LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 37

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 5: BÀN VỀ KHÔNG HỔ THẸN, phần 4

* Các tâm quá khứ, tâm đó có biến hoại không? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm ngăn chận Tông chỉ của người khác và hiển bày nghĩa chánh. Nghĩa là hoặc có lối chấp: Quá khứ, vị lai, Thể không phải là thật có, hiện tại là vô vi. Người kia đối với ba đời vì ngu si, mê lầm không hiểu rõ, nên khởi chấp như thế. Nay nhằm ngăn chận chỗ chấp trước của người ấy, chỉ rõ là thật có quá khứ, vị lai, hiện tại là pháp hữu vi.

Lại nữa, có các ngoại đạo chấp: Pháp hữu vi lúc hoạt động trong đời, tánh tướng của vật đều ẩn giấu. Có các ngoại đạo chấp: Pháp hữu vi lúc hoạt động ở đời, tánh tướng của vật đều chuyển biến. Có các ngoại đạo chấp: Pháp hữu vi lúc hoạt động ở đời, tánh tướng của vật đều đi qua. Nay nhằm ngăn chận những lối chấp của họ, đồng thời chỉ rõ pháp hữu vi trước diệt sau sinh, nên tạo ra phần Luận này.

Các pháp biến hoại tóm lược có hai thứ: 1. Đời biến hoại. 2.

Lý biến hoại. Đời biến hoại: Là đời quá khứ, hiện tại biến hoại gọi là quá khứ. Lý biến hoại: Là pháp nhiễm ô, vì các pháp nhiễm ô đều trái với lý.

Tâm nhiễm ô của quá khứ có đủ hai thứ biến hoại. Tâm không nhiễm ô chỉ có đời biến hoại. Tâm nhiễm ô của vị lai, hiện tại chỉ có lý biến hoại. Tâm không nhiễm ô không gọi là biến hoại. Đó gọi là ở đây đã tóm lược về Tỳ-bà-sa.

Hỏi: Các tâm quá khứ, tâm đó có biến hoại chăng?

Đáp: Các tâm quá khứ tâm đó đều biến hoại: Nghĩa là tâm nhiễm ô có đủ hai thứ biến hoại, nên gọi là tâm biến hoại. Tâm không nhiễm ô chỉ có đời biến hoại, nên gọi là tâm biến hoại.

Có tâm biến hoại, tâm đó không phải là quá khứ: Nghĩa là tâm tương ưng với tham, giận ở vị lai, hiện tại. Tâm đó chỉ do lý biến hoại, nên gọi là tâm biến hoại.

Để chứng minh cho nghĩa này, Luận chủ lại dẫn Khế kinh. Như Đức Thế Tôn nói: Này các Bí-sô! Giả như bị giặc oán cưa xẻ thân mình, hoặc nơi các chi phần, đối với người kia, tâm các vị chớ nên biến hoại, cũng phải giữ gìn nơi miệng, đừng thốt ra lời nói ác. Nếu tâm biến hoại, thốt ra lời nói ác, là hết sức chướng ngại đối với điều mình mong cầu.

Đây là làm rõ: Tâm giận gọi là biến hoại. Oán, nghĩa là oán đối. Giặc, nghĩa là kẻ trộm cướp.

Hỏi: Vì sao chỉ nói cưa xẻ các chi phần nơi thân?

Đáp: Vì muốn làm rõ chỗ có thể gây ra nhân của nhiều khổ. Nghĩa là các vật dụng như dao, giáo v.v…, lúc gây thương tích, giết hại thân: Có khi đâm vào thì khổ, rút ra thì không khổ. Có khi rút ra thì khổ, chém vào lại không khổ. Nếu dùng cưa để xẻ rọc thân, thì đẩy vào kéo ra đều khổ. Đối với khổ cùng cực này hãy còn không nên giận dữ, huống chi là đối với các thứ khổ nhẹ mà phải sân giận.

Điều mình mong cầu: Nghĩa là khéo hướng tới Niết-bàn.

Lại, Đức Thế Tôn nói: Này các Bí-sô! Đối với cảnh dục thượng diệu, không nên khởi tâm biến hoại.

Đây là chứng tỏ: Tâm tham gọi là biến hoại.

Cảnh dục thượng diệu: Nghĩa là năm thứ dục thượng diệu. Tâm biến hoại, nghĩa là tâm dâm dục.

Hỏi: Nếu từ hiện tại đến quá khứ nói là pháp quá khứ, gọi là đời biến hoại, từ vị lai đến hiện tại, vì sao pháp hiện tại không gọi là đời biến hoại?

Đáp: Nếu đã biến hoại rồi thì không còn biến hoại nữa, nên gọi là đời biến hoại. Hiện tại biến hoại, lại sẽ biến hoại, do đó không nói là đời biến hoại.

Lại nữa, nếu đời có đủ đời biến đổi và tác dụng hủy hoại thì gọi là đời biến hoại. Trong hiện tại tuy có đời biến đổi nhưng không có tác dụng hủy hoại, do pháp hiện tại có tác dụng, nên không gọi là đời biến hoại.

Lại nữa, thế gian cùng thừa nhận pháp tàn tạ, tiêu tan, gọi là đời biến hoại, không nói là hiện tại. Vì thế hiện tại không phải là đời biến hoại.

Hỏi: Hết thảy phiền não, không thứ nào là không trái với lý, đều nên gọi là lý biến hoại, vì sao chỉ nói hai tâm tham, giận là biến hoại?

Đáp: Đây là ý của người tạo luận muốn thế, cho đến nói rộng.

Có thuyết nói: Trong đây cũng nên nói là tâm tương ưng với các phiền não khác gọi là biến hoại, nhưng không nói đến, nên biết nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết cho: Không nên nêu vấn nạn về ý của Luận giả, vì người tạo luận luôn căn cứ nơi kinh để quảng diễn. Vì trong kinh chỉ nói tâm tương ưng với tham, giận gọi là biến hoại, không phải phiền não khác, thế nên không nói.

Hỏi: Để người tạo luận qua một bên. Vì sao Đức Thế Tôn chỉ nói tâm tương ưng với tham, giận gọi là biến hoại mà không nói các thứ khác?

Đáp: Vì Đức Phật quán sát đối tượng được giáo hóa, nên nghe nói về tâm tương ưng với tham, giận gọi là biến hoại mà được giác ngộ, hiểu biết và làm xong mọi công việc, nên chỉ nói hai thứ này, không phải các phiền não khác.

Lại nữa, vì Đức Phật quan sát về chỗ dựa và cảnh nơi đối tượng duyên của hai thứ biến hoại này, nên nói riêng.

Chỗ dựa của tham biến hoại: Là nếu lúc tham hiện tiền, thì thân liền trở nên nhu hòa, cử động nhẹ nhàng, thích thú.

