KINH QUÁ KHỨ HIỆN TẠI NHÂN
(Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả Kinh)
Tống Thiên Trúc Tam Tạng Cầu Na Bạt Đà La Hán dịch
Tỳ Kheo Nhất Chân Việt dịch 

doahong

 

QUYỂN III

Bấy giờ, vua Tịnh Phạn sau khi sai phái vương sư cùng đại thần đi rồi, mới đem xâu anh lạc của Thái tử trao cho Ma Ha Ba Xà Ba Đề mà nói rằng: “Đây là xâu anh lạc của Thái tử đeo giao cho Xa Nặc mang về, bảo trao cho khanh.” Ma Ha Ba Xà Ba Đề trông thấy anh lạc càng thêm bi thương lòng thầm nghĩ rằng: “Người trong bốn thiên hạ này thật là bạc phúc, bị mất đi bậc Chuyển luân thánh vương trí huệ sáng suốt!” Lại đưa các đồ trang điểm của Thái tử cho Da Thâu Đà La mà nói rằng: “Thái tử đem các đồ trang điểm trên thân này bảo giao lại cho con.” Da Thâu Đà La trông thấy các món vật ấy mê man ngã xỉu. Vua phải sai người ban lệnh cho Da Thâu Đà La phải tự coi trọng giữ lấy thân mình, đừng để bào thai không được an ổn.

(4) Thái tử đối đáp với vương sư

Bấy giờ, khi vương sư và đại thần đến nơi khu rừng khổ hành của Bạt Già tiên nhân, để hết các tùy tùng và các đồ nghi sức lại, tiến bước đến chỗ trụ của tiên nhân. Tiên nhân mời ngồi chào hỏi nhau xong, vương sư mới nói với tiên nhân rằng: “Tôi là vương sư của vua Bạch Tịnh. Nay sở dĩ tìm đến đây là bởi Thái tử có đầy đủ oai tướng của vua Bạch Tịnh chán ngán các khổ sinh lão bệnh tử, nên xuất gia học đạo, trên đường đi có qua khu rừng này, không biết đại tiên có gặp hay không?” Bạt Già tiên nhân trả lời vương sư rằng: “Gần đây tôi gặp một cậu bé, dung mạo đẹp đẽ, tướng tốt đầy đủ, vào khu rừng này cùng tôi luận nghị, ở lại một đêm. Đâu biết đó là Thái tử con vua. Người chê đạo của chúng tôi tu, nên đã đi về hướng bắc đến nơi các tiên nhân A La La và Ca Lan.” Vương sư đại thần nghe nói thế rồi, vội vã tìm đến nơi các tiên nhân kia. Đi được nửa đường, xa thấy Thái tử ở dưới gốc cây, ngồi yên ngay ngắn tư duy, tướng đẹp và ánh sáng hơn cả mặt trăng mặt trời, lập tức xuống ngựa, đuổi hết thị vệ, cởi các nghi phục ra, tiến đến chỗ Thái tử, ngồi xuống một bên, chào hỏi nhau xong, vương sư mới bạch Thái tử rằng:

– Đại vương sai tôi làm sứ đi tìm kiếm Thái tử, có điều muốn thưa.

Thái tử trả lời:

– Phụ vương sai ông đến muốn nói điều gì?

Vương sư liền nói:

– Đại vương từ lâu đã biết Thái tử rất muốn xuất gia, ý ấy khó hồi. Song Đại vương đối Thái tử ân ái tình thâm, nên lửa sầu hừng bốc, thường thiêu đốt người. Cần có Thái tử quay về để làm tắt lửa ấy vậy. Xin Thái tử hãy hồi giá quay về cung thành. Tuy bận việc công, song sẽ không để Thái tử bỏ phế đạo nghiệp. Còn chỗ để tĩnh tâm thì đâu cứ phải ở nơi rừng núi. Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Da Thâu Đà La, quan thuộc trong ngoài trọn đều chìm đắm trong biển ưu não mênh mông, chỉ mong Thái tử về để cứu vớt cho họ. Bấy giờ, Thái tử nghe vương sư nói xong, mới cất tiếng thâm trầm trả lời vương sư rằng:

– Ta lẽ nào không biết phụ vương đối với ta ân tình thâm sâu, song vì ta sợ cái khổ sinh lão bệnh tử, nên mới tìm đến đây cũng là để đoạn trừ cái khổ ấy. Nếu làm sao mà ân ái được suốt ngày hợp hội, và không có cái khổ sinh lão bệnh tử, thì ta cớ gì phải đến đây làm chi? Ta nay sở dĩ buộc phải xa lìa phụ vương là muốn để tương lai hòa hợp vậy. Khối lửa ưu sầu của phụ vương nay tuy bốc hừng, song ta cùng phụ vương chỉ có đời nay chịu một cái khổ ấy thôi, tương lai thời sẽ vĩnh viễn dứt hết tai họa ấy. Còn như ông nói, bảo ta ở cung mà tu đạo nghiệp, thì cũng như nhà thất bảo mà lửa dữ đầy trong, thì có ai ở được trong nhà ấy không? Như đồ ăn pha độc, thì dù là kẻ đói quyết cũng chẳng ăn. Ta đã bỏ nước, xuất gia tu đạo, tại sao lại bảo ta trở về cung thành mà tu học đạo?! Người ở thế gian ở trong cái khổ lớn, vì chút cái vui nhỏ, mà còn say đắm không dứt ra được, thì huống gì ta đã ở nơi chốn hết sức tịch tĩnh này, không các hoạn khổ, mà lại đi buông bỏ để trở về với chỗ ác hay sao! Các vua chúa cổ xưa vào núi học đạo, không ai nửa đường mà quay về hưởng dục. Phụ vương nếu muốn bắt ta trở về, thì chính là làm sái phép của chư tiên vương vậy!

Bấy giờ vương sư bạch Thái tử rằng:

– Đúng như những gì Thái tử vừa nói. Song chư tiên thánh có vị thì nói vị lai chắc chắn có quả báo, có vị thì nói chắc chắn không quả báo. Hai vị tiên thánh mà còn không thể biết trong đời vị lai chắc có quả báo hay không? Thì Thái tử vì sao lại muốn bỏ cái sung sướng hiện có mà đi cầu cái quả báo không chắc có trong tương lai? Quả báo sinh tử còn không thể biết quyết định là có hay không, thì vì sao lại muốn cầu quả giải thoát? Ngưỡng mong Thái tử hãy hoàn cung vậy!

Thái tử đáp rằng:

– Hai tiên nhân kia nói về quả vị lai. Một người nói có, một người nói không, đều thuộc tâm nghi, không phải là lời phán quyết dứt khoát. Ta nay không hề chấp nhận theo giáo pháp của họ, thì ông không nên lấy họ ra mà bắt bẻ ta. Tại sao vậy? Nay ta không phải vì mong cầu quả báo mà tìm đến đây. Do chính mắt ta thấy sinh lão bệnh tử là điều chắc chắn mình phải trải qua, nên cầu giải thoát miễn các khổ ấy, khiến các ông rồi đây sẽ thấy ta thành đạo. Chí nguyện này của ta quyết không thể hồi, hãy quay về tâu cùng phụ vương và nói rõ như thế.

(5) Vương sư đại thần sai phái nhóm ngài Kiều Trần Như

Bấy giờ, khi Thái tử nói lời ấy xong, đứng dậy khỏi chỗ ngồi, cùng vương sư đại thần từ biệt rồi tiếp tục hướng về phía bắc, đến nơi A La La và Ca Lan tiên nhân. Khi ấy vương sư và đại thần thấy Thái tử bỏ đi buồn rầu rơi lệ: một là nhớ đến thâm tình cùng Thái tử, hai là phụng làm sứ của vua đến gặp Thái tử mà không lay chuyển nổi ý người. Bồi hồi bên đường, chẳng lẽ quay về, mới bàn với nhau rằng: “Đã được vua sai sử đi mà chẳng được việc gì, nay quay về không thì trình bày với vua làm sao đây? Hay chúng ta hãy lưu lại trong số tùy tùng năm người thông minh trí huệ, tâm ý nhu nhuyễn, tính tình trung trực, chủng tộc dũng mãnh, ban lệnh cho họ ngầm theo dõi mọi sự đến đi của Thái tử.” Bàn như thế xong, nhìn sang bên mình, thấy nhóm năm ngài Kiều Trần Như, bèn bảo rằng: “Các ngươi có thể ở lại nơi đây được không?” Năm người đồng đáp: “Lành thay, xin vâng lệnh! Thái tử đến đi tới lui ra sao, sẽ ngầm theo dõi.” Sau đó từ biệt hướng đi về phía Thái tử. Vương sư và đại thần thì quay trở về cung thành.

(6) Thái tử gặp vua Tần Tỳ Sa La  tại Vương Xá thành

Bấy giờ, trên đường Thái tử đến nơi ở của tiên nhân A La La và Ca Lan, vượt qua sông Hằng, theo đường đi qua thành Vương Xá. Khi vào thành rồi, dân chúng ở đây thấy Thái tử dung mạo tướng tốt đặc biệt, đều phát sinh hoan hỉ ái kính. Cả nước trọn đều đổ đến chiêm ngưỡng, biến thành ồn náo thấu đến cung vua Tần Tỳ Sa La. Vua kinh ngạc hỏi: “Tiếng ồn gì vậy?” Các thần đáp rằng: “Thái tử con vua Bạch Tịnh tên Tát Bà Tất Đạt, xưa các tướng sư đoán là sẽ đắc ngôi vị chuyển luân vương, làm vua bốn thiên hạ. Lại đoán thêm rằng nếu người ấy xuất gia thời sẽ thành tựu Nhất thiết chủng trí. Người ấy hôm nay vào đến thành này. Dân chúng bên ngoài đổ xô lại xem, do vì lẽ ấy nên mới ồn náo lên như vậy.” Khi vua Tần Tỳ Sa La nghe nói thế xong, tâm rất hoan hỉ, toàn thân bồn chồn, liền sai một người đi dò xem Thái tử ở đâu. Sứ giả theo lệnh tìm kiếm Thái tử thấy Thái tử ngồi yên ngay ngắn tư duy trên một phiến đá ở núi Bát Trà Bà. Sứ bèn quay về bạch cho vua hay. Vua liền nghiêm giá xe ngựa cùng với thần dân đến nơi Thái tử. Khi đến núi Bát Trà Bà, xa trông thấy Thái tử tướng đẹp sáng chói hơn cả mặt trăng mặt trời, mới bèn xuống ngựa, bỏ hết nghi sức cùng các thị vệ bước đến ngồi xuống hỏi thăm Thái tử:

– Bốn đại có điều hòa hay không? Tôi thấy Thái tử, tâm rất hoan hỉ, song có một nỗi buồn: Thái tử vốn thuộc chủng tính mặt trời, bao đời tiếp nối làm chuyển luân vương. Thái tử giờ đây các tướng của chuyển luân vương trọn đều có đủ, thì tại sao lại bỏ hết mà vào trong non sâu dẵm đạp đất cát xa tìm đến đây? Tôi thấy việc ấy, nên mới thấy buồn. Thái tử nếu vì hiện còn phụ vương nên không muốn nhận lấy vương vị, thì tôi sẽ đem nước này ra phân hai cho ngài trị vì. Nếu cho đó là ít, thì tôi sẽ xả hết đất nước dâng cho, và chịu làm thần phụng sự Thái tử. Nếu lại không nhận đất nước của tôi, thì xin cấp bốn binh cho Ngài công phạt mà chiếm lấy nước khác. Thái tử muốn gì tôi đều không dám làm ngược lại.

