KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 46

 

CHƯƠNG QUỶ THẦN

1. A-TU-LA

1.1. A-TU-LA VÔ CỚ GÂY CHIẾN VỚI CHƯ THIÊN

Có vị A-tu-la tên La-ha (Kinh A-hàm ghi là A-ta-luân) sống dưới đáy biển lớn ở phía bắc núi Tu-di. Trên cung điện có nước lơ lửng, bốn bên có gió bảo vệ. Thành quách có chu vi rộng đến tám vạn do tuần. Từ ngoài vào trong có bảy lớp cao ba ngàn do tuần. Thành bằng vàng, cửa bằng bạc, vườn tược ao hồ sạch sẽ, trong mát, chim hót líu lo. La-ha ở cách núi Tu-di một do tuần, thân cao hai vạn tám ngàn dặm (Các A-tula khác có thân hình cao một vạn do tuần, y phục dài hai do tuần, rộng một do tuần, nặng sáu thù). Họ cũng ăn thức ăn có khối, tắm rửa mặc y phục, thích xúc chạm những thứ mịn màng trơn láng.

Đến ngày mười lăm mỗi tháng, La-ha vào giữa biển biến hoá thân thể của mình. Phần dưới nước ngập đến rốn, phần trên cao đến núi Tu-di, dùng tay che khuất mặt Trời, mặt trăng. Mặt Trời mặt trăng thấy hình tướng xấu xí của A-tu-la thì rất kinh sợ, ánh sáng biến mất.

Khi A-tu-la muốn đi dạo chơi thì tự nhiên có gió thổi mở cửa thành ra, khép lại, thổi cho đường xá sạch sẽ, thổi cho hoa rơi xuống. La-ha có năm vị đại thần tên Tróc Trì, Hùng Lực, Vũ Di, Đầu Thủ, Tối Phục luôn hầu hai bên.

Một hôm, La-ha chợt nghĩ: “Ta có oai đức, thần lực lớn như vầy mà để cho Đao-lợi thiên, mặt Trời, mặt trăng cùng Chư thiên ngang nhiên đi lại trên đầu. Ta thề sẽ lấy mặt Trời, mặt trăng làm khoen đeo tai”. Càng nghĩ, La-ha càng thêm tức giận, muốn đánh đổ hết tất cả.

La-ha liền ra lịnh cho hai vị A-tu-la Vương xá-ma-lê, Tỳ-ma-chấtđa và các đại thần, mỗi vị đều chuẩn bị binh lính, vũ khí kéo đến đánh Đế-thích.

Khi ấy, hai Long vương Nan-đà và Bạt-nan-đà đến núi Tu-di quấn quanh núi bảy vòng, làm cho núi rung rinh, mây lan ra. Chúng lại dùng đuôi quất vào trong nước khiến cho biển lớn dậy sóng, tràn ngập núi Tu-di.

Đế-thích thấy vậy liền bảo: “A-tu-la muốn đánh ta rồi đây”

Các loài rồng trong biển và quỉ Ca-lầu-la, một loài quỉ ưa thích cầm hoa, hai quỉ thần này lần lượt dẫn binh đánh A-tu-la nhưng không thắng nổi nên đều bỏ chạy. Ở cung điện, Tứ-thiên-vương đều cho chuẩn bị binh lính, sẵn sàng đánh A-tu-la. Trước lúc ra trận, các vị ấy đến thưa Đế-thích. Đế-thích liền thông báo cho khắp các cõi Trời cùng biết. Khi ấy, từ cõi Trời Diệm-ma cho đến cõi Trời Tha-hoá, vô số Chư thiên và Long vương, quỉ thần đều lũ lượt kéo đến vây quanh Đế-thích.

Đế-thích ra lệnh:

– Nếu quân ta thắng thì lấy dây thừng năm sợi, trói Tỳ-ma-chất-đa dẫn đến Thiện pháp đường, ta muốn nhìn thấy hắn.

Bên kia A-tu-la cũng ra lệnh:

– Nếu quân ta thắng thì dùng lấy dây thừng năm sợi, trói Đế-thích dẫn về Thất diệp đường, ta muốn nhìn thấy hắn.

Khi trận đánh vừa xảy ra, chỉ có vũ khí va chạm nhau, cả hai bên không hề bị thương, nhưng khi vũ khí va vào thân thể thì đau đớn vô cùng. Đế-thích hiện thân có ngàn mắt, cầm chày kim cang dẫn đầu vượt ra vùng binh đao khói lửa đang vây bủa. Quân A-tu-la thấy vậy liền kéo nhau bỏ chạy, chịu phần thất bại. Quân của Đế-thích liền trói Tỳma-chất-đa dẫn về. Đế-thích từ xa vừa trông thấy, Tỳ-ma-chất-đa liền buông ra những lời chửi mắng hung dữ. Đế-thích bảo:

– Ta chỉ muốn nói cho ông nghe, các ông có tuổi thọ cả ngàn như Trời, nhưng người tuổi tăng thì ít mà giảm thì nhiều, tính tình hung dữ, ưa thích đấu tranh, nhưng vì không phá giới, ưa thích bố thí cho nên thọ thân như vầy.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20, kinh Lâu Thán, kinh Hoa Nghiêm, luận Đại Trí Độ cũng như vậy)

1.2. VÌ CON GÁI, TỲ-MA-CHẤT-ĐA ĐÁNH ĐẾ THÍCH: Tỳ-ma-chất-đa:

Vào thuở kiếp sơ, Chư thiên thường hay xuống biển, khi thân tiếp xúc với nước, sanh ra cảm thọ dục lạc, tinh trùng tiết ra trong nước, tự nhiên thành trứng. Trứng ấy nở ra một cô gái có nước da màu xanh lục. Cô xuống biển vỗ mình vào nước, tự cảm thọ dục lạc, những tinh trùng trong nước chui vào chỗ kín, khiến cô mang thai. Về sau cô sanh ra một bé trai có chín đầu, một nghìn mắt, trong miệng phun ra lửa, có chín trăm chín mươi chín cánh tay, tám chân. Cậu bé này chính là Tỳ-machất-đa.

Hằng ngày, cậu bé xuống biển ăn bùn và ngó sen, cưới con gái Càn-thát-bà, một cô gái xinh đẹp hơn cả Bạch ngọc, ở Hương Sơn làm vợ. Về sau họ sanh được một cô gái đoan trang xinh đẹp không ai sánh bằng.

Một hôm, Kiều-thi-ca sai người đến cầu hôn cô gái. A-tu-la bảo:

– Nếu có thể cho ta cởi lên cung điện bảy báu, ta sẽ đem con gái gả cho. Đế-thích liền cởi nón báu, dùng phước báu của mười điều lành, khiến cho A-tu-la được ngồi trên điện báu.

Sau đó Đế-thích cởi đài sáu thứ báu đến đón cô gái về Thiện pháp đường và đặt tên cho cô là Duyệt Ý. Chư thiên, phụ thần rất vui mừng.

Một hôm, Đế-thích đến vườn Hoan hỷ cùng các thể nữ xuống ao vui chơi. Duyệt Ý ganh ghét, sai năm trăm Dạ-xoa trở về mách với cha Tỳ-ma-chất-đa nổi giận kéo binh đến đánh Đế-thích. Ông đứng trong biển, chân đạp lên đỉnh Tu-di, chín mươi chín cánh tay hoạt động cùng một lúc, tiêu diệt thành Hỷ Kiến, núi Tu-di rung động, nước trong bốn biển lớn cùng lúc dậy sóng. Đế-thích hốt hoảng lo sợ không biết trốn đâu. Khi ấy trong cung có một vị thần đến thưa Thiên vương:

Đức Phật trong thời quá khứ có nói chú Bát-nhã-ba-la-mật, vua nên tụng trì, ma binh sẽ tự tan rã.

