LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 5

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 1: PHÁP THẾ ĐỆ NHẤT, phần 4

* Pháp thế đệ nhất nên nói là một tâm hay là nhiều tâm? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Tuy đã nói về chỗ sai biệt nơi sự tương ưng kia, nhưng chưa chỉ rõ về sự hiện tiền nhiều hay ít. Nay nhằm hiển bày, dù chỉ trong một sát-na, nên tạo ra phần Luận này. Lại nữa, vì muốn ngăn chận, trừ bỏ nghĩa của Tông khác. Như Luận giả Phân Biệt cho là pháp thế đệ nhất nối tiếp nhau hiện tiền.

Thuyết kia nói cùng nối tiếp gồm có ba thứ: 1. Thời gian nối tiếp. 2. Sinh nối tiếp. 3. Tương tợ nối tiếp.

Pháp thế đệ nhất tuy không có hai thứ trước, nhưng có một thứ sau. Nay muốn ngăn chận loại trừ về nghĩa mà Luận Phân Biệt đã cố giữ, nhằm làm rõ pháp thế đệ nhất chỉ có một niệm hiện tiền. Lại nữa, để khiến cho kẻ nghi có được sự quyết định. Nghĩa là trước đây đã nói: Nếu tâm tâm sở pháp là đẳng vô gián nhập chánh tánh ly sinh, thì đấy gọi là pháp thế đệ nhất. Chớ có sinh ngờ vực: Như tâm sở pháp đã có nhiều thứ thì tâm cũng nên như vậy.

Vì khiến cho nghi kia được quyết định và cũng nhằm làm sáng tỏ tâm sở pháp tuy có nhiều thứ, nhưng tâm chỉ có một. Do đó nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất nên nói là một tâm hay nhiều tâm?

Đáp: Nên nói là một tâm.

Hỏi: Như trước đã nói: Người tu vị lai cũng được gọi là pháp thế đệ nhất. Vậy pháp này nên có nhiều tâm, nay lại nói chỉ có một tâm, là có ý gì?

Đáp: Ở đây chỉ nói về hiện tiền, nên nói là một tâm.

Hỏi: Nay ở đây vì sao không nói người tu vị lai?

Đáp: Nên nói nhưng không nói, phải biết là nghĩa này chưa nêu bày trọn vẹn. Trong đây còn có nhiều lớp giải thích. “Lại nữa”, vì trước đã nói nên nay không nói nữa.

Hỏi: Tuy nói là một tâm nhưng chưa giải thích nghĩa: Vì sao pháp này không phải là nhiều tâm? Không phải chỉ có nói nghĩa là có thể hiểu rõ được?

Đáp: Từ tâm tâm sở pháp này vô gián không khởi tâm thế gian khác, chỉ khởi tâm xuất thế.

Tâm thế gian: Nghĩa là tâm hữu lậu, rơi vào Hữu, tức là đã ngăn chận pháp thế đệ nhất như niệm thứ hai v.v…

Tâm xuất thế: Nghĩa là tâm vô lậu, đoạn dứt Hữu, tức là đã dẫn khởi tâm tương ưng với khổ pháp trí nhẫn. Nếu phải khởi tâm thế gian khác, là yếu kém, là ngang bằng, là hơn hẳn, thì không có chuyện đó.

Vì phân biệt nên giả nêu câu hỏi ấy. Là yếu kém, là ngang bằng, là hơn hẳn: Tức đối với sát-na trước, chỉ có ba.

Nếu tức yếu kém nên không thể nhập chánh tánh ly sinh. Vì sao? Vì không phải do đạo thoái chuyển mà có thể nhập chánh tánh ly sinh. Tức không phải là đạo suy kém, thoái chuyển, tiều tụy, rơi rụng, hủy hoại mà có thể nhập chánh tánh ly sinh. Chủ yếu phải do đạo thắng tấn, hưng thịnh, dũng mãnh, kiên cố, mới có thể nhập chánh tánh ly sinh.

Nếu tức ngang bằng cũng không thể nhập chánh tánh ly sinh. Vì sao? Vì trước do đạo loại này đã không thể nhập chánh tánh ly sinh. Nghĩa là vì phẩm loại đầu, sau, tương tợ như sát-na ban đầu có chướng ngại, có trở lực, vì không có uy thế nên không thể nhập chánh tánh ly sinh. Các sát-na sau cũng nên như vậy. Như sát-na đầu không thể có vô gián dẫn khởi Thánh đạo, các sát-na sau cũng nên như thế, vì đồng phẩm loại, tức hoàn toàn không thể chứng nhập chánh tánh ly sinh. Như thế thì không có giải thoát xuất ly.

Nếu tức hơn hẳn: Tức trước nên không phải là pháp thế đệ nhất, sau mới là pháp thế đệ nhất, do tiếng của pháp thế đệ nhất đã hiển bày các nghĩa như tối thắng v.v…

Hỏi: Nếu trước đã không phải pháp thế đệ nhất thì là pháp gì?

Đáp: Là nhẫn tăng thượng.

Hỏi: Vì sao kiến đạo chỉ nơi gia hạnh thù thắng, vô gián mới dẫn sinh. Còn trong tu đạo dẫn sinh Thánh đạo, thì chung cả yếu kém, ngang bằng và hơn hẳn?

Đáp: Vì kiến đạo là đạo chưa từng đắc, cần nhiều công dụng, gia hạnh, tác ý mới có thể hiện tiền. Thế nên chỉ nơi gia hạnh thù thắng mới dẫn khởi. Tu đạo là đạo vốn đã từng đắc, không nhiều công dụng, gia hạnh, tác ý mà vẫn hiện tiền, nên yếu kém, ngang bằng và hơn đều có thể dẫn khởi. Tuy nhiên, pháp thế đệ nhất là nhân duyên và tăng thượng duyên cho pháp thứ nhất.

Nhân duyên: Nghĩa là có ba nhân: Đó là nhân tương ưng, nhân câu hữu và nhân đồng loại. Đây là nói chung. Nếu nói riêng thì quá khứ cùng với quá khứ làm hai nhân là nhân tương ưng, nhân câu hữu, cùng với vị lại làm một nhân là nhân đồng loại. Vị lai cùng với vị lai làm hai nhân là nhân tương ưng, nhân câu hữu. Hiện tại cùng với hiện tại làm hai nhân là nhân tương ưng, nhân câu hữu, cùng với vị lai làm một nhân là nhân đồng loại.

Tăng thượng duyên: Nghĩa là không ngăn trở sự sinh khởi và chỉ là không chướng ngại.

***

* Pháp thế đệ nhất nên nói là thoái chuyển hay không thoái chuyển? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Tuy đã nói pháp thế đệ nhất kia chỉ có một tâm, không phải là nhiều tâm, nhưng chưa phân biệt là thoái chuyển hay không thoái chuyển. Nay vì nhằm phân biệt nên tạo ra phần Luận này. Lại nữa, vì muốn ngăn chận Tông khác, làm sáng tỏ nghĩa chánh. Đó là hoặc có lối chấp cho pháp thế đệ nhất cũng có thoái chuyển. Để ngăn dứt ý tưởng ấy, chỉ rõ pháp này quyết định là không thoái chuyển, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất nên nói là thoái chuyển hay không thoái chuyển?

