KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 32

 

1. THÁI TỬ NĂNG THÍ VÀO BIỂN TÌM CHÂU

Tiền thân của Đức Phật Thích Ca là một đại y vương, trị lành mọi thứ bệnh mà không cầu danh lợi, chỉ vì lòng thương xót mà cứu độ họ.

Lúc bấy giờ, người bệnh quá nhiều, Ngài muốn cứu sống tất cả mọi người nhưng không được như nguyện, nên Ngài buồn bã mà chết, thần hồn sanh lên cõi Trời Đao Lợi. Ngài thầm nghĩ: “Nay ta sanh ở cõi Trời, chỉ hưởng thọ phước báo, chứ không có lợi ích chi thêm.”

Thế rồi, Ngài xả tuổi thọ cõi Trời, sanh làm Thái tử của Long vương Bà-ca-đà, thân hình to lớn, được cha mẹ rất mực yêu thương. Nhưng sau đó, Ngài muốn xả bỏ thân rồng, bèn đi đến chỗ của vua kim sí điểu. Vua chim bắt rồng con đem lên cây Xa-ma-lợi ăn thịt. Cha mẹ rồng kêu khóc thảm thiết. Rồng con sau khi chết sinh vào cõi Diêmphù-đề làm Thái tử của vua một nước lớn, tên là Năng Thí. Vừa sanh ra, Thái tử đã biết nói, liền nói với mọi người xung quanh:

– Bao nhiêu của cải trong nước này hãy đem đến đây để bố thí.

Mọi người sợ hãi bỏ chạy. Chỉ còn một mình mẹ Thái tử vì thương con nên không nỡ xa lìa. Thái tử thưa mẹ:

– Con không phải là quỷ La-sát, vì sao mọi người đều bỏ chạy.

Kiếp trước con thường thích bố thí, là Đàn-việt của mọi người.

Mẹ Thái tử liền giải thích cho mọi người hiểu. Họ cùng nhau trở lại. Hoàng hậu nuôi dưỡng Thái tử chu đáo. Lớn lên, bao nhiêu của cải có được, Thái tử đều đem bố thí.

Về sau, Thái tử xin vua tài vật để bố thí. Vua chia cho Thái tử bao nhiêu, Thái tử cũng bố thí hết. Thấy người nghèo cùng, khốn khổ, Thái tử đều muốn bố thí cho họ, nhưng tài vật đã hết, liền than khóc, hỏi mọi người:

– Làm sao cho tất cả mọi người đều có đầy đủ của cải?

Những bậc trưởng thượng nói:

– Chúng tôi từng nghe nói nếu ai được châu như ý trên đầu Long vương thì cầu gì được nấy.

Nghe vậy, Thái tử xin cha mẹ vào biển tìm châu như ý. Cha mẹ nói:

– Ta chỉ có một mình con, nếu vào biển sẽ gặp nhiều hiểm nạn khó tránh khỏi. Lỡ con chết đi, cha mẹ làm sao sống nổi. Trong kho của ta còn nhiều tài vật, ta sẽ cho con hết để bố thí.

– Tâu Đại vương! Của cải trong kho thì có hạn mà ý nguyện bố thí của con thì không cùng. Con muốn mọi người đều được ấm no đầy đủ, xin cha mẹ cho con được toại nguyện.

Cha mẹ biết chí lớn của con mình, không nỡ can ngăn, đành cho Thái tử ra đi.

Lúc ấy, năm trăm khách buôn đều thích đi theo Thái tử. Ngày lên đường, họ tập hợp tại cửa biển. Thái tử hỏi mọi người:

– Ai biết đường đi đến cung Long vương?

Lúc ấy, có một người mù tên là Đà-xá, đã từng bảy lần vào biển lớn nên rất rành đường biển. Bồ-tát bảo ông ta cùng đi. Nhưng người mù nói:

– Tôi đã già rồi, hai mắt lại không thấy đường, tuy vào biển nhiều lần nhưng nay tôi không thể đi được.

Bồ-tát nói:

– Ta đi tìm châu như ý không phải vì mình mà vì muốn cung cấp cho tất cả chúng sanh được đầy đủ, rồi dùng chánh pháp giáo hóa họ. Ông là người trí có thể từ chối được sao? Nếu hạnh nguyện ta thành tựu, chẳng phải là nhờ công sức của ông sao?

Nghe vậy, Đà-xá vui vẻ nói:

– Theo Ngài vào biển, mạng tôi chắc không còn. Nếu tôi chết, xin Ngài đặt hài cốt của tôi trên bãi cát vàng.

Thuyền đi nhanh như gió, khi đến bãi báu, những khách buôn giành nhau lấy của báu, ai nấy đều đầy đủ. Họ hỏi Thái tử:

– Vì sao Ngài không lấy?

– Cái tôi cần tìm là châu như ý, còn những vật này rồi có ngày sẽ hết. Các ông phải biết đủ đừng lấy nhiều quá, thuyền chở nặng ắt phải bị chìm.

– Xin Ngài chú nguyện cho chúng tôi trở về được an ổn.

Sau đó, họ từ biệt nhau. Khi ấy, Đà-xá nói với Thái tử:

– Ngài hãy giữ lại chiếc thuyền nhỏ, theo đường riêng mà đi. Đợi bảy ngày nữa sẽ có gió đưa thuyền đến bờ biển phía Nam, vào một nơi nguy hiểm, thế núi cao chót vót, những cành táo phủ đầy trên mặt nước. Khi gió lớn nỗi lên thuyền sẽ lật úp, ông hãy mau vịn cành cây táo thí có thể thoát nạn. Còn tôi mù loà ắt sẽ bỏ mạng tại đây. Thoát khỏi nơi nguy hiểm này, thì đến một bãi cát vàng, Ngài nên chôn tôi ở đó. Được an nghỉ trong cát vàng thanh tịnh đó là chí nguyện của tôi.

– Thái tử y theo lời ông lão nói, đợi gió đến rồi đi. Khi đến chỗ núi cao chót vót, Ngài vịn lấy cành cây táo và được thoát nạn. Sau khi đặt thi hài Đà-xá vào lòng đất vàng, một mình Ngài ra đi. Đúng như lời Đà-xá nói, Ngài lần lượt trải qua: bảy ngày lênh đênh trên sông, bảy ngày đi giữa nước sâu ngang cổ, bảy ngày đi giữa nước ngang lưng, bảy ngày đi giữa bùn. Ngài bỗng thấy hoa sen tươi đẹp mềm mại, tinh khiết. Thấy hoa sen mềm yếu, Ngài liền nhập Hư không tam muội làm nhẹ thân mình rồi đi trên hoa sen bảy ngày. Gặp rắn độc, Ngài nghĩ: “Loại trùng ngậm độc này rất đáng sợ”.

Thái tử liền nhập Từ tâm tam muội, đi trên đầu rắn độc bảy ngày. Tất cả rắn độc đều ngẩng đầu cho Ngài đi qua. Thoát khỏi nơi này, Ngài đến một thành nọ, quanh thành có bảy lớp báu, bảy lớp hào, trong hào toàn là rắn độc. Cửa thành có hai con rồng lớn canh giữ. Thấy Thái tử hình dung đoan chánh, vượt khỏi các nạn đến được nơi này, rồng nghĩ: Đây chẳng phải là người thường, chắc là bậc Bồ-tát có công đức lớn. Nghĩ vậy rồng liền tránh đường cho Thái tử vào cung.

Vợ chồng Long vương vừa mất con nên buồn bã khóc lóc. Thấy Thái tử đến, vợ chồng Long vương nhờ có thần thông nên biết là con mình. Hai dòng sữa trên ngực long mẫu tự nhiên chảy ra. Long mẫu mời Ngài ngồi và nói:

– Con là con ta, bỏ ta mà đi, nay sanh vào chỗ nào?

Thái tử cũng biết kiếp trước, mình là con Long vương, liền đáp:

– Con sanh vào cõi Diêm-phù-đề làm Thái tử của một Đại quốc vương. Vì thương xót những người nghèo cùng đói khát nên con đến đây để xin châu như ý.

Long mẫu nói:

– Trên đầu cha con có châu như ý, dùng để trang sức, chắc ông ấykhông cho con, mà sẽ đưa con đến các kho báu, cha con sẽ hỏi nếu con muốn thứ gì thì cha con sẽ cho thứ ấy. Lúc đó con hãy trả lời: “Các thứ châu báu kia con không cần, con chỉ cần hạt châu như ý trên đầu Phụ vương thôi. Nếu Phụ vương thương con xin hãy cho con hạt châu ấy” chỉ có cách ấy cha con mới cho con hạt châu ấy.

Bồ-tát đến gặp Long vương. Long vương vô cùng vui mừng nghĩ: “Con ta đã không quản đường xá xa xôi tìm đến nơi này”. Long vương dẫn Thái tử đến kho báu nói:

– Con cần gì cứ lấy.

– Con từ xa đến đây, mong gặp phụ vương để xin châu như ý. Nếu cha thương con xin cha hãy cho con hạt châu ấy. Ngoài ra con không cần thứ gì ca.

– Ta chỉ có một hạt châu để trang sức trên đầu, người cõi Diêmphù-đề phước mỏng thấp hèn không đáng được thấy.

– Con vì châu như ý này mà liều chết đến nơi này. Chính vì người Diêm-phù-đề phước mỏng thấp hèn nên con mới đến xin cha châu như ý để cứu giúp họ. Sau đó con sẽ dùng chánh pháp giáo hoá họ.

Long vương chiều ý con, lấy hạt châu trên đầu đưa con, còn dặn dò thêm:

– Nay ta cho con hạt châu này, khi con sắp qua đời hãy đem trả lại cho ta.

– Con sẽ làm theo lời cha dạy.

Thái tử được châu, bay lên Hư không. Trong khoảnh khắc, Ngài đã về đến cõi Diêm-phù-đề. Vua và Hoàng hậu thấy con bình yên trở về, vui mừng khôn xiết ôm lấy con và hỏi: – Con được vật gì?

– Thưa cha mẹ, con được châu như ý.

– Con để ở đâu rồi?

– Thưa ba mẹ, con để ở trong chéo áo.

– Nó lớn hay nhỏ?

– Thưa ba mẹ, quan trọng là ở cái đức của nó chứ không quan trọng là lớn hay nhỏ, xin ba mẹ hãy ra lệnh cho người trong ngoài thành quét dọn đốt hương treo phan lọng, trì trai giữ giới,sáng sớm ngày mai dựng cây dài làm nêu và để châu lên đó.

Hôm sau, Thái tử đứng trước châu như ý lập thệ nguyện:

– Nếu tôi được thành đạo độ thoát tất cả chúng sanh, thì châu sẽ như ý nguyện của tôi hiện ra tất cả vật quý, tuỳ theo nhu cầu của mỗi người mà ban phát đầy đu.

Lúc ấy mây đen phủ khắp, Trời mưa các thứ báu: Yphục, thức ăn, ngoạ cụ, thuốc thang. Mọi ngườì đều được đầy đủ như ý nguyện cho đến khi mạng chung.

Bồ-tát bố thí Ba-la-mật là như thế.

