LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 166

Chương 7: ĐỊNH UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ GỒM THÂU, phần 1

* Mười tưởng là: Tưởng vô thường, tưởng vô thường khổ, tưởng khổ vô ngã, tưởng chết, tưởng bất tịnh, tưởng chán ăn uống, tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích, tưởng đoạn, tưởng lìa, tưởng diệt. Các chương như thế cùng giải thích nghĩa của chương, đã lãnh hội rồi nên phân biệt rộng.

Hỏi: Vì sao trong đây trước đã dựa nơi mười tưởng để tạo luận?

Đáp: Là do ý của người tạo luận muốn như vậy. Tùy theo ý muốn của mình để tạo ra phần Luận này, chỉ là không trái với pháp tướng, tức không nên nêu vấn nạn.

Có thuyết cho: Vì nhằm phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như trong Khế kinh nói: Có mười tưởng, là tưởng vô thường cho đến tưởng diệt. Khế kinh tuy nói như thế nhưng không biện giải rộng. Nay muốn biện rõ, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì sao trong đây chỉ nói mười tưởng?

Đáp: Điều này chẳng nên hỏi, vì là trong kinh Phật đã nói. Tức Đức Phật nơi xứ xứ trong kinh chỉ nói mười tưởng. Người tạo luận ở trong pháp của Đức Phật đã giảng nói ấy không thể thêm một để nói mười một tưởng, không thể bớt một để nói chín tưởng. Vì sao? Vì pháp do Đức Phật giảng nói là không tăng giảm, nên không thể thêm bớt. Như không tăng, không giảm, thì không nhiều, không ít, không thiếu, không dư, vô lượng vô biên cũng như vậy. Vô lượng là nghĩa khó đo lường. Vô biên là văn khó thấu biết. Ví như biển cả là vô lượng vô biên. Vô lượng là sâu. Vô biên là rộng. Giả sử có trăm ngàn na-do-tha số Đại Luận sư như Tôn giả Xá-lợi-tử đối với hai câu kinh do Đức Phật đã giảng nói để tạo ra trăm ngàn Bộ Luận, nhằm phân biệt, giải thích cho hết tánh giác kia, thì cũng không thể đạt đến tận cùng biên lượng ấy, huống lại là nhiều?

Hỏi: Để qua một bên về người tạo luận. Vì sao Đức Thế Tôn chỉ nói mười tưởng?

Đáp: Hữu tình được Đức Phật hóa độ đối với sự việc đã giảng nói tới mức ấy là trọn vẹn. Nghĩa là Đức Phật, Thế Tôn phàm khi giảng nói pháp đều quán xét về những sự việc nên làm của hữu tình khiến khéo hoàn thành để giảng nói ngang tới mức ấy thì dừng không tăng không giảm. Ví như lương y quan sát người có bệnh, theo chỗ nên trao thuốc không thêm không bớt. Đức Phật cũng như vậy.

Có thuyết nói: Đức Thế Tôn vì để làm sáng tỏ Thánh đạo, gia hạnh của Thánh đạo và quả của Thánh đạo, nên đã giảng nói về mười tưởng. Tức giảng nói tưởng vô thường, tưởng vô thường khổ, tưởng khổ vô ngã, tưởng chết, là hiển bày về Thánh đạo. Giảng nói tưởng bất tịnh, tưởng chán ăn uống, tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích, là làm rõ về gia hạnh của Thánh đạo. Giảng nói các tưởng đoạn, lìa, diệt, là làm sáng tỏ về quả của Thánh đạo.

Có thuyết cho: Đức Thế Tôn vì để hiển bày Thánh đạo, tư lương của Thánh đạo, cùng quả của Thánh đạo, nên đã giảng nói về mười tưởng. Trong đây, phối hợp giải thích như trước nên biết.

Có thuyết nêu: Đức Thế Tôn vì để làm sáng tỏ pháp Chỉ, Quán và quả của hai pháp ấy, nên đã giảng nói về mười tưởng. Nghĩa là giảng nói tưởng bất tịnh, tưởng chán ăn uống, tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích, là làm sáng tỏ về Chỉ (Xa-ma-tha). Giảng nói về các tưởng vô thường, vô thường khổ, khổ vô ngã, chết, là làm rõ về Quán (Tỳ-bát-xá-na). Giảng nói các tưởng đoạn, lìa, diệt, là làm sáng tỏ về quả của hai pháp ấy.

Có thuyết nói: Đức Thế Tôn vì nhằm hiển bày về bờ bên này, bờ bên kia cùng với thuyền bè qua sông, nên đã giảng nói về mười tưởng. Nghĩa là giảng nói tưởng bất tịnh, tưởng chán ăn uống, tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích, là hiển bày về bờ bên này. Giảng nói các tưởng đoạn, lìa, diệt, là làm rõ về bờ bên kia. Giảng nói các tưởng vô thường, vô thường khổ, khổ vô ngã, chết, là làm rõ về thuyền bè qua sông.

Có thuyết cho: Đức Thế Tôn vì để hiển bày những lỗi lầm của các uẩn, các giới, cùng quả hoàn diệt kia, nên đã giảng nói về mười tưởng. Tức là giảng nói các tưởng vô thường, vô thường khổ, khổ vô ngã, là làm rõ về lỗi lầm của các uẩn. Giảng nói các tưởng bất tịnh, chán ăn uống, là làm rõ về lỗi lầm của cõi dục. Giảng nói tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích, là làm rõ về lỗi lầm của cõi sắc. Giảng nói tưởng chết là làm rõ về lỗi lầm của cõi vô sắc. Giảng nói các tưởng đoạn, lìa, diệt, là làm rõ về quả hoàn diệt kia.

Có thuyết nêu: Đức Thế Tôn vì nhằm hiển bày về nhập chánh tánh ly sinh, lìa nhiễm của ba cõi và quả của đạo kia, nên đã giảng nói về mười tưởng. Tức giảng nói các tưởng vô thường, vô thường khổ, khổ vô ngã, là hiển bày về sự việc nhập chánh tánh ly sinh. Giảng nói các tưởng bất tịnh, chán ăn uống, là làm rõ về việc lìa nhiễm nơi cõi dục, do nơi cõi dục có dục của dâm và có dục của đoạn thực, đối với nhiễm kia do luôn hành tập, nên không thể lìa bỏ nhiễm của cõi dục.

