LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 130
Chương 5: ĐẠI CHỦNG UẨN
Phẩm 1: BÀN VỀ ĐẠI TẠO, phần 4
Hỏi: Bốn cách ăn như thế, có bao nhiêu thứ dẫn dắt hữu sẽ có khiến hiện tiền, bao nhiêu thứ duy trì hữu đang có khiến nối tiếp an trụ?
Đáp: Có thuyết nói: Một thứ dẫn dắt hữu sẽ có khiến hiện tiền, đó là ý tư thực (Ăn bằng ý nghĩ). Ba thứ duy trì hữu đang có khiến nối tiếp an trụ, tức là ba cách ăn kia.
Hoặc có thuyết nói: Hai thứ dẫn dắt hữu sẽ có khiến hiện tiền, đó là ý tư thực, thức thực. Hai thứ duy trì hữu đang có khiến nối tiếp an trụ, tức là hai cách ăn kia.
Có Sư khác nói: Ba thứ dẫn dắt hữu sẽ có, đó là xúc thực (Ăn bằng xúc chạm), ý tư thực và thức thực. Một thứ duy trì hữu đang có, đó là đoạn thực.
Như thế nên nói: Cả bốn cách ăn đều dẫn dắt hữu sẽ có khiến hiện tiền và đều duy trì hữu đang có khiến nối tiếp an trụ.
Hỏi: Các cách ăn đó đối với hữu, có bao nhiêu thứ chưa sinh khiến sinh, bao nhiêu thứ đã sinh thì nuôi lớn?
Đáp: Có thuyết nói: Các cách ăn đó, một thứ đối với hữu chưa sinh khiến sinh, đó là ý tư thực. Ba thứ đối với hữu đã sinh thì nuôi lớn, đó là ba cách ăn kia.
Lại có thuyết nói: Hai thứ đối với hữu chưa sinh khiến sinh, đó là ý tư thực và thức thực. Hai thứ đối với hữu đã sinh thì nuôi lớn, đó là hai cách ăn kia.
Có Sư khác nói: Ba thứ đối với hữu chưa sinh khiến sinh, đó là xúc thực, ý tư thực và thức thực. Một thứ đối với hữu đã sinh thì nuôi lớn, đó là đoạn thực.
Như thế nên nói: Cả bốn cách ăn đều đối với hữu chưa sinh khiến sinh và đối với hữu đã sinh đều nuôi lớn.
Hỏi: Cách ăn nào, đối với pháp nào, việc ăn riêng tăng?
Đáp: Đoạn thực nuôi dưỡng đại chủng của sắc căn là hơn hết, nên đối với đại chủng của sắc căn việc ăn riêng tăng. Xúc thực nuôi dưỡng tâm và tâm sở là hơn hết, nên đối với tâm tâm sở việc ăn riêng tăng. Tư thực nuôi dưỡng thân đời sau là hơn hết, nên đối với các thân đời sau việc ăn riêng tăng. Thức thực nuôi dưỡng danh sắc là hơn hết, nên đối với các danh sắc việc ăn riêng tăng.
Hỏi: Như nói nghĩa lôi dắt hữu là nghĩa của ăn v.v… thì đó là nói về nghĩa của nhân hay là nghĩa của duyên? Nếu nêu ra như thế thì có lỗi gì? Tức cả hai đều có lỗi. Nếu là nghĩa của nhân, thì các thứ bên ngoài là hương, vị, xúc đối với các xứ bên trong, năm nhân đều không làm sao gọi là ăn? Nếu là nghĩa của duyên, thì trừ tự tánh của các thứ bên trong, các pháp còn lại đều là duyên tăng thượng ở đây, vì sao chỉ nói có bốn thứ là ăn?
Đáp: Có thuyết nói: Đây là nghĩa của nhân.
Hỏi: Nếu thế các thứ bên ngoài là hương, vị, xúc đối với các xứ bên trong, năm nhân đều không làm sao gọi là ăn?
Đáp: Các thứ hương, vị, xúc bên ngoài làm nhân phát sinh nhận biết, khiến các thứ hương, vị v.v… bên trong thành hình được việc ăn. Lúc ấy, các thứ hương vị xúc bên trong đối với các xứ bên trong có nghĩa của nhân nên nói là ăn. Nghĩa là nhãn chỉ lấy xúc xứ làm thức ăn. Tai, mũi, lưỡi, thân, sắc, thanh cũng như thế. Hương thì dùng hương xứ, xúc xứ làm thức ăn. Vị thì dùng vị xứ, xúc xứ làm thức ăn. Xúc xứ chỉ lấy xúc xứ làm thức ăn. Tâm, tâm sở thì dùng ba cách ăn làm thức ăn. Ở đây, nghĩa của nhân như lý nên suy xét.
Có thuyết cho: Đây là nghĩa của duyên.
Hỏi: Nếu thế thì trừ tự tánh của các thứ bên trong, các pháp còn lại đều là duyên tăng thượng ở đây, vì sao chỉ nói có bốn thứ là ăn?
Đáp: Pháp làm duyên tăng thượng đối với các xứ bên trong có thân có sơ, có gần có xa, có hợp không hợp, có thứ ở đời này có thứ ở đời khác. Các thứ thuộc thân, gần, hợp, ở đời này nói đó là ăn. Các thứ thuộc sơ, xa, không hợp, ở đời khác thì không nói là ăn, nên ăn chỉ có bốn thứ. Bốn thứ ăn này đều đối với mười hai xứ bên trong có thể tạo nên sự việc ăn, nhưng có thêm sự vi tế như trước đã nói.
Hỏi: Vì sao sắc xứ không lập làm ăn?
Đáp: Có thuyết cho: Vì sắc xứ không có tướng của ăn.
Có thuyết nói: Sắc xứ khi nhận lấy thì thô nặng. Nếu đối với lúc nhận lấy là tế, nhẹ mới gọi là ăn, vì cần phải chuyển thành vi tế, thấm nhuần để nuôi thân.
