KINH PHƯỚC CÁI CHÁNH HẠNH SỞ TẬP
Tác giả: Bồ tát Long Thọ soạn tập.
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa môn Nhật Xưng.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).

 

QUYỂN 3

Bấy giờ, Thiên chủ Đế Thích bạch Phật: Thế Tôn! Kính xin Phật cứ an trụ trong thành Vương Xá này, con sẽ cung cấp các thức ăn uống, y phục, ngọa cụ, thuốc men v.v… không để thiếu thốn thứ gì.

Phật nói: Này Thiên chủ! Hãy dừng sự việc ấy lại. Có nhiều dân chúng dùng tâm thanh tịnh đều muốn đối với Ta hưng khởi nghiệp phước.

Đế Thích lại bạch Phật: Chỉ mong ở nơi đây an cư năm hạ xin thọ nhận sự cúng dường của con. Nói lời này xong, Đức Phật lại bảo là nên dừng.

Đế Thích lại thưa: Con nay thỉnh Phật xin được cúng dường trong năm ngày. Rất mong Như Lai đại từ nhận lời thỉnh cầu chí thành của con.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thương xót Thiên chủ, vì phước lực hiện tại tức khiến ở đời vị lai, nhân thiện được tương tục, nên đã im lặng chấp thuận, Đế Thích biết Đức Phật đã nhận lời thỉnh cầu, tâm vô cùng hoan hỷ, liền trở về thiên cung, triệu tập các thiên tử là những thợ trời khéo léo nhanh nhẹn, rồi nói với họ: Các khanh nên biết! Ta nay muốn ở nơi vườn trúc Ca-lan-đà thuộc thành Vương Xá, kiến lập đại Tinh xá, lo liệu, sắp đặt chu đáo tứ sự để cúng dường Đức Như Lai và các đệ tử. Các ngươi nên chọn lấy các thứ vật báu như ngọc Ma-ni loại tốt nhất, vàng bạc, lưu ly, san hô, pha lê, đế thanh v.v… đi đến vườn trúc kia, xây dựng cung điện rộng lớn, thanh tịnh đặc biệt. Phải giống như trong cõi trời không có khác biệt. Lúc ấy, các thiên tử đều tận lực, hiển bày sự thiện xảo cùng xây dựng cung điện. Mái hiên, cột kèo, cửa ngỏ, lan can, thềm bậc thảy đều dùng các báu trang nghiêm xen lẫn, như ánh sáng của ngàn mặt trời cùng soi chiếu lẫn nhau. Lại dùng các hình chim bằng ngọc báu lạ đẹp, các vòng hoa cài tóc bằng chân châu được chạm trổ công phu, bày biện đan xen khắp. Rồi đốt các thứ hương quý, rải các loại hoa thắnbg diệu, hòa quyện xông tỏa ngào ngạt mọi nơi chốn. Lại tạo nên những lầu gác hai lớp cửa, cao sừng sững oai nghiêm, cũng dùng trăm thứ báu để trang trí, các ngọc Ma-ni dùng làm cửa. Các trụ báu, mỗi mỗi đều dùng các thứ báu như kim cương v.v… hợp thành. Vô số các gương báu, sáng sạch, không chút tì vết, được treo trong hư không như trăm ngàn mặt trăng. Lại dùng vàng nung chảy tạo thành giường ba chân. Y phục cõi trời thù diệu dùng để phủ lên trên. Lại chạm khắc thành những thiên nữ đẹp, dung mạo thanh nhã, như có thể đang tới lui qua lại, tay cầm hoa sen dùng để dâng cúng. Dùng báu pha lê lát khắp mặt đất. Lại có hồ ao xinh xắn liền nhau, hoa sen đủ loại nở rộ, vàng ròng lành cánh, báu lục làm thân. Vô số thiên nữ an trụ bên trong, biểu diễn các loại kỹ nhạc để cúng dường. Cây cột cờ hiện rõ trên cao, treo đủ các thứ cờ phướn thêu vẽ, như thể xoay quanh không trung, xa gần đều thấy. Lại có các lực sĩ trông giữ cửa ngỏ, cầm gậy bằng châu báu xanh, đứng xếp hàng hai bên. Xứ xứ đều trồng nhiều loại hoa như hoa Mạn-đà-la, hoa Long tự tại v.v…, hương thơm tỏa ngát, rực rỡ khắp mặt đất, cánh hoa xanh biếc lấp lánh, luôn luôn hòa quyện với gió thơm. Có các vị thiên tử, hình thể tươi sáng, diện mạo vui vẻ thư thái dạo chơi nghỉ ngơi bên dưới. Lại có các thiên nữ đẹp đẽ không gì sánh, bước đi thong thả, những vòng ngọc đeo nơi thân khua vang, âm thanh hòa nhã. Các Dượcxoa nữ vui đùa dạo chơi trong rừng, mắt nhìn khắp bốn hướng. Có các voi quý bước chậm chạp trong rừng, giơ vòi cắn cành cây, thay nhau vui đùa. Các loại chim bay, lông năm màu, vỗ cánh tự nhiên, miệng mổ nhụy hoa. Lại dùng những lồng bằng vàng nhốt các chim Anh vũ xinh xắn, tiếng hót của chúng trong trẻo, vui tai. Lưỡi của chúng mỏng như lưỡi gà trong ống tiêu. Lại có nguồn sông trong mát đáng yêu thích. Suối chảy nước tung tóe khiến loài ếch nhái kinh sợ lánh xa. Lại có ao hồ trong sạch rộng lớn, bảy báu xen lẫn bên bờ dùng làm thềm bậc lên xuống. Nước trong hồ đầy tràn, trong lắng, không chút cáu bẩn. Hoa Ưu-bát-la, hoa Cô-mâuna, trồng dọc hai bên bờ hồ đang hồi nở rộ, màu sắc chen lẫn. Các loài chim phỉ thủy, chim tử uyên ương bay lượn rồi đậu trong hồ. Những chú cá đùa giỡn, qua lại tung tăng bơi lặn, nhảy vọt lên, lật mình trên sóng. Những chú chim âu, cò trắng, hoảng sợ bay lên. Lại có chim bói cá, chim hạc, chim le, chim nhạn cất tiếng hót véo von, mọi người đều thích nghe. Bốn mặt bờ hồ đều có cây Kiếpba, cành mềm mại đung đưa trên mặt nước, tạo ra những luồng gió mát mẻ. Các hoa trồng thành từng đám rậm rạp. Những bụi dây hoa dài nhuần thấm trải khắp, cành lá um tùm, hương thơm lan xa. Có những bầy ong bay dạo, tranh nhau hút nhụy, phát ra những tiếng kêu nho nhỏ giống như tiếng ca ngâm. Lại có sông vàng bao bọc vòng quanh, tuôn chảy vào khu vườn, quanh co, nối liền không dứt. Bấy giờ, dân chúng thay nhau kêu gọi người thân, bạn bè cùng đến xem. Có các tộc họ quyền quý, giàu có, ung dung cùng kẻ tùy tùng cầm lọng trướng, diễn bày các thứ kỹ nhạc, đủ các món ngon vật lạ, dạo chơi, xem khắp, tâm không nhàm chán. Mặt đất mềm mại như bông Đâu-la. Lớp lớp nối nhau qua lại, chân không mỏi mệt. Vườn rừng rộng lớn thù thắng, hồ ao thanh tịnh như thế, chỉ trừ ở cõi trời, ngoài ra không đâu sánh bằng.