Giảng nói tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích, là làm rõ về việc lìa nhiễm của cõi sắc, do nơi cõi sắc có các thứ hỷ thọ lạc thọ là thứ hỷ lạc tối thắng trong sinh tử, cùng lạc của khinh an là lạc hơn hết của tĩnh lự thứ tư, đối với chúng đã đắm vướng nên không thể lìa bỏ nhiễm của cõi sắc. Giảng nói tưởng chết, là làm rõ về việc lìa nhiễm của cõi vô sắc, do nơi cõi vô sắc thọ lượng là rất lâu dài, đối với điều ấy luôn chấp giữ nên không thể lìa bỏ nhiễm của cõi vô sắc. Giảng nói các tưởng đoạn, lìa, diệt, là làm rõ về quả của đạo kia.

Có thuyết nói: Đức Thế Tôn vì nhằm làm rõ về pháp đối trị gần đối với chướng ngại nơi đối tượng được đối trị, nên đã giảng nói về mười tưởng. Tức giảng nói tưởng vô thường là làm rõ về pháp đối trị gần chướng ngã mạn ở trong các hành. Giảng nói tưởng vô thường khổ là làm rõ về pháp đối trị gần chướng biếng trễ. Giảng nói tưởng khổ vô ngã, là làm rõ về pháp đối trị gần chướng ngã kiến. Giảng nói tưởng bất tịnh, là làm rõ về pháp đối trị gần chướng sắc tham. Giảng nói tưởng chán ăn uống, là làm rõ về pháp đối trị gần chướng tham đắm mỹ vị. Giảng nói tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích, là làm rõ về pháp đối trị gần chướng tham chấp các sự việc khả ái của thế gian. Giảng nói tưởng chết, là làm rõ về pháp đối trị gần chướng dựa cậy nơi thọ mạng để kiêu căng phóng dật. Giảng nói tưởng đoạn là làm rõ về pháp đối trị gần chướng của các thứ phi pháp. Giảng nói tưởng lìa là làm rõ về pháp đối trị gần chướng nhiễm chấp. Giảng nói tưởng diệt là làm rõ về pháp đối trị gần chướng của đối tượng nương dựa.

Có thuyết cho: Đức Thế Tôn vì nhằm đối trị các thứ kiến chấp của ngoại đạo, nên đã giảng nói về mười tưởng. Nghĩa là các ngoại đạo, ở trong uẩn vô thường phần nhiều khởi chấp là thường, để đối trị chấp ấy nên giảng nói tưởng vô thường. Ngoại đạo kia do đối với các uẩn đã khởi chấp thường, nên liền chấp là lạc, để đối trị chấp ấy nên giảng nói tưởng vô thường khổ. Ngoại đạo kia do ở nơi uẩn đã chấp có lạc nên liền chấp có ngã, để đối trị chấp ấy nên giảng nói tưởng khổ vô ngã. Ngoại đạo kia do chấp có ngã nên liền chấp là có tịnh, để đối trị chấp ấy nên giảng nói tưởng bất tịnh cùng tưởng chán ăn uống. Ngoại đạo kia do chấp có tịnh nên liền ưa thích chấp trước nơi sinh tử, để đối trị chấp ấy nên giảng nói tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích. Ngoại đạo kia do chấp trước nơi sinh tử, nên liền không cầu đạt Niết bàn, để đối trị thứ ấy nên giảng nói các tưởng đoạn, lìa, diệt. Ngoại đạo kia do không cầu đạt Niết bàn, nên yêu giữ thọ mạng, để đối trị thứ ấy nên giảng nói tưởng chết.

Có thuyết nêu: Đức Thế Tôn vì nhằm hiển bày sự việc chán bỏ lỗi lầm, xa lìa lỗi lầm cùng chứng đắc các công đức đã được do xa lìa lỗi lầm kia, nên đã giảng nói về mười tưởng. Giảng nói tưởng bất tịnh, chán ăn uống, tất cả thế gian không đáng vui thích, là làm rõ về việc chán bỏ lỗi lầm. Giảng nói các tưởng vô thường, vô thường khổ, khổ vô ngã, chết, là làm rõ về sự việc xa lìa lỗi lầm. Giảng nói các tưởng đoạn, lìa, diệt, là làm rõ về sự việc chứng đắc các công đức đã được do xa lìa lỗi lầm kia.

Có thuyết nói: Đức Thế Tôn vì nhằm hiển bày sự việc đoạn trừ tạm thời và đoạn trừ rốt ráo nên đã giảng nói về mười tưởng. Nghĩa là giảng nói tưởng bất tịnh, tưởng chán ăn uống, tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích, là làm rõ về việc đoạn trừ tạm thời. Giảng nói bảy tưởng còn lại là làm rõ về việc đoạn trừ rốt ráo.

Như đoạn trừ tạm thời, đoạn trừ rốt ráo, thì các thứ đoạn trừ có ảnh, đoạn trừ không ảnh, đoạn trừ hữu dư, đoạn trừ vô dư, đoạn trừ có buộc, đoạn trừ không buộc, đoạn trừ xô ngã cành lá, đoạn trừ nhổ bật gốc rễ, đoạn trừ chế ngự triền cấu, đoạn trừ loại bỏ tùy miên cũng như vậy.

Có thuyết nêu: Đức Thế Tôn vì nhằm hiển bày về gia hạnh, về đạo của sự việc lìa nhiễm nơi ba cõi cùng chính sự việc lìa nhiễm ấy nên đã giảng nói về mười tưởng. Nghĩa là giảng nói tưởng bất tịnh là làm rõ về gia hạnh của việc lìa nhiễm nơi cõi dục. Giảng nói tưởng vô thường là làm rõ về đạo của việc lìa nhiễm nơi cõi dục. Giảng nói tưởng đoạn là làm rõ về việc lìa nhiễm nơi cõi dục. Giảng nói tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích, là làm rõ về gia hạnh của việc lìa nhiễm nơi cõi sắc. Giảng nói tưởng vô thường khổ là làm rõ về đạo của việc lìa nhiễm nơi cõi sắc. Giảng nói tưởng lìa là làm rõ về việc lìa nhiễm nơi cõi sắc. Giảng nói tưởng chết là làm rõ về gia hạnh của việc lìa nhiễm nơi cõi vô sắc. Giảng nói tưởng khổ vô ngã là làm rõ về đạo của việc lìa nhiễm nơi cõi vô sắc. Giảng nói tưởng diệt là làm rõ về việc lìa nhiễm nơi cõi vô sắc.

