LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 131

Chương 5: ĐẠI CHỦNG UẨN

Phẩm 1: BÀN VỀ ĐẠI TẠO, phần 5

Như Khế kinh nói: Trưởng giả Ô-yết-la bạch Phật: Thưa Đức Thế Tôn! Có một lúc chính tay con cầm muổng múc các thức ăn uống dâng thí cho chư Tăng. Khi đó trên không trung có vị thiên thần bảo con: Trưởng giả nên biết! Đây là quả A-la-hán. Đây là hướng A-la-hán. Đây là quả Bất hoàn. Đây là hướng Bất hoàn. Đây là quả Nhất lai. Đây là hướng Nhất lai. Đây là quả Dự lưu. Đây là hướng Dự lưu. Đây là trì. Đây là phạm. Lúc ấy, tuy nghe những lời nói như thế, nhưng con rất tự tỉnh không hề có tâm bất bình đẳng, nên đối với Tăng chúng, con vẫn dùng tâm bình đẳng cúng dường.

Hỏi: Vị thiên thần đó là ai và vì nhân duyên gì lại đến nói với trưởng giả?

Đáp: Có thuyết nói: Đó là ma nơi các cõi trời muốn gây tạo trở ngại cho phẩm thiện của trưởng giả.

Có thuyết cho: Đó là quỷ dùng lời nói dối trá để mê hoặc, quấy rối trưởng giả.

Có Sư khác nêu: Vì vị trưởng giả này thường hay cúng tế trời nên các vị ấy hiện nơi không trung chỉ bày, hướng dẫn trưởng giả về sự sai khác của phước điền.

Có thuyết khác lại biện: Đó là người thân thuộc của trưởng giả thời quá khứ, sinh trên cõi trời, đến dùng lời thành thật hướng dẫn trưởng giả.

Hỏi: Nếu là hàng thân thuộc của trưởng giả thời quá khứ, ở bậc hướng Dự lưu, làm sao có thể nhận biết về kiến đạo một cách nhanh chóng, vốn không phải là cảnh của họ?

Đáp: Hướng Dự lưu có hai thứ: Là thế tục và thắng nghĩa. Khi được thuận phần quyết trạch gọi là thế tục, còn đã nhập kiến đạo gọi là thắng nghĩa. Trụ nơi hướng thế tục là cảnh giới của vị trời kia. Nếu là hướng thắng nghĩa thì như Tôn giả Xá-lợi-tử v.v… hãy còn không thể nhận biết hết, huống là vị trời ấy. Việc nêu bày của vị trời ấy chỉ là thế tục, vì vị này có thể thọ nhận thức ăn cúng thí của trưởng giả.

Cũng có kinh khác nói là hướng thắng nghĩa. Như Đức Thế Tôn bảo Bí-sô Bà-đà-lê: Nếu có Bí-sô là bậc Câu giải thoát, giả như Ta bảo vị ấy: Hãy ra bãi lầy kia, vì Ta mà giậm đạp nhảy múa. Này Bàđà-lê! Khi nghe bảo như thế thì ý ông nghĩ sao? Vị ấy nghe Ta bảo rồi chống cự lại chăng? Hay khi sắp bước nhẹ lên bãi lấy ấy rồi lui bước lánh đi, hoặc ngay khi giậm đạp lại tránh qua bên khác chăng? Bí-sô Bà-đà-lê đáp: Thưa không ạ. Đức Thế Tôn lại bảo Bí-sô Bàđà-lê: Này Bà-đà-lê! Khôngnói đến bậc Câu giải thoát. Nếu có Bí-sô là bậc Tuệ giải thoát, Ta cũng bảo vị ấy như thế, cho đến nói rộng. Lại từ bậc Tuệ giải thoát nói đến bậc Thân chứng, từ Thân chứng nói đến bậc Kiến chí, từ Kiến chí nói đến bậc Tín thắng giải, từ Tín thắng giải nói đến bậc Tùy pháp hành, từ Tùy pháp hành nói đến bậc Tùy tín hành. Đức Phật hỏi, Bí-sô Bà-đà-lê vẫn lần lượt đáp như trước.

Có thuyết nói: Kinh này cũng nói về hướng và quả Dự lưu thế tục, do trong kiến đạo không thể nghe nhận nghĩa của lời Phật nói.

Lời bình: Trong đây thuyết nói về hướng thắng nghĩa đối với lý là đúng, vì có nói đến Tùy tín, Tùy pháp hành.

Hỏi: Khi trụ nơi kiến đạo, không thể nghe nhận nghĩa của lời Phật nói, nếu không có tâm khác thì làm thế nào Đức Thế Tôn dùng lời để nói với họ?

Đáp: Đức Thế Tôn dựa vào chí vui thích của người ấy để nói, sự việc như thế thì không có phân biệt. Giả như bậc kiến đạo có tâm phân biệt khác nên có thể hiểu được ý nghĩa nơi lời nói ấy của Đức Như Lai, tất phải bỏ kiến đạo để làm theo lệnh dạy. Ở đây Đức Phật có ý quở trách Bí-sô Bà-đà-lê: Những người trụ trong kiến đạo hãy còn nghe theo lời Ta bảo, huống là ông đã xa lìa tất cả công đức, lại sinh tâm trái nghịch đối với Ta sao. Thế nên trong đây là nói về hướng thắng nghĩa.

Hỏi: Vì sao trưởng giả kia tuy có nghe lời của vị trời nói vẫn dùng tâm bình đẳng để cúng thí chư Tăng?

Đáp: Có thuyết nói: Tăng chúng đều chỉ do một lời mời thỉnh của trưởng giả, đều tụ họp đông đủ, nên ông ấy nghĩ: Đây đều là chư vị theo một tiếng kiền chùy của ta đã tập hợp đông đủ, vậy ta nên có tâm bình đẳng cúng thí đối với họ.

