KINH PHƯỚC CÁI CHÁNH HẠNH SỞ TẬP
Tác giả: Bồ tát Long Thọ soạn tập.
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa môn Nhật Xưng.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).
QUYỂN 10
Lúc này, trưởng giả lại dùng kệ xưng tán Đức Phật rồi, kế phát lời chí thành khởi thệ nguyện lớn: Đem công đức căn thiện đã tu tập của con, nguyện đời vị lai được thành Phật đạo. Cũng như Đức Thế Tôn, thành tựu đầy đủ ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, dùng pháp dược vô thượng của trí vô ngại, có thể chữa lành bệnh tham sân si của chúng sinh. Đối với người không thân thích, vì họ làm chủ tể. Đối với người tối tăm, vì họ tạo chiếu sáng. Người chưa điều phục khiến khéo điều phục. Người chưa tin hiều khiến sinh tin hiểu. Người chưa an ổn khiến được an ổn. Người chưa được Niết-bàn khiến chứng Niết-bàn. Rốt ráo xa lìa sinh, lão, bệnh, tử, ưu bi khổ não. Đều khiến được sinh thiên, thọ hưởng an lạc thù diệu. Lại có thể khuyên tu hành tám Thánh đạo. Khai thị tuyên dương pháp bốn Thánh đế khiến chúng hữu tình kia nghe rồi tâm được ngộ giải. Tán thán vô số các công đức của Phật, Pháp, Tăng, vô lượng trí tuệ, tự tánh thanh tịnh, uy thần rộng lớn, không ai có thể hơn, có thể nhổ bật gốc khổ não của sinh tử luân hồi. Theo phương tiện khuyến dụ, dẫn dắt vào thành giải thoát, dần dần khiến tu các pháp công đức, giữ gìn tịnh giới, tu Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na. Ở nơi bốn vô úy, bốn thần túc, bốn chánh cần v.v… đối trị các thứ biếng trễ. Ở nơi bốn niệm xứ ghi nhớ rõ không quên. Nơi bốn tâm vô lượng bình đẳng tu tập. Nương nơi năm căn, năm lực, đoạn trừ chướng ngại của năm nẻo. Hiểu rõ về tướng của năm uẩn, mình người đồng nhau. Thành tựu viên mãn sáu Ba-la-mật. Dùng bảy Thánh tài rộng thí cho hết thảy. Tu tịnh giới túc, đi trên hoa bảy giác chi. Nhất tâm an trụ nơi bảy phương tiện quán. Phân biệt diễn nói tám chi Thánh đạo. Khéo có thể tu tập chín định thứ đệ. Đầy đủ mười lực, danh lan khắp mười phương, được mười loại tự tại cho đến thành Phật.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn thấy trưởng giả kia ở trong đại chúng, phát thệ nguyện rồi, liền khen ngợi: Lành thay! Ông nay thật là Đại long trong loài người, sư tử trong loài người, tối thượng tối thắng. Đại Tiên trong loài người, lìa các cấu nhiễm. Như hoa sen trắng có thể gắng sức chuyên chở tất cả chúng sinh, có thể thực hiện thành tựu đạo quả Bồ-đề vô thượng. Khi ấy, Đức Thế Tôn bèn đưa cánh tay kim sắc như hoa sen nở, màng lưới giữa các ngón tay, hoa văn xảo diệu, như cha vỗ về con, ấn nhẹ vào đảnh đầu của trưởng giả, dùng Phạm âm, như tiếng sấm mùa xuân, nói: Ông ở đời vị lai sẽ được làm Phật, hiệu là Năng Mãn Chúng Sinh Chí Nguyện, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, đầy đủ mười lực, phá diệt chúng ma, cõi nước thanh tịnh, rộng lớn giàu vui. Lúc ấy, trong hư không có các vị thiên tử tuôn mưa hoa hương vi diệu để cúng dường. Tất cả hữu tình nơi khắp thế giới của Phật đều phát tín tâm, vui tu hành phước. Đức Thế Tôn nói kệ:
Ông nơi đời vị lai
Tích tập công đức thắng
Ở trong biển sinh tử
Cứu vớt kẻ chìm đắm.
Qua vô số kiếp rồi
Sẽ được thành Phật đạo
Tuệ nhãn tịnh vô cấu
Hiện chứng tất cả pháp.
