LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 3

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 1: PHÁP THẾ ĐỆ NHẤT, phần 2

Hỏi: Đã nhận biết pháp thế đệ nhất thuận chuyển nơi sinh, trụ, lão, vô thường, cũng là pháp thế đệ nhất, nên sự chứng đắc của nó cũng là pháp thế đệ nhất chăng? Nếu như phải hoặc không phải, tức có lỗi gì? Nếu sự chứng đắc kia cũng là pháp thế đệ nhất, tức được quả Thánh rồi, thuận với phần quyết định lựa chọn nên lại hiện tiền. Nếu sự chứng đắc kia không phải pháp thế đệ nhất, thì tại sao quả Sa-môn chứng đắc là quả Sa-môn mà pháp thế đệ nhất chứng đắc lại không phải là pháp thế đệ nhất?

Đáp: Sự chứng đắc kia định rõ không phải là pháp thế đệ nhất, vì được quả Thánh rồi, thuận phần quyết định lựa chọn thì không khởi hiện lại nữa.

Hỏi: Vì sao quả Sa-môn chứng đắc là quả Sa-môn, nhưng pháp thế đệ nhất chứng đắc lại không phải là pháp thế đệ nhất?

Đáp: Vì quả Sa-môn thành tựu đã được hiển bày, nên quả Samôn chứng đắc là quả Sa-môn. Còn pháp thế đệ nhất thì chỗ hiển bày là của đẳng vô gián duyên tức sự chứng đắc kia đã không phải là đẳng vô gián duyên, cũng không tùy thuận như sự sinh của nó v.v… nên sự chứng đắc ấy không phải là pháp thế đệ nhất. Noãn, đảnh, nhẫn chứng đắc cũng không phải là noãn v.v… Chớ cho chứng đắc quả Thánh rồi lại hiện tiền.

Có thuyết nêu: Sự chứng đắc kia cũng là pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Nếu như thế khi chứng đắc quả Thánh rồi, thuận nơi phần quyết định lựa chọn nên lại hiện tiền nữa chăng?

Đáp: Thừa nhận một phần của quả Thánh kia hiện tiền cũng không có lỗi. Nghĩa là pháp tương ưng không hiện tiền lại nữa, pháp không tương ưng thì có hiện tiền lại lần nữa. Noãn, đảnh, nhẫn chứng đắc cũng lại như vậy.

Có Sư khác nói: Quả kia cùng khởi chứng đắc thì cũng là pháp thế đệ nhất. Nếu khởi sau thì không phải, nên không có lỗi trước. Noãn v.v… cũng như vậy.

Lời bình: Nếu quả kia cùng khởi hoặc khởi sau sự chứng đắc thì tất cả đều không phải là pháp thế đệ nhất, vì chủng loại đồng. Noãn v.v… cũng như thế. Thế nên thuyết nói trước đối với lý là tốt.

Hỏi: Vì sao pháp thế đệ nhất cùng với sinh, trụ, lão, vô thường cũng là pháp thế đệ nhất, nhưng chứng đắc lại không phải?

Đáp: Vì sinh, trụ v.v… cùng với pháp thế đệ nhất kia đều đồng một quả, cùng đi theo nhau, không lìa nhau, thường hòa hợp, không trước không sau, tướng chủ thể, tướng đối tượng chưa từng rời nhau, do vậy nó cũng là pháp thế đệ nhất. Còn sự chứng đắc và pháp thế đệ nhất không đồng một quả, không cùng đi theo nhau, tánh cùng lìa, không hòa hợp, hoặc trước hoặc sau, chủ thể chứng đắc và pháp được chứng đắc có khi lìa nhau như cội cây với vỏ, đôi lúc vỏ rời khỏi cây, thế nên sự chứng đắc không phải là pháp thế đệ nhất. Sự chứng đắc của noãn, đảnh, nhẫn cũng lại như thế.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất gồm bao nhiêu niệm trụ?

Đáp: Pháp thế đệ nhất trong hiện tại chỉ có một, là pháp niệm trụ tạp duyên, ở vị lai thì có đủ bốn, giống với kiến đạo.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất tạo nên bao nhiêu duyên?

Đáp: Pháp thế đệ nhất tạo nên bốn duyên, là nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên

Nhân duyên: Nghĩa là nó cùng với các pháp như tương ưng, câu hữu, đồng loại kia làm nhân duyên.

Đẳng vô gián duyên: Nghĩa là nó cùng với khổ pháp trí nhẫn làm đẳng vô gián duyên.

Sở duyên duyên: Nghĩa là nó cùng với chủ thể duyên là tâm tâm sở pháp ấy làm sở duyên duyên.

Tăng thượng duyên: Nghĩa là trừ tự tánh, nó cùng với tất cả pháp hữu vi khác làm tăng thượng duyên.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất có bao nhiêu duyên?

Đáp: Có bốn duyên. Đó là:

1. Có Nhân duyên: Nghĩa là ở đây có các pháp như tương ưng, câu hữu, đồng loại.

2. Có Đẳng vô gián duyên: Nghĩa là đã phát sinh nhẫn tăng thượng.

3. Có Sở duyên duyên: Nghĩa là năm uẩn nơi cõi dục.

4. Có Tăng thượng duyên: Nghĩa là trừ tự tánh, là tất cả các pháp còn lại.

Hỏi: Văn tuy không nói nhưng nghĩa tất nên có. Vậy thế nào pháp thế đệ nhất xuất?

Đáp: Đó là khổ pháp trí nhẫn, vì trí này có thể duy trì tất cả Thánh đạo.

Có Sư khác nói: Đó là định Kim cang dụ, vì định này có thể chứng đắc quả tất cả kiết đã đoạn dứt hết cùng nhận biết khắp.

Có thuyết cho: Pháp thế đệ nhất xuất là tận trí thứ nhất, vì trí này có thể gìn giữ tất cả pháp vô học.

Hoặc có thuyết nêu: Pháp thế đệ nhất xuất chính là đạo quả Bồđề Vô thượng, vì quả này là tối thắng trong tất cả pháp hữu vi.

Lại có thuyết nói: Pháp thế đệ nhất xuất chính là cảnh giới Niếtbàn, vì nó là tối thắng đối với tất cả pháp hữu vi, vô vi.

Có thuyết cho: Chính là Thánh đạo nơi sát-na sau cùng của A-la-hán, như tâm trong sát-na cuối cùng của phần vị phàm phu gọi là pháp thế đệ nhất. Như thế tâm vô lậu trong sát-na sau cùng của A-la-hán gọi là pháp thế đệ nhất xuất.

Có thuyết nêu: Chính là tâm sau cùng của A-la-hán, nghĩa là như tâm sau cùng nơi phần vị phàm phu là pháp thế đệ nhất. Như vậy tâm sau cùng của A-la-hán là pháp thế đệ nhất xuất.

Lời bình: Thuyết kia không nên nói như thế, vì tâm sau cùng của A-la-hán không phải là pháp xuất thế.

