LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 123
Chương 4: NGHIỆP UẨN
Phẩm 4: BÀN VỀ BIỂU, VÔ BIỂU, phần 2
* Từng có nghiệp hữu lậu có quả hữu lậu chăng? Cho đến nói rộng.
Nên biết ở đây là căn cứ vào ba quả để tạo phần Luận này, tức trừ hai quả sĩ dụng và tăng thượng. Vì quả sĩ dụng có nhiều tạp loạn, do nhiều pháp làm nhân để được một pháp. Còn quả tăng thượng thì không quyết định, vì nó quá rộng, như trước đã nói.
Các Luận sư ở nước Ca-thấp-di-la nói: Ở đây là nương vào một nhân có nhiều quả để tạo luận, hoặc dựa theo đấy để nói.
Hỏi: Từng có nghiệp hữu lậu có quả hữu lậu chăng?
Đáp: Có. Tức là các quả đẳng lưu và dị thục.
Hỏi: Từng có nghiệp hữu lậu có quả vô lậu chăng?
Đáp: Có. Tức là quả ly hệ.
Hỏi: Từng có nghiệp hữu lậu quả là hữu lậu và vô lậu chăng?
Đáp: Có. Tức là các quả đẳng lưu, dị thục và ly hệ.
Hỏi: Từng có nghiệp vô lậu có quả vô lậu chăng?
Đáp: Có. Tức là quả đẳng lưu, ly hệ.
Hỏi: Từng có nghiệp vô lậu có quả hữu lậu chăng?
Đáp: Không có.
Hỏi: Từng có nghiệp vô lậu có quả hữu lậu, vô lậu chăng?
Đáp: Không có.
Hỏi: Từng có nghiệp hữu lậu, vô lậu quả cũng hữu lậu, vô lậu chăng?
Đáp: Không có. Vì sao? Vì trong đây nương vào một nhân có nhiều quả để tạo luận, nên không có nhân nào thể vừa hữu lậu lại vừa vô lậu. Vì không có nhân như thế, tức không có quả như thế, nên đáp là không có.
Hỏi: Từng có nghiệp hữu lậu, vô lậu, quả là hữu lậu chăng?
Đáp: Không có.
Hỏi: Từng có nghiệp hữu lậu và vô lậu, quả là vô lậu chăng?
Đáp: Không có.
Các Sư nơi phương Tây nói: Ở đây là nương vào nhiều nhân có một quả để tạo luận, hoặc dựa vào đấy để nói.
Hỏi: Từng có nghiệp hữu lậu, quả hữu lậu chăng?
Đáp: Có. Tức là quả đẳng lưu và quả dị thục.
Hỏi: Từng có nghiệp hữu lậu, quả vô lậu chăng?
Đáp: Có. Tức là quả ly hệ.
Hỏi: Từng có nghiệp hữu lậu, quả là hữu lậu và vô lậu chăng?
Đáp: Không có. Vì sao? Vì ở đây là căn cứ vào nhiều nhân có một quả để tạo luận, nên không có quả như thế: Thể là hữu lậu mà cũng là vô lậu. Vì không có quả như vậy nên cũng không có nhân như vậy. Do đó đáp là không có.
Hỏi: Từng có nghiệp vô lậu, quả là vô lậu chăng?
Đáp: Có. Tức là quả đẳng lưu và ly hệ.
Hỏi: Từng có nghiệp vô lậu, quả là hữu lậu chăng?
Đáp: Không có.
Hỏi: Từng có nghiệp vô lậu, quả hữu lậu và vô lậu chăng?
Đáp: Không có.
Hỏi: Từng có nghiệp hữu lậu, vô lậu, quả là hữu lậu, vô lậu chăng?
Đáp: Không có.
Hỏi: Từng có nghiệp hữu lậu, vô lậu, quả là hữu lậu chăng?
Đáp: Không có.
Hỏi: Từng có nghiệp hữu lậu, vô lậu, quả là vô lậu chăng?
Đáp: Có. Tức là quả ly hệ.
Lời bình: Nên biết trong đây, thuyết trước là đúng. Vì văn của bản luận phần nhiều đều đồng với trước, tức là dựa vào một thể nghiệp để nêu ra vấn đáp, vì không có thể của một nghiệp nào chung cả nhiễm và tịnh.
Hỏi: Từng có nghiệp học quả là học chăng?
Đáp: Có. Tức là quả đẳng lưu.
Hỏi: Từng có nghiệp học quả là vô học chăng?
Đáp: Có. Tức là quả đẳng lưu.
Hỏi: Từng có nghiệp học quả là phi học phi vô học chăng?
Đáp: Có. Tức là quả ly hệ.
Hỏi: Từng có nghiệp vô học quả là vô học chăng?
Đáp: Có. Tức là quả đẳng lưu.
Hỏi: Từng có nghiệp vô học quả là học chăng?
Đáp: Không có.
Hỏi: Từng có nghiệp vô học quả là phi học phi phi học chăng?
Đáp: Không có.
Hỏi: Bậc A-la-hán thời giải thoát, luyện căn tạo bất động, với đạo vô gián thứ chín chứng đắc tức thì việc đoạn trừ tất cả kiết trong ba cõi do kiến đạo tu đạo đoạn. Các kiết được đoạn trừ kia là quả của đạo này, nên đáp là có, vì sao lại nói là không?
Đáp: Tuy là quả sĩ dụng của đạo này nhưng không phải là quả ly hệ. Vì trước đã nói trong đây trừ quả sĩ dụng và quả tăng thựơng, nên đáp là không.
Hỏi: Từng có nghiệp phi học phi vô học quả là phi học phi vô học chăng?
Đáp: Có. Tức là quả đẳng lưu, quả dị thục, quả ly hệ.
Hỏi: Từng có nghiệp phi học phi vô học quả là học chăng?
Đáp: Không có.
Hỏi: Pháp thế đệ nhất không gián đoạn dẫn sinh khổ pháp trí nhẫn, thì nhẫn này nên là quả của pháp thế đệ nhất dẫn sinh, nên đáp là có, vì sao nói là không?
Đáp: Tuy là quả sĩ dụng, nhưng không thuộc về ba quả kia. Vì trước đã nói, trong đây là dựa vào ba quả để tạo luận, nên đáp là không.
Hỏi: Từng có nghiệp phi học phi vô học quả là vô học chăng?
Đáp: Không có.
***
* Như Đức Thế Tôn nói: Không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ. Cho đến nói rộng.
Về tu có bốn thứ: 1. Tu đắc. 2. Tu tập. 3. Tu đối trị. 4. Tu trừ bỏ. Như nơi chương Trí Uẩn v.v… đã nói rộng.
Trong đây, căn cứ vào hai thứ tu để tạo luận, tức là tu đối trị và tu trừ bỏ. Nếu chưa sinh đạo đối trị đối với thân, giới, tâm, tuệ gọi là không tu thân, cho đến không tu tuệ. Đây là căn cứ vào tu đối trị để nói.
Lại, khi duyên với thân, giới, tâm, tuệ hiện có các thứ phiền não chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp gọi là không tu thân, cho đến không tu tuệ. Đây là căn cứ vào tu trừ bỏ để nói.