Đáp: Nên nói là không thoái chuyển. Tuy đã nói không thoái chuyển, nhưng cũng cần làm rõ nhân duyên không thoái chuyển, vì không phải chỉ nói nghĩa là hiển bày được.

Hỏi: Vì sao pháp này quyết định không thoái chuyển?

Đáp: Vì pháp thế đệ nhất tùy thuận đế, hướng tới đế, sắp hội nhập đế, trung gian đây kia đều không chấp nhận để khởi tâm không tương tợ, khiến không được nhập hiện quán Thánh đế.

Hỏi: Thế nào gọi là tùy thuận đế, hướng tới đế, sắp hội nhập đế?

Đáp: Có thuyết nói: Trong đây hiện quán gọi là đế. Nghĩa là pháp thế đệ nhất tùy thuận hiện quán, hướng tới hiện quán, sắp hội nhập hiện quán.

Có thuyết cho: Ở đây đạo đế gọi là đế. Nghĩa là pháp thế đệ nhất tùy thuận Đạo đế, hướng tới đạo đế, sắp hội nhập đạo đế.

Có thuyết nêu: Trong đây kiến đạo gọi là đế. Nghĩa là pháp thế đệ nhất tùy thuận kiến đạo, hướng tới kiến đạo, sắp hội nhập kiến đạo.

Có thuyết biện: Trong đây khổ đế gọi là đế. Nghĩa là pháp thế đệ nhất tùy thuận khổ đế, hướng tới khổ đế, sắp hội nhập khổ đế.

Có thuyết cho: Ở đây khổ pháp trí nhẫn gọi là đế. Nghĩa là pháp thế đệ nhất tùy thuận khổ pháp trí nhẫn, hướng tới khổ pháp trí nhẫn, sắp hội nhập khổ pháp trí nhẫn. Nhưng ở trong đây tùy thuận có hai: 1. Tùy thuận hướng tới. 2. Tùy thuận sắp nhập.

Pháp thế đệ nhất đối với khổ pháp trí nhẫn có đủ hai sự tùy thuận, làm đẳng vô gián duyên phát sinh pháp kia.

Trung gian đây kia đều không chấp nhận để khởi tâm không tương tợ: Nghĩa là pháp thế đệ nhất đây với khổ pháp trí nhẫn kia là trung gian, không chấp nhận để khởi tâm hữu lậu, rơi vào Hữu, không tương tợ.

Khiến không được nhập hiện quán Thánh đế: Nghĩa là khiến khổ pháp trí nhẫn không được hiện tiền.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất đã là hữu lậu nên cùng với tâm vô lậu đúng là không tương tợ. Tại sao vừa nói là tâm hữu lậu rơi vào hữu, gọi là không tương tợ, còn tâm vô lậu đoạn hữu gọi là tương tợ?

Đáp: Pháp thế đệ nhất chán ghét hữu lậu, hướng tới vô lậu, nên nói hữu lậu gọi là không tương tợ, còn vô lậu gọi là tương tợ, tức là dứt bỏ hữu lậu này, hướng về vô lậu kia. Cũng như có người vì bị những kẻ bà con thân thích của mình làm cho khổ não, nên nương dựa vào người khác để mong được cứu giúp, vì vậy đối với bà con thân thuộc của mình lại khởi tưởng là người khác, còn đối với người khác lại khởi tưởng là bà con mình. Ở đây cũng như thế.

Lại có người nói: Pháp thế đệ nhất do cùng làm một công việc với khổ pháp trí nhẫn, đó là dứt bỏ tánh phàm phu v.v… nên nói hữu lậu gọi là không tương tợ, còn vô lậu gọi là tương tợ. Do cùng làm một công việc là đối với nghĩa trước, cho đến kẻ ngu cũng có thể hiểu rõ, nên nói thí dụ trong hiện tại: Ví như tráng sĩ có thể lội qua sông, đi vào hang động, trèo lên núi cao, hay xuống vực sâu, không gì có thể làm cho ông ta giữa chừng xoay chuyển, thân ông ấy hoặc quay trở về bản xứ, hoặc đi đến nơi khác. Vì trước khi đi, tráng sĩ đã phát khởi thân tăng thượng: Nếu đi chưa đến chốn, tất không dừng nghỉ. Pháp thế đệ nhất cũng lại như thế. Tùy thuận đế, hướng tới đế, sắp hội nhập đế, trung gian đây, kia đều không chấp nhận để khởi tâm không tương tợ, khiến không được nhập hiện quán Thánh đế.

Ở đây qua sông: Nghĩa là từ bờ bên này đi đến bờ bên kia.

Đi vào hang động: Nghĩa là từ biên vực bên này đến biên vực bên kia.

Trèo lên núi cao: Nghĩa là leo từ đỉnh cao này đến đỉnh cao kia.

Hay xuống vực sâu: Nghĩa là từ trên cao đi xuống chỗ thấp.

Hoặc như có người từ trên nóc nhà cao rơi xuống, trong khoảng chưa đến mặt đất liền khởi tâm niệm này: Ta sẽ bay vọt lên, trở về chỗ cũ. Nếu theo như ý muốn của người kia thì không bao giờ có sự việc như thế. Giả sử người kia hoặc do thần lực, hoặc nhờ chú thuật, hoặc dùng vật thuốc nên được trở về chốn cũ, thì có thể có sự việc này. Tuy nhiên, từ pháp thế đệ nhất chưa đến khổ pháp trí nhẫn, trong khoảng trung gian có thể khởi tâm không tương tợ, khiến không được nhập hiện quán Thánh đế, thì không có việc ấy.

Vì khiến cho nghĩa này được sáng tỏ hơn, nên nay lại đưa ra thí dụ hiện tại thứ hai: Ví như châu Thiệm Bộ có năm con sông lớn là: 1. Sông Căng Già (Hằng Hà). 2. Diêm Mẫu Na. 3. Tát Lạc Du. 4. A Thị La Phiệt Để. 5. Mạc Hê. Năm con sông như thế tùy thuận nơi biển cả, hướng tới biển cả, sắp đổ vào biển cả, khoảng giữa không thể chuyển ngược trở về, dòng chảy đó không thể trở về chốn cũ, hoặc chảy đến nơi khác, mà quyết định có thể chảy vào biển cả. Pháp thế đệ nhất cũng lại như thế. Tùy thuận đế, hướng tới đế, sắp hội nhập đế, trung gian kia, đây đều không chấp nhận để khởi tâm không tương tợ, khiến không được nhập hiện quán Thánh đế.

Hỏi: Dụ trước và dụ vừa rồi có gì sai biệt? Lại, về nghĩa của dụ trước có gì không tường tận mà phải nói thêm dụ thứ hai?