Có thuyết cho: Tăng chúng thọ nhận các thức ăn uống ấy đều được dứt hết đói khát không sai biệt. Nên trưởng giả suy nghĩ: Ta cúng thí các thức ăn uống này là để dứt trừ đói khát. Vậy thì vị A-lahán hay hàng phàm phu còn đủ các thứ trói buộc khi thọ dụng các thức ăn uống ấy cùng dứt hết đói khát như nhau, vì thế đối với chư vị ta không nên có tâm cúng thí không bình đẳng.

Có thuyết nêu: Trưởng giả cúng thí thức ăn uống cho chúng Tăng bản ý chỉ muốn tạo lợi ích cho người khác, nên ông suy nghĩ: Ta cúng thí thức ăn uống này để tạo lợi ích cho người khác không phải vì tự lợi. Thế nên bậc A-la-hán thọ nhận thức ăn của ta có được lợi ích, người hủy phạm giới thọ nhận thức ăn của ta cũng như vậy.

Do đó ta nguyện cúng thí với tâm bình đẳng.

Có thuyết nói: Trưởng giả muốn tránh các sự việc yêu mến, giận trách, nên suy nghĩ: Nếu cúng thí không bình đẳng cho chư Tăng thì họ sẽ giận trách, hoặc yêu mến ta, do đó sẽ chiêu cảm quả không như ý, ta tức đối với một số vị kia trở thành oán đối, đâu được gọi là thí chủ chân tịnh.

Có thuyết cho: Trưởng giả này tuân theo lời Phật dạy nên suy nghĩ: Đức Như Lai thường nói nếu có người đối với một Bổ-đặc-giàla đem tâm kính trọng, cúng dường thiên lệch thì phạm năm lỗi lầm. Nếu có một lỗi hãy còn không nên làm huống là năm lỗi.

Có thuyết nêu: Trưởng giả không mong cầu quả báo, nên suy nghĩ: Dị thục của quả thí chỉ thọ nhận nơi cõi dục. Ta nếu mạng chung sẽ sinh vào cõi sắc thì quả thí đối với ta thật là vô ích. Giả như có lợi ích hãy còn không mong cầu huống là vô ích, thế nên ta chỉ bố thí với tâm bình đẳng.

Có thuyết nói: Trưởng giả kính trọng chư vị xuất gia, nên suy nghĩ: Ta đã lìa nhiễm dục, được quả Bất hoàn, nhưng vẫn còn ở nơi gia đình, chưa thể lìa bỏ được các quyến thuộc, tiền của. Các vị xuất gia này tuy có người còn đủ những thứ triền phược, nhưng đối với gia đình, quyến thuộc, tiền của đều có thể từ bỏ, không tích tập, lại thọ trì giới cấm của Phật, trọn đời tu hành, thuần nhất phạm hạnh, thanh tịnh viên mãn. Nếu như có vị nào mất chánh niệm, hủy phạm giới, cũng luôn sinh hổ thẹn sâu xa, mong cầu được thanh tịnh trở lại. Ta hãy còn ở nơi gia đình chưa được như thế, nên cần phải cúng thí với tâm bình đẳng.

Có thuyết cho: Trưởng giả vì trọng các hình tướng oai nghi, nên khởi suy nghĩ: Các vị xuất gia đã cạo bỏ râu tóc, mặc cà-sa, hình tướng oai nghi đồng với Phật, tuy là người giữ giới hay phá giới, đều khiến cho thế gian chiêm ngưỡng sinh phước, làm phước điền cho mọi người, vậy ta nên đem tâm bình đẳng để cúng thí chư vị.

Có thuyết nêu: Trưởng giả mang ân Đức Phật, nên khởi suy nghĩ: Ta nương vào pháp Phật, có được nhẫn trí, dùng kiếm, chày kim cang phá bỏ hai mươi ngọn núi thân kiến, đoạn dứt hết vô số gốc rễ của nẻo ác, tạo được biên vực của hữu, nhất định tiến đến Niếtbàn, ở trong bốn đế được tuệ nhãn thanh tịnh, diệt hết các kiết phần dưới, ra khỏi vũng bùn lầy ái dục, vậy ta không nên hành tuệ thí đối với các vị đệ tử của Phật theo tâm không bình đẳng.

Có thuyết biện: Trưởng giả nhằm hiển bày mình đã đạt được giác tuệ bền chắc, không thể lay chuyển, nên khởi suy nghĩ: Giác tuệ bền chắc của ta há theo lời nói dễ dãi của vị trời kia mà có chuyển biến, nên đối với Tăng chúng ông đã cúng thí theo tâm bình đẳng, để chứng tỏ mình được như thế, nên ông đến bạch Phật.

Như Khế kinh nói: Đức Phật bảo nói với Tôn giả Khánh Hỷ: Cúng thí thức ăn có hai quả không sai biệt: 1. Bồ-tát thọ nhận thức ăn rồi, chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng. 2. Như Lai thọ nhận thức ăn rồi, nhập nơi cảnh giới Đại Niết-bàn vô dư.

Hỏi: Khi thọ nhận thức ăn lần đầu là có tham, sân, si, còn khi thọ nhận thức ăn lần sau thì tham, sân, si đã dứt hết, do đâu quả thí không sai biệt?

Đáp: Do ý nghĩ và phước điền có thù thắng riêng. Đức Phật căn cứ vào sự thù thắng riêng ấy để nói là quả không sai biệt. Nghĩa là khi thọ nhận thức ăn lần đầu là do hai chị em Nan-đà và Nan-đà-bạt-la nghe nói Bồ-tát thọ nhận cháo sữa ngọt thơm đã mười sáu lần biến đổi, tất sẽ thành tựu đạo quả Chánh Đẳng Giác vô thượng, nên họ vui vẻ bội phần, phát khởi ý nghĩ thù thắng, dâng cháo sữa lên để cúng dường Bồ-tát. Bồ-tát thọ dụng xong thì ngay trong đêm đó hàng phục quân ma, thành tựu Chánh đẳng Chánh giác. Hai cô gái nghe được thì càng hoan hỷ, phát khởi ý nghĩ thù thắng, tuy sự cúng thí của các cô đối với phước điền không phải là thù thắng, nhưng do ý nghĩ thù thắng nên có thể chiêu cảm quả thù thắng.

