LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 132
Chương 5: ĐẠI CHỦNG UẨN
Phẩm 2: BÀN VỀ DUYÊN, phần 2
Hỏi: Nếu các vật cứng và không cứng chuyển biến, cùng tạo tác, các pháp đó vì sao không bỏ tự tướng, vì sao cùng tạo tác? Như nước có tánh lỏng, mềm, nhưng đến mùa đông thì kết băng cứng lại, búa rìu cũng khó chặt. Các kim loại thì tánh cứng chắc, nhưng nếu nung mãi sẽ chảy lỏng như nước. Các sự việc như thế há không phải là các pháp đã bỏ tự tướng sao?
Đáp: Không phải các vật cứng chuyển đổi làm vật không cứng, cũng không phải vật không cứng chuyển đổi thành vật cứng, nhưng pháp cứng hay không cứng là ở đời vị lai, nếu gặp duyên cứng thì pháp không cứng diệt, các pháp cứng tiếp tục sinh. Khi gặp duyên không cứng thì pháp cứng diệt, pháp không cứng tiếp tục sinh. Các thứ khác cũng như thế, nên không có lỗi cho các pháp đã bỏ tự tướng.
Hỏi: Trong các nhóm đại chủng v.v… thì có các khoảng cách, kẽ hở không? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Cả hai đều có lỗi. Vì nếu có kẽ hở, khoảng cách, thì há không lìa nhau. Còn nếu không có khoảng cách, kẽ hở, thì vì sao không thành một khối duy nhất?
Đáp: Có thuyết nói: Trong đó có khoảng cách, kẽ hở và khoảng không cùng trụ xen lẫn.
Hỏi: Nếu thế thì vì sao gọi là không lìa nhau?
Đáp: Khoảng không ở xen vào giữa nhưng có thể tự ẩn giấu, khiến các vật thấy như không lìa nhau. Như cô gái tự ẩn thân trong rừng cây.
Có thuyết cho: Trong đó không có khoảng cách, kẽ hở, chúng lần lượt cùng ép sát vào nhau, không gián đoạn mà trụ.
Hỏi: Nếu thế vì sao không thành một khối duy nhất?
Đáp: Tuy không có khoảng cách, kẽ hở, nhưng không thành một khối. Như uẩn, xứ, giới, ở trong ba đời tuy không có khoảng cách, kẽ hở, nhưng không thành một khối, một chất. Đây cũng như thế. Lại, tự thể và tác dụng của các đại chủng v.v… mỗi mỗi thứ đều khác, nên không thể thành một khối, một chất.
Hỏi: Các cực vi có cùng xúc chạm vào nhau chăng? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Tức cả hai đều có lỗi. Nếu có cùng xúc chạm vào nhau, đâu lại không thành một khối, hoặc thành từng phần? Nếu không cùng xúc chạm vào nhau thì khi đập vào, đánh vào tức nên tan rã hoặc không có tiếng động?
Đáp: Nên nói như vầy: Các cực vi đều không cùng xúc chạm vào nhau. Nếu có xúc chạm vào nhau tất phải hiện bày khắp, hoặc thành từng phần. Nếu xúc chạm khắp thì bị lỗi thành một thể duy nhất. Nếu xúc chạm từng phần thì bị lỗi là thành từng phần. Nhưng các cực vi lại không có phần vi tế.
Hỏi: Nhóm sắc ấy cùng kích động xô đẩy nhau sao không tan rã?
Đáp: Do phong giới thâu giữ nên khiến không tan rã.
Hỏi: Há chẳng phải là phong giới có thể thổi mọi vật tan rã chăng?
Đáp: Có khi có thể thổi tan rã như vào lúc kiếp hoại, có khi có thể thâu giữ như vào lúc kiếp thành.
Hỏi: Nếu không xúc chạm nhau tức lúc cùng xô đẩy nhau sao không phát ra tiếng?
Đáp: Chính do nguyên nhân này nên khiến phát ra tiếng, nếu cùng xúc chạm thì làm sao phát ra tiếng? Nghĩa là các cực vi thể cùng xúc chạm như tay cùng hợp, thể phải cùng lẫn lộn nhưng trong đó không có khoảng trống, kẽ hở nào làm sao phát ra tiếng.
Tôn giả Thế Hữu nói: Nếu các cực vi cùng xúc chạm lẫn nhau thì nó phải được trụ đến sát-na sau.
Đại đức nói: Thật ra không có xúc chạm nhau, chỉ ở trong sự tập hợp không gián đoạn sinh và theo thế tục đế giả gọi là cùng xúc chạm.
Hỏi: Các vật là xúc, do xúc làm nhân sinh ra hay không phải xúc làm nhân sinh ra? Các vật không phải là xúc, do không phải xúc làm nhân sinh ra hay do xúc làm nhân sinh ra?
