LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 167

Chương 7: ĐỊNH UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ GỒM THÂU, phần 2

* Tưởng vô thường v.v… gồm thâu bao nhiêu tĩnh lự v.v…?

Đáp: Tưởng vô thường gồm thâu bốn tĩnh lự, bốn vô sắc, bốn giải thoát, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì để ngăn chận Tông chỉ khác, làm rõ nghĩa của Tông chỉ mình. Như Luận giả Phân biệt cho: Tha tánh gồm thâu ngăn cản tự tánh gồm thâu. Nay nhằm ngăn chận ý tưởng ấy và làm rõ: Tự tánh gồm thâu ngăn cản tha tánh gồm thâu, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì sao trong đây không nói tưởng trở lại gồm thâu tưởng? Đáp: Do ý của người tạo luận muốn như vậy, cho đến nói rộng.

Có thuyết nói: Ở đây nên hỏi như vầy: Tưởng vô thường gồm thâu bao nhiêu tưởng? Đáp: Tưởng vô thường gồm thâu tưởng vô thường cho đến tưởng tất cả thế gian không thể an vui. Nên nói như vậy nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết cho: Trong đây là muốn thành lập nghĩa chưa thành lập. Tưởng trở lại gồm thâu tưởng, không đợi thành lập, thế nên không nói.

Hỏi: Nếu như vậy văn sau cũng không nên nói tĩnh lự thứ nhất v.v… trở lại gồm thâu tĩnh lự thứ nhất v.v…?

Đáp: Có thuyết nói: Tĩnh lự v.v… gồm thâu Thể của nhiều pháp, không phải đối với tự tánh của nhiều pháp, nghĩa gồm thâu không nói, tự thành. Tưởng chỉ là một pháp thế nên không phải là điều vấn nạn.

Có thuyết cho: Văn kia cũng không nên nói tĩnh lự v.v… gồm thâu tĩnh lự v.v…, nhưng đã nói là muốn hiện bày nhiều thứ văn, nhiều cách nói. Do nhiều thứ văn, nhiều cách nói, nên nghĩa thêm trang nghiêm, nghĩa tức dễ hiểu.

Có thuyết nêu: Nhằm hiện bày hai môn, hai tóm lược, hai bậc, hai bó đuốc, hai ánh sáng, hai sự sáng tỏ, hai loại văn ảnh. Như không nói tưởng gồm thâu tưởng, như vậy cũng nên không nói tĩnh lự gồm thâu tĩnh lự. Như về sau lại nói tĩnh lự gồm thâu tĩnh lự, như vậy cũng nên nói tưởng gồm thâu tưởng. Là muốn khiến cho hai nghĩa đây kia cùng thông, nên tạo ra hai văn hỗ tương bổ sung phát khởi.

Có thuyết nói: Trong đây là biện luận về nghĩa gồm thâu và nghĩa tương ưng. Do tưởng đối với tưởng chỉ có nghĩa gồm thâu, không có nghĩa tương ưng, thế nên không nói.

Lời bình: Điều này không hợp lý, vì đối với trí, đẳng trì, cũng không nên nói là không tương ưng.

Nên nói như vầy: Tự tánh của tưởng là không xen tạp, đối với sự gồm thâu dễ hiểu, cho nên không nói. Trí và đẳng trì, hoặc tự tánh có xen tạp, hoặc hành tướng có xen tạp, đối với sự gồm thâu khó hiểu, thế nên phải nói.

Tưởng vô thường gồm thâu bốn tĩnh lự: Đây tức là nói chung. Nhưng các tĩnh lự tánh đều là năm uẩn. Tưởng vô thường này chỉ gồm thâu tướng nơi uẩn, không gồm thâu uẩn khác. Ở trong tưởng uẩn chỉ gồm thâu tưởng vô thường, không gồm thâu tưởng khác. Đối với tưởng vô thường, quá khứ gồm thâu quá khứ, vị lai gồm thâu vị lai, hiện tại gồm thâu hiện tại, hữu lậu gồm thâu hữu lậu, vô lậu gồm thâu vô lậu, học gồm thâu học, vô học gồm thâu vô học, phi học phi vô học gồm thâu phi học phi vô học, pháp thoái gồm thâu pháp thoái, cho đến pháp bất động gồm thâu pháp bất động. Trong đó, ở tĩnh lự thứ nhất gồm thâu tĩnh lự thứ nhất, cho đến ở tĩnh lự thứ tư gồm thâu tĩnh lự thứ tư, thế nên nói chung là gồm thâu bốn tĩnh lự.

Như nói gồm thâu bốn tĩnh lự, gồm thâu bốn vô sắc, bốn giải thoát cũng như vậy. Có khác là bốn vô sắc, bốn giải thoát, bốn uẩn là tánh.

Các tưởng khác theo chỗ ứng hợp cũng căn cứ theo đây để nói.

Nhưng các tưởng đều lấy tưởng làm tự tánh, đều không gồm thâu trí Tam-ma-địa, giải thoát thứ tám.

Hỏi: Tưởng vô thường cũng hệ thuộc chung nơi cõi dục, vì sao trong đây không nói?

Đáp: Nên nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Tưởng vô thường ở nơi cõi dục là gia hạnh, không phải là căn bản. Trong đây chỉ nói về căn bản, thế nên không nói.

Có thuyết cho: Nay trong chương Định Uẩn này chỉ nói về pháp địa định, nên không nói cõi dục.

Có thuyết nêu: Trong đây dùng mười tưởng đối nơi các môn như tĩnh lự v.v… để hỏi. Cõi dục không phải là các môn như tĩnh lự v.v…, cho nên không nói.

Các tưởng khác không nói, nghĩa cũng đồng với đây.

