NGỰ CHẾ VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT TÁN

Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Tôn
Vô Lượng Thọ Phật, đời hiếm có
Hay diệt ức kiếp nghiệp vô thủy
Khiến khổ não ấy đều tiêu trừ
Nếu người hay dùng Tâm vi diệu
Dùng cõi Cực Lạc làm quán tưởng
Rộng cùng chúng sinh phân biệt nói
Mở mắt liền thấy A Di Đà (Amitāyus: Vô Lượng Thọ)
_Tướng sắc thân Phật hiển ánh sáng
Vàng Diêm Phù Đàn không thể bẳng
Cao lớn khôn sánh, do tuần (Joyana) số
Sáu mươi vạn ức na do tha (Nayuta)
Lông trắng (Bạch Hào: Ūrṇa) tam tinh, [như] năm Tu Di (Sumeru)
Mắt biếc lắng rộng [như] bốn biển lớn
Ánh sáng diễn ra các chân lông
Một lỗ chứa khắp các Đại Thiên
Trong một cõi có một hà sa (lượng cát trong con sông)
Cát có tám vạn bốn ngàn tướng
Trong mỗi một tướng lại như thế
Người làm, người quán tùy hiện tiền
_Dùng quán thân Phật, thấy tâm Phật
Chúng sinh nhớ tưởng thấy Hóa Phật
Theo tướng vào được Vô Sinh Nhẫn (Anutpattika-kṣānti)
Dùng Tam Muội (Samādhi) nhận Vô Biên Từ (Ananta-maitra)
Thân Phật vô lượng, rộng vô biên
Hóa Đạo dùng sức Nguyện đời trước
Người có nhớ tưởng, được thành tựu
Thần Thông như ý đầy hư không
_Chúng sinh ba loại đủ ba tâm
Tinh tiến, dũng mãnh không thoái chuyển
Liền được tay Như Lai tiếp dẫn
Cung điện bảy báu, ánh sáng lớn
Thân ấy mừng vui, đài Kim Cương
Tùy theo Phật, sau khoảng búng tay
Hành Đại Thừa (Mahā-yāna) hiểu Đệ Nhất Nghĩa (Paramārtha)
Liền sinh trong ao sen bảy báu
_A Di Đà Phật, Đại Từ Bi
Uy Đức mười lực khó khen nói
Xưng tên một tiếng, khởi một niệm
Đều trừ tám mươi ức kiếp tội
Dùng đó cứu nhổ không có cùng
Vì thế tên là Vô Lượng Thọ (Amitāyus)
_Xưa Thế Tôn ở Kỳ Xà Quật (Gṛdhra-kuṭa)
Cùng Đại Chúng nói Diệu Nhân Duyên
Lìa ưu não và Diêm Phù Đề (Jambu-dvīpa)
Siêu thoát tất cả các nẻo khổ
Nước Tịnh Diệu, tức cõi Cực Lạc (Sukhāvatī)
Tu ba Phước, phát Tâm Bồ Đề (Bodhi-citta)
Người tác niệm đó trụ bền chuyên
Nên nói Vô Lượng Thọ Phật Quán
_Công Đức như vậy chẳng thể nói
Điều chẳng thể nói, Diệu Quang Minh
Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng cho
Chúng sinh năm Trược (Pañca-kaṣāya), đều thành Phật
Chặt đứt tất cả Tưởng (Saṃjña) điên đảo
Giống như đem nước ném trong biển
Tính ướt, hỗn hợp cùng tương đồng
Tuy có Thánh Trí, khó phân biệt
Người người đều là Vô Lượng Thọ
Cúi đầu chiêm lễ, tức phương Tây

***

PHẬT NÓI KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT
Hán dịch: Đời Tống_ Tây Vực Tam Tạng CƯƠNG LƯƠNG GIA XÁ (Kālayaśas)
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật ngự trong núi Kỳ Xà Quật (Gṛdhra-kuṭa) tại thành Vương Xá (Rāja-gṛha) cùng với chúng Đại Tỳ Kheo (Mahatā-bhikṣusaṃgha) gồm một ngàn hai trăm năm mươi người đến dự. Bồ Tát (Bodhisatva) bồm có ba vạn hai ngàn mà Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử (Mañjuśrī-dharma-rājaputra) là bậc Thượng Thủ (Paramukha).

Bấy giờ đại thành Vương Xá có một Thái Tử tên là A Xà Thế (Ajātaśatru) thuận theo sự chỉ dạy của bạn ác là Điều Đạt (Đề Bà Đạt Đa: Devadatta) đã bắt giữ vua cha Tần Bà Sa La (Bimbisāra) giam ở chỗ kín, để ở bên trong nhà có bảy lớp, cấm các quần thần chẳng được đi đến.

Vị Đại Phu Nhân của nước, tên là Vi Đề Hy (Vaidehī) vì cung kính Đại Vương nên tắm gội sạch sẽ. Đem bơ, mật hòa với bột chín dùng xoa bôi lên thân, chứa đầy nước Bồ Đào trong các chuỗi Anh Lạc dâng lên cho vua.

Khi ấy Đại Vương ăn bột chín uống nước, xin nước xúc miệng. Xúc miệng xong, chắp tay cung kính, hướng về núi Kỳ Xà Quật, từ xa lạy Đức Thế Tôn rồi nói rằng: “Đại Mục Kiền Liên (Mahā-Māudgalyāyana) là bạn thân của tôi. Nguyện khởi Từ Bi truyền cho tôi tám Giới”.

Thời Mục Kiền Liên như con chim ưng bay nhanh đến chỗ của nhà vua, ngày ngày như vậy truyền cho nhà vua tám Giới. Đức Thế Tôn cũng sai Tôn Giả Phú Lâu Na (Pūrṇa) vì nhà vua nói Pháp. Thời gian như vậy trải qua 21 ngày, nhà vua ăn bột chín uống nước, được nghe Pháp cho nên nhan sắc vẫn tươi đẹp.

Một hôm, A Xà Thế hỏi người giữ cửa: “Vua cha hiện nay vẫn còn sống sao?”

Người giữ cửa bạch rằng: “Tâu Đại Vương! Quốc Đại Phu Nhân xoa bôi bột chín với mật lên thân, chứa đầy nước trong chuỗi Anh Lạc, đem dâng lên cho vua. Sa Môn Mục Liên với Phú Lâu Na từ hư không bay đến, vì đức vua nói Pháp, nên chẳng thể ngăn cấm được”

Khi A Xà Thế nghe lời đó xong, tức giận mẹ của mình mà nói rằng: “Mẹ ta là giặc, làm bạn với giặc. Sa Môn là người ác dùng Chú Thuật huyễn hoặc khiến cho vị vua ác này, nhiều ngày chẳng chết”. Liền cầm cây kiếm bén muốn hại mẹ của mình.

Lúc đó có một vị quan tên là Nguyệt Quang (Candra-prabha) thông minh nhiều Trí, cùng với Kỳ Bà (Jīva) vì nhà vua làm lễ rồi bạch rằng: “Đại Vương! Thần nghe Kinh Luận Tỳ Đà (Veda) nói: “Từ kiếp ban đầu đến nay, có các vua ác vì tham đất nước địa vị nên giết hại cha của mình, số đến một vạn tám ngàn người. Nhưng chưa từng nghe có kẻ Vô Đạo hại  mẹ. Nay nhà vua làm việc Sát Nghịch này, gây nhơ nhuốc cho giòng Sát Lợi (Kṣatriya). Thần chẳng nỡ nghe Chiên Đà La (Caṇḍāla) đó, nên chúng tôi chẳng thích hợp ở lại chốn này” 

Hai vị Đại Thần nói lời này xong, dùng bàn tay đè lên cây kiếm rồi lùi bước đi ra.

Thời A Xà Thế hoảng kinh sợ hãi, bảo Kỳ Bà rằng: “Ngươi chẳng vì Ta sao?”

Kỳ Bà bạch rằng: “Đại vương hãy cẩn thận, đừng nên hại mẹ”.

