KINH PHƯỚC CÁI CHÁNH HẠNH SỞ TẬP
Tác giả: Bồ tát Long Thọ soạn tập.
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa môn Nhật Xưng.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).

 

QUYỂN 6

Bấy giờ, vị thiên tử kia đã vượt khỏi nẻo ác, dùng kệ tán thán Đức Phật rồi, tâm sinh hoan hỷ ví như người khách buôn có được tài lợi lớn. Như người nông dân cày cấy được mùa. Cũng như dũng tướng đánh trận thắng lớn. Như người bị bệnh lâu ngày tức thì lành khỏi. Lúc này, trong chúng hội có một vị A-la-hán biết được nhân duyên đầu cuối của vị thiên tử kia, do đấy nhớ lại vị Bổn sư của mình viên tịch đã lâu, không biết đang ở nơi xứ nào. Khi đó, có một Đàn-việt ở nơi chùa thiết trai dâng cúng. Có một Tỳ-kheo múc nước sạch mới trong phiên hành đường của mình để phục vụ Tăng chúng. Vị A-la-hán kia lấy bát bằng đồng trắng, nhận nước, sắpuống. Đầu ngón tay của ông chạm vào nước hết sức mát mẻ liền tự suy nghĩ: Thầy ta thuở xưa từng làm vị chủ chùa, nhận biết sự việc của đại chúng bỏn sẻn tiếc các vật, tham đắm những vật dụng nuôi sống, thường nguyện thân sau được sinh lại chốn này. Có tội như thế, nếu bị đọa vào địa ngục Biển đồng sôi, muốn uống nước suối ngọt này há có thể được sao?

Suy nghĩ như thế rồi, bèn nhập định quán xét xem Bổn sư của mình. Tìm khắp trong các địa ngục, rồi đến nẻo bàng sinh, ngạ quỷ thảy đều không thấy. Vị này lại suy nghĩ: Há chăng phải xưa kia gieo trồng căn thiện, nay được thành thục, thác sinh vào xứ tốt đẹp. Liền ở nơi các trời thứ lớp quan sát mới thấy thầy mình sinh vào xứ trời Tứ Thiên Vương. Bấy giờ, Tôn giả liền đi đến trụ xứ của thầy mình, thăm hỏi an ủi, rồi nói với ông: Con nghe xứ trời này chỉ tu các thiện, kiên trì tịnh giới mới có thể sinh về. Thầy tích chứa túc trái sao có thể về đây? Vị trời này nói với Tôn giả: Tôi thuở xưa từng làm chủ chùa, ngu si hành ác, không từng phát lồ, lúc sắp mạng chung, chí thành khẩn thiết, duy chỉ Phật Pháp Tăng là chỗ tôi quy y. Do đấy, duyên niệm ân lực của Tam bảo, nương nơi căn thiện ấy đuợc sinh về đây.

Lúc ấy, Tôn giả kia nghe nói như thế rồi, tâm thanh tịnh phấn khích được điều chưa từng có. Tức ở trong đại chúng, hàng nguời trời, bậc hữu học, vô học, ba lần nói: Kỳ lạ thay! Rồi nêu bày đầy đủ sự việc trên. Diệu lực của Phật, Pháp, Tăng, công đức khó nghĩ bàn, có thể tiêu trừ vô lượng thứ khổ cực nơi chốn địa ngục. Có thể nuôi lớn vô lượng căn thiện của hữu tình. Đoạn trừ phiền não, phá bỏ các lưới nghi. Rốt ráo có thể đi đến bờ giác ngộ. Những người có trí phải siêng năng tinh tấn, làm thanh tịnh thân ngữ ý, tu tập bố thí, trì giới, thiền định. Đây tức là có thể báo đáp ân lớn của chư Phật. Nhưng các chúng sinh tánh dục đều khác, phải dần khiến tu tập đủ ba thứ hành này. Hoặc có kẻ vui thích hiện tại được giàu có, thọ dụng năm thứ dục. Đức Thế Tôn theo phương tiện khuyên khiến bố thí. Hoặc có người ưa thích sinh thiên, thọ những diệu lạc thù thắng. Đức Thế Tôn theo phương tiện khiến trì tịnh giới. Hoặc có vị vui thích giải thoát, xuất ly biên vực khổ. Đức Thế Tôn theo phương tiện khiến tu tập thiền định. Do vậy Đức Thế Tôn thuyết giảng ba hành này, gọi là Lọng phước, phải phụng hành đầy đủ.

