LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 122

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ BIỂU, VÔ BIỂU, phần 1

* Nếu thành tựu thân biểu thì cũng thành tựu vô biểu chăng? Các chương như thế và giải nghĩa của chương đã được lãnh hội rồi, tiếp theo nên giải thích rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để ngăn chận các Tông chỉ khác và làm sáng tỏ nghĩa lý của mình. Như Phái Thí Dụ nói: Nghiệp biểu hiện và không biểu hiện, thể tánh của nó là không thật. Vì sao? Vì nếu nghiệp biểu hiện là thật có thể đạt được, nương vào đó khiến có nghiệp không biểu hiện, nhưng nghiệp biểu hiện này là không thật, làm sao có thể phát sinh nghiệp không biểu hiện khiến có? Lại, nghiệp biểu hiện hãy còn là không thì nghiệp không biểu hiện làm sao có được? Nhưng nói là có là do các Sư của Đối pháp vọng nêu bày thôi.

Như có người vừa thấy cô gái đẹp liền khởi nhiễm đến gần nói: Này nàng kia! Có thể cởi bỏ y phục của loài người, ta sẽ mặc cho nàng loại y phục của thiên nữ ở cõi trời. Cô này nghe nói thế thì vui thích nên y lời. Tên ấy liền đến chạm xúc, thỏa ý rồi nói: Ta đã mặc xong áo thiên nữ ở cõi trời cho nàng rồi đấy. Cô gái bảo: Thân thể em hiện như thế này xấu hổ chết được, y phục thiên nữ nào có gì đâu.

Tên ấy nói: Xiêm y của thiên nữ lộng lẫy thế kia chỉ có mình ta thấy được thôi, người trần như nàng không thể nhìn thấy. Ấy, kẻ ngu như vậy vốn chẳng có áo trời gì cả, nói gì đem mặc cho người khác.

Các vị Đối pháp đã nêu bày cũng như thế. Vốn không có nghiệp biểu hiện, huống chi là nương vào đấy để khởi nghiệp không biểu hiện. Cho nên nói các vị Đối pháp chỉ là vọng khởi luận thuyết ấy. Lại, nếu biểu hiện và không biểu hiện ấy là sắc, thì chúng là các màu xanh, vàng, đỏ, trắng kia chăng? Lại, làm thế nào để thành tánh thiện tánh bất thiện? Nếu nhân nơi dao động để thành tánh thiện ác, thì vì sao hoa kiếm cùng động đen không như thế? Nay nhằm ngăn chận các ý kiến nêu trên của Phái Thí Dụ, để trình bày Tông chỉ của mình, là các nghiệp biểu hiện không biểu hiện đều là thật có, nên tạo ra phần Luận này.

Nếu các nghiệp biểu hiện thể không có thật, thì trái với Khế kinh. Như Khế kinh nói: Kẻ ngu do trông mong, ham muốn nên gọi là ái, do ái phát khởi các biểu hiện nên gọi là nghiệp. Lại, Khế kinh nói: Tai đêm tầm tứ cũng như khói xông khắp. Sáng sớm cử động thân ngữ cũng như phát ra ánh lửa.

Nếu các nghiệp không biểu hiện thể không có thật, thì cũng trái với Khế kinh. Như Khế kinh nói: Sắc có ba thứ gồm thâu tất cả các sắc: 1. Sắc có thấy, có đối. 2. Sắc không thấy, có đối. 3. Sắc không thấy, không đối.

Nếu không có sắc không biểu hiện, tức nên không có ba thứ được kiến lập, vì không có loại thứ ba. Lại, nếu bài bác cho là không có sắc biểu hiện, không biểu hiện, thì vua Vị Sinh Oán (A-xà-thế) con của bà Phệ-đề-sí (Vi Đề Hy) tức nên không xúc hại cha, tạo tội vô gián. Nghĩa là ở phần vị phát ra các biểu hiện thì vua cha vẫn còn sống, nhưng khi vua cha chết rồi thì các nghiệp biểu hiện cũng chấm dứt. Do sức của các biểu hiện trước đó nên có được cái không biểu hiện ở sau, nên vua Vị Sinh Oán mới gây nghiệp tội vô gián. Lại như ngoại đạo xuất gia tên Trượng Kế kia cũng nên không xúc hại để tạo tội vô gián. Nghĩa là ở phần vị phát ra các biểu hiện thì Tôn giả Mục Liên còn sống, khi Tôn giả nhập Niết-bàn thì chấm dứt các nghiệp biểu hiện. Do sức biểu hiện trước nên có được sự không biểu hiện ở sau, thế nên ngoại đạo ấy gây nghiệp phạm tội vô gián.

Lại nếu bài bác cho là g có nghiệp biểu hiện và không biểu hiện, tất không kiến lập ba phẩm có khác nhau: Tức là trụ nơi phẩm luật nghi, trụ nơi phẩm không luật nghi và trụ nơi phẩm không luật nghi không phải không luật nghi. Nhưng họ nói biểu hiện này là không có Thể biểu hiện, nếu là sắc thì chúng là các màu sắc xanh, vàng, trắng, đỏ kia chăng? Vấn nạn này không đúng, vì các màu sắc hiện ra đâu phải là các sắc riêng khác. Nên biết biểu hiện của thân là hình thể, biểu hiện của ngữ là tiếng nói, cả hai thứ này không phải là sắc có màu sắc. Còn sắc thuộc về pháp xứ là không biểu hiện, không thể vấn nạn, do đồng là màu xanh, vàng v.v… Song các sắc xứ gồm chung có bốn thứ:

1. Sắc xứ chỉ có màu sắc hiện rõ không có hình thù, cử động.

2. Sắc xứ chỉ có hình thù, cử động không có màu sắc hiện rõ.

3. Sắc xứ có màu sắc, hình thù đều hiện rõ.

4. Sắc xứ không có màu sắc, hình thù.

Có màu sắc hiện rõ không có hình thù, cử động: Tức là các màu xanh vàng đỏ trắng, bóng râm, ánh nắng, sáng tối.

Có hình thù, cử động không có màu sắc: Tức là sắc biểu hiện của thân (Sự cử động của thân).

Có màu sắc, hình thù đều hiện rõ: Tức các thứ khác có hoặc màu sắc, hoặc hình thù cử động đều đủ.

Không có màu sắc, hình thù gì cả: Tức là sắc ở cõi không (Không giới).

Lại như chỗ nói: Nếu thân cử động múa may thì thành tánh thiện tánh ác. Còn khi hoa kiếm cử động thì sao không như thế. Điều ấy cũng không đúng, vì pháp có căn khác, pháp không căn khác. Tức thân thuộc về hữu tình, do tâm hoạt động nên có các tâm và tâm sở pháp thiện ác có thể biểu hiện hoa kiếm v.v… thì không như thế nên biểu hiện và không biểu hiện, nhất định là có. Nhưng biểu hiện và không biểu hiện nương vào thân để khởi. Có thứ chỉ nương một phần như khảy móng tay, giơ chân lên v.v… còn một phần là các chuyển động gây tạo nghiệp thiện ác. Có thứ nương vào cả toàn thân như lễ Phật hay rượt đuổi kẻ thù v.v… toàn thân vận động tạo các nghiệp thiện ác. Ở đây, tùy chỗ nương dựa nơi thân là số cực vi thì nghiệp biểu hiện về lượng cũng như thế. Như số lượng biểu hiện, số lượng không biểu hiện cũng như vậy.