Mười tưởng như vậy: Về cõi nên phân biệt: Tưởng bất tịnh, tưởng chán ăn uống, tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích là thuộc về cõi dục, cõi sắc. Bảy tưởng còn lại là thuộc về ba cõi và không phải cõi.

Về địa: Tưởng bất tịnh, tưởng chán ăn uống là ở nơi mười địa, nghĩa là cõi dục, tĩnh lự trung gian, bốn tĩnh lự và bốn cận phần. Tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích là ở nơi bảy địa, nghĩa là cõi dục, định vị chí, tĩnh lự trung gian và bốn tĩnh lự căn bản. Bảy tưởng còn lại, nếu là hữu lậu thì ở nơi mười một địa, nghĩa là cõi dục, định vị chí, tĩnh lự trung gian, bốn tĩnh lự căn bản và bốn vô sắc. Nếu là vô lậu thì ở nơi chín địa, nghĩa là định vị chí, tĩnh lự trung gian, bốn tĩnh lự căn bản và ba vô sắc dưới.

Về đối tượng nương dựa: Tưởng bất tịnh, tưởng chán ăn uống, tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích là dựa nơi cõi dục. Bảy tưởng còn lại là dựa nơi ba cõi.

Về hành tướng: Tưởng vô thường tạo hành tướng vô thường. Tưởng vô thường khổ tạo hành tướng khổ. Tưởng khổ vô ngã tạo hành tướng vô ngã. Tưởng bất tịnh tạo hành tướng bất tịnh. Tưởng chán ăn uống tạo hành tướng chán bỏ. Tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích tạo hành tướng không đáng vui thích. Tưởng chết tạo hành tướng chết. Tưởng đoạn tạo hành tướng đoạn. Tưởng lìa tạo hành tướng lìa. Tưởng diệt tạo hành tướng diệt.

Có thuyết nói: Ba tưởng sau, tất cả đều tạo bốn thứ hành tướng diệt, tĩnh, diệu, lìa.

Hỏi: Tưởng chết cũng chung cho cả vô lậu, vì sao Thánh đạo tạo hành tướng chết?

Đáp: Chết là đối tượng duyên nên gọi là tưởng chết, nhưng nó trở lại tạo ra hành tướng vô thường.

Hỏi: Nếu như vậy thì tưởng chết và tưởng vô thường có gì khác nhau?

Đáp: Có thuyết nói: Quán xét các hành sau cùng là vô thường thì tưởng ấy gọi là tưởng chết. Quán xét các hành của sát-na là vô thường thì tưởng ấy gọi là tưởng vô thường.

Có thuyết cho: Quán xét các hành có chấp thọ là vô thường, thì tưởng ấy gọi là tưởng chết. Quán xét các hành có chấp thọ, không chấp thọ là vô thường, thì tưởng ấy gọi là tưởng vô thường.

Có thuyết nêu: Ở nơi xứ hữu tình chuyển thì gọi là tưởng chết. Ở nơi xứ pháp chuyển thì gọi là tưởng vô thường.

Hỏi: Nếu tưởng chán ăn uống tạo hành tướng chán bỏ, thì tưởng bất tịnh kia cũng tạo hành tướng chán bỏ, hai thứ ấy có gì khác nhau?

Đáp: Tưởng bất tịnh chán bỏ đối với sắc. Tưởng chán ăn uống thì chán bỏ đối với vị.

Có thuyết cho: Tưởng bất tịnh là đối trị về tham dâm. Tưởng chán ăn uống là đối trị về tham ăn uống. Có các người muốn khiến ngoài mười sáu hành tướng là không có Thánh đạo. Họ nói: Tưởng đoạn, lìa, diệt vô lậu tức tạo ra bốn thứ hành tướng của diệt đế. Có các người muốn khiến ngoài mười sáu hành tướng còn có Thánh đạo. Họ nói: Tưởng đoạn vô lậu tức tạo ra hành tướng đoạn. Cho đến tưởng diệt vô lậu tức tạo ra hành tướng diệt.

Về đối tượng duyên: Tưởng vô thường: Nếu hữu lậu thì đối tượng duyên là ba đế. Nếu vô lậu thì đối tượng duyên là khổ đế. Tưởng vô thường khổ: Nếu hữu lậu thì đối tượng duyên là hai đế. Nếu vô lậu thì đối tượng duyên là khổ đế. Tưởng khổ vô ngã: Nếu hữu lậu thì đối tượng duyên là tất cả pháp. Nếu vô lậu thì đối tượng duyên là khổ đế. Nhưng trong đây, Đức Phật đã nói về ba tưởng, chỉ nói là duyên nơi khổ đế, không phải là thứ khác.

Tưởng bất tịnh thì nhãn thức làm gia hạnh đã dẫn phát, sắc xứ là đối tượng duyên. Tưởng chán ăn uống là chán về đoạn thực, hương vị xúc xứ là đối tượng duyên.

Có thuyết nêu: Tưởng này cũng do nhãn thức làm gia hạnh dẫn phát, chỉ dùng sắc xứ làm đối tượng duyên.

Tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích: Có thuyết nói: Chỉ duyên nơi cõi dục, vì nói tưởng này là để đối trị duyên nơi tham dục về sự khả ái ở thế gian. Tham dục này chỉ ở nơi cõi dục. Trong đây có thuyết nói: Chỉ duyên nơi sự khả ái ở thế gian.

Có thuyết cho: Cũng duyên nơi tham dục đã khởi sự khả ái.

Hỏi: Nếu chỉ duyên nơi cõi dục thì vì sao gọi là tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích?

Đáp: Tất cả có hai thứ: 1. Tất cả của tất cả. 2. Tất cả của phần ít. Ở đây nói là tất cả của phần ít, thế nên không có lỗi.

Có thuyết nêu: Tưởng này duyên chung nơi ba cõi nên gọi là tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích.

Hỏi: Nếu như vậy vì sao nói tưởng này là đối trị tham dục về sự khả ái nơi thế gian, tham dục ấy chỉ ở nơi cõi dục?

Đáp: Kinh kia hiển bày chỉ rõ về phần đầu tiên khởi hướng nhập nơi gia hạnh, nên nói như thế. Nếu đã luôn hành tập thành mãn, thì cũng có thể đoạn trừ tham dục nơi cõi sắc và cõi vô sắc, nên không có lỗi.