Như tưởng vô thường, các tưởng vô thường khổ, khổ vô ngã, chết, đoạn, lìa, diệt cũng như vậy, đều ở nơi tám đẳng chí, chung cho cả hữu lậu, vô lậu.

Bảy tưởng này do đối tượng duyên và hành tướng khác nhau, nên không gồm thâu ba giải thoát đầu, tám thắng xứ, mười biến xứ cùng vô lượng.

Tưởng bất tịnh gồm thâu tĩnh lự thứ ba, tĩnh lự thứ tư, hai giải thoát đầu.

Hỏi: Trong bốn tĩnh lự đều có tưởng bất tịnh, vì sao chỉ nói gồm thâu tĩnh lự thứ ba, tĩnh lự thứ tư?

Đáp: Cũng nên nói gồm thâu tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự thứ hai, nhưng không nói nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Nếu nói gồm thâu hai giải thoát đầu, nên biết là đã nói gồm thâu hai tĩnh lự đầu, vì hai giải thoát đầu là ở nơi tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự thứ hai.

Có thuyết cho: Trong đây là nêu cái sau để hiển bày cái trước. Nêu địa lìa hỷ để hiển bày địa có hỷ.

Có thuyết nêu: Tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự thứ hai không có tưởng bất tịnh, cho nên không nói. Vì sao? Vì hai địa ấy đều có hỷ căn. Tất cả hỷ căn là hành chuyển vui thích. Còn tưởng bất tịnh là hành chuyển chán buồn. Nên trong một tâm không có hai hành chuyển.

Hỏi: Nếu như vậy thì hai giải thoát đầu do tưởng này gồm thâu, chúng ở địa nào?

Đáp: Ở hai cận phần, không phải là địa căn bản. Cũng cùng với hỷ thọ trái nhau.

Hỏi: Nếu như vậy văn sau này không nên nói tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự thứ hai gồm thâu hai giải thoát đầu và bốn thắng xứ trước?

Đáp: Văn kia nói tĩnh lự cũng gồm thâu quyến thuộc. Như nói thành ấp cũng gồm thâu thành ấp nơi biên giới.

Hỏi: Nếu như vậy thì không nên nói tưởng bất tịnh gồm thâu tĩnh lự thứ ba, do địa đó có lạc thọ cũng trái với tưởng bất tịnh?

Đáp: Là nói tĩnh lự thứ ba cũng gồm thâu quyến thuộc, không phải là địa căn bản, nên không có lỗi.

Hỏi: Nếu như vậy trong đây cũng nên nói tưởng bất tịnh gồm thâu tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự thứ hai, vì hai thứ này đều được nhận là ở nơi địa cận phần không khác nhau?

Đáp: Nên nói như vầy: Tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự thứ hai trong địa căn bản cũng có tưởng bất tịnh và hai giải thoát đầu. Nếu cho là không có tức nên không có khả năng lìa nhiễm của địa này, vì địa này có hỷ tăng thượng khiến tâm hoạt động hăng hái. Nếu không có tưởng bất tịnh, giải thoát thứ nhất, thứ hai chế ngự chúng thì các Sư Du-già há có thể lìa nhiễm của địa này. Lại, địa ấy cũng tức không có khổ tập nhẫn trí vì hành chuyển của chúng là chán bỏ, do đó cũng nên không có tưởng vô thường, tưởng vô thường khổ.

Hỏi: Thế nào là hỷ thọ tạo hành chuyển chán lìa?

Đáp: Có thể tự tại chán lìa nên cũng sinh hỷ. Tức lúc sinh hỷ, đối với sự việc kia cũng chán. Như khi thắng kẻ oán thì cũng chán cũng vui.

Có thuyết nói: Như vua cùng tướng sĩ xua tan kẻ oán địch rồi thì cùng thọ nhận sự vui mừng. Như vậy, Hành giả dùng tưởng bất tịnh đẩy lùi nhiễm nơi cõi dục rồi thì đối với tĩnh lự thứ nhất cùng thọ nhận sự vui mừng.

Có thuyết cho: Trong tĩnh lự thứ nhất, giải thoát thứ nhất, thứ hai và tưởng bất tịnh đối trị hai thức tỷ, thiệt thuộc cõi dục. Nơi tĩnh lự thứ hai, giải thoát thứ nhất, thứ hai và tưởng bất tịnh đối trị ba thức nhãn nhĩ thân ở tĩnh lự thứ nhất. Cho nên trong tĩnh lự thứ nhất, thứ hai nhất định có giải thoát thứ nhất, thứ hai và tưởng bất tịnh. Nhưng ở đây đã lược không nói tưởng bất tịnh gồm thâu tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự thứ hai.

Có thuyết nêu: Tưởng bất tịnh thật sự ở nơi bốn tĩnh lự, nhưng ở đây chỉ nói gồm thâu tĩnh lự thứ ba, tĩnh lự thứ tư, do tĩnh lự thứ ba trong sinh tử có thọ lạc thù thắng, tĩnh lự thứ tư trong sinh tử có lạc của khinh an thù thắng, khó chán, khó bỏ, nên ở trong ấy nói tưởng bất tịnh. Trong tĩnh lự thứ nhất, thứ thứ hai không có lạc như thế nên không nói gồm thâu.

Hỏi: Vì sao chỉ nói tưởng bất tịnh gồm thâu giải thoát thứ nhất, thứ hai, không nói gồm thâu bốn thắng xứ trước?

Đáp: Tưởng bất tịnh là quán chung, khi mới tu cùng với giải thoát thứ nhất, thứ hai tương tợ nên gồm thâu. Còn thắng xứ là sau đó khởi quán riêng, nên không gồm thâu.