Nghe xong, Đế-thích đến điện Thiện Pháp, đốt các thứ hương thơm, phát đại thệ nguyện: “Bát-nhã-ba-la-mật là đại minh chú, là Vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú đích thật không sai. Ta trì tụng chú này sẽ được thành Phật. Khiến cho quân của A-tu-la tự nhiên tan rã rút lui”. Khi Đế-thích phát thệ, tự nhiên trên Hư không xuất hiện bốn bánh xe đao lớn từ từ hạ xuống chém vào người A-tu-la, khiến cho tai, mũi, tay, chân đều rơi xuống đất, khiến cho nước trong bốn biển đỏ như ráng châu (viên ngọc sắc đỏ). A-tu-la quá sợ hãi, không nơi chạy trốn, liền chui vào trong lổ ngó sen.

(Trích kinh Quán Phật Tam Muội quyển 2)

1.3. NHỜ CỨU CHIM, ĐẾ THÍCH THẮNG TRẬN

Thưở xưa, một hôm, A-tu-la kéo binh đánh Đế-thích. Đế-thích đánh không lại, sợ hãi leo lên xe có ngàn căm báu bỏ chạy. Trên đường đi, Đế-thích thấy trên cây Thiểm sa la có một chiếc tổ chim, bên trong có hai chú chim nhỏ. Đế-thích lập tức ra lệnh cho người hầu cận: “Trên cây kia có hai chú chim, khanh hãy quay xe đi vòng lại chỗ đó cứu nó, ta thà bị hại chứ không nên để chúng bị tổn thương”.

Người hầu liền quay xe trở lại. Ở đằng xa, A-tu-la thấy Đếthích quay xe lại liền bảo: “Đế-thích quay xe lại chắc là muốn đánh ta, chuyến này chắc ta không đương đầu nổi”. Nói rồi chúng liền kéo nhau bỏ chạy. Đế-thích tự nhiên được thắng trận. (Kinh Tạp A-hàm ghi: Trong rừng có tổ Kim sí điểu nói là Đế-thích đến đánh nên A-tu-la sợ hãi bỏ chạy)

Thường A-tu-la có ba việc hơn cõi Diêm-phù-đề là: cung điện cao rộng, cung điện trang nghiêm, cung điện sạch sẽ. (Trích kinh Trường A-hàm quyển 21)

1.4. ĐẾ THÍCH GÂY CHIẾN VỚI A-TU-LA

Thưở quá khứ có vị A-tu-la vương tên La-hầu-la sanh được một cô con gái vô cùng đoan trang xinh đẹp, đầy đủ sáu mươi bốn đức của một người con gái. Mỗi lần cô nói, hơi trong miệng toả ra thơm như hoa Ưubát-la, thân thoảng ra hương thơm Ngưu-đầu-chiên-đàn, sắc mặt trắng hồng, ai thấy cũng ưa thích.

Một hôm Đế-thích nghĩ: “Thể nữ trong cung ta phần nhiều là xinh đẹp, nhưng không ai sánh bằng con gái của A-tu-la. Nay ta sẽ dẫn binh đến đánh và bắt A-tu-la đem con gái làm người hầu cho ta”. Nghĩ rồi Đế-thích liền triệu tập Chư thiên đến nói rõ dự của mình.

Chư thiên thưa:

– Nếu tiến hành thì nên sai các vị thần chuyên về nhạc cụ, tay cầm cây đàn có chín mươi mốt sợi dây bằng lưu li (Thai kinh ghi chín mươi chín sợi) trỗi lên những bài ca thọ phước an vui của thiên nhơn chúng ta.

Đế thích liền ra lệnh cho các thiên tử chuyên về nhạc khí như Bàn-già-dực v.v… chuẩn bị nhạc khí đến trước Bà-tư-ha trỗi nhạc.

Hiện Ý bảo:

– Ta muốn Bà-tư-ha làm người hầu hạ cho ta, nếu không giao người ta sẽ khởi binh đánh chiến.

A-tu-la nổi giận quát:

– Ta cũng có đủ sức để chống lại các ngươi.

Bàn-già-dực v.v… liền báo lại với Đế thích. Khi ấy, A-tu-la tập hợp binh bính kéo đến bên cạnh núi Tu-di phá cung chân Trời, cung gió, cung ngựa và các cung đẹp cho đến bốn cửa.

Trong tình thế ấy, Đế thích chợt nhớ và tụng lại bài kệ đã tụng trước đây. Nhờ vậy binh lính của A-tu-la từ từ rút lui. A-tu-la dẫn bốn binh xuống ao Câu-hy-la, chui vào một lỗ hổng của ngó sen.

Có một vị sĩ phu trông thấy tự nghĩ: “Chắc ta đã điên cuồng mất trí nên mới trông nhầm sự việc kì lạ này” Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

– Đó là sự thật.

Lúc ấy, Thích đề hoàn nhân tập hợp Chư thiên từ bốn cửa thành đi ra chỉ thấy dao, áo giáp, cung tên trên mặt đất, không thấy A-tu-la và binh lính đâu cả. Đế thích liền tiến lên trước đi thẳng vào cung của A-tu-la, gặp Bà-tư-ha và hàng ngàn vạn A-tu-la nữ, không thấy A-tu-la đâu cả, Đế thích liền dẫn hết A-tu-la nữ về cung Đao-lợi.

Khi ấy A-tu-la v.v… cầu xin Đế thích thương xót và xin được quy phục:

– Chúng tôi ngu muội không biết đệ tử Phật có thần lực cao xa như vậy. Tổ tiên chúng tôi tin thờ đức Như lai. Chúng tôi nghe nói Phật có răn cấm không được lấy vật của người khác. Hôm nay Đế thích đem hết thân quyến của chúng tôi về thiên cung, đó chẳng phải là việc đáng làm của người đệ tử Phật.

Đế thích nghe xong buồn hiu:

– Ta thà giữ gìn trọn vẹn giới cấm của Phật chớ không phạm giới trộm cắp.

Thế rồi, Đế thích trả hết quyến thuộc cho A-tu-la. Vua A-tu-la chọn một A-tu-la nữ xinh đẹp nhất dâng cho Đế thích. Đế thích đem cam lồ đáp lại. Từ đó A-tu-la luôn đối xử tốt với Đế thích và cùng giữ gìn Tam quy Ngũ giới.

(Trích Thai kinh và kinh Thí Dụ quyển hạ)

1.5. NHÂN DUYÊN A-TU-LA CÓ THÂN CAO LỚN

Đời trước A-tu-la từng là một người nghèo sống cạnh một bờ sông, thường qua bên sông gánh củi. Nước sông ở đây rất sâu lại chảy xiết nên mỗi lần qua sông người này thường bị nước cuốn, đồ đạc mang theo trôi hết, bản thân trồi lên hụp xuống theo dòng nước cho đến khi gần chết chìm mới được thoát.

Một hôm, có một vị Bích chi Phật hoá làm một vị Sa-môn đến nhà người nghèo kia khất thực. Người kia vui mừng đem cơm cúng dường. Dùng cơm xong, vị Sa-môn ném chiếc bát lên Hư không, chiếc bát biến thành chiếc xe, Ngài bước lên đó bay đi. Người nghèo kia thấy vậy liền phát nguyện đời sau được thân hình cao lớn, tất cả sông sâu đều không ngập qua khỏi đầu gối.