Đối tượng duyên của biến hoại: Là nếu lúc cảnh được yêu thích hiện tiền, thì tâm tâm sở pháp đối với cảnh ấy liền tham đắm nhiễm vướng, lúc ấy chỗ dựa như trống không, như vật vô tình, nên đối với cảnh thô uế mà thấy là sạch đẹp.

Chỗ dựa của giận biến hoại: Là nếu khi giận hiện tiền, thì thân liền trở nên thô mạnh, nặng nề, bực tức.

Đối tượng duyên của biến hoại: Là nếu khi cảnh đáng ghét hiện tiền, thì tâm tâm sở pháp đối với cảnh ấy chán ghét, không muốn đối mặt, huống chi là có thể ngắm nhìn, nên đối vói cảnh tốt đẹp cho là thô xấu.

Lại nữa, Đức Phật quán sát về sắc hình của hai thứ biến hoại này, nên nói riêng.

Sắc của tham biến hoại: Là nếu tham hiện tiền tức làm cho chỗ dựa nơi thân biến đổi thành màu vàng.

Hình của biến hoại: Là nếu tâm tham tăng thượng thường xuyên hiện khởi thì hình người nam biến mất, hình người nữ xuất hiện.

Sắc của giận biến hoại: Là nếu giận hiện tiền tức làm cho đối tượng nương dựa là thân biến thành màu sắc khác.

Hình của biến hoại: Là nếu tâm giận tăng thượng thường xuyên khởi hiện thì hình tướng con người diệt mất, hình tướng rắn sinh.

Từng nghe có một ngoại đạo Ly hệ (Ni-kiền-tử), tuy đã theo Phật xuất gia, nhưng không từ bỏ những thứ trước kia đã thấy, nghe đệ tử Phật nói: Trong pháp kia có vô số lỗi lầm. Nghe như thế nên ông ta sinh giận dữ quá mức. Do quá giận dữ nên biến thành rắn độc.

Lại nữa, Đức Phật quán sát về phần vị và chúng đồng phần của hai sự biến hoại này, nên nói riêng.

Phần vị của tham biến hoại: Là do sức mạnh của tham nên nói có sự khác nhau về tuổi tác nơi các người nam, nữ, ấu niên, thiếu niên, trung niên, già nua.

Chúng đồng phần của biến hoại: Là như Đức Thế Tôn nói: Có cõi trời thuộc Dục giới tên là Hý vong. Các vị trời ấy do quá ham mê vui đùa, nên thân hết sức mệt nhọc, tâm quên hết không còn nhớ gì cả. Vì quên bẵng không còn khả năng nhớ nghĩ mà chết.

Phần vị của giận biến hoại: Là do sức mạnh của giận nên cũng nói có sự khác nhau về tuổi tác của nam, nữ, ấu niên, thiếu niên, trung niên, người già.

Chúng đồng phần của biến hoại: Là như Đức Thế Tôn nói: Có cõi trời nơi Dục giới tên là Ý phẫn. Các vị trời ấy do hay giận dữ, bực tức quá, nên lúc nào cũng hằm hằm nhìn nhau. Do cách nhìn nhau ấy nên sự giận dữ càng tăng, trải qua thời gian lâu như vậy rồi chết.

Lại nữa, Đức Phật quán sát về thân mình, thân người khác cùng các vật dụng của hai biến hoại kia vượt quá các phiền não khác, nên nói riêng.

Lại nữa, Đức Phật quán sát hai thứ ấy có thể sinh khởi vô số các thứ lỗi lầm trái, thuận, vượt quá các phiền não khác, nên nói riêng.

Lại nữa, Đức Phật quán sát hai thứ ấy là gốc của mọi sự tranh chấp, xâu xé, vượt hơn các phiền não khác, nên nói riêng.

Lại nữa, vô số thứ lỗi lầm sâu nặng của thế gian, phần nhiều đều do yêu, ghét, do vậy nên nói riêng.

Lại nữa, hai tùy miên này hiện hữu khắp nơi sáu thức, đều do sức của mình khởi hiện, vì thế nên nói riêng.

Lại nữa, hai tùy miên này là căn bản phiền não của mọi sự vui, buồn, còn có thể sinh trưởng, dựa vào vô số lỗi lầm tai hại cùng các khổ não của các thân tâm, do vậy nên nói riêng.

***

* Các tâm nhiễm chấp, tâm đó có biến hoại chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đã nói: Đối với cảnh của dục thượng diệu, không nên khởi tham. Gặp phải cảnh ngộ, tứ chi nơi thân đều bị cưa xẻ, không nên khởi giận. Đừng cho chỉ nơi cõi dục, tham giận do tu đạo đoạn trừ gọi là biến hoại. Vì muốn làm sáng tỏ tham của ba cõi cùng tham giận của năm bộ đều gọi là biến hoại nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Các tâm nhiễm chấp, tâm đó có biến hoại chăng?

Đáp: Các tâm nhiễm chấp tâm đó đều biến hoại: Nghĩa là về quá khứ, do hai thứ biến hoại đời và lý, nên gọi là tâm biến hoại. Về vị lai, hiện tại, chỉ do lý biến hoại, nên gọi là tâm biến hoại.

Có tâm biến hoại tâm đó không phải là nhiễm chấp: Nghĩa là tâm không tương ưng với tham trong quá khứ. Nếu nhiễm ô: Do hai thứ hiến hoại, nên gọi là tâm biến hoại. Không nhiễm ô: Chỉ do đời biến hoại, nên gọi là tâm biến hoại. Tâm tương ưng với giận ở hiện tại, vị lai, vì tâm này chỉ do lý biến hoại, nên gọi là tâm biến hoại.

Để chứng minh cho nghĩa này, Luận chủ lại dẫn Khế kinh. Như Đức Thế Tôn nói: Này các Bí-sô! Giả như bị giặc oán v.v… nói rộng cho đến: Là hết sức chướng ngại đối với điều mình mong cầu.

Trong đây, vì giản lược nên chỉ nói lý nhiễm chấp. Cũng nên nói có tâm ghét bỏ.

Hỏi: Các tâm ghét bỏ, tâm đó có biến hoại chăng?

Đáp: Các tâm ghét bỏ tâm đó đều biến hoại: Nghĩa là về quá khứ, do hai biến hoại, nên gọi là tâm biến hoại. Về hiện tại, vị lai, chỉ do lý biến hoại, nên gọi là tâm biến hoại.

Có tâm biến hoại tâm đó không phải là ghét bỏ: Nghĩa là tâm không tương ưng với giận ở quá khứ. Nếu nhiễm ô: Do hai thứ biến hoại, nên gọi là tâm biến hoại. Không nhiễm ô: Chỉ do đời biến hoại, nên gọi là tâm biến hoại. Và tâm tương ưng với tham ở vị lai, hiện tại: Tâm này chỉ do lý biến hoại, nên gọi là tâm biến hoại.

