KINH PHẬT NÓI VỀ
CÔNG ĐỨC TẮM TƯỢNG

(Phật Thuyết Dục Tượng Công Đức Kinh)
Đại Đường Thiên Trúc Tam Tạng Bảo Tư Duy Hán dịch Tỳ Kheo T. Nhất Chân Việt dịch
Các phần trong ngoặc là các phần sai biệt theo bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh 

doahong

 

Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Bạc Già Phạm ở trên núi Thứu Phong thuộc thành Vương Xá, cùng với chúng đại Bí Su (một ngàn hai trăm năm mươi người) và vô lượng chư đại Bồ Tát Ma Ha Tát (tám bộ Thiên Long) đồng tập hội về.

Vào lúc ấy, trong hội có một vị Bồ tát tên là Thanh Tịnh Huệ (ngồi ở giữa chúng, vì lòng thương nhớ đến chư hữu tình, mà) suy nghĩ như vầy: Do nhân duyên gì mà chư Phật Như Lai có được thân thanh tịnh (đầy đủ tướng tốt)? Nghĩ rồi lại nghĩ: Hoặc khi Phật còn tại thế (các chúng sinh nào được gặp Như Lai) mà gần gũi cúng dường (thì phúc báo có được là vô lượng vô biên), hoặc sau khi Ngài diệt độ mà cúng dường xá lợi, phúc đức mà hai loại người ấy đạt được, công đức có bằng nhau chăng (song chưa rõ là sau khi Như Lai nhập Niết Bàn rồi, thì các chúng sinh phải cúng dường ra sao, tu công đức nào, thì có thể làm cho thiện căn của họ mau đạt cứu cánh vô thượng Bồ đề)? Nghĩ như thế rồi, nương theo oai thần của Phật từ chỗ ngồi đứng giậy, đỉnh đầu lạy sát dưới chân Phật, bạch rằng:

– Thế Tôn, chư Phật Như Lai do nhân duyên gì mà có được thân thanh tịnh. Hoặc khi Phật còn tại thế (các chúng sinh nào được gặp Như Lai) mà gần gũi cúng dường (thì phúc báo có được là vô lượng vô biên), hoặc khi Ngài diệt độ rồi mà cúng dường xá lợi, phúc đức mà hai loại người ấy đạt được, công đức có bằng nhau chăng (song chưa rõ là sau khi Như Lai nhập Niết Bàn rồi, thì các chúng sinh phải cúng dường ra sao, tu công đức nào, thì có thể làm cho thiện căn của họ mau đạt cứu cánh vô thượng Bồ đề) ?

Bấy giờ Thế Tôn nói với Bồ tát Thanh Tịnh Huệ như sau:

– Hay thay, hay thay ! Nay ông lại có thể vì chư chúng sinh trong đời vị lai mà đặt ra câu hỏi như vậy. Ông hãy lắng nghe cho kỹ, Ta sẽ vì ông mà giảng giải tường tận.

Lúc ấy Bồ tát Thanh Tịnh Huệ bạch Phật rằng:

– Thưa Thế Tôn vâng, con rất mong muốn được nghe.Phật bảo Bồ tát Thanh Tịnh Huệ rằng :

– Chư Phật Như Lai vì cầu Bồ đề mà tất cả các Pháp Phật được tu tập trong bao kiếp xa xưa như tam muội, giới, định, nhẫn, trí huệ, từ, bi, hỉ, xả, giải thoát, tri kiến về giải thoát, lực, các điều không hề khiếp sợ, và Trí biết tất cả mọi thứ, đều được thanh tịnh. Thế nên Như Lai mới có được thân thanh tịnh. (Nếu ở nơi các chư Phật Như Lai như thế, bằng tâm thanh tịnh cúng dường đủ loại.) Lại dùng hoa, hương, cờ, lọng, mà cúng dường, hoặc dùng nước thơm mà tắm thân Như Lai, rồi lại dùng lọng báu mà che bên trên thân này, rồi dùng đồ ăn thức uống, trổi nhạc đàn ca, ngâm nga ca ngợi Như Lai, sau hết dùng công đức ấy mà hồi hướng về Trí biết tất cả mọi thứ, thì công đức có được sẽ vô lượng vô biên, đến mức làm cho thành được vô thượng Bồ Đề (cho đến Bồ Đề thường khiến cho được liên tục). Tại sao vậy? Bởi Trí huệ của Như Lai vốn vô lượng vô biên, không thể nào suy lường được, thế nên phúc đức mà Ngài có được cũng y như vậy (Bởi phúc đức và trí huệ của Như Lai không thể nghĩ lường, vô số vô đẳng).

