KINH TỨ PHẨM HỌC PHÁP

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Cầu-na-bạt-đà-la, người xứ Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nếu có ba đức mà học đạo thì gọi là chân chánh học đạo. Đó là bậc trên.

Nếu giữ giới đầy đủ mà học đạo thì gọi là vâng theo pháp mà học đạo. Đó là bậc giữa.

Nếu giữ giới thấp mà học đạo thì gọi là nương theo phước mà học đạo. Đó là bậc dưới.

Nếu thực hành ba việc thì gọi là Tán thị. Tức là ngoài ba bậc kia.

Lại nữa, ba đức của người chân chánh học đạo là:

  1. Giới hạnh đầy đủ.
  2. Hiểu biết nhiều kinh pháp.
  3. Có khả năng hóa độ người.

Đây gọi là ba đức của người chân chánh học đạo.

Lại nữa, vâng theo pháp giữ giới đầy đủ là chuyên giữ năm giới, hiểu rõ tội phước và vâng theo giáo pháp. Còn nương theo phước và giữ giới thấp tức là chỉ giữ bốn giới trên, không giữ giới cấm rượu, tùy theo tập tục thế gian mà không thay đổi. Đó là nương theo phước mà học đạo.

Lại nữa, ba việc của Tán thị không phải là giới. Ba việc đó là gì?

  1. Thân quy y.
  2. Cúng dường.
  3. Theo phép học đạo.

Tự có sự phân biệt rằng không có thầy thì không có chỗ vâng theo, tâm tự nhiên yêu thích chứ không bị trói buộc nên gọi là pháp Tán thị.

Công đức của việc chân chánh học đạo hơn gấp trăm lần công đức của việc vâng theo pháp mà học đạo. Công đức của việc vâng theo pháp mà học đạo hơn gấp trăm lần công đức nương theo phước mà học đạo. Công đức nương theo phước mà học đạo hơn gấp trăm lần công đức theo pháp Tán thị. Công đức theo pháp Tán thị hơn gấp trăm lần phàm tục. Người phàm tục có khi không bằng súc sinh. Súc sinh có khi còn hơn con người. Vì sao? Vì con người luôn tạo tội phải đọa địa ngục. Tội địa ngục hết làm ngạ quỷ, tội ngạ quỷ hết chuyển làm súc sinh, tội súc sinh hết mới trở lại làm người. Còn trong loài súc sinh thì hết tội liền được làm người. Thế nên người phải làm lành, phụng hành theo sự dạy bảo của Tam tôn, học theo pháp của bốn bậc trên, vĩnh viễn xa lìa ba đường dữ, lần lần sinh lên cõi trời hay sinh làm người trong nhà hào tộc đời đời hưởng phước sau sẽ được giải thoát.

Kinh Tứ Phẩm Học Pháp

 

********

 

Nếu phạm một việc là mất oai nghi, phải như pháp tự học, đúng thời tự phát lồ ăn năn liền hết. Nếu người biếng nhác, không siêng năng thì nên lui ngồi xuống hàng dưới, sau đó có công đức mới trở lại.

Nếu người được dạy bảo, không vâng lời, phạm giới thì nên đuổi ngay, chớ cho ở trong chúng, sợ làm hư người khác.

Nếu người mới thọ pháp chưa đầy ba tháng, có phạm điều gì thì không nên hỏi, vì họ chưa được học. Những người đã học rồi thì áp dụng theo luật thượng hạ, kiểm xét lẫn nhau mới có thể mau thành nguyện lớn.

Pháp Tán thị.

Hỏi:

–Nếu có thiện nam muốn vào chánh đạo, muốn nương theo đạo lớn mà không vâng giữ giới, nên tu hạnh gì để cầu phước lành?

Thầy dạy:

–Cũng có ba việc gọi là pháp Tán thị tốt đẹp, có thể phụng thờ, đó là: Ủng hộ pháp, cúng dường pháp, học tập pháp. Làm ba việc này vượt hơn khi làm phàm phu gấp trăm lần.

Thế nào là hay thực hành pháp Tán thị? Nghĩa là tuy không giữ giới nhưng cũng phải khác phàm phu chút ít, thường nương chỗ có chỉ dạy kinh điển để ở. Nếu thấy người thế tục làm việc thiện hay làm việc ác, chớ nên dùng lời tốt để phân biệt và lời xấu để chỉ trích. Đó là pháp Tán thị thứ nhất.

Lại nữa, pháp Tán thị cúng dường là nên sớm chiều phụng thờ Tam bảo, chẳng nên biếng nhác. Tâm luôn hướng về Tam bảo và tu bổ kinh sách. Nếu nghèo khổ không có của cải để cúng dường thì phải hết sức siêng năng. Thấy người làm phước thì cung kính, gần gũi giúp đỡ, vui theo việc làm của họ. Đó là pháp Tán thị thứ hai.

Lại nữa, pháp Tán thị đối với những người đồng học là phải kính ái họ, không được kiêu mạn. Ngồi, đứng đều nghĩ đến nhau, ra vào chiêm nghiệm như được thấy nhau. Nếu khi đi đường, đi gần thì hỏi han nhau, cách xa thì chờ đợi nhau. Cẩn thận chớ trái ngược. Đó là pháp Tán thị thứ ba.

Thầy dạy:

–Làm ba việc như vậy, tuy chưa vượt qua, giống như đất có nhiều đá và cỏ, giống trồng lại không tốt cho nên thu hoạch được ít. Dùng thời gian đó tiếp tục trồng, còn hơn là bỏ không. Giống nghiệp không hư, gặp được đất tốt, việc trồng trọt thành tựu, thu hoạch mới được nhiều. Đây cũng như vậy, không ngưng việc tu hành, giữ gìn phước đức, gọi là nhóm họp, lãnh thọ giới chân chánh.