KINH PHƯỚC CÁI CHÁNH HẠNH SỞ TẬP
Tác giả: Bồ tát Long Thọ soạn tập.
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa môn Nhật Xưng.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).

 

QUYỂN 2

Bấy giờ, Thiên chủ Đế Thích, đầu đội mũ báu thù diệu bằng ngọc Ma-ni, từ trời Đao Lợi đi đến chỗ Đức Phật, thấy thân tướng Phật, chung đức trang nghiêm, tâm vô cùng hoan hỷ, được điều chưa từng có, đầu mặt kính lễ nơi chân Phật, Thế Tôn, dùng âm thanh đại thù diệu xưng tán công đức Phật. Nếu các chúng sinh nhìn thấy tướng tốt của Phật, phát khởi tâm hy hữu, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen thì có thể phá trừ được bốn loại nghiệp ma, thành tựu nghĩa lợi, đạt được sự an lành lớn. Các ngươi: Hàng trời, người và các Ma, Phạm đều nên đến đây kính hầu bậc Vô Thượng Tôn. Lúc ấy, có các vị Đại Tiên giữ ánh sáng, Nhật, Nguyệt Thiên tử, các Tinh tú, Thủy thiên, Hỏa thiên, Đa văn thiên. Diệm ma thiên, Đại Phạm thiên, Lực kiên thiên, Na la diên thiên, Bát la nữ ma na thiên v.v… cùng các Long thần, Dạ-xoa, Càn-thátbà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Tất-lợi-đa, Tỳ-xá-già, Tắckiện-đà v.v… Chúng loại như thế đều cùng nhất tâm, cúng dường, lễ bái, tán thán công đức của Phật: Là bậc xuất thế gian, trí tuệ đệ nhất, danh xưng rộng lớn, không ai là không nghe biết. Các vị Đại Thanh văn như Tôn giả Xá-lợi-phất v.v… đều không thể hiểu rõ về cảnh giới trí tuệ của Ngài. Từ đảnh núi Tô-di-lô đến trời Sắc cứu cánh, hết thảy chúng hữu tình đều cùng nhìn kỹ Đức Như Lai, là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Pháp do Ngài tuyên thuyết, ngôn từ không hư vọng, đầu, giữa, sau đều thiện, lời lẽ xảo diệu, nghĩa lý sâu rộng, có thể phá trừ mọi thứ ngu si ám độn của những chúng sinh vô trí ít hiểu biết, khiến những kẻ kia nghe rồi, sinh khởi giác ngộ lớn, vui thích tu tập chánh hạnh, tăng trưởng tuệ mạng, nhất định thoát khỏi những sợ hãi về đường ác, có khả năng mở được cổng thành Niếtbàn rộng lớn, hội nhập cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn.

Trong kinh này nói về nhân đầu tiên của lọng phước. Làm sao nhận biết rõ? Đã nghe những lời nêu giảng này rồi, rộng hành bố thí thanh tịnh, kiên trì giới cấm, đối với những dục lạc của thế gian, không sinh tâm yêu thích. Các hữu thiện lợi đều sinh tín thuận. Tu tập như thế thì chóng được thành tựu. Ví như có người, ở trong đêm tối, cầm ngọn đuốc lớn đi vào ngôi nhà rộng, tức ở nơi phương xứ kia đều được thấy rõ. Trong ấy kho tàng châu báu hiện có cùng vô số các loại vật dụng, hoặc tinh hoặc thô, mỗi mỗi đều hiện rõ, đều có thể thọ dụng, đạt được vui thích an ổn. Nếu lại có người, ở trong kinh này, thọ trì đọc tụng, vui nghe nghĩa sâu, gần gũi pháp sư, tư duy như lý, tâm sinh giác ngộ. Nên biết người này có thể ở trong đêm dài sinh tử, cầm đuốc trí lớn, vào thành Niếtbàn. Ở nơi pháp thâm diệu, hoặc lý hoặc sự, tức có thể hiểu rõ, cùng được thông đạt, lìa các nghi hoặc, phá trừ si ám, xuất ly luân hồi tâm được giải thoát, có khả năng thọ dụng pháp lạc vô tận.