Ví như hai con quỷ tranh nhau ba món đồ là cái rương, đôi giày và cái chày. Cả hai lời to tiếng lớn cùng tranh cãi với nhau. Nghe nói nơi chốn kia có một Bà-la-môn, người này rất chính trực, có thể phân xử việc ấy. Hai quỷ bèn khiêng ba vật đi đến xứ nọ, chắp tay thưa: Bạch đại Bà-la-môn! Xin ông vì chúng tôi chia đều những vật này. Vị Bà-la-môn nói: Đây là vật nhỏ, sao phải tranh giành với nhau mà từ xa đến đây xin phân định? Hai quỷ nói: Đây chẳng phải là vật nhỏ. Rất khó có được. Ông xem cái rương này, tức có thể biến hiện. Tùy theo ý muốn, đồ vật đều từ trong rương này hiện ra. Còn đôi giày ấy, nếu ai mang vào thì có thể lên trời, thọ hưởng diệu lạc. Còn cái chày kia thì có thể đánh dẹp hết thảy oán địch đều khiến phải lui tan. Vị Bà-la-môn nghe nói như thế rồi, liền bảo chúng lui ra đứng một bên, ông nói: Ta nay sẽ vì các ngươi, suy nghĩ một chút, rồi phân chia ba món đồ này đều được bằng nhau. Vị Bà-la-môn kia nói xong liền vội vàng mang giày, rồi lấy cái chày và cái rương, cỡi hư không bay đi. Hai con quỷ thấy thế, hối hận là đã cho kẻ kia biết được giá trị của ba món đồ ấy nên bị ông ta chiếm hữu.

Ở trong dụ này nên khéo phân biệt. Bố thí như cái rương, vì được như ý. Trì giới như đôi giày, vì có thể sinh thiên. Thiền định như cái chày, vì hàng phục chúng ma. Đây gọi là Đức Thế Tôn nói về thí, giới, định, là phương tiện để thâu nhận chánh hạnh của Lọng phước.