Nhà vua nghe lời này, liền sám hối cầu cứu. Tức liền buông cây kiếm, ngưng lại chẳng hại mẹ rồi sai Nội Quan giam mẹ vào Thâm Cung chẳng cho ra ngoài.

Khi Vi Đề Hy bị giam cầm ở chốn tối tăm thời lo buồn khốn khổ, từ xa hướng về núi Kỳ Xà Quật, lễ Đức Phật rồi nói lời này: “Khi trước Đức Như Lai Thế Tôn luôn khiến A Nan đi đến thăm hỏi con. Nay con buồn lo ! Đức Thế Tôn có uy trọng thời không có lý do gì mà chẳng nhìn thấy. Nguyện khiến Tôn Giả Mục Liên (Māudgalyāyana), A Nan (Ānanda) cùng đến gặp con!

Nói lời này xong, buồn khóc tuôn nước mắt như mưa, từ xa hướng về Đức Phật làm lễ. Chưa hết khoảng ngẩng đầu lên, bấy giờ Đức Thế Tôn ở tại núi Kỳ Xà Quật biết Tâm Niệm của Vi Đề Hy, liền sai Đại Mục Kiền Liên cùng với A Nan từ hư không đi đến, Đức Phật từ núi Kỳ Xà Quật ẩn mất rồi hiện ra ở cung vua.

Lúc Vi Đề Hy lễ xong, ngẩng đầu lên thời nhìn thấy Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật với thân màu vàng tía, ngồi trên hoa sen trăm báu, Mục Liên hầu bên trái, A Nan ở bên phải; Thích, Phạm, Hộ Thế, chư Thiên ở ngay trong hư không tuôn khắp mưa hoa Trời, cầm đem cúng dường.

Khi Vi Đề Hy nhìn thấy Đức Phật thời tự bứt đứt chuỗi Anh Lạc, gieo thân mình xuống đất, kêu khóc, hướng về Đức Phật bạch rằng: “Thế Tôn ! Đời trước, con có tội gì mà sinh ra đứa con xấu ác đó?!…Đức Thế Tôn lại có nhóm Nhân Duyên nào mà cùng với Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) làm Quyến Thuộc (Parivāra)? Nguyện xin Đức Thế Tôn vì con rộng nói nơi chốn không có lo lắng buồn bực, con sẽ vãng sinh, chẳng bị rơi vào đời trược ác ở cõi Diêm Phù Đề (Jampu-dvīpa). Nơi trược ác này đầy dẫy Địa Ngục, Quỷ đói, súc sinh…phần lớn chẳng gom tụ được điều lành (Kuśala: Thiện), con nguyện vị lai chẳng thấy người ác. Nay hướng về Đức Thế Tôn, cúi năm vóc sát đất, cầu thương Sám Hối. Nguyện xin Đấng Phật Nhật (Buddha-sūrya) dạy bảo con quán nơi có nghiệp thanh tịnh”

Bấy giờ Ðức Thế Tôn phóng ánh sáng ở Tam Tinh, ánh sáng ấy màu vàng ròng, chiếu khắp vô lượng Thế Giới ở mười phương rồi quay về trụ ở đỉnh đầu của Đức Phật, hóa làm đài vàng ròng như núi Tu Di (Sumeru), các cõi nước trong sạch màu nhiệm của chư Phật ở mười phương đều hiện ở bên trong.

Hoặc có cõi nước do bảy báu hợp thành. Hoặc có cõi nước thuần là hoa sen. Lại có cõi nước như cung Trời Tự Tại. Lại có cõi nước như gương Pha Lê, cõi nước ở mười phương đều hiện ở bên trong. Có vô lượng cõi nước của chư Phật thuộc nhóm như vậy hiển hiện trang nghiêm, có thể quán, khiến cho Vi Ðề Hy nhìn thấy.

Thời Vi Ðề Hy bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Các cõi Phật này tuy  lại thanh tịnh đều có ánh sáng. Nay con thích sanh về Thế Giới Cực Lạc (Sukhā-vatī), chỗ của Đức Phật A Di Ðà. Nguyện xin Đức Thế Tôn dạy cho con suy nghĩ, dạy cho con Chính Thọ (Samāpatti: Đẳng Chí, Chính Định hiện trước mặt)”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền mỉm cười, có ánh sáng năm màu từ miệng đức Phật tuôn ra, mỗi một ánh sáng chiếu soi đỉnh đầu của vua Tần Bà La Sa (Bimbisāra). Khi ấy, Đại Vương tuy ở tại chỗ giam cầm tăm tối, nhưng con mắt Tâm không bị ngăn che, nhìn thấy Đức Thế Tôn, liền cúi đầu làm lễ, tự nhiên tăng tiến, thành A Na Hàm (Anāgāmin: Bất Lai, Bất Hoàn, bậc Thánh ở quả vị thứ ba trong bốn quả Thanh Văn).

Lúc đó Đức Thế Tôn bảo Vi Đề Hy: “Nay bà biết chăng ! Đức Phật A Di Đà cách đây chẳng xa, bà nên cột niệm, quán sát kỹ lưỡng điều thành Nghiệp trong sạch (Viśuddha-karma:Tịnh Nghiệp) của nước ấy. Nay Ta vì bà rộng nói mọi thí dụ, cũng khiến cho tất cả phàm phu ở đời vị lai muốn tu nghiệp trong sạch được sinh về cõi nước Cực Lạc ở phương Tây.

Người muốn sinh về nước ấy, nên tu ba Phước (Puṇya).

1_ Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, Tâm hiền lành (Từ Tâm: Maitracitta) chẳng giết chóc, tu mười nghiệp lành.

2_ Thọ trì Tam Quy (Tri-śaraṇa-gamana: tức chỉ Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng), đầy đủ mọi Giới (Śīla), chẳng phạm uy nghi.

3_ Phát Tâm Bồ Đề (Bodhi-citta), tin sâu Nhân Quả (Hetu-phala), đọc tụng Đại Thừa (Mahā-yāna), khuyên người tu hành tăng tiến.

Như ba việc này, gọi là Nghiệp trong sạch (Tịnh Nghiệp: Viśuddha-karma)”.

Đức Phật bảo Vi Đề Hy: “Nay bà biết chăng ? Ba loại Nghiệp này tức là Nhân chính thuộc nghiệp trong sạch của chư Phật ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại”

Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Hãy lắng nghe ! Hãy nghe cho kỹ ! Hãy khéo nghĩ nhớ ! Nay Như Lai vì tất cả chúng sinh đời vị lai bị giặc phiền não gây hại mà nói Nghiệp trong sạch.

Lành thay ! Vi Đề Hy thích hỏi việc này !

Này A Nan ! Ông nên trọ trì, rộng vì nhiều Chúng tuyên nói lởi của Phật ! Nay Như Lai dạy cho Vi Đề Hy với tất cả chúng sinh đời vị lai quán Thế Giới Cực Lạc ở phương Tây. Do sức của Phật cho nên sẽ được nhìn thấy cõi nước thanh tịnh ấy, như cái gương sáng tự nhìn thấy khuôn mặt của mình. Nhìn thấy việc rất diệu lạc của cõi nước ấy, Tâm vui vẻ cho nên ứng thời được Vô Sinh Pháp Nhẫn (Anutpattikadharma-kṣānti)”.

Đức Phật bảo Vi Đề Hy: “Bà là phàm phu, Tâm tưởng yếu kém, chưa được Thiên Nhãn (Divya-cakṣu), chẳng thể quán xa. Chư Phật Như Lai có phương tiện khác khiến cho bà được nhìn thấy”.

Thời Vi Đề Hy bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Như con ngày nay dùng sức của Phật cho nên được thấy cõi nước kia. Nếu sau khi Đức Phật nhập diệt thì các hàng chúng sinh bị trược ác, bất thiện (Akuśala), năm khổ ép bức. Làm sao để thấy Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà ?!…”

Đức Phật bảo Vi Đề Hy: “Bà với chúng sinh cần phải chuyên Tâm, cuộc buộc niệm vào một chỗ, tưởng ở phương Tây.