Như tưởng bất tịnh, tưởng chán thực cũng như vậy.

Hỏi: Tưởng chán thực không phải là tự tánh giải thoát, vì sao cũng gồm thâu giải thoát thứ nhất, thứ hai?

Đáp: Văn ở đây chỉ nên nói: Tưởng chán thực gồm thâu tĩnh lự thứ ba, tĩnh lự thứ tư. Nhưng nói như tưởng bất tịnh là muốn hiển bày tưởng chán thực do tưởng bất tịnh làm gia hạnh. Nói tưởng chán thực cùng gia hạnh nên nói như tưởng bất tịnh.

Có thuyết cho: Tưởng chán thực cùng với tưởng bất tịnh là cùng xen lẫn dẫn dắt nhau, có nghĩa cùng gồm thâu, cho nên nói gồm thâu như tưởng bất tịnh.

Có thuyết nêu: Tưởng chán thực cũng tạo hành chuyển bất tịnh. Như nói: Nếu khi được cơm thì khởi tưởng như dòi bọ, cho đến nói rộng. Do đó cũng gồm thâu giải thoát thứ nhất, thứ hai, cùng quán sắc xứ chuyển bất tịnh.

Hỏi: Nếu tưởng chán thực cùng với tưởng bất tịnh đều cùng quán sắc xứ, chuyển bất tịnh thì tưởng chán thực và tưởng bất tịnh do Đức Thế Tôn giảng nói, chúng có gì khác nhau?

Đáp: Thể thật không khác, chỉ do sự đối trị ái có sai biệt, nên kiến lập hai tưởng. Nghĩa là tưởng bất tịnh đối trị ái dâm dục, còn tưởng chán thực đối trị ái đoạn thực.

Lời bình: Không nên nói như vậy. Đức Phật đã an lập mười tưởng, mỗi mỗi tưởng đều khác nhau. Lại, ái của đoạn thực duyên với đoạn thực khởi, hương vị xúc xứ là tánh của đoạn thực. Nếu cho tưởng này đối trị ái kia thì vì sao nói đồng với tưởng bất tịnh quán sắc xứ nên gồm thâu giải thoát thứ nhất, thứ hai? Do vậy, nên biết thuyết đầu là đúng. Đối tượng duyên, hành tướng và địa của hai tưởng này khác nhau, nên không gồm thâu các thứ giải thoát, thắng xứ còn lại cùng biến xứ vô lượng.

Tưởng tất cả thế gian không thể an vui gồm thâu tĩnh lự thứ ba, tĩnh lự thứ tư.

Hỏi: Tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự thứ hai cũng có tưởng này, vì sao không nói gồm thâu?

Đáp: Văn ở đây nên nói gồm thâu bốn tĩnh lự nhưng chỉ nói gồm thâu hai tĩnh lự sau, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn. Có thuyết nói: Trong đây là nêu cái sau để làm sáng tỏ cái trước.

Có thuyết cho: Hai tĩnh lự trên là địa đáng yêu thích thù thắng do có thọ lạc tối thắng và lạc của khinh an tối thắng. Đối với địa như vậy nói có tưởng này là nhằm hiển bày người tu hành ở trong địa thắng lạc hãy còn có thể khởi tưởng không thể an vui huống là ở xứ khác, cho nên chỉ nói gồm thâu hai địa này.

Có thuyết nêu: Tĩnh lự thứ nhất bị gió tầm tứ thổi động, còn tĩnh lự thứ hai thì bị nước cực hỷ làm cho trôi nổi, nên tuy có các tưởng: bất tịnh, chán thực, tất cả thế gian không thể an vui, nhưng đều không sáng sạch. Hai tĩnh lự sau trái ngược với các thứ trên, nên gồm thâu chúng.

Đối tượng duyên, hành tướng và địa của tưởng này có khác, nên không gồm thâu tất cả giải thoát, thắng xứ, biến xứ vô lượng.

Hỏi: Tĩnh lự thứ nhất v.v… gồm thâu bao nhiêu tĩnh lự v.v…?

Đáp: Tĩnh lự thứ nhất gồm thâu tĩnh lự thứ nhất, bốn vô lượng, giải thoát thứ nhất, thứ hai, bốn thắng xứ trước, tám trí, ba Tam-ma-địa.

Tĩnh lự thứ hai gồm thâu tĩnh lự thứ hai, bốn vô lượng, giải thoát thứ nhất, thứ hai, bốn thắng xứ trước, tám trí, ba Tam-ma-địa.

Tĩnh lự thứ ba gồm thâu tĩnh lự thứ ba, ba vô lượng, tám trí, ba Tam-ma-địa.

Tĩnh lự thứ tư gồm thâu tĩnh lự thứ tư, ba vô lượng, tịnh giải thoát, bốn thắng xứ sau, tám biến xứ trước, tám trí, ba Tam-ma-địa.

Trong đây, bốn tĩnh lự đều lấy năm uẩn của tự địa căn bản làm tánh, nên gồm thâu được các môn công đức hiện có này. Nên biết đều là tự tánh gồm thâu, không phải là tha tánh gồm thâu.

Hỏi: Từ vô lượng v.v… gồm thâu bao nhiêu vô lượng v.v…?

Đáp: Từ vô lượng gồm thâu Từ vô lượng thế tục trí, cho đến Xả vô lượng gồm thâu Xả vô lượng thế tục trí.

Trong đây, bốn vô lượng đều lấy các uẩn của phẩm cùng sinh làm tánh, nên gồm thâu được thế tục trí, duyên chung nơi hữu tình làm cảnh. Không gồm thâu giải thoát, thắng xứ, biến xứ và tha tâm trí hữu lậu. Không gồm thâu các trí còn lại và ba Tam-ma-địa.

