KINH PHƯỚC CÁI CHÁNH HẠNH SỞ TẬP
Tác giả: Bồ tát Long Thọ soạn tập.
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa môn Nhật Xưng.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).

 

QUYỂN 4

Do nghĩa gì gọi là rừng Kỳ Đà? Trung Hoa gọi là rừng Chiến Thắng, vì thuận theo xưa nên không dịch. Thuở xưa, vua Thắng Quân (Ba Tư Nặc) cùng với nước láng giềng đánh nhau và thắng trận. Đang lúc ấy thì hạ sinh Thái tử, bèn lấy việc Chiến Thắng đặt tên cho con. Vì rừng thuộc về vị Thái tử ấy nên gọi là rừng Kỳ Đà. Phú quý, tự tại, có vô số sự trang nghiêm, hết thảy dân chúng trông thấy đều vui vẻ. Ở trong khu rừng ấy, rộng dùng của cải, sức người để sửa sang, giữ gìn, làm nơi chốn vui chơi. Rừng này rậm rạp, cành lá tươi tốt um tùm, bóng mát tỏa khắp, ngăn che ánh nắng nóng bức. Mùa hạ rất mát mẻ. Mùa đông không có giá rét. Mưa không lầy lội. Hoa thơm cỏ lạ ngát hương, khắp nơi khoe sắc. Những cành cây si nằm nép mình, hình dáng như chiếc dù. Có nhiều người coi giữ, không nghe tiếng trộm cướp. Chốn này thanh tịnh, tốt đẹp như vườn Hoan Hỷ.

Do nghĩa gì gọi là Cấp Cô Độc? Vì đối với người không có thân thuộc, luôn đem thức ăn uống chu cấp. Như trong Tạng Tỳnại-da (Tạng Luật) đã nói rộng sự việc này. Vị trưởng giả ấy do lực dụng của căn thiện từ xưa, muốn thỉnh Đức Thế Tôn, cung kính cúng dường. Trước tiên tạo lập Tinh xá cho Đức Như Lai, tức dùng trăm ngàn câu-chi vàng ròng làm giá trị để mua đất của Thái tử Kỳ Đà. Đạt được ý nguyện, ông liền triệu tập hết thảy thợ giỏi khắp nơi, xây dựng lầu gác, cung điện tối thượng. Mái hiên cửa ngỏ, sông suối, ao hồ, các thứ trang nghiêm, thảy đều đầy đủ. Tường thành cao vút bao bọc vòng quanh. Sau đó, vị trưởng giả này đi đến thành Vương Xá, đảnh lễ nơi chân Đức Phật rồi thưa: Con nay thỉnh Phật đến thành Xá Vệ. Kính mong Đức Như Lai từ bi chấp thuận. Nơi ấy có Già Lam rộng lớn thanh tịnh, xin Đức Thế Tôn nhận lời cùng các vị đệ tử đồng đến an cư. Lúc ấy, trưởng giả thưa thỉnh xong thì trở về. Cùng lúc đó, tại thành Vương Xá, có một vị trưởng giả tên là Thiện Tịch, bạch với Phật: Đức Thế Tôn không nên đi đến chốn kia. Con sẽ tạo lập Tinh xá cho Phật. Đức Phật liền ngăn vị này lại, Sau đó, Ngài đi đến thành Xá Vệ. Đến xong, trưởng giả Cấp Cô Độc liền đem ngôi Già lam đã xây dựng dâng cúng Đức Như Lai. Vì thương xót trưởng giả, Phật liền thọ nhận. Lại vì ông, tán thán nơi chốn này là tốt đẹp an lành hơn hết, yên ổn bậc nhất. Chư Phật quá khứ cũng ở nơi đất này tạo lợi ích an lạc cho hết thảy chúng sinh. Ông ở nơi các Đức Phật trước đã trồng sâu cội đức. Do nguyện lực thuở xưa, nay cũng lại như thế. Lúc ấy, có ngoại đạo tên Ma-đa-tức-chí-na, ngụ trong một am cỏ, tu tập khổ hạnh. Đối với trí tuệ, ngôn luận của tất cả chúng sinh ở thế gian, thảy đều thông đạt. Vị này cho rừng Kỳ Đà là thù diệu hơn hết, vì sao Đức Thế Tôn và các Tỳ-kheo lại được thọ dụng? Đức Phật nhận biết ý nghĩ này rồi, bèn dùng đại phương tiện thương xót vị kia nói với ông ấy: Vì các đệ tử của Ta đã dứt được hết biên vực khổ, khéo thông đạt các Tạng Kinh, Luật, Luận xuất thế gian, đã đoạn trừ các phiền não. Lúc ấy, Đức Thế Tôn vì ngoại đạo kia nói kệ:

