KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 31

 

PHẦN THƯỢNG: CÁC QUỐC VƯƠNG THỰC HÀNH BỒ TÁT ĐẠO

1. CHỊU CHẾT CỨU CỌP ĐÓI

Thái tử con vua nước Càn-đà-thi-lợi là người không thích sống trong vinh hoa phú quý, dấn thân vào trong rừng sâu núi thẳm để tu hành. Bấy giờ trong hang núi sâu có một con cọp mẹ vừa sanh được bảy cọp con, gặp phải lúc tuyết rơi, vì sợ con chết cóng nên cọp mẹ đành chịu đói, ôm con suốt cả ba ngày mà không tìm được thức ăn. Thế nhưng tiết Trời quá xấu, tuyết lại rơi không ngừng, mẹ con cọp đã đói meo đến nỗi cọp mẹ muốn ăn thịt con để sống. Lúc ấy, các vị tiên nhân cùng bàn với nhau:

– Giờ đây ai có thể dám bỏ thân mình để cứu lấy mẹ con cọp đói?

Thái tử nghe vậy liền lên tiếng:

– Được thôi, tôi xin làm việc ấy.

Thái từ liền đi đến bên sườn núi, cúi đầu nhìn xuống thấy cọp mẹ đang ôm con bị vùi lấp trong đống tuyết. Nhìn thấy cảnh tượng ấy thì động lòng thương xót, Ngài đứng trên ngọn núi cao im lặng nhập định. Khi tâm thanh tịnh nhập vô sanh pháp nhẫn rồi, Ngài quán thấy trong vô số kiếp quá khứ cho đến ngày nay mình đã từng làm những việc như thế. Thái tử liền quay trở về bạch với thầy cùng với năm trăm bạn học:

– Nay con muốn bỏ thân này cứu cọp, xin các vị tuỳ hỷ.

Vị thầy bảo:

– Thời gian ông học đạo với ta còn rất ít ỏi, tri kiến chưa sâu rộng, sao đột nhiên lại phát tâm bỏ tấm thân đáng yêu này?

Thái tử đáp:

– Ngày xưa con có phát lời nguyện là xả bỏ một ngàn tấm thân này, thời gian qua, con đã xả được chín trăm chín mươi chín thân. Hôm nay bỏ thân này đủ số một ngàn. Vì vậy, con xin thầy hoan hỷ cho con được toại nguyện.

Thầy bảo:

– Ý chí của con cao vời, chắc chắn không lâu nữa sẽ đắc đạo, vậy con đừng đổi ý.

Thái tử từ giã thầy ra đi, thầy và năm trăm vị tiên nhân đành phải ngậm ngùi rơi lệ, tiễn đưa Thái tử đến đầu sườn núi.

Hôm ấy trưởng giả Phú Lan dẫn theo năm trăm trai gái lên núi dạo chơi, thấy Thái tử đang sửa soạn xả thân cứu cọp, họ vô cùng cảm động và cùng theo Thái tử đến đầu sườn núi. Thái tử đứng trước mọi người phát đại thệ nguyện:

– Hôm nay tôi xả thân cứu mạng chúng sanh, nguyện với công đức này hồi hướng chóng thành đạo Vô thượng chánh chân, được báo thân Kim cang và pháp thân vô vi thường lạc ngã tịnh. Người chưa độ sẽ được độ, người chưa giải thoát được giải thoát, người chưa an sẽ được an. Hôm nay tấm thân này của tôi là vô thường, khổ đau chi phối, các độc chứa nhóm. Thân này bất tịnh, chín lỗ bài tiết, năm giặc cầm dao giết hại mỗ xẽ. Khi còm sống, thân được tô bồi bởi những thức ăn ngon ngọt, năm dục nuôi dưỡng. Sau khi qua đời, không có quả báo tốt thì sẽ rơi vào địa ngục chịu vô lượng khổ, phàm làm thân người ắt sẽ chịu khổ đau có được mấy chút vui đâu!

Thái tử lại phát nguyện:

– Nay tôi đem thân máu thịt này để cứu cọp đói, nếu còn chút xương dư sau này cha mẹ tôi sẽ xây tháp, xin khiến cho tất cả chúng sanh thân mang các thứ bệnh khổ bởi tội báo nhân duyên, thuốc men không thuyên giảm thì đến nơi tháp của tôi chí tâm cúng dường, tuỳ theo bệnh nặng hay nhẹ, không quá một trăm ngày đều sẽ lành bệnh.

Nếu quả thật không sai thì Chư thiên sẽ rải mưa hoa thơm.

Vừa nói xong lời ấy thì Trời liền đổ mưa hoa Mạn-đà-la phủ đầy, cỏi đất chấn động. Thái tử liền cởi áo da nai quấn ngang đầu, lao mình xuống mình xuống trước mặt cọp. Ăn được thịt Bồ-tát, mẹ con cọp được sống sót.

Bấy giờ ở trên sườn núi, mọi người đều thấy Thái tử bị cọp mẹ ăn thịt, xương cốt tang tác, họ đau lòng kêu khóc vang cả núi rừng. Có kẻ đấm ngực nhào lăn trên đất, có người thiền định, có người dập đầu sám hối. Chư thiên Thủ đà hội và Trời Đế thích Tứ Thiên vương…Chư thiên nhật nguyệt muôn ngàn chúng đều phát tâm vô lượng Bồ-đề. Họ cùng nhau trổi nhạc đốt hương cúng dường, ngợi khen Thái tử:

– Hay thay đại Bồ-tát! Không bao lâu Ngài sẽ ngồi đạo tràng.

Năm trăm vị tiên nhân đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Vị thầy đó chứng vô sanh pháp nhẫn, phu nhân sai người đến cúng dường, chỉ còn thấy lại giá dù, bình bát, bình nước để trong thất đá. Họ hỏi hết các vị tiên về Thái tử. Mọi người đều nhìn nhau khóc nức nở. Người này đến chỗ đại sư thì thấy Ngài đang ngồi lấy tay lau nước mắt, rên rỉ. Hỏi hết xum quanh nhưng không một ai chịu trả lời. Sứ giả lo sợ liền lấy thức ăn cúng dường cho các vị tiên rồi trở về thuật rõ mọi việc cho phu nhân biết.