Tưởng chết, có thuyết nói: Dùng sát-na sau cùng nơi mạng căn làm đối tượng duyên.

Có thuyết cho: Dùng sát-na sau cùng nơi mạng căn vô thường làm đối tượng duyên.

Có thuyết nêu: Dùng sát-na sau cùng nơi mạng căn là năm uẩn câu sinh làm đối tượng duyên.

Có thuyết nói: Dùng sát-na sau cùng nơi mạng căn là năm uẩn câu sinh vô thường làm đối tượng duyên.

Có thuyết cho: Dùng tất cả chúng đồng phần nơi mạng căn làm đối tượng duyên.

Có thuyết nêu: Dùng tất cả chúng đồng phần nơi mạng căn vô thường làm đối tượng duyên.

Có thuyết nói: Dùng tất cả chúng đồng phần nơi mạng căn là năm uẩn câu sinh làm đối tượng duyên.

Có thuyết cho: Dùng tất cả chúng đồng phần nơi mạng căn là năm uẩn câu sinh vô thường làm đối tượng duyên.

Nên nói như vầy: Tức dùng mạng căn sau cùng là năm uẩn câu sinh vô thường làm đối tượng duyên.

Tưởng đoạn dùng đoạn làm đối tượng duyên. Tưởng lìa dùng lìa làm đối tượng duyên. Tưởng diệt dùng diệt làm đối tượng duyên. Ba tưởng sau này, tùy theo chỗ riêng biệt như vậy, tức là nghĩa đều dùng diệt đế, Niết-bàn làm đối tượng duyên.

Về niệm trụ: Tưởng vô thường, tưởng vô thường khổ, tưởng khổ vô ngã là cùng với bốn niệm trụ. Tưởng bất tịnh, tưởng chán ăn uống là cùng với thân niệm trụ. Tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích: Có thuyết nói: Cùng hợp với thân niệm trụ. Có thuyết cho: Cùng hợp với pháp niệm trụ. Bốn tưởng chết, đoạn, lìa, diệt là cùng hợp với pháp niệm trụ.

Về trí: Tưởng vô thường, tưởng vô thường khổ, tưởng khổ vô ngã, tưởng chết thì tương ưng với bốn trí, tức là pháp trí, loại trí, khổ trí, thế tục trí. Ba tưởng bất tịnh, chán ăn uống, tất cả thế gian không đáng vui thích thì tương ưng với một trí là thế tục trí. Ba tưởng đoạn, lìa, diệt thì tương ưng với bốn trí, tức là pháp trí, loại trí, diệt trí, thế tục trí.

Về Tam-ma-địa: Tưởng vô thường, tưởng vô thường khổ, tưởng chết, nếu là vô lậu thì tương ưng với Tam-ma-địa vô nguyện. Tưởng khổ vô ngã nếu là vô lậu thì tương ưng với Tam-ma-địa không. Ba tưởng đoạn, lìa, diệt, nếu là vô lậu thì tương ưng với Tam-ma-địa vô tướng. Ba tưởng bất tịnh, chán ăn uống, tất cả thế gian không đáng vui thích và bảy tưởng còn lại trong phần hữu lậu đều không cùng tương ưng với Tam-ma-địa.

Về căn: Nói chung đều cùng với ba căn tương ưng là lạc, hỷ, xả căn.

Về đời: Đều thuộc về ba đời.

Về duyên nơi đời: Tưởng vô thường, tưởng vô thường khổ, tưởng khổ vô ngã là duyên nơi ba đời. Ba tưởng bất tịnh, chán ăn uống, tất cả thế gian không đáng vui thích thì quá khứ duyên nơi quá khứ, hiện tại duyên nơi hiện tại, vị lai nếu sinh thì duyên nơi vị lai, nếu không sinh thì duyên nơi ba đời. Tưởng chết: Có thuyết nói: Duyên nơi ba đời. Có thuyết cho: Duyên nơi vị lai. Ba tưởng đoạn, lìa, diệt thì chẳng duyên nơi đời.

Về thiện v.v…: Tất cả đều là thiện.

Duyên nơi thiện v.v…: Bốn tưởng vô thường, vô thường khổ, khổ vô ngã, bất tịnh thì duyên nơi thiện, bất thiện, vô ký. Tưởng chán ăn uống thì duyên nơi vô ký. Tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích: Có thuyết nói: Duyên nơi cả ba thứ. Có thuyết cho: Duyên nơi bất thiện, vô ký. Tưởng chết: Có thuyết nói: Duyên nơi vô ký. Có thuyết cho: Duyên nơi cả ba thứ. Ba tưởng đoạn, lìa, diệt chỉ duyên nơi thiện.

Về hệ thuộc ba cõi và không hệ thuộc: Tưởng bất tịnh, tưởng chán ăn uống, tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích là hệ thuộc cõi dục, cõi sắc. Số còn lại là hệ thuộc ba cõi và không hệ thuộc.

Duyên nơi hệ thuộc ba cõi và không hệ thuộc: Các tưởng vô thường, vô thường khổ, khổ vô ngã, chết thì duyên nơi hệ thuộc ba cõi. Tưởng bất tịnh, tưởng chán ăn uống thì duyên nơi hệ thuộc cõi dục. Tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích: Có thuyết nói: Duyên nơi cõi dục, vì nói tưởng này là để đối trị duyên nơi tham dục về sự khả ái, tham dục này chỉ ở nơi cõi dục. Có thuyết cho: Duyên nơi ba cõi, do đây gọi là tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích. Nên nói như vầy: Thuyết đầu là đúng. Ba tưởng đoạn, lìa, diệt thì duyên nơi không hệ thuộc.

Về học v.v…: Các tưởng bất tịnh, chán ăn uống, tất cả thế gian không đáng vui thích chỉ là phi học phi vô học. Số còn lại thì chung cho ba thứ là học, vô học, phi học phi vô học.

Về duyên nơi học v.v…: Tất cả đều duyên nơi phi học phi vô học.

Về do kiến đạo đoạn v.v…: Các tưởng bất tịnh, chán ăn uống, tất cả thế gian không đáng vui thích chỉ do tu đạo đoạn. Số còn lại thì chung do tu đạo đoạn và không đoạn.