Trong các thuyết này, chỉ có thuyết ban đầu là đúng, do thuyết ấy nói có thể duy trì tất cả Thánh đạo.

***

* Vì sao gọi là pháp thế đệ nhất? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Tại sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước tuy đã nói về tự tánh của pháp thế đệ nhất, nhưng chưa nói đến nhân duyên lập danh của pháp đó, nay nhằm nói rõ việc ấy. Ví như người được thế gian khen là tối thắng, đúng lý nên nói nhân duyên đặt tên của người đó, ấy là vì dòng họ, vì hình sắc, vì năng lực, vì quyến thuộc giàu sang, nên được gọi là tối thắng chăng? Đây cũng như vậy nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Tại sao gọi là pháp thế đệ nhất?

Đáp: Tâm tâm sở pháp như thế đối với pháp thế gian khác là tối là thắng, là lớn, là tôn quý, là trên, là vi diệu, nên gọi là pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Tâm tâm sở này là hoàn toàn thắng đối với các pháp thế gian khác nên gọi là đệ nhất, hay vì phần thắng nên gọi là đệ nhất chăng? Nếu vậy thì có lỗi gì không? Nếu là hoàn toàn thắng nên gọi là đệ nhất, thì pháp này há có thể vượt hơn thế tục trí hiện quán biên chăng? Nhưng hiện quán biên do thế tục trí tu tập là quyến thuộc tùy thuộc của kiến đạo, tuệ lực của kiến đạo là thù thắng. Pháp này thì không như thế.

Lại, pháp này há có thể vượt hơn pháp tĩnh lự tạp tu chăng? Nhưng đẳng chí kia cùng chỗ chiêu cảm sinh ra không chung với phàm phu. Pháp này thì không như thế.

Lại, pháp này há vượt hơn căn thiện của tận trí lúc mới tu chăng? Lúc tu căn thiện kia thì tận trí đã lìa hết thảy chướng, chỗ nương dựa đều thanh tịnh. Pháp này thì không như thế.

Lại, pháp này há vượt hơn ba Tam-ma-địa không không, vô nguyện vô nguyện, vô tướng vô tướng chăng? Nhưng ba pháp kia hãy còn có thể chế ngự kẻ chê trách Thánh đạo, huống chi đối với hữu lậu. Pháp này thì không như thế.

Nếu vì phần thắng nên gọi là đệ nhất, thì noãn, đảnh, nhẫn tức nên cũng đều gọi là đệ nhất. Vì những thứ này đều vượt hơn các thứ căn thiện của bậc thấp.

Đáp: Có thuyết nói: Vì pháp này là hoàn toàn thắng nên gọi là đệ nhất. Nhưng là căn cứ nơi khả năng mở cửa Thánh đạo mà nói, không phải là căn cứ vào tất cả. Nghĩa là thế tục trí hiện quán biên v.v… tuy có sự thù thắng như trước đã nói, nhưng đều không có năng lực mở cửa Thánh đạo, còn pháp này riêng có thể, thế nên là hoàn toàn thắng.

Hoặc có thuyết cho: Pháp này đối với tất cả sự việc khác là thù thắng, nên gọi là đệ nhất. Nghĩa là những sự thù thắng hiện có của thế tục trí hiện quán biên v.v… đều do pháp này tạo thành. Vì sao? Vì những sự thù thắng của hiện quán kia nếu không có pháp này mở cửa Thánh đạo thì về thể hãy còn không tu, huống chi là có dụng thù thắng. Chính là do pháp này mở cửa Thánh đạo, trí kia mới tu về thể, mới có dụng hơn hết. Những sự việc thù thắng nọ đã do pháp này mà thành, nên pháp này là thù thắng đối với tất cả sự thù thắng khác. Có Sư khác nêu: Vì pháp này có phần thắng nên gọi là đệ nhất.

Hỏi: Nếu vậy noãn v.v… cũng được gọi là đệ nhất, vì chúng đều hơn căn thiện của bậc thấp chăng?

Đáp: Pháp noãn v.v… kia đối với hai phần đều không phải là tối thắng. Nghĩa là pháp thiện của thế gian gồm có hai phần: 1. Nương vào phàm phu. 2. Dựa vào Thánh giả.

Pháp thế đệ nhất tuy đối với thế tục trí v.v… của Thánh giả không gọi là tối thắng, nhưng đối với những gì hàng phàm phu đã đạt được như tĩnh lự, vô lượng giải thoát, thắng xứ, biến xứ, cho đến chỗ chứng đắc thứ nhất có tư duy và quán bất tịnh, quán sổ tức, các niệm trụ, ba nghĩa quán, bảy xứ thiện trong noãn, đảnh, nhẫn thảy đều tối thắng. Còn noãn, đảnh, nhẫn thì không như thế. Do đó nên pháp này riêng gọi là pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Pháp này do nghĩa gì nên được gọi là đệ nhất?

Đáp: Pháp này là tối thắng, có thể dẫn đến đệ nhất, chứng đắc quả đệ nhất, đi tới tánh đệ nhất, nên là nghĩa đệ nhất.

Có thuyết nói: Pháp này có thể xô ngã, dứt trừ hữu thứ nhất, nên là nghĩa đệ nhất.

Có Sư khác cho: Vì pháp này là tâm sau cùng của phàm phu, như trên đỉnh cột cờ cao, không có gì cao hơn nữa, nên là nghĩa đệ nhất.

Hỏi: Ở đây đã nói: Là tối, là thắng, là lớn, là tôn quý, là trên, là vi diệu, thế thì chúng có gì sai biệt?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Không có sai biệt, vì đều là lời khen thuật về nghĩa đệ nhất.

Lại có thuyết cho: Cũng có sai biệt vì tên gọi đã khác. Nghĩa là pháp ấy gọi là tối thắng, cho đến gọi là vi diệu.

Lại nữa, đối với các căn thiện cũng có sai biệt. Nghĩa là pháp ấy đối với chỗ do văn tạo thành gọi là hơn hết. Đối với chỗ do tư duy tạo thành gọi là thù thắng. Đối với quán bất tịnh, quán sổ tức, niệm trụ v.v… gọi là lớn. Đối với noãn gọi là tôn quý. Đối với đảnh gọi là trên. Đối với nhẫn gọi là vi diệu.

Lại nữa, căn cứ theo chỗ nương dựa nơi địa mà nói cũng có sai biệt. Nghĩa là pháp này nương vào định vị chí gọi là hơn hết. Dựa vào tĩnh tự thứ nhất gọi là thù thắng. Nương vào tĩnh lự trung gian gọi là lớn. Dựa vào tĩnh lự thứ hai gọi là tôn quý. Nương dựa vào tĩnh lự thứ ba gọi là trên. Căn cứ vào tĩnh lự thứ tư gọi là vi diệu.

