KINH PHẬT ĐỊA

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Có một thời, Đức Thế Tôn trụ nơi tối thắng quang diệu bảy báu trang nghiêm, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp tất cả vô biên thế giới; ánh sáng đẹp đẽ mầu nhiệm, xen kẽ lẫn nhau, trùm khắp không có ranh giới. Ánh sáng ấy khó lường, vượt cả mọi chỗ sở hành trong ba cõi; trội hơn mọi căn lành khởi lên của xuất thế gian; hết sức tự tại, lấy tịnh thức làm tướng. Là nơi Như Lai ở, là nơi hội họp của các chúng Đại Bồ-tát; là nơi mà vô lượng các hàng trời, rồng, người, phi nhân luôn được giúp đỡ để nương theo; là nơi nắm giữ pháp vị vui thích rộng lớn, làm mọi nghĩa lợi cho các chúng sinh, diệt mọi phiền não tai ương trói buộc, xa lìa các ma, vượt hẳn mọi trang nghiêm; là nơi nương tựa trang nghiêm của Như Lai; đại “niệm, tuệ, hành” được làm đường đi; đại “chỉ, diệu, quán” được làm cổ xe; đại “Không, Vô tướng, Vô nguyện giải thoát” được làm cửa vào; là nơi được trang nghiêm bởi vô lượng công đức; là nơi được tạo dựng bởi các đại bảo hoa vương. Khi ấy, trong cung điện lớn, Đức Thế Tôn là Bậc Giác Vương rất là trong sáng, hiện hành bất nhị đến tận pháp vô tướng, trụ nơi Phật trụ, đạt tánh bình đẳng của tất cả Phật, đã đến chỗ không bị chướng ngại, không thể chuyển pháp, việc làm không bị ngăn ngại. Những gì được thành lập là không thể nghĩ bàn, dạo ở ba cõi bằng Pháp tánh bình đẳng. Thân Phật trải khắp tất cả thế giới; mà với tất cả pháp, trí đều không bị ngưng trệ, đối với tất cả hạnh đều thành tựu đại giác, đối với các pháp trí không có nghi hoặc. Những thân hiện ra là không thể phân biệt, tất cả Bồ-tát lấy đó làm chỗ mong cầu chân chánh, để được vô nhị của Phật, trụ nơi bờ giải thoát thù thắng không có tạp nhiễm xen giữa. Như Lai cởi mở diệu trí rốt ráo, chứng vô trung biên Phật địa bình đẳng, cùng khắp thế giới, cùng tận tánh hư không, cùng tận ngằn mé vị lai.

Cùng với Đức Thế Tôn, có đầy đủ vô lượng chúng đại Thanh văn. Tất cả những vị này đều tùy thuận, là những Phật tử, tâm lành giải thoát, tuệ lành giải thoát, giới lành giải thoát, rất mong tìm cầu pháp lạc đa văn để nghe và giữ. Văn ấy chứa nhóm khéo nghĩ những điều cần nghĩ, khéo nói những điều cần nói, khéo làm những điều cần làm, thành tựu đủ các tuệ báu như tập tuệ, tốc tuệ, lợi tuệ, xuất tuệ, thắng quyết trạch tuệ, đại tuệ, quảng tuệ và vô đẳng tuệ; đầy đủ ba minh, đã đạt được hiện pháp lạc thứ nhất, trụ nơi ruộng phước thanh tịnh lớn, thành tựu không giảm, oai nghi vắng lặng, đại nhẫn nhu hòa, đã phụng thờ và thực hành một cách khéo léo, Thánh giáo của Như Lai. Lại có vô lượng chúng Đại Bồ-tát, từ các cõi Phật khác, cùng nhau đến tập họp. Đều là những vị trụ vào Đại thừa, thực hành theo pháp Đại thừa, tâm bình đẳng với mọi chúng sinh, lìa các phân biệt và không phân biệt hết mọi phân biệt, phá tan các ma oán, xa lìa tất cả nhớ nghĩ ràng buộc, phân biệt của hàng Thanh văn, Duyên giác, vui thích gìn giữ pháp vị rộng lớn, vượt thoát năm sợ hãi, chỉ hướng vào địa vị không thoái chuyển, chấm dứt mọi sự bức bách của khổ não ở địa vị chúng sinh, đã xuất hiện ở trước Đức Thế Tôn. Trong chúng Bồ-tát này, Bồ-tát Diệu Sinh làm người đứng đầu.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với Bồ-tát Diệu Sinh:

–Này Diệu Sinh! Nên biết, có năm loại pháp nhiếp thu địa đại giác. Đó là thanh tịnh pháp giới, Đại viên cảnh trí, Bình đẳng tánh trí, Diệu quán sát trí và Thành sở tác trí.