Hỏi: Không vô biên xứ v.v… gồm thâu bao nhiêu vô sắc v.v…?

Đáp: Không vô biên xứ gồm thâu Không vô biên xứ và giải thoát kia, biến xứ kia, sáu trí, ba Tam-ma-địa.

Thức vô biên xứ gồm thâu Thức vô biên xứ và giải thoát kia, biến xứ kia, sáu trí, ba Tam-ma-địa.

Vô sở hữu xứ gồm thâu Vô sở hữu xứ và giải thoát kia, sáu trí, ba Tam-ma-địa.

Phi tưởng phi phi tưởng xứ gồm thâu Phi tưởng phi phi tưởng xứ và giải thoát kia, diệt tưởng thọ giải thoát, thế tục trí.

Trong đây, bốn vô sắc đều lấy bốn uẩn của tự địa căn bản làm tánh, nên gồm thâu được các môn công đức hiện có này. Sáu trí là trừ pháp trí, tha tâm trí, vì hai thứ này không dựa nơi địa vô sắc.

Hỏi: Giải thoát thứ nhất v.v… gồm thâu bao nhiêu giải thoát v.v…?

Đáp: Giải thoát thứ nhất, thứ hai, thứ ba gồm thâu giải thoát thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thế tục trí.

Không vô biên xứ giải thoát gồm thâu Không vô biên xứ giải thoát và biến xứ kia, sáu trí, ba Tam-ma-địa.

Thức vô biên xứ giải thoát gồm thâu Thức vô biên xứ giải thoát và biến xứ kia, sáu trí, ba Tam-ma-địa.

Vô sở hữu xứ giải thoát gồm thâu Vô sở hữu xứ giải thoát, sáu trí, ba Tam-ma-địa.

Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát gồm thâu Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát, thế tục trí.

Diệt tưởng thọ giải thoát gồm thâu diệt tưởng thọ giải thoát.

Trong đây, ba giải thoát trước đều lấy năm uẩn của phẩm cùng sinh làm tánh, nên gồm thâu được thế tục trí. Đó là ban đầu quán chung cho nên không gồm thâu thắng xứ, biến xứ do chúng là hữu lậu. Không gồm thâu các trí khác, ba Tam-ma-địa vì chúng duyên với sắc, không gồm thâu tha tâm trí.

Bốn vô sắc giải thoát, mỗi thứ đều lấy bốn uẩn thiện của gia hạnh nơi tự địa làm tánh nên gồm thâu được hai biến xứ sau và sáu trí, ba Tam-ma-địa.

Hỏi: Thắng xứ thứ nhất v.v… gồm thâu bao nhiêu thắng xứ v.v…?

Đáp: Thắng xứ thứ nhất gồm thâu thắng xứ thứ nhất và thế tục trí. Cho đến thắng xứ thứ tám gồm thâu thắng xứ thứ tám và thế tục trí.

Trong đây, tám thắng xứ đều lấy năm uẩn của phẩm cùng sinh làm tánh, nên gồm thâu được thế tục trí. Thắng xứ là quán giữa nên không gồm thâu biến xứ, do nó là hữu lậu. Không gồm thâu các trí khác, ba Tam-ma-địa, do chúng duyên với sắc. Không gồm thâu tha tâm trí.

Hỏi: Biến xứ thứ nhất v.v… gồm thâu bao nhiêu biến xứ v.v…?

Đáp: Biến xứ thứ nhất gồm thâu biến xứ thứ nhất, thế tục trí. Cho đến biến xứ thứ mười gồm thâu biến xứ thứ mười, thế tục trí.

Trong đây, mười biến xứ đều lấy năm uẩn, bốn uẩn của phẩm cùng sinh làm tánh, nên gồm thâu được thế tục trí, hữu lậu. Không gồm thâu các trí khác, ba Tam-ma-địa, vì chúng duyên với sắc và địa khác. Không gồm thâu tha tâm trí.

Hỏi: Pháp trí v.v… gồm thâu bao nhiêu trí v.v…?

Đáp: Pháp trí gồm thâu pháp trí và phần ít của năm trí, cho đến nói rộng.

Pháp trí gồm thâu pháp trí: Nghĩa là pháp trí ở nơi sáu địa, đó là định vị chí, tĩnh lự trung gian và bốn tĩnh lự. Định vị chí gồm thâu định vị chí, cho đến tĩnh lự thứ tư gồm thâu tĩnh lự thứ tư.

Lại, pháp trí ở nơi ba đạo, đó là kiến đạo, tu đạo, vô học đạo. Kiến đạo gồm thâu kiến đạo cho đến vô học đạo gồm thâu vô học đạo.

Lại, pháp trí duyên nơi bốn đế. Khổ pháp trí gồm thâu khổ pháp trí, cho đến đạo pháp trí gồm thâu đạo pháp trí.

Lại, pháp trí ở nơi bốn đạo, đó là đạo gia hạnh, vô gián, giải thoát và thắng tấn. Đạo gia hạnh gồm thâu đạo gia hạnh, cho đến đạo thắng tấn gồm thâu đạo thắng tấn.

Lại, pháp trí gắn liền với ba đời. Quá khứ gồm thâu quá khứ, vị lai gồm thâu vị lai, hiện tại gồm thâu hiện tại. Trong đó, cho đến sát-na này gồm thâu sát-na này, sát-na kia gồm thâu sát-na kia. Ở đây là nói chung, nên chỉ nói pháp trí gồm thâu pháp trí.

