KINH PHƯỚC CÁI CHÁNH HẠNH SỞ TẬP
Tác giả: Bồ tát Long Thọ soạn tập.
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa môn Nhật Xưng.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).
QUYỂN 5
Lại do nghĩa gì mà gọi là Ưu? Đó là các hữu tình, do tham dục, chìm đắm trong lo sợ. Cũng như loài thú dữ bị lửa bao vây. Như cá ở vực sâu bị bắt bỏ nơi đất liền. Như vào trong biển lớn thuyền bè bị tổn hại, tâm sinh buồn lo sâu xa, sợ mất thân mạng. Như dùng một ít nước nhỏ trên hòn sắt nóng. Sắp vào cửa tử mạng không dừng lâu. Ví như trong nồi nấu đậu nước sôi vọt lên đầy khắp, lại tăng thêm củi khô. Những người thế gian kia, thân ở nơi nhà bị những buồn lo bức bách. Các căn suy kém, tiều tụy, tâm không chút an ổn. Như lấy bình tô đặt gần nơi lửa nóng, nên biết là không lâu tất chảy tan.
Lại do nghĩa gì mà gọi là Bi? Đó là các hữu tình, trước có tài sản vật báu, không thể giữ gìn, thân lại biếng trễ, dẫn đến nghèo khổ, quần áo rách rưới, sắc diện tiều tụy, cổ họng cháy khô, ý lời buồn thảm. Nghĩ lại trước kia giàu có, nay không còn có thể được.
Lại do nghĩa gì mà gọi là Khổ? Đó là các hữu tình, tạo các hành phi pháp, thân chạm đến lưới pháp luật. Đao, gậy, thuốc độc, hoặc bị loài phi nhân đâm chém giết hại, cho đến mất mạng, thọ nhận nhiều khổ độc.
Lại do nghĩa gì mà gọi là Não? Đó là các hữu tình, lời nói thô ác cùng thêm vào, như trúng phải mũi tên độc, các căn não loạn, hoại mất tưởng vui.
Lại vì sao gọi là Cầu không được khổ? Hoặc các hữu tình, vui thích tu tập chánh pháp, nhưng không thể hiểu biết, thân tâm khổ nhọc. Hoặc do phóng dật, cầu mong nhiều mà không được toại nguyện, phát sinh nhiệt não. Không mong, không cầu, tâm tức an ổn.
Lại vì sao gọi là Ái biệt ly khổ? Đó là đối với những thứ vui thích như quyến thuộc, bạn bè hòa hợp hân hoan bỗng nhiên ly tán, tâm ôm giữ luyến tiếc mà sinh nhiệt não.
Lại vì sao gọi là Oán ghét gặp nhau khổ? Đó là các hữu tình kia vui đắm tham dục, cầu nhiều tài lợi, cùng nhau tranh giành mà kết oán sâu. Hoặc bị vợ con, ân ái trói buộc cũng như gông cùm, không được tự tại. Nên biết nữ sắc khiến người mê loạn, hoặc lời nói của họ dịu dàng như hoa Câu-mâu-na, kẻ ngu ham thích, tiêu hao sắc trẻ, không lâu sẽ khô héo, tiều tụy. Như Tiên nhân Kiềuđáp-ma cho đến chư thiên, tham vướng nhiều dục lạc, như củi gần lửa tất bị đốt cháy. Thế nên Tỳ-kheo thường phải xa lìa. Nếu thân cận dục lạc kia, tất bị cái khổ bậc nhất. Hết thảy thế gian, chư thiên và loài người, đều bị lửa dục bức bách khắp cả. Hiện tại chiêu cảm các khổ, chết thì rơi vào đường ác, bị mười ba đống lửa rộng lớn kia vây quanh thiêu đốt. Phật là bậc cha lành của chúng sinh ở thế gian, vì thương xót chúng sinh kia nên giảng nói kinh này.