Để chứng minh cho nghĩa này, cũng nên dẫn kinh. Như Đức Thế Tôn nói: Này các Bí-sô! Đối với cảnh của dục thượng diệu, không nên phát khởi tâm biến hoại. Tuy các tâm nhiễm ô đều gọi là tâm biến hoại, nhưng do như trước đã nói, nên chỉ nói hai thứ.

***

* Thế nào là Trạo cử? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là Đức Thế Tôn nói: Trạo cử và ố tác (Hối) kết hợp làm một cái (Ngăn che).

Hoặc có kẻ sinh nghi: Lìa trạo cử không có ố tác, lìa ố tác không có trạo cử. Vì muốn khiến cho nghi này được quyết định, đồng thời chỉ rõ lìa trạo cử có ố tác, lìa ố tác có trạo cử, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là Trạo cử?

Đáp: Các tâm không tịch tĩnh, không ngừng dứt, thô tháo, cử động chao động, tánh của tâm vội vàng, thô tháo. Đó gọi là trạo cử.

Ở đây, Luận chủ đối với danh nghĩa dị biệt đã đạt được thiện xảo nên lập ra các lối diễn đạt. Lời văn tuy khác nhưng thể không khác.

Hỏi: Thế nào là Ố tác (Hối)?

Đáp: Các tâm nóng nảy bồn chồn, áo não hối tiếc việc đã làm, tánh của tâm hối tiếc. Đó gọi là ố tác. Các danh nghĩa như thế như trước đã nói.

Hỏi: Các tâm có trạo cử, tâm đó tương ưng với ố tác chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp: Hai thứ này cùng có nghĩa rộng hẹp.

1. Có trường hợp tâm có trạo cử nhưng không phải tương ưng với ố tác: Nghĩa là không có tâm ố tác. Có tánh dao động, vội vàng, tức tâm nhiễm ô của năm bộ nơi cõi sắc, cõi vô sắc. Bốn bộ tâm của cõi dục do kiến đạo đoạn và năm thức nhiễm ô do tu đạo đoạn. Tức ố tác không tương ưng với ý thức ô nhiễm.

2. Có trường hợp tâm có ố tác nhưng không phải tương ưng với trạo cử: Nghĩa là không có tâm nhiễm ô, có tánh hối tiếc. Tức sự giữ gìn Học xứ của các Bí-sô v.v… phần nhiều đều có tâm này. Như nên thu dọn, bày biện các vật dụng như giường, ghế v.v… mà không thu dọn, bày biện, cùng nên đóng cửa mà không đóng v.v…. Dựa vào phước, không phải phước cũng có tâm này.

Ở đây, ố tác gồm có bốn trường hợp: a. Có trường hợp ố tác là thiện, ở nơi chốn bất thiện khởi hiện. b. Có trường hợp ố tác là bất thiện, ở nơi chốn thiện khởi hiện. c. Có trường hợp ố tác là thiện, ở nơi chốn thiện khởi hiện. d. Có trường hợp ố tác là bất thiện, ở nơi chốn bất thiện khởi hiện.

Trường hợp a: Như có một người làm việc ác xong, tâm sinh hối tiếc mãi: Việc ta đã làm không phải là tốt. Vì sao ta lại làm điều bất thiện này? Như các Bí-sô giữ gìn Học xứ có điều gì trái vượt nên sinh hối hận.

Trường hợp b: Như có một người làm việc thiện xong, tâm sinh tiếc rẻ: Công việc mình làm không phải là điều tốt đẹp. Vì lý do nào khiến mình làm điều vô dụng này? Như trưởng giả thuộc phái Thắng Luận, bố thí một bữa ăn cho vị Độc giác rồi, tâm sinh hối tiếc: Ta thà đem bữa ăn này cho đám tôi tớ còn hơn! Động cơ nào xui khiến ta lại đem thí cho Sa-môn cạo tóc kia?

Trường hợp c: Như có một người làm xong một việc thiện nhỏ, tâm sinh hối tiếc: Việc ta đã làm không phải là việc khéo làm. Vì sao ta không làm việc thiện này nhiều hơn? Như Tôn giả Vô Diệt nói: Nếu ta biết được người kia có oai đức ấy, ta phải bố thí nhiều hơn, chứ đâu ít quá thế này?

Trường hợp d: Như có một người vừa làm việc ác nhỏ xong, tâm sinh hối tiếc: Điều ta đã làm không phải là khéo làm. Sao ta không làm sự việc như thế nhiều hơn? Như kẻ đồ tể tạo ít việc ác rồi lại hối tiếc sao không tạo nhiều hơn.

Trong bốn trường hợp này, trường hợp a và c là có ố tác nhưng không phải tâm tương ưng với trạo cử.

1. Có trường hợp tâm có trạo cử cũng tương ưng với ố tác: Nghĩa là tâm nhiễm ô, có tánh hối tiếc. Tức là trường hợp hai, bốn, trong bốn trường hợp trước vừa nêu.

Hỏi: Vì sao trong đây không nói có tâm thô tháo vội vàng có tánh hối tiếc, mà chỉ nói tâm ô nhiễm có tánh hối tiếc?

Đáp: Chỉ là tâm nhiễm ô, tất đã có sự thô tháo, vội vàng, không nói cũng tự thành. Nếu nói có tâm thô tháo vội vàng sẽ có người nghi: Trong tâm nhiễm ô không có sự thô tháo vội vàng này, nên chỉ nói tâm nhiễm ô. Tức do đấy nên trường hợp hai ở trước nói: Tâm không nhiễm ô, có tánh hối tiếc, tức không có nghĩa thô tháo vội vàng, cũng là không nói mà tự thành. Nếu nói không có tâm thô tháo vội vàng, có tánh hối tiếc, thì sẽ nghi: Không có tâm nhiễm ô, hoặc có thô tháo vội vàng, nên trước chỉ nói là không có tâm nhiễm ô.

2. Có trường hợp tâm không trạo cử cũng không phải tương ưng với ố tác: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước.

Ở đây, danh đã nói đến là dùng tiếng tướng để nói. Nếu pháp đã lập danh rồi nêu gọi: Tức là phân làm ba trường hợp trước. Chưa lập danh, chưa nêu gọi: Tức tạo ra trường hợp bốn, nên nói trừ các tướng nêu trước.

Điều ấy lại là thế nào? Nghĩa là nêu bốn trường hợp này trong thức uẩn:

Trường hợp 1: Nhận không có tâm ố tác, có tâm trạo cử. Trường hợp 2: Nhận không có tâm trạo cử, có tâm ố tác.

Trường hợp 3: Nhận có tâm trạo cử, có tâm ố tác.

Trường hợp 4: Trừ trạo cử này, ngoài ra không có trạo cử, không có tâm ố tác.