Gồm thâu phần ít của năm trí: Nghĩa là pháp trí cũng gồm thâu phần ít của tha tâm trí, trí bốn đế. Tha tâm trí chung cả hữu lậu, vô lậu, đây chỉ gồm thâu vô lậu. Trong vô lậu có pháp trí, loại trí, đây chỉ gồm thâu pháp trí, nên nói là phần ít. Trí bốn đế, mỗi thứ đều chung cho cả pháp trí, loại trí, đây chỉ gồm thâu pháp trí, nên nói là phần ít.

Loại trí gồm thâu loại trí và phần ít của năm trí: Như nói về pháp trí. Có khác là trí này ở nơi chín địa.

Tha tâm trí gồm thâu tha tâm trí: Tha tâm trí ở nơi bốn tĩnh lự căn bản. Tĩnh lự thứ nhất gồm thâu tĩnh lự thứ nhất, cho đến tĩnh lự thứ tư gồm thâu tĩnh lự thứ tư. Lại, tha tâm trí chung cho cả hữu lậu vô lậu. Hữu lậu gồm thâu hữu lậu, vô lậu gồm thâu vô lậu. Lại, tha tâm trí có pháp trí, loại trí. Pháp trí gồm thâu pháp trí, loại trí gồm thâu loại trí. Lại, tha tâm trí có học, vô học, phi học phi vô học. Học gồm thâu học, cho đến phi học phi vô học gồm thâu phi học phi vô học. Lại, tha tâm trí gắn liền với ba đời: Quá khứ gồm thâu quá khứ, vị lai gồm thâu vị lai, hiện tại gồm thâu hiện tại. Trong đó, cho đến sát-na này gồm thâu sát-na này, sát-na kia gồm thâu sát-na kia. Ở đây là nói chung, nên chỉ nói tha tâm trí gồm thâu tha tâm trí.

Gồm thâu phần ít của bốn trí: Nghĩa là tha tâm trí cũng gồm thâu phần ít của pháp trí, loại trí, thế tục trí, đạo trí.

Pháp trí, loại trí mỗi thứ duyên với bốn đế, ở đây chỉ gồm thâu phần ít duyên với đạo đế, cho nên nói là phần ít.

Thế tục trí ở nơi mười tám địa, là cõi dục, tĩnh lự trung gian, bốn tĩnh lự, bốn vô sắc và cận phần của tám địa kia, ở đây chỉ gồm thâu bốn tĩnh lự. Trong bốn tĩnh lự có thiện, nhiễm ô, vô phú vô ký, đây chỉ gồm thâu thiện. Trong thiện có sinh đắc, do nghe tạo thành, do tu tạo thành, đây chỉ gồm thâu do tu tạo thành. Trong do tu tạo thành có đạo gia hạnh, vô gián, giải thoát, thắng tấn, đây chỉ gồm thâu đạo thắng tấn. Trong đạo thắng tấn có thuận phần thoái, thuận phần trụ, thuận phần thắng tấn và thuận phần quyết trạch, đây chỉ gồm thâu thuận phần trụ. Trong thuận phần trụ có duyên với quá khứ, vị lai, hiện tại và lìa thế, đây chỉ gồm thâu duyên với hiện tại. Ở trong duyên với hiện tại có duyên với tự tương tục, duyên với tha tương tục, đây chỉ gồm thâu duyên với tha tương tục. Trong duyên với tha tương tục có duyên với tâm tâm sở pháp, có duyên với năm uẩn, đây chỉ gồm thâu duyên với tâm tâm sở. Trong duyên với tâm tâm sở có duyên với một pháp, có duyên với nhiều pháp, đây chỉ gồm thâu duyên với một pháp. Trong duyên với một pháp có là tha tâm trí, có không phải là tha tâm trí, đây chỉ gồm thâu tha tâm trí. Do nghĩa như vậy nên nói là phần ít.

Đạo trí ở nơi chín địa, là định vị chí, tĩnh lự trung gian, bốn tĩnh lự và ba vô sắc, đây chỉ gồm thâu bốn tĩnh lự. Ở trong bốn tĩnh lự có kiến đạo, tu đạo, vô học đạo, đây chỉ gồm thâu tu đạo, vô học đạo. Trong hai đạo này có đạo gia hạnh, vô gián, giải thoát, thắng tấn, đây chỉ gồm thâu đạo thắng tấn. Trong đạo thắng tấn có duyên với quá khứ, vị lai, hiện tại, đây chỉ gồm thâu duyên với hiện tại. Trong duyên với hiện tại có duyên với tự tương tục, có duyên với tha tương tục, đây chỉ gồm thâu duyên với tha tương tục. Trong duyên với tha tương tục có duyên với tâm tâm sở pháp, có duyên với năm uẩn, đây chỉ gồm thâu duyên với tâm tâm sở pháp. Trong duyên với tâm tâm sở pháp có duyên với một pháp, có duyên với nhiều pháp, đây chỉ gồm thâu duyên với một pháp. Trong duyên với một pháp có là tha tâm trí, có không phải là tha tâm trí, đây chỉ gồm thâu tha tâm trí. Do nghĩa như vậy nên nói là phần ít.

Thế tục trí gồm thâu thế tục trí: Nghĩa là thế tục trí ở nơi mười tám địa, như đã nói ở trước. Cõi dục gồm thâu cõi dục, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ gồm thâu Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Lại, thế tục trí có thiện, nhiễm ô, vô phú vô ký. Thiện gồm thâu thiện, cho đến vô phú vô ký gồm thâu vô phú vô ký. Trong thiện có gia hạnh đắc, lìa nhiễm đắc, sinh đắc. Gia hạnh đắc gồm thâu gia hạnh đắc, cho đến sinh đắc gồm thâu sinh đắc. Lại có thuận phần thoái cho đến thuận phần quyết trạch. Thuận phần thoái gồm thâu thuận phần thoái, cho đến thuận phần quyết trạch gồm thâu thuận phần quyết trạch. Lại có đạo gia hạnh cho đến đạo thắng tấn. Đạo gia hạnh gồm thâu đạo gia hạnh, cho đến đạo thắng tấn gồm thâu đạo thắng tấn. Lại có quá khứ, vị lai, hiện tại. Quá khứ gồm thâu quá khứ, vị lai gồm thâu vị lai, hiện tại gồm thâu hiện tại. Trong ấy cho đến sát-na này gồm thâu sát-na này, sát-na kia gồm thâu sát-na kia. Ở đây là nói chung, nên nói thế tục trí gồm thâu thế tục trí.

