Đ a n g t i d l i u . . .

Kinh Phước Cái Chánh Hạnh Sở Tập

Kinh Phước Cái Chánh Hạnh Sở Tập

KINH PHƯỚC CÁI CHÁNH HẠNH SỞ TẬP
Tác giả: Bồ tát Long Thọ soạn tập.
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa môn Nhật Xưng.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).

 

QUYỂN 11

Ở đây lại nói: Người phá giới đối với vô số các loại pháp thiện công đức hiện có của chư Như Lai là không thể thành tựu. Ví như vương nữ đem gả cho kẻ nghèo. Về đến nhà của người chồng rồi thì nói với chồng: Ta là con gái của vua, những điều mong muốn phải được như ý. Phải có các vật dụng trang sức nơi thân như các chuỗi ngọc anh lạc, vòng hoa, hương đốt thượng diệu, kho tàng của cải vật dụng thảy đều đủ cả. Nếu được như thế ta mới ở đây. Người chồng nghèo nói: Những vật như trên trong nhà đều không có. Cô gái con vua nghe rồi bèn trách mắng chồng: Nghèo thiếu như thế ta sẽ bỏ đi.

Đức Phật dạy: Người phá giới cũng lại như vậy. Không thể thành tựu người nữ giải thoát thanh tịnh tối thượng. Cũng không thể đạt được các thứ hương đốt như noãn, đảnh, nhẫn v.v…. Cũng không thể đạt được hoa do giới biệt giải thoát tạo thành. Cũng không thể có được vòng hoa do thiền định giải thoát tạo thành. Cũng không thể có được các loại kho tàng như Bồ-đề phần v.v… Cũng không thể đạt được trí vương do văn tư tu v.v… tạo thành. Cũng không thể chứng được Bồ-đề Chánh đẳng tối thắng, tối thượng. Cũng không thể chứng được quả vị Duyên giác, Thanh văn làm quyến thuộc. Người phá giới này do không có nghiệp thiện, nên ở trong đời hiện tại tức không có phước đức. Hết thảy người thiện đều không vui thích ở chung. Những điều nói ra người không tin dùng. Đối với pháp tài, công đức xuất thế gian của Như Lai hiện có thì vĩnh viễn mất phần.

Bấy giờ trong chúng hội, Tôn giả A-nan liền từ tòa ngồi đứng dậy, tiến tới trước bạch Phật: Thế Tôn! Vì sao đối với người hủy phạm giới trong chúng đệ tử, không vì họ thuyết giảng pháp yếu thâm diệu? Lại không thâu nhận mà bị đuổi ra? Nhiều người đều cho Đức Như Lai chẳng phải là bậc Đại Bi.

Đức Phật nói với Tôn giả A-nan: Ta đối với tất cả chúng sinh trong thế gian, thương xót bình đẳng, ở nơi pháp tuyên thuyết, tâm không sẻn tiếc. Do kẻ kia không phải là pháp khí, không thể nhận lãnh nỗi nên không thuyết trao cho họ. Chẳng phải như kẻ trí ở thế gian thuyết pháp, đối với các chúng sinh có tướng trái thuận. Nếu người chống trái thì không vì họ nói pháp. Như vật giữ trong nắm tay, giữ kỹ không trao cho. Như có quốc vương mở hội bố thí lớn, thỉnh các Sa-môn, Bà-la-môn, những vật cần dùng đều cung cấp đủ. Có Bà-la-môn từ phương khác đến, đứng trước mặt vua, xin nhiều vật. Vua nghe nói rồi thảy đều không cho. Khi ấy có vị cận thần khuyên vua tùy ý thí cho Bà-la-môn kia. Vua bèn trả lời: Chẳng phải là ta có chỗ xẻn tiếc. Vì người này không có đức nên không cho. Đức Phật nói: Này Tôn giả A-nan, Ta cũng như vậy. Do kẻ kia phá giới, chẳng phải là pháp khí, nên không vì họ mà thuyết giảng. Nếu như vì kẻ kia mà thuyết giảng, kẻ ấy cũng không thể lãnh thọ, như vật chứa có lỗ thủng thì không thể chứa trữ nước. Giả như ngày đêm gắng sức cung cấp nước, chẳng mấy chốc lại chảy ra hết. Người phá giới này không thể dung nạp nước pháp công đức cũng lại như thế. Nếu chỉ vi phạm phần nhỏ giới cấm, người này ở nơi các loại Pháp bảo như Bồ-đề phần v.v… cũng không thể thành tựu. Nên biết người ấy, chỗ thọ trì tịnh giới không gọi là viên mãn, lại không tăng trưởng. Giới hạnh như thế, vì không tăng trưởng, nên ở nơi pháp giải thoát cũng không tăng trưởng. Ở nơi pháp giải thoát đã không tăng trưởng thì chỗ đạt được của kẻ kia chẳng phải là đạo tịch tĩnh. Chỉ được gọi là giải thoát tương tợ. Nếu ở nơi giới pháp, giữ gìn chắc chắn không hủy phạm, người này tất ở nơi các loại pháp tài như Bồ-đề phần v.v…, mỗi mỗi đều đạt hiểu biết, tư duy như lý, được trụ an ổn. Tỳ-kheo các ông, ở nơi kinh điển này, thường vui thọ trì, vì người diễn nói công đức của bố thí, trì giới, thành tựu được Lọng phước.