_ Tác Tưởng thế nào? Phàm người tác tưởng là: Tất cả chúng sinh tự mình chẳng phải là người mù (sinh manh), có con mắt nhìn, đều thấy mặt trời lặn mất. Nên khởi tưởng niệm, ngồi ngay thẳng, hướng về phương Tây, quán sát kỹ lưỡng mặt trời, khiến cho Tâm trụ bền chắc, chuyên Tưởng chẳng dời đổi, nhìn thấy mặt trời muốn lặn mất, dạng như cái trống treo. Đã nhìn thấy mặt trời xong, nhắm mắt mở mắt đều khiến cho thật rõ ràng. Đây là Nhật Tưởng (Quán tưởng mặt trời) gọi là Sơ Quán

(Quán tưởng đầu tiên)

Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán”.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Quán đầu tiên thành xong, tiếp theo tác Thủy Tưởng (quán tưởng nước). Tưởng nhìn thấy phương Tây, tất cả đều là nước lớn, thấy nước lắng trong, cũng khiến cho thật rõ ràng, không có Ý phân tán. Đã thấy nước xong, nên khởi băng Tưởng (quán tưởng nước đóng thành băng), thấy băng chiếu rọi trong suốt, liền tác Lưu Ly Tưởng (quán tưởng băng là Lưu Ly). Tưởng này thành xong, nhìn thấy đất Lưu Ly trong ngoài chiếu rọi trong suốt, bên dưới có cây phướng vàng Kim Cương bảy báu chống đỡ đất Lưu Ly. Cây phương ấy có đầy đủ tám phương tám góc cạnh, mỗi một phương diện do trăm báu tạo thành, mỗi một viên ngọc báu có một ngàn ánh sáng, mỗi một ánh sáng có tám vạn bốn ngàn màu sắc. Đất Lưu Ly chiếu rọi như một ức ngàn mặt trời chẳng thể thấy đủ.

Trên đất Lưu Ly dùng đủ loại sợi dây vàng ròng, bảy báu xen kẽ phân chia ranh giới ngang bằng rõ ràng. Trong mỗi một báu có ánh sáng năm trăm màu, ánh sáng ấy như hoa, lại như trăng sao treo ở hư không thành cái Đài ánh sáng với lầu gác do trăm vạn báu hợp thành. Ở hai bên đài đều có trăm ngàn cây phướng hoa, vô lượng nhạc khí dùng để trang nghiêm, tám loại gió trong mát từ ánh sáng tuôn ra tấu nhạc khí này, diễn nói âm: Khổ (Duḥkha), Không (Śūnya:trống rỗng), Vô Thường (Anitya), Vô Ngã (Anātman).

Đây là Thủy Tưởng gọi là Quán thứ hai

Khi Tưởng này thành thời mỗi mỗi quán hết sức khiến cho thật rõ ràng, nhắm mắt mở mắt chẳng để cho tan mất, chỉ trừ lúc ăn, luôn nhớ việc này.

Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán”.

_ Đức Phật bảo Vi Đề Hy: “Thủy Tưởng thành xong, gọi là thô sơ nhìn thấy đất của cõi nước Cực Lạc. Nếu được Tam Muội (Samadhi) này nhìn thấy đất của cõi nước ấy mỗi mỗi thật rõ ràng, chẳng thể nói đủ. Đây là Địa Tưởng gọi là Quán thứ ba.

Đức Phật bảo A Nan: “Ông giữ gìn lời của Phật, vì tất cả Đại Chúng trong đời vị lai, muốn thoát khổ thời nói Pháp quán đất này. Nếu người quán đất sẽ trừ được tội trong tám mươi ức kiếp sinh tử, buông bỏ thân thì đời khác ắt sinh về Tịnh Quốc, Tâm được không nghi ngờ.

Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán”.

_ Đức Phật bảo Vi Đề Hy: “Địa Tưởng thành xong, tiếp theo quán cây báu.

Người quán cây báu, mỗi mỗi quán. Tưởng làm bảy hàng lớp cây, mỗi một cây cao tám ngàn Do Tuần (Joyana). Các cây báu ấy có hoa lá bảy báu không có gì chẳng đầy đủ, mỗi một hoa báu làm màu sắc khác lạ, trong màu Lưu Ly tuôn ra ánh sáng màu vàng ròng, trong màu Pha Lê tuôn ra ánh sáng màu hồng, trong màu Mã Não tuôn ra ánh sáng Xa Cừ, trong màu Xa Cừ tuôn ra ánh sáng châu ngọc xanh lục….

San Hô, Hổ Phách, tất cả mọi báu chiếu rọi nhau tô điểm lưới châu ngọc màu nhiệm dời che trùm trên cây. Trên mỗi một cây có bảy lớp lưới, khoảng giữa mỗi một cái lưới có năm trăm ức cung điện tỏa mùi thơm như cung của Phạm Vương, chư Thiên Đồng Tử tự tại bên trong, mỗi một Đồng Tử có năm trăm ức báu Ma Ni (Maṇi) Thích Ca Tỳ Lăng Già (Sakrābhilagna: bảo châu), dùng làm chuỗi Anh Lạc. Ánh sáng của Ma Ni ấy chiếu một trăm Do Tuần (Joyana) giống như hòa hợp trăm ức mặt trời mặt trăng, chẳng thể nêu đủ tên gọi, mọi báu xen kẽ bên trong bên trên màu sắc.

Các cây báu này mỗi mỗi bày hàng tương đương nhau, lá lá kế tiếp nhau. Ở trong khoảng giữa mọi lá, sinh ra các hoa màu nhiệm, trên hoa tự nhiên có quả trái bảy báu, mỗi một cây lá ngang rộng đúng bằng hai mươi Do Tuần.

Ngàn màu sắc của lá ấy có trăm loại vạch như ngàn chuỗi Anh Lạc, có mọi hơi thơm, làm màu sắc của vàng Diêm Phù (Jambūnada-suvarṇa). Như bánh xe lửa xoay chuyển, uyển chuyển khoảng giữa lá sinh ra các quả trái, Như cái bình Đế Thích có ánh sáng lớn, hóa thành vô lượng cái lọng báu, trong lọng báu này, chiếu rọi hiện tất cả việc Phật trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, Nước Phật ở mười phương cũng hiện ở bên trong.

Nhìn thấy cây này xong, cũng nên theo thứ tự mỗi mỗi quán. Quán thấy thân cây, cành, nhánh, hoa, quả đều khiến cho rõ ràng. Đây là Thụ Tưởng (quán tưởng cây) gọi là Quán thứ tư.

Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Thụ Tưởng thành xong, tiếp theo nên tưởng nước.

Người muốn tưởng nước. Cõi nước Cực Lạc có tám ao nước, mỗi một ao nước do bảy báu tạo thành, báu ấy mềm mại từ Như Ý Châu Vương sinh ra, chia làm bốn mươi nhánh, mỗi một nhánh làm màu sắc của bảy báu, màu vàng chói làm ngòi lạch, bên dưới ngòi lạch đều dùng Kim Cương tạp sắc dùng làm cát ở đáy. Trong mỗi một ao nước có sáu mươi ức hoa sen bảy báu, mỗi một hoa sen tròn trịa đúng bằng mười hai Do Tuần, nước Ma Ni ấy chảy rót tìm phần trên phần dưới của cái cây, phát ra tiếng vi diệu, diễn nói Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, các Ba La Mật (Pāramitā), lại có tiếng khen ngợi tướng tốt của chư Phật. Từ Như Ý Châu Vương tuôn ra ánh sáng vi diệu màu vàng ròng, ánh sáng ấy hóa làm loài chim màu sắc trăm báu hòa hót êm dịu, thường khen Niệm Phật (Buddhānusmṛti), Niệm Pháp (Dharmānusmṛti), Niệm Tăng (Saṃghānusmṛti).