Có thuyết nêu: Sắc xứ không đến để nhận lấy, chỉ ăn mới đến nhận lấy, nên không phải là thân không hợp thành sự việc ăn.
Có thuyết cho: Khi sắc xứ đến phần vị biến hoại mới thành sự việc ăn. Nghĩa là nước thấm ướt khiến rã nát, lửa nấu chín làm biến đổi, gió lay động sau đó sự việc ăn mới thành. Sự việc đã làm không phải là sắc chưa biến hoại để được gọi là ăn, nên sắc không phải là ăn. Hương v.v… cũng như thế.
Có Sư khác biện: Nếu sắc là thức ăn thì khi mắt nhìn thấy sắc tức nên trừ được đói khát. Nếu thế thì những việc làm của thí chủ là vô ích. Có vị khác nói: Nếu sắc là thức ăn thì các vị xuất gia khi mắt thấy sắc tức nên phạm giới cấm ăn phi thời. Hoặc có vị cho: Nếu sắc là thức ăn thì các cõi trời nơi sắc giới tức nên thọ nhận đoạn thực giữ lấy các sắc. Vậy nên biết ba thuyết nói sau đều trái lý. Hương, xúc cũng phạm vào lỗi ấy. Tức biết bốn thuyết nói trước là đúng.
Hỏi: Nếu sắc không phải là thức ăn thì như nơi kinh nói làm sao thông? Như Đức Thế Tôn nói: Này Trưởng giả! Thức ăn của ông cúng dường, về sắc hương vị thật là đẹp, khéo, thơm ngon.
Đáp: Sắc tuy không phải là thức ăn, nhưng vì muốn phát huy ý nghĩ của thí chủ nên Đức Phật nói như thế. Nghĩa là khi Đức Phật khen ngợi thức ăn cúng dường là ngon khéo, các thí chủ liền phát sinh ý nguyện thù thắng: Vui thay! Đức Như Lai đã khen ngợi và thọ nhận thức ăn cúng dường của ta, ta tất sẽ đạt được nhiều phước lợi đặc biệt.
Hỏi: Nếu khen ngợi sắc có đầy đủ sắc, không phải là thức ăn thì cũng khen ngợi hương v.v… cùng nên không phải là thức ăn, vì thứ kia đã là thức ăn thì thứ này cũng nên như thế?
Đáp: Trong đây, Đức Phật không nhằm phân biệt thứ nào là thức ăn, thứ nào không phải là thức ăn, mà chỉ nhằm phát huy tư nguyện cúng dường của thí chủ, nên nói lời nơi Khế kinh ấy. Nếu sự nêu khen ấy tức là thức ăn thì xúc không được khen ngợi tức nên không phải là ăn.
Hỏi: Đoạn thực có nghĩa như thế nào?
Đáp: Phân ra từng phần mà ăn nên gọi là đoạn thực.
Hỏi: Nếu thế thì việc uống hay bú mút không phải là đoạn thực chăng?
Đáp: Đây là tùy theo phần nhiều để nói nên không có lỗi.
Lại có thuyết nói: Khi uống hay bú mút thì cũng phân ra từng ngụm hớp, tức là từng phần ít.
Có Sư khác cho: Do từ khởi đầu mà nói, tức là từ kiếp sơ loài người khi thọ dụng vị đất đều chia ra từng phần để ăn. Nhân đấy gọi là đoạn thực.
Hỏi: Đức Phật nói về đoạn thực có thô có tế. Làm sao cần nhận biết thô tế có sai biệt?
Đáp: Luận Tập Dị Môn nói: Các thứ đoạn thực có thô tế hỗ tương quán đãi nên có thể nhận biết rõ. Nghĩa là các loài thủy tộc thì con nhỏ bị con lớn ăn nuốt, truyền nhau quán đãi nên thô tế được thành. Như phần ăn của loài Để dân kỳ la kỳ la là thô, phần ăn của loài Để dân kỳ la là tế. Phần ăn của loài Để dân kỳ la là thô, phần ăn của loài Để dân là tế. Phần ăn của loài Để dân là thô, phần ăn của loài cá lớn, rùa trạnh và loài Mạt yết la thất thú ma la v.v… là tế. Phần ăn của loài cá lớn, rùa trạnh v.v… là thô, phần ăn của các loài trùng đi bò dưới nước là tế.
Các loài sống trên đất liền: Phần ăn của các loài voi, ngựa, lạc đà v.v… là thô, phần ăn của các loài dê, nai, heo v.v… là tế. Phần ăn của các loài dê, nai, heo v.v… là thô, phần ăn của các loài mèo, thỏ, chồn v.v… là tế. Phần ăn của các loài mèo, thỏ, chồn v.v… là thô, phần ăn của các loài đi bò trên đất là tế.
Các loài bay trên không: Phần ăn của loài Diệu sí điểu là thô, phần ăn của các loài ngỗng, nhạn, công, anh vũ, xá lợi, mạng mạng v.v… là tế. Phần ăn của các loài ngỗng, nhạn, công, anh vũ v.v… là thô, phần ăn của các loài bay trên không trung còn lại là tế.
Có thuyết nêu: Nếu các hữu tình lấy cỏ, cây làm thức ăn là có phần ăn thô, còn các loài dùng bánh, cơm v.v… làm thức ăn là có phần ăn tế.
Có Sư khác cho: Loài nào dùng bánh, cơm v.v… làm thức ăn là có phần ăn thô. Loài nào dùng cháo, sữa, dầu v.v… làm thức ăn là có phần ăn tế.
Lại có Sư khác nói: Nếu dùng miệng để nhai nuốt các thức ăn là thô, còn do rốn lỗ chân lông để lấy thức ăn vào là tế. Nghĩa là các loài hữu tình sống trong bào thai thì lấy thức ăn từ rốn vào, chỉ có các vị Bồ-tát là lấy thức ăn từ các lỗ chân lông vào.