Trong phần ấy lại nói rõ về ba loại hành ác: Đó là bỏn sẻn, phá giới và tán loạn, khiến sinh khởi các tội lỗi, tức là gốc của sự luân hồi trong nẻo ác, có thể hủy hoại công đức của bố thí, trì giới và thiền định. Cho nên Đức Thế Tôn dùng vô số cách hiển thị lỗi lầm của bỏn sẻn, cũng như cấu uế làm vấy bẩn hữu tình, chiêu cảm những điều không như ý. Như thế, người bỏn sẻn tuy tích chứa tiền của vật báu, nhưng không thể xả thí, giống như loài diều hâu, chim cú đậu giữa rừng hoa sen. Đối với cha mẹ không hay cung cấp, thân thuộc tụ họp thì lẫn tránh mà đi. Không tin lời hay tốt, không vui nghe kinh pháp. Ỷ mình giàu có, không hài lòng với vinh hoa của người khác. Cũng như voi say tánh khó điều phục. Cũng như rắn độc không ai muốn thấy. Người thiện thấy rồi thảy đều lánh xa. Đối với nghiệp phước thù thắng không thích tùy hỷ. Thấy người đến nhờ vả tâm tức bực bội. Như ở giếng khô mà mong cầu tìm nước. Lời nói thốt ra người không muốn nghe. Theo chỗ đi đến không có người cùng trò chuyện. Ở trong đại chúng thì như người ngu si. Qua ngả tư đường giống như thây chết. Người ngu si kia, tuy ở thế gian nhưng không thể xa lìa các lỗi xấu ác, không thể hộ trì các công đức thiện, không thể nuôi lớn các chủng tử thiện. Người bỏn sẻn như thế tạo tác nhân bần cùng. Hiện tại tuy giàu có mà không thể thọ dụng. Người hạ mình đến cầu xin cũng không thể thi ân một chút. Nên biết người này như rừng Thi Đà, các người ở thế gian không ai thích nương dựa. Nhân duyên bỏn sẻn này như trong Kinh Đại Danh Trưởng Giả đã nói rõ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn trụ trong khu vườn rừng Kỳ Đà – Cấp Cô Độc thuộc thành Xá Vệ. Lúc này, trong thành kia có vị đại trưởng giả tên là Đại Danh, rất giàu có nhưng không có con, bỗng nhiên mạng chung. Khi ấy, đại vương Thắng Quân, chủ nước Kiều-tát-la nghe sự việc này rồi, vội đến nhà ông trưởng giả kia, bụi đất bám đầy mình. Đến rồi tức thì thu hết thảy kho tàng và các tài vật, tất cả đều giao cho các quan trông coi. Việc xong thì quay xa giá, đi đến chỗ Đức Thế Tôn, đầu mặt lễ nơi chân Phật, rồi lui ra ngồi qua một bên. Đức Phật hỏi: Này đại vương! Vì cớ gì mà vội vàng, bụi đất bám đầy mình, đến đây? Nhà vua đem sự việc vừa rồi thuật lại đầy đủ cho Đức Thế Tôn. Đức Phật nói: Này đại vương! Vị đại trưởng giả kia của cải giàu có ước tính là bao nhiêu? Nhà vua thưa: Nhà ông ta rất giàu, có nhiều tài sản, vàng bạc, châu báu, kho lẫm các vật, mỗi mỗi thứ đều có vô lượng trăm ngàn câu-chi. Giàu có như thế, không người sánh kịp, thế nhưng ông ta chỉ thọ dụng loại gạo thô to để nấu ăn. Áo quần để mặc thì rách nát, cũ xấu. Đi ra ngoài thì dùng xe cũ kỹ, kết lá làm lọng. Vào lúc muốn ăn thì trước tiên đóng cửa lại. Mỗi ngày tuy có ăn uống nhưng chưa từng no đủ. Nếu như có Sa-môn cùng Bà-lamôn, những người xin ăn, những kẻ đường xa lỡ bước, các người làm nghề…, những người như thế đến xin thức ăn uống thì không có ai từng được hứa cho chút ít.

