LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 38

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 5: BÀN VỀ KHÔNG HỔ THẸN, phần 5

* Như Khế kinh nói: Có năm cái, là năm cái gồm thâu các cái hay là các cái gồm thâu năm cái? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn khiến cho người nghi có được quyết định. Như Khế kinh nói: Có năm cái: 1. Cái tham dục. 2. Cái giận dữ. 3. Cái hôn trầm – thùy miên. 4. Cái trạo cử – ố tác. 5. Cái nghi.

Hoặc có người sinh nghi: Cái chỉ có năm, vô minh không phải là cái. Vì muốn cho nghi này được quyết định và để chỉ rõ ngoài năm cái, có riêng một cái thứ sáu, nghĩa là cái vô minh. Do nhân duyên trên nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Năm cái gồm thâu các cái hay là các cái gồm thâu năm cái?

Đáp: Các cái gồm thâu năm cái, không phải năm cái gồm cái thâu các cái. Những cái nào không gồm thâu? Đó là cái vô minh. Các cái vì nhiều nên có thể gồm thâu năm cái. Năm cái vì ít nên không gồm thâu các cái. Như chậu lớn có thể úp lên chậu nhỏ, chậu nhỏ không thể úp trùm lên chậu lớn. Tùy miên vô minh tuy cũng là cái nhưng nặng, nên không nói ở trong năm cái.

Đức Thế Tôn lập riêng nó là cái thứ sáu. Nghĩa là năm cái trước tác dụng đều đồng, còn vô minh nghiêng về phần nặng, nên nói riêng. Để làm rõ nghĩa này, nên dẫn Khế kinh. Như Đức Thế Tôn nói:

Cái vô minh che lấp

Kiết ái luôn trói buộc

Người ngu, trí cảm được

Như thế có thức thân.

Hỏi: Vô minh là cái, cũng là kiết. Ái là kiết, cũng là cái. Vì sao trong đây nói vô minh chỉ là cái và ái chỉ là kiết?

Đáp: Vô minh cũng nên nói là kiết. Ái cũng nên nói là cái. Nhưng không nói, nên biết đây là nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, vì muốn biểu hiện các thứ văn, các thứ thuyết. Nếu dùng các thứ văn, các thứ thuyết thì nghĩa tức dễ hiểu, dễ có thể thọ trì, ngoài ra rất là phiền toái, phức tạp.

Lại nữa, vì muốn hiện bày hai môn, cho đến nói rộng. Như vô minh nói là cái, ái cũng nên như thế. Như ái nói là kiết, vô minh cũng nên như thế. Vì hiện bày hai môn, cho đến nói rộng. Thế nên, vô minh chỉ nói là cái, ái chỉ gọi là kiết.

Lại nữa, về nghĩa của cái nơi vô minh là nhiều, nghĩa của kiết ít, nên chỉ nói là cái. Nghĩa của kiết nơi ái là nhiều, nghĩa của cái ít, nên chỉ nói là kiết.

Lại nữa, nghĩa của cái nơi vô minh là nặng, nghĩa của kiết nhẹ, nên chỉ nói là cái. Nghĩa của kiết nơi ái là nặng, nghĩa của cái nhẹ, nên chỉ nói là kiết.

Lại nữa, nghĩa che lấp là nghĩa của cái. Trong các phiền não, không có phiền não thứ hai nào có thể che lấp mắt tuệ của hữu tình như vô minh, nên nói là cái. Nghĩa trói buộc là nghĩa của kiết. Trong các phiền não, không có phiền não thứ hai nào trói buộc hữu tình ở lâu nơi sinh tử như tham ái, nên nói là kiết.

Các loài hữu tình đều bị cái vô minh làm cho mù lòa, trói buộc, nên không thể từ bỏ sinh tử hướng đến Niết-bàn. Ví như có người gặp hai giặc oán: Một kẻ trói cả tay chân của anh ta lại, còn kẻ thứ hai lấy đất bùn trét vào mắt. Người này vì bị trói, mắt không còn trông thấy gì, nên không thể chạy trốn đến nơi yên ổn. Hữu tình cũng như thế. Vì bị vô minh che lấp, tham ái trói buộc, nên không thể lìa bỏ sinh tử, đi đến Niết-bàn.

Ở đây nên nói dụ về hai giặc oán: Xưa có hai tên giặc: 1. Tên là Y Lợi. 2. Tên là Xả Xa. Hai tên giặc này luôn cùng kết đám để hành sự. Nếu gặp chủ có của cải, một đứa lo trói chặt tay chân, đứa nọ lấy bụi tấp vào mắt khổ chủ, cướp lấy của cải rồi bỏ đi. Người kia vừa bị trói, vừa không trông thấy được gì, tức đành phải cam chịu khốn khổ ở đây cho đến chết. Hữu tình cũng như thế, vì bị vô minh, tham ái vừa che lấp, vừa trói chặt, nên phải đắm chìm trong biển sinh tử.

Vì thế, Tôn giả Diệu Âm nói: Các loài hữu tình đều bị vô minh làm mù mắt và bị tham ái trói buộc, ở lâu trong sinh tử, tăng trưởng pháp ác. Do vậy, vô minh được nói riêng là cái và ái được mang tên riêng là kiết. Nghĩa đó đã khéo thành lập. Tuy nhiên, lực dụng của cái vô minh nghiêng hẳn về phần nặng, vì một vô minh hơn năm cái trước, nên Đức Phật không nói ở trong năm cái, vì lực dụng của năm cái kia đều đồng nhau.

***

* Các cái chúng đều là che lấp chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đây căn cứ vào nghĩa lý của Khế kinh, chỉ lấy riêng vô minh lập làm cái thứ sáu, ngoài năm cái. Nay vì muốn dựa vào nghĩa lý của đối pháp nói hết thảy phiền não đều là cái, vì nghĩa ngăn che là nghĩa của cái, do tất cả phiền não đều có thể che lấp, làm chướng ngại Thánh đạo và căn thiện gia hạnh của Thánh đạo, thế nên đều gọi là cái. Do nhân duyên ấy nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Các cái chúng đều là che lấp chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

Trong đây, cái là căn cứ vào tánh tướng mà nói năm cái như tham dục v.v… Hoặc quá khứ, hoặc vị lai hay hiện tại, không lúc nào là không thành lập tánh tướng của cái trong năm cái, nên đều gọi là cái.

Ở đây, che lấp là căn cứ vào tác dụng mà nói. Tất cả phiền não nơi thời hiện tại đều có tác dụng che lấp, nên gọi là che. Vì ở quá khứ, vị lai không có tác dụng che, nên không gọi là che. Do hai thứ này cùng có rộng, hẹp nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp là cái không phải là che lấp: Nghĩa là năm cái của quá khứ, vị lai. Ở đây có tánh tướng của cái nên gọi là cái, nhưng không có tác dụng che lấp, nên không gọi là che lấp, do quá khứ là tác dụng đã chấm dứt, vị lai là tác dụng chưa có.