(Trích luận Đại Trí Độ quyển 12)

2. THÁI TỬ THIỆN HỮU VÀO BIỂN TÌM CHÂU

Vào thời quá khứ, ở cõi Diêm-phù-đề có hai vị vua, vị thứ nhất tên Nguyệt làm vua nước Lợi-sư-bạt; vị thứ hai tên là Nguyệt Cái làm vua nươc Ba-la-nại. Cả hai vua đều sống rất hòa thuận,không có chuyện hiềm khích, cùng hứa với nhau rằng sau này có con sẽ kết làm thông gia

Vua Nguyệt Cái không con, ước muốn sanh được một người con trai nối dõi. Ngài đến cầu xin với tất cả các vị Thánh Thần. Có một vị thần sông nói với vua:

– Ở bên sông Tu-la-thát có hai vị tiên chứng ngũ thông, nếu hai vị này đồng ý làm con vua thì vua sẽ có con nối dõi.

Vua nghe lời đến chỗ hai vị tiên nói:

– Xin hai vị hãy tái sanh vào nhà tôi, nhà tôi đầy đủ dục lạc quý vị sẽ tự do thọ hưởng!

– Được! Cả hai vị Tiên cùng đáp.

Bảy ngày sau, vị thứ nhất mạng chung (Kinh Hiền Nhân ghi đó là Tiên nhân Kim Sắc ), thần thức nhập vào thai vị đệ nhất phu nhân. Sau bảy ngày nữa vị Tiên thứ hai cũng mạng chung thần thức nhập vào thai vị đệ nhị phu nhân.

Chín tháng sau, đệ nhất phu nhân sanh ra một hoàng tử rất khôi ngô tuấn tú. Ngày sanh hoàng tử, xuất hiện rất nhiều điềm tốt như: Năm trăm thương buôn từ biển trở về, năm trăm kho tàng tiềm ẩn tự nhiên hiện ra, năm trăm tử tù được thoát chết.

Ít ngày sau đó, đệ nhị phu nhân cũng sanh được một hoàng tử, nhưng ngày hoàng tử này ra đời có rất nhiều điềm quái lạ: Dã can kêu thảm thiết, A-tu-la che mặt Trời, năm trăm tử tù không ai giết mà tự nhiên chết (Trích Tứ Phần Luật, phần ba quyển chín).

Hai Hoàng tử ra đời, vua rất vui mừng vội mời các thầy tướng đến xem tướng và đặt tên cho các hoàng tử. Thầy tướng hỏi:

– Hai hoàng tử này khi sanh ra có xuất hiện điềm gì lạ không?

Vua đáp:

– Đệ nhất phu nhân trước kia tánh tình kiêu mạn, tật đố, nhưng kể từ khi mang thai Thái tử thì trở nên hiền hoà, nét mặt vui tươi, thương yêu mọi người.

– Hoàng tử là người có phước đức nên mới khiến như vậy – Thầy tướng đáp: Bệ Hạ nên đặt tên là Thiện Hữu (Luật Tứ Phần gọi là Thiện Hạnh, kinh Hiền Ngu gọi là Ca-lương-na-dà, đời Lương dịch là Thiện Sự ). Còn Hoàng tử Thứ hai thì sao? Thầy tướng hỏi tiếp.

– Trước kia Đệ nhị phu nhân tánh tình ôn hòa hiền từ, nhưng từ khi mang thai Thái tử, tánh tình thô bạo, nói ra toàn lời ác.

– Do hoàng tử mà tánh tình phu nhân thay đổi như thế. Bệ hạ nên đặt tên là Ác Hữu (Luật Tứ Phần gọi Ác Hạnh là Bỉ-bà-da-lợi, đời Lương dịch là Ác sự )

Lớn lên, hoàng tử Thiện Hữu rất thông minh nhân từ, thích làm việc bố thí. Vua và Hoàng hậu rất mực thương yêu. hoàng tử Ác Hữu tính tình hung bạo, việc gì cũng chống trái, Vua và Hoàng hậu rất ghét không muốn gặp mặt. Ác Hữu rất ganh ghét anh mình, luôn tìm cách hãm hại.

Một hôm nọ, Thái tử Thiện Hữu ra khỏi thành để tìm hiểu đời sống dân chúng. Thái tử đi trước tùy tùng theo sau đánh trống nhạc vang dậy khắp nơi. Thấy người cày ruộng, xới đất lật lên, chim chóc từng đàn sà xuống mổ ăn tất cả các côn trùng bò trên đất, Thái tử thương xót hỏi quần thần:

– Họ đang làm gì mà để các con vật tàn sát lẩn nhau như thế?

Quần thần đáp:

– Nước lấy dân làm gốc, dân lấy lúa gạo làm gốc, muốn có lúa gạo thì phải gieo trồng như thế!

-Thật khổ thay

– Thái tử thở dài.

Đi thêm một đoạn ngắn, Thái tử thấy người dệt vải, Ngài hỏi quần thần:

– Họ làm gì vậy?

– Tâu Thái tử! Họ đang dệt vải để may quần áo che thân.

– Việc này cũng nhọc nhằn lắm!

Thái tử đi tiếp, lại thấy một người đồ tể giết dê. Ngài hỏi quần thần:

– Người này làm gì vậy?

– Người này giết súc vật lấy thịt bán để đổi lấy cơm áo!

– Khổ quá nhỉ! mạnh hiếp yếu tàn sát lẫn nhau, gây oan kết trái nhiều đời kiếp.

Ngài lại đi tiếp thấy chim sa lưới, cá mắc câu, Ngài lại hỏi quần thần. Quần thần đáp:

– Họ đang giăng lưới bắt chim, thả mồi câu cá.

Thái tư thương xót lệ tràn khoé mắt, Nghĩ chúng sanh trên thế gian tạo nhiều điều ác khổ não không dứt. Ngài buồn bã quay xe trở về cung.

Thấy con không vui, vua hỏi:

– Có việc gì mà con buồn bã như thế?

Thái tử kể lại mọi việc. Vua nói:

– Đó là lẽ tự nhiên, việc gì mà con phải buồn!

– Con muốn xin phụ vương đem tiền bạc trong kho bố thí cho dân chúng!

– Tuỳ ý con!

Thái tử sai quần thần mở kho lấy đủ thứ trân báo chất đầy trên năm trăm con voi lớn, rồi cho voi đi khắp bốn cửa thành. hoàng tử truyền khắ¨p các thần dân trong nước, ai muốn vật gì thì lấy vật ấy. Nghe vậy, thần dân trong tám phương đều kéo đến, chẳng mấy chốc số châu báo trong kho đã phân phát gần hết. Quan giữ kho sốt ruột tâu vua:

– Xin bệ hạ hãy suy nghĩ lại, kho châu báo đã cạn hết rồi!

– Ta không muốn làm trái ý Thái tử – Vua đáp.

Ít lâu sau, quần thần họp nhau bàn bạc. Một vị nói:

– Đất nước nhờ có kho báu này, nay kho đã cạn thì nước ắt sẽ không còn.

Bàn xong, họ cùng kéo đến tâu Vua:

– Tâu Bệ hạ! Tài sản trong kho giờ chỉ còn lại một phần ba, xin Bệ hạ hãy suy xét kỹ lại!

– Ta không muốn làm trái ý Thái tử. Nhưng các khanh hãy tìm cách trì hoãn công việc của Thái tử.!

Hết bạc, Thái tử trở về mở kho thì quan giữ kho đã đi vắng. Thái tử cho người đuổi theo nhưng không kịp. Thái tử nói:

– Kẻ tiểu nhân này đâu dám trái ý ta. Đây hẳn là do Phụ vương ta sắp đặt. Đã là người con hiếu thảo thì ai lại phá hoại tài sản của cha mẹ mình như thế.Vậy giờ đây ta sẽ đích thân tìm ra châu báu để bố thí cho dân. Là một vị Thái tử mà không lo đầy đủ mọi thứ y thực cho dân thì thật hổ thẹn.

Thái tử triệu tập bá quan bàn bạc tìm cách làm ra của cải nhanh nhất.Vị nói làm ruộng, vị nói chăn nuôi gia súc… Một vị quan lớn nói:

– Muốn có được châu báu nhanh nhất không gì bằng vào biển, nếu tìm được viên ma ni bảo châu thì Ngài sẽ được toại nguyện!

– Hay quá! vậy thì ta phải đi ngay mới được!

Thái tử liền đến xin vua. Vua nghẹn ngào không nói nên lời, hồi lâu vua nói:

– Đất nước này là của con, kho báu này con cứ tự ý lấy dùng cần gì phải vào biển. Con là con của ta, từ nhỏ đến lớn chỉ sống trong thâm cung, ăn thì cao lương mĩ vị, ngũ thì chăn êm nệm ấm, nay con xin vào biển, đường xa đói khát mưa nắng dãi dầu, ai cận kề lo lắng cho con. Lại còn chưa kể đến vô số tai ương trong biển như: quỷ độc, rồng dữ, sóng to gió lớn, thêm nạn cá Ma kiệt luôn rình rập bắt người ăn thịt. Người đi thì vô số nhưng trở về thì có mấy ai. Sao con dại dột xin đến đó!

Thái tử quỳ mọp xuống đất nói:

– Nếu cha mẹ không cho con đi, consẽ quỳ ở đây cho đến chết!

Vua và Hoàng hậu nói cách nào Thái tử cũng không nghe. Thái tử nhịn ăn và quỳ suốt sáu ngày. Vua và Hoàng hậu lo lắng sợ Thái tử chết. Đến ngày thử bảy, Hoàng hậu đến bên Thái tử nắm tay dỗ dành.

Thái tử thưa:

– Nếu cha mẹ không bằng lòng, con nguyện sẽ chết nơi đây.

Hoàng hậu sợ hãy xin vua:

– Bệ hạ ơi! Nếu chí con đã quyết thì khó mà lay chuyển đươc, thôi thì hãy chiều nó, đừng can ngăn nữa. Thiếp không nở nhìn con chết dần chết mòn tại đây. Xin bệ hạ cho Thái tử vào biển còn tốt hơn. Nếu không, chắc nó chết mất.

Vua đồng ý. Thái tử mừng rỡ đứng dậy lạy vua và Hoàng hậu. Vua tuyên cáo khắp nơi tìm người xung phong theo thái tư vào biển. Nghe tin, có năm trăm ngươi tìm đến xin vua theo thái tử. Trong số đó có một người thường đi biển, biết rõ đường đi lối về, nhưng tuổi lại quá cao, mắt mờ tai điếc. Vua nói vói vị ấy:

– Ta chỉ có một người con, từ nhỏ đến lớn chưa ra khỏi của, khanh hãy cố gắng theo dẫn đường giúp cho Thái tử.

– Tâu bệ hạ, biển lớn nhiêu nạn, gian khổ vô cùng, người đi trăm vạn, người về được mấy ai. Sao bệ hạ lại cho Thái tử đi vào nơi nhiều hiểm nạn như thế?

– Vì thương con nên ta mới đồng ý

– Vậy thì tôi xin tuân lệnh

Thái tử và năm trăm tuỳ tùng chuẩn bị hành trang lên đường.