Do nhân duyên này mà A-tu-la có thân hình cao lớn, nước trong bốn biển lớn không thể ngập qua khỏi đầu gối. A-tu-la đứng trong biển, thân cao hơn núi Tu di, tay chống vào đỉnh núi nhìn xuống cung Trời Đao lợi.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển 4)

2. CÀN THÁT BÀ

Vua Càn-thát-bà ở thành Tỳ-xá-li bên phải núi Tuyết. Lúc thế giới mới thành lập có phong luân nổi lên. Khi ấy có một người tên Trang Nghiêm xây dựng nên thành quách cung điện này. Phía bắc của thành có bảy ngọn hắc sơn, phía bắc của núi có ngọn Hương Sơn. Trong khoảng mười ngọn núi báu thường có tiếng nhạc vang lên (Luận Đại Trí Độ gọi là Thiên nhạc thần). Trong núi có hai hang động tên Trú và Thiện Trú, do bảy báu tạo thành, mềm mại, thơm tho, tinh sạch như thiên y. Vua Càn-thát-bà thống lãnh năm trăm quyến thuộc.

Một hôm Phật ở núi Tỳ-đà (nằm phía bắc núi Ma-kiệt-đà). Đế thích bảo thần nhạc khí tên Bà-già-dực cầm đàn lưu li đến trước Phật dạo đàn ca hát. Phật bảo:

– Ông có khả năng dùng đàn trỗi nhạc tán thán đức Như Lai, tiếng đàn thật buồn bã ai oán cảm động lòng người. Trong tiếng đàn ấy thể hiện đầy đủ các nghĩa Niết-bàn, nghĩa Sa-môn muốn tu hành thanh tịnh.

Đế thích quay sang bảo Càn-thát-bà:

– Ta sẽ cho ngươi kế tiếp địa vị của cha ngươi, đó là địa vị cao nhất trong muôn loài và sẽ đem con gái gả cho ngươi. (Trích kinh Trường A-hàm và luận Đại Trí Độ)

3. KHẨN NA LA

Khẩn-na-la còn gọi là Chân-na-la, ở phía bắc núi Tu di. Qua vòng rào sắt nhỏ có ngọn Đại Hắc Sơn. Trong khoảng mười ngọn núi báu không có Phật pháp, không mặt Trời, mặt trăng, và các vì sao.

Nhờ sức bố thí ở đời trước, nay Khẩn-na-la được ở trong cung điện bảy báu, sống lâu vô cùng. Vua Khẩn-na-la vốn xuất thân trong loài người.

Thuở nọ ở nhân gian có một vị đại trưởng giả xây dựng tháp Phật. Vị Khẩn-na-la này bố thí một cây cột dựng chùa và đem cơm thơm ngon tinh sạch đến cho thợ ăn. Sau khi mạng chung vị này hoá làm thần Hung Ức ở giữa hai ngọn núi.

Lại trong một kiếp làm một vị đại trưởng giả, tích chứa rất nhiều của cải. Một hôm có vị Sa-môn đến khất thực, người vợ dâng cơm cúng dường. Trưởng giả giận dữ mắng:

– Kẻ ăn xin này tại sao dám nhìn vợ ta.

Rồi ông ta ra lệnh chặt tay chân vị Sa-môn. Do nhân duyên này, sau khi mạng chung, trưởng giả thọ hình dáng xấu xí, suốt tám mươi bốn kiếp không có tay chân. Mỗi lần Chư thiên mở yến tiệc đều phân chia ranh giới trên dưới với Càn-thát-bà. Mỗi khi Trời sắp trỗi nhạc thì mồ hôi dưới mình Càn-thát-bà chảy ra, hơi hôi bay lên cõi Trời.

Một hôm, vị Khẩn-na-la tên Đầu-lũ-ma-cầm dạo đàn ca những bài nói về thật tướng của các pháp để tán thán đức Thế tôn. Khi ấy núi Tu di cùng cây trong rừng đều lay động. Ngài Ca-diếp không thể ngồi yên trên toà, năm trăm tiên nhân say mê mất hết thần thông, đều bị rơi xuống đất.

(Trích Bồ Tát Thai Kinh và luận Đại Trí Độ)

4. CÁC LOÀI QUỶ THẦN

4.1. NGUỒN GỐC TÊN CỦA CÁC VỊ THẦN

Có bốn vị đại Thiên thần là Đất, Nước, Gio, Lửa. Một hôm thần Đất tự nghĩ: “Trong đất không có nước, lửa, gió”.

Phật bảo:

  • Trong đất có nước, lửa, gió nhưng vì đất chiếm phần nhiều nên được gọi là đất. Các thần nước, lửa, gió cũng đều nghĩ như vậy.

Phật thuyết pháp cho họ nghe, cả bốn vị thần đều thọ năm giới làm Ưu-bà-di. Tất cả nhà cửa của nhân dân đều có quỷ thần cư ngụ. Tất cả phố xá, ngõ hẻm, đường xá, bờ đê, lò mổ, hội hè, chợ búa quán xá cho đến núi non gò mả không nơi nào không có quỷ thần. Tất cả quỷ thần đều tuỳ theo nơi mình nương ở mà có tên gọi (Kinh Lâu Thán ghi: Cây cao bảy thước, đường kính một thước có quỷ thần ở). Một người mới sanh ra đều có quỷ thần theo ủng hộ, khi người ấy sắp chết, quỷ thần thâu lấy tinh khí của người ấy. Người làm mười điều ác dù hàng trăm hàng ngàn cũng chỉ có một vị thần ủng hộ. Giống như quốc vương sắp xếp một vị quần thần coi ngó trăm ngàn người.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 20)

4.2. GỌI TÊN THEO QUẢ BÁO NGẠ QUỶ

Chúng sanh nào bị sanh vào trong loài ngạ quỷ sẽ thường bị đói khát, mắt lõm, tóc dài, chạy khắp đông tây, chuyên ăn những thứ ói mửa, mỡ thịt, máu mủ, phẩn tiểu, đờm dãi, những chất do tắm rửa chảy ra. Sống lâu đến ngàn vạn tuổi. Từ trước đến nay chưa hề nghe đến tên chất nước uống. Giả sử như được nhìn thấy, vội vã chạy đến thì chất nước ấy liền biến thành lửa dữ, máu mủ. Có khi chất nước ấy không thay đổi thì có nhiều người cầm trượng chặn lại không cho lại gần.Đến mùa hạ nước mưa rơi xuống chạm vào thân liền biến thành lửa. Đây gọi là quả báu ác.

Bên sông Hằng hà có năm trăm ngạ quỷ, trong vo lượng năm không hề nhìn thấy nước sông. Cho nên tuy đến bên cạnh sông mà chỉ thấy dòng lửa đang chảy nên bị đói khát hành hạ, kêu khóc vang Trời.

Một hôm, ngạ quỷ đến bạch Phật:

– Bạch Phật, chúng tôi thường bị đói khát, sắp chết đến nơi rồi.

Phật bảo:

– Sông Hằng hà nước vẫn chảy sao không uống?

– Như Lai thấy nước còn chúng tôi chỉ thấy là lửa.

– Các ông hãy dẹp bỏ những điên đão của mình đi thì sẽ thấy được nước.

Phật lại chỉ rõ tọi xan tham cho quỷ nghe.

Quỷ thưa:

– Tôi khát đã lâu rồi cho nên nay dù nghe Phật dạy cũng không sao hiểu được. Trước tiên Phật hãy cho tôi vào biển uống nước thoả thích đã.

