KINH TƯƠNG TỤC GIẢI THOÁT NHƯ LAI SỞ TÁC TÙY THUẬN XỨ LIỄU NGHĨA

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Pháp sư Cầu-na-bạt-đà-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Như kinh Tương Tục Giải Thoát nói, Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã nói Pháp thân của Như Lai. Vậy Pháp thân của Như Lai có tướng gì?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Khéo tu tập, thân chuyển đổi tập thành địa Ba-la-mật. Này Văn-thù-sư-lợi! Tướng Pháp thân của Như Lai là như vậy. Nên biết, lại có tướng không thể nghĩ bàn, có hai nhân duyên. Nghĩa là xa lìa giả dối, không có hành; chúng sinh thì tính toán chấp lấy giả dối đó mà hành.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thân của Thanh văn, Duyên giác chuyển đổi, cũng là Pháp thân phải không?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Không gọi là Pháp thân.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Không gọi là Pháp thân thì gọi là thân gì?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Gọi là thân giải thoát. Này Văn-thù-sư-lợi! Thân giải thoát, đối với Thanh văn, Duyên giác và các Đức Như Lai đều bình đẳng, chỉ có Pháp thân là sai khác. Pháp thân sai khác, nghĩa là vô lượng công đức thù thắng vi diệu đặc biệt, không thể ví dụ.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai nhân khởi lên có tướng gì?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Tướng hóa thân, giống như thế giới khởi lên, tất cả các công đức, an trụ vào tướng trang nghiêm thanh tịnh của Đức Như Lai; nên biết, tướng Hóa thân khởi, Pháp thân không khởi.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Dùng những phương tiện thiện xảo gì, hiện ra hóa thân?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Tất cả tam thiên đại thiên thế giới của chư Phật sinh vào nhà Tăng thượng chủ, sinh vào nhà ruộng phước, vào thai, ra khỏi thai, lớn lên, thọ ngũ dục, xuất gia khổ hạnh, đi đến đạo tràng, ngồi dưới cội Bồ-đề, hàng phục ma, thành Phật, chuyển xe pháp, rồi hiện Bátniết-bàn. Nên biết, đó là phương tiện tiện khéo léo hiện ra Hóa thân.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Hóa thân của Như Lai có bao nhiêu loại, vì chúng sinh nói pháp, những người chưa thành thục thì điều phục khiến họ được thành thục, người đã thành thục khiến họ kết duyên với giải thoát.

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Như Lai nói, là nói lời Tu-đa-la, lời Tỳ-ni, lời Ma-đức-lặc-già.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Tu-đa-la? Thế nào là Tỳ-ni? Thế nào là Ma-đức-lặc-già?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Nếu ta nói các pháp nhiếp vào việc giới hạn, thì gọi là Tu-đala. Đó là cái nhân của bốn việc, chín việc, hai mươi chín việc, bốn mươi hai việc như vậy.

Những gì là bốn việc? Đó là:

  1. Việc nghe.
  2. Việc quy y.
  3. Việc giới.
  4. Việc Bồ-tát.

Những gì là chín việc? Đó là:

  1. Việc bố thí cho chúng sinh.
  2. Việc thọ dụng.
  3. Việc nhân khởi kia.
  4. Việc khởi lên rồi an trú.
  5. Việc ấy diệt.
  6. Tất cả việc kia.
  7. Việc nói.
  8. Việc đã nói.
  9. Việc đồ chúng.

Những gì là hai mươi chín việc? Đó là:

  1. Những việc nhiếp thuộc từ phần cấu nhiễm.
  2. Việc cấu nhiễm kia lần lần tùy theo đó mà khởi lên.
  3. Khởi lên như vậy rồi, đó là cái nhân để sinh trong đời vị lai.
  4. Tác pháp tưởng đó rồi, đó là cái nhân sinh ra trong đời vị lai.
  5. Từ duyên trong phần thanh tịnh mà thuộc vào sự buộc niệm.
  6. Đối với các việc phải có quyết định.
  7. Tâm được an trụ.
  8. Hiện ra pháp lạc an trụ.
  9. Khởi lên tất cả phương tiện khổ duyên.
  10. Biết việc phải đoạn. Có việc như vậy, đó là: Đoạn biết chỗ điên đảo; đoạn biết chỗ hướng đến từ nơi chúng sinh tưởng, bên ngoài chúng sinh tà; đoạn biết chỗ bên trong xa lìa tăng thượng mạn.
  11. Việc tu xử.
  12. Việc tác chứng.
  13. Việc tu.
  14. Việc ấy đã tạo kiên cố.
  15. Thực hành việc ấy.
  16. Kết duyên với việc kia.
  17. Việc đoạn không đoạn.
  18. Quán sát phương tiện khéo léo.
  19. Việc đó tán loạn.
  20. Việc đó không tán loạn.
  21. Việc chỗ đó không tán loạn.
  22. Việc đã tạo tu tập không nhàm chán.
  23. Không bỏ phương tiện.
  24. Việc tu phước lợi.
  25. Việc kia tu tập kiên cố.
  26. Việc hiểu biết chân thật.
  27. Việc đến Niết-bàn.
  28. Việc khéo nói chánh kiến pháp luật thế gian, được tất cả chánh kiến trong ngoài.
  29. Việc ấy tu thoái.