Đủ tướng phóng ánh sáng
Như mặt trời thế gian
Khiến hết thảy chúng sinh
Trừ tối tăm ba độc.
Trong đại chúng trời người
Tối thắng không ai hơn
Khéo điều phục hữu tình
Đều khiến tu phạm hạnh.
Là Đạo sư bậc nhất
Đầy đủ Nhất thiết trí
Được Bồ-đề tối thượng
Như hoa sen khỏi nước.
Khi ấy, Đức Thế Tôn ở trong đại chúng, thọ ký thành Phật cho trưởng kia rồi, lúc này dân chúng trong nước của vua Tần-bàsa-la đều phát tín tâm tán thán là điều chưa từng có. Do ở nơi chư Phật v.v… chuyên tu hành thí, nên ở trong xứ trời, người thường làm bậc Chủ tể có uy lực lớn. Luôn dùng tâm đại bi làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh. Quả vị Bồ-đề vô thượng quyết định đạt được. Cho nên Phật dạy: Các Tỳ-kheo v.v… ở nơi kinh điển này phải nên thọ trì, vì mọi người tuyên thuyết giảng nói.
Đã thuyết minh rộng về hành thí, sợ nhiều nên lại dừng. Nay sẽ hiển bày công đức của trì giới. Vì sao sau bố thí liền nói về trì giới? Đây là dựa nơi các kinh, thứ lớp là như thế. Lại các chúng sinh, phóng dật, tham đắm dục lạc, phần nhiều do trong tâm tự suy nghĩ tà vạy, rồi thuận theo đấy tạo tác, cho đến hiện hành, chuyển đến thân ngữ, phá hủy giới cấm. Vì khiến chúng sinh phát khởi đối trị, nên sau bố thí thì nói tướng trì giới. Nếu đệ tử Phật và các hàng tại gia đối với giới cấm kia, giữ gìn chắc chắn, không hủy phạm, đó gọi là trì giới thanh tịnh. Nếu các chúng sinh phát khởi suy nghĩ tà, thân ngữ ý nghiệp tạo tác nhiều tội, sát hại chúng sinh, đoạn mạng căn người. Vật sở hữu của người khác, không cho mà lấy. Tham vướng nhiễm dục, tâm không tạm bỏ. Nói dối, nói thêu dệt, nói lời thô ác, nói hai lưỡi, khởi tà kiến lớn, bài bác cho không có nhân quả. Giết cha, hại mẹ, giết A-la-hán, dùng tâm ác độc làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng, phá tháp, hủy hoại chùa, trộm vật của chúng Tăng, làm nhơ Ni tịnh hạnh, đối với những người thiện thích sinh khởi nhục mạ. Thường vui tụ tập nói lời vô nghĩa, khinh mạn giáo pháp, tham kinh doanh việc thế gian, sống theo tà mạng, tạo các nghiệp ác, giã thịt làm nem, làm lính giữ ngục, đồ tể giết hại vật, đánh bắt cá, đào tường khoét vách trộm cắp. Cho đến người nghèo có chút ít tài vật cũng cướp đoạt. Cho người khác thuốc độc, làm tổn hại chúng sinh. Voi, ngựa, bò v.v… vui vì đấu chọi. Phá hoại xóm làng, chặt đốn cây rừng. Phát ngôn sàm độc, chê trách bậc hiền thiện. Dối hiện uy nghi, tâm dua nịnh quanh co. Thiện nói là bất thiện, cho khiến không cho. Đã tạo các tội rồi, lúc sắp mạng chung, vô số tướng khổ thảy đều hiện tiền, thần thức đã diệt, nghiệp ác theo đuổi, đọa vào địa ngục, thọ khổ vô cùng.
