PHẬT NÓI KINH A DI ĐÀ
(Sukhāvatī-vyūhaḥ)
Hán dịch: Đời Diêu Tần_Quy Tư Tam Tạng CƯU MA LA THẬP (Kumārajīva)
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật ngự trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc (Jeṭavaṇe’nāthapiṇḍadasyārāma) tại nước Vệ (Śrāvastya) cùng với Đại Tỳ Kheo Tăng (Mahatā-bhikṣu-saṃgha) gồm một ngàn hai trăm năm mươi người đến dự, đều là bậc Đại A La Hán (Mahā-śrāvaka:Đại Thanh Văn) mà mọi người đã biết như: Trưởng lão Xá Lợi Phất (Śāriputra), Ma Ha Mục Kiền Liên (Mahā-Māudgalyāyana), Ma Ha Ca Diếp (Mahā-Kāśyapa), Ma Ha Ca Chiên Diên (Mahā-Kātyāyana), Ma-Ha Câu Hy La (Mahā-Kauṣṭhila), Ly Bà Đa (Revata), Châu Lợi Bàn Đà Già (Śuddhipanthaka), Nan Đà (Nanda), A Nan Đà (Ānanda), La Hầu La (Rāhula), Kiều Phạm Ba Đề (Gavāṃpati), Tân Đầu Lô Phả La Đọa (Bharadvāja), Ca Lưu Đà Di (Kālodayi), Ma Ha Kiếp Tân Na (Mahā-Kapphina), Bạc Câu La (Vakkula), A Nậu Lâu Đà (Aniruddha). Các Đại Đệ Tử của nhóm như vậy kèm với các Bồ Tát Ma Ha Tát (Mahā-bodhisatva: Đại Bồ Tát), Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử (Mañjuśrīdharma-rāja-putra), Bồ Tát A Dật Đa (Ajita:Vô Năng Thắng), Bồ Tát Càn Đà Ha Đề (Gandha-hasta:Hương Tượng), Bồ Tát Thường Tinh Tấn (Nityodyukta)  và các vị Đại Bồ Tát của nhóm như vậy với vô lượng chư Thiên của hàng Thích Đề Hoàn Nhân (Śakra), Đại Chúng (Mahāsaṃgha) cùng đến dự.

Bấy giờ Đức Phật bảo Trưởng lão Xá Lợi Phất: “Từ đây về phương Tây, vượt hơn mười vạn ức cõi Phật, có Thế Giới tên là Cực Lạc (Sukhavati), trong cõi ấy có Đức Phật hiệu là A Di Đà (Amitāyur:Vô Lượng Thọ) ngày nay, hiện đang nói Pháp.

Này Xá Lợi Phất ! Vì sao cõi ấy có tên là Cực Lạc? Vì chúng sanh trong nước ấy không có mọi nỗi khổ, chỉ nhận các niềm vui, nên gọi là Cực Lạc.

Lại Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực Lạc có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới võng, bảy lớp hàng cây.. đều là bốn báu, vây quanh vòng khắp. Chính vì thế cho nên nước ấy có  tên là Cực Lạc.

Lại Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc có ao bảy báu, trong ấy tràn đầy nước tám Công Đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm mặt đất. Bốn bên có thềm bậc, đường đi đều do vàng (Suvarṇa), bạc (Rūpya), Lưu Ly (Vaiḍūrya), Pha Lê (Sphaṭika) hợp thành. Bên trên có lầu gác cũng dùng vàng, bạc, Lưu Ly, Pha Lê, Xa Cừ (Musāra-galva), xích châu (Lohita-mukta), Mã Não (Aśma-garbha) để nghiêm sức.

