KINH PHƯỚC CÁI CHÁNH HẠNH SỞ TẬP
Tác giả: Bồ tát Long Thọ soạn tập.
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa môn Nhật Xưng.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).

 

QUYỂN 12

Nay ở đây lược nêu rõ về tướng trì giới. Bắt đầu từ các căn, nhận giữ kín đáo. Uống ăn biết lượng, giảm trừ ngủ nghỉ, thường vui tôn trọng, tu các phạm hạnh. Nghe những việc thọ hưởng dục lạc thuở xưa thì không thích nghĩ tưởng. Lại có thể hiển thị công đức của Sa-môn, xuất ly lỗi lầm của luân hồi nơi nẻo ác. Thân cận thiện tri thức, tác ý như lý, vui nghe chánh pháp, hiểu sâu diệu nghĩa. Trừ tham, sân, si, dứt các phiền não, bỏ tưởng hư vọng, thêm lớn minh tuệ, chuyên cầu giải thoát, không sinh mệt mỏi. Nếu như có hủy phạm tội cấu vi tế thì không che giấu. Hết thảy tài vật, tâm không keo kiệt, thường vui thí giúp những chúng sinh nghèo khổ. Biết rõ năm dục có nhiều tội lỗi. Đối với quyến thuộc của mình, ân ái ràng buộc, sinh tưởng xa lìa, ví như là oán đối. Ở một mình trong rừng, nơi đồng hoang, bỏ các chốn ồn náo. Không nuôi lớn các loài vật, khác với những kẻ tham lam. Có người đến cầu pháp, không sinh tâm keo kiệt ganh ghét, liền vì những kẻ ấy thuyết giảng khiến họ tin hiểu. Có thể dùng kiếm tuệ diệt giặc phiền não. Được các người thiện tôn trọng ngợi khen, xứng đáng thọ những vật cúng dường của thế gian như: Y phục tốt đẹp, ngọa cụ, các thức ăn uống v.v… Đối với những mùi vị thịt, khởi tưởng dứt tuyệt, ma61t hẳn. Nơi danh lợi thế gian, tâm không mong cầu, tranh lấy. Đối với hai loại nghiệp đạo thiện, bất thiện, hoặc làm, hoặc ngừng, tin hiểu chắc chắn. Đã tự mình hiểu biết rồi, trừ bỏ ngã mạn, dùng tâm lợi lạc, vì người khác diễn no1i, hóa độ các ngoại đạo như Ni-kiền-tử v.v… khiến họ cũng sinh tâm tin hiểu, an trụ trong pháp Phật. Ngoài ba y của mình, những vật hiện có khác, dùng tâm thanh tịnh mà bố thí cho mọi người. Người như thế tức là đã ở trong chủng tộc Thánh. Thân tâm mát mẻ, lìa các thứ nhiệt não. Rõ biết sáu xứ là không chân thật, cũng như ung nhọt. Bị vật ngăn che, thường bị phiền não là ruồi muỗi cắn hút. Những người có trí, siêng cầu phương tiện, nương nơi chánh niệm xứ và tám Thánh đạo, dùng khói hương pháp thiện xông lên để đuổi đi. Nhận biết rõ về năm uấn giống như cây chuối. Nếu sinh tâm tham thì khởi tưởng không bền chắc. Do tham lam đã hủy hoại chánh đạo, nên trước là chế ngự các căn, khiến không tán loạn. Dần dần khiến tu tập, trụ vào Tam-ma-địa. Nhận biết rõ về cảnh giới, bản tánh chỉ là khổ, cũng như rừng gai, rậm rạp khó vượt qua. Cũng như bụi bặm làm ô nhiễm hữu tình, nên dùng nước chánh pháp để gội rửa sạch. Quán sát như thế về uẩn xứ giới kia, sinh trưởng các Hoặc không đáng yêu thích.