Về ông Chuẩn-đà đối với Đức Phật khi sắp nhập Niết-bàn, thấy thân hình Đức Phật có ít nhiều suy biến, lại nghe nói không bao lâu nữa Ngài sẽ nhập Niết-bàn, tâm mến mộ không thể tự kìm chế nên rối loạn tức tư nguyện thù thắng không thể hiện tiền, nhưng do phước điền là thù thắng, nên có thể chiêu cảm quả thù thắng. Đức Phật căn cứ vào đó nên nói quả không sai khác.

Có thuyết khác cho: Vì muốn ngăn chận tâm biến hối của ông Chuẩn-đà.

Như kinh kia nói: Phật nói với Tôn giả A-nan: Nếu ông Chuẩnđà con của người thợ khéo kia, hoặc do người khác dẫn dắt, hoặc tự mình tìm xét, đối với việc cúng thí thức ăn sinh tâm biến chuyển hối tiếc, tức ở nơi sự việc khó được không thể đạt được. Sự việc khó được đó là lần cúng dường sau cùng khi chư Phật sắp nhập Niết-bàn. Ông ấy nếu sinh tâm biến chuyển hối tiếc thì Tôn giả nên dùng sáu xứ để khuyên dẫn. Nghĩa là do nhân duyên thí thức ăn, nên có thể chiêu cảm các thứ sống lâu, có sắc đẹp, sức khỏe, an vui, tiếng khen, giàu sang, làm quan v.v… Tôi ở bên Đức Thế Tôn đã từng nghe sự việc này. Cúng thí thức ăn có hai quả không sai khác: 1. Bồ-tát thọ nhận thức ăn rồi, chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Bồ-đề vô thượng. 2. Như Lai thọ nhận thức ăn rồi, nhập nơi cảnh giới Đại Niết-bàn vô dư.

Lại nên nói với ông Chuẩn-đà: Nên biết, trong việc cúng thí thức ăn, nếu sinh tâm biến chuyển hối tiếc, thì đối với sự việc khó được là không đạt được. Nếu như không có dịp may cúng dường cháo sữa cho Bồ-tát khi sắp thành Phật để có được phước thù thắng, thì nên cẩn thận chớ có biến chuyển hối tiếc. Do đó nên nói hai quả không sai khác.

Có thuyết nêu: Cả hai lúc cúng thí đều có thể giúp ích nuôi sống thân đã lìa nhiễm. Tức thức ăn khi đã tiêu hóa là có thể tạo được sự việc do thức ăn đem lại, Đức Phật nơi cuối đêm ấy đã thành Chánh giác. Như thành Chánh giác thì đối với nhập Niết-bàn cũng vậy. Cho nên nói quả của hai sự cúng thí không sai khác.

Có thuyết biện: Thọ nhận thức ăn lần đầu xong là chứng đắc pháp Phật. Thọ nhận thức ăn lần sau xong là thọ dụng pháp Phật. Các thứ tu đắc, tu tập nói cũng như thế.

Có thuyết nói: Thọ nhận thức ăn lần đầu xong là nhập vào tất cả tĩnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí. Thọ nhận thức ăn lần sau xong là cũng nhập vào tất cả tĩnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí.

Có thuyết cho: Thọ nhận thức ăn lần đầu xong là vượt qua sông phiền não. Thọ nhận thức ăn lần sau xong là vượt qua sông sinh tử.

Có thuyết nêu: Thọ nhận thức ăn lần đầu xong là làm khô cạn biển phiền não. Thọ nhận thức ăn lần sau xong là làm khô cạn biển sinh tử.

Như thế, nói nhổ tung cây phiền não, nhổ tung cây sinh tử, phá tan núi phiền não, phá tan núi sinh tử, vượt khỏi chỗ nương dựa của phiền não, vượt khỏi chỗ nương dựa của sinh tử cũng vậy.

Có thuyết biện: Thọ nhận thức ăn lần đầu xong là từ bỏ tập đế. Thọ nhận thức ăn lần sau xong là từ bỏ khổ đế.

Có thuyết nói: Thọ nhận thức ăn lần đầu xong là chứng nhập đạo đế. Thọ nhận thức ăn lần sau xong là chứng nhập diệt đế.

Có thuyết cho: Thọ nhận thức ăn lần đầu xong là bỏ tập nhập đạo. Thọ nhận thức ăn lần sau xong là bỏ khổ nhập diệt.

Có thuyết nêu: Thọ nhận thức ăn lần đầu xong là vượt khỏi các lậu. Thọ nhận thức ăn lần sau xong là vượt khỏi pháp thuận theo lậu.

Có thuyết biện: Thọ nhận thức ăn lần đầu xong là vượt khỏi bốn bộc lưu. Thọ nhận thức ăn lần sau xong là vượt khỏi pháp thuận theo bộc lưu.

Như nói bộc lưu và thuận bộc lưu vượt khỏi có sai khác, thì các thứ: Ách và thuận ách, thủ và thuận thủ, thân bị trói buộc và thuận thân bị trói buộc, các thứ ngăn che (cái) và thuận các thứ ngăn che nói về vượt khỏi cũng như thế.

Có thuyết nói: Thọ nhận thức ăn lần đầu xong là phá trừ hai thứ ma, tức ma phiền não và ma trời Tự tại. Thọ nhận thức ăn lần sau xong là cũng phá trừ hai thứ ma, đó là ma uẩn và ma chết.

Có thuyết cho: Thọ nhận thức ăn lần đầu xong là nhập vào cảnh giới Đại Niết-bàn hữu dư. Thọ nhận thức ăn lần sau xong là nhập vào cảnh giới Đại Niết-bàn vô dư.

Đức Phật đã căn cứ vào các nhân duyên như thế để nói là có hai thứ quả cúng thí không sai khác.

***

Chương 5: ĐẠI CHỦNG UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ DUYÊN, phần 1

* Đại chủng cùng với đại chủng làm bao nhiêu duyên? Các chương như thế và việc giải nghĩa của chương đã lãnh hội rồi nên phân biệt rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn ngăn chận các điều do phái Thí dụ đã nói. Phái ấy nói: Tánh của duyên không phải là pháp thật có.