Về duyên nơi do kiến đoạn v.v…: Các tưởng vô thường, vô thường khổ, khổ vô ngã duyên nơi do kiến đạo tu đạo đoạn. Các tưởng bất tịnh, chán ăn uống, tất cả thế gian không đáng vui thích thì duyên nơi do tu đạo đoạn. Tưởng chết: Có thuyết nói: Duyên nơi do tu đạo đoạn. Có thuyết cho: Duyên nơi do kiến đạo tu đạo đoạn. Ba tưởng đoạn, lìa, diệt thì duyên nơi không đoạn.

Về duyên nơi danh nghĩa: Các tưởng vô thường, vô thường khổ, khổ vô ngã duyên chung nơi danh nghĩa. Tưởng chết, có thuyết nói: Chỉ duyên nơi nghĩa. Có thuyết cho: Duyên cả nơi danh, nghĩa. Sáu tưởng còn lại chỉ duyên nơi nghĩa.

Về duyên nơi phần tự tương tục v.v…: Bảy tưởng trước duyên nơi tự tha tương tục. Ba tưởng sau thì duyên nơi phi tương tục.

Về gia hạnh đắc, lìa nhiễm đắc, sinh đắc: Tất cả đều là gia hạnh đắc, lìa nhiễm đắc, chẳng phải là sinh đắc.

Về hữu lậu, vô lậu: Các tưởng bất tịnh, chán ăn uống, tất cả thế gian không đáng vui thích chỉ là hữu lậu. Số còn lại là chung cả hữu lậu, vô lậu.

Các Sư nước ngoài nói: Tưởng chết chỉ là hữu lậu. Vì sao? Vì không phải các Thánh đạo tạo hành tướng ta sẽ chết để chuyển.

Lời bình: Nên nói như vầy: Tưởng này là chung nơi hữu lậu, vô lậu, do tưởng ấy khi gia hạnh tuy tạo ra hành tướng chúng ta sẽ chết, nhưng nếu thành mãn tức ở nơi ấy trở lại tạo ra hành tướng vô thường chuyển.

Về duyên nơi hữu lậu, vô lậu: Bảy tưởng trước duyên nơi hữu lậu. Ba tưởng sau duyên nơi vô lậu.

Hỏi: Mười tưởng này, có bao nhiêu thứ là hữu lậu duyên nơi vô lậu? Bao nhiêu thứ là vô lậu duyên nơi hữu lậu? Bao nhiêu thứ là hữu lậu duyên nơi hữu lậu? Bao nhiêu thứ là vô lậu duyên nơi vô lậu?

Đáp: Phần ít của ba thứ là hữu lậu duyên nơi vô lậu. Phần ít của bốn thứ là vô lậu duyên nơi hữu lậu. Phần ít của bốn thứ và ba thứ hoàn toàn là hữu lậu duyên nơi hữu lậu. Phần ít của ba thứ là vô lậu duyên nơi vô lậu.

Hỏi: Mười tưởng này, có bao nhiêu thứ không phải là hữu lậu? Không phải là không duyên nơi hữu lậu?

Đáp: Cho đến rộng nêu ra bốn trường hợp. Trường hợp thứ hai ở trước thành trường hợp thứ nhất ở đây. Trường hợp thứ nhất ở trước thành trường hợp thứ hai ở đây. Trường hợp thứ tư ở trước thành trường hợp thứ ba ở đây. Trường hợp thứ ba ở trước thành trường hợp thứ tư ở đây.

Về hữu vi, vô vi: Tất cả đều là hữu vi.

Về duyên nơi hữu vi, vô vi: Bảy tưởng trước duyên nơi hữu vi. Ba tưởng sau duyên nơi vô vi.

Hỏi: Mười tưởng này, có bao nhiêu thứ là tự tánh đoạn chẳng phải là đối tượng duyên đoạn? Bao nhiêu thứ là đối tượng duyên đoạn không phải là tự tánh đoạn? Bao nhiêu thứ là tự tánh đoạn cũng là đối tượng duyên đoạn? Bao nhiêu thứ không phải là tự tánh đoạn cũng không phải là đối tượng duyên đoạn?

Đáp: Phần ít của ba thứ là tự tánh đoạn không phải là đối tượng duyên đoạn. Phần ít của bốn thứ là đối tượng duyên đoạn không phải là tự tánh đoạn. Phần ít của bốn thứ và ba thứ hoàn toàn là tự tánh đoạn cũng là đối tượng duyên đoạn. Phần ít của ba thứ không phải là tự tánh đoạn cũng không phải là đối tượng duyên đoạn.

Hỏi: Mười tưởng này, có bao nhiêu thứ không phải là tự tánh đoạn? Không phải là không đối tượng duyên đoạn?

Đáp: Cho đến rộng nêu ra bốn trường hợp: Trường hợp thứ hai ở trước thành trường hợp thứ nhất ở đây. Trường hợp thứ nhất ở trước thành trường hợp thứ hai ở đây. Trường hợp thứ tư ở trước thành trường hợp thứ ba ở đây. Trường hợp thứ ba ở trước thành trường hợp thứ tư ở đây.

Hỏi: Mười tưởng này, có bao nhiêu thứ là chuyển, bao nhiêu thứ là tùy chuyển?

Đáp: Ba thứ là chuyển, nghĩa là các tưởng bất tịnh, chán ăn uống, chết. Bảy tưởng còn lại là tùy chuyển.

Hỏi: Nếu như vậy thì tưởng nào khi chuyển có bao nhiêu tưởng tùy chuyển?

Đáp: Các tưởng bất tịnh, chán ăn uống, khi chuyển thì đều có bốn tưởng tùy chuyển, nghĩa là tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích và ba tưởng đoạn, lìa, diệt. Tưởng chết khi chuyển thì có bảy tưởng tùy chuyển, tức là các tưởng vô thường, vô thường khổ, khổ vô ngã, tất cả thế gian không đáng vui thích và đoạn, lìa, diệt.

Hỏi: Thế nào là khi tưởng bất tịnh chuyển thì có bốn tưởng tùy chuyển?

Đáp: Nghĩa là người tu hành khởi tưởng bất tịnh, trước là đi đến vùng gò mả để quán tướng bất tịnh. Đó là những tử thi có màu xanh bầm sình trương rã nát. Hoặc bị sâu trùng rúc rỉa, chim thú cắn xé ăn nuốt máu thịt xương cốt vung vãi chia lìa. Hoặc máu thịt hết nhẵn chỉ còn gân dính liền. Chỉ quán về hài cốt nối kết nhau. Nhận lấy tướng ấy rồi, thì đến một nơi gấn đấy nhắm mắt tư duy. Nếu hình tướng kia đều hiện tiền phân minh là tốt. Nếu không sáng rõ thì nên trở lại nơi đó để quán tiếp.