Đây nói rõ về trì giới có hai loại: (1) Trì giới không thanh tịnh. (2) Trì giới thanh tịnh. Như trong Luật nói: Có hai vị Tỳ-kheo tinh tấn trì giới, mỗi người ở một nơi, tiếng tốt lan xa. Lúc ấy, dân chúng đều kính ngưỡng đạo đức của họ, cùng nhau đi đến chỗ ở của hai vị, thân cận cúng dường. Bấy giờ có vua tên là Ca-ni-sắtsá, nghe biết hai vị Tỳ-kheo này hộ trì tịnh giới, nên cùng với quần thần đi đến trụ xứ của hai vị kia. Thấy một vị lão niên, uy nghi nghiêm túc, tu tập thiền định, nên sinh tâm kính ngưỡng, ý muốn thưa hỏi. Vua thưa: Bạch Đại đức! Trì giới như thế, ý mong cầu điều gì? Vị Tỳ-kheo đáp: Ý của tôi là đời sau mong được làm quốc vương. Nhà vua nghe nói như thế thì không sinh vui thích. Vì sao trì giới mà không có trí tuệ để phân biện lựa chọn. Lại hướng đến vòng trói buộc của sinh tử luân hồi. Người này là dối trá, làm mê hoặc chư thiên và dân chúng. Ta nay ở đây không nên cúng dường. Trì giới như thế gọi là không thanh tịnh.

Nhà vua lại đi đến chỗ ở của vị Tỳ-kheo tân học. Đến rồi, vua liền hỏi: Thầy nay trì giới ý mong cầu điều gì? Vị Tỳ-kheo thưa: Ơn vua đoái hỏi, điều mong cầu của tôi là nguyện chứng thành Bồ-đề, làm lợi lạc quần sinh. Vua nghe nói như thế tâm rất vui: Trì giới như thế thì không lầm lẫn, lìa các cấu nhiễm, gọi là thanh tịnh. Ta nay nên tạo sự cúng dường tối thượng. Sa-môn như thế đã phát tâm rộng lớn, Đế Thích, chư thiên đều nên cúng dường. Lúc ấy, dân chúng nghe vua ngợi khen, đều cùng chắp tay, đảnh lễ nơi chân vị Tỳ-kheo. Vua bèn quay nhìn các vị cận thần theo hầu, bảo: Các ngươi mỗi người đều nên lấy những vật quý báu để dâng cúng. Đây gọi là trì giới thanh tịnh.

Như Đức Thế Tôn nói: Có mười loại duyên gọi là trì giới không thanh tịnh: (1) Thâu lấy tổn hại. (2) Đắm sâu nhiễm dục. (3) Không cầu xuất ly. (4) Thường sinh biếng trễ. (5) Mong cầu mưu tính khắp. (6) Thoái mất chánh hạnh. (7) Hành tà mạng để tự nuôi sống. (8) Mất vui an ổn. (9) Ít nghe không học. (10) Bỏ quên việc tụng tập.

Thế nào gọi là Thâu lấy tổn hại? Đó là đối với vua, con vua, các đại thần, vì sợ uy thế của họ, nên thường phải xa lìa, cho đến vô số các loại luật nghi ác. Tỳ kheo nếu bị bức bách vì khát, không nên ở những nơi kia, cầu xin nước để uống. Vì chưa dứt trừ phiền não, chưa chứng được thần túc, không thể tự điều phục, sinh nhiều sợ hãi.

Thế nào gọi là Đắm sâu nhiễm dục? Đó là ở nơi năm trần cảnh, liên tục khởi tưởng bất chính, tự tánh buông thả, phóng dật, bỏ việc tu tập thiện.

Thế nào gọi là Không cầu xuất ly? Đó là xả bỏ nơi chốn tốt đẹp hướng đến nơi chốn lỗi lầm. Lại chê bai xứ tốt đẹp, tán thán hoan lạc của năm dục.

Thế nào gọi là Thường sinh biếng trễ? Đó là luôn nghĩ nhớ những sự việc phi nghĩa lợi đã làm trong quá khứ, cùng nhau tranh chấp. Cậy nơi của cải mình đã có, thọ dụng tùy ý, sinh nhiều kiêu mạn. Đối với những bậc cao niên đức độ, không hay tỏ bày sự kính trọng, viện cớ để không tỏ bày.