Có thuyết lại nói: Nếu ăn nuốt rồi có đẳng lưu thì thức ăn này là thô. Không có đẳng lưu thì thức ăn này là tế. Như lấy mùi hương của chất Tô đà làm thức ăn v.v…
Hỏi: Các cách ăn bằng xúc, tư, thức thì có thô tế chăng? Nếu có thì vì sao Khế kinh chỉ nói đoạn thực có thô tế? Nếu không thì vì sao đoạn thực có thô tế còn các thứ khác thì không có?
Đáp: Các cách ăn bằng xúc, tư, thức cũng có thô tế. Tức là các cõi, địa cùng đối đãi, so sánh. Nghĩa là ở cõi dục là thô, ở cõi sắc là tế. Ở cõi sắc là thô, ở cõi vô sắc là tế. Ở tĩnh lự thứ nhất là thô, ở tĩnh lự thứ hai là tế. Cho đến ở Vô sở hữu xứ là thô, ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ là tế.
Hỏi: Nếu thế thì vì sao Khế kinh không nói?
Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa như thế nêu bày chưa trọn vẹn.
Có thuyết nói: Khế kinh nêu lên phần đầu để làm rõ phần sau. Đã nói đoạn thực có thô tế, nên biết các cách ăn kia cũng có thô tế.
Có thuyết cho: Vì đoạn thực do bốn nhân duyên có nhiều ít, nên thô tế có thể nhận biết, còn các cách ăn kia không như thế. Đó là: 1.
Tìm cầu. 2. Chứa nhóm. 3. Thọ dụng. 4. Đẳng lưu.
Do tìm cầu: Nghĩa là các loài hữu tình tìm cầu đoạn thực có nhiều, có ít. Chỗ tìm cầu nhiều là thô, chỗ tìm cầu ít là tế.
Do chứa nhóm: Nghĩa là các loài hữu tình chứa nhóm đoạn thực có nhiều có ít. Chứa nhóm nhiều là thô, chứa nhóm ít là tế.
Do thọ dụng: Nghĩa là các loài hữu tình thọ dụng đoạn thực có nhiều có ít. Chỗ thọ dụng nhiều là thô, chỗ thọ dụng ít là tế.
Do đẳng lưu: Nghĩa là các loài hữu tình dùng đoạn thực có đẳng lưu nhiều ít. Nếu đẳng lưu nhiều gọi là thức ăn thô, đẳng lưu ít gọi là thức ăn tế.
Có thuyết nói: Đoạn thực quán đãi (Đối chiếu) các xứ nên có thể nói là thô tế, các cách ăn khác thì không như thế. Nghĩa là hương, vị, xúc đối chiếu với sắc, thanh có thể nói là tế, còn đối chiếu với ý, pháp có thể nói là thô. Ba cách ăn xúc, tư, thức thuộc về ý pháp xứ. Thứ này đối với các xứ chỉ là tế không phải là thô, không có đối chiếu khác nên không nói có thô tế.
Hỏi: Ở cõi (Giới) nào có bao nhiêu cách ăn nào?
Đáp: Ở cõi dục có đủ cả bốn thứ, đoạn thực riêng tăng. Ở cõi sắc có ba thứ, xúc thực riêng tăng. Ở cõi vô sắc cũng có ba thứ, ba vô sắc dưới thì tư thực riêng tăng. Ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì thức thực riêng tăng.
Có thuyết nói: Ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ tư thực cũng tăng. Một lần tư có thể chiêu cảm quả là tám mươi ngàn kiếp thọ mạng.
Hỏi: Ở nẻo (Thú) nào có bao nhiêu cách ăn nào?
Đáp: Ở địa ngục có đủ bốn thứ, thức thực riêng tăng.
Hỏi: Ở địa ngục có đoạn thực là những gì?
Đáp: Uống nước đồng sôi, nuốt thỏi sắt nóng để làm đoạn thực.
Hỏi: Phàm là ăn phải có thấm đượm tạo lợi ích. Những vật đó vào thân thì đốt cháy môi lưỡi, cổ họng, nội tạng, khi xuống đến phần dưới ra ngoài lửa vẫn cháy rực thiêu đốt toàn thân, sao gọi là ăn?
Đáp: Tuy là đốt cháy gây khổ não nhưng có tướng của ăn, lúc mới nuốt thỏi sắt đỏ vào thân thì tạm thời thấy hết đói khát.
Ở nẻo bàng sinh có đủ bốn thứ, và tùy một loại riêng tăng, vì các chủng loại hiện có sai biệt.
Nẻo quỷ có đủ bốn thứ, tư thực riêng tăng. Từng nghe chuyện kể: Tôn giả Mãn Nguyện sắp vào thành Bố-sắc-yết-la-phạt-để khất thực. Lúc đến trước cửa thành, chợt thấy có một bà lão ngạ quỷ, bèn hỏi: Bà đứng đây làm gì? Bà quỷ già hỏi lại: Tôn giả nhìn thấy được tôi sao? Tôn giả đáp: Đúng thế. Bà quỷ già liền nói: Chồng tôi đi vào trong thành này mong tìm gặp một vị trưởng giả có mụt nhọt sưng to bị vỡ mủ, nhân đấy bóp nặn, hốt vét lấy máu mủ đem về để cùng ăn, nên tôi phải đứng chờ ở đây. Tôn giả hỏi: Chồng bà vào thành đã lâu mau rồi? Bà lão quỷ đáp: Vì bị đói khát hành hạ nên tôi mê đi không nhớ rõ chồng tôi vào thành đã bao lâu, song chỉ nhớ là thành này ở cạnh bờ sông lớn và đã bảy lần dời thành về hướng nam, bảy lần dời thành về hướng bắc, đến nay chồng tôi vẫn chưa trở lại. Tôn giả nghe nói vô cùng xúc động, nén thương cảm mà đi.