Lại nữa, dựa vào nghĩa bất đồng cũng có sai biệt. Nghĩa là pháp này đã đến biên vực đảnh nên gọi là hơn hết. Vì thuộc về phẩm thượng nên gọi là thù thắng. Vì tạo nên an lành nên gọi là lớn. Vì thể tiến lên cao nên gọi là tôn quý. Vì tánh cứng chắc nên gọi là trên. Vì viên mãn điều nguyện ước nên gọi là vi diệu.

Lại nữa, vì thể, dụng có khác nên cũng có sai biệt. Nghĩa là pháp này có thể làm đẳng vô gián duyên cho khổ pháp trí nhẫn v.v… nên gọi là hơn hết. Vì vượt qua căn thiện của tất cả phàm phu nên gọi là thù thắng. Ánh sáng lấn át tất cả căn thiện của thế tục nên gọi là lớn. Có thể đạt đến công đức thù thắng nên gọi là tôn quý. Vì không có hai phần nên gọi là trên. Vì giống như vô lậu nên gọi là vi diệu.

Lại nữa, tướng, dụng có khác nên cũng có sai biệt. Nghĩa là pháp này là tâm sau cùng của hàng phàm phu, cũng như cây thẳng, suôn nên gọi là hơn hết. Vì có thể mở cửa Thánh đạo nên gọi là thù thắng. Vì căn mạnh mẽ nhạy bén nên gọi là lớn. Vì pháp này là trên hết đối với tất cả thuận phần quyết định lựa chọn nên gọi là tôn quý. Vì chế ngự hết thảy phiền não oán đối nên gọi là trên. Vì dẫn đến quả đáng yêu mến nên gọi là vi diệu.

Có Sư khác nêu: Sáu trường hợp như thế, đem pháp sau giải thích pháp trước, nên có sai biệt. Nghĩa là vì pháp này tối thắng nên gọi là đệ nhất, vì thù thắng nên gọi là hơn hết. Vì lớn nên gọi là hơn. Vì tôn quý nên gọi là lớn. Vì trên nên gọi là tôn quý. Vì vi diệu nên gọi là trên. Do đấy nên gọi là pháp thế đệ nhất.

Lại nữa, tâm tâm sở pháp như thế là đẳng vô gián, bỏ tánh phàm phu chứng được tánh Thánh, bỏ tánh tà được tánh chánh, có thể nhập chánh tánh ly sinh nên gọi là pháp thế đệ nhất.

Bỏ tánh phàm phu: Là tâm tâm sở pháp này có thể bỏ tánh phàm phu.

Hỏi: Pháp nào chính là có thể bỏ tánh phàm phu? Là pháp thế đệ nhất hay là khổ pháp trí nhẫn? Nếu như vậy có lỗi gì? Nếu pháp thế đệ nhất chính là có thể bỏ tánh phàm phu, làm sao trú nơi pháp ấy để có thể bỏ tánh phàm phu? Còn nếu khổ pháp trí nhẫn chính là có thể bỏ tánh phàm phu, các trí này trụ nơi phần vị nào? Là khi sinh bỏ hay lúc diệt mới bỏ? Nếu khi sinh bỏ tánh phàm phu, trong đời vị lai làm thế nào có thể có chỗ tạo tác? Nếu khi diệt bỏ, tánh kia đã bỏ rồi, đâu cần phải bỏ nữa?

Đáp: Có thuyết nói: Pháp thế đệ nhất chính là có thể bỏ tánh phàm phu.

Hỏi: Đây đã là pháp phàm phu, làm thế nào vừa trụ nơi pháp ấy mà có thể xả bỏ pháp ấy?

Đáp: Trụ nơi pháp ấy xả bỏ pháp ấy cũng không có lỗi. Như kẻ vừa cỡi voi vừa điều phục voi, vừa cỡi ngựa vừa điều phục ngựa, vừa chèo thuyền vừa lèo lái con thuyền, vừa cỡi xe vừa điều khiển xe. Như người chiến thắng oán thù, vượt lên trên kẻ oán thù để trừ bỏ. Như người đốn cây, trèo lên cây để chặt cây. Pháp thế đệ nhất cũng lại như thế. Nương vào tánh phàm phu mà có thể bỏ tánh phàm phu.

Hoặc có thuyết cho: Khổ pháp trí nhẫn chính là có thể bỏ tánh phàm phu. Nghĩa là đúng vào lúc sinh là bỏ tánh phàm phu. Ngay nơi phần vị diệt, có thể đoạn trừ mười thứ tùy miên của cõi dục do kiến khổ đoạn. Như khi đèn cháy tỏa ra ánh sáng thì xua tan bóng tối. Lúc đèn tắt, tim đèn đã bị đốt nóng, làm cạn bầu dầu.

Hỏi: Thế nào là nơi vị lai có thể có chỗ tạo tác? Một pháp có hai tác dụng thì đâu có hợp lý?

Đáp: Đối với nghĩa không mâu thuẫn, nên dù có thừa nhận cũng đâu có lỗi. Nghĩa là tất cả pháp có thể đối với vị lai có tác dụng, gồm có ba loại: 1. Pháp trong: Như khổ pháp trí nhẫn. 2. Pháp ngoài: Như ánh sáng mặt trời v.v… 3. Pháp trong ngoài: Như các tướng sinh. Một cái đèn có nhiều công dụng, ở đời ai chẳng biết, do đó khổ pháp trí nhẫn có hai tác dụng thì đâu có lỗi gì.

Có Sư khác nói: Pháp thế đệ nhất và khổ pháp trí nhẫn đã hỗ tương giúp nhau trong việc bỏ tánh phàm phu. Nghĩa là tuy pháp thế đệ nhất luôn trái với tánh phàm phu, nhưng vì lực dụng của pháp ấy còn yếu kém, nên không thể riêng một mình bỏ được. Do đó dẫn sinh khổ pháp trí nhẫn, cùng giúp sức để bỏ tánh phàm phu. Ví như người ốm yếu dựa vào kẻ tráng kiện giúp thêm sức nên có thể chế ngự kẻ thù. Do nhân duyên này, nên pháp thế đệ nhất như đạo vô gián, khổ pháp trí nhẫn như đạo giải thoát, cùng hợp nhau bỏ tánh phàm phu. Thế nên pháp thế đệ nhất cùng với tánh phàm phu thành tựu được cùng diệt, còn khổ pháp trí nhẫn cùng với tánh phàm phu không thành tựu được cùng sinh.

Được tánh Thánh: Nghĩa là tâm tâm sở pháp này có thể chứng đắc khổ pháp trí nhẫn, có thể nhận lãnh giữ gìn tất cả pháp Thánh, nên lại nói pháp kia là tánh Thánh. Còn các Thánh đạo khác tuy cũng thuộc về tánh Thánh, nhưng chúng không phải có được như pháp này, nên không nói đến.

Có thuyết cho: Kiến đạo đều là tánh Thánh.