Nhờ thần lực của Phật, ngạ quỷ được mặc sức uống nước. Sau đó Phật thuyết pháp, tất cả đều phát tâm Bồ-đề, thoát thân ngạ quỷ. Hoặc có ngạ quỷ thường bị lửa đốt như gặp lúc kiếp tận các ngọn núi đều phun ra lửa. Hoặc có loài quỷ ốm yếu tiều tuỵ, chạy khắp đó đây, lông tóc bù xù che phủ thân thể. Hoặc có loài chuyên đứng bên chuồng xí đợi đồ bất tịnh. Hoặc có loài thường chờ máu huyết dơ của sản phụ để uống, thân như cây cháy, cổ nhỏ như kim, nếu có nước uống thì ngàn năm cũng không no. Hoặc có loài quỷ tự đập vỡ đầu mình, lấy não ra liếm. Hoặc có loài quỷ thân hình như ngọn núi đen, bị khoá sắt khoá ào cổ, dập đầu cầu xin, lạy lục ngục tốt. Hoặc có loài quỷ đời trước tạo nghiệp ác khẩu, thích dùng lời độc ác mắng chửi người khác, khiến mọi người đều chán ghét, nhìn chúng như kẻ thù. Do những tội này cho nên đoạ vào loài ngạ quỷ, chịu vô lượng khổ.

(Trích kinh Niết-bàn, luận Đại Trí)

4.3. CHUYỆN NGƯỜI BÁN RƯỢU VÀ QUỶ

Có một người sống bằng nghề bán rượu. Một hôm có một con quỷ hiện đến quán ông ta uống rượu, uống xong không trả tiền mà bảo với chủ quán:

– Sáng mai sẽ có một người tay cầm hoa, mặc áo trắng, quấn xà cạp màu xanh, trong xà cạp có một ngàn cân kim ngân. Người ấy sẽ xuống hồ tắm và chết trong hồ. Ông hãy đến lấy số tiền ấy giữ xài để sau này không còn lo lắng.

Sáng hôm sau, khi chủ quán đang chờ đợi thì thấy có một người đi đến, lội xuống ao tắm rửa rồi lên bờ mặc quần áo, rửa chân nhưng bị trượt chân té chết. Chủ quán đến lấy đủ số tiền như quỷ đã nói. Ngày hôm sau quỷ lại đến, chủ quán dọn cơm rượu ra và thưa:

– Tôi thấy người ấy sau khi mặc quần áo muốn đi thì té chết. Sao không giết người đó trong nước mà giết trên bờ?

– Tôi đâu thể giết người hay làm cho người bịnh, tôi chỉ biết được thời gian tuổi thọ con người sống tới đâu mà thôi.

Cho nên nói quỷ thần trong Trời đất biết được giờ sống chết, tội phước của người sẽ đến, chưa đến chứ không thể giết người ta hay khiến cho người chết sống lại, không thể khiến cho người ta giàu sang lên hay trở nên nghèo cùng. Nhưng lại muốn khiến cho người ta làm ác, giết hại nhau và lợi dụng sự suy hao của con người mà đến quấy phá họ, hoặc nói về phước hoạ để khiến họ cúng tế cho mình mà thôi. (Trích kinh Thí Dụ bộ mười quyển, quyển sáu)

4.4. QUẢ BÁO CỦA QUỶ THẦN KIM SÀNG

Một hôm, vua Phạm-ma-đạt nước Ca-di đi săn ở một cánh đồng hoang, thấy một ngôi nhà liền đi đến (Kinh Phước báu ghi, ở dưới một gốc cây bên sườn núi). Trong nhà có một cô gái, vua xin thức ăn uống, cô gái lục hết trong nhà mà không còn gì cả. Vua xin được gặp mặt, cô gái bước ra, mình không một mảnh vải che thân, vua liền cởi áo đang mặc trên mình trao cho cô. Nhưng cả ba lần cô mặc vào, áo đều bốc cháy. Vua hỏi lí do, cô gái đáp:

– Ngày xưa tôi vốn là thiếp của vua. Khi vua đem thức ăn và y phục cúng dường Sa-môn, tôi liền khuyên chỉ nên cúng cơm là đủ rồi, không cần phải cúng y phục (Kinh Phước Báu ghi ngăn cúng dường y phục cho Sa-môn) cho nên chịu tội này. Nếu vua muốn cho tôi mặc được y phục thì trước hết xin vua hãy thay tôi đem y phục cúng dường Sa-môn và các bậc thông tuệ, các bậc hiền giả.

Vua trở về thỉnh cầu Sa-môn cúng dường nhưng cô gái vẫn chưa mặc y phục được. Vua lại cúng dường cho một vị hiền giả thọ trì năm giới. Hiền giả chú nguyện: “Nguyện cho cô Kim Sàng nhờ phước cúng dường này sẽ được vô lượng phước”. Nhờ đó cô gái đã mặc được áo vua ban. Vua hỏi cô gái:

– Cô thuộc hạng thần gì?

– Tôi có phước báu cao hơn người, nhưng thấp hơn Trời cho nên sanh vào trong loài quỷ thần. Sau khi bỏ thân mạng ngày sẽ được sanh lên tầng Trời thứ nhất.

(Trích kinh Thí Dụ, kinh Phước Báu)

4.5. THÂN NÀO LÀ CỦA TA

Ngày xưa, có một người bộ hành đi xa, nghỉ đêm trong một ngôi nhà trống. Nữa đêm có con quỷ vác một xác người đến để trước mặt anh ta. Lát sau có một con quỷ khác tìm đến giận dữ chửi mắng con quỷ kia:

– Xác chết này là của tao tại sao bỗng nhiên mày vác đến đây.

Con quỷ kia bảo:

– Đây là vật của tao thì tao tự đem đến.

– Xác người này thật sự là do tao đem đến, con quỷ đến sau gằn giọng cãi bướng.

Hai con quỷ không ai nhường ai, mỗi bên nắm một tay, một chân người chết lôi qua kéo lại.

Con quỷ đến trước bảo:

– Ở đây có người, mày có thể hỏi sự thật.

Con quỷ đến sau liền hỏi người bộ hành:

– Xác người này do ai vác đến?

Anh kia suy nghĩ: “Hai con quỷ này đều có sức mạnh, mình nói thật hay nói dối cũng đều không khỏi chết”. Nghĩ xong, anh ta liền nói:

– Do quỷ trước vác đến.

Quỷ đến sau đùng đùng nổi giận, nắm cánh tay anh ta giựt phăng ra, quẳng xuống đất. Thấy vậy, con quỷ đến trước liền lấy một cánh tay người chết ráp vào cho anh ta. Cứ thế hai tay, hai chân, sườn, toàn thân anh ta đều được thay bằng xác người chết. Hai con quỷ cùng nhau ăn xác người được thay kia, rồi quẹt mỏ bỏ đi.

Người kia suy nghĩ: “Cái thân do cha mẹ sanh ra, nay chính mắt mình thấy hai con quỷ kia đã ăn hết. Nay thân của mình hoàn toàn là máu thịt của người khác. Vậy thật sự thân này là của ta hay không phải của ta”. Thế rồi anh ta đến tháp Phật, kể lại hết sự việc và hỏi các vị Tỳ-kheo. Các vị Tỳ-kheo bảo:

– Thân thể của chúng ta xưa nay vốn là vô ngã, nhưng do bốn đại hoà hợp nên tạm gọi là thân. Thế nên thân cũ và thân này của anh không có gì khác nhau cả.

Các vị Tỳ-kheo liền độ cho anh ta tu tập, không bao lâu anh ta đắc quả A-la-hán.

( Trích luận Đại Trí Độ quyển 12)

4.6. PHƯỚC BÁU CHỈ NHÀ CÚNG DƯỜNG:

Có một quỷ thần thân thể rất lớn, có cánh tay màu sắc vàng, năm ngón tay thường có nước cam lồ chảy ra. Nếu có người đi đường cần thức ăn uống hoặc các của cải khác thì tất cả đều từ năm ngón tay của thần chảy ra như ý muốn của họ.

Một hôm Ngài Mục-liên hỏi quỷ:

– Ông là Trời gì mà có phước báu kỳ lạ như vậy?