Này Thanh Tịnh Huệ, sau khi Ta diệt độ, thì xá lợi gồm có hai loại: một là pháp thân, hai là hóa thân (Chư Phật Thế Tôn có đủ ba thân, là Pháp thân, Thọ dụng thân và hóa thân. Sau khi Ta niết bàn rồi, nếu muốn cúng dường ba thân này, thì hãy cúng dường xá lợi. Song xá lợi này có hai loại: thân cốt xá lợi và Pháp tụng xá lợi. Ngài liền nói tụng: Chư Pháp từ duyên khởi, Như Lai nói nhân ấy, Pháp kia nhân duyên tận, chính đại Sa môn nói). Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào mà cúng dường xá lợi bằng cách tạo hình tượng Phật bằng như hạt lúa, dựng tháp chừng như trái am la, cột phướn trước tháp như cây kim, lọng như bèo nổi, rồi mang xá lợi của Phật nhỏ như hạt cải (hoặc chép Pháp tụng) mà đặt vào trong tháp, (rồi trân quý y như trên mà cúng dường, tùy theo mình ra sức chí thành trân trọng) thì công đức người ấy có được bằng như khi Ta còn tại thế không chút sai khác. Người cúng dường như thế đạt được mười lăm thứ công đức như sau:

1. Một là được tâm có các niệm thanh tịnh.
2. Hai là được tâm tùy thuận theo Pháp.
3. Ba là được tâm biết tự thẹn và sợ tội.
4. Bốn là được thấy Như Lai.
5. Năm là phát tâm tin tưởng thuần tịnh.
6. Sáu là duy trì được chính Pháp.
7. Bẩy là tu hành đúng theo những gì được giảng giải.
8. Tám là được gần gũi với chư Phật.
9. Chín là tùy ý mà sinh vào quốc độ của chư Phật.
10. Mười là nếu sinh trong cõi con người, thì sinh vào nhà đại tộc, tâm tính dịu dàng, được mọi người tôn trọng.
11. Mười một là vừa sinh ra trong cõi người là được ngay tâm niệm tưởng tới Phật.
12. Mười hai là quân chúng chư Ma không não loạn nổi.
13. Mười ba là vào thời mạt Pháp mà có thể hộ trì được chính Pháp.
14. Mười bốn là thường được chư Phật Như Lai luôn luôn che chở phù hộ.
15. Mười lăm là mau thành tựu được cả năm thành phần của Pháp thân.

Bấy giờ, Thế Tôn nói lên kệ rằng :

Nếu dùng tâm thanh tịnh,
Sau khi Như Lai diệt,
Để cúng dường xá lợi,
Hay tạo dựng tháp miếu,
Cùng hình tượng Như Lai,
Nơi trước tượng tháp kia,
Quét, vẽ mạn đà la,
Dùng hương hoa các loại,
Rắc rải ở bên trên,
Lấy nước hương thanh khiết,
Mà tắm cho tượng Phật,
Thức ăn uống thượng diệu,
Dâng lên tịnh cúng dường,
Tán lạy Phật công đức,
Vô lượng, khó suy lường,
Trí huệ cùng thần thông,
Và phương tiện xảo diệu,
Là đều đến Bờ nọ.
Đạt được thân Kim cương,
Đủ ba mươi hai tướng,
Tám mươi nét thân đẹp,
Tế độ chư quần sinh.

Lúc ấy, Bồ tát Thanh Tịnh Huệ nghe Phật nói bài kệ ấy xong, bạch Phật rằng :

– Thế Tôn, nếu khi Phật còn tại thế hay sau khi diệt độ, các chúng sinh trong thời vị lai tắm Phật ra làm sao? Con xin Như Lai hãy vì chúng sinh mà chỉ bày giải nói.