Hỏi: Phái ấy do đâu để nói như thế?

Đáp: Phái ấy căn cứ vào Khế kinh. Như Khế kinh nói: Vô minh duyên hành, tướng của hành có khác với một tướng của vô minh. Như vậy làm sao vô minh của một tướng làm duyên sinh ra hành có tướng khác mà duyên là thật có?

Tôn giả cũng nói: Duyên là do các Sư giả lập danh hiệu, Thể của nó không thật có.

Cũng nhằm ngăn chận các điều đã nói như thế, nêu bày rõ Thể của các duyên là thật có. Nếu tánh của các duyên là không thật có, thì tất cả các pháp đều không thật có. Vì nhân duyên gồm thâu tất cả các pháp hữu vi. Đẳng vô gián duyên gồm thâu tất cả tâm, tâm sở còn lại của quá khứ và hiện tại, trừ nhóm tâm sau cùng của bậc A-la-hán. Sở duyên duyên và tăng thượng duyên thì gồm thâu tất cả các pháp.

Lại, nếu tánh của duyên là không thật có, thì không thể thiết lập các pháp sâu xa. Nghĩa là nếu không nương vào nhân duyên để quán xét thì tánh của các pháp thô thiển, dễ nhận biết. Nhưng nếu dùng nhân duyên để quán xét thì nghĩa lý thâm diệu vượt quá bốn biển lớn, chỉ Đức Phật mới có thể nhận biết, người khác không thể lường xét được.

Lại, nếu tánh của duyên là không thật có, thì không thể thiết lập có ba Bồ-đề. Nghĩa là do thượng trí quán nhân duyên nên chứng đắc Bồ-đề của Phật. Do trung trí quán nhân duyên nên chứng đắc Bồ-đề của Độc giác. Do hạ trí quán nhân duyên nên chứng đắc Bồ-đề của Thanh văn.

Lại, nếu tánh của duyên là không thật có, thì không thể thiết lập có ba phẩm tuệ. Nghĩa là phẩm tuệ bậc thấp luôn là thấp, phẩm tuệ bậc trung luôn là trung, phẩm tuệ bậc thượng luôn là thượng, vì không có sức của duyên thật để khiến có tăng giảm. Nếu như thế thì không có thầy có trò, không có giáo hóa tu tập, và tánh của thầy trò không có chuyển đổi.

Tôn giả Diệu Âm cũng nói: Nếu duyên không phải là thật có, thì thầy đâu khiến đệ tử thay đổi giác tuệ để chuyển từ bậc thấp lên bậc trung, từ bậc trung lên bậc thượng, do không có tu tập không duyên khiến tăng trưởng. Thầy trò, dạy dỗ, tức nên không được thành, vì thầy luôn là thầy, đệ tử cũng thế. Do các lý đã nêu bày như thế nên biết tự tánh của duyên quyết định là thật có.

Hỏi: Nếu duyên là thật có, thì nghĩa nơi kinh do các Luận sư của phái Thí dụ đã nêu dẫn làm sao thông?

Đáp: Vô minh tuy là một, nhưng tác dụng thì có nhiều. Vì nhiều tác dụng làm duyên nên sinh ra hành có tướng khác. Do các pháp hữu vi đã tùy theo, nhờ vào nhiều duyên nên có vô số môn tác dụng sai biệt. Ví như một sĩ phu có năm khả năng nhưng không trái nhau. Việc kia cũng như thế.

Có thuyết nói: Vì muốn chỉ rõ tự tánh của các pháp hữu vi là yếu kém, không thể tự mình khởi lên được, tất phải nhờ vào duyên khác, chúng không thật có tác dụng, không có tự tại, nên tạo ra phần Luận này.

Trong đây, nói tự tánh là tự thể của pháp, hoặc cho đây là hiển bày tự tánh của các pháp được sinh ra là yếu kém. Do yếu kém nên cần phải nhờ vào bốn duyên, hoặc ba duyên, hai duyên mới sinh khởi được. Hãy còn không có pháp chỉ nhờ vào một duyên sinh ra, huống là không nhờ vào duyên nào. Cũng như người bệnh yếu ớt, tất phải dựa vào bốn hoặc ba hay hai người để dìu đỡ mới đứng lên đi lại được. Hãy còn không có việc chỉ nhờ vào một người, huống là hoàn toàn không nhờ ai.

Hoặc lại cho: Đây là hiển bày tự tánh của nhân duyên nơi chủ thể sinh ra là yếu kém. Do yếu kém nên cần phải hợp lại bốn hoặc ba, hai duyên cùng hỗ trợ mới có thể sinh ra pháp. Như người yếu kém cần phải có bốn, ba, hoặc hai người cùng giúp đỡ mới có thể làm xong một công việc.

Như Khế kinh nói: Sắc là vô thường, nên nhân duyên của sắc tánh cũng là vô thường. Sắc do vô thường khởi tạo nên thì sao là thường có được. Do tánh các pháp hữu vi yếu kém nên không thể tự mình khởi lên. Nghĩa là chúng không có sức mạnh để có thể tự mình sinh ra. Do vì không thể tự sinh nên phải nhờ vào các thứ khác để khởi, tức cần nhờ sức của duyên mới được sinh. Do phải nhờ vào duyên khác nên không có tác dụng. Nghĩa là các pháp không hề nghĩ: Ta nên làm cái gì, ai khiến ta làm. Vì không có tác dụng nên không tự tại. Nghĩa là các pháp hữu vi không được tự tại trong phần: Ta chớ nên khởi, ta chớ nên diệt.