Như vậy bà quỷ già ấy bị đói khát đã rất lâu nhưng vẫn hy vọng được chút gì để nuôi thân, tiếp tục sống. Nên biết nẻo quỷ thì tư thực riêng tăng.
Về loài người và các trời cõi dục cũng có đủ bốn cách ăn, nhưng chỉ loại đoạn thực riêng tăng. Còn cõi sắc và vô sắc như nói trong phần cõi.
Hỏi: Nơi loài nào có bao nhiêu cách ăn gì?
Đáp: Loài sinh bằng trứng (Noãn sinh) có đủ bốn cách ăn, xúc thực riêng tăng.
Có thuyết nói: Tư thục tăng. Vì sao nhận biết? Trong Luận Tập Dị Môn nói: Trong biển có một loài thú, khi bò lên bãi, đào cát thành hố nhỏ rồi đẻ trứng vào đó, xong liền lấp cát lại và bò xuống biển. Các con ở trong vỏ trứng luôn nghĩ nhớ đến mẹ nên trứng không ung rữa, tức nhớ mẹ lúc trước đã ấp nóng vì có chạm xúc (khi còn ở trong bụng) nếu quên mẹ thì thân thể sẽ rã nát, ung rữa.
Có Sư khác nói: Nếu mẹ luôn nhớ con trong trứng thì trứng không hư thối, nếu mẹ quên đi thì trứng sẽ ung rữa, hư thối. Điều này không hợp lý. Vì sao? Vì không thể do người khác ăn uống mà có thể giữ được mạng sống của mình. Thế nên thuyết nói trước đối với lý là đúng.
Loài sinh bằng thai có đủ bốn cách ăn, đoạn thực riêng tăng. Loài thấp sinh có đủ bốn cách ăn, xúc thực riêng tăng. Loài hóa sinh cũng đủ bốn cách ăn, tùy theo một loại riêng tăng, vì các chủng loại hiện có khác nhau.
Nói về ăn có hai thứ khác nhau: 1. Theo thế tục. 2. Theo thắng nghĩa.
Thế tục: Như thế gian thường nói: Có bình đựng thức ăn dư, bình đựng thức ăn còn nguyên. Lại như thế gian gọi thức ăn bằng tên thành ấp. Như nói thức ăn sản xuất tại thành Cát tường, thức ăn kia có từ thành Đát-xoa-sí-la, thức ăn này là ở thành Xa-yết-la, thức ăn này lấy từ cung Tịch tĩnh v.v… Lại lấy sự ngợi khen để đặt tên thức ăn, tức như thức ăn Thích-trĩ-đa, thức ăn Mâu-địa-đa, thức ăn Phật khen, thức ăn bốn phương v.v…
Lại như Khế kinh nói: Ăn thuận, ăn nghịch.
Nói ăn thuận: Tức như Đức Thế Tôn nói: Các Bí-sô nên biết! Tất cả đều có ăn uống. Tức là trời mưa xối xả ngập khắp núi non. Đầu tiên các khe sâu, hang động bị ngập. Khi các khe sâu, hang động ngập tràn thì nước chảy vào các khe suối nhỏ. Các khe suối nhỏ đã đầy tràn thì nước chảy vào các khe suối lớn. Các khe suối lớn đã đầy tràn thì nước chảy vào các sông lớn. Khi các sông lớn đã ngập tràn rồi thì nước tiếp tục tràn về biển cả.
Nói ăn nghịch: Như Đức Thế Tôn nói: Các Bí-sô nên biết! Tất cả đều có ăn uống. Khi biển cả có ăn rồi thì kêu gọi các sông lớn. Khi các sông lớn có ăn rồi thì kêu gọi các sông rạch nhỏ. Khi các sông rạch nhỏ có ăn rồi thì kêu gọi các khe suối lớn. Khi các khe suối lớn có ăn rồi thì kêu gọi các khe suối nhỏ. Khi các khe suối nhỏ có ăn rồi thì kêu gọi các khe sâu, hang động. Khi các khe sâu hang động có ăn rồi, gọi đó là do trời mưa to xối xuống.
Thắng nghĩa: Tức bốn cách ăn này là chất liệu thật sự nuôi sống giúp ích các loài hữu tình.
Hỏi: Các phần ăn (Đoạn) đều là ăn chăng?
Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:
1. Có thứ là phần ăn không phải là ăn. Tức là do phần ăn làm duyên nhưng không thể nuôi lớn, giúp ích đại chủng của các căn.
2. Có thứ là ăn không phải là phần ăn. Tức là do xúc, tư, thức làm duyên có thể nuôi lớn, giúp ích đại chủng của các căn.
3. Có thứ là phần ăn cũng là ăn. Tức là do phần ăn làm duyên có thể nuôi lớn, giúp ích đại chủng của các căn.
4. Có thứ không phải là phần ăn cũng không phải là ăn. Tức là do xúc, tư, thức làm duyên nhưng không thể nuôi lớn, giúp ích đại chủng của các căn.
Như đoạn thực có bốn trường hợp, như thế các cách ăn do xúc, tư, thức mỗi thứ cũng có bốn trường hợp, đều nên nói rộng. Như vậy sai khác thành mười sáu trường hợp.
Hỏi: Không thể nuôi lớn giúp ích đại chủng của các căn thì không phải là ăn chăng?
Đáp: Đúng thế. Vì sao? Vì trước đã nói nuôi lớn giúp ích là tướng của ăn.
Hỏi: Nay hiện thấy có những thứ ăn vào rồi thì bị đau đớn bức bách, cho đến khiến phải bỏ mạng, như thế sao nói nuôi lớn giúp ích là tướng của ăn?
Đáp: Tuy ăn uống có thứ gây tổn hại, có thứ giúp ích. Nhưng nay chỉ nói về ăn uống giúp ích không phải gây tổn hại. Về giúp ích có hai lúc: 1. Lúc mới ăn vào. 2. Lúc đã tiêu hóa.