***

* Thế nào là Hôn trầm? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn cho người nghi có được quyết định. Như Đức Thế Tôn nói: Hôn trầm và thùy miên kết hợp làm một cái (Ngăn che).

Hoặc có người sinh nghi: Lìa hôn trầm không có thùy miên. Lìa thùy miên không có hôn trầm. Nay nhằm khiến cho người nghi có sự quyết định cùng hiển bày: Lìa hôn trầm có thùy miên. Lìa thùy miên có hôn trầm, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là Hôn trầm?

Đáp: Tánh nặng nề của các thân, tánh nặng nhọc của tâm, thân không điều hòa, không dịu dàng, tâm không điều hòa thuận hợp. Thân, tâm lờ mờ, phiền muộn, tánh tối tăm nặng nhọc của tâm. Đó gọi là Hôn trầm.

Trong đây, Luận chủ đối với các danh nghĩa dị biệt đã đạt được thiện xảo, nên tạo ra các lối diễn đạt, văn tuy bất đồng nhưng thể không khác.

Tánh nặng nề của thân: Là chỉ rõ sự tối tăm, nặng nề tương ưng với năm thức.

Tánh nặng nhọc của tâm: Là chỉ rõ sự tối tăm, nặng nề tương ưng với ý thức. Do đấy, những trường hợp khác nên biết cũng như thế.

Tánh nặng nề, mờ tối của tâm: Là chỉ rõ trạng thái này đều là tánh của tâm sở pháp.

Hỏi: Thế nào là Thùy miên?

Đáp: Những sự ngủ say, tối tăm của tâm, vi tế mà chuyển biến, tánh lờ mờ giản lược của tâm. Đó gọi là Thùy miên.

Tâm thùy miên: Là chỉ rõ sự ngủ nghỉ này chỉ tương ưng với ý thức.

Trạng thái tối tăm, vi tế, chuyển biến: Là nêu rõ chỗ khác với khi thức và không có tâm định.

Tánh lờ mờ giản lược của tâm: Là chỉ rõ tự tánh ấy là tâm sở pháp.

Nghĩa là lược: Là phân biệt chỗ tương ưng với năm thức.

Lờ mờ: Là phân biệt với các định cùng ý phân biệt.

Hỏi: Các tâm có hôn trầm, tâm đó tương ưng với thùy miên chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp. Vì hai thứ này cùng có nghĩa rộng, hẹp:

1. Có trường hợp tâm có hôn trầm không phải tương ưng với thùy miên: Nghĩa là không có tâm thùy miên mà có tánh hôn trầm. Tức hết thảy tâm nhiễm ô của cõi sắc, cõi vô sắc và các tâm nhiễm ô khi thức của cõi dục.

2. Có trường hợp tâm có thùy miên không phải tương ưng với hôn trầm: Nghĩa là không có tâm nhiễm ô mà có tánh thùy miên. Tức thùy miên vô phú vô ký thiện của cõi dục tương ưng với ý thức.

3. Có trường hợp tâm có hôn trầm cũng tương ưng với thùy miên: Nghĩa là tâm nhiễm ô, có tánh thùy miên, là thùy miên nhiễm ô của cõi dục tương ưng với ý thức.

Ở đây, hỏi – đáp như đã nói về trạo cử và ố tác trong phần trước.

4. Có trường hợp tâm không có hôn trầm cũng không phải tương ưng với thùy miên: Nghĩa là trừ các tướng nếu trước.

Trong đây, danh là dùng tiếng tướng để nói, nếu pháp đã thành lập danh rồi thì nêu gọi: Là tạo ra ba trường hợp trước.

Chưa lập danh chưa nêu gọi: Là tạo ra trường hợp bốn, nên nói là trừ các tướng nêu trước.

Điều ấy lại là thế nào? Nghĩa là tạo ra bốn trường hợp trong thức uẩn:

Trường hợp 1: Nhận có tâm hôn trầm không có tâm thùy miên.

Trường hợp 2: Nhận có tâm thùy miên không có tâm hôn trầm.

Trường hợp 3: Nhận có tâm hôn trầm cũng có tâm thùy miên.

Trường hợp 4: Trừ hôn trầm này, ngoài ra không có tâm hôn trầm cũng không có tâm thùy miên.

***

* Thùy miên nên nói là thiện chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Phần trước đã nói tâm thùy miên, lấy sự lờ mờ giản lược làm tánh, nhưng chưa nói tâm ấy là thiện, bất thiện, vô ký. Nay muốn nói đến vấn đề đó, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thùy miên nên nói là thiện, là bất thiện, là vô ký chăng?

Đáp: Thùy miên nên nói hoặc là thiện, hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký. Nghĩa là lúc thùy miên, tâm tâm sở pháp có đủ ba thứ.

Thế nào là thiện? Nghĩa là thùy miên của tâm thiện tối tăm vi tế mà chuyển, là tánh của tâm mờ mịt giản lược. Do người kia khi thức, đối với các việc thiện ưa làm, ưa tập theo, nên lúc ngủ cũng lại tùy chuyển với thiện đó trong giấc mộng. Như tại Bản hữu đối với các việc thiện ưa làm, ưa tập theo, nên người đó đối với Tử hữu hoặc trong Trung hữu cũng lại tùy chuyển. Đây cũng như thế.

Hỏi: Pháp thiện đã khởi hiện trong giấc mộng lúc ngủ là gia hạnh thiện hay là sinh đắc thiện?

Đáp: Chỉ là sinh đắc thiện, vì trong trạng thái tối tăm vi tế.

Có Sư khác nói: Cũng là gia hạnh thiện, do đối với văn nghĩa cũng có sự lựa chọn.

Thế nào là bất thiện? Nghĩa là thùy miên của tâm bất thiện tối tăm vi tế mà chuyển, là tánh của tâm mịt mờ giản lược. Do người kia khi thức, đối với các việc bất thiện ưa làm, ưa tập theo, nên trong giấc mộng của lúc ngủ cũng lại tùy chuyển theo điều bất thiện. Như tại Bản hữu đối với các việc bất thiện ưa làm, ưa tập theo, nên người đó đối với Tử hữu hoặc trong Trung hữu cũng lại tùy chuyển. Đây cũng như thế.

Hỏi: Pháp bất thiện đã khởi hiện trong giấc ngủ chiêm bao ấy là do kiến đạo đoạn hay do tu đạo đoạn?

Đáp: Là chung cho cả hai thứ đoạn.

Thế nào là vô ký? Nghĩa là thùy miên của vô tâm ký tối tăm vi tế mà chuyển, là tánh của tâm mịt mờ giản lược. Do người kia khi thức, đối với sự việc vô ký ưa làm, ưa tập theo, nên trong chiêm bao của giấc ngủ cũng lại tùy chuyển. Như Bản hữu đối với sự việc vô ký ưa làm, ưa tập theo, người đó đối với Tử hữu hoặc trong Trung hữu cũng lại tùy chuyển. Đây cũng như thế.