Có Sư khác nêu: Tất cả Thánh đạo đều là tánh Thánh. Nếu không phải vậy thì tu đạo trong đạo vô học tức không thành tựu tánh Thánh, thế thì không nên gọi là Thánh giả.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất chỉ có thể dẫn đến sự việc chứng đắc khổ pháp trí nhẫn. Đối với khổ pháp trí nó hãy còn không thể chứng đắc huống chi là có thể chứng đắc pháp khác? Tại sao lại nói pháp này chứng được tánh Thánh?

Đáp: Tất cả Thánh đạo có thể thành tựu bậc Thánh đều gọi là tánh Thánh, vì chủng loại đồng. Pháp thế đệ nhất đã đạt được một phần Thánh đạo kia, nên cũng gọi là chứng đắc. Như nói về y phấn tảo.

Bỏ tánh tà: Là tâm tâm sở pháp này có thể bỏ ba thứ tánh tà: 1. Tánh tà của nghiệp. 2. Tánh tà của nẻo (Thú). 3. Tánh tà của kiến (Nhận thức).

Tánh tà của nghiệp: Là năm nghiệp vô gián.

Tánh tà của nẻo: Là ba nẻo ác.

Tánh tà của kiến: Là năm thứ kiến điên đảo.

Hỏi: Trong phần vị này, tánh tà của nghiệp, của nẻo trước hết là không tạo thành, đến khi đạo loại trí bỏ tánh tà của kiến mới được cứu cánh, như vậy tại sao có thể nói nơi phần vị này có thể bỏ ba tánh tà?

Đáp: Do ba duyên nên nơi phần vị này gọi là bỏ: 1. Do không tạo tác nên gọi là bỏ, tức là tánh tà của nghiệp. 2. Do không đi đến nên gọi là bỏ, tức là tánh tà của nẻo. 3. Do không hành nên gọi là bỏ, tức là tánh tà của kiến.

Hỏi: Lúc nhẫn tăng thượng, ba duyên đã đủ, vì sao nơi phần vị này mới nói là bỏ?

Đáp: Nay vì phá vỡ sự nương dựa của tánh tà kia, nên nói là bỏ tánh tà ấy.

Hỏi: Thế nào gọi là chỗ dựa của tánh tà kia?

Đáp: Tánh phàm phu vô phú vô ký. Đây gọi là các phiền não dựa vào tánh phàm phu, làm hại các hữu tình, khiến nhận chịu mọi đau khổ trong sinh tử. Như sư tử chúa nương vào hang sâu vô phú vô ký có thể giết hại vô số các loại bàng sinh. Pháp thế đệ nhất có thể phá bỏ các phiền não dựa vào tánh phàm phu, nên nói là bỏ tánh tà kia.

Có Sư khác nói: Khổ pháp trí nhẫn là trí đối trị đối với tánh tà. Pháp thế đệ nhất dẫn phát khiến sinh khổ pháp trí nhẫn, nên nói là bỏ tánh tà.

Hỏi: Tánh tà của nghiệp và nẻo là do tu đạo đoạn, khổ pháp trí nhẫn có thể đối trị như thế nào?

Đáp: Khổ pháp trí nhẫn có thể làm năm thứ đối trị, đó là: Bỏ, đoạn, giữ gìn, không làm, không đến để đối trị.

Đối trị bằng bỏ: Là trí này có thể bỏ tánh phàm phu.

Đối trị bằng đoạn trừ: Là trí này có thể đoạn mười thứ tùy miên của cõi dục do kiến khổ đoạn.

Đối trị bằng giữ gìn: Là trí này có thể giữ gìn các Thánh đạo của tất cả quả vị sau.

Đối trị bằng không làm: Là trí này có thể giúp phàm phu hoàn toàn không tạo tác năm nghiệp vô gián.

Đối trị bằng không đến: Là trí này có thể khiến phàm phu hoàn toàn không đi đến ba nẻo ác.

Được tánh chánh: Là tâm tâm sở pháp này có thể chứng đắc khổ pháp trí nhẫn, do có thể nhận lãnh, gìn giữ tất cả chánh pháp, nên lại nói nó là tánh chánh.

Lại, Thánh đạo khác tuy cũng thuộc tánh chánh nhưng không phải như chỗ chứng đắc của trí này, nên không nói đến.

Có thuyết nói: Kiến đạo đều là tánh chánh.

Có Sư khác cho: Tất cả Thánh đạo đều là tánh chánh. Nếu không như thế thì tu đạo là trong đạo hữu học tức không thành tựu tánh chánh, thế thì không nên gọi là bậc Thánh.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất chỉ có thể dẫn khởi sự việc chứng đắc khổ pháp trí nhẫn. Đối với khổ pháp trí nó hãy còn không thể chứng đắc, huống chi có thể chứng đắc pháp khác. Vậy sao vừa nói là pháp này đạt được tánh chánh?

Đáp: Tất cả Thánh đạo lìa điên đảo đều là tánh chánh, vì chủng loại đều đồng. Pháp thế đệ nhất chứng đắc một phần Thánh đạo kia, nên cũng gọi là chứng đắc. Như nói về y phấn tảo.

Có thể nhập chánh tánh ly sinh: Là tâm tâm sở pháp có thể nhập kiến đạo.

Hỏi: Tất cả Thánh đạo đều là tánh chánh, cũng là ly sinh, vì sao trong Luận này chỉ nói riêng về kiến đạo?

Đáp: Tất cả phiền não hoặc các thứ tham ái khiến các căn thiện không được thành thục và làm cho các hữu thêm dồi dào kết hợp hiện khởi lỗi lầm, tuy đều gọi là sinh, nhưng do kiến đạo đoạn nên ở đây nói sinh là theo nghĩa tăng thượng. Vì kiến đạo có thể làm pháp đối trị trọn vẹn, thế nên kiến đạo này riêng gọi là ly sinh.

Đối với các thứ không chánh kiến, chính do kiến đạo có thể đoạn dứt hoàn toàn nên gọi là tánh chánh. Vì pháp thế đệ nhất dẫn khởi liên tục nên nói có thể nhập chánh tánh ly sinh.

Lại nữa, hết thảy phiền não hoặc các thứ tham ái có thể khiến cho các căn thiện không được thành thục cùng khiến các Hữu thêm dồi dào kết hợp phát sinh lỗi lầm, đều gọi là sinh. Kiến đạo khởi hiện rồi, tức đè bẹp thế mạnh của phiền não tham ái đó, khiến chúng không còn được thêm lên, phát sinh lỗi lầm nữa. Do vậy kiến đạo này riêng gọi là ly sinh. Về nghĩa nhập tánh chánh như trước đã nói.

Do nghĩa này, nên Tôn giả Diệu Âm nói: Khi căn thiện đã thành thục, các loài hữu tình đều có thể nhập kiến đạo, vì vậy kiến đạo gọi là ly sinh.

Lại nữa, các Hoặc do kiến đạo đoạn trừ, tức các Hoặc này đã khiến cho hữu tình bị đọa vào các nẻo ác, nhận chịu nhiều thứ khổ dữ dội. Ví như thức ăn sống ở lâu trong thân, có thể tạo vô số khổ sở bứt rứt. Do đó, Hoặc này gọi là sinh. Vì kiến đạo có thể diệt trừ chúng, nên gọi là ly sinh. Nói nhập tánh chánh cũng như trước đã nói.