Thế nào gọi là Mong cầu mưu tính khắp? Đó là đối với những vị thiện tri thức, đồng phạm hạnh, thì cùng dua nịnh, tán dương để cầu lợi dưỡng.

Thế nào gọi là Thoái mất chánh hạnh? Đó là vui tạo các thứ ác, trái vượt giới pháp, không có phương tiện thiện để khởi đạo đối trị.

Thế nào gọi là Hành tà mạng để tự nuôi sống? Đó là sợ mình khó nuôi dưỡng nổi mình, tâm không biết dừng đủ. Như ở trong Luật nói: Tỳ-kheo hành tà mạng, tạo tác phi luật nghi, giả hiện dị tướng. Ở trong đại chúng, tự khoe đức của mình. Nói nhiều không biết hổ thẹn. Hoặc ỷ lại nơi dòng họ cho là đa văn luận nghị. Hoặc lúc phi thời vì kẻ khác nói pháp. Tuy có chút ít đức, do tham lợi nên những người nghe pháp, phần nhiều không tin thọ. Nghe có người nói, ở nơi chốn nọ, có trưởng giả thuộc tộc họ lớn Bà-lamôn, bố thí các thứ y phục, các vật dụng nuôi sống, liền đi đến đó, nói với trưởng giả kia: Tôi là hàng trưởng lão đức độ, nên dùng những vật tốt đẹp bậc nhất, mong là được thấy thí trước. Lúc này, trưởng giả sợ tranh giành ầm ĩ, không muốn trái ý, nên cấp cho. Kẻ giúp việc thấy thế, đều sinh tâm khinh chê, vật thí không đem cho, lại xua đuổi khiến bỏ đi. Khi ấy vị Tỳ kheo kia tâm sinh ưu não, ở trước mặt trưởng giả nói lời thế này: Tôi trước đã không muốn đi đến chỗ tộc họ thấp kém để cầu những vật cần dùng. Nay đã không được, ở cũng chẳng hổ thẹn. Kẻ kia tuy dòng họ thấp kém nhưng cũng hay vui thí xả. Tỳ kheo như thế, xảo ngôn dối trá. Do mong cầu nhiều nên tâm thường nhiệt não.

Thế nào gọi là Mất vui an ổn? Đó là người trì giới phải nên an trụ việc làm trong xứ không khổ, không vui. Chẳng phải như các ngoại đạo Ni-kiền-tử v.v…, nằm ngồi trên gai gốc, dùng năm thứ lửa thiêu nướng thân, luống thọ khổ nhọc, không có được chút lợi lạc nào. Nếu tham đắm nơi lạc cũng không có chứng đắc, chỉ tăng thêm phóng dật, sau tất chiêu cảm khổ báo.

Thế nào gọi là Ít nghe không học? Đó là bên ngoài tuy có phòng giữ lỗi ác, nhưng bên trong không có tuệ sáng, chỉ toàn là ngu si, lại không hay thưa hỏi.

Thế nào gọi là Bỏ quên việc tụng tập? Đó là chỉ nghĩ đến việc ăn no, không thể tấn tu. Ăn uống no nê, đầy bụng, bất tịnh chảy tràn, thật chẳng phải là Sa-môn, tự xưng là phạm hạnh. Cũng như thổi loa ốc, chỉ đuổi theo âm thanh hư ảo.

Mười duyên như thế, theo đấy đầy đủ một loại, gọi là trì giới không thanh tịnh. Những người tu hành phải nên nhận biết rõ.

Nếu người nơi thâm tâm tin hiểu quyết định, cho đến một lỗi nhỏ, cũng sinh sợ hãi lớn, nên biết người này là khéo trụ nơi tịnh giới. Như trong Luật nói: Có một trưởng giả mua được một nô bộc, đã còn nhỏ lại nghèo, phải bán thân để tự nuôi sống, nhưng kẻ ấy trong tâm thì thọ trì giới Phật. Một hôm, trưởng giả sai khiến sát sinh, kẻ nô bộc liền thưa: Trưởng giả là bậc chánh nhân, sao lại khiến người tạo nghiệp sát? Ở nơi việc thiện, bất thiện cần phải phân biệt. Vì giữ giới Phật nên không dám theo lệnh. Trưởng giả cảm ngộ bèn dừng việc sát hại.