Đáp: Có khi là xúc làm nhân sinh ra vật không phải xúc. Nghĩa là vật hòa hợp ngay lúc nó tan lìa. Có khi vật không phải xúc làm nhân sinh ra vật là xúc. Nghĩa là vật lìa tan ngay lúc nó đang hòa hợp. Có khi vật là xúc làm nhân sinh ra vật là xúc. Nghĩa là vật hòa hợp khi nó lại hoà hợp. Có khi vật không phải xúc làm nhân sinh ra vật không phải xúc. Nghĩa là hướng du trần đồng loại nối tiếp.
Hỏi: Những cực vi nên nói là có thể thấy hay không thể thấy?
Đáp: Tôn giả Diệu Âm nói: Những cực vi nên nói là có thể thấy, vì là cảnh của tuệ nhãn.
Các Luận sư A-tỳ-đạt-ma nói: Những cực vi nên nói là không thể thấy, vì không phải là đối tượng của nhục nhãn, thiên nhãn có thể thấy. Trong đây không nương vào tuệ nhãn để nêu câu hỏi, do đối với các pháp không có sai biệt.
***
* Từng có đại chủng ở quá khứ tạo ra các sắc ở quá khứ chăng? Cho đến nói rộng.
Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?
Đáp: Vì muốn ngăn chận các nghĩa lý khác cùng hiển bày nghĩa lý của mình. Nghĩa là có các bộ phái khác bài bác cho không có quá khứ, vị lai, còn đời hiện tại là pháp vô vi. Vì muốn ngăn chận các ý tưởng đó và chỉ rõ là có quá khứ, vị lai, cũng làm rõ hiện tại là pháp hữu vi, nói rộng như trước.
Lại có ngoại đạo, căn cứ vào thí dụ của hiện đời chấp pháp hữu vi, pháp sau làm nhân cho pháp trước. Họ nói: Hiện thấy nước suối, nước ra trước bị nước ra sau đẩy mạnh nên mới chảy đi. Như thế các pháp là do các pháp vị lai thúc đẩy thành pháp hiện tại. Lại do pháp ở hiện tại thúc đẩy thành pháp quá khứ. Cho nên pháp hữu vi là pháp sau làm nhân cho pháp trước. Nay nhằm ngăn chận chỗ nêu bày của ngoại đạo ấy và chỉ rõ: Pháp hữu vi là pháp trước có thể sáng rõ pháp sau, không phải pháp sau làm nhân cho pháp trước. Nếu không như thế thì trái với duyên khởi trong ngoài. Như nói cha mẹ ở đời là do con sinh ra, mắt và sắc là từ nhãn thức khởi. Vô minh v.v… là từ hành sinh. Hạt giống nên từ chồi mầm khởi. Thọ nhận báo khổ vui trước rồi mới tạo nghiệp thiện ác sau. Trước chứng đắc quả Bồ-đề rồi sau mới tu hành, chưa làm mà được, đã làm mà mất. Nếu như thế thì không đạt được lý giải thoát.
Lại, vì để ngăn chận thuyết cho: Các đại chủng tạo ra sắc tất đồng thời cùng hiển bày là có khác đời.
Do các nhân duyên ấy nên tạo ra phần Luận này.
Các sắc được tạo có đối và các sắc tùy tâm chuyển không biểu hiện có ở đời nào, chính là do các đại chủng ở đời ấy tạo ra. Nghĩa là sắc ở quá khứ thì do đại chủng ở quá khứ tạo, ở hiện tại thì do ở hiện tại tạo, ở vị lai là do ở vị lai tạo. Hoặc là do sắc biểu hiện khởi các sắc không biểu hiện.
Lại có ba loại thời gian tạo ra không bằng nhau. Tức là ở sát-na đầu tiên như sắc có đối v.v…, đều do các đại chủng ở cùng đời tạo ra. Ở sát-na thứ hai, nếu ở quá khứ và hiện tại thì đều do đại chủng ở quá khứ tạo ra. Nếu ở vị lai thì do đại chủng ở hiện tại và vị lai tạo ra. Các sát-na sau, nếu ở quá khứ và hiện tại thì như trước. Nếu ở vị lai thì do các đại chủng chung cả ba đời tạo ra. Vì sao? Vì có các thứ nương vào biểu hiện phát khởi luật nghi và không luật nghi, không phải là hai thứ không biểu hiện. Nơi khoảng sát-na đầu tiên sắc biểu hiện, không biểu hiện cùng với thứ này và các thứ khác có thể tạo ra các đại chủng ở hiện tại cùng diệt. Đến sát-na thứ hai trở về sau, thì sắc biểu hiện và các đại chủng đều ở quá khứ. Các sắc không biểu hiện có thứ ở quá khứ, có thứ ở vị lai, có thứ ở hiện tại. Đó gọi là chỗ tóm lược nơi Tỳ-bà-sa.
Hỏi: Từng có đại chủng ở quá khứ tạo ra các sắc ở quá khứ chăng?
Đáp: Có. Đó là tất cả sắc được tạo có đối ở quá khứ, các thứ không biểu hiện tùy tâm chuyển, các thứ biểu hiện khởi các thứ không biểu hiện, chỉ là do các đại chủng ở quá khứ tạo ra.