Lúc này các thiên tử là những thợ trời thiện xảo đã làm xong công việc, bèn đi đến thiên cung thưa cùng Đế Thích. Vua trời sau khi nghe bẩm tấu xong, tâm rất vui vẻ, được điều chưa từng có, liền dẫn vô lượng trăm ngàn thiên tử, trước sau vây quanh, tấu các thứ kỹ nhạc, thổi tiêu, sáo, đánh đàn không hầu, đàn cầm, đàn sắt, cùng lúc hợp diễn, từ nơi không trung đi xuống. Khi ấy, vị Thiên chủ kia, thân phát ra ánh sáng, chiếu khắp các núi sông, thảy đều sáng rỡ. Đầu đội mũ Ma-ni, các báu tô điểm lấp lánh, ánh sáng rực rỡ như mặt trời cực sáng. Diện mạo đoan nghiêm, trán rộng bằng thẳng, mắt tròn xanh biếc, mũi dài cao thẳng, hai má tươi mịn, hồng thắm không gì sánh bằng. Tai đeo vòng báu, cổ choàng chuỗi Anh lạc, nhẫn xuyến đều làm bằng ngọc báu lần lượt hiện sắc như ngọc kha, mặt trăng. Hình nghi đĩnh đạc, luôn như tuổi thạnh niên. Dài ngắn sung mãn, mỗi mỗi xứng hợp. Dùng hương Công-cô-ma và hương Đa-ma-la-bạt-chiên-đàn xoa lên thân, uyển chuyển mượt mà. Ngón tay thon dài, tròn trịa. Móng tay như lá đồng. Phát ra ngôn từ xảo diệu, trong trẻo vang xa, như tiếng của chim Ca-lăng, người nghe không chán. Lại dùng loại chăn da mịn bậc nhất, lấy vàng nghiền nhỏ tô điểm lên trên, dùng đấy làm y phục, lấy các loại ngọc khac lạ làm dây thắt lưng, đủ thứ châu báu đan xen tạo thành một chốn hội tụ ánh sáng. Lại dùng các loại hoa tươi cõi trời để trang nghiêm thân, quấn quanh rủ xuống. Bước đi bằng thẳng giống như tượng vương, tiến dừng ung dung, không cần người phụ trợ. Dân chúng đều cùng chiêm ngưỡng, cung kính. Kẻ ôm giữ sân hận liền sinh tâm hoan hỷ. Kẻ khởi tâm oán ghét liền phát sinh tâm từ bi. Người ưa thích ngủ nghỉ liền đạt được tỉnh táo. Lúc đó, Thiên chủ đi đến vườn trúc kia rồi, xem xét khắp công trình đã hoàn thành, thảy đều như ý, hết sức đẹp dạ, bèn đổi tên gọi cũ Ca-lan-đà thành tên vườn Hoan Hỷ. Kế đến, dùng những tấm thảm nhiều màu thuộc loại thượng diệu, phủ khắp mặt đất. Rồi lấy vàng bạc, chân châu, Ma-ni, đế thanh, lưu ly, báu Mạt-la-ca làm thành pháp tòa cao rộng, cung thỉnh Đức Phật, Thế Tôn an tọa trên ấy. Các loại châu báu làm ghế, để đỡ đôi chân. Dùng chỉ thêu và tơ lụa năm màu nối kết nơi các chỗ ngồi, rồi mời các vị Tỳ-kheo, cũng đều đến an tọa. Thiên chủ Đế Thích chắp tay cung kính tôn trọng tán thán, đảnh lễ nơi chân Phật, bày tiệc gồm đủ món ngon vật lạ nơi cõi trời. Đức Như Lai đưa cánh tay kim sắc như vòi của Tượng vương thọ nhận vật dụng cúng dường. Ăn xong, đặt bát, rửa ráy, súc miệng, an trụ theo uy nghi, tĩnh lặng thanh tịnh. Thiên chủ cùng các quyến thuộc sinh tâm hy hữu, vui muốn nghe pháp, tự ở nơi tòa thấp, chuyên chú chỉnh tề.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng phương tiện lớn, vì đại chúng giảng nói pháp yếu, tán thán các hành như bố thí v.v…, chỉ dạy tạo lợi ích an vui, khiến sinh tâm tín giải.