Phu nhân bảo:

– Nguy rồi, chắc con ta đã chết.

Phu nhân đấm ngực gào to lên vội vã đến chỗ nhà vua báo tin.

Nghe tin ấy, nhà vua ngất xỉu, quần thần khuyên vua:

– Thái tử ở trên núi, xin bệ hạ đừng buồn đau!

Nhà vua cùng các phu nhân, phi tần thể nữ, quần thần và dân chúng kéo nhau lên núi. Trong thấy nhà vua trưởng giả Phú lan vội chạy đến báo tin.

– Tâu bệ hạ: hôm qua Thái tử lao mình xuống hang núi cho cọp ăn thịt rồi, giờ chỉ còn những đột xương rải rác trên đết.

Mọi người đến chỗ thi thể của Thái tử, nhà vua và phu nhân cùng các thể nữ quần thần… đau lòng khóc lóc chấn động cả hang núi. Họ cùng nhau phủ phục bên hài cốt của Thái tử, vua và phu nhân mê man bất tỉnh, phi tần đến lấy đầu tóc cua Thái tử, nức nở nói:

– Thà để thân tôi nát vụn như bụi phấn, đừng để chồng tôi bổng chốc hoá ra như thế này.

Bấy giờ quần thần tâu vua:

– Thái tử bố thí để nguyện độ chúng sanh, chẳng phải vô thường bị quỷ sát hại, đến giờ thi thể chưa bị thối rửa, chúng ta nên thiết lễ cúng dường.

Nhà vua liền cho người thu gom hài cốt của Thái tử đem ra khỏi hang núi, đặt nơi bằng phẳng, chất gỗ chiên đàn và rưới dầu thơm, đốt lửa trà tỳ. Sau khi xong việc, vua thu lấy Xá-lợi xây tháp bảy báu để cúng dường.

Đức Phật kết luận:

– Bấy giờ Thái tử chính là thân ta, vua cha chính là phụ hoàng Thâu-đầu-đàn, phu nhân nay chính là Hoàng hậu Ma-da, hậu phi nay là Cù-di, Xà duy pnay là A-nan. Vị đại sư tiên nhân trên núi nay chính là Di-lặc.

(Trích kinh Bồ-tát Đầu Thân Phạn Ngạ Hỗ)

2. CÔNG ĐỨC VÌ PHÁP QUÊN MÌNH

Xưa ở Diêm-phù-đề có vị vua tên là Phạm thiên, ông có một người con tên Đàm-ma-cam, là người rất hâm mộ Phật pháp. Biết vậy, Trời Đế thích hoá làm một vị Bà-la-môn đi đến nói:

– Tôi có thể nói pháp.

Thái tử cung kính đảnh lễ cầu xin được nghe pháp.

Bà-la-môn nói:

– Tôi học đạo đã lâu ngày, làm sao ông vừa nói muốn nghe là nghe được dễ dàng thế? Nếu ông có thể không tiếc thân mạng và vợ con, dám nhảy vào hầm lửa cúng dường, tôi mới nói pháp cho nghe.

Thái tử y theo lời ông ta, làm một hầm lửa lớn. Nhà vua cùng phu nhân và thể nữ đến cung điện năn nỉ Bà-la-môn, xin đem nước thành vợ con, mỗi mỗi thứ cung cấp cho ông để thai tử đừng lao thân vào trong lữa.

Bà-la-môn nói:

– Tôi không ép buộc, tuỳ ý của Thái tử thôi! Nếu không làm việc ấy thì tôi không nói pháp đâu.

Nhà vua loan tin bảo cho khắp nước, sau bảy Ngài Thái tử sẽ thiêu thân, nếu ai muốn chứng kiến thì ngày đó đến sớm. Nghe tin này, hết thảy mọi người nghèo giàu ở trong nước cùng tập trung lại, cùng nhau tha thiết van xin Thái tử như trước, nhưng Thái tử bảo với mọi người:

– Tôi ở trong sanh tử, bỏ biết bao nhiêu thân thể. Sanh vào trong loài người bị lòng tham chi phối, giết hại lẫn nhau. Trên cõi Trời tuổi thọ đã hết, mất đi thú vui nên sanh thêm buồn khổ. Rơi xuống địa ngục bị lửa đốt, dao cắt nát thân, bị sông tham, rừng kiếm đâm đau thấu tận xương tuỷ. Sống trong loài ngạ quỷ trăm thứ độc hại thân. Làm thân súc sanh phải cung cấp thịt cho người, phải ăn cỏ vác nặng. Mang biết bao nhiêu thứ khổ này trong thân thể, chưa từng có thiện tâm vì pháp. Ngày nay ta quyết bỏ thân mạng hôi hám này để cầu thỉnh pháp thù thắng, tại sao các vị lại muốn ngăn cản. Nếu đắc đạo ta sẽ cúng dường cho quý vị năm phần pháp thân. Nói xong, Thái tử liền đứng trên hầm lửa.

Bà-la-môn nói kệ:

Thường thực hành tâm từ
Trừ bỏ tưởng hại sân
Đại bi thương chúng sanh
Đau lòng tuôn suối lệ.
Tu hành tâm hoan hỷ
Như pháp mình đã chứng
Vì đạo mà ủng hộ
Mới đáng hạnh Bồ-tát.

Thái tử nghe kệ ấy xong liền buông mình vào lửa, Phạm vương Đế thích liền nắm lấy tay Ngài và khen ngợi:

– Tất cả chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề nương nhờ ân Thái tử ai cũng được dự phần. Nếu như hiện giờ Ngài lao vào lửa thì muôn dân mất đi bậc cha lành, cớ sao Ngài chỉ vì chính mình mà bỏ đi tất cả?

Thái tử cám ơn và nói:

– Xin đừng ngăn cản đạo tâm Vô thượng của tôi.

Thái tử lao mình vào lửa. Trời đất rúng động, trên Hư không Chư thiên đồng loạt khóc vang, nước mắt tuôn như mưa.

Bấy giờ hầm lửa đang hừng hực lại biến thành hoa sen, Thái tử ngồi trên đài sen, Chư thiên rải hoa cúng dường ngập đến cả đầu gối.

