với sự việc nơi bốn bộ của cõi dục do kiến đạo đoạn và sự việc nơi năm bộ thuộc sắc, vô sắc có kiết ái trói buộc không có kiết ganh ghét trói buộc.

Người không gồm đủ trói buộc: Nếu chưa lìa nhiễm cõi dục, đối với sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn, có đủ hai kiết trói buộc. Đối với sự việc nơi bốn bộ của ba cõi do kiến đạo đoạn, tùy theo xứ chưa đoạn, có kiết ái trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Nếu ở nơi xứ đã đoạn, không có hai kiết trói buộc. Đối với sự việc của cõi sắc, cõi vô sắc do tu đạo đoạn, có kiết ái trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Đã lìa nhiễm cõi dục, đối với sự việc nơi năm bộ của cõi dục không có hai kiết trói buộc. Đối với sự việc nơi năm bộ của cõi sắc, cõi vô sắc, tùy theo xứ chưa đoạn có kiết ái trói buộc không có kiết ganh ghét trói buộc. Nếu ở nơi xứ đã đoạn, không có hai kiết trói buộc. Do kiết ái dài, kiết ganh ghét ngắn, đối với câu hỏi đã nêu, nên thuận theo trường hợp sau để đáp. Nếu đối với sự việc này có kiết ganh ghét trói buộc, tất có kiết ái trói buộc. Nghĩa là đối với sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn chưa lìa trói buộc. Hoặc có kiết ái trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Nghĩa là đối với pháp của cõi dục do kiến đạo đoạn có kiết ái chưa đoạn. Trong đây, hoặc có kiết ái của bốn bộ chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết ái của một bộ chưa đoạn. Đối với pháp của cõi sắc, cõi vô sắc có kiết ái chưa đoạn. Trong đây hoặc có kiết ái của tám địa chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết ái của một địa chưa đoạn. Nơi địa này hoặc có kiết ái của năm bộ chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết ái của một bộ chưa đoạn. Ở trong bộ nay, hoặc có kiết ái của chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết ái của một phẩm chưa đoạn. Vì chưa đoạn nên có kiết ái trói buộc, không có kiết ganh ghét trói buộc. Vì sao. Vì bộ do kiến đạo đoạn không có kiết ganh ghét, nơi cõi sắc, cõi vô sắc cũng không có kiết ganh ghét. Hai cõi kia không có ganh ghét, keo kiệt, như trước đã nói về giận. Như đối với kiết ganh ghét, thì đối với kiết keo kiệt cũng vậy. Nghĩa là ganh ghét với keo kiệt đều cùng chỉ ở nơi cõi dục do tu đạo đoạn, duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành.

Như kiết ái đối nơi sau tạo một hành, thì kiết mạn đối nơi sau làm một hành cũng vậy. Tức là ái cùng với mạn đều chung cho cả năm bộ của ba cõi, chỉ duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành.

Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết giận trói buộc cũng có kiết mạn trói buộc chăng?

Đáp: Nếu đối với sự việc này có kiết giận trói buộc tất có kiết mạn trói buộc. Hoặc có kiết mạn trói buộc không có kiết giận trói buộc. Nghĩa là đối với pháp của cõi sắc, cõi vô sắc có kiết mạn chưa đoạn. Trong đây, kiết giận chỉ có nơi cõi dục, chung cho năm bộ, chỉ duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành. Kiết mạn thì chung cho năm bộ của ba cõi, chỉ duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành.

Các người gồm đủ trói buộc: Đối với sự việc nơi năm bộ của cõi dục, nếu có kiết giận trói buộc cũng có kiết mạn trói buộc. Nếu có kiết mạn trói buộc cũng có kiết giận trói buộc. Đối với sự việc nơi năm bộ của cõi sắc, cõi vô sắc, có kiết mạn trói buộc, không có kiết giận trói buộc.

Người không gồm đủ trói buộc: Đối với sự việc nơi năm bộ của cõi dục, tùy theo xứ chưa đoạn, có kiết giận trói buộc cũng có kiết mạn trói buộc. Nếu ở xứ đã đoạn, không có kiết giận trói buộc, cũng không có kiết mạn trói buộc. Về sự việc nơi năm bộ của cõi sắc, cõi vô sắc, tùy theo ở xứ chưa đoạn, có kiết mạn trói buộc, không có kiết giận trói buộc. Nếu ở xứ đã đoạn, không có kiết mạn trói buộc, cũng không có kiết giận trói buộc.