Nếu các Tỳ-kheo trụ nơi chánh tư duy, gần gũi thiện hữu, vui nghe chánh pháp thì có thể trừ bỏ những thứ nhiệt não lo sợ của thế gian, ngăn dứt pháp ác, không khiến sinh khởi. Như diệt lửa dữ khiến không còn sót. Nếu các Tỳ-kheo trụ nơi tà tư duy, dẫn sinh phóng dật, khiến tâm tán loạn, thì chỉ thâu nhận lấy nhân duyên của năm dục, là nơi chốn phát sinh phiền não của các hữu tình, quyết định hoại mất các pháp công đức. Như mưa đá phi thời làm tổn hại lúa mạ, có thể tạo nên các loại tai nạn ở thế gian. Thường ôm giữ dua nịnh quanh co, không có hổ thẹn, bị hàng bạch y chê bai, khinh mạn. Người phi pháp này, ý chí thấp kém. Đối với quả thiện thanh tịnh của Sa-môn kia, tâm không vui cầu. Đối với các thứ nước pháp cam lồ của Như Lai thì không có thể uống. Vui làm các việc ác, mong cầu đi đến đường hiểm, tức thâu nhận lấy địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh, là các xứ ác khổ cùng cực mà lấy làm chỗ nương dựa. Hoặc đối với lời Phật dạy tâm không tin nhận, tuy hủy phạm giới ít mà phải thọ báo dữ, huống chi là tạo tác nghiệp ác rộng nhiều thì quả được chiêu cảm, khổ báo là khó lường. Như kinh Y La Diệp Long Vương Nhân Duyên nói:

Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở tại rừng Thí Lộc, là xứ vốn gắn bó của Tiên nhân thuộc thành Phù-la-noa, vì các đại chúng tuyên thuyết pháp yếu. Lúc ấy, Long vương Y La Diệp nhận biết Đức Phật Thế Tôn đang ở tại thành kia thuyết pháp, bèn phát tâm thanh tịnh, muốn đi đến chỗ Phật, thân cận cúng dường, liền khởi suy nghĩ thế này: Thân ta thuộc loài rồng, có nhiều oán cừu, nếu như cùng gặp gỡ tất bị tổn hại. Bèn biến thân mình làm Chuyển luân vương, tướng mạo đoan nghiêm, uy đức tự tại, dùng những chuỗi báu anh lạc làm vật trang sức nơi thân. Lại mang lọng tán đẹp, cỡi xe báu, gồm đủ bảy báu và ngàn người con, trong ngoài cùng đi theo. Lại dùng chín mươi câu-chi quân binh, trước sau lớp lớp. Lại có trăm ngàn ngoại đạo Phạm chí, Bà-la-môn v.v… những người xin ăn, thảy đều tùy tùng, uy thần hộ vệ như thiên Đế Thích, tức thì đi nhanh đến pháp hội của Đức Như Lai.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn có bốn chúng đệ tử, các chúng Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà v.v… cung kính vây quanh, vì họ thuyết giảng pháp. Lúc ấy, chúng hội kia nhìn thấy sự việc này, rồi đều sinh kinh nghi liền tiến tới trước bạch Phật: Đây là vua nào mà uy thần như thế?