Như vậy là đã khéo quán tướng bất tịnh rồi, mau chóng trở về trụ xứ rửa chân, trải tòa ngồi kiết già, điều hợp thân tâm, khiến thân tâm mềm dịu, khiến thân tâm có thể gắng nhận, thân tâm không nóng bức, thân tâm lìa các thứ che lấp.

Đã khiến thân tâm lìa các thứ che lấp rồi, thì đem các tướng bên ngoài trước đã nhận lấy so với thân mình. Như kia thì đây cũng vậy.

Như đây thì kia cũng thế. Nghĩa là thân này của ta cũng có đủ các tướng bất tịnh như trước đã quán.

Nhân nơi xương bàn chân để chống đỡ xương gót chân. Nhân nơi xương gót chân để chống đỡ xương ống chân. Nhân nơi xương ống chân để chống đỡ xương đầu gối. Nhân nơi xương đầu gối để chống đỡ xương bắp vế. Nhân nơi xương bắp vế để chống đỡ xương khoan. Nhân nơi xương khoan để chống đỡ xương lưng. Nhân nơi xương lưng để chống đỡ xương sống. Nhân nơi xương sống để nối kết xương sườn hai bên.

Lại nhân nơi xương tay để chống đỡ xương khuỷu tay. Nhân nơi xương khuỷu tay để chống đỡ xương cánh tay. Nhân nơi xương cánh tay để chống đỡ xương bả vai. Nhân nơi xương bả vai để chống đỡ xương sống. Lại nhân nơi xương sống để chống đỡ xương cổ sau. Nhân nơi xương cổ sau để chống đỡ quai hàm. Nhân nơi quai hàm để chống đỡ răng tóc, trên có đầu lâu. Ở trong thân này xương gân nối kết thứ lớp.

Khéo nhận lấy hình tướng ấy rồi thì buộc giữ niệm nơi giữa chân mày. Nhưng theo sở thích thì có rộng có lược. Nếu ưa thích lược, tức từ khoảng giữa chân mày nhập nơi thân niệm trụ, từ thân niệm trụ nhập thọ niệm trụ, từ thọ niệm trụ nhập tâm niệm trụ, từ tâm niệm trụ nhập pháp niệm trụ. Nếu ưa thích rộng, thì từ khoảng giữa chân mày khởi, lại quán đầu lâu, răng tóc, quai hàm, thứ lớp quán sát cho đến xương chân.

Tiếp theo do sức của tác ý thắng giải, khiến đối tượng quán là vòng xương cốt kia dần tăng dần rộng. Hiện có đầy khắp cả một giường, một phòng, một viện, một Tăng-già-lam, một thôn, một vùng đồng ruộng, một thành, một nước, cho đến biển cả và biên vực hiện có nơi đại địa, đều là xương trắng đầy khắp vây quanh.

Lại do sức của tác ý thắng giải, nên từ xứ kia lược bỏ dần phần xương nơi đại địa, quán nơi một nước. Bỏ một nước quán nơi một thành. Cho đến bỏ một phòng quán nơi một giường. Lại bỏ một giường gồm tướng xương hiện có để chỉ quán xương thân. Tức là quán xương chân, tiếp theo quán xương gót chân, xương ống chân, cho đến sau cùng là quán xương đầu lâu. Rồi bỏ xương đầu lâu, buộc giữ niệm giữa chân mày.

Sư Du-già kia đối với sự việc quán rộng lược như thế được tự tại, đó gọi là quán bất tịnh thành tựu. Nhưng quán bất tịnh này có đối tượng duyên ít, không phải là tự tại ít. Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có khi đối tượng duyên ít không phải là tự tại ít. Nghĩa là chỉ tư duy về tướng của vòng xương liên kết nơi tự thân, nhưng có thể thường xuyên nhập xuất quán kia.

2. Có khi tự tại ít không phải là đối tượng duyên ít. Nghĩa là có thể tư duy về tướng của vòng xương liên kết nơi đại địa, nhưng không thể thường xuyên nhập xuất quán kia.

3. Có khi đối tượng duyên ít cũng là tự tại ít. Nghĩa là chỉ tư duy về tướng của vòng xương liên kết nơi tự thân, cũng không thể thường xuyên nhập xuất quán kia.

4. Có khi không phải là đối tượng duyên ít cũng không phải là tự tại ít. Nghĩa là có thể tư duy về tướng của vòng xương liên kết nơi đại địa, cũng có thể thường xuyên nhập xuất quán kia.

Lại quán bất tịnh này có đối tượng duyên vô lượng, không phải là tự tại vô lượng, tức nên nêu ra bốn trường hợp: Nghĩa là dùng: Trường hợp thứ hai ở trước làm trường hợp thứ nhất ở đây. Trường hợp thứ nhất ở trước làm trường hợp thứ hai ở đây. Trường hợp thứ tư ở trước làm trường hợp thứ ba ở đây. Trường hợp thứ ba ở trước làm trường hợp thứ tư ở đây.

Sư Du-già kia quán xét tướng bất tịnh như vậy rồi, liền khởi suy nghĩ như vầy: Các hành sinh tử có gì đáng vui thích? Bấy giờ, liền đối với các hành của ba cõi dục, Sắc, Vô sắc đều không còn tham ưa. Do như thế nên hành giả kia đối với việc ở trước đã tu tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích liền được viên mãn. Hành giả kia do không còn ưa thích sinh tử, nên liền vui thích Niết-bàn. Do nhân duyên ấy nên sự việc trước đã tu tập các các tưởng đoạn, lìa, diệt đều được viên mãn. Như vậy khi tưởng bất tịnh chuyển thì có bốn tưởng tùy chuyển.

Hỏi: Thế nào là khi tưởng chán ăn uống chuyển thì có bốn tưởng tùy chuyển?

Đáp: Nghĩa là người tu hành, khi khởi tưởng chán ăn uống, thì quán phần cơm trong bát hay trong tay, từ đâu mà thành? Nhận biết là từ nơi lúa thóc. Lại quán lúa thóc v.v… từ đâu mà đến? Nhận biết là từ hạt giống trong ruộng có sai biệt. Lại quán hạt giống do gì nên sinh? Nhận biết là do vô số bùn đất phân uế tạp.