Hỏi: Cái quá khứ che lấp sự nối tiếp của quá khứ. Cái vị lai che lấp sự nối tiếp của vị lai. Cái hiện tại che lấp sự nối tiếp của hiện tại. Vì sao nay nói là quá khứ, vị lai là cái, không phải là che lấp?

Đáp: Nếu căn cứ vào tự tánh của các pháp mà nói thì che lấp chung cho cả ba đời, vì tự tánh của các pháp là chung nơi ba đời.

Nếu dựa vào Bổ-đặc-già-la mà nói thì che lấp chỉ có trong hiện tại, vì Bổ-đặc-già-la chỉ có ở hiện tại. Nghĩa là chỉ ở nơi pháp uẩn, giới, xứ trong hiện tại thành lập Bổ-đặc-già-la, không phải ở quá khứ, vị lai. Vì sự che lấp kia gắn liền với pháp số, không phải là hữu tình. Nay chỉ dựa vào Bổ-đặc-già-la kia để kiến lập nghĩa che lấp nên chỉ có hiện tại. Lại, vì trước đã nói che lấp là căn cứ vào tác dụng mà kiến lập, nên không nên nêu vấn nạn.

2. Có trường hợp là che lấp không phải là cái: Nghĩa là trừ năm cái, còn lại là các phiền não khác điều hiện tiền. Vấn đề này lại là thế nào? Nghĩa là tất cả phiền não của cõi sắc, cõi vô sắc, kiến, mạn, vô minh của cõi dục và năm uẩn đều không gồm thâu các triền hiện tiền. Đây gọi là che lấp không phải là cái.

Hỏi: Vì sao chỉ nói phiền não trong hiện tại là che lấp, không phải là thứ khác?

Đáp: Nếu nói hiện tại, phải biết là cũng nói quá khứ, vị lai, vì tánh tướng đều đồng. Nhưng vì đời hiện tại có tác dụng che lấp hiện rõ, nên nói riêng.

Lại nữa, phiền não trong hiện tại đối với sự nối tiếp của mình đã che lấp, gây chướng ngại Thánh đạo và căn thiện gia hạnh của Thánh đạo. Vì quá khứ, vị lai thì không như vậy, nên nói hiện tại.

Lại nữa, vì phiền não hiện tại đối với sự nối tiếp của mình đã phát khởi các nghiệp. Quá khứ, vị lai thì không như thế, nên nói hiện tại.

Lại nữa, phiền não hiện tại đối với sự nối tiếp của mình đã nhận quả, cho quả. Quá khứ, vị lai thì không như thế, nên nói hiện tại.

Lại nữa, phiền não hiện tại đối với sự nối tiếp của mình có thể làm nhân đồng loại, nhân biến hành, nhân dị thục và nhận lấy quả Đẳng lưu, quả Dị thục. Quá khứ, vị lai thì không như thế, nên nói hiện tại.

Lại nữa, phiền não hiện tại đối với sự nối tiếp của mình có thể làm nhiễm ô các thứ hiện khởi, có thể chê trách, khiến chúng bị chìm trong vũng bùn lầy, rơi vào chốn phi lý. Quá khứ, vị lai thì không như thế, nên nói hiện tại.

Lại nữa, phiền não hiện tại đối với sự nối tiếp của mình đã gây nên nóng bức, bực bội, tạo sự tổn hại. Quá khứ, vị lai thì không như thế, nên nói hiện tại.

Lại nữa, phiền não hiện tại đối với sự nối tiếp của mình đã tạo nên cái ngu của tự tánh và cái ngu của đối tượng duyên. Quá khứ, vị lai thì không như thế, nên nói hiện tại.

Lại nữa, phiền não hiện tại đối với sự nối tiếp của mình đã làm thành cái ngu nơi ba đời và lìa pháp thế gian. Quá khứ, vị lai thì không như thế, nên nói hiện tại.

Lại nữa, vì phiền não hiện tại làm chướng ngại cho hành tướng nơi nương dựa và đối tượng duyên khiến không giải thoát. Quá khứ, vị lai thì không như thế, nên nói hiện tại.

Do các thứ nhân duyên như thế, nên chỉ nói phiền não hiện tại gọi là che lấp.

1. Có trường hợp là cái cũng là che lấp: Nghĩa là năm cái tùy theo một cái hiện tiền. Tức là lúc cái tham dục hiện tiền, nơi phần vị thức có ba cái hiện tiền, là cái tham dục, hôn trầm, trạo cử. Ở phần vị ngủ có bốn cái hiện tiền, là ba cái trước và thùy miên. Như cái tham dục, thì cái giận dữ, ố tác và nghi cũng như thế. Nếu lúc cái hôn trầm hiện tiền thì ở phần vị thức nhất định có hai cái hiện tiền, là cái hôn trầm và trạo cử. Ở phần vị ngủ nhất định có ba cái hiện tiền, là hai cái trước và thùy miên. Như cái hôn trầm, cái trạo cử cũng như thế. Nếu lúc cái thùy miên hiện tiền thì nhất định có ba cái hiện tiền, là cái thùy miên, hôn trầm và trạo cử. Năm cái như thế lúc hiện tiền, cũng gọi là cái, vì có tánh tướng của cái, cũng gọi là che lấp, vì có tác dụng che lấp.

2. Có trường hợp không phải là cái cũng không phải là che lấp: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước.

Trong đây, về tên gọi là lấy tiếng tướng mà nói. Nếu pháp đã đặt tên, đã nêu gọi: Nghĩa là ba trường hợp trước. Chưa đặt tên, chưa nêu gọi: Nghĩa là tạo ra trường hợp bốn, nên nói là trừ các tướng nêu trước.

Đây lại là thế nào? Nghĩa là trong hành uẩn nêu ra bốn trường hợp: Năm cái quá khứ, vị lai là trường hợp 1. Trừ năm cái, nghĩa còn lại là các phiền não hiện tại là trường hợp 2. Năm cái hiện tại là trường hợp 3. Còn lại là hành uẩn tương ưng, không tương ưng và bốn uẩn hoàn toàn cùng hai vô vi là trường hợp 4.