Đáp: Có thuyết nói: Về nghĩa của hai dụ không có gì khác, vì muốn khiến cho nghĩa lý trong dụ trước đã nêu càng trở nên sáng tỏ, nên mới nói dụ thứ hai.

Có thuyết cho: Hai dụ cũng có sai biệt. Dụ trước là ngăn chận sự việc không như lý. Dụ sau là nhằm làm rõ sự việc như lý.

Lại nữa, dụ trước là lấy phần bên trong đầy đủ làm dụ. Dụ sau là dùng phần bên ngoài đầy đủ làm dụ.

Lại nữa, dụ trước là ngăn dứt trở ngại của phần bên trong, dụ sau là chấm dứt trở ngại của phần bên ngoài.

Như năm con sông lớn chảy vào biển cả, không thể chảy ngược lại, chảy về chốn cũ: Nghĩa là khiến chảy trở lại vào ao Vô nhiệt não.

Không thể thay đổi, làm dòng chảy kia chảy đến nơi khác: Nghĩa là khiến chảy một bên hoặc trái hay phải. Về sự xoay chuyển trong dụ trước, căn cứ theo đây nên biết.

Trong khoảng thời gian năm dòng sông lớn kia chưa chảy đến biển, từng có khả năng nào khiến chúng không đổ vào biển chăng?

Không có sự việc như thế.

Giả sử có người, hoặc do thần lực, hoặc do chú thuật, hay do vật thuốc, có thể khiến các dòng chảy trở về chốn cũ, thì có thể có sự việc ấy. Nhưng pháp thế đệ nhất, trong khoảng trung gian, khi chưa đến khổ pháp trí nhẫn, mà có thể khởi tâm không tương tợ, khiến không được nhập hiện quán Thánh đế, thì không có việc ấy.

Lúc Tôn giả tạo ra Luận Phát Trí này, an trụ ở phương Đông, nên dẫn phương Đông, để mọi người cùng hiện thấy. Lấy năm con sông làm dụ, nhưng thật sự trong châu Thiệm Bộ này chỉ có bốn sông lớn, quyến thuộc tức chi nhánh đều có bốn, tùy theo phương diện, các dòng sông đó đều chảy ra biển cả. Tức trong châu Thiệm Bộ này có một ao lớn, tên là ao Vô nhiệt não. Ban đầu, xuất phát từ ao này chảy ra bốn con sông lớn, mang tên là Căng Già, Tín Độ, Phược Sô và Tư Đa.

Thứ nhất là sông Căng Già, từ mặt Đông ao, chảy ra từ miệng Voi vàng, quanh bên phải ao một vòng, rồi chảy vào biển phía Đông.

Thứ đến là sông Tín Độ, từ mặt Nam ao, chảy ra từ miệng Bò bạc, quanh bên phải ao một vòng, rồi chảy vào biển phía Nam.

Tiếp theo là sông Phược Sô, từ mặt Tây ao, chảy ra từ miệng Ngựa Phệ-lưu-ly, quanh bên phải ao một vòng, rồi chảy vào biển phía Tây.

Sau cùng là sông Tư Đa, từ mặt Bắc ao, chảy ra từ miệng Sư tử Phả-chi-ca, quanh bên phải ao một vòng, rồi chảy vào biển phía Bắc.

Sông lớn Căng Già (Sông Hằng) có bốn sông nhánh mang tên: 1. Diêm Mẫu Na. 2. Tát Lạc Du. 3. A Thị La Phiệt Để. 4. Mạc Hê.

Sông lớn Tín Độ có bốn sông nhánh mang tên: 1. Tỳ Phát Xa. 2. Ái La Phiệt Để. 3. Thiết Đát Đồ Lô. 4. Tỳ Đát Bà Đa.

Sông lớn Phược Sô có bốn con sông nhánh mang tên: 1. Phiệt Thích Noa. 2. Phệ Đát Thích Ni. 3. Phòng Xa. 4. Quật Xuẩn Bà.

Sông lớn Tư Đa có bốn sông nhánh mang tên: 1. Tát Lê. 2. Tị Ma. 3. Nại Địa. 4. Điện Quang.

Như vậy lại nói có tên gọi lớn: Tức bốn con sông lớn, mỗi mỗi sông đều có năm trăm sông quyến thuộc và hợp cả sông gốc có đến hai ngàn lẻ bốn con sông, tùy thuộc vào dòng chảy của mỗi mỗi sông, nhưng đều cùng tuôn ra biển cả.

Như thế chỗ nói về hai ngàn lẻ bốn con sông, nếu trong khoảng thời gian chưa đổ ra biển, từng có khả năng nào khiến chúng không chảy vào biển chăng? Không có sự việc như vậy. Giả sử có người, hoặc do sức thần thông, hoặc do chú thuật, nói rộng cho đến khiến không được nhập hiện quán Thánh đế, thì không có việc ấy.

Lại nữa, pháp thế đệ nhất làm đẳng vô gián duyên cho khổ pháp trí nhẫn, không một pháp nào có thể xoay chuyển quay trở về nhanh chóng hơn tâm, nghĩa là ngay từ bấy giờ có thể làm chướng ngại, khiến không được nhập hiện quán Thánh đế. Do vậy, pháp thế đệ nhất này quyết định không thoái chuyển.

Trong đây vấn nạn về Lại nữa được giải thích như trước. Nghĩa là đoạn văn trước chỉ là phương tiện, khai triển giả sử để luận đạo. Nay những gì đã nói, chính là chỗ căn bản nơi sự ngăn chận, quyết định để luận đạo, nên nói là Lại nữa và như bản văn đã nêu. Ý ở đây nói: Pháp thế đệ nhất làm đẳng vô gián duyên cho khổ pháp trí nhẫn, đấy mới chính là ở phần vị diệt tức nhận quả, cho quả và khổ pháp trí nhẫn kia kế tiếp tất hiện tiền. Nếu pháp này làm đẳng vô gián duyên cho pháp kia, trong phần vị đang diệt, thì nhận quả, cho quả. Hoặc pháp, hoặc hữu tình, hoặc chú thuật, hoặc vật thuốc, hoặc Phật, hoặc Độc giác, hoặc các Thanh văn đã đến bờ kia v.v… có thể gây chướng ngại, khiến niệm thứ hai không hiện tiền, thì không có việc ấy. Vì trong đây đã nói: Không một pháp nào có thể chuyển biến, quay trở về nhanh chóng hơn tâm: Nghĩa là nên biết tức là tâm đã tương ưng với khổ pháp trí nhẫn, tâm này tất định nhanh chóng hiện tiền, vì không có pháp nào khác nhanh chóng chuyển biến xoay về hơn nó. Như Đức Thế Tôn nói: “Này các Bí-sô! Nên biết Ta không thấy một pháp nào nhanh chóng xoay chuyển, quay về như tâm”, cho đến nói rộng.

Đoạn văn của kinh kia sẽ được phân biệt rộng trong phần Định Uẩn ở sau.

