KINH PHƯỚC CÁI CHÁNH HẠNH SỞ TẬP
Tác giả: Bồ tát Long Thọ soạn tập.
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa môn Nhật Xưng.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).

 

QUYỂN 7

Nếu có chúng sinh dùng các thứ vật dụng bố thí cho các hữu tình, đó là các thức ăn uống, y phục, đồ ngồi nằm, thuốc men, cho đến hết thảy các thứ châu báu quý giá và các kho tàng đều có thể đem bố thí cho. Người bố thí như thế gọi là Bố thí rộng lớn. Hoặc các chúng sinh tâm vui hành thí, nhưng chưa đạt đến sự việc đem các loại vật dụng như trên để bố thí, thì tùy theo những thứ mình hiện có mà có thể thí cho. Người bố thí như thế gọi là Tùy phần thí.

Phật dạy: Ở đây có hai loại thí: Nghĩa là nghiệp thân ngữ ý và các uẩn như thọ, tưởng v.v… cùng với tư cùng chuyển, đồng thời tu tạo hiện tiền thí cho, vui thích cùng nối tiếp. Đây gọi là thí. Hoặc trong khoảng sát-na, phát khởi tâm tịnh, dùng các vật mình có mà có thể đem cho, cũng gọi là thí.

Lại nói rõ về hai loại: (1) Không thanh tịnh. (2) Thanh tịnh. Người khéo hành phải nên nhận biết rõ thì có thể kiến lập Nhất thiết chủng trí.

Nếu người bố thí không có giới, không thuận chánh lý, không gồm đủ chánh kiến, cho là thí không quả. Người bố thí như thế, thì không có báo. Hoặc người thọ nhận không có giới, không hiểu giáo pháp, chấp sâu nơi tà kiến, nói thí không có quả, nói người thí cho kia cũng không có báo. Đấy gọi là không thanh tịnh.

Nếu người bố thí có trì giới, có chánh kiến, hiểu giáo pháp, biết có quả của bố thí. Người bố thí như thế tức có quả báo. Hoặc người thọ nhận đủ giới, có chánh kiến, hiểu giáo pháp, nói có quả của bố thí, đối với người thí cho kia là có quả báo. Đấy gọi là người thí kẻ thọ, cả hai đều thanh tịnh, chánh hạnh viên mãn.

Nếu người thí thanh tịnh, kẻ thọ nhận không thanh tịnh, đây cũng gọi là thành tựu quả báo bố thí. Hoặc người thí không thanh tịnh. Nghĩa là người ngu kia giữ chặt tài sản của mình, giống như kẻ tôi tớ phụng sự chủ. Hoặc bị sai khiến, quan lại đốc thúc, bắt buộc khiến buồn phiền, sau đấy mới thí cho. Hoặc bị giặc oán cướp đoạt làm tổn hại, chịu các thứ kinh sợ, sau đấy mới thí cho. Hoặc bị những thứ khổ do già bệnh nối tiếp triền miên dần dần bức bách, sau đấy mới thí cho. Các loại cho như thế đều không gọi là bố thí. Hoặc xem ca múa, các loại nghệ thuật biểu diễn, để mua lấy tiếng tốt cho mình, sau đó mới thí cho. Hoặc thấy người khác, so với tiền tài của cải nơi kẻ kia, tự cho mình là giàu có mà cho gấp bội. Ở nơi sắc đẹp của người khác, tâm sinh yêu thích, muôn thu lấy về mình, nên cho gấp bội giá trị của kẻ kia. Người cho như thế đều không gọi là thí. Vì sao? Vì kẻ kia tuy cho tiền tài nhưng tâm thường nhiệt não, cùng kết với tham, sân, si, nghi hoặc v.v… không thuận với chánh ý, không tương ưng với thiện, chỉ đi đến luân hồi, tạo điều không lợi ích, sao có thể chiêu cảm căn thiện xuất thế kia? Đức Như Lai có tướng tốt, giữa các ngón tay đều nối kết đẹp đẽ như mạng lưới là phước báo của bố thí. Những cách cho như trên, ở đây gọi là bố thí không thanh tịnh.

Lại nói về hai loại: (1) Thí rồi không thanh tịnh. (2) Thí rồi hồi hướng thanh tịnh.