Hỏi: Từng có đại chủng ở quá khứ tạo ra các sắc ở vị lai chăng?
Đáp: Có. Đó là có các thứ biểu hiện khởi các thứ không biểu hiện ở vị lai, chỉ là do các đại chủng ở quá khứ tạo ra.
Hỏi: Từng có đại chủng ở quá khứ tạo ra các sắc ở hiện tại chăng?
Đáp: Có. Đó là có các thứ biểu hiện khởi, các thứ không biểu hiện ở hiện tại, chỉ là do các đại chủng ở quá khứ tạo ra.
Hỏi: Từng có đại chủng ở vị lai tạo ra các sắc ở vị lai chăng?
Đáp: Có. Nghĩa là tất cả các sắc được tạo ra có đối ở vị lai, các thứ không biểu hiện tùy tâm chuyển và có các thứ biểu hiện khởi các thứ không biểu hiện ở vị lai, chỉ là do các đại chủng ở vị lai tạo ra.
Hỏi: Từng có đại chủng ở vị lai tạo ra các sắc ở quá khứ và hiện tại chăng?
Đáp: Không có. Nghĩa là không có lý về quả trước nhân sau.
Hỏi: Từng có đại chủng ở hiện tại tạo ra các sắc ở hiện tại chăng?
Đáp: Có. Đó là tất cả sắc được tạo có đối ở hiện tại, các thứ không biểu hiện tùy tâm chuyển và có các thứ biểu hiện khởi các thứ không biểu hiện ở hiện tại, chỉ là do các đại chủng ở hiện tại tạo ra.
Hỏi: Từng có đại chủng ở hiện tại tạo ra các sắc ở quá khứ chăng?
Đáp: Không có. Nghĩa là không có lý quả trước nhân sau.
Hỏi: Từng có đại chủng ở hiện tại tạo ra các sắc ở vị lai chăng?
Đáp: Có. Nghĩa là các thứ biểu hiện khởi các thứ không biểu hiện ở vị lai, chỉ là do các đại chủng ở hiện tại tạo ra. Các thứ không biểu hiện tùy tâm chuyển là đẳng lưu, không gồm thâu số hữu tình chấp thọ. Nó cũng có thể tạo ra đại chủng là nuôi lớn, không gồm thâu số hữu tình chấp thọ. Các thứ biểu hiện khởi các thứ không biểu hiện là đẳng lưu, không gồm thâu số hữu tình chấp thọ. Nó cũng có thể tạo ra các đại chủng là đẳng lưu, có gồm thâu số hữu tình chấp thọ.
Các thứ không biểu hiện tùy tâm chuyển có hai loại: 1. Thuộc về luật nghi tĩnh lự. 2. Thuộc về luật nghi vô lậu. Mỗi loại này đều có bảy thứ: Tức là lìa hại sinh mạng cho đến lìa nói lời uế tạp. Luật nghi tĩnh lự gồm thâu bảy thứ cùng một thứ do bốn đại chủng tạo ra. Luật nghi vô lậu gồm thâu bảy thứ cũng như thế.
Các thứ biểu hiện khởi lên các thứ không biểu hiện có ba loại: 1. Thuộc về luật nghi. 2. Thuộc về không luật nghi. 3. Thuộc về không phải luật nghi không phải không luật nghi.
Thuộc về luật nghi lại có bảy thứ, đó là lìa hại sinh mạng cho đến lìa lời nói uế tạp. Bảy thứ như thế mỗi thứ đều có một thứ là do bốn đại chủng tạo ra.
Lìa hại sinh mạng lại có hai thứ là biểu hiện và không biểu hiện. Hai thứ này mỗi thứ đều có một thứ là do bốn đại chủng tạo ra.
Có Sư khác nói: Các thứ biểu hiện và không biểu hiện này cùng có một thứ do bốn đại chủng tạo ra. Cho nên có câu hỏi: Từng có một thứ do bốn đại chủng tạo ra hai sắc xứ chăng?
Đáp: Có. Đó là sắc xứ, pháp xứ và thanh xứ, pháp xứ.
Tôn giả Diệu Âm nói: Các Luận sư của A-tỳ-đạt-ma nói: Thuyết ấy là phi lý, vì không thể có một thứ do bốn đại chủng tạo ra hai quả thô và tế. Thế nên thuyết nêu trước là đúng.
Như lìa hại sinh mạng biểu hiện và không biểu hiện đều có một thứ do bốn đại chủng tạo ra, như thế cho đến lìa nói lời uế tạp cũng như vậy.
Không luật nghi gồm thâu cũng có bảy thứ, tức là hại sinh mạng cho đến nói lời uế tạp. Không thuộc về hai thứ kia cũng gồm thâu hai nhóm bảy thứ. Nghĩa là hại sinh mạng, lìa hại sinh mạng, cho đến nói lời uế tạp, lìa nói lời uế tạp. Bảy thứ ấy mỗi thứ đều có một thứ do bốn đại chủng tạo ra. Như vậy bảy thứ đó, mỗi thứ lại có hai loại là biểu hiện và không biểu hiện. Mỗi loại này cũng đều có một thứ do bốn đại chủng tạo ra.