Lúc đó, đại vương Thắng Quân lại thưa với Phật: Bạch Thế Tôn! Xin vì con giảng nói về trưởng giả Đại Danh, về quả báo do lỗi lầm bỏn sẻn đã chiêu cảm, khiến người nghe đều được khai ngộ. Đức Phật nói: Này đại vương! Vị trưởng giả như thế tuy là cự phú, nhưng không phụng dưỡng cha mẹ, tự mình cũng không thể thọ dụng. Đối với phước điền thù thắng không vui thí. Bạn bè quyến thuộc chưa nghe ai được một chút ân giúp nào. Kẻ tôi tớ, người giúp việc cùng dân chúng thảy đều lìa bỏ. Nên biết người này, tuy sống trong sự giàu có, nhưng do tâm keo kiệt nên không cùng thuận hợp. Như ở nơi chốn bất tịnh mà sinh ra hoa sen. Nhưng trong vùng vườn rừng tốt đẹp có con cọp dữ ngồi chờ mồi. Như trong thức ăn ngon quý bỏ thuốc độc vào đấy. Như ngọc báu Ma-ni sinh ra nơi núi cao chót vót. Như trái chín ngon ngọt trồng trên sườn núi cao. Như mặt đất sạch sẽ đem phẩn uế bôi trét lên. Như uống thuốc độc mà muốn kéo dài thọ mạng. Như kẻ dâm nữ tự xưng phạm hạnh. Như kẻ nhiều sân hận lại muốn mọi người yêu kính. Như người giảng giải xằng bậy xưng là khéo luận nghị. Nói năng như đứa trẻ ngu si không có chuẩn mực. Phi pháp nói là pháp, bất thiện nói là thiện, tức nhận lấy vô số sự chê trách của thế gian. Ở đây chỉ giữ lấy tài sản, uổng danh là giàu lớn, tuy có của báu mà không tạo lợi ích cho ai, trọn ngày khổ nhọc như kẻ không tiền bạc. Nhiều người thấy rồi đều cho là không tốt. Thân thích bạn bè trông thấy không ai thèm thăm hỏi. Người keo kiệt như thế mọi người đều ghét bỏ. Như bầy nhạn kia không đậu nơi rừng lạnh. Do tài sản kia tự tạo trói buộc. Không biết mạng sống như thác đổ từ núi cao. Không nhớ nghĩ vô thường là nỗi sợ hãi lớn sắp đến. Trong khoảnh khắc một sát-na mạng sống mất đi. Nên biết giàu có cũng không trụ lâu, giống như tai voi, không tạm ngừng nghỉ. Ở nơi sư thuyết pháp không thể hạ mình thưa hỏi. Nghe khen ngợi hành thí tâm không tin vui. Thấy người đến giáo hóa dẫn dắt thì chạy trốn, tránh xa. Nếu như có kẻ được gặp thì quay lại chửi mắng. Kẻ ngu như thế tuy nhiều tiền của, như những thứ người ta có được trong mộng không khác. Keo kiệt bỏn sẻn cho đến chôn giấu trong đất, giả như gặp bệnh khổ cũng không cầu thuốc hay. Nghe mời thầy thuốc tâm sinh ưu phiền. Do đấy bệnh càng thêm nặng, cuối cùng mạng chung. Người nghe kẻ kia mất không ai là không hả dạ. Tất cả thân phần vỡ nát khó dám đến gần. Lửa dữ thiêu đốt, khói tanh bốc lên, phút chốc thành đống tro tàn, mặc cho gió thổi bay đi khắp. Nên biết người này nhất định bị đọa vào đường ác. Ở trong địa ngục chịu vô số khổ. Ra khỏi địa ngục sinh vào ngạ quỷ, hình dạng dài lớn, thân thể trần truồng, đen gầy thường bị lửa dữ thiêu đốt, mọi chi phần đều cháy bỏng. Hai mắt sâu như hố, bụng cực to, cổ họng thì nhỏ như cây kim. Trải qua một kiếp dài không được ăn uống, da xương liền sát, không thể tự nhẫn chịu, thường ăn phân dơ để tự nuôi mạng, môi mép cấu bẩn, không sinh ghét bỏ. Nếu thấy đờm dãi cùng nhau tranh cướp. Hoặc được chút phần phải chịu nhiều kinh sợ. Hoặc lại sinh ra nơi chốn đồng hoang xa xôi, hoặc nơi biển cạn. Ở chỗ ấy không nghe đến tên nước. Thân thể cao lớn, giống như ngọn núi, bị gió mạnh thổi, lay động phát ra tiếng. Lại bị chim chóc bay đến đậu nghỉ, hoặc mổ hoặc bấu