Có thuyết nói: Vì nhằm dứt trừ sự ngu tối của các duyên khởi nên tạo ra phần Luận này. Ngu tối về duyên khởi: Nghĩa là những người kia nghe nói vô minh duyên hành v.v… cho đến sinh duyên lão tử, liền cho chỉ có thứ này là pháp duyên khởi. Nay muốn quyết định làm sáng tỏ từ duyên sinh: Các pháp trong ngoài đều là duyên khởi. Do các duyên ấy nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Đại chủng cùng với đại chủng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Nhân thì có hai nhân, là câu hữu và đồng loại. Cùng sinh ra, cùng trông cậy vào nhau là nhân câu hữu. Đời trước và đời sau là nhân đồng loại. Tăng thượng nghĩa là không sinh chướng ngại và hoàn toàn không có chướng ngại.

Đây là căn cứ vào tướng chung của các chủng loại để nói. Nhưng bốn đại chủng có mười một thứ. Nghĩa là chỗ nương của nhãn xứ cho đến chỗ nương của pháp xứ. Chỗ nương của nhãn xứ cùng với chỗ nương của nhãn xứ làm nhân duyên, tăng thượng duyên. Cùng với chỗ nương còn lại chỉ làm một tăng thượng duyên. Cho đến chỗ nương của pháp xứ cùng với chỗ nương của pháp xứ làm nhân duyên, tăng thượng duyên. Cùng với chỗ nương còn lại chỉ làm một tăng thượng duyên.

Chỗ nương của nhãn xứ là đại chủng lại có hai thứ: Tức là trái và phải. Bên trái cùng với chỗ nương của bên trái làm nhân duyên, tăng thượng duyên. Cùng với chỗ nương của bên phải chỉ làm một tăng thượng duyên. Bên phải cùng với chỗ nương của bên phải làm nhân duyên, tăng thượng duyên. Cùng với chỗ nương của bên trái chỉ làm một tăng thượng duyên.

Chỗ nương của mắt là đại chủng lại có hai thứ: Đó là chỗ nuôi lớn và dị thục sinh. Nuôi lớn cùng với nuôi lớn làm nhân duyên, tăng thượng duyên. Cùng với dị thục sinh chỉ làm một tăng thượng duyên. Dị thục cùng với dị thục làm nhân duyên, tăng thượng duyên. Cùng với chỗ nuôi lớn chỉ làm một tăng thượng duyên.

Đại chủng của dị thục lại có hai thứ: Tức là dị thục của nghiệp thiện và dị thục của nghiệp bất thiện. Dị thục của nghiệp thiện cùng với dị thục của nghiệp thiện làm nhân duyên, tăng thượng duyên. Cùng với dị thục của nghiệp bất thiện chỉ làm một tăng thượng duyên. Về nghiệp bất thiện cũng nói như thế.

Đại chủng nơi dị thục của nghiệp thiện lại có hai thứ: Tức là trời và người. Trời cùng với trời làm nhân duyên, tăng thượng duyên. Cùng với người chỉ làm một tăng thượng duyên. Về người cũng nói như thế.

Đại chủng của trời lại có hai thứ: Đó là cõi dục và cõi sắc. Cõi dục cùng với cõi dục làm nhân duyên, tăng thượng duyên. Cùng với cõi sắc chỉ làm một tăng thượng duyên. Về cõi sắc cũng nói như thế.

Đại chủng của cõi sắc lại có bốn thứ: Đó là tĩnh lự thứ nhất cho đến tĩnh lự thứ tư. Tĩnh lự thứ nhất cùng với tĩnh lự thứ nhất làm nhân duyên, tăng thượng duyên. Cùng với tĩnh lự khác chỉ làm một tăng thượng duyên. Cho đến tĩnh lự thứ tư cũng nói như thế.

Đại chủng nơi dị thục của nghiệp bất thiện lại có ba thứ: Tức là địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ. Địa ngục cùng với địa ngục làm nhân duyên, tăng thượng duyên. Cùng với hai nẻo kia chỉ làm một tăng thượng duyên. Bàng sinh và ngạ quỷ cũng nói như thế.

Như nói về dị thục, về nuôi lớn cũng vậy. Như nói về trái, phải cũng thế. Như nói về chỗ nương của nhãn xứ là đại chủng, cho đến chỗ nương của pháp xứ là đại chủng cũng vậy. Ở đây có khác biệt là năm xứ bên ngoài có thân mình và thân người khác, có hữu tình và phi tình v.v… với những sai biệt nên suy xét.

Hỏi: Đồng nẻo, đồng địa, nơi chốn sai khác, nhưng lần lượt cùng trông cậy vào nhau thì có làm nhân không?

Đáp: Có thuyết nói: Không nhân. Điều này không đúng lý, vì phải có đại chủng là sát-na. Nghĩa là đại chủng hiện có ở năm Tịnh cư từ vô thỉ sinh tử chưa từng khởi. Các sắc được tạo có mười một thứ, căn cứ theo đại chủng đã nói rộng ở trước nên biết.

Hỏi: Đại chủng cùng với sắc được tạo làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có năm nhân là nhân sinh, nhân dựa, nhân lập, nhân trì, nhân dưỡng. Về tăng thượng tức là không sinh chướng ngại và hoàn toàn không có chướng ngại.

Có thuyết cho: Đại chủng cùng với xúc được tạo làm nhân đồng loại. Điều này không đúng lý, vì đại chủng cùng với xúc được tạo không phải là đồng loại.

Hỏi: Sắc được tạo cùng với sắc được tạo làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có ba nhân là câu hữu, đồng loại, dị thục. Về tăng thượng tức là không sinh chướng ngại và hoàn toàn không có chướng ngại. Đây là nói về tướng chung, còn nói về sai biệt thì căn cứ theo đại chủng ở trước như lý nên suy xét.

Hỏi: Sắc được tạo cùng với đại chủng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân chỉ một nhân là dị thục. Về tăng thượng tức là không sinh chướng ngại và hoàn toàn không có chướng ngại.

Có thuyết nói: Xúc được tạo cùng với đại chủng làm nhân đồng loại. Điều này không đúng lý, vì xúc được tạo và đại chủng không phải là đồng loại.