Hoàng tử Ác Hữu nghĩ: “Thái tử Thiện Hữu được cha mẹ thương yêu lo lắng, nay đã vào biển tìm châu, nếu tìm được châu trở về, chắc cha mẹ bỏ quên ta mất”. Ác Hữu liền đến tâu vua:

– Xin phụ vương cho con được theo anh Thiện Hữu vào biển tìm châu.

– Tuỳ ý con. Trên đường hiểm nhiều nạn anh em phải thương yêu giúp đỡ nhau!

Đến biển, Thái tử cho neo thuyền lại bảy ngày. Đến ngày thứ tám, Thái tử đánh trống nói:

– Trong các khanh nếu ai chấp nhận theo ta vào biển thì im lặng, còn nếu ai nhớ người thân và sợ gặp nạn thì nên trở về.

Tất cả đều im lặng. Thái tử ra lệnh nhổ neo căng buồm tiến thẳng ra biển. Nhờ lòng từ bi và phước đức của Thái tử mà trên đường an ổn.

Đến núi trân bảo, Thái tử đánh trống tập hợp mọi người lại và nói:

– Đã đến núi trân bảo, các ông hãy mau đến lấy trân bảo chở về!

Đoàn người ở lại núi bảy ngày. Thái tử lại nói:

– Trân bảo này rất quý, ở cõi Diêm phù không có được, nhưng các vị đừng chở quá nặng vì thuyền sẽ chìm, cũng đừng chở quá ít sẽ uổng công đường xa gian khổ. Dặn dò xong, Thái tử chia tay mọi người:

– Chúc quý vị trở về bình an, ta sẽ đi tìm cho được hạt châu ma ni!

Mọi người lên thuyền, Thái tử cùng ông lão dẫn đưòng đi về phía trước. Đi hết tuần lễ đầu, họ đến một nơi nước ngập ngang gối, đi hết tuần lễ thứ hai, thì nước lên đến cổ, đi hết tuần lễ thứ ba, thì họ trôi đến một vùng đất báu. Ông lão hỏi:

– Vật gì trên đất thế?

– Trên đất này toàn là cát bạch ngân

– Thái tử đáp.

– Gần đây có một quả núi trắng. Thái tử thấy quả núi ấy chưa?

– Phương Đông Nam có một quả núi Bạch ngân, chúng ta sẽ đến núi này!

  • Rồi chúng ta sẽ đến nơi toàn cát vàng!

Đến đây, ông lão kiệt sức ngã quỵ xuống đất thều thào:

– Tôi không còn đủ sức để đi cùng Thái tử. Thái tử cứ tiếp tục đi về phương Đông, đi khoảng bảy ngày sẽ đến núi vàng, khoảng bảy ngày nữa sẽ đến nơi toàn hoa sen xanh, đi bảy ngày nữa thì đến nơi toàn hoa sen đỏ, đi bảy ngày nữa thì đến thành Đại Bảo, thành này được làm bằng bảy báu, là nơi ở của Long vương. Trong lỗ tai Long vương có viên bảo châu Như ý. Thái tử hãy đến xin ông ta. Nếu được hạt châu ấy thì mưa ở cõi Diêm-phù-đề toàn bảy báu, thức ăn, thuốc men, và các thứ kỹ nhạc v.v… muốn thứ gì thì có liền thứ ấy …

Nói đến đây, ông lão trút hơi thở cuối cùng. Thái tử ôm lấy ông lão khóc lóc và than rằng: “Sao Người bỏ ta mà ra đi ra đi một mình như vậy! ”

Thái tử đào đất chôn ông lão lấy cát vàng phủ trên mộ, đi quanh bảy vòng, đảnh lễ ông lão rồi tiếp tục lên đường. Đi khỏi núi vàng Thái tử đến nơi tòan hoa sen xanh, phía dưới hoa có một loài rắn xanh, rắn này có ba nơi tiết ra nọc độc là: ở răng, ở da, và trong hơi thở. Mỗi con rắn quấn quanh một hoa sen xanh. Tấtt cả bọn chúng đều giương mắt lên gườm Thái tử. Thái tử nhập từ bi tam muội rồi đi trên những lá sen xanh. Tất cả rắn độc đều không làm gì được Ngài. Thái tử đến cung Long vương. Quanh cung có bảy lớp thành và bảy lớp hào, mỗi lớp đều có nhiều rồng độc nằm cuộn vào nhau, đầu vương ra giữ cửa thành. Thấy rồng độc, Thái tử nghĩ đến tất cả chúng sanh trong cõi Diêm-phùđề. Ngài buồn bã nghĩ: “Nếu nay ta bị rồng độc làm hại thì sao họ có được lơị ích” Ngài liền giơ cánh tay phải nói với rồng độc:

– Này các vị! Tôi vì tất cả chúng sanh mà đến đây để tìm Long vương.

Nghe vậy, rồng độc mở đường cho Thái tử vào.

Thái tử vào trong thấy hai ngọc nữ mặc áo bằng pha lê. Thái tử hỏi:

– Các cô là ai?

– Chúng tôi là tỳ nữ giữ cửa ngoài của Long vương!

Ngài đến cửa giữa lại thấy bốn ngọc nữ mặc áo bạc. Thái tử hỏi:

– Các cô là vợ của Long vương phải không?

– Không phải! Chúng tôi là tỳ nữ giữ cửa giữa cho Long vươngThái tử đi đến cửa cuối cùng thấy tám ngọc nữ mặc áo vàng. Thái tử hỏi:

– Các cô là ai?

– Chúng tôi là tỳ nữ giữ cửa cho Long vương!

– Các cô hãy vào tâu với Long vương có Thái tử Thiện Hữu con vua nước Ba-la-nại ở cõi Diêm-phù-đề muốn vào yết kiến.

Người giữ cửa vào tâu với Long vương. Long vương hết sức kinh ngạc nghĩ: “Nếu không phải là người phước đức toàn thiện thì không thể nào đến được nơi này”. Ngài liền mời Thái tử vào cung. Trong cung được xây bằng ngọc lưu ly màu đỏ thẩm, bảy báu trang hoàng khắp nơi rực rỡ. Thái tử vào cung thuyết pháp cho Long vương nghe dạy nhiều điều lợi ích, khen ngợi và bàn về bố thí, trì giới, và con đường đi đến cõi Trời và người. Long vương vui mừng hỏi:

– Thái tử có việc gì mà đường xa lặn lội đến đây!

– Thưa Long vương, chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề chỉ vì cơm áo mà phải chịu khổ vô lượng. Tôi đến đây vì muốn xin Long vương viên bảo châu ma ni để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.

– Được! nhưng xin Thái tử hãy ở lại đây một tuần!

Thái tử nhận lời. Bảy ngày sau Thái tử đem châu ma ni trở về. (Kinh Hiền Ngu ghi: Khi Thái tử đến cửa thành bảy báu, thì cửa thành đã đóng chặt, thấy bên cửa có một chiếc chày kim cương – Theo lời người dẫn đường nói – Ngài liền lấy chày dọng vào cửa, cửa liền mở. Có năm trăm vị thiên nữ đem viên bảo châu đến dâng cho Thái tử. Vị thiên nữ đi đầu lấy hạt châu đính vào áo Thái tử). Long vương sai các vị Long thần đưa Thái tử trở về. Về đến quê nhà, gặp Ác Hữu, Ngài hỏi:

– Những người đi cùng chúng ta hiện đang ở đâu?

– Thuyền chìm, tat cả đều đã chết. Em được sống là nhờ níu lấy một tử thi. Tất cả châu báu lấy được đều chìm mất.

– Cái quý nhất của con người là mạng sống – Thái tử thở dài.

– Không đúng! Trên thế gian này, người ta nghĩ giàu mà chết thì vẫn tốt hơn nghèo mà sống – Vì sao em biết?

– Em đến nghĩa địa nghe những con quỷ nói nhau như thế!

– Tuy em bị mất hết của báu nhưng em vẫn là người sướng nhất kia mà! Ta đã được Long vương tặng cho hạt châu như ý!

– Ở đâu vậy?

– Anh để trong búi tóc.

Nghe vậy người em khởi tâm ghen ghét, nhưng vẫn hết lời khen ngợi người anh:

– Anh hay quá! Anh giỏi quá! Được châu anh phải giữ gìn cho cẩn thận.

Thiện Hữu lấy hạt châu đưa cho em và nói:

– Em giữ đi, nếu buồn ngủ thì hãy đưa lại cho anh giữ. Nếu anh buồn ngủ thì anh sẽ đưa cho em giữ vậy!

Dặn dò xong, người anh nằm xuống ngủ thiếp đi. Cầm hạt châu trong tay, Ác Hữu khởi tâm muốn chiếm đoạt. Hắn lấy hai que tre đâm vào mắt anh mình (Luật Tứ Phần ghi: Ác Hữu dùng cây Khiếp-la- đà để đâm) rồi bỏ chạy. Thiện Hữu kêu to:

– Ác Hữu ơi, có giặc đến đâm mù hai mắt anh rồi em hãy cầm châu chạy đi.

Ác hữu không đáp Thiện Hữu buồn bã sợ Ác Hữu bị giặc giết chết. Ngài cất tiếng kêu to âm vang chấn động cả núi rừng nhưng vẫn không có tiếng trả lời. Thấy vậy, thần cây lên tiếng:

– Ác Hữu em Ngài chính là giặc ác, đâm mù hai mắt Ngài, rồi cầm châu bỏ chạy. Thái tử buồn bã thở dài.

Ác Hữu đem châu về nước thưa với cha mẹ:

– Tâu phụ vương cùng mẫu hậu! Trên đường trở về thuyền bị đắm. Nhờ có phước đức nên con mới được sống sót trở về, còn Thiện Hữu anh con và đoàn tuỳ tùng đã bị nước cuốn trôi mất.

Vua và Hoàng hậu khóc lóc rồi ngã quỵ trên đất, hồi lâu tỉnh lại nói:

– Ác Hữu, ngươi còn về đây làm gì nữa!

Bị mắng, Ác Hữu buồn bã đem châu chôn dưới đất.

Thái tử Thiện Hữu bị hai que tre đâm vào mắt không nhổ ra được. Ngài buồn bã quanh quẩn không biết đi đâu về đâu. Vừa đau vừa đói, sống không được mà chết cũng không xong, khổ sở vô cùng. Ngài mò mẫm từng bước, lần đến nước Lợi sư bạt. Công chúa con vua nước này là người đã hứa hôn với Ngài trước kia.

Thái tử mệt mõi ngồi nghĩ trên đường. Có một người chăn trâu dẫn năm trăm con trâu chạy ngang. Thấy Thai tử trâu đầu đàn chạy đến dang bốn chân ra để bầy trâu đi qua không dẫm lên Thái tử, rồi quay lại giương cổ lè lưỡi liếm hai mắt Thái tử khiến hai que tre bật ra. Người chăn trâu thấy vậy hỏi:

– Ông là ai?

– Tôi là người mù ăn xin!

Người chăn trâu nhìn kỹ từ đầu đến chân Thái tử thấy có nhiều điểm khác người. Ông nói:

– Nhà tôi gần đây, ông hãy về nhà tôi ở, tôi sẽ lo lắng cho ông!