Hỏi: Pháp vô ký đã khởi hiện trong chiêm bao của giấc ngủ này là hữu phú hay vô phú?

Đáp: Là cả hai thứ đều có.

Hữu phú, vô ký: Nghĩa là hai kiến thân kiến, biên kiến của cõi dục tương ưng với thùy miên.

Vô phú, vô ký: Nghĩa là đường oai nghi, xứ công xảo, dị thục sinh, không phải là quả chung.

Đường oai nghi: Nghĩa là như tự cho mình đã làm công việc v.v… trong giấc ngủ chiêm bao.

Xứ công xảo: Nghĩa là như tự cho mình đã hoạch định sự việc trong giấc ngủ chiêm bao.

Dị thục sinh: Nghĩa là như trong giấc chiêm bao lúc ngủ, trừ chỗ nói trước, còn lại là vô ký đều chuyển.

Có Sư khác nói: Chỉ có dị thục sinh là vô phú vô ký trong thùy miên do tâm lờ mờ, tối tăm, không phát sinh thân, ngữ, nên không có tánh oai nghi và công xảo.

***

* Trong chiêm bao nên nói là phước tăng trưởng chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đã nói thùy miên chung cho cả thiện, bất thiện, vô ký, nhưng chưa nói trong chiêm bao có phước tăng trưởng v.v… Nay vì muốn nói đến sự việc dó, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Trong chiêm bao nên nói là phước tăng trưởng, phi phước tăng trưởng, hay phi phước phi phi phước tăng trưởng?

Đáp: Trong chiêm bao nên nói: Hoặc phước tăng trưởng, hoặc phi phước tăng trưởng, hoặc phi phước phi phi phước tăng trưởng.

Có nơi nói đắc gọi là tăng trưởng. Có nơi nói sinh gọi là tăng trưởng. Nơi nào nói đắc gọi là tăng trưởng? Như phần Định Uẩn nói: Vì sao lúc phàm phu thoái chuyển do kiến đạo, tu đạo đoạn kiết tăng trưởng? Đệ tử của Đức Thế Tôn khi thoái chuyển chỉ do tu đạo đoạn kiết tăng trưởng? Nên nơi ấy nói đắc gọi là tăng trưởng.

Nơi nào nói sinh gọi là tăng trưởng? Như Luận Thi Thiết nói: Tùy miên dục tham của phàm phu lúc khởi hiện tất khởi năm pháp: 1. Tùy miên dục tham. 2. Tùy miên dục tham tăng trưởng sinh. 3. Tùy miên vô minh. 4. Tùy miên vô minh tăng trưởng sinh. 5. Trạo cử. Nên nơi ấy nói sinh gọi là tăng trưởng. Ở đây nói Tư là chủ thể chấp giữ quả của ái, phi ái v.v… gọi là tăng trưởng, do chủ thể chấp giữ ấy như ứng hợp với quả.

Phước tăng trưởng: Là như có người trong chiêm bao thấy mình làm những việc thiện như bố thí, tạo phước thọ trì trai giới, hoặc tùy thuận một phước khác chuyển biến nối tiếp. Sự việc đó như thế nào? Người kia khi thức tùy thuận sức của thắng giải thiện, nên trong chiêm bao việc thiện của người đó được chuyển biến trở lại giống như khi còn thức. vì thế nên như khi thức giấc, có khả năng giữ lấy quả của ái, gọi là tăng trưởng. Nghĩa là nếu khi thức, ưa làm việc bố thí, hoặc đem thức ăn uống hay dùng các phẩm vật như y phục, giường nằm, thuốc thang, phòng, nhà v.v… cung cấp cho người khác. Do sức thắng giải của hành trì này, nên những việc đó đều được chuyển biến lại trong chiêm bao giống như cảnh đã làm. Nếu như khi thức, ưa tạo nghiệp phước, hoặc siêng năng thực hành các công việc của Phật, Pháp, Tăng, tu sửa đường sá, cầu cống, vườn rừng, hoa quả, ao hồ, nhà phước, hoặc thích chăm sóc bệnh nhân, cung phụng hầu hạ người có đức, hoặc tổ chức liên tục hội lớn phước thiện suốt năm năm. Do sức thắng giải của hành trì này, nên các sự việc đã làm đó đều được tái diễn tương tợ nơi cảnh thấy trong giấc chiêm bao. Nếu khi thức, thọ trì tám ngày trai và các giới cấm, nghĩa là bảy chúng luật nghi như Bí-sô v.v… do sức thắng giải của hành tập này, nên những việc đã làm trên đều được chuyển biến trở lại giống như cảnh được thấy trong chiêm bao. Nếu khi thức, ưa thích đọc tụng, lắng nghe giảng nói, trao truyền, tư duy lựa chọn các văn nghĩa của ba Tạng, do sức thắng giải của hành tập này, nên các việc đã làm trên đều được chuyển biến tương tợ như cảnh được thấy trong chiêm bao. Nếu khi thức, tu các môn hành quán như quán bất tịnh, hoặc quán sổ tức, bốn niệm trụ v.v…, do sức thắng giải của hành tập này, nên được chuyển biến lại trong chiêm bao giống như các công hạnh đã tu. Vì do diệu lực của thắng giải như thế v.v…, nên trong giấc chiêm bao, các nghiệp phước cũng được tăng trưởng.

Phi phước tăng trưởng: Là như có người trong chiêm bao thấy mình giết hại mạng sống, lấy của không cho, làm theo tà hạnh về dục, nói dối, uống các thứ rượu, hoặc chạy theo một sự việc phi phước nối tiếp chuyển biến. Sự việc đó như thế nào? Người kia khi thức, tùy theo sức thắng giải về ác, nên những việc ác đã làm trước kia đều được chuyển hiện giống y như khi chiêm bao. Như khi thức đã nhận lấy quả phi ái nói là tăng trưởng. Nghĩa là nếu khi thức, ưa giết hại thân mạng người khác, như kẻ đồ tể giết dê v.v… Hoặc của người khác không cho mà lấy, như trộm, cướp v.v… Hoặc làm theo tà hạnh về dục, như kẻ gian phi. Hoặc cố ý vọng ngữ, như giả trá chứng đắc. Hoặc uống các thứ rượu như kẻ ham mê rượu. Hoặc tạo những việc đánh đập, mạ lỵ, chia rẻ v.v… Hoặc làm phường chèo, ca múa, ngâm vịnh, uống máu ăn thịt, tham đắm năm dục, đố kỵ Tam bảo, kiêu mạn, tà kiến, ganh ghét v.v… Do sức thắng giải ác của những tạo tác này, nên các việc đã làm đều được tái diễn giống hệt trong chiêm bao. Nên trong chiêm bao, các nghiệp phi phước cũng được tăng trưởng.