Lại nữa, hữu thân kiến v.v… ương ngạnh khó điều phục, như loài thú hung hăng lồng lộn, nên gọi là sinh, vì kiến đạo có khả năng diệt trừ, nên gọi là ly sinh. Nói nhập tánh chánh cũng như trước đã nói.

Lại nữa, sinh ở đây là làm rõ tánh phàm phu, vì có thể dấy khởi các Hoặc nghiệp bạo ác. Kiến đạo trừ bỏ các thứ hoặc nghiệp ác đó, nên gọi là ly sinh. Ngoài ra như trước đã nói.

Lại nữa, các tụ phiền não do kiến, tu đoạn, chúng lần lượt hỗ trợ nhau dẫn đến sự sinh không cùng tận, nhưng khi kiến đạo khởi hiện rồi thì xua trừ sức mạnh của chúng khiến không thể gây tạo lỗi sinh vô cùng. Do vậy, kiến đạo riêng gọi là ly sinh. Ngoài ra, như trước đã nói.

Lại nữa, phiền não, nghiệp ác trong thân phàm phu hoàn toàn không điều thuận được, nên nói là sinh. Các sư Du Già vẫn còn chìm đắm trong phiền não này, kiến đạo cứu vớt và đặt họ nơi quả vị Thánh, nên gọi là ly sinh. Ngoài ra như trước đã nói.

Lại nữa, Hoặc do kiến đạo đoạn, chúng như cây vun gốc, sinh lỗi vô cùng, kiến đạo vĩnh viễn nhổ sạch, nên gọi là ly sinh. Ngoài ra như trước đã nói.

Có Sư khác cho: Văn này nên nói là nhập tánh chánh quyết định. Vì sao? Nghĩa là vào lúc ấy, từ tụ bất định bước ra, nhập vào tụ chánh định.

Lại nữa, Hành giả bấy giờ bỏ tụ tà định dựa vào tánh phàm phu, nhập tụ chánh định dựa vào kiến đạo, thế nên gọi là nhập tánh chánh quyết định.

Lại nữa, bấy giờ Hành giả đã bỏ năm đồng phần, nhập tám đồng phần. Năm đồng phần: Là đồng phần hiện có của các phàm phu, dựa vào chúng có thể dấy tạo năm vô gián. Tám đồng phần: Là tất cả đồng phần hiện có của các Thánh giả, dựa vào chúng có thể chứng đắc bốn hướng, bốn quả. Ngay khi ấy, phàm phu bỏ phần định tà, nhập phần định chánh, vì thế gọi là nhập tánh chánh quyết định.

Lại nữa, vì nơi chốn nhập kiến đạo không phải là tụ định tà, nên gọi là tánh chánh. Vì không phải là tụ bất định nên gọi là quyết định.

Có thuyết nêu: Âm thanh này hiển bày về nhập tánh chánh nhậm trì, do âm thanh Ni-dạ-ma ấy hiển bày về nghĩa gánh vác giữ gìn. Ví như bò, ngựa v.v… đã đề phòng chỗ uống nước nhằm giữ gìn loài vật đó, không để chúng buông thả phóng túng. Các sư Du già cũng lại như thế, an trụ nơi kiến đạo rồi, là trọn không phóng dật, nên nói pháp thế đệ nhất là nhập tánh chánh nhậm trì.

Luận sư Bộ Thí Dụ nói: Âm thanh này làm sáng tỏ việc nhập tánh chánh ly hệ, do tiếng Dạ-ma, cũng hiển bày về nghĩa hệ thuộc. Ni nghĩa là sự ngăn chận, cũng làm rõ về nghĩa lìa bỏ. Tất cả Thánh đạo đều vĩnh viễn lìa bỏ sự hệ thuộc, gọi là Ni-dạ-ma. Ngoài ra như trước đã nói.

Luận giả về Thanh nói: Âm thanh này là hiển bày về nhập chánh tánh bất vãng, vì tiếng Dạ-ma cũng hiển bày về nghĩa vãng (đi đến). Ni nghĩa là sự ngăn chận, cũng hiển bày về nghĩa không. Các sư Du Già chứng đắc Thánh đạo rồi, hoàn toàn không đi đến nẻo bất thiện. Vì thế, Thánh đạo gọi là Ni-dạ-ma. Ngoài ra như trước đã nói.

Hoặc có thuyết cho: Văn này nên nói là nhập tánh chánh như lý, vì tất cả Thánh đạo đều tương ưng với lý, nên gọi là như lý. Ngoài ra như trước đã nói.

Lại có thuyết nêu: Văn này nên nói là từ phần vị bình đẳng nhập vào tánh chánh. Phần vị bình đẳng tức là thời gian của pháp thế đệ nhất. Nói tánh chính là hiển bày về khổ pháp trí nhẫn v.v… Pháp thế đệ nhất có thể từ phần vị mình nhập nơi kiến đạo, nên gọi là nhập.

Hỏi: Các thứ bình đẳng cũng là tánh chánh chăng?

Đáp: Câu hỏi này nên đặt thuận nơi phần sau: Nghĩa là các tánh chánh đều là bình đẳng, nhưng có sự bình đẳng ấy không phải là tánh chánh, Thể của bình đẳng ấy tức là pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Vì sao pháp thế đệ nhất là bình đẳng, không phải là tánh chánh?

Đáp: Từ vô thỉ đến nay, tâm tâm sở pháp do các phiền não hành ác, kiến chấp điên đảo đã gây não loạn, nên trở thành không chánh trực, nhưng pháp thế đệ nhất thì xua tan mọi thứ kiến chấp, phiền não đó, khiến tâm tâm sở chuyển biến trở nên chánh trực, nên gọi là bình đẳng. Tuy nhiên, vì pháp này là hữu lậu, có tùy miên, nên không gọi là tánh chánh.

Lại nữa, Đức Phật và chủng tánh Độc giác, Thanh văn đều đồng nơi phần vị này, an trụ nơi phẩm thượng thượng, nên gọi là bình đẳng. Ngoài ra như trước đã nói.

Lại nữa, vì hiện hành đồng đều, nên gọi là bình đẳng. Nghĩa là các hành ở nơi phần vị này đều hiện hành trong cùng một sát-na.

Lại nữa, pháp thế đệ nhất ở nơi phần vị giữa, như treo sợi dây cân, nên gọi là bình đẳng. Như cân vật xứng hợp nơi khoảng giữa sợi dây treo, nếu nhẹ, nặng, có chênh lệch thì mức thấp và ngang không đều nhau. Pháp thế đệ nhất cũng lại như vậy, ở ngay trung gian của Thánh giả và phàm phu, nếu khổ pháp trí nhẫn đã sinh thì trụ nghiêng về phẩm Thánh giả, nếu nhẫn tăng thượng chính thức bị diệt thì trụ nghiêng về phẩm phàm phu. Do vậy chỉ có pháp thế đệ nhất ấy là phần vị bình đẳng.