Do Đức Phật nói tâm xoay chuyển quay trở về nhanh chóng hơn pháp khác, nên pháp thế đệ nhất trong từng sát-na không gián đoạn cùng với khổ pháp trí nhẫn tất hiện tiền, do đấy pháp ấy quyết định không thoái chuyển.

Ở trong nghĩa này lại có phân biệt.

Hỏi: Do đâu pháp thế đệ nhất quyết định không thoái chuyển?

Đáp: Do gia hạnh rộng lớn và an toàn, bền chắc.

Gia hạnh rộng lớn: Nghĩa là pháp kia đã học thí, giới, văn, tư, tu tạo thành thiện và đều đem hồi hướng nơi giải thoát, Niết-bàn, tâm không vướng mắc.

Thí: Là tâm trang nghiêm bố thí.

Giới: Là giới biệt giải thoát.

Văn tạo thành: Là đối với Thánh giáo quyết lựa chọn về nghĩa văn.

Tư tạo thành: Là quán bất tịnh, quán sổ tức, quán nghĩa của ba niệm trụ, bảy xứ thiện.

Tu tạo thành: Là noãn, đảnh, nhẫn bậc hạ, trung.

An toàn, bền chắc: Nghĩa là nhẫn tăng thượng. Do pháp thế đệ nhất gia hạnh rộng lớn, an toàn, bền chắc, nên nhất định không thoái chuyển. Lại nữa, vì pháp này về sau chứng đắc chung, đoạn trừ các Hoặc của ba cõi do kiến đạo đoạn, không có sự thoái chuyển trở lại đối với các Hoặc nơi ba cõi do kiến đạo đoạn trừ, thế nên không thoái chuyển.

Lại nữa, do pháp này về sau chứng đắc chung, đoạn trừ các Hoặc do kiến đạo đoạn trừ của địa Phi tưởng phi phi tưởng, không có sự thoái chuyển trở lại đối với các Hoặc do kiến đạo đoạn trừ nơi địa Phi tưởng phi phi tưởng, thế nên không thoái chuyển.

Lại nữa, do pháp này về sau tất khởi nhẫn trí, không phải ở nơi nhẫn trí có thể thoái chuyển, thế nên không thoái chuyển.

Lại nữa, do pháp này về sau tất khởi kiến đạo, dùng làm sự trấn giữ quan trọng tức kiến đạo quyết định không thoái chuyển, vì vậy pháp kia không thoái chuyển.

Hỏi: Nhân luận sinh luận, do duyên gì kiến đạo nhất định không thoái chuyển?

Đáp: Do kiến đạo ấy là đạo nhanh chóng, đạo không bị trở ngại, đạo không phải trung khởi, vì thế không thoái chuyển.

Lại nữa, do Hành giả kia gắn liền với kiến đạo, với dòng chảy của pháp lớn là dòng chảy mạnh mẽ, thúc đẩy, không dung nạp sự thoái chuyển, chỉ vì tâm Hành giả chậm chạp trì trệ mới có thể thoái lui. Như người rơi xuống dòng thác chảy xiết nơi hang núi, sẽ bị dòng chảy cuốn trôi theo, không hề dừng lại được. Hành giả cũng như thế, do vậy nên không thoái chuyển.

Lại nữa, kẻ thoái chuyển phần nhiều khởi phiền não hiện tiền, lúc an trụ nơi kiến đạo, tâm thiện hữu lậu vô phú vô ký hãy còn không được khởi hiện, huống chi là có thể sinh tâm phiền não, thế nên không thoái chuyển.

Lại nữa, do an trụ nơi kiến đạo chứng đắc chung, diệt trừ Hoặc nơi ba cõi do kiến đạo đoạn trừ, không có sự thoái chuyển đối với các Hoặc nơi ba cõi do kiến đạo đoạn trừ, thế nên không thoái chuyển.

Lại nữa, vì an trụ nơi kiến đạo, chứng đắc chung đoạn trừ các Hoặc do kiến đạo đoạn trừ nơi địa Phi tưởng phi phi tưởng, không có sự thoái chuyển đối với các Hoặc do kiến đạo đoạn trừ nơi địa Phi tưởng phi phi tưởng, vì vậy không thoái chuyển.

Lại nữa, nếu người từ kiến đạo có sự thoái lui thì do kiến đế rồi thoái lui hay không do kiến đế rồi thoái lui? Nên đắc quả rồi thoái lui hay không đắc quả rồi thoái lui? Nên hiện quán rồi thoái lui hay không hiện quán rồi thoái lui? Nên nhập chánh tánh ly sinh rồi thoái lui hay không nhập chánh tánh ly sinh rồi thoái lui? Nên trở thành Thánh giả rồi thoái lui trở lại làm phàm phu? Nên an trụ nơi tụ định rồi trở lại trụ nơi tụ bất định? Đừng có khởi quá nhiều lỗi lầm như thế, do đó kiến đạo quyết định không thoái chuyển.

Có thuyết nói: Do căn thiện này tuy chỉ một sát-na, nhưng không gì có thể làm thoái chuyển phân nửa sát na, thế nên không thoái lui.

Hoặc có thuyết cho: Vì căn thiện này giống đạo vô gián, không phải an trụ nơi đạo vô gián mà có thể có sự thoái chuyển, cho nên không thoái chuyển.

Lại có thuyết nêu: Vì căn thiện này là thuận phần thù thắng, không phải trụ nơi thuận phần thù thắng mà có thể có sự thoái chuyển, do vậy không thoái chuyển. Tuy nhiên, có ba thứ thuận phần quyết định lựa chọn: 1. Thuận phần thoái chuyển. 2. Thuận phần an trụ. 3. Thuận phần thù thắng. Nghĩa là thuận theo sự thoái chuyển, gọi là thuận phần thoái chuyển. Nếu thuận theo an trụ gọi là thuận phần an trụ. Thuận theo sự thắng tấn gọi là thuận phần thù thắng. Noãn đủ ba thứ. Đảnh cũng đủ ba thứ.

Có thuyết biện: Chỉ có hai thứ, trừ thuận phần an trụ, do vị đảnh là ranh giới giữa tiến, thoái. Nhẫn cũng có hai, trừ thuận phần thoái chuyển. Pháp thế đệ nhất chỉ thuận phần thù thắng. Thế nên phần vị này nhất định không có lý thoái chuyển.

Hỏi: Ba phần ở đây tất cả đều thuộc về căn thiện của thuận phần quyết định lựa chọn, so với bốn phần nơi chương Định Uẩn ở sau nói có gì sai biệt?

Đáp: Chỗ nương dựa đều sai biệt. Nghĩa là phần này chỉ dựa vào sự tùy thuận kiến đạo, lập chung một thứ thuận phần quyết định lựa chọn. Ở đây nghĩa dị biệt lại chia làm ba thứ, còn trong chương Định Uẩn ở sau đều dựa tổng quát vào thiện hữu lậu do tu tạo thành để kiến lập bốn phần: Nếu thuận theo sự thoái chuyển, gọi là thuận phần thoái chuyển. Nếu thuận theo sự an trụ, gọi là thuận phần an trụ. Nếu thuận theo sự thắng tấn, gọi là thuận phần thù thắng. Nếu thuận theo Thánh đạo, gọi là thuận phần quyết định lựa chọn. Vì thế chỗ nương dựa kia, đây đều sai biệt.