Thái tử đồng ý và theo người chăn trâu về nhà. Người chăn trâu lo việc ăn uống cho Ngài hết sức chu đáo. Ông còn dặn dò người nhà:

– Các ngươi hãy hầu hạ người này giống như hầu hạ ta vậy!

Thái tử sống nơi ấy khoảng một tháng. Những người trong nhà tỏ vẻ khó chịu. Ngài buồn bã thở dài. Sáng hôm sau Thái tử nói với chủ nhà:

– Tôi muốn ra đi!

– Có việc gì làm Phật ý Ngài chăng?

– Theo phép làm khách thì không được ở lâu, nếu Ngài thương tình thì cho tôi xin một cây đàn tranh và đưa tôi đến chổ đông người!

Chủ nhà đồng ý.

Giữa nơi thành thị Thái tử đem đàn ra gãy, tiếng đàn réo rắt ai nghe cũng thích, người đi đường có kẻ dừng lại nghe đàn và bố thí cho Ngài chén cơm bát nước.

Vua nước này có một khu vườn cành lá sum xuê tươi tốt, nhưng gặp phải nạn chim tước. Người giữ vườn nghe tiếng đàn của Thái tử, liền nói với Ngài:

– Ngươi theo ta về, gãy đàn để giữ chim cho ta nhé. Ta hứa sẽ giúp đỡ ngươi!

Người giữ vườn lấy dây cột vào chiếc chuông đồng rồi treo lên ngọn cây, đầu dây còn lại ông đưa cho Thái tử nói:

– Ngươi hãy cầm lấy sợi dây này và ngồi xuống gốc cây, hễ nghe tiếng chim kêu thì kéo dây nhé!

– Được rồi, tôi ngồi đây vừa giữ chim vừa gãy đàn thật là thú vị.

Ít hôm sau, công chúa con vua Lợi Sư Bạc cùng tỳ nữ dạo chơi trong vườn, thấy người mù ngồi dưới gốc cây, công chúa đến hỏi:

– Ngươi là ai?

– Ta là người mù xin ăn.

Vừa gặp Thái tử, tự nhiên công chúa đem lòng yêu mến, ở mãi nơi đó không chịu về cung. Vua cho người đến triệu công chúa về. Công chúa nói:

– Ta bận mang thức ăn đến cho anh mù.

Đợi người mù ăn xong, công chúa trở về tâu với phụ vương:

– Tâu phụ vương! Xin phụ vương cho con cùng anh mù kết duyên chồng vợ.

– Con điên rồi sao? Trước kia cha đã hứa gã con cho Thái tử Thiện Hữu, con vua nước Ba-la-nại. Hiện giờ Thái tử đang vào biển, một thời gian sau sẽ trở về tiến hành hôn lễ. Tại sao nay con đòi lấy thằng mù. – Cha mẹ không đồng ý, con dù chết cũng không bỏ ý định này!

Vua và Hoàng hậu không còn cách nào khác đành rước anh mù vào cung chung sống với công chúa. Vào phòng riêng, công chúa nói với anh mù.

– Thiếp sẽ cùng chàng kết tình phu phụ!

– Cô là ai mà muốn làm vợ ta?

– Thiếp là công chúa con vua Lợi-sư-bạt!

– Cô là công chúa còn ta là kẻ ăn xin. Làm sao có sự cung kính lẫn nhau được?

– Chàng đừng lo, thiếp sẽ hết lòng hầu hạ chăm sóc chàng!

Hai người chung sống với nhau một thời gian. Một hôm nọ, công chúa có việc ra ngoài mà không nói với chồng biết. Hồi lâu trở về người chồng trách:

– Nàng giấu dếm ta việc gì mà ra ngoài không nói cho ta biết?

– Thiếp không có việc gì giấu giếm chàng cả!

– Giấu giếm hay không chỉ có nàng biết. Ta làm sao biết được!

Nếu thiếp có việc giấu giếm chàng thì khiến hai mắt chàng sẽ mù lòa vĩnh viễn. Nếu không thì xin cho một mắt chàng được bình phục như cũ.

Công chúa vừa nguyện xong, thì một mắt Thái tử tự nhiên sáng tỏ trở lại

– Chàng còn nghi ngờ em nữa không?

Thiện Hữu phì cười.

– Chàng không biết ơn thiếp bấy lâu nuôi dưỡng chăm sóc chàng. Thiếp là công chúa, chàng chỉ là kẻ ăn xin nhưng thiếp vẫn hết lòng lo lắng cho chàng vậy mà chàng vẫn chưa vừa, còn nghi ngờ thiếp thế này thế nọ!

– Nàng có biết ta là ai không?

– Chàng là người mù ăn xin, thiếp còn lạ gì việc ấy!

– Không phải, ta là Thái tử Thiện Hữu con vua nước Ba-la-nặi!

– Chàng điên rồi sao! Thái tử Thiện Hữu đi biển đến nay vẫn chưa về. Chàng nói dối, em không tin đâu!

– Ta từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ biết nói dối!

– Ai biết được điều đó!

– Nếu ta dối nàng thì hãy khiến cho con mắt còn lại của ta bị đui chột suốt đời, còn nếu đó là sự thật thì xin khiến cho con mắt còn lại được bình phục như cũ.

Vừa nói xong con mắt còn lại của Thiện Hữu được bình phục sáng tỏ như xưa. Cả hai mắt đều được bình phục vẻ mặt Thiện Hữu bỗng sáng sủa đẹp đẽ vô cùng.

Công chúa hết sức mừng rỡ, lẳng lặng nhìn suốt từ đầu đến chân Thiện Hữu. Sau đó, công chúa đưa Thiện Hữu vào cung và tâu vua:

– Tâu phụ vương! chồng con, anh mù xin ăn, chính là Thái tử Thiện Hữu!

– Đồ ngu si! Thái tử Thiện Hữu chưa về. Tên mù này sao dám mạo danh là Thái tử?

– Nếu phụ vương không tin thì xin phụ vương hãy đến xem mặt một lần!

Vua đến xem. Quả đúng là Thiện Hữu. Ông sợ hãi nói:

– Vua Ba-la-nại biết việc này ắt sẽ quở trách ta nhiều lắm! Xin Thái tử tha lỗi, tôi thật tình không biết.

– Vua đừng lo! Ngài hãy cho tôi xin một số tiền để ban cho người chăn trâu đã cứu tôi hôm nọ.

Vua liền cho rất nhiều vàng bạc, quần áo v.v… đem đến cho người chăn trâu. Người chăn trâu vô cùng vui mừng nghĩ: “Mình làm phước đâu được bao nhiêu mà nay quả báo lại nhiều như vậy”. Ông liền hô to:

– Tạo phước trước kia, đến nay quả báu thật nhiều vô lượng!

Những người nghe được lời ấy đều phát tâm bố thí.

Khi còn ở hoàng cung Thái tử có nuôi một con bạch nhạn lúc nào cũng theo bên Thái tử. Một hôm Hoàng hậu nói với nhạn

– Thái tử khi ở nhà luôn thương yêu ngươi. Nay Thái tử đã vào biển sống chết thế nào không ai biết. Ngươi không nhớ Thái tử sao?

Nghe vậy, nhạn bay lên lượng mấy vòng cất tiếng kêu buồn bã nước mắt rỏ xuống đất. Nhạn nói:

– Tôi muốn đi tìm Thái tử!

Hoàng hậu đích thân viết một lá thư cột vào cổ nhạn. Nhạn bay vụt lên Hư không rồi mất dạng.

Nhạn tìm khắp trên biển, không gặp Thái tử, liền bay trở về tìm nơi đất liền. Tìm lần đến nước Lợi-sư-bạt, thấy Thái tử ở trước cung điện, nhạn vui mừng bay đến sà xuống trước mặt Thái tử. Thái tử gỡ lấy lá thư trên cổ nhạn, lễ lạy bức thư bồi mở ra đọc mới biết được cha mẹ thương nhớ mình khóc suốt cả ngày đêm. Thái tử viết một bức thư tâu trình mọi việc rồi cột lên cổ nhạn kêu nhạn bay về chỗ cha mẹ.

Được thư con, vua và Hoàng hậu mừng rỡ. Biết Thiện Hữu bị Ác Hữu đoạt châu rồi đâm cho mù mắt, Vua và Hoàng hậu tức giận bắt Ác Hữu giam vào ngục. Lại sai sứ đến quở trách vua nước Lợi-sư-bạt:

– Tại sao vua Lợi -sư-bạt dám giấu Thái tử để vua Ba-la-nại ngày đêm sầu khổ?

Vua Lợi-sư-bạt vô cùng sợ hãi liền đưa Thái tử trở về với vua Bala-nại. Lại sai sứ đến nước Ba-la-nại xin gả công chúa cho Thái tử.

Thái tử đưa vợ về nước. Vua và Hoàng hậu đích thân nghinh đón Thái tử. Cả hai cùng ngự trên một con voi lớn, dẫn theo sau một đoàn tuỳ tùng, trống nhạc ca hát vang dậy khắp nơi, khói hương nghi ngút, dù lọng rợp Trời. Nhân dân trong nước hay tin Thái tử trở về, họ mừng rỡ đổ cả ra đường nghinh đón Thái tử.

Về đến hoàng cung, Thái tử vào lễ phụ vương và mẫu hậu. Lúc này, vua và Hoàng hậu mắt đã mù loà, không thấy được mặt con. Hai người sờ khắp người Thái tử nói:

– Ta vì thương nhớ con mới đến nỗi này!

Vấn an sức khoẻ cha mẹ xong. Thái tử hỏi:

– Tâu phụ vương! Ác Hữu hiện đang ở đâu?

– Cha đã bắt nó giam vào ngục!

– Xin phụ vương hãy thả Ác Hữu ra, con muốn gặp mặt. Thái tử năn nỉ vua cha ba lần như thế. Vua bèn ra lệnh cho thả Ác Hữu.

Gặp lại Ác Hữu, Thiện Hữu chạy đến ôm chầm lấy, hỏi thăm mọi việc, lại khéo lựa lời khuyến dụ:

– Em đã chịu mọi gian khổ giữ giùm anh viên bảo châu, hiện giờ em cất nơi đâu?

Ác Hữu không đáp. Thiện Hữu hỏi đến lần thứ ba, Ác Hữu mới nói:

– Em đã chôn nó trong đất.

– Thiện Hữu tìm lại được châu, liền đến trước vua và Hoàng hậu quỳ xuống đốt hương khấn nguyện:

– Nếu đây là hạt châu Như ý thì xin cho đôi mắt của cha mẹ ta được bình phục

Vừa nguyện xong, mắt của vua và Hoàng hậu lành hẳn. Nhìn thấy con hai người vô cùng sung sướng.

Đến ngày rằm, Thái tử tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới rồi lên đài cao đốt hương thật quý. Ngài nâng lư hương lên trán đảnh lễ hạt châu thệ rằng: “Vì muốn tất cả chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề này có đầy đủ vật chất để sinh sống, mà ta phải chịu đựng biết bao gian khổ để tìm cho bằng được hạt châu này”.