Thiên chủ Đế Thích cúng dường như thế trải qua bốn ngày. Lúc ấy, vua A-xà-thế, nghe biết sự việc này bèn lên lầu cao nhất trong cung, nhìn xuống xem xét kỹ, trông thấy Đức Phật Thế Tôn và các đệ tử ở trong vườn Trúc Lâm, tịch tĩnh an ổn, trang nghiêm bày lễ cúng dường, hành Phật sự lớn. Quốc vương tức thì tâm sinh tỉnh ngộ, hối lỗi tự trách: Ta thật quá ngu si, vô trí, tạo tội cực nặng như núi Tu Di. Nay Đức Phật Thế Tôn, xuất hiện ở đời, đầy đủ công đức thanh tịnh rộng lớn mà ta không thể tín nhận được sự chỉ dạy. Do nghiệp duyên này, tất bị đọa vào xứ khổ. Các vị thiên tử kia, hãy còn xả bỏ dục lạc thượng diệu nơi cõi trời, đi đến chỗ Đức Phật. Còn ta v.v… vì sao không hưng khởi thiện lợi? Tự nhủ như thế rồi, liền sắp đặt xa giá, đi đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lễ nơi chân Phật, tâm ôm giữ ưu não rơi lệ khóc than, ăn năn lỗi trước. Khi đó, các cư sĩ nam nữ trong thành Vương Xá đều lớn tiếng xướng lên: Lành thay quốc vương! Ở trong pháp Phật đã đạt được giác ngộ lớn. Chúng tôi hôm nay cũng đồng đạt được lợi ích tốt đẹp. Bấy giờ, quốc vương bèn gióng chuông, ban lệnh, triệu tập hết thảy các đại thần, dân chúng và các quyến thuộc rồi nói với mọi người: Đức Phật xuất thế, chúng ta khó được gặp gỡ. Nay đã được trông thấy, phải nên phát tâm thanh tịnh, cung kính cúng dường, vui nghe chánh pháp. Liền dùng đèn sáng, hoa hương thượng diệu, hương xoa, hương bột cùng các thứ tràng hoa, châu báu, y phục, các loại vật dụng trang nghiêm để cúng dường. Hành tác sự việc này rồi, tâm hoan hỷ hết mực. Bấy giờ, Đức Như Lai dùng Phạm âm, vì chúng hội lúc ấy, khai thị diễn nói pháp Tứ Thánh Đế gồm Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Vô số chúng người trời, nghe pháp lãnh hội, đạt được nhận thức chân thật. Lúc ấy, Đức Phật Thế Tôn hỏi các vị Tỳ-kheo: Các ông có thấy chư thiên, dân chúng, nay ở trước Ta, đã thiết lễ cúng dường rộng lớn chăng? Các vị Tỳkheo chắp tay đưa lên đảnh đầu, tán thán điều chưa từng có: Vâng, chúng con đều đã thấy. Phật nói: Ở trong pháp của Ta, nếu người tâm tịnh, đối với phước nghiệp của kẻ khác, sinh lòng tùy hỷ, nên biết người này được niềm tin bất hoại, gồm đủ mắt trí thanh tịnh.

Này các Tỳ-kheo! Ta nhớ lại trong vô lượng đời ở quá khứ, có Đức Phật xuất thế tên là Bảo Sơn, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, trụ thế thuyết pháp, đem lại lợi lạc cho chúng sinh. Thời ấy có vị quốc vương thỉnh Đức Như Lai kia cùng các đệ tử, trải qua ba tháng Hạ ở trong vương cung, dùng các loại thức ăn uống, y phục, cung kính cúng dường. Từ đấy về sau, dân chúng của vương quốc kia đều đi đến chỗ Phật, thỉnh Phật trong năm năm, bày biện các sự cúng dường, hết thảy những vật cần thiết không gì là không đầy đủ. Này các thầy Tỳ-kheo! Ý các ông thế nào? Vị quốc vương cúng dường Đức Phật thuở xưa kia, nay chính là thân Ta. Do nhân trồng từ trước, nay mới thành thục, nên được các chúng trời, người rộng khởi sự cúng dường. Nhân xưa, quả nay, không mảy may sai khác. Do nhân chiêu cảm quả, quả giống như nhân. Ở nơi đây có hiểu biết chân chánh trừ các lưới nghi, quả báo của nghiệp thiện ác nhất định không hư dối, cũng như dòng thác thế mạnh của nó không thể ngăn cản. Tức nghiệp lực kia đều chiêu cảm quả báo nọ. Địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới cùng các uẩn, xứ v.v… tự tạo nhân phước tất thọ quả vui. Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Trải qua trăm ngàn kiếp

Nghiệp kia không thể hoại

Lúc nhân duyên hòa hợp

Quyết định thọ quả báo.