Hỏi: Từng có pháp thế đệ nhất duyên với pháp có đối tượng duyên? Duyên với pháp không có đối tượng duyên? Duyên với pháp có đối tượng duyên cũng duyên với pháp không có đối tượng duyên? Không duyên với pháp có đối tượng duyên cũng không duyên với pháp không có đối tượng duyên?

Đáp: Có. Duyên với pháp có đối tượng duyên: Nghĩa là nếu pháp thế đệ nhất duyên với tâm tâm sở pháp.

Duyên với pháp không có đối tượng duyên: Nghĩa là nếu pháp thế đệ nhất duyên với sắc, tâm bất tương ưng hành.

Duyên với pháp có đối tượng duyên cũng duyên với pháp không có đối tượng duyên: Nghĩa là nếu pháp thế đệ nhất duyên với tâm tâm sở pháp cùng duyên với sắc, tâm bất tương ưng hành.

Không duyên với pháp có đối tượng duyên cũng không duyên với pháp không có đối tượng duyên: Nghĩa là pháp thế đệ nhất tùy tâm chuyển nơi sắc và tùy tâm chuyển nơi tâm bất tương ưng hành.

Hỏi: Từng có an trụ trong khoảng một sát-na sẽ được duyên với pháp có đối tượng duyên là pháp thế đệ nhất? Duyên với pháp không có đối tượng duyên là pháp thế đệ nhất? Duyên với pháp có đối tượng duyên cũng duyên với pháp không có đối tượng duyên là pháp thế đệ nhất? Không duyên với pháp có đối tượng duyên cũng không duyên với pháp không có đối tượng duyên là pháp thế đệ nhất chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là khi an trụ nơi nhẫn tăng thượng sẽ được pháp thế đệ nhất theo bốn trường hợp như đã nói trên.

Hỏi: Từng có an trụ trong khoảng một sát-na sẽ được pháp thế đệ nhất không phải là đối tượng duyên kia chăng? Sẽ được đối tượng duyên kia không phải là pháp thế đệ nhất chăng? Sẽ được pháp thế đệ nhất và đối tượng duyên kia chăng? Không được pháp thế đệ nhất và đối tượng duyên kia chăng?

Đáp: Có. Khi an trụ nơi nhẫn tăng thượng, nên nêu ra bốn trường hợp: Nương vào định vị chí nhập chánh tánh ly sinh, khi trụ nơi nhẫn tăng thượng sẽ được pháp thế đệ nhất, không phải là đối tượng duyên kia: Nghĩa là thuộc về định vị chí.

1. Trong pháp thế đệ nhất, trừ duyên đang hiện tiền, chỗ nương dựa là pháp thế đệ nhất, các cảnh còn lại của duyên nơi pháp thế đệ nhất sẽ được đối tượng duyên kia, không phải là pháp thế đệ nhất: Nghĩa là thuộc về năm địa trên.

2. Trong pháp thế đệ nhất, duyên đang hiện tiền chỗ nương dựa là pháp thế đệ nhất sẽ được pháp thế đệ nhất và đối tượng duyên kia: Nghĩa là thuộc về định vị chí.

3. Trong pháp thế đệ nhất duyên đang hiện tiền chỗ nương dựa là pháp thế đệ nhất sẽ không được pháp thế đệ nhất cùng đối tượng duyên kia: Nghĩa là thuộc về năm địa trên.

4. Trong pháp thế đệ nhất, trừ duyên đang hiện tiền, chỗ nương dựa là pháp thế đệ nhất, các cảnh còn lại của duyên là pháp thế đệ nhất.

Như dựa vào định vị chí nhập chánh tánh ly sinh, khi trụ nơi nhẫn tăng thượng, tạo ra bốn trường hợp, thì dựa vào năm địa trên nhập chánh tánh ly sinh, khi trụ nơi nhẫn tăng thượng, nên biết cũng như thế.

Hỏi: Từng có thành tựu pháp thế đệ nhất, không thành tựu việc lìa trói buộc, chứng đắc chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp.

1. Thành tựu pháp thế đệ nhất, không thành tựu việc lìa trói buộc, chứng đắc: Nghĩa là nếu dựa vào địa này nhập chánh tánh ly sinh, Hành giả kia chưa lìa nhiễm của địa ấy.

2. Thành tựu việc lìa trói buộc, chứng đắc, không thành tựu pháp thế đệ nhất: Nghĩa là nếu dựa vào địa này nhập chánh tánh ly sinh, Hành giả kia khi mạng chung sinh vào địa trên.

3. Thành tựu pháp thế đệ nhất cũng thành tựu sự lìa trói buộc, chứng đắc: Nghĩa là nếu dựa vào địa này nhập chánh tánh ly sinh, Hành giả kia đã lìa nhiễm của địa ấy, không mạng chung sinh vào địa trên.

4. Không thành tựu pháp thế đệ nhất cũng không thành tựu sự lìa trói buộc, chứng đắc: Nghĩa là nếu chưa có thể nhập quả vị chánh tánh ly sinh, là hữu dư y, Hành giả kia nơi hữu lậu lìa trói buộc đạt được, nên nói như thế.

Hỏi: Từng có Thánh giả thành tựu pháp thế đệ nhất, không thành tựu sự lìa trói buộc chứng đắc chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Thành tựu pháp thế đệ nhất, không thành tựu sự lìa trói buộc chứng đắc: Nghĩa là nếu dựa vào địa này nhập chánh tánh ly sinh, Thánh giả kia chưa lìa nhiễm của địa ấy.

2. Thành tựu sự lìa trói buộc chứng đắc, không thành tựu pháp thế đệ nhất: Nghĩa là nếu dựa vào địa này nhập chánh tánh ly sinh, Thánh giả kia mạng chung sinh vào địa kế tiếp trên.

3. Thành tựu pháp thế đệ nhất cũng thành tựu sự lìa trói buộc chứng đắc: Nghĩa là nếu dựa vào địa này nhập chánh tánh ly sinh, Thánh giả kia đã lìa nhiễm của địa ấy, không mạng chung sinh vào địa trên.

4. Không thành tựu pháp thế đệ nhất cũng không thành tựu sự lìa trói buộc chứng đắc: Nghĩa là nếu dựa vào địa này nhập chánh tánh ly sinh, Thánh giả kia mạng chung vượt qua địa kế tiếp trên, sinh vào địa còn lại ở trên. Là hữu dư y nơi tất cả pháp thế đệ nhất và tất cả sự lìa trói buộc chứng đắc, nên nói như thế.

Hỏi: Từng có thành tựu pháp thế đệ nhất, không thành tựu việc lìa sự trói buộc chứng đắc chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Trường hợp thứ nhất: Nghĩa là nếu nương vào định vị chí, hoặc tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự trung gian, nhập chánh tánh ly sinh, Hành giả kia chưa lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ nhất.