Hoa sen trong ao, lớn như bánh xe, màu xanh (Nīla-varṇāni) có ánh sáng xanh (Nīlanirbhāsāni), màu vàng (Pīta-varṇāni) có ánh sáng vàng (Pītanirbhāsāni), màu đỏ (lohita-varṇāni) có ánh sáng đỏ (Lohitanirbhāsāni), màu trắng (Avadāta-varṇāni) có ánh sáng trắng (Avadātanirbhāsāni)… trong sạch thơm tho vi diệu.

Này Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực Lạc thành tựu Công Đức trang nghiêm như vậy.

Lại Xá Lợi Phất ! Cõi nước Phật (Buddha-kṣetra) ấy thường tấu nhạc Trời, đất bằng vàng ròng. Ngày đêm sáu thời, Trời tuôn mưa hoa Mạn Đà La (Mandarava-puṣpa). Chúng sinh trong nước ấy thường vào lúc sáng sớm, đều dùng vạt áo đựng đầy mọi hoa thơm, cúng dường mười vạn ức  Phật ở phương khác, đến giờ ăn thời quay về nước của mình, ăn cơm xong rồi đi Kinh Hành.

Này Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực Lạc thành tựu Công Đức trang nghiêm như vậy.

Lại nữa, Xá-Lợi-Phất ! Nước ấy thường có mọi loại chim đủ màu sắc xinh đẹp lạ kỳ như chim: Bạch Hạc (Haṃsa), Khổng Tước (Mayūra), Anh Vũ (Krauñcā), Xá Lợi (Śāli), Ca Lăng Tần Già (Kalaviñka), Cộng Mệnh Điểu…. Các loài chim đó, ngày đêm sáu Thời, phát ra âm thanh hòa nhã. Âm thanh ấy diễn xướng Pháp của nhóm như vầy: năm Căn (Pañca-indrya), năm Lực (Pañca-bala), bảy Bồ Đề Phần (Sapta-bodhyaṅga), tám Thánh Đạo Phần (Aṣṭāngika-marga)…. Chúng sinh trong cõi ấy nghe âm thanh đó xong thảy đều niệm Phật (Buddha-manasikāra), niệm Pháp (Dharma-manasikāra), niệm Tăng (Saṃgha-manasikāra).

Xá-Lợi-Phất ! Ông đừng nói rằng:”Loài chim này thật là nơi sinh của tội báo”. Tại sao thế ? Vì cõi nước Phật ấy không có ba nẻo ác.

Này Xá-Lợi-Phất ! Cõi nước Phật ấy còn không có tên gọi của ba nẻo ác, huống chi lại có thật. Các loài chim đó đều do Đức Phật A Di Đà muốn khiến cho Pháp Âm được tuyên lưu nên biến hóa tạo ra.

Xá-Lợi-Phất ! Cõi nước Phật ấy, gió nhẹ thổi động các hàng cây báu với lưới võng báu liền tuôn ra âm thanh vi diệu, ví như trăm ngàn thứ nhạc cùng tấu chung một lúc. Người nghe âm thanh đó, tự nhiên sinh tâm: niệm Phật  (Buddhānusmṛti), niệm Pháp (Dharmānusmṛti), niệm Tăng (saṃghānusmṛti).

Này Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực Lạc thành tựu Công Đức trang nghiêm như vậy.

Xá Lợi Phất ! Ý ông thế nào ? Vì sao Đức Phật ấy có hiệu là A Di Đà (Amitābha:Vô Lượng Quang)?

Xá-Lợi-Phất ! Đức Phật ấy tỏa ánh sáng vô lượng, chiếu soi các cõi nước trong mười phương không có chướng ngại. Chính vì thế cho nên có hiệu là A Di Đà (Amitābha:Vô Lượng Quang).

[Này Xá Lợi Phất ! Vì sao Đức Phật ấy có tên gọi là A Di Đà (Amitāyur:Vô Lượng Thọ)?]

Lại Xá-Lợi-Phất! Thọ Mệnh của Đức Phật với người dân của Ngài kéo dài vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, cho nên có tên là A Di Đà (Amitāyur :Vô Lượng Thọ) .