Ông tuy như rồng lớn

Còn bị tham cấu nhiễm

Nơi hai việc khen chê

Tâm hãy còn loạn động

Thân nếu có ung nhọt

Ruồi nhặng tất theo đuổi

Xoay vần trong ba cõi

Như trùng trong đống phân.

Ngoại đạo kia nghe Đức Phật nói rồi, tâm sinh giác ngộ, liền dùng kệ tán thán Phật:

Như Lai bậc xuất thế

Tuệ nhật xua tăm tối

Huống con trí kém nhỏ

Do đâu được hiểu biết?

Nếu như trong nhiều kiếp

Lại dùng trăm ngàn lời

Xưng tán công đức Phật

Không kể hết phần nhỏ.

Phật là Thiên Trung Thiên

Biết các hành chúng sinh

Ở trong bốn uy nghi

Chỉ lợi lạc muôn loài.

Bấy giờ, trong thành Xá Vệ có nhiều ngoại đạo và các Bàla-môn, những trí giả thông tuệ nghe Đức Phật đến đây đều tranh nhau tới cật vấn. Đức Như Lai theo phương tiện, tùy nghi vì họ mà giảng nói các pháp như sư tử gầm khiến muôn thú kinh sợ, đối với những vị kia thảy đều khiến hiểu rõ, lìa các thứ si ám. Lúc ấy có một trí giả tên là La-hộ-la, nghe rồi bèn tán thán công đức Phật, nói kệ:

Bậc đại bi vô thượng

Chuyên tu hạnh lợi tha

Không mong cầu danh tiếng

Cùng lợi lộc thế gian.

Trước Đản sinh vương cung

Nhìn xem khắp bốn phương

Hiện mỉm cười, tư duy

Đều vì độ quần sinh.

Lại có đồng tử Diệu Tý cũng nói kệ tán thán Đức Phật:

Đấng Mâu Ni, Đại Tiên

Khéo nói các pháp yếu

Lìa lỗi, không mong cầu

Người nghe đều được lợi.

Chư thiên và người đời

Đều cung kính cúng dường

Quy mạng bậc Thập lực

Cúi mong được thâu nhận.

Rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc này, do năm thứ nhân khiến đều sinh yêu thích: (1) Ở khoảng giữa của một thành rộng lớn đông dân cư. (2) Các vị Tỳ-kheo đi khất thực không xa. (3) Vắng lặng lìa , các sự ồn ào. (4) Sạch sẽ không có các loại ruồi, muỗi. (5) Bậc thiện nhân phần nhiều du hóa ở đây. Cho nên, Đức Thế Tôn rất vui thích ở nơi này trụ vào trí như thật, lìa các hành không hổ thẹn, hết thảy công đức đều nương dựa hiển hiện, đầy đủ mười lực, phước trí trang nghiêm. Là vị Đạo sư bậc nhất của thế gian, vì vậy có thể khiến căn thiện của chúng sinh được thành thục. Cũng như hoa sen vươn lên từ bùn nước, lợi mình, lợi người thảy đều viên mãn.