Hỏi: Bấy giờ, pháp thế đệ nhất cũng thuộc về phần vị phàm phu, vì sao gọi là trụ nơi phần vị bình đẳng?

Đáp: Vào khi đó, tuy đang ở phần vị phàm phu, nhưng vì đã từ bỏ nẻo phàm phu để mong cầu quả vị Thánh, nên gọi là bình đẳng. Ngoài ra thì không như thế.

Lại nữa, pháp thế đệ nhất và khổ pháp trí nhẫn có bốn sự việc đồng đều, nên gọi là bình đẳng.

1. Địa đồng: Nghĩa là nương vào địa này để sinh khởi khổ pháp trí nhẫn, tức dựa nơi pháp thế đệ nhất của địa ấy.

2. Căn đồng: Nghĩa là nếu khổ pháp trí nhẫn tương ưng với căn này thì pháp thế đệ nhất tương ưng cũng như vậy.

3. Hành tướng đồng: Nghĩa là nếu hành tướng này là khổ pháp trí nhẫn thì hành tướng ấy cũng là pháp thế đệ nhất.

4. Đối tượng duyên đồng: Nghĩa là nếu duyên nơi cảnh này khởi khổ pháp trí nhẫn thì cũng tức duyên nơi cảnh này khởi pháp thế đệ nhất.

Tôn giả Thế Hữu nói: Có tụng gọi là nhập chánh tánh ly sinh: Nghĩa là các Thánh đạo vĩnh viễn diệt trừ mọi thứ điên đảo, nên gọi là tánh chánh, vì lìa hẳn nẻo sinh nên lại gọi là ly sinh. Nghĩa là từ vô thỉ đến nay, hai phần phiền não do kiến, tu đoạn trừ lần lượt hòa hợp làm mọi việc ác, vì tánh cứng, bướng nên gọi là sinh. Kiến đạo khởi hiện rồi đoạn trừ một phần việc ác đó khiến chúng lần lượt vĩnh viễn trái lìa không hòa hợp được. Pháp thế đệ nhất làm đẳng vô gián duyên cho một phần này nên gọi là nhập. Có tụng gọi là nhập tánh chánh quyết định: Nghĩa là ở phần vị kiến đạo, vô lậu nối tiếp nhau, tất nhiên không còn ngăn cách nào, nên gọi là quyết định, phần vị sau thì không như vậy. Ngoài ra như trước đã nói.

***

* Pháp thế đệ nhất nên nói là pháp thuộc cõi dục chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Tuy đã nói nhân duyên đặt tên Luận, nhưng chưa phân biệt rõ là thuộc về cõi nào, nên nay nhằm phân biệt. Ví như người nói về chiến thắng đã nói nguyên nhân của chiến thắng, nhưng chưa nhận biết kẻ chiến thắng đó ở ấp, nước nào? Đây cũng như thế, nên tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, nhằm ngăn chận lối chấp sai biệt của các Tông khác, như lối chấp của Đại Chúng Bộ, nói: Pháp thế đệ nhất thuộc chung nơi cõi dục, cõi sắc. Vì sao? Vì Bộ ấy cho: Nếu địa nào có các thế tục trí hiện quán biên thì địa đó tức có pháp thế đệ nhất.

Hoặc Độc Tử Bộ chấp: Pháp thế đệ nhất thuộc chung nơi hai cõi sắc, cõi vô sắc. Vì sao? Vì Bộ ấy cho: Nếu địa nào có các Thánh đạo thì địa ấy tức có pháp thế đệ nhất.

Hoặc Hóa Địa Bộ chấp: Pháp thế đệ nhất thuộc chung nơi ba cõi. Vì sao? Vì Bộ ấy cho: Nếu địa nào có tận trí đã tu tập căn thiện thì địa đó tức có pháp thế đệ nhất.

Hoặc Pháp Mật Bộ chấp: Pháp thế đệ nhất thuộc chung nơi ba cõi và không hệ thuộc. Vì sao? Vì Bộ đó cho: Pháp thế đệ nhất là như thế, đã gọi là thế tất thuộc chung về ba cõi. Vì gọi là đệ nhất, nên cũng không thuộc chung về cõi nào. Trong Bộ ấy còn có lối chấp khác: Pháp thế đệ nhất không phải là thuộc về ba cõi, cũng không phải không hệ thuộc. Vì sao? Vì Bộ ấy cho: Pháp thế đệ nhất là như thế, vì gọi là đệ nhất nên không phải là thuộc về ba cõi, vì gọi là thế nên cũng không phải là không hệ thuộc.

Vì nhằm ngăn chận những lối chấp dị biệt của các Tông khác như thế, cùng làm sáng tỏ Tông chỉ của mình, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất nên nói là thuộc cõi dục, thuộc cõi sắc hay thuộc cõi vô sắc?

Đáp: Nên nói thuộc cõi sắc. Đây tức chỉ rõ pháp thế đệ nhất chỉ thuộc về cõi sắc. Tuy có lời nói này, nhưng lại nên nói lý do.

Hỏi: Vì sao pháp này không nên nói là thuộc về cõi dục?

Đáp: Không phải do đạo của cõi dục có thể đoạn trừ cái, chế ngự triền, khiến cho triền nơi cõi dục không còn hiện hữu nữa, mà chính là do đạo của cõi sắc có thể đoạn trừ cái, chế ngự triền, khiến triền nơi cõi dục không còn hiện hữu nữa. Nếu do đạo của cõi dục có thể đoạn trừ cái, chế ngự triền, khiến triền nơi cõi dục không còn hiện hữu nữa, thì pháp thế đệ nhất như thế nên nói là thuộc về cõi dục. Nhưng vì không phải do đạo của cõi dục có thể đoạn trừ cái, chế ngự triền, khiến triền nơi cõi dục không còn hiện hữu nữa. Vì thế nên pháp thế đệ nhất không nên nói thuộc về cõi dục.

Trong đây, nói đoạn trừ và chế ngự không còn hiện hữu nữa: Là chỉ rõ nghĩa hoàn toàn đoạn trừ chế ngự khiến không hiện khởi nữa. Do đạo của cõi dục không thể hoàn toàn đoạn trừ cái, chế ngự triền, khiến triền nơi cõi dục không còn hiện hữu nữa, vì vậy không có Thế đệ nhất. Vì cõi sắc thì không như vậy, nên có pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Tại sao cõi dục không có đạo có thể hoàn toàn đoạn trừ, chế ngự, không cho các triền hiện khởi, cõi sắc lại có?

Đáp: Vì cõi dục không phải là địa định, không phải là địa tu, không phải là địa lìa nhiễm, do vậy không có đạo có thể hoàn toàn đoạn trừ, chế ngự, không cho các triền hiện khởi. Còn cõi sắc là địa định, là địa tu, là địa lìa nhiễm, nên có đạo này.