Này các Tỳ-kheo! Đấy gọi chánh hạnh của Lọng Phước, các ông phải thọ trì, siêng tu thí, giới và các thiền định. Thọ dụng Lọng Phước tức được xa lìa mọi thứ ưu não.

Ở đây, lược nêu rõ về nghĩa những điều Đức Phật đã nói ở trước: Phần đầu tiên của kinh, hành tướng duyên khởi kết tập các kinh là nêu lên câu: Như thị ngã văn. Do đâu mà gọi là Như thị? Là như Đức Phật đã giảng nói không có dị biệt. Vì nghĩa gì gọi là Ngã? Là chỉ rõ về thân hiện tại tức thuận theo thế tục. Nghĩa gì là Văn? Đó là từ tai phát khởi nhận thức, hiện tiền hiểu biết rõ hoặc văn hoặc nghĩa, lìa các lỗi đảo lộn thêm bớt. Kết tập trước hết là Kinh Phạm Võng. Lúc ấy, chúng tập họp, gồm các vị Đại A-la-hán, số lượng có bốn trăm chín mươi chín người, chỉ trừ Tôn giả A-nan riêng còn ở địa hữu học, và hết thảy chúng trời, rồng, quỷ thần khác, mới nghe xướng lời: Tôi nghe như vầy, đều cất tiếng buồn khóc, không thể tự kìm chế. Chúng ta nơi thuở trước, tự thân trông thấy Đức Như Lai đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, dùng Phạm âm vì đại chúng diễn thuyết. Vì sao hôm nay lại gọi là Tôi nghe. Nên biết là vô thường, sức mạnh ấy là không thể thoát. Lúc này chúng hội kia đều được giác ngộ, lìa cấu uế của ba độc, an trụ vào chánh niệm, nhận giữ không quên. Vì nghĩa gì gọi là Một? Đó là phần đầu của số. Là một đời Thánh, một pháp xuất ly, một xứ du hóa dừng trụ, một phạm hạnh thanh tịnh, một âm thanh giải thoát, thảy đều đồng nhau. Vì nghĩa gì gọi là Thời? Vì dựa nơi thế tục để lập. Việc giảng nói kinh đã xong, đại chúng hoan hỷ, gọi là Một thời.

Đức Như Lai thuyết pháp như mặt trời soi chiếu thế gian, xua tan bóng tối nơi ba cõi, khiến xuất ly khỏi các thứ ma, các ngoại đạo, hủy báng chánh pháp. Nay Đức Phật hiển hiện pháp thâm diệu hy hữu, khó được, khiến chúng hàng phục. Vì nghĩa gì gọi là Bạc Già Phạm? Vì đầy đủ danh văn thù thắng, rộng lớn nơi thế gian, xuất thế gian, không ai sánh bằng, rốt ráo vượt khỏi vòng luân hồi nơi các cõi, nẻo, xứng đáng thọ nhận sự cúng dường tốt đẹp của hàng trời, người. Vì sao gọi là thành Xá Vệ? Vì xứ này vốn phong phú những sản vật tốt và những bậc trí có văn có hạnh, những nam nữ cư sĩ tịnh tín, những trưởng già giàu có, thọ dụng thù thắng. Vì nghĩa gì gọi là ở tại? Vì du hóa, nương dựa, lìa các thứ lo nghĩ về tạo sựng, hoặc gần, hoặc xa, tùy ý đi đến.

HẾT – QUYỂN 3

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12