Quán như vậy rồi, liền khởi suy niệm: Cơm ăn này lần lượt từ bất tịnh sinh ra. Lại có thể lần lượt sinh ra các thứ bất tịnh. Những người có trí ở trong ấy đâu lại tham chấp?

Lại, hành giả kia hoặc thường hành khất thực, hoặc thọ thực trong chúng Tăng.

Thường hành khất thực: Tức từ sáng sớm khi súc miệng đánh răng, đối với nước khởi tưởng là nước tiểu, đối với vật dùng đánh răng (dương chi) khởi tưởng là xương ngón tay. Khi đắp y mang bát vào xóm làng khất thực, đối với y thì khởi tưởng là tấm da người ẩm ướt. Dây thao thắt lưng thì khởi tưởng là ruột người. Đối với bát thì khởi tưởng là đầu lâu. Đối với tích trượng khởi tưởng là xương ống chân.

Trên đường đi, các thứ đá sỏi đã thấy khởi tưởng là hài cốt. Đã tới làng xóm, thấy bờ tường, vách thành khởi tưởng là hầm mộ. Thấy người nam, người nữ khởi tưởng là vòng xương liên kết. Khi khất thực, nếu được bánh thì khởi tưởng là dạ dày của người. Nếu được bún gạo thì khởi tưởng là xương nát vụn. Nếu được muối thì khởi tưởng là răng người. Nếu được cơm thì khởi tưởng là dòi bọ. Nếu được các thứ rau, cải, thì khởi tưởng là tóc người. Nếu được canh thịt thì khởi tưởng là chất lỏng thấp kém. Nếu được sữa, lạc, thì khởi tưởng là não người. Nếu được tô trộn mật thì khởi tưởng là mỡ người. Nếu được thịt cá thì khởi tưởng là thịt người. Nếu được thức uống thì khởi tưởng là máu người. Nếu được viên hoan hỷ v.v… thì khởi tưởng là phân khô.

Về thọ thực trong chúng Tăng: Nếu được tịnh thảo thì khởi tưởng là tóc người chết. Nơi giường tòa ngồi thì khởi tưởng là đống xương. Đối với các thức ăn uống thì khởi tưởng là bất tịnh, đều như trước đã nói.

Hỏi: Hành giả vì sao đối với ăn uống lại khởi tưởng bất tịnh?

Đáp: Vì người ấy suy nghĩ như vầy: Ta từ vô thỉ sinh tử đến nay, do đối với bất tịnh đều khởi tưởng tịnh, nên luân hồi trong năm nẻo, chịu các thứ khổ não. Nay muốn ngược lại con đường đó hướng đến an lạc của Niết-bàn, thế nên ở đây quán là bất tịnh.

Lại nữa, hành giả kia khởi suy nghĩ: Chớ khiến ta đối với việc ăn uống sinh khởi tưởng tịnh, tăng thêm tâm tham, làm chướng ngại Thánh đạo. Thế nên đối với việc ăn uống khởi tưởng là bất tịnh. Do tưởng bất tịnh nên liền có thể chán lìa.

Sư Du-già kia, như thế là đối với ăn uống đã khởi tưởng chán lìa, nên tư duy: Các hành sinh tử có gì là đáng vui thích? Tức thì đối với các hành trong ba cõi sinh chán bỏ. Do như vậy nên hành giả kia trước đã tu về tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích, liền được viên mãn. Hành giả này do chán sinh tử, nên liền vui thích Niết-bàn. Do nhân duyên ấy nên trước đã tu các tưởng đoạn, lìa, diệt đều được viên mãn. Như vậy khi tưởng chán ăn uống chuyển thì có bốn tưởng tùy chuyển.

Hỏi: Thế nào là khi tưởng chết chuyển thì có bảy tưởng tùy chuyển?

Đáp: Nghĩa là người tu hành khi khởi tưởng chết, thì quán xét các pháp niệm niệm sinh diệt. Hành giả kia, vào mùa xuân, thấy các thứ cây cỏ sinh lá sinh hoa, tốt tươi đỏ thắm như màu sắc báu diệu. Sông ao, bến rạch nước dần đầy ắp, cá lội, chim hót, liền khởi suy niệm: Nay, ngoại vật đang sinh sôi. Vị kia đi vào xóm làng thấy các người nam nữ ca hát nhảy múa ăn uống vui vẻ, liền đến trước hỏi: Ở đây vì sao như thế? Đáp: Xứ này vừa sinh con trai con gái. Hành giả kia liền nghĩ: Hiện nay nội pháp đang sinh khởi.

Lại vào mùa hạ, thấy các thứ cây cỏ cành nhánh đan xen, hoa lá um tùm, sông ao tràn đầy, sóng nhô lớp lớp vỗ đập tung tóe nơi bờ, hành giả kia tức khởi suy niệm: Các ngoại pháp này hiện nay đã hưng thịnh. Vị ấy đi vào xóm làng, thấy những người nam nữ đánh trống thổi loa, ca múa vui cười, xe ngựa chen lấn, liền đến trước hỏi: Ở đây vì sao như thế? Đáp: Trong này hiện có các đám cưới vợ gả chồng. Vị kia liền nghĩ: Các nội pháp ấy hiện nay đã tăng thịnh.

Lại vào mùa thu, thấy các thứ cỏ cây như bị phơi khô dưới ánh nắng của mặt trời giữa thu, gió lạnh thổi nhiều, màu sắc xanh sẫm hầu như biến mất, lá cây đều vàng úa, sông ao nước chảy dần dần khô cạn, vị kia liền nghĩ: Các thứ ngoại vật này nay đã suy hao. Hành giả ấy đi vào xóm làng, thấy những người đàn ông đàn bà tóc bạc mặt nhăn, chống gậy mà đi, thân hình khom gay, ho hen thở dốc, tức khởi suy niệm: Các thứ nội pháp này nay đã lão suy.

Lại đến mùa đông, thấy các thứ cây cỏ bị sương gió thổi đập, lá đều rơi rụng, cành nhánh gãy trơ, khô chết, sông ao nước chảy hầu hết đều khô cạn, vị kia liền nghĩ: Các thứ ngoại pháp này nay đã tàn diệt. Hành giả ấy đi vào xóm làng, thấy những đàn ông đàn bà, tóc rũ chân giậm đấm ngực gào khóc, ngã lăn nơi đất, liền đến trước hỏi: Ở đây vì sao như thế? Đáp: Xứ này có cha mẹ vừa qua đời. Vị kia liền nghĩ: Các nội pháp này nay đã hoại diệt.