Phật dạy:

– Phạm Thiên vương xưa nay là phụ hoàng Tịnh Phạn, người mẹ nay chính là phu nhân Ma-da. Thái tử xưa chính là ta.

(Trích kinh Hiền Ngu quyển 1)

3. HY SINH VÌ CHA

Vào thời đức Phật Tỳ-bà thi có quốc vương nước Ba-la-nại thông minh trí tuệ lại nhân từ nhưng ông không có con nối dõi. Nhà vua phụng thờ một thần núi, suốt mười hai năm liên tục cúng tế khẩn cầu, sau đó Hoàng hậu sanh hạ một hoàng nam, thân tướng vẹn toàn, bản tánh hiền lương. Nhà vua triệu tập quần thần lại để xem tướng lành dữ cho con. Nhân đó ông đặt tên Thái tử là Nhẫn Nhục. Đến tuổi trưởng thành, Thái tử thích làm việc bố thí, tình thương chan rải khắp chúng sanh.

Bấy giờ trong núi có một vị đại thần rất xảo trá, dua nịnh, ngang ngược vô đạo, ông đem lòng ghanh ghét Thái tử. Một hôm, nhà vua bệnh nặng, mạng sống không còn được bao lâu, Thái tử triệu tập quần thần hỏi thăm ý kiến:

– Phụ hoàng ta nay đang lâm bệnh rất nguy kịch, giờ phải làm sao? Quần thần thưa:

– Thuốc hay khó tìm nhưng nay mạng sống của nhà vua kéo dài không được bao lâu nữa.

Nghe vậy Thái tử rất đau lòng và té ngất xỉu trên đất. Nhân đó, vị đại thần hung ác kia lập kế muốn giết Thái tử mới bảo rằng:

– Bệnh vua cần thuốc hay nhưng thuốc không thể tìm được.

Thái tử hỏi:

– Vậy bây giờ phải làm sao?

– Giờ chỉ cần lấy con mắt và tuỷ sống của người không sân hận làm thuốc trị cho nhà vua thì bệnh vua mới lành.

– Ta có thể đáp ứng.

Thái tử liền từ biệt mẹ hiền, đồng thời ông cho họp vua của các nước nhỏ lại, Ngài đích thân nói với họ:

– Hôm nay tôi xin từ biệt mọi người.

Nói xong Thái tử liền cho gọi kẻ đồ tể đến để đục xương lấy tuỷ và khoét luôn đôi mắt. Vị đại thần ấy lấy hai thứ hoà lại đem dâng cho nhà vua uống. Uống xong nhà vua liền hết bệnh.

Vua hỏi quần thần:

– Đây quả là thần dược đã chữa lành bệnh của ta.

Quần thần tâu vua:

– Tâu đại vương, loại thuốc này là do Thái tử cung cấp.

– Vậy bây giờ Thái tử đâu rồi?

Hiện giờ Thái tử đang ở bên ngoài nhưng thân của Thái tử đã tan nát, mạng sống không còn được bao lâu nữa.

Nghe tâu nhà vua kinh ngạc, quá đau xót, khóc ròng. Khi đến nơi thì Thái tử đã tắt thở.

Hoàng hậu đang đau đớn, vật vã trên thi thể của Thái tử. Thấy vậy nhà vua than thở:

– Tội của ta xưa đáng lẽ thân thể nát tan như tro bụi, hôm nay mới khiến cho con ta phải chết như thế này!

Nhà vua liền lấy gỗ chiên đàn để làm lễ trà tỳ cho Thái tử, rồi nhặt xương thờ trong tháp bảy báu.

(Trích kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân)

4. ĐEM THÂN CỨU TỲ-KHEO BỆNH

Vào thời xưa có vị vua tên Trí Lực, ông thường hộ trì Phật pháp bằng tấm lòng sâu sắc. Tỳ kheo và nhà vua có mối quan hệ rất thân tình. Điều mà vua tôn kính người thì trong nước cũng tôn kính. Nhà vua muốn gặp Tỳ-kheo mãi không biết chán.

Một hôm trên bắp vế của Tỳ-kheo nổi lên một mụt ghẻ lớn, bao nhiêu thầy thuốc giỏi trong nước không thể trị khỏi, nhà vua và hai (vạn) phu nhân đều xót thương. Hôm nọ nhà vua nằm mộng thấy một vị tiên nhân đến mách bảo:

– Nếu nhà vua muốn chữa lành bệnh cho Tỳ-kheo thì cần phải lấy máu thịt của người sống cho Tỳ-kheo ăn thì sẽ lành bệnh.

Tỉnh mộng, nhà vua không vui, nhưng nghĩ tới tỳ kheo bệnh nặng mới cần thịt để làm thuốc. Nhà vua liền hỏi người hầu cận:

– Làm thế nào để tìm ra máu thịt của người sống.

Bấy giờ Thái tử Trí Chỉ tâu với vua cha:

– Phụ vương đừng lo buồn, máu thịt của con người là vật nhỏ mọn nhất, cái mà người đời coi trọng nhất là không trái với đạo lý.

Vua bảo:

– Con nói hay lắm.

Thái tử im lặng, trở về cung tịnh trai, ông dùng dao lóc thịt và máu ở bắp vế của mình đem đến cho Tỳ-kheo ăn. Tỳ-kheo ăn xong thì bệnh liền thuyên giảm, thân được an ổn.

Nghe Tỳ-kheo lành bệnh, nhà vua vui mừng phấn khởi, Thái tử tự nhiên bình phục. Dân chúng cả nước đem tài sản đến dâng cho Thái tử. Người có lòng chí thành lúc ấy là Phật Đề-hoà-kiệt-la, vua Trí Lực là Di-lặc, Thái tử Trí Chỉ chính là Phật Thích Ca.

(Trích kinh Nguyệt Minh Bồ-tát Tam- muội)

5. NGUYỆT QUANG ĐEM THÂN CỨU NGƯỜI

Một hôm Thái tử Nguyệt Quang ra ngoài dạo chơi, trên đường đi có một người bệnh phong hủi thấy Ngài liền đến trước xe ngựa thưa:

– Tôi mắc bệnh nặng, đau đớn khổ sở, còn Thái tử một mình dạo chơi vui vẻ biết bao, xin Ngài thương xót cứu chữa cho tôi.