lấy, nhận đủ các thứ khổ não. Từ đây được thoát ra, sinh vào các loài quỷ khác, đó là Dạ-xoa, La-sát-sa, Tất-xá-già, Bộ-đa, Củ-bạn-noa, Bố-đơn-na, Yết-trá-bố-đơn-na, Tắc-kiến-na, Ốt-ma-na v.v… Nếu như được làm người thì thân hình rất xấu xí, da dẻ đen đúa, thô nhám, dạng mạo như hun khói. Các căn đóng kín, mắt không thấy rõ, nghèo cùng, đói khát, xin ăn để tự sống. Thường cầm gạch đá, tự đập vào ngực mình. Có được thức ăn dơ thừa bỏ đi, hoặc đã sinh giòi, bèn cho là đủ. Thường bị gió mưa, nóng lạnh bức bách. Bị các loài côn trùng, ruồi muỗi cắn chích, vĩnh viễn mất hết mọi thứ an lành vui vẻ. Những quả báo xấu ác như thế thật đáng ghê sợ. Hành nghiệp tham lam bỏn sẻn này lại như Kinh Tôn Giả Sở Vấn nói.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn trụ trong vườn trúc Ca-lan-đà thuộc thành Vương Xá. Lúc ấy, trong thành kia có con của một vị trưởng giả thường đến chỗ Đức Phật, vui thích nghe pháp, phát tín tâm thanh tịnh, muốn cầu xuất gia. Liền thưa với mẹ: Xin mẹ cho con, ở trong pháp Phật, xuất gia học đạo. Người mẹ nói: Nay mẹ chỉ có một mình con. Đợi sau khi mẹ qua đời rồi, lúc ấy con sẽ theo ý mình. Người con nghe theo lời dạy của mẹ, gắng sức kinh doanh, của cải vật dụng kiếm được thảy đều dâng mẹ: Xin mẹ lấy tiền của này tùy ý tiêu dùng, nếu có dư thì tạo các nghiệp phước. Người mẹ có được tiền bạc rồi, không chịu bố thí, chỉ lo chứa nhóm cho nhiều, đem chôn giấu dưới đất. Nếu có Sa-môn đi đến khất thực thì vung tay trách mắng, bảo là quỷ đến. Người con nghe biết sự việc thì không vui: Mẹ ta do đâu đối với chút ít thức ăn uống mà không thể bố thí! Lại tìm cách khuyến dụ. Người mẹ nói dối là đã cho rồi. Không lâu sau, người mẹ mạng chung. Lúc ấy, người con của vị trưởng giả hành tác bố thí rộng lớn để cầu phước báo cho mẹ. Sau đấy thì từ bỏ nhà cửa xuất gia. Đã vào pháp rồi thì càng siêng năng tinh tấn, vui nghe chánh pháp, như lý tư duy, thành tựu căn lực, thông đạt hành hữu vi, tỏ ngộ pháp sinh diệt, dứt các thứ luân hồi, vượt qua năm nẻo, phá vỡ vỏ bọc vô minh, lìa tham nơi ba cõi. Xem vàng bạc châu báu cũng như gạch ngói, xoa cắt nơi thân, không sinh yêu giận, tâm luôn bình đẳng giống như hư không. Quyết định vĩnh viễn đoạn trừ hết thảy phiền não, hiện tiền chứng đắc quả A-la-hán. Thiên vương Đại Phạm, Đế Thích, chư thiên thảy đều tôn trọng, cúng dường tán thán. Bấy giờ, Tôn giả ở trong một thảo am bên bờ sông Hằng, tu tập thiền định. Chợt có một con quỷ, hiện ra đứng trước mặt, lõa hình, đen xấu, như gốc cây cháy trụi, đầu tóc rối bù, bụng to, cổ nhỏ, nơi các phần thân đều bốc cháy, phát ra tiếng kêu khóc thảm thiết. Tôn giả hỏi: Ngươi là ai? Quỷ thưa: Tôi là mẹ ngài. Từ khi mạng chung đến nay trải qua hai mươi lăm năm bị đọa trong loài ngạ quỷ, chịu đói khát vô cùng, không hề nghe biết đến ăn uống cùng tên gọi của nước. Nếu như thấy sông lớn thì bỗng nhiên khô cạn, xa trông thấy rừng cây trái đến nơi thì không có. Cho đến trong sát-na cũng không có một chút vui vẻ. Rất mong Tôn giả cứu giúp cho tôi. Xin nương nơi chốn này, cầu chút ít nước uống. Tôn giả nghe rồi thì buồn khóc, than nghĩ: Sinh tiền không tạo phước, chết bị đọa vào nẻo ác. Phải phát tâm chí thành, sám hối tội lỗi trước. Quỷ nói: Tôi bị phiền não