Như Đức Thế Tôn nói: Thế gian hữu lậu không sinh thắng tuệ, chỉ có đèn chánh trí mới có thể xua trừ si ám. Cho nên bậc trí phải cầu chánh pháp vô lậu xuất thế. Đối với giáo pháp tương ưng với Khế kinh, Luận nghi do Đức Phật thuyết giảng phải khéo quán xét. Như chúng hữu tình tạo phước, phi phước đều nhận báo kia, nhất định không sai lầm. Nên biết thế gian đều do nhân duyên sinh. Nếu không có chúng sinh thì không có phiền não. Nếu không có phiền não thì không có địa ngục. Do đấy Ta nay giảng nói pháp nhân duyên, chẳng phải như những dị kiến tà chấp của ngoại đạo: Không nhân, không duyên, sinh tất cả pháp. Những ngoại đạo ấy chấp rằng gai gốc bén nhọn là do ai vót? Các loại lông mao lông vũ của cầm thú thì được ai tô vẽ? Sự việc này là hiển nhiên sao phải nhờ nơi nghiệp nhân? Do đấy nên biết rõ mọi vật hiện có trên thế gian vốn sinh ra từ tự nhiên chẳng cần phải tu tập. Đức Như Lai nhận biết rồi, khởi tâm đại bi, thương xót giáo hóa. Dùng ánh sáng trí tuệ diệt trừ các thứ si ám kia, dần khiến ngộ nhập vào trí nhất thiết trí, xả bỏ tà kiến cũ, ở trong Phật pháp tâm được giải thoát.

Trong kinh này nói, Đức Phật đã chỉ dạy, giảng nói các pháp như bố thí v.v…, có thể xuất ly khỏi luân hồi, được các sự an lạc. Hiện thấy các loại hữu tình ở thế gian, tạo phước, phi phước, thọ báo khổ vui. Như trưởng giả Cấp Cô Độc, phát tâm tịnh tín, dùng ba mươi câu-chi vàng bạc châu báu, dâng cúng Đức Như Lai và các đệ tử, các bậc Đại A-la-hán như Tôn giả A-nậu-lâu-đà để tạo lập tinh xá. Hưng khởi cúng dường lớn, hiện đời đạt được vô lượng phước báo, gồm đủ đại danh xưng, an vui thịnh vượng. Hết thảy kho lẫm thảy đều sung mãn, bạn bè thân thuộc, nô bộc, tùy tùng, đông đúc rộng nhiều đều được trọn vẹn thọ dụng những diệu lạc thù thắng không cùng. Đấy là do bố thí nên chiêu cảm quả báo như thế.

Lại, các Đức Như Lai với tâm đại bi thương xót hết thảy chúng sinh, như bậc y vương ở thế gian hay dùng lương dược khéo chữa trị vô số các loại bệnh tật nơi thế gian như phong đàm, hoàng đản v.v… khiến được lành khỏi. Đức Như Lai cũng như vậy, khéo giảng nói thuốc pháp, có thể trừ diệt các thứ phiền não căn tùy của chúng sinh, khiến được giải thoát. Nhưng chúng hữu tình kia không có chủng tử thiện, không có tư lương, không phát khởi chỉ dũng mãnh, không cầu giải thoát, bị chứng bệnh thâm căn ba độc trói buộc. Người như thế khó có thể hóa độ. Vì vậy Đức Như Lai, tâm đại bi bình đẳng, không có tưởng thân oán, trao cho thuốc pháp khiến chúng hữu tình kia hành trì. Vì chúng nên giảng nói các hành như bố thí, trì giới v.v…, thường phải thọ trì kinh điển thâm diệu.