Các Sư khác nói đều như trước, nên biết.
***
* Nếu thành tựu đại chủng ở quá khứ thì cũng thành tựu các sắc được tạo ở quá khứ chăng? Cho đến nói rộng.
Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?
Đáp: Vì nhằm ngăn chận các thuyết bác bỏ không có hai đời quá khứ và vị lai, và nói thể của thành tựu và không thành tựu là không thật có, cùng nêu bày rõ hai đời quá khứ, vị lai, cùng thành tựu, không thành tựu là pháp thật có. Cho nên tạo ra phần Luận này.
Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng ở quá khứ thì cũng thành tựu các sắc được tạo ở quá khứ chăng?
Đáp: Không có thành tựu đại chủng ở quá khứ, chỉ có thành tựu sắc được tạo ra ở quá khứ. Tức là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi, hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước có thân ngữ biểu hiện không mất. Hoặc sinh ở cõi sắc, hoặc các hàng hữu học sinh ở cõi vô sắc.
Hỏi: Cũng có những vị hữu học sinh ở cõi vô sắc không thành tựu sắc được tạo ở quá khứ. Nghĩa là những người ấy, trước đây khi ở cõi dục và cõi sắc chưa khởi, chưa diệt các đạo vô lậu, mạng chung sinh vào cõi vô sắc, đều không thành tựu sắc được tạo ở quá khứ. Như thế thì sao nói hoặc các vị hữu học sinh ở cõi vô sắc, thành tựu sắc được tạo ở quá khứ?
Đáp: Căn cứ vào người thành tựu nên nói như thế. Nghĩa là những vị hữu học trước đây ở cõi dục và cõi sắc đã khởi, đã diệt các đạo vô lậu, thì người này thành tựu sắc được tạo ở quá khứ.
Có thuyết nói: Người này khi ở cõi dục và cõi sắc tất đã khởi, đã diệt các đạo vô lậu, như đạo thắng tấn tất đã khởi ở hiện tiền, không có việc trụ nơi quả mà mạng chung.
Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng ở quá khứ thì cũng thành tựu đại chủng ở vị lai chăng?
Đáp: Không có việc thành tựu đại chủng ở quá khứ và vị lai.
Hỏi: Vì sao không thành tựu đại chủng ở quá khứ và vị lai?
Đáp: Do các đại chủng này chỉ có uy lực được thành tựu từng ấy, nơi sát-na hiện tiền thì có thành tựu, đã diệt và chưa hiện tiền thì không thành tựu. Nghĩa là đại chủng và sự thành tựu được tất cùng một đời, bây giờ chúng không được hiện tiền nên không thành tựu.
Có thuyết nói: Vì đại chủng có tập khí không bền, nên không thành tựu ở đời quá khứ và vị lai. Do vì tánh vô ký yếu kém. Nghĩa là các tập khí thiện ác v.v… bền chắc, nên có thành tựu ở đời quá khứ và vị lai, pháp vô ký yếu kém thì không như thế. Như tạm thời cầm giữ các vật và hoa rất thơm, tuy đã gia công tẩy rửa nhưng tập khí vẫn còn, không phải như việc cầm nắm các thứ cây đá khác v.v… khi tay vừa buông thì tập khí liền hết.
Nếu thành tựu đại chủng ở đời quá khứ và vị lai, thì một nẻo thành tựu được đại chủng ở năm nẻo, như thế một thân tức là thân của năm nẻo, tức nên nẻo hoại thì chỗ nương cũng hoại. Vì muốn khiến không có lỗi như thế, nên đại chủng không thành tựu ở quá khứ và vị lai.
Hỏi: Như sinh ở một nẻo mà tạo thành các nghiệp phiền não ở cả năm nẻo, nhưng không phải là nẻo hoại, thì đây cũng nên như thế chăng?
Đáp: Vì quả dị thục nên nói các nẻo có sai biệt, không phải do các nghiệp, phiền não. Nhưng các đại chủng hoặc có thứ là quả dị thục tức có lỗi lầm về cõi hoại và chỗ nương cũng hoại. Cho nên đừng nêu vấn nạn.
Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng ở quá khứ thì cũng thành tựu sắc được tạo ở vị lai chăng?
Đáp: Không có thành tựu đại chủng ở quá khứ, chỉ có thành tựu sắc được tạo ở vị lai. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, có được tâm thiện ở cõi sắc, hoặc sinh nơi cõi sắc. Hoặc các bậc Thánh sinh nơi cõi vô sắc, vì vị này nhất định thành tựu sắc được tạo ở vị lai.
Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng ở quá khứ thì cũng thành tựu đại chủng ở hiện tại chăng?
Đáp: Không có thành tựu đại chủng ở quá khứ, chỉ có thành tựu đại chủng ở hiện tại. Tức là sinh ở cõi dục và cõi sắc. Vì không có việc sinh ở cõi dục và cõi sắc mà không thành tựu đại chủng.
Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng ở quá khứ thì cũng thành tựu sắc được tạo ở hiện tại chăng?
Đáp: Không có thành tựu đại chủng ở quá khứ, chỉ có thành tựu sắc được tạo ở hiện tại. Nghĩa là sinh ở cõi dục và cõi sắc. Vì không có việc sinh ở cõi dục và cõi sắc mà không thành tựu sắc được tạo.
Hỏi: Nếu thành tựu sắc được tạo ở quá khứ thì cũng thành tựu đại chủng ở vị lai chăng?
Đáp: Không có thành tựu đại chủng ở vị lai, chỉ có thành tựu sắc được tạo ở quá khứ. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi, hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước có thân ngữ biểu hiện không mất. Hoặc sinh ở cõi sắc, hoặc các vị hữu học sinh ở cõi vô sắc.
Hỏi: Nếu thành tựu sắc được tạo ở quá khứ thì cũng thành tựu sắc được tạo ở vị lai chăng?
Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:
1. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ở quá khứ không phải là sắc được tạo ở vị lai. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được tâm thiện ở cõi sắc. Hoặc trụ nơi không luật nghi, hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước có thân ngữ biểu hiện không mất.
2. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ở vị lai không phải là sắc được tạo ở quá khứ. Nghĩa là bậc A-la-hán sinh vào cõi vô sắc.
3. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ở quá khứ cũng thành tựu sắc được tạo ở vị lai. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, được tâm thiện ở cõi sắc, hoặc sinh ở cõi sắc, hoặc các vị hữu học sinh ở cõi vô sắc.
4. Có trường hợp không phải thành tựu sắc được tạo ở quá khứ cũng không phải thành tựu sắc được tạo ở vị lai. Nghĩa là đang ở trong trứng, hoặc các phàm phu đang ở trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước không có thân ngữ biểu hiện, nếu như có mà mất, hoặc các phàm phu sinh nơi cõi vô sắc.
Hỏi: Nếu thành tựu sắc được tạo ở quá khứ thì cũng thành tựu đại chủng ở hiện tại chăng?
Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:
1. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ở quá khứ không phải là đại chủng ở hiện tại. Nghĩa là các vị hữu học sinh nơi cõi vô sắc.
2. Có trường hợp thành tựu đại chủng ở hiện tại không phải là sắc được tạo ở quá khứ. Nghĩa là đang ở trong trứng, hoặc các phàm phu đang ở trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước không có thân ngữ biểu hiện, nếu như có mà mất.
3. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ở quá khứ cũng thành tựu đại chủng ở hiện tại. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi, hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước có thân ngữ biểu hiện không mất, hoặc sinh vào cõi sắc.
4. Có trường hợp không phải thành tựu sắc được tạo ở quá khứ cũng không phải thành tựu đại chủng ở hiện tại. Nghĩa là bậc A-lahán hoặc các phàm phu sinh ở cõi vô sắc.
Hỏi: Nếu thành tựu sắc được tạo ở quá khứ thì cũng thành tựu sắc được tạo ở hiện tại chăng?
Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:
1. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ở quá khứ không phải là sắc được tạo ở hiện tại. Nghĩa là các vị hữu học sinh nơi cõi vô sắc.
2. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ở hiện tại không phải là sắc được tạo ở quá khứ. Nghĩa là ở trong trứng, hoặc các phàm phu đang ở trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước không có thân ngữ biểu hiện, hay có mà mất.
3. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ở quá khứ cũng thành tựu sắc được tạo ở hiện tại. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi, hoặc trụ nơi không luật nghi, hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước có thân ngữ biểu hiện không mất, hoặc sinh vào cõi sắc.
4. Có trường hợp không phải thành tựu sắc được tạo ở quá khứ cũng không phải thành tựu sắc được tạo ở hiện tại. Nghĩa là bậc A-lahán hoặc các phàm phu sinh ở cõi vô sắc, vì đã bỏ quá khứ, còn hiện tại có thân vô sắc.
Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng ở vị lai thì cũng thành tựu sắc được tạo ở vị lai chăng?
Đáp: Không có thành tựu đại chủng ở vị lai, chỉ có thành tựu sắc được tạo ở vị lai. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc trụ nơi cõi dục, được tâm thiện ở cõi sắc, hoặc sinh vào cõi sắc, hoặc các bậc Thánh sinh vào cõi vô sắc.
Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng ở vị lai thì cũng thành tựu đại chủng ở hiện tại chăng?
Đáp: Không có thành tựu đại chủng ở vị lai, chỉ có thành tựu đại chủng ở hiện tại. Nghĩa là sinh vào cõi dục và cõi sắc. Vì không có việc sinh vào cõi dục và cõi sắc mà không thành tựu đại chủng.
Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng ở vị lai thì cũng thành tựu sắc được tạo ở hiện tại chăng?