Do kiết giận ngắn, kiết mạn dài, tức nơi câu hỏi đã nêu nên thuận theo trường hợp trước để đáp: Nếu đối với việc này có kiết giận trói buộc, tất có kiết mạn trói buộc. Nghĩa là ở nơi sự việc thuộc năm bộ của cõi dục chưa đoạn hết. Hoặc có kiết mạn trói buộc, không có kiết giận trói buộc. Nghĩa là đối với pháp của cõi sắc, cõi vô sắc có kiết mạn chưa đoạn. Trong đây, hoặc có tám địa chưa đoạn, cho đến hoặc có một địa chưa đoạn. Nơi địa này, hoặc có năm bộ chưa đoạn, cho đến hoặc có một bộ chưa đoạn. Trong bộ ấy hoặc có chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có một phẩm chưa đoạn.

Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết giận trói buộc cũng có kiết vô minh trói buộc chăng?

Đáp: Nếu đối với sự việc này, có kiết giận trói buộc tất có kiết vô minh trói buộc. Hoặc có kiết vô minh trói buộc, không có kiết giận trói buộc. Nghĩa là chưa lìa nhiễm cõi dục, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với pháp của cõi dục do kiến khổ đoạn, có kiết vô minh do kiến tập đoạn chưa đoạn. Kiết giận trong đây, chỉ có nơi cõi dục chung cho năm bộ, chỉ duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành. Kiết vô minh chung cho năm bộ của ba cõi, duyên nơi hữu lậu, vô lậu, chung cho biến hành và không phải biến hành.

Các người gồm đủ trói buộc: Về sự việc nơi năm bộ của cõi dục, nếu có kiết giận trói buộc cũng có kiết vô minh trói buộc. Nếu có kiết vô minh trói buộc cũng có kiết giận trói buộc. Về sự việc nơi năm bộ của cõi sắc, cõi vô sắc, có kiết vô minh trói buộc, không có kiết giận trói buộc.

Người không gồm đủ trói buộc: Đối với xứ đã đoạn của cõi dục, hoặc có kiết vô minh biến hành trói buộc, không có kiết giận trói buộc. Ở nơi xứ chưa đoạn của cõi sắc, cõi vô sắc cũng như vậy. Do kiết giận thì ngắn, kiết vô minh thì dài, tức nơi câu hỏi đã nêu nên thuận theo trường hợp trước để đáp. Nếu đối với sự việc này có kiết giận trói buộc tất có kiết vô minh trói buộc. Nghĩa là về sự việc nơi năm bộ của cõi dục chưa đoạn hết. Hoặc có kiết vô minh trói buộc, không có kiết giận trói buộc. Nghĩa là chưa lìa nhiễm cõi dục, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, nơi pháp của cõi dục do kiến khổ đoạn, có kiết vô minh do kiến tập đoạn chưa đoạn. Trong đây, chưa lìa nhiễm cõi dục, hoặc đã lìa nhiễm cõi dục, đối với pháp của cõi dục, vì hai kiết đều không có, nên nói là chưa lìa nhiễm kia.

Khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, kiết giận cùng với vô minh do kiến khổ đoạn, cả hai đều đã đoạn. Vô minh biến hành do kiến tập đoạn, vì cùng chưa đoạn, nên đối với pháp do kiến khổ đoạn là thuộc về đối tượng duyên. Kiết giận do kiến tập đoạn đối với pháp do kiến khổ đoạn là không phải thuộc về đối tượng duyên, vì không phải là biến hành. Không phải thuộc về tương ưng vì là tụ khác.

Lại nữa, nơi pháp của cõi sắc, vô sắc có kiết vô minh chưa đoạn. Ở đây, hoặc có kiết vô minh của tám địa chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết vô minh của một địa chưa đoạn. Nơi địa này, hoặc có kiết vô minh của năm bộ chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết vô minh của một bộ chưa đoạn. Trong bộ này, hoặc có kiết vô minh của chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết vô minh nơi một phẩm chưa đoạn. Vì chưa đoạn nên có kiết vô minh trói buộc, không có kiết giận trói buộc, vì hai cõi đó không có kiết giận.