Gồm thâu phần ít của một trí: Nghĩa là thế tục trí cũng gồm thâu phần ít của tha tâm trí. Tha tâm trí chung cho cả hữu lậu, vô lậu, đây chỉ gồm thâu hữu lậu, nên nói là phần ít.

Khổ trí gồm thâu khổ trí: Nghĩa là khổ trí ở chín địa, ở ba đạo, ở bốn đạo, gắn liền với ba đời, với sát-na, tùy ở địa nào, đạo nào, đời nào, sát-na nào, tức ở địa đó, đạo đó, đời đó, sát-na đó gồm thâu. Trong đây là nói chung, nên nói khổ trí gồm thâu khổ trí. Gồm thâu phần ít của hai trí: Tức là khổ trí cũng gồm thâu phần ít của pháp trí, loại trí. Pháp trí, loại trí, mỗi thứ duyên với bốn đế, đây chỉ gồm thâu duyên với khổ đế, nên nói là phần ít.

Tập trí gồm thâu tập trí và phần ít của hai trí, như nói về khổ trí. Diệt trí gồm thâu diệt trí và phần ít của hai trí, như nói về khổ trí.

Đạo trí gồm thâu đạo trí cũng như nói về khổ trí. Phần ít của ba trí: Là đạo trí cũng gồm thâu phần ít của pháp trí, loại trí, tha tâm trí. Pháp trí, loại trí mỗi thứ duyên với bốn đế, đây chỉ gồm thâu duyên với đạo đế. Tha tâm trí chung cho cả hữu lậu, vô lậu, đây chỉ gồm thâu duyên với vô lậu, nên nói là phần ít.

Hỏi: Tam-ma-địa Không v.v… gồm thâu bao nhiêu Tam-mađịa v.v…?

Đáp: Không gồm thâu không, vô nguyện gồm thâu vô nguyện, vô tướng gồm thâu vô tướng. Tam-ma-địa Không duyên với hai hành tướng của khổ đế chuyển. Tam-ma-địa Vô nguyện duyên với mười hành tướng của ba đế chuyển. Tam-ma-địa Vô tướng duyên với bốn hành tướng của diệt đế chuyển. Trong đó, mỗi mỗi hành tướng đều ở chín địa, ở ba đạo, ở bốn đạo, thuộc về ba đời, gắn liền với sát-na, tùy ở hành tướng nào, địa nào, đạo nào, gắn liền với đời nào, sát-na nào, tức hành tướng đó, địa đó, đạo đó, đời đó, sát-na đó gồm thâu. Ở đây là nói chung, nên nói không gồm thâu không, cho đến vô tướng gồm thâu vô tướng. Ba Tam-ma-địa tuy chung nơi hữu lậu, nhưng trong đây dựa vào môn giải thoát để nói, nên chỉ gồm thâu vô lậu.

Như gồm thâu thì có thể đắc cũng như vậy. Do tự thể đối với tự thể có thể đắc là nghĩa gồm thâu. Nghĩa là tự thể đối với tự thể là có, là thật, là hiện có, là không khác, là không ngoài, là không lìa nhau, là không giải thoát, là không sai biệt, là chẳng không, là không không, là chẳng phải khách, chẳng phải xa, chẳng phải hai, chẳng phải tranh cãi. Những thứ như vậy đều là nghĩa có thể đắc. Các pháp tự thể gồm thâu tự thể, không phải như dùng tay nhận lấy thức ăn, dùng ngón tay giữ lấy áo. Chỉ vì tất cả pháp chướng ngại tự thể, khiến rốt cùng không bỏ, nên gọi là gồm thâu.

Có Sư khác nói: Tự thể này gồm thâu có bốn thứ: Nghĩa là giới đều khác. Vật đều khác. Sát-na đều khác. Sự nối tiếp đều khác. Giới đều khác: Là nhãn giới gồm thâu nhãn giới, cho đến pháp giới gồm thâu pháp giới. Vật đều khác: Nghĩa là trong pháp giới có bảy vật, tức sắc thọ tưởng hành và ba vô vi. Sắc gồm thâu sắc, cho đến phi trạch diệt gồm thâu phi trạch diệt. Sát-na đều khác: Nghĩa là trong sắc có quá khứ, vị lai, hiện tại. Quá khứ gồm thâu quá khứ, cho đến hiện tại gồm thâu hiện tại. Sự nối tiếp đều khác: Nghĩa là sắc hiện tại có thứ thuộc tự tương tục, có thứ thuộc tha tương tục. Tự tương tục gồm thâu tự tương tục, tha tương tục gồm thâu tha tương tục. Do lý sâu xa này, phần khác nên căn cứ theo đây để biết. Nên nói như gồm thâu, có thể đắc cũng như vậy. Do gồm thâu và có thể đắc, nghĩa không khác.

***

* Tưởng vô thường v.v… tương ưng với bao nhiêu tĩnh lự v.v…?

Đáp: Tưởng vô thường tương ưng với bốn tĩnh lự, bốn vô sắc, bốn giải thoát, bốn trí, một Tam-ma-địa. Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì để ngăn chận ý tưởng ngu tối đối với pháp tương ưng chấp pháp tương ưng là không thật có, nay nhằm hiển bày pháp tương ưng là thật có, nên tạo ra phần Luận này.