2. Trường hợp thứ hai: Nghĩa là nếu nương vào địa này nhập chánh tánh ly sinh, Hành giả kia mạng chung sinh vào địa trên. Hoặc chưa được pháp thế đệ nhất, sinh nơi cõi dục, cõi sắc rồi, lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ nhất và sinh nơi xứ không vô biên.

3. Trường hợp thứ ba: Nghĩa là nếu nương vào địa này nhập chánh tánh ly sinh rồi, lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ nhất, không mạng chung sinh vào địa trên.

4. Trường hợp thứ tư: Là trừ các tướng trước.

Tôn giả ở đây đã phân biệt bảy môn nơi pháp thế đệ nhất. Nghĩa là ban đầu: Thế nào là pháp thế đệ nhất, cho đến môn thứ bảy: Pháp thế đệ nhất nên nói là thoái chuyển hay không thoái chuyển? Trong ấy, ba môn trước là luận căn bản, bốn môn sau là luận nhân sinh.

Pháp thế đệ nhất do bảy môn này phân biệt hiển thị nên hết sức là rõ ràng.

***

* Thế nào là Đảnh? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Trước nên nói noãn, sau mới nói đến đảnh. Nhưng ở đây vì sao lại nói đảnh?

Đáp: Như trước đã nói, ở đây là nêu bày theo hướng nghịch. Vì trong thân phàm phu có các pháp tịnh, nhiễm, nên trước nói đảnh, sau mới nói noãn.

Hỏi: Nếu thế ở đây nên nói nhẫn trước, vì sao lại nói đảnh?

Đáp: Vì trước đã nói nhẫn, nhưng không làm sáng rõ. Nghĩa là trước đây đã nói: Nếu tức hơn thì trước nên không phải pháp thế đệ nhất, sau mới là pháp thế đệ nhất. Trước là gì? Là nhẫn tăng thượng. Vậy là đã nói xong về nhẫn, nên nay nói đến đảnh.

Hỏi: Vì sao Tôn giả tạo luận (Là tác giả Luận A Tỳ Đạt Ma Phát Trí) lại ẩn giấu tướng khi nói về nhẫn, không hiển bày làm sáng tỏ, nói rộng về nhẫn?

Đáp: Cũng nên hiển bày nói rộng về tướng của nhẫn: Thế nào là nhẫn? Vì sao gọi là nhẫn? Nhẫn nên nói là thuộc về cõi nào cùng luận nhân sinh, nên đều phải nói rộng về nhẫn.

Hỏi: Nhưng không nói như thế là có ý gì?

Đáp: Là vì ý của người tạo luận muốn thế. Nghĩa là người tạo luận tùy theo ý muốn của mình, hoặc hiển bày, hoặc ẩn giấu, hoặc nói rộng, hoặc tóm lược mà tạo ra phần Luận này, không nên gạn hỏi.

Ở đây, Tôn giả đã hiển bày, nói rộng về pháp thế đệ nhất, ẩn giấu, tóm lược khi nói về nhẫn. Đối với đảnh và noãn thì hiển bày tóm lược mà nói.

Có Sư khác cho: Nếu trong Khế kinh thuyết giảng hiển bày thì ở đây Tôn giả làm sáng tỏ nói rõ. Vì trong kinh nhẫn không được hiển bày, nên ở Luận này, Tôn giả đã ẩn giấu tướng nhẫn khi nói đến nó.

Hỏi: Trong kinh đâu phải không hiển bày về nhẫn. Như Đức Thế Tôn nói: Nếu có một loại hữu tình tạo thành sáu pháp, ở trong hiện pháp tất không thể xa trần lìa cấu, không thể đối với các pháp sinh pháp nhãn thanh tịnh. Thế nào là sáu pháp? Đó là:

1. Không ưa thích nghe pháp.

2. Tuy nghe nói pháp nhưng không để tai lắng nghe.

3. Tuy có lắng tai nghe nhưng không để tâm an trụ, vâng làm như lời dạy.

4. Đối với pháp thiện chưa chứng không siêng mong cầu được chứng.

5. Đối với pháp thiện đã chứng không dốc sức gìn giữ.

6. Không thành tựu Thuận nhẫn. Nên biết bạch phẩm so với đây là mâu thuẫn.

Nhẫn đối với kinh này đã được nói đến một cách sáng rõ. Vì sao Tôn giả lại ẩn giấu tướng nhẫn không nói đến?

Đáp: Sư kia nói thế này: Tuy trong kinh đã nói đến Thuận nhẫn, nhưng không nói đến Thuận đế nhẫn, thế nên không phải là nêu giảng hiển bày.

Hỏi: Thuận nhẫn và Thuận đế nhẫn có gì sai biệt?

Đáp: Vì nghĩa không khác, nên biết thuyết nêu trước là tốt.

Hỏi: Nhân luận sinh luận: Vì sao nhẫn này riêng gọi là thuận đế, không phải là noãn, đảnh?

Đáp: Cũng nên nói là Thuận đế noãn, Thuận đế đảnh, nhưng không nói, nên biết ở đây là nêu giảng chưa trọn vẹn về nghĩa đều có. Lại nữa, nói thuận đế nghĩa là tùy thuận cùng tột nơi hiện quán Thánh đế. Nhẫn tùy thuận cùng tột nơi hiện quán Thánh đế. Còn noãn, đảnh không như thế, nên chỉ nói riêng về nhẫn.

Lại nữa, nhẫn gần gũi với kiến đạo. Còn noãn, đảnh thì không như thế.

Lại nữa, nhẫn và kiến đạo giống nhau. Còn noãn, đảnh thì không như thế. Nghĩa là quả vị kiến đạo chỉ có pháp niệm trụ là luôn hiện tiền, quả vị nhẫn cũng như thế, còn noãn, đảnh thì không như vậy. Nghĩa là noãn, đảnh kia lúc ở phần vị ban đầu tuy chỉ khởi pháp niệm trụ, nhưng ở phần vị tăng tiến cũng khởi được ba niệm trụ còn lại.

Lại nữa, quả vị nhẫn tất có không ngoài ý lạc đi tới Thánh đạo. Còn noãn, đảnh thì không như thế.

Lại nữa, người tu hành quán ở trong quả vị nhẫn ưa thích quán riêng về đế, ở trong quả đảnh ưa thích quán riêng về sự quý báu, ở trong quả vị noãn ưa thích quán riêng về uẩn.

Lại nữa, noãn ngăn dứt ngu loại thấp khi duyên nơi đế. Đảnh ngăn dứt ngu loại vừa khi duyên nơi đế. Nhẫn ngăn dứt ngu loại sâu khi duyên nơi đế.

Lại nữa, noãn ngăn dứt loại ngu thô khi duyên nơi đế. Đảnh ngăn dứt loại ngu vừa khi duyên nơi đế. Nhẫn ngăn dứt loại ngu vi tế khi duyên nơi đế.