Đây là Tưởng nước có tám Công Đức, gọi là Quán thứ năm

Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Trên mỗi một Giới của Cõi nước mọi báu có năm trăm ức cái lầu báu, trong lầu gác ấy có vô lượng chư Thiên tấu kỹ nhạc của cõi Trời, Lại có nhạc khí treo trong hư không như Bảo Tràng (Ratna-dhvaja: Vị Đại Thần ở cung Trời Đâu Suất, có thể tự mình tuôn ra bảy báu rải khắp, mỗi mỗi châu báu lại hóa thành nhạc khí treo trên hư không, không cần đánh tự kêu) của cõi Trời chẳng đánh tự kêu vang. Trong mọi Âm này đều nói Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tỳ Khưu Tăng.

Tưởng này thành xong, gọi là thô sơ nhìn thấy cây báu, đất báu, ao báu của Thế Giới Cực Lạc. Đây là Tổng Quán Tưởng, gọi là Quán thứ sáu.

Nếu người nhìn thấy điều này sẽ trừ được nghiệp ác cực nặng trong vô lượng ức KIếp, sau khi chết ắt sinh về nước ấy.

Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán”.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Hãy lắng nghe ! Hãy nghe cho kỹ ! Hãy khéo nghĩ nhớ ! Ta sẽ vì ngươi phân biệt giải nói Pháp trừ khổ não. Các ngươi nhớ giữ gìn, rộng vì Đại Chúng phân biệt giải nói”

Nói lời này xong thời Đức Phật Vô Lượng Thọ (Amitāyus) đứng trụ trong hư không, hai vị Đại Sĩ Quán Thế Âm (Avalokiteśvara), Đại Thế Chí (Mahā-sthāmaprāpta) đứng hầu bên trái bên phải, ánh sáng rực rỡ chẳng thể nhìn thấy đủ, trăm ngàn màu sắc của vàng Diêm Phù Đàn (Jambūnada-suvarṇa) chẳng thể so sánh nổi.

Khi Vi Đề Hy nhìn thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ xong, liền cúi lạy sát bàn chân của Đức Phật, rồi bạch Phật rằng: “Nay con nhân vào sức của Phật, được thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ với hai vị Bồ Tát. Chúng sinh đời vị lai nên làm thế nào để quán Đức Phật Vô Lượng Thọ với hai bị Bồ Tát ?”

Đức Phật bảo Vi Đề Hy: “Người muốn quán Đức Phật ấy, nên khởi tưởng niệm, ở trên đất bảy báo, tưởng làm một hoa sen, khiến mỗi một cánh của hoa sen ấy làm màu sắc trăm báu, có tám vạn bốn ngàn mạch giống như một ngàn vạch, mỗi một mạch có tám vạn bốn ngàn ánh sáng, mỗi mỗi thật rõ ràng đều khiến cho nhìn thấy được.

Cánh hoa dù nhỏ cũng ngang rộng hai trăm năm mươi Do Tuần. Hoa sen như vậy có tám vạn bốn ngàn cánh lớn, khoảng giữa mỗi một cánh có trăm ức Ma Ni Châu Vương dùng để chiếu rọi tô điểm, mỗi một Ma Ni Châu phóng ngàn ánh sáng, ánh sáng ấy như cái dù do bảy báu hợp thành che trùm trên đất, báu Ma Ni Thích La Tỳ Lăng Già (Sakrābhilagna: bảo châu) dùng làm cái Đài ấy. Đài hoa sen này có tám vạn báu Kim Cương Chân Thúc Ca (Vajra-Kiṃśuka: Đá báu màu đỏ cứng như Kim Cương), báu Phạm Ma Ni (Brahma-maṇi), lưới châu ngọc màu nhiệm  giao chéo nhau tô điểm.

Ở trên đài ấy, tự nhiên có bốn cây phướng báu làm cột, mỗi một cây phướng báu như trăm ngàn vạn ức núi Tu Di (Sumeru), vòng hoa trên cây phương như cung Trời Dạ Ma (Yama). Lại có năm trăm ức viên ngọc báu vi diệu dùng để chiếu rọi tô điểm, mỗi một viên ngọc báu có tám vạn bốn ngàn ánh sáng, mỗi một ánh sáng làm tám vạn bốn ngàn màu vàng ròng khác loại, hoặc lảm đài Kim Cương, hoặc làm lưới châu báu, hoặc làm mây hoa tạp. Ở mười phương diện, tùy ý biến hiện thi hành việc Phật.

Đây là Hoa Tòa Tưởng (quán tưởng tòa hoa) gọi là Quán thứ bảy”.

Đức Phật bảo A Nan: “Như hoa màu nhiệm này vốn là sức nguyện của Tỳ Khưu Pháp Tạng (Dharmakāra) tạo thành. Nếu người muốn niệm Đức Phật ấy, trước tiên nên tác tưởng tòa hoa màu nhiệm này. Lúc tác tưởng này thời chẳng được quán tạp nhạp, đều nên mỗi mỗi quán: mỗi một cánh, mỗi một viên ngọc, mỗi một ánh sáng, mỗi một đài, mỗi một cây phướng đều khiến cho rõ ràng, như ở trong gương tự nhìn thấy khuôn mặt của mình. Tưởng này thành xong sẽ diệt trừ tội trong năm tăm ức kiếp sinh tử, quyết định sinh về Thế Giới Cực Lạc.

Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán”.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Nhìn thấy việc này xong, tiếp theo nên tưởng Đức Phật. Tại sao thế ? Vì chư Phật Như Lai là Thân Pháp Giới (Dharmadhātu-kāya) vào khắp trong Tâm Tưởng của tất cả chúng sinh, thế nên các ngươi khi Tâm tưởng Phật thời Tâm này tức là 32 tướng tốt 80 tùy hình tốt đẹp, Tâm này làm Phật, Tâm này là Phật, biển chư Phật Chính Biến Tri từ Tâm Tưởng sinh ra, chính vì thế cho nên một lòng cột buộc niệm, quán kỹ lưỡng Đức Phật Đa Đà A Già Độ A La Ha Tam Miểu Tam Phật Đà (Tathāgatāya-arhate-samyaksaṃbuddha: Như Lai Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) ấy.

Người tưởng Đức Phật ấy, trước tiên nên tưởng hình tượng, nhắm mắt mở mắt nhìn thấy một tượng báu như màu vàng Diêm Phù, ngồi trên hoa kia. Tượng đã ngồi xong thì con mắt Tâm được khai mở mỗi mỗi thật rõ ràng nhìn thấy cõi nước Cực Lạc với  bảy báu trang nghiêm, đất báu, ao báu, cây báu xếp thành hàng, chư Thiên, vòng hoa báu dời che trùm trên cây, mọi lưới võng báu tràn đầy trong hư không. Thấy việc như đây, khiến cho thật rõ ràng như quán sát trong lòng bàn tay.

Thấy việc này xong, lại nên làm một hoa sen lớn ngay bên trái Đức Phật, như nhóm hoa sen lúc trước không có khác, lại làm một hoa sen lớn ngay bên phải Đức Phật. Tưởng tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ngồi trên hòa hoa bên trái cũng phóng ánh sáng màu vàng ròng như lúc trước không khác. Tưởng một tượng Đại Thế Chí Bồ Tát ngồi ở tòa hoa bên phải.

Lúc Tưởng này thành thời, tượng Phật Bồ Tát đều phóng ánh sáng màu nhiệm, ánh sáng ấy có màu vàng ròng chiếu các cây báu, bên dưới mỗi một cây cũng có ba hoa sen, trên các hoa sen đều có tượng của một Phật hai vị Bồ Tát tràn đầy khắp cõi nước ấy.

Khi Tưởng này thành thời Hành Giả nên nghe thấy nước chảy, ánh ánh với các cây báu, vịt trời, chim nhạn, chim Uyên Ương đều nói Diệu Pháp. Xuất Định, nhập Định thời luôn nghe Diệu Pháp. Hành Giả đã nghe, khi ra khỏi Định thời nhớ giữ chẳng buông bỏ, khiến cùng hợp với Tu Đa La (Suutra: Khế Kinh). Nếu chẳng hợp thì gọi là Vọng Tưởng, nếu cùng hợp thì gọi là Thô sơ tưởng thấy Thế Giới Cực Lạc.