Hoặc có thứ ăn lúc tiêu hóa thì tổn hại nhưng lúc mới ăn vào thì giúp ích. Như là ăn thức ăn ngon khéo mà độc hại. Đây cũng gọi là ăn. Hoặc có thứ lúc mới ăn vào có tổn hại, nhưng khi đã tiêu hóa thì giúp ích. Như việc uống thuốc đắng. Đây cũng gọi là ăn. Do hai thứ này tùy nơi một lúc tạo nên sự việc ăn, nên đều được gọi là ăn. Vì thế nói nuôi lớn, giúp ích là tướng của ăn.
Có thuyết nói: Loại ấy mới ăn vào tuy khiến thân không an, nhưng về sau khi đã biến hoại loại bỏ thì trở lại có thể tạo lợi ích. Cho nên trước đã nói tự tướng của ăn được thành.
Kinh nói: Này các Bí-sô! Bốn cách ăn như thế có thể khiến các hữu tình Bộ đa an trụ cùng có thể thâu giữ tạo lợi ích cho các hữu tình Cầu hữu.
Hỏi: Kinh ấy nói hai thứ hữu tình Bộ đa và Cầu hữu khác nhau như thế nào?
Đáp: Trụ vào bản hữu gọi là Bộ đa, trụ nơi trung hữu gọi là Cầu hữu, vì đối với các cửa của sáu xứ cầu hữu sẽ có.
Có thuyết cho: Bậc Thánh gọi là Bộ đa, phàm phu gọi là Cầu hữu, vì loại này thường cầu hữu vị lai.
Có thuyết nêu: Vô học gọi là Bộ đa, hữu học gọi là Cầu hữu, vì loại này luôn mong cầu hữu vị lai.
Hỏi: Hữu tình Bộ đa cũng có thể gồm thâu, giúp ích, còn hữu tình Cầu hữu cũng có thể an trụ. Vì sao chỉ nói là có thể khiến các hữu tình Bộ đa an trụ cùng có thể gồm thâu giúp ích các hữu tình Cầu hữu?
Đáp: Lời văn của Khế kinh này đáng lẽ nói đủ cả hai thứ như thế, nhưng không nói nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.
Có thuyết biện: Trong đây là muốn dùng các lời văn, các cách nói để tô điểm cho nghĩa lý, khiến dễ hiểu.
Có thuyết nói: Trong đây muốn hiện bày về hai môn, hai cách tóm lược v.v…, cho đến nói rộng.
Có thuyết cho: An trụ nơi bản hữu trải qua rất nhiều thời gian, nên các bậc Thánh cùng hàng vô học mong cầu được an trụ tạm thời. Vì muốn chỉ rõ về nghĩa ấy nên dùng tiếng an trụ để nói. Các thứ khác thì không như thế, nên không nói an trụ.
Kinh nói: Này các Bí-sô! Bốn cách ăn như thế là gốc của các bệnh, gốc của các thứ ung nhọt, gốc của các thứ tên độc, là nhân của già chết, là duyên của già chết.
Hỏi: Ăn cũng có thể làm căn bản cho an lạc. Như Đức Thế Tôn nói: Đạo nương vào tư lương, Niết-bàn nương vào đạo. Do an lạc của đạo nên được Niết-bàn an lạc. Tư lương của đạo thì ăn là đứng đầu, vì sao nói ăn là gốc của các bệnh v.v…?
Đáp: Vì muốn ngăn chận các hữu tình ăn các phần dục. Tức các hữu tình kia do tham ăn nên khởi các hành ác, khiến chiêu cảm các thứ khổ dữ, nên Đức Thế Tôn nói như thế. Nếu như các thứ đoạn thực chỉ là nhân an vui ở hiện đời, bậc trí hãy còn không sinh tham đắm, vì hay khởi tạo nghiệp ác khiến chiêu cảm các khổ sẽ đến, huống lại là gốc của các bệnh hoạn nơi thân ở hiện đời. Thế nên các bậc trí không nên nhiễm đắm đoạn thực. Vì ý này nên Đức Phật nói lời kinh đó.
Kinh nói: Các Bí-sô nên quán đoạn thực như là thịt đứa con nơi quãng đồng hoang. Nên quán xúc thực như con bò mới bị lột da. Nên quán tư thực như than cháy đỏ rực ở trong hầm lửa. Nên quán thức thực như ba trăm lưỡi mâu bén nhọn.
Hỏi: Vì sao Bí-sô nên quán đoạn thực như thịt đứa con nơi quãng đồng hoang?
Đáp: Ví như hai vợ chồng nọ có một đứa con mặt mũi khôi ngô, hình dáng đẹp đẽ, nên hết sức yêu quý. Gặp lúc trong nước có nạn đói kém nên bỏ xứ đi tới chốn khác. Khi đến giữa vùng đồng hoang vắng thì lương thực đã cạn. Đường trước mặt còn rất xa nhưng nếu không ăn vài ngày thì khó sống nổi. Người chồng nghĩ thầm: Đường thì xa, lương thực hết, cái chết như đã kề cận, cả ba người không ai cứu giúp nhau được, chẳng lẽ lại cùng chết cả? Nay trong đây nếu có một người hi sinh để làm thức ăn thì mất một nhưng cứu được hai, chẳng hơn là cùng chết hết. Nếu ta chịu chết e vợ ta buồn thương quá mức rồi cũng chết, không thể thoát nạn được. Nếu đem vợ ta hy sinh thì con ta mất mẹ cũng không sống nổi, thế là chết cả đôi. Nay đứa con yêu quý này do mình sinh ra, nếu cả hai vợ chồng còn sống tất sẽ sinh đứa con khác. Vậy hãy đành bỏ đứa con thơ để vượt qua chốn đồng hoang vắng này. Nghĩ như thế rồi nên buồn lo quá mức không tự kìm chế. Chị vợ thấy vậy cho là lạ liền gạn hỏi, người chồng cứ tình thật kể ra mọi điều. Người vợ nghe xong thì ngất lịm, té lăn ra đất, hồi lâu tỉnh lại, kêu than khóc lóc càng thảm thiết. Người chồng từ từ khuyên giải lâu lắm người vợ mới đành chấp nhận. Cả hai vợ chồng cùng ôm con yêu thương, hôn hít, rồi lại gào khóc khan cả tiếng, trách cứ sao khổ đến nỗi này. Sau cùng đành gạt lệ hy sinh đứa con, cắt xẻ ra làm thức ăn đi đường. Mỗi khi ăn, vợ chồng đều khóc ngất, lại kể lể than trách, nước mắt đầm đìa, gắng ăn để sống. Ăn xong lại than thở, trách mắng tội ác của mình. Tuy hai vợ chồng đã bàn định từ đầu, nhưng khi ăn xong và tiếp tục lên đường thì không lúc nào vui vẻ, vì mãi thương nhớ đứa con thân yêu.