Này Văn-thù-sư-lợi! Khéo nói pháp luật, không tu tập thoái lui thì không phải lỗi lầm.

Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu ta vì đệ tử Thanh văn, Bồ-tát nói Bala-đề-mộc-xoa. Ba-la-đề-mộc-xoa tương ưng với học, thì gọi là việc Tỳ-ni.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát có bao nhiêu Ba-la-đề-mộc-xoa?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Có bảy loại:

  1. Nói thọ oai nghi.
  2. Nói việc xử Ba-la-đi.
  3. Nói phạm tự tánh.
  4. Nói không phạm tự tánh.
  5. Nói ra ngoài phạm vi.
  6. Nói thọ luật nghi.
  7. Nói xả luật nghi.

Này Văn-thù-sư-lợi! Có mười một loại tướng, rộng nói hiển thị tuyên thông phân biệt. Đó là Ma-đức-lặc-già.

Thế nào là mười một loại tướng?

  1. Đẳng tướng.
  2. Đệ nhất nghĩa tướng.
  3. Pháp Bồ-đề phần phan duyên tướng.
  4. Hành tướng.
  5. Quả tướng.
  6. Thần lực hiển thị tướng.
  7. Tự tánh tướng.
  8. Bỉ trì tướng.
  9. Bỉ thuận pháp tướng.
  10. Bỉ hoạn tướng.
  11. Bỉ lợi tướng.

Này Văn-thù-sư-lợi! Đẳng tướng là nói việc người, nói việc vọng tưởng, nói tự tánh các pháp hoạt đang tạo ra nghiệp. Đệ nhất nghĩa tướng là nói bảy loại. Như duyên tướng là nói tất cả các việc cảnh giới trí tuệ. Hành tướng là nói tám hạnh quán sát. Tám hạnh quán sát là những gì?

  1. Đế.
  2. Lập.
  3. Quá.
  4. Đức.
  5. Thông.
  6. Sinh.
  7. Thành.
  8. Lược quảng.

Đế là như.

Lập là tạo dựng chúng sinh… hoặc tạo dựng tự tánh vọng tưởng

hoặc tạo dựng hướng đến thưa hỏi, đối đáp, phân biệt, hoặc tạo dựng giấu kín, hiện rõ, ghi nói.

Quá là ta đối với vô lượng nhân duyên, nói pháp phiền não lỗi lầm.

Đức là ta đối với vô lượng nhân duyên, nói phước lợi thanh tịnh.

Thông là có sáu loại:

  1. Thông suốt nghĩa chân thật.
  2. Được thông suốt.
  3. Nói thông suốt.
  4. Thông suốt lìa nhị biên.
  5. Thông suốt không thể nghĩ bàn.
  6. Ý thông suốt.

Sinh là vì tướng ba thiền, ba hữu và bốn nhân duyên.

Thành là có bốn loại:

  1. Có thành tựu
  2. Được thông suốt.
  3. Hỗ trợ thành.
  4. Pháp thành.

Nếu nhân hoặc duyên và các hành khởi lên, tùy theo đó mà nói, thì gọi là có thành tựu; nếu nhân nếu duyên các pháp; hoặc đắc hoặc thành; nếu đã khởi, đã tác thì gọi là thành tựu; nếu nhân, nếu duyên, hoặc tông, hoặc thuyết; hoặc thọ, hoặc nghĩa, mà thành tựu, mà hiểu biết.

Lại lược nói có hai loại:

  1. Sạch.
  2. Không sạch.

Sạch có năm loại tướng, không sạch có bảy loại tướng.

Những gì là năm thứ tướng tịnh?