Nếu đối với thân, giới, tâm, tuệ, đạo đối trị đã sinh, gọi là tu thân, cho đến tu tuệ. Đây là căn cứ vào tu đối trị để nói.
Lại, khi duyên với thân, giới, tâm, tuệ hiện có các phiền não đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, gọi là tu thân, cho đến tu tuệ. Đây là căn cứ vào tu trừ bỏ để nói.
Đó gọi là ở xứ này đã tóm lược về Tỳ-bà-sa.
Hỏi: Thế nào là không tu thân?
Đáp: Nếu đối với thân chưa lìa hết các thứ tham dục, thấm đậm, vui thích, khao khát. Lại, đạo vô gián có khả năng diệt hết các tham sắc, người này đối với đạo ấy chưa tu, chưa an.
Nếu đối với thân chưa lìa hết các thứ tham dục: Tức là chưa lìa hết ái, chưa lìa hết dục. Nghĩa là đối với ái dục chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.
Chưa lìa hết sự thấm đậm: Là đối với ái thấm đậm chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.
Chưa lìa hết vui thích: Là đối với ái được vui thích chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.
Chưa lìa hết khao khát: Là đối với khát ái chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.
Lại, đạo vô gián có khả năng diệt hết các tham sắc: Nghĩa là đạo vô gián có thể diệt hết các ái ở cõi sắc.
Người này đối với đạo ấy chưa tu, chưa an: Nghĩa là chưa tu tập và chưa an nghỉ, thôi dứt. Tu tức là tu tập. An tức là tu đắc. Lại, khởi gọi là tu, diệt gọi là an. Lại, đã sinh gọi là tu, đã diệt gọi là an.
Nên biết trong đây, nếu đối với thân chưa lìa hết các thứ tham dục, thấm đậm, vui thích, khao khát, gọi là không tu thân: Là căn cứ vào tu trừ bỏ để nói.
Lại, đạo vô gián có khả năng diệt hết các tham sắc, người này đối với đạo ấy chưa tu, chưa an, gọi là không tu thân: Là căn cứ vào tu đối trị để nói.
Có Sư khác nói: Nếu đối với thân chưa lìa hết các thứ tham dục, thấm đậm, vui thích, khao khát, gọi là không tu thân: Nghĩa là đối với ái duyên nơi thân chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Lại, đạo vô gián có khả năng diệt hết các tham sắc, người này đối với đạo ấy chưa tu, chưa an, gọi là không tu thân: Nghĩa là đối với các phiền não khác duyên nơi thân chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.
Có thuyết nói: Nếu đối với thân chưa lìa hết các thứ tham v.v…: Là chỉ rõ sự chưa đoạn dứt được các trói buộc. Lại, đạo vô gián có khả năng diệt hết các tham sắc v.v…: Là chỉ rõ chưa chứng đạt được sự lìa bỏ trói buộc.
Như chưa đoạn dứt được các trói buộc, chưa chứng đạt được sự lìa bỏ trói buộc, thì các thứ chưa diệt trừ hết các lỗi lầm, chưa tu tập các công đức, chưa trừ bỏ các thấp kém, chưa chứng đắc sự thắng diệu, chưa dẹp hết những vô nghĩa, chưa đạt được các nghĩa lý, chưa diệt trừ hết nhiệt não của ái, chưa thọ nhận an vui dứt hết ái, nên biết cũng như thế.
Hoặc có thuyết nói: Nếu đối với thân chưa lìa hết các thứ tham v.v…: Là chỉ rõ đạo vô gián chưa khởi tác dụng. Lại, đạo vô gián có khả năng diệt hết các tham sắc v.v…: Là chỉ rõ đạo giải thoát chưa khởi tác dụng.
Lại có thuyết cho: Nếu đối với thân chưa lìa hết các thứ tham v.v… là chỉ rõ chưa lìa hết nhiễm cõi dục, cho đến nhiễm của tĩnh lự thứ ba. Lại, đạo vô gián có khả năng diệt hết các tham sắc v.v… là chỉ rõ chưa lìa hết nhiễm của tĩnh lự thứ tư. Các thứ sai khác này như lý nên nhận biết.
Hỏi: Thế nào là không tu giới?
Đáp: Nếu đối với giới chưa lìa hết các thứ tham v.v…, nói rộng như đối với thân.
Hỏi: Thế nào là không tu tâm?
Đáp: Nếu đối với tâm chưa lìa hết các thứ tham dục, thấm đậm, vui thích, khao khát. Lại, đạo vô gián có khả năng diệt hết các tham vô sắc, người này đối với đạo ấy chưa tu, chưa an.
Nếu đối với tâm chưa chưa lìa hết các thứ tham v.v…: Như trước đã nói.
Lại, đạo vô gián có khả năng diệt hết các tham vô sắc: Nghĩa là đạo vô gián có thể diệt hết ái ở cõi vô sắc.
Chưa tu, chưa an: Như trước đã nói.
Nên biết ở đây nói: Nếu đối với tâm chưa lìa hết các thứ tham dục, thấm đậm, vui thích, khao khát, gọi là không tu tâm: Là căn cứ vào tu trừ bỏ để nói.
Lại, đạo vô gián có khả năng diệt hết các tham vô sắc, người này đối với đạo ấy chưa tu, chưa an, gọi là không tu tâm: Là căn cứ vào tu đối trị để nói.
Có Sư khác cho: Nếu đối tâm chưa lìa hết các thứ tham v.v…: Tức đối với ái duyên nơi tâm chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Lại, đạo vô gián có khả năng diệt hết các tham vô sắc v.v…: Tức đối với các thứ phiền não khác duyên nơi tâm chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Các thứ còn lại như trước đã nói rộng.
Lại có thuyết nói: Nếu đối với tâm chưa lìa hết các thứ tham v.v…: Là chỉ rõ chưa lìa hết nhiễm ở cõi dục, cho đến nhiễm của Vô sở hữu xứ. Lại, đạo vô gián có khả năng diệt hết các tham vô sắc v.v…: Là chỉ rõ lìa hết các nhiễm ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Các thứ sai khác này như lý nên nhận biết.
Hỏi: Thế nào là không tu tuệ?
Đáp: Nếu đối với tuệ chưa lìa hết các tham v.v… nói rộng như đối với tâm.
Đã nói về tự tánh của không tu thân v.v… nay sẽ nói về tướng xen lẫn không xen lẫn của chúng.
Hỏi: Nếu không tu thân thì không tu giới chăng?
Đáp: Đúng thế.
Hỏi: Nếu như không tu giới thì không tu thân chăng?
Đáp: Đúng thế. Vì thân và giới cùng đối với nhau khi lìa hết nhiễm ở tĩnh lự thứ tư mới đoạn dứt được.
Hỏi: Nếu không tu thân thì không tu tâm chăng?
Đáp: Những người không tu thân thì không tu tâm. Nhưng có khi không tu tâm không phải là không tu thân. Đó là đã lìa hết nhiễm sắc, chưa lìa hết nhiễm vô sắc.
Hỏi: Nếu không tu thân thì không tu tuệ chăng?
Đáp: Những người không tu thân thì không tu tuệ. Nhưng có khi không tu tuệ không phải là không tu thân. Như trước đã nói.