Lúc ấy, ở thành Vương Xá có các Đàn-việt đã tu tạo nghiệp phước rồi, ở nơi Tăng-già-lam, trong vườn của chúng Tăng đàn ca múa hát, vui chơi hoan lạc. Khi đó, người vốn là chủ vườn đến thưa cùng chủ chùa. Vị Tỳ-kheo trưởng lão bảo với những người Đàn-việt kia: Các người vì lẽ gì lại đến đây buông lung? Tạm thời tuy được vừa ý, về sau sẽ chiêu lấy khổ báo? Vị Tỳ-kheo chủ vườn bạch cùng vị Trưởng lão: Những người Đàn-việt ở đây, nói những lời lẽ hay đẹp khiến cho vui vẻ. Vì sao trách cứ họ khiến mọi người sinh phiền não? Vị Trưởng lão liền quở mắng Tỳ-kheo chủ vườn: Ông trước chưa học, không biết giới luật, hành theo bạch y. Nếu vì tài lợi của họ, ông lại xem sự việc thọ dụng những thứ giàu vui này có thể khiến nhiều người tâm sinh cuồng loạn, tác ý phi lý, là duyên hủy hoại chánh pháp.

Khi ấy, vị Trưởng lão kia nói kệ:

Nếu ở vườn chúng Tăng

Vui chơi thọ dục lạc

Kẻ ngu kia mù tối

Phá pháp đọa đường ác.

Phải ở trong chốn này

Tu bố thí, trì giới

Cùng hai hành làm bạn

Hay đến cửa giải thoát.

Như hồ ao trong sạch

Bên trong trồng hoa sen

Hoa kia đã nở rồi

Sau tất kết thành quả.

Thế nào nói là bố thí rồi hồi hướng thanh tịnh? Do người thí kia kiên trì tịnh giới, thể tánh, ý lạc, xưa nay thanh tịnh. Hết thảy các vật hiện có như vàng bạc, châu báu, kho tàng, voi ngựa, xe cộ v.v… tâm không tham tiếc, thảy đều có thể bố thí. Nhận biết có quả báo của bố thí và đời khác của quả báo ấy. Chán ghét luân hồi, lưu chuyển mau chóng. Vui chứng chân thường, lìa các lỗi lầm. Đối với những hoan lạc của năm dục nơi thế gian kia, không sinh nhiễm vướng, đều có thể từ bỏ. Đối với sự khen chê, tâm ấy không động. Thấy người đến xin thì nói lời dịu dàng an ủi, hỏi han, sắc mặt hòa nhã, tránh cau có buồn bực, như trông thấy thân thuộc tôn kính, tâm không chán mệt. Tùy theo ý muốn của kẻ kia đều khiến được đầy đủ. Mau chóng lấy cho, không sinh nghi ngờ hối tiếc, xa lìa những thứ dua nịnh dối trá. Trừ sạch cấu uế bỏn sẻn, chuyên vui với lợi tha. Gánh vác giúp mọi người, giữ gìn uy nghi, dứt bỏ những việc kiện tụng.

Hoặc giả có kẻ đến xin chi phần của thân thể, phải khéo tu nhẫn nhục, không sinh nóng giận bực bội, tâm không tán loạn, vui vẻ hành thí tối thượng: Kẻ kia đã khéo theo phương tiện, cầu xin nơi ta. Ta phải hoan hỷ bố thí cho họ, khiến ta được đầy đủ các Ba-la-mật tịnh giới, tinh tấn, thiện định, thắng tuệ, mau chóng chứng đắc hiện pháp lạc trụ vô vi, thành tựu Chánh đẳng Bồ-đề vô thượng.

Lại, các hữu tình do tài sản giàu có kia nên sắc lực dũng kiện khiến tham đắm nhiều nơi dục lạc. Kẻ kia ở thế gian không gần gũi thiện hữu, không thích nghe pháp Phật, ương bướng khó giáo hóa. Cho đến phát khởi nhiều loại bệnh khổ: Nhức đầu, vàng da, ho hen v.v… hoặc ba nhóm bệnh, làm cho mạng chung.