Bấy giờ, khi Thái tử nghe vua Tần Tỳ Sa La nói như thế rồi, rất cảm thông với tâm ý của nhà vua, nên trả lời vua rằng:

– Chủng tộc của vua vốn là Minh Nguyệt, họ là Cao Lương, không làm chuyện bỉ lậu, mọi hành vi mọi việc làm không gì không trong sạch hơn người. Nay nói ra các lời lẽ ấy thì đâu có gì là lạ. Song tôi xét thấy vua chân tình khẩn thiết trước sau không có được. Vua nay hãy đối với thân, mệnh, tài mà tu ba pháp kiên cố, và cũng đừng đem các pháp không kiên cố ra mà khuyến khích tưởng lệ người khác. Tôi nay đã xả vương vị chuyển luân, thì còn cớ gì mà nhận lấy đất nước của vua. Vua bằng tâm thiện mà xả nước cho tôi, tôi còn không lấy, thì cớ gì lại hưng binh phạt lấy nước khác. Tôi nay sở dĩ từ biệt cha mẹ, trừ bỏ râu tóc, xả bỏ đất nước là để đoạn cái khổ sinh lão bệnh tử, chứ không phải để cầu cái vui ngũ dục. Ngũ dục của thế gian như khối lửa lớn thiêu đốt chúng sinh mà không tự ra khỏi, thì sao lại khuyên tôi tham đắm vào đó. Tôi nay sở dĩ đến nơi đây là do có hai vị tiên nhân A La La và Ca Lan, là các đạo sư tối thượng, để cầu giải thoát. Tôi muốn đến hai vị đó để cầu đạo giải thoát, nên không thể ở lại đây lâu vậy. Tôi đã từ chối lời ban sơ của vua với tâm hoan hỉ ban tặng cho tôi, xin đừng vì thế mà buồn lòng. Vua nay hãy đem chính pháp mà trị quốc, đừng đối xử oan uổng với người dân.

Nói lời ấy xong, Thái tử đứng dậy cùng vua từ biệt. Thời vua Tần Tỳ Sa La thấy Thái tử bước đi, vô cùng buồn bã, chắp tay tuôn lệ mà nói lời rằng:

– Lúc đầu vừa thấy Thái tử thì tâm nôn nao không cùng. Nay Thái tử bước đi thì càng thêm sầu khổ. Nay người vì lẽ đại giải thoát mà bước ra đi, thì tôi không dám giữ lại. Chỉ nguyện Thái tử tâm nguyện mau thành quả. Nếu khi đạo thành rồi, thì xin trước hãy độ tôi cùng.

Thái tử sau đó từ biệt ra đi. Vua đưa tiễn đứng bên lề đường, ngó theo cho đến khi mất hút không thấy nữa mới trở về.

(7) Thái tử luận đạo với tiên nhân A La La và tiên nhân Ca Lan

Bấy giờ, Thái tử tiến bước đến chỗ của A La La tiên nhân. Khi ấy chư thiên nói với tiên nhân rằng: “Tát Bà Tất Đạt xả bỏ đất nước, từ biệt mẹ cha để cầu con đường chính chân vô thượng, muốn cứu bạt tất cả khổ đau cho chúng sinh vậy. Nay người đã đến, hạ cố đến đây!” Tiên nhân ấy nghe chư thiên nói rồi, rất là hoan hỉ. Thoáng chốc đã thấy Thái tử từ xa, ông vội bước ra nghinh đón tán thán “Mừng ngài đến!” Rồi cùng đón vào trong, mời Thái tử ngồi. Khi ấy tiên nhân trông thấy Thái tử dung mạo đẹp đẽ, tướng tốt trọn đủ, các căn điềm tĩnh, thì hết lòng ái kính, liền hỏi Thái tử rằng:

– Ngài đi đường như thế có mệt hay không? Từ khi Thái tử sơ sinh cho đến xuất gia, rồi đến tận đây, tôi đều biết hết. Ngài có thể từ trong khối lửa, tự giác mà thoát ra, lại như voi lớn dây dợ trói triền mà bứt thoát khỏi. Các vua cổ xưa đến tuổi trưởng thành hưởng thụ ngũ dục. Đến khi chín chắn thì mới xả bỏ quốc ấp, mọi thứ thụ hưởng, để xuất gia học đạo, như thế chưa có gì là lạ. Thái tử giờ đây đang tuổi tráng niên mà đã bỏ ngũ dục tìm đến tận đây, thì mới đúng là hết sức đặc biệt. Xin hãy chuyên cần tinh tiến để mau qua bờ kia.

Thái tử nghe xong, đáp lời rằng:

– Tôi nghe lời ngài nói, rất lấy làm vui mừng. Ngài có thể nói cho tôi nghe về pháp đoạn trừ sinh lão bệnh tử. Tôi nay mong được nghe.

Tiên nhân trả lời: “Thiện tai, thiện tai!” Rồi liền thuyết rằng:

– Nguồn gốc đầu tiên hết của chúng sinh là bắt đầu từ minh sơ. Từ minh sơ ấy khởi lên ngã mạn. Từ nơi ngã mạn sinh ra si tâm. Từ nơi si tâm mà sinh ái nhiễm. Từ nơi ái nhiễm sinh ngũ vi trần khí. Từ ngũ vi trần khí mà sinh ra ngũ đại. Từ nơi ngũ đại sinh các phiền não như tham dục, sân khuể v.v… Do đó mà lưu chuyển sinh lão bệnh tử, ưu bi khổ não. Nay vì Thái tử mà nói lược mà thôi.

Bấy giờ Thái tử mới hỏi thêm rằng:

– Tôi nay đã biết qua những gì ngài vừa nói. Nhưng căn bổn của sinh tử thì có phương tiện nào để mà đoạn đây?

Tiên nhân trả lời:

– Nếu muốn đoạn được gốc gác của sinh tử này, thì (1) trước hết phải xuất gia tu trì giới hành, khiêm nhường nhẫn nhục. (2) Ở nơi không nhàn, tu tập thiền định, lìa các pháp dục ác bất thiện, rồi có giác có quán đắc Sơ thiền. (3) Trừ giác quán, định sinh nhập hỉ tâm, đắc Đệ nhị thiền. (4) Xả hỉ tâm đắc chính niệm, đầy đủ lạc căn, đắc Đệ tam thiền. (5) Trừ khổ lạc đắc tịnh niệm, nhập xả căn, đắc Đệ tứ thiền, đạt được Vô tưởng báo. Có một số thầy nói cái chỗ ấy gọi là giải thoát. Đến khi từ định ra khỏi mới hay đó không phải là chỗ giải thoát, nên (6) lìa sắc tưởng nhập Không xứ. (7) Rồi diệt hữu đối tưởng nhập Thức xứ. (8) Lại diệt vô lượng thức tưởng, chỉ quán một thức, nhập Vô sở hữu xứ. (9) Lìa hết mọi loại tưởng nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Chỗ ấy gọi là cứu cánh giải thoát. Đó chính là bờ bên kia của các người học vậy. Thái tử nếu muốn đoạn trừ khổ hoạn sinh lão bệnh tử thì phải tu học các hành như thế.

Bấy giờ Tháí tử nghe tiên nhân trình bày xong, tâm không hề vui, tự nghĩ thầm rằng: “Tri kiến của ông ta không phải là chỗ cứu cánh, không phải là chỗ vĩnh viễn đoạn trừ chư kết phiền não!” Mới bèn nói rằng:

– Tôi nay đối với các pháp mà ngài nói có chỗ chưa được hiểu lắm.

Nay muốn thưa hỏi cùng, được chăng?

Tiên nhân trả lời:

– Kính nghe theo tôn ý.

Thái tử liền hỏi:

– Phi tưởng phi phi tưởng xứ là có ngã hay là không có ngã? Nếu bảo là không có ngã thì không nên nói là phi tưởng phi phi tưởng. Nếu bảo là có ngã, thì ngã là hữu tri hay là vô tri. Nếu ngã là vô tri ắt giống như gỗ đá, nếu ngã là hữu tri ắt có phan duyên. Đã có phan duyên ắt có nhiễm trước. Do vì nhiễm trước ắt không phải là giải thoát. Ngài đã tận hết các “thô kết” mà không tự biết rằng “tế kết” vẫn còn. Do vì lẽ ấy nên gọi là cứu cánh. Tế kết thấm nhuần tăng trưởng lại phải chịu sinh xuống. Do đó mới rõ không phải là độ đến bờ kia. Nếu trừ được ngã cùng với ngã tưởng, tất cả xả bỏ hết, như thế mới gọi là chân giải thoát vậy.

Tiên nhân im lặng, tâm thầm tư duy các điều Thái tử nói, thật là hết sức vi diệu. Bấy giờ Thái tử lại hỏi tiên nhân:

– Ngài đến năm bao nhiêu tuổi mới xuất gia? Tu phạm hành đến nay đã được bao năm?

Tiên nhân đáp rằng:

– Tôi năm mười sáu là đã xuất gia, tu phạm hành đến nay đã trăm lẻ bốn tuổi. Thái tử nghe xong, tâm nghĩ rằng: “Xuất gia đến nay đã quá lâu rồi mà pháp sở đắc chỉ như vậy thôi sao?”

Khi ấy Thái tử vì cầu thắng Pháp, nên đứng dậy khỏi chỗ ngồi, từ biệt tiên nhân. Khi ấy tiên nhân nói với Thái tử rằng:

– Tôi bao lâu nay tập khổ hành này mà quả đắc được chính chỉ là thế. Ngài là dòng vua làm sao có thể tu khổ hành được?

Thái tử trả lời:

– Như ngài tu đó chưa phải là khổ đâu, còn có con đường tối khổ nan hành khác nữa.

Tiên nhân xét thấy Thái tử trí huệ, lại thấy ý chí kiên cố không chuyển, thì biết là chắc chắn Thái tử sẽ thành Nhất thiết chủng trí, mới bạch Thái tử rằng:

– Ngài nếu thành đạo thì nhớ độ tôi trước.

Theo đó, Thái tử đáp rằng: “Thiện tai!”

Tiếp theo, Thái tử đi đến chỗ ở của ngài Ca Lan, luận nghị đối đáp cũng giống như vậy. Thái tử bèn tiếp tục lên đường. Thời hai tiên nhân thấy Thái tử bỏ đi, mỗi vị đều nghĩ: “Thái tử trí huệ thâm diệu lạ thường, thực đúng là khó mà lường nổi!” Rồi chắp tay phụng tiễn, nhìn theo hút bóng mới quay trở về.