Hỏi: Nếu không tu giới thì không tu tâm chăng?
Đáp: Những người không tu giới thì không tu tâm. Nhưng có khi không tu tâm không phải là không tu giới. Như trước đã nói.
Hỏi: Nếu không tu giới thì không tu tuệ chăng?
Đáp: Những người không tu giới thì không tu tuệ. Nhưng có khi không tu tuệ không phải là không tu giới. Như trước đã nói.
Ở đây nói: Các thứ như trước đã nói đều có nghĩa là đã lìa hết nhiễm sắc, chưa lìa hết nhiễm vô sắc, vì chỗ đối trị đều giống nhau.
Hỏi: Nếu không tu tâm thì không tu tuệ chăng?
Đáp: Đúng thế.
Hỏi: Nếu như không tu tuệ thì không tu tâm chăng?
Đáp: Đúng thế. Vì tâm và tuệ đều ở nơi khi lìa hết nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ mới đoạn dứt hết.
* Như Đức Thế Tôn nói: Nên tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ.
Hỏi: Thế nào là tu thân?
Đáp: Nếu đối với thân đã lìa hết các thứ tham dục, thấm đượm, vui thích, khao khát. Lại, đạo vô gián có khả năng diệt hết các tham sắc, người này đối với đạo ấy đã tu, đã an.
Hỏi: Thế nào là tu giới?
Đáp: Nếu đối với giới đã lìa hết các thứ tham v.v… nói rộng như ở phần thân.
Hỏi: Thế nào là tu tâm?
Đáp: Nếu đối với tâm đã lìa hết các thứ tham dục, thấm đậm, vui thích, khao khát. Lại, đạo vô gián có khả năng diệt hết các tham vô sắc, người này đối với đạo ấy đã tu, đã an.
Hỏi: Thế nào là tu tuệ?
Đáp: Nếu đối với tuệ đã lìa hết các thứ tham v.v… nói rộng như ở phần tâm.
Đây là tóm tắt nơi Tỳ-bà-sa và giải thích các trường hợp ngược lại với các phẩm đen ở trước, như lý nên suy xét.
Đã phân biệt về tự tánh của tu thân v.v… nay sẽ nói về sự xen lẫn và không xen lẫn của chúng.
Hỏi: Nếu tu thân thì tu giới chăng?
Đáp: Đúng thế.
Hỏi: Nếu như tu giới thì tu thân chăng?
Đáp: Đúng thế. Vì thân và giới đều đối với khi lìa hết nhiễm của tĩnh lự thứ tư mới đoạn dứt.
Hỏi: Nếu tu thân thì tu tâm chăng?
Đáp: Những người tu tâm thì tu thân, nhưng có khi tu thân không phải là tu tâm. Nghĩa là đã lìa hết nhiễm sắc, chưa lìa hết nhiễm vô sắc. Hỏi: Nếu tu thân thì tu tuệ chăng?
Đáp: Những người tu tuệ thì tu thân, nhưng có khi tu thân không phải là tu tuệ. Như trước đã nói.
Hỏi: Nếu tu giới thì tu tâm chăng?
Đáp: Những người tu tâm thì tu giới, nhưng có khi tu giới không phải là tu tâm. Như trước đã nói.
Hỏi: Nếu tu giới thì tu tuệ chăng?
Đáp: Những người tu tuệ thì tu giới, nhưng có khi tu giới không phải là tu tuệ. Như trước đã nói.
Trong đây, các câu “Như trước đã nói” đều có nghĩa là đã lìa hết nhiễm sắc, chưa hết nhiễm vô sắc, vì chỗ đối trị đều giống nhau.
Hỏi: Nếu tu tâm thì tu tuệ chăng?
Đáp: Đúng thế.
Hỏi: Nếu như tu tuệ thì tu tâm chăng?
Đáp: Đúng thế. Vì tâm và tuệ đều đối với khi lìa hết nhiễm ở Phi tưởng phi phi tưởng mới đoạn dứt hẳn.
Đã tùy theo câu văn sai khác của bản luận này, giải thích rõ về các thứ không tu thân, giới, tâm, tuệ v.v… Nay sẽ lại theo nghĩa để giải thích sự sai khác của chúng.
Có thuyết nêu: Không tu thân, tức là đối với các thứ bất tịnh có tưởng điên đảo cho là tịnh, chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Không tu giới, tức là đối với các thứ khổ có tưởng điên đảo cho là vui, chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Không tu tâm, tức là đối với vô thường có tưởng điên đảo cho là thường, chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Không tu tuệ, tức là đối với vô ngã có tưởng điên đảo cho là ngã, chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.
Có Sư khác nói: Không tu thân, nghĩa là đối với đoạn thực (ăn bằng từng phần) chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Không tu giới, nghĩa là đối với xúc thực (ăn bằng chạm xúc) chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Không tu tâm, nghĩa là đối với thức thực (ăn bằng thức) chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Không tu tuệ, nghĩa là đối với ý tư thực (ăn bằng ý nghĩ) chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.
Hoặc có thuyết cho: Không tu thân, nghĩa là đối với sắc uẩn chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Không tu giới, nghĩa là đối với thọ uẩn chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Không tu tâm, nghĩa là đối với thức uẩn chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Không tu tuệ, nghĩa là đối với tưởng uẩn, hành uẩn chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.
Lại có thuyết nêu: Không tu thân, nghĩa là đối với sắc tùy thức trụ chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Không tu giới, nghĩa là đối với thọ tùy thức trụ chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Không tu tâm, nghĩa là đối với thức là chủ thể trụ chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp. Không tu tuệ, nghĩa là đối với tưởng tùy thức trụ, hành tùy thức trụ chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.
Có thuyết lại nói: Không tu thân, tức là chưa tu thân niệm trụ. Không tu giới, tức là chưa tu thọ niệm trụ. Không tu tâm, tức là chưa tu tâm niệm trụ. Không tu tuệ, tức là chưa tu pháp niệm trụ.
Có Sư khác cho: Không tu thân, tức là chưa tu thân tu. Không tu giới, tức là chưa tu giới tu. Không tu tâm, tức là chưa tu tâm tu. Không tu tuệ, tức là chưa tu tuệ tu.
Có vị khác lại nêu: Không tu thân, nghĩa là thân đối với giác chi chưa có thể tùy thuận. Không tu giới, nghĩa là giới đối với giác chi chưa có thể tùy thuận. Không tu tâm, nghĩa là tâm đối với giác chi chưa có thể tùy thuận. Không tu tuệ, nghĩa là tuệ đối với giác chi chưa có thể tùy thuận.
Hoặc có thuyết biện: Không tu thân, nghĩa là thân chưa thể làm chỗ nương dựa cho giới. Không tu giới, nghĩa là giới chưa thể làm chỗ nương dựa cho Xa-ma-tha. Không tu tâm, nghĩa là Xa-ma-tha chưa thể làm chỗ nương dựa cho Tỳ-bát-xá-na. Không tu tuệ, nghĩa là Tỳ-bát-xá-na chưa thể diệt trừ các phiền não.