Hỏi: Tùy theo mỗi thứ nghiệp, nếu có biểu hiện tức có không biểu hiện chăng? Và nếu có không biểu hiện tức có biểu hiện chăng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Bảy nghiệp đạo căn bản quyết định là có đủ biểu hiện và không biểu hiện. Còn gia hạnh và hậu khởi thì nghiệp biểu hiện nhất định là có, còn nghiệp không biểu hiện thì bất định. Vì chỉ có triền mạnh nhanh và ân cần tin tưởng tạo phát không biểu hiện, không phải là thứ nào khác.

Có thuyết cho: Bảy nghiệp đạo căn bản thì không biểu hiện là nhất định có, còn biểu hiện thì bất định. Vì nếu chính mình làm thì có biểu hiện, còn nếu sai kẻ khác làm chỉ được không biểu hiện. Về gia hạnh và hậu khởi như trước đã nói.

Lời bình: Nên nói như vầy: Trừ hành tà dục, các nghiệp đạo căn bản còn lại thì không biểu hiện là nhất định có, còn biểu hiện là bất định. Nếu do mình làm, khi đã rốt ráo là có nghiệp biểu hiện, còn sai người khác làm, hoặc khi đã rốt ráo, nếu biểu hiện đã dứt, tức chỉ có không biểu hiện. Nếu hành tà dục, biểu hiện cũng nhất định là có. Phần vị gia hạnh quyết định là có biểu hiện, không biểu hiện thì bất định như trước đã nói. Phần vị hậu khởi nhất định là có không biểu hiện, còn biểu hiện thì bất định. Nếu làm thì có, không làm thì không có. Nên biết đây là nói tâm tán (không cố ý) hành tác. Nếu tùy theo chi phần thì định (cố ý) và tán (không cố ý) có sai khác. Có biểu hiện, không biểu hiện, như lý nên suy xét.

Các thứ thuộc về không phải luật nghi không phải không luật nghi, các hành diệu hành ác do ba nhân duyên nên không biểu hiện không đoạn dứt: Một là do ý lạc không dứt. Hai là do không bỏ gia hạnh. Ba là do chưa vượt quá thế mạnh hạn định.

Do ý lạc không dứt và không bỏ gia hạnh: Là như có kẻ đối với tượng Phật, tháp miếu thờ Phật v.v… khởi tâm thuần tịnh cung kính cúng dường, nên chỗ phát khởi không biểu hiện từ sát-na đầu tiên cho đến ý lạc chưa dứt, hoặc gia hạnh chưa bỏ trở đi là nối tiếp không dứt. Nếu ý lạc dứt và bỏ gia hạnh, thì không biểu hiện liền dứt.

Do chưa vượt quá thế mạnh hạn định: Là khi tâm thuần tịnh cùng với triền mạnh nhanh tạo nên việc thiện ác, thì tùy theo sức lực, thế mạnh nên không biểu hiện không đoạn dứt. Như do triền mạnh nhanh giết hại nhiều đàn kiến thì chỗ phát khởi không biểu hiện cả đời luôn nối tiếp. Tâm thuần tịnh hành tác cũng thế. Nghĩa là như có người ân cần trân trọng tin tưởng sắm sửa bày biện các vật dụng cúng dường để phụng thí chúng Tăng, cùng đốt hương, rải hoa v.v… Hoặc theo lời Phật dạy vào ngày tháng như thế tổ chức hội thí năm năm cung thỉnh chư Tăng để cúng dường các thứ, khởi tâm thuần tịnh, phát khởi nghiệp thân ngữ, cho đến ý lạc chưa dứt, hoặc gia hạnh chưa bỏ thì không biểu hiện không dứt. Nếu ý lạc dứt cùng bỏ gia hạnh, thì không biểu hiện liền dứt. Các việc làm trong xứ khác nói rộng cũng như thế.

Lại có nơi hành diệu, hành ác tận chúng đồng phần, không biểu hiện không đoạn dứt.

Về hành diệu: Như có người lập nguyện, nếu không cúng dường hình tượng chư Phật, các tháp miếu thờ Phật thì trọn không ăn cơm trước. Người này hằng ngày tùy theo khả năng của mình, cúng dường ít nhất một cành hoa, một nén hương v.v… như thế hết chúng đồng phần (trọn đời) thì không biểu hiện không đoạn dứt. Hoặc có người lập nguyện nếu không thí cho kẻ khác các vật dụng để nuôi sống thân mạng, thì trọn không ăn cơm trước. Người này ngày ngày tùy theo khả năng của mình luôn bố thí cho người khác ít nhất một nắm cơm hay một tấm vải nhỏ, như thế hết chúng đồng phần, thì không biểu hiện không đoạn dứt. Hoặc có người lập nguyện nếu đối với Tam bảo không cúng dường trước thì không ăn cơm trước. Người này hằng ngày tùy theo khả năng của mình, ít nhất là cúng cho Tăng một bát cơm, hoặc lại lau sạch bụi đất chỉ một khoảng nhỏ tận chúng đồng phần như thế, thì không biểu hiện không đoạn dứt. Hoặc có người lập nguyện mỗi năm đến ngày đó thì bố thí cho những người nghèo, hoặc cúng dường chư Tăng. Tức lấy một ít vật để cho họ dùng, số còn lại được giữ lại dành cho năm khác. Tận chúng đồng phần như thế, thì không biểu hiện không đoạn dứt. Các sự việc như vậy gọi là hành diệu.

Về hành ác: Như có kẻ thề mỗi ngày phải gây cho kẻ oán kia các thứ đau khổ tổn hại, nếu chưa làm được thì chẳng ăn cơm trước. Tức kẻ ấy ngày ngày ít nhất một lần đánh hoặc nói lời thô ác, hủy nhục, tận chúng đồng phần như thế, thì không biểu hiện không đoạn dứt. Các sự việc như vậy gọi là hành ác.

Hoặc có người tạo vẽ hình tượng chư Phật, xây cất thấp miếu thờ kính chư Phật, cúng dường đủ mọi thứ, hoặc biên chép ba tạng kinh điển để duy trì chánh pháp, tạo hình tượng các Thánh tăng, xây dựng Tăng-già-lam, cung cấp thuốc men, quần áo, đồ dùng sinh sống hàng ngày, lập nhà từ thiện, trồng cây gây rừng, đào giếng xây cầu, đắp đường ở khắp nơi v.v…, các nghiệp biểu hiện này phát sinh các thứ không biểu hiện nối tiếp không dứt là do đủ ba duyên: Một là do ý lạc. Hai là do chỗ nương dựa. Ba là do sự vật.

Do ý lạc: Tức là khi duyên với các sự việc ấy thì sinh hoan hỷ sâu xa, ý lạc không dứt.

Do chỗ nương dựa: Tức chỗ nương dựa là thân, là phần vị đồng phần nối tiếp khi thọ mạng chưa hết.

Do sự vật: Tức là các tượng Phật, chùa tháp, cầu đường v.v… được tạo dựng đều chưa bị hư hoại.

Ba duyên như thế nếu thiếu một thứ thì ngay từ lúc phát khởi, sự không biểu hiện liền dứt. Đó gọi là hành diệu. Còn hành ác như việc chế tạo các thứ lưới rập, đao tên v.v… nên căn cứ theo trước để nói.

Đây là nói về nghiệp biểu hiện, không biểu hiện một cách tóm lược theo Tỳ-bà-sa.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện (Biểu) thì cũng thành tựu thân không biểu hiện (Vô biểu) chăng? Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu thân biểu hiện không phải là thân không biểu hiện. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện nhưng không được không biểu hiện này, hoặc trước có thân biểu hiện không mất, không được không biểu hiện này.