Phật nói :

– Này Thanh Tịnh Huệ, Nếu khi Phật còn tại thế, mà các chúng sinh phát khởi tâm thanh tịnh như thế nào, thì sau khi Phật diệt rồi cũng phải phát khởi y như vậy. Không được khăng khăng tưởng có tưởng không, mà trong tâm lúc nào cũng phải mong cầu các pháp chân thiện không hề biết chán (ba môn giải thoát, thiện tu trí huệ, thường cầu ra khỏi, không trụ sinh tử, đối với chúng sinh khởi đại từ bi, do nguyện muốn mau thành ba loại thân vậy). Tại sao vậy? Vì để thành tựu Báo thân của Như Lai vậy. Ta đã từng nói cho các ông nghe về pháp bốn Chân đế, mười hai Nhân duyên và sáu Ba la mật. Nay ta lại vì ông (cùng với các hành quốc vương, vương tử, đại thần, hậu cung phi hậu, trời, rồng, người, quỷ,) mà nói lên pháp thức tắm tượng, là pháp thù thắng nhất trong các pháp cúng dường (hơn cả đem bảy loài báu nhiều như cát sông Hằng ra mà bố thí).

Thiện nam tử, muốn tắm cho tượng, thời phải dùng các thứ hương thơm như ngưu đầu, chiên đàn, tử đàn, đa ma la hương, cam tùng, khung cùng, bạch đàn, uất kim hương, long não, trầm hương, xạ hương, đinh hương, dùng các loại diệu hương như vậy, tùy có loại nào pha làm nước nóng (lấy phiến đá sạch mà mài ra thành bột hương, dùng đó pha thành nước hương) đặt trong bình trong sạch. Rồi trước hết tạo một đàn hình vuông, kế trải giường tòa vi diệu, đặt tượng Phật lên trên đó (Tìm chỗ thanh tịnh lấy đất tốt làm đàn hoặc vuông hoặc tròn, tùy lúc mà lớn nhỏ, trên đặt giường tắm, trong để tượng Phật), rồi dùng các thứ nước hương thơm mà tắm cho tượng. Tắm xong một lượt các thứ nước hương rồi, lại dùng nước sạch mà tưới tắm lại nữa cho tượng. (Lại tắm lại một lần nước trong. Các nước được dùng đều phải lọc sạch, không để hại trùng). Nước tắm tượng ấy, mỗi người lấy một ít nước tắm tượng mà đặt lên trên đầu mình (Nước tắm tượng ấy dùng hai ngón tay thấm lấy mà tự đặt lên đỉnh đầu mình, gọi là nước cát tường. Khi đổ đi thì đổ vào chỗ đất sạch, đừng để chân đạp lên. Sau cùng, dùng khăn mịn màng mà lau tượng cho sạch), rồi thắp lên đủ các loại hương để mà cúng dường. Lúc bắt đầu tưới nước trên đầu tượng, phải tụng bài kệ như sau: (Thắp lên các hương quý để ướp mùi thơm vào tượng, rồi mới đặt trở lại tòa vị. Thiện nam tử, do tắm cho tượng Phật như thế, mà khiến cho các ông cùng người trời đại chúng, hiện được giầu có an lạc, quanh năm không bệnh, có nguyện cầu điều gì cũng đều được toại ý, thân hữu quyến thuộc trọn đều an ổn, luôn lìa khỏi tám nạn, vĩnh viễn thoát nguồn khổ, không bị thân nữ và mau thành chính giác. Đặt để tượng đâu đó vào chỗ rồi, lại đốt lên các thứ hương, rồi tự đối trước tượng Phật chân thành chắp tay mà nói kệ tán thán như sau:)

Con nay tắm gội chư Như Lai,
Tịnh trí công đức trang nghiêm tụ,
Khiến chúng năm trược được lìa cấu,
Nguyện chứng Như Lai tịnh Pháp thân.

Trong khi đốt hương, thì tụng bài kệ:

Giới, định, huệ, giải, tri kiến hương,
Thường luôn thơm ngát tỏa mười phương,
Nguyện khói hương này cũng như vậy,
Thành tựu tự tha năm phần thân.

(Giới, định, huệ, giải, tri kiến hương,
Thường luôn thơm phức tỏa mười phương,
Nguyện khói hương đây cũng như vậy,
Vô lượng vô biên Phật sự hành,
Nguyện cho khổ vào ba đường dứt,
Khiến trừ hết nhiệt được mát trong,
Đều phát Bồ đề tâm vô thượng,
Vượt khỏi dòng ái đến Bờ kia.)