  1. Hiện tiền được tướng ấy.
  2. Nương theo Hiện tiền được tướng.
  3. Tự chủng tỷ tướng.
  4. Thành tựu tướng.
  5. Khoái tịnh ngữ thuyết tướng.

Tất cả hành là vô thường, tất cả hành là khổ, tất cả pháp là vô ngã. Nếu Hiện tiền ở thế gian được bình đẳng như thế, thì gọi là Hiện tiền đắc tướng.

Tất cả hành sát-na nên có thế giới khác và nghiệp sạch, không sạch đều không hoại; hoặc nơi hiện thấy cái thô của vô thường mà được; hoặc nương hiện thấy của các loài chúng sinh và các loại nghiệp mà được; hoặc nương nơi đang thấy nghiệp của chúng sinh khổ vui, sạch, không sạch mà được; lấy đó mà so sánh lại được không hiện tiền. Như vậy gọi là nương nơi hiện tiền mà được tướng.

Hoặc các hành trong ngoài, tất cả duyên khởi sống chết của thế giới, so sánh nỗi khổ mà được như vậy. Sự so sánh đó không phải tự tại mà được. Như vậy, so sánh sự thành, bại duyên khởi ở ngoài thế gian mà được. So sánh như thế, bình đẳng như thế, thì gọi là Tự chủng tỷ tướng.

Hiện tiền đắc tướng ấy là nương nơi hiện tiền mà đắc tướng; Tự chủng tỷ tướng, tạo một hướng thẳng đến Thành tướng rồi.

Nên biết, tướng này nếu diễn giảng rộng đó là điều nên nói của Nhất thiết trí, nghĩa là Niết-bàn vắng lặng, bình đẳng như vậy, gọi là Khoái tịnh ngữ thuyết tướng.

Này Văn-thù-sư-lợi! Vì thế nên quán năm tướng thành tựu thanh tịnh này và vì thanh tịnh nên phải tu tập.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Tướng Nhất thiết trí có bao nhiêu loại? Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Có năm loại:

  1. Danh văn của bậc Nhất thiết trí vượt hẳn thế gian.
  2. Thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân.
  3. Dùng mười Lực nhất định cắt đứt lưới nghi của tất cả chúng sinh.
  4. Nói pháp bốn Vô úy, tất cả luận nghị của ngoại đạo, không thể tra hỏi, không thể khuất phục.
  5. Biết pháp luật ấy, có tám Thánh đạo, bốn quả Sa-môn. Phải biết năm hạnh này là tướng Nhất thiết trí.

Nếu hỗ trợ thành tựu hiện tiền lượng, tỷ lượng, tín ngôn lượng như vậy, thì gọi là năm loại tướng khoái tịnh.

Bảy loại tướng là những gì?

  1. Tướng khác này giống như đắc tướng.
  2. Không tướng này giống như đắc tướng.
  3. Tướng Nhất thiết trí giống như đắc tướng.
  4. Không tướng Nhất thiết trí giống như đắc tướng.
  5. Dị tướng dị sinh tỷ.
  6. Tướng bất thành.
  7. Tướng nói năng bất tịnh.

Nếu tất cả pháp, ý, ý thức gọi là tướng Nhất thiết trí giống như đắc tướng.

Nếu hình thể, tự tánh, nghiệp, pháp nhân quả, dị tướng, mỗi mỗi gọi là dị tướng, mỗi mỗi dị tướng quyết định thì gọi là Nhất thiết bất tướng giống như đắc tướng.

Này Văn-thù-sư-lợi! Có thể so sánh tướng Nhất thiết khác giống như đắc tướng, Nhất thiết bất tướng giống như tướng. Vì tướng ấy thành tựu không phải là một, nên gọi là tướng bất thành.

Lại nữa, có thể so sánh bất tướng khác giống như đắc tướng, có tướng Nhất thiết giống như tướng, vì tướng ấy thành tựu không phải một, nên gọi là tướng bất thành. Bất thành là quán thanh tịnh không thành tựu. Không thanh tịnh cho nên không được gần gũi tu tập. Tướng nói năng không sạch; nên biết tánh ấy cũng không sạch trong. Nếu Như Lai xuất hiện ở đời, hay không xuất hiện ở đời, thì pháp trụ, trụ pháp giới, như thế gọi là pháp hành.