Xá Lợi Phất ! Đức Phật A Di Đà thành Phật đến nay đã được mười kiếp.

Lại Xá-Lợi-Phất ! Đức Phật ấy có vô lượng vô biên Đệ Tử Thanh Văn (Śrāvaka) đều là A La Hán (Arhate), chẳng phải là chỗ có thể biết được do tính đếm. Các Bồ Tát cũng lại như vậy.

Này Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực Lạc thành tựu Công Đức trang nghiêm như vậy.

Lại Xá-Lợi-Phất ! Chúng sinh trong cõi nước Cực Lạc đều là bậc Bất Thoái Chuyển (Avaivartika). Trong ấy phần lớn là bậc Nhất Sinh Bổ Xứ (ekajātipratibaddha), số đó rất nhiều, chẳng phải là chỗ hay biết của sự tính đếm, chỉ có thể dùng số vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp mà nói.

Xá-Lợi-Phất ! Chúng sinh nghe điều đấy, cần phải phát nguyện, nguyện sinh về nước ấy. Tại sao thế ? Vì được cùng với các người Thượng Thiện tụ hội tại một chỗ.

Xá-Lợi-Phất! Chẳng thể dùng chút ít Căn lành, Phước Đức, Nhân Duyên mà được sinh về cõi đó.

Xá-Lợi-Phất! Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện nghe nói về Đức Phật A Di Đà , rồi chấp trì danh hiệu, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng chẳng loạn. Lúc người ấy lâm chung thời Đức Phật A Di Đà cùng với các Thánh Chúng hiện ngay trước mặt người đó. Khi người đó chết thời tâm chẳng điên đảo, liền được vãng sinh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.

Này Xá-Lợi-Phất! Ta thấy lợi ích đó cho nên nói lời này. Nếu có chúng sinh nghe điều đã nói đó, cần phải phát nguyện sinh về cõi nước ấy.

Xá-Lợi-Phất ! Như Ta ngày nay khen ngợi Công Đức chẳng thể nghĩ bàn của Đức Phật A Di Đà.

Phương Đông (Pūrvasyāṃ-diśi) cũng có Đức Phật A Súc Bệ (Akṣobhya), Đức Phật Tu Di Tướng (Meru-lakṣaṇa), Đức Phật Đại Tu Di (Mahā-merur), Đức Phật Tu Di Quang (Meru-prabhāsa)Đức Phật Diệu Âm (Mañju-ghoṣa).  Hằng hà sa số chư Phật thuộc nhóm như vậy, đều ở nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, nói lời thành thật rằng: “Chúng sinh các ngươi nên tin Kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm đó”.

Này Xá Lợi Phất ! Thế Giới ở phương Nam (Dakṣiṇasyāṁ diśi) có Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng (Candra-sūrya-pradīpa), Đức Phật Danh Văn Quang (Yaśaḥ-prabha), Đức Phật Đại Diệm Kiên (Mahārciḥ-skandha), Đức Phật Tu Di Đăng (Meru-pradīpa)Đức Phật Vô Lượng Tinh Tiến (Ananta-vīrya).  Hằng hà sa số chư Phật thuộc nhóm như vậy, đều ở nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, nói lời thành thật rằng: “Chúng sinh các ngươi nên tin Kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm đó”.

Này Xá Lợi Phất ! Thế Giới ở phương Tây (Paścimāyāṁ diśi) có Đức Phật Vô Lượng Thọ (Amitāyur), Đức Phật Vô Lượng Tướng (Amita-lakṣaṇa), Đức

Phật Vô Lượng Tràng (Amita-dhvaja), Đức Phật Đại Quang (Mahā-prabha), Đức Phật Đại Minh (Mahā-vidya), Đức Phật Bảo Tướng (Ratna-lakṣaṇa), Đức Phật Tịnh Quang (Śuddha-raśmi-prabha).  Hằng hà sa số chư Phật thuộc nhóm như vậy, đều ở nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, nói lời thành thật rằng: “Chúng sinh các ngươi nên tin Kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm đó”.