Hỏi: Đại chủng cùng với tâm tâm sở pháp làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về sở duyên nghĩa là cùng với thân thức và pháp tương ưng với nó, cùng với ý thức và pháp tương ưng với nó làm sở duyên duyên. Thân thức và pháp tương ưng giữ lấy tự tướng, ý thức và pháp tương ưng thì giữ lấy tự tướng và cộng tướng. Về tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Tâm tâm sở pháp cùng với tâm tâm sở pháp làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có năm nhân, tức là tương ưng, câu hữu, đồng loại, biến hành và dị thục. Đẳng vô gián nghĩa là tâm tâm sở pháp là đẳng vô gián với tâm tâm sở pháp hiện tiền. Về sở duyên nghĩa là tâm tâm sở pháp cùng với tâm tâm sở pháp làm sở duyên duyên. Về tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Tâm tâm sở pháp cùng với đại chủng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là nhân dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Đại chủng cùng với nhãn xứ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có năm nhân, tức là nhân sinh v.v… Về tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Nhãn xứ cùng với nhãn xứ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân là một nhân tức nhân đồng loại. Về tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Nhãn xứ cùng với đại chủng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.

Như nhãn xứ, các xứ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, hương, vị cũng vậy.

Hỏi: Đại chủng cùng với sắc xứ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có năm nhân, tức là nhân sinh v.v… Về tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Sắc xứ cùng với sắc xứ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có hai nhân là đồng loại và dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Sắc xứ cùng với đại chủng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là nhân dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.

Như sắc xứ, thì thanh xứ, xúc xứ cũng thế. Đó là nói chung, nhưng về nghĩa có khác. Tức là đại chủng cùng với thanh xứ làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có năm nhân, tức là nhân sinh v.v… Về tăng thượng như trước đã nói.

Thanh xứ cùng với thanh xứ làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là nhân đồng loại. Về tăng thượng như trước đã nói.

Thanh xứ cùng với đại chủng làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là nhân dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.

Đại chủng cùng với xúc xứ làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có bảy nhân, tức là năm nhân như nhân sinh v.v… và nhân câu hữu, đồng loại. Về tăng thượng như trước đã nói.

Xúc xứ cùng với xúc xứ làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có bảy nhân là năm nhân như nhân sinh v.v… và nhân câu hữu, đồng loại. Về tăng thượng như trước đã nói.

Xúc xứ cùng với đại chủng làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có hai nhân là câu hữu và đồng loại. Về tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Đại chủng cùng với ý xứ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về sở duyên nghĩa là cùng với thân thức và ý thức làm sở duyên duyên. Thân thức giữ lấy tự tướng, còn ý thức thì giữ lấy tự tướng và cộng tướng. Thân thức giữ lấy thời, hoặc một, hoặc nhiều nói rộng như trước.

Hỏi: Ý xứ cùng với ý xứ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có ba nhân là đồng loại, biến hành, dị thục. Về đẳng vô gián tức ý xứ đẳng vô gián với ý xứ hiện tiền. Về sở duyên tức ý xứ cùng với ý xứ làm sở duyên duyên. Về tăng thượng như trước đã nói.

Đây là căn cứ vào tướng chung của chủng loại để nói. Nhưng ý xứ có sáu thứ, tức là nhãn thức v.v… cho đến ý thức. Trong đó, nhãn thức cùng với nhãn thức làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, tăng thượng duyên, không phải là sở duyên duyên. Về nhân có hai nhân tức là đồng loại và dị thục. Về đẳng vô gián nghĩa là nhãn thức đẳng vô gián với nhãn thức hiện tiền. Về tăng thượng như trước đã nói. Về không phải là sở duyên duyên, vì nhãn thức chỉ duyên với sắc, do nhãn thức không phải là sắc.

Như nhãn thức cùng với nhãn thức, thì nhãn thức cùng với các thức nhĩ, tỷ, thiệt, thân cũng vậy.

Nhãn thức cùng với ý thức làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có hai nhân tức đồng loại, dị thục. Về đẳng vô gián nghĩa là nhãn thức đẳng vô gián với ý thức hiện tiền. Về sở duyên nghĩa là nhãn thức cùng với ý thức làm sở duyên duyên. Về tăng thượng như trước đã nói.

Như nhãn thức đối với sáu thức, thì các thức nhĩ, tỷ, thiệt, thân đối với sáu thức cũng thế.

Ý thức cùng với ý thức làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có ba nhân tức là đồng loại, biến hành, dị thục. Về đẳng vô gián nghĩa là ý thức đẳng vô gián với ý thức hiện tiền. Về sở duyên nghĩa là ý thức cùng với ý thức làm sở duyên duyên. Về tăng thượng như trước đã nói.

Ý thức cùng với nhãn thức làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, tăng thượng duyên, không phải là sở duyên duyên. Về nhân có ba nhân tức là đồng loại, biến hành, dị thục. Về đẳng vô gián nghĩa là ý thức đẳng vô gián với nhãn thức hiện tiền. Về tăng thượng như trước đã nói. Về không phải là sở duyên duyên, vì nhãn thức chỉ duyên với sắc, còn ý thức không phải là sắc.

Như ý thức đối với nhãn thức, ý thức đối với các thức kia cũng như thế.

Hỏi: Năm thức như nhãn v.v… có lần lượt vô gián hiện tiền chăng?

Đáp: Các Sư Du-già nói: Năm thức như nhãn v.v… lần lượt vô gián không hiện tiền, vì đều từ ý thức vô gián sinh ra. Các Luận sư A-tỳ-đạt-ma nói: Năm thức như nhãn v.v… lần lượt đều được vô gián dấy khởi. Nếu không như thế thì trái với chương Căn Uẩn đã nói. Như nói: Khổ căn cùng với khổ căn làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, tăng thượng duyên, không phải là sở duyên duyên.