Lược giảng là nói tổng quát một câu pháp, dần dần khai triển rộng ra, phân biệt giải nói cho đến rốt ráo. Nếu có thực hành, có phan duyên, nhất định ta nói pháp Bồ-đề phần, Niệm xứ… gọi là tướng tự tánh. Đạo của thế gian và xuất thế gian cùng cắt đứt các phiền não, chiêu cảm dẫn dắt quả công đức thế gian và xuất thế gian, gọi là đắc quả tướng. Nếu biết trí ấy giải thoát, rộng vì chúng sinh giảng nói, chỉ bày rõ ràng gọi là tướng thần lực hiển thị. Tu pháp Bồ-đề phần mà chống trái, cấu nhiễm nơi đạo như vậy, gọi là tướng chướng ngại pháp. Được nhiều lợi ích gọi là tướng tùy thuận pháp. Nếu chướng ngại lỗi thì gọi là tướng lỗi lầm. Nếu tùy thuận công đức thì gọi là tướng lợi ích.

Khi ấy, Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn vì chúng Bồ-tát, mà nói sơ lược nghĩa thọ trì của Tu-đa-la, Tỳ-ni, Ma-đức-lặc-già; khiến cho chư Bồ-tát cùng tất cả các ngoại đạo, đối với pháp nhiệm mầu mà Như Lai đã nói, sẽ lần lượt tùy thuận nhập vào.

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu pháp cấu nhiễm, nếu pháp thanh tịnh; thì ta nói tất cả pháp là vô tác vô nhân, tất cả không có chỗ nắm bắt; chẳng phải pháp cấu nhiễm, thì trước cấu nhiễm, sau thanh tịnh; chẳng phải pháp thanh tịnh, là sau thanh tịnh, trước thì cấu nhiễm. Phàm phu ngu si, đối với tội lỗi nơi thân, hoặc nơi pháp hoặc nơi nhân, cố chấp vào tự tánh, vọng thấy nhân duyên mà nói rằng: “Đây là ngã, đây là ngã, đã thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm với thức tướng, vọng tác, tịnh, uế, mà khởi lên tà hạnh.” Nếu có người biết như thật, liền lìa bỏ lỗi nơi thân, tất cả phiền não còn không th nhiễm, được rốt ráo khoái tịnh, lìa mọi giả dối, được thân vô vi, lìa hẳn các hành.

Này Văn-thù-sư-lợi! Nên biết đó là lược nói nghĩa thọ trì.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này, liền nói kệ tụng:

Pháp cấu nhiễm, thanh tịnh
Vô tác cũng vô nhân
Ta nói không nắm bắt
Sạch, nhơ không trước sau
Ngu si lỗi nơi thân
Chấp ngã và ngã sở
Duyên kia khởi kiến chấp
Ngã là ngã sở tác
Đây là ngã phiền não
Đây là ngã thanh tịnh
Biết chân thật như thế
Quyết bỏ thân lỗi lầm
Không dính mắc phiền não
Rốt ráo được thanh tịnh
Lìa hẳn mọi giả dối
Thân được trụ vô vi

Khi ấy, Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Tâm của Như Lai khởi lên có tướng gì?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Như Lai không khởi tâm, ý, ý thức; Như Lai không khởi tâm hành; nên biết như là biến hóa. Nếu Pháp thân của các Đức Như Lai lìa tất cả hành, vì sao trong khoảng giữa không khởi tâm hành?

Này Văn-thù-sư-lợi! Sự tu hành vốn đã khởi lên trí tuệ.

Ví như người chẳng phải vô tâm mà ngủ, lại tác giác hành; tất nhiên có giác vốn là nhờ năng lực của tác hành. Giống như chẳng phải nhập Diệt thọ tưởng định, mà tác giác hành; tất nhiên có khởi vốn là nhờ vào sức tác hành. Ngủ và diệt thọ tưởng định, tâm khởi lên như vậy; Như Lai tâm khởi cũng lại như vậy; vì sự khởi lên vốn là việc tu tập trí tuệ.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thân của Như Lai là có tâm hay không có tâm?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Không tâm, tâm không tự tại mới là đại tự tại.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Hành xứ của Như Lai, cảnh giới của Như Lai có gì sai khác?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Hành xứ của Như Lai cho đến hết thảy Như Lai cộng lại, là không thể nghĩ bàn, vì đó là công đức trang nghiêm thanh tịnh của các cõi Phật.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cảnh giới của Như Lai có năm loại:

  1. Cảnh giới của tất cả loài chúng sinh.
  2. Cảnh giới thế gian.
  3. Cảnh giới của pháp.
  4. Cảnh giới của sự điều phục.
  5. Cảnh giới của phương tiện điều phục.