Địa ngục có bốn: (1) Tro nóng dữ. (2) Phẩn tử thi. (3) Rừng kiếm. (4) Sông tro. Bốn địa ngục này gọi là Cận biên. Lại có tám địa ngục căn bản nóng. (1) Đốt cháy. (2) Đốt cháy dữ. (3) Chúng hợp. (4) Kêu gào. (5) Kêu gào lớn. (6) Nóng cháy. (7) Nóng cháy cực độ. (8) Vô gián. Lúc ấy, trong địa ngục kia có các ngục tốt hình dạng xấu xí, hung ác, thật đáng kinh sợ, hoặc tạo ra đầu bò, đầu lừa, đầu voi v.v… Thân hình dài lớn, map mạnh, da dẻ đen nhám, lông tóc vàng đỏ, cau mày trợn mắt, mũi hếch môi trề, hai tay cứng rắn, cầm gậy sắt hoặc cầm búa bén sáng, kích chùy đều là sắt, cưa sắt, bánh xe kiếm dây treo v.v… vô số các loại khổ cụ đều phát ra lửa dữ. Những ngục tốt này hung hiểm, gấp gáp, đối với những tội nhân kia không có chút tâm từ. Hoặc đốt, hoặc nấu, hoặc chặt, hoặc cưa. Bỗng chốc mạng chung, nhưng trong khoảnh khắc thì sống lại. Hoặc lại đuổi chạy vào địa ngục tro nóng dữ, địa ngục phẩn tử thi. Bàn chân cháy chín, cất bước lên thì trở lại như cũ. Xa thấy rừng cây, liền chạy đến trốn tránh. Đến rồi thì cành lá đều là mũi nhọn, từ trên rơi xuống, chặt cắt thân hình. Lại có các loài thú dữ: chim, thú, cọp, tê giác, sư tử, cá Ma-kiệt v.v… há miệng phun lửa. Răng chúng bén nhọn, cắn xé ăn nuốt. Những hữu tình tạo ác thì có cây sắt to, gọi là cây Sa-lạp-mạt-lê, bên trên có trăm ngàn gai sắc bén nhọn. Mỗi mỗi gai sắt dài mười sáu ngón tay. Khi đó ngục tốt xua đuổi tội nhân, theo vị trí trên dưới của chúng trên cây mà khiến gai đâm ngược vào. Các loài chim hung ác tranh nhau đậu lên trên chúng, mỏ bén, móng cứng, hoặc mổ, hoặc quắp. Ngục tốt hoặc dùng hòn sắt nóng to, lại dùng kềm banh miệng ra, bức bách phải nuốt. Hoặc nước đồng nấu chảy, rót vào miệng tội nhân, từ cổ họng suốt đến dưới, thảy đều cháy bỏng chín nát. Hoặc dùng đinh sắt đóng xuống lưỡi, rồi lấy cày sắt khiến bò cày lên trên. Hoặc ném tội nhân vào cối sắt to, lại lấy chày mà quết nát nhừ. Hoặc lấy hộp sắt kẹp lấy thân hình tội nhân. Nơi tai, mũi, miệng thảy đều vọt máu ra, hết thảy phần thân bị hủy hoại không sót chỗ nào. Lại có hầm than lớn rất sâu, cháy nóng dữ dội. Bắt những tội nhân kia ném vào trong ấy, giây lát biến thành đống khói. Lúc này những ngục tốt đều quở trách: Ngươi, thuở xưa tạo nhiều điều ác, tâm không từ bi, hủy phạm giới cấm. Nay thọ quả báo như thế, tự mình phải biết. Trong địa ngục này là rất khổ, khó kham, khó nhận, lâu dài thọ tội, nghiệp hết mới thoát ra. Cho nên Phật dạy: Tỳ kheo các ông, thường ở nơi kinh này, thọ trì đọc tụng, vì chúng nhân diễn nói, khiến tu thí, giới, thành tựu được Lọng phước.
Phật dạy: Kẻ phá giới kia, do tuệ ác, trong tâm suy nghĩ, không khởi đối trị, nhiệt não bức bách, gây tạo các tội. Giống như trong bọng cây khô đặt vào mồi lửa, tất bị đốt cháy hết. Như hạt giống hư, tuy gieo vào ruộng tốt nhưng cuối cùng không thể nảy mầm. Kẻ phá giới ở nơi ruộng pháp Phật, không thể sinh mầm thiện cũng lại như thế. Lại như cây rừng, thảy đều đốn gốc thì thân cây, cành lá không thể còn tươi tốt. Kẻ phá giới chặt đứt căn thiện, hoại pháp công đức, cũng lại như vậy. Giống như giếng cạn những kẻ khô khát muốn tìm lấy nước tất không thể được. Kẻ phá giới, hết thảy người thiện cầu pháp nơi họ, cũng không thể được. Như hạng Chiên-đồ-la không thể làm vua, hết thảy dân chúng không chịu tin phục. Người phá giới không thể giảng nói pháp, tất cả chúng sinh không thể nghe nhận. Ví như người ở nơi đám mía khô rục, muốn tìm cầu vị ngọt trọn không thể được. Nếu ở nơi người hủy phạm giới cấm, mong cầu công đức thì rốt cuộc là không có. Lại các người tại gia thấy Sa-môn kia đơn độc không hệ lụy tịch tĩnh an lạc, xả bỏ gia đình, vui làm Sa-môn. Còn kẻ kia không có nhân chánh, tâm không quyết định, ngu si ám độn. Đã làm Sa-môn rồi lại vui thích kinh doanh, theo sự nghiệp của thế tục, tham đắm dục nhiễm, phá hủy giới cấm. Lúc ấy, trong đại chúng có các vị trưởng lão cao đức quở trách và vì kẻ phá giới nói kệ:
Ngươi giữ ba y Phật
Vui tạo hành phi pháp
Ô nhục chúng thanh tịnh
Chiên-đồ-la không khác.