Quỷ đáp:

– Tôi chẳng phải là Thiên vương, chẳng phải là Phạm Thiên vương, tôi là quỷ thần ở trong một thành lớn của nước kia. Tôi đang trên đường đi dạo nên đến đây.

– Ông làm việc lành gì mà được phước báu như thế?

– Thành lớn của nước kia tên La Lầu, thuở xưa tôi là một cô gái nghèo sống trong thành đó. Hằng ngày tôi dệt lông, dệt tơ thành túi bán để tự sống, nhưng ngày càng nghèo khổ, nhà cửa hư mục. Thế là tôi đến đầu bờ đê gần nhà một vị trưởng giả giàu có hay bố thí cũng sống bằng nghề dệt túi xách, sắp đến giờ ngọ nếu có Sa-môn, Bà-la-môn ôm bát đi khất thực hỏi tôi nhà vị trưởng giả nọ ở đâu. Khi ấy lòng tôi thành thật, vui mừng đưa tay chỉ về nhà trưởng giả và nói hãy đi đến đó, nếu để qua giờ ngọ thì sẽ không xin được gì cả.

(Trích kinh Tạp Tạng)

4.7. PHẬT ĐỘ QUỶ ÁC TỲ SA

Ở biên giới nước Bạt Kỳ có một con quỷ tên Tỳ Sa rất là hung dữ, giết dân chúng vô số, một ngày đến vài chục người. Một hôm mọi người tập họp bàn bạc nên trốn khỏi nước này đến một nước khác thật xa. Quỷ biết được ý định của mọi người liền nói với họ: “Các ngươi chớ phí công bỏ nước này đến nước khác, vì dù có đi đâu cũng không thoát khỏi tay ta. Chỉ cần một ngày ngươi đem một người đến cúng cho ta thì ta sẽ không làm hại ngươi”. Từ đó mỗi ngày người kia bắt một người đến cúng cho quỷ. Xương của những người bị nó ăn chất đầy hang đầy suối.

Trong nước có vị trưởng giả tên Thiện Giác, gia đình giàu có. Hai vợ chồng chỉ có duy nhất một cậu con trai tên Na-ưu-la. Hôm nay theo quy định, cậu bé Na-ưu-la bị dẫn đến cúng cho quỷ. Hai vợ chồng trưởng giả tắm rửa cho con, mặc áo mới rồi dẫn đến chỗ quỷ. Hai người đau khổ than khóc không thể kể xiết và chí thành cầu nguyện:

– Cầu xin các vị quỷ thần chứng minh, con chỉ có một đứa con này,

xin quý Ngài ủng hộ cho nó khỏi bị quỷ ăn thịt. Các vị Thích đề hoàn nhân, Phạm Thiên vương, các vị lậu tận A-la-hán đệ tử đức Như Lai, cùng các vị Bích chi Phật, cho đến đức Như Lai, bậc tối tôn tối thượng, là ruộng phước tốt, không có ai sánh bằng đức Như Lai. Xin hãy theo dõi bảo vệ con của con. Xin đức Như Lai thương xót cho lòng thành của chúng con.

Cầu nguyện xong, hai vợ chồng trưởng giả để đứa con lại cho quỷ rồi ra về.

Khi ấy, Đức Thế tôn dùng thiên nhãn, thiên nhĩ nghe thấy hết những việc đó, liền vận thần túc đến phía bắc Tuyết Sơn, vào nơi quỷ ở ngồi kiết già. Đứa bé nhìn thấy hào quang rực rỡ, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của đức Như Lai thì sanh lòng vui mừng thưa với Phật hôm nay quỷ sẽ ăn thịt cậu.

Đức Phật bảo:

– Này Na-ưu-la, như lời con nói, ta là đức Như Lai chí chơn đẳng Chánh giác, cố ý đến đây để cứu con và hàng phục quỷ ác kia.

Na-ưu-la vui mừng sụp mình lạy chân Phật. Phật thuyết pháp vi diệu cậu nghe xong liền xa lìa hết trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, xin Phật quy y Tam bảo, thọ năm giới.

Quỷ ác trở về, thấy đức Phật ngồi trang nghiêm tĩnh lặng thì nổi giận làm cho mưa tuôn, sấm chớp, sét đánh, có khi làm cho đao kiếm rơi xuống như mưa. Nhưng khi những thứ kia chưa kịp rơi xuống đất thì Phật đã hoáa chúng thanh những đoá hoa sen, những đoá hoaƯu bát. Quỷ lại cho mưa xuống nhiều thứ, Phật đều dùng thần lực khống chế hết.

Thấy vậy, quỷ giận dữ la lên:

– Sa-môn hãy ngồi yên, chớ có động đậy, bây giờ ta sẽ hỏi ông về những cốt lỏi của Phật pháp. Nếu không thể trả lời được ta sẽ lôi hai chân ông quẳng ra phía nam biển cả.

Phật bảo:

– Cho dù là người hay phi nhơn cũng không ai có thể đem hai chân của ta quăng ra biển được, nếu có muốn hỏi gì thì đến hỏi đi.

Quỷ liền hỏi:

– Thế nào gọi là nghiệp cũ, nghiệp mới và nghiệp đã hết?

Phật bảo:

– Ông nên biết, mắt là nghiệp cũ, những nhân duyên thống khổ trước đây trở thành nghiệp, tai, mắt, mủi, miệng, thân, ý là nghiệp cũ. Mười nghiệp của thân khẩu ý gây ra hôm nay gọi là nghiệp mới. Ông nên biết, khi nghiệp cũ diệt hết thì không còn dấy khởi, không còn tạo tác, có thể cho nghiệp này là hoàn toàn không còn sanh nữa, hoàn toàn không còn các nghiệp khác. Đây gọi là nghiệp diệt Quỷ liền bảo:

– Bây giờ tôi đói quá rồi, ông hãy trả đứa bé lại cho tôi.

Phật bảo:

– Lúc ta còn làm Bồ tát, có con chim bồ câu bay đến núp vào ta xin cức mạng, ta còn không tiếc thân mình để cứu nó, huống gì nay ta đã thành Như Lai mà có thể giao đứa bé này cho ngươi ăn thịt sao. Vào thời Phật Ca-diếp ra đời, ngươi từng làm một vị Sa-môn, tu tập giữ gin phạm hạnh, nhưng về sau lại phạm giới nên sanh làm quỷ ác này.

Khi ấy, quỷ ác nương oai thần của Phật, nhớ lại những việc làm trước đây, liền đến đê đầu đảnh lễ đức Thế tôn:

– Con ngu si không phân biệt được chân ngụy nên khởi tâm xấu này. Nay chí thành hướng về đức Thế tôn xin sám hối.

Quỷ thưa đến ba lần, Phật mới bảo:

– Ta sẽ nhận lời sám hối của ngươi.

Đức Phật thuyết pháp cho quỷ nghe. Nghe xong quỷ dâng mấy ngàn lượng vàng cúng dường Thế tôn và thưa:

– Nay con đem hang núi này cúng dường cho các vị Chiêu đề tăng, xin đức Phật nhận cho con.

Thế tôn nhận lấy và nói kệ:

Cúng dường quả mát mẽ
Hay bắc cầu qua sông
Làm những con đường lớn
Đủ thực phẩn nuôi thân
Ngày đêm siêng cúng dường
Được phước không thể lường
Thàng tựu pháp, nghĩa, giới
Đời sau sanh cõi Trời.

Quỷ lại xin Phật chỉ dạy thêm. Phật bảo:

– Ông hãy xả bỏ thân quỷ của mình, mặc ba pháp y làm Sa-môn rồi đến thành Bạt Kỳ thông báo cho khắp nơi đều biết, đức Như Lai ra đời độ những người không được độ khiến cho được giải thoát, là bậc tối tôn tối thượng, là ruộng phước tốt. Nay Ngài đã độ cho cậu bé Na-ưu-la và hàng phục quỷ ác Tỳ Sa. Mọi người có thể đến để được Ngài giáo hoá.