bỏn sẻn che lấp tâm tư, đối với các phước điền chưa từng thí xả chút ít. Những thứ của cải vật dụng đã có trước đây thảy đều ở nơi nhà cũ, đào đất chôn giấu. Xin Tôn giả hãy vì tôi mau chóng lấy những vật này, tạo hội đại thí dâng cơm cúng dường Sa-môn và Bà-la-môn, bố thí cho kẻ bần cùng, cúng dường chư Phật và chúng Hiền Thánh, xưng gọi tên tôi, phát lồ sám hối, nguyện cho thân tôi sớm thoát khỏi khổ này. Tôn giả nói: Nếu có thể như thế thì phải nghiêm khắc trách mắng, hối hận về những lỗi lầm, tội sẽ được tiêu diệt. Quỷ thưa: Tôi do thân trước không hổ, không thẹn, nên chiêu cảm thân thể lõa lồ này, không kham dừng ở nơi đây. Tôn giả nói: Nếu đã tạo ác rồi, tâm không hối tiếc, thì nghiệp kia quyết định. Nếu có thể phát lồ thì tội không tăng trưởng. Nay đã phát tâm, có thể được trụ ở đây. Lúc ấy, Tôn giả mời thân thuộc của mẹ mình trở lại ngôi nhà cũ, đào lấy các thứ của cải vật dụng, như lời quỷ kia thỉnh cầu, vì quỷ tổ chức hội bố thí. Dùng các món ăn ngon quý cúng dường Tam bảo và các Bà-la-môn, những người xin ăn đều thí cho đầy đủ. Khi đó, mẹ của Tôn giả đứng một bên thấy vô số người tụ hội đông đúc, tức hổ thẹn vì hình dáng xấu xí của mình, rơi lệ kêu khóc, chỉ cầu xin Đức Thế Tôn thương xót cứu độ. Tôn giả thì năm vóc sát đất, lớn tiếng vì mẹ mình gọi tên họ của bà, nguyện nương nhờ việc thiện này sớm được giải thoát. Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng diệu lực của phương tiện, hiện uy thần gia trì, vì bà thuyết pháp và chúng hội kia có trăm ngàn chúng sinh nghe pháp thì tỏ ngộ, đạt được những hiểu biết chân thật. Quỷ được lìa khổ, liền mạng chung. Tôn giả sau đấy lại nhập định xem xét thấy quỷ kia sinh lại trong loài quỷ có tài sản. Liền đi đến chỗ của quỷ, vì quỷ ấy giảng nói về nhân xưa khiến phát tâm, khuyên hành hạnh bố thí. Nay phải tu phước, sớm cầu xuất ly. Quỷ nghe lời khuyến hóa rồi, suy nghĩ giây lát và thưa: Bạch Tôn giả! Tôi không thể bố thí! Tôn giả nghe thế bèn than trách: Ngươi thật là ngu si, tập khí bỏn sẻn vẫn còn. Không biết hắc nghiệp lần lượt vây quanh, nẻo quỷ rất hung hiểm, sao không chán sợ? Dùng đủ mọi cách khẩn thiết răn trách, kế đến dỗ dành, khuyến hóa được hai tấm vải trắng. Tôn giả nhận rồi, đem đến bố thí cho chúng Tăng. Chưa kịp đổi trao, mới khiến một vị Tỳ-kheo thu lấy cất giữ. Quỷ vẫn còn bỏn sẻn tham tiếc, tâm không muốn thí xả nên ngay đêm đó lén đến lấy đi. Vì Tỳ-kheo sau khi phát hiện mất hai tấm vải mới đến bạch Tôn giả. Tôn giả suy nghĩ: Đây chẳng phải người nào khác, ta sẽ đến lấy. Đã đến chỗ của quỷ rồi, quả nhiên lấy được tấm vải. Quỷ lại lén cắp ba lần như thế. Tôn giả cũng ba lần thu hồi lại như trước. Vị Tỳ-kheo thu giữ vải tâm cũng sinh phiền não, bèn chia nhỏ ra, đem phân phát cho chúng Tăng. Mỗi vị đều đã thọ nhận rồi, hoặc dùng để vá y. Quỷ kia lại đến, trộm lấy y đem đi.

Đức Phật dạy: Nên biết tâm tham lam bỏn sẻn là lỗi lầm lớn. Do sự trói buộc của tâm này, nên vĩnh viễn bị đọa vào nẻo ác. Cho nên Ta nay theo phương tiện chỉ rõ, khiến các hữu tình đoạn trừ cấu uế bỏn sẻn, vui tu hành nghiệp bố thí thanh tịnh rộng lớn. Đấy gọi là chánh hạnh của Lọng phước bố thí thâu nhận.

HẾT – QUYỂN 6

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12