Lúc ấy, vua Thắng Quân cùng dân chúng và các ngoại đạo, Bà-la-môn v.v… thảy đều đi đến Tinh xá Kỳ Viên, chắp tay, chí tâm đảnh lễ nơi chân Phật. Bấy giờ, Đức Phật, Thế Tôn vì thương xót nên thâu nhận các chúng hữu tình, phá trừ những thứ dị kiến, khiến sinh tín giải. Do nhân bất thiện nên dong ruổi, trôi nổi trong năm nẻo. Phải nương vào chánh pháp mà cầu xuất ly. Vì các chúng kia tuyên thuyết pháp sáu niệm. Này các thiện nam! Ở trong pháp của Ta, tin nhận những điều chỉ dạy, đủ các chánh kiến. Đấy gọi là niệm Phật. Nếu vui thích lắng nghe chánh pháp rộng lớn, như lý tư duy. Đấy gọi là niệm Pháp. Đối với các Tỳ-kheo thường sinh khởi ý tưởng tôn trọng là vị thiện tri thức. Đấy gọi là niệm Tăng. Đối với các pháp thiện, vui thích thâu nhận, luôn đầy đủ uy nghi. Đấy gọi là niệm Giới. Thường dùng các thức ăn uống cúng dường cho Phật và Tăng, trụ nơi nhân như thế. Đấy gọi là niệm Thí. Thường vui thích lễ kính chư Đại Bồ-tát, thuận theo lời Phật dạy. Đấy gọi là niệm Hiền Thánh. Nếu các chúng sinh nương theo lời Phật dạy, trụ nơi chánh tư duy tức trừ diệt được nghi hoặc. Nương dựa nơi chánh niệm thì không tán loạn. Đấy là sáu niệm, sinh trưởng các điều thiện.

Vì nghĩa gì gọi là Tỳ-kheo? Đó là vì có thể dứt hẳn các phiền não, các khổ hiện có ở thế gian: Sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ưu bi khổ não, năm thủ uẩn khổ, cầu không được khổ, ái biệt ly khổ, oán ghét gặp nhau khổ. Vì các khổ như thế đều đã đoạn hết. Ở đây, nhằm làm rõ về khổ của năm thủ uẩn nơi thế gian nên nói như vậy.

Vì nghĩa gì gọi là Sinh? Như Đức Thế Tôn nói: Các hữu tình kia tạo tác các loại hành nghiệp chiêu cảm lấy mạng căn, uẩn, xứ, giới v.v… lần lượt nối nhau, năm căn phát sinh. Vì năm căn sinh nên chúng đồng phần sinh, do đấy tăng trưởng, hình sắc đầy đủ. Đây gọi là Sinh.

Vì nghĩa gì gọi là Lão? Như Đức Thế Tôn nói: Hành uẩn biến hoại, các căn suy yếu, thân hình lọm khọm, thịt xương khô héo, da dẻ nhăn nheo, sinh nhiều nốt đen, cử chỉ chậm chạp, đi đứng phải nương dựa, mệt mỏi không chịu nổi phải nhờ người trông coi, giúp đỡ. Tướng lão như thế ở đây có hai loại: (1) Phải nhờ người giúp đỡ. (2) Không chỗ nuơng cậy. Đấy gọi là Lão.

Do nghĩa gì gọi là Bệnh? Như Đức Thế Tôn nói: Bốn đại tăng giảm, giới không bình đẳng, cũng như rắn độc, sinh các khổ não. Đây có hai loại: (1) Bệnh phát khởi ở bên trong. (2) Các duyên ngoài làm tổn hại. Lại có ba loại: (1) Do nghiệp báo chiêu cảm. (2) Tai nạn bất ngờ làm tổn hại. (3) Bị kẻ khác chú yếm. Phân biệt chi tiết thì có vô số loại. Đó là bệnh phong, vàng da, bệnh đàm, ghẻ lở, cùi hủi, ung thư, ho hen, dịch tả, nóng sốt, gầy ốm, đau đớn v.v… Đấy gọi là Bệnh.