Hỏi: Ý xứ cùng với đại chủng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Đại chủng cùng với pháp xứ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên. Về nhân có bảy nhân tức năm nhân như nhân sinh v.v… cùng hai nhân câu hữu và đồng loại. Về sở duyên tức cùng với pháp tương ưng với thân thức và pháp tương ưng với ý thức làm sở duyên duyên. Về tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Pháp xứ cùng với pháp xứ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có năm nhân tức là năm nhân như tương ưng v.v… Về đẳng vô gián, tức là pháp xứ đẳng vô gián với pháp xứ hiện tiền. Về sở duyên nghĩa là pháp xứ cùng với pháp xứ làm sở duyên duyên. Về tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Pháp xứ cùng với đại chủng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có ba nhân là câu hữu, đồng loại, dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói. Hỏi: Đại chủng cùng với nhãn căn làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có năm nhân, tức là năm nhân như nhân sinh v.v… Về tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Nhãn căn cùng với đại chủng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Về tăng thượng như trước đã nói.

Như nhãn căn, các căn nhĩ, tỷ, thiệt, thân, nam, nữ cũng thế.

Hỏi: Đại chủng cùng với mạng căn làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Mạng căn cùng với đại chủng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Đại chủng cùng với ý căn làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về sở duyên và tăng thượng, nghĩa đều như trước đã nói.

Hỏi: Ý căn cùng với đại chủng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân có một nhân là dị thục. Về tăng thượng như trước đã nói.

Như ý căn, các thứ khổ căn, hỷ căn, xả căn, tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ căn cũng thế.

Hỏi: Đại chủng cùng với vị tri đương tri căn làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về sở duyên tức là các đại chủng cùng khổ nhẫn, khổ trí, tập nhẫn, tập trí và căn tương ưng làm sở duyên duyên. Về tăng thượng như trước đã nói.

Hỏi: Vị tri đương tri căn cùng với đại chủng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng như trước đã nói.

Như vị tri đương tri, dĩ tri căn, cụ tri căn cũng thế.

Hỏi: Đại chủng đối với xứ hỏi đáp có ba lần, vì sao đối với căn chỉ hỏi đáp có hai lần?

Đáp: Do người tạo luận có ý muốn như thế. Nghĩa là người tạo luận tùy theo ý muốn của mình để tạo luận, chỉ khiến không trái với pháp tướng, tức không nên nêu vấn nạn về lý do này.

Có thuyết nói: Đây là nêu bày chưa được trọn vẹn.

Có thuyết cho: Ở đây là nêu bày về các lời văn, cách diễn nói để tô điểm cho nghĩa lý, khiến dễ hiểu.

Có thuyết nêu: Trong đây là hiện bày về hai môn, hai cách tóm lược, cho đến nói rộng.

Có thuyết biện: Các căn tức thuộc về xứ. Nếu nói về xứ nên biết là đã nói về căn, thế nên không hỏi.

Có thuyết nói: Trong đây là lần lượt từ rộng đến tóm tắt. Nghĩa là đầu thì hỏi bốn lần, kế đến là ba, sau là hỏi hai lần. Do trước đã nói rộng, sau có thể dựa theo đó nhận biết. Vì muốn bỏ bớt lời văn rườm rà, nên dần dần tóm lược để nói.

Hỏi: Sắc pháp đối với sắc pháp có nhân đồng loại chăng?

Đáp: Các Sư ở phương Tây và Tôn giả của phái Thí dụ nói: Sắc đối với sắc không có nhân đồng loại. Còn các Sư thuộc Đối pháp nói: Sắc đối với sắc có nhân đồng loại. Như nơi phần nhân đồng loại trong chương Tạp Uẩn ở trước đã phân biệt rộng.

Hỏi: Vì sao bốn thứ đại chủng có một sinh, một trụ, một diệt mà không tương ưng. Còn tâm, tâm sở pháp khi có một sinh, một trụ, một diệt gọi là tương ưng?

Đáp: Như bốn đại chủng hoặc giảm hoặc tăng, còn tâm, tâm sở pháp thì không như thế.

Trong đây, nói sinh nghĩa là sinh, được sinh. Trụ nghĩa là trụ, được trụ và dị đã biến đổi. Diệt nghĩa là diệt, bị diệt.

Hỏi: Các pháp hữu vi đều có sinh, trụ, diệt. Vì sao lại nói một sinh, một trụ, một diệt?

Đáp: Vì có nhân duyên nên nói đều có sinh, trụ, diệt. Nghĩa là mỗi thứ riêng có tướng của các tướng nên không phải là một tướng. Vì có nhân duyên nên nói: Một sinh, một trụ, một diệt. Nghĩa là chúng trong một sát-na đều không lìa nhau nơi một lúc cùng sinh trụ diệt.

Hỏi: Thể của bốn đại chủng có tăng giảm chăng? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Cả hai đều có lỗi. Nếu có tăng giảm thì há không lìa nhau. Vì sao? Vì nếu trong một vật cứng, đất phải rất nhỏ và nhiều, còn nước, lửa, gió thì ít. Chất đất rất nhỏ tùy theo cùng với lượng như nước v.v… xen lẫn với thứ khác tức cùng lìa nhau. Cho đến động vật nói cũng như thế. Còn nếu không có tăng giảm thì các vật như đá, nước v.v… đâu thể thành cứng mềm v.v… khác nhau được?

Đáp: Nên nói là Thể của các đại chủng có tăng giảm.

Hỏi: Nếu như thế thì vì sao nói là không lìa nhau?

Đáp: Tuy có tăng giảm nhưng không lìa nhau, do lần lượt hỗ trợ nhau để cùng làm việc phải làm. Như trong một vật cứng, tuy chất đất rất nhỏ và nhiều, còn nước lửa gió thì ít, nhưng khi lìa nước, gió v.v…, thì đất rất nhỏ và nhiều kia không thể làm được việc phải làm. Cho đến động vật nói cũng như thế. Như nhiều thôn ấp cùng làm một việc, tuy số người có nhiều ít không đồng, nhưng đều phải nương dựa giúp nhau, không thể lìa nhau.

Hỏi: Thể của tâm và tâm sở cũng có tăng giảm, vì sao nói là không như thế? Tức là tâm sở pháp ở nơi ba cõi, có ba tánh, có hữu lậu, vô lậu, còn trong các nhóm tâm có nhiều có ít.