Như thế, hành giả khi ở chốn vắng lặng trọn không phóng dật, có người vợ chánh tư duy, sinh ra đứa con là pháp thiện thù thắng, rất đáng yêu, tâm luôn nghĩ nhớ, không lúc nào lìa, luôn chán bỏ cảnh sinh tử, hướng theo nẻo Niết-bàn. Trong suốt thời gian dài tu tập, các duyên hỗ trợ thiếu thốn, vì để phụng trì Thánh đạo nên phải dựa nơi thân khổ này. Tạm gác bỏ chỗ chuyên tu, vào thành khất thực, luôn kết hợp với chánh tư duy và không phóng dật, tự xả bỏ chốn vắng lặng, cho đến khi ăn xong tâm từng không nhiễm đắm nơi hoan lạc, chỉ nghĩ nhớ đến các pháp chuyên tu vừa tạm rời bỏ. Bí-sô như thế, đối với đoạn thực nên quán thịt của đứa con ở nơi quãng đồng hoang vắng. Nếu đối với đoạn thực đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì đối với năm dục ái cũng đoạn dứt, nhận biết khắp, vì đồng một cách chế phục, đối trị. Nếu năm dục ái đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì không một thứ kiết nào là không đoạn dứt, nhận biết khắp, vì chính các kiết này có thể trói buộc các Bí-sô khiến sinh trở lại nơi cõi dục. Đây là dựa nơi sự lìa dục ái được quả Bất hoàn, dứt hết các kiết thuận phần dưới. Đó là theo mật ý để nói.
Hỏi: Vì sao Bí-sô nên quán xúc thực như con bò mới bị lột da?
Đáp: Giả như con bò có lỗi với chủ, ông này muốn khiến nó phải chịu khổ nên lột da nó ném đi. Khi ấy, con bò này vì không có da che chở, nên theo chỗ đi đứng, hoặc ở trên đất, hoặc ở trên không, cũng bị các loài trùng bay đến tranh nhau châm chích rúc rỉa. Để tránh đuổi đám côn trùng ấy, nên bò phải co mình vào rào giậu cỏ cây, bụi rậm hay bở tường v.v… khiến càng thêm đau đớn. Con bò lúc này đâu có chút vui nào, tuy có chạm vào rào giậu hay chưa chạm vào đều luôn chịu khổ sở. Như vậy các hữu há có chút vui tuy đã sinh hay chưa sinh đều là khổ cả. Bí-sô như thế nên quán xúc thực cũng như con bò mới bị lột da vừa nêu. Nếu đối với xúc thực đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì đối với ba thọ cũng đoạn dứt, nhận biết khắp, vì các thọ này do xúc làm duyên sinh ra. Như Khế kinh nói xúc duyên thọ. Nếu đối với ba thọ đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, tức việc làm đã xong, nên phải xét chọn cầu đoạn dứt xúc thực. Đây là dựa vào sự vượt khỏi Hữu đảnh, chứng đắc quả A-la-hán, đoạn dứt hết tất cả các kiết. Đó là theo mật ý để nói.
Hỏi: Vì sao Bí-sô nên quán tư thực như than cháy đỏ rực ở trong hầm lửa?
Đáp: Như gần thành ấp, xóm làng có hầm lửa lớn, không có ngọn lửa bốc lên và khói tỏa ra, chỉ có đầy than cháy đỏ rực. Những người có trí không ngu tối khờ khạo thấy rồi liền nghĩ: Trong hầm lửa ấy đầy cả than cháy đỏ, nếu bị rơi vào đấy tất chết ngay. Nghĩ xong liền khởi ý muốn tránh tai nạn ấy nên gấp rút bỏ đi. Còn những kẻ vô trí ngu si khờ khạo thấy thế liền nghĩ: Nơi hầm lửa này đang cháy sáng rực thật đáng yêu thích, tức thì nhảy vào, thọ khổ và chết.
Như người có trí kia thấy hầm lửa lớn sợ hãi mà lánh xa. Cũng thế, các bậc Thánh đối với hữu sau luôn xét kỹ, sinh chán bỏ. Như kẻ không trí kia nhảy vào hầm lửa lớn, thọ khổ rồi mất mạng. Hàng phàm phu cũng thế, khởi suy xét về hữu sau, thọ vô biên khổ, mất hết tuệ mạng! Bí-sô như vậy nên quán tư thực như than cháy đỏ rực trong hầm lửa vừa nói ở trên. Nếu đối với tư thực đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, tức đối với ba ái cũng đoạn dứt, cũng nhận biết khắp, do ba ái kia là nhân khởi. Như Khế kinh nói: Nghiệp làm nhân nên sinh, ái làm nhân nên khởi. Nếu đối với ba ái đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, tức việc làm đã xong, nên xét chọn cầu đoạn dứt tư thực. Đây cũng dựa vào sự vượt khỏi cõi Hữu đảnh, chứng đắc quả A-lahán, tất cả kiết đều dứt hết. Đó là theo mật ý để nói.