Đó là sai khác.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai từ lúc thành Chánh giác và chuyển bánh xe pháp, cho đến đại Bát-niết-bàn, có những tướng gì?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Không có hai tướng: Không thành Chánh giác và chẳng phải không thành Chánh giác; chẳng phải chuyển xe pháp và chẳng phải không chuyển bánh xe pháp; không đại Bát-niết-bàn và chẳng phải không đại Bát-niết-bàn. Pháp thân rốt ráo thanh tịnh như vậy, đều từ Hóa thân mà hiện ra.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Là Hóa thân, thì làm sao chúng sinh thấy, nghe, cúng dường để có được công đức?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Phan duyên vào tịnh tâm của Như Lai. Hóa thân là do Đức Như Lai hóa hiện, nên có hành bát Niết-bàn.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Đồng hữu vô hành. Vì sao? Vì Pháp thân của Như Lai, vì chúng sinh có thể phóng ra ánh sáng trí tuệ rộng khắp và phóng ra vô lượng hình tượng biến hóa, mà thân giải thoát của Thanh văn, Duyên giác chẳng thể nào có được?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như mặt trời, mặt trăng, lửa, nước, pha-lê, châu báu đều là vô hành, mà lại phát ra ánh sánh, chiếu khắp chúng sinh. Chúng sinh cũng có đại oai công đức, chúng sinh cũng có tăng thượng nghiệp; còn pha-lê trong suốt ấy thì hiện ra các màu sắc hình tượng, sẽ phan duyên với vô lượng pháp giới như vậy, tu tập phương tiện trí tuệ thì được thiện trị. Vì Pháp thân Như Lai phóng ra ánh sáng trí tuệ và biến hóa ra những sắc tượng, chẳng phải là thân giải thoát.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Đã nói Thần lực của Như Lai, khiến người ở cõi Dục tự thân đầy đủ. Dòng Sát-lợi, Bà-la-môn, nhà đại tánh, trời ở cõi Dục, tự thân đầy đủ tất cả. Trời ở cõi Sắc tự thân đầy đủ tất cả.

Trời ở cõi Vô sắc tự thân đầy đủ tất cả. Nói như vậy có nghĩa gì?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Thần lực của Như Lai tạo dựng hoặc đạo hoặc dấu vết, khiến cho khắp tất cả mọi nơi được tự thân đầy đủ tất cả. Nghĩa là đối với đạo, với dấu vết đó, tùy theo sở thuyết tu hành; khắp mọi nơi kia, được tự thân đầy đủ tất cả. Nếu chống trái chê trách, hủy hoại đạo đó, dấu vết đó; và đối với ngã sở lại khởi lên tâm sân giận não hại; thì khi chết, khắp mọi nơi thân, bị những điều hạ liệt. Thế nên, này Văn-thù-sư-lợi! Nên biết, không những nhờ thần lực của Như Lai tạo dựng được tự thân đầy đủ, mà còn do nơi ở Đức Như Lai. Nếu khởi lên tâm giận dữ não hại, thì thân bị hạ liệt.

Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cõi Phật bất tịnh, như thế nào là khó được, dễ được? Cõi Phật thanh tịnh, như thế nào là khó được, dễ được?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Cõi Phật bất tịnh có tám việc dễ được, hai việc khó được.

Đó là ngoại đạo, chúng sinh bần cùng, sinh vào nhà hạ tánh, đầy đủ hay không đầy đủ, hoại hành các ác hạnh, phạm giới, nẻo ác, thực hành phương tiện mong cầu thấp hèn. Bồ-tát gọi đó là tám việc dễ được.

Thực hành phương tiện mong cầu thù thắng. Bồ-tát và Như Lai xuất hiện ở đời. Đó là hai việc khó được.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cõi Phật thanh tịnh cùng với cõi Phật bất tịnh trái nhau; ở đấy có tám việc khó được và hai việc dễ được.

Khi ấy, Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Trong kinh Tương Tục Giải Thoát thì kinh này tên là gì và phụng hành như thế nào?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Kinh này tên là Như Lai Sở Tác Tùy Thuận Liễu Nghĩa, nên như vầy mà phụng hành.

Khi Đức Phật nói kinh Như Lai Sở Tác Tùy Thuận Xứ Liễu Nghĩa có bảy vạn năm ngàn Bồ-tát đạt được Tam-muội, phân biệt đầy đủ Pháp thân.