Lại, thân người kia thật là khó được. Ví như loài rùa mù gặp được bọng cây nổi. Siêng tu mười thiện, cầu lìa biên vực khổ. Ví như được thân người, không sinh ra nơi vùng giữa nước, các căn không đủ. Hoặc đối với pháp Phật tâm không yêu thích. Hoặc lại sinh vào thế giới không Phật. Hoặc do nghiệp ác phải chịu quả báo câm ngọng, miệng không thể tuyên đọc chánh pháp của chư Phật. Đối với công đức của Phật không thể nhận biết rõ. Lại, các chúng sinh bị ngu si che lấp, tà kiến mê hoặc tâm, từ bỏ các thiện tri thức, hủy hoại thuyền chánh pháp, xô dẹp núi báu chánh pháp, đốn cây trong rừng trí, trốn khỏi thành giải thoát, mở lối ba đường ác. Không thể đi vào chốn hiểu biết tìm cầu tín tâm thanh tịnh. Không thể kiến lập cờ pháp chân thật. Đấy tức là thiêu đốt cung điện trong xứ trời. Tích tụ của cải vật báu rộng lớn ở thế gian, tự ỷ mình giàu có, khởi đại ngã mạn, vô trí ngu si, không khéo quán xét, không tu tuệ thí, cũng không thọ dụng. Bị thứ ánh sáng keo kiệt kia cầm giữ, không tỏ ngộ thân này là nơi chốn khổ của già, bệnh, chết thường theo đuổi. Tạo tác những nghiệp ác, không thể phát lồ. Kẻ kia trong lúc tuổi trẻ, sắc lực sung mãn, thân hình tươi nhuận, rửa sạch các thứ cấu uế, thường sinh tâm yêu thích. Kịp đến lúc già suy, tay chân run rẩy, da dẻ nhăn nheo, sinh nhiều chấm đen, môi miệng khô cháy, hơi thở gấp gáp, tóc bạc thưa thớt, răng cỏ thưa rụng, mình sinh ghẻ chốc, da thịt teo gần, các căn u ám, bế tắc, gân mạch vội co rút lại, đầu chân gần nhau, bước đi chậm chạp trì trệ, hết thảy phần thân giống như bị buộc giữ. Nơi chốn ý muốn đi đến phải nhờ người dìu đỡ. Ca múa vui chơi không còn nhớ nghĩ. Món ngon vật lạ không còn có thể thưởng thức. Nếu như muốn ăn uống thì yết hầu cũng không thể kham nổi. Mắt xem văn tự nhưng không thể biên biệt. Điều ý muốn dặn dò nhưng ngôn thuyết thì không rõ ràng. Hơi thở ra vào suy kém, thường không liên tục. Nước miếng nước mắt tự động trào ra, tiểu tiện bẩn thân. Bụng trướng quặn đau, rên rỉ thê thảm, chỉ còn da bọc xương, nằm bẹp nơi giường, mặt hiện tướng xấu, sinh nhiều sợ hãi. Lúc ấy, có gió thổi chạm phần thân, cũng như kim châm, đau đớn không cùng. Tất cả thầy thuốc đều lắc đầu bó tay. Người này bị vô lượng ưu não thiêu đốt, ái lạc đều là thứ kẻ khác có, của cải châu báu thảy đều bỏ hết. Như lửa sấm sét hủy hoại không còn lại gì. Không cảm giác, không còn hiểu biết gì, hốt nhiên chết đi, trong sát-na đổi khác, khiến nhiều người hoảng sợ. Cha mẹ vợ con thân thích nội ngoại, buồn thương rơi lệ, lòng đau như xé, nối nhau kêu gào than khóc: Bỏ tôi đi đâu! Ở nơi đời khác kia, một mình lê bước, giống như người lái buôn non trẻ, không có bạn đồng hành, vào trong đêm tối mịt mờ, đi đến chốn cực hiểm nạn, rớt xuống hầm sâu to lớn, chìm ngập trong biển khổ mênh mông. Không có lối về, không người cứu giúp, không chỗ nương dựa. Sứ giả của Diễm Ma, thần Hắc dạ mẫu trợn mắt, nhe răng, hình dạng xấu xí, rất đáng sợ, giận dữ quát mắng, bắt trói dẫn đi, mau như gió thổi, phút chốc về đến trụ xứ của vua Diễm Ma. Sống không biết quý trọng điều thiện. Chết trở về xứ khổ. Vô số mũi nhọn, từ nơi không trung rơi xuống đâm chém khắp thân, chặt cắt hủy hoại mọi chi phần, mổ tim, cắt lưỡi, máu thịt trộn lẫn tay chân, lóng tay lóng chân, cắt ra quăng bỏ, chỉ còn gân xương, giữ liền không rời, đau đớn vô cùng, tức khắc chết giấc. Gió nghiệp thổi lên, hốt nhiên sống lại. Thọ khổ lâu dài, nghiệp hết mới được thoát.

