KINH THẬP NHỊ PHẨM SINH TỬ

Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Cầu-na-bạt-đà-ta, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật đang trú tại tinh xá Kỳ thọ Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ Phật bảo với các Tỳ-kheo:

–Vì các ông mà ta giảng thuyết kinh này các ông nên lắng nghe.

–Dạ vâng, kính bạch Thế Tôn! Chúng con xin nguyện lãnh hội lời giáo huấn.

Phật bảo:

–Cái chết của con người có mười hai trường hợp. Những gì là mười hai?

  1. Vô dư tử (chết không còn gì) nghĩa là bậc A-la-hán không còn chấp trước.
  2. Độ ư tử (vượt qua sự chết) nghĩa là chứng A-na-hàm không còn sinh trở lại cõi Dục.
  3. Hữu dư tử (chết mà còn) nghĩa là bậc Tư-đà-hàm còn phải sinh trở lại cõi Dục.
  4. Học độ tử (cái chết của người học đạo giải thoát) nghĩa là bậc Tu-đà-hoàn, chứng Dự lưu.
  5. Vô khi tử (chết không dối trá) nghĩa là bậc chứng bát đẳng.
  6. Hoan hỷ tử (chết hoan hỷ) nghĩa là người thực hành thiền định.
  7. Sác sác tử (chết nhiều lần) nghĩa là người trì giới xấu ác.
  8. Hối tử (chết hối tiếc) tức là kẻ phàm phu.
  9. Hoạnh tử (chết bất đắc kì tử) tức là những kẻ khổ cô độc.
  10. Phược trước tử (chết bị trói buộc) tức là hạng súc sinh.
  11. Thiêu chước tử (chết thiêu đốt) tức là kẻ địa ngục.
  12. Cơ khát tử (chết đói khát) tức là loài ngạ quỷ.

Các Tỳ-kheo nên biết rõ như vậy, nên phải tu học, đừng để buông lung, đừng tham đắm dục, xa lìa các việc hung dữ, để tâm thanh tịnh, những người chưa chứng được, phải khiến cho họ thành tựu. Vì sao? Vì hạng người bị chết nhiều lần rất khổ, bị chết hối tiếc cũng rất khổ, bị chết bất đắc càng đau khổ kịch liệt, chết trói buộc cũng đau khổ kịch liệt, chết thiêu đốt rất đau khổ, chết đói khát càng đau khổ hơn. Như vậy, các Tỳ-kheo phải nên học tập, tu hạnh ở chốn thanh nhàn, hoặc dưới gốc cây, thực hành thiền định, không được khinh lờn, sẽ không còn hối hận về sau. Đó là lời dạy của Phật, là Pháp của Phật.

Khi Đức Phật thuyết giảng xong, các Tỳ-kheo hoan hỷ cúi đầu đảnh lễ mà lui ra.