Đây là Tưởng Tượng (Quán tưởng hình tượng), gọi là Quán thứ tám.

Người tác Quán này sẽ trừ được tội của vô lượng ức kiếp sinh tử, ở trong thân hiện tại được Niệm Phật Tam Muội.

Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán”.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Tưởng này thành xong, tiếp theo nên quán Thân tướng, ánh sáng của Đức Phật Vô Lượng Thọ.

A Nan nên biết ! Thân của Đức Phật Vô Lượng Thọ có màu sắc như trăm ngàn vạn ức Dạ Ma Thiên, vàng của Diêm Phù Đề. Thân Phật cao sáu mươi vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần, sợi lông trắng (Ūrṇa: Bạch Hào) ở Tam Tinh xoay vòng theo bên phải uyển chuyển như năm ngọn núi Tu Di, mắt Phật trong sạch như nước của bốn biển lớn trắng trong rõ ràng, các lỗ chân lông trên thân diễn ra ánh sáng như núi Tu Di.

Đức Phật ấy có hào quang tròn như trăm ức ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, ở trong hào quang tròn có trăm vạn ức na do tha hằng hà sa vị Hóa Phật (Nirmāṇa-buddha), mỗi một vị Hóa Phật cũng có Chúng rất nhiều, vô số vị Hóa Bồ Tát (Nirmāṇabodhisatva) làm Thị Giả (Ante-vāsin).

Đức Phật Vô Lượng Thọ có tám vạn bốn ngàn tướng, trong mỗi một tướng đều có tám vạn bốn ngàn tùy hình tốt đẹp, trong mỗi một tùy hình tốt đẹp lại có tám vạn bốn ngàn ánh sáng, mỗi một ánh sáng chiếu khắp mười phương Thế Giới, nhiếp lấy chúng sinh niệm Phật chẳng buông bỏ.

Tướng tốt đẹp của ánh sáng ấy cùng với Hóa Phật chẳng thể nói đủ, chỉ nên nhớ tưởng khiến cho Tâm thấy rõ.

Người nhìn thấy việc này, tức nhìn thấy tất cả chư Phật ở mười phương. Đã nhìn thấy chư Phật cho nên gọi là Niệm Phật Tam Muội.

Tác Quán này gọi là quán tất cả thân Phật, do quán thân Phật cho nên cũng nhìn thấy Tâm của Phật, Tâm của chư Phật là Đại Từ Bi, dùng Vô Duyên Từ nhiếp các chúng sinh.

Người tác Quán này, buông bỏ thân thì đời khác được sinh trước mặt chư Phật, được Vô Sinh Nhẫn. Chính vì thế cho nên bậc Trí cần phải cột buộc Tâm, quán kỹ lưỡng Đức Phật Vô Lượng Thọ.

Người quán Đức Phật Vô Lượng Thọ theo một tướng tốt đẹp nhập vào, chỉ Quán sợi lông trắng ở tam tinh cho thật rõ ràng. Người nhìn thấy tướng sợi lông trắng ở tam tinh thì tự nhiên sẽ thấy tám vạn bốn ngàn tướng tốt đẹp.

Người nhìn thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ liền nhìn thấy vô lượng chư Phật ở mười phương, được thấy vô lượng chư Phật cho nên chư Phật hiện trước mặt Thọ Ký (Vyākaraṇa)

Đây là Biến Quán Nhất Thiết Sắc Tưởng (Tưởng quán sát khắp tất cả hình thể màu sắc) gọi là Quán thứ chín.

Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán”.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Nhìn thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ mỗi mỗi thật rõ ràng xong, tiếp theo nên quán Quán Thế Âm Bồ Tát.

Thân của vị Bồ Tát này dài tám mươi ức na do tha hằng hà sa do tuần. Thân màu vàng tía, đỉnh có Nhục Kế (Uṣṇīṣa), cổ có hào quang tròn, mặt đều trăm ngàn do tuần. Trong hào quang tròn ấy có năm trăm vị Hóa Phật như Thích Ca Mâu Ni; mỗi một vị Hóa Phật có năm trăm vị Bồ Tát, vô lượng chư Thiên dùng làm Thị Giả. Trong hào quang của khắp thân đều hiện tất cả sắc tướng của chúng sinh trong năm đường.

Trên đỉnh có báu Tỳ Lăng Già Ma Ni (Śakrābhilagna-maṇi-ratna) màu nhiệm dùng làm mão trời, trong cái mão ấy có một vị Hóa Phật đứng, cao hai mươi lăm do tuần.

Mặt của Quán Thế Âm Bồ Tát có màu sắc như vàng Diêm Phù Đàn, tướng của sợi lông ở tam tinh có đủ màu của bảy báu, tuôn ra tám vạn bốn ngàn loại ánh sáng, mỗi một ánh sáng có vô lượng vô số trăm ngàn vị Hóa Phật, mỗi một vị Hóa Phật có vô số vị Hóa Bồ Tát dùng làm Thị Giả, biến hiện tự tại tràn đầy mười phương Giới.

Cánh tay như màu hoa sen hồng, có tám vạn ức ánh sáng màu nhiệm dùng làm chuỗi Anh Lạc, trong chuỗi Anh Lạc ấy hiện khắp các việc trang nghiêm.

Bàn tay và lòng bàn tay làm màu sắc của năm trăm ức hoa sen tạp. Bàn tay có mười đầu ngón tay, mỗi một đầu ngón tay có tám vạn bốn ngàn vạch giống như Ấn Văn, mỗi một vạch có tám vạn bốn ngàn màu sắc, mỗi một màu sắc có tám vạn bốn ngàn ánh sáng, ánh sáng ấy nhu nhuyễn chiếu khắp tất cả. Dùng bàn tay báu này tiếp dẫn chúng sinh.

Khi nhấc chân thời bên dưới bàn chân có tướng bánh xe ngàn căm (Thiên Bức Luân), tự nhiên hóa thành năm trăm ức Đài ánh sáng. Khi hạ chân thời có hoa Kim Cương Ma Ni rải bày tất cả, không có chỗ nào chẳng tràn đầy.

Thân Tướng còn lại có đầy đủ mọi sự tốt đẹp như Đức Phật không có khác, chỉ có Nhục Kế (Uṣṇīṣa) với tướng Vô Kiến Đỉnh (Uṣṇīṣaśiraskatā) trên đỉnh đầu thì chẳng theo kịp Đức Thế Tôn.

Đây gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát chân thật sắc thân Tưởng (Quán tưởng sắc thân chân thật của Quán Thế Âm Bồ Tát), gọi là Quán thứ mười”.

Đức Phật bảo A Nan: “Nếu muốn quán Quán Thế Âm Bồ Tát thì nên tác Quán này. Người tác Quán này chẳng gặp các tai họa, tĩnh trừ nghiệp chướng, trừ tội của vô số kiếp sinh tử. Như vị Bồ Tát này, chỉ nghe tên của Ngài còn được vô lượng Phước, huống chi là quán sát kỹ lưỡng.

Nếu người muốn quán Quán Thế Âm Bồ Tát, trước tiên nên quán Nhục Kế trên đỉnh đầu, tiếp theo quán mão trời, mọi tướng còn lại cũng theo thứ tự quán sát, đều khiến cho thật rõ ràng như xem xét trong lòng bàn tay.

Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán”.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Tiếp theo quán Đại Thế Chí Bồ Tát. Lượng thân của vị Bồ Tát này lớn nhỏ cũng như Quán Thế Âm. Hào quang tròn, khuôn mặt đều là hai trăm hai mươi lăm do tuần, chiếu hai trăm năm mươi do tuần, ánh sáng của khắp thân chiếu cõi nước ở mười phương, làm màu vàng tía, chúng sinh có duyên thảy đều được nhìn thấy. Chỉ nhìn thấy ánh sáng thuộc một lỗ chân lông của vị Bồ Tát này, liền nhìn thấy ánh sáng tịnh diệu của vô lượng chư Phật ở mười phương, thế nên vị Bồ Tát này có hiệu là Vô Biên Quang (Ananta-prabhāsa).