Này Xá Lợi Phất ! Thế Giới ở phương Bắc (Uttarāyāṁ diśi) có Đức Phật Diệm Kiên (Arciḥ-skandha), Đức Phật Tối Thắng Âm (Vaiśvānara-nirghoṣa),

Đức Phật Nan Trở (Duṣpradharsa), Đức Phật Nhật Sinh (Āditya-saṃbhava)Đức Phật Võng Minh (Jaleni-prabha).  Hằng hà sa số chư Phật thuộc nhóm như vậy, đều ở nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, nói lời thành thật rằng: “Chúng sinh các ngươi nên tin Kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm đó”.

Này Xá Lợi Phất ! Thế Giới ở phương bên dưới (Adhastāyāṁ diśi) có Đức Phật Sư Tử (Siṃha), Đức Phật Danh Văn (Yaśa), Đức Phật Danh Quang (Yaśaḥ-prabha), Đức Phật Đạt Ma (Dharma)Đức Phật Pháp Tràng (Dharmadhvaja), Đức Phật Trì Pháp (Dharma-dhara).  Hằng hà sa số chư Phật thuộc nhóm như vậy, đều ở nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, nói lời thành thật rằng: “Chúng sinh các ngươi nên tin Kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm đó”.

Này Xá Lợi Phất ! Thế Giới ở phương bên trên (Upariṣṭhāyāṁ diśi) có Đức Phật Phạm Âm (Brahma-ghoṣa), Đức Phật Tú Vương (Nakṣatra-rāja), Đức Phật Hương Thượng (Gandhottama), Đức Phật Hương Quang (Gandhaprabhāsa), Đức Phật Đại Diệm Kiên (Mahārciḥ-skandha), Đức Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân (Ratna-kusuma-saṃpuṣpita-gātra), Đức Phật Sa La Thọ Vương (Sālendra-rāja), Đức Phật Bảo Hoa (Ratnopala-śrīr), Đức Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa (Sarvārtha-darśi), Đức Phật Như Tu Di Sơn (Sumerukalpa).  Hằng hà sa số chư Phật thuộc nhóm như vậy, đều ở nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, nói lời thành thật rằng: “Chúng sinh các ngươi nên tin Kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm đó”.

Này Xá Lợi Phất ! Ý của ông thế nào? Vì sao gọi là Kinh Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm  (sarva-buddha-parigrahaṃ)?”.

Xá Lợi Phất ! Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện nghe Kinh đó rồi thọ trì thì các kẻ trai lành, người nữ thiện ấy đều được tất cả chư Phật cùng chung hộ niệm, đều được chẳng thoái lui nơi A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarāṃ-samyaksaṃbuddhi:Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác)

Chính vì thế cho nên Xá Lợi Phất ! Các ông đều nên tin nhận lời của Ta với điều mà chư Phật đã nói.

Này Xá Lợi Phất ! Nếu có người đã phát Nguyện, đang phát Nguyện, sẽ phát Nguyện, muốn sinh về nước của Đức Phật A Di Đà thì các nhóm người đó đều được chẳng thoái lui nơi A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Ở cõi nước ấy, hoặc đã sinh, hoặc nay sinh, hoặc sẽ sinh.

Chính vì thế cho nên Xá Lợi Phất ! Các kẻ trai lành, người nữ thiện…nếu có niềm tin, cần phải phát nguyện sinh về cõi nước ấy.