Lại có vị quốc vương tên là Kế-la-ca, thường dùng hình phạt nghiêm khắc để cai trị muôn dân. Nếu kẻ thứ dân kia, có các lỗi lầm, thuộc về quan gia, tất sẽ bị tru lục. Lúc ấy, có một người sắp sửa bị giết. Kẻ Chiên-đà-la kia dập đầu trước vua thưa: Con nay phát tâm mới lãnh thọ giới Phật. Đối với các tội nhân thề không hành sát. Cho đến các loài dế, kiến cũng không làm tổn hại. Nhà vua nói: Ngươi tôn trọng giới Phật, chống lại lệnh nước. Đã không có chỗ dùng, nuôi ngươi phỏng ích gì? Kẻ Chiên-đà-la kia lại thưa vua: Con nay quyết định không hủy phạm tịnh giới, xin vua thử xem: Đế Thích chư thiên hãy còn đối với giới Phật chế không dám trái vượt, huống chi là đám chúng con. Nhà vua nói: Nếu thật vậy sẽ dùng nghiêm hình trước là chặt đầu ngươi. Chiên-đà-la thưa: Nay thân này của con là thuộc về nơi vua. Nhưng ở đời sau lại có thân khác. Do công đức của căn thiện trì giới này, nguyện sẽ được những an lạc thượng diệu của thế gian, cho đến chư thiên, theo nguyện ý đi đến. Ở đời vị lai, vui cầu pháp thiện, tăng trưởng diệu lực của tín, tấn, niệm, định, tuệ. Dùng nước công đức rửa sạch cấu nhiễm của ba độc như tham v.v…, rửa sạch hết không còn gì, quyết định sẽ được các quả như Dự lưu v.v…, cho đến pháp thân vi diệu, thanh tịnh của Như Lai. Phát nguyện này xong, liền ở trước đại chúng, cao tiếng xướng: Tôi nay thân này từ nhân duyên sinh, trong khoảng sát-na tất sẽ chấm dứt, vì hộ trì giới Phật, tâm không lo sợ.

Nhà vua nghe kẻ kia nói thế càng thêm phẫn nộ, liền sai sứ giả, đuổi kẻ Chiên-đà-la. Rồi nơi rừng Thi Đà đã giết hại mạng kẻ kia. Lúc ấy, dân chúng đều kinh sợ than thở, bèn nói với nhau: Người này là bậc đại trượng phu, thật là ít có. Vì hộ trì giới Phật mà bỏ thân mạng mình.

Do đấy nên biết, hết thảy chúng sinh chẳng phải do nơi lớn nhỏ, chủng tánh cao thấp, chỉ có thể ở nơi thâm tâm gồm đủ sự hổ thẹn, quyết định tin hiểu mà không hủy phạm, tức được gọi là trì giới thanh tịnh.

Ở đây lại nói rõ về trì giới không thanh tịnh. Như trong Luật nói: Có một vị Tỳ-kheo, tu hạnh xa lìa, trụ nơi hang núi. Bỗng vào lúc nửa đêm, tự lấy lương khô ăn. Do vội vàng nên làm bể cái bình. Lúc ấy, chúng nghe rồi quở trách vị Tỳ-kheo kia, tuy ở trong hang núi mà lại ăn phi thời. Đây gọi là trì giới không thanh tịnh.

Lại có vị Tỳ kheo vốn là Bà-la-môn, sau nương theo pháp Phật, xuất gia tu đạo, vui ở chốn đồng hoang, sống một mình. Do thói quen, thường vào ban đêm, gấp y cà sa lại xoạc chân mà ngồi. Có đám học trò ngày trước, chợt đến thăm hỏi, bèn nói với họ: Đây nếu không có người, ngươi có thể vào trong rừng Am-la kia hái trái cây mang về. Đệ tử vâng lời dạy, liền đi đến chỗ ấy, bèn bị người chủ bắt trói. Đây cũng gọi là trì giới không thanh tịnh.