Đáp: Do sự việc như nhau nên không gọi là tăng giảm. Nếu trong một tâm có hai tưởng, một thọ v.v… thì có thể gọi là tăng giảm. Nhưng trong một tâm chỉ có một tưởng, một thọ, nên khác với đại chủng.

Có thuyết nói: Thể của đại chủng là không tăng giảm.

Hỏi: Nếu thế thì đá v.v… vì sao có cứng mềm khác nhau?

Đáp: Là do sức mạnh của đại chủng có tăng, kém. Như trong vật cứng thì cả bốn đại đều rất nhỏ, số lượng của các thể tuy như nhau, nhưng sức mạnh của chúng thì chất đất rất nhỏ tăng nhiều. Cho đến động vật nói cũng như thế. Như đem một lạng muối trộn chung với một lạng bột lương khô rồi nếm thử thì thấy mặn nhiều hơn. Ở đây cũng như thế. Như thí dụ đem nước hòa với rượu rồi nếm, lấy kim và mũi nhọn nơi lông cánh chim cùng châm vào mình nói rộng cũng thế.

Hỏi: Tâm và tâm sở pháp về dụng cùng có tăng kém, như Chỉ man thì lợi căn còn Xà nô thì độn căn, vì sao nói là không như thế?

Đáp: Như bốn đại chủng có thế mạnh thô trọng hiển bày, có tăng kém, dễ hiểu, nên nói đến. Còn tâm, tâm sở pháp thì không như thế, do đó đại chủng không nói là có tương ưng. Lại, các tâm, tâm sở pháp đều có đối tượng duyên, còn bốn đại chủng thì không có đối tượng duyên, vì không có đối tượng duyên thì đâu có thể nói tương ưng. Vì sao? Vì tâm, tâm sở pháp có chỗ nương, có hành tướng, có phát sinh sự hiểu biết, tất có đối tượng duyên. Do có đối tượng duyên nên chúng luôn tương ưng, không lìa nhau. Còn bốn đại chủng thì trái với các điều ấy, nên không có đối tượng duyên. Vì không có đối tượng duyên, nên tuy không lìa nhau, nhưng không tương ưng.

Không lìa nhau có hai thứ: 1. Các đại chủng không lìa nhau vì cùng tạo ra một sắc. 2. Tâm và tâm sở không lìa nhau vì cùng duyên nơi một cảnh.

Năm uẩn tuy cùng ở trong một thân, nhưng không có hai việc này, nên không phải là không lìa nhau. Thế nên đại chủng không nói về tương ưng.

Hỏi: Làm sao nhận biết được bốn đại chủng này luôn không lìa nhau?

Đáp: Trong tất cả khối, nhóm do tự tướng tác nghiệp đều có thể thấy biết được. Nghĩa là trong một khối cứng thì tự tướng của địa giới hiện bày, nên có nghĩa là cứng. Ở trong khối cứng ấy nếu không có thủy giới thì các thứ vàng, bạc, chì, thiếc tức nên không thể chảy ra được. Lại, nếu không có nước thì khối ấy sẽ phân tán. Nếu không có hỏa giới thì khi đập đá vào nhau lửa không nên sinh ra. Lại, nếu không có lửa tạo ra sức nóng thì vật rắn đó sẽ rã nát. Nếu nó không có phong giới thì làm sao dao động?

Lại, nếu không có gió thì làm sao tăng trưởng? Như trong khối lỏng, tự tướng của thủy giới hiện bày có thể thấy biết được, nên có nghĩa là lỏng. Ở trong khối ấy nếu không có địa giới thì khi trời rét dữ đâu có thể đóng thành băng. Lại, nếu không có đất thì thuyền bè tất phải chìm. Nếu không có hỏa giới trong đó thì đâu có lúc chất đó ấm nóng. Lại, nếu không có lửa thì khối đó tất phải rã nát. Còn như không có phong giới trong khối ẩm ướt đó thì không có dao động. Lại, nếu không có gió thì không có tăng trưởng. Trong khối chất ấm nóng thì tự tướng của hỏa giới hiện bày có thể thấy biết được nên có nghĩa là khối nóng. Trong khối ấy, nếu không có địa giới thì ánh sáng của đèn đuốc v.v… tức không thể xoay chuyển. Lại, nếu không có đất thì đâu có thể duy trì vật được. Nếu không có thủy giới trong đó thì đâu có sự lưu động. Lại, nếu không có nước thì ánh sáng đâu có tụ lại. Còn nếu trong đó không có gió thì đâu có dao động.

Lại, nếu không có gió thì đâu có sự tăng trưởng. Ở trong khối động do tự tướng của phong giới hiện bày có thể thấy biết được nên có nghĩa là khối động. Trong khối ấy, nếu không có địa giới thì khi gặp sự ngăn chận như vách tường, vật ngăn thì đâu có thể xô ngã, đập nát được. Lại, nếu không có đất thì vật ấy đâu có thể duy trì. Còn nếu không có thủy giới trong đó thì đâu có gió lạnh. Lại, không có nước thì khối ấy sẽ phân tán tan rã. Nếu không có hỏa giới trong ấy thì đâu có gió nóng. Lại, nếu không có lửa thì khối động kia sẽ rã nát.

Hỏi: Bốn đại chủng này, tướng của mỗi thứ đều khác, lần lượt trái nhau, vì sao nói cùng một lúc không lìa nhau để khởi?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Sở dĩ khác nhau, trái nhau, là do nhân duyên của mỗi thứ có riêng khác, không phải các tướng khác nhau tất đều trái nhau. Có thứ không trái nhau nhưng hình tướng khác nhau đều cùng lúc khởi và không lìa nhau. Như bốn đại chủng và các thứ hương, vị, xúc, các màu xanh, vàng v.v… Có thứ hình tướng khác nhưng cùng trái nhau, tất không cùng một lúc không lìa nhau để khởi, như là củi với lửa, mưa đá với lúa mạ, La Hô (Vua A tu la La Hầu La) với vầng trăng, thuốc với bệnh, sáng với tối.

HẾT – QUYỂN 131