Hiện có thân biểu hiện: Tức là không ngủ mê, không say sưa, không sầu muộn, không bỏ gia hạnh, cầu khởi thân biểu hiện.

Không được không biểu hiện này: Tức không phải ân cần, trân trọng, tin tưởng, không phải là triền mạnh nhanh, tuy có phát khởi thân biểu hiện, nhưng không được không biểu hiện này.

Hoặc trước có thân biểu hiện không mất: Tức là có ba duyên nên không bỏ nghiệp biểu hiện: Một là ý vui thích không dứt. Hai là không bỏ gia hạnh. Ba là chưa vượt quá thế mạnh hạn định.

Không được không biểu hiện này: Nghĩa như trước đã nói.

2. Có trường hợp thành tựu thân không biểu hiện không phải là thân biểu hiện. Nghĩa là các bậc Thánh trụ trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, không có thân biểu hiện, nếu như có mà mất, hoặc sinh nơi cõi sắc không có thân biểu hiện, nếu như có mà mất, hoặc các bậc Thánh sinh nơi cõi vô sắc. Ở đây, khi các bậc Thánh trụ trong bào thai, không thể khởi biểu hiện và nghiệp biểu hiện sinh trước đã mất chỉ thành tựu tĩnh lự, vô lậu không biểu hiện.

Trụ nơi luật nghi: Tức là trụ nơi luật nghi tĩnh lự và vô lậu.

Không có thân biểu hiện: Tức là hoặc ngủ mê, hoặc say sưa, hoặc sầu muộn, bỏ các gia hạnh, không cầu khởi biểu hiện.

Nên nếu như có mà mất: Tức là do ba duyên nên bỏ nghiệp thân biểu hiện: Một là ý vui thích dứt. Hai là bỏ gia hạnh. Ba là vượt quá thế mạnh hạn định.

Nếu sinh nơi cõi sắc không có thân biểu hiện: Tức là bỏ gia hạnh, không cầu khởi biểu hiện.

Nếu như có mà mất: Tức như trước đã nói.

Hoặc các bậc Thánh sinh nơi cõi vô sắc: Tức là học thành tựu không biểu hiện học, vô học thành tựu không biểu hiện vô học.

3. Có trường hợp thành tựu thân biểu hiện cũng thành tựu thân không biểu hiện. Nghĩa là sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, hiện có thân biểu hiện cũng được không biểu hiện ấy, hoặc trước có biểu hiện ấy không mất, cũng được không biểu hiện ấy. Hoặc trụ nơi luật nghi biệt giải thoát, hoặc trụ nơi không luật nghi, hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện cũng được không biểu hiện ấy. Hoặc trước có thân biểu hiện không mất cũng được không biểu hiện này. Nếu sinh nơi cõi sắc, hiện có thân biểu hiện, hoặc trước có thân biểu hiện không mất.

Hiện có thân biểu hiện cũng được không biểu hiện ấy: Tức là do ân cần, trân trọng, tin tưởng, hoặc triền mạnh nhanh phát khởi biểu hiện, cũng được không biểu hiện. Hoặc trụ nơi luật nghi biệt giải thoát, hoặc trụ nơi không luật nghi, nhất định thành tựu thân biểu hiện không biểu hiện.

Nếu sinh nơi cõi sắc, hiện có thân biểu hiện: Tức là không bỏ gia hạnh, cầu khởi nghiệp biểu hiện.

Các thứ còn lại như trước đã nói.

4. Có trường hợp không thành tựu thân biểu hiện cũng không thành tựu thân không biểu hiện. Nghĩa là các phàm phu trụ trong trứng, hoặc trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có thân biểu hiện, nếu như có mà mất. Hoặc các phàm phu sinh nơi cõi vô sắc.

Các loại phàm phu trụ trong trứng, hoặc trong bào thai, đã mất các nghiệp biểu hiện và không biểu hiện của đời trước hiện không thể khởi, như trước nên biết.

Sinh nơi cõi vô sắc, đã bỏ hữu lậu chưa được vô lậu, vì đó là địa vô sắc. Các thứ khác như trước đã nói.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện (Biểu) thiện thì cũng thành tựu không biểu hiện (Vô biểu) chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu thân biểu hiện thiện không phải là không biểu hiện này. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi không luật nghi và trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện thiện, không được không biểu hiện này, hoặc trước có biểu hiện ấy không mất, không được không biểu hiện này.

Hiện có thân biểu hiện thiện: Nghĩa là không ngủ mê v.v…

Không được không biểu hiện này: Nghĩa là không ân cần, trân trọng, tin tưởng phát khởi.

Hoặc trước có biểu hiện ấy không mất: Nghĩa là do duyên như trước đã nói.

Không được không biểu hiện này: Nghĩa là cũng không do ân cần, trân trọng, tin tưởng phát khởi.

Hỏi: Kẻ trụ nơi không luật nghi có thân biểu hiện thiện nào?

Đáp: Người này đối với cha mẹ, sư trưởng, Phật, Độc giác, các đệ tử Phật v.v… cũng biết cung kính cúng dường, khởi các biểu hiện thiện.

2. Có trường hợp thành tựu thân không biểu hiện thiện không phải là biểu hiện này. Nghĩa là các bậc Thánh trụ trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, không có thân biểu hiện thiện, nếu như có mà mất, hoặc sinh vào cõi sắc, không có thân biểu hiện thiện, nếu như có mà mất, hoặc các bậc Thánh sinh vào cõi vô sắc.

Trong đây, trụ nơi luật nghi: Tức là trụ nơi luật nghi tĩnh lự và vô lậu.

Không được luật nghi biệt giải thoát: Tức là trụ nơi luật nghi này, nhất định thành tựu thân không biểu hiện thiện.

Các thứ khác như trước đã nói.

3. Có trường hợp thành tựu thân biểu hiện thiện cũng là không biểu hiện này. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, hiện có thân biểu hiện thiện, cũng được không biểu hiện này. Hoặc trước có biểu hiện này không mất, cũng được không biểu hiện này. Hoặc trụ nơi không luật nghi và trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện thiện, cũng được không biểu hiện này, hoặc trước có biểu hiện này không mất, cũng được không biểu hiện này. Nếu sinh vào cõi sắc hiện có thân biểu hiện thiện, hoặc trước có thứ biểu hiện ấy không mất. Trong đây, tất cả nghĩa như trước đã nói.

4. Có trường hợp không thành tựu thân biểu hiện thiện cũng không phải không biểu hiện này. Nghĩa là đang ở trong trứng hoặc hàng phàm phu trụ trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi không luật nghi cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có thân biểu hiện thiện, nếu như có mà mất, hoặc là những phàm phu sinh vào cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu tạo thành thân biểu hiện bất thiện thì cũng tạo thành không biểu hiện chăng?

Đáp: Những kẻ tạo thành thân không biểu hiện bất thiện nhất định thành tựu biểu hiện này. Có khi tạo thành thân biểu hiện bất thiện nhưng không phải là không biểu hiện. Nghĩa là những kẻ sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện bất thiện, không được không biểu hiện này, hoặc trước có biểu hiện ấy không mất, không được không biểu hiện này.

Hiện có thân biểu hiện bất thiện: Tức là không ngủ say v.v…

Không được không biểu hiện này: Tức là không phải do triền mạnh nhanh dấy khởi.

Trước có biểu hiện ấy không mất: Tức là nêu có ba duyên như trước đã nói.

Hỏi: Trụ nơi những luật nghi nào thì có thân biểu hiện bất thiện?