Lại nữa, noãn khởi hiện duyên nơi đế với loại minh hạ. Đảnh khởi hiện duyên nơi đế với loại minh trung. Nhẫn khởi hiện duyên nơi đế với loại minh thượng.

Lại nữa, noãn khởi hiện duyên nơi đế với loại minh thô. Đảnh khởi hiện duyên nơi đế với loại minh vừa. Nhẫn khởi hiện duyên nơi đế với loại minh vi tế.

Lại nữa, noãn được duyên nơi đế với loại tín hạ. Đảnh được duyên nơi đế với loại tín trung. Nhẫn được duyên nơi đế với loại tín thượng.

Lại nữa, noãn được duyên nơi đế với loại tín thô. Đảnh được duyên nơi đế với loại tín vừa. Nhẫn được duyên nơi đế với loại tín vi tế.

Lại nữa, trong quả vị nhẫn hoặc có lúc dùng mười sáu hành tướng quán sát Thánh đế, hoặc có lúc dùng mười hai hành tướng quán sát Thánh đế, hoặc có lúc dùng tám hành tướng quán sát Thánh đế, hoặc có lúc dùng bốn hành tướng quán sát Thánh đế. Trong quả vị noãn, đảnh, chỉ dùng mười sáu hành tướng quán sát Thánh đế.

Lại nữa, trong quả vị nhẫn không có tác ý xen tạp. Còn trong quả vị noãn, đảnh có tác ý xen tạp. Nghĩa là nơi quả vị noãn, đảnh thường thường lại khởi tâm thiện của cõi dục, quán khổ của cõi dục là xen tạp rồi, lại có thể dẫn phát căn thiện này hiện tiền. Quả vị nhẫn thì không như thế.

Lại nữa, trong quả vị nhẫn chỉ tác ý riêng, quán riêng các đế. Còn trong quả vị noãn, đảnh thì không như thế. Nghĩa là quả vị noãn, đảnh, tuy tác ý riêng, quán riêng các đế, nhưng ở phần trung gian thì tu hành tướng chung và quán chung các đế. Tức quán tất cả hữu lậu đều là khổ, quán tất cả hành đều là vô thường, quán tất cả pháp đều là không, vô ngã, chỉ quán Niết-bàn là tịch tĩnh chân thật.

Lại nữa, trong quả vị nhẫn có thời gian nối tiếp, có một sát-na quán sát Thánh đế. Còn trong quả vị noãn, đảnh chỉ có nối tiếp nhau quán sát Thánh đế.

Lại nữa, trong quả vị nhẫn dần dần lược quán về đế, có thể tùy thuận tột cùng hướng tới Niết-bàn, như thích đi đến phương khác, lấy nhiều trao đổi ít. Còn trong quả vị noãn, đảnh thì không như thế.

Do vô số những nhân duyên như vậy, nên nhẫn gọi là Thuận đế, noãn, đảnh thì không như thế.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất vì sao không lập tên Thuận đế?

Đáp: Tuy phần vị này, tất cả đều thù thắng, nhưng đối với bốn đế không quán sát khắp, nên không lập tên Thuận đế.

Hỏi: Nhẫn có bao nhiêu niệm trụ?

Đáp: Hiện tại chỉ có một là pháp niệm trụ duyên xen tạp, vị lai thì đủ bốn, giống như kiến đạo.

Hỏi: Nhẫn làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm bốn duyên: 1. Nhân duyên. 2. Đẳng vô gián duyên. 3. Sở duyên duyên. 4. Tăng thượng duyên.

Làm Nhân duyên: Nghĩa là cùng với các pháp như tương ưng, câu hữu, đồng loại kia làm nhân duyên.

Làm Đẳng vô gián duyên: Nghĩa là làm đẳng vô gián duyên cho pháp thế đệ nhất.

Làm Sở duyên duyên: Nghĩa là cùng với chủ thể duyên là tâm tâm sở pháp ấy làm sở duyên duyên.

Làm Tăng thượng duyên: Nghĩa là trừ tự tánh, cùng với tất cả pháp hữu vi khác làm tăng thượng duyên.

Hỏi: Nhẫn có bao nhiêu duyên?

Đáp: Có bốn duyên:

1. Có Nhân duyên: Nghĩa là pháp tương ưng, câu hữu, đồng loại ấy.

2. Có Đẳng vô gián duyên: Nghĩa là đã sinh đảnh.

3. Có Sở duyên duyên: Nghĩa là bốn Thánh đế.

4. Có Tăng thượng duyên: Nghĩa là trừ tự tánh, còn lại là tất cả pháp.

Hỏi: Nhẫn nên nói là thuộc cõi não?

Đáp: Nên nói là chỉ thuộc cõi sắc.

Hỏi: Nhẫn nên nói là có tầm có tứ, không tầm chỉ có tứ, không tầm không tứ chăng?

Đáp: Nên nói là có cả ba thứ.

Hỏi: Nhẫn nên nói là tương ưng với lạc căn, tương ưng với hỷ căn, tương ưng với xả căn chăng?

Đáp: Nên nói là tương ưng với cả ba căn.

Hỏi: Nhẫn nên nói là một tâm hay nhiều tâm?

Đáp: Nên nói là hoặc nhiều tâm, hoặc một tâm, vì nhẫn tăng thượng trong từng sát-na.

Hỏi: Nhẫn nên nói là thoái chuyển hay không thoái chuyển?

Đáp: Nên nói là không thoái chuyển.

Các nghĩa như thế đều dựa vào chỗ đã nói ở trên về pháp thế đệ nhất, như lý nên biết.

Hỏi: Nhẫn duyên nơi đế nào, sau mới nhập chánh tánh ly sinh?

Đáp: Có thuyết nói: Nhẫn duyên nơi đạo đế, sau nhập chánh tánh ly sinh.

Hỏi: Nếu như thế vì sao đối tượng duyên hành tướng không trở thành đảo ngược, lẫn lộn? Nếu đảo ngược, lẫn lộn, làm sao không gây trở ngại cho việc nhập chánh tánh ly sinh?

Đáp: Ở đây đối tượng duyên hành tướng tuy có sự đảo ngược, lẫn lộn, nhưng đối với việc nhập chánh tánh ly sinh thì không gây trở ngại. Vì sao? Vì đã luôn hành tập. Nghĩa là người tu hành đối với sự hành tập ấy đã trở thành con đường tắt, tự tại hiện tiền. Như trong kiến đạo, duyên nơi nhẫn trí của cõi dục, về sau duyên nơi nhẫn trí của cõi Hữu đảnh hiện tiền. Duyên nơi nhẫn trí của cõi Hữu đảnh, về sau duyên nơi nhẫn trí của cõi dục hiện tiền. Duyên nơi hành tướng của khổ đế, về sau duyên nơi hành tướng của tập đế hiện tiền. Duyên nơi hành tướng của tập đế, về sau duyên nơi hành tướng của diệt đế hiện tiền. Các hành tướng của đối tượng duyên này, tuy có đảo ngược, lẫn lộn, nhưng đối với hiện quán không làm trở ngại, vì đã luôn hành tập. Nhẫn này cũng như vậy.