Hành giả kia đối với các thứ nội pháp ngoại pháp vô thường như thế, đã khéo nhận lấy tướng rồi, trở về trụ xứ, rửa chân trải tòa, an tọa theo lối kiết già, điều hợp thân tâm, khiến thân tâm mềm dịu, thân tâm có thể gắng nhận lấy, thân tâm không nóng bức, thân tâm lìa các thứ ngăn che. Đã khiến thân tâm lìa các thứ ngăn che rồi, thì bên trong trụ nơi tâm tu tập tưởng chết. Nghĩa là như các tướng vô thường đã thấy, quán xét nội thân, một kỳ hạn là khi các uẩn kiết sinh là sinh, cho đến khi già chết là diệt.

Lại ở nơi một kỳ hạn có từng ấy phần vị, các uẩn đều khác. Xả bỏ phần còn lại, tùy quán một phần vị, có các uẩn trước sinh sau diệt.

Lại ở nơi một phần vị có từng ấy năm, các uẩn đều khác. Xả bỏ phần còn lại, tùy quán một năm, có các uẩn trước sinh sau diệt.

Lại ở nơi một năm có từng ấy mùa, các uẩn đều khác. Xả bỏ phần còn lại, tùy quán một mùa, có các uẩn trước sinh sau diệt.

Lại ở nơi một mùa có từng ấy tháng, các uẩn đều khác. Xả bỏ phần còn lại, tùy quán một tháng, có các uẩn trước sinh sau diệt.

Lại ở nơi một tháng có từng ấy ngày đêm, các uẩn đều khác. Xả bỏ phần còn lại, tùy quán một ngày đêm, có uẩn trước sinh sau diệt.

Lại ở nơi một ngày đêm, có từng ấy Mâu-hô-lật-đa, các uẩn đều khác. Xả bỏ phần còn lại, tùy quán một Mâu-hô-lật-đa, có uẩn trước sinh sau diệt.

Lại ở nơi một Mâu-hô-lật-đa, có từng ấy Lạp-phược, các uẩn đều khác. Xả bỏ phần còn lại, tùy quán một Lạp-phược, có uẩn trước sinh sau diệt.

Lại ở nơi một Lạp-phược, có từng ấy Đát-sát-na, các uẩn đều khác.

Xả bỏ phần còn lại, tùy quán một Đát-sát-na, có uẩn trước sinh sau diệt.

Lại ở nơi một Đát-sát-na có từng ấy sát-na, các uẩn đều khác. Do sát-na là rất nhiều nên ở đây dần dần lược quán. Cho đến quán uẩn nơi hai sát-na sinh, hai sát-na diệt. Đó gọi là gia hạnh của quán sinh diệt viên mãn. Từ đấy vô gián có thể quán các uẩn nơi một sát-na sinh một sát-na diệt. Đây gọi là quán sinh diệt thành tựu.

Bấy giờ gọi là tu tưởng chết viên mãn. Do các phần vị diệt tức là chết. Hành giả tu quán kia, đã quán đúng về uẩn sinh diệt như thế rồi, liền khởi suy niệm: Đức Thế Tôn đã thuyết giảng các hành vô thường, thật đúng là khéo giảng nói, do sinh diệt tức là vô thường. Như thế là hành giả khi tưởng chết chuyển khiến các tưởng vô thường ở trước đã tu đều được viên mãn.

Hành giả lại quán các uẩn cùng nối tiếp, uẩn của sát-na trước do uẩn của sát-na sau đã bức bách nên sinh rồi tức diệt. Quán như thế xong liền khởi suy niệm: Đức Thế Tôn đã giảng nói về vô thường nên khổ, thật đúng là khéo giảng nói, do bức bách tức là khổ. Như thế là hành giả khi tưởng chết chuyển khiến tưởng vô thường khổ ở trước đã tu là được viên mãn.

Hành giả lại quán uẩn của sát-na trước vừa diệt, thì uẩn của sátna sau tức sinh. Giả sử uẩn trước niệm nói: Tôi nay không diệt. Uẩn sau niệm nói: Tôi nay không sinh, thì hành giả kia ở nơi chỗ mong muốn đều không tự tại. Uẩn trước do bị uẩn sau bức bách nên tất diệt. Uẩn sau do uẩn trước dẫn dắt nên tất sinh. Quán như thế rồi liền khởi suy niệm: Đức Thế Tôn đã giảng nói về tưởng khổ vô ngã, thật đúng là khéo giảng nói, do không tự tại tức là vô ngã. Như thế là hành giả khi tưởng chết chuyển khiến tưởng khổ vô ngã ở trước đã tu là được viên mãn.

Hành giả lại quán các hành sinh diệt là không tự tại, ở trong tụ hành không chẳng sinh tham thích. Do đấy liền đối với các hành của ba cõi không sinh ưa thích chấp trước. Như thế khi tưởng chết chuyển khiến tưởng tất cả thế gian không đáng vui thích ở trước đã tu tức được viên mãn.

Hành giả tu quán kia, đã ở nơi sinh tử không ưa thích chấp trước, nên liền vui thích Niết bàn. Như vậy khi tưởng chết chuyển thì khiến ba tưởng đoạn, lìa, diệt ở trước đã tu đều được viên mãn.

Do đấy nên nói khi tưởng chết chuyển thì có bảy tưởng tùy chuyển.

Hỏi: Khi tu các tưởng, có tác ý thắng giải, có tác ý chân thật, về đối tượng quán của tác ý thắng giải kia là không thật, vì sao không phải là điên đảo?

Đáp: Hành giả tu quán kia đã nhận biết không phải là chân thật, không sinh chấp thật nên không phải là điên đảo.

Hỏi: Nếu nhận biết là không thật vì sao còn tạo tác?

Đáp: Vì nhằm điều phục phiền não, thế nên cần tạo tác.

Hỏi: Ở đây nếu không thật, làm sao có thể điều phục phiền não?

Đáp: Do tạo tưởng kia, tức có thể chế phục. Như đối với người nữ khác, khi khởi tưởng là mẹ thì không sinh tham nhiễm. Đối với kẻ oán ghét, khi đã tạo tưởng thân thì không sinh giận dữ. Đối với người dưới mình, khi đã tạo tưởng tôn kính thì không sinh kiêu mạn. Ở đây cũng như vậy thế nên cần quán xét.

HẾT – QUYỂN 166