Nếu các chúng sinh, tín thuận lời Phật, vui tạo nghiệp phước, làm lợi ích an lạc cho hết thảy chúng sinh, theo chỗ cần dùng mà có thể cấp cho. Nơi kẻ rét lạnh thì giúp cho ấm áp. Đối với kẻ buồn bực não hại thì khiến được mát mẻ. Đối với kẻ khát mệt thì lấy nước suối trong thí cho. Đối với kẻ đói khổ thì cho họ những thức ăn uống. Đối với người bị chìm nơi sông sâu thì giúp họ thuyền bè.

Nơi người không có chỗ ở thì giúp họ nhà cửa. Nơi những người nghèo cùng tức cho họ tiền bạc vải lụa. Nơi những kẻ tranh tụng, kiện cãi, thì khuyên can khiến tạo hòa thuận, Đối với người độc hành thì vì họ cùng làm bạn lữ. Nơi những người bệnh tật thì chỉ cho họ những loại thuốc hay, uống vào tức được khinh an. Đối với kẻ bị rắn độc cắn thì chỉ dẫn họ gia trì mật chú, khiến tiêu trừ nọc độc. Nơi kẻ ỷ thế ngã mạn thì trao cho tuệ kiếm khiến tự điều phục. Nói chung là thảy đều khiến đạt được an ổn, vui vẻ. Nếu có thể thực hiện được như thế, đem lại lợi lạc cho chúng sinh, thì hiện tại liền được phước báo như ý. Ở trong đời khác, chỉ với phước nghiệp này cùng làm bạn lữ, làm nơi trở về, làm chỗ cứu giúp, làm chỗ nương dựa.