Như không tu thân v.v… có các thuyết khác nhau như thế, như vậy tu thân, tu giới v.v… là trái với các phần nêu trên, nên biết.
***
* Nếu thành tựu giới ở quá khứ thì cũng thành tựu giới loại này ở vị lai và hiện tại chăng? Cho đến nói rộng.
Loại có bốn thứ: 1. Loại tu. 2. Loại luật nghi. 3. Loại giới (cõi). 4. Loại tương tợ.
Loại tu: Như ở chương Trí Uẩn trước nói: Nghĩa là khi chưa từng được đạo hiện tiền mà có thể tu các đạo của tự loại ở vị lai.
Trong đây có thuyết nói: Các đạo hữu lậu thì hữu lậu là loại, các đạo vô lậu thì vô lậu là loại.
Lại có thuyết nói: Các đạo hữu lậu thì lấy chung cả hữu lậu và vô lậu làm loại. Các đạo vô lậu thì lấy chung cả vô lậu, hữu lậu làm loại. Nếu khi đạo hữu lậu hiện tiền thì tu chung cả đạo hữu lậu và vô lậu. Đây là do sức tu của đạo hữu lậu nên đều gọi là loại. Khi đạo vô lậu hiện tiền thì tu chung cả đạo vô lậu và hữu lậu. Đây là do sức tu của đạo vô lậu nên đều gọi là loại.
Loại luật nghi: Như ở chương Nghiệp Uẩn nói. Nghĩa là có trường hợp thành tựu giới ở quá khứ, không phải là giới loại này ở vị lai và hiện tại. Trong đây, luật nghi nào thì lấy luật nghi ấy làm loại. Nghĩa là luật nghi biệt giải thoát thì luật nghi biệt giải thoát làm loại. Luật nghi tĩnh lự thì luật nghi tĩnh lự làm loại. Luật nghi vô lậu thì luật nghi vô lậu làm loại. Luật nghi gia hạnh thì luật nghi gia hạnh làm loại. Luật nghi căn bản thì luật nghi căn bản làm loại. Luật nghi hậu khởi thì luật nghi hậu khởi làm loại. Giới có biểu hiện thì giới có biểu hiện làm loại. Giới không biểu hiện thì giới không biểu hiện làm loại.
Loại cõi: Như chương Căn Uẩn sau này nói. Nghĩa là có thành tựu loại nhãn căn này không phải là loại thân căn này v.v… Trong đây, nếu pháp đối với cõi này có, tức nói cõi ấy là loại đó. Tức là pháp ở cõi dục thì cõi dục làm loại. Pháp ở cõi sắc thì cõi sắc làm loại. Pháp ở cõi vô sắc thì ở cõi vô sắc làm loại.
Loại tương tợ: Như trong Tỳ-nại-da nói. Tôn giả Vật Đặc Tử tay trái phòng hào quang, tay phải phân phát tăng ngọa cụ cho những người cùng loại. Như các người trì kinh thì chung với người trì kinh. Các người trì luật thì chung với các người trì luật. Các vị giảng nói pháp thì chung với các vị giảng nói pháp. Các vị tịnh tu thì chung với các vị tịnh tu. Phân phối các người cùng loại không nhầm với người khác loại, khiến họ cùng nương giúp nhau, tăng tiến các pháp thiện, giảm trừ các pháp ác. Như nói về hữu tình nơi các cõi có sai biệt. Có đồng loại thì cùng tùy thuận. Thắng giải ác thì hợp với thắng giải ác. Thắng giải thiện thì kết hợp với thắng giải thiện. Lại cùng tùy thuận làm những việc nên làm.
Trong bốn loại này, ở đây căn cứ vào loại luật nghi để tạo luận.
Hỏi: Nếu thành tựu giới ở quá khứ thì cũng thành tựu giới loại này ở vị lai và hiện tại chăng?
Đáp: Có trường hợp thành tựu giới ở quá khứ, không thành tựu giới loại này ở vị lai và hiện tại. Nghĩa là giới có biểu hiện đã diệt không mất. Vì giới loại này không hiện tiền.
Có trường hợp thành tựu ở quá khứ và vị lai, không phải là hiện tại. Nghĩa là giới tĩnh lự, vô lậu đã diệt không mất. Vì giới loại này không hiện tiền.
Có trường hợp thành tựu ở quá khứ và hiện tại, không phải là vị lai. Nghĩa là giới có biểu hiện đã diệt không mất. Vì giới loại này hiện tiền.
Có trường hợp thành tựu ở quá khứ cùng vị lai, hiện tại. Nghĩa là giới tĩnh lự, vô lậu đã diệt không mất. Vì giới loại này hiện tiền.
Thành tựu giới ở quá khứ không phải là giới loại này ở vị lai hay hiện tại. Đó là giới có biểu hiện đã diệt không mất.
Giới loại này không hiện tiền: Đây là nói về giới có biểu hiện thì giới có biểu hiện làm loại. Như trước đây đã thọ giới cận sự nhưng giới cần sách có biểu hiện không hiện tiền. Hoặc trước đã thọ giới cần sách nhưng giới Bí-sô có biểu hiện không hiện tiền. Các giới của cận sự nữ v.v… nói cũng như thế.
Nếu nói giới không biểu hiện tức lấy giới không biểu hiện làm loại.
Có nhiều người muốn khiến nếu khi phạm giới thì các loại giới ở hiện tại đoạn dứt, còn ở quá khứ thì không mất. Họ cho trong đây nên nói như thế.
Giới không biểu hiện đã diệt không mất, vì giới loại này không hiện tiền. Như khi đã thọ giới cận sự mà hủy phạm, hoặc đã thọ giới cần sách, giới Bí-sô mà hủy phạm. Các giới cận sự nữ v.v… nói cũng như thế.
Nhiều người khác muốn khiến khi phạm giới thì giới ở hiện tại không đoạn dứt ở quá khứ cũng không mất. Điều họ nói ở đây không thấy chỗ khác nói.
Không có chỉ thành tựu giới không biểu hiện ở quá khứ không phải là loại không biểu hiện này ở hiện tại, và thành tựu ở vị lai, không phải là hiện tại. Nghĩa là giới tĩnh lự và vô lậu đã diệt không mất.
Giới này không hiện tiền: Đây là nói về luật nghi tĩnh lự và vô lậu đã khởi và đã diệt, tuy thành tựu nhưng không hiện tiền.
Và thành tựu ở hiện tại, không phải là vị lai: Tức là giới có biểu hiện đã diệt không mất.
Loại giới này hiện tiền: Đây là nói giới biểu hiện thì giới biểu hiện làm loại. Như trước đã thọ giới cận sự, giới cần sách biểu hiện có hiện tiền. Hoặc trước đã thọ giới cần sách, giới Bí-sô biểu hiện có hiện tiền. Trong đây, lại nên nói như thế. Giới không biểu hiện đã diệt không mất: Đây là nói giới không biểu hiện thì giới không biểu hiện làm loại.
Những thuyết nói: Khi phạm giới, các giới ở hiện tại đoạn dứt, các giới ở quá khứ không bỏ, là họ nói khi đã thọ giới cận sự rồi, cho đến sát-na thứ hai không phạm, thì người này đã thành tựu thứ không biểu hiện ở hiện tại, cũng thành tựu thứ ở quá khứ.