Bấy giờ, Thế Tôn nói Pháp ấy xong, trong chúng có vô lượng Bồ Tát Ma Ha Tát đạt được tam muội thanh tịnh vô cấu, liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, vô lượng người trời được không thối chuyển khỏi vô thượng Bồ đề. (Chư Thanh Văn chúng nguyện cầu Phật quả. Tám vạn bốn ngàn chúng sinh đều phát tâm A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề. Bấy giờ Thanh Tịnh Huệ Bồ tát bạch Phật rằng: Thế Tôn, may được đại sư thương xót, dạy cho chúng con pháp thức tắm Phật. Con nay sẽ khuyến hóa quốc vương, đại thần, tất cả những ai có tín tâm và ưa thích công đức, vào mỗi ngày một tắm rửa tôn nghi đạt được lợi ích to lớn, nên phải luôn đưa đỉnh đầu ra mà thọ nhận lấy để hoan hỉ mà phụng hành. Kinh nói về công đức tắm Phật)

Lúc ấy A Nan bạch Phật rằng :

– Thế Tôn, Kinh này có tên là gì? Chúng con phải phụng trì ra sao?

Phật nói :

– Kinh này có tên là “Tắm Rửa Chư Phật Được Thân Thanh Tịnh”, phải ghi nhớ lấy tên ấy mà hành trì.

Phật nói Kinh này rồi, tất cả chúng hội đều vô cùng hoan hỉ, tin nhận phụng hành.

KINH PHẬT NÓI VỀ CÔNG ĐỨC TẮM PHẬT

********

BẢN SOẠN TẬP MỚI VỀ NGHI THỨC TẮM TƯỢNG

Huệ Lâm tường thuật
Nhất Chân dịch

Tây quốc ngũ Ấn Độ sinh hoạt của Tăng chúng có phần rất trang trọng, dù ở già lam, tự viện, lan nhã, hay Tăng viên, thì mỗi ngày đều có tắm tượng, đốt hương, chọn các hoa quý, rải rắc cúng dường, lễ lạy, tán thán chư Phật, chân thành cung kính đi nhiễu ngày ngày. Cứ đều đặn chuyên cần như thế, nguyện làm cho đến trọn đời không tạm bỏ. Mỗi ngày cứ sáng sớm ra mà không tu hành pháp cúng dường ấy, thì tự thề sẽ không ăn trong ngày. Các xứ xa gần đều như vậy, không chỗ nào lại không thực hành điều ấy. Vì đó vốn là sự tu trì hằng thời kính phụng chư Phật của chúng Tăng vậy.

Chỉ trừ các tượng bằng đất hay gỗ mà có sơn vẽ, không thể tắm được, còn thì ngoài ra các tượng bằng vàng, bạc, bảo ngọc, đồng, chì thiếc, thâu thạch v.v…, thì đều có thể thường thường tắm rửa được.

Thông thường các nước hương thơm mà định để sáng sớm mai tắm tượng, thì đêm nay phải tẩm sẵn mỗi thứ hương riêng rẽ, rồi hòa nhẹ, dùng lụa bao lại, cho ngấm vào nước qua đêm. Các thứ hương, thì thứ hương nào cũng đều có thể dùng để tắm tượng. Nước mỗi loại hương phải cất chứa riêng trong một bình, không nên pha tạp nhiều loại hương vào với nhau.

Bình chứa nước hương thì tốt nhất là phải dùng các bình mới chưa từng đựng thứ gì hết. Các loại bình bằng vàng, bạc, các thứ bảo ngọc, sắt, đồng, chì, thiếc, đất nung sạch trong, không bị nứt nẻ, là đủ tiêu chuẩn. Song cần phải chà rửa cho thật bóng sạch. Rồi ghi trên mỗi bình tên của các loại nước hương, để mà tuần tự sử dụng. Nếu như nghèo không có các loại bình ấy, thì có thể dùng các bình bằng đất, đá, bình gỗ, song phải mới sạch và chưa bao giờ dùng tới để mà thế vào. Lại đừng bao giờ sử dụng bình làm gì khác, vì như thế bình ấy sẽ bị coi là thành uế nhiễm vậy. Song có thể dùng các bình ấy để chứa lại các nước hương mà đã tắm tượng rồi. Người thực hành pháp thức này trong tịnh xúc hành hộ oai nghi cần phải ưu tiên cẩn thận lưu ý tới. Các đồ đựng phẩm vật cúng dường cứ chiếu theo đây mà hiểu cách thức ra sao.