9. Thái tử tu khổ hành sáu năm

Bấy giờ, sau khi Thái tử điều phục hai tiên nhân A La La và Ca Lan rồi, bèn hướng tiến về trước, đến khu rừng khổ hành ở núi Già Xà, là nơi trú ngụ của nhóm năm vị Kiều Trần Như. Thái tử mới ở bên sông Ni Liên Thiền, tĩnh tọa tư duy, quán căn tính chúng sinh, cần phải sáu năm khổ hành để mà độ họ. Tư duy thế rồi mới tu khổ hành. Vì vậy nên chư thiên phụng hiến mè gạo. Thái tử vì cầu đạo chính chân nên tịnh tâm thủ giới, mỗi ngày ăn một hạt mè một hạt gạo, mà nếu có ai xin thì cũng thí cho.

Bấy giờ nhóm năm vị Kiều Trần Như thấy Thái tử ngồi yên ngay ngắn tư duy, tu pháp khổ hành. Hoặc ngày ăn một hạt mè, hoặc ngày ăn một hạt gạo. Hoặc hai ngày cho đến bảy ngày mới ăn một hạt mè hoặc gạo. Thời nhóm các vị Kiều Trần Như cũng tu khổ hành, sát bên không lìa Thái tử. Và đem tình hình ấy sai một người về bạch với vương sư cùng đại thần, nói rõ hết mọi sự tu hành của Thái tử.

Bấy giờ, vương sư đại thần cùng về cung môn, sắc mặt sầu thảm, hình dung thiểu não, y như là kẻ mất người thân thuộc, mới táng tống xong, nén lòng quay về. Thời người thủ môn vào bạch cùng vua rằng: “Quân sư và đại thần hiện ở ngoài cửa.” Vua nghe tâu xong, mất hồn lạc giọng, chỉ đầu mình động đậy được thôi. Thời người thủ môn hiểu ý của vua, tức hô truyền cho vào. Vua thấy hai vị, sầu không nói nên lời, cứ thế một hồi, rồi mới hỏi nhỏ rằng: “Thái tử chính là tính mạng của ta. Các khanh giờ đây quay về có một mình, thì tính mạng của ta làm sao mà còn nổi!” Vương sư đáp rằng: “Chúng thần phụng mạng vua đi tìm kiếm Thái tử, khi đến chỗ ở của Bạt Già tiên nhân tìm hỏi Thái tử, tiên nhân cho chúng thần hay Thái tử đang ở đâu và kể lại các việc Thái tử đối đáp ra sao. Chúng thần liền ra đi, đến giữa đường trông thấy Thái tử đang ở dưới gốc cây, ngồi ngay ngắn tư duy, tướng hảo quang minh hơn cả mặt trời mặt trăng. Mới đem hết mọi nỗi tâm tình khổ đau của đại vương, Ma Ha Ba Xà Ba Đề và Da Thâu Đà La nói cho Thái tử nghe. Thái tử với giọng tha thiết chân thành mà trả lời rằng: Ta há không biết ân tình thâm thiết của phụ vương hay sao! Song vì sợ cái khổ sinh tử ái biệt ly, vì muốn đoạn trừ khổ ấy, nên mới bỏ tới đây. Thái tử với bao lời lẽ trình bày như thế, ý chí kiên cố như núi Tu Di không thể di động. Rồi bỏ chúng thần mà đi, như bỏ cỏ rác! Lúc ấy chúng thần mới tuyển ra năm người đi theo phục dịch, dò xét nơi chốn của Thái tử. Trong năm người sai phái ấy, có một người về báo rằng: Thái tử khi tới nơi chốn của các tiên nhân A La La và Ca Lan, đường đi phải băng qua sông Hằng. Song do lực thiên thần mà qua được sông, đến Vương Xá thành. Thời vua Tần Tỳ Sa La đến gặp Thái tử, phương tiện thuyết phục đừng có xuất gia, để chia nước cho mà trị vì, hoặc là dâng hết nước, hay là sẽ cho binh chinh phạt nước khác. Thái tử trọn đều không nhận, mà tiếp tục lên đường đến chỗ hai tiên nhân vì họ nói pháp, hàng phục tâm họ. Lại đến bên sông Ni Liên Thiền trong rừng khổ hành ở núi Già Xà, tĩnh tọa tư duy, mỗi ngày ăn một hạt mè hay một hạt gạo.”

Khi ấy vua Bạch Tịnh nghe vương sư và đại thần nói lại những gì sứ giả kể, khổ tâm vô cùng, toàn thân run rẩy, lông trên thân dựng đứng, liền nói với vương sư và đại thần rằng: “Thái tử bỏ hết các sung sướng của ngôi vị chuyển luân vương cùng ân ái cha mẹ thân thuộc, vào tận mãi núi sâu tu khổ hành ấy. Ta thật bạc phúc, sinh ra người con trân quý như thế mà để mất.” Rồi vua lại đem các lời sứ giả tâu kể mà nói lại cho Ma Ha Ba Xà Ba Đề và Da Thâu Đà La.

Sau đó vua Bạch Tịnh nghiêm lệnh thắng luôn năm trăm cỗ xe. Ma Ha Ba Xà Ba Đề và Da Thâu Đà La cũng cùng với nhau chuẩn bị năm trăm cỗ xe, tất cả mọi thứ cần dùng đều soạn đầy đủ, rồi kêu Xa Nặc mà bảo rằng: “Ngươi tiễn Thái tử, bỏ tận trong núi sâu. Nay hạ lệnh cho người dẫn ngàn cỗ xe này, chở đầy lương thực đem dâng cho Thái tử. Tùy thời cúng dường, đừng để thiếu thốn. Bao giờ hết thì trở về lấy.” Xa Nặc tiếp lệnh, tức lãnh ngàn cỗ xe lập tức lên đường, đến nơi Thái tử, thấy hình hài tiêu hao, da xương dính sát, gân mạch lộ ra, như đóa hoa ba la xa, bèn đầu mặt lễ dưới chân Thái tử, hôn sầu dưới đất, lặng lẽ một hồi mới đứng dậy, nuốt lệ thưa rằng:

– Đại vương nhớ thương Thái tử ngày đêm không nguôi. Nên nay sai thần lãnh ngàn cỗ xe, chở đầy mọi thứ cần dùng, để Thái tử sử dụng.

Thái tử mới trả lời Xa Nặc rằng:

– Ta làm trái lời cha mẹ và xả bỏ đất nước, đến mãi tận nơi đây là để cầu đạo cả, thì sao lại thụ hưởng các thứ ăn uống ấy?

Khi Xa Nặc nghe lời nói ấy thì tâm thầm nghĩ rằng: “Thái tử giờ đây đã không chịu nhận các thức cần dùng này, ta phải tìm một người nào đó dẫn ngàn cỗ xe này quay về vương cung. Còn ta ở lại đây phục dịch Thái tử.” Nên sai một người lãnh ngàn xe ấy đi về, còn Xa Nặc thì ngấm ngầm hầu hạ Thái tử, đêm ngày không lìa. 10. Thái tử bỏ tu khổ hành

(1) tắm trong sông Ni Liên

Bấy giờ, Thái tử tâm tự nghĩ rằng: “Ta nay mỗi ngày ăn một hạt mè hay một hạt gạo, hoặc cho đến bảy ngày mới ăn một hạt mè hay gạo, thân hình hao mòn, trông như cây khô. Tu khổ hành này đã trọn sáu năm mà không được giải thoát, đủ biết đây không phải là Đạo. Chi bằng xưa kia dưới gốc cây diêm phù, pháp mà ta tư duy, lìa dục tịch tĩnh, mới là tối chân chính. Nay nếu ta vẫn dùng cái thân tiêu hao này để mà đắc đạo, thì các ngoại đạo sẽ cho rằng tự nhịn đói là nhân của bát niết bàn. Nay tuy ta từng khớp tiết một đều có na la diên lực, song cũng không dùng thân khổ hành này để chứng đạo quả. Ta phải thọ thực rồi sau đó mới thành đạo.” Nghĩ như thế rồi mới đứng dậy khỏi chỗ đi đến sông Ni Liên Thiền, bước xuống sông tắm rửa. Khi tắm xong, thân thể gầy yếu không lên bờ được, thiên thần giáng xuống, kéo cành cây xuống cho Thái tử, Thái tử nắm lấy đó mà ra khỏi dòng sông.

(2) Thái tử thọ thực trở lại

Khi ấy ở ngoài thôn kia có cô gái chăn bò tên là Nan Đà Ba La, thời trời Tịnh Cư xuống khuyên nói rằng: “Thái tử hiện giờ đang ở trong rừng, người hãy đến cúng dường.” Cô gái nghe rồi, tâm rất hoan hỉ. Khi ấy từ trong đất bỗng nhiên nẩy sinh đóa hoa sen ngàn cánh, trên hoa có cháo sữa. Cô gái trông thấy hết lòng sinh tâm dị thường, mới lấy cháo sữa ấy đem đến chỗ Thái tử, đầu mặt lễ dưới chân mà dâng lên cho. Thái tử liền nhận món cúng dường của cô ta, rồi chú nguyện rằng: “Đồ thí thực này, để cho người ăn, được đủ khí lực. Và làm người thí, được khỏe được vui, an lạc không bệnh, được trọn tuổi thọ, trí huệ đầy đủ.” (Kim sở thí thực, dục lệnh thực giả, đắc sung khí lực, đương sử thí gia, đắc đảm đắc hỉ, an lạc vô bệnh, chung bảo niên thọ, trí huệ cụ túc.) Rồi Thái tử mới nói lời như sau:

– Ta vì để thành thục tất cả chúng sinh nên mới nhận món ăn này.Chú nguyện xong rồi mới nhận mà ăn. Thân thể lập tức sáng đẹp, khí lực sung túc, xứng thọ Bồ Đề.

(3) Bồ Tát hướng đến cây Bồ Đề, rồng mù tán thán

Bấy giờ, năm vị kia chứng kiến sự việc ấy kinh dị vô cùng, cho rằng Thái tử đã thối chuyển, nên ai cũng bỏ về chốn của mình. Riêng mình Bồ Tát độc hành đến dưới cây tất ba la, tự phát nguyện rằng:

– Ngồi dưới cây này, đạo Ta không thành, quyết không đứng dậy.Do Bồ Tát đức trọng, đất không đỡ nổi, nên khi ấy mỗi bước một, đất đều chấn động, phát tiếng vang rền. Bấy giờ, rồng mù nghe tiếng đất vang động, tâm rất vui mừng, hai mắt mở sáng. Rồng từng chứng kiến các Phật đời trước có các điềm lành như vậy. Suy xét như vậy rồi, mới từ dưới đất vọt lên, lễ dưới chân Bồ Tát. Cùng lúc có năm trăm chim sẻ xanh bay lượn trong không, theo bên phải mà nhiễu quanh Bồ Tát. Rồi nào mây lành đủ sắc cùng với gió hương vờn theo óng ánh lả tả. Khi ấy rồng mù dùng kệ tán thán rằng:

Nơi chân Bồ Tát dẵm đất đều động sáu cách, phát tiếng rền vang vọng, con nghe mắt mở sáng. Lại thấy trong không trung sẻ vàng nhiễu Bồ Tát, mây lành óng ánh chiếu, gió hương mát rười rượi. Điềm lành của Bồ Tát đều như quá khứ Phật, nên con biết Bồ Tát chắc chắn thành Chính giác!