Hỏi: Vì sao Bí-sô nên quán thức thực như ba trăm lưỡi mâu (giáo) bén nhọn?
Đáp: Giả như có người, vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, đều bị một trăm lưỡi mâu đâm vào mình, ngày ngày luôn bị ba trăm lưỡi mâu đâm vào mình như thế cho đến cả đời. Người ấy bấy giờ, khắp thân đều bị thương tích, không một khoảng nhỏ nào còn nguyên vẹn dù chỉ bằng hạt cải. Hành giả như thế, ở trong một ngày, luôn bị ba trăm cảnh khác dẫn dắt, như lưỡi mâu bén chạm vào tâm, đối với chỗ chuyên tu đã bị xâm hại, cho đến cả đời, khiến sự tu tập bị nhiều trở ngại, sai sót. Như vậy Bí-sô nên quán thức thực như ba trăm lưỡi mâu nhọn bén vừa nêu ở trên. Nếu đối với thức thực đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, tức đối với danh sắc cũng đã đoạn dứt đã nhận biết khắp, do thức là duyên với danh sắc kia. Như Khế kinh nói: Thức duyên danh sắc. Nếu đối với danh sắc đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, tức việc làm đã xong, nên xét chọn cầu đoạn dứt thức thực. Đây là dựa vào sự vượt khỏi cõi Hữu đảnh, đạt được quả A-la-hán, tất cả kiết dứt hết. Đó là theo mật ý để nói.
Hỏi: Các cách ăn khác cũng như ba trăm lưỡi mâu chăng? Nếu cũng như ba trăm lưỡi mâu, vì sao chỉ nói quán thức thực? Nếu không như ba trăm lưỡi mâu, thì vì sao chỉ thức thực như ba trăm lưỡi mâu, không phải là cách ăn khác?
Đáp: Các cách ăn khác cũng nên nói như ba trăm lưỡi mâu, như dùng chúng để quán thức thực thì cũng nên dùng chúng để quán về ba cách ăn kia. Nhưng Khế kinh chỉ nói quán thức thực, nên biết đây là sự nêu bày chưa trọn vẹn.
Có thuyết nói: Kinh này chỉ rõ về biên vực sau cùng, hiển bày các cách ăn đã nói ở trước cũng như thế.
Có Sư khác nói: Kẻ tâm tánh cứng, bướng rất khó điều phục, Đức Phật đã quở trách, dùng ba trăm lưỡi mâu làm thí dụ. Các cách ăn khác tự dùng môn khác để ví dụ.
Có thuyết nói: Kinh này theo sự hiển bày về phần thù thắng để nói, nên không có lỗi. Trong ba thí dụ trước, lý có thông suốt là nhờ thí dụ này giải thích.
Như Khế kinh nói: Bà-la-môn Phệ-la-ma này dùng các thức ăn uống thượng diệu như thế để cúng thí cho các vị Đại Bà-la-môn và chúng Bà-la-môn. Nhưng nếu có người dùng các thức ăn uống ấy bố thí cho các phàm phu trong rừng Thiệm bộ thì có được quả phước thí lớn hơn việc cúng thí kia.
Hỏi: Trong Khế kinh này là nói về những gì gọi là các phàm phu trong rừng Thiệm bộ?
Đáp: Có thuyết nêu: Các hữu tình cùng sống trong châu Thiệm bộ đều được nói đến ở đây.
Có thuyết cho: Các vị ngoại tiên đã lìa nhiễm dục tức được nói ở đây.
Có người nói đây là các vị gần với Phật và Bồ-tát. Điều này không hợp lý. Vì có những người bố thí cho các vị gần Đức Phật và Bồ-tát đạt được phước thí hơn hẳn việc bố thí cho vô số bậc A-la-hán.
Như thế nên nói: Đây là nói về các phàm phu đã được căn thiện thuận phần quyết định lựa chọn, nên phước đức của họ hơn hẳn hàng Bà-la-môn kia.
Kinh này lại nói: Nếu dùng thức ăn uống đã bố thí cho các phàm phu trong rừng Thiệm bộ, có người dùng các thức ăn uống ấy bố thí cho một bậc Dự lưu thì có được quả phước thí lớn hơn sự việc kia. Vì bậc Dự lưu đã đoạn các ác kiến, đã dứt hết ba kiết, đã lìa các nhân của nẻo ác do kiến đạo đoạn trừ, đã tạo được biên vực của hữu, chứng đắc quả Dự lưu.
Kinh này lại nói: Nếu dùng thức ăn uống cúng thí cho một trăm vị Dự lưu, có người dùng các thức ăn uống ấy cúng thí cho một vị Nhất lai thì có được quả phước thí lớn hơn sự việc kia. Vì bậc Nhất lai đã lìa hết các nhân nơi nẻo ác do tu đạo đoạn trừ, đã làm mỏng bớt các thứ tham, sân, si, chứng đắc quả Nhất lai.
Kinh này lại nói: Nếu dùng thức ăn uống cúng thí cho một trăm vị Nhất lai, có người dùng các thức ăn uống ấy cúng thí cho một vị Bất hoàn thì có được quả phước thí lớn hơn sự việc kia. Vì bậc Bất hoàn đã đoạn trừ hết các kiết thuận phần dưới, đã vượt khỏi nẻo sinh nơi cõi dục, chứng đắc quả Bất hoàn.
Kinh này lại nói: Nếu dùng thức ăn uống cúng thí cho một trăm vị Bất hoàn, có người dùng các thức ăn uống ấy cúng thí cho một vị A-la-hán thì có được quả phước thí lớn hơn sự việc kia. Vì bậc A-lahán đã đoạn trừ hết tất cả các kiết, đã vượt khỏi nẻo sinh nơi cõi Hữu đảnh, chứng đắc quả A-la-hán.