Tưởng vô thường cùng với bốn tĩnh lự tương ưng: Nghĩa là bốn tĩnh lự tánh đều là năm uẩn. Tưởng này cùng với hai uẩn hoàn toàn và phần ít của một uẩn thuộc bốn tĩnh lự kia tương ưng.

Cùng với bốn vô sắc, bốn giải thoát tương ưng: Nghĩa là bốn vô sắc và bốn vô sắc giải thoát tánh đều là bốn uẩn. Tưởng này cùng với hai uẩn hoàn toàn và phần ít của một uẩn thuộc bốn vô sắc kia tương ưng.

Cùng với bốn trí tương ưng: Nghĩa là cùng với pháp trí, loại trí, thế tục trí, khổ trí tương ưng.

Cùng với một Tam-ma-địa tương ưng: Nghĩa là duyên với khổ vô nguyện.

Như tưởng vô thường, các tưởng vô thường khổ, khổ vô ngã, chết, đoạn, lìa, diệt cũng như vậy. Ở đây, chỗ dựa đều cùng với bốn trí, một Tam-ma-địa tương ưng. Do số đồng nên nói cũng như vậy. Trong ấy, tất cả đồng: Nghĩa là tưởng chết. Hành tướng khác nhưng tên gọi đồng: Nghĩa là tưởng vô thường khổ, trí. Tên gọi đồng, các thứ khác không đồng: Nghĩa là tưởng khổ vô ngã cùng với Tamma-địa không tương ưng. Chỉ có số đồng, cái thứ khác không đồng: Đó là tưởng diệt, đoạn, lìa cùng với diệt trí, Tam-ma-địa vô tướng tương ưng.

Tưởng bất tịnh cùng với hai tĩnh lự sau, giải thoát thứ nhất, thứ hai, thế tục trí tương ưng: Nghĩa là tưởng này tương ưng với bốn tĩnh lự, nhưng chỉ nói tương ưng với hai tĩnh lự sau, tức như nói trong phần gồm thâu.

Như tưởng bất tịnh, tưởng chán thực cũng như vậy. Tưởng này thật sự không tương ưng với giải thoát thứ nhất, thứ hai, nhưng nói tương ưng là cũng như nói trong phần gồm thâu.

Tưởng tất cả thế gian không thể an vui cùng với hai tĩnh lự sau, thế tục trí tương ưng: Nghĩa là tưởng này cũng tương ưng với bốn tĩnh lự nhưng chỉ nói tương ưng với hai sau là cũng như nói nơi phần gồm thâu.

Hỏi: Tĩnh lự thứ nhất v.v… tương ưng với bao nhiêu tĩnh lự v.v…?

Đáp: Tĩnh lự thứ nhất tương ưng với tĩnh lự thứ nhất, bốn vô lượng, giải thoát thứ nhất, thứ hai, bốn thắng xứ trước, tám trí, ba Tam-ma-địa.

Tĩnh lự thứ hai tương ưng với tĩnh lự thứ hai, bốn vô lượng, giải thoát thứ nhất, thứ hai, bốn thắng xứ trước, tám trí, ba Tam-ma-địa.

Tĩnh lự thứ ba tương ưng với tĩnh lự thứ ba, ba vô lượng, tám trí, ba Tam-ma-địa.

Tĩnh lự thứ tư tương ưng với tĩnh lự thứ tư, ba vô lượng, tịnh giải thoát, bốn thắng xứ sau, tám biến xứ trước, tám trí, ba Tamma-địa.

Trong đây, bốn tĩnh lự đều lấy năm uẩn của tự địa làm tánh. Bốn uẩn câu sinh của mỗi mỗi địa lần lượt tương ưng. Nên nói tĩnh lự thứ nhất cùng với tĩnh lự thứ nhất, cho đến tĩnh lự thứ tư cùng với tĩnh lự thứ tư tương ưng. Không phải tự tánh cùng với tự tánh có nghĩa tương ưng. Lại do mỗi mỗi tĩnh lự gồm thâu nhiều pháp, nên được cùng tương ưng với công đức như các vô lượng v.v… Ba vô lượng là trừ hỷ vô lượng, do hai tĩnh lự sau không có hỷ căn. Các hữu tình muốn khiến hỷ vô lượng, không lấy hỷ thọ làm tự tánh, cũng nói ở đây tương ưng với hỷ thọ, nên hai địa kia chỉ có ba vô lượng.

Hỏi: Từ vô lượng v.v… tương ưng với bao nhiêu vô lượng v.v…?

Đáp: Từ vô lượng tương ưng với từ vô lượng và thế tục trí, cho đến xả vô lượng tương ưng với xả vô lượng và thế tục trí. Từ tuy lấy căn thiện không sân làm tự tánh, nhưng trong đây đã nói là chung về gồm thâu, tự tánh, tương ưng cùng với thể của từ hữu vi, nên nói từ cùng với từ tương ưng, cho đến xả cùng với xả tương ưng, tức là nghĩa cùng tương ưng của bốn uẩn câu sinh.

Hỏi: Không vô biên xứ v.v… tương ưng với bao nhiêu vô sắc?

Đáp: Không vô biên xứ tương ưng với Không vô biên xứ và giải thoát kia (của nó), biến xứ kia, sáu trí, ba Tam-ma-địa.

Thức vô biên xứ tương ưng với Thức vô biên xứ và giải thoát kia, biến xứ kia, sáu trí, ba Tam-ma-địa.

Vô sở hữu xứ tương ưng với Vô sở hữu xứ và giải thoát kia, sáu trí, ba Tam-ma-địa.