Đáp: Không có thành tựu đại chủng ở vị lai, chỉ có thành tựu sắc được tạo ở hiện tại. Nghĩa là sinh vào cõi dục và cõi sắc. Vì không có việc sinh vào cõi dục và cõi sắc mà không thành tựu sắc được tạo ở hiện tại.
Hỏi: Nếu thành tựu sắc được tạo ở vị lai thì cũng thành tựu đại chủng ở hiện tại chăng?
Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:
1. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ở vị lai không phải là đại chủng ở hiện tại. Nghĩa là các bậc Thánh sinh vào cõi vô sắc.
2. Có trường hợp thành tựu đại chủng ở hiện tại không phải là sắc được tạo ở vị lai. Nghĩa là ở trong trứng, hoặc các phàm phu đang ở trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, không được tâm thiện ở cõi sắc.
3. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ở vị lai cũng thành tựu đại chủng ở hiện tại. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, có được tâm thiện ở cõi sắc, hoặc sinh vào cõi sắc.
4. Có trường hợp không phải thành tựu sắc được tạo ở vị lai cũng không phải thành tựu đại chủng ở hiện tại. Nghĩa là các phàm phu sinh vào cõi vô sắc.
Hỏi: Nếu thành tựu sắc được tạo ở vị lai thì cũng thành tựu sắc được tạo ở hiện tại chăng?
Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:
1. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ở vị lai không phải là sắc được tạo ở hiện tại. Nghĩa là các bậc Thánh sinh vào cõi vô sắc.
2. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ở hiện tại không phải là sắc được tạo ở vị lai. Nghĩa là ở trong trứng, hoặc các phàm phu đang ở trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục không được tâm thiện ở cõi sắc.
3. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ở vị lai cũng thành tựu sắc được tạo ở hiện tại. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, có được tâm thiện ở cõi sắc, hoặc sinh vào cõi sắc.
4. Có trường hợp không phải thành tựu sắc được tạo ở vị lai cũng không phải thành tựu sắc được tạo ở hiện tại. Nghĩa là các phàm phu sinh vào cõi vô sắc.
Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng ở hiện tại thì cũng thành tựu sắc được tạo ở hiện tại chăng?
Đáp: Đúng thế.
Hỏi: Nếu như thành tựu sắc được tạo ở hiện tại thì cũng thành tựu đại chủng ở hiện tại chăng?
Đáp: Đúng thế. Vì không có đại chủng nào ở hiện tại không có quả, cũng như không có sắc được tạo ở hiện tại nào không có nhân.
Hỏi: Đại chủng ở quá khứ cùng với đại chủng ở quá khứ làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có hai nhân là câu hữu và đồng loại. Nghĩa là cùng sinh và cùng trông cậy vào nhau là nhân câu hữu. Còn đời trước và đời sau là nhân đồng loại. Về tăng thượng, tức là không sinh chướng ngại và hoàn toàn không có chướng ngại.
Hỏi: Đại chủng ở quá khứ cùng với sắc được tạo ở quá khứ làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có năm nhân là nhân sinh, nhân dựa, nhân lập, nhân trì, nhân dưỡng. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở quá khứ cùng với sắc được tạo ở quá khứ làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có ba nhân là câu hữu, đồng loại và dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở quá khứ cùng với đại chủng ở quá khứ làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở quá khứ cùng với đại chủng ở vị lai làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là đồng loại. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở vị lai cùng với đại chủng ở vị lai làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là câu hữu. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở vị lai cùng với đại chủng ở quá khứ làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở quá khứ cùng với sắc được tạo ở vị lai làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có năm nhân, tức là năm thứ như nhân sinh v.v… Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở vị lai cùng với sắc được tạo ở vị lai làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có hai nhân là câu hữu và dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở vị lai cùng với đại chủng ở quá khứ làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở quá khứ cùng với đại chủng ở hiện tại làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là đồng loại. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở hiện tại cùng với đại chủng ở hiện tại làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có thuyết nói: Trong đây chỉ dựa vào sát-na ở hiện tại để tạo luận, nên chỉ có một nhân là câu hữu. Có thuyết lại cho: Trong đây là căn cứ chung vào phần vị sát-na nơi một đời hiện tại để tạo luận, nên có hai nhân là câu hữu và đồng loại. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở hiện tại cùng với đại chủng ở quá khứ làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở quá khứ cùng với sắc được tạo ở hiện tại làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có năm nhân là nhân sinh v.v… Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở hiện tại cùng với sắc được tạo ở hiện tại làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có thuyết nói: Trong đây chỉ dựa vào sát-na ở hiện tại để tạo luận, nên chỉ có một nhân là câu hữu. Có thuyết lại cho: Trong đây căn cứ chung vào phần vị của các sát-na nơi một đời hiện tại để tạo luận, nên có ba nhân là câu hữu, đồng loại và dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở hiện tại cùng với đại chủng ở quá khứ làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở quá khứ cùng với đại chủng ở vị lai làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở vị lai cùng với sắc được tạo ở quá khứ làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở quá khứ cùng với sắc được tạo ở vị lai làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có hai nhân là đồng loại và dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở vị lai cùng với sắc được tạo ở quá khứ làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở quá khứ cùng với đại chủng ở hiện tại làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở hiện tại cùng với sắc được tạo ở quá khứ làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở quá khứ cùng với sắc được tạo ở hiện tại làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có hai nhân là đồng loại và dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở hiện tại cùng với sắc được tạo ở quá khứ làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở vị lai cùng với sắc được tạo ở vị lai làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có năm nhân là nhân sinh v.v… Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở vị lai cùng với đại chủng ở vị lai làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở vị lai cùng với đại chủng ở hiện tại làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở hiện tại cùng với đại chủng ở vị lai làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là đồng loại. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở vị lai cùng với sắc được tạo ở hiện tại làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở hiện tại cùng với đại chủng ở vị lai làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở vị lai cùng với đại chủng ở hiện tại làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở vị lai cùng với đại chủng ở hiện tại làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có năm nhân là nhân sinh v.v… Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở vị lai cùng với sắc được tạo ở hiện tại làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở hiện tại cùng với sắc được tạo ở vị lai làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có hai nhân là đồng loại và dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Đại chủng ở hiện tại cùng với sắc được tạo ở hiện tại làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có năm nhân là nhân sinh v.v… Về tăng thượng như trước đã nói.