Vâng lời Phật, quỷ Tỳ Sa đến nước Bạt Kỳ thông báo như lời Phật

dạy. Trưởng giả Thiện Giác nghe được tin này vui mừng khôn xiết, dẫn tám vạn bốn ngàn dân đến chỗ Thế tôn. (Trích Tăng Nhất A-hàm quyển tám)

4.8. PHẬT ĐỘ MẸ CON QUỶ

Ngày xưa, có một phụ nữ có rất nhiều con trai, tính tình bà rất ác độc, thích bắt trộm con người khác giết ăn. Những nhà mất con đều không biết do ai bắt, khắp phố phường thôn xóm đều nghe tiếng khóc than của họ.

Một hôm, đi khất thực, Ngài A-nan gặp những người mất con đang khóc liền hỏi thăm và biết được sự việc. Sau khi trở về, Ngài cùng chúng Tăng bàn luận về việc những gia đình đau khổ vì mất con. Phật biết chuyện nhưng vẫn cố ý hỏi mọi người đang bàn luận việc gì. Ngài A-nan thưa:

– Hồi nãy trên đường đi khất thực, thấy nhiều người khóc than, con đến hỏi thăm, mọi người đều nói con của họ bị mất tích không biết thi thể ở đâu.

Phật bảo:

– Trong nước này có một người chuyên trộm con nít, đó chẳng phải là người bình thường mà là mẹ con quỷ. Nay được sanh làm người thích bắt con nít. Người phụ nữ ấy có một ngàn người con, năm trăm đứa ở trên Trời, năm trăm đứa ở nhân gian, tất cả đều là quỉ vương. Một quỉ vương cầm đầu cả mấy vạn quỉ. Năm trăm quỉ vương trên Trời quấy nhiễu Chư thiên. Năm trăm quỉ vương ở nhân gian quấy nhiễu vua chúa và nhân dân. Năm trăm quỉ vương trên kia, Trời cũng không biết làm sao.

– Bạch Thế tôn! Chẳng lẽ chúng ta không có cách nào để ngăn bà ấy không bắt trộm trẻ con ư?

– Có chứ!

– Đó là cách gì?

– Con hãy đến chỗ bà ấy, rình chờ bà ấy đi rồi, bắt hết con bà ấy đem về Tinh xá.

Nghe xong Ngài A-nan vâng lời ra đi và bắt được mấy chục người con của bà kia đem về Tinh xá.

Người mẹ trở về không thấy con của mình đâu, liền thả con người khác ra không dám giết, bôn ba đi tìm con khắp nơi mà vẫn không biết nơi nào. Cứ như thế suốt mười ngày bà lang thang khóc than khắp mọi nẻo đường. Bà tự đánh đập mình, ngửa mặt lên Trời gào khóc, không màng đến chuyện ăn uống.

Phật liền cho Sa-môn đến hỏi thăm, bà vội thưa:

– Tôi bị mất nhiều đứa con cho nên mới khóc như thế.

– Bà có muốn gặp lại con mình không?

– Dạ rất muốn.

– Bà suy nghĩ cho kỹ, nếu muốn thì nên đến hỏi Phật để có thể gặp lại con của mình.

Người mẹ nghe xong nhẹ cả lòng, đi ngay đến chỗ Phật, đầu thành đảnh lễ. Phật hỏi:

– Tại sao bà khóc?

– Dạ, vì mất con cho nên tôi khóc.

– Bà bỏ con mình ở nhà rồi đi đâu mà để mất con.

Bà ta im lặng không trả lời, dù Phật hỏi đến ba lần. Bà biết trộm con người khác là việc ác liền đảnh lễ Phật:

– Vì con ngu si nên mới làm thế.

– Bà có thương con của mình không?

– Suốt ngày dù là nghĩ ngơi hay làm việc ( nằm, ngồi hay đi đứng) tôi đều muốn chúng cận kề bên mình.

– Bà có con, biết yêu thương con, tại sao mỗi ngày lại đi bắt trộm con của người khác. Người khác khi mất con cũng đi ngoài đường khóc than như bà. Vậy mà bà lại bắt trộm con người ta giết ăn. Vì việc này, sau khi chết bà sẽ bị rơi vào địa ngục Thái Sơn. Bây giờ bà có muốn gặp lại con mình không?

Người mẹ lập tức đê đầu đảnh lễ xin Phật thương xót cho gặp lại bầy con.

– Nếu như gặp được con rồi bà có thể tự hối hận chừa lỗi được không? Nếu bà có thể hối hận chừa lỗi thì sẽ trả con lại cho bà.

– Con hứa sẽ hối hận chừa lỗi.

– Bà sẽ làm gì để chứng minh là mình có thể tự hối hận chừa bỏ.

– Con xin nghe Phật truyền giới, vâng theo những lời Phật dạy. Xin Phật trả con lại cho con.

– Như lời bà nói, ta sẽ trao năm giới cho bà. Bà có một ngàn đứa con đều phải đặt tên cho chúng. Năm trăm đứa ở cõi Trời, năm trăm đứa ở nhân gian đang quấy nhiễu Trời người. Con bà làm quỉ vương, mỗi quỉ vương thống lĩnh cả vài vạn quỉ nên không thể gọi tên hết được. Cho nên hoặc gọi là thần cây, thần đất, thần nước và các thần thuyền, thần xe, thần nhà cửa, thần nơi tối tăm, thần mộng mi, thần khủng bố, thần quái dị v v… Tạm gọi như thế để mọi người thờ cúng. Còn việc giết nấu để có thức ăn uống thì không thể bảo vệ sinh mạng con người mà chỉ để tăng thêm tội. Người ngu si không biết ngồi suy tư đến sự nghèo khổ.

Mẹ của quỉ nghe Phật dạy xong, hết sức hối hận liền đắc quả Tu- đà hoàn, quì bạch Phật:

– Xin Phật thương xót, con muốn ở gần Tinh xá Phật, con muốn gọi một ngàn đứa con, con muốn khiến cho chúng gieo duyên với Phật, con muốn báo ân Trời người.

– Hay lắm, đó là những ý nghĩ rất tốt.

– Cho con đến ở gần Tinh xá của Phật, những người không có con trong nước đến xin con, con sẽ cho họ có con như mong ước, con sẽ sai con của con đến bảo vệ người đó, không dối gạt, hay quấy nhiễu họ.

Người muốn đến cầu nguyện mẹ của quỉ tên là Phù-đà-ma-ni-bát, người chị tên là Chích-nặc. Tất cả quỉ trên Trời và nhân gian đều do Ma- ni-bát làm chủ, thuyền bè xe cộ trong bốn biển, tài sản để đáp ứng cho sự sống đều thuộc Ma-ni-bát. Ma-ni-bát kết duyên, thọ năm giới với Phật, làm người chủ bảo vệ tài sản của loài người. Chích-nặc làm chủ bảo vệ, cứu giúp việc sinh sản của loài người.

(Trích kinh Quỉ Tử Mẫu)

4. 9. QUỈ KHUẤT MA-DẠ-XOA CÚNG DƯỜNG PHẬT

Một hôm, quỷ Khuất-ma-dạ-xoa đến chỗ Phật đầu thành đảnh lễ, đứng qua một bên và thưa:

– Bạch Thế tôn, hôm nay con thỉnh Phật cùng đại chúng ngủ đêm ở đây.

Đức Thế tôn im lặng nhận lời. Quỷ liền hoá ra trăm ngàn vạn lầu các có đầy đủ phòng ốc, ngoạ cụ, ghế ngồi, dường nằm. Trong mỗi phòng đều có đủ mền gối, tất cả năm trăm cái. Quỷ lại hoá làm năm trăm ngọn đèn sáng không hề có khói.