Nếu nói như thế thì nhẫn duyên nơi đạo đế, sau nhập chánh tánh ly sinh, tức có ba tâm, đồng một đối tượng duyên, đồng một hành tướng. Đó là pháp thế đệ nhất, khổ pháp trí nhẫn, khổ pháp trí. Tương ưng với hai tâm, đồng một hành tướng, không đồng một đối tượng duyên, nghĩa là khổ loại trí nhẫn, khổ loại trí. Tương ưng với hai tâm, đồng một đối tượng duyên, không đồng một hành tướng, đó là tập pháp trí nhẫn. Tập pháp trí tương ưng với tâm khác, không đồng một đối tượng duyên, không đồng một hành tướng.

Nên nói như vậy: Nhẫn duyên nơi khổ đế, sau nhập chánh tánh ly sinh. Vì sao? Vì kiến đạo là căn thiện vô lậu, có uy lực lớn, dù hành tướng nơi đối tượng duyên có đảo ngược, lẫn lộn, nhưng đối với hiện quán không gây trở ngại. Nhẫn là căn thiện hữu lậu, không có uy lực lớn, nếu hành tướng nơi đối tượng duyên có đảo ngược, lẫn lộn, tức sẽ gây trở ngại cho việc nhập chánh tánh ly sinh. Thế nên người tu hành trụ trong phần vị nhẫn, hành tướng nơi đối tượng duyên trước rộng, sau lược, do đấy được nhập chánh tánh ly sinh. Nghĩa là Hành giả kia, trước dùng bốn hành tướng quán khổ của cõi dục, kế đó dùng bốn hành tướng quán khổ thuộc cõi sắc, cõi vô sắc. Thứ đến dùng bốn hành tướng quán các hành nhân nơi cõi dục, sau đến dùng bốn hành tướng quán các hành nhân của cõi sắc, cõi vô sắc. Tiếp theo, dùng bốn hành tướng quán các hành diệt của cõi dục, tiếp đến dùng bốn hành tướng quán các hành diệt của cõi sắc, cõi vô sắc. Sau đấy, dùng bốn hành tướng quán các hành đạo nơi cõi dục, kế tiếp dùng bốn hành tướng quán các hành đạo nơi cõi sắc, cõi vô sắc. Ngang với đây gọi là nhẫn bậc hạ. Từ đấy về sau, dần dần giản lược các hành. Nghĩa là lại dùng bốn hành tướng, trước quán khổ của cõi dục, thứ đến quán khổ nơi cõi sắc, cõi vô sắc, cho đến sau cùng là quán các hành đạo nơi cõi dục, dần dần lược bỏ các hành đạo của cõi sắc, cõi vô sắc.

Lại dùng bốn hành tướng, trước quán khổ nơi cõi dục, thứ đến quán khổ nơi cõi sắc, cõi vô sắc, cho đến sau cùng là quán các hành diệt của cõi sắc, cõi vô sắc, dần dần lược bỏ tất cả các hành đạo.

Lại dùng bốn hành tướng, trước quán khổ nơi cõi dục, kế đến quán khổ nơi cõi sắc, cõi vô sắc, cho đến sau cùng là quán các hành diệt của cõi dục, dần dần lược bỏ các hành diệt của cõi sắc, cõi vô sắc.

Lại dùng bốn hành tướng, trước quán khổ nơi cõi dục, thứ đến quán khổ nơi cõi sắc, cõi vô sắc, cho đến sau cùng là quán các hành nhân của cõi sắc, cõi vô sắc, dần dần lược bỏ tất cả các hành diệt.

Lại dùng bốn hành tướng, trước quán khổ nơi cõi dục, kế đến quán khổ nơi cõi sắc, cõi vô sắc, sau quán các hành nhân của cõi dục, dần dần lược bỏ các hành nhân của cõi sắc, cõi vô sắc.

Lại dùng bốn hành tướng, trước quán khổ nơi cõi dục, sau quán khổ nơi cõi sắc, cõi vô sắc, dần dần lược bỏ tất cả các hành nhân.

Lại dùng bốn hành tướng, quán khổ nơi cõi dục, dần dần lược bỏ khổ nơi cõi sắc, cõi vô sắc.

Hành giả kia đối với khổ nơi cõi dục, dùng bốn hành tướng nối tiếp quán sát. Lại lược bỏ dần dần các hành tướng, đến còn một hành tướng, được quán sát trong hai sát-na, như khổ pháp trí nhẫn và khổ pháp trí. Ngang với đây gọi là nhẫn bậc trung.

Hành giả kia lại đối với khổ nơi cõi dục quán sát trong một sát-na, như khổ pháp trí nhẫn, đấy gọi là nhẫn bậc thượng. Từ đấy vô gián, lại một sát-na nữa, quán khổ nơi cõi dục, gọi là pháp thế đệ nhất. Từ vô gián này, phát sinh khổ pháp trí nhẫn, lần lượt cho đến sinh đạo loại trí. Ví như có người từ nước mình định đi đến nước khác, có nhiều tài sản không thể đem đi bèn đem đổi ra tiền, nhưng vẫn ngại vì còn nhiều lại đem đổi lấy vàng, nhưng vẫn còn ngại vàng nặng lại đem đổi để lấy ngọc báu có giá trị lớn. Nhờ mang theo ngọc báu ấy nên đã đi đến nơi theo ý muốn. Hành giả cũng thế, trước quán sát rộng về các đế trên, dưới, cao, thấp, sau giản lược dần các đế, cho đến chỉ dùng tâm một sát-na quán khổ nơi cõi dục, thứ đến sinh pháp thế đệ nhất, sau đó sinh khổ pháp trí nhẫn, lần lượt cho đến phát sinh đạo loại trí.

Nếu nói như thế thì nhẫn duyên nơi khổ đế, sau nhập chánh tánh ly sinh, tức có bốn tâm, đồng một đối tượng duyên, đồng một hành tướng, tức là nhẫn tăng thượng. Pháp thế đệ nhất, khổ pháp trí nhẫn, khổ pháp trí. Tương ưng với hai tâm, đồng một hành tướng, không đồng một đối tượng duyên. Đó là khổ loại trí nhẫn, khổ loại trí. Tương ưng với hai tâm, đồng một đối tượng duyên, không đồng một hành tướng. Đó là tập pháp trí nhẫn. Tập pháp trí tương ưng với tâm khác, không đồng một đối tượng duyên, không đồng một hành tướng.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất cũng như nhẫn có ba phẩm chăng?

Đáp: Trong một sự nối tiếp thì không, trong nhiều sự nối tiếp thì có. Nghĩa là chủng tánh Phật là nhẫn phẩm thượng, chủng tánh Độc giác là nhẫn phẩm trung, chủng tánh Thanh văn là nhẫn phẩm hạ. Dựa vào sáu chủng tánh và ba căn mà nói cũng vậy.

HẾT – QUYỂN 5