Những thuyết nói khi phạm giới thì giới ở hiện tại không đoạn dứt và các giới ở quá khứ cũng không bỏ, là họ nói khi đã thọ giới cận sự rồi, đến sát-na thứ hai liền phạm thì giới ở hiện tại cũng thành tựu được huống là không phạm.
Và thành tựu ở vị lai hiện tại: Nghĩa là giới tĩnh lự, vô lậu đã diệt không mất.
Giới loại này hiện tiền: Đây là nói luật nghi tĩnh lự và vô lậu đã khởi, đã diệt cũng thành tựu cũng hiện tiền.
Hỏi: Nếu thành tựu giới ở vị lai thì cũng thành tựu giới loại này ở quá khứ và hiện tại chăng?
Đáp: Có trường hợp thành tựu giới ở vị lai không phải là giới loại này ở quá khứ và hiện tại. Nghĩa là bậc A-la-hán sinh vào cõi vô sắc.
Có trường hợp thành tựu ở vị lai và quá khứ, không phải là hiện tại. Nghĩa là giới tĩnh lự, vô lậu đã diệt không mất. Giới loại này không hiện tiền.
Có trường hợp thành tựu ở vị lai và hiện tại, không phải ở quá khứ. Nghĩa là giới vô lậu khi mới hiện tiền.
Có trường hợp thành tựu ở vị lai và quá khứ, hiện tại. Nghĩa là giới tĩnh lự và vô lậu đã diệt không mất. Giới loại này hiện tiền.
Có trường hợp thành tựu giới ở vị lai, không phải là giới loại này ở quá khứ và hiện tại. Nghĩa là bậc A-la-hán sinh ở cõi vô sắc. Và thành tựu ở quá khứ không phải là hiện tại. Đó là giới tĩnh lự và vô lậu đã diệt không mấ. Giới loại này không hiện tiền. Đây là nói luật nghi tĩnh lự và vô lậu đã khởi đã diệt, tuy có thành tựu nhưng không hiện tiền. Và thành tựu ở hiện tại không phải là ở quá khứ. Tức là giới vô lậu khi mới hiện tiền. Đây là nói khổ pháp trí nhẫn và được quả chuyển căn, ở phần vị hiện tiền từ sát-na đầu tiên. Và thành tựu ở quá khứ, hiện tại. Tức là giới tĩnh lự và vô lậu đã diệt không mất. Giới loại này hiện tiền: Đều như trước đã nói.
Hỏi: Nếu thành tựu giới ở hiện tại thì cũng thành tựu giới loại này ở quá khứ và vị lai chăng?
Đáp: Có trường hợp thành tựu giới ở hiện tại không phải là giới loại này ở quá khứ và vị lai. Nghĩa là giới có biểu hiện đầu tiên hiện tiền.
Có trường hợp thành tựu ở hiện tại và quá khứ, không phải là vị lai. Nghĩa là giới có biểu hiện đã diệt không mất. Giới loại này hiện tiền.
Có trường hợp thành tựu ở hiện tại và vị lai, không phải là quá khứ. Nghĩa là giới vô lậu lúc đầu tiên hiện tiền.
Có trường hợp thành tựu ở hiện tại và quá khứ, vị lai. Nghĩa là giới tĩnh lự và vô lậu đã diệt không mất. Giới loại này hiện tiền.
Có trường hợp thành tựu giới ở hiện tại không phải là giới loại này ở quá khứ và vị lai. Nghĩa là giới có biểu hiện đầu tiên hiện tiền. Đây là nói luật nghi biệt giải thoát ở phần vị mới thọ được.
Hỏi: Ở phần vị này cũng thành tựu giới gia hạnh ở quá khứ, vì sao nói không phải là ở quá khứ?
Đáp: Trong đây là căn cứ vào loại luật nghi căn bản để tạo luận. Vì đấy chỉ là gia hạnh của luật nghi, không phải là luật nghi căn bản, nên không nói.
Và thành tựu ở quá khứ không phải là vị lai. Nghĩa là giới có biểu hiện đã diệt không mất. Giới loại này hiện tiền. Đây là nói giới có biểu hiện cùng giới biểu hiện làm loại. Như trước đã thọ giới cận sự, giới cần sách biểu hiện hiện tiền. Hoặc trước đã thọ giới cần sách, giới Bí-sô biểu hiện hiện tiền. Giới cận sự nữ v.v… nói cũng như thế. Nếu nói giới không biểu hiện thì cùng giới không biểu hiện làm loại, hai cách nói có sai khác như trước nên biết.
Và thành tựu ở vị lai, không phải là quá khứ. Nghĩa là giới vô lậu đầu tiên hiện tiền. Đây là nói khổ pháp trí nhẫn và được quả chuyển căn ở phần vị hiện tiền từ sát-na đầu tiên.
Và thành tựu ở quá khứ cùng vị lai. Tức là giới tĩnh lự, vô lậu đã diệt không mất. Giới loại này hiện tiền. Đây là nói luật nghi tĩnh lự và vô lậu đã khởi, đã diệt, cũng thành tựu, cũng hiện tiền.
Trong đây, ba thứ luật nghi là Luật nghi biệt giải thoát, Luật nghi tĩnh lự, Luật nghi vô lậu. Nay chỉ căn cứ vào Luật nghi biệt giải thoát để an lập bảy chúng khác nhau, không căn cứ vào hai thứ kia. Bảy chúng, tức là:1. Bí-sô. 2. Bí-sô-ni. 3. Thức-xoa-ma-na. 4. Thất-la-ma-noa-lạc-ca. 5- Thất-la-ma-noa-lý-ca. 6- Ô-ba-sách-ca. 7- Ô-ba-tư-ca.
Hỏi: Vì sao chỉ căn cứ vào Luật nghi biệt giải thoát để an lập bảy chúng khác nhau mà không căn cứ vào các thứ khác?
Đáp: Vì Luật nghi biệt giải thoát lần lượt mà được, lần lượt an lập. Nghĩa là nếu có thể lìa bỏ được bốn tánh tội và một già tội gọi là Ô-ba-sách-ca. Nếu lại có thể lìa bỏ bốn tánh tội và nhiều già tội gọi là Thất-la-ma-noa-lạc-ca. Nếu có thể lìa bỏ tất cả tánh tội và tất cả già tội, gọi là Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… căn cứ theo đây nên biết.
Bảy chi luật nghi tĩnh lự và vô lậu thì nhanh chóng được, nhanh chóng khởi và nhanh chóng an lập. Nếu căn cứ vào luật nghi tĩnh lự và vô lậu an lập bảy chúng, tức bảy chúng này được lập ra khác nhau là nhanh chóng, không phải là lần lượt.