Thái tử nói chưa dứt lời, thì ở phương Đông gió lớn bỗng nỗi lên, mây mù tan biến, bầu Trời trong xanh. Các thứ dơ uế như: đờm dãi, phẫn tiểu, bụi bặm đều bị chôn vùi, mặt đất vô cùng sạch sẽ. Từng trận mưa kéo đến, mưa đủ các thứ từ gạo thóc đến quần áo, vàng bạc cho đến các thứ nhạc cụ v.v… Chúng sanh cần thứ gì thì có liền thứ ấy. Về sau vua Nguyệt Cái băng. Thái tử Thiện Hữu kế vị. Ác Hữu thưa với vua:

– Tôi phải đi xin ăn để sống!

– Nếu ngươi ở lại bảo vệ ta, ta sẽ nuôi ngươi!

– Một hôm nọ, Vua đang say giấc, Ác Hữu rút kiếm định giết vua. Kiếm vừa rút ra khỏi vỏ, đầu Ác Hữu liền rơi xuống xuống đất. Vua giật mình tỉnh dậy hỏi. Người hầu đáp:

– Trời đã gây ra nghiệp này!

Phật nói: Vua Nguyệt Cái xưa kia nay chính là ông Duyệt -đầu -đàn. Hoàng hậu vợ vua Nguyệt Cái là Hoàng hậu Ma-da. Công chúa con vua Nguyệt là Cù-di. Ác Hữu là Đề-bà-đạt-đa, còn Thiện Hữu chính là ta vậy.

(Trích kinh Hiền Ngu và kinh Báo Ân quyển 1)

3. THÁI TỬ TRƯỜNG SANH ĐƯỢC NƯỚC NHỜ NGHE LỜI CHA

Xưa Bồ-tát làm vua một nước lớn tên là Trường Thọ. Vua có một Thái tử tên là Trường Sanh. Ngài thường dùng chánh pháp trị nước, không dùng các thứ dao gậy làm khổ dân chúng. Ở đây, quanh năm mưa thuận gió hoà, lúa thóc được mùa.

Bấy giờ, ở nước lân cận có một vị vua hung bạo, không dùng chánh pháp trị dân, nên nhân dân trong nước nghèo nàn khốn khổ.

Một hôm, vua bảo cận thần:

– Ta nghe nói vua Trường Thọ giàu có, đời sống yên vui, không binh lính phòng ngự. Ta muốn chiếm đoạt nước ấy.

– Tâu bệ hạ, Phải đấy!

Thế rồi, vua khởi binh chinh phạt nước vua Trường Thọ. Vua Trường Thọ hay tin bèn hội họp quần thần nói:

– Vua ấy chỉ vì tham tài sản nước ta mà gây chiến, nếu như ta đánh trả thì dân chúng sẽ bị thương tổn. Vì tranh giành đất nước mà sát hại dân lành ta không nỡ.

Quần thần không đồng ý bèn kéo quân ra biên giới nghinh chiến. Còn vua và Thái tử vượt khỏi kinh thành vào chốn thâm u lánh nạn.

Vị vua tham lam chiếm được nước của vua Trường Thọ. Không thấy vua ở đâu liền tuyên bố khắp nơi: “ Ai bắt được vua Trường Thọ ta thưởng vàng ngàn cân tiền ngàn vạn”

Về sau, vua Trường Thọ đến bên gốc cây, gặp một Bà-la-môn.

Vua hỏi:

– Sao ông lại đến đây?

– Tôi là đạo sĩ nghèo nàn, nghe nói vua Trường Thọ rộng lòng bố thí, nên tôi từ xa đến đây để mong được bố thí.

Vua nghĩ: “người này đến xin ngay lúc ta mất nước”. Vua rơi lệ nói:

– Ta chính là vua Trường Thọ đây! Hoàn cảnh ta thế nầy thì giúp đỡ được gì! hai người đểu bật khóc. Vua nói:

– Ta nghe tin vua mới truyền rao, ai tìm được ta sẽ được trọng thưởng. Khanh nên lấy đầu ta đến đó để lảnh thưởng.

– Tôi thật không dám làm theo lịnh Ngài.

– Khanh đã khổ nhọc từ xa đến tìm ta. Ta nghĩ con người ai rồi cũng phải chết, ta muốn giúp đỡ ông sao ông lại từ chối.

– Sao chúng ta nỡ giết hại lẫn nhau?

– Ta nhứt định muốn bố thí, khanh hãy cùng ta về cung.

Hai người cùng nhau đi đến cửa thành. Vua bảo đạo sĩ trói Ngài lại đem giao cho tham vương. Tham vương liền thưởng vàng bạc cho đạo sĩ rồi đem vua Trường Thọ đến ngã tư đường để giết. Lúc sắp nổi lửa, nhân dân khắp nơi trong nước đều kêu than. Thái tử nghe được liền đến đó thấy cha sắp bị hành hình, lòng vô cùng đau đớn. Vua sợ Thái tử báo thù nên ngưỡng mặt lên Trời nói rằng: “cái chết thế này, ta rất vui. Làm con chi hiếu, con chớ nên oán hận, chớ nên báo thù”.

Thái tử Trường Sanh không nỡ nhìn cha bị giết liền trở lại chốn rừng sâu.

Sau khi vua Trường Thọ chết, Thái tử Trường Sanh nghĩ: “lòng nhân từ của cha ta thật cao cả, đến chết cũng không lay chuyển. Vị vua tham lam này không hiểu biết, không phân biệt thiện ác, giết cha ta oan uổng, ta không thể chịu nỗi. Nếu ta không giết hắn để trả thù cho cha ta, ta thề không sống”.

Thái tử liền cải trang, đến làm thuê trồng rau cải cho một vị đại thần. Rau cải Thái tử Trường Sanh trồng thật tươi tốt. Thấy vậy, đại thần hỏi người giữ vườn. Người giữ vườn đáp:

– Hạ thần vừa thuê được một người trồng vuờn rất siêng năng.

Quan đại thần gọi Thái tử Trường Sanh đến hỏi:

– Ngươi có biết nấu ăn không?

– Dạ biết!

Về sau quan đại thần mời vua đến dùng cơm, vua ăn cảm thấy ngon liền hỏi:

– Thức ăn này do ai làm vậy?

– Do người làm thuê ở nhà hạ thần.

Vua liền gọi người làm thuê về cung làm đầu bếp cho vua.

Ít lâu sau, vua hỏi Trường Sanh:

– Ngươi có giỏi về binh pháp không?

– Đó là sở trường của tôi.

Vua liền cho Trường Sanh theo hầu hạ bên cạnh mình.

Một hôm, vua nói với Trường Sanh:

– Ta rất lo sợ gặp phải oán thù, ngươi phải thường ở bên cạnh bảo hộ cho ta.

– Xin vâng lịnh! Hạ thần sẽ chấp hành theo mệnh lệnh đại vương.

Ngày hôm sau vua hỏi:

– Ngươi thích di săn không?

– Thuở nhỏ hạ thần rất thích săn bắn.

Vua ra lịnh chuẩn bị xa giá để cùng Trường Sanh đi săn. Vào rừng, vua và Trường Sanh mãi mê đuổi theo thú, nên bị lạc vào trong núi sâu. Trải qua ba ngày đói khát mệt nhọc, vua xuống ngựa tháo kiếm giao cho Trường Sanh nói:

– Ta mệt quá ngươi ngồi xuống cho ta kê đầu lên gối nghĩ một lát.

Vì quá mệt mõi nên vừa năm xuống vua đã thiếp đi. Thái tử Trường Sanh rút kiếm ra muốn giết tham vương bỗng nhớ lại lời cha liền tra kiếm vào vỏ. Thái tử làm như thế ba lần. Bất chợt, vua giậc mình tỉnh giấc nói với Trường Sanh:

– Ta mộng thấy con cua vua Trường Thọ muốn giết ta. Trường Sanh nói:

– Chắc là thần hồn của vua làm Ngài sợ hãi, nhưng rồi cũng sẽ tha cho Ngài thôi.

Trường Sanh nói tiếp:

– Ta chính là Thái tử Trường Sanh, con vua Trường Thọ đây. Từ lâu, ta đã muốn giết đại vương. Nhưng lúc cha ta sắp chết có dặn dò ta chớ nên báo thù. Ta nhớ lời cha ta dạy nên đành buông kiếm. Nhưng tôi sợ sau này lỡ mê mờ quên lời dạy của cha ta. Vậy, Ngài hãy giết tôi đi.

Vua hối hận nói:

– Ta là kẻ hung ác ngang ngược, không biết thiện ác, cha ngươi là bậc hiền lương nhân từ đến chết cũng không thay đổi. Ngược lại ta quá tham lam độc ác chẳng biết gì. Nay mạng sống của ta nằm trong tay ngươi, vì nhớ lời nhân từ của cha mà ngươi không giết ta. Ta thành thật cảm tạ ân đức ngươi. Nay ta muốn trở về nên đi đường nào đây?

– Tôi biết đường đi, nhưng cố tình dẫn bệ hạ đi lạc để báo thù thôi.

Hai người ra khỏi rừng liền theo đường mòn trở về. Về cung, vua tuyên bố trả nước cho Thái tử Trường Sanh và cùng Trường Sanh kết tình huynh đệ. Thề không xâm lấn, có vật quý cống hiến cho nhau. Gặp hoạn nạn giúp đỡ lẫn nhau.

Phật bảo, vua Trường Thọ chính là ta, Thái tử Trường Sanh là Anan, còn tham vương là Điều Đạt vậy.

(Trích kinh Trường Thọ)

4. THÁI TỬ NƯỚC GIÀ-LA XẤU XÍ, DÙNG TRÍ LẤY LẠI VỢ

Thuở xưa, vua nước Già -la không có con nối dõi nên rất lo buồn.

Một hôm, vua nói với Hoàng hậu:

– Ái khanh hãy trở về quê nhà, để tìm cách sanh con nối dõi!

Hoàng hậu không nói gì. Bà buồn khóc rồi từ biệt vua ra đi.

Buồn bã cùng cực, Hoàng hậu muốn tìm đến cái chết. Bà định sẽ gieo mình xuống núi bỏ xác trong rừng sâu.

Thấy vậy, Đế thích động lòng thương. Ngài thầm nghĩ: Hoàng hậu đời trước vốn là chị ta, nay vì không con nối dõi mà phải tìm đến cái chết.

Vì thương chị, Đế thích bay xuống, cầm một dĩa đầy quả đưa cho Hoàng hậu:

– Hoàng hậu hãy ăn hết dĩa quả này thì sẽ sanh được Thánh Tử, Thánh tử sau này sẽ là người tài giỏi nhất thiên hạ. Nếu vua nghi ngờ thì Hoàng hậu hãy đưa dĩa thần này ra làm chứng.

Hoàng hậu theo lời Đế thích ăn hết dĩa quả ấy. Hoàng hậu ăn xong, Đế thích biến mất.

Hoàng hậu bỗng thấy thân thể nặng nề, liền trở lại cung. Gặp vua, Hoàng hậu trình bày mọi việc.

Về sau, Hoàng hậu hạ sanh Thái tử. Thái tử dung mạo xấu xí, nhưng rất thông minh hiếu động mưu trí không ai bằng, lại có khả năng vật nổi voi và đuổi kịp chim ưng, tiếng nói vang vang như tiếng rống sư tử. Nhờ vậy, danh tiếng Thái tử vang xa khắp nơi.