Vì nghĩa gì gọi là Tử? Như Đức Thế Tôn nói: Đó là hữu tình kia xả bỏ chúng đồng phần, các uẩn tán loạn, hơi ấm dần dần nhỏ yếu, mạng căn đoạn dứt. Đây có hai loại (1) Tự tận. (2) Đi đến. Loại đầu lại có ba: (a) Là mạng căn tuy hết mà phước báo chưa hết. (b) Hoặc phước báo tuy hết nhưng mạng căn chưa hết. (c) Hoặc mạng căn và phước báo cùng lúc đều hết. Loại thứ hai: Đi đến cũng có ba thứ: (a) Tự đi đến (Bắt thú dữ v.v…). (b) Kẻ khác đi đến (Bị cướp v.v…). (c) Mình người cùng gặp nhau (Như đánh nhau v.v…). Lại có ba loại: (a) Phóng dật. (b) Hủy phạm giới. (c) Báo hết. Do phóng dật nên đoạn mất tuệ mạng. Do hủy phạm giới nên phá bỏ các uy nghi. Do báo hết nên quyến thuộc nội ngoại vây quanh buồn thương, luyến tiếc, không nỡ bỏ đi. Đấy gọi là Chết.

Thế nào gọi là Ưu? Trong tâm sầu lo, như bị lửa bức bách, cũng như mặt trời nóng, đun nước như nước sôi. Đấy gọi là Ưu.

Thế nào gọi là Bi? Khóc lóc rơi lệ, nghẹn ngào không nói được, như người con hiếu tưởng nhớ cha hiền và những người thân khác. Hết thảy đều như thế, ý không tĩnh lặng. Đấy gọi là Bi.

Thế nào gọi là Khổ? Cay độc trộn lẫn cùng trái với vui, đồng với năm thức thân tương ưng lãnh nạp. Đấy gọi là Khổ.

Thế nào gọi là Não? Ví như cây khô, bên trong dùng lửa đốt, khiến cho hữu tình kia phiền muộn, bực tức, rối loạn. Cùng với ý thức thân tương ưng lãnh nạp. Đấy gọi là Não.

Thế nào gọi là Cầu không được khổ? Đó là đối với những sự việc tương ưng đã mong cầu, chưa được như ý, tâm sinh mệt mỏi. Như bánh xe quay của người thợ gốm, tâm này chuyển động theo.

Thế nào gọi là Ái biệt ly khổ? Là đối với cảnh vui vẻ, quyến thuộc xứng hợp, sắc tướng hiện có chỉ nơi sát-na thì đổi khác.

Thế nào gọi là Oán ghét mà gặp nhau khổ? Là đối với hết thảy người không xứng hợp, cùng sinh tâm chán ghét, không ưa thích nhau mà lại luôn gặp gỡ.

Những thứ đã được nêu bày trong đây theo thứ tự như sinh v.v…, vì lần lượt tìm cầu đều là nhiệt não. Như loài nai trong đồng vắng bị lửa bao quanh, không thể tự thoát ra, tất bị đốt cháy. Chỉ trừ Đức Như Lai, lúc mới đản sinh, tăng trưởng pháp thiện, tịch tĩnh an ổn, thể tánh tự nhiên, lìa các thứ nhiệt não, buồn lo, như kệ trong Khế kinh nói:

Chư Phật ra đời, vui

Diễn nói chánh pháp, vui

Chúng Tăng hòa hợp, vui

Khiến tu các hành thiện.

Nếu Phật không hiện đời

Ba cõi sao có vui

Do Phật đã xuất hiện

Chúng ta được an lạc.