Diệu Sinh nên biết! Thanh tịnh pháp giới giống như hư không, tuy bên trong biến đủ mọi tướng của các màu sắc, nhưng không thể nói là nó có mọi tướng, thể của nó chỉ có một vị. Như vậy, pháp giới thanh tịnh của Như Lai, tuy cũng biến trong hết thảy mọi loại tướng, mọi cảnh giới sở tri; nhưng không thể nói là có hết thảy mọi tướng; thể của nó chỉ một vị.

Lại như hư không, do có khắp trong các sắc, không cùng xa lìa rời bỏ; nhưng không vì sắc mà bị ố nhiễm bởi lỗi lầm. Như vậy, pháp giới thanh tịnh của Như Lai, tuy biến (khắp trong) tâm tánh của tất cả chúng sinh; do chân thật, không cùng rời bỏ xa lìa, nhưng không vì đó mà bị ố nhiễm bởi lỗi lầm.

Lại như hư không bao hàm, dung chứa hết thảy nghiệp về thân, miệng, ý, nhưng hư không đấy, không có sự khởi tác. Như vậy, pháp giới thanh tịnh của Như Lai, bao hàm dung chứa những việc, do biến hóa làm lợi ích cho chúng sinh của Nhất thiết trí; nhưng pháp giới thanh tịnh ấy không có sự khởi tác.

Lại như ở trong không trung, đủ mọi tướng màu sắc hiện sinh hiện diệt; nhưng hư không này thì không sinh không diệt. Như vậy, trong pháp giới thanh tịnh của Như Lai, có các việc do biến hóa, làm lợi ích cho chúng sinh của các trí hiện sinh hiện diệt; nhưng pháp giới thanh tịnh này, không sinh không diệt.

Lại như mọi sắc tướng trong hư không, hiện tăng hiện giảm; nhưng hư không này thì không tăng, không giảm. Như vậy, Thánh giáo cam lộ được hiển thị trong pháp giới thanh tịnh của Như Lai có tăng có giảm; nhưng pháp giới thanh tịnh thì không có sự tăng giảm.

Lại như sắc tướng ở mười phương, trong hư không thì vô biên, vô tận, cõi hư không này cũng vô biên, vô tận; nhưng hư không vẫn là không đi, không đến, không lay động, không chuyển dời. Như vậy, trong pháp giới thanh tịnh của Như Lai, mọi tác dụng của việc xây dựng lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh trong mười phương vô biên, vô tận, vì pháp giới thanh tịnh cũng vô biên vô tận; nhưng pháp giới thanh tịnh này, vẫn không đi, không đến, không lay động, không chuyển dời.

Lại như tam thiên thế giới trong hư không, đang mất, đang thành, nhưng cõi hư không thì không mất, không thành. Như vậy, trong pháp giới thanh tịnh của Như Lai đang có vô lượng tướng thành Đẳng Chánh Giác, hoặc lại thị hiện nhập đại Niết-bàn; nhưng pháp giới thanh tịnh, chẳng thành Đẳng chánh giác, chẳng nhập vắng lặng. Lại như dựa vào mọi sắc tướng trong hư không như hư, mục, khô, dòn biến khác, để có thể nắm bắt được; nhưng cõi hư không chẳng phải thay đổi kia, cũng không khó nhọc. Như vậy, dựa vào cõi tịnh của Như Lai, cõi của chúng sinh, đối với mọi học xứ, thân, khẩu, ý nghiệp hủy phạm có thể nắm bắt được, nhưng pháp giới thanh tịnh chẳng phải đổi khác kia, cũng không lao tệ. Lại như dựa vào mặt đất, núi lớn trong hư không; ánh sáng của nước, lửa, của Đế Thích cùng các quyến thuộc, cho đến ánh sáng của mặt trời, mặt trăng; mọi ánh sáng đó, đều có thể nắm bắt được; nhưng cõi hư không, chẳng phải là các tướng đó. Như vậy, dựa vào cõi tịnh Như Lai, thì có thể nắm bắt được giới uẩn; định uẩn; tuệ uẩn; giải thoát, giải thoát tri kiến uẩn; nhưng pháp giới tịnh ấy chẳng phải là các tướng đó.