Đến tuổi trưởng thành, vua cưới công chúa Nguyệt Quang con vua nước lân cận cho Thái tử. Công chúa Nguyệt Quang rất xinh đẹp. Về sau vua lại cưới thêm bảy cung phi nữa cho Thái tử. Hoàng hậu sợ công chúa Nguyệt Quang chê hình dáng của Thái tử nên dối nói:

– Theo tục lệ nước ta, ban ngày vợ chồng không được gặp nhau.

Tục này rất quan trọng, không ai được vi phạm. – Con xin vâng lời!

Từ đó về sau, Thái tử ra vào đều che mặt.

Bấy giờ trong nước có việc hiềm thù với bảy nước lân cận. Vì chiến tranh kéo dài dân chúng khắp nơi than oán. Thái tử nghĩ: “Ta sẽ dùng quyền uy này để giúp dân được an, nhưng ta quá xấu sợ Nguyệt Quang thấy được sẽ xa lánh ta”.

Thái tử đến thưa mẹ:

– Con muốn cho Nguyệt Quang gặp mặt con một lần

– Con quá xấu, Nguyệt Quang lại quá đẹp, Không thể được đâu!

Thái tử xin mãi, Hoàng hậu đành chiều con dẫn Nguyệt Quang đến gặp Thái tử. Thái tử giả làm người chăn gia súc. Nguyệt Quang thấy Thái tử nói:

– Thế gian này lại có người xấu đến thế sao!

– Tiên vương trước kia cũng là người chăn gia súc. Hoàng hậu nói.

Hoàng hậu lại dẫn Nguyệt Quang đến xem voi, Nguyệt Quang lại thấy người chăn gia súc khi nãy. Nàng nghi ngờ đó là Thái tử. Nàng thưa với Hoàng hậu:

– Thưa mẫu hậu! Con muốn gặp mặt Thái tử!

Hoàng hậu cho gọi người em của Thái Tử. Thái tử và các quan cùng đi theo. Nguyệt Quang thấy người em lầm tưởng Thái tử, Nàng rất vui.

Lát sau, khi Nguyệt Quang đi dạo trong vườn, Thái tử liền trèo lên cây hái trái ném vào lưng Nguyệt Quang. Nàng nghĩ: Chỉ có Thái tử mới dám làm việc ấy.

Tối hôm đó, đợi lúc Thái tử ngủ say, Nguyệt Quang lén lấy đèn soi vào mặt Thái tử. thấy được dung mạo Thái tử, Nàng sợ hãi trốn về nước của vua cha.

Hoàng hậu tức giận nói:

– Con phải tìm Nguyệt Quang trở về!

– Nguyệt Quang ra đi, thì thiên hạ sẽ thái bình!

Thái tử từ biệt hoàng cung đi đến nước của Nguyệt Quang. Thái tử giả làm thuê cho một nhà thợ gốm, lại vào thành làm thuê cho người thợ nhuộm, lại giữ ngựa thuê cho một vị đại thần, cuối cùng làm quan đầu bếp chuyên nấu nướng thức ăn cho Hoàng cung.

Vua nước này có tám người con gái. Nguyệt Quang là người con út. Bảy người chị của Nguyệt Quang đều rất thích những món ăn do Thái tử nấu, riêng Nguyệt Quang thì không để ý.

Đế thích biết chuyện Thái tử. Ông nghĩ: Bồ-tát vì muốn cứu độ chúng sanh nên tìm đến nơi này, Ta sẽ tìm cách giúp đỡ Ngài.

Đế thích biến hóa làm bảy lá thư của cha Nguyệt Quang gửi cho quốc vương của bảy nước ngỏ ý muốn gả công chúa Nguyệt Quang, nhằm khiêu khích bảy nước đánh nhau. Cả bảy quốc vương đều cùng lúc đem lễ vật đến cầu hôn Nguyệt Quang. Họ tranh giành kiện cáo lẫn nhau, ai cũng đều có một lá thư của vua cha Nguyệt Quang. Họ hùng hổ đòi tiêu diệt lẫn nhau, không thể bỏ qua được. Cuối cùng, họ nghĩ: Chỉ vì một người con gái mà bảy nước sanh oán thù, thì thật là vô lý, tốt nhất là phải liên kết đánh tan nước này để rửa hận.

Nghe vậy, vua cha Nguyệt Quang vô cùng sợ hãi nghĩ: Tai họa hôm nay là do việc làm đời trước của ta, ta phải gánh lấy. Ông liền gọi Nguyệt Quang đến nói:

– Con đã làm vợ người ta, nếu gặp phải người chồng thông minh hay ngu si, đẹp hay xấu, đều do nghiệp đời trước của con, thì con phải gánh lấy. Vậy mà con không giữ trinh tiết, không nghe lời cha mẹ, phụ bạc chồng mình bỏ về đây, để giờ này đất nước phải chịu tai họa. Ta sẽ phân thân con làm bảy phần để tạ tội với các quốc vương.

Nguyệt Quang khóc lóc thưa:

– Xin phụ vương thương tình cho con hoãn lại một thời gian để chiêu mộ người tài trí trừ diệt tai họa này.

Vua thông báo khắp nơi:

– Nếu ai trừ được họa này ta sẽ gả công chúa Nguyệt Quang cho.

Nghe tin, Thái tử đến trước vua tâu:

– Tâu bệ hạ! Ngài hãy mau ra lệnh cho xây một tòa nhà cao, thì tôi sẽ trừ được họa này!

Nhà xây xong, Thái tử giả bệnh trượt chân té xuống đất và đòi Nguyệt Quang phải đỡ dậy thì mới thắng được quân địch.

Khi ấy, vì Nguyệt Quang sợ cảnh chém giết nên bỏ lên nhà cao.

Thái tử cất tiếng nói âm thanh chấn động khắp nơi:

– Tiếng rống sư tử là dụ cho chánh Pháp của Phật. Chúng ta muốn thu phục lòng dân phải có tâm từ. Nay các ông chỉ vì sắc mà sân giận khởi binh làm nước mất nhà tan. Xin các người hùng uy nghi của bảy nước hãy suy nghĩ lại mà trở về nước mình.

Thái tử lại tâu vua:

– Tâu bệ hạ! Bảy vị vua kia đều tài giỏi, vua còn bảy công chúa, sao lại không gả cho họ. Bảy chàng rể này sẽ giữ gìn đất nước của vua khiến cho đất nước hòa bình nhân dân được yên vui!

– Hay thay! Đây là một ý kiến hay.

Vua gả bảy người công chúa chị của Nguyệt Quang cho bảy vị quốc vương, Nguyệt Quang thì gả cho Thái tử. Tám chàng rễ đều rất kính trọng vua, nên dân chúng rất vui mừng. Vua biết được Thái tử là chồng cũ của Nguyệt Quang, nên đãi tiệc rất thịnh soạn, chuẩn bị binh sĩ cùng tháp tùng theo hai người trở về nước.

Về sau, chín nước bình yên, nhân dân no ấm. Họ cùng tán thán: Trời ban cho chúng ta một bậc Thánh công đức nhiều vô lượng.

Một năm sau, vua băng hà. Thái tử lên ngôi, Ngài thương dân như con đỏ, dùng ngũ giới, lục độ, bát quan trai, thập thiện giáo hoá muôn dân. Trong nước các tai hoạ đều dứt trừ, dân giàu nước mạnh, chánh pháp được lưu hành, mọi người đều phụng trì Tam bảo. Phươc đức ngày càng tăng trưởng, nên các tật bệnh đều tiêu diệt.

Đời trước, Bồ-tát làm một nông phu. Một hôm hai vợ chồng cùng đi làm ruộng, chồng bảo vợ về lấy thức ăn. Xa thấy vợ mình trở lại cùng với một vị Bích chi Phật, hai người đi khuất sau lưng núi rất lâu, người chồng sanh tâm nghi ngờ, giận dữ muốn cầm cuốc đến đánh vị Bích chi Phật. Nhưng khi đến nơi, người chồng thấy vợ đang dâng phần cơm của mình cúng dường vị Sa-môn, rồi đứng chấp tay bên cạnh. Vị Sa-môn thọ thực xong, ném bát lên Hư không, bát phát ra ánh sáng rực rỡ. Ngài lại phi hành trên không trung, rồi trở lại mặt đất. Người chồng thấy vậy hổ thẹn nghĩ: “vợ mình có phước đức lớn mới gặp được bậc tôn quý này. Ta quá ngu si sanh tâm nghi ngờ, ắt sẽ chịu quả báo về sau”. Anh liền nói với vợ:

– Phước đức nàng cúng dường cho ta cùng chung, còn phần cơm này, chúng ta cùng ăn nhé!

Đến lúc mạng chung, hai người đều được sanh vào dòng dõi vua chúa. Người vợ nhờ phước đức cúng dường, nên sanh ra được thân hình đẹp đẽ, Người chồng vì trước sân giận, sau mới hoan hỉ, nên lúc đầu xấu sau đẹp.

Phật nói, Thái tử chính là thân ta, Nguyệt Quang là Câu-di, Hoàng hậu là thân mẫu Xá Di, Đế thích là Di-lặc.

Bồ-tát đời đời nghĩ đến chúng sanh, luôn tìm cách cứu vớt chúng sanh ra khỏi chốn tối tăm.

(Trích kinh Già La Quốc Vương)

5. THÁI TỬ MỘ PHÁCH BIẾT ĐƯỢC TÚC MỆNH

Thái tử con vua nước Ba-la-nại tên là Mộ Phách, tướng mạo rất tuấn tú. Vì biết được những việc làm thiện ác tốt xấu thọ yểu của mình trong vô số kiếp về trước nên đã mười ba tuổi mà Thái tử không biết nói. Dù đói hay lạnh Ngài vẫn một mực im lặng. Tuy Ngài có tai mắt mà như không thấy nghe, trí tuệ sâu rộng mà lại như người vô tâm, không nói năng như người câm điếc, như kẻ ngu khờ.

Nhà vua có một người con duy nhất, nên muốn lập Thái tử lên nối ngôi vua trị vì thiên hạ. Nhưng Thái tử lại như vậy nên nhà vua rất lo buồn, thẹn với các nước láng giềng, sợ họ cười chê.

Một hôm, Ngài cho vời các Bà-la-môn trong nước đến hỏi, nguyên nhân Thái tử không biết nói. Các Bà-la-môn đều đáp:

– Thái tử tuy mặt mũi khôi ngô nhưng bên trong ẩn điều khônglành, không bao lâu sẽ hại cha mẹ, nguy đất nước, diệt tổ tông. Nếu người nầy lại sanh con thì sẽ là những đứa con xấu ác như vậy. Để phòng ngừa thì bệ hạ nên chôn sống Thái tử thì mới bảo toàn được tánh mạng và duy trì đươc ngai vàng của tổ tông. Sau này, chắc chắn Ngài sẽ sanh được quý tử nối dõi. Nếu bệ hạ không làm theo lời chúng thần thì rất nguy hại.