Đến khi tắm rửa, thì phải quét dọn đường điện cho sạch sẽ. Rồi ở chỗ rộng rãi sạch sẽ, lấy phân bò sạch vẽ một đàn lớn, đường kính khoảng một trượng. Đặt một đài cao vào giữa đàn, trên đài lại đặt một chậu đựng lớn. Trong chậu này lại đặt một đài nhỏ, trên đó đặt các tôn tượng, bên cạnh để một phản trải đơn bên trên. Trên đó, xắp đặt các bình nước thơm theo thứ tự, các đồ cúng dường theo năm pháp, một dải dây dài, khăn lụa mềm mại mới sạch, các thứ đều để sẵn trên đó.

Khi chúng tập họp xong, đồng thỉnh một vị A-xà-lê tường tận về pháp, hoặc cử vị Thượng tọa tối tôn trong chúng, để mà vì chúng xướng tụng các bài diệu kệ của Đại thừa khải bạch phát nguyện trong Kinh Tắm Tượng. Đồng thời toàn chúng cũng đồng tụng theo mỗi câu một. Kệ như sau:

Con nay tắm gội chư Như Lai,
Tịnh trí công đức trang nghiêm tụ,
Nguyện cho quần sinh cõi năm trược,
Mau chứng Như Lai tịnh Pháp thân.
Giới, định, huệ, giải, tri kiến hương,
Thường luôn thơm ngát tỏa mười phương,
Nguyện khói hương đây cũng như vậy,
Thi hành Phật sự vô lượng biên,
Lại nguyện cho khổ ba đường dứt,
Khiến trừ hết nhiệt được mát trong,
Đều phát Bồ đề tâm vô thượng,
Vượt khỏi dòng ái đến Bờ kia.

Lại sai một người tay cầm lư hương chí thành cung kính quỳ, xướng tán bài tam quy y bằng âm phạn. Sau mỗi câu, toàn chúng đồng lạy một lạy. Tán như sau:

Nam mô Mẫu đà gia ngu la phệ
Nam mô Đạt mà gia đa dĩ ninh
Nam mô Tăng già gia ma hạ đế
Để li tì dụ tỉ sa đa đơn na mô.

Lại sai hai người thổi loa, hai người tụng tán, đủ loại âm nhạc tao nhã trầm bổng êm dịu đồng loạt trổi lên.

Vị A xà lê đích thân bưng bình nước rót tắm tượng Phật. Lấy một đầu dây chỉ dài thắt vào nơi đáy bình. Mỗi người trong chúng nối nhau cầm lấy sợi chỉ dài ấy, chắp tay để ngang ngực, chuyên chú chân thành xưng niệm chư Phật. Nếu dây không đủ dài, người nào không cầm được dây, thì có thể cầm lấy vạt áo của người cầm dây đứng trước. Ý như thể mỗi người đều tự chính tay mình cung kính tắm tượng Phật vậy.

Cho đến khi bình một loại nước hương nào đó tuần tự rót tận hết [các tượng Phật] một lượt rồi, thì mới thay đổi [bình nước hương khác mà rót]. Nếu tắm xong các tượng Phật rồi thì thôi, còn chưa xong hết, thì lại đổ thêm các loại nước hương vào bình mà tưới tẩy tượng tiếp. Các người thổi loa, tụng tán và trổi âm nhạc cứ tiếp tục cho đến khi tắm trọn hết bằng đó tôn tượng rồi, thì mới tạm ngưng lại.

Sau khi tắm rửa rồi thì dùng khăn lụa sạch lau chùi cho khô, rồi xắp xếp các tượng theo thứ tự lên trên phản. Rồi lấy hương thoa, mỗi người lấy đầu ngón tay vô danh xoa vào hương rồi đưa cao lên ngực (các dĩ vô danh chỉ đầu ôn thủ kiểu chỉ đương tâm). A xà lê xướng tụng chân ngôn hiến hương thoa. Mỗi câu một toàn chúng đồng tụng theo cho đến câu cuối cùng, thì đồng loạt từ xa vảy về phía các tượng Phật mà phụng hiến, rồi lạy một lạy. Chân ngôn hiến hương thoa như sau:

Án tát phạ đát tha nga đa, hi đà bố nhạ mê già, sa mẫu nại la sa pha la noa tam ma duệ hồng.

Sau đó lại bưng mâm hoa, người hiến hoa và đại chúng mỗi vị dâng lên một đóa hoa, và cũng đồng tụng như trước bài chân ngôn hiến hoa, cũng từ xa rải đến mà phụng hiến. Chân ngôn như sau:

Án tát phệ đát tha nga đa, bổ sáp bả bố nhạ mê già, tam mẫu nại la sa pha la noa tam ma duệ hồng.