(4) Bồ Tát dùng cỏ trải tòa

Thế rồi Bồ Tát mới tự tư duy: “Chư Phật quá khứ lấy gì làm tòa để thành đạo vô thượng?” Lập tức Ngài biết là lấy cỏ làm tòa. Thích Đề Hoàn Nhân hóa làm người phàm, cầm cỏ mềm sạch. Bồ Tát hỏi rằng:

– Ông tên là gì?

Đáp rằng:

– Cát Tường.

Bồ Tát nghe xong tâm rất vui mừng: “Ta phá những gì bất cát, để thành cát tường!” Bồ Tát lại hỏi:

– Cỏ trong tay ông, Ta có thể có được không?

Do đó Cát Tường liền trao cỏ tặng cho Bồ Tát. Nhân đó phát nguyện rằng: “Bồ Tát thành đạo xin độ tôi trước.” Bồ Tát nhận rồi, trải cỏ làm tòa. Rồi trên cỏ ấy ngồi kết già phu, đúng như cách thức chư Phật quá khứ đã ngồi mà tự thề rằng:

– Không thành Chính giác, không đứng dậy khỏi tòa này. Ta cũng như vậy!

Khi phát lời thề ấy, trời rồng quỷ thần ai cũng hoan hỉ, gió lành mát rượi khắp bốn phương khởi, cầm thú lặng tiếng, cây không xào xạc, mây nổi bụi giăng trọn đều tĩnh lắng. Rõ biết là điềm Bồ Tát thành đạo.

11. Bồ Tát hàng Ma

(1) Ma Vương áo não bất an

Bấy giờ, khi Bồ Tát ở dưới cây phát lời thệ nguyện, trời rồng tám bộ đều rất hoan hỉ, ở trong hư không hớn hở ca ngợi. Nhưng vào lúc ấy tại cung điện của Ma Vương tại cõi trời thứ sáu, bỗng nhiên chao động. Vì vậy nên Ma Vương tâm rất áo não, tinh thần bồn chồn, thanh vị gì cũng đều chẳng màng, mới tự thầm nghĩ: “Sa môn Cù Đàm, nay dưới gốc cây, xả bỏ ngũ dục, ngồi ngay ngắn tư duy, không lâu sẽ thành đạo Chính giác. Nếu người ấy thành đạo sẽ độ khắp cho tất cả vượt qua cảnh giới của ta. Nay đạo chưa thành ta phải tìm đến nhiễu loạn mà phá đi!”

Khi ấy con của Ma là Tát Đà thấy cha thờ thẫn, nên đến bạch rằng: “Phụ vương có khỏe không? Tại sao lại đờ đẫn ra như vậy?” Ma vương trả lời: “Sa môn Cù Đàm hiện đang ngồi dưới gốc cây, đạo người ấy sắp thành siêu việt khỏi ta. Nay ta muốn phá đạo ấy đi.” Con của Ma vội vã tiến lên can cha rằng: “Bồ Tát thanh tịnh vượt khỏi ba cõi, thần thông, trí huệ, không gì không tỏ rõ. Trời rồng tám bộ đều phải xưng dương tán thán. Với bậc ấy thì sức của phụ vương không sao đánh bại được đâu! Mình không nên tạo ác như thế mà tự chuốc lấy tai họa.”

Ma có ba cô con gái, hình dung dáng dấp vô cùng xinh đẹp, hấp dẫn ma quái, rất giỏi dụ hoặc người, trong hàng thiên nữ quả là bậc nhất. Xoa mình thì toàn các hương thơm hạng nhất, trang điểm thì toàn các anh lạc hảo hạng. Cô đầu tên Nhiễm Dục, cô thứ hai tên Năng Duyệt Nhân, cô thứ ba tên Khả Ái Lạc. Ba cô đồng đến bạch hỏi cha rằng: “Không rõ hôm nay cớ gì mà cha ưu sầu?” Cha mới đem hết tâm tình mình ra nói với các con gái rằng: “Thế gian hiện giờ đang có sa môn Cù Đàm, thân mặc giáp pháp, cầm cung tự tại, lắp tên trí huệ, định hàng phục chúng sinh, hoại cảnh giới của ta. Nếu ta không bằng, chúng sinh sẽ tin vào người ấy, và quy y theo hết, thì cõi nước ta thành trống không, thế nên ta mới sầu ưu. Nay chưa thành đạo, ta muốn đến nơi bẻ gẫy, phá đổ cột rường của người ấy.” Thế là Ma Vương tay cầm cung rắn, đem năm mũi tên, nam nữ quyến thuộc cùng nhau kéo đến dưới cây tất ba la. Thấy vị Mâu Ni lặng yên bất động, muốn vượt qua biển sinh tử ba cõi.

(2) Ma Vương bắn tên khủng bố Bồ Tát

Bấy giờ Ma Vương tay trái cầm cung, tay phải lắp tên, nói cùng Bồ Tát rằng:

– Ngươi là dòng Sát Lợi, chết là điều rất đáng sợ. Sao không mau đứng lên mà tu lấy nghiệp chuyển luân vương của ngươi mới phải! Bỏ pháp xuất gia, tập lập hội bố thí, được sinh cõi trời hưởng lạc. Đạo ấy mới là đệ nhất, hơn hết những gì trước nay ngươi tu. Ngươi là dòng dõi Sát Lợi chuyển luân vương mà đi làm ăn mày, điều đó không thích hợp chút nào. Nay nếu không đứng dậy, cứ ngồi yên như thế, không chịu bỏ thệ nguyện kia đi, ta sẽ bắn ngươi cho biết. Một phen ta buông tên bén ra, thì các tiên nhân khổ hành chỉ cần nghe tiếng rít của tên ta, không ai không khiếp vía, hôn mê bất tỉnh. Huống gì Cù Đàm nhà ngươi thì chịu gì nổi món độc này. Nếu ngươi mau đứng dậy thì sẽ được an toàn!

Ma nói như thế để khủng bố Bồ Tát, song Bồ Tát vẫn an nhiên, chẳng kinh chẳng động. Ma Vương lập tức kéo cung bắn ra một phát, cùng xua các thiên nữ tới. Bồ Tát lúc ấy mắt không hề nhìn đến tên, mà tên dừng lại trong không, mũi tên hướng xuống, biến thành hoa sen.

(3) Ba con gái Ma Vương dụ hoặc Bồ Tát

Khi ấy ba thiên nữ bạch cùng Bồ Tát rằng:

– Nhân giả đức lớn, trời người đều kính, nên cần phải có người hầu hạ. Chúng thiếp hiện nay đang tuổi xuân thì, các thiên nữ xinh đẹp không ai hơn nổi chúng thiếp. Nay trời sai chúng thiếp lại đây hiến dâng cho ngài, ngày đêm ngủ nghỉ, nguyện hầu hai bên.

Bồ Tát trả lời:

– Các ngươi trồng chút căn lành mà được có thân trời ấy. Nay không tưởng đến vô thường, còn đi làm trò yểu mị. Hình dáng tuy đẹp mà tâm không ngay ngắn, dâm hoặc bất thiện như thế, thì khi chết sẽ đọa vào trong ba đường ác, mang thân chim chóc thú vật, khó mà thoát khỏi. Các ngươi giờ đây muốn nhiễu loạn tâm định của ta, thì đó không phải là tâm thanh tịnh. Thôi, hãy đi đi! Ta không cần đến!

Bỗng nhiên lúc ấy ba thiên nữ biến thành ba bà già, tóc trắng da nhăn, răng rụng dãi chảy, thịt tóp xương lồi, bụng to như trống, chống gậy khập khiễng, không sao hoàn hình lại được! Ma Vương thấy Bồ Tát kiên cố như vậy, tâm tự nghĩ rằng: “Xưa ta từng tại núi tuyết bắn Ma Hê Thủ La một mũi, mà liền sợ hãi, thối thất thiện tâm. Mà nay không sao động nổi Cù Đàm. Tên này cùng ba con gái của ta đã không làm chuyển động nổi để sinh ái khuể, thì ta phải dùng cách khác mới được.”

(4) Ma Vương dẫn dụ Bồ Tát

Địa thần hiện lên làm chứng cho Bồ Tát

Mới dùng lời nhỏ nhẹ mà dụ Bồ Tát rằng:

– Nếu ngài không thích hưởng lạc của thế gian, thì nay có thể lên trên thiên cung. Tôi xả hết thiên vị và các món ngũ dục mà dâng cho ngài. Bồ Tát đáp rằng:

– Ngươi trong đời trước tu chút nhân bố thí, nên nay mới được làm Tự Tại Thiên Vương. Phúc ấy có hạn, ngươi sẽ sinh trở xuống mà chìm đắm trong ba đường, ra khỏi rất khó. Đó là nhân của tội lỗi, không phải điều ta tu.

Ma nói với Bồ Tát:

– Quả báo của ta có ngài chứng biết. Thế còn quả báo của ngài thì ai chứng tri đây?

Bồ Tát trả lời:

– Quả báo của ta chỉ có mặt đất này mới biết được.

Ngay lúc nói lời ấy ra, đại địa chấn động sáu cách. Tức thời địa thần cầm bình thất bảo chứa đầy hoa sen từ dưới đất vọt lên, nói với Ma rằng:

– Bồ Tát xưa dùng đầu mắt tủy não thí cho mọi người. Máu Người đổ ra thấm khắp đại địa. Quốc thành, thê tử, voi ngựa, châu báu mà Ngài đem ra bố thí không thể nào kể hết được, để cầu con đường đạo vô thượng chính chân. Vì lẽ đó, nên ngươi không nên não loạn Bồ Tát nữa!

Ma nghe thế rồi, tâm sinh hãi sợ, lông trên thân dựng đứng. Khi ấy địa thần lễ dưới chân Bồ tát, dâng hoa cúng dường, rồi bỗng biến mất.

(5) Ma rốc hết lực ma quân công phá Bồ Tát

Bấy giờ, Ma Vương thầm nghĩ rằng: “Ta dùng cung rắn tên bén cùng ba con gái ta và cả phương tiện lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ mà không thể hoại loạn được tâm của Cù Đàm này. Nay đành phải bày các phương tiện khác, tập hết quân chúng, dùng lực ức hiếp.” Vừa nghĩ thế xong, thì quân chúng ma bỗng nhiên hiện đến đầy khắp hư không, hình thù mỗi ma mỗi khác, hoặc cầm kích hoặc hoa kiếm, đầu đội cây lớn, tay cầm chày vàng, đủ loại chiến cụ đều đầy đủ hết. Hoặc đầu heo, đầu cá, đầu ngựa, sư tử, rồng, hoặc đầu gấu, gấu ngựa, đầu hổ, tê giác, cùng các đầu thú khác. Hoặc một thân mà nhiều đầu, hoặc mặt chỉ một mắt, hoặc có nhiều mắt, hoặc bụng to thân dài, hoặc gầy còm không bụng, hoặc chân dài đầu gối lớn, hoặc chân lớn bắp vế mập, hoặc móng dài răng bén, hoặc đầu ở trước ngực, hoặc hai chân mà nhiều thân, hoặc mặt lớn, mặt ở bên, hoặc sắc như đất tro, hoặc thân phóng bốc lửa, hoặc thân voi chở núi, hoặc tóc che thân trần, hoặc lại sắc mặt nửa đỏ nửa trắng, hoặc môi trề xuống tận đất, hoặc vén khố trùm mặt, hoặc thân khoác da hổ, hoặc da sư tử, da rắn, hoặc rắn quấn vòng thân, hoặc trên đầu lửa cháy, hoặc trợn mắt cung tay, hoặc đi ngang nhẩy búng, hoặc quay vòng trong không, hoặc lết bộ gào thét. Đủ các thứ hình dạng ghê gớm như vậy, kể không hết được, bao vây Bồ tát.