Đó gọi là địa ngục có mười ba thứ: (1) Đẳng hoạt. (2) Hắc thằng. (3) Chúng hợp. (4) Hào khiếu. (5) Đại Hào khiếu. (6) Thiêu nhiên. (7) Cực Thiêu nhiên. (8) Vô gián. (9) Tro nóng. (10) Thây phẩn. (11) Mũi nhọn. (12) Rừng kiếm. (13) Sông tro. Địa ngục như thế, các hiểm nạn hung dữ, vô lượng khổ não tụ tập ở trong ấy. Vô số hữu tình tạo các nghiệp ác, mạng chung thì đi vào cõi ấy thọ nhận nhiều loại khổ. Bị các ngục tốt trị phạt bằng nhiều cách: Dùng chùy sắt nóng, giận dữ đánh đập, thân thể nát nhừ, máu chảy khắp cả. Các lóng, khớp xương thảy đều đốt cháy. Hoặc lại nắm lấy hai chân ném vào hầm lửa. Giơ tay hoảng loạn, tiếng kêu khóc vang lên. Lính của vua Diễm-ma kia hung dữ rất đáng sợ. Những người chịu tội trông thấy hãi hùng. Hoặc lại rảo chạy vào trong ngục tro nóng. Da thịt, gân cốt chân dưới đều tiêu tan. Do nghiệp ác đã tạo, nên vừa trở gót thì sống lại.
Lại có vùng thây chết, phẩn dơ cực nóng mà sâu rộng. Mùi hôi thối không thể ngửi nổi. Lại có loài trùng mỏ sắt gọi là Cônoa-ba, qua lại trong đống phẩn thây ấy, cắn rúc chân của người tội, suốt thịt thấu xương, lấy tủy mà ăn. Lại dùng vô số mũi nhọn thứ lớp bày bố thành hàng làm đường đi, rồi xua đuổi những tội nhân kia khiến chân giẫm đạp lên trên. Lại bị gió mạnh thổi chạy lên trên. Do trốn những thứ khổ bên chạy vào rừng lá kiếm. Vô số mũi kiếm nhọn từ trên không phóng xuống đâm cắt thân hình, không chỗ nào không bị đoạn hoại.
Lại có con sông lớn, nước tro đầy tràn, sóng cả sôi sục vọt lên, luộc nấu những tội nhân kia. Ở hai bên bờ, có các ngục tốt, tay cầm chĩa ba, qua lại đâm đẩy, tội nhân phải chịu những thứ khổ nặng. Hoặc lúc quá chán nản, cũng có kẻ chạy trốn như cá chui xuống bùn, ngục tốt liền dùng luỡi câu sắt móc vào môi kéo lên. Dùng tấm lưới sắt to, kéo đặt lên đất nóng: Lửa to cháy hừng hực, lật qua lật lại thiêu nướng. Lại dùng kìm sắt banh miệng ra, rồi lấy nước đồng sôi bức bách rót vào. Hoặc dùng hòn sắt nóng, bức ép khiến ăn nuốt. Răng, nướu cổ, lưỡi, mỗi mỗi đều bị cháy tiêu. Từ cổ họng suốt đến dưới, thảy đều bị thiêu đốt.
Lại có hai hòn đá, dùng kèm kẹp thân hình, từ đầu đến chân để cưa xẻ. Ngục tốt bạo ác cũng như voi say, nộ khí bốc lên, lông tóc dựng đứng. Ngôi sao lửa cháy tán loạn khắp nơi, rượt đuổi những tội nhân kia. Hoặc bắt nằm trên giường sắt, dùng dây quất, đập, hoặc chặt chém, hoặc đục khoét. Lửa hừng hực bốc lên khắp nơi, chỉ nghe tiếng kêu khóc.
Lại có ngọn núi từ trên không trung rơi xuống, đè bẹp những tội nhân kia, thân hình, tứ chi đều nát bấy. Tuyệt vọng ngã khuỵu xuống đất, hồi lâu mới sống lại. Có các ngục tốt, bộ dạng xấu xí hung tợn, hoặc cầm búa bén, hoặc gậy gộc, vòng đao, cung tên, chày vồ, máy bắn đá, gậy sắt nóng cháy… vô số các loại vật dụng khổ hình, tra khảo đánh đập tội nhân.
Lại có trăm ngàn ngọn lửa dữ từ bốn hướng bay đến, tụ tập trên thân những người tội như đốt một khúc cây, thảy đều cháy rụi. Lại dùng dao bén để cắt lấy lưỡi, hoặc chặt hoặc cắt ra làm trăm ngàn phần. Cho đến hết thảy chi thân hiện có, bỗng nhiên phân tán như áng mây nổi.
Lại bỏ tội nhân vào trong cái lu bằng sắt nóng cháy. Lửa hừng hực bốn phía bức bách. Nước sôi sùng sục tràn đầy, nổi lên chìm xuống, giống như nấu đậu. Thân thể căng phồng, nứt xé ra, da thịt tiêu tan, chỉ còn lại những khớp xương, vương vãi trên mặt đất. Gió nghiệp thổi lên tức thì sống lại như cũ. Các thứ khổ như thế thật đáng kinh sợ. Những kẻ bị đọa vào địa ngục này là không thể thoát khỏi những hình phạt kể trên.