Phi tưởng phi phi tưởng xứ tương ưng với Phi tưởng phi phi tưởng xứ và giải thoát kia, thế tục trí.

Ở đây, bốn vô sắc đều lấy bốn uẩn của tự địa làm tánh. Bốn uẩn câu sinh của mỗi mỗi địa lần lượt tương ưng với nhau, nên nói Không vô biên xứ cùng với Không vô biên xứ, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ cùng với Phi tưởng phi phi tưởng xứ tương ưng. Lại, vì mỗi mỗi địa vô sắc gồm thâu nhiều pháp, nên được tương ưng với những công đức khác đã nói. Sáu trí như nói trong gồm thâu.

Hỏi: Giải thoát thứ nhất v.v… tương ưng với bao nhiêu giải thoát v.v…?

Đáp: Giải thoát thứ nhất, thứ hai, thứ ba tương ưng với giải thoát thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thế tục trí.

Không vô biên xứ giải thoát tương ưng với Không vô biên xứ giải thoát và biến xứ kia, sáu trí, ba Tam-ma-địa.

Thức vô biên xứ giải thoát tương ưng với Thức vô biên xứ giải thoát và biến xứ kia, sáu trí, ba Tam-ma-địa.

Vô sở hữu xứ giải thoát tương ưng với Vô sở hữu xứ giải thoát và sáu trí, ba Tam-ma-địa.

Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát tương ưng với Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát, thế tục trí.

Diệt tưởng thọ giải thoát không tương ưng.

Ở đây, ba giải thoát trước tuy đều lấy căn thiện không tham làm tự tánh, nhưng trong đây đã nói là chung do tự tánh tương ưng với pháp câu hữu làm thể, nên nói giải thoát thứ nhất, thứ hai, thứ ba tương ưng với giải thoát thứ nhất, thứ hai, thứ ba, tức là theo nghĩa cùng tương ưng của bốn uẩn câu sinh. Bốn vô sắc giải thoát, như nói về bốn vô sắc. Diệt tưởng thọ giải thoát tuy có nhiều pháp, như tâm tâm sở không lìa nhau, cùng thời khởi nhưng không chỗ dựa, đối tượng duyên và hành tướng đồng nghĩa nên không phải tương ưng.

Hỏi: Thắng xứ thứ nhất v.v… tương ưng với bao nhiêu thắng xứ v.v…?

Đáp: Thắng xứ thứ nhất tương ưng với thắng xứ thứ nhất và thế tục trí. Cho đến thắng xứ thứ tám tương ưng với thắng xứ thứ tám và thế tục trí.

Trong đây, tám thắng xứ tuy đều lấy căn thiện không tham làm tự tánh, nhưng ở đây đã nói là chung do tự tánh tương ưng với pháp câu hữu làm thể, nên nói thắng xứ thứ nhất tương ưng với thắng xứ thứ nhất, cho đến thắng xứ thứ tám tương ưng với thắng xứ thứ tám.

Hỏi: Biến xứ thứ nhất v.v… tương ưng với bao nhiêu biến xứ v.v…?

Đáp: Biến xứ thứ nhất tương ưng với biến xứ thứ nhất và thế tục trí. Cho đến biến xứ thứ mười tương ưng với biến xứ thứ mười và thế tục trí.

Trong đây, tám biến xứ trước tuy đều lấy căn thiện không tham làm tự tánh, nhưng ở đây đã nói là chung do tự tánh tương ưng với pháp câu hữu làm thể. Hai biến xứ sau lấy chung bốn uẩn câu sinh làm tánh, nên nói biến xứ thứ nhất tương ưng với biến xứ thứ nhất, cho đến biến xứ thứ mười tương ưng với biến xứ thứ mười.

Hỏi: Pháp trí v.v… tương ưng với bao nhiêu Tam-ma-địa v.v…?

Đáp: Pháp trí tương ưng với phần ít của ba Tam-ma-địa, cho đến nói rộng.

Pháp trí tương ưng với phần ít của ba Tam-ma-địa: Nghĩa là trí này không cùng với loại trí và tất cả nhẫn cùng ba Tam-ma-địa tương ưng, nên nói là phần ít.

Như pháp trí, loại trí cũng như vậy. Trí này không cùng với pháp trí và tất cả nhẫn cùng ba Tam-ma-địa tương ưng, nên nói là cũng như vậy.

Tha tâm trí tương ưng với phần ít của một Tam-ma-địa: Nghĩa là trí này cùng với khổ tập diệt trí và đạo trí không thuộc về tha tâm trí cùng tất cả nhẫn cùng với Tam-ma-địa không tương ưng, nên nói là phần ít. Tức là duyên với một phần ít của đạo Tam-ma-địa Vô nguyện tương ưng, nghĩa như nói ở tha tâm trí.

Tập diệt đạo trí cũng như vậy: Đây là dựa vào số đồng, nên nói cũng như vậy. Nhưng tập trí chỉ cùng duyên với phần ít của tập Tam-ma-địa vô nguyện tương ưng. Diệt trí chỉ tương ưng với phần ít của Tam-ma-địa vô tướng. Đạo trí chỉ cùng duyên với phần ít của đạo Tam-ma-địa vô nguyện tương ưng, đều trừ nhẫn hợp với Tamma-địa.

Khổ trí tương ưng với phần ít của hai Tam-ma-địa: Nghĩa là trí này chỉ cùng với trí cùng Tam-ma-địa không và khổ trí cùng với Tam-ma-địa vô nguyện tương ưng, nên nói là phần ít.

Ba môn Tam-ma-địa không nói riêng về tương ưng, vì đối các môn trước đều đã nói đủ. Ở trong tự môn không tương ưng.

HẾT – QUYỂN 167