Hỏi: Sắc được tạo ở hiện tại cùng với đại chủng ở hiện tại làm bao nhiêu duyên?
Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.
Các thuyết nói: Trong đây là căn cứ vào phần vị của sát-na nơi một đời hiện tại để tạo luận, tức phù hợp với câu đáp trên. Còn những thuyết nói ở đây chỉ căn cứ vào sát-na hiện tại để tạo luận, nên đáp: Chỉ có một thứ là tăng thượng duyên, tức cùng với lời đáp của bản luận không tương ưng.
Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thuộc cõi dục thì cũng thành tựu sắc được tạo thuộc cõi dục chăng?
Đáp: Đúng thế.
Hỏi: Nếu như thành tựu sắc được tạo thuộc cõi dục thì cũng thành tựu đại chủng thuộc cõi dục chăng?
Đáp: Đúng thế. Vì không có việc thành tựu đại chủng thuộc cõi dục nào mà không phải là quả. Cũng không có việc thành tựu đại chủng thuộc cõi dục nào mà không phải là nhân.
Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thuộc cõi dục thì cũng thành tựu đại chủng thuộc cõi sắc chăng?
Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:
1. Có trường hợp thành tựu đại chủng thuộc cõi dục không phải là đại chủng thuộc cõi sắc. Nghĩa là sinh ở cõi dục, đại chủng của cõi sắc không hiện tiền.
2. Có trường hợp thành tựu đại chủng thuộc cõi sắc không phải là đại chủng thuộc cõi dục. Nghĩa là sinh ở cõi sắc, không tạo tác biến hóa ở cõi dục, không phát ra lời nói ở cõi dục.
3. Có trường hợp thành tựu đại chủng thuộc cõi dục cũng thành tựu đại chủng thuộc cõi sắc. Nghĩa là sinh ở cõi dục, đại chủng của cõi sắc hiện tiền. Hoặc sinh ở cõi sắc, có tạo tác biến hóa ở cõi dục, phát ra lời nói ở cõi dục.
4. Có trường hợp không phải thành tựu đại chủng thuộc cõi dục cũng không phải thành tựu đại chủng thuộc cõi sắc. Nghĩa là sinh ở cõi vô sắc.
Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thuộc cõi dục thì cũng thành tựu sắc được tạo thuộc cõi sắc chăng?
Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:
1. Có trường hợp thành tựu đại chủng thuộc cõi dục không phải là sắc được tạo thuộc cõi sắc. Nghĩa là sinh ở cõi dục, không được tâm thiện ở cõi sắc.
2. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo thuộc cõi sắc không phải là đại chủng thuộc cõi dục. Nghĩa là sinh ở cõi sắc, không tạo tác biến hóa ở cõi dục, không phát ra lời nói ở cõi dục.
3. Có trường hợp thành tựu đại chủng thuộc cõi dục cũng thành tựu sắc được tạo thuộc cõi sắc. Nghĩa là sinh ở cõi dục, có được tâm thiện ở cõi sắc. Hoặc sinh ở cõi sắc, có tạo tác biến hóa ở cõi dục, phát ra lời nói ở cõi dục.
4. Có trường hợp không phải thành tựu đại chủng thuộc cõi dục cũng không phải thành tựu sắc được tạo thuộc cõi sắc. Nghĩa là sinh ở cõi vô sắc.
Hỏi: Nếu thành tựu sắc được tạo thuộc cõi dục thì cũng thành tựu đại chủng thuộc cõi sắc chăng?
Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:
1. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo thuộc cõi dục không phải là đại chủng thuộc cõi sắc. Nghĩa là sinh ở cõi dục, đại chủng của cõi sắc không hiện tiền.