Này Xá-Lợi-Phất ! Như Ta ngày nay khen ngợi Công Đức chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật thì các Đức Phật ấy cũng xưng nói Công Đức chẳng thể nghĩ bàn của Ta, mà nói lời này: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Śākyamuṇi) hay làm việc hiếm có, rất khó khăn, hay ở cõi nước Sa Bà trong đời ác năm Trược: Kiếp Trược (Kalpa–kaṣāya), Kiến Trược (Dṛṣṭi-kaṣāya), Phiền Não Trược (Kleśakaṣāya), Chúng Sinh Trược (Satva-kaṣāya), Mệnh Trược (āyuskaṣāya)…đắc A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, vì các chúng sinh nói Pháp mà tất cả Thế Gian khó tin đó”.

Xá-Lợi-Phất! Nên biết, Ta ở đời ác năm Trược, hành việc khó này, được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề,  vì tất cả Thế Gian nói Pháp khó tin này. Đó là việc rất khó! “

Đức Phật nói Kinh này xong thời Xá Lợi Phất với các Tỳ Kheo, tất cả hàng Trời, Người, A-Tu-La trong Thế Gian, nghe điều Đức Phật đã nói, đều vui vẻ  tin nhận, làm lễ rồi lui ra.

PHẬT NÓI KINH A DI ĐÀ (Hết)

***

_ Đức Phật Vô Lượng Thọ nói Vãng Sinh Tịnh Thổ Chú:

“Nam mô a di đa  bà dạ, đá tha  già  đá dạ, đá địa dạ  tha. A di  lợi  đô  bà tỳ, A di  lợi đá tất đam  bà  tỳ, A di lợi đá tỳ ca lan đá, già di nị, già già na, chỉ đa, ca lệ, toa bà ha”

𑖡𑖦𑖺  𑖀𑖦𑖰𑖝𑖯𑖥𑖯𑖧  𑖝𑖞𑖯𑖐𑖝𑖯𑖧  
𑖝𑖟𑖿𑖧𑖞𑖯: 𑖀𑖦𑖴𑖝𑖺𑖟𑖿𑖥𑖪𑖸, 𑖀𑖦𑖴𑖝  𑖭𑖰𑖟𑖿𑖠𑖽𑖥𑖪𑖸, 𑖀𑖦𑖴𑖝  𑖪𑖰𑖎𑖿𑖨𑖯𑖡𑖿𑖝   𑖐𑖦𑖰𑖡𑖸, 𑖐𑖐𑖡  𑖎𑖿ì𑖨𑖿𑖝𑖿𑖝𑖰  𑖎𑖨𑖸  𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯

Namo  amitābhāya  tathāgatāya  
Tadyathā: amṛtodbhave, amṛta  siddhaṃbhave, amṛta  vikrānta   gamine, gagana  kìrtti  kare  svāhā

Người tụng Chú này thường có Đức Phật A Di Đà trụ trên đỉnh đầu, sau khi mệnh chung, tùy ý vãng sinh

_ Bồ Tát Long Thọ nguyện sinh về cõi An Dưỡng, nằm mộng mà cảm được Chú này  .

Tam Tạng Gia Xá tụng Chú này. Chùa Thiên Bình, Tú Pháp Sư được Tam Tạng truyền miệng bài Chú này. Người ấy nói”Kinh Bản chẳng đến từ nước ngoài” .

Thọ trì Chú Pháp, ngày đêm sáu Thời đều tụng 21 biến. Sáng sớm, ban đêm đều tắm rửa súc miệng, nhai nhấm cành Dương, thắp hương, đốt lửa, ở trước hình tượng, quỳ gối, chắp tay tụng 21 biến. Ngày ngày luôn như vậy liền diệt được bốn tội nặng, năm tội nghịch, mười tội ác. Tội chê bai Phương Đẳng… đều được trừ diệt, hiện tại chẳng bị tất cả các Quỷ Thần tà gây não loạn. Sau khi mệnh chung, tùy ý vãng sinh về nước của Đức Phật A Di Đà, huống chi ngày đêm đọc tụng, thọ trì ắt được Công Đức chẳng thể nghĩ bàn.

PHẬT NÓI KINH A DI ĐÀ

_(Hết)_

14/06/2010