Lại có Tỳ-kheo, ở nơi A-lan-nhã, tu hạnh tịch tĩnh. Vào làng khất thực, lạc qua nhà mại dâm. Cô gái kia hỏi: Tỳ-kheo trì giới, vì cớ gì đến đây, là xứ không phải giải thoát? Nếu vui thích hòa hợp sẽ vào hầm lửa. Tỳ-kheo như thế, khó ở nơi chốn vắng lặng, vì không khéo quan sát nên bị kẻ kia chê trách. Đây cũng gọi là trì giới không thanh tịnh.

Có hai vị Tỳ-kheo trụ ở A-lan-nhã, thật sự không có đức nhưng tự bảo là có đức. Theo đám thương nhân vào trong biển lớn, gặp lúc gió đen hung dữ thình lình nổi lên, sóng to lớp lớp ập đến, cả đám người đều kinh hoàng. Các loài thủy tộc, cá Ma-kiệt v.v… tới lui, qua lại ngang dọc, húc đâm khiến tàu thuyền bị hư hoại. Những người hiện có nơi biển đều rối loạn, kêu khóc bi thương. Hoặc nổi lên được cứu vớt, hoặc bị chìm đắm. Lúc ấy, vị Tỳ-kheo già đã rơi xuống nước rồi. Nghĩ mình đã già yếu, mạng không thể thoát được, liền cởi các phao nơi người ra, trao cho người bạn đồng hành. Vị kia đã được phao rồi, liền vơ lấy nhiều châu báu, ngọc Ma-ni v.v… nhưng rồi bị mất mạng. Đây gọi là trì giới không thanh tịnh.

Kế lại nói rõ về trì giới thanh tịnh. Có một vị Tỳ-kheo, đi một mình nơi quãng đường xa, đã bị đám đạo tặc cướp đoạt hết cả y phục. Trong số đao tặc kia có một kẻ trước làm Sa-môn, biết vị sư này là người trì giới, bèn bảo đám kia: Lấy cỏ trói lại, bỏ ông ta ở đó rồi đi. Vị Tỳ-kheo luôn nghĩ tưởng đến giới Phật chế, nên đối với hết thảy cỏ lá không được bứt đứt, chỉ nằm nép bên đường không dám động đậy. Gặp lúc vua đi săn bắn, từ xa trông thấy, tưởng là ngoại đạo lõa hình, do ngã mạn không chịu đứng dậy. Liền đi đến cật vấn, mới biết đây là Tỳ-kheo, vì hộ trì tịnh giới, nên không làm tổn hại các thứ cỏ lá. Vua khen là chưa từng có, rồi sai người cởi trói cho ông ta, cho ăn uống lại cung cấp cả y phục. Đây tức gọi là trì giới thanh tịnh.

Có hai vị Tỳ-kheo từ phương xa lại, muốn đi đến cúng dường Xá-lợi của Như Lai. Hành trình vất vả, mệt khát, muốn tìm nước uống. Vị Tỳ kheo thứ nhất bị cơn khát bức bách, không bận tâm xem xét kỹ uống nước liền. Vị Tỳ-kheo thứ hai tuy cũng rất khát nhưng quán xét kỹ biết là nước có trùng. Vị này bảo với bạn đồng hành: Thà tự mình chết khát chứ không làm tổn thương sinh mạng của kẻ khác, không nên trái phạm giới luật của Đức Thế Tôn. Rồi vị Tỳ-kheo này ngồi ngay thẳng trong rừng chịu khát mà chết. Do nhân duyên ấy nên được sinh lên xứ trời Đao Lợi, gặp Phật nghe pháp, chứng quả Dự lưu. Đây tức gọi là trì giới thanh tịnh.