Kế đến vị A xà lê cầm lư hương, bảo hai bên mình cùng với toàn chúng nắm lấy y của nhau, rồi đồng tụng chân ngôn đốt hương:

Án tát phạt đát tha nga đa, độ ba bố nhạ mê già, tam mẫu nại la sa pha la noa tam ma dạ hồng.

A xà lê lại bưng mâm bánh ngọt dòn, cũng như trên xướng tụng chân ngôn hiến thực mà thành tâm phụng hiến. Chân ngôn như sau :

Án tát phạt đát tha nga đa, mạt lí bố nhạ mê già, tam mẫu nại la sa pha la noa tam ma duệ hồng.

Kế đến bưng đài đèn, tụng một biến chân ngôn cúng đèn. Chân ngôn như sau :

Án tát phạt đát tha nga đa, nhĩ tỉ dã bố nhạ mê già, tam mẫu nại la sa pha la noa tam ma duệ hồng.

Lại khiến các người tụng tán mỗi người tay cầm lư hương, lớn tiếng tụng các bài diệu tán tắm tượng. Mọi người ai nấy thành kính quỳ xuống, mỗi bài kệ lạy một lạy.

Tắm tượng và cúng dường đâu đó xong rồi, A xà lê lấy nước hương đã tắm Phật tự tay rót rửa lên đỉnh đầu của mình, và tưới lên đỉnh đầu của từng người trong đại chúng. Đó là nước phúc đức cát tường tẩy rửa thân tướng vạn đức trang nghiêm của chúng thánh, nếu tưới thấm lên thân mình hay uống vào ít nhiều, có thể làm cho phiền não trong thân hao mòn đi, và từ từ thành tựu vô thượng Bồ Đề. Đại chúng đồng loạt chân thành lễ lạy, rồi lại thổi loa, cùng tụng các bài tán cát tường hành nguyện, âm thanh trầm bổng đi trước dẫn chúng. Tùy theo đường mặt trời mà đi theo hướng bên trái, theo thứ tự tôn ti mà đi vòng, ba vòng hoặc bảy vòng. Tùy ý thích mà mỗi vị tụng lấy các bài diệu kệ tán Phật trong Kinh điển Đại thừa. Pháp sự xong xuôi, lễ lạy Phật cáo từ, mỗi người bưng một tôn tượng đem trở lại bổn vị.

Trên đây là pháp thức phổ thông tắm tượng bên phương tây. Sau đó chúng Tăng mới thượng đường để thọ thực.

Hỡi ôi! Xót xa thay! Xứ này hoàn toàn chẳng ai hay biết, để tượng Phật cả đời chưa từng một lần được tắm, khói bám bụi giăng, chim chuột phóng uế, mà cả nước thản nhiên không ai thức ngộ. Có kẻ nào mà tắm, thì cứ theo thói ngu tình, tạo một tôn dung khỏa hình, để đứng trong chậu nước, rồi lấy môi nhỏ mà rửa. Quả là tâm cao mạn mà đùa chơi, chứ không một chút ý chi kính trọng, nên thành ra bị tội khinh thường. Khổ thay! Chỉ vì không biết phúc điền tôn kính kia to lớn dường nào vậy! Các bậc triết nhân, hiền minh, quân tử thấy xa, các hàng sợ tội cầu phúc, hãy nên đặc biệt lưu tâm đến pháp này vậy. Tuy không thể mỗi ngày tắm tượng, thì cũng có thể mỗi tháng thực hành. Các phúc lợi thù thắng có được thì cứ như trong Kinh Tắm Tượng, chính kim khẩu của Như Lai tuyên nói.

Dục bạt u minh khổ, ưng đương phát đại thệ, nhiếp tâm niệm Phật hiệu, đương xứ nhập từ bi.

Bồ tát bổn phận sự, thành Phật độ quần sinh, đương tòa ly tự lợi, nhất niệm Phật sự viên.

Phật hiệu tổng trì môn, nhất niệm chiếu tam thiên, kim tòa tục Phật chủng, lai thế bạt quần mê.

Tọa cửu đản thành lao, vô niệm bất đắc cao, quán chiếu giai vô dụng, duy nhất Phật hiệu dung.

Cao thanh nhất niệm Phật, kinh khiếp nội ngoại ma, đương tòa trụ bất động, siêu thế chứng vô sinh.