Trong tâm suy nghĩ tà
Các cảnh giới năm dục
Giống như trâu nghé kia
Thường nghĩ đến cỏ nước.
Vui làm việc thế tục
Buôn bán các châu báu
Thêm bớt giá trị hàng
Nói năng không thành thật.
Kia như nguồn lợi tràn
Tâm luôn không biết đủ
Vì cầu chút tài lợi
Gây tạo sự dối trá.
Ví như ong hút hoa
Nên dựa rừng hoa sen
Trái lại vào bụi gai
Uổng công chịu gian khổ.
Trong biển pháp Phật ta
Trọn không dung tử thi
Ở trong ruộng muối kia
Không sinh lại hạt giống.
Như bệnh hủi nối buộc
Không cách nào chữa trị
Ngươi tạo các nghiệp ác
Sao không thấy hoảng sợ?
Cũng như chiếc thuyền thủng
Mình người sao qua sông?
Đức Phật dạy: Người phá giới không nơi chốn nào có thể nhận lãnh, gánh vác, do đa dục, tâm tất cầu nhiều. Xâm phạm hình sắc của kẻ khác, luôn ôm giữ lo sợ, danh xưng bị hủy hoại, xa lìa thiện tri thức. Nên biết những kẻ ấy như người tham lam keo kiệt kia, rốt cuộc không có một chút công đức bố thí. Người phá giới như kẻ nghèo cùng không tay, tuy đến được núi châu báu nhưng không lấy được gì. Như bình bất tịnh, tuy đầy mà chỉ chảy tràn. Như hố sâu bay thú kia, người thấy đều lánh xa. Như rắn ở trong nhà, người thường lo sợ. Như vườn rừng đẹp, bên trong lù lù một con cọp dữ. Như đường hiểm ác, không ai muốn đi đến. Như xe bị phá hư không thể chuyên chở. Như kẻ xấu ác, người người đều xua đuổi. Như rắn độc kia, mắt không muốn nhìn. Như rừng Thi đà, người phần nhiều đều chán ghét. Như voi điên kia bị người hung dữ chế ngự. Như kẻ trộm cắp, người giàu ghét sợ. Giống như họa vẽ hoa Chiêm-bác-ca, kẻ kia không có hương giới cũng lại như vậy. Như rừng Chiên-đàn có cây Tỳ-ma, mùi hôi của nó cùng hòa lẫn, phải mau chóng đốn bỏ. Giả sử trong miệng có trăm ngàn lưỡi cũng không thể nói hết lỗi lầm của sự phá giới. Muốn biết về số lượng, thật không có bờ bến. Do phá giới nên không thể làm tăng trưởng pháp thiện bình đẳng của tất cả chúng sinh. Như trong Khế kinh nói: Có một người đàn ông bảo với rể của mình: Ngươi nay nên sửa soạn xe để vào rừng đốn củi. Do đốn củi nên kẻ ấy để lạc mất con bò. Rồi do đi tìm bò nên khiến người coi giúp xe. Bò còn chưa tìm được xe lại bị mất. Người này lo sợ vội tìm kiếm khắp nơi. Đi đến một cái ao, thấy có chim chóc, liền lấy búa từ xa ném vào chúng. Chim không trúng mà búa lại rơi xuống ao. Liền cởi y phục để trên bờ rồi lội xuống ao tìm búa. Búa không tìm được mà áo quần lại bị người trộm mất phải lõa hình về nhà. Lúc ấy đã chiều tối, về đến đầu cổng, núp dòm vào cửa sổ. Người nhà đều cho là có kẻ trộm đến, dùng gậy mà đánh, bị thương một mắt, máu trong mắt trào ra, bất tỉnh nằm trên đất. Lại có loài trùng dữ từ trên cao rơi xuống, ngửi thấy mùi máu tanh, lại ăn một con mắt. Đến sáng, cha vợ từ nhà đi ra, biết là chàng rể, lấy làm lạ hỏi duyên cớ. Anh ta mới thuật lại đầy đủ sự tình. Người cha liền vì chàng rể nói kệ:
Mất áo rồi hư mắt
Thân người sao chịu thế?