Lại như trong hư không, mọi nhân duyên lần lượt thay nhau sinh khởi, tam thiên đại thiên vô lượng thế giới xoay vòng có thể nắm bắt được; nhưng cõi hư không thì vô sở khởi tác. Như vậy, trong pháp giới tịnh của Như Lai, đủ vô lượng các tướng chúng hội của Phật xoay vòng có thể nắm bắt được; nhưng pháp giới tịnh ấy thì vô sở khởi tác.

Lại nữa, này Diệu Sinh! Đại viên kính trí như là dựa vào các hình ảnh, hiện tướng, hiện trong gương tròn. Như vậy, dựa vào kính trí của Như Lai, thì mọi ảnh tượng, ở mọi nơi, đều hiện trong cảnh thức. Lấy gương tròn làm thí dụ, nên biết, giữa gương tròn và kính trí Như Lai, bình đẳng như nhau. Do đó, trí kính còn gọi là viên kính trí.

Như tấm gương tròn lớn, không bị lay động bởi có người ưa phước đức, treo gương nơi chỗ cao đẹp, để vô lượng chúng sinh, có điều kiện qua lại, đối với nó mà quan sát kỹ việc được mất của tự thân, để rồi muốn giữ cái được, bỏ cái mất. Như vậy, treo viên kính trí của Như Lai, ở nơi pháp giới thanh tịnh, không bị gián đoạn, nên cũng không bị dao động. Sở dĩ muốn khiến cho vô lượng, vô số chúng sinh quán sát nhiễm tịnh, cũng vì muốn lưu giữ cái tịnh, mà bỏ cái nhiễm.

Lại như tấm gương tròn, hết sức tốt như ngọc đã được mài giũa, gương sạch không nhơ, ánh sáng sẽ chiếu khắp. Như vậy, Đại viên kính trí của Như Lai ở trên trí của Phật hoàn toàn lìa khỏi mọi cấu bẩn của hết thảy phiền não đã biết là chướng ngại, hết sức tốt như ngọc đã được mài giũa vì dựa vào mà định ra, bởi có sự nhiếp trì, nên gương sạch không nhơ, làm các việc lợi lạc cho chúng sinh; ánh sáng sẽ chiếu khắp.

Lại như tấm gương tròn, bản chất dựa vào duyên, có đủ các ảnh tượng, tướng mạo sinh khởi. Như vậy, Đại viên kính trí của Như Lai, vì dựa vào các duyên ở bất cứ lúc nào, nên có đủ mọi trí, ảnh, tướng mạo sinh khởi.

Như trong gương tròn có rất nhiều các ảnh tượng khởi lên, chớ chẳng phải một; nhưng trên gương tròn không có các ảnh tượng, mà gương tròn này thì không động không tác. Như vậy, ở trên viên kính trí của Như Lai, có rất nhiều trí ảnh khởi lên, chớ chẳng phải một; nhưng trên viên kính trí không có các trí ảnh, mà kính trí này thì không động, không tác.

Lại như gương tròn cùng với các ảnh tượng, chẳng phải hợp, chẳng phải lìa; không có sự nhóm họp để hiện ra duyên ấy. Như vậy, Đại viên kính trí của Như Lai cùng các trí ảnh, chẳng hợp chẳng lìa, không nhóm họp, không tán mất.

Lại như gương tròn trong suốt đều khắp, tất cả mọi ảnh tượng, ở khắp mọi nơi, dựa vào bề mặt mà khởi lên. Như vậy, Đại viên kính trí của Như Lai không cắt đứt vô lượng mọi hành động sáng rỡ, vì các trí ảnh dựa vào duyên mà khởi lên khắp. Nghĩa là, các trí ảnh tượng của hàng Thanh văn thừa, các trí ảnh tượng của Duyên giác thừa, các trí ảnh tượng của vô thượng Đại thừa; vì muốn khiến cho những người thuộc Thanh văn, phải dựa vào Thanh văn thừa mà lìa khỏi; người thuộc Duyên giác phải dựa vào Duyên giác thừa mà lìa khỏi; người thuộc Đại thừa phải dựa vào vô thượng thừa mà lìa khỏi.