Thấy thế, Thái tử liền hỏi các thầy thuốc, họ bảo phải lấy máu thịt của người sống và không hề sân hận, đem thoa lên vết thương của người bệnh và cho họ uống thì mới có thể lành bệnh.

Thái tử thầm nghĩ: Nếu có người đạt tiêu chuẩn như trên thì họ lại yêu mến thân mạng, tham sống sợ chết, như vậy thì làm sao có thể cứu được? Nay nếu như ta không cho thì đâu còn người nào để cứu!

Nghĩ vậy, Thái tử lền bảo với Chiên-đà-la:

– Ngươi hãy lóc thịt trên thân ta để rồi đục xương lấy tuỷ thoa lên người bệnh và lấy máu ta cho ông ta uống.

Cứ như thế, Thái tử bố thí cho đến bố thí luôn cả vợ con như bỏ cỏ cây, không hề tiếc nuối, quán hết thảy các vật bố thí nó từ duyên mà có, suy tìm cái chắc thật của nó thì không có cái gì tồn tại, tất cả thanh tịnh như tướng Niết-bàn, cho đến chứng vô sanh nhẫn. Đó là kết nghiệp sanh thân, thực hành Đàn-ba-la-mật. (Trích luận Đại Trí Độ quyển 12)

6. CẮT THỊT DÂNG CHA MẸ

Vào thời tượng pháp của đức Phật Tỳ-bà-thi, vua Ba-xà nước Bala-nại có ba người con, mỗi người trấn nhậm một nước nhỏ. Nhà vua là bậc thông thái, lấy chánh pháp trị nước, không hại đến dân tình. Nhờ vào công đức nhà vua nên có được mưa thuận gió hoà, lúa thóc được mùa. Trong quần thần có một vị quan lớn tên là La-hầu-la thấy thế bèn đem tâm ganh tỵ, sanh lòng phản nghịch, ông dấy binh kéo đánh nước Ba-la-nại, giết chết nhà vua và tiếp tục kéo đến đánh nước vương tử thứ nhất, thứ hai và dần đến thứ ba. Vị vương tử thứ ba tướng mạo khôi ngô, tánh tình nhân hậu, lời nói ôn hoà khéo léo, luôn nở nụ cười trên môi, nói năng đem đến lợi ích cho mọi người. Thái tử dùng chánh pháp trị dân nên nên đất nước an vui giàu có, khắp nước đều khen ngợi, Chư thiên cùng quỷ thần thảy đều tôn kính. Vương tử có một người con tên là Tu-xiển-đề, là người thông minh nhân từ, thích làm bố thí, thích làm những việc bố thí. Toàn thân Thái tử màu vàng óng ánh, tướng mạo vẹn toàn, các căn đầy đặn. Tuổi vừa lên bảy, vua cha rất thương mến không nỡ rời xa Thái tử.

Bấy giờ có vị thần giữ cửa cung chạy vào tâu vua:

– Tâu bệ hạ: La-hầu-la phản nghịch, âm mưu đoạt lấy ngai vàng, nó đã giết vua cha, hai anh em Ngài cũng đã chết dưới tay nó. Hiện giờ nó đang kéo quân đến đây để chinh phạt Ngài”.

Nghe tin, nhà vua vô cùng đau đớn, lòng dạ tan nát, không thể kiềm chế được, bất giác ngà lăn bất tỉnh ra đất. Một hồi lâu tỉnh lại bổng nghe trên Hư không có tiếng nói.

Nhà vua hỏi:

– Ông là ai mà chỉ nghe thấy tiếng mà không thấy hình, những lời Ngài nói có thật đúng như vậy không?

Trên Hư không đáp:

– Tôi là thần giữ cung, vì nhà vua thông minh chánh trực, không làm hại dân tình, do đó tôi mách bảo cho Ngài biết, Ngài hãy mau chống rời khỏi đây, không bao lâu chúng sẽ kéo đến.

Nhà vua suy nghĩ: Nếu chạy sang nước láng giềng thì có hai con đường, một con đường đi mất bảy ngày còn con đường khác thì mất mười bốn ngày. Thế rồi, nhà vua cho người chuẩn bị thức ăn đủ trong bảy ngày, ông vào cung gọi Thái tử Tu-xiển-đà và bồng con đi. Lúc ấy, phu nhân bước đến hỏi:

– Hôm nay thiếp trông thấy đại vương có vẻ sợ như thế?

Vua đáp:

– Việc này khanh không nên biết là tốt hơn.

– Thiếp và đại vương như chim liền cánh, vì sao lại nói không can dự gì?

Nhà vua kể rõ sự việc rồi bồng Thái tử cùng phu nhân lên đường lánh nạn. Trên đường đi vì rối trí, hoang mang nên bị lạc cả mười bốn ngày, con đường lại gian nan hiểm trở, không có sông suối cỏ cây. Mọi người thẳng về phía trước được vài hôm thì thức ăn mang theo đã cạn, nhưng đường vẫn còn xa. Nhà vua và phu nhân chỉ đành ứa lệ than thân:

– Ôi sao khổ như thế này? Từ khi sanh ra cho đến nay chưa hề trải qua nỗi khổ này, giờ sức đã mòn làm sao tiếp tục đi nữa?

Nhà vua cứ dày vò tự trách thân phận, cả ba người lâm vào nạn đói khát bức bách, mạng sống chỉ còn trong hơi thở. Ông suy nghĩ phải nên tìm cách, không để ba người cùng chết như vậy, trong lòng muốn giết vợ để cứu sống mình và Thái tử.

Tu-xiển-đề nhìn thấy cha đột nhiên lộ vẽ khác lạ, liền bước đến nắm tay cha và hỏi:

– Cha định làm gì thế?

Vua cha đau xót, hai hàng lệ rơi khẽ bảo con:

– Cha chỉ còn cách giết mẹ con để lấy máu thịt kéo dài mạng sống cho con.

Tu-xiển-đề nghẹn ngào thưa:

– Cha ơi, đâu có người con nào dám ăn thịt mẹ, nhưng không ăn thì cả hai mẹ con đều chết. Xin cha hãy giết con để cứu sống cha mẹ.

Nghe con nói thế, nhà vua vô cùng đau đớn khẽ bảo con:

– Con như là đôi mắt của cha, làm sao tự móc mắt mình ra rồi ăn trở lại. Cha thà chết chứ không nỡ giết để ăn thịt.