(Trích Tạp A- Hàm quyển 49)

4.10. MA VƯƠNG QUẤY PHÁ NGÀI MỤC-LIÊN

Một hôm đang đi kinh hành, Ngài Mục-liên bị một con ma ác hoá phép tàng hình chui vào bụng. Ngài nhập định quan sát, biết được nguyên nhân liền nói với ma:

– Hãy ra đi, chớ có quấy phá đệ tử của Phật mà chuốc lấy quả báu đau khổ mãi mãi về sau.

Ma nghĩ bụng: “Vị Sa-môn này không hề thấy ta, chỉ giỏi nói bừa, ngay cả thầy của ông ta còn không biết ta nữa là”.

Ngài Mục-liên liền bảo với ma:

– Ta còn biết bụng ngươi đang nghĩ gì nữa đấy.

Ma nghe xong sợ hãi: “Chết, Sa-môn đã biết ta rồi”. Ngay lập tức nó tàng hình chui ra đứng trước Ngài Mục-liên. Ngài Mục-liên bảo:

– Vào thời qúa khứ Phật Câu Lâu Tần, ta cũng làm ma tên là Minh Hận. Ta có một người chị tên Yểm Hắc, ngươi là con của chị ta. Phật thuở ấy có hai người đệ tử tên Hồng Âm và Tri Tưởng.

Sở dĩ gọi tên Hồng Âm là vì khi ở cõi Trời Phạm thiên,mỗi lần vị ấy ho lên một tiếng, Âm thanh vang đến ba ngàn đại thiên thế giới. Tri Tưởng là người đệ tử chuyên một mình sống trong núi rừng yên tĩnh. Một hôm Tri tưởng ngồi thiền dưới gốc cây trong núi, nhập thiền định. Những người chăn trâu dê cho là Ngài đã chết nên gom cỏ, lượm củi định đến trà tỳ. Nhưng nhờ sức định, thân thể Ngài không hề hấn gì cả, xuất định, Ngài ung dung vào thành khất thực.

(Trích kinh Tệ Ma Thức Mục-liên và kinh Trung A-Hàm quyển 27)

4.11. QUẢ BÁU OÁN THÙ KHÔNG BỎ

Chuyện kể, có một cô gái bị quỷ đói bắt, cô liền dùng chú thuật hỏi quỷ:

– Tại sao làm hại con gái người khác?

Quỷ bảo:

– Ngươi là oan gia của ta, trong năm trăm đời ngươi từng giết ta, ta cũng đã năm trăm đời giết lại mạng ngươi. Nếu ngươi có thể bỏ lòng oán thù xưa thì ta cũng có thể xoá bỏ.

Cô gái liền bảo:

– Nay tôi đã bỏ lòng oán thù rồi.

Quỷ quan sát thấy cô ta tuy miệng nói bỏ mà trong lòng chưa chịu bỏ nên liền giết cô ta.

(Trích kinh Sao Tỳ Ba Sa quyển 8)

4.12. NGÀI VĂN THÙ ĐỘ MA BA TUẦN

Một hôm ma Ba Tuần sửa soạn một bữa cúng dường thịnh soạn rồi hoá ra bốn mươi ngàn Tỳ-kheo mặc y cũ rách, ôm bát bể, vai ngực đều để trần, mặt mày xấu xí hung dữ, chân đi cà thọt, lưng gù, tính tình hấp tấp thô tháo, nhận đủ thứ thức ăn.

Thấy vậy, Ngài Văn Thù dùng thần lực làm cho thức ăn trong bát các Tỳ-kheo kia tràn đầy. Những vắt cơm vừa đưa tới miệng thì rã ra, không vào trong miệng được, thân thể họ ngồi không yên và tự nhiên té xuống đất.

Ngài Văn Thù hỏi ma:

– Tại sao các vị Tỳ-kheo không ăn?

Ma đáp:

– Họ sắp chết rồi.

Ngài Văn Thù lại hỏi:

– Một người không có tâm độc ác lại có thể làm việc độc ác được sao?

Ma bảo:

– Người có lòng dâm dục, nóng giận, si mê là người độc ác, nhờ nghe thuyết pháp mà lòng tôi không còn xấu xa độc ác nữa.

Năm trăm Chư thiên đi theo ma Ba Tuần đều phát tâm Bồ-đề. (Trích kinh Văn Thù Hiện Bảo Tạng quyển hạ)

4.13. NGẠ QUỶ HỎI NGÀI MỤC-LIÊN VỀ NGUYÊN NHÂN CỦA QUẢ BÁU KHỔ

Một hôm đến bờ sông Hằng, Ngài Mục-liên thấy năm trăm ngạ quỷ xuống sông lấy nước, nhưng có con quỷ giữ sông cầm gậy sắt rượt đuổi không cho đến gần. Nhìn thấy Ngài Mục-liên, các ngạ quỷ đều đi thẳng đến đảnh lễ và hỏi về tội của mình.

Một con quỷ hỏi:

– Từ khi thọ thân quỷ này, tôi thường bị cái khổ khát đến cháy cổ hành hạ. Nghe nói nước sông Hằng vừa trong vừa mát, tôi vui mừng đến uống. Nhưng khi đến gần thì thấy nước sôi sùng sục nóng ran cả người, thử uống vào một miếng thì ngũ tạng đều cháy rã, hôi không thể chịu nỗi. Vì nhân duyên gì tôi phải chịu quả báo này?

Ngài Mục-liên bảo:

– Vì đời trước ngươi làm một thầy tướng xem tướng tốt xấu cho người, nhưng ngươi toàn nói sai sự thật, có khi chê, có khi khen, tự cho mình là người nhìn xa thấy rộng, để làm động lòng người. Nói gian nói dối để cầu tài lợi, làm mê hoặc mọi người, đem lại việc không lơi ích cho họ.

Một quỷ khác hỏi:

– Tôi thường bị chó lớn có răng bén nhọn màu đỏ màu trắng đến ăn thịt trên thân chỉ trừa lại bộ xương. Một ngọn gió thổi đến thịt lồi ra, chó lại đến ăn. Vì sao mà tôi phải khổ như thế?

– Vì đời trước ngươi làm chủ một ngôi chùa thờ ngọc hoàng, thường

dạy mọi người giết dê lấy máu tế Trời, còn thịt ngươi ăn cho nên nay phải đem thịt trả lại. Quỷ khác hỏi:

– Trên thân tôi thường có phẩn uế trét đầy và tôi tự ăn những thứ ấy.Vì sao tôi phải chịu tội như vậy?

– Vì đời trước ngươi làm một Bà-la-môn tà kiến hung ác. Đạo nhân đến khất thực, ngươi lấy bát để đầy phẩn uế bên dưới, lấy cơm phủ lên trên rồi trao cho đạo nhân. Đạo nhân ôm bát về, dùng tay bốc cơm ăn, phẩn uế dơ tay. Vì nhân duyên ấy cho nên nay ngươi phải chịu khổ như thế.

Quỷ khác hỏi:

– Bụng tôi lớn như cái lu, yết hầu, tay chân lại nhỏ như kim, không thể ăn uống gì được. Vì nhân duyên gì phải chịu khổ này?

– Vì đời trước ngươi làm chủ một tụ lạc, tự ỷ mình giàu có, uống rượu, ngang ngược quấy phá người khác, chiếm đoạt phần ăn của người khác khiến họ phải đói khổ.

Quỷ khác hỏi:

– Tôi thường đến nhà xí muốn ăn phẩn uế, nhưng có một bày quỷ lớn cầm gậy xua đuổi không cho đến gần, trong miệng cháy rã hôi thối, đói khổ không sao chịu nỗi. Vì nhân gì mà tôi phải chịu như thế?