Hoặc có ma muốn xé thân Bồ Tát, hoặc bốn phương khói dậy, lửa đỏ ngút trời, hoặc cuồng âm dồn dập chấn động sơn cốc, gió lửa khói bụi mù mịt chẳng còn thấy gì. Nước bốn biển lớn đồng thời bắn vọt lên sôi sục. Hộ pháp thiên nhân, chư rồng quỷ loại trọn đều tức giận ma chúng, sân khuể tăng thịnh, chân lông rỉ máu. Tịnh Cư thiên chúng thấy các ác ma não loạn Bồ Tát, do từ bi tâm mới xót thương chúng, vì thế hạ xuống ở bên, đầy nghẹt hư không. Thấy ma quân chúng vô lượng vô biên vây quanh Bồ Tát, phát ra những tiếng hung dữ ầm ầm rung động trời đất, song Bồ Tát tâm định, sắc mặt không hề biến đổi, tựa như sư tử ngự giữa bầy hươu, tất cả đều tán thán: “Ô hô, lạ thay! Chưa từng có vậy!”

(6) Bồ Tát bất động hàng phục Ma quân

Bồ Tát quyết định phải thành Chính giác, bầy ma chúng này hè nhau quật đổ Bồ Tát, mỗi ma tận hết oai lực để phá đổ Bồ Tát, hoặc trợn mắt nghiến răng, hoặc bay ngang loạn nhảy, Bồ Tát nhìn thấy như trẻ con đùa giỡn. Ma càng sầu phẫn hận, lại tăng thêm chiến lực. Bồ Tát do nơi lực từ bi mà khiến kẻ ôm đá thì không nâng lên nổi, kẻ nhấc lên được thì không ném xuống được, phi đao tung kiếm đều dừng lại trên không, sấm sét lửa nước thành hoa năm màu, rồng ác phun độc biến thành gió thơm. Các loại ác hình ấy muốn hoại Bồ tát mà không sao lay động nổi.

Ma có chị em, một tên Di Già, một tên Ca Lợi, mỗi người tay cầm vũ khí đầu lâu, ở trước Bồ Tát hiện đủ hình thù quái lạ để não loạn Bồ Tát. Còn các ma chúng thì đủ loại thân hình xấu xí ghê gớm muốn khủng bố Bồ Tát, song rốt cuộc không sao lay động nổi một sợi lông của Bồ Tát. Ma càng thêm ưu sầu. Trong không có vị thần tên là Phụ Đa, ẩn thân nói rằng: “Ta nay nhìn thấy tâm của đấng Mâu Ni bình lặng, không chút tâm tưởng oán hận. Trong khi ma chúng này thì khởi độc tâm, ở nơi chỗ không oán mà làm càn sinh phẫn. Bọn ác ma si mê này chỉ tự uổng công nhọc nhằn, rồi ra chẳng nên trò trống gì! Giờ đây chỉ còn cách là xả tâm khuể hại kia đi. Miệng các ngươi có thể thổi núi Tu Di khiến núi lở sập, khiến lửa thành lạnh, khiến nước thành nóng, đất kia cứng chắc khiến thành mềm yếu, song các ngươi không thể nào hoại được thiện quả tu tập hằng bao kiếp nay của Bồ Tát. Chính tư duy, định, tinh cần phương tiện, tịnh trí huệ quang, bốn công đức ấy không có gì có thể đoạn ngang được, để mà ngăn chặn không cho người thành Chính giác. Như ngàn mặt trời chiếu thì chắc chắn ám tối phải trừ. Dùi gỗ thì có lửa, đào đất thì có nước, với tinh cần phương tiện thì không cầu nào mà không thành tựu. Thế gian chúng sinh chìm trong tam độc không ai là người cứu. Bồ Tát từ bi cầu thuốc trí huệ để trừ tai họa cho thế gian. Bọn ngươi nay vì cớ gì mà não loạn Người? Thế gian chúng sinh si hoặc vô trí ắt đắm tà kiến. Nay Người lập pháp nhãn tu tập chính lộ để dẫn dắt chúng sinh. Bọn ngươi nay vì cớ gì não loạn Đạo Sư? Thế nên không thể nào thành công được! Ví như ở nơi khoảng đồng trống không mà đòi lừa dối người dẫn đạo các thương nhân. Chúng sinh đọa trong tối tăm hắc ám, hoang mang chẳng biết đâu là chỗ dừng. Bồ Tát vì họ thắp lên ngọn đèn trí huệ. Bọn ngươi nay vì cớ gì muốn thổi tắt đèn? Chúng sinh giờ đang chìm đắm trong biển sinh tử. Bồ Tát vì họ mà tu thuyền báu trí huệ. Bọn ngươi nay vì cớ gì muốn làm đắm thuyền? Nhẫn nhục là mầm, kiên cố là rễ, vô thượng đại pháp chính là đại quả. Bọn người nay vì cớ gì mà muốn công phạt? Xiềng tham khuể si trói triền chúng sinh. Bồ Tát khổ hành là để cởi cho. Ngày nay quyết định dưới gốc cây này ngồi kết già phu thành vô thượng đạo. Chỗ đất này chính là tòa kim cương của quá khứ chư Phật. Các chỗ khác thì chuyển, chứ ở đây thì bất động, và có thể chịu nổi diệu định, không phải sức các ngươi mà phá đổ được! Các ngươi nay hãy sinh tâm vui mừng, ngưng kiêu mạn ý, tu tri thức tưởng, mà phụng sự Ngài!”

Khi ấy Ma Vương nghe tiếng trong không và thấy Bồ Tát điềm nhiên chẳng chuyển, tâm Ma thấy tàm quý, xả bỏ kiêu mạn, lập tức quay lại trở về thiên cung. Bầy ma buồn rầu trọn đều tan tác, tinh thần thiểu não chẳng còn oai hách, các vũ khí chiến đấu ngổn ngang trong rừng trên đồng. Đương khi ác ma thối tán, Bồ Tát tâm tịnh lắng trong không động, trời không sương khói, gió không lay cành, mặt trời ngả bóng ngưng chiếu càng thêm sáng rực, mặt trăng lắng đọng trong suốt, sao trời lấp lánh lung linh, u ẩn tối ám không còn chướng ngại, chư thiên trong không mưa xuống hương hoa tinh diệu, tấu lên âm nhạc cúng dường Bồ Tát.

12. Bồ Tát thành Đạo

(1) chứng Túc mệnh minh vào đầu đêm

Bấy giờ, Bồ Tát dùng lực từ bi, vào đêm mùng bẩy tháng hai, hàng phục Ma xong, phóng đại quang minh, liền nhập vào định, tư duy Chân Đế. Đối với chư pháp, thiền định tự tại, biết trọn hết mọi điều thiện ác đã tạo trong quá khứ, từ đây sinh kia, cha mẹ quyến thuộc, giàu nghèo quý tiện, thọ yểu dài ngắn, cùng tên tuổi họ, trọn đều rõ biết. Nên đối chúng sinh khởi đại bi tâm, thầm tự nghĩ rằng: “Tất cả chúng sinh không ai cứu tế, luân hồi năm đường chẳng biết bến ra. Tất cả đều giả dối, không có gì chân thật, mà ở trong ấy cưỡng sinh khổ sướng.” Ngài tư duy như thế cho đến hết đêm đầu.

(2) chứng Thiên nhãn minh vào giữa đêm, quán sát năm đường: 

Bồ Tát quán sát địa ngục

Bấy giờ, Bồ Tát vào đến đêm giữa thời đắc thiên nhãn, quán sát thế gian đều thấy thấu hết, như trong gương sáng mà thấy mặt mình cùng các hình ảnh. Ngài thấy các chúng sinh chủng loại vô lượng, chết đây sinh kia, tùy theo làm thiện ác mà thọ báo khổ sướng. Ngài thấy trong địa ngục khảo phạt chúng sinh, hoặc nước đồng sôi rót vào miệng, hoặc ôm cột đồng, hoặc nằm giường sắt, hoặc dùng vạc sắt mà nấu mà luộc, hoặc trên bếp lửa xỏ cọc xuyên người mà nướng, hoặc bị hổ, sói, ưng, chó ăn sống, hoặc kẻ tránh lửa nương vào nơi cây, lá cây rớt xuống đều thành đao kiếm chém cắt thân thể, hoặc bị dùng búa, cưa mà chẻ phanh chi thể, hoặc bị ném vào sông than sôi nóng, hoặc lại bị ném vào hầm phân dòi bọ. Chịu đủ hết mọi loại khổ như thế, mà do nghiệp báo nên mạng chung mà vẫn không chết. Bồ Tát thấy các sự việc ấy rồi, tâm tư duy rằng: “Các chúng sinh ấy gốc tạo ác nghiệp, cũng vì hưởng lạc thế gian mà nay phải chịu quả báo, cùng cực mức khổ! Nếu ai mà thấy được ác báo như thế sẽ không còn dám khởi tưởng bất thiện nữa.”

Bồ Tát quán sát súc sinh

Bấy giờ, Bồ Tát lại quán súc sinh: Tùy đủ loại hành mà phải chịu các hình thù xấu xí. Hoặc có loài vì xương, thịt, gân, sừng, da, răng, lông, cánh của mình mà bị giết để lấy. Hoặc có loại vì người mà mang chở gánh nặng, đói khát cùng cực mà người chẳng hay biết. Hoặc xỏ mũi, hoặc móc đầu, thường đem xác thịt cung cấp cho người, ở nơi đồng loại thì ăn nuốt lẫn nhau, chịu lấy biết bao kiểu khổ như thế. Bồ Tát thấy rồi, sinh đại bi tâm mới tự tư duy: “Các chúng sinh ấy thường dùng thân lực cung cấp cho người, mà còn bị roi quất, đói khát khổ sở, đều là quả báo của gốc tu ác hành.”