***

* Các tùy miên vô minh hệ thuộc cõi dục, tất cả chúng đều là bất thiện chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đã nói rõ vô minh cũng là tánh của cái, nhưng chưa nói rõ cái là bất thiện, nay muốn hiển bày. Lại nữa, vì ngăn chận Tông chỉ của người khác và nhằm chỉ rõ nghĩa chánh. Nghĩa là:

Hoặc có người chấp: Tất cả phiền não đều là bất thiện, như phái Thí Dụ, họ bảo: Tất cả phiền não do tuệ không thiện xảo thâu giữ nên đều là bất thiện. Vì nhằm ngăn chận lối chấp đó và chỉ rõ các phiền não có thứ là bất thiện, có thứ là vô ký.

Tất cả phiền não do tuệ không thiện xảo thâu giữ nên đều là bất thiện, vì sao cũng nói là có vô ký? Đáp: Vì chiêu cảm quả không ưa thích, nên gọi là bất thiện, không phải là do tuệ không thiện xảo thâu giữ. Nếu không như vậy thì vô phú vô ký nên có bất thiện và trong tánh bất thiện đó cũng có không thiện xảo.

Hoặc lại có người chấp: Phiền não của cõi dục đều là bất thiện. Tất cả phiền não của cõi sắc, cõi vô sắc đều là vô ký. Vì nhằm ngăn chận lối chấp đó và chỉ rõ thân kiến, biên kiến của cõi dục và vô minh tương ưng với chúng cũng là vô ký.

Do các nhân duyên như thế nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Các tùy miên vô minh hệ thuộc cõi dục, tất cả chúng đều là bất thiện chăng?

Đáp: Các tùy miên vô minh bất thiện đều hệ thuộc cõi dục. Có tùy miên vô minh hệ thuộc cõi dục không phải là bất thiện. Nghĩa là hữu thân kiến, biên chấp kiến thuộc cõi dục tương ưng với vô minh.

Hỏi: Vì sao thân kiến, biên kiến thuộc cõi dục cùng pháp câu hữu tương ưng với chúng không phải là bất thiện?

Đáp: Nếu Thể của pháp là không hổ, không thẹn, hoặc tương ưng với chúng, hoặc cùng có với chúng, hoặc do chúng sinh ra, là bất thiện. Vì các pháp như thân kiến v.v… cùng với hai pháp kia trái nhau, nên không phải là bất thiện. Ngoài ra sẽ giải thích rộng trong Phẩm Bất Thiện thuộc chương Kiết Uẩn ở sau.

***

* Các tùy miên vô minh hệ thuộc cõi sắc, cõi vô sắc, tất cả chúng đều là vô ký chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đã chỉ rõ vô minh có thứ là tánh bất thiện, nhưng chưa nói rõ có thứ cũng là vô ký. Nay vì muốn nói đến điều đó, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Các tùy miên vô minh hệ thuộc cõi sắc, cõi vô sắc, tất cả chúng đều là vô ký chăng?

Đáp: Các tùy miên vô minh hệ thuộc cõi sắc, cõi vô sắc đều là vô ký. Có tùy miên vô minh vô ký nhưng không phải thuộc cõi sắc, cõi vô sắc. Nghĩa là hữu thân kiến, biên chấp kiến thuộc cõi dục tương ưng với vô minh.

Hỏi: Vì sao phiền não thuộc cõi sắc, cõi vô sắc và các pháp cùng có, tương ưng với chúng không phải là bất thiện?

Đáp: Nếu Thể của pháp là không hổ, không thẹn, hoặc tương ưng với hai pháp đó, hoặc cùng có với hai pháp đó, hoặc do hai pháp đó sinh ra là bất thiện. Vì các pháp như phiền não v.v… thuộc hai cõi trên mâu thuẫn với hai pháp kia, nên không phải là bất thiện. Ngoài ra sẽ giải thích rộng như trong Phẩm Bất Thiện thuộc chương Kiết Uẩn ở sau.

***

* Các tùy miên vô minh do kiến khổ, kiến tập đoạn trừ, tất cả chúng đều là biến hành chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đã nói vô minh là bất thiện, hoặc là vô ký, nhưng chưa nói rõ vô minh kia là biến hành hay không phải biến hành. Nay muốn nói đến vấn đề đó, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Các tùy miên vô minh do kiến khổ, kiến tập đoạn trừ, tất cả chúng đều là biến hành chăng?

Đáp: Các tùy miên vô minh là biến hành đều do kiến khổ, kiến tập đoạn trừ. Có tùy miên vô minh do kiến khổ, kiến tập đoạn trừ nhưng không phải là biến hành. Nghĩa là tùy miên không phải biến hành do kiến khổ, kiến tập đoạn trừ tương ưng với vô minh. Tức là tùy miên tham, giận, mạn, tương ưng với vô minh do kiến khổ, kiến tập đoạn trừ.

Hỏi: Các tùy miên vô minh do kiến diệt, kiến đạo đoạn trừ, tất cả chúng đều không phải là biến hành chăng?

Đáp: Các tùy miên vô minh do kiến diệt, kiến đạo đoạn trừ đều không phải là biến hành. Có tùy miên vô minh không phải là biến hành nhưng không phải do kiến diệt, kiến đạo đoạn trừ. Nghĩa là tùy miên không phải là biến hành do kiến khổ, kiến tập đoạn tương ưng với vô minh. Tức là tùy miên tham, giận, mạn tương ưng với vô minh do kiến khổ, kiến tập đoạn trừ.

Trong đây, nghĩa biến hành, không phải là biến hành do nhiều chỗ khác đã nói rộng, nên không chỉ rõ.

***

* Thế nào là tùy miên vô minh không chung? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đã nói vô minh cũng là tánh của cái, là bất thiện hoặc vô ký, là biến hành, không phải biến hành, nhưng chưa nói vô minh là không chung hay không phải là không chung, nay muốn nói đến vấn đề đó. Lại nữa, trước đã nói phiền não tương ưng với vô minh, chưa nói đến phiền não không tương ưng với vô minh, nay muốn nói đến, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là tùy miên vô minh không chung?

Đáp: Là các vô minh không hiểu rõ về khổ, không hiểu rõ về tập, diệt, đạo.

Trong đây, không hiểu rõ là hiển bày nghĩa không ưa muốn, không nhận chịu. Nghĩa là do vô minh mê mờ che lấp tâm, nên đối với bốn Thánh đế không ưa muốn, không nhận chịu, gọi là không hiểu rõ, không phải chỉ là không sáng suốt. Như người nghèo khổ đã ăn thức ăn dở no bụng rồi tuy có gặp thức ăn ngon cũng không muốn ăn. Phàm phu cũng thế, vì vô minh che lấp tâm, nên tuy có nghe nói đến bốn Thánh đế cũng không muốn, không nhận.

Hỏi: Nếu như vậy sao không gọi là tà kiến?