Hỏi: Nếu đối với sự việc này, có kiết giận trói buộc cũng có kiết kiến trói buộc chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp: Trong đây, kiết giận chỉ có nơi cõi dục chung cho năm bộ, chỉ duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành. Kiết kiến thì chung nơi ba cõi, chỉ có bốn bộ, duyên nơi hữu lậu, vô lậu, chung cả biến hành và không phải biến hành.

Các người gồm đủ trói buộc: Đối với sự việc nơi năm bộ của cõi dục, nếu có kiết giận trói buộc cũng có kiết kiến trói buộc. Nếu có kiết kiến trói buộc cũng có kiết giận trói buộc. Ở sự việc nơi năm bộ của cõi sắc, cõi vô sắc, có kiết kiến trói buộc, không có kiết giận trói buộc.

Người không gồm đủ trói buộc: Vì kiết giận chung cho năm sự việc, nên dài, chỉ có nơi cõi dục, vì duyên nơi hữu lậu, không phải là biến hành, nên ngắn. Kiết kiến chung nơi ba cõi, vì duyên nơi hữu lậu, vô lậu, chung cả biến hành và không phải biến hành nên dài, vì chỉ có bốn bộ nên ngắn. Hai thứ này đều cùng có nghĩa dài, ngắn, tức nơi câu hỏi đã nêu nên tạo ra bốn trường hợp để đáp.

1. Hoặc có kiết giận trói buộc không có kiết kiến trói buộc. Nghĩa là chưa lìa nhiễm cõi dục, tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, đối với pháp không tương ưng với kiết kiến của cõi dục do kiến diệt kiến đạo đoạn và pháp ở cõi dục do tu đạo đoạn, có kiết giận chưa đoạn. Trong đây, pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến diệt kiến đạo đoạn, nghĩa là tự tánh của tà kiến và pháp tương ưng không tương ưng của các tụ như kiến thủ, giới cấm thủ, nghi, tham, giận, mạn, vô minh không chung v.v… Ở nơi các pháp này, vì giận chưa đoạn, nên có kiết giận trói buộc. Pháp đó ở nơi tụ mình là thuộc về đối tượng duyên và thuộc về tương ưng. Nếu ở nơi tụ khác là thuộc về đối tượng duyên, không phải thuộc về tương ưng, nên không có kiết kiến trói buộc. Vì sao? Vì kiết kiến biến hành duyên nơi năm bộ, là chúng đã đoạn, số còn lại chưa đoạn đối nơi pháp tương ưng với kiết kiến này, không phải thuộc về đối tượng duyên, vì duyên nơi vô lậu, không phải thuộc về tương ưng, vì là tụ khác, vì tự tánh không tương ưng với tự tánh. Kiết kiến kia đối với pháp ở cõi dục do tu đạo đoạn, vì giận chưa đoạn, nên có kiết giận trói buộc. Hoặc có kiết giận của chín phẩm chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết giận của một phẩm chưa đoạn, không có kiết kiến trói buộc. Vì sao? Vì kiết kiến biến hành duyên nơi năm bộ, là chúng đã đoạn, nên bộ do tu đạo đoạn, không có kiết kiến.

Lại nữa, diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, ở nơi pháp không tương ưng với kiết kiến của cõi dục do kiến đạo đoạn, và pháp của cõi dục do tu đạo đoạn, có kiết giận chưa đoạn. Trong đây pháp không tương ưng với kiết kiến do kiến đạo đoạn như trước đã nói. Ở nơi các pháp này và pháp của cõi dục do tu đạo đoạn, có kiết giận trói buộc, không có kiết kiến trói buộc, cũng như trước đã nêu.

Lại nữa, đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ, chưa lìa nhiễm cõi dục, đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn, có kiết giận chưa đoạn. Đệ tử kia đối với pháp của cõi dục do tu đạo đoạn, vì giận chưa đoạn, nên có kiết giận trói buộc, không có kiết kiến trói buộc, như trước nên biết.