Lại có địa ngục băng lạnh rộng lớn. Có đống tuyết to, cao như núi, gió mạnh rét buốt thổi rót vào không dứt. Có vực sâu lớn, kết thành cối băng, tợ như do thủy tinh tạo thành. Có các ngục tốt xua đuổi những tội nhân kia, vào hết trong cối băng ấy, nhận lấy cái khổ lạnh lẽo bức bách, phát ra tiếng kêu khóc buồn thảm. Lại có hai cái chày, thay nhau cất lên, hạ xuống để đâm giã tội nhân, khiến thân thể họ nát nhừ như đám bọt nước. Gió nghiệp lại thổi lên thì đám tội nhân sống lại như trước không khác. Thọ khổ lâu dài, nghiệp dứt mới được thoát ra. Những hữu tình kia đều do nhân duyên tuệ nhiễm tà dục, đối với thân sắc của kẻ khác mê đắm không buông bỏ, vì tham thứ dục lạc nhỏ bé mà phải chịu nhiều khổ báo. Vậy nên Đức Thế Tôn sinh niệm thương xót sâu xa khởi tâm đại bi mà giảng nói kinh này.
Này các Tỳ-kheo! Vô số các loại nhân khổ hiện có ở thế gian, sinh là căn bản. Nếu không có duyên của sinh thì luân hồi tự dứt, huống là vô lượng sinh khổ ở đời vị lai. Do có sinh tức có sắc uẩn. Do sắc uẩn nên có thọ uẩn. Do thọ uẩn nên có tưởng uẩn. Do tưởng uẩn nên có hành uẩn. Do hành uẩn nên có thức uẩn. Thứ lớp như thế nối nhau sinh khởi, tăng trưởng tụ khổ, luân chuyển không cùng. Ví như đám giặc xâm nhập vào nơi ao cạn trong thành mặc sức đốt phá, cướp giật sách nhiễu lê dân. Năm uẩn như thế, dựa nơi thành thức kia, sinh khởi các phiền não, làm tổn hại các căn. Lại, già, bệnh, chết đối với các thế gian làm tổn hại sự an vui, thật không đáng yêu thích, như ba thứ oán đối luôn theo đuổi: (1) Thường cầu tìm lỗi lầm, hiềm khích. (2) Khiến rơi vào chốn hiểm nạn. (3) Dò xét, đoạn dứt mạng căn. Do đấy các Tỳ-kheo phải nên tu tập chánh hạnh của Lọng phước, thọ trì kinh điển, như thuyết tu hành. Nếu như các thứ oán đối là già bệnh chết vây quanh thì không sinh hoảng sợ, đối với đường hiểm ác tất có thể vượt khỏi. Bậc đại trượng phu này được lợi ích của hai đời. Như hoa sen trong lửa thật là hy hữu, tức được an trụ trong diệu lạc, tịch tĩnh. Các Tỳkheo! Thể tánh của phước kia đang được hiển thị từ nhân đến quả đều đáng yêu thích, cho đến phát sinh pháp thiện vô lậu. Nghiệp thân ngữ ý đều được thanh tịnh, an trụ không thoái chuyển, được thọ ký đạo, như trăng tròn mùa thu tỏa sáng tràn khắp, hết thảy thế gian đều được lợi ích. Vui thích bố thí rộng lớn không có giới hạn. Những người đến xin thảy đều cấp cho, khiến chúng hữu tình sinh tâm vui vẻ. Như vị tướng chiến thắng tâm dũng mãnh tiến lên. Như nương nơi vua hiền thiện yên ổn mà trụ. Cũng như biển lớn dung nạp các dòng sông. Như núi Di Lô kiên cố, an định bất động. Hết thảy chúng sinh đều kính phụng như cha mẹ. Được các thế gian cung kính cúng dường. Đạt được sự an lành thù thắng bậc nhất. Được hàng thân thích, bạn bè xưng tán. Tất cả chỗ mong cầu đều được thành tựu. Rốt ráo vượt khỏi biển khổ luân hồi.
Nghĩa này đã nêu rõ tự tánh của phước, cũng như vật chứa đựng bằng vàng, bền chắc đáng yêu thích. Là nơi chốn nương dựa tối thắng của các chúng sinh. Tự tánh của phi phước thì không đáng yêu thích, cũng như cái bình đất, nhất định bị hư hoại, khiến các chúng sinh lưu chuyển trong đường ác. Như chiếc dù lọng ở thế gian, được người cầm giữ đi khắp bốn phương, che ngăn nắng nóng. Được làm khéo léo, không lâu tức hư hoại. Như thế, điều mà chánh hạnh của Lọng phước che chở giữ lấy, đó là có thể trừ bỏ các thứ nhiệt não hiện có như sinh v.v… và những thứ thiêu đốt của lửa địa ngục. Chỗ thành tựu của các điều thiện đã nhận giữ thì không bị hoại.