Đáp: Trụ nơi ba thứ luật nghi đều có được.

Hỏi: Khi trụ nơi luật nghi tĩnh lự, vô lậu, thì có những thân biểu hiện bất thiện chăng?

Đáp: Có. Là những kẻ đối với các hữu tình khởi thân biểu hiện bất thiện như đánh đập v.v…

Hỏi: Cũng nên có tạo thành thân không biểu hiện bất thiện không phải là thân biểu hiện, đó là việc sai người khác giết hại v.v… Thế thì ở đây nên nêu ra bốn trường hợp, vì sao chỉ nêu thuận theo trường hợp sau?

Đáp: Có thuyết nói nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp tạo thành thân biểu hiện bất thiện không phải là không biểu hiện này. Nghĩa là niisinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện bất thiện, không được không biểu hiện này, hoặc trước có biểu hiện này không mất, không được không biểu hiện này.

2. Có trường hợp tạo thành thân không biểu hiện bất thiện không phải là biểu hiện này. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, sai người khác giết hại v.v…

3. Có trường hợp tạo thành thân biểu hiện bất thiện cũng là không biểu hiện này. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi không luật nghi, hoặc trụ nơi luật nghi cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện bất thiện cũng được không biểu hiện này, hoặc trước có biểu hiện này không mất và cũng được không biểu hiện này.

4. Có trường hợp không tạo thành thân biểu hiện bất thiện cũng không phải là không biểu hiện này. Nghĩa là đang ở trong trứng, hoặc các phàm phu trụ trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, không có thân biểu hiện bất thiện, nếu như có mà mất, không được không biểu hiện này, hoặc sinh vào cõi sắc.

Đáng lẽ nên nói như thế nhưng không nói, nên biết phần Luận này chỉ căn cứ vào biểu hiện không biểu hiện đồng loại để nói, không căn cứ vào khác loại. Nghĩa là từ thân biểu hiện phát khởi thân không biểu hiện, đó gọi là đồng loại. Nếu do ngữ biểu hiện phát sinh thân không biểu hiện, đó gọi là khác loại.

Nên nói như thế này: Không có chỉ tạo thành thân không biểu hiện bất thiện, nên ở đây chỉ nêu thuận trường hợp sau. Vì sao? Vì nếu có thể phát ra lời nói sai kẻ khác giết hại v.v… do đấy phát khởi được thân không biểu hiện, tất cũng tạo thành thân biểu hiện bất thiện, do có thể cử động thân thể tay chân v.v… Nếu không như thế, thì trước nói tạo thành thân không biểu hiện thiện, không phải là trong biểu hiện này cũng nên nói như thế.

Nếu trụ nơi không luật nghi cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, do lời nói thiện khiến người khác bố thí v.v… do đấy phát khởi được thân không biểu hiện thiện. Trong phần thiện trước, không có nói điều này, nên biết khi phát ra lời nói sai khiến người khác bố thí v.v… do đấy phát khởi đạt được thân không biểu hiện, tất cũng có thể cử động thân thể tay chân, do đó thành tựu nghiệp thân biểu hiện thiện. Thế nên cả hai nơi đều không nói đến việc này.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện hữu phú vô ký thì cũng thành tựu không biểu hiện này chăng?

Đáp: Không có thành tựu thân không biểu hiện vô phú vô ký, nhưng có thành tựu biểu hiện này. Nghĩa là sinh ở cõi sắc, hiện có thân biểu hiện hữu phú vô ký.

Hỏi: Vì sao ở cõi dục không có thân biểu hiện hữu phú vô ký?

Đáp: Do ở cõi dục các phiền não có thể làm đẳng khởi, phát sinh thân ngữ đều là bất thiện. Chỉ riêng có Tát-ca-da-kiến (Hữu thân kiến) và biên chấp kiến, chúng tương ưng với vô minh tuy là hữu phú vô ký nhưng đều là do kiến đạo đoạn, không phải là tâm của kiến đạo đoạn có thể phát khởi các nghiệp thân ngữ, vì do nội môn khởi nên vô cùng vi tế.

Hỏi: Nếu sinh ở cõi dục, đã lìa hết nhiễm ở cõi dục, khởi phiền não ở tĩnh lự thứ nhất hiện tiền, vì sao không phát sinh nghiệp thân ngữ biểu hiện hữu phú vô ký?

Đáp: Vì sinh ở cõi dục chỉ có thể khởi phiền não của đẳng chí kia, không phải sinh phiền não, còn các nghiệp thân ngữ phát sinh trong phiền não, chỉ sinh phiền não.

Có các Sư khác nói: Pháp tánh nên là như thế. Nếu khởi phiền não của địa này hiện tiền thì trở lại có thể chuyển động khiến dị thục của địa ấy nối tiếp, khởi phát nghiệp biểu hiện ở địa này. Các nghiệp nhiễm ô tất lấy dị thục nối tiếp ở địa mình làm chỗ nương dựa. Không phải là sinh ở cõi dục, lại có được dị thục nối tiếp ở cõi sắc, thế nên chỉ sinh vào tĩnh lự thứ nhất ở cõi sắc mới khởi được các nghiệp thân ngữ biểu hiện hữu phú vô ký ấy.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện vô phú vô ký thì cũng thành tựu không biểu hiện này chăng?

Đáp: Không có thành tựu thân không biểu hiện vô phú vô ký, nhưng có thành tựu biểu hiện này. Nghĩa là sinh ở cõi dục, hiện có thân biểu hiện vô phú vô ký. Ở đây, sự sai biệt như lý nên nhận biết.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện (Biểu) ở quá khứ thì cũng thành tựu không biểu hiện (Vô biểu) này chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu thân biểu hiện ở quá khứ không phải là không biểu hiện này. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước có thân biểu hiện không mất, không được không biểu hiện này.

Trước có thân biểu hiện không mất: Là do ba duyên như trước đã nói.

Không được không biểu hiện này: Là không phải ân cần, trân trọng, tin tưởng, cùng triền mạnh nhanh đã cùng khởi.

2. Có trường hợp thành tựu thân không biểu hiện ở quá khứ không phải là biểu hiện này. Nghĩa là các bậc Thánh trụ trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, trước không có thân biểu hiện, nếu như có mà mất. Nếu sinh ở cõi sắc, trước không có thân biểu hiện, nếu như có mà mất. Nếu bậc hữu học sinh ở cõi vô sắc, không có thân biểu hiện, căn cứ theo trước nên biết.

Hỏi: Nếu các bậc hữu học do đạo thế tục được quả Bất hoàn, từng không hiện khởi luật nghi vô lậu, liền sinh vào cõi vô sắc, thì vị ấy làm sao thành tựu được thân nghiệp không biểu hiện ở quá khứ? Nếu không thành tựu thì vì sao nơi phần Luận này nói như thế? Hoặc là các vị hữu học sinh vào cõi vô sắc chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Cũng có người học sinh vào cõi vô sắc, nên không thành tựu nghiệp thân không biểu hiện ở quá khứ. Song văn của phần Luận này chỉ căn cứ vào người thành tựu để nói, thế nên không lỗi.

Có Sư khác cho: Khi được quả Thánh rồi, tất khởi quả thù thắng nơi Thánh đạo hiện tiền, nên các bậc hữu học sinh ở cõi vô sắc nhất định thành tựu thân nghiệp không biểu hiện ở quá khứ.

3. Có trường hợp thành tựu thân biểu hiện ở quá khứ cũng là không biểu hiện này. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, trước có thân biểu hiện không mất, cũng được không biểu hiện này. Hoặc trụ nơi luật nghi biệt giải thoát, hoặc trụ nơi không luật nghi, hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước có thân biểu hiện không mất cũng được không biểu hiện này. Hoặc sinh vào cõi sắc, trước có thân biểu hiện không mất.

Trong đây nói: Hoặc trụ nơi luật nghi biệt giải thoát, hoặc trụ nơi không luật nghi: Có thuyết cho: Văn của phần Luận này chỉ nói từ sát-na thứ hai trở về sau, vì trong sát-na đầu tiên chưa có biểu hiện và không biểu hiện ở quá khứ.

Có thuyết nêu: Ngay từ sát-na đầu tiên cũng thành tựu nghiệp biểu hiện và không biểu hiện ở quá khứ, vì gia hạnh trước đây của nghiệp ấy đã thành tựu.

4. Có trường hợp không thành tựu thân biểu hiện ở quá khứ cũng không phải là không biểu hiện này. Nghĩa là đang ở trong trứng, hoặc các phàm phu trụ trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước không có thân biểu hiện, nếu như có mà mất. Hoặc các A-la-hán và các phàm phu sinh ở cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện thiện ở quá khứ thì cũng thành tựu không biểu hiện này chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu thân biểu hiện thiện ở quá khứ không phải là biểu hiện này. Nghĩa là sinh vào cõi dục, trụ nơi không luật nghi, cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước có thân biểu hiện thiện không mất, không được không biểu hiện này.

2. Có trường hợp thành tựu thân không biểu hiện thiện ở quá khứ không phải là biểu hiện này. Nghĩa là các bậc Thánh đang ở trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, trước không có thân biểu hiện thiện hoặc như có mà mất. Nếu sinh vào cõi sắc, trước không có thân biểu hiện thiện nếu như có mà mất, hoặc các bậc hữu học sinh nơi cõi vô sắc.

3. Có trường hợp thành tựu thân biểu hiện thiện ở quá khứ cũng là không biểu hiện này. Nghĩa là sinh vào cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, trước có thân biểu hiện thiện không mất, cũng được không biểu hiện này. Hoặc trụ nơi không luật nghi, cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước có thân biểu hiện thiện không mất, cũng được không biểu hiện này. Hoặc sinh vào cõi sắc, trước có thân biểu hiện thiện không mất. Hoặc trụ nơi luật nghi biệt giải thoát: Ở đây hai thứ nói như trước nên biết.

Hỏi: Người sinh vào cõi sắc làm sao thành tựu thân biểu hiện thiện ở quá khứ?

Đáp: Như có một thời Đức Phật đi đến cõi Phạm thế, chư thiên Phạm chúng đều lễ bái vây quanh, cho đến những người chưa bỏ gia hạnh cũng có mặt, đều thành tựu nghiệp thân biểu hiện thiện ở quá khứ.

4. Có trường hợp không thành tựu thân biểu hiện thiện ở quá khứ cũng không phải là không biểu hiện này. Nghĩa là đang ở trong trứng, hoặc các phàm phu trụ trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi không luật nghi, cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước không có thân biểu hiện thiện nếu như có mà mất. Hoặc bậc A-la-hán và các phàm phu sinh ở cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu tạo thành thân biểu hiện bất thiện ở quá khứ thì cũng tạo thành không biểu hiện này chăng?

Đáp: Các người tạo thành thân không biểu hiện bất thiện ở quá khứ thì cũng tạo thành biểu hiện này. Có khi thành tựu thân biểu hiện bất thiện ở quá khứ không phải là không biểu hiện này. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi, cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, trước không có thân biểu hiện bất thiện không mất, không được không biểu hiện này. Trong đây, hai thứ nói như trước nên biết.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện hữu phú vô ký ở quá khứ thì cũng thành tựu không biểu hiện này chăng?

Đáp: Không có thành tựu thân biểu hiện hữu phú vô ký ở quá khứ và không biểu hiện này.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện vô phú vô ký ở quá khứ thì cũng thành tựu không biểu hiện này chăng?

Đáp: Không có thành tựu thân biểu hiện vô phú vô ký ở quá khứ và không biểu hiện này.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện ở vị lai thì cũng thành tựu không biểu hiện này chăng?

Đáp: Không có thành tựu thân biểu hiện ở vị lai, nhưng có thành tựu không biểu hiện này. Nghĩa là các bậc Thánh trụ trong bào thai, hoặc sinh vào cõi dục rồi được tâm thiện của cõi sắc, nếu sinh vào cõi sắc, hoặc các bậc Thánh sinh nơi cõi vô sắc.

Hỏi: Vì sao không có thành tựu nghiệp thân ngữ biểu hiện vị lai?

Đáp: Vì không có dự định tạo nghiệp biểu hiện ở vị lai, không phải đã sinh. Nếu thành tựu nghiệp thân ngữ biểu hiện ở vị lai tức nên chưa tạo nghiệp mà có thọ dụng. Vì sao thành tựu không biểu hiện vị lai? Vì nó cùng với tâm tùy theo tâm mà tu.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện thiện ở vị lai thì cũng thành tựu không biểu hiện này chăng?

Đáp: Không có thành tựu thân biểu hiện thiện ở vị lai, nhưng có thành tựu không biểu hiện này. Nghĩa là các bậc Thánh trụ trong bào thai, nếu sinh nơi cõi dục rồi được tâm thiện của cõi sắc, hoặc sinh nơi cõi sắc, hoặc các bậc Thánh sinh nơi cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu tạo thành thân biểu hiện bất thiện ở vị lai thì cũng thành tựu không biểu hiện này chăng?

Đáp: Không tạo thành thân biểu hiện bất thiện ở vị lai cùng không biểu hiện ấy.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện hữu phú vô ký ở vị lai thì cũng thành tựu không biểu hiện này chăng?

Đáp: Không thành tựu thân biểu hiện hữu phú vô ký ở vị lai cùng không biểu hiện ấy.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện vô phú vô ký ở vị lai thì cũng thành tựu không biểu hiện này chăng?

Đáp: Không thành tựu thân biểu hiện vô phú vô ký ở vị lai cùng không biểu hiện ấy.

Hỏi: Vì sao không có thành tựu nghiệp biểu hiện hữu phú, vô phú vô ký ở quá khứ, vị lai?

Đáp: Hành giả kia thành tựu được theo thế mạnh như thế là chỉ có thể thành tựu nghiệp đồng sát-na, không có sức để có thể thành tựu cái đã diệt, chưa đến. Nghiệp quá khứ ấy có được cũng là quá khứ, nghiệp vị lai ấy có được cũng là vị lai, nghiệp hiện tại ấy có được cũng là hiện tại.

Có thuyết nói: Nghiệp đó do tập khí không kiên cố nên không thành tựu đời quá khứ, vị lai, như nghiệp thiện, ác với tập khí kiên cố, tức có thể thành tựu hai đời quá khứ, vị lai, còn vô ký thì không như vậy.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện ở hiện tại thì cũng thành tựu không biểu hiện này chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu thân biểu hiện ở hiện tại nhưng không phải là không biểu hiện này. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, hiện có thân biểu hiện không được không biểu hiện này, nếu như trước có thân biểu hiện không mất, nhưng không được không biểu hiện này. Nếu trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện nhưng không được không biểu hiện này, nếu như trước có thân biểu hiện không mất, nhưng không được không biểu hiện này. Nếu sinh nơi cõi sắc, hiện có thân biểu hiện.

Ở đây, sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi: Là trụ nơi luật nghi vô lậu, tĩnh lự.

Hiện có thân biểu: Là làm sáng tỏ khi ấy tâm không ở nơi định và không ngủ say v.v…

Không được không biểu hiện này: Là hiển bày biểu hiện ở quá khứ, hiện tại, không phải ân cần tôn trọng tin tưởng, không phải là triền mạnh nhanh cùng khởi, không phát sinh không biểu hiện nên hiện tại không có.

2. Có trường hợp thành tựu thân không biểu hiện ở hiện tại không phải là biểu hiện này. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, đang ở nơi định nếu như không ở nơi định, hiện không có thân biểu hiện, trước có thân biểu hiện không mất được không biểu hiện này. Nếu trụ nơi luật nghi biệt giải thoát và trụ nơi không luật nghi, hiện không có thân biểu hiện. Nếu trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện không có thân biểu hiện, trước có thân biểu hiện không mất, được không biểu hiện này. Nếu sinh nơi cõi sắc, đang ở trong định.

Ở đây, đang ở trong định: Là làm sáng tỏ có không biểu hiện cũng ngăn chận có biểu hiện.

Được không biểu hiện này: Là làm sáng tỏ có thân biểu hiện nơi quá khứ đã phát sinh nghiệp thân không biểu hiện tùy chuyển nơi hiện tại.

Nếu trụ nơi luật nghi biệt giải thoát và trụ nơi không luật nghi, hiện không có thân biểu hiện. Có thuyết nói: Đây là nói sát-na thứ hai trở về sau, còn sát-na đầu tất có biểu hiện.

Có thuyết nói: Nơi sát-na đầu kia cũng nói được là có, hiện không có thân biểu hiện thọ nhận không luật nghi cùng ở trong định được đầy đủ giới.

3. Có trường hợp thành tựu thân biểu hiện ở hiện tại cũng là không biểu hiện này. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, hiện có thân biểu hiện cũng được không biểu hiện này, hoặc trước có thân biểu hiện không mất, được không biểu hiện này. Nếu trụ nơi luật nghi biệt giải thoát và trụ nơi không luật nghi, hiện có thân biểu hiện. Hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện cũng được không biểu hiện này, hoặc trước có thân biểu hiện không mất, được không biểu hiện ấy.

Trong đây, nếu trụ nơi luật nghi biệt giải thoát và trụ nơi không luật nghi, hiện có thân biểu hiện: Là như có thuyết nói: Chỉ lấy sát-na đầu tiên trở về sau, là các sát-na không có thân biểu hiện. Có thuyết nói: Cũng lấy các sát-na khác, ở phần vị sau thân biểu hiện cũng được khởi.

4. Có trường hợp không thành tựu thân biểu hiện ở hiện tại cũng không phải là không biểu hiện này. Nghĩa là trụ trong trứng, trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, không ở trong định, hiện không có thân biểu hiện, nếu như trước có thân biểu hiện không mất, không được không biểu hiện này. Hoặc trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện không có thân biểu hiện, nếu như trước có thân biểu hiện không mất, không được không biểu hiện này. Nếu sinh nơi cõi sắc, không ở trong định, hiện không có thân biểu hiện, hoặc sinh nơi cõi vô sắc.

Trong đây, không ở trong định: Là làm sáng tỏ không thành tựu không biểu hiện ở hiện tại. Ngoài ra như nói ở trước.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện thiện ở hiện tại thì cũng thành tựu không biểu hiện này chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu thân biểu hiện thiện ở hiện tại không phải là không biểu hiện này. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, hiện có thân biểu hiện thiện, không được không biểu hiện này, nếu như trước có thân biểu hiện thiện không mất, không được không biểu hiện này. Nếu trụ nơi không luật nghi cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện thiện, không được không biểu hiện này, nếu như trước có thân biểu hiện thiện không mất, không được không biểu hiện này, hoặc sinh nơi cõi sắc, hiện có thân biểu hiện thiện.

Trong đây, nếu sinh nơi cõi sắc, hiện có thân biểu hiện thiện: Là tất không thành tựu không biểu hiện ở hiện tại, tức do không ở trong định. Ngoài ra, như trước đã nói.

2. Có trường hợp thành tựu thân không biểu hiện thiện ở hiện tại không phải là biểu hiện này. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, đang ở trong định, nếu như không ở trong định, hiện không có thân biểu hiện thiện, trước có thân biểu hiện thiện không mất, được không biểu hiện này. Nếu trụ nơi luật nghi biệt giải thoát, hiện không có thân biểu hiện thiện. Hoặc trụ nơi không luật nghi, cùng trụ nơi không phải luật nghi, không phải không luật nghi, hiện không có thân biểu hiện thiện, trước có thân biểu hiện thiện không mất, được không biểu hiện này. Nếu sinh nơi cõi sắc, đang ở nơi định. Hoặc trụ nơi luật nghi biệt giải thoát, hiện không có thân biểu hiện thiện.

Có thuyết nói: Đây là nói sát-na thứ hai trở về sau. Có thuyết cho: Chung cho cả sát-na đầu, như trước đã nêu.

3. Có trường hợp thành tựu thân biểu hiện thiện ở hiện tại cũng thành tựu không biểu hiện này. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, hiện có thân biểu hiện thiện, cũng được không biểu hiện này, trước có thân biểu hiện thiện không mất, được không biểu hiện này. Nếu trụ nơi luật nghi biệt giải thoát, hiện có thân biểu hiện thiện. Nếu trụ nơi không luật nghi, cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện thiện, cũng được không biểu hiện này, trước có thân biểu hiện thiện không mất, được không biểu hiện này.

4. Có trường hợp không thành tựu thân biểu hiện thiện ở hiện tại cũng không phải là không biểu hiện này. Nghĩa là trụ trong vỏ trứng, trong bào thai, hoặc sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi, không được luật nghi biệt giải thoát, không ở nơi định, hiện không có thân biểu hiện thiện, nếu như trước có thân biểu hiện thiện không mất, nhưng không được không biểu hiện này. Nếu trụ nơi không luật nghi, cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện không có thân biểu hiện thiện, nếu như trước có thân biểu hiện thiện không mất, nhưng không được không biểu hiện này. Nếu sinh nơi cõi sắc, không ở trong định, hiện không có thân biểu hiện thiện, hoặc sinh nơi cõi vô sắc.

Hỏi: Nếu tạo thành thân biểu hiện bất thiện ở hiện tại thì cũng tạo thành không biểu hiện này chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp tạo thành thân biểu hiện bất thiện ở hiện tại không phải là không biểu hiện này. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, trụ nơi luật nghi và trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện bất thiện và không được không biểu hiện này, nếu như trước có thân biểu hiện bất thiện không mất, nhưng không được không biểu hiện này.

Trụ nơi luật nghi: Tức là trụ vào ba thứ luật nghi.

Không được không biểu hiện này: Tức không phải là triền mạnh nhanh cùng khởi.

Các thứ khác đều như trước đã nói.

2. Có trường hợp tạo thành thân không biểu hiện bất thiện ở hiện tại không phải là biểu hiện này. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi không luật nghi, hiện không có thân biểu hiện bất thiện. Hoặc trụ nơi luật nghi cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện không có thân biểu hiện bất thiện, trước có thân biểu hiện bất thiện không mất, được không biểu hiện này. Trụ nơi không luật nghi, hiện không có thân biểu hiện bất thiện: Là như có thuyết nói: Trừ sát-na đầu tiên. Có thuyết nói: Chung cho cả sát-na đầu tiên, vì có thứ chỉ do lời nói phát sinh thân không luật nghi.

3. Có trường hợp tạo thành thân biểu hiện bất thiện ở hiện tại cũng là không biểu hiện này. Nghĩa là sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện có thân biểu hiện bất thiện, cũng được không biểu hiện này, trước có thân biểu hiện bất thiện không mất, được không biểu hiện này. Hoặc trụ nơi không luật nghi, hiện có thân biểu hiện bất thiện v.v… đều như trước đã nói.

4. Có trường hợp không tạo thành thân biểu hiện bất thiện ở hiện tại cũng không phải là không biểu hiện này. Nghĩa là đang ở trong trứng, hoặc trụ trong bào thai, hoặc sinh ở cõi dục, trụ nơi luật nghi cùng trụ nơi không phải luật nghi không phải không luật nghi, hiện không có thân biểu hiện bất thiện, nếu như trước có thân biểu hiện bất thiện không mất, nhưng không được không biểu hiện này. Hoặc sinh vào cõi vô sắc, đều như trước đã nói.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện hữu phú vô ký ở hiện tại thì cũng thành tựu không biểu hiện này chăng?

Đáp: Không có thành tựu thân không biểu hiện hữu phú vô ký ở hiện tại, nhưng có thành tựu thân biểu hiện này. Nghĩa là sinh ở cõi sắc, hiện có thân biểu hiện hữu phú vô ký.

Hỏi: Nếu thành tựu thân biểu hiện vô phú vô ký ở hiện tại thì cũng thành tựu không biểu hiện này chăng?

Đáp: Không có thành tựu thân không biểu hiện vô phú vô ký ở hiện tại, nhưng có thành tựu thân biểu hiện này. Nghĩa là sinh ở cõi dục và cõi sắc, hiện có thân biểu hiện vô phú vô ký, như trước đã nói rộng.

Như thân biểu hiện và không biểu hiện, thì ngữ biểu hiện và không biểu hiện, nói rộng cũng như thế.

Chỉ nói tiếng ngữ là cùng với trước có khác.

Ở đây, nói về nghĩa quyết định: Là ở cõi dục tất không có vô biểu (không biểu hiện) tùy tâm chuyển, còn ở cõi sắc tất không có việc nương vào biểu hiện phát sinh vô biểu. Vì sao? Vì pháp nên như thế.

Có thuyết nói: Vì ở cõi dục có việc nương vào biểu hiện phát sinh vô biểu, nên không có vô biểu tùy tâm chuyển. Còn ở cõi sắc có vô biểu tùy tâm chuyển tất không có chỗ dựa cho biểu hiện phát sinh vô biểu.

Có thuyết cho: Ở cõi dục nghiệp biểu hiện có thể phát sinh vô biểu, thế nên tất không có vô biểu tùy tâm chuyển. Còn ở cõi sắc thì nghiệp biểu hiện không phát sinh vô biểu, thế nên có được vô biểu tùy tâm chuyển.

Lại có thuyết nói: Sinh vào cõi dục có được tâm có thể phát sinh các nghiệp ân cần, trân trọng, mãnh liệt, nên đã phát sinh biểu hiện thì có thể phát sinh vô biểu. Còn sinh vào cõi sắc thì có được tâm có thể phát sinh các nghiệp không ân cần, trân trọng, mãnh liệt, cho nên chỗ khởi biểu hiện ấy không thể phát sinh vô biểu.

Lại có thuyết cho: Nếu sinh vào cõi dục, không có tâm nhất định, nhưng tâm không nhất định lại hơn, nên chỗ khởi biểu hiện phát sinh vô biểu. Nếu sinh vào cõi sắc, có tâm nhất định, tâm không nhất định yếu kém, nên sự biểu hiện được phát khởi ấy không thể sinh vô biểu.

Do các thứ nhân duyên như thế, nên ở cõi sắc tất không có chỗ dựa cho biểu hiện và vô biểu, còn cõi dục thì nhất định không có vô biểu tùy tâm chuyển.

Hỏi: Theo tiếng kêu, tiếng vang có phải là ngữ nghiệp chăng?

Đáp: Chúng không phải là ngữ nghiệp, chỉ gọi là tiếng kêu do ngữ khởi nên.

Hỏi: Như các thứ tiếng tiêu, địch v.v… có phải là ngữ nghiệp chăng?

Đáp: Chúng không phải là ngữ nghiệp, chỉ gọi là tiếng kêu do hơi, gió v.v… khởi nên.

Hỏi: Như các tiếng chim, thú kêu hót v.v… có phải là ngữ nghiệp chăng?

Đáp: Có thuyết nêu: Chúng không phải là ngữ nghiệp, chỉ gọi là âm thanh do miệng khởi nên, vì nghe không thể hiểu rõ về nghĩa.

Có Sư khác cho: Chúng là ngữ nghiệp, vì con người tuy không hiểu rõ ý nghĩa, nhưng đồng loại của chúng thì đều hiểu rõ nhau.

Lại như có người hiểu tiếng nói của cầm thú, khi nghe tiếng kêu hót thì biết rõ chúng nói gì.

Hỏi: Các tiếng nói do hóa nhân nói ra có phải là ngữ nghiệp chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Đó là ngữ nghiệp, vì do tâm phát ra.

Có Sư khác biện: Chúng không phải là ngữ nghiệp, chỉ gọi là tiếng kêu, vì thân người được hóa ra không có chấp thọ.

***

* Nếu nghiệp thuộc cõi dục thì quả của nghiệp đó cũng thuộc cõi dục chăng? Cho đến nói rộng.

Nên biết trong đây là dựa vào bốn quả để tạo ra phần Luận này, trừ quả tăng thượng, do quả tăng thượng không quyết định, vì quá rộng. Nghĩa là sinh vào mỗi mỗi cõi đều có quả của ba cõi và nghiệp của bốn cõi, mỗi mỗi đều lấy các pháp của bốn cõi làm quả tăng thượng.

Hỏi: Nếu nghiệp thuộc cõi dục thì quả của nghiệp đó cũng thuộc cõi dục chăng?

Đáp: Các nghiệp thuộc cõi dục thì quả của nghiệp đó cũng như thế. Tức là ba quả hoặc hai quả. Có thứ là quả của nghiệp thuộc cõi dục nhưng không phải là nghiệp đó. Nghĩa là do đạo ở cõi sắc tạo sự biến hóa ở cõi dục, phát ra tiếng nói ở cõi dục, tức sự biến hóa và lời nói ấy là quả sĩ dụng của đạo ở cõi sắc.

Hỏi: Nếu nghiệp thuộc cõi sắc thì quả của nghiệp đó cũng thuộc cõi sắc chăng?

Đáp: Các quả của nghiệp thuộc cõi sắc thì nghiệp đó cũng như thế. Tức là ba quả hoặc hai quả. Có nghiệp thuộc cõi sắc nhưng không phải là quả của nghiệp đó. Nghĩa là do đạo ở cõi sắc tạo sự biến hóa ở cõi dục, phát ra tiếng nói ở cõi dục, tức biến hóa và lời nói này là quả sĩ dụng của đạo ở cõi sắc. Do đạo ở cõi sắc nên chứng được sự đoạn trừ các kiết. Tức là các tĩnh lự cận phần nơi đạo thế tục, đoạn trừ các thứ ấy chính là quả ly hệ, quả sĩ dụng của đạo này. Căn cứ nơi địa để phân biệt, dựa theo trước nên biết.

Hỏi: Nếu nghiệp thuộc cõi vô sắc thì quả của nghiệp đó cũng thuộc cõi vô sắc chăng?

Đáp: Các quả của nghiệp thuộc cõi vô sắc thì nghiệp đó cũng như thế. Tức là ba quả, hoặc hai quả. Có nghiệp thuộc cõi vô sắc nhưng không phải là quả của nghiệp đó. Nghĩa là do đạo ở cõi vô sắc chứng được sự đoạn trừ các kiết, tức là các đạo cận phần ở cõi vô sắc, các thứ đoạn trừ ấy là quả ly hệ, quả sĩ dụng của đạo này. Căn cứ nơi địa để phân biệt, dựa theo trước nên biết.

Hỏi: Nếu nghiệp không thuộc cõi nào thì quả của nghiệp đó cũng không thuộc cõi nào chăng?

Đáp: Các nghiệp không thuộc cõi nào thì quả của nghiệp đó cũng như thế. Tức là ba quả, hoặc hai quả. Có thứ là quả của nghiệp không thuộc cõi nào, nhưng không phải là nghiệp đó. Nghĩa là do đạo ở cõi sắc và vô sắc chứng được sự đoạn trừ các kiết, tức là các cận phần nơi đạo thế tục, đoạn trừ các thứ ấy là quả ly hệ, quả sĩ dụng của đạo này. Căn cứ nơi địa để phân biệt, dựa theo trước nên biết.

Hỏi: Nếu nghiệp không thuộc cõi dục thì quả của nghiệp đó cũng không thuộc cõi dục chăng?

Đáp: Các quả của nghiệp không thuộc cõi dục thì nghiệp đó cũng như thế. Có nghiệp không thuộc cõi dục nhưng không phải là quả của nghiệp đó. Nghĩa là do đạo ở cõi sắc tạo ra sự biến hóa, phát ra các lời nói ở cõi dục. Các sự biến hóa cùng những lời nói này là quả sĩ dụng của đạo ở cõi sắc.

Hỏi: Nếu nghiệp không thuộc cõi sắc thì quả của nghiệp đó cũng không thuộc cõi sắc chăng?

Đáp: Các nghiệp không thuộc cõi sắc thì quả của nghiệp đó cũng như thế. Có quả của nghiệp không thuộc cõi sắc nhưng không phải là nghiệp đó. Nghĩa là do đạo ở cõi sắc tạo nên sự biến hóa và phát ra các lời nói ở cõi dục. Sự biến hóa và phát ra lời nói này là quả sĩ dụng của đạo ở cõi sắc. Và do đạo ở cõi sắc chứng được sự đoạn trừ các kiết. Sự đoạn trừ này là quả ly hệ và quả sĩ dụng của đạo ấy. Căn cứ nơi địa để phân biệt. dựa theo trước nên biết.

Hỏi: Nếu nghiệp không thuộc cõi vô sắc thì quả của nghiệp đó cũng không thuộc cõi vô sắc chăng?

Đáp: Các nghiệp không thuộc cõi vô sắc thì quả của nghiệp đó cũng như thế. Có quả của nghiệp không thuộc cõi vô sắc nhưng không phải là nghiệp đó. Nghĩa là do đạo ở cõi vô sắc chứng được sự đoạn trừ các kiết, các sự đoạn trừ này là quả ly hệ và quả sĩ dụng của đạo ấy. Căn cứ nơi địa để phân biệt, dựa theo trước nên biết.

Hỏi: Nếu nghiệp không phải không thuộc cõi nào thì quả của nghiệp đó cũng không phải không thuộc cõi nào chăng?

Đáp: Các quả của nghiệp không phải không thuộc cõi nào thì nghiệp đó cũng như thế. Có nghiệp không phải không thuộc cõi nào, nhưng không phải là quả của đó. Nghĩa là do các đạo ở cõi sắc và vô sắc chứng được sự đoạn trừ các kiết, các thứ đoạn trừ này là quả ly hệ và quả sĩ dụng của đạo ấy. Căn cứ nơi địa để phân biệt, dựa theo trước nên biết.

Hỏi: Các sự việc được biến hóa ra thì do cái gì hóa ra? Do đạo hay do tâm biến hóa? Nếu do đạo thì vì sao tâm biến hóa gọi là chủ thể biến hóa? Nếu do tâm biến hóa thì điều nói trong đây làm sao thông? Như nói: Do đạo ở cõi sắc tạo sự biến hóa và phát ra lời nói ở cõi dục.

Đáp: Có thuyết nói: Các việc được biến hóa ra là do đạo tạo nên. Hỏi: Nếu thế vì sao tâm biến hóa được gọi là chủ thể biến hóa?

Đáp: Nên gọi là tâm được biến hóa, không nên gọi là chủ thể biến hóa. Nhưng do sức của đạo đã biến hóa sự vật rồi, tâm biến hóa cùng với sự vật được biến hóa cùng lúc khởi lên, nên gọi là chủ thể biến hóa, thật ra không phải là chủ thể biến hóa.

Có Sư khác nói: Các vật được hóa ra đó là do tâm biến hóa.

Hỏi: Nếu thế thì điều nói trong đây làm sao thông? Như nói: Do đạo ở cõi sắc tạo các sự biến hóa ở cõi dục phát khởi các lời nói ở cõi dục.

Đáp: Đây là căn cứ vào các nhân lần lượt nối nhau nên nói như thế, như pháp con cháu. Nghĩa là thần cảnh thông nơi đạo vô gián diệt, tâm biến hóa khởi lên cùng với vật được biến hóa, thì tâm biến hóa tức là quả sĩ dụng gần của đạo này, còn các sự vật được hóa ra lại là quả sĩ dụng gần của tâm biến hóa. Sự vật được biến hóa tức là bốn xứ hoặc hai xứ.

Như thế là nên nói: Các sự vật được hóa ra là do đạo hóa tác cũng do tâm biến hóa. Tức là thần cảnh thông nơi đạo vô gián diệt, tâm biến hóa khởi lên cùng lúc với các sự vật được hóa ra. Tuy khởi lên cùng một lúc nhưng tâm chủ thể hóa chỉ là quả của đạo, còn các vật được hóa ra là quả của đạo trước, cùng là quả của tâm biến hóa.

Hỏi: Lìa thân được biến hóa thì có phát khởi lời nói được hóa ra chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Không phát ra.

Hỏi: Nếu thế thì điều nói ở đây làm sao thông? Như nói: Do đạo ở cõi sắc tạo ra sự biến hóa ở cõi dục và phát sinh lời nói ở cõi dục.

Đáp: Thân được biến hóa có hai thứ: Một là có lời nói. Hai là không có lời nói. Nói “Do đạo ở cõi sắc tạo ra sự biến hóa ở cõi dục” là hiện bày thân được biến hóa không có lời nói. Còn “Phát ra lời nói ở cõi dục” là làm rõ thân được biến hóa có lời nói.

Có thuyết nói: Lìa thân được biến hóa cũng phát ra lời nói được biến hóa. Như ở giữa không trung không thấy thân được biến hóa đâu cả, chỉ nghe tiếng nói vang lên. Nhưng trong đây nói: Do đạo ở cõi sắc tạo ra sự biến hóa ở cõi dục là hiển bày chung về thân được biến hóa có lời nói, không có lời nói. Còn nói phát ra tiếng nói ở cõi dục là hiển bày chung cho lời nói được biến hóa dựa nơi thân và lìa nơi thân.

Như thế nên nói: Nếu lìa thân được biến hóa thì không thể phát ra lời nói được biến hóa. Vì lời nói tất do bốn thứ đại chủng thô trọng cùng kích động nhau khởi lên.

HẾT – QUYỂN 122