Đáp: Không có hành tướng chuyển biến để gọi là tà kiến. Ở đây chỉ là không ưa muốn, không phải là không có hành tướng, nên không phải là tà kiến. Lại nữa, hủy báng vật thật gọi là tà kiến, vì đây chỉ là không nhận chịu nên không phải là tà kiến.

Hỏi: Trong đây nói không hiểu rõ thì từ ấy là chỉ rõ về tự tánh, chỉ rõ về hành tướng hay là chỉ rõ về đối tượng duyên?

Đáp: Có thuyết nói: Đây là chỉ rõ về tự tánh của vô minh.

Hỏi: Như thế hành tướng của vô minh là gì?

Đáp: Là không nhận biết, tối tăm ngu si là hành tướng của vô minh này.

Hỏi: Như vậy đối tượng duyên của vô minh là gì?

Đáp: Tức là bốn Thánh đế.

Có Sư khác cho: Đây là hiển bày về hành tướng của vô minh. Nghĩa là vô minh này chỉ đối với bốn Thánh đế có hành tướng không hiểu rõ chuyển biến.

Hỏi: Nếu như vậy theo như Luận Phẩm Loại Túc nói làm sao thông? Như nói: Thế nào là tùy miên vô minh không chung tùy tăng? Là không biết, tăm tối ngu si.

Đáp: Nên biết: Thuyết của Luận kia là nêu bày chưa trọn vẹn. Tức Luận kia nói về hành tướng của vô minh là chưa hết. Nghĩa là ở đây lại có hành tướng không hiểu rõ.

Có thuyết nêu: Không hiểu rõ tức là không biết, là tối tăm ngu si. Do vậy không có lỗi mâu thuẫn.

Hỏi: Như vậy tự tánh của vô minh là gì?

Đáp: Tự tướng của tự Thể là tự tánh của nó. Như nói: Tự tánh của các pháp tức là tự tướng của các pháp, vì tánh đồng loại là cộng tướng.

Hỏi: Như vậy đối tượng duyên của vô minh là gì?

Đáp: Tức bốn Thánh đế.

Lại có thuyết nói: Đây là hiển bày về đối tượng duyên của vô minh. Nghĩa là đối với khổ không hiểu rõ nói là duyên nơi khổ đế. Đối với tập, diệt, đạo không hiểu rõ nói là duyên nơi tập, diệt, đạo đế. Về hành tướng, tự tánh như trước đã nói.

Lời bình: Nên nói như vầy: Vô minh như thế đối với bốn Thánh đế hoàn toàn là ngu độn, hoàn toàn là tối tăm, hoàn toàn là không thông tỏ, hoàn toàn là không quyết định lựa chọn. Và lấy những thứ đó làm tự tánh.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vô minh như thế vì sao gọi là không chung? Không chung là nghĩa gì?

Đáp: Vô minh như thế là do tự lực khởi hiện, không phải là do tương ưng với tùy miên khác mà khởi hiện, nên gọi là không chung. Không phải như tham v.v… tương ưng với vô minh là do sức khác mà khởi hiện.

Có thuyết nói: Vô minh như thế không phải là cùng xen tạp với tùy miên khác mà khởi hiện nên gọi là không chung.

Có Sư khác cho: Vô minh như thế cùng với tùy miên khác không đồng ý lạc nên gọi là không chung.

Hoặc có thuyết nêu: Vô minh như thế cùng với tùy miên khác đối tượng tạo tác đều riêng nên gọi là không chung.

Lại có thuyết nói: Vô minh như thế là mê mờ đối với bốn Thánh đế, không cùng với tùy miên khác tương ưng để khởi hiện, nên gọi là không chung.

Hoặc lại có thuyết cho: Vô minh như thế là không cùng với tùy miên tương ưng, chỉ là do phàm phu khởi hiện nên gọi là không chung.

Có thuyết khác lại nêu: Vô minh như thế đối với việc sinh khởi phiền não luôn là đứng đầu, nên gọi không chung.

Hỏi: Vô minh không chung này là chỉ do kiến đạo đoạn hay là chung cho cả năm bộ? Nếu nói như vậy thì có lỗi gì? Nếu chỉ do kiến đạo đoạn thì theo như Luận Thức Thân nói làm sao thông suốt? Như nói: Vô minh kia là do tu đạo đoạn trừ, là vô minh không chung tương ưng với tâm. Nếu chung cho cả năm bộ thì văn của bản Luận này vì sao không nói, chỉ nói là đối với khổ không hiểu rõ, đối với tập, diệt, đạo cũng không hiểu rõ?

Đáp: Nên nói như vầy: Vô minh như thế chỉ do kiến đạo đoạn.

Hỏi: Nếu như vậy thì như nơi Luận Thân Thức đã nói làm sao thông suốt?

Đáp: Đoạn văn của Luận kia nên nói như thế này: Vô minh kia do tu đạo đoạn trừ, còn tùy miên tương ưng với tâm không tương ưng với vô minh. Không nên nói: Vô minh kia do tu đạo đoạn là vô minh không chung tương ưng với tâm.

Hỏi: Nói vô minh không chung tương ưng với tâm và nói tùy miên tương ưng với tâm không tương ưng với vô minh, về nghĩa có gì khác nhau?

Đáp: Vô minh do tu đạo đoạn trừ cùng có tùy miên không tương ưng nhưng không gọi là không chung? Vì sao? Vì do sức của người khác khởi hiện. Nghĩa là nếu vô minh do tự lực khởi hiện, không phải do tương ưng với tùy miên khác khởi hiện, thì gọi là không chung. Vô minh do tu đạo đoạn tuy có không cùng với tùy miên mà khởi hiện, nhưng không phải do sức mình khởi hiện, mà là sức của phẫn, hận v.v… khởi hiện, nên không gọi là không chung.

Có thuyết nói: Vô minh không chung là cả năm bộ đều có.

Hỏi: Nếu như thế thì văn của Bản luận này vì sao không nói?

Đáp: Vì trong Luận này chỉ nói vô minh không chung do kiến đạo đoạn, vì vô minh ấy mê mờ nơi bốn Thánh đế, không cùng với tùy miên tương ưng mà khởi. Còn vô minh do tu đạo đoạn tuy không phải do tương ưng với tùy miên để sinh khởi, nhưng không mê mờ nơi đế, nên không nói.

Lại nữa, trong Luận này chỉ nói vô minh không chung chỉ do hàng phàm phu sinh khởi. Còn vô minh do tu đạo đoạn trừ vì Thánh giả cũng sinh khởi nên không nói.

Lại nữa, trong đây chỉ nói vô minh không chung duyên chung nơi hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi. Còn vô minh do tu đạo đoạn trừ chỉ duyên nơi hữu lậu, hữu vi, nên không nói.