Lại, quan chức, nông dân, thương nhân thợ thuyền, hết thảy dân chúng hiện có ở thế gian, tâm thường vội vã, hấp tấp, không chút thong dong, thư thả. Hoàn toàn dong ruổi tìm cầu những hoan lạc phóng dật, rơi vào hầm sâu hiểm nạn của năm dục, lần lượt luân hồi, không biết nẻo xuất ly. Dùng tâm đại bi khai thị, chỉ dạy, đối với kẻ ngu si tăm tối, vì họ khiến phát khởi trí sáng. Đối với những người không ai cứu giúp thì diệt trừ khổ não. Người không nơi chốn quay về nương dựa thì khiến có được nơi an ổn. Cho đến những kẻ đang chịu các thứ khổ như trong địa ngục v.v… thì dùng phước nghiệp của bố thí mà mình đã tu tập, bố thí cho các hữu tình, khiến đều lìa khổ. Dùng quả báo của bố thí mà ta đã thu đạt được, không cầu những thứ hoan lạc của năm dục ở thế gian, cũng không ưa thích sự giàu sang vinh hiển. Chỉ mong vượt khỏi luân hồi, hoàn toàn giải thoát. Đây gọi là bố thí rồi hồi hướng thanh tịnh.

Đức Phật dạy: Hành thí thanh tịnh đã thực hiện như thế rồi, nhân duyên của thời xa xưa, Ta nay lược nói. Trong vô lượng đời về quá khứ, có nước tên Thiện Thanh, vua là Thiên Thắng, giàu sang tự tại. Quyến thuộc rất nhiều, dân chúng đông đúc, yên ổn, giàu vui, yêu kính lẫn nhau, không có tranh cãi, kiện cáo. Không nghe lời xấu ác, không có bệnh tật. Vườn rừng tốt tươi, cây trái ngon ngọt. Đất đai màu mỡ, không sinh gai gốc, vật dụng nuôi sống thảy đều đầy đủ. Cõi nước cực thịnh. Nhà vua bẩm tánh nhân hiền, thảy xem lê dân cũng như con đẻ. Yêu thích chánh pháp, chưa từng tạm bỏ. Tâm đại bi quyết định thương xót hết thảy. Chán lìa hữu vi, thấu đạt vô ngã. Là bậc đại trượng phu mọi người đều xưng tán. An trụ trong sự bố thí rộng lớn tâm không tham tiếc. Hết thảy vật sở hữu nhà vua đều có thể xả bỏ. Mỗi sáng sớm, vào hội trường bố thí, những người đến xin đều khéo dùng lời dịu dàng an ủi. Hoặc cần ăn uống thì ban cho các thức ăn ngon. Hoặc kẻ cầu áo quần thì cho y phục tốt đẹp. Cho đến các vật như vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, chân châu, Ma-ni, kho lẫm v.v…, tùy theo ý muốn thảy đều cấp cho. Bố thí như thế rồi, nhà vua vào hậu cung, tiệu tập các nữ quan, tôi trai, tớ gái, đại thần, quan đứng đầu… mỗi mỗi thảy đều thí cho, khiến được đầy đủ. Các vật sở hữu thảy đều xả thí hết không còn lại gì, chỉ còn bộ trang phục mặc trên người. Lúc ấy, vua Thiện Thắng khởi suy nghĩ: Nay trong thành này, hết thảy dân chúng ta đã chu cấp, đều được giàu có, đầy đủ. Chỉ có những loại trùng nhỏ là chưa từng được thấm nhuần ân huệ. Suy nghĩ nên dùng vật gì để có thể cứu giúp chúng. Khi đó nhà vua liền đi đến nơi chốn có nhiều ruồi muỗi, cởi chiếc áo đang mặc để cho chúng chích hút, khiến đều được no đủ, tâm không chút khổ nhọc. Bấy giờ, trời Đế Thích nhìn xuống cõi nhân gian, thấy sự việc này rồi, lấy làm lạ về điều chưa từng có. Vua Thiện Thắng kia có thể phát khởi tâm đại bi rộng lớn như vậy, tạo lợi ích an lạc cho hết thảy hữu tình. Ta nên tự thân đi đến để kiểm nghiệm sự thành thật kia. Vua trời Đế Thích bèn hóa làm chim Thứu, lông cánh đen sì, móng mỏ sắc