Do ánh sáng Trí Tuệ chiếu khắp tất cả khiến lìa ba đường, được sức vô thượng, thế nên vị Bồ Tát này có hiệu là Đại Thế Chí (Mahā-sthāma-prāpta).

Mão trời của vị Bồ Tát này có năm trăm hoa sen báu, mỗi một hoa báu có năm trăm cái đài báu, trong mỗi một cái đài thì tướng rộng dài của cõi nước tịnh diệu của chư Phật ở mười phương đều hiện ở bên trong.

Nhục Kế trên đỉnh đầu như hoa Bát Đầu Ma (Padma: hoa sen hồng). Ở trên Nhục Kế có một cái bình báu chứa đầy ánh sáng, hiện khắp việc Phật.

Các thân tướng còn lại như Quán Thế Âm không có khác.

Khi vị Bồ Tát này bước đi thời mười phương Thế Giới, tất cả chấn động, ngay nơi đất động đều có năm trăm ức hoa báu, mỗi một hoa báu trang nghiêm cao hiển như Thế Giới Cực Lạc.

Lúc vị Bồ Tát này ngồi thời cõi nước bảy báu, một thời dao động, từ cõi Phật Kim Quang (Suvarṇa-prabha) ở phương bên dưới cho đến cõi Phật Quang Minh Vương (Raśmi-prabha-rāja) ở phương bên trên, ở khoảng giữa có vô lượng trần số Phân Thân Vô Lượng Thọ Phật, Phân Thân Quán Thế Âm, Đại Thế Chí thảy đều vân tập đến cõi nước Cực Lạc tràn đầy chật kín trong hư không, ngồi trên tòa hoa sen, diễn nói Diệu Pháp hóa độ chúng sinh bị khổ.

Tác Quán này gọi là Quán thấy Đại Thế Chí Bồ Tát. Đây là quán tướng Sắc Thân của Đại Thế Chí.

Quán vị Bồ Tát này gọi là Quán thứ mười một, trừ được tội của vô số kiếp a tăng kỳ sinh tử. Người tác Quán này chẳng còn ở trong bào thai, thường dạo chơi cõi nước tịnh diệu của chư Phật.

Quán này thành xong, gọi là Quán đầy đủ Quán Thế Âm với Đại Thế Chí. Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán”.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Khi nhìn thấy việc này thời nên khởi tưởng, tác Tâm tự thấy mình sinh về Thế Giới Cực Lạc ở phương Tây, ngồi Kiết Già ở trong hoa sen. Tưởng làm hoa sen khép, tưởng làm hoa sen nở.

Khi hoa sen nở thời có ánh sáng năm trăm màu đi đến, tưởng chiếu lên thân, tưởng con mắt khai mở nhìn thấy Phật Bồ Tát đầy tràn trong hư không. Nước, chim, cây, rừng cùng với chư Phật đã phát ra âm thanh đều diễn Diệu Pháp, cùng hợp với mười hai Bộ Kinh. Nếu ra khỏi Định thời nhớ giữ chẳng mất.

Nhìn thấy việc này xong, gọi là nhìn thấy Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật Vô Lượng Thọ.

Đây là Phổ Quán Tưởng (quán tưởng khắp cả), gọi là Quán thứ mười hai.

Đức Phật Vô Lượng Thọ hóa thân vô số cùng với Quán Thế Âm, Đại Thế Chí thường đi đến chỗ của Hành Nhân này.

Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán”.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Nếu người muốn chí Tâm sinh về phương Tây, trước nên nên quán ở tượng một trượng sáu đứng ngay trên ao nước.

Như trước đã nói Đức Phật Vô Lượng Thọ có thân lượng vô biên, chẳng phải là chỗ của Tâm phàm phu theo kịp, song do sức nguyện đời trước của Đức Như Lai ấy cho nên người có nghĩ tưởng đều được thành tựu. Chỉ tưởng tượng Phật còn được vô lượng Phước, huống chi là quán đầy đủ thân tướng của Đức Phật.

Đức Phật A Di Đà có Thần Thông Như Ý, biến hiện tự tại ở cõi nước khắp mười phương. Hoặc hiện thân to lớn đầy tràn trong hư không, hoặc hiện thân nhỏ: một trượng sáu (228 cm), tám thước (8 xích: 24 cm), hình đã hiện đều có màu vàng ròng. Hào quang tròn, Hóa Phật với hoa sen báu như trên đã nói.

Quán Thế Âm Bồ Tát với Đại Thế Chí ở tất cả nơi chốn thì thân đồng nhau. Chúng sinh chỉ quán tướng của cái đầu để biết là Quán Thế Âm, biết là Đại Thế Chí.

Hai vị Bồ Tát này trợ giúp Đức Phật A Di Đà hóa độ khắp tất cả.

Đây là Tạp Tưởng Quán (Quán tưởng tạp) gọi là Quán thứ mười ba Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán”.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Phàm người sinh về phương Tây có chín Phẩm.

Thượng Phẩm Thượng Sinh: Nếu có chúng sinh nguyện sinh về nước ấy, phát ba loại Tâm tức liền vãng sinh. Nhóm nào là ba?

1_ Tâm chí thành

2_ Tâm sâu xa

3_ Tâm hồi phướng phát nguyện

Người đủ ba Tâm này ắt sinh về nước ấy.

Lại có ba loại chúng sinh sẽ được vãng sinh. Nhóm nào là ba?

1_ Tâm hiền lành, chẳng giết chóc, đủ các Giới Hạnh

2_ Độc tụng Kinh Điển thuộc nhóm Đại Thừa Phương Đẳng (Mahā-yānavaipulya)

3_ Tu hành sáu niệm, hồi hướng, phát nguyện sinh về nước Phật ấy.

Đủ Công Đức này, một ngày cho đến bảy ngày liền được vãng sinh. Khi sinh về nước ấy thời người này tinh tiến dũng mãnh cho nên Đức A Di Đà Như Lai cùng Quán Thế Âm với Đại Thế Chí, vô số vị Hóa Phật, trăm ngàn vị Tỳ Khưu Thanh Văn, Đại Chúng, vô lượng chư Thiên, cung điện bảy báu. Quán Thế Âm Bồ Tát cầm đài Kim Cương cùng với Đại Thế Chí Bồ Tát đến trước mặt Hành Giả. Đức Phật A Di Đà phóng ánh sáng lớn chiếu lên thân Hành Giả cùng với các vị Bồ Tát trao tay nghênh đón. Quán Thế Âm, Đại Thế Chí cùng với vô số vị Bồ Tát khen ngợi Hành Giả, khuyến tấn Tâm ấy.

Hành Giả nhìn thấy xong, vui vẻ hớn hở, tự thấy thân của mình nương theo đài Kim Cương đi theo sau Đức Phật, như khoảng búng ngón tay liền sinh về nước ấy. Sinh ở nước ấy xong, nhìn thấy đầy đủ mọi tướng của sắc thân Phật, nhìn thấy đầy đủ sắc tướng của các vị Bồ Tát. Ánh sáng, rừng báu diễn nói Diệu Pháp, nghe xong liền ngộ Vô Sinh Pháp Nhẫn. Trải qua phút chốc tuần tự phụng sự chư Phật, vào khắp phương giới, ở trước mặt chư Phật theo thứ tự Thọ Ký rồi quay trở về nước của mình, được vô lượng trăm ngàn Đà La Ni Môn

Đây gọi là Thượng Phẩm Thượng Sinh.

Thượng Phẩm Trung Sinh: Chằng cần phải đọc tụng Kinh Điển Phương Đẳng (Vaipulya), khéo hiểu nghĩa thú.  Đối với Đệ Nhất Nghĩa (Paramārtha: Chân Lý cứu cánh), Tâm chẳng sợ hãi, tin sâu Nhân Quả, chẳng chê bai Đại Thừa. Dùng Công Đức này hồi hướng, nguyện cầu sinh về nước Cực lạc.