Tu-xiển-đề nói:

– Nếu chết liền thì máu thịt sẽ bị thối rữa, nay con muốn cầu xin một điều, nếu cha làm trái điều ấy thì không phải là thương con.

– Con cứ nói, cha không trái ý của con đâu!

– Xin cha mỗi ngày cắt lấy ba cân thịt trên người con, hai cân dâng cho cha mẹ còn một cân con tự ăn lấy để duy trì mạng sống.

Cha mẹ của người khóc thảm thiết nhưng đành không trái ý của con. Thế là tiếp tục đi, chỉ mới hai ngày mà thịt con đã gần hết, lần lượt đến tay chân, gân cốt dần bị ăn hết, thế nhưng người vẫn chưa chết.

Cha mẹ ôm con gào khóc than.

– Chúng ta vô duyên cớ, ăn thịt con mình khiến cho nó đau đớn. Con đường phía trước vẫn còn vời vợi, chưa đến nơi mà thịt con đã hết, giờ gia đình chúng ta phải chịu chết ở đây! Bấy giờ cất tiếng yếu ớt khuyên cha:

– Cha mẹ đã ăn thịt con và đi đến đây rồi, giờ đây cha mẹ đừng giống như hạng người tầm thường mà cùng đưa nhau đến chỗ chết. Vì thương con, xin cha mẹ chớ làm trái lời con đã phát nguyện, hãy cắt lấy phần thịt còn lại trong các chi khắp trên thân con để dùng tạm, như vậy cha mẹ mới đủ sức đến nơi.

Thế rồi, nhà vua cùng phu nhân nghe theo lời của Thái tử. Ăn xong, họ khóc lóc đành phải chia tay. Tu-xiển-đề đứng lên nhìn cha mẹ, cùng nhau khóc nức nở rồi tiếp tục phải lên đường. Hai ông bà đã đi xa không còn thấy Tu-xiển- đề nữa, Thái tử quyến luyến cha mẹ, dõi mắt nhìn theo mãi. Hồi lâu, Thái tử té xuống đất, thịt và máu tươi đã bốc mùi khắp cả mười phương, bầy ruồi nghe thấy, cùng đua nhau bay đến đậu kín cả thân của người. Chúng rút tỉa khắp thân, đau nhức không thể tả.

Thái tử lại nói:

– Nay còn chút hơi tàn con xin phát nguyện tất cả tội chướng trong nhiều kiếp quá khứ đều dứt sạch, kể từ đây về sau con không dám tái phạm. Thân thể hôm nay con xin cúng dường cha mẹ, nguyện cho cha mẹ con phước thọ tăng thêm, chút máu thịt còn lại xin bố thí cho những loài ruồi nhặng, nguyện cho đều được no lòng.

Thái tử phát lời nguyện ấy xong, Trời đất sáu điệu đều chấn động, mặt Trời bị che khuất, cầm thú chạy hỗn loạn, đại dương nỗi sống nhận chìm núi Tu di. Chư thiên ở cõi Lục dục thiên thấy vậy đều kinh hãi, họ cùng nhau bay xuống cõi Diêm-phù-đề, hoá ra những loại sói cọp, sư tử giương mắt chạy hùng hổ, gầm rống, nhảy chồm lên như muốn cắn xé Thái tử. nhìn thấy bọn cầm thú diệu võ giương oai, Thái tử khẽ bảo:

– Các ngươi muốn ăn thịt ta thì tuỳ ý cứ lấy dùng, cớ gì mà phải sợ.

Thiên vương Đế thích liền hợp lại thân Trời, nhìn thấy họ Thái tử vui mừng khôn xiết. Đế thích hỏi Thái tử:

– Thân khó xả bỏ mà nay Thái tử đã làm được. Với công đức ấy Ngài nguyện sanh lên Trời làm quỷ vương hay làm Phạm vương?

Thái tử đáp:

– Tôi chỉ nguyện thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề.

– Đây là lời nói suông, làm sao tin là sự thật được?

Thái tử bèn phát thệ nguyện:

– Nếu lời ta không chân thực thì sẽ khiến cho tất cả những vết thương trên thân thể của ta không bao giờ lành lại được, còn đúng là sự thật thì xin khiến cho thân thể của ta bình phục trở lại.

Lời phát nguyện ấy vừa phát ra thì máu huyết trở lại được lưu thông, cơ thể bình phục trở lại, tướng hảo của người càng trở nên tươi đẹp hơn trước.

Thấy thế Thiên vương Đế thích cúi đầu đảnh lể tán thán:

– Lành thay! Tôi đây không sánh được Ngài. Ngài tinh tấn dõng mãnh như thế ắt sẽ thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề, xin hãy độ tôi trước.

Dứt lời Thiên vương Đế thích liền biến mất trong Hư không. Bấy giờ vua và phu nhân đã đến được nước láng giềng, nhà vua nước ấy hay tin ra ngoài thành nghinh đón. Gặp nhau, nhà vua bèn kể rõ mọi việc cho vua nước láng giềng nghe những gì đã trải qua, ông ta cung cấp những thứ cần dùng hết sức vừa ý. Nhà vua ấy cũng cảm động tấm lòng hiếu thảo của Thái tử liền cho bốn bộ quân voi để trở về chinh phạt nước La-hầu-la.

Trên đường trở về, nhà vua muốn đến chỗ trước kia chia tay cùng Thái tử để góp nhặt hài cốt của con. Trên đường về, nhìn ra phía trước nhà vua buồn khóc nức nở, thế nhưng khi đến gần thì thấy Thái tử bình an. Chạy nhanh tới trước, nhà vua ôm chầm lấy Thái tử, vô cùng mừng tủi.

Thái tử Tu-xiển-đề đem chuyện kể lại cho cha mẹ nghe. Cả nhà đoàn tụ, vui mừng cùng nhau kéo đàn voi chiến trở về bản quốc. Nhờ phước của Thái tử sâu dày nên họ nhanh chống trở về nước, vua cha liền lập Thái tử lên làm vua.

Đức vua ngày ấy nay chính là Thâu-đầu-đàn, phu nhân nay là Hoàng hậu Ma-da, Thái tử Tu-xiển-đề nay chính là thân Thế tôn, Trời Đế thích nay chính là A-nhã Kiều-trần-như.