Nếu các chúng sinh tập quen nghiệp keo kiệt, đối với phước điền thù thắng không hay thí giúp. Giả như đệ tử của Đức Phật như Tôn giả Ưu-ba-ly tìm đến giáo hóa kẻ kia, thì kẻ ấy tâm cũng không vui, vì không tín phước thí hay chiêu cảm quả báo an lạc, còn chứa nhóm tội ác thì sau tất thọ luân hồi. Như được làm người thì sinh vào giòng họ hạ tiện, hoặc là nhà đồ tể, hoặc nhà hốt phân, chế tạo xe cộ, làm nệm lông, chài lưới, thợ đồ gốm, người làm nông, người dệt vải, thợ cạo tóc, thợ nhuộm, giặt áo, các xứ bất thiện, cơm áo thiếu thốn, rách rưới, làm đầy tớ giúp việc cho kẻ khác, tay chân nứt nẻ, khổ cực nhiều, mong cầu nhiều. Suốt ngày không chút thảnh thơi, lại bị nhiều bệnh trói buộc như ghẻ hủi, ung nhọt, bệnh trĩ, ung thư, ho hen, sốt rét, thổ tả, kiết lỵ, điên cuồng, nóng sốt… Các bệnh như thế, bức bách khiến thân thể đau đớn khó chịu, gầy ốm, tiều tụy, tay chân co quắp, môi miệng méo lệch, đầu tóc rối bù, hai mắt rơi lệ, xuống sắc cầu xin người, mặc áo rách rưới, kéo lê mà đi. Hoặc lại rơi mất, cũng không hay biết, khi bị gió thổi, thân thể lõa lồ. Ngồi nằm trên phẩn đất, cũng như là tự vui. Tự nhổ tóc mình, không chút hổ thẹn. Nói với kẻ qua người lại: Vì sao nhìn ta? Hoặc cầm đồ đựng hư vỡ đi khắp trong làng, được chút thức ăn thừa để tự nuôi sống. Vô số ruồi nhặng, tranh nhau bay đến bám hút, trong ngoài đều cấu uế. Bị mọi người nhờm ghét khinh khi. Do nhân bất thiện đã chiêu tập. Tự mình làm việc ác, lại chỉ dạy người khác làm. Người này thật là cái kho chứa mọi thứ khổ não. Vì vậy Đức Thế Tôn thường dùng tâm đại bi, khởi niệm yêu thương đối với hết thảy, khiến chúng phát tâm, quyết định hối lỗi, chóng được giải thoát khỏi các lỗi lầm xấu ác.

Trong kinh này nói: Chỉ tự mình tụ tạo nghiệp phước chánh hạnh thì có thể chiêu cảm quả báo thù thắng giàu vui nơi nẻo trời, người. Thế nên Tỳ-kheo thọ trì kinh này, vì người giảng nói, như thuyết tu hành tức khiến cho lọng phước của mình và người được thành tựu.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở tại rừng trúc Ca-lan-đà thuộc thành Vương Xá. Khi ấy, Đề-bà-đạt-đa do ngu si hết mực đã đem tâm độc ác làm tổn hại pháp Phật, tạo ra trăm ngàn chướng ngại để cản trở nhưng rốt cuộc không thể làm động nơi đầu một sợi lông của Phật. Ông ta tức thì nói với vua A-xà-thế nên ban bố lệnh nghiêm cấm hết thảy người trong thành, không một ai được đi đến chỗ Đức Phật và không cho đem các thứ thức ăn uống cúng dường Đức Phật. Nên biết Sa-môn Cù Đàm kia tức không được gì, tất phải rời bỏ xứ này để đi đến nước khác ở xa. Vua nghe lời ấy, tin tưởng thuận theo. Lúc ấy, những vị Ưu-bà-tắc trong thành, sau khi biết sự việc kia rồi, đều than: Khổ thay! Nay thành Vương Xá này như là không có vua chủ quản! Đức Như Lai ra đời, khó được gặp như hoa Ưu-đàm-bát-la. Vì sao đại vương lại tin nhận theo tà sư, không cho chúng ta đi đến cúng dường? Không bằng lòng cho Đức Như Lai thâu nhận chúng ta? Tôn giả A-nan-đà nghe những lời này rồi, liền đi đến bạch Phật. Đức Phật bảo Tôn giả: Ta đã dự biết rồi. Hà tất phải lo lắng! Ở trong pháp của Ta chưa từng có một đệ tử Thanh văn nào phải chịu thiếu thốn, huống gì là thân Ta? Khi đó, Đức Phật Thế Tôn phóng ra luồng ánh sáng lớn chiếu khắp thành Vương Xá khiến đều được thanh tịnh. Người chạm vào luồng ánh sáng này thân tâm đều được an vui. Lúc này, vua trời Đế Thích nhìn thấy ánh sáng của Phật, bèn dùng thiên nhãn xem xét, biết được nguyên nhân, tức thì phát tâm dũng mãnh, hiện uy đức lớn, làm vị đại Đàn-việt, hưng khởi sự cúng dường lớn.

HẾT – QUYỂN 2

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12