Như trong gương tròn, các ảnh tượng lớn có thể hiện được. Đó là các ảnh tượng như mặt đất, núi lớn, cây to, nhà cửa, cung điện lớn, nhưng gương tròn này, không bằng lượng ấy. Như vậy, trong Đại viên kính trí của Như Lai, từ Cực hỷ địa đến Phật địa, trí ảnh có thể nắm bắt được và cùng với tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, trí ảnh có thể nắm bắt được. Tuy nhiên, viên kính trí chẳng phải phân lượng ấy. Lại như tấm gương tròn, chẳng phải nơi chướng chất ảnh tượng khởi duyên. Như vậy, Đại viên kính trí của Như Lai, chẳng phải thuộc bạn ác, chẳng phải pháp bất chánh, chướng ngại chúng sinh trí ảnh khởi duyên. Nó chẳng phải loại đó.

Lại như tấm gương tròn, chẳng phải nơi ám chất ảnh tượng khởi duyên. Như vậy, Đại viên kính trí của Như Lai, chẳng phải nơi ưa ghét chúng sinh ngu muội trí ảnh khởi duyên. Nó chẳng phải loại đó.

Lại như tấm gương tròn, chẳng phải nơi viễn chất ảnh tượng khởi duyên. Như vậy, Đại viên kính trí của Như Lai, chẳng phải nơi bất tịnh, cảm lấy cái nghiệp tối tăm, không tin chúng sinh trí ảnh khởi duyên. Nó chẳng phải loại đó.

Lại nữa, này Diệu Sinh! Bình đẳng tánh trí là do thành tựu mười tướng tròn đầy. Chứng đắc các tướng tăng thượng yêu thích, thành tựu pháp tánh tròn đầy bình đẳng; chứng đắc tất cả sự lãnh thọ duyên khởi; thành tựu pháp tánh tròn đầy bình đẳng. Chứng đắc sự xa lìa dị tướng phi tướng, thành tựu pháp tánh tròn đầy bình đẳng. Lòng đại từ cứu giúp rộng rãi; thành tựu pháp tánh tròn đầy bình đẳng. Lòng đại Bi không chờ đợi, thành tựu pháp tánh tròn đầy bình đẳng. Thị hiện tùy theo mọi điều vui thích của các chúng sinh; thành tựu pháp tánh tròn đầy bình đẳng. Tất cả chúng sinh cung kính lãnh thọ những gì được nói; thành tựu pháp tánh tròn đầy bình đẳng. Thế gian vắng lặng đều đồng một vị; thành tựu pháp tánh bình đẳng tròn đầy. Các pháp khổ vui ở thế gian đều cùng một vị, pháp tánh bình đẳng, thành tựu tròn đầy. Tu tập gieo trồng vô lượng công đức rốt ráo, pháp tánh bình đẳng, thành tựu tròn đầy.

Lại nữa, này Diệu Sinh! Diệu quan sát trí ví như thế giới, nắm giữ cõi chúng sinh. Như vậy, Diệu quán sát trí của Như Lai, nắm giữ tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa, biện thuyết vô ngại pháp vi diệu của chư Phật.

Lại như các chúng sinh trong thế giới, phát sinh tức khắc hết thảy mọi vô lượng nhân duyên tướng thức. Như vậy, Diệu quan sát trí của Như Lai, có khả năng phát khởi tức khắc mọi điều hiểu biết, diệu trí vô ngại, hết thảy vô lượng nhân duyên tướng thức.

Lại như thế giới, có thể dạo chơi khắp những nơi đẹp đẽ như vườn, ao, rừng, rất là yêu thích. Như vậy, Diệu quan sát trí của Như Lai, có thể dạo khắp ở những nơi trang nghiêm trong pháp Ba-la-mậtđa, pháp Bồ-đề phần, mười Lực, bốn Vô úy, mười tám pháp Bất cộng của Phật, thật là ưa thích.

Lại như các bãi sông, các vầng nhật nguyệt, cõi trời Tứ thiên vương, trời Tam thập tam, trời Dạ-ma, trời Đổ-sử-đa, trời Lạc biến hóa, trời Tha hóa tự tại, Phạm thiên, ở trong thế giới… có màu sắc đẹp đẽ xen kẽ lẫn nhau. Như vậy, Diệu quán sát trí của Như Lai, biết nhân quả thạnh suy của thế gian và xuất thế gian; hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát chứng đắc một cách trọn vẹn, quán sát vẹn toàn màu sắc đẹp đẽ, xen kẽ lẫn nhau.