Có thuyết nói: Luật nghi biệt giải thoát từ nghiệp có biểu hiện đầu tiên phát khởi được rồi trở về sau đối với mọi lúc ở hiện tại đều thành tựu. Nếu ngủ mê, say rượu, hoặc điên cuồng, sầu muộn, hoặc suy nghĩ, hoặc không suy nghĩ, hoặc tâm nhiễm ô, hoặc tâm vô ký, hoặc không tâm v.v… trong tất cả các phần vị ấy thì hiện tại luôn nối tiếp tùy chuyển không dứt, nên có thể nương vào đó lập ra bảy chúng khác nhau. Còn luật nghi tĩnh lự và vô lậu nếu đang ở trong định thì thành tựu hiện tại, còn nếu ở hiện tại tùy chuyển xuất định thì không như thế, nên không dựa vào đó đã lập bảy chúng riêng. Nếu nương vào luật nghi tĩnh lự và vô lậu lập bảy chúng riêng, thì sự thành lập bảy chúng này tức nên bất định vì lúc xuất, nhập định không có kỳ hạn.
Có Sư khác nói: Bảy chúng khác nhau của Luật nghi biệt giải thoát đều chỉ có thể được an lập ở cõi dục, còn luật nghi tĩnh lự và vô lậu thì chung cả các cõi trên cũng có được. Nếu nương vào đó để lập ra bảy chúng thì bảy chúng lập ra này phải chung cả các cõi trên.
Có thuyết lại nói: Bảy chúng khác nhau của Luật nghi biệt giải thoát đều chỉ có thể được lập ra ở nẻo người, còn luật nghi tĩnh lự và vô lậu cũng chung cả nẻo trời. Nếu phải dựa vào đó để lập ra bảy chúng, thì bảy chúng được lập ra ấy phải chung cả nẻo trời.
Lại có thuyết cho: Bảy chúng khác nhau của Luật nghi biệt giải thoát chỉ khi nào có Phật ra đời mới có thể ab lập. Còn luật nghi tĩnh lự và vô lậu thì Phật có ra đời hay không ra đời đều có thể an lập. Nếu phải dựa vào đấy để lập ra bảy chúng, thì bảy chúng khác nhau được lập ra này cũng nên chung cả phần không có Phật ra đời.
Có Sư khác nói: Vì sao không dựa vào luật nghi tĩnh lự để lập ra bảy chúng mà chỉ dựa vào luật nghi biệt giải thoát? Vì bảy chúng khác nhau của luật nghi biệt giải thoát chỉ trong đạo Phật mới có. Còn luật nghi tĩnh lự thì cả đạo Phật và ngoại đạo đều có. Nếu dựa vào tĩnh lự để lập ra bảy chúng thì chúng ấy phải chung cả ngoại đạo. Lại vì sao không dựa vào luật nghi vô lậu để lập ra bảy chúng khác nhau mà chỉ dựa vào luật nghi biệt giải thoát? Là vì luật nghi biệt giải thoát nơi bảy chúng khác nhau là chung cho cả phàm và Thánh, còn luật nghi vô lậu chỉ riêng của bậc Thánh không phải cho phàm. Nếu dựa vào thứ này để lập ra bảy chúng thì chúng ấy chỉ dành riêng cho bậc Thánh.
Do các nhân duyên vừa nêu nên chỉ dựa vào luật nghi biệt giải thoát để lập ra bảy chúng, không dựa vào hai thứ kia.
***
* Như Đức Thế Tôn nói: Ô-ba-sách-ca có năm Học xứ là: Lìa sát sinh, lìa không cho mà lấy, lìa hành tà dục, lìa nói dối, lìa uống các thứ rượu.
Hỏi: Vì sao gọi là Ô-ba-sách-ca?
Đáp: Đó là những người gần gũi tu tập làm các pháp thiện. Nghĩa là thân và tâm của nhóm người này quen hành tập pháp thiện, nên gọi là Ô-ba-sách-ca.
Hỏi: Nếu thế thì những người không đoạn dứt pháp thiện đều gọi là Ô-ba-sách-ca chăng? Vì thân tâm của hạng người này cũng tu thiện?
Đáp: Không phải thế. Đây là dựa vào các pháp thiện của hành diệu thuộc về luật nghi để lập tên gọi ấy.
Hỏi: Nếu như thế thì những người trụ nơi luật nghi đều gọi là Ô-ba-sách-ca chăng, do những người này đều tu luật nghi thiện?
Đáp: Đây là do ở đầu tiên nên được mang tên. Các luật nghi khác lại do những duyên khác để lập.
Lại nữa, đây là luật nghi mới nhập gia hạnh có thể làm cận sự, còn luật nghi khác thì trái với đây cho nên không vấn nạn.
Có Sư khác nói: Người gần gũi thờ kính các bậc thiện sĩ (Thiện tri thức). Nghĩa là những người này lúc nào cũng gần gũi thờ kính các bậc thiện tri thức nên gọi là Ô-ba-sách-ca.
Lại có thuyết nói: Người gần gũi tu tập các hạnh tinh tấn, tức là những người lúc nào cũng hành tinh tấn vui thích tu tập để nhanh chóng lìa sinh tử, chứng nhập Niết-bàn, nên gọi là Ô-ba-sách-ca.
Lại có thuyết nói: Người gần gũi thờ kính các pháp Phật, tức những người này chí thành thọ nhận, bảo vệ các pháp luật của chư Phật, không tiếc thân mạng, nên gọi là Ô-ba-sách-ca.
Hỏi: Vì sao năm điều này gọi là học xứ?
Đáp: Vì đó là những điều phải học của hàng cận sự.
Có thuyết nói: Những thứ ấy nên gọi là học tích, vì nếu thực hiện thành tựu tức có thể lên được cung điện trí tuệ vô thượng. Như Tôn giả A-nô-luật-đà nói với các Bí-sô: Ta nương dựa vào giới, trụ nơi giới luật, lấy giới làm thềm bậc để có thể lên cung điện trí tuệ vô thượng. Chư vị nên học, chớ sinh phóng dật.
Có thuyết cho: Những thứ này nên gọi là học hại, vì học năm giới này sẽ diệt trừ các giới ác khác.
Có thuyết nói: Những thứ ấy nên gọi là học lộ, vì đây là con đường thẳng đi đến tất cả luật nghi, các hành diệu pháp thiện đều được chuyển biến theo đấy.
Có thuyết cho: Những thứ ấy nên gọi là học cấm. Như các ngoại đạo đã thọ nhận các pháp cấm, mọi thứ sai khác đều lấy đó làm dấu hiệu. Thánh chúng như thế lấy năm thứ pháp học cấm này làm dấu hiệu nổi bật đầu tiên.
Có thuyết nêu: Năm thứ ấy nên gọi là học bản, vì những chỗ cần học lấy đấy làm gốc.
Có thuyết lại cho: Năm thứ ấy nên gọi là học cơ, tức đối với thành Niết-bàn thì đấy là nền tảng.
Hỏi: Vì sao trong điều cấm hành phi phạm hạnh chỉ lấy việc lìa bỏ xâm phạm vợ người khác để kiến lập học xứ không căn cứ nơi việc lìa bỏ hành dâm với vợ mình?
Đáp: Các Sư cựu Đối pháp và các Luận sư ở nước Ca-thấp-dila nói: Lìa hành tà dục là luật nghi cần phải thọ trì của hàng cận sự, theo tộc họ gia đình nơi địa mình, còn lìa bỏ hành phi phạm hạnh thì không như thế, nên ở đây chỉ lập việc lìa bỏ xâm phạm vợ người.