Lại nữa, vì cõi dục căn bất thiện mạnh, căn thiện yếu, nên không có đạo này. Cõi sắc căn thiện mạnh, không có căn bất thiện, nên có đạo ấy.

Lại nữa, cõi dục nhân bất thiện thì hơn, vì được nuôi lớn, còn nhân thiện thì không như thế. Cõi sắc, nhân của pháp thiện thì hơn, vì được nuôi lớn, không có nhân bất thiện.

Lại nữa, bất thiện của cõi dục như ông chủ có uy lực, còn pháp thiện như khách không có uy lực. Pháp thiện của cõi sắc như ông chủ có uy lực, không có pháp bất thiện.

Lại nữa, pháp bất thiện nơi cõi dục có thể đoạn dứt căn thiện, pháp thiện thì không như thế. Pháp thiện nơi cõi sắc đoạn trừ căn bất thiện, không có pháp bất thiện.

Lại nữa, oai nghi nơi cõi dục không rất mực kính trọng nhau như chồng vợ. Còn oai nghi nơi cõi sắc thì cùng kính trọng nhau rất mực như con với mẹ.

Lại nữa, oai nghi nơi cõi dục không có kiêng dè, ví như con vua và con trưởng giả cùng chung trong nhà tù. Oai nghi nơi cõi sắc có chỗ kiêng sợ, ví như con vua và con của kẻ làm ác cùng ở trong nhà tù.

Lại nữa, căn thiện của cõi dục cùng với Hoặc của cõi dục tất đồng một sự trói buộc nên không có sức để đoạn trừ. Như người bị trói buộc không thể tự mở trói, huống chi là có thể hại người khác. Đây cũng như thế. Căn thiện của cõi sắc cùng với Hoặc của cõi sắc có sự trói buộc không đồng, địa có khác biệt, dư khả năng đoạn trừ Hoặc ở cõi mình, huống hồ là không thể đoạn trừ Hoặc ở cõi dưới.

Lại nữa, căn thiện của cõi dục tất bị nhiễm vướng do ái của cõi dục, không thể xả bỏ vĩnh viễn, như với người bạn thân, dù yếu kém vẫn không lìa bỏ. Căn thiện của cõi sắc không bị ái của cõi sắc nhiễm vướng, địa có khác biệt, đối với ái của cõi mình hãy còn có thể dứt bỏ vĩnh viễn, đâu lại không thể đoạn trừ các ái của địa dưới.

Lại nữa, khi dùng đạo hữu lậu đoạn trừ phiền não, ưa thích tu ở địa mình, dốc đoạn trừ phiền não ở cõi dưới. Cõi dục không có cõi dưới để có thể dốc đoạn trừ nên không có đạo có thể hoàn toàn đoạn bỏ, chế ngự phiền não, không cho chúng khởi hiện nữa. Vì cõi sắc có cõi dưới để có thể dốc đoạn trừ phiền não nên có đạo có thể hoàn toàn đoạn bỏ, chế ngự không cho phát khởi.

Có Sư khác nói: Ở đây nói đoạn trừ chế ngự không khởi: Là chỉ rõ về nghĩa tạm thời đoạn trừ chế ngự không cho khởi, vì đạo của cõi dục hãy còn không có khả năng tạm thời đoạn trừ cái, chế ngự triền, khiến chúng không còn khởi hiện, huống chi là có thể đoạn trừ hoàn toàn, thế nên không có pháp thế đệ nhất. Cõi sắc thì không như vậy, nên đối với cái, triền kia có khi tạm thời đoạn trừ, chế ngự không khởi và hoàn toàn đoạn trừ, chế ngự khiến không còn khởi. Như thế, có từng phần, không từng phần, có ảnh, không ảnh, có tùy buộc, không có tùy buộc, chế ngự cành ngọn, nhổ hết gốc rễ, chế ngự cấu uế của triền, trừ bỏ tùy miên, nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Cõi dục có thể không có đạo để hoàn toàn đoạn trừ, chế ngự không cho khởi, há cũng không có đạo để tạm thời đoạn trừ, chế ngự không cho khởi chăng?

Đáp: Tuy có đạo này nhưng không thể tin. Vì sao? Vì không bền chắc, không an trụ lâu, không dồi dào, không phải tăng thượng, không cùng liên tục, không tùy chuyển lâu dài, tâm nơi đối tượng duyên vội lấy, vội bỏ, không có uy lực mạnh mẽ, hơn hẳn nhằm xua trừ các thứ phiền não, nên không thể nhập chánh tánh ly sinh. Như trên mặt nước ao có mảng bèo nổi lên, một con ểnh ương hay viên đá nhỏ ném vào thì mảng bèo kia tách ra nhưng rồi kết hợp lại. Như thế nơi cõi dục tuy có đạo tạm thời đoạn trừ cái v.v… nhưng không thể tin tưởng, nói rộng như trước.

Đối với cõi sắc không phải chỉ có đạo có thể hoàn toàn đoạn trừ, chế ngự khiến các thứ phiền não không hiện khởi mà cũng có đạo tạm thời đoạn trừ chế ngự không hiện khởi, rất sâu xa có thể bảo đảm tin tưởng được. Vì sao? Vì đạo kia vững chắc, an trụ lâu, dồi dào tăng thượng, cùng liên tục, tùy chuyển luôn, tâm đối với đối tượng duyên không vội lấy, vội bỏ. có uy lực thù thắng hàng phục các thứ phiền não, nên có thể hướng nhập chánh tánh ly sinh. Như trên mặt nước ao có mảng bèo nổi trôi v.v… voi lớn, hoặc tảng đá to ùa xuống khiến mảng bèo kia tan tác khó kết hợp lại. Như thế nơi cõi sắc tuy cũng có đạo tạm thời đoạn trừ cái v.v… lại có thể bảo đảm tin tưởng được, nói rộng như trước. Vì thế nên biết cõi dục không có đạo đoạn cái v.v…, cõi sắc thì không như thế.

Vì vậy nên nói pháp thế đệ nhất chỉ thuộc về cõi sắc, không thuộc về cõi dục.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất không thể đoạn trừ kiết, vì sao lại nói: Nếu do đạo cõi dục có thể đoạn cái, chế ngự triền, khiến triền nơi cõi dục không còn hiện hữu nữa. Như vậy pháp thế đệ nhất nên nói là pháp thuộc về cõi dục chăng?

Đáp: Tuy pháp thế đệ nhất không đoạn trừ kiết, nhưng trong căn thiện thù thắng vi diệu bậc nhất này, ở chốn sâu xa, cần phải cùng với đạo có thể đoạn trừ kiết kia đồng ở một địa, vì thế nên dùng đạo ấy để chứng đắc.

Lại nữa, pháp thế đệ nhất dẫn sinh kiến đạo, quyết định đồng ở một địa với kiến đạo. Vì kiến đạo đã có thể đoạn trừ các phiền não, nên đạo đoạn trừ kiết có thể do đấy mà chứng đắc.