Kinh này lại nói: Nếu dùng thức ăn uống cúng thí cho một trăm vị A-la-hán, có người dùng các thức ăn uống ấy cúng thí cho một vị Độc giác thì có được quả phước thí lớn hơn sự việc kia. Vì bậc Độc giác đã tự mình có thể giác ngộ.
Kinh này lại nói: Nếu dùng thức ăn uống cúng thí cho một trăm vị Độc giác, có người dùng các thức ăn uống ấy cúng dường cho một vị Như Lai thì có được quả phước thí lớn hơn sự việc kia. Vì bậc Như Lai đã tự có thể giác ngộ tất cả, lại cũng có thể giác ngộ cho những người khác.
Kinh này lại nói: Nếu dùng thức ăn uống phụng cúng chư Như Lai, có người tạo dựng Tăng-già-lam, cúng thí cho chúng Tăng bốn phương thì có được quả phước thí lớn hơn sự việc kia. Vì Tăng-giàlam không có chướng ngại.
Hỏi: Công đức cúng thí Đức Phật hơn hẳn so với cúng thí cho Tăng. Trong đoạn này nói về phước thí đều trước nêu phần kém, sau nêu phần hơn. Tại sao ở đây lại nói Phật trước Tăng sau?
Đáp: Tức vì đấy nên nêu Phật trước, Tăng sau. Vì sao? Vì nếu là Thanh văn Tăng thì không gồm cả Phật, còn như Tăng bốn phương là cũng gồm cả Phật, là phước điền Tăng, Bí-sô Tăng. Nếu chỉ cúng dường Phật thì chỉ Đức Phật thọ nhận, Tăng chúng không thọ nhận, nên phước là kém. Nếu cúng thí Tăng chúng thì Tăng chúng và Phật cùng thọ nhận, nên phước là hơn. Do không chướng ngại nên phước đạt được là không hạn định. Cho nên tuy nêu Phật trước và Tăng sau nhưng cũng được gọi là trước kém sau hơn.
Hỏi: Khi đạt được quả thù thắng cũng do tư duy thù thắng. Vì sao Đức Thế Tôn chỉ tán thán phước điền là hơn hết?
Đáp: Các hữu tình được Đức Thế Tôn giáo hóa có hai hạng khác nhau: 1. Hạng tín và tuệ đều đầy đủ. 2. Hạnh có tín không có tuệ.
Đối với hạng tín, tuệ đầy đủ Đức Phật không tán thán về phước điền, vì họ tự có thể nhận biết về phước điền, không phải là phước điền. Nhưng quả bố thí kia, hoặc có người muốn khiến tư duy hơn nên hơn. Hoặc có người muốn khiến phước điền hơn nên hơn. Nhưng thật ra quả thù thắng đều do cả hai thứ nên thù thắng. Do đó nên thành bốn trường hợp sai biệt:
1. Hoặc có trường hợp do phước điền không do tư duy nên thù thắng.
2. Hoặc có trường hợp do tư duy không do phước điền nên thù thắng.
3. Hoặc có trường hợp cùng do cả hai thứ nên thù thắng.
4. Hoặc có trường hợp do cả hai thứ đều kém nên kém.
Hỏi: Đức Phật bố thí cho Tôn giả Xá-lợi-tử, Tôn giả Xá-lợi-tử bố thí cho Đức Phật. Phước thí của hai sự việc này vị nào nhiều hơn?
Đáp: Những người muốn khiến quả do tư duy hơn thì họ nói Phật bố thí phước nhiều hơn, vì Phật bố thí là tư duy nơi phần vị hiện tiền. Tôn giả Xá-lợi-tử hãy còn không thể nhận biết huống là có thể sánh bằng. Những người muốn khiến quả do phước điền hơn thì họ nói Tôn giả Xá-lợi-tử bố thí phước nhiều hơn, vì phước điền của Phật là tối thắng trong ba cõi.
Hỏi: Hướng và quả Dự lưu là có thể thí chăng? Nếu có thể thí thì vì sao kinh trước không nói? Nếu không thể thì thì như nơi kinh khác nói làm sao thông? Như nói:
Bốn hướng và bốn quả
Là phước điền Tăng thật
Đủ giới tuệ, đẳng trì
Người thí được quả lớn.
Đáp: Có thuyết nói: Có thể thí. Nghĩa là các thứ y phục v.v…
không phải là các thức ăn uống.
Hỏi: Nếu có thể thí thì vì sao kinh trước không nói?
Đáp: Các kinh đã dẫn ở trước nói về bố thí các thức ăn uống, không phải là y phục v.v… thế nên không nói.
Có thuyết nêu: Hướng này cũng có thể bố thí thức ăn, chỉ có thâu giữ nhưng không thọ dụng. Nghĩa là trong Tỳ-ha-la có người nhập kiến đạo, các người khác được nhận phần thức ăn đã bố thí. Hoặc sắp đến giờ ăn, có người nhập kiến đạo, thí chủ lấy thức ăn đặt lên đầu gối vị ấy, hoặc lại đem đặt trong Mạn-đồ-la.
Hỏi: Các kinh đã dẫn ở trước vì sao không nói?
Đáp: Kinh ấy chỉ nói người có thể thọ dụng, còn ở đây căn cứ vào sự thâu giữ nên không trái nhau.
Có Sư khác cho: Hướng này không thể bố thí, thế nên các kinh trước không nói.
Hỏi: Nếu thế thì tụng của kinh đã dẫn làm sao thông?
Đáp: Tụng ấy muốn chỉ rõ Bổ-đặc-già-la do đạo sai khác nên nghĩa phước điền được thành. Nghĩa là hiển bày người đã thành tựu đạo vô lậu, bố thí cho họ tức có được quả lớn, gọi là phước điền chân thực, không nói lúc đó có thể thọ nhận người khác bố thí. Trước hỏi về có thể thí, không thể thí là ý hỏi có thể thọ nhận hay không thể thọ nhận.
HẾT – QUYỂN 130