2. Hoặc có kiết kiến trói buộc không có kiết giận trói buộc: Nghĩa là chưa lìa nhiễm cõi dục, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với pháp của cõi dục do kiến khổ đoạn, có kiết kiến do kiến tập đoạn chưa đoạn. Đối với pháp của cõi sắc, cõi vô sắc, có kiết kiến chưa đoạn. Trong đây khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, kiết giận, kiết kiến do kiến khổ đoạn, cả hai đều đã đoạn. Vì kiết kiến do kiến tập đoạn chưa đoạn, nên đối với pháp do kiến khổ đoạn là thuộc về đối tượng duyên. Kiết giận do kiến tập đoạn tuy chưa đoạn, nhưng đối với pháp do kiến khổ đoạn, không phải thuộc về đối tượng duyên, vì không phải là biến hành. Không phải thuộc về pháp tương ưng vì là tụ khác. Đối với pháp của cõi sắc, cõi vô sắc, có kiết kiến chưa đoạn, hoặc có kiết kiến của tám địa chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết kiến của một địa chưa đoạn. Ở trong địa này, hoặc có kiết kiến của bốn bộ chưa đoạn, cho đến hoặc có kiết kiến của một bộ chưa đoạn. Vì chưa đoạn nên có kiết kiến trói buộc, không có kiết giận trói buộc, vì hai cõi kia không có giận dữ.

3. Hoặc cả hai kiết đều cùng có trói buộc. Nghĩa là người gồm đủ trói buộc, ở nơi pháp của cõi dục do kiến đạo tu đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Người gồm đủ trói buộc này, đối với pháp của cõi dục do kiến khổ đoạn, có kiết giận của một bộ trói buộc, kiết kiến của hai bộ trói buộc. Đối với pháp của cõi dục do kiến tập đoạn cũng như vậy. Đối với pháp tương ưng với kiết kiến của cõi dục do kiến diệt đoạn, có kiết giận của một bộ trói buộc và kiết kiến của ba bộ trói buộc. Đối với pháp không tương ưng với kiết kiến kia, có kiết giận của một bộ trói buộc, kiết kiến của hai bộ trói buộc. Nơi pháp của cõi dục do kiến đạo đoạn cũng vậy. Nơi pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có kiết giận của một bộ trói buộc, kiết kiến của hai bộ trói buộc.

Lại nữa, chưa lìa nhiễm cõi dục, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, đối với pháp của cõi dục do kiến tập, diệt, đạo, tu đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Ở đây, đối với pháp của cõi dục do kiến tập đoạn, có kiết giận của một bộ trói buộc, kiết kiến của một bộ trói buộc. Nơi pháp tương ưng với kiết kiến của cõi dục do kiến diệt đoạn, có kiết giận của một bộ trói buộc, kiết kiến của hai bộ trói buộc.

Đối với pháp không tương ưng với kiết kiến kia, có kiết giận của một bộ trói buộc, kiết kiến của một bộ trói buộc. Đối với pháp của cõi dục do kiến đạo đoạn cũng như vậy. Nơi pháp của cõi dục do tu đạo đoạn có kiết giận của một bộ trói buộc, kiết kiến của một bộ trói buộc. Bấy giờ, đối với pháp nơi cõi dục do kiến khổ đoạn, tuy có kiết kiến trói buộc nhưng không có kiết giận trói buộc, nên ở đây không nói.

Lại nữa, tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, đối với pháp tương ưng với kiết kiến của cõi dục do kiến diệt, kiến đạo đoạn, có hai kiết trói buộc. Trong đây, chưa lìa nhiễm nơi cõi dục, đối với pháp tương ưng với kiết kiến thuộc cõi dục do kiến diệt, kiến đạo đoạn đều có kiết giận của một bộ trói buộc, kiết kiến của một bộ trói buộc. Lúc này, nơi pháp không tương ưng với kiết kiến của cõi dục do kiến diệt kiến đạo đoạn và pháp do tu đạo đoạn, tuy có kiết giận trói buộc nhưng không có kiết kiến trói buộc, nên ở đây không nói.

Lại nữa, diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, đối với pháp tương ưng với kiết kiến của cõi dục do kiến đạo đoạn có hai kiết trói buộc. Trong đây, chưa lìa nhiễm nơi cõi dục, đối với pháp tương ưng với kiết kiến thuộc cõi dục do kiến đạo đoạn có kiết giận của một bộ trói buộc, kiết kiến của một bộ trói buộc. Bấy giờ, nơi pháp không tương ưng với kiết kiến của cõi dục do kiến đạo đoạn và pháp do tu đạo đoạn, tuy có kiết giận trói buộc nhưng không có kiết kiến trói buộc, nên ở đây không nói.

HẾT – QUYỂN 56