– Đời trước ngươi trụ trì một ngôi chùa, có các vị cư sĩ đến cúng dường đầy đủ thức ăn cho chúng Tăng. Ngươi đem những thức thô dở cúng cho khách tăng còn thức ăn ngon thì để cho mình.

Quỷ khác hỏi:

– Trên thân tôi mọc đầy những cái lưỡi, có người dùng búa chặt, chặt hết lại mọc ra, cứ như thế không thôi. Vì nhân gì tôi phải chịu như thế?

– Đời trước ngươi làm một vị đạo nhân chúng Tăng sai ngươi đi làm nước mật nha, cục đường phèn lớn khó tan, ngươi lấy búa đập nhỏ ra rồi trộm một miếng nhỏ bỏ vào miệng. Vì nhân duyên đó cho nên nay chịu khổ như thế.

Quỷ khác hỏi:

– Tôi thường bị bảy hoàn sắt nóng chạy thẳng vào bụng làm cho ngũ tạng cháy rã. Bảy hoàn sắt ấy cứ bay ra rồi lại bay vào mãi như vậy. Vì nhân gì mà chịu tội này.

– Vì đời trước làm sa di, một hôm chia trái cây cho các vị tôn túc, khi đến chỗ thầy ngươi, vì tôn kính thầy nên ngươi sanh tâm thiên vị chia cho thầy nhiều hơn bảy trái.

Quỷ khác hỏi:

– Tôi thường bị hai bánh xe sắt nóng lăn dưới nách, làm cho thân thể cháy tan. Vì nhân duyên gì phải chịu khổ như vậy?

– Vì đời trước khi chia bánh cho chúng Tăng, ông sanh tâm tham trộm hai cái kẹp dưới nách.

Quỷ khác hỏi:

– Bộ phận sinh dục của tôi to lớn như cái lu, lúc đi phải vác lên vai, lúc đứng thì ngồi lên trên, đi đứng cực khổ vô cùng. Vì sao phải chịu khổ như vậy?

– Vì đời trước ngươi làm người quản lý chợ, thường dùng cân non đấu nhỏ cân người cho, dùng cân già đấu lớn đong cho mình, luôn muốn mình được lời nhiều, chiếm lấy cắt bớt phần của người khác.

Quỷ khác hỏi:

– Trên vai tôi có hai mắt, ngực có miệng, mũi, không có đầu. Vì sao lại như vậy?

– Vì đời trước ngươi làm chủ (hàng thịt) …. khi đệ tử giết tội nhân, ngươi thường sanh tâm vui thích, dùng dây cột họ kéo đi.

Quỷ khác hỏi:

– Tôi thường bị một cây kim sắt nóng bay vào bay ra trong thân đau không chịu nổi. Vì nhân duyên gì phải chịu như thế?

– Vì đời trước ngươi làm người điều phục ngựa, voi. Khi ngựa chứng lên không nghe lời, ngươi lấy kim chích vào chân nó, hoặc khi trâu bò không chịu đi ngươi cũng lấy kim chích.

Quỷ khác hỏi:

– Thân tôi thường bị lửa thiêu đốt rất khổ sở khó chịu. Vì nhân gì phải chịu như thế?

– Vì đời trước ngươi là phu nhân của một quốc vương. Có một phu nhân khác rất được vua yêu thương, ngươi sanh lòng ganh ghét, rình chờ cơ hội hại phu nhân kia. Lúc vua ngủ chưa dậy, vị phu nhân kia cũng đang ngủ, chưa mặc y phục ngoài, ngươi sanh tâm độc ác. Đang làm bánh, ngươi lấy dầu mè đang sôi tạt lên bụng phu nhân, khiến cho bị phỏng nặng và chết.

Quỷ khác hỏi:

– Tôi thường bị gió thổi xoáy quanh thân không thể đi lại tự nhiênđược, lòng luôn buồn khổ. Vì nhân gì phải chịu như vậy?

– Vì đời trước ngươi làm thầy bói, có lúc nói đúng, có lúc nói sai, mê hoặc lòng người, khiến họ không được như ý.

Quỷ khác hỏi:

– Thân tôi giống như một khối thịt không có tay, chân, mắt, tai, mũi v.v… thường bị côn trùng, chim chốc đến mổ ăn, đau đớn không chịu nỗi. Vì nhân gì phải chịu như vậy?

– Vì đời trước ngươi thường cho người khác uống thuốc phá thai.

Quỷ khác hỏi:

– Tôi thường bị một chiếc lồng sắt nóng trùm lấy thân khiến cho thân thể cháy phỏng rất đau đớn. Vì nhân gì phải chịu như vậy?

– Vì đời trước ngươi thường dùng lưới vây bắt cá chim.

Quỷ khác hỏi:

– Tôi thường lấy đồ tự trùm đầu mình lại và cũng hay sợ người đến giết, lòng luôn sợ hãi không thể chịu nỗi. Vì nhân gì phải chịu như vậy?

– Vì đời trước ngươi ngoại tình, sợ người bắt gặp, hoặc sợ chồng người ta bắt trói đánh giết, hoặc sợ phép quan phân thây ngoài chợ cho nên luôn sợ hãi.

Quỷ khác hỏi:

– Tôi thọ thân này, trên vai thường có cái bình đồng chứa đầy nước đồng sôi. Tôi tự tay cầm vá múc xối lên đầu, toàn thân cháy bổng. Cứ mãi như vậy, đau đớn không thể kể xiết. Vì tội gì tôi phải chịu tội như vậy?

– Vì đời trước, lúc xuất gia tu tập. Ngươi làm người chia thức ăn uống cho đại chúng, ngươi lấy riêng một bình sữa giấu ở chỗ khác. Có khách tăng đến ngươi không đem ra chia, đợi họ đi rồi ngươi mới đem ra chia cho các vị tăng trong chùa. Bình sữa đó là vật của Chiêu đề tăng, tất cả mọi người đều có phần. Ngươi lại đem dấu đi, dù chỉ chia không đều, nhưng phải chịu tôi như vậy.

(Trích kinh Tạp Tạng)

4.14. OAI LỰC CỦA ĐẾ THÍCH

Một hôm Đế thích cùng ngọc nữ vui chơi ở giảng đường Phổ Tâp. Khi ấy có vị thiên tử thưa với Đế thích:

-Thưa Cù Dực, hiện có một con quỷ xấu ác đang ngồi trên toà của Ngài. Cả cõi Trời Đao Lợi đều tức giận, nên quỷ ấy đã biến ra hình dáng đẹp hơn cả Ngài.

Đế thích liền nghĩ: “Quỷ này chắc có thần lực cao sâu”. Nghĩ xong Đế thích trở về đến trước quỷ tự xưng danh tánh: “Ta là Đế thích chủ Chư thiên”. Nghe vậy, quỷ hiện lại nguyên hình, rón rén biến mất. (Trích Tăng Nhất A-hàm quyển 27)

4.15. HỒN VỀ ĐÁNH THI THỂ

Xưa, ở biên giới nước nọ có một người chết, linh hồn trở về tự đánh vào tử thi của mình. Người bên cạnh hỏi:

– Người này đã chết sao lại đánh họ?

Người kia nói:

– Đây là thi thể của tôi, vì tôi làm ác, thấy kinh giới không thèm đọc, rồi trộm cắp, nói dối, cưỡng đoạt phụ nữ, bất hiếu với cha mẹ, anh em, keo kiệt tiếc của không chịu bố thí. Nay chết bị đoạ vào ác đạo, đau đớn thống thiết không sao chịu nỗi, cho nên tôi trở về đánh mình như thế.

(Trích kinh Thí Dụ)