Có một vị Ưu-bà-tắc tu phạm hạnh đã lâu, bỗng vào một hôm, nhà ông bị lửa cháy. Ông răn bảo các con: Các con cẩn thận chớ lấy nước có trùng tưới vào lửa. Vì sao? Vì ta hộ trì giới của Phật đối với những con trùng nhỏ nhít trong nước cũng khônglàm tổn hại chúng. Đối với giới của Phật đã chế, ta luôn tuân giữ, không đoái tiếc tài sản, thân mạng. Há vì chút lợi nhỏ mà phải đọa vào đường ác. Đây tức gọi là trì giới thanh tịnh.

Thế nên người trí cần phải an trụ trong sự trì giới thanh tịnh. Hoàn toàn xa lìa sự trì giới không thanh tịnh. Nên biết Đức Như Lai xuất hiện ở thế gian thường vui làm lợi ích cho hết thảy hữu tình. Đóng cửa vào nẻo ác, chỉ đường sinh lên xứ trời. Đốt cháy củi phiền não. Nhổ bật gốc tham dục, giáo hóa các chúng sinh, lìa bỏ nhà, dứt trói buộc, đều khiến đạt được an lành vui vẻ. Rốt ráo vượt qua dòng thác dữ sinh tử, cỡi thuyền trí tuệ đến nơi bờ kia. Dần dần chứng đắc trọn vẹn đạo quả Bồ-đề, Niết-bàn. Kiến lập cờ pháp lớn, phá trừ các ngoại đạo, các thứ ngã mạn, kiêu căng, các hành bất thiện. Thảy đều khiến phát tâm, dũng mãnh tinh tấn, dùng nước chánh pháp, tẩy rửa khát ái. Kẻ kia nghe pháp rồi, nương theo giáo pháp tu học. Tích tập pháp tài, là kho báu công đức, an trụ nơi thần thông, xuất ly ba cõi, rõ thấu thắng nghĩa đế, an trụ chốn giải thoát. Trì giới như thế được chư Phật khen ngợi. Nên biết người này là mắt của thế gian, có thể dẫn dắt chúng sinh đến chốn an ổn. Cũng như đèn sáng có thể phá bóng tối si mê. Như nước trong sạch có thể tẩy rửa bụi nhơ tội lỗi. Như thuốc hay chữa lành bệnh phiền não. Như bậc Đại Y vương khéo nhổ mũi tên dục. Như ruộng tốt ở thế gian sinh trưởng lúa công đức. Khéo có thể chỉ dạy những chúng sinh lười biếng, khiến sinh tâm hoan hỷ, vui giữ tịnh giới.

Nếu người ưa tạo tác nghiệp đạo bất thiện, như ở chung với kẻ oán thù, tất sẽ bị tổn hại. Như dựa theo pháp của ngoại đạo, Bàla-môn, để cầu xuất ly, trở lại chiêu cảm lấy tai vạ lỗi lầm. Phải nương dựa nơi giáo pháp của chư Phật xưa, lấy cà sa làm tướng cờ hiệu để cầu giải thoát, thì có thể tiêu diệt được các cội gốc bất thiện, khiến các thứ ma quần sinh sợ hãi lớn. Dùng sức trí tuệ đoạn dứt phiền não, được đại danh xưng, lìa các sự suy hoại, họa hoạn. Cứu cánh là thành tựu đạo Bồ-đề vi diệu. Như nói: Bậc trí giả kiên trì tịnh giới, khéo giảng nói pháp yếu, hiện đời có được danh tiếng, nghĩa lợi, lại sinh về xứ trời, hưởng thọ phước báo thù thắng, tăng trưởng các loại công đức của tuệ sáng. Nên biết người khéo có thể trì tịnh giới cũng như người nghèo có được bình quý, theo chỗ mong cầu thảy đều được như ý. Thường phải tinh tấn, cung kính hộ trì. Như phụng thờ Sư tôn không có tưởng mỏi mệt. Người giữ tịnh giới cũng lại như vậy.

Như Đức Thế Tôn nói: Trì giới thanh tịnh thì có thể đạt được mười loại công năng:

1. Do trì giới, nên phàm những việc được thực hiện đều không có lầm lẫn, không sinh phiền não, tâm thường vui vẻ. Do vui vẻ nên thâm tâm vui thích pháp. Vì vui thích pháp nên thân được khinh an. Vì khinh an nên thọ an lạc thắng diệu. Do diệu lạc dẫn sinh thiền định. Do được định nên nhận biết về thật tế. Vì nhận biết rõ về thật tế nên an trụ nơi Bồ-đề, lìa bỏ chướng nhiễm, trụ vào trí vô ngã, tức có thể vĩnh viễn diệt trừ các phiền não vi tế. Sự sinh tử của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, không còn thọ thân sau, đi đến cảnh giới Niết-bàn.

2. Do trì giới, nên ba nghiệp hiện có không tạo các tội, xa lìa đường dữ. Lúc sắp mạng chung, tâm không sợ hãi. Nghiệp phước đã tạo, các thiện hiện tiền, tùy ý vãng sinh nơi thắng xứ thọ vui.

3. Do trì giới, tiếng tốt lưu truyền khắp, người nghe đều khen ngợi.

4. Do trì giới, nên ngủ thức luôn yên ổn, thân tâm không ưu não.

5. Do trì giới, nên thường được chư thiên yêu mến nhớ tưởng, hộ trì.

6. Do trì giới, nên ở trong đại chúng tâm không khiếp nhược.

7. Do trì giới, nên không bị hàng phi nhân dò xét tìm chỗ yếu kém của mình.

8. Do trì giới, nên được các người lìa xấu ác, xem như thân tộc.

9. Do trì giới, nên vật dụng cần dùng không thiếu, không phải mong cầu, thường được người hiền thiện cung kính cúng dường.

10. Do trì giới, nên những điều nguyện cầu, tùy tâm đều được thành tựu. Nếu muốn cầu sinh vào dòng họ tôn quý, trưởng giả, giàu có lớn, nhà Bà-la-môn. Hoặc lại cầu sinh vào hàng chư thiên nơi sáu trời thuộc cõi dục, cho đến các trời thuộc cõi sắc, cõi vô sắc, hoặc cầu quả A-la-hán lìa dục, tịch tĩnh giải thoát, đều được như ý.

Trì giới như thế, công đức đạt được, ví như biển lớn, sâu rộng vô biên. Nếu Ta theo thứ lớp tuyên thuyết đầy đủ, thì đến cùng tận đời vị lai cũng không thể nói hết. Như vừa nêu ở trước, công năng trì giới, những người nào từng đạt được quả báo thù thắng như thế? Như Phật, bậc Đại tiên, thảy đều thành tựu. Từ lúc mới phát tâm, tu trì tịnh giới, cho đến đạt được ba minh, sáu thông, lực, vô úy v.v…, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp. Đều mỹ diệu, rõ ràng, tròn đầy không giảm. Tóc xanh biếc xoay quanh theo phía mặt, nhuần thấm như màu đen của loài ong. Sau cổ hiện rõ vòng ánh sáng viên mãn cũng như ánh trăng tròn. Diện mạo đoan nghiêm như hoa sen nở, hình nghi đĩnh đạc như núi vàng ròng. Hai bàn chân bằng phẳng diệu thiện, an trụ. Phần thân tròn đầy như cây Ni-câu-luật-đà. Thường dùng mắt từ ái nhìn các chúng sinh. Hết thảy người trông thấy Phật đều được lợi ích, theo phương tiện cứu giúp ra khỏi đường ác. Trong các thế gian không ai sánh bằng. Thế nên gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Nếu các chúng sinh thọ trì tịnh giới, thì có thể đạt được công đức như trên, cùng các Đức Như Lai bằng nhau không khác. Khéo có thể tạo lợi lạc cho hết thảy hữu tình, vì vậy sau bố thí là nói rõ về trì giới, hành tướng thứ lớp, như trước đã nói. Tỳ-kheo các ông, thường phải nhất tâm, vui hành trì bố thí, trì giới, vì người chỉ bày.

Đây gọi là thành tựu đầy đủ Lọng phước.

HẾT – QUYỂN 12

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12