Bồ Tát quán sát ngạ quỷ

Bấy giờ, Bồ Tát lại quán đến ngạ quỷ: Thấy chúng luôn ở trong chỗ tối đen, chưa từng thấy được chút ánh mặt trời mặt trăng. Ở nơi đồng loại mà cũng không thấy ra nhau, mang thân dài lớn, bụng như thái sơn mà cổ họng như kim, trong miệng thường có lửa lớn hừng cháy, thường bị đói khát thiêu đốt không ngừng, ngàn ức vạn năm không nghe đến tiếng “ăn”. Như gặp lúc trời mưa, rơi xuống trên người, thì biến thành hỏa châu. Hoặc lúc đi qua sông, biển, ngòi, ao, dòng nước, liền hóa thành đồng sôi than đỏ. Động thân cất bước thì phát tiếng như người kéo năm trăm cỗ xe, chi thể gân tiết đều bị lửa đốt. Bồ Tát thấy bị đủ mọi loại khổ như thế, khởi đại bi tâm tự tư duy rằng: “Các người ấy đều vì gốc tạo san tham, tích tài không thí, nên khiến ngày nay phải chịu tội báo như thế! Nếu ai thấy họ chịu các khổ sở như thế, thì phải ra ân bố thí, đừng sinh keo kiết. Cho dù không có tiền tài, thì cũng phải cắt thịt để mà bố thí.”

Bồ Tát quán sát loài người

Bấy giờ, Bồ Tát lại quán đến người: Thấy từ trung ấm bắt đầu muốn nhập thai, cha mẹ hòa hợp, mới do tưởng điên đảo, khởi lên ái tâm, liền lấy “bất tịnh” mà làm thân mình. Khi ở trong thai rồi, ở giữa hai tạng là sinh tạng và thục tạng, nung đốt thân thể như địa ngục khổ. Đến tròn mười tháng sau đó mới sinh. Vào lúc sơ sinh thì bị người ngoài ẵm bế, xúc chạm đau đớn như trúng phải đao kiếm. Được thế không lâu lại quay về già chết, rồi lại làm em bé, luân chuyển trong năm đường, mà không sao tự tỉnh ngộ. Bồ Tát thấy rồi, khởi đại bi tâm, tự tư duy rằng: “Chúng sinh đều có các tai họa như thế, mà sao cứ trong ấy say đắm ngũ dục, chấp cho là sướng, mà không đoạn được căn bổn điên đảo.”

Bồ tát quán sát cõi trời

Bấy giờ, Bồ Tát quán đến chư thiên: Thấy các thiên tử thân thể thanh tịnh, không dính bụi trần, như chân lưu ly, có đại quang minh, hai mắt không nháy. Hoặc có loài ở tại đỉnh núi Tu Di, hoặc có loài ở tại bốn hướng của Tu Di, hoặc có loài ở trong hư không, tâm thường hoan lạc, không gì không như ý, tấu thiên nhạc du dương để tự hưởng thụ, chẳng biết ngày đêm, bốn phương qua lại, không gì không tuyệt diệu. Ngó đông thì say đắm cả năm quên cả quay lại, trông tây thì mê mệt trọn năm không nhớ quay về, cho đến nam bắc đều y như vậy. Ăn uống y phục cứ theo tâm tưởng mà hiện tới. Tuy có các việc thích ý như vậy, song vẫn bị thiêu đốt bởi ngọn lửa dục. Bồ Tát lại thấy các cõi trời ấy khi phúc hết rồi thì năm tướng chết hiện ra: (1) Một là hoa trên đầu héo. (2) Hai là mắt nháy. (3) Ba là ánh sáng trên thân tắt. (4) Bốn là dưới nách toát mồ hôi. (5) Năm là tự nhiên lìa khỏi bổn tòa. Các quyến thuộc của trời ấy thấy năm tướng chết hiện ra nơi thân của thiên tử ấy, thì tâm sinh quyến luyến. Thiên tử cũng tự thấy thân mình có năm tướng chết, lại thấy quyến thuộc quyến luyến với mình, vào ngay lúc ấy đau khổ vô cùng. Bồ Tát thấy các thiên tử kia có các sự việc như thế, khởi đại bi tâm, tự tư duy rằng: “Các thiên tử này vốn tu chút thiện, được hưởng sướng cõi trời. Đến khi quả báo sắp hết thì sinh đại khổ não. Khi mạng chung rồi, bỏ thân trời kia, thì có vị đọa vào trong ba đường ác! Vốn tạo thiện hành để cầu báo sướng, mà nay có được chỉ chút sướng mà khổ nhiều. Ví như kẻ đói nuốt đồ ăn độc, ban đầu tuy có chút ngon, nhưng rốt cuộc lại thành họa lớn. Thì sao người trí mà lại ham thích như thế được? Còn chư thiên ở cõi Sắc và Vô Sắc thấy thọ mạng dài liền cho là thường lạc. Đến khi thấy biến hoại thì sinh đại khổ não, liền khởi tà kiến, hủy báng cho là không có nhân quả. Do vì lẽ đó nên luân hồi ba đường, chịu đủ hết các khổ.” Bồ Tát dùng lực thiên nhãn quán sát năm đạo, khởi đại bi tâm, tự tư duy rằng: “Ở trong ba cõi không có một chỗ nào là sướng!” Tư duy như thế cho đến hết đêm giữa.

(3) Bồ Tát quán 12 nhân duyên, chứng Lậu tận minh vào cuối đêm, thành Chính giác

Bấy giờ, Bồ Tát đến phần thứ ba của đêm, quán chúng sinh tính do nhân duyên gì mà có Lão tử, thời biết Lão tử lấy Sinh làm gốc. Nếu lìa khỏi Sinh ắt không có Lão tử. Lại cái Sinh này không từ trời mà sinh, không tự mình mà sinh, cũng không phải là không có duyên mà sinh. Từ nhân duyên mà sinh, nhân nơi nghiệp của dục Hữu, sắc Hữu, vô sắc Hữu mà sinh. Lại quán nghiệp của ba Hữu từ đâu mà sinh, liền biết nghiệp của ba Hữu từ bốn Thủ mà sinh. Lại quán bốn Thủ từ đâu mà sinh, thời biết bốn Thủ từ Ái mà sinh. Lại quán đến Ái từ đâu mà sinh, liền biết ngay Ái từ Thọ mà sinh. Lại quán đến Thọ từ đâu mà sinh, thời biết ngay Thọ từ Xúc mà sinh. Lại quán đến Xúc từ đâu mà sinh, thời biết ngay Xúc từ Lục nhập sinh. Lại quán Lục nhập từ đâu mà sinh, thì biết Lục nhập từ Danh sắc sinh. Lại quán Danh sắc từ đâu mà sinh, thời biết Danh sắc từ Thức mà sinh. Lại quán đến Thức từ đâu mà sinh, liền biết ngay Thức từ Hành mà sinh. Lại quán đến Hành từ đâu mà sinh, thời biết ngay Hành từ Vô minh sinh.

Nếu diệt Vô minh ắt Hành diệt, Hành diệt ắt Thức diệt, Thức diệt ắt Danh sắc diệt, Danh sắc diệt ắt Lục nhập diệt, Lục nhập diệt ắt Xúc diệt, Xúc diệt ắt Ái diệt, Ái diệt ắt Thủ diệt, Thủ diệt ắt Hữu diệt, Hữu diệt ắt Sinh diệt, Sinh diệt ắt Lão tử, ưu bi khổ não diệt. Nghịch thuận như thế mà quán mười hai nhân duyên, trong phần đêm thứ ba phá tan vô minh. Ánh sáng vừa ló dạng, đắc trí huệ quang, đoạn hết tập chướng, thành Nhất Thiết Chủng Trí.

Bấy giờ, Như Lai tâm tự tư duy: “Bát Chính Thánh Đạo là chỗ đi lại của ba đời chư Phật, là tiến hướng theo con đường Bát Niết Bàn, Ta nay đã bước đi lên, trí huệ thông suốt, không gì trở ngại nữa!” Tức thời, đại địa chuyển động theo mười tám cách, sương nổi bụi bay tất đều lắng sạch, trống trời tự nhiên phát tiếng vi diệu, gió thơm thoảng dậy lâng lâng mát rượi, mây lành đủ sắc rót mưa cam lồ, vườn rừng hoa trái tươi tốt không đợi mùa. Lại trên không mưa xuống hoa mạn đà la, hoa ma ha mạn đà la, hoa mạn thù sa, hoa ma ha mạn thù sa, hoa vàng, hoa bạc, hoa lưu ly, đủ loại như vậy và cả hoa sen thất bảo, mưa xuống nhiễu quanh cây Bồ Đề, đầy khắp ba mươi sáu thâu xà na. Đồng thời chư thiên trổi âm nhạc trời, rải hoa xông hương, ca ngâm tán thán, cầm lọng báu trời cùng các tràng phan đầy ắp hư không cúng dường Như Lai. Rồng thần tám bộ sắp đồ cúng dường cũng y như vậy.

Đúng vào ngay lúc ấy, tất cả chúng sinh bỗng đều từ ái, không tâm sân khuể, hoan hỉ bồn chồn như thấy vết tích bậc thánh, không lòng sợ hãi, tâm tính điều hòa, lìa xa kiêu mạn, cũng không có chút các tâm keo kiết, tật đố, dối gạt, cong queo. Năm trời Tịnh Cư vốn đã lìa căn hỉ lạc, cũng đều hoan lạc không sao kềm nổi. Khổ đau địa ngục tạm thời ngưng nghỉ, rất là hoan hỉ. Tất cả súc sinh mà vẫn ăn sống lẫn nhau, không còn ác tâm. Ngạ quỷ thì no đủ, không cảm thấy đói khát nữa. Các nơi tối tăm trong thế giới này mà lực mặt trời mặt trăng cũng không chiếu thấu được, thì đều sáng rực, chúng sinh trong ấy đều thấy được nhau, ai cũng bật nói: “Ủa, sao ở đây lại bỗng có chúng sinh thế vầy!”

Đại Thánh Pháp Vương xuất hiện ra đời dùng đại pháp quang phá tối phi pháp, nên khiến tất cả trọn đều sáng rực. Tiên vương Cam Giá bỏ nước học đạo, thành ngũ thông tiên nhân, lại các người hành thập thiện được sinh cõi trời, đều dùng thần thông đến cây Bồ Đề, ở trong hư không hoan hỉ chắp tay mà tán thán rằng: “Ở trong chủng tộc Cam Giá của ta, Ngài đoạn hết các lậu, thành Nhất Thiết Trí, làm con mắt cho thế gian, thật là vô cùng phi thường!” Tất cả không ai không hoan hỉ xao động, chỉ có Ma Vương riêng mình ôm mối u sầu.

13. Sau khi thành Đạo

(1) Thế Tôn quán sát cây Bồ Đề trong bảy ngày

Bấy giờ, Như Lai trong vòng bảy ngày nhất tâm tư duy, quán sát cây chúa, thầm tự nghĩ rằng: “Ta ở nơi đó tận hết mọi lậu, những gì phải làm đã làm xong, bổn nguyện đã thành mãn. Pháp ta đắc được vô cùng thâm sâu khó hiểu. Duy Phật cùng Phật mới có thể biết. Tất cả chúng sinh ở đời năm trược bị tham dục, sân khuể, ngu si, tà kiến, kiêu mạn, siểm khúc che chướng, bạc phúc độn căn, không có trí huệ, thì làm sao có thể hiểu được Pháp mà Ta đắc? Nay nếu Ta vì họ mà chuyển Pháp luân, họ sẽ vì mê hoặc mà không tin nhận được, còn sinh phỉ báng, nên phải đọa ác đạo, chịu các thống khổ. Thà Ta cứ im lặng mà nhập Bát Niết Bàn.” Bấy giờ Như Lai dùng kệ nói rằng:

Thánh Đạo rất khó tới,

Trí huệ rất khó đắc, Ta trong các “khó” này đều đã thành đạt được. Trí huệ mà Ta đắc vi diệu tối đệ nhất, chúng sinh các căn độn. ham vui, si che mù, thuận theo dòng sinh tử không sao ngược về nguồn. Các hạng như thế ấy làm sao mà độ nổi!