Lại như thế giới, vì các chúng sinh mà thọ dụng rộng lớn. Như vậy, Diệu quán sát trí của Như Lai, thị hiện tất cả chúng hội của chư Phật, làm mưa đại pháp, khiến cho chúng sinh thọ đại pháp lạc.

Như trong thế giới, năm nẻo có thể nắm bắt được. Đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, trời. Như vậy, trong Diệu quán sát trí của Như Lai, vô biên nhân quả, sai khác trong năm nẻo, hiển hiện đầy đủ.

Như trong thế giới, cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, có thể nắm bắt được. Như vậy, trong diệu quán sát trí của Như Lai, có vô biên nhân quả sai khác trong ba cõi, hiển hiện đầy đủ.

Như trong thế giới, Tô-mê-lô-đẳng, Đại Bảo Sơn vương hiển hiện, có thể nắm bắt được. Như vậy, trong Diệu quan sát trí của Như Lai, có thể nắm bắt được những oai thần được dẫn ra của chư Phật Bồ-tát, những giáo pháp rộng lớn sâu xa.

Như trong thế giới rộng lớn sâu xa, không thể khuynh động biển lớn có thể nắm bắt. Như vậy, trong Diệu quán sát trí của Như Lai, không bị đảo động bởi tất cả thiên ma, ngoại đạo, dị luận, pháp giới sâu xa, giáo pháp có thể nắm bắt được.

Lại như thế giới, từng dãy núi lớn nhỏ, bao vây xung quanh. Như vậy, Diệu quán sát trí của Như Lai, không mê muội, tất cả tự tướng đều có sự cộng tướng bao quanh.

Lại nữa, này Diệu Sinh! Thành sở tác trí như là khích lệ chúng sinh cố gắng tạo thân nghiệp; do đó, chúng sinh cố tìm cầu những công, những việc, quay theo những lợi lộc, trong các việc của nghề nông…

Như vậy, Thành sở tác trí của Như Lai là cần thân hóa nghiệp; do vậy, Như Lai khéo léo dùng sức phương tiện, hiện ra đủ mọi công việc tốt đẹp, ở khắp mọi nơi, thu phục những chúng sinh có tài năng mà cao ngạo; dẫn dắt họ, khiến họ nhập vào Thánh giáo, thành thục giải thoát. Lại như chúng sinh, vì thọ dụng thân nghiệp, do đó, chúng sinh thọ dụng mọi cảnh giới của sắc… Như vậy, thành sở tác trí của Như Lai, là thọ thân hóa nghiệp, vì thế, Như Lai sẽ tới những nơi các chúng sinh được sinh ra, hiện ra cùng loài sinh, nhưng ở địa vị được tôn trọng.

Do thị hiện đồng loại sinh ấy, nên thu phục được tất cả chúng sinh khác loại. Do khéo léo dùng sức phương tiện này, mà Như Lai đã dẫn dắt chúng sinh nhập vào Thánh giáo, thành thục sự giải thoát.

Lại như chúng sinh, vì lãnh thọ thân nghiệp, do đó chúng sinh phải lãnh thọ nghiệp quả thiện ác đã tạo ra. Như vậy, Thành sở tác trí của Như Lai là lãnh thân hóa nghiệp, vì thế, Như Lai sẽ hiện ra để lãnh thọ những bản sự, bản sinh, các hạnh khó tu hành. Rồi dùng sức phương tiện khéo léo này dẫn dắt, khiến cho chúng sinh nhập vào Thánh giáo, thành thục sự giải thoát.

Lại như chúng sinh, vì trau chuốt ngữ nghiệp, do đó, chúng sinh lần lượt cùng nhau đàm luận, cùng nhau khích lệ. Như vậy, Thành sở tác trí của Như Lai là Khánh ngữ hóa nghiệp. Vì thế, Như Lai sẽ tùy thuận mà diễn nói hết thảy pháp lạc, với văn nghĩa khéo léo mầu nhiệm, làm cho hàng chúng sinh ít trí mới nghe tin được. Nhờ khéo léo dùng sức phương tiện như vậy dẫn dắt, Như Lai đã khiến các chúng sinh nhập vào Thánh giáo, thành thục sự giải thoát.