Như ở trong thành Xá Vệ, có một nữ trưởng giả cùng với một tộc tánh tử (nam nhi) kết duyên, sau sinh được một đứa con. Do tiêu pha phung phí vô độ khiến ngày càng suy kiệt túng quẩn, người chồng nói với vợ mình: Tôi sẽ đi đến phương xa gắng sức làm ăn, nàng phải thương nghĩ đến sự việc nuôi dạy con. Năm tháng trôi qua, người chồng đi xa vẫn chưa về. Đứa con trai nhỏ tuổi đã lớn lên, dần dần sinh phóng túng, cùng với người con gái gần bên, lần hồi sinh lòng yêu thích. Người con gái kia bèn cởi dải buộc tóc bằng vật báu trao cho người con trai. Sau đấy người mẹ biết được câu chuyện bèn dùng lời lẽ dịu dàng, khuyên răn đủ cách: Con trai của mẹ không nên vui với những chuyện thấp kém như thế, phải tự giữ gìn cẩn thận, chớ để lòng mẹ lo lắng. Thế rồi, ngày càng gia tăng việc xem xét, bó buộc, không để con trai rong chơi nữa. Ban đêm, xếp đặt giường của mình ở ngoài cửa phòng ngủ của con. Cậu con trai, một tối kia, bị tham dục quấy nhiễu, vừa nằm xuống rồi lại ngồi dậy, giây lâu không dừng được bèn xin mẹ mở cửa để đi tiểu. Người mẹ bảo: Ở đây có sẵn chậu không phải ra ngoài. Bị mẹ kiểm soát chặt chẽ, tâm dục chuyển tăng, bèn khởi ý ác, giết hại mẹ mình. Tạo tội ác này rồi, lòng rất hoảng sợ, nên tìm đến chốn Già lam, thưa: Bạch Đại đức! Con muốn xuất gia, xin rủ lòng thương xót thâu nhận.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo ở đấy không thể quán xét, cật vấn, tìm hiểu duyên do của người con trai kia, bèn cho thế phát. Sau khi được làm Tỳ-kheo rồi, thì trốn đi tới nước khác, cách xa quê cũ, dũng mãnh tinh tấn, kiên trì tịnh giới, tu tập thiền định, vui tụng kinh điển. Nơi chốn mới này có một trưởng giả, thấy vị Tỳ-kheo ấy, đầy đủ giới đức như thế nên phát tâm cúng dường, kiến tạo Già lam, thỉnh vị Tỳ-kheo ấy làm chủ. Tăng chúng khắp nơi đều đến nương dựa. Lúc này, vì Tỳ-kheo ấy vì đại chúng liền thuyết giảng kinh điển Đại thừa. Lại khiến tu tập thiền quán tương ưng. Vì thế ở đây bốn sự cung cấp không hề thiếu. Khi ấy đại chúng tu tập siêng năng, không chút biếng trễ. Dần dà có vị chứng quả A-lahán. Nhưng vị Tỳ-kheo chủ Già lam ấy, về sau trở lại bị bệnh khổ. Tuy được uống các loại thuốc hay nhưng bệnh tình càng lúc càng tăng. Bèn triệu tập Tăng chúng, khéo bày lời hối tạ: Sai lầm khi đảm nhiệm vị chủ, khinh mạn chúng đức. Các đệ tử v.v… bị não loạn cũng thế. Rất mong đại chúng từ bi, ban cho sự hoan hỷ. Kẻ thường tình đều chết. Bậc cao quý rồi cũng qua đời. Hòa hợp thì có biệt ly, sinh tất quy về diệt. Nói lời này xong, hốt nhiên mạng chung.