Đã không kham việc làm
Do đấy mà bỏ xa.
Cũng như đệ tử Phật
Thà phế bỏ đa văn
Nơi giới phải hộ trì
Phá giới như không mắt.
Nên biết người hủy giới
Giả danh làm Sa-môn
Không xứng thọ cúng dường
Mất các công đức thiện.
Ở đây lại nói, ví như trưởng giả mà có nhiều con, thường khuyên răn dạy dỗ, khiến không phóng dật, liền đem kho tàng với vô số các loại của cải vật dụng, nô tỳ tôi tớ, thảy đều giao phó cho. Như thế thì có thể giữ sự giàu vui lâu dài. Trong số các người con, hoặc có kẻ xa xỉ, hoang phí, mê đắm nữ sắc. Trưởng giả nghe rồi, liền nhóm họp thân thuộc tha thiết trách mắng, lấy một ít tiền của phân cho và đuổi ra khỏi nhà, lại răn đe: Cẩn thận chớ buông lung làm tan hoại tài sản của ngươi, sau phải chịu nghèo khổ, bị người khác bỏ đi. Người con này của trưởng giả, không theo lời cha dạy. Chẳng bao lâu sau, tiền bạc đều hết sạch, hình dung tiều tụy, phải xin ăn để tự nuôi sống, bị thân tộc khinh ghét. Lúc ấy, người cha thấy thế thì ưu sầu phiền muộn, tâm quyết định bỏ. Ở trước mọi người, lớn tiếng tuyên bố: Đây không phải là con của tôi. Đây không phải là con của tôi. Khiến người con kia nghe rồi ôm lòng hổ thẹn.
Đức Phật dạy: Ta cũng như thế. Nếu các đệ tử phá hủy giới cấm, không hổ không thẹn, tức liền đuổi hẳn ra khỏi pháp Phật, cũng không giao phó cho các pháp công đức như Bồ-đề phần v.v… cùng các loại Thánh tài. Bèn ở trong các đại chúng như trời, người, Sa-môn, Bà-la-môn v.v… lớn tiếng nói: Người phá giới này chẳng phải là đệ tử của Ta, khiến kẻ kia nghe rồi xấu hổ với tội lỗi.
Lại các người bạch y đã xuất gia rồi, phải nương nơi Sa-môn thanh tịnh mà trụ, mặc y cà-sa, cầm giữ bình bát, đội đèn tinh tấn, tu tập đa văn. Trái lại dựa nơi thế tục, sinh sống bằng nghề bất chính, cỡi voi, ngựa, thân mang giáp trụ, cầm cung đeo tên vào trong quân trận. Những việc như thế ở trong pháp Ta là hủy hoại luật nghi, mắt không muốn thấy. Ví như thế gian họa vẽ đèn đuốc, dẫu cho thật nhiều cũng không thể xua tan bóng tối. Người ngu si kia không thể phát khởi Thánh trí vô lậu, chiếu sáng thế gian cũng lại như vậy. Như kẻ phường chèo, mặc áo mũ đẹp, ở trước mọi người, tự xưng là vua, nhưng kẻ kia thật sự không có niềm vui bậc nhất đó. Người phá giới tuy mặc cà-sa, làm hình tướng Sa-môn nhưng không có cái vui vi diệu thanh tịnh xuất thế. Lại như người nghèo dối xưng là giàu sang. Ở trong đại chúng lớn tiếng tự nói: Ta là trưởng giả. Nhưng kẻ kia thật sự không được tự tại tùy ý. Người phá giới giả danh Sa-môn tất không thể đạt được quả giải thoát thắng diệu.
HẾT – QUYỂN 10