Phi phước phi phi phước tăng trưởng: Là như có người trong chiêm bao tạo các chuyển biến nối tiếp nhau về những việc làm phi phước phi phi phước. Sự việc đó như thế nào? Vì người ấy tùy thuộc vào sức thắng giải không phải thiện, không phải ác của họ, nên những việc đã làm khi thức đều được chuyển biến giống hệt vào trong chiêm bao. Như khi thức, họ có thể nhận lấy quả phi ái, không phải phi ái, nói là tăng trưởng. Nghĩa là nếu họ vào lúc thức, đã làm nên đường oai nghi, hoặc xứ công xảo, hoặc làm những việc như trồng lúa, gánh vác v.v… thảy đều được chuyển biến giống hệt vào chiêm bao như cảnh họ đã thấy. Nên trong chiêm bao, các nghiệp phi phước phi phi phước cũng được tăng trưởng.

Hỏi: Nếu trong chiêm bao nghiệp phước được tăng trưởng thì vì sao Đức Phật nói: Người ngu si lúc ngủ, không có quả dị thục?

Đáp: Như người khi thức có thể làm đủ mọi công việc, như làm ruộng v.v… nhưng lúc ngủ thì không thể. Như thế, khi thức người kia có thể tu tập các thứ nghiệp thiện thù thắng. Nghĩa là có thể đọc tụng, lắng nghe, hỏi nói, truyền trao, phân biệt văn nghĩa, tu quán bất tịnh, quán sổ tức, niệm trụ chung, riêng, thuận phần quyết định lựa chọn, nhập chánh quyết định, được quả Dự lưu, cho đến có thể chứng đắc quả A-la-hán. Hoặc lại có thể tu tập nghiệp thù thắng của hàng người, trời. Nhưng đến lúc ngủ, đối với các công việc nói trên đều không thể hoàn thành. Do vậy, nên Đức Phật nói: “Lúc ngủ không có quả dị thục”. Vì thế Tôn giả Thế Hữu nói: Vì quả của nghiệp phước đã tạo vào lúc ngủ rất ít, nên nói là không có quả, không phải cho là hoàn toàn không có.

Hỏi: Nếu trong chiêm bao nghiệp phi phước được tăng trưởng thì vì sao Đức Phật nói: Thà nên ngủ nghỉ, đừng thức mà khởi điều ác?

Đáp: Như người khi thức thường khởi vô số những giác ác tăng thượng, nhưng đến lúc ngủ thì không có, nên nói như thế, không phải cho là trong chiêm bao hết thảy nghiệp phi phước đều không tăng trưởng.

Hỏi: Trong chiêm bao các nghiệp thiện, bất thiện có thể dẫn phát chúng đồng phần không?

Đáp: Không thể. Nghĩa là do nghiệp sáng rõ có khả năng dẫn phát chúng đồng phần, còn nghiệp trong chiêm bao thì lờ mờ, yếu kém.

Có thuyết nói: Cũng có thể. Nghĩa là nghiệp trong giấc chiêm bao có thể dẫn phát chúng đồng phần yếu kém, tối tăm của các loài sâu bọ, trùng, giun v.v… không phải là chúng đồng phần thù thắng khác.

Lời bình: Không nên nói như thế. Như thuyết trước là đúng. Lúc ngủ nghỉ chỉ có thể tạo nghiệp viên mãn, không phải là nghiệp dẫn dắt, , do còn tùy thuộc nơi sức của người khác, liên quan đến sự yếu kém, lờ mờ của tánh chuyển biến.

***

* Nhưng đạt được là dị thục của năm uẩn nơi cõi dục. Còn mộng gọi là pháp gì? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đây tuy đã nói đến tác dụng của giấc mộng, nhưng chưa nói đến tự tánh của giấc mộng, nay muốn nói đến điều đó. Lại nữa, vì nhằm ngăn chận Tông chỉ của người khác, để làm rõ về nghĩa chánh. Tức hoặc có kẻ chấp cho: Mộng không phải là thật có, như phái Thí Dụ, họ bảo: Trong mộng tự thấy được ăn uống no đủ, các căn đều thỏa mãn, vui vẻ, nhưng đến khi thức giấc, sức thân vẫn suy kém, trống rỗng, vì đói khát. Trong mộng tự thấy quyến thuộc đang quây quần hòa tấu năm loại âm nhạc, rất vui thú, nhưng khi thức giấc đều không có gì cả, chỉ là một mình ngồi buồn ở một chỗ. Trong mộng tự thấy mình đang bị bốn binh bao vây, phải chạy trốn từ đông sang tây, nhưng khi thức dậy thì bình yên vô sự. Do đó nên biết mộng không phải là thật có. Vì nhằm ngăn chận lối chấp của phái kia, nhằm nêu rõ mộng là thật có. Vì nếu mộng không phải thật có thì trái với Khế kinh. Như Khế kinh nói: “Lúc ta còn làm Bồ-tát, trong một đêm đã thấy năm mộng lớn”. Lại, Khế kinh nói: “Đại vương Thắng Quân trong một đêm nằm thấy mười giấc mộng”. Tỳ-nại-da nói: “Vua Ngật Lật Kê trong một đêm đã thấy mười bốn giấc mộng”. Lại, Khế kinh nói: “Mẹ của Nan Địa Ca đến bạch Phật: Chồng con vì phạm giới nên đã chết. Đêm rồi, con nằm mộng thấy ông hiện về cũng thân hình như trước, đến nói với con: Bà là vợ của tôi. Bà có vì tôi kể lại chuyện xưa không? Bạch Thế Tôn! Vì con đã từng không có một ý niệm nào thuận theo chồng con. Đức Thế Tôn bảo: Lành thay! Lành thay! Bà là người của quả Bất hoàn, đâu còn nhiễm theo sự việc dục ấy”. Lại, Khế kinh nói: “Các ông nên đoạn trừ như pháp của mộng”. Pháp này nói gì? Đó là năm thủ uẩn và kệ nói:

Như người gặp trong mộng

Thức rồi lại không thấy

Điều mình yêu, khi chết,

Không thấy, cũng như thế.

Nếu mộng không phải là thật thì mâu thuẫn với những gì ở đây đã nói. Do nhân duyên đó, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Mộng gọi là pháp gì?

Đáp: Mộng là tâm tâm sở pháp của lúc ngủ nghỉ, đã chuyển biến theo nơi đối tượng duyên. Người nằm mộng kia sau khi thức giấc, tùy theo sự ghi nhớ có thể vì người khác kể lại: Tôi đã nằm mộng thấy những sự việc như thế, như thế. Đó gọi là mộng.

Hỏi: Nếu những sự việc đã thấy trong mộng rồi nhưng không ghi nhớ, hay giả như có ghi nhớ nhưng không thể thuật lại cho người khác nghe, thì đấy có là mộng không?