Lại nữa, trong đây chỉ nói vô minh không chung do sức của mình mà khởi. Còn vô minh do tu đạo đoạn vì nhờ ở sức khác mới khởi hiện, nên không nói.

Hỏi: Vô minh không chung do tu đạo đoạn trừ này ở trong tâm nào có?

Đáp: Nếu người ở cõi dục, trong tâm cùng hành với mười pháp tiểu phiền não địa là có thể có. Người ở tĩnh lự thứ nhất, trong tâm cùng hành với siểm (dua nịnh), cuống (dối), kiêu là có thể có. Người ở địa tĩnh lự thứ hai trở lên, trong tâm chỉ tương ưng với kiêu là có thể có.

Hỏi: Vô minh không chung trong đây đã nói, chúng ở nơi phần vị nào hiện khởi?

Đáp: Nếu các phàm phu do sức của thắng giải phát khởi chánh kiến, hoặc khởi tà kiến, lúc tâm mệt mỏi thì thường thường phát khởi gián cách. Vô minh không chung mê mờ nơi bốn Thánh đế, nghĩa là duyên nơi bốn đế với các hành tướng không ưa muốn, không nhận chịu, không hiểu rõ.

Hỏi: Trong tất cả tâm đều có Bát nhã, vì duyên gì nay nói vô minh không chung đối với bốn đế không hiểu rõ?

Đáp: Vì tuệ đã bị vô minh che lấp, nên không sáng suốt, không thanh tịnh, đối với bốn Thánh đế cũng không thể hiểu rõ. Lại nữa, trong đây chỉ nói vô minh không chung đối với bốn Thánh đế không hiểu rõ, không nói về Bát nhã, vậy không nên nêu vấn nạn.

Hỏi: Từng có tùy miên không cùng với tùy miên tương ưng chăng?

Đáp: Có. Tức như trước đã nói vô minh không chung và phẫn, hận v.v… do tu đạo đoạn trừ đều cùng sinh khởi tùy miên vô minh.

Hỏi: Từng có tùy miên không gọi là có tùy miên chăng?

Đáp: Có. Tức như trước đã nói vô minh không chung và phẫn, hận v.v… do tu đạo đoạn trừ cùng khởi tùy miên vô minh duyên nơi tùy miên kia rồi đoạn dứt hết.

Hỏi: Từng có tùy miên đối với các tùy miên không tùy tăng chăng?

Đáp: Có. Tức như trước đã nói vô minh không chung duyên nơi vô lậu.

Hỏi: Từng có tùy miên không phải là chỗ tùy tăng của các tùy miên chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là các tùy miên đã lìa bỏ hệ thuộc.

Hỏi: Như có tùy miên không cùng với tùy miên tương ưng mà khởi hiện. Từng có tùy miên không cùng với các triền tương ưng mà sinh khởi chăng?

Đáp: Không có. Vì tất cả tùy miên đều cùng hành với hôn trầm, trạo cử.

Hỏi: Như có tùy miên không cùng với tùy miên tương ưng mà khởi hiện. Từng cũng có triền mà không cùng với triền tương ưng mà khởi hiện chăng?

Đáp: Không có. Vì các tâm nhiễm ô đều cùng có với hôn trầm, trạo cử.

Hỏi: Như có tùy miên không cùng với tùy miên tương ưng mà khởi hiện. Từng cũng có triền không cùng với tùy miên tương ưng mà khởi hiện chăng?

Đáp: Không có. Vì các triền tất cùng với tùy miên vô minh tương ưng mà khởi hiện.

***

* Thế nào là triền trạo cử không chung?

Đáp: Không có triền trạo cử không chung.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn khiến cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là vô minh cùng với trạo cử đều chung nơi sáu thức của năm bộ trong ba cõi, bất thiện, vô ký đều kết hợp khắp trong hết thảy tâm nhiễm ô.

Hoặc có người sinh nghi: Như vô minh có không chung, trạo cử cũng như thế. Vì muốn cho nghi này được quyết định và chỉ rõ triền trạo cử không có không chung, nên tạo ra phần Luận này. Nghĩa là triền trạo cử tất cùng với tùy miên vô minh kết hợp, cũng cùng với triền hôn trầm tương ưng nên không gọi là không chung.

Hỏi: Hôn trầm, trạo cử đều cùng kết hợp với tất cả tâm nhiễm ô. Vì sao trong đây chỉ nói đến trạo cử, không nói đến hôn trầm?

Đáp: Đây là ý của người tạo luận muốn thế, cho đến nói rộng. Lại nữa, cũng nên nói hôn trầm nhưng không nói, nên biết là ở đây nêu bày chưa trọn vẹn. Lại nữa, hôn trầm và trạo cử luôn tương ưng với nhau, nên trong đây nói một thứ này là đã nói thứ khác.

Lại nữa, do triền trạo cử tùy thuận với phóng dật, có nhiều lỗi lầm, lại bền chắc, mãnh liệt. Hôn trầm thì không như vậy, nên chỉ nói riêng trạo cử. Do Khế kinh này ở trong môn năm kiết thuận phần trên chỉ lập trạo cử. Còn Luận Phẩm Loại Túc chỉ nói trạo cử ở trong mười pháp phiền não đại địa. Trong Luận Thi Thiết chỉ nói trạo cử ở trong năm pháp. Như nói lúc tùy miên dục tham của phàm phu sinh khởi, tất khởi năm pháp là: 1. Tùy miên dục tham. 2. Tùy miên dục tham tăng trưởng sinh. 3. Tùy miên vô minh. 4. Tùy miên vô minh tăng trưởng sinh. 5. Trạo cử. Các xứ như thế, đều do trạo cử có nhiều lỗi lầm nên nói riêng, không phải là thứ khác. Trong đây cũng như thế.

Lại nữa, vì triền trạo cử thường xuyên hoạt động mạnh mẽ, gây nhiễu loạn cho bốn chi, năm chi nơi tĩnh lự nên nói riêng. Hôn trầm vì ngu độn, tùy thuận nơi định, tương tợ với định mà chuyển biến. Hôn trầm hiện tiền là nhanh chóng tạo lỗi lầm khi nhập định, vì nhẹ nên trong đây không nói đến.

Lại nữa, do triền trạo cử hủy hoại phẩm thiện, khiến không thể chuyên chú nơi cảnh của định. Hôn trầm thì không như vậy, nên nói riêng trạo cử.

Lại nữa, do triền trạo cử làm nhiễm loạn phẩm tâm, nên đối với các pháp thiện không muốn siêng năng tu tập. Giả như có siêng năng tu tập, cũng mau chóng trở lại lười biếng và bỏ phí. Hôn trầm thì không như thế, do vậy nên chỉ nói riêng trạo cử.