Vua nghe những lời ngông cuồng ngu si ấy tin là sự thật nên buồn rầu lo lắng đứng ngồi không yên, không nghe kỷ nhạc cũng không màng đến việc ăn ngon mặc đẹp. Ngài cho triệu các vị đại thần kỳ cựu đến để bàn bạc xem nên đem Thái tử bỏ vào trong rừng sâu núi thẳm,hay quăng xuống sông. Có vị đại thần tâu:

– Tâu bệ hạ, chúng ta nên đào một cái hầm sâu giống như cái nhà, rồi bỏ Thái tử xuống dưới và cho năm ngươi hầu, đồng thời cung cấp lương thực đầy đủ. Thái tử có những thứ gì thì đem theo cho Ngài.

Vua làm theo ý kiến của vị đại thần ấy.

Thái tử thương cho những kẽ ngu si. Riêng Hoàng hậu vì quá thương con nên rất đau lòng. Bà nói:

– Con ta bạc mệnh nên gặp phải hoạ này.

Hoàng hậu khóc lóc thảm thương nhưng không dám ngăn cản, đành để cho họ đem con đi.

Nhà vua hạ lệnh thu xếp tất cả y phục chuỗi anh lạc, châu báu của Thái tử đem theo, và cho người theo hầu. Lúc mọi người đang đào hầm, Thái tử ngồi trên xe suy nghĩ: “Vua và thần dân đều cho rằng ta câm điếc ngu si. Nhưng họ đâu biết sở dĩ ta không nói là vì ta muốn xả duyên thế gian, tránh phiền não thoát khổ đau. Nay vì những lời điên cuồng dối trá mà phụ vương nỡ chôn ta dưới hố”.

Thái tử bèn lấy chuỗi anh lạc châu báu đến bên sông tắm rửa sạch sẽ, dùng hương thơm thoa chà lên thân rồi mặc y phục và đeo các trang sức vào. Sau đó, Ngài trở lại chỗ đào hầm hỏi:

– Các ngươi đào hầm để làm gì thế?

Người đào hầm đáp:

– Thái tử Mộ Phách câm điếc ngu khờ, đã mười ba tuổi lại không nói chuyện chúng tôi đào hầm là để chôn sống Thái tử.

– Ta chính là Mộ Phách đây!

Mọi ngươì hoảng sợ chạy tìm nhưng không thấy Thái tử. Họ bèn trở lại quan sát kỹ lưỡng Thái tử. Nghe gịong nói khác thường, diện mạo sáng như trăng rằm, ở đời hiếm có, tất cả đều đứng dậy, loài chim bay thú chạy cũng đều đến phủ phục trước Thái tử để nghe Ngài nói:

– Hình vóc của ta như thế này, tại sao phụ vương ta lại tin theo bọn ngu si lừa dối mà chôn sống ta?

Lời nói của Ngài rành mạch, rõ ràng khiến cho mọi người đều sợ hãi, tất cả đều dập đầu lạy, cầu xin Ngài thương xót thứ tha.

Thái tử nói:

– Ta đã bị bỏ rơi, thì không bao giờ trở lại hoàng cung nữa. Ta sẽ đi học đạo!

Người hầu nghe thế lập tức chạy về bẫm báo với vua. Vua nghe tin vừa buồn vừa mừng liền cùng Hoàng hậu xa giá đến đón Thái tử hồi cung.

Bấy giờ, Trời Đế thích hoá ra vườn cây xum xuê tươi tốt, làm nơi Thái tử tu hành. Thấy vua đến, Thái tử liền đứng dậy nghinh đón, mời ngồi và thăm hỏi nhau. Nghe âm thanh vang vang chấn động Trời đất của Thái tử, nhà vua vô cùng vui mừng. Vua bảo Thái tử về cung thay vua trị vì thiên hạ, còn nhà vua sẽ thoái vị ẩn cư. Thái tử thưa:

– Thưa phụ hoàng, không thể được. Vì con chán cái khổ ở địa ngục, không muốn trở lại nơi ấy một lần nữa. Vào thời quá khứ, con từng làm vua tên là Khoảnh Nhiệm. Bấy giờ con dùng chánh pháp để trị nước, luôn làm cac điều thiện. Trong suốt hai mươi lăm năm không hề động đến đao binh, không hề có tội nhân trong ngục. Con ban bố lòng nhân đức cùng khắp, cứu giúp kẻ nghèo khốn mà không có lòng tham tiếc. Tuy làm rất nhiều việc thiện, nhưng con chỉ lỡ phạm một số lỗi nho mà khi chết còn bị đoạ vào địa ngục hơn sáu ngàn năm, bị hầm nấu lột xé vô cùng thống khổ, muốn chết không được muốn sống không xong. Lúc ấy, phụ hoàng và mẫu hậu đang sống trong cảnh giàu sang phú quý nào biết được con đang bị tra khảo thống khổ ở trong địa ngục, nếu biết được, hai người há có thể đến chia xẻ bớt nỗi thống khổ cho con? Con bị tội đoạ là vì đời trước con làm vua thống lãnh các nước nhỏ tuy rất nhân từ giới đức nhưng pháp lệnh không nghiêm nên bị vua các nước xem thường, họ họp bàn với nhau:

Vua nước này đã hiền lại nhu nhược, không thể thống lãnh một nước lớn như thế. Chúng ta nên truất phế ông ta.

– Thế là, họ cùng cử binh đến đánh nước vua Khoảnh Nhiệm. Lúcấy, vua Khoảnh Nhiệm đang đem tiền của bạc vàng châu báu bố thí cho dân chúng các nơi, lại đem bổng lộc chức tước ban phát hậu hĩnh cho các nước nhỏ để phủ dụ khích lệ họ. Vua về cung chưa bao lâu lại bị quân các nước nhỏ vây đánh. Các đại thần tâu:

– Vua các nước nhỏ ngu si, bất nghĩa, không sợ mang tội mưu sát trái nghịch xúc phạm đấng tối tôn, khiến cho dân chúng lo sợ hoang mang ngày đêm phòng bị, xin bệ hạ diệt bọn giặc ấy để trừ đi tai họa.

Vua nói:

– Làm cha mẹ của dân thì nên dùng đức nhân từ để giáo hoá, tha thứ cho người, nuôi dưỡng muôn vật, cứu giúp mạng sống chúng sanh. Bọn người kia ví như con trẻ, ta thương xót chúng không hiểu biết nên ta phải từ từ dẫn dắt chỉ bảo họ chứ không nỡ làm hại.

Vua thương tiếc mạng sống của muôn loài, tuyệt đối không đem quân ra chống cự. Nhưng quần thần không chịu ngồi yên nhìn quân các nước nhỏ mặc ý cử binh tàn hại lê dân. Nhà vua xót thương rơi nước mắt, mặc tang chế cho nhân dân các nước bị giết. Vua các nước nhỏ, thấy vua Khoảnh Nhiệm có lòng từ bi thương xót lê dân, nên đều đầu hàng Ngài.

Nhà vua hạ lệnh yến tiệc thịnh soạn để thết đãi mọi người. Quan đầu bếp tâu vua xin giết lục súc. Tuy vua có lòng nhân từ nhưng bất đắc dĩ phải đồng ý.

Chỉ bấy nhiêu đó mà tôi phải bị tội đoạ địa ngục. Mỗi khi nghĩ đến thì sợ đến toát mồ hôi. Đến kiếp này, tôi luôn sợ vô ý phạm phải lỗi lầm như đời quá khứ nên muốn im lặng để thoát ra khỏi trần lao, vĩnh viễn xa rời thế tục, Tránh khỏi tai ách. Nhưng im lặng không nói lại bị nạn chôn sống. Vì sợ đời sau phụ hoàng mắc phải tai ương cho nên con phải nói chuyện. Con không thích làm vua chỉ muốn giữ tâm y rỗng rang vắng lặng. Thế gian như mộng không thật. Gia đình vui vầy chỉ trong chốc lát, mạng sống sợ không kéo dài, vui ít khổ nhiều vô cùng khổ não. Cho nên người trí xem đất nước, tài sản ân ái chỉ là thứ buộc ràng, dục lạc là trần lao. Giả sử con làm vua mà kiêu ngạo xa hoa, thích tìm cầu khoái` lạc khiến dân chúng khổ sở, thì chỉ là đại hoạn cho thiên hạ. Nay con muốn xả bỏ tìm về cội nguồn, cứu vớt những người chưa được độ. Để một mai chết đi thì có chỗ nương nhờ. Kiếp này con nguyện không tham phú quý, không trọng trân bảo, xả bỏ vinh hoa thế gian, chỉ nghĩ nhớ đến đạo cả, đạt trí tuệ giác ngộ, cứu khổ cho thế gian.

Nhà vua nói:

– Con là người trí không thể hành động tuỳ tiện như vậy!

– Tâu phụ vương, phụ vương bỏ con, làm cho cốt nhục chia lìa, đây là việc làm vô cùng tội lỗi. Giờ phụ vương có nói thế nào cũng chỉ uổng công vô ích mà thôi.

Nhà vua thấy ý con đã quyết, bối rối không biết nói gì. Cuối cùng Ngài nói:

– Nếu như đời trước con làm vua, thực hành các hạnh lành, chỉ vì phạm một lỗi nhỏ mà còn chịu tội khổ như vậy. Nay ta trị nước không hành theo chánh pháp, đã không làm chút điều thiện nào, chỉ làm toàn những điều sai quấy, tội lỗi phải chịu thật nguy khốn biết chừng nào.

Vua đành chấp thuận cho Thái tử đi học đạo.

Thái tử từ bỏ ngai vàng và các việc ở thế gian, một lòng tinh tấn tu tập, tích luỷ công hạnh cho đến nay.

Phật nói:

– Thái tử Mộ Phách chính là ta, vua cha chính là Duyệt Đầu Đàn, còn Hoàng hậu nay là Hoàng hậu Ma-da. Thầy xem tướng là Điều Đạt.

Những người hầu xưa kia nay là năm ông A nhã Câu lân v.v…

(Trích kinh Thái tử Mộ Phách)

6. VƯƠNG TỬ TÁT ĐOẢ XẢ THÂN CỨU HỔ

Thuở xưa, vua Ma-ha-la-đà tu hành thập thiện nên đất nước được bình yên. Vua có ba người con, hoàng tử thứ nhứt tên Ma-ha-ba-na-la, hoàng tử thứ hai tên Ma-ha-đề-bà, hoàng tử út tên Ma-ha-tát-đoả.

Một hôm, ba anh em ra ngoài dạo chơi và dừng lại nghĩ ngơi nơi vườn trúc. Nhìn về phía trước bỗng thấy một con hổ mới sanh được bảy ngày, bảy hổ con nằm quanh hổ mẹ. Hổ mẹ đói khát cùng cực, thân thể suy mòn, cái chết gần kề. hoàng tử thứ nhất nói:

– Con hổ này không tìm được thức ăn, đói khát bức bách ắt trở lại ăn thịt con mình.

Hoảng tử út nghe vậy hỏi:

– Hổ thường ăn vật gì?

– Nó thường ăn thịt.

– Ai có thể cho nó ăn?