Do các chúng hữu tình, lấy chủng tử bất thiện làm nhân, nên có thể sinh trưởng cảnh giới của cây khổ. Thường bị lửa khổ nơi ba độc thiêu đốt. Đối với những sự việc như giàu vui của thế gian kia v.v…, chỉ nghe người khác nói, do gì nhận biết, dong ruổi nơi chốn đồng hoang, đường xấu ác hiểm nạn, đá sỏi gai gốc, thọ nhận nhiều gian khổ, để cầu tự cứu giúp, không chỗ quy hướng. Những hữu tình như thế đã thiếu hẳn gốc thiện từ xưa, chìm đắm trong nẻo ác. luân hồi bất tận. Như kẻ phường chèo, thay đổi hình sắc. Nếu như được làm người, thì sinh vào nhà bần cùng. Thời gian ở trong thai mẹ phải thọ nhận vô số thứ khổ.

Thế nào là hữu tình ở trong thai tạng đã thọ nhận nhiều khổ não? Như Đức Thế Tôn nói, lúc mới kết sinh, nhận lấy cả hai vật bất tịnh đỏ, trắng của cha mẹ làm duyên, dần dần tăng trưởng, tạo thành hình chất, ở dưới sinh tạng, ở trên thục tạng. Nơi khoảng giữa ấy là rất nhơ nhớp tanh hôi. Người mẹ hoặc khi ăn no, hoặc khi đói khát, các phần thân chuyển động và lúc nhiễm dục đều nhận chịu khổ. Lại khi sắp sinh, ở trong thai mẹ, không muốn ở lại, khởi tưởng bất tịnh, xoay hướng đến sinh môn. Lúc hai tay của người mụ vừa chạm đến phần thân của thai nhi, tức phải chịu khổ sở nhiều, bực bội khổ não cùng cực. Trẻ sơ sinh kia, do đói khát, cất tiếng kêu khóc, hướng về mẹ cầu tìm sữa. Lại, sữa của người mẹ vốn do máu huyết chuyển biến mà thành. Hoặc ăn không no, phải chịu nhiều nhiệt não. Dần dần thành đứa bé, nằm nơi tiện lợi. Hoặc lúc đùa giỡn, rơi xuống hầm rãnh. Đây gọi là những thứ nhiệt não phải nhận chịu lúc đã sinh. Những người thế gian khác cũng đều như thế.

Lại, hữu tình kia tuổi dần lớn lên, sắc lực đầy đủ, khỏe mạnh, kiêu căng phóng túng, niệm niệm chỉ tìm cầu trần cảnh của năm dục. Do tuệ nhiễm tham đắm, không buông bỏ, tự nhận lấy tình này, mau chóng đi đến tử vong.

Thế nào là các khổ hiện có của già suy? Là hình sắc gầy yếu, mặt cong má cóp, răng cỏ thưa rụng, lông tóc lơ thơ bạc trắng. Cổ, tay, ngực, hông thảy đều trơ xương, sức nóng ấm dần dần suy kém. Ăn uống thua ít, cũng như loài chim bay bị nhốt trong lồng, ngày càng hao gầy, chỉ còn một nhúm lông. Sáng có làm điều gì chiều liền quên mất. Lúc đầu muốn thí giúp, về sau lại biếng trễ thoái lui. Nói năng như trẻ con, không có mức độ. Hoặc có khi suốt ngày miệng không muốn nói. Ngày đêm chỉ chăm chăm nơi việc ngủ nghỉ, nhưng ngủ không say, vì ho hen không dứt. Muốn nói về những thứ khổ hiện có mà lời lẽ không rõ ràng. Như người đi xa, không thích ở lâu. Việc làm của người khác khó có thể vừa ý. Chỉ một việc nhỏ không vừa lòng liền sinh buồn bực. Bạn bè an ủi, khuyên nhủ, nên tự an tâm. Mắt trông thấy cảnh giới nhưng không thể thọ dụng. Những việc vui chơi chỉ tai nghe nói. Ý muốn dạo chơi mà chân không thể cử động. chỉ nương nhờ ghế, gậy, lấy những vật này làm bạn. Bị các người nữ cười khinh. Nhân nghĩ lại ngày trước, các căn khỏe mạnh, thọ hưởng các thứ dục lạc mà nay trong tức khắc đã biến hoại, tự mình rất hối tiếc. Sống lâu chẳng để làm gì! Đấy gọi là hành tướng nhiệt não của già suy.