Lại nữa, do hôn trầm kia giống như sự chuyển biến của vô minh. Trước đã nói rộng về tùy miên vô minh. Tức đã nói về hôn trầm rồi nên không nói nữa.

Lại nữa, do triền trạo cử rất mạnh mẽ, bền bĩ và có nhiều lỗi lầm, nên hoặc có người cho trạo cử kia đồng với tùy miên nên cũng có không chung, vì thế nên nói riêng là trạo cử, không có không chung.

***

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 6: BÀN VỀ TƯỚNG, phần 1

* Pháp sắc nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là sắc hay là không phải sắc? Các chương như thế và giải thích về nghĩa của chương, đã lãnh hội xong, sau đấy nên giải thích rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm phân biệt rộng nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là như Khế kinh nói: Phật bảo các Bí-sô: Pháp có hai loại: 1. Hữu vi. 2. Vô vi. Hữu vi sinh khởi cũng có thể nhận biết rõ. Hữu vi tận diệt và an trụ, đổi khác cũng có thể nhận biết rõ. Vô vi không sinh khởi mà có thể nhận biết rõ. Vô vi không tận diệt, không an trụ, đổi khác, mà có thể nhận biết rõ.

Đối với nghĩa lý sâu xa của Khế kinh này, các Sư không nhận biết đúng như thật, nên khởi các thứ chấp. Nghĩa là: Hoặc có lối chấp: Tướng của các hữu vi không thật có tự Thể, như phái Thí Dụ. Họ bảo: Tướng của các hữu vi thuộc về hành uẩn bất tương ưng. Hành uẩn bất tương ưng không có thật Thể nên tướng của các hữu vi không thật có tự Thể. Nay nhằm ngăn chận lối chấp đó và chỉ rõ tướng hữu vi là thật có tự Thể.

Hoặc lại có lối chấp: Tướng của các hữu vi đều là vô vi, như Luận giả phái Phân Biệt. Họ nói: Nếu Thể của tướng hữu vi là hữu vi thì tánh yếu kém, tức không có khả năng khiến pháp sinh, pháp trụ, pháp đổi khác, pháp diệt. Vì Thể của tướng hữu vi là vô vi, nên tánh mạnh mẽ hơn hẳn tức có khả năng khiến pháp sinh cho đến pháp diệt. Nay nhằm ngăn chận lối chấp đó, đồng thời chỉ rõ tướng hữu vi đều là hữu vi.

Hoặc lại có lối chấp: Ba tướng là hữu vi, tướng diệt là vô vi, như Pháp Mật Bộ. Họ nói: Nếu tướng vô thường, Thể là hữu vi, thì tánh yếu kém, không có khả năng khiến pháp diệt. Do tánh là vô vi mạnh thịnh, nên có thể khiến pháp diệt. Nay nhằm ngăn chận lối chấp đó, đồng thời chỉ rõ tướng hữu vi đều là hữu vi.

Hoặc lại có lối chấp: Tướng cùng với đối tượng tướng, tất cả đều giống nhau, như Sa-môn Tương Tợ Tương Tục. Họ nói: Thể của pháp sắc, sinh, trụ, lão, vô thường trở lại là sắc, cho đến Thể của thức pháp sinh, lão, trụ, vô thường trở lại là thức. Nay nhằm ngăn chận lối chấp đó và chỉ rõ tướng hữu vi chỉ thuộc về hành uẩn bất tương ưng.

Hoặc lại có người chấp: Năm uẩn như sắc v.v… lúc ra khỏi thai gọi là sinh. Lúc nối tiếp nhau gọi là trụ. Lúc biến đổi suy kém gọi là dị. Lúc mạng chung gọi là diệt, như các Sư thuộc Kinh Bộ. Nay nhằm ngăn chận lối chấp đó và chỉ rõ các tướng kia chỉ là tướng của chúng đồng phần, không phải là tướng hữu vi. Tướng hữu vi: Nghĩa là các pháp hữu vi trong mỗi mỗi sát-na đều có đủ bốn tướng.

Lại nữa, vì khiến người nghi có được quyết định, như nơi chương Định Uẩn nói: Đắc của pháp quá khứ, hoặc là quá khứ, hoặc là vị lai, hoặc là hiện tại. Đắc của pháp vị lai, hiện tại cũng như thế.

Hoặc có người sinh nghi: Như đắc cùng với pháp có đồng đời, có khác đời, tức tướng cùng với đối tượng tướng cũng nên như thế. Nay là chỉ rõ khiến người nghi có được quyết định là tướng cùng với pháp không có khác đời. Vì sao? Vì chủ thể đắc cùng với đối tượng đắc không đồng một quả, cùng hành bất định, không phải là nhân câu hữu, hoặc khác đời. Tướng cùng với đối tượng tướng là đồng một quả, quyết định cùng hành, là nhân câu hữu nên tất là đồng đời.

Nay nhằm ngăn chận thuyết trước với các thứ Tông chỉ khác và để dứt trừ mọi nghi, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Pháp sắc nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là sắc hay là không phải sắc?

Đáp: Nên nói là không phải sắc. Trong đây, pháp sắc nghĩa là mười sắc xứ cùng phần ít của pháp xứ. Tướng hữu vi kia chỉ là không phải sắc, chỉ thuộc về pháp xứ. Đây tức là loại khác của tướng đối tượng, tướng chủ thể.

Hỏi: Pháp không phải sắc nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là không phải sắc hay là sắc?

Đáp: Nên nói là không phải sắc. Trong đây, pháp không phải sắc nghĩa là ý xứ và một phần ít của pháp xứ. Tướng hữu vi kia như trước đã nói. Đây tức là loại đồng của tướng đối tượng, tướng chủ thể.

Hỏi: Pháp có thấy nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là có thấy hay là không thấy?

Đáp: Nên nói là không thấy. Trong đây, pháp có thấy nghĩa là sắc xứ. Tướng hữu vi kia chỉ là không kiến, chỉ thuộc về pháp xứ. Đây tức là loại khác của tướng đối tượng, tướng chủ thể.

Hỏi: Pháp không thấy nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là có thấy hay là không thấy?

Đáp: Nên nói là không thấy. Trong đây, pháp không thấy nghĩa là mười một xứ, trừ sắc xứ. Tướng hữu vi kia như trước đã nói. Đây tức là loại đồng của tướng đối tượng, tướng chủ thể.

Hỏi: Pháp có đối nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là có đối hay là không đối?

Đáp: Nên nói là không đối. Trong đây, pháp có đối nghĩa là mười sắc xứ. Tướng hữu vi kia chỉ là không đối, chỉ thuộc về pháp xứ. Đây tức là loại khác của tướng đối tượng, tướng chủ thể.