Hiếp Tôn giả nói: Bậc Pháp vương pháp chủ nhận biết rõ luật nghi này. Có pháp có thể tạo chướng ngại, cản trở, có pháp không tạo chướng ngại, cản trở. Nghĩa là hành tà dục đối với luật nghi này là thứ có thể làm chướng ngại, cản trở các điều ngăn cấm hơn hết. Như người giữ cửa luôn đóng chặt cửa cấm không mở, còn các phi phạm hạnh khác thì không như thế, nên ở đây chỉ ra điều lìa bỏ xâm phạm vợ người mà thôi.
Có thuyết nói: Khi phạm hành tà dục là thuộc về tánh tội, sẽ bị đời chê trách, còn các điều phi phạm hạnh khác, tuy cũng thuộc tánh tội, nhưng không bị người đời chê trách, cho nên không đặt ra.
Có thuyết cho: Đối với vợ người khác thì dễ xa lìa hơn là vợ mình. Nghĩa là khi ở nhà thì vợ con vây quanh, ngày đêm gần gũi, ân ái ràng buộc tâm, không thể thọ trì việc xa lìa sự gần gũi ấy. Bên trong thật sự là bất tịnh, bên ngoài giả hiện nghiêm trang, như có kẻ vẽ hình xe chứa phân làm bằng hài cốt của vợ mình. Lìa hành tà dục dễ ngăn giữ, nghĩa là mong muốn vợ người khác là việc tâm khó toại.
Có Sư khác cho: Nếu phạm tội xâm phạm vợ người khác, tức thuộc về nghiệp đạo ác căn bản, không phải là đối với vợ mình, thế nên không nói.
Có Sư khác nói: Nếu người đối với vợ mình sinh tâm biết đủ cũng được gọi là người có phạm hạnh thanh bạch, thuần nhất gồm đủ, nên ở đây không lập.
Có thuyết nêu: Đây là chư Phật tạo phương tiện khiến kẻ khác vào pháp. Nghĩa là trước hết, Đức Phật quán xem, nếu đặt các giới cho hàng cận sự như thế thì nhận biết đối với các hành ác, người ấy có thể lìa bỏ được bao nhiêu thứ. Vì chỗ cần lìa bỏ thì nhiều như nước trong bốn biển, còn các thứ chưa lìa bỏ khác thì ít như sương đầu ngọn cỏ. Khi người này thấy việc xâm phạm vợ người khác biết là tội có thể xa lìa, thì không bao lâu sẽ thấy việc hành dâm với vợ mình cũng có tội phải lìa bỏ, nên chỉ lập điều lìa bỏ xâm phạm vợ người.
Lại có thuyết biện: Đây là chư Phật theo phương tiện quyền xảo. Nếu Phật chế ra giới cấm cả vợ mình thì các vua chúa, các đại thần, tể tướng, trưởng giả v.v… không thể từ bỏ việc yêu thương vợ mình, liền bạch Phật: “Chúng con không thể tuân giữ được giới cấm của Như Lai, nên lại xin bỏ việc lìa yêu thương vợ mình nhân đấy họ mới có người nối dõi”, nên Đức Phật chỉ đặt ra điều cấm xâm phạm vợ người khác.
Có Sư khác cho: Nếu các bậc Thánh từng trải trong đời không phạm, lại lập ra giới cho hàng cận sự không phạm với vợ mình là không được. Vì sao? Vì khi phạm với vợ mình, do ba duyên tức là tham sân si sinh. Bậc Thánh từng trải trên đời tuy không phạm điều do si sinh, vì si thuộc về phẩm kiến, bậc Thánh đã đoạn dứt, nhưng hãy còn phạm do tham sân sinh, nên không lập điều cấm ấy.
Hỏi: Hàng Ô-ba-sách-ca khi đã thọ trì năm thứ học xứ như xa lìa phi phạm hạnh rồi, lại tuân giữ các luật nghi khác, thì có khác gì trước đó chăng?
Đáp: Không khác gì, song gọi là hàng Ô-ba-sách-ca tối thắng, vì đã riêng tuân giữ thêm những giới xa lìa khác. Như các Bí-sô nếu thọ giữ thêm mười hai công đức Đầu-đà, thì không khác gì hàng Bísô trước đây, nhưng gọi là Đại Bí-sô tối thắng, vì đã riêng tuân giữ những hạnh xa lìa khác. Đây cũng như thế.
Hỏi: Vì sao trong bốn nghiệp đạo thiện của ngữ, thì lìa bỏ nói lời hư dối được lập riêng làm học xứ, không phải là các thứ kia?
Đáp: Các Sư cựu Đối Pháp và các Luận sư nước Ca-thấp-di-la nói: Lìa bỏ nói lời hư dối là luật nghi cần được thọ trì của người cận sự theo gia tộc, bản địa. Còn các thứ như lìa bỏ nói lời ly gián v.v… thì không như thế, nên ở đây chỉ lập điều lìa bỏ nói lời hư dối.
Hiếp Tôn giả nói: Bậc Pháp vương pháp chủ nhận biết rõ trong các luật nghi này những pháp có thể làm chướng ngại, cản trở các điều ngăn cấm, những pháp không thể tạo chướng ngại, cản trở. Nghĩa là nói lời hư dối là thứ gây chướng ngại cản trở hơn cả đối với các luật nghi ấy. Cũng như người giữ cửa luôn đóng chặt cửa cấm không mở. Còn như lìa bỏ lời nói ly gián v.v… thì không như thế.
Có thuyết cho: Vì nói lời hư dối thuộc về tội tánh và bị chê trách nhiều nhất, còn nói lời ly gián v.v… tuy thuộc tánh tội, nhưng bị chê trách nhẹ hơn, nên không lập làm học xứ cho hàng cận sự.
Có thuyết nêu: Lìa bỏ lời nói hư dối thì dễ có thể tuân giữ hơn ba thứ kia. Nghĩa là ở nhà sai khiến chỉ dạy đám tôi tớ v.v… thì khó có thể xa lìa ba thứ kia như nói lời ly gián v.v…, cùng các sự việc đánh đập trong thân nghiệp.
Lại có thuyết biện: Nói lời hư dối là nghiệp đạo nặng nhất, không phải nhẹ như ba thứ kia, nên không lập chúng làm học xứ cho hàng cận sự.
Có Sư khác nói: Chỉ có nói lời hư dối mới có thể hủy hoại Tăng đoàn, cho nên lập làm học xứ, còn ba thứ kia thì không như thế.
Có thuyết khác cho: Nếu các bậc Thánh từng trải trong đời không hề phạm, lại lập thành giới của hàng cận sự thì các bậc Thánh nhất định xa lìa nghiệp đạo nói lời hư dối, không phải là các ngữ nghiệp khác. Vì sao? Vì các ngữ nghiệp khác do ba thứ sinh ra, là tham sân si. Các bậc Thánh ấy tuy không phạm các điều do si sinh ra, vì si thuộc về phẩm kiến, các bậc Thánh đã đoạn dứt, nên chỉ phạm các điều do tham sân sinh, do đấy nên không lập.
Hỏi: Vì sao nơi các già tội, Đức Thế Tôn chỉ lập điều lìa bỏ uống rượu làm học xứ?