Lại như chúng sinh, vì phương tiện ngữ nghiệp, do đó, chúng sinh lần lượt tạo nếp sinh hoạt: Chỉ bảo lẫn nhau, chuyên làm những việc khen cái tốt chê điều xấu ác. Như vậy, Thành sở tác trí của Như Lai là những phương tiện khởi lên ngữ biến hóa nghiệp; vì thế, Như Lai lập chánh học xứ, chê bai các việc buông thả, khen ngợi sự cẩn thận, rồi lại tạo dựng tùy, tín, hạnh, để mọi người tùy theo pháp mà thực hành. Do đã dùng sức phương tiện khéo léo, nên Như Lai đã dẫn dắt, khiến cho các chúng sinh nhập vào Thánh giáo, thành thục sự giải thoát.

Lại như chúng sinh, vì hiện dương ngữ nghiệp; do đó, chúng sinh phải lần lượt mở bày, giải thích, bàn bạc những điều chưa rõ nghĩa. Như vậy, Thành sở tác trí của Như Lai là biện ngữ hóa nghiệp; vì thế, Như Lai đoạn dứt vô lượng nghi hoặc cho các chúng sinh; rồi dùng sức phương tiện khéo léo dẫn dắt, khiến cho chúng sinh nhập vào Thánh giáo, thành thục sự giải thoát.

Lại như chúng sinh, vì quyết lựa chọn ý nghiệp; do đó, chúng sinh quyết lựa chọn những gì nên làm và không nên làm.

Như vậy, Thành sở tác trí của Như Lai là quyết ý hóa nghiệp; vì thế, Như Lai quyết lựa chọn cho được tám vạn bốn ngàn tâm hành sai biệt của chúng sinh; rồi dùng sức phương tiện khéo léo, dẫn dắt, khiến cho các chúng sinh nhập vào Thánh giáo, thành thục sự giải thoát.

Lại như chúng sinh, vì tạo tác ý nghiệp; do đó, chúng sinh phải làm ra phải khởi lên vô số nghiệp. Như vậy, Thành sở tác trí của Như Lai là tạo ý hóa nghiệp. Vì thế, Như Lai phải xem xét các hạnh trong mọi hành động của chúng sinh, những việc nên làm hay không nên làm, những việc hoặc được hoặc mất, để nắm giữ hoặc buông bỏ; rồi tạo ra cách thức để sửa trị. Dùng sức phương tiện khéo léo như vậy dẫn dắt, Như Lai đã khiến cho chúng sinh nhập vào Thánh giáo, thành thục sự giải thoát.

Lại như chúng sinh, vì phát khởi ý nghiệp; do đó, chúng sinh bắt đầu phát ra, tạo nên các nghiệp. Như vậy, Thành sở tác trí của Như Lai là phát ý hóa nghiệp. Vì thế, vì muốn tuyên nói pháp sửa trị ấy, Như Lai đã hiển hiện tên gọi, chữ nghĩa mà chúng sinh ưa thích; rồi dùng sức phương tiện khéo léo dẫn dắt, Như Lai đã khiến cho chúng sinh nhập vào Thánh giáo, thành thục sự giải thoát.

Lại như chúng sinh, vì thọ lãnh ý nghiệp. Do đó, chúng sinh phải chịu thọ nhận những khổ vui. Như vậy, Thành sở tác trí của Như Lai là thọ ý hóa nghiệp. Vì thế, đối với định và không định, Như Lai đặt ra vấn đề thọ ký và không thọ ký; rồi theo sự thích ứng của riêng họ, mà nhận lãnh được các nghĩa quá khứ, hiện tại và vị lai. Như Lai dùng sức phương tiện khéo léo như vậy dẫn dắt, khiến cho các chúng sinh nhập vào Thánh giáo, thành thục sự giải thoát.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Diệu Sinh bạch:

–Bạch Thế Tôn! Đối với pháp giới thanh tịnh, chỉ Như Lai thọ dụng hòa hợp nhất vị sự trí, còn các Bồ-tát cũng có thể như vậy?

Phật bảo Bồ-tát Diệu Sinh:

–Các Bồ-tát cũng có thể thọ dụng hòa hợp nhất vị sự trí.

Bồ-tát Diệu Sinh lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Những gì mà Bồ-tát thọ dụng hòa hợp nhất vị sự trí?