Hỏi: Pháp không đối nơi sinh, lão, trụ, vô thường, nên nói là không đối hay là có đối?

Đáp: Nên nói là không đối. Trong đây, pháp không đối nghĩa là ý xứ và pháp xứ. Tướng hữu vi kia như trước đã nói. Đây tức là loại đồng của tướng đối tượng, tướng chủ thể.

Hỏi: Pháp hữu lậu nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là hữu lậu hay là vô lậu?

Đáp: Nên nói là hữu lậu. Trong đây, pháp hữu lậu nghĩa là mười sắc xứ và phần ít của hai xứ. Tướng hữu vi kia chỉ là hữu lậu, chỉ thuộc về pháp xứ.

Từ đây về sau, các môn tướng đối tượng, tướng chủ thể đều là loại đồng.

Hỏi: Pháp vô lậu nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là vô lậu hay là hữu lậu?

Đáp: Nên nói là vô lậu. Trong đây, pháp vô lậu nghĩa là ý xứ và một phần ít của pháp xứ. Tướng hữu vi kia chỉ là vô lậu, chỉ thuộc về pháp xứ.

Hỏi: Pháp hữu vi nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là hữu vi hay là vô vi?

Đáp: Nên nói là hữu vi. Trong đây, pháp hữu vi nghĩa là mười một xứ và phần ít của pháp xứ. Tướng hữu vi kia chỉ là hữu vi, chỉ thuộc về pháp xứ.

Hỏi: Pháp vô vi nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là vô vi hay là hữu vi?

Đáp: Nên nói là pháp vô vi không có sinh, trụ, lão, vô thường. Trong đây, pháp vô vi là phần ít của pháp xứ, là vô vi nên không có tướng hữu vi. Đây là hai môn tướng đối tượng, tướng chủ thể của năm thứ đã nói ở trước có đồng, có khác.

Từ đây về sau, nói về tướng đối tượng, tướng chủ thể của ba môn thuộc năm thứ, tất cả đều đồng. Như phải nên nhận biết xứ gồm thâu nhiều, ít và tùy theo chỗ ứng hợp, nhằm ngăn chận lối chấp khác ở trước. Nghĩa là nói tướng đối tượng, tướng chủ thể đều đời đồng, tức ngăn chận bốn tướng khác thời của Kinh Bộ.

Nói tướng như sắc v.v… thuộc về không phải sắc v.v…, tức là ngăn chận Sa-môn Tương Tợ Tương Tục cho là tướng như sắc v.v… trở lại thuộc về sắc v.v…

Nói tướng như sinh v.v… đều là hữu vi, tức là ngăn chận Luận giả Phân Biệt của Pháp Mật Bộ cho là tướng như sinh v.v… là pháp vô vi. Mười môn phân biệt các tướng như sinh v.v…, tất cả đều nhằm ngăn chận Phái Thí Dụ cho các tướng như sinh v.v… Thể là không thật có, không phải là pháp thật có, như chiếc bình, cái áo v.v…, tức không nên phân biệt rộng như thế.

***

* Thế nào là lão? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đã dựa vào đạo lý của Hiền Thánh để chỉ rõ tướng hữu vi, nay muốn dựa vào đạo lý của thế tục để hiển bày về tướng hữu vi. Trước đã dựa vào ngôn thuyết của Hiền Thánh để chỉ rõ về tướng hữu vi, nay muốn dựa vào ngôn thuyết của thế tục nhằm chỉ rõ về tướng hữu vi. Trước đã dựa vào thắng nghĩa đế để chỉ rõ tướng hữu vi, nay muốn dựa vào thế tục đế nhằm chỉ rõ về tướng hữu vi. Lại nữa, trước đã chỉ rõ tướng hữu vi vi tế, nay muốn chỉ rõ tướng hữu vi thô trọng. Trước đã chỉ rõ tuệ giác hiện thấy tướng hữu vi, nay muốn chỉ rõ sắc căn hiện thấy tướng hữu vi. Trước đã chỉ rõ tướng hữu vi trong sát-na, nay muốn chỉ rõ tướng hữu vi nối tiếp nhau. Trước đã nêu rõ về tướng hữu vi liên hệ, nay muốn chỉ rõ tướng hữu vi phần vị, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì sao trong đây không hỏi về sinh?

Đáp: Vì đây là ý của người tạo luận muốn thế, cho đến nói rộng. Lại nữa, cũng nên hỏi nhưng không hỏi, nên biết đây là nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, nếu khiến các pháp tổn giảm tan hoại thì trong đây nói đến. Sự sinh khiến các pháp được tăng trưởng hưng thịnh, thế nên không nói.

Lại nữa, nếu khiến các pháp suy thoái ly tán thì trong đây nói đến. Sự sinh khiến các pháp tăng thịnh hòa hợp, thế nên không nói.

Hỏi: Thế nào là lão?

Đáp: Tướng của các hành hướng về từ bỏ, chín muồi, biến đổi, đấy gọi là lão. Trong Khế kinh nói: Tóc thưa, tóc bạc, da nhăn, sức lực suy giảm, thân hư tổn, lưng cong, hơi thở ngắn vội, thân hình tiều tụy, bước đi chậm chạp, yếu ớt, tới lui phải chống gậy, khắp thân nổi lên nhiều chấm đen, xám, trông như bức tranh màu. Vị của các căn đã chín muồi, các chi phần đều biến hoại, cử động run rẩy, các hành đều hư hao, đấy gọi là lão.

A-tỳ-đạt-ma hoặc nói là uẩn chín muồi, hoặc như trong đây đã nói là tướng lão.

Các hành hướng về: Nghĩa là hướng đến cửa chết.

Các hành từ bỏ: Nghĩa là từ bỏ trẻ trung, tráng kiện.

Các hành chín muồi: Nghĩa là vị của các căn đã chín muồi.

Các hành biến đổi: Nghĩa là sức thân suy yếu, biến chuyển.

Tôn giả Thế Hữu nói: Vì các hành tổn hoại nên gọi là già (lão), như thứ áo cũ v.v… Vì các hành hư nát nên gọi là già, như cỗ xe hư v.v… Các hành suy yếu nên gọi là già, như ngôi nhà mục nát v.v… Các hành tiều tụy nên gọi là già, như hoa héo khô v.v… Các hành chậm chạp nên gọi là già, như các dụng cụ âm nhạc v.v…

Đại đức nói: Các hành đã sinh bị mất mát nhiều, dẫn đến suy yếu nên gọi là già.

Hỏi: Thế nào là chết?