2. Có trường hợp thành tựu đại chủng thuộc cõi sắc không phải là sắc được tạo thuộc cõi dục. Nghĩa là sinh ở cõi sắc, không tạo tác biến hóa ở cõi dục, không phát ra lời nói ở cõi dục.
3. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo ở cõi dục cũng thành tựu đại chủng thuộc cõi sắc. Nghĩa là sinh ở cõi dục, đại chủng của cõi sắc hiện tiền. Hoặc sinh ở cõi sắc, có tạo tác biến hóa ở cõi dục, phát ra lời nói ở cõi dục.
4. Có trường hợp không phải thành tựu sắc được tạo thuộc cõi dục cũng không phải thành tựu đại chủng ở cõi sắc. Nghĩa là sinh ở cõi vô sắc.
Hỏi: Nếu thành tựu sắc được tạo thuộc cõi dục thì cũng thành tựu sắc được tạo thuộc cõi sắc chăng?
Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:
1. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo thuộc cõi dục không phải là sắc được tạo thuộc cõi sắc. Nghĩa là sinh ở cõi dục, không có được tâm thiện ở cõi sắc.
2. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo thuộc cõi sắc không phải là sắc được tạo thuộc cõi dục. Nghĩa là sinh ở cõi sắc, không tạo tác biến hóa ở cõi dục, không phát ra lời nói ở cõi dục.
3. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo thuộc cõi dục cũng thành tựu sắc được tạo thuộc cõi sắc. Nghĩa là sinh ở cõi dục, có được tâm thiện ở cõi sắc, hoặc sinh ở cõi sắc, có tạo tác biến hóa ở cõi dục, phát ra lời nói ở cõi dục.
4. Có trường hợp không phải thành tựu sắc được tạo thuộc cõi dục cũng không phải thành tựu sắc được tạo thuộc cõi sắc. Nghĩa là sinh ở cõi vô sắc.
Hỏi: Nếu thành tựu đại chủng thuộc cõi sắc thì cũng thành tựu sắc được tạo thuộc cõi sắc chăng?
Đáp: Các người thành tựu đại chủng thuộc cõi sắc thì nhất định thành tựu sắc được tạo thuộc cõi sắc. Có trường hợp thành tựu sắc được tạo thuộc cõi sắc, không phải là đại chủng thuộc cõi sắc. Nghĩa là sinh ở cõi dục, có được tâm thiện ở cõi sắc, đại chủng của cõi sắc không hiện tiền.
Hỏi: Người sinh ở cõi dục, trụ nơi những tâm nào ở cõi sắc để khiến các đại chủng của cõi ấy hiện tiền, là hoàn toàn trụ nơi tâm thiện hay cả ba thứ? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì, hay đều thấy có lỗi? Nếu người hoàn toàn trụ nơi tâm thiện thì như Luận Thi Thiết nói làm sao thông? Như nói: Trụ nơi đấy hàng phàm phu không hiểu biết do khởi lên các triền sắc tham trói buộc, nên nơi năm uẩn có sắc hữu ở trong hiện pháp lấy thủ làm duyên hướng đến hữu vị lai. Nếu người trụ nơi ba thứ tâm, nếu là tâm thiện thì có thể như thế, vì có sắc tùy chuyển là quả của nó, còn tâm nhiễm ô và vô ký thì có quả nào khiến nó hiện tiền?
Đáp: Có thuyết nói: Chỉ trụ nơi tâm thiện.
Hỏi: Nếu thế thì Luận Thi Thiết nói làm sao thông?
Đáp: Luận ấy nói về sắc đã tăng trưởng ở trong thân.
Hỏi: Nếu như thế thì luận ấy nói làm sao thông? Như nói: Trụ nơi đấy, hàng phàm phu không hiểu biết do khởi lên các triền vô sắc tham trói buộc, nên nơi bốn uẩn không sắc, hữu ở trong hiện pháp lấy thủ làm duyên hướng đến hữu vị lai, thân đó cũng có sắc tăng trưởng, vì sao không nói?
Đáp: Có thuyết nói: Đáng lẽ nói nhưng không nói nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.
Có thuyết nói: Khi khởi lên triền của cõi kia thì không có sắc tăng trưởng, thế nên không nói.
Lại có thuyết nói: Đấy là trụ nơi ba thứ tâm.
Hỏi: Nếu trụ nơi tâm thiện thì có thể như thế, vì có quả tùy chuyển. Còn hai thứ tâm kia thì có quả gì để khiến nó hiện tiền?
Đáp: Người ấy sinh ở cõi dục, khi khởi tâm thiện ở cõi sắc, do sắc tùy chuyển nên khiến nó hiện tiền. Khi khởi tâm nhiễm ô, do có sắc của không giới nơi địa ấy cùng trụ xen lẫn trong thân này khiến nó hiện tiền. Khi khởi tâm vô ký, do có sắc hóa ở địa ấy khiến nó hiện tiền. Cho nên trụ nơi ba thứ tâm đều có thể khởi được đại chủng của địa ấy.
HẾT – QUYỂN 132