Đáp: Các Sư cựu Đối pháp và các Luận sư nước Ca-thấp-di-la nói: Chỉ lìa bỏ uống rượu là luật nghi cần được thọ trì của hàng cận sự theo gia tộc, bản địa. Còn lìa bỏ các già tội khác thì không như thế, nên chỉ lập điều lìa bỏ uống rượu.
Hiếp Tôn giả cho: Bậc Pháp vương pháp chủ nhận biết rất rõ các luật nghi này, các pháp có thể tạo chướng ngại, cản trở các điều ngăn cấm, các pháp không gây tạo chướng ngại, cản trở, nghĩa là uống các thứ rượu có thể gây tạo chướng ngại, cản trở đối với các luật nghi này là hơn hết, cũng như người giữ cửa luôn đóng chặt cửa cấm không mở. Còn các già tội khác thì không như thế, nên chỉ lập điều lìa bỏ uống rượu.
Có thuyết nói: Lìa bỏ uống rượu dễ có thể tuân giữ hơn các già tội khác. Tức các thứ nước như sữa, nước trái cây, đường phèn v.v… đều dùng làm nước giải khát được, cần gì dùng rượu.
Có Sư khác cho: Giới lìa bỏ uống rượu là có thể giữ gìn chung cho cả các luật nghi khác. Như bờ lũy hào thành có thể phòng vệ chung cả.
Lại có thuyết nêu: Nếu không giữ gìn giới lìa bỏ uống rượu thì có thể khiến phạm cả các luật nghi khác. Còn các thứ kia thì không như thế.
Có chuyện kể: Có một Ô-ba-sách-ca bản tánh hiền thiện, nhân hậu, tuân giữ năm giới chuyên tinh không phạm. Sau đó, có một lúc cả nhà lớn nhỏ đều được mời đi ăn cỗ, riêng ông này không đi, ở nhà chỉ giữ lấy thức ăn dành cho mình, đến giờ đem ra dùng, do thức ăn mặn quá nên ăn xong thì khát nước. Ông này thấy một bình đựng đầy rượu tưởng là nước, trong cơn khát dữ liền dốc bình uống cạn. Thế là ông ta phạm giới cấm uống rượu. Khi ấy, có một con gà ở nhà hàng xóm chạy vào nhà mình, ông này dấy tâm trộm cắp liền bắt gà làm thịt đem nấu nướng ăn. Như vậy là ông ta lại phạm thêm hai giới cấm lìa trộm cắp và sát sinh. Cô gái nhà bên cạnh sang nhà ông ta tìm gà bị ông ấy dùng sức mạnh cưỡng hiếp, thế là phạm thêm giới cấm làm việc tà dâm. Người nhà cô gái giận quá nên đem lên cửa quan xét xử.
Khi người hỏi cung gạn hỏi nguyên do, ông này cự tuyệt, chối phăng, vậy là lại phạm thêm giới lìa nói dối. Như thế, tất cả năm giới đều do rượu nên phạm cả, vì thế trong các tội về ngăn trừ (Già tội) riêng đặt ra điều cấm uống rượu.
Có Sư khác nói: Vì rượu khiến mất chánh niệm, tăng thêm sự không biết xấu hổ, là lỗi nặng nhất, nên phải riêng lập ra điều cấm uống rượu.
Như trong Luật kể: Trong nước Chế Địa có một con rồng độc hết sức hung dữ, luôn hủy hoại mùa màng từ mạ non cho đến lúa chín. Rồng ở nơi dưới ao nước, chạy trên đất, bay lên không trung mặc sức, không ai dám đến gần. Khi ấy, có vị Tôn giả tên là Thiện Lai, dùng phương tiện khéo léo hàng phục được con rồng độc ấy, do đó tiếng đồn vang khắp chốn gần xa. Bấy giờ, nhiều người tin kính tranh nhau đến cúng dường, vị Tôn giả này lần lượt du hóa khắp nơi, lần hồi đến thành Thất-la-phiệt, gặp lúc trong thành đang lập hội mời chư Tăng tới cúng dường. Lúc này, có một Cận sự nữ vì nhà không khá giả lắm nên chỉ thỉnh riêng một mình Tôn giả Thiện Lai đến cúng dường thức ăn. Vì thức ăn mặn, nên chỉ thoáng chốc cơn khát kéo đến, cơn khát càng dữ nên Tôn giả liền xin uống nước. Cô Cận sự nghĩ thầm: Tôn giả ăn nhiều mỡ béo, nếu uống nước lạnh vào tất sẽ mang bệnh, nên nàng theo phương tiện lấy rượu trong dâng lên, Tôn giả không xem kỹ liền uống cạn. Sau đó, Tôn giả nói vài lời tán thán rồi ôm bát đi thẳng về chùa Thắng lâm. Khi sắp đến nơi thì say mèm, mơ màng té lăn ra đất, y bát, tích trượng vung vãi khắp nơi, lõa hình nằm ở đấy không còn biết gì. Đức Phật cùng Tôn giả A-nan đi kinh hành đến nhìn thấy, tuy biết rõ nhưng Đức Phật vẫn hỏi: Người nằm ấy là ai? Vì sao đến nỗi say mèm nằm giữa chỗ này? Tôn giả A-nan bạch Phật: Đây là Bí-sô Thiện Lai. Phật bảo Tôn giả A-nan hãy tập hợp chúng Tăng. Khi chúng Tăng đến đông đủ, Đức Phật bèn ở giữa chúng trải tọa cụ thường dùng và ngồi kiết già.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo chúng Bí-sô: Các Bí-sô có nghe việc Bí-sô Thiện Lai đã khéo hàng phục rồng độc chăng? Các Bí-sô chính mắt thấy hoặc nghe kể lại đều cùng đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con đều có nghe biết việc đó. Đức Phật bảo: Các Bí-sô nghĩ sao, bấy giờ Bí-sô Thiện Lai còn đủ sức để hàng phục một con ểnh ương chăng? Chúng Bí-sô cùng thưa: Bạch Đức Thế Tôn, không!
Khi đó, Đức Thế Tôn dùng đủ phương tiện quở trách lỗi lầm tai hại của rượu và bảo chúng Bí-sô: Nếu các Bí-sô còn kính Phật làm thầy thì từ nay trở đi dù là rượu làm bằng mầm cỏ tranh bày bán ở tiệm, một giọt cũng không được uống. Cho nên trong các tội ngăn trừ chỉ riêng cấm uống rượu.
Có thuyết nói: Uống rượu có thể khiến trí tuệ suy kém. Như nói: Trưởng giả trí tuệ suy kém, đó là lỗi thứ sáu, nên trong các già tội chỉ riêng cấm uống rượu.
Có Sư khác cho: Bậc Thánh từng trải ở đời tất không uống rượu, tuy ở phần vị trẻ thơ, bà vú dùng ngón tay chấm rượu đưa vào miệng, vì không tự tại được mới không bị lỗi. Khi vừa có nhận thức phân biệt, giả sử lúc gặp phải duyên cưỡng ép, tuy để giữ lấy thân mạng, dứt khoát cũng không được uống rượu. Cho nên trong các tội ngăn trừ, chỉ riêng lập giới cấm uống rượu.
HẾT – QUYỂN 123