Đáp: Các hữu tình ở những nơi chốn đó, từ chúng đồng phần của các hữu tình ở những nơi chốn đó di chuyển, hư hoại, chìm mất, bỏ hơi ấm của thọ mạng, mạng căn dứt hẳn, dứt các uẩn thân tiêu tan, đó gọi là chết.

Khế kinh nói: Chết cùng với các tướng này đồng. Câu văn tuy có nhiều, nhưng nghĩa không khác, cùng hiển bày về chết.

Hỏi: Thế nào là vô thường?

Đáp: Các hành tan hoại, hư mất, thoái diệt, đó gọi là vô thường. Trong đây, câu văn tuy có nhiều thứ, nghĩa cũng không khác, đều cùng chỉ rõ về nghĩa vô thường.

Hỏi: Thế nào là vô thường làm tan hoại các hành?

Đáp: Không phải như các vật lúa, đậu v.v… bị tan hoại, đây chỉ là khiến các hành không còn tác dụng nữa, nên gọi là tan hoại. Nghĩa là việc làm trong một sát-na đã làm xong, đến sát-na thứ hai không còn có thể làm nữa.

Hỏi: Chết và vô thường có gì khác biệt?

Đáp: Các chết là vô thường, nhưng có vô thường không phải là chết. Nghĩa là các hành diệt khác, trừ chết.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Thế gian nói: Vô thường và chết không khác nhau. Vì muốn hiển bày là hai pháp ấy có khác nhau, nên tạo ra phần Luận này.

Nghĩa là chết chỉ có bên trong, chỉ là số hữu tình, chỉ có căn, tâm. Vô thường thì chung cho cả trong ngoài, chung cho số hữu tình, vô tình, có căn, không căn, có tâm, không tâm. Đấy là sự khác nhau giữa chết và vô thường.

Hỏi: Thế nào là chết cũng là vô thường? Thế nào là vô thường không phải là chết?

Đáp: Mạng căn sau cùng diệt, gọi là chết cũng là vô thường. Mạng căn diệt vào những lúc khác, gọi là vô thường không phải là chết.

Lại nữa, các uẩn sau cùng diệt, gọi là chết cũng là vô thường. Các uẩn diệt vào những lúc khác, gọi là vô thường không phải là chết.

Lại nữa, các uẩn bên trong diệt, gọi là chết cũng là vô thường. Các uẩn bên ngoài diệt, gọi là vô thường không phải là chết. Như trong – ngoài , thì số hữu tình – số vô tình, có căn – không căn, có tâm – không tâm nên biết cũng như thế.

Hỏi: Sức của nghiệp mạnh hay sức của vô thường mạnh?

Đáp: Sức của nghiệp mạnh, không phải sức của vô thường mạnh. Ở đây Thánh đạo dùng tiếng nghiệp để nói. Vô thường nghĩa là tướng diệt. Đức Phật đối với Thánh đạo, hoặc gọi là thọ, hoặc gọi là tưởng, hoặc gọi là tư, hoặc nói là ý, hoặc nói là ngọn đèn, hoặc gọi là tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ. Hoặc nói là thuyền, bè, núi, đá, nước, hoa, hoặc nói là từ bi, hỷ, xả. Như thế, mỗi mỗi đều được giải thích riêng như kinh. Ở đây, Thánh đạo nói gọi là nghiệp. Sức của nghiệp mạnh, không phải là sức của vô thường mạnh.

Có thuyết nói: Sức của vô thường mạnh, không phải sức của nghiệp mạnh. Vì sao? Vì nghiệp này cũng là vô thường. Như một người có giết chết một ngàn kẻ thù, người đó được gọi là thắng ngàn kẻ thù. Đây cũng như thế, nên nói sức của vô thường mạnh, không phải sức của nghiệp mạnh. Ở trong nghĩa này, sức của nghiệp mạnh, không phải là sức của vô thường mạnh. Vì sao? Vì nghiệp có thể diệt hành trong ba đời, còn vô thường chỉ diệt hành hiện tại. Nghĩa là diệu lực của Thánh đạo diệt hành của ba đời, đoạn trừ các hành đó đạt được trạch diệt, còn vô thường chỉ có thể diệt hành hiện tại, khiến hành đó không còn tác dụng nữa. Lại nữa, sức của nghiệp nơi Thánh đạo có khả năng tiêu diệt các hành có thể phát sinh, không thể phát sinh, khiến chứng được trạch diệt, cũng khiến các hành trong đời vị lai hoàn toàn không sinh chứng đạt được phi trạch diệt. Vô thường chỉ có thể diệt hành có thể sinh, không phải là hành không thể sinh, nên sức của nghiệp mạnh.

Có thuyết cho: Ở đây, nghiệp có khả năng dẫn dắt đến nghiệp của chúng đồng phần trong năm nẻo. Vô thường nghĩa là tướng diệt, nên sức của nghiệp mạnh, không phải là sức của vô thường mạnh.

Có thuyết nêu: Sức của vô thường mạnh, không phải là sức của nghiệp mạnh. Vì sao? Vì nghiệp này cũng là vô thường. Ở trong nghĩa này, sức của nghiệp mạnh, không phải sức của vô thường mạnh. Vì sao? Vì sức của nghiệp có khả năng dẫn sinh chúng đồng phần của năm nẻo, vô thường chỉ có thể diệt hành hiện tại.

Có Sư khác nói: Trong đây, nghiệp nghĩa là khả năng hòa hợp. Sức của vô thường là khả năng lìa biệt, nên sức của nghiệp mạnh, không phải sức của vô thường mạnh.

Có thuyết cho: Sức của vô thường mạnh, không phải sức của nghiệp mạnh. Vì sao? Vì nghiệp này cũng là vô thường. Trong nghĩa này, sức của nghiệp mạnh, không phải là sức của vô thường mạnh. Vì sao? Vì sự hòa hợp là khó, lìa biệt thì dễ. Như chế tạo chậu đựng thì khó, còn đập bể chậu đó thì dễ. Đây cũng như thế, nên sức của nghiệp mạnh.

Lại có thuyết nêu: Trong đây, sức của nghiệp nghĩa là hết thảy loại nghiệp của thân, ngữ, ý. Còn sức của vô thường nghĩa là tướng vô thường, nên sức của nghiệp mạnh, không phải là sức của vô thường mạnh.

Có thuyết nói: Sức của vô thường mạnh, không phải là sức của nghiệp mạnh. Vì sao? Vì nghiệp này cũng là vô thường. Ở trong nghĩa này, sức của nghiệp mạnh, không phải là sức của vô thường mạnh. Vì sao? Vì sức của nghiệp có khả năng chiêu cảm tất cả pháp quả, còn vô thường chỉ có khả năng diệt pháp sinh khởi.

HẾT – QUYỂN 38