bén, bay đến trước mặt vua muốn mổ lấy hai mắt. Vua tích chứa tâm từ nhẫn, trọn không chút kinh hãi, dùng mắt từ ái, đoái nhìn chim kia, nói: Nay thân thịt của ta người mặc tình ăn dùng. Chim vội cúi mình xuống bỗng nhiên biến mất. Vua Đế Thích lại biến thân mình thành một Bà-la-môn, đi đến trước vua, gần gũi cung kính: Rất mong đại vương bố thí cho tôi đôi mắt. Nhà vua liền bảo: Này Đại Bà-la-môn! Ngươi nếu quả thật cần thiết thì hãy tự mình lấy đi. Ta đối với mắt mình không chút tham tiếc. Bấy giờ, trời Đế Thích kia biết hạnh bố thí của nhà vua là chân thật không hư dối, liền ẩn mất thân Bà-la-môn, hiện thân tướng thật của mình, tâm rất hoan hỷ, tán thán: Lành thay! Đại vương nay đại bi kiên cố, nguyện lực quyết định, tạo lợi ích cho hữu tình tâm không nghiêng động. Nơi nơi chốn chốn, tất cả chúng sinh nghe danh hiệu của đại vương đều được những an lành to lớn. Không lâu sẽ chứng đắc quả Bồ-đề tối thượng. Người thí như thế, chủ thể thí là người và đối tượng được bố thí là vật, hoặc nhiều rộng, hoặc nhỏ ít, không gì là không thanh tịnh. Người này sẽ chứng được niệm xứ, chánh cần, thần túc, căn, lực, các pháp công đức. Đối với đạo Bồ-đề không còn thoái chuyển. Tức là phước điền thanh tịnh tối thượng, có thể nuôi lớn căn thiện của hết thảy chúng sinh. Bậc đại trượng phu này tức vì các hàng cha mẹ, thân thuộc, bạn bè làm nơi chốn quay về nương dựa. Như nhà cửa tốt đẹp có thể ngăn chận gió mưa, nóng lạnh, các loại côn trùng, khiến dừng trụ được an ổn. Hay đối với vô số Sa-môn, Bà-la-môn v.v… ở trong đại chúng, khéo tuyên thuyết luận nghị, dung mạo hòa vui, thân tâm mạnh mẽ, tinh tường, dùng tuệ quyết định hàng phục các dị kiến. Ví như Hương tượng có sức mạnh lớn nơi núi Tuyết, đè bẹp những loài oán địch của mình, tâm không chút sợ hãi. Cũng như bậc Tông sư dạy bảo đồ chúng, không hề xả bỏ họ. Như mẹ nghĩ nhớ đến con. Nên biết người này như ao nước trong mát hay cứu giúp hết thảy kẻ mệt khát. Như loại hoa kỳ diệu được mọi người yêu thích, tùy theo xứ nở rộ thì làm trang nghiêm xứ đó, Như bậc y sư kia khéo điều trị các bệnh, đi đến phương nào thì có thể đem lại sự an lạc. Như người khác trì chú, hay trừ các thứ rắn độc, Người hành thí kia khéo trừ diệt các độc tham sân si, thấy các chúng sinh bần cùng không có phước tuệ, nhiều kiếp bị chìm đắm trong bùn nhơ sinh tử, khiến chúng tu tập các pháp thiện chân thật tương ưng, dần dần dẫn đến núi báu công đức. Như rừng Chiên-đàn, hương thơm theo gió bay xa, mọi người, theo chỗ nghe thấy không ai là không vui lòng. Tiếng tốt của người này cũng lại như thế. Ở khắp nơi chốn đều được mọi người kính vâng. Như đô thành của vua, yên ổn không có lo sợ, tất cả dân chúng nương dựa mà ở. Người hành thí này được mọi người thân cận, như trăng tròn mùa thu, ánh sáng trong lành, hết thảy thế gian thảy đều chiêm ngưỡng. Người vui hành thí cũng lại như thế. Như Đấng Mâu Ni, các căn tịch tĩnh, thuyết pháp giải thoát hoan hỷ bố thí, viên mãn rộng lớn, tương tục không lười trễ. Đấy gọi là bố thí chánh niệm giải thoát thanh tịnh.