Phật bảo Diệu Sinh:

–Bồ-tát chứng đắc Vô sinh pháp nhẫn. Do trong pháp Vô sinh Bồ-tát ấy khi đắc được nhẫn giải, thì sửa trị được hai tưởng; do loại bỏ hai loại tưởng ta và người mà đạt được tâm bình đẳng. Từ đó trở lên, những tưởng khác về ta và người của các Bồ-tát ấy, không còn hiện tiền, đó là thọ dụng hòa hợp nhất vị sự trí.

Bồ-tát Diệu Sinh lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin Như Lai rộng nói thí dụ, để khiến cho các Bồ-tát thấu rõ nghĩa sâu xa, tùy nơi hóa duyên mà lưu truyền rộng khắp, khiến cho các chúng sinh nghe rồi sẽ mau hiểu rõ Vô sinh pháp nhẫn.

Phật bảo Diệu Sinh:

–Ví như cõi trời Tam thập tam chưa nhập vào tạp lâm, thì hoàn toàn không thể, đối với hoặc sự, hoặc thọ, vô ngã ngã sở mà hòa hợp thọ dụng được, nếu nhập vào tạp lâm, tức không phân biệt, tùy ý thọ dụng. Do tạp lâm này, có đức như vậy, có thể khiến các cõi trời nào nhập vào rừng này, thì các quả báo cõi trời hoặc sự, hoặc thọ, không có chỗ để suy nghĩ hòa hợp thọ dụng. Như vậy, nếu Bồ-tát chưa chứng đắc Vô sinh pháp nhẫn, trọn không thể đạt được tâm bình đẳng, xả bình đẳng và chẳng khác nào như tất cả các hàng Thanh văn, Duyên giác. Do có hai tưởng, Bồ-tát này không thể trụ, thọ dụng hòa hợp, nhất vị sự trí. Nếu đã chứng đắc Vô sinh pháp nhẫn, loại bỏ hai tưởng, đạt được tâm bình đẳng, thì hoàn toàn có sự khác biệt đối với các hàng Thanh văn, Duyên giác; do tâm bình đẳng, mà có thể trụ xả, thọ dụng hòa hợp, nhất vị sự trí.

Lại nữa, này Diệu Sinh! Ví như tất cả các dòng nước lớn nhỏ, khi chưa chảy vào biển lớn, thì mỗi dòng dựa theo hình dạng của dòng chảy mà nước có tăng giảm. Tùy theo lượng nước mà tạo ra mỗi dòng có sự khác nhau, phân chia thành dòng nhỏ, tùy theo đó mà có các loài thủy tộc sinh sống. Nếu nước đã chảy vào biển cả, thì không chia theo như cũ, nước không sai khác và lượng nước không hạn lượng, không tăng giảm, bản chất chỉ một mà thôi và dựa theo sự rộng lớn của nước, mà có các loài thủy tộc sinh sống. Như vậy, nếu Bồ-tát chưa nhập vào bể cả pháp giới thanh tịnh của Như Lai, tùy theo sự khác biệt nhau về trí khác về trí nhiều ít, mà có sự tăng giảm; tùy theo trí nghiệp ấy mà tạo ra sự khác biệt nhau, phân nhỏ ra làm chỗ nương dựa cho chúng sinh thành thục thiện căn. Nếu đã chứng nhập vào bể cả pháp giới thanh tịnh của Như Lai, thì không dựa theo như cũ, trí không sai khác, trí không hạn lượng, trí không có sự tăng giảm, thọ dụng hòa hợp nhất vị sự trí, làm chỗ nương tựa cho vô lượng chúng sinh thành thục thiện căn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Tất cả pháp Chân như
Hai chướng, tướng thanh tịnh
Pháp trí đó sở duyên
Tự tại, tướng vô tận.
Trí chân như biến khắp
Tu tập chứng đầy đủ
An lập chúng sinh nhi
Các giống, quả vô tận.
Thân ngữ và tâm hóa
Nghiệp phương tiện khéo léo
Định và môn Tổng trì
Vô biên đều thành tựu.
Pháp tự tánh thọ dụng
Biến hóa xoay chuyển khác
Như vậy tịnh pháp giới
Là điều chư Phật nói.

Lúc bấy giờ, thì Đức Thế Tôn đã nói xong kinh này. Sau khi nghe những lời Phật nói, tất cả đại chúng: Đại Bồ-tát Diệu Sinh… chư đại Thanh văn, cùng thế gian hàng Trời, Người, A-tố-lạc… đều hết sức vui mừng, tin tưởng, lãnh nhận tu hành.