(Trích kinh Đại Phương Tiện Báo An quyển 1)

7. SỰ TÍCH CỦA THÁI TỬ TU ĐẠI NOA

Ngày xưa, vua Chấp Tuỳ trị vì nước Diệp Ba, Thái tử con vua là Tu-đại-noa. Thái tử là người thực hành bốn vô lượng tâm, giữ gìn lời nói không tổn hại người, thường nguyện bố thí cứu giúp chúng sanh khiến cho đời sau hưởng phước vô cùng. Kẻ ngu si không nhận thấy được lẽ vô thường nên họ đều thương tiếc, giữ gìn. Người trí thấy được tài sản này là đầu mối gây ra hoạ hại, vì vậy ai muốn xin thức ăn, áo mặc, vàng bạc châu báu, xe ngựa ruộng vườn Thái tử đều bố thí cho cả. Lời lành đồn khắp cả bốn phương về hành động của Thái tử.

Bấy giờ vua cha có một con bạch tượng, uy vũ vô song, sáu mươi quốc gia thù địch kéo đến đánh chiếm, voi ấy có khả năng thắng được tất cả. Các vua cùng nhau bàn bạc, sai tám vị Phạm chí theo Thái tử xin voi.

Khi các vị Phạm chí đi đến, Thái tử vui vẽ tiếp đón và họi họ cần những thứ gì?

Các đạo sĩ trả lời:

– Chúng tôi muốn xin con bạch tượng đi trên hoa sen, tên là Laxà-hoà-đàm.

Thái tử bảo:

– Được thôi, còn những thứ vàng bạc và các thứ báu các vị muốn lấy thì cứ mặc tình lấy dùng.

Thái tử bảo thị vệ nhanh chóng thắng bành bằng vàng cho voi, tai trái cầm dây nài voi, tay phải bưng bình vàng, Thái tử vui vẻ dắt trao cho Phạm chí.

Phạm chí được voi vô cùng vui mừng liền chú nguyện cho Thái tử và cưởi voi trở về.

Trăm quan thấy vậy đều buồn bã nói:

– Con voi này là vật báu của nước ta, sức mạnh phi thường, ra trận tất thắng, nay lại đem cho kẻ thù còn gì để nhờ cậy đây!

Thế là trăm quan đem việc tâu lên nhà vua, nghe tin nhà vua thảng thốt hồi lâu mới nói:

– Thái tử tôn thờ Phật đạo, bố thí cho khắp tất cả người nghèo, nuôi dưỡng lòng từ bi, không thể nào ngăn cản được. Giả sử như bắt phạt thì đó là hành động vô đạo.

Trăm quan đều tâu:

– Lời thiết tha ấy không bao giờ quên, bắt phạt là bạo ngược, nay hạ thần dám tâu điều này, xin bệ hạ hãy đuổi Thái tử ra khỏi nước, xếp đặt chỗ ở trong rừng hoang vu khoảng mười năm để tự hổ thẹn sám hối. Đây là điều mong mỏi của chúng thần.

Nhà vua chuẩn theo lời tấu, bèn sai thị vệ cho truyền lệnh đến Thái tử:

– Bạch tượng là vật báu của đất nước ta, sao Thái tử lại đem ban cho kẻ địch? Nay ta không nở gia hình trị tội, vậy Thái tử hãy mau chóng ra khỏi đất nước này.

Thị vệ vâng lời đến nói cùng Thái tử, Ngài đáp:

– Ta không dám trái mệnh Trời, xin cho được lấy của cải riêng bố thí bảy ngày, không dám xâm phạm của quốc gia.

Thị vệ đến tâu lại, nhà vua chấp thuận lời thỉnh cầu của Thái tử. Ngài rất mừng và đem của cải bố thí cho những người nghèo khổ, Ngài thông báo cho mọi người đến nhanh, mặc tình cứ lấy.

Bảy ngày đã trôi qua, những người nghèo đều đã no đủ. Vợ của Thái tử là Man-để, là công chúa của quốc vương nước lân cận, có nhan sắc xinh đẹp, khắp nước không ai sánh bằng, toàn thân nàng trang điểm châu báu anh lạc. Thái tử bảo với vợ:

– Nàng hãy nghe ta nói, nhà vua đày ta đến núi Đàn-đặc, thời hạn mười hai năm nàng có biết không?

Người vợ nghe tin vô cùng kinh hoảng, nhìn Thái tử lệ rơi ngẹn ngào:

– Thái tử tội gì mà phải bị đuổi đi, bỏ vinh hoa tôn quý trong nước mà đến nơi rừng sâu núi thẳm như thế?

– Ta đã đem con voi quý cho nước địch, vua cha nghe quần thần tâu lại nên giận giữ đuổi ta ra khỏi nước.

Người vợ liền phát nguyện:

– Nguyện cho quốc gia sung túc, vua tôi giàu sang, tuổi thọ vô cùng. Riêng vợ chồng chúng ta lập chí nơi núi rừng sâu thẳm, nguyện thành tựu đạo quả.

Thái tử nói:

– Chỉ sợ rằng, nơi chốn núi rừng kia bị cọp sói xâm phạm, khó lập được tâm, còn có trùng độc yêu quái ma chết… sấm chớp ấm ầm, mưa gió mây mù thật đáng sợ hãi, nóng lạnh quá độ khiến cho cây cối không thể khai hoa, chân không thể nào chịu nỗi đá sỏi rừng hoang. Bấy lâu, nàng là công chúa, sống trong nhung lụa giàu sang, trưởng thành trong cung cấm, áo mặc quý giá, ăn đồ thượng hạng, ngủ trong màn treo trướng phủ, hoà trong các thứ vui thoả thích, muốn gì có nấy. Giờ đây đến chốn núi rừng, nằm nệm cỏ, ăn trái cây, ít người chịu nỗi thì làm sao nàng sống được?