Lại vị bố thí kia, thấy có người đến, cầu xin nơi mình, phải đứng đây đón tiếp an ủi. Trước tiên thăm hỏi, trao cho các loại nước hương để người kia rửa tay. Sau đấy như pháp bày biện các thức ăn uống. Theo chỗ mong cầu của kẻ kia đều có thể thí cho. Cho đến cảnh giới an vui hiện có, tâm cũng không tham tiếc, hoan hỷ thí cho. Đã bố thí như thế rồi, người kia có thể xả bỏ tất cả những thứ ngăn che, trói buộc, lại hay thâu lấy hết thảy căn thiện. Một khi bỏ thân này rồi, trung hữu sáng suốt, lanh lợi, quyết định sinh về xứ trời Tri Túc (Đâu Suất), là cảnh giới an ổn, diệu lạc bậc nhất. Lúc ấy nơi cung trời kia có cây Kiếp-ba, lá tươi tốt xanh biếc, tỏa ra ánh sáng vi diệu. Hoa báu nở trọn, hương thơm xông khắp. Lại sinh ra vô số thiên y thượng diệu, trùm các chúng trời, tùy ý lấy dùng. Lại có cung điện thanh tịnh rộng lớn, do các báu tạo thành, vàng ròng đan xen, vô số bình báu xếp hàng vây quanh. Phan phướn thêu vẽ đẹp khéo phất phơ theo gió. Lại có vô số trăm ngàn thiên nữ, hình dáng thướt tha, tươi vui không gì sánh bằng. Những vòng hoa đẹp nhất nối kết trang sức xiêm y. Đai áo bằng châu báu, dùng buộc thân hình, xuyến vàng, khoen ngọc, ngọc kha, ngọc bội, chuỗi ngọc, theo bước đi uyển chuyển khua vang, nghe thật đáng yêu thích. Những thiên nữ như thế trong xứ kia là đông đầy. Lúc ấy, thiên nữ đẹp đẽ bậc nhất kia, biết có một thiên tử mới sinh về xứ này, bèn cùng các quyến thuộc diễn các thứ kỹ nhạc, đi đến cửa thành xứ trời cung nghinh đón tiếp. Khi đó trong chúng, vị thiên tử mới sinh về, uy đức tôn quý riêng biệt, hình sắc khác lạ, tóc xanh biếc mềm mại, nhuần thấm, xoắn quanh phía hữu. Các thứ bụi cấu đều không thể bám vào. Mắt trong sáng, dài rộng như cánh sen xanh. Sắc môi đỏ tươi như trái Tần-bà. Răng trắng đều khít như ngọc kha, như tuyết. Thân phát ra ánh sáng, cùng với mặt chiếu nhau, dài ngắn xứng hợp, người nhìn thấy đều vui vẻ. Vị thiên nữ đẹp đẽ bậc nhất kia thưa cùng thiên tử: Nay trong xứ trời này, những hoan lạc thù diệu, trọn không có nơi chốn nào hơn. Rất mong nhân giả cùng tôi kết làm phu thê, an trụ lâu dài nơi trời này, cùng nhau vui vầy. Liền lấy bình vàng, rót nước rửa tay, và mũ báu xứ trời, các loại chuỗi báu, các vật dụng trang nghiêm thân, đều lấy dâng cho thiên tử.

Lại có thiên nữ, tay cầm phất trần trắng đi trước dẫn đường, đến rừng hoa báu, diễn bày múa hát, tấu các loại âm nhạc. Cả hai cùng nhìn nhau thọ hưởng dục lạc thù diệu. Kế đến lại bay lên lầu quán vi diệu giữa trời, dạo chơi khắp chốn, nghỉ ngơi tùy ý tự tại. Hoặc trong ao báu đều cùng vui đùa. Các thiên nữ kia tranh nhau hái hoa sen, mỗi mỗi đều dâng lên vị thiên tử mới sinh. Hoặc là tung rải hoa, trải khắp mặt đất. Những người ấy đều sinh tưởng dục, cùng tìm đến gần gũi. Lại có một vị trời đi tới nói lời vui mừng, an ủi: Nhân giả thuở xưa, ở nơi nhân gian, tu hạnh Du Già, phá trừ tham dục, diệt nhân duyên bất tịnh, nay được sinh về đây, thọ lạc thù thắng, được các thiên nữ cung kính, vây quanh. Lúc ấy, vị trời kia liền đảnh lễ nơi chân, hoan hỷ khen ngợi rồi nói kệ:

Lành thay! Nhân giả sinh trời này

Được thọ năm thứ dục thù thắng

Như trăng tròn sáng đẹp trời cao

Nở đóa sen xanh hương tỏa ngát.

Xưa tu các hành thiện rộng lớn

Thân phát ánh sáng tịnh vi diệu

Thường dùng mắt từ nhìn chúng sinh

Nên được người trời đồng tôn quý.

Lại có rừng Chiên-đàn thanh tịnh

Cành lá nương nhau thật đáng yêu

Dây dài trải khắp, rũ bốn phương

 Hoa thơm chen lẫn thảy tươi tốt.