Người thực hành Hạnh này, khi mạng sắp hết thời Đức Phật A Di Đà cùng Quán THế Âm với Đại Thế Chí, vô lượng Đại Chúng quyến thuộc vây quanh…cầm đài vàng tía đến trước mặt Hành Giả khen rằng: “Này Pháp Tử (Dharma-putra) ! Ngươi thực hành Đại Thừa, hiểu Đệ Nhất Nghĩa, thế nên nay Ta đến nghênh đón ngươi, cùng với ngàn vị Hóa Phật một thời trao tay”.

Hành Giả tự thấy mình ngồi ở đài vàng tía, chắp tay, chéo bàn tay, khen ngợi chư Phật. Như khoảng một niệm, liền sinh ở trong ao bảy báu của nước ấy. Đài vàng tía này như hoa báu lớn trải qua một đêm liền nở, thân Hành Giả làm màu vàng có sắc tía, dưới bàn chân cũng có hoa sen bảy báu, Phật với Bồ Tát đều phóng ánh sáng chiếu thân của Hành Giả, mắt liền mở sáng. Nhân đêm trước tập nghe khắp mọi tiếng, thuần nói Đệ Nhất Nghĩa Đế (Paramārtha-satya) thâm sâu. Liền bước xuống đài vàng, lễ Phật, chắp tay khen ngợi Đức Thế Tôn. Trải qua bảy ngày, ứng thời liền đối với A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) được  chẳng thoái lui. Ứng thời liền hay bay đến mười phương tuần tự phụng sự chư Phật. Ở chỗ của chư Phật tu các Tam Muội, trải qua một Tiểu Kiếp (Antara-kalpa) được Vô Sinh Pháp Nhẫn (Anutpattika-dharma-kṣānti) hiện trước mặt Thọ Ký.

Đây gọi là Thượng Phẩm Trung Sinh.

Thượng Phẩm Hạ Sinh: Cũng tin Nhân Quả, chẳng chê bai Đại Thừa, chỉ phát Tâm Vô Thượng Đạo. Dùng Công Đức này hồi hướng, nguyện cầu sinh về nước Cực Lạc

Khi mạng của Hành Giả ấy sắp hết thời Đức Phật A Di Đà với Quán Thế Âm kèm Đại Thế Chí cùng với các Quyến Thuộc cầm hoa sen vàng, hóa làm năm trăm vị Hóa Phật đến nghênh đón người này. Năm trăm vị Hóa Phật một thời trao tay, khen rằng: “Này Pháp Tử ! Nay ngươi trong sạch phát Tâm Vô Thượng Đạo, Ta đến đón ngươi”

Khi thấy việc này thời liền tự thấy thân của mình ngồi ở hoa sen vàng. Ngồi xong thì hoa khép lại đi theo sau Đức Thế Tôn, liền được vãng sinh trong ao bảy báu, một ngày một đêm, hoa sen liền nở, trong bảy ngày mới được nhìn thấy Đức Phật, tuy thấy thân của Đức Phật nhưng đối với mọi tướng tốt đẹp thì Tâm chưa thấu tỏ, hai mươi mốt ngày sau mới mỗi mỗi thấy rõ ràng, nghe mọi âm thanh đều diễn Diệu Pháp, du lịch mười phương cúng dường chư Phật, ở trước mặt chư Phật nghe Pháp thâm sâu, trải qua ba Tiểu Kiếp  được Bách Pháp Minh Môn (sáng suốt thông đạt trăm loại Pháp Môn), trụ Hoan Hỷ Địa (Pramuditā-bhūmi).

Đây gọi là Thượng Phẩm Hạ Sinh.

Đây gọi là Thượng Bối Sinh Tưởng (Quán tưởng sinh vào nhóm bậc trên), gọi là Quán thứ mười bốn.

Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán”.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Trung Phẩm Thượng Sinh: Nếu có chúng sinh thọ trì năm Giới, thọ trì tám Giới Trai, tu hành các Giới, chẳng tạo năm nghịch, không có mọi lỗi lầm ác. Dùng căn lành này hồi hướng nguyện cầu sinh về Thế Giới Cực Lạc ở phương Tây.

Khi Hành Giả sắp chết thời Đức Phật A Đi Đà cùng với các vị Tỳ Khưu quyến thuộc vây quanh, phóng ánh sáng màu vàng ròng, đến chỗ của người ấy, diễn nói: Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, khen ngợi xuất gia được lìa mọi khổ.

Hành Giả thấy xong, Tâm rất vui vẻ, tự thấy thân của mình ngồi ở đài hoa sen, quỳ thẳng lưng, chắp tay lễ Đức Phật, chưa đến khoảng ngẩng đầu lên liền được sinh về Thế Giới Cực Lạc, hoa sen sắp nở. Ngay lúc hoa nở thời nghe mọi âm thanh khen ngợi bốn Đế, ứng thời liền được A La Hán Đạo, ba Minh, sáu Thông, đủ tám Giải Thoát.

Đây gọi là Trung Phẩm Thượng Sinh.

Trung Phẩm Trung Sinh: Nếu có chúng sinh hoặc một ngày một đêm giữ tám Giới Trai, hoặc một ngày một đêm giữ Sa Di Giới, hoặc một ngày một đêm giữ Cụ Túc Giới…uy nghi không thiếu sót. Dùng Công Đức này hồi hướng, nguyện cầu sinh về nước Cực Lạc, Giới Hương xông ướp tu hành.

Như Hành Giả này, lúc mạng sắp hết thời nhìn thấy Đức Phật A Di Đà cùng với các Quyến Thuộc phóng ánh sáng vàng ròng, cầm hoa sen bảy báu đến trước mặt Hành Giả. Hành Giả tự nghe trong hư không có tiếng khen rằng: “Thiện Nam Tử (Kula-putra) ! Người Thiện như ngươi tùy thuận lời dạy bảo của chư Phật ba đời nên Ta đến nghênh đón ngươi”

Hành Giả tự thấy mình ngồi trên hoa sen, hoa sen liền khép lại, sinh ngay trong ao báu tại Thế Giới Cực Lạc ở phương Tây, trải qua bảy ngày, hoa sen mới nở. Hoa đã nở bày xong thì mở mắt, chắp tay khen ngợi Đức Thế Tôn, nghe Pháp, vui vẻ được Tu Đà Hoàn (Srota-āpanna), trải qua nửa Kiếp được thành A La Hán (Arhate) Đây gọi là Trung Phẩm Trung Sinh.

Trung Phẩm Hạ Sinh: Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện hiếu dưỡng cha mẹ, thực hành Nhân Nghĩa của đời. Người này lúc mạng muốn hết thời gặp vị Thiện Tri Thức (Kalyāṇamitra) vì họ rộng nói việc vui sướng trong cõi nước của Đức Phật A Di Đà, cũng nói bốn mươi tám Nguyện lớn của Tỳ Khưu Pháp Tạng. Nghe việc này xong, bỗng liền dứt mạng, ví như khoảng người tráng sĩ co duỗi cánh tay, liền sinh về Thế Giới Cực Lạc ở phương Tây. Sinh xong, trải qua bảy ngày, gặp Quán Thế Âm với Đại Thế Chí. Nghe Pháp vui vẻ được Tu Đà Hoàn (Srota-āpanna) hơn một Tiểu Kiếp thành A La Hán (Arhate).

Đây gọi là Trung Phẩm Hạ Sinh.

Đây gọi là Trung Bối Sinh Tưởng (Quán tưởng sinh vào nhóm bậc giữa), gọi là Quán thứ mười lăm.

Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu Quán khác thì gọi là Tà Quán”.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Hạ Phẩm Thượng Sinh: Hoặc có chúng sinh làm mọi nghiệp ác, tuy chẳng chê bai bêu rếu Kinh Điển Phương Đẳng

Như người ngu này, phần lớn gây tạo Pháp ác, không có xấu hổ. Lúc mạng muốn hết thời gặp vị Thiện Tri Thức vì họ khen đầu đề, danh tự  của 12 Bộ Kinh Đại Thừa. Đã nghe tên của các Kinh như vậy cho nên trừ khử nghiệp ác cực nặng trong một ngàn kiếp. Bậc Trí lại dạy chắp tay, chéo bàn tay, xưng “Nam mô A Di Đà Phật”. Do xưng tên PHật cho nên trừ được tội của năm mươi ức kiếp sinh tử. Lúc đó Đức Phật ấy liền khiến Hóa Phật, Hóa Quán Thế Âm, Hóa Đại Thế Chí  đến trước mặt Hành Giả, khen rằng: “Lành thay Thiện Nam Tử ! Do ngươi xưng tên Phật cho nên các tội tiêu diệt. Ta đến đón ngươi”.

Nói lời này xong, Hành Giả liền thấy ánh sáng của vị Hóa Phật tràn đầy cái thấy ấy. Nhìn thấy xong, vui vẻ tức liền dứt mạng, nương theo hoa sen báu đi theo sau vị Hóa Phật, sinh trong ao báu. Trải qua bốn mươi chín ngày hoa sen mới nở bày. Ngay lúc hoa nở thời Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát với Đại Thế Chí Bồ Tát phóng ánh sáng lớn, đứng trước mặt người ấy, vì họ nói 12 Bộ Kinh thâm sâu. Nghe xong, tin hiểu, phát Tâm Vô Thượng Đạo, trải qua mười Tiểu Kiếp, đủ bách Pháp Minh Môn, được vào Sơ Địa (tức Hoan Hỷ Địa)

Đây gọi là Hạ Phẩm Thượng Sinh. Được nghe tên Phật, tên Pháp với tên Tăng. Nghe tên Tam Bảo liền được vãng sinh.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Hạ Phẩm Trung Sinh: Hoặc có chúng sinh hủy phạm năm Giới, tám Giới với Cụ Túc Giới.

Như người ngu này, trộm vật dụng của Tăng Kỳ (Sāṃghika: Chúng), ăn cắp vật dụng của Tăng hiện tiền, chẳng trong sạch nói Pháp, không có xấu hổ, dùng các Pháp ác ấy mà tự trang nghiêm. Như tội nhân này do nghiệp ác cho nên đáng bị rơi vào Địa Ngục. Khi mạng muốn dứt thời mọi lửa của Địa Ngục đều đến cùng một lúc, gặp vị Thiện Tri Thức dùng Đại Từ Bi, liền vì họ khen nói Uy Đức mười Lực của Đức Phật A Di Đà, rộng khen Thần Lực ánh sáng của Đức Phật ấy, cũng khen ngợi Giới, Định, Tuệ, Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến .

Người này nghe xong, trừ được tội của tám mươi ức kiếp sinh tử, lửa mạnh của Địa Ngục hóa làm ngọn gió mát thổi các hoa Trời. Trên hoa đều có Hóa Phật Bồ Tát nghênh đón người này, như khoảng một niệm liền được vãng sinh ở hoa sen trong ao bảy báu, trải qua sáu kiếp hoa sen mới nở bày. Ngay lúc hoa nở thời Quán Thế Âm, Đại Thế Chí dùng Phạm Âm (Brahma-ghoṣa) an ủi người ấy, vì họ nói Kinh Điển thâm sâu của Đại Thừa. Nghe Pháp này xong, ứng thời liền phát Tâm Vô Thượng Đạo.

Đây gọi là Hạ Phẩm Trung Sinh.

_ Đức Phật bảo A Nan với Vi Đề Hy: “Hạ Phẩm Trung Sinh: Hoặc có chúng sinh tạo làm nghiệp Bất Thiện, năm nghịch, mười ác, đủ các việc chẳng lành.

Như người ngu này do nghiệp ác cho nên đáng bị rơi vào đường ác, trải qua nhiều kiếp chịu khổ vô cùng.

Như người ngu này lúc mạng sắp dứt thời gặp vị Thiện Tri Thức dùng mọi thứ an ủi, vì họ nói Diệu Pháp, khiến niệm Phật. Người ấy bị khổ ép bức, chẳng rảnh rỗi niệm Phật. Vị Thiện Hữu bảo rằng: “Nếu ngươi chẳng thể niệm Đức Phật ấy thì nên xưng “Quy mệnh Vô Lượng Thọ Phật”, như vậy chí Tâm khiến tiếng chẳng dứt, đầy đủ mười niệm, xưng “Nam mô A Di Đà Phật”. Vì xưng tên Phật cho nên ở trong mỗi một niệm, trừ được tội của tám mươi ức kiếp sinh tử”

Khi mạng dứt thời nhìn thấy hoa sen vàng giống như vành mặt trời trụ trước mặt người ấy, như khoảng một niệm liền được sinh về Thế Giới Cực Lạc, ở trong hoa sen đủ mười hai Đại Kiếp thì hoa sen mới nở. Ngay lúc hoa nở thời Quán Thế Âm, Đại Thế Chí dùng âm thanh Đại Bi liền vì người ấy rộng nói Thật Tướng, Pháp trừ diệt tội. Nghe xong vui vẻ, ứng thời liền phát Tâm Bồ Đề (Bodhi-citta).

Đây là Hạ Phẩm Hạ Sinh.

Đây gọi là Hạ Bối Sinh Tưởng (Quán tưởng sinh vào nhóm bậc dưới), gọi là Quán thứ mười sáu”.

Khi Đức Thế Tôn nói lời này thời Vi Đề Hy cùng với năm trăm Thị Nữ nghe điều Đức Phật đã nói, ứng thời liền nhìn thấy tướng dài rộng của Thế Giới Cực Lạc, được nhìn thấy thân Phật với hai vị Bồ Tát, Tâm sinh vui vẻ, khen chưa từng có, đột nhiên Đại Ngộ, được Vô Sinh Nhẫn. Năm trăm Thị Nữ phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), nguyện sinh về nước ấy. Đức Thế Tôn thọ ký cho đều sẽ được vãng sinh. Sinh về nước ấy xong, đắc được Chư Phật Hiện Tiền Tam Muội. Vô lượng chư Thiên phát Tâm Vô Thượng Đạo.

Bấy giờ A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Nên dùng tên nào gọi Kinh này ? Điều thiết yếu của Pháp này nên thọ trì như thế nào?”

Đức Phật bảo A Nan: “Kinh này tên là Quán cõi nước Cực Lạc, Vô Lượng Thọ Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, cũng có tên là Tịnh Trừ Nghiệp Chướng Sinh trước mặt chư Phật. Các ngươi thọ trì không để cho quên mất. Người hành Tam Muội này thì thân dời này được nhìn thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ với hai vị Đại Sĩ.

Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện chỉ nghe tên Phật, tên hai vị Bồ Tát sẽ trừ được tội của vô lượng kiếp sinh tử, huống chi là nhớ niệm.

Nếu người niệm Phật thì nên biết người này tức là hoa Phân Đà Lợi (Puṇḍarīka: Hoa sen trắng) trong loài người. Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát là bạn thù thắng của người ấy, sẽ ngồi ở Đạo Trường, sinh trong nhà của chư Phật”.

Đức Phật bảo A Nan: “Ông giữ gìn lời này cho tốt. Người giữ gìn lời này tức là giữ gìn tên của Đức Phật Vô Lượng Thọ”.

Khi Đức Phật nói Kinh này thời Tôn Giả Mục Liên, Tôn Giả A Nan với nhóm Vi Đề Hy nghe điều Đức Phật đã nói, đều rất vui vẻ.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bước đi trên hư không, quay trở về núi Kỳ Xà Quật.

Khi ấy A Nan rộng vì Đại Chúng nói việc như trên. Vô lượng Trời (Deva), Rồng (Nāga), Thần (Devatā), Dạ Xoa (Yakṣa) nghe điều Đức Phật đã nói đều rất vui vẻ, lễ Phật rồi lui ra.

 

PHẬT NÓI KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT
_Hết_