Đáp: Sự việc đó cũng là mộng, chỉ là không viên mãn. Nếu viên mãn, đó là mộng như ở đây đã nói.

Hỏi: Mộng lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Chính là lấy tâm tâm sở pháp lúc trong mộng làm tự tánh.

Có thuyết nói: Lấy ý làm tự tánh, do uy lực của ý đã giúp cho các tâm sở được chuyển biến nhận lấy cảnh trong mộng.

Có Sư khác cho: Lấy niệm làm tự tánh, do uy lực của niệm, nên sau khi thức giấc theo chỗ đã ghi nhớ mà nói cho người khác.

Hoặc có thuyết nêu: Lấy năm thủ uẩn làm tự tánh, vì lúc nằm mông thì các uẩn lần lượt hỗ trợ nhau để thành việc mộng.

Lại có thuyết nói: Lấy tất cả pháp làm tự tánh, vì đều là sự việc nơi đối tượng duyên của tâm mộng.

Lời bình: Các thuyết như thế tuy đều có ý nghĩa, nhưng đối với lý thuyết đầu tiên là đúng. Do ở đây nói các tâm tâm sở pháp của lúc ngủ nghỉ đều chuyển biến theo nơi đối tượng duyên. Đây là làm rõ lúc ngủ say, nếu tâm tâm sở pháp đối nơi cảnh của đối tượng duyên chuyển biến sáng tỏ, thì gọi là mộng, không nói pháp khác.

Hỏi: Mộng ở nơi địa của ý, không phải là năm thức thân, làm sao trong mộng có thể trông thấy sắc v.v…?

Đáp: Có thuyết cho: Mộng là sự chỉ bảo trước của các quỷ thần cho người kia về tướng lành hay không lành, và tuy ở địa của ý nhưng vẫn duyên nơi sắc v.v…

Tôn giả Diệu Âm nói: Trong mộng theo pháp như thế có thể trông thấy tướng lành, không lành nơi vị lai.

Thông suốt sự việc của mộng, đặt ra các sách nói về mộng, các Tiên nhân đều nói như thế.

Đại đức nói: Trong mộng tuy không có năm thức như mắt v.v… có thể thấy sắc v.v… nhưng do địa của ý lúc ngủ uy thế suy kém, nên mộng thấy sắc v.v… Như mẹ của Nan Địa Ca thấy sự việc trong mộng.

Tôn giả Thế hữu nói: Do năm nhân duyên nên thấy sự việc trong mộng, như tụng nêu:

Do tập quán nghi, lo

Phân biệt từng lại nghĩ

Cũng chỗ dẫn phi nhân

Năm duyên mộng nên biết.

Sách Thọ Phệ Đà nói thế này: Do bảy nhân duyên nên mộng thấy các sắc v.v… như tụng nêu:

Do từng thấy, nghe, nhận

Mong cầu cũng phân biệt

Sẽ có và các bệnh

Bảy duyên mộng nên biết.

Nên nói năm duyên thấy sự việc trong mộng: 1. Do người khác dẫn dắt: Nghĩa là hoặc chư Thiên, các tiên, thần, quỷ, dùng chú thuật, cỏ thuốc, đã đích thân nghĩ việc tốt đẹp và các Thánh Hiền dẫn dắt nên nằm mộng. 2. Do đã từng trải qua: Nghĩa là trước đây đã từng thấy, nghe, hiểu biết sự việc này, hoặc đã tập quen với các sự việc, nay liền nằm mộng thấy. 3. Do điều kiện sẽ có: Nghĩa là nếu sắp có sự việc tốt, không tốt, pháp như thế trước hết thấy tướng đó trong mộng. 4. Do phân biệt: Nghĩa là nếu tư duy, mong cầu, nghi ngờ, lo nghĩ tức thì nằm mộng thấy. 5. Do các bệnh: Nghĩa là nếu khi các đại không điều hòa, thích hợp, là tùy thuộc vào chỗ gia tăng của bệnh nên nằm mộng thấy loại kia.

Hỏi: Ở cõi nào, nẻo nào, xứ nào có mộng này?

Đáp: Ở cõi dục có mộng, không phải ở cõi sắc, cõi vô sắc, vì hai cõi đó không có thùy miên.

Trong cõi dục có người lập ra thuyết này: Bốn nẻo đều có mộng, chỉ trừ địa ngục, vì ở đó khổ não luôn bức bách, nên không có ngủ nghỉ.

Nên nói ở địa ngục cũng thừa nhận có mộng, như Luận Thi Thiết nói: Trong địa ngục Đẳng hoạt, tuy bị bức bách do sức nóng của lửa dữ thiêu rụi xương thịt, nhưng khi có làn gió lạnh thổi qua, hoặc nhân cai ngục xướng: “Sống!”, lập tức các tội nhân sống lại, xương thịt liền hợp và sống lại, khổ thọ tạm dừng, tức khởi chút ít an vui. Do vậy nên biết: Ở địa ngục cũng nhận có sự ngủ nghỉ nên có mộng.

Hỏi: Những Bổ-đặc-già-la nào có mộng?

Đáp: Phàm phu, Thánh giả đều có thể có mộng. Trong Thánh giả, từ quả Dự lưu cho đến A-la-hán, Độc giác, cũng đều có mộng, chỉ trừ Đức Thế Tôn. Vì sao? Vì mộng giống như điên đảo. Đức Phật đối với tập khí của tất cả điên đảo đều đã dứt hết, nên không có mộng. Như vào lúc thức, tâm tâm sở pháp của Phật chuyển biến không điên đảo, nên khi ngủ nghỉ cũng như thế.

Hỏi: Đức Phật cũng có ngủ nghỉ chăng?

Đáp: Có. Làm thế nào biết được? Do Khế kinh nói. Như Khế kinh nói: Các vị thuộc phái Ly hệ (Ni-kiền-tử) đến chỗ Đức Phật nêu hỏi: “Kiều Đáp Ma Tôn, có ngủ nghỉ không?”. Đức Thế Tôn bảo: “Các vị thờ lửa, nên biết: Ta vào lúc nóng nực lắm, vì để cởi bỏ những phiền muộn cũng tạm ngủ nghỉ”. Những người kia lại bạch: “Ở đời, có một hạng Sa-môn, Phạm chí nói như thế này: Người có ngủ nghỉ tức là ngu si. Kiều Đáp Ma Tôn hầu như không có sự việc này?”. Đức Thế Tôn bảo: “Nếu người nào còn các lậu tạp nhiễm, thân đời sau phải chịu quả là các khổ về sinh già bệnh chết chưa đoạn, chưa nhận biết khắp mà ngủ nghỉ, thì người đó có thể gọi là ngu si. Phật đối với các lậu tạp nhiễm dẫn đến quả khổ về sinh già bệnh chết của thân đời sau đã đoạn hết, đã nhận biết khắp, nên tuy có ngủ nghỉ, không gọi là ngu si”.