Thế nào là những thứ nhiệt não hiện có của bệnh khổ? Đó là những kẻ ngu si, lúc tuổi thanh niên, sắc lực khỏe mạnh, phóng túng, tham đắm dục lạc. Dần dà trở nên yếu đuối, bệnh tật triền miên, chúng khổ hiện tiền. Người thiện trông thấy, sinh tâm thương xót sâu xa, dùng lời hay lẽ phải khuyến dụ, khiến kẻ kia phát lồ. Nghe rồi sinh lo sợ, sợ phải đọa vào đường ác. Có kẻ thân hình đẹp đẽ, dung mạo đoan nghiêm, bị bệnh tật xâm chiếm, những món ngon vật lạ, không thể ăn uống. Tuy ở nơi chốn giàu sang mà như kẻ nghèo hèn. Bậc trí ở thế gian thường tự tỉnh xét. Nên biết bệnh khổ không thể yêu thích. Như mưa đá làm hại lúa mạ, làm đình trệ, tổn hại sự tươi tốt, sum suê. Như con rùa ở nơi đất liền thường nhớ nghĩ đến ao nước. Như mặt trăng lúc ban ngày không có ánh sáng. Như kẻ khát nước rơi vào giếng khô. Như đèn cạn dầu không thể cháy lâu. Như tường vách cũ mục không có bền chắc. Như đứa trẻ si mê đần độn bị mọi người khinh khi. Như voi điên cuồng phá hoại ao hoa sen. Đây gọi là những thứ nhiệt não hiện có của bệnh khổ.

Thế nào là người ngu? Luôn luôn tham đắm, làm tổn giảm thọ mạng, thiêu đốt căn lành. Bị vô minh che phủ, sinh sống tà vạy, mong cầu bất chính. Tham đắm nơi thức ăn uống, y phục thế gian. Thân phiền não, tâm phiền não, hủy hoại chánh trí, không vui thích nương dựa nơi chốn núi rừng tịch tĩnh, thọ trì đọc tụng kinh điển Đại thừa không thể giữ gìn tịnh giới bền chắc.

Do đâu có thể đi đến bờ giác ngộ kia? Nếu tâm vắng lặng, từ bỏ cảnh dục. Hoặc các hành phóng dật đã tạo tác trước thảy đều chán ghét, không còn nghĩ tưởng đến. Như kẻ oán đối sâu đậm tâm không thích thấy. Như xác bã mía không còn vị ngọt. Như đốt mầm cây khô khiến cháy sạch không còn gì. Nếu nhận biết rõ như thế, người này không vị vua Diễm-ma-la bức bách. Lại những người nữ phần nhiều là tham lam, ôm lòng ganh ghét, thích làm chúa tể. Cũng như bình nứt chứa đựng vật bất tịnh. Như âm tàng của ngựa cái rất đáng chán ghét. Như dùng thuốc độc trộn vào thức ăn ngon. Như kẻ oán thù đang cầm kiếm không nên cúi gần. Như đống lửa kia, chạm vào thì sinh nóng bức khó chịu. Nếu vui thích cảnh dục, tâm tất tán loạn, phá bỏ các phạm hạnh. Như người không có giới luật, chặt đứt nhân an lạc, diệt mất tuệ mạng, thần chết hiện tiền, một mình đi đến, vào chốn hiểm nạn không người có thể cứu giúp, đều do nhiễm dục, sinh các vọng niệm, không hổ không thẹn, bỏ hạnh tri túc, bị người thế gian chê trách đủ loại.

Thế nào gọi là Tử? Như có kệ nói:

Tuệ là mắt tối thắng

Si là tối cực nặng

Bệnh tất do oán kia

Chết là sợ thứ nhất.

Nên ý lạc chánh pháp

Dùng tuệ khéo tu tập

Do đấy lúc mạng chung

Quyết định lìa hiểm nạn.

HẾT – QUYỂN 4

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12