Người vợ đáp:

– Các thứ báu lụa là, màn trướng tốt đẹp, thức ăn ngon ngọt nào có ích gì khi thiếp phải đành chia tay với Thái tử? Thấy có màn găng là có bậc vương giả ở, cũng vậy ở đâu có khói là nơi đó có lửa, ở đâu có chồng thì nơi ấy có vợ. Thiếp nương tựa Thái tử như nương tựa song thân. Thái tử ở trong nước bố thí khắp nơi, thiếp đã lấy hạnh nguyện đó là hạnh nguyện của mình, giờ đây Thái tử dấn thân vào chốn nguy hiểm lẽ nào thiếp ở lại hưỡng vinh hoa, đó há là nhân nghĩa hay sao? Giả như có người đến xin không nhìn thấy Thái tử, lòng thiếp vì xúc cảm quá mức chắc là chết mất.

Thái tử nói:

– Nếu nàng đã cùng tâm ý với ta như thế, giả như có người đến xin ta vợ lẫn con thì ta cũng sẽ sẵn sàng bố thí, bởi lẽ vì tình mà quyến luyến thì trái với đạo bố thí, bẻ gãy đại nguyện, phá vở trọng trách của ta.

Người vợ đáp:

– Việc Thái tử bố thí trên đời này thật là hiếm có, vậy người hãy phát nguyện rộng lớn, gắng sức mà thực hành, trăm ngàn vạn kiếp quyết không có một người nào như người, thiếp đây không trái ý của Thái tử đâu.

Thái tử nói:

– Vậy thì hay lắm.

Thái tử liền đem vợ con đến từ biệt mẹ già, người cúi đầu bùi ngùi thưa:

– Giờ con phải ra đi, ân đức cao dày mẹ đã ban cho xin tạm gác chưa thể đền đáp, xin mẹ hãy giữ gìn ngọc thể, việc nước nhọc nhằn xin mẹ lấy tâm từ khuyên nhủ cha con, không nên tự ý mà làm oan uổng dân lành, nên nhẫn những điều không thể nhẫn.

Hoàng hậu nói:

– Lúc chưa có con, mẹ có lập nguyện cầu tự, ngày mẹ thọ thai như cây đơm hoa đến ngày khai nhụy, Trời không phụ lòng cho mẹ có được con, nuôi dưỡng lớn không giờ phải biệt ly.

Trong cung các phu nhân phi tần, tiểu thiếp đều mến trọng, Thái tử cùng vợ con cúi đầu chào giã biệt người mẹ thân yêu, thấy thế trong cung ai cũng nghẹn ngào, cùng nhau tiễn đưa Thái tử ra khỏi thành, mọi người đều bàn tán:

– Thái tử là bậc Thánh linh trong nước, là người được tôn quý nhất, sao cha mẹ nỡ lòng nào đuổi con mình ra đi như thế?

Ra ngoài thành, Thái tử cảm ơn những người đưa tiễn và bảo họ quay trở về. Hai bên đường, dân chúng phủ phục làm lễ, cùng nhau khóc lóc bi thương, vật vã trên đất kêu Trời vang động cả nước. Thái tử từ biệt họ, đi đã xa lãnh thổ, cả nhà vừa ngồi xuống dưới gốc cây bỗng thấy có một Phạm chí từ xa đi đến xin châu báu của Thái tử và vợ con người. Thái tử lấy hết tất cả châu báu cho ông ta rồi bảo vợ con lên xe tiếp tục đi. Sắp lên xe thì lại có Phạm chí đến xin ngựa, Thái tử đem ngựa cho, người đích thân kéo xe chở vợ con đi. Trên đường lại găp Phạm chí khác đến xin luôn xe, Thái tử cho họ xe. Bao nhiêu xe ngựa, áo xiêm, đồ trang sức, châu báu Thái tử đều đã cho hết cả rồi. Người đành phải để vợ bồng con nhỏ còn mình bế đứa con trai lớn. Trải qua hai mươi mốt ngày mới đến chân núi, nhìn thấy rừng rú xum xuê, suối khe trong mát, trái cây ngon ngọt, chim chóc đua nhau hót. Thái tử nói với vợ:

– Nơi đây cây cối ngất Trời, sẽ ít có sự cố xảy ra gây thương tổn, tiếng chim kêu rời rạc, nước suối, trái quả rất nhiều đủ cho chúng ta ăn uống, giờ chỉ còn lo tu tập mà thôi!

Các vị tu tập phạm hạnh ở trong núi đều tiết chế sự tham muốn mà siêng tu Thánh đạo. Lúc ấy có vị đạo sĩ tên La-châu-đà đã sống rất lâu năm trong rừng núi, ông có đức hạnh sâu dày, Thái tử liền đưa vợ con đến chỗ ông ta và thưa:

– Tôi đưa vợ con đến đây học đạo, xin Ngài rũ lòng từ bi rộng lớn dạy cho chúng tôi thành tựu được chí nguyện.

Đạo sĩ ấy dạy đạo cho Thái tử, người cắt cỏ làm nhà, bện cỏ cói làm áo che thân, ăn trái cây uống nước suối. Con trai của người tên là Da-lợi cũng mặc áo cỏ ra vào theo cha, con gái tên là Kế-noa-diên thì mặc áo da hươu quanh quẩn theo mẹ. Thái tử ở trong núi một đêm thì Trời thêm suối lại mọc cây thuốc. Sau đó có một lão Phạm chí nghèo tên Cưu-lưu-tôn, vợ ông ta đang thời thanh xuân, nhan sắc mặn mà. Hôm nọ, cô mang bình đi lấy nước, giữa đường gặp chàng trai chặn cô lại dụ dỗ:

– Cô cam phận nghèo như thế sao? Tham chi của cải lão già kia mà ở chốn này? ông ta học đạo hi vọng trở thành bậc nhất thiên hạ, là kẻ ngu si yếu hèn, cô còn tham tiếc gì nữa? Dung mạo ông ta xấu xí, mũi đen thui thủi, thân hình lại thô kệch, mặt nhăn nheo, môi trớt, ăn nói chẳng thành câu, hai mắt đục lờ, hình dáng giống như quỷ, toàn thân như thế ai cũng ghét. Cô làm vợ hắn mà không hổ thẹn chán chê ư?

Cô vợ khóc lóc nói:

– Cái ông già tóc râu bạc trắng như sương bám trên cây, sớm tối chưa chịu chết, biết liệu làm sao?

Rồi cô ta trở về kể rõ mọi việc và nói:

– Nếu không có người tôi tớ sai vặt thì tôi sẽ bỏ ông.