Tuy nhiên, các thùy miên lược nêu có hai thứ: 1. Nhiễm ô. 2. Không nhiễm ô. Các thùy miên nhiễm ô, Đức Phật và Độc giác, A-la-hán v.v… đã đoạn dứt, nhận biết khắp. Các thùy miên không nhiễm ô, vì điều phục thân, cho đến chư Phật cũng còn hiện tiền, huống chi là những vị khác không khởi, nên biết chư Phật cũng có ngủ nghỉ. Thế nên thùy miên chung cho cả năm nẻo đều có, trung hữu cũng có. Thân phần, các căn trong thai, trứng đã đầy đủ cũng có thùy miên.

Hỏi: Sự việc đã thấy trong mộng, đó là việc đã từng trải qua hay không phải từng trải qua? Giả đặt như thế thì có lỗi gì? Nếu là sự việc đã từng trải qua thì vì sao nằm mộng thấy người ta có sừng? Há từng có lúc thấy con người có sừng? Như Khế kinh đã nói làm sao thông? Như nói: Trong một đêm Bồ-tát được thấy có đến năm giấc mộng lớn:

1. Mộng thấy thân nằm trên đại địa, gối đầu lên núi chúa Diệu Cao, tay phải vọc nước nơi biển lớn phía Tây, tay trái vọc nước nơi biển lớn phía Đông, hai chân đạp quậy nước nơi biển lớn phía Nam.

2. Mộng thấy có loài cỏ kiết tường, tên là Kiên cố, từ trong rốn mọc ra, cao dần, lớn dần, che khắp cả hư không.

3. Mộng thấy các loài chim thân trắng, đầu đen, đậu từ chân Bồ-tát đến đầu gối, xoay tròn trở lại rớt xuống.

4. Mộng thấy có loại chim bốn màu, từ bốn phương bay đến bên Bồ-tát đều trở thành một màu.

5. Mộng thấy trên núi đầy dẫy phân nhơ nhớp, Bồ-tát kinh hành qua lại mà không bị vấy nơi chân.

Bồ-tát từng trải qua sự việc này ở nơi nào mà mộng thấy? Nếu sự việc trong mộng không phải là các việc đã từng trải qua thì vì sao Bồ-tát không phải là điên đảo?

Đáp: Có thuyết nói: Những sự việc thấy trong mộng đều là những sự việc đã từng trải.

Hỏi: Nếu như vậy thì sao lại mộng thấy con người có sừng? Há từng có khi thấy con người có sừng chăng?

Đáp: Người kia vào lúc thức thấy con người ở nơi khác, rồi lại thấy sừng ở nơi khác. Vì trong mộng lờ mờ tạp loạn, nên thấy tại một chỗ, nên không có lỗi. Lại nữa, trong biển cả có loài thú giống như con người, trên đầu có sừng, người kia đã từng trông thấy loài thú ấy, nay trở lại thấy nơi mộng. Do trong biển cả có đủ hình loại của tất cả hữu tình, nên gọi là biển cả.

Hỏi: Năm giấc mộng của Bồ-tát làm sao thông suốt? Bồ-tát há từng trải qua các sự việc như thế chăng?

Đáp: Sự việc từng trải có hai: 1. Từng thấy. 2. Từng nghe. Thời xưa, Bồ-tát tuy chưa từng thấy, nhưng vì từng nghe nói đến nên nay nằm mộng thấy.

Hỏi: Bồ-tát từng nghe nói đến sự việc như thế vào thời nào?

Đáp: Bồ-tát đã từng ở nơi quá khứ tu tập phạm hạnh theo pháp thường của chư Phật. Đức Phật kia cũng từng mộng thấy các sự việc ấy, đã vì Bồ-tát nói rộng, Bồ-tát được nghe từ vị Phật đó, nên nay mộng thấy.

Có thuyết nói: Vào thời kỳ kiếp sơ, con người cũng có mộng thấy sự việc như thế, theo truyền thuyết đó, Bồ-tát được nghe, do vậy thời nay thấy lại sự việc ấy trong giấc mộng.

Lại có thuyết cho: Những sự việc đã thấy trong giấc mộng không phải thảy đều là việc đã từng trải qua.

Hỏi: Nếu vậy vì sao Bồ-tát không phải là điên đảo?

Đáp: Đây là điềm báo trước về đạo quả Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng, nên không phải thuộc về điên đảo.

Hỏi: Các sách đoán mộng do ai tạo ra?

Đáp: Do các Tiên nhân tạo ra. Các vị Tiên ấy do năng lực của Trí túc trụ tùy niệm nên ghi nhận, nhớ nghĩ về bản sự và tạo ra sách ấy.

Hỏi: Trí đó không thể quán xét cảnh của vị lai. Quán xét cảnh của vị lai chính là Nguyện trí. Các vị Tiên đó không có Nguyện trí làm sao có thể tạo ra các sách kia?

Đáp: Các vị Tiên đó do so sánh nên biết được việc mộng nơi vị lai. Nghĩa là thấy người nằm mộng như thế trong quá khứ, có quả như thế, suy ra trong hiện tại cũng vậy. Do đấy, so sánh biết người nằm mộng như thế ở vị lai cũng sẽ có quả như vậy. Thế nên các vị Tiên kia có khả năng tạo ra các sách đoán mộng.

Có thuyết nêu: Các vị Tiên cũng có người đạt được diệu nguyện trí, nên có thể tạo ra sách này, vì để cho các hữu tình tránh khỏi các tai họa nguy hiểm.

Hỏi: Cảnh trong mộng là cảnh của Trí túc trụ tùy niệm, vì sao có nhiều thế?

Đáp: Cảnh trong mộng có nhiều, không phải là cảnh của Trí túc trụ tùy niệm nơi tĩnh lự thứ tư. Vì sao? Vì Trí túc trụ tùy niệm của tĩnh lự thứ tư chỉ có khả năng ghi nhận, nhớ nghĩ sự việc trong ba vô số kiếp. Còn mộng thì có thể nhận biết được vô số sự việc trong vô số đại kiếp nên có nhiều.

Hỏi: Từng có người không nhập tĩnh lự, không khởi thông tuệ, có thể nhận biết vô số sự việc nơi vô số đại kiếp chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là mộng.

Hỏi: Như Đức Thế Tôn nói: Các ông phải đoạn pháp như mộng. Pháp này là gì? Đó là năm thủ uẩn. Vì sao thủ uẩn nói là như mộng?

Đáp: Vì tánh sát-na, sát-na, vì không trụ lâu, vì lừa dối hữu tình, vì là pháp hoại diệt, vì là tánh hư giả khó chán đủ, nên nói pháp đó như mộng.

HẾT – QUYỂN 37