Có các thiên nữ ở trong ấy

Dung nhan trắng sạch rất thanh nhã

Thân hình mềm mại tỏa hương diệu

Đua tài ca múa không nhọc mệt.

Tôi nay được hầu hạ nhân giả

Mắt sáng tâm vui chưa từng có

Đời này ý lạc không luống bỏ

Nào phải duyên nhỏ mà có được.

Trăm ngàn thiên nữ thường vây quanh

Do hành phước trước mà trang nghiêm

Báo thí như thế khó nghĩ bàn

Phải nên dứt hẳn các nghi hoặc.

Vị Thiên tử mới sinh dùng kệ đáp:

Nếu muốn tăng trưởng Tạng công đức

Phải tu thí thanh tịnh rộng lớn

 Quyết định đạt được vui thượng diệu

Nước, lửa, phi nhân không thể hoại.

Hoan lạc thiên giới thật hy hữu

Thọ dụng tùy ý thảy hiện tiền

Những người thông tuệ ở thế gian

Nên phát tâm tịnh hành bố thí!

Các loài hữu tình v.v… phải khéo suy nghĩ, bố thí như thế rồi, thọ báo thù thắng nơi xứ trời, sau sinh vào nẻo người, là trong gia đình vọng tộc, đầy đủ danh xưng lớn, có uy đức lớn, sắc tướng đoan nghiêm, được mọi người vui thích nhìn, thân thuộc đầy đủ, giàu có vô lượng. Ví dù gặp duyên xấu ác cũng không thể phá hoại. Như trong Kinh Tỳ Xá Khư Vương Mẫu Nhân Duyên nói: Lúc ấy, vương nữ kia cùng với quyến thuộc đi ra khỏi cung, đến hoa viên du ngoạn. Sau khi vui chơi rồi thì nghỉ ngơi, liền cởi những vật dụng trang sức nơi thân bằng châu báu quý ra, lấy để vào trong khăn bịt đầu rồi giao cho tỳ nữ của mình. Lại đi đến chỗ Đức Phật, vui nghe chánh pháp. Nghe xong thì trở về cung. Nữ tỳ chợt quên mất những vật dụng mình được giao giữ. Cô vương nữ nghe lấy làm không vui, bèn thưa cho vua cha biết. Người mẹ nói với nhà vua: Vật này nhất định còn. Giả như có người thấy cũng không thể lấy được. Ta ở trong nhiều đời, cho đến thân này, đối với vật của người khác, không sinh khởi một chút ý tham. Nếu như khởi niệm này, ta tất muốn lấy hết thảy tài vật, phần thân của chúng sinh, tôi tức không thể được thấy chư Phật, khiến các hữu tình được quả báo như ý.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan trông thấy vật này rồi bèn lấy cất, sáng hôm sau đi đến hoàng cung dâng nộp cho vua. Vua nói: Vật bị mất kia nhờ Tôn giả trông thấy. Người khác nếu nhặt được tất đã giấu đi. Người mẹ nói với vua: Sao con không tin? Ta đem vật này ném nơi ngả tư đường để kiểm chứng phước lực của mình, xem ai có thể lấy nó? Sau khi đã ném bỏ như thế rồi, những người qua lại, mỗi mỗi đều trông thấy, lấy làm lạ, hoặc cho là bất tịnh, hoặc nói là rắn độc, rồi đều bỏ đi. Vua hãy còn nghi, chờ mẹ ngủ say, tháo lấy chiếc nhẫn của bà ném xuống sông. Bà mẹ thức dậy hỏi: Ai lấy chiếc nhẫn? Vua thưa: Nhờ phước lực giữ gìn, người nào dám lấy? Người mẹ nói: Chờ đấy! Sau nhất định sẽ tìm được. Bỗng một hôm, sai người vào chợ mua một con cá đem về. Lúc mổ bụng cá thì thấy chiếc nhẫn. Mọi người đều kinh lạ. Nhà vua liền tán thán: Lành thay! Mẹ ta, lời nói quyết định như tiếng gầm của sư tử. Về sau, Tôn giả A-nan lại đến chỗ vua. Nhà vua bội phần sinh tin tưởng, bèn nói: Phước lực chân thật như thế, rốt cuộc tôi sẽ vui tu phước nghiệp.

HẾT – QUYỂN 7

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12