Người chồng nói:

– Tôi nghèo thì làm sao kiếm được người ở?

Cô vợ bảo:

– Tôi nghe Thái tử Tu-đại-noa rất từ bi, giúp đỡ mọi người, ông ấy đang ở trong núi. Ông ta có hai đứa con, nếu ông xin thì ông ấy sẽ cho đấy!

Nghe cô vợ nói hoài như vậy, ông ta vì yêu vợ nên nghe lời đi tìm Thái tử, giữa đường gặp thợ săn. Thợ săn biết rõ nguyên nhân Thái tử bị đuổi đi nên đột nhiên mắng nhiếc:

– Ta chém đầu ngươi bây giờ, hỏi Thái tử làm gì?

Phạm chí hoảng sợ thay đổi ý và đáp:

– Nhà vua ra lệnh quần thần bảo tôi gọi Thái tử về làm vua.

Thợ săn mừng rỡ nói:

– Hay lắm!

Rồi ông ta chỉ đường cho Phạm chí. Từ xa Phạm chí trông thấy gian nhà nhỏ. Thái tử cũng nhìn thấy ông ấy, hai đứa trẻ thấy Phạm chí trong lòng lo sợ, chúng bảo nhau:

– Cha mình vẫn còn bố thí mà người kia lại từ xa đến, tài sản đã hết, không chừng cha sẽ đem hai anh em mình cho ông ấy.

Thế rồi, hai anh em dắt nhau chạy trốn, vì người mẹ đã đào sẵn gian hầm để cư trú nên hai đứa trẻ vào trong đó lấy củi phủ lên và dặn nhau:

– Cha gọi thì đừng lên tiếng nhé!

Thái tử ân cần chào hỏi Phạm chí:

– Ông đi đường xa chắc là mệt mỏi lắm!

Phạm chí đáp:

– Tôi từ phương ấy đến đây khắp người đều đau nhức, lại rất đói khát.

Thái tử liền dọn trái cây, nước uống. Phạm chí lại nói:

– Nay tôi nghèo khổ quá, mong được kéo dài mạng sống nhỏ nhoi này, xin Ngài giúp đỡ.

Thái tử thương cảm nói:

– Tiền của đã hết chứ tôi không tiếc gì đâu.

Phạm chí nói:

– Ngài có thể cho tôi hai đứa con để chúng phụng dưỡng tuổi già của tôi không?

Thái tử đáp:

– Tôi không trái ý của ông đâu.

Rồi Thái tử gọi con. Hai anh em đều sợ bảo nhau:

– Cha gọi chắc là đem chúng ta cho con quỷ đó nhưng trái lời cha là không được.

Biết con mình trốn trong hầm, Thái tử đến vạch củi ra và thấy các con. Hai đứa trẻ chui ra ôm lấy cha run rẩy khóc nức nở nói:

– Cha ơi, ông ta là quỷ chứ không phải Phạm chí đâu. Con đã thường nhìn thấy dung mạo của Phạm chí, chưa có ai như thế. Cha đừng đem chúng con cho quỷ ăn thịt. Mẹ con đi hái trái cây sắp về, làm sao gặp mặt? Ngày nay chúng con chắc chết vì bị quỷ ăn thịt. Mẹ trở về tìm chúng con, như trâu tìm nghé, chạy điên cuồng đau khổ, cha sẽ hối hận đó cha ơi!

Thái tử bảo:

– Cha bình sinh bố thí chưa hề có chút hối hận. Cha đã hứa rồi sẽ không thay đổi đâu.

Phạm chí nói:

– Tôi già cả yếu ớt, lỡ hai đứa trẻ trốn đi gặp mẹ nó, xin ông hãy cho một sợi dây để buộc nó lại.

Thái tử dẫn hai đứa trẻ ra, bảo Phạm chí lấy dây buộc chúng lại rồi dắt đi. Hai đứa trẻ nhàolăn trước mặt cha gào khóc gọi mẹ.

Hỡi các vị Thiên thần, thổ địa sơn thần, thọ thần hãy xót thương báo cho mẹ biết. Hai đứa con đã bị cha cho người ta rồi, mẹ có thể gặp mặt con một lần không?

Tiếng kêu cảm đến sơn thần, âm vang như sấm động. Lúc đó, người mẹ đang hái trái cây, nghe trong lòng rúng động. Bà ngước nhìn lên, thấy Trời quang đãng không có mưa gió mà sao có sấm vang? Mắt bên trái thì máy động, mắt phải ngứa ngáy, sữa từ hai vú chảy ra. Người mẹ suy nghĩ nói:

– Điều này quá lạ lùng, ta phải trở về xem con ta ra sao?

Bà bỏ trái cây quay trở về, chạy hoảng hốt như điên. Trời Đế thích nghĩ:

– Chí khí của Bồ-tát muốn thành tựu Phật đạo. Nếu để cho vợ Ngài về đến, sẽ làm hư hoại chí cao cả của Ngài.

Đế thích liền hoá ra con sư tử, ngồi xổm giữa đường. Thấy sư tử, bà nói:

– Ngài là chúa tể trong loài thú, tôi là con gái nhà vua trong cõi người, cả hai ta đều ở núi này. Tôi có hai đứa con hãy còn bé nhỏ. Từ sớm đến giờ chúng chưa ăn gì cả, mong được gặp tôi.

Sư tử liền tránh đường cho bà đi. Về phía trước được mấy bước, Đế thích lại hoá làm con sói trắng. Người vợ cũng xin như trước và sói lại tránh đường. Rồi Đế thích lại hoá làm cọp chặn đường, tính ra Phạm chí đã đi xa, Ngài mới lui gót. Về đến nơi, thấy Thái tử ngồi một mình, bà lo sợ hỏi:

– Con thiếp ở đâu mà bây giờ Thái tử ngồi một mình vậy? Các con thường khi thấy thiếp về đều chạy ra đón, hớn hở cười gọi: Mẹ về, mẹ về! Bây giờ nó chơi ở đâu mà trên đất có đầy những thứ dơ bẩn ngổn ngang: nào dấu chân voi dơ, trâu dơ, ngựa heo dơ… Nhìn thấy những thứ đó, lòng thiếp lại muốