LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 4
Chương 1: TẠP UẨN
Phẩm 1: PHÁP THẾ ĐỆ NHẤT, phần 3
Hỏi: Tại sao pháp này không nên nói là thuộc về cõi vô sắc?
Đáp: Vì nhập chánh tánh ly sinh, trước hết là hiện quán về khổ của cõi dục là khổ, về sau kết hợp hiện quán về khổ của cõi sắc, cõi vô sắc là khổ. Thánh đạo khởi hiện trước hết là biện về sự việc của cõi dục, về sau kết hợp biện về sự việc của cõi sắc, cõi vô sắc. Nếu nhập chánh tánh ly sinh trước hết là hiện quán về khổ của cõi vô sắc là khổ, về sau kết hợp hiện quán về khổ của cõi dục, cõi sắc là khổ. Thánh đạo khởi hiện trước hết là biện về sự việc của cõi vô sắc, về sau kết hợp biện về sự việc của cõi dục, cõi sắc. Như thế, pháp thế đệ nhất nên nói là pháp thuộc về cõi vô sắc.
Tuy nhiên, nhập chánh tánh ly sinh trước hết phải hiện quán về khổ của cõi dục là khổ, về sau kết hợp hiện quán về khổ của cõi sắc, cõi vô sắc là khổ. Thánh đạo khởi hiện trước hết là biện về sự việc của cõi dục, về sau kết hợp biện về sự việc của cõi sắc, cõi vô sắc. Vì vậy, pháp thế đệ nhất không nên nói là pháp thuộc về cõi vô sắc.
Ở đây, nhập chánh tánh ly sinh trước hết là hiện quán về khổ nơi cõi dục là khổ, về sau kết hợp hiện quán về khổ nơi cõi sắc, cõi vô sắc là khổ. Nghĩa là trong kiến đạo trước hết là hiện quán riêng khổ đế của cõi dục là hành tướng khổ, về sau kết hợp hiện quán khổ đế của cõi sắc, cõi vô sắc là hành tướng khổ.
Hỏi: Trong quả vị kiến đạo, quán đủ bốn đế, vì sao chỉ nói quán khổ đế?
Đáp: Trong quả vị kiến đạo, trước hết là quán khổ đế, vì tướng thô hiển bày, thế nên nói riêng.
Hỏi: Bốn thứ hành tướng đều hiện quán khổ, vì sao chỉ nói có hành tướng khổ?
Đáp: Lý nên nói đủ nhưng không nói, nên biết ở đây là thuyết chưa trọn vẹn.
Hỏi: Có thuyết cho: Văn này chỉ nên nói như vầy: Trước là hiện quán về khổ nơi cõi dục, về sau kết hợp hiện quán về khổ của cõi sắc, cõi vô sắc. Không nên nói là khổ mà lại nói là khổ là có ý gì?
Đáp: Vì trong bốn hành tướng thì khổ đứng hàng đầu. Lại nói loại khổ là làm rõ ba loại còn lại.
Có thuyết nêu: Do hành tướng khổ đã truyền từ quá khứ lâu xa. Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều đối với phần đầu của đế đã nêu rõ về tên khổ.
Có thuyết nói: Vì hành tướng khổ chỉ thuộc về khổ đế, nên nói riêng. Hành tướng vô thường thuộc chung về ba đế. Hành tướng không, vô ngã thuộc về tất cả pháp.
Có thuyết cho: Hành tướng khổ này thể đi ngược với các Hữu, có thể xả bỏ sinh tử, hơn các hành tướng khác, vì thuận với tâm chán lìa. Cho đến trẻ con tuy được những thức ăn uống ngon nhất, nhưng khi chúng vừa định ăn, có người nói: Thức ăn này có khổ, chúng sẽ bỏ ngay. Do vậy chỉ nói riêng về khổ.
Có thuyết nêu: Do hành tướng khổ dễ có thể tin nhận, nghĩa là nội ngoại đạo, già trẻ, trí ngu đều tin là có khổ, thế nên nói riêng.
Có thuyết nói: Tướng khổ thô, dễ biểu hiện rõ nét, do trí nhận biết, nên vừa nghe nói đến khổ là hiểu rõ ngay, thế nên nói riêng. Như trí đối với đối tượng nhận biết, giác đối với đối tượng giác, hành tướng đối với đối tượng hành, căn đối với nghĩa của căn, chủ thể duyên đối với đối tượng được duyên, nên biết cũng như thế.
Hỏi: Vì sao Hành giả trong quả vị kiến đạo, trước hết hiện quán về khổ nơi cõi dục, về sau mới kết hợp hiện quán về khổ của cõi sắc, cõi vô sắc?
Đáp: Vì sự dị biệt giữa thô và tế. Nghĩa là khổ nơi cõi dục thô, dễ có thể quán sát, nên hiện quán trước. Còn khổ của cõi sắc, cõi vô sắc vi tế, khó có thể quán sát, nên về sau mới hiện quán. Như người tập bắn, trước hết bắn vật to, sau mới bắn đầu sợi lông. Đây cũng như thế.
Hỏi: Nếu thế đối với khổ thô của cõi sắc, khổ vi tế của cõi vô sắc, làm sao Hành giả hiện quán cùng một lúc?
Đáp: Vì Hành giả hiện quán, đối với sự sai biệt của hai cõi định, bất định để khởi hiện quán. Nghĩa là khổ nơi cõi dục thuộc về cõi bất định, nên hiện quán riêng. Khổ của cõi sắc, cõi vô sắc đều thuộc về cõi định, nên kết hợp hiện quán. Như cõi định – bất định, cõi tu – không tu, cõi lìa nhiễm – không lìa nhiễm, nên biết cũng như thế.
Có thuyết nói: Khổ của cõi dục đối với Hành giả hiện quán hiện bị bức bách khổ não, cũng như gánh lấy gánh nặng, nên hiện quán trước. Hành giả hiện quán đối với khổ của cõi sắc, cõi vô sắc thì không như thế, nên về sau mới hiện quán.
Có thuyết cho: Khổ nơi cõi dục đối với Hành giả hiện quán, vì hiện có chấp thọ, nên hiện quán trước. Khổ nơi hai cõi sắc, vô sắc thì không như thế, nên về sau mới hiện quán.
Có thuyết nêu: Khổ nơi cõi dục đối với Hành giả hiện quán, vì hiện đời là thống khổ, nên hiện quán trước. Khổ nơi cõi sắc, cõi vô sắc thì không như vậy, nên về sau mới hiện quán.
Có thuyết biện: Đối với khổ nơi cõi dục, vì Hành giả hiện trông thấy nên hiện quán trước. Khổ nơi cõi sắc, cõi vô sắc thì không như thế, nên về sau mới hiện quán.
Hỏi: Nếu khổ của cõi sắc, cõi vô sắc Hành giả không hiện thấy, làm sao Hành giả hiện quán đối với khổ đó?
Đáp: Hiện thấy có hai thứ: 1. Hiện thấy do chấp thọ. 2. Hiện thấy do lìa nhiễm.
Hành giả hiện quán kia đối với khổ nơi cõi dục, hội đủ hai sự hiện thấy, còn đối với khổ của cõi sắc, cõi vô sắc chỉ có hiện thấy do lìa nhiễm. Cũng như người lái buôn có hai gánh của cải: Một gánh tự mình gánh lấy, còn gánh thứ hai sai người khác gánh. Về gánh của mình hội đủ hai sự hiện thấy, nghĩa là hiện thấy nhẹ, nặng và hiện trông thấy tài sản, vật dụng. Đối với gánh của cải do người khác gánh thì chỉ có một thứ hiện thấy là của cải, vật dụng. Đây cũng như thế.
Có thuyết cho: Vì khổ nơi cõi dục là gần, nên hiện quán trước. Còn khổ nơi cõi sắc, cõi vô sắc là xa, nên hiện quán sau. Như gần xa, cùng với thân hay không cùng với thân, tại nơi thân mình hoặc tại nơi thân người khác cũng vậy.
Có thuyết nêu: Khổ nơi cõi dục có ba thứ, là thiện, bất thiện, vô ký, nên hiện quán trước. Khổ của cõi sắc, cõi vô sắc chỉ có hai thứ, là thiện và vô ký, nên hiện quán sau.
Có thuyết biện: Hành giả tu quán khi sắp nhập Thánh vị, tất thành tựu tánh phàm phu ở cõi dục, không thành tựu tánh phàm phu ở cõi sắc, cõi vô sắc. Pháp như vậy về hiện quán đối với người đã thành tựu thì khởi trước, đối với người không thành tựu thì khởi sau.
Có thuyết nói: Ở cõi dục khi nhận thấy khổ thì đoạn trừ hai thứ kiết, đó là bất thiện và vô ký, nên hiện quán trước. Khi nhận thấy khổ của cõi sắc, cõi vô sắc chỉ đoạn kiết vô ký, nên hiện quán sau. Như bất thiện – vô ký, có dị thục – không dị thục, sinh hai quả – sinh một quả, tương ưng với không hổ – không thẹn, không tương ưng với không hổ – không thẹn, nên biết cũng như thế.
Có thuyết nêu: Như khi ở phần vị phàm phu chê trách khổ đế, trước hết là chê trách khổ của cõi dục, về sau chê trách khổ của cõi sắc, cõi vô sắc. Nay đã nhập quả vị Thánh, khi tin tưởng ở khổ đế, cũng trước là tin về khổ nơi cõi dục, về sau tin về khổ nơi cõi sắc, cõi vô sắc. Như chê trách – tin tưởng, mê – ngộ, nghi ngờ – quyết định, nên biết cũng như vậy. Vì thế đối với khổ nơi cõi dục, trước hết là hiện quán riêng, đối với khổ của cõi sắc, cõi vô sắc, về sau mới kết hợp hiện quán.
Lúc Thánh đạo khởi, trước là biện về việc của cõi dục, về sau kết hợp biện về việc của cõi sắc, cõi vô sắc: Nghĩa là trong kiến đạo, trước hết biện riêng về sự việc nên làm đối với cõi dục, về sau kết hợp biện về sự việc nên làm đối với cõi sắc, cõi vô sắc.
Hỏi: Hiện quán và biện về sự việc có gì khác nhau?
Đáp: Có thuyết nói: Chúng không sai biệt, vì hiện quán tức là sự việc được mình biện biệt.
Có thuyết cho: Cũng có sai biệt, vì tên gọi, đây gọi là hiện quán, đây gọi là biện về sự việc.
Lại nữa, thông suốt về đối tượng duyên là hiện quán, quyết đoán các phiền não là biện về sự việc.
Lại nữa, hiện quán là trí hiện quán. Biện về sự việc là sự việc nơi hiện quán.
Lại nữa, hiện quán là trí nhận biết khắp. Biện về sự việc là đoạn nhận biết khắp. Như trí nhận biết khắp, đoạn nhận biết khắp, trí tác chứng, đắc tác chứng, nêu rõ quả đạo của đạo giải thoát, nên biết cũng như thế.
Lại nữa, hiện quán là việc của đạo vô gián làm. Biện về sự việc là việc của đạo giải thoát làm. Như việc làm của đạo vô gián, đạo giải thoát, việc đoạn trừ trói buộc đạt được, chứng ngộ lìa buộc đạt được, bỏ lỗi lầm, tu công đức, ra khỏi chốn thấp kém, vào lãnh vực thắng diệu, bỏ vô nghĩa, được có nghĩa, làm cạn khô dầu mỡ ái, thọ nhận an vui trong mát, nên biết cũng như thế.
Lại có thuyết nêu: Sát-na là hiện quán, cùng nối tiếp là biện về sự việc. Như sát-na – cùng tiếp nhau, hội nhập, luôn nhập, nên biết cũng như thế.
Nếu nhập chánh tánh ly sinh v.v… nêu dẫn ngược lại là phi lý, còn tùy thuận là thành nghĩa này.
Hỏi: Như đối với khổ nơi cõi sắc không phải là hiện quán trước, nhưng pháp thế đệ nhất thuộc về cõi sắc. Như thế đối với khổ nơi cõi vô sắc, tuy không phải là hiện quán trước, nhưng đâu trở ngại gì với pháp thế đệ nhất là pháp thuộc cõi vô sắc?
Đáp: Do trong cõi sắc có trí duyên khắp, có thể duyên nơi địa của mình và duyên nơi các địa trên, dưới, nên đối với khổ nơi cõi sắc, tuy không phải hiện quán trước, nhưng pháp thế đệ nhất được xem là pháp thuộc về cõi sắc. Trong cõi vô sắc không có trí duyên khắp, tuy duyên từ địa mình và địa trên, nhưng không duyên nơi địa dưới. Vì thế nên pháp thế đệ nhất không phải thuộc về cõi vô sắc.
Lại nữa, nhập định vô sắc, trừ bỏ tưởng sắc, không phải trừ bỏ tưởng sắc là có thể nhận biết cõi dục. Nếu duyên nơi pháp này khởi khổ pháp trí nhẫn, tức duyên nơi pháp này khởi pháp thế đệ nhất.
Hỏi: Lại nữa, trong đoạn văn này, lý không nên nói, nên chỉ nói: Nhập định vô sắc, trừ bỏ tưởng sắc, cho đến nói rộng. Vì sao? Vì là một môn hay có các môn khác? Ở đây, do nghĩa nơi chánh văn, nên nói lời này: Vì sao pháp ấy không nên nói là thuộc cõi vô sắc? Mà lại đáp: Nhập định vô sắc, trừ bỏ tưởng sắc, cho đến nói rộng. Vì sao? Nghĩa đã hỏi ở đây là trả lời căn bản, đáng lẽ nói lời này mà không nói là có ý gì?
Đáp: Phàm thiết lập pháp ngôn luận có hai thứ: 1. Phương tiện. 2. Căn bản. Những việc gì đã được nói ở trước là ngôn luận phương tiện. Cái gì đang nói ở đây là ngôn luận căn bản, nên căn bản khác với phương tiện. Lại nữa, vì nói pháp phương tiện ở trước, nên như văn đã nói.
Có thuyết nói: Về cách lý luận có hai: 1. Mở rộng. 2. Thu hẹp, hạn chế. Trong đây môn trước là cách lý luận mở rộng, môn sau là cách lý luận thu hẹp, hạn chế. Do văn bản này nên không có lỗi về nghĩa.
Có Sư khác cho: Trong đây, môn trước là hiển bày về khổ pháp trí nhẫn chỉ duyên nơi cõi dục, môn sau là hiển bày cho cả pháp thế đệ nhất và khổ pháp trí nhẫn, vì đồng một đối tượng duyên. Định kia không phải thuộc về cõi vô sắc, vì định vô sắc có loại trừ tưởng sắc, tất không duyên nơi sắc hữu lậu của địa dưới. Định trừ tưởng sắc ở tại bốn vô sắc và thuộc về địa của ba cận phần trên kia.
Hỏi: Có nhiều xứ nêu: Nói loại trừ tưởng sắc, nghĩa là xứ này nói nhập định vô sắc, trừ tưởng sắc, cho đến nói rộng?
Đáp: Nơi phần Đại Chủng Uẩn nói: Thế nào là trừ tưởng sắc? Nghĩa là có Bí-sô khởi thắng giải như thế, cho đến nói rộng.
Ba-la-diễn-noa cũng nói thế này:
Các Hữu trừ tưởng sắc
Hay trừ tất cả thân
Ở trong pháp nội ngoại
Không có gì không thấy.
Trong phẩm Chúng Nghĩa cũng nói:
Nơi tưởng có tưởng, không tức lìa
Cũng phi không tưởng, phi trừ tưởng
Như thế bình đẳng trừ tưởng sắc
Không có nhiễm vướng nhân duyên kia.
Hỏi: Về nghĩa của các thuyết như thế có gì khác nhau chăng?
Đáp: Trong Uẩn này nói: Không duyên nơi địa dưới, không lưu chuyển nơi các sắc, gọi là trừ tưởng sắc. Phần Đại Chủng Uẩn nói: Xua trừ hết sự tích nhóm của sắc khiến không hiện tiền, gọi là loại trừ tưởng sắc.
Phẩm Chúng Nghĩa của Ba-la-diễn-noa nói: Đoạn ái của cõi sắc gọi là loại trừ tưởng sắc.
Có thuyết biện: Xứ này trừ tưởng sắc là chung cho bốn niệm trụ. Phần Đại Chủng Uẩn nói: Loại trừ tưởng sắc chỉ là thân niệm trụ.
Phẩm Chúng Nghĩa của Ba-la-diễn-noa nói: Loại trừ tưởng sắc chỉ là pháp niệm trụ.
Có thuyết cho: Xứ này trừ tưởng sắc là ở chỗ thuộc về bảy địa, đó là bốn vô sắc và ba cận phần ở trên.
Phần Đại Chủng Uẩn nói: Loại trừ tưởng sắc là thuộc về tĩnh lự thứ tư.
Phẩm Chúng Nghĩa của Ba-la-diễn-noa nói: Loại trừ tưởng sắc là cũng thuộc về bảy địa, đó là vị chí, trung gian, bốn tĩnh lự và cận phần của Không vô biên xứ.
Có thuyết nêu: Theo nơi phần Đại Chủng Uẩn nói: Loại trừ tưởng sắc là không chung, chỉ nơi nội đạo có. Ba thứ còn lại là chung.
Có Sư khác cho: Loại trừ tưởng sắc theo Uẩn này nói là chung, vì cả nội, ngoại đạo đều có. Ba thứ còn lại là không chung.
Như thế gọi là nghĩa của các thuyết có dị biệt. Ở trong nghĩa này lại có phân biệt.
Hỏi: Do đâu pháp thế đệ nhất không phải thuộc về cõi vô sắc?
Đáp: Do không phải là ruộng v.v… Nghĩa là cõi vô sắc đối với pháp thế đệ nhất không phải là thửa ruộng, không phải là đồ đựng, không phải là địa, không thể sinh trưởng pháp thế đệ nhất, nên ở cõi vô sắc không có pháp thế đệ nhất.
Lại nữa, nếu địa có thuận với phần quyết định lựa chọn khác thì địa đó có thể có pháp thế đệ nhất. Cõi vô sắc không thuận với phần quyết quyết định lựa chọn khác, do vậy nên không có pháp thế đệ nhất.
Lại nữa, nếu định dung nạp có quán sát khắp về căn thiện của bốn đế trong ba cõi thì định kia có thể có pháp thế đệ nhất. Đối với định vô sắc không có căn thiện này, do đó không có pháp thế đệ nhất.
Lại nữa, nếu định dung nạp có duyên nơi hành tướng vô ngã của tất cả pháp thì địa nơi định kia có thể có pháp thế đệ nhất. Trong định vô sắc không có hành tướng này, thế nên không có pháp thế đệ nhất.
Lại nữa, nếu địa có thể tu tập thế tục trí hiện quán biên thì địa đó có thể có pháp thế đệ nhất. Trong địa nơi cõi vô sắc thì không có sự việc như thế, nên không có pháp thế đệ nhất.
Lại nữa, nếu địa có kiến đạo thì có thể có pháp thế đệ nhất. Trong cõi vô sắc không có kiến đạo, do đó không có pháp thế đệ nhất.
Hỏi: Nhân luận sinh luận: Vì sao cõi vô sắc không có kiến đạo?
Đáp: Như trước đã nói: Không có nhân của pháp thế đệ nhất, cũng vì đấy mà chứng biết. Còn có nghĩa khác nữa: Đó là vì nơi cõi vô sắc thì Xa-ma-tha tăng, chủ yếu là phải có địa Tỳ-bát-xá-na tăng thì mới có thể có kiến đạo.
Có nghĩa khác đối với nghĩa này: Là cùng ngăn chận hai cõi. Nghĩa là cõi dục rất thô trọng, cõi vô sắc thì rất vi tế, nên cả hai cõi đều không có pháp thế đệ nhất.
Lại nữa, vì căn thiện nơi cõi dục rất yếu kém, còn căn thiện của cõi vô sắc thì quá chìm tối, nên cả hai đều không có pháp thế đệ nhất.
Lại nữa, vì cõi dục thì rất náo động, còn cõi vô sắc lại quá tịch tĩnh, nên cả hai đều không có pháp thế đệ nhất.
Lại nữa, nếu ở địa nào có trí duyên khắp và đạo đoạn trừ kiết thì địa đó cùng có pháp thế đệ nhất. Cõi dục tuy có trí duyên khắp, nhưng không có đạo đoạn trừ kiết. Cõi vô sắc tuy có đạo đoạn trừ kiết, nhưng lại không có trí duyên khắp, nên cả hai đều không có pháp thế đệ nhất.
Hỏi: Từng có hai Thánh giả đồng sinh ở một xứ, đối với pháp thế đệ nhất có một thành tựu, một không thành tựu chăng?
Đáp: Có. Nghĩa là một Thánh giả nương vào tĩnh lự thứ nhất nhập chánh tánh ly sinh. Một Thánh giả nương vào tĩnh lự thứ hai nhập chánh tánh ly sinh. Cả hai đều mạng chung, cùng sinh vào tĩnh lự thứ hai. Thánh giả dựa vào tĩnh lự thứ nhất không thành tựu pháp thế đệ nhất, vì vượt qua địa thì xả. Thánh giả nương theo tĩnh lự thứ hai thì thành tựu pháp thế đệ nhất, vì sinh vào địa của mình.
Hỏi: Từng có hai A-la-hán đều ở cõi dục, đối với pháp thế đệ nhất có một thành tựu, một không thành tựu chăng?
Đáp: Có. Nghĩa là một người nương vào tĩnh lự thứ nhất nhập chánh tánh ly sinh. Một người dựa vào tĩnh lự thứ hai nhập chánh tánh ly sinh. Cả hai đều mạng chung, cùng sinh trong tĩnh lự thứ hai. Có người chưa lìa cõi dục đều chứng đắc quả A-la-hán. Người nương vào tĩnh lự thứ nhất không thành tựu pháp thế đệ nhất, vì vượt qua địa thì xả. Người dựa vào tĩnh lự thứ hai thành tựu pháp thế đệ nhất, vì sinh vào địa của mình.
***
* Pháp thế đệ nhất nên nói là có tầm có tứ chăng? Cho đến nói rộng.
Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?
Đáp: Tuy đã nói pháp thế đệ nhất là thuộc về cõi sắc, nhưng chưa phân biệt pháp đó ở địa nào. Nay nhằm phân biệt. Như đã biết: Thôn ấp, đất nước nơi cư trú của một người, nhưng chưa nhận biết được nhà ở của người đó. Đây cũng như thế, nên tạo ra phần Luận này.
Lại nữa, vì muốn cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là trước đây nói pháp thế đệ nhất chỉ thuộc về cõi sắc, nhưng trong cõi sắc có ba thứ địa: 1. Địa có tầm có tứ. 2. Địa không tầm chỉ có tứ. 3. Địa không tầm không tứ. Tức chưa chỉ rõ pháp thế đệ nhất được quyết định ở nơi địa nào. Có các căn thiện chỉ có ở địa có tầm có tứ, như từ vô ngại giải. Có các căn thiện chỉ ở nơi địa không tầm không tứ, như tịnh giải thoát, bốn thắng xứ sau, tám biến xứ trước. Có các căn thiện ở cả địa có tầm có tứ và không tầm không tứ, như hỷ vô lượng.
Có thuyết nói: Cũng như hai giải thoát đầu, bốn thắng xứ trước, chớ có sinh nghi cho pháp thế đệ nhất chỉ ở một địa, hoặc ở hai địa. Nay vì thành lập pháp thế đệ nhất kia nhất định ở tại ba địa nên tạo ra phần Luận này.
Hỏi: Pháp thế đệ nhất nên nói là pháp có tầm có tứ, không tầm chỉ có tứ, hay không tầm không tứ?
Đáp: Nên nói hoặc có tầm có tứ, hoặc không tầm chỉ có tứ, hoặc không tầm không tứ.
Hỏi: Vì sao chỉ rõ pháp thế đệ nhất ở cả ba địa?
Đáp: Vì nhằm ngăn chận lối chấp của Bộ khác cho căn thiện này chỉ ở một địa. Nghĩa là hoặc có người chấp: Pháp thế đệ nhất chỉ có tầm có tứ, có tướng, có tỉnh thức, không phải cùng dẫn phát thuộc về phàm phu duyên nơi các hành.
Chỉ có tầm có tứ: Là tư duy dẫn dắt chuyển biến.
Có tướng: Là duyên nơi tên gọi khởi hiện.
Có tỉnh thức: Là có công dụng.
Không phải cùng dẫn phát: Là không nối tiếp nhau chuyển biến.
Thuộc phàm phu: Là phàm phu đạt được.
Duyên nơi các hành: Là duyên nơi hữu vi.
Vì ngăn chận các lối chấp của Bộ kia nhằm làm sáng tỏ căn thiện này chung cho ba địa.
Hỏi: Thế nào là có tầm có tứ?
Đáp: Nếu nương vào Tam-ma-địa có tầm có tứ nhập chánh tánh ly sinh, thì pháp thế đệ nhất của vị đó đã đạt được là do nương vào vị chí và tĩnh lự thứ nhất nhập chánh tánh ly sinh, đạt được pháp thế đệ nhất.
Hỏi: Trong đây nói nương dựa là muốn hiển bày về pháp gì?
Đáp: Có thuyết cho: Đây là nói về định câu sinh gọi là nương dựa. Nghĩa là pháp thế đệ nhất tương ưng với định, dùng tiếng nương dựa để nói. Nương dựa câu sinh ấy có thành văn chứng. Như nơi Trí Uẩn nói: Nếu nương vào Tam-ma-địa không, nhập chánh tánh ly sinh, thì định đó tương ưng với khổ pháp trí nhẫn, dùng tiếng nương dựa để nói. Đây cũng như thế.
Có Sư khác nêu: Định đẳng vô gián duyên ấy gọi là nương dựa. Nghĩa là định tương ưng với nhẫn tăng thượng, dùng tiếng nương dựa để nói. Nên nói như thế này: Tức ba địa kia gọi là nương dựa. Về sau chỗ nói là nương dựa, nên biết cũng như thế.
Hỏi: Thế nào là không tầm chỉ có tứ?
Đáp: Nếu nương vào Tam-ma-địa không tầm chỉ có tứ nhập chánh tánh ly sinh, thì pháp thế đệ nhất đã được kia là đã nương vào tĩnh lự trung gian, nhập chánh tánh ly sinh đạt được pháp thế đệ nhất.
Hỏi: Thế nào là không tầm không tứ?
Đáp: Nếu nương vào Tam-ma-địa không tầm không tứ nhập chánh tánh ly sinh, thì pháp thế đệ nhất đã được kia là đã dựa vào tĩnh lự thứ hai, ba, tư, nhập chánh tánh ly sinh, đạt được pháp thế đệ nhất.
Nếu nương vào định vị chí nhập chánh tánh ly sinh, người đó tu một địa kiến đạo, một địa pháp thế đệ nhất và hai địa thế tục trí hiện quán biên.
Nếu nương vào tĩnh lự thứ nhất nhập chánh tánh ly sinh, người đó tu hai địa kiến đạo, một địa pháp thế đệ nhất, ba địa thế tục trí hiện quán biên.
Nếu nương vào tĩnh lự trung gian nhập chánh tánh ly sinh, người đó tu ba địa kiến đạo, một địa pháp thế đệ nhất, bốn địa thế tục trí hiện quán biên.
Nếu nương vào tĩnh lự thứ hai nhập chánh tánh ly sinh, người đó tu bốn địa kiến đạo, một địa pháp thế đệ nhất, năm địa thế tục trí hiện quán biên.
Nếu nương vào tĩnh lự thứ ba nhập chánh tánh ly sinh, người đó tu năm địa kiến đạo, một địa pháp thế đệ nhất, sáu địa thế tục trí hiện quán biên.
Nếu nương vào tĩnh lự thứ tư nhập chánh tánh ly sinh, người đó tu sáu địa kiến đạo, một địa pháp thế đệ nhất, bảy địa thế tục trí hiện quán biên.
Có Sư khác nói: Nếu nương vào tĩnh lự thứ nhất nhập chánh tánh ly sinh, người đó tu hai địa kiến đạo, hai địa pháp thế đệ nhất, ba địa thế tục trí hiện quán biên.
Nếu nương vào tĩnh lự trung gian nhập chánh tánh ly sinh, người đó tu ba địa kiến đạo, ba địa pháp thế đệ nhất, bốn địa thế tục trí hiện quán biên. Vì sao? Vì ba địa kia đều là một địa, một tùy miên, pháp thiện trong ấy cùng làm nhân lẫn nhau. Dựa vào địa khác, như trước đã nói.
Lời bình: Sư kia không nên lập luận thuyết ấy. Vì sao? Vì nếu lập luận thuyết ấy, người nương vào tĩnh lự trung gian nhập chánh tánh ly sinh, nên được hai địa pháp thế đệ nhất nghĩa là có tầm có tứ và không tầm chỉ có tứ. Như thế là mâu thuẫn với đoạn văn này. Chỗ đã nêu bày là thế nào? Là có tầm có tứ. Nếu nương vào Tam-ma-địa có tầm có tứ nhập chánh tánh ly sinh, thì pháp thế đệ nhất đạt được kia vì sao không tầm chỉ có tứ? Vì nếu nương vào Tam-ma-địa không tầm chỉ có tứ nhập chánh tánh ly sinh, thì pháp thế đệ nhất đạt được kia mới như thế. Chớ nên mắc lỗi này, vì thế thuyết trước đối với lý là đúng.
Hỏi: Vì sao kiến đạo thì tu địa của mình và địa của người khác, còn pháp thế đệ nhất chỉ tu nơi địa của mình?
Đáp: Vì kiến đạo là vô lậu, giải thoát, lìa trói buộc, còn pháp thế đệ nhất thì không như thế. Lại nữa, kiến đạo tuy ở nơi địa nhưng không rơi vào cõi, còn pháp thế đệ nhất ở nơi địa cũng rơi vào cõi.
Lại nữa, kiến đạo do ba duyên nên tu: 1. Vì nhân nuôi dưỡng. 2. Vì đồng làm việc. 3. Vì đồng đối trị.
Nhân nuôi dưỡng: Là sáu địa kiến đạo lần lượt làm nhân.
Đồng làm việc: Là nơi kiến đạo thuộc địa trên, làm các việc nên làm, kiến đạo ở địa dưới cũng có thể làm việc.
Đồng đối trị: Là kiến đạo ở địa trên đã đối trị Hoặc, kiến đạo ở địa dưới cũng có thể đối trị.
Tu đạo cũng do ba duyên đã nói như trên, nên tu nơi địa của mình, tu nơi địa của người khác.
Nhân nuôi dưỡng: Là chín địa tu đạo lần lượt làm nhân. Lại như pháp trí lìa nhiễm nơi cõi dục, cũng tu loại trí. Đây chỉ do một duyên tức là nhân nuôi dưỡng.
Đồng làm việc: Là tu đạo thuộc địa trên làm việc cần làm. Tu đạo ở địa dưới cũng có thể làm việc. Lại như sự việc khổ trí nên làm, cho đến đạo trí cũng đều có thể thực hành công việc.
Đồng đối trị: Là tu đạo ở địa trên đã đối trị Hoặc, tu đạo thuộc địa dưới cũng có thể đối trị.
Lại như một niệm nơi trí này hiện tiền, có thể ở nơi vị lai tu vô lượng niệm. Pháp thế đệ nhất không phải là nhân nuôi dưỡng, các địa không thể cùng làm nhân, cũng không phải đồng làm việc, đối với việc đoạn trừ phiền não không thể tác chứng, cũng không đồng đối trị, vì không thể đoạn trừ vĩnh viễn các phiền não.
Lại nữa, pháp thế đệ nhất hệ thuộc sự nối tiếp nhau, còn kiến đạo thì không như thế.
Lại nữa, pháp thế đệ nhất có thể tạo thành dị thục, còn kiến đạo thì không như thế.
Lại nữa, pháp thế đệ nhất bị trói buộc do ái, còn kiến đạo thì không như thế.
Lại nữa, pháp thế đệ nhất có cấu uế, có lỗi, có độc, có đâm chích, có nhiễm, có đục, còn kiến đạo thì không như thế.
Lại nữa, pháp thế đệ nhất nương dựa thân phàm phu, pháp của thân phàm phu không tu nơi địa người khác, còn kiến đạo chỉ nương dựa thân Thánh giả, pháp của thân Thánh giả tu ở địa của mình và người khác.
Hỏi: Pháp thế đệ nhất cùng với các thế tục trí hiện quán biên đều đồng là hữu lậu, vì sao trí kia tu ở địa của mình và người khác, còn pháp thế đệ nhất chỉ tu ở địa của mình?
Đáp: Thế tục trí hiện quán biên là quyến thuộc của kiến đạo, nương vào kiến đạo để tu, như kiến đạo tu ở địa của mình và người khác, trí kia cũng vậy. Còn pháp thế đệ nhất thì không như thế.
Lại nữa, thế tục trí hiện quán biên nương dựa vào pháp Thánh giả, vì Thánh giả có thể tu ở địa của mình và của người khác. Còn pháp thế đệ nhất thì không như thế.
Lại nữa, thế tục trí hiện quán biên nương dựa vào thân tùy tín, tùy pháp hành, nên trí kia có thể tu đủ ở địa của mình và của người khác. Còn pháp thế đệ nhất thì không như thế.
Lại nữa, thế tục trí hiện quán biên có kẻ oán đối mà không có uy lực, vì có oán đối nên tu ở địa của mình và của người khác, vì không có uy lực nên dựa vào tha lực để tu. Còn pháp thế đệ nhất thì không có kẻ oán mà có uy lực, vì không có kẻ oán nên chỉ tu nơi địa của mình, vì có uy lực nên dựa vào tự lực để tu.
Lại nữa, thế tục trí hiện quán biên không dụng công mà được, tùy thuận lực của kiến đạo, tu ở địa của mình và của người khác. Còn pháp thế đệ nhất thì cần dụng công mới được, vì thế nên chỉ có thể tu ở địa của mình.
Hỏi: Vì sao nơi sáu địa đã khởi hiện kiến đạo, địa trên có thể tu địa dưới, còn địa dưới không thể tu địa trên?
Đáp: Vì pháp của địa trên mạnh hơn khi hiện tiền, nên có thể tu địa dưới. Còn pháp của địa dưới yếu kém khi hiện tiền, nên không thể tu địa trên. Như kẻ yếu phải chầu kẻ mạnh không phải kẻ mạnh chầu kẻ yếu. Đây cũng như thế.
Lại nữa, lực dụng của địa dưới yếu kém, phải nương dựa địa trên để tu, như sức của người yếu kém phải nương nhờ kẻ khỏe mạnh. Lực dụng của địa trên mạnh hơn, nên không dựa vào địa dưới để tu, như sức của người mạnh khỏe hơn không nương nhờ kẻ yếu đuối.
Lại nữa, vì địa dưới hệ thuộc địa trên, nên địa trên có thể tu địa dưới. Vì địa trên không hệ thuộc địa dưới, nên địa dưới không thể tu địa trên. Như người này lệ thuộc người kia, nhận sự sai khiến của người kia. Kẻ không lệ thuộc người khác, người khác không thể sai khiến.
Lại nữa, nếu nương vào địa trên nhập chánh tánh ly sinh, người đó đối với địa dưới vì đã được lìa nhiễm, nên có thể tu ở địa dưới. Nếu dựa vào địa dưới nhập chánh tánh ly sinh, người đó đối với địa trên vì chưa được lìa nhiễm, giả như đã lìa nhiễm nhưng không được tự tại, vì không nương dựa địa trên để nhập chánh tánh ly sinh, do đó ở địa dưới không thể tu địa trên.
Lại nữa, nếu đối với địa trên nhập chánh tánh ly sinh, người đó đối với địa dưới vì đã đạt được, nên có thể tu. Nếu dựa vào địa dưới nhập chánh tánh ly sinh, người đó đối với địa trên vì chưa đạt được, nên không tu. Nếu như đã đạt được nhưng không tự tại, vì không nương dựa địa kia để nhập chánh tánh ly sinh.
Lại nữa, vì ở địa dưới cầu địa trên, nên địa trên tu địa dưới. Địa trên vì không cầu địa dưới, nên địa dưới không tu địa trên.
Lại nữa, vì địa dưới có thể đoạn trừ địa trên, nên địa trên có thể tu địa dưới. Do địa trên không đoạn trừ địa dưới, nên địa dưới không tu địa trên.
Lại nữa, vì địa dưới có thể làm công việc ở địa trên, nên địa trên cần phải tu địa dưới. Vì địa trên không thể làm các công việc địa dưới, nên địa dưới không tu địa trên.
Lại nữa, cũng như sáu thứ pháp giữ gìn. Nghĩa là trời Ba Mươi Ba vì sợ A-tố-lạc (A-tu-la), nên bố trí sáu quân nhằm tự bảo vệ: 1. Rồng dựa nơi biển trụ. 2. Trời Kiên Thủ. 3. Trời Trì Man. 4. Trời Hằng Kiêu. 5. Trời Tứ Đại vương chúng. 6. Trời Ba Mươi Ba (Trời Đao-lợi). Nếu A-tố-lạc từ cung điện của mình xông ra, là khi định chiến đấu với trời, trước hết là đánh nhau với Rồng dựa nơi biển. Nếu Rồng có thể chiến thắng A-tố-lạc, quân của năm trời kia vẫn đứng yên, vô sự. Nếu không thể chiến thắng, quân của trời Kiên Thủ liền xông ra giúp cứu. Nếu hai quân này có thể chiến thắng, quân của bốn trời còn lại vẫn đứng yên, vô sự. Nếu không thể đánh thắng, quân của trời Trì Man lại ra sức trợ chiến. Nếu cả ba quân đều chiến thắng, quân của ba vị trời kia vẫn án binh bất động. Nếu không đủ để chiến thắng, quân của trời Hằng Kiêu lại giúp sức đánh tiếp. Nếu cả bốn đoàn quân có thể chiến thắng, quân của hai vị trời khác vẫn đứng yên vô sự. Ngược lại nếu không đủ để chiến thắng, quân của trời Tứ Đại vương chúng lại giúp sức đánh tiếp. Nếu năm đoàn quân có thể chiến thắng, trời Ba Mươi Ba vẫn đứng yên vô sự. Nếu không thể đánh thắng, trời Ba Mươi Ba và năm đoàn quân trước cùng giúp sức với nhau tiếp tục chiến đấu khiến cho A-tố-lạc thất bại, rút lui.
Như thế kiến đạo vì nhằm đối trị các Hoặc do kiến đạo đoạn trừ, nên bố trí đủ sáu địa: Địa định vị chí cho đến địa thứ sáu.
Tĩnh lự thứ tư nếu nương vào định vị chí nhập chánh tánh ly sinh, thì vị lai chỉ tu một địa kiến đạo, tức có thể đoạn trừ vĩnh viễn các Hoặc do kiến đạo đoạn trừ, ngoài ra năm địa còn lại vẫn an trụ vô sự.
Nếu nương vào tĩnh lự thứ nhất nhập chánh tánh ly sinh, thì vị lai tức tu hai địa kiến đạo cùng hỗ trợ đoạn trừ vĩnh viễn các Hoặc do kiến đạo đoạn trừ, ngoài ra bốn địa còn lại vẫn an trụ vô sự.
Nếu nương vào tĩnh lự trung gian nhập chánh tánh ly sinh, thì vị lai tức tu ba địa kiến đạo cùng hỗ trợ đoạn trừ vĩnh viễn các Hoặc do kiến đạo đoạn trừ, ngoài ra ba địa còn lại vẫn an trụ vô sự.
Nếu nương vào tĩnh lự thứ hai nhập chánh tánh ly sinh, thì vị lai tức tu bốn địa kiến đạo cùng hỗ trợ đoạn trừ vĩnh viễn các Hoặc do kiến đạo đoạn trừ, ngoài ra hai địa còn lại vẫn an trụ vô sự.
Nếu nương vào tĩnh lự thứ ba nhập chánh tánh ly sinh, thì vị lai tu năm địa kiến đạo cùng hỗ trợ đoạn trừ vĩnh viễn các Hoặc do kiến đạo đoạn trừ, tĩnh lự thứ tư vẫn an trụ vô sự.
Nếu nương vào tĩnh lự thứ tư nhập chánh tánh ly sinh, thì vị lai tức tu sáu địa kiến đạo cùng hỗ trợ đoạn trừ vĩnh viễn các Hoặc do kiến đạo đoạn trừ.
Thế nên nương vào địa trên có thể tu ở địa dưới. Nương vào địa dưới không thể tu địa trên.
Lại nữa, cũng như dựa vào núi có sáu lớp ao. Nghĩa là từ đỉnh núi cao cho đến dưới chân núi, có sáu ao suối tuần tự tuôn chảy liên tục. Dòng nước suối trên cùng chảy khắp sáu ao. Ao thứ hai chảy khắp năm ao, ao thứ ba chảy khắp bốn ao, cho đến ao thứ sáu chỉ chảy khắp một ao.
Như thế sáu địa đã khởi kiến đạo, địa trên có thể tu địa dưới, địa dưới không tu địa trên.
Hỏi: Từng có pháp thế đệ nhất hoặc tương ưng với tầm không phải tứ, hoặc tương ưng với tứ không phải tầm, hoặc đều tương ưng với tầm tứ, hoặc đều không tương ưng với tầm, tứ chăng?
Đáp: Có. Tương ưng với tầm không phải tứ: Nghĩa là tứ của định vị chí, tĩnh lự thứ nhất, vì tứ không tương ưng với tự tánh.
Tương ưng với tứ không phải tầm: Nghĩa là tầm và tĩnh lự trung gian trừ tứ, tâm tâm sở pháp khác.
Đều tương ưng với tầm, tứ: Nghĩa là trong định vị chí nơi tĩnh lự thứ nhất, trừ tầm, tứ, còn lại là tâm tâm sở pháp.
Đều không tương ưng với tầm, tứ: Nghĩa là tứ của tĩnh lự trung gian, tâm tâm sở pháp của ba tĩnh lự trên và tất cả sắc, tâm bất tương ưng hành tùy tâm chuyển.
Hỏi: Từng có pháp thế đệ nhất không phải có tầm có tứ, không phải không tầm chỉ có tứ và không phải không tầm không tứ chăng?
Đáp: Có. Nghĩa là tứ của định vị chí nơi tĩnh lự thứ nhất. Định đó không phải có tầm có tứ. Vì sao? Như Luận Phẩm Loại Túc nói: Thế nào là pháp có tầm có tứ? Nếu pháp tương ưng với tầm tứ, tức tứ đó tuy tương ưng với tầm nhưng không phải tứ.
Cũng không phải không tầm chỉ có tứ. Vì sao? Như Luận Phẩm Loại Túc nói: Thế nào là pháp không tầm chỉ có tứ? Nếu pháp tương ưng với tứ không phải là tầm, tức tứ đó chỉ tương ưng với tầm không phải tứ.
Cũng không phải không tầm không tứ. Vì sao? Như Luận Phẩm Loại Túc nói: Thế nào là pháp không tầm không tứ? Nếu pháp không tương ưng với tầm, tứ, tức tứ đó chỉ không tương ưng với tứ, không phải tầm.
Hỏi: Từng có pháp thế đệ nhất không tương ưng với tầm, tứ, không phải là phi tứ chăng?
Đáp: Có. Nghĩa là tứ của tĩnh lự trung gian. Tĩnh lự đó tuy không tương ưng với tầm, tứ, nhưng không phải là phi tứ. Vì sao? Vì là tự tánh của tứ.
Hỏi: Từng có pháp thế đệ nhất ở địa có tầm có tứ và tương ưng với tứ không phải tầm chăng?
Đáp: Có. Là tầm nơi pháp kia chỉ tương ưng với tứ.
Hỏi: Từng có pháp thế đệ nhất ở địa không tầm chỉ có tứ, là pháp tương ưng, không phải tương ưng với tứ chăng?
Đáp: Có. Nghĩa là tứ của tĩnh lự trung gian, tứ đó không tương ưng với tự tánh của nó.
Hỏi: Từng có pháp thế đệ nhất ở địa có tầm có tứ, có đủ ba thứ, là có tầm có tứ, không tầm chỉ có tứ và không tầm không tứ chăng?
Đáp: Có. Có tầm có tứ: Là định vị chí và tĩnh lự thứ nhất, trừ tầm, tứ, còn lại là tâm tâm sở pháp.
Không tầm chỉ có tứ: Là tầm.
Không tầm không tứ: Là sắc, tâm bất tương ưng hành tùy tâm chuyển.
Hỏi: Từng có pháp thế đệ nhất ở địa không tầm chỉ có tứ, mà có hai thứ, là không tầm chỉ có tứ và không tầm không tứ chăng?
Đáp: Có. Không tầm chỉ có tứ: Là tĩnh lự trung gian trừ tứ, còn lại là tâm tâm sở pháp.
Không tầm không tứ: Là tứ của địa kia và sắc, tâm bất tương ưng hành tùy tâm chuyển.
***
* Pháp thế đệ nhất nên nói là tương ưng với lạc căn chăng?
Cho đến nói rộng?
Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?
Đáp: Tuy đã nói pháp thế đệ nhất kia nương dựa vào các địa nên có sai biệt nhưng chưa phân biệt pháp ấy tương ưng với pháp nào. Nay nhằm phân biệt. Như đã biết nơi cư trú nhà cửa v.v… của một người, nhưng chưa nhận biết về bạn bè thân thiết của người đó. Đây cũng như thế, nên tạo ra phần Luận này.
Có thuyết nói: Tuy đã chỉ rõ về pháp thế đệ nhất đều chung cho cả ba địa, nhưng chưa nói pháp ấy chung cho sáu địa. Nay sẽ nói rõ pháp thế đệ nhất tương ưng với ba căn, nhằm khiến nhận biết pháp kia chung nơi sáu địa, hiện thấy rõ như quả trong lòng bàn tay. Do nhân duyên ấy, nên tạo ra phần Luận này.
Hỏi: Pháp thế đệ nhất nên nói là tương ưng với lạc căn, tương ưng với hỷ căn, tương ưng với xả căn chăng?
Đáp: Nên nói hoặc tương ưng với lạc căn, hoặc tương ưng với hỷ căn, hoặc tương ưng với xả căn.
Trước đây đã nói pháp thế đệ nhất không phải thuộc về cõi dục, tức biết không tương ưng với khổ căn, ưu căn, thế nên chỉ dựa vào ba căn để tạo ra phần Luận này.
Tuy đã nói tổng quát về pháp kia tương ưng với ba căn, nhưng chưa làm rõ về chỗ sai biệt của sự tương ưng, thế nên lại nói đến tướng của sự sai biệt đó.
Hỏi: Thế nào là tương ưng với lạc căn?
Đáp: Nếu nương vào tĩnh lự thứ ba nhập chánh tánh ly sinh, Hành giả kia đã chứng được pháp thế đệ nhất. Nhưng pháp thế đệ nhất ở tĩnh lự thứ ba, hoặc tương ưng với lạc căn, hoặc không tương ưng với lạc căn.
Tương ưng với lạc căn: Là trừ lạc căn, còn lại là tâm tâm sở pháp.
Không tương ưng với lạc căn: Tức là lạc căn cùng sắc, tâm bất tương ưng hành tùy tâm chuyển.
Nay lại nói tâm tâm sở pháp còn lại, nên nói pháp kia cùng với lạc căn tương ưng.
Hỏi: Thế nào là tương ưng với hỷ căn?
Đáp: Nếu nương vào tĩnh lự thứ nhất, thứ hai nhập chánh tánh ly sinh, Hành giả kia đã chứng được pháp thế đệ nhất. Nhưng pháp thế đệ nhất ở tĩnh lự thứ nhất, thứ hai, hoặc tương ưng với hỷ căn, hoặc không tương ưng với hỷ căn.
Tương ưng với hỷ căn: Là trừ hỷ căn, còn lại là tâm tâm sở pháp.
Không tương ưng với hỷ căn: Tức là hỷ căn và sắc, tâm bất tương ưng hành tùy tâm chuyển.
Nay lại nói tâm tâm sở pháp còn lại, nên nói pháp kia cùng với hỷ căn tương ưng.
Hỏi: Thế nào là tương ưng với xả căn?
Đáp: Nếu nương vào vị chí nơi tĩnh lự thứ tư nhập chánh tánh ly sinh, Hành giả kia đã chứng được pháp thế đệ nhất.
Hỏi: Vì sao không nói tĩnh lự trung gian?
Đáp: Đoạn văn này nên nói như vầy: Nếu nương vào vị chí nơi tĩnh lự trung gian, tĩnh lự thứ tư nhập chánh tánh ly sinh, Hành giả kia đã chứng được pháp thế đệ nhất.
Hỏi: Nhưng không nói như vậy là ý gì?
Đáp: Đã nói vị chí, nên biết là cũng nói tĩnh lự trung gian. Vì sao? Vì tiếng vị chí là chưa đến, cũng nói rõ nghĩa trung gian, vì đều là chưa đến địa căn bản. Như nơi phần Đại Chủng Uẩn nói: Đại chủng dựa vào định nào diệt? Dựa vào bốn định hoặc định vị chí.
Nhưng ở ba địa này, pháp thế đệ nhất hoặc tương ưng với xả căn, hoặc không tương ưng với xả căn.
Tương ưng với xả căn: Là trừ xả căn, còn lại là tâm tâm sở pháp.
Không tương ưng với xả căn: Tức là xả căn và sắc, tâm bất tương ưng hành tùy tâm chuyển.
Nay lại nói tâm tâm sở pháp còn lại, nên nói pháp kia cùng với xả căn tương ưng.
Hỏi: Từng có pháp thế đệ nhất không tương ưng với lạc căn, hỷ căn và xả căn chăng?
Đáp: Có. Đó là sắc, tâm bất tương ưng hành kia tùy tâm chuyển.
Hỏi: Từng có pháp thế đệ nhất là pháp tương ưng nhưng không tương ưng với lạc căn, hỷ căn xả căn chăng?
Đáp: Có. Đó tức là ba căn, vì pháp kia không tương ưng với căn của tự tánh và tha tánh.
HẾT – QUYỂN 4