(2) Chư thiên thỉnh Phật chuyển Pháp luân

Bấy giờ, khi Như Lai nghĩ như thế xong, Đại Phạm Thiên Vương thấy rõ Như Lai thánh quả đã thành, lặng lẽ đứng dừng, không chuyển Pháp luân, thì tâm rất ưu não, mới tự nghĩ rằng: “Thế Tôn từ xưa đã vô lượng ức kiếp, do vì chúng sinh nên ở mãi trong sinh tử, bỏ quốc thành thê tử, đầu mắt tủy não, chịu đủ các khổ, mới đến ngày nay sở nguyện mãn túc, thành A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề, thì tại sao lại lặng yên mà chẳng thuyết pháp? Chúng sinh đêm dài chìm trong sinh tử, ta nay phải đến Ngài thỉnh chuyển Pháp luân.” Nghĩ như thế xong liền rời khỏi thiên cung, trong khoảng như một lực sĩ co duỗi cánh tay, là đến chỗ của Như Lai, đầu mặt lễ chân Phật, nhiễu trăm ngàn vòng, rồi đứng sang bên, hồ quỳ chắp tay mà bạch Phật rằng:

– Thế Tôn thuở xưa do vì chúng sinh mà ở mãi trong sinh tử, xả thân, đầu, mắt, để mà bố thí, chịu đủ gian khổ, tu mọi gốc đức, nên ngày nay đây thành Vô thượng đạo. Tại sao lặng yên không chịu thuyết pháp? Chúng sinh đêm dài chìm trong sinh tử, đọa vô minh ám, thật khó có ngày ra. Song có chúng sinh trong đời quá khứ thân cận thiện hữu, trồng gốc đức hạnh, có thể nghe Pháp, thọ nhận Thánh Đạo. Duy nguyện Thế Tôn vì các người ấy, dùng đại bi lực chuyển diệu Pháp luân.

Thích Đề Hoàn Nhân cho đến Tha Hóa Tự Tại Thiên thiên cũng vậy, đều khuyến thỉnh Như Lai vì các chúng sinh mà chuyển đại Pháp luân.

Bấy giờ Thế Tôn trả lời Đại Phạm Thiên Vương cùng với các trời Thích Đề Hoàn Nhân rằng:

– Ta cũng muốn vì tất cả chúng sinh mà chuyển Pháp luân. Song vì Pháp ta đắc được vi diệu thậm thâm, khó hiểu khó biết, các chúng sinh kia không thể tin nhận, sinh phỉ báng tâm, đọa vào địa ngục. Ta chính vì thế nên lặng thinh vậy.

Thời Phạm Thiên Vương cùng với các trời thỉnh đến ba lần. Bấy giờ Như Lai đã trọn bảy ngày, im lặng nhận lời. Phạm Thiên Vương và các trời biết Phật nhận lời rồi, đầu mặt lễ chân Phật rồi ai quay về chỗ nấy.

(3) Thế Tôn tư duy thuyết Pháp cho ai đầu tiên

Bấy giờ, sau khi nhận lời thỉnh của Phạm Vương và các trời rồi, lại trong bảy ngày, Ngài vận dụng Phật nhãn quán các chúng sinh thượng trung hạ căn, cùng các phiền não cũng hạ trung thượng, trọn bảy ngày thứ hai. Bấy giờ, Thế Tôn lại tư duy rằng: “Ta nay sẽ khai cửa pháp cam lồ, ai là người trước tiên được nghe đây? A La La tiên nhân thông huệ dễ ngộ, lại phát nguyện trước hết rằng Ta thành đạo thì độ ông ta.” Đang khi nghĩ thế, trong không có tiếng nói: “A La La tiên nhân đã mệnh chung đêm qua!” Khi ấy Thế Tôn đáp lại ngay với âm thanh trong không rằng: “Ta cũng đã biết ông ta mệnh chung đêm qua rồi.” Ngài lại tư duy tiếp: “Ca Lan tiên nhân lợi căn sáng suốt, cũng có thể được nghe trước hết.” Trong không lại nói: “Ca Lan tiên nhân đã mệnh chung đêm qua!” Bấy giờ Thế Tôn cũng đáp lại rằng: “Ta cũng đã biết ông ta mệnh chung đêm qua rồi.”

Bấy giờ, Thế Tôn lại tư duy rằng: “Nhóm năm người Kiều Trần Như do vương sư và đại thần sai phái để theo dõi Ta ai cũng thông minh, lại đời quá khứ từng phát nguyện với Ta được nghe Pháp trước hết. Ta nay sẽ vì năm người ấy mà mở cửa Pháp trước hết.” Phật lại tư duy: “Chư Phật cổ xưa, nơi chuyển Pháp luân đều ở tại chỗ trụ của tiên nhân trong vườn Lộc Dã nước Ba La Nại. Lại chỗ trụ chỉ của năm người kia cũng tại nơi ấy. Ta nay phải đến chỗ trụ của họ mà chuyển đại Pháp luân.” Tư duy như thế xong liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi đi đến nước Ba La Nại.

(4) Hai thương nhân cúng dường Thế Tôn

Bấy giờ, có năm trăm thương nhân với hai người làm chủ, một tên Bạt Đà La Tư Na, một tên Bạt Đà La Lợi, đi qua khoảng đồng trống, thời có thiên thần nói với họ rằng: “Có bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, xuất hiện ra đời, là phúc điền tối thượng. Các ông nay phải đến cúng dường Ngài trước tiên hơn hết.” Hai thương nhân kia nghe trời nói xong, liền đáp lời rằng: “Lành thay, xin y theo lời!” Lại hỏi trời rằng: “Thế Tôn hiện giờ đang ở nơi đâu?” Trời liền cho hay: “Thế Tôn không lâu sẽ đi đến đây.”

Sau đó Như Lai cùng với vô lượng chư thiên tùy tùng trước sau đi đến thôn Đa Vị Sa Bạt Lợi. Thời hai thương nhân kia trông thấy Như Lai oai tướng trang nghiêm, và thấy chư thiên vây quanh sau trước, càng thêm hoan hỉ, mới đem bánh lương khô mật dâng lên cúng Phật.

(5) Tứ Thiên Vương dâng bát lên Thế Tôn

Bấy giờ Thế Tôn tâm tự tư duy: “Quá khứ chư Phật dùng bát đa la để đựng đồ ăn.” Tức thời Tứ Thiên Vương biết tâm niệm của Phật, mỗi vì đem một bát đến nơi Phật để hiến dâng lên. Khi ấy Thế Tôn tự nghĩ rằng: “Ta nay nếu chỉ nhận bát của một vị thôi, thì ba vị kia sẽ sinh tâm hận phiền.” Thế nên bèn nhận hết bát của bốn vua, để chồng lên trên tay ép lại thành một bát với bốn mặt hiện đủ. Rồi thì Thế Tôn liền chú nguyện rằng: “Nay đồ bố thí, khiến cho người ăn, khí lực sung mãn, khiến cho người thí, được sắc được lực, được khỏe được vui, an lạc không bệnh, sống trọn tuổi thọ, chư quỷ thiện thần, thường theo ủng hộ. Bố thí cơm ăn, đoạn gốc ba độc, tương lai sẽ được, ba kiên pháp báo: thông minh, trí huệ, đốc tín Phật Pháp, sinh về nơi đâu, chính kiến không mờ, hiện trong đời nay, cha mẹ con cái, thân bằng quyến thuộc, trọn đều hưng thịnh, không các tai quái, không chuyện bất tường, ở trong môn tộc, nếu ai qua đời, mà đọa ác đạo, thì nguyện ngày nay, phúc bố thí này, sinh về trời người, không khởi tà kiến, tăng tiến công đức, thường được hầu cận, chư Phật Như Lai, được nghe diệu thuyết, thấy lý đắc chứng, sở nguyện trọn đủ.”

(6) Hai thương nhân thọ tam quy

Bấy giờ, Thế Tôn chú nguyện xong rồi thì liền thọ thực. Ăn xong rồi, súc miệng rửa bát, rồi trao tam quy cho các người khách buôn: Một quy y Phật, hai quy y Pháp, ba quy y tương lai Tăng. Trao tam quy xong cùng nhau từ biệt.

(7) Thế Tôn tuyên thuyết Ngài là bậc vô sư

Phật lại tiến bước, oai nghi đường hoàng, bước như ngỗng chúa. Trên đường gặp ngoại đạo tên Ưu Ba Già, nhìn thấy Như Lai tướng hảo trang nghiêm, các căn tịch định, khen thật đặc biệt, mới nói kệ rằng:

Thế gian chư chúng sinh đều bị ba độc trói, các căn thì thô tháo, lăng xăng theo ngoại cảnh. Mà nay thấy nhân giả, các căn cực tịch tĩnh, ắt đến nơi giải thoát, chắc chắn không còn nghi. Thầy nhân giả theo học Ngài tính họ là gì?

Bấy giờ Thế Tôn dùng kệ dáp rằng:

Ta nay đã siêu xuất mọi hạng loại chúng sinh, vi diệu sâu xa Pháp Ta nay đã biết trọn. Ba độc, năm dục cảnh đoạn dứt, tập không còn, như hoa sen trong nước chẳng nhiễm nước đục bùn. Tự ngộ bát chính Đạo, không thầy không bạn lữ, dùng thanh tịnh trí huệ hàng phục đại lực Ma. Nay đắc thành Chính giác, xứng làm Thầy trời người, thân khẩu ý hoàn hảo nên hiệu là Mâu Ni. Muốn đến Ba La Nại chuyển cam lồ Pháp luân mà trời, người, Ma, Phạm, không ai có thể chuyển.

Bấy giờ Ưu Ba Già nghe bài kệ ấy, tâm sinh hoan hỉ, ngợi khen chưa từng có, chắp tay cung kính đi nhiễu quanh Phật, rồi mới từ biệt bước đi, mà cứ quay lại nhìn ngắm cho đến khi không còn thấy nữa mới thôi.