Lại nữa, pháp thế đệ nhất đối với cõi dục đã sinh khởi sự chán nản tột bậc về những tai hại nên cùng với đạo có khả năng đối trị Hoặc của cõi dục đồng ở một địa, nên có thể dẫn sinh kiến đạo, chứng tỏ pháp ấy là có.

Hỏi: Nếu vậy pháp thế đệ nhất chỉ nên ở địa vị chí, vì chỉ ở địa vị chí mới có thể đoạn các phiền não của cõi dục, còn các địa trên thì không chăng?

Đáp: Pháp đối trị có hai thứ: 1. Đối trị bằng cách đoạn trừ. 2. Đối trị bằng cách trấn áp hủy hoại. Địa vị chí đối với cõi dục có đủ hai pháp đối trị, còn năm địa trên đối với cõi dục tuy không có đối trị bằng đoạn trừ, nhưng đã có đối trị bằng cách trấn áp hủy hoại, nên ở năm địa trên cũng có pháp thế đệ nhất.

Tôn giả Diệu Âm nói: Sáu địa của cõi sắc đối với các Hoặc của cõi dục đều có đủ hai thứ đối trị. Đạo của năm địa trên không phải là không thể đoạn, do địa vị chí trước đó đã đoạn, nên tuy có lực đoạn trừ nhưng không thể đoạn. Ví như có sáu người có chung một kẻ thù nên cùng họp nhau bàn bạc: Bất cứ ở đâu, hễ ai bắt được kẻ thù thì cứ hại ngay. Một người trong số ấy gặp được kẻ thù và trừ khử liền. Năm người còn lại tuy có sức giết hại nhưng không có ai để hại.

Lại như có sáu người, mỗi người đều bưng một cây đèn, theo thứ tự cùng bước vào một ngôi nhà tối. Lúc người bưng đèn thứ một vừa đi vào, bao nhiêu bóng tối đều tan biến. Năm người còn lại tuy đều có năng lực nhưng không còn có bóng tối nào để xua trừ.

Lại như ánh sáng của mặt trời soi chiếu cả ba phần đầu, giữa và sau, không phần nào là không cùng tương phản với bóng tối. Khi ánh sáng của mặt trời phần đầu vừa chiếu đến, đều phá tan hết mọi bóng tối, hai phần chiếu còn lại tuy có năng lực soi sáng nhưng không còn bóng tối nào để phá tan.

Như thế sáu địa đối với Hoặc của cõi dục tuy đều có thể đoạn trừ, nói rộng như trước.

Hỏi: Làm thế nào nhận biết được sáu địa nơi cõi sắc đối với Hoặc của cõi dục có đủ hai pháp đối trị?

Đáp: Thuyết kia nói thế này: Vì dựa vào năm địa trên để nhập kiến đạo: Nghĩa là đối với cõi dục phân biệt tác chứng đoạn trừ riêng khởi vô lậu, lìa bỏ sự trói buộc mà chứng đắc. Nếu năm địa trên đối với Hoặc của cõi dục không có đối trị bằng đoạn trừ thì sự việc này nên không có.

Lời bình: Không nên nói như vậy. Kiến đạo không thể đoạn trừ hoàn toàn phiền não nơi cõi dục. Ai nói địa kia có vô lậu chứng đắc ở cõi dục phân biệt tác chứng đoạn trừ mà lại dẫn trường hợp kia để chứng cho nghĩa này? Thế nên thuyết nêu trước là đúng lý.

Hỏi: Nhân luận sinh luận, vì sao pháp thế đệ nhất không thể đoạn trừ các phiền não?

Đáp: Vì vào lúc đó căn thiện của pháp thế đệ nhất hãy còn ít, yếu, pháp thân chưa trưởng thành và có uy lực. Do căn thiện còn ít, yếu, pháp thân chưa lớn, nên không thể đoạn trừ Hoặc, nhưng nhờ có uy thế nên không bị phiền não khuất phục. Như sư tử con, thân còn nhỏ mà có uy thế. Vì thân còn nhỏ chưa lớn nên không có khả năng hại các loài thú khác. Vì có uy thế nên không bị các thú khác xâm hại.

Hoặc có thuyết cho: Pháp thế đệ nhất chỉ có trong một sát-na nên không thể đoạn trừ Hoặc.

Hỏi: Khổ pháp trí nhẫn cũng trong một sát-na như vậy sao có thể đoạn trừ Hoặc?

Đáp: Khổ pháp trí nhẫn tuy cũng trong một sát-na như pháp kia, nhưng vì có sự nối tiếp nhau khởi hiện nên có thể đoạn trừ Hoặc, còn pháp thế đệ nhất không có sự việc như thế, nên không thể đoạn trừ.

Có Sư khác nói: Pháp thế đệ nhất thuộc về đạo gia hạnh nên không thể đoạn trừ Hoặc, do cần đến đạo vô gián mới có thể đoạn trừ. Ở trong nghĩa này lại có phân biệt.

Hỏi: Do đâu pháp thế đệ nhất chỉ hệ thuộc cõi sắc?

Đáp: Do cõi sắc kia có thể làm đẳng vô gián duyên cho ba đạo, ba địa, ba căn v.v… lại có thể dẫn phát phẩm pháp trí thứ nhất, kế đến là phẩm loại trí, cõi khác thì không như vậy, nên pháp thế đệ nhất chỉ thuộc về cõi sắc.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất do đâu nên nhất định không phải thuộc nơi cõi dục?

Đáp: Cõi dục không phải là cõi định, không phải là cõi tu, không phải là cõi lìa nhiễm. Cốt yếu phải là cõi định, cõi tu, cõi lìa nhiễm mới có pháp thế đệ nhất.

Lại nữa, cõi dục là cõi bất tịnh, là cõi thô nặng, là cõi thấp kém. Cần phải là cõi thù thắng, cõi tôn quý, cõi vi tế, cõi vi diệu hơn hết mới có pháp thế đệ nhất.

Lại nữa, nếu pháp thế đệ nhất thuộc về cõi dục, tức có lỗi vì có thể duyên nơi tự tánh. Nghĩa là pháp thế đệ nhất nếu thuộc cõi dục là duyên nơi tự tánh của mình hay là không thể duyên hợp? Nếu duyên nơi tự tánh thì có sai lầm là trái với lý, vì tự tánh không thể nhận lấy tự tánh. Nếu không thể duyên hợp tức là mâu thuẫn với bản luận, như sẽ nói ở đoạn văn sau. Nếu duyên nơi pháp này khởi khổ pháp trí nhẫn, tức là duyên nơi pháp này khởi pháp thế đệ nhất. Vì khổ pháp trí nhẫn duyên khắp năm uẩn nơi cõi dục làm cảnh, thì đây cũng như thế. Vì vậy, pháp thế đệ nhất quyết định không phải thuộc về cõi dục.

HẾT – QUYỂN 3