Khi đó, đại chúng và các đệ tử của vị kia cùng tạo việc thiện lợi để trợ giúp phước báo ngầm cho thầy mình, bèn bàn bạc với nhau: Thầy của chúng ta quy tịch, chưa biết thần thức sinh về chốn nào. Trong chúng đệ tử có vị đã chứng Thánh quả, nên nhập định xem xét. Bắt đầu ở các xứ trời, kế đến là chốn nhân gian, cho tới nẻo ngạ quỷ, súc sinh, thảy đều không thấy. Bèn lại xem khắp trong các địa ngục, mới biết thầy mình đọa vào ngục Vô gián. Vị đệ tử thấy rồi, sinh nghi hoặc lớn: Đại Hòa thượng của chúng ta, lúc tại thế, kiên trì tịnh giới, đa văn biện tài, tu hành tinh tấn, chưa từng tạm bỏ, thâu nhận cung cấp Tăng chúng khắp nơi. Do duyên gì lại thọ nhận quả báo dữ này? Vị đệ tử kia lại nhập định quán xét, mới thấy nhân trước là từng sát hại mẹ của ông, do báo này nên bị đọa vào ngục Vô gián. Đống lửa cháy hừng hực thiêu đốt thân hình. Bị các ngục tốt chửi mắng đủ cách: Ngươi lúc ở thế gian, vô trí, thấp hèn tạo tội nghịch này, nay khiến ai chịu? Nói rồi, ngục tốt liền lấy chày sắt cực nóng, đập nát đầu của tội nhân kia, máu tuôn xối xả, khổ không thể nêu. Khi đó, vị đệ tử chứng Đại A-lahán, thấy sự việc này rồi, bèn vận dụng diệu lực bi nguyện, dứt trừ khổ não, nương vào uy đức của pháp, khiến biết túc mạng, duyên niệm Tam bảo, nối tiếp căn thiện, tức thời mạng dứt, sinh lên xứ trời Dạ Ma. Theo pháp thường các vị thiên tử mới sinh, đã trụ ở xứ trời rồi, thì khởi ba thứ suy niệm: (1) Quán xét thân trước thọ sinh tộc loại gì? (2) Ở nơi xứ nào thân hết mạng chung? (3) Tu phước gì được sinh lên xứ trời? Vị thiên tử kia sau khi quán xét những việc ấy rồi, mới thấy tự thân trước tạo tội nghịch, nhờ ân lực của Phật nên được sinh lên xứ trời này. Do đấy khởi suy nghĩ: Ta nay nhất tâm, không có tưởng riêng khác, chỉ cầu thấy Phật, thân cận cúng dường để báo đáp ân lớn. Do phước lực nơi xứ trời, tự nhiên có các báu anh lạc trang nghiêm nơi thân, Vào lúc đầu đêm, thân phóng hào quang, chiếu sáng khu rừng Kỳ Đà, thảy đều hiện rõ. Trước là đi đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lễ nơi chân Phật. Rồi lấy hoa sen, hoa Mạn-đà-la nhiều màu thuộc xứ trời để rải trên Đức Phật. Những hoa này tụ lại, cao đến quá gối. Đã dâng hoa cúng dường rồi, tức lui ra ngồi qua một bên.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết được những suy nghĩ trong tâm của thiên tử kia, bèn vì ông thuyết giảng về hành tướng nơi ba lượt chuyển pháp luân của tứ đế. Nghe xong, thiên tử kia tỏ ngộ liền được kiến đế. Không rời khỏi chỗ ngồi, vị ấy chứng được quả Dự lưu. Chày trí Kim cang vô lậu kiên cố đã đập vỡ các núi thân kiến, tà mạn. Pháp tứ đế này chẳng phải là các Sa môn và Bà-la-môn, cha mẹ, thân thuộc có thể tuyên thuyết. Duy chỉ Đức Phật Thế Tôn đã thương nghĩ nơi ta. Khóc ứa máu đầy biển, xương chất chứa như núi, đóng cửa nẻo ác, mở đường sinh thiên, cứu độ khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đều khiến an trụ nơi quả thiện của hàng người trời. Lúc ấy, vị trời kia liền nói kệ:
Con do nhiễm dục, tội lỗi sâu
Bị đọa trong địa ngục Vô gián
Nhờ ân lực Phật được sinh thiên
Lại khiến chứng đắc đạo Niết-bàn.
Con do nương dựa mắt pháp tịnh
Thoát hẳn luân hồi các đường ác
Cùng dòng sinh tử vị lai kia
Được đến bờ giác ngộ tịch tĩnh.
Con nay được thấy chư Mâu Ni
Trong trăm ngàn đời khó được gặp
Khéo vượt nhân khổ: Sinh, lão, bệnh
Nên thọ thế gian rộng cúng dường.
Lấy báu Anh lạc để phụng hiến
Chắp tay nhiễu quanh tâm vui thích
Nên con đảnh lễ Lưỡng Túc Tôn
Hay khiến người, trời sinh giác ngộ.
HẾT – QUYỂN 5