Hoàng tử thứ hai nói:

– Mạng sống của con hổ này không còn bao lâu nữa, nếu không tìm được thức ăn, nhứt định nó sẽ chết. Ai dám đem thân mạng mình để bố thí cho hổ.

Hoàng tử thứ nhứt nói:

– Vật khó xả bỏ nhất của con người là thân mạng.

Hoàng tử thứ hai nói:

– Người đời kém cỏi, tham tiếc sâu nặng, không thể xả thân, nghe xả thân thì rất kinh sợ. Chỉ có bậc đại sĩ lòng từ sâu rộng, làm lợi ích cho người, thì thân mạng họ cũng không đáng kể.

Hai người anh buồn bã nhìn hổ hồi lâu rồi bỏ đi.

Hoàng tử út thấy vậy nghĩ: Đến lúc ta phải xả bỏ thân mạng! Từ xưa đến nay không có nơi nào ta không bỏ thân mạng này, vì thế mà khi sanh ra nơi nào ta cũng đều được đầy đủ mọi thứ như: nhà cửa, y phục, ăn uống… Người đời không biết ân ái là oán gia. Tất cả mọi vật ở thế gian đều là vô thường không có lợi ích, đáng ghét như giặc, như đồ dơ uế. Nay ta nguyện đem thân này làm chiếc cầu lớn bắc qua sông sanh tử. Thân này do vô lượng bệnh hoạn, trăm ngàn sợ hãi, đại tiểu tiện, gân, huyết, da, tuỷ cùng liên kết với nhau mà hình thành. Ta nên xả thân này để cầu Niết-bàn tịch diệt Vô thượng, vô lượng thiền định, trí tuệ, công đức đầy đủ, thành tựu pháp thân vi diệu, ban cho chúng sanh các pháp an vui.

Hoàng tử sợ hai anh mình thương em mà ngăn cản liền thưa với hai anh:

– Hai anh cùng quyến thuộc nên trở về nghĩ trước đi!

Hoàng tử Ma-ha-tát-đoa trở lại chỗ hổ, cởi áo móc lên cây trúc, rồi lập thệ nguyện: “Ta bỏ thân này nguyện được trí Bồ-đề, mãi mãi xa lìa ba cõi”.

Nói xong, hoàng tử liền buông mình xuống trước mặt hổ. Nhưng hổ quá đói không thể ăn được. Hoàng tử liền lấy cành trúc khô đâm vào cổ mình, máu tuôn xuống đất. Lúc ấy đại địa chấn động, ánh sáng mặt Trời vụt tắt, Trời mưa các thứ hoa và các hương thơm. Trong không trung có tiếng tán thán: “Đây là việc chưa từng có”.

Hổ liền liếm máu, cơ thể dần dần hồi phục, rồi nó đến ăn thịt Thái tử. Nó mạnh mẽ trở lại như xưa. Hoàng tử Tát-đoả chỉ còn lại bộ xương. (Trích kinh Kim Quang Minh quyển 4)

7. THÁI TỬ NHƠN DƯỢC CỨU NGƯỜI BỆNH

Thời quá khứ, người cõi Diêm-phù-đề mắc nạn bệnh dịch vô cùng khốn khổ. Vua cõi Diêm-phù-đề bấy giờ tên là Ma-hê-tư-na, thống trị 84. 000 thành lớn, uy thế lẫy lừng. Từ khi Hoàng hậu mang thai tay bà chạm đến người nào thì người đó liền hết bệnh. Ít tháng sau, Hoàng hậu hạ sanh một hoàng nam, vừa lọt lòng mẹ Thái tử đã nói:

– Ta có thể trị bệnh.

Trong khi hạ sanh Thái tử, các Trời quỷ thần trong cõi Diêm-phùđề cùng xướng lên rằng:

– Thái tử mới sanh ra chính là người thuốc.

Lời này truyền đi khắp nơi nên vua đặt tên Thái tử là Nhơn Dược. Những người mắc bệnh đến, Thái tử liền dùng tay hoặc dùng thân chạm vào thì người bệnh liền khỏi hẳn, trong lòng vô cùng vui sướng. Thái tử trị bệnh suốt một ngàn năm mới qua đời. Những người bệnh nghe tin Thái tử đã chết buồn bã khóc than: “Rồi đây ai sẽ cứu dân chúng thoát khỏi căn bệnh quái ác này”.

Họ hỏi thăm nơi hỏa thiêu thi thể thái tư rồi đến đó lấy xương giả nhuyễn để thoa vào người, bệnh liền khỏi. Khi bột xương đã hết, những người bệnh chỉ cần đến chỗ thiêu Thái tử bệnh cũng lành.

Phật nói:

– Thái tử Nhơn Dược nay chính là ta.(Trích kinh Tạng Bồ-tát quyển hạ)

8. THÁI TỬ TRẢ CHUYỆN TÚC MẠNG LẠI CHO PHẬT

Có một vị Thái tử muốn biết túc mạng của mình nên đến hỏi Phật.

Đức Phật bảo:

– Không nên biết vì nó chỉ khiến cho người ta buồn thôi!

Thái tử cố nài nĩ đến lần thứ ba, Phật mới trao giới, khiến cho người ấy biết được túc mạng của mình.

Bấy giờ, Thái tử thấy kiếp trước đó của mình mới mười lăm tuối đã chết, được an táng theo nghi lễ của vương gia. Trên mộ có trồng một cây bách lớn, Thần thức của Thái tử còn lẩn quẩn nơi thân, thấy rễ cây bách sanh trưởng xuyên qua tim sẽ làm tim sống lại. Bấy giờ, từ giữ a cây bách mọc ra lá Thái tử thấy có dê đến ăn. Thái tử nghĩ: “Con dê ăn lá bách sẽ làm hại đến mình.”

Khi dê đến ăn, thần thức vào trong ruột dê rồi theo phân ra ngoài. Quan làm vườn lấy phân dê có thần thức bón cải. Thần thức lại nương vào lá cải. Lúc ấy, Hoàng hậu muốn ăn cải, quan làm vườn bèn ra vườn cắt cải. Vì sợ bị dao làm hại nên thần thức rất lo buồn. Quan làm vườn cắt cải bó lại dâng lên quan làm bếp. Quan đầu bếp lấy cải làm thức ăn dâng lên Hoàng hậu, thần thức Thái tử vào trong ruột gá vào thai Hoàng hậu. Đủ ngày tháng, sanh ra Thái tử. Khi Thái tử lớn, biết túc mạng, liền đến chỗ Phật nói:

– Nay con đem cái biết túc mạng ấy trả lai cho Ngài!

Phật bảo Thái tử:

– Lúc ấy ta không muốn cho con biết, nhưng con vẫn một mực. Giờ biết rồi lại hối hận!

(Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển 8)

9. KỲ BÀ HỌC NGHỀ

Thành Vương xá có một thiếu nữ tên La-bạt-đề. Vua cho xây một lầu xanh cho La-bạt-đề và ra giá nếu ai cùng cô này ngủ qua đêm phải trả hai trăm lượng vàng. Người ở các nơi thấy La-bạt-đề đều trầm trồ khen ngợi.

– Thái tử Vô Úy con của Bình Sa Vương, ngủ qua đêm với cô gái ấy. Cô liền mang thai. Trong thời gian mang thai, cô đóng cửa phòng không tiếp khách.

Đến ngày sinh nỡ, La-bạt-đề sinh ra một bé trai khôi ngô tuấn tú. Cô liền lấy vải trắng quấn đứa bé lại rồi đem bỏ trong ngỏ hẻm. Thái tử Vô Uý, thấy bọc vải liền hỏi người hầu:

– Đây là vật gì thế?

– Đây là đứa trẻ.

– Sống hay chết?

– Còn sống.

Thái tử sai người bồng đứa trẻ về cho nhũ mẫu chăm sóc và đặt tên là Kỳ Bà. Đứa trẻ lớn lên trong tình thương yêu của Thái tử. Một hôm, Thái tử gọi nó lại bảo:

– Con sống trong vương phủ, nhưng không có tài cán gì thì không được hưởng suông bổng lộc của triều đình. Vậy con nên học lấy một nghề.

Kỳ Bà vâng lời liền đi đến nước Đắc-xoa-thi-la, học nghề thuốc với thầy họ A-đề-lê tên Tần-ca-la. Học được bảy năm, Kỳ-bà thưa với thầy:

– Con học nghề đến bao giờ mới xong?

Vị thầy liền đưa cho Kỳ-bà một cái sọt và một cái liềm cắt cỏ và bảo Kỳ-bà tìm trong vòng một do tuần xem loại cỏ nào không phải là thuốc thì hái đem về. Kỳ-bà vâng lời thầy. Anh ta tìm mãi nhưng vẫn không hái được một cây nào. Anh ta nhận thấy cỏ cây cùng tất cả các thứ, nếu khéo phân biệt biết rõ công dụng của nó thì không có thứ nào không phải là thuốc. Liền trở về thưa lại với thầy. Vị thầy bảo:

Giờ con có thể ra đi, vì con đã học xong nghề thuốc. Ta là thầy thuốc hay nhất trong cõi Diêm-phù-đề này, sau này ta chết đã có con nối nghiệp.

Kỳ-bà trở về thành Bà-già-đà. Trong thành này, có vợ của một vị trưởng giả mắt bệnh đau đầu đã hai mươi năm. Biết bao thầy thuốc đã đến chữa trị nhưng vẫn không khỏi. Kỳ bà nghe thế liền đến nhà trưởng giả. Đến nơi, người gác cửa vào thưa lại với chủ. Vợ trưởng giả hỏi:

– Thầy thuốc tướng mạo ra sao?

– Thầy thuốc là một thanh niên trẻ tuổi

Bà ta nghĩ: Các vị trưởng lão nhiều kinh nghiệm trong nghề thuốc còn không trị khỏi bệnh của mình, huống chi là người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm. Nếu trị không tốn tiền thì ta mới trị thử.

Bà liền cho mời thầy thuốc vào.

Kỳ-bà đến phòng xem bệnh vợ trưởng giả, rồi lấy thuốc hay nấu với sữa tô, đem nhỏ vào mũi vào miệng vợ trưởng giả. Vợ trưởng giả sai người đến hứng lấy phần thuốc bà nhổ ra, phần sữa tô thì đem cất, phần còn lại mới đem đổ đi. Kỳ Bà thấy vậy nói:

– Chút sữa tô dơ này bà còn tiếc rẻ, nói chi đến việc trả công cho tôi.

– Phép nhà ta rất nghiêm nghặt nếu đổ đi thì có ích gì. Ta có thể dùng nó để đốt đèn. Ngươi chỉ là thầy trị bệnh quan tâm làm gì những chuyện nhỏ nhặt ấy!

Điều trị không bao lâu, bệnh vợ trưởng giả khỏi hẳn, bà thưởng công cho Kỳ-bà bốn mươi ngàn lượng vàng cùng nhiều nô tỳ và trâu ngựa. Kỳ Bà trở về thành Vương xá, vào cung của Thái tử Vô Úy kể lại mọi việc, đồng thời đem tất cả các vật có được dâng lên Thái tử. Đây là lần trị bệnh đầu tiên của Kỳ-bà.

(Trích luật Tứ Phần quyển 2 phần 3)