(8) Long vương Mục Chân Lân Đà che mưa cho Thế Tôn

Bấy giờ, Thế Tôn lại tiến bước hướng về trước, đi đến bên dòng A Xà Bà La thì trời chiều, nên dừng nghỉ. Phật nhập vào định, thời vào lúc ấy, mưa gió luôn bảy ngày, trong dòng nước đó có đại long vương tên là Mục Chân Lân Đà, thấy Phật nhập định, nên lấy thân mình bao quanh Phật bảy vòng. Qua khỏi bảy ngày, long vương kia mới hiện làm hình người, đầu mặt lễ chân Phật và bạch Phật rằng: “Thế Tôn ở tại đây trong vòng bảy ngày, không đến nỗi khổ sở lắm vì mưa gió chăng?” Bấy giờ Thế Tôn dùng kệ đáp rằng: Chư thiên cùng người đời bao nhiêu vui ngũ dục so Ta lạc thiền định không thể tỉ dụ nổi! (chư thiên cập thế nhân, sở hoan ư ngũ dục, tỉ ngã thiền định, bất khả vi tỉ dụ.)

Khi long vương kia nghe bài kệ ấy của Phật hoan hỉ xôn xao, đầu mặt lễ chân Phật, rồi quay về chốn mình.

14. Thế Tôn chuyển Pháp luân lần đầu tiên lập thành Tam Bảo

Bấy giờ Thế Tôn lại tiến bước về trước, đến nước Ba La Nại, tới chỗ trụ của Kiều Trần Như, Ma Ha Na Ma, Bạt Ba, A Xả Bà Xà, Bạt Đà La Xà. Thời năm người ấy từ xa trông thấy Phật đến, nói với nhau rằng: “Sa môn Cù Đàm xả bỏ khổ hành, mà còn thối thất thọ hưởng đồ ăn, không còn đạo tâm nữa. Nay tìm đến đây, chúng ta không cần phải đứng dậy nghinh đón, cũng không làm lễ, kính hỏi cần gì? Không trải tòa cho ngồi, nếu có muốn ngồi thì tùy ý mà ngồi.” Nói như thế xong ai nấy lặng lẽ.

Bấy giờ, Thế Tôn khi vừa đến nơi, bất giác năm người ai cũng đứng dậy lễ bái phụng nghinh, thay nhau phục dịch: người thì đỡ lấy y bát của Phật, người thì lấy nước dâng Phật súc rửa, người thì rửa chân cho Phật, ai cũng phạm lời cam kết, song vẫn gọi Phật là Cù Đàm như xưa. Bấy giờ Thế Tôn mới nói với Kiều Trần Như rằng:

– Các ông cam kết với nhau là thấy Ta không đứng dậy. Vậy nay cớ gì lại phạm lời hứa ấy mà vội vã đứng lên vì Ta phục dịch? Thời năm người nọ nghe Phật nói thế, tâm sinh tàm quý, mới tiến lên bạch rằng:

– Cù Đàm hành đạo không mệt mỏi chứ?

Bấy giờ Thế Tôn bảo năm người rằng:

– Các ông vì sao với đấng Vô Thượng Tôn mà dám cao ngạo kêu gọi tính họ như vậy? Tâm ta như không, đối với các khen chê không hề phân biệt, song các ông kiêu mạn thì tự chiêu ác báo lấy. Ví như đứa con gọi cha mẹ bằng danh tính, đối với lẽ đời còn không chấp nhận được, thì huống gì Ta giờ đây là cha mẹ của tất cả.

Thời năm người ấy nghe lời nói này càng sinh tàm quý, mới bạch Phật rằng:

– Chúng con ngu si không có trí huệ, không biết được Ngài đã thành Chính giác. Tại sao vậy? Xưa thấy Như Lai ngày ăn hạt mè hay gạo, khổ hành sáu năm, mà nay lại thọ hưởng đồ ăn uống.

Chúng con vì ấy cho là không đắc đạo.

Bấy giờ Thế Tôn nói với Kiều Trần Như rằng:

– Các ông đừng dùng tiểu trí mà coi thường, đo lường đạo Ta thành hay không thành. Tại sao vậy? Thân mà hành khổ thì tâm ắt não loạn, thân mà hưởng lạc thì tình ắt đắm sướng. Thế nên khổ, lạc đều chẳng phải là nhân của Đạo. Ví như dùi lửa mà tưới nước lên, thì sẽ không thể chiếu phá tối ám. Dùi lửa trí huệ cũng y như vậy, vấy nước khổ, lạc, thời huệ quang không sinh. Do vì không sinh, nên không thể diệt trừ ám chướng sinh tử. Nếu nay có thể xả bỏ khổ, lạc, thực hành Trung Đạo, tâm ắt tịch định, mới có thể tu được Bát Chính Thánh Đạo, lìa khỏi hoạn nạn sinh lão bệnh tử. Ta đã tùy thuận thực hành Trung Đạo, đắc thành A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.

Thời năm vị kia nghe xong lời nói đó của Như Lai, tâm rất hoan hỉ, xôn xao vô lượng, chiêm ngưỡng tôn nhan, mắt không di động. Bấy giờ, Thế Tôn quán căn của năm người có thể thọ nhận Đạo được rồi, nên mới nói rằng:

– Này Kiều Trần Như các ông! Phải biết năm Ấm hưng thịnh khổ, sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, sở cầu bất đắc khổ, mất vinh quang sung sướng là khổ! Này Kiều Trần Như! Dù là hữu hình, vô hình, không chân, một chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, tất cả chúng sinh không ai lại không có trọn hết mọi thứ khổ ấy. Ví như dùng tro phủ lên trên lửa, nếu gặp cỏ khô thì vẫn bắt cháy như thường. Tất cả các khổ ấy đều do Ngã làm gốc. Nếu chúng sinh nào khởi tưởng về Ngã một chút xíu thôi, thì vẫn phải chịu các khổ như thế. Tham dục, sân khuể cùng với ngu si trọn đều duyên nơi Ngã làm gốc mà sinh.

Lại ba Độc này chính là nhân của Khổ, y như chủng tử mà sinh nên mầm, chúng sinh do đó mà luân hồi ba cõi Hữu. Nếu diệt Ngã tưởng và tham sân si, các khổ cũng đều theo đó mà đoạn. Không gì không do nơi Bát Chính Đạo mà được như vậy, như người lấy nước mà tưới vào lửa hừng. Tất cả chúng sinh do không biết gốc gác của các khổ, nên đều phải chịu luân hồi, ở trong sinh tử. Này Kiều Trần Như! Khổ cần phải biết, Tập cần phải đoạn, Diệt cần phải chứng, Đạo cần phải tu (Khổ ưng tri, Tập đương đoạn, Diệt ưng chứng, Đạo đương tu). Kiều Trần Như! Ta đã biết Khổ, đã đoạn Tập, đã chứng Diệt, đã tu Đạo, nên đắc được A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề. Thế nên các ông nay phải biết Khổ, đoạn Tập, chứng Diệt và tu Đạo. Nếu ai không biết về Tứ Thánh Đế, thì phải hiểu người ấy không sao giải thoát được. Tứ Thánh Đế này là chân là thật: Khổ đúng thật là Khổ, Tập đúng thật là Tập, Diệt đúng thật là Diệt, Đạo đúng thật là Đạo. Kiều Trần Như, các ông có hiểu chưa?

(1) Kiều Trần Như đắc Đạo tích đầu tiên

Kiều Trần Như nói:

– Thưa Thế Tôn, đã hiểu! Thưa Thế Tôn, đã biết! Con đối với Tứ Đế đã được hiểu được biết rồi, nên mới gọi là A Nhã Kiều Trần Như.

Đương khi Phật ba lần chuyển Pháp luân Tứ Đế thành mười hai hành, thời A Nhã Kiều Trần Như đối với các pháp xa trần lìa cấu, đắc mắt pháp thanh tịnh. Thời ở trong không tám vạn na do tha chư thiên cũng lìa trần cấu đắc mắt pháp thanh tịnh.

Bấy giờ, Địa Thần thấy Như Lai chuyển Pháp luân ngay trong cảnh giới của mình, vô cùng hoan hỉ, mới lớn tiếng xướng rằng: “Như Lai ở đây chuyển diệu Pháp luân!” Thiên thần trong không nghe lời xướng ấy càng thêm hớn hở tung tăng, truyền nhau xướng vang: “Như Lai hôm nay ở nơi trú ngụ của tiên nhân trong vườn Lộc Dã nước Ba La Nại chuyển đại Pháp luân mà tất cả thế gian Trời người, Ma, Phạm, Sa môn, Bà la môn, đều không chuyển nổi!” Bấy giờ đại địa chuyển động thành mười tám cách. Trời rồng tám bộ ở trong hư không tấu trổi âm nhạc, trống trời tự vang, xông các danh hương, rải các diệu hoa, bảo tràng, phan, lọng, ca ngâm tán thán. Trong toàn thế giới bỗng nhiên sáng rực. A Nhã Kiều Trần Như trong số đệ tử là người đầu tiên giác ngộ, nên là đệ tử thứ nhất.

(2) Bốn người còn lại đắc đạo kế tiếp

Thời nhóm Ma Ha Na Ma bốn người kia nghe Phật chuyển Pháp luân xong, A Nhã Kiều Trần Như một mình ngộ ra dấu vết Đạo, tâm họ thầm nghĩ: “Nếu như Thế Tôn thuyết lại lần nữa Pháp ấy cho ta, chúng ta cũng sẽ ngộ ra vết dấu của Đạo.” Nghĩ như thế rồi, chiêm ngưỡng tôn nhan mắt không di động. Bấy giờ Thế Tôn biết bốn người kia nghĩ gì, lập tức tường tận trùng thuyết lần nữa về Tứ Đế. Lúc ấy bốn người đối với các pháp cũng lìa trần cấu, đắc mắt pháp tịnh.

(3) Năm vị xuất gia đầu tiên

Thời cả năm vị ấy thấy ra dấu tích Đạo rồi, đảnh lễ dưới chân Phật, bạch cùng Phật rằng:

– Thế Tôn, năm người chúng con đã thấy ra dấu tích Đạo, đã chứng dấu tích Đạo. Chúng con ngày nay muốn ở trong Phật Pháp xuất gia tu Đạo. Duy nguyện Thế Tôn từ mẫn chấp nhận.

Khi ấy Thế Tôn gọi năm người ấy:

– Thiện lai, Tỳ Khưu!

Râu tóc của cả năm tự nhiên rơi rụng, cà sa khoác trên thân, liền thành sa môn.

(4) Năm vị nghe Pháp thành A La Hán. lập thành Tam Bảo xuất hiện thế gian

Bấy giờ, Thế Tôn mới hỏi năm người rằng:

– Tỳ Khưu các ông! Có biết chăng sắc, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường? Là khổ hay không phải là khổ? Là Không hay không phải là Không? Là có ngã hay là vô ngã?

Thời năm Tỳ khưu nghe Phật thuyết về Pháp năm Ấm này rồi, lậu tận ý tỏ, thành quả A La Hán, lập tức trả lời:

– Thế Tôn, sắc thọ tưởng hành thức thực là vô thường, khổ, không, vô ngã!

Thế là thế gian lần đầu có được sáu A La Hán. Phật A La Hán chính là Phật Bảo, Tứ Đế Pháp luân chính là Pháp Bảo, năm A La Hán chính là Tăng Bảo. Thế là thế gian có đủ Tam Bảo, trở thành trời người đệ nhất phúc điền.

Pages: 1 2 3 4