Đức Phật nói với đại chúng: Đây là vua của hàng phi nhân. Nên chờ đợi trong chốc lát tự sẽ nhận biết. Khi đó, Long vương kia đã đến chỗ Đức Phật, tức đầu mặt đảnh lễ nơi chân Phật, rồi lui ra ngồi qua một bên.

Đức Phật nói: Long vương! Ngươi xưa do ngu tối, nay thọ báo này. Lại do duyên gì mà đến đây? Phải nên mau chóng đứng lên rời khỏi xứ này, bỏ những biến hóa hiện trở lại nguyên hình thì có thể tới đây, hiển thị nơi chúng hội.

Long vương thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi là thân rồng, rõ ràng là có nhiều oán đối, nếu bỗng nhiên gặp nhau ở đây, nhất định khởi lên tai nạn. Do vậy nên phải biến hóa.

Đức Phật Thế Tôn nghe Long vương kia nói như thế rồi, bèn lệnh cho thần đại Dược-xoa Kim Cang Thủ đi theo Long vương để bảo hộ khiến tới xứ khác mới hiện lại nguyên hình. Thân hình dài lớn, thô nhám khô khốc, nứt nẻ, cùng nhiều loại tướng ác chứa nhóm thành thân. Do nghiệp trước mà có bảy đầu, trên mỗi mỗi đầu đều có cây Y la. Do cây ấy cứ lung lay khiến phải khổ sở, máu mủ tuôn ra rất là xú uế, bị vô số loài giòi trùng bám theo rúc rỉa. Đã hiện lại nguyên hình rồi, trở lại nơi chỗ Đức Phật, đầu của Long vương kia ở tại thành Phù-la-noa, còn đuôi thì đã đến nước Đát-xoa-thi-la. Bấy giờ, các đại chúng, những người từ lâu đã lìa tham, thấy hình tướng xấu ác này cũng sinh kinh sợ, đều khởi suy nghĩ: Đây là loài hữu tình gì mà chiêu cảm quả báo như thế? Lại đi đến pháp hội này?

Đức Phật nói với đại chúng: Đây là hữu tình vừa biến làm Chuyển luân vương đi đến pháp hội này. Ta đã khiến rời đi nơi chốn khác để hiện lại hình tướng cũ. Các Sa môn nghe Đức Phật nói như thế đều buồn rầu, than thở rồi im lặng mà trụ. Long vương Y La Diệp đã hiện thân rồng rồi, liền buồn khóc bạch Phật: Ngưỡng mong Đức Thế Tôn đại từ bi thương xót, dự ghi cho con đến bao giờ thì thoát khỏi nẻo ác này?

Đức Phật nói: Long vương! Ta nay sẽ vì ngươi nói rõ, nên sinh tâm tin chắc chắn. Nơi đời vị lai về sau này, lúc thọ mạng của chúng sinh đạt tám vạn tuổi, có Đức Phật ra đời hiệu là Từ Thị, Đức Phật ấy sẽ dự ghi về thời gian phải trải qua của ngươi thoát khỏi thân rồng này.

Long vương nghe Phật nói như vậy rồi bèn cất tiếng khóc rống lên, nước mắt như nước sông. Phật dùng tâm đại từ bi khéo nói lời an ủi: Ngươi nên tự hối lỗi mình, không thể chỉ tăng thêm buồn khổ. Nay trong hội này, khó có thể ở lâu.

Lúc này, Long vương kia tự nơi thâm tâm nghiêm khắc trách mình: Nghiệp ác ấy của ta không có ai tương tợ. Nguyện nương nhờ nơi Phật lực, sớm lìa khổ này. Bèn phát thệ nguyện: Từ đây về sau, cho đến tận cùng đời vị lai, tâm không suy nghĩ tà, không sinh phóng dật. Cho đến đối với con dế, con kiến cũng không sinh tâm sát hại. Nói lời thề ấy rồi thì đảnh lễ nơi chân Phật, tức ở trong hội chúng bỗng nhiên biến mất.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhất tâm chắp tay thưa hỏi Đức Như Lai: Vị Long vương này, trước kia đã tạo tội gì phải đọa vào loài rồng? Lại do nghiệp gì mà có bảy đầu, trên mỗi mỗi đầu đều có cây Y la, mỗi khi lay động, thật là thống khổ, máu mủ trào ra? Kính mong Đức Như Lai vì chúng con giảng nói về nhân duyên ấy khiến rõ tội phạm.

Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan: Về đời quá khứ xa xưa, trong Hiền kiếp, lúc chúng sinh thọ mạng hai vạn tuổi, có Đức Phật ra đời, tên là Ca Nhiếp Ba, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thời đó, Long vương kia ở trong pháp Phật xuất gia tu đạo, làm Tam tạng Tỳ-kheo, chán sợ phiền não, tu hạnh xa lìa, ở nơi xứ vắng lặng, tu tập Xa-ma-tha (Chỉ). Từ định ra rồi, mặt trời đã quá giữa, bèn vào xóm làng kia hành pháp khất thực. Hoặc có được các thứ vật dụng, hoặc không được các thứ vật dụng, bị người trách mắng, liền sinh khởi phiền não. Ra khỏi xóm làng ấy về đến A-lan-nhã, bên cây Y la, đi qua đi lại, nhân đó dùng hai tay hái lá cây, gồm bốn lần, hái rồi lại hái, vò nát rồi vứt đi. Đức Phật biết được chuyện này, bèn quở trách Tỳ-kheo kia, cùng nói về giới tướng nhằm khiến hối lỗi. Nhưng Tỳ kheo ấy không tin thọ, lại nói: Đây là vật vô tình, đâu có lỗi gì! Do hai nhân duyên, nên thọ khổ báo như thế: Khất thực quá giờ phải chịu quả báo sinh vào loài rồng, do không tin lời Phật nên sinh cây Y la trên đầu.

Phật bảo các vị Tỳ-kheo: Long vương Y La Diệp kia chỉ tạo chút nhân ác, nay phải chịu nhiều khổ não. Tự mình tạo nhân, tự mình thọ quả. Chẳng phải do địa giới, thủy, hỏa, phong giới bên ngoài có thể chiêu tập. Hết thảy đều do nội tâm tạo tác.

Nếu các hữu tình hoàn toàn ưa tạo hắc nghiệp phi pháp thì ở trong đường ác nhất định phải thọ khổ báo. Nếu các hữu tình hoàn toàn vui tạo bạch nghiệp thanh tịnh thì ở trong nẻo người, trời nhất định thọ báo vui. Nếu các hữu tình nơi các nghiệp đã gây tạo, thiện ác xen lẫn, thì thọ nhận quả báo xen tạp. Cho nên các Tỳ kheo, ở nơi hắc nghiệp kia là hoàn toàn chớ tạo, ở nơi bạch nghiệp thì quyết định tu tạo. Quả báo đến nhanh cũng như dòng thác chảy, nghiệp thiện ác tạo ảnh hưởng không sai. Như có tụng nói:

Ví trải vô lượng kiếp

Nghiệp kia không thể hoại

Lúc quả báo thành thục

Chúng sinh quyết định thọ.

Đức Phật nói: Tỳ-kheo các ông phải nương theo lời Phật, tư duy như lý, đối với các thứ giới cấm không nên phạm dù chút ít. Thế nên Ta nay phân biệt tỉ mỉ về lỗi lầm của sự hủy phạm giới, nhằm khiến hữu tình sinh tâm sợ hãi sâu xa, vĩnh viễn đoạn dứt các ác, siêng hành các thiện. Tỳ-kheo các ông, đối với kinh điển này, nên vì người khác diễn nói, khiến thành tựu Lọng phước.

Bấy giờ, trong chúng hội, Tôn giả A-nan-đà thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Tướng trì giới này làm sao nhận biết rõ?

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: Muốn vào pháp Phật, trước phải giữ năm giới, đó là: Không sát sinh, lìa lấy vật không cho, xa hành dục tà, dứt lời nói hư vọng, lìa uống rượu phóng dật. Hành tướng như thế, mỗi mỗi đều nhận biết rõ. Này A-nan! Nơi nơi xứ xứ, thành ấp xóm làng có các thiện nam, tín nữ, nương dựa nơi pháp thiện, vui giữ tịnh giới, phát sinh tâm tịnh, ở nơi năm giới này trọn đời có thể vâng giữ.

Như Kinh Tạo Tác Phước Nghiệp nói: Thế nào là trì giới được thành tựu sự việc phước? Nếu người có thể đối với hết thảy hữu tình, không làm việc giết hại, người này được gọi là trì giới không giết hại. Người sát sinh, từ nơi tâm mới khởi, quyết định sẽ giết hại những vật nào, hoặc khiến người khác giết. Khởi tâm gia hạnh chính thức đoạn mạng sống của hữu tình kia, chặt cắt thọ dụng. Người này gọi là mắc tội sát sinh.

Nếu người đối với tài vật hiện có của người khác, lìa sự không cho mà lấy. Người này được gọi là trì giới không trộm cắp. Người trộm cắp, nghĩa là đối với vật của kẻ khác, không cho mà lấy. Hoặc làm việc cướp lấy. Hoặc kẻ khác để quên, giấu không trả lại. Cho đến ngay từ đầu, khởi tâm gia hạnh, trộm lấy vật kia. Người này gọi là mắc tội trộm cắp.

Nếu người có thể lìa tất cả nhiễm dục, hoặc đối với sắc của người khác, không sinh tâm xâm phạm. Người này được gọi là trì giới không dâm. Người hành dục tà, là chẳng phải trong thân tộc, tự làm trò khoe mình để làm hại người nơi xóm làng, xứ sinh nhiễm dục đều không nên đến mà cứ đến. Hoặc thân quyến kẻ khác, thường được giữ gìn, thì khéo sắp đặt phương tiện để lại châu báu của mình. Hoặc kẻ khác gặp nạn mà sinh cưỡng bức. Khởi tâm như thế cho đến hành tác, người này gọi là mắc tội tà dục.

Nếu người có thể lìa lời nói hư dối, ngôn thuyết chân thật, tâm miệng không trái. Người này gọi là trì giới không nói dối. Người nói dối, đó là thấy nói không thấy, không thật nói là thật. Như trong Luật nói: Như có Tỳ-kheo, từ phương xa đến, hoặc có người hỏi: Có thấy người kia v.v… không? Vị ấy thật sự là đã thấy nhưng đáp: Không thấy. Những loại như thế v.v… gọi là mắc tội nói dối.

Nếu người đối với rượu đã răn là không uống. Hoặc gió thổi bay mùi thơm, cũng không muốn ngửi. Người này gọi là trì giới không uống rượu. Rượu có ba loại: (1) Tô la. Là lấy gạo rang trộn lẫn với men tạo thành. (2) Mai lý. Loại này chỉ dùng rễ, quả, hoặc hoa, lá v.v… lấy nước ép làm thành. Hai loại rượu này đủ sắc, hương, vị. Do gió thổi mùi hương, ngửi đều muốn uống. Uống rồi thì mê say, tất sinh phóng dật. (3) Ma nật. Loại này lược không nói. Ba loại rượu ấy, nếu vui thích uống, người này gọi là mắc tội uống rượu.

Lại như Kinh Nan Nỉ Ca nói: Rượu Ma nật đó không nên làm ra. Tỳ kheo uống vào rồi thì dẫn đến phóng dật, hao tổn tài vật, thọ dụng không dồi dào thì tăng thêm sân hận. Hoặc cùng đánh đuổi nhau, cùng thêm lời thô ác, tranh cãi xô xát, cho đến mất hết y phục, lõa hình, không biết xấu hổ, tiếng xấu lan rộng, người thiện nên lánh xa. Bỏ quên việc tụng tập kinh điển Đại thừa, tổn giảm trí tuệ, tăng trưởng vô minh, không kính Tam bảo, cha mẹ, tông thân, ở trong dòng họ không được quý trọng. Như thế, người phá giới do uống ba loại rượu kể trên sinh các thứ lỗi lầm. Do vậy nên biết, đối với các sự việc như sát sinh v.v… không gây tạo nữa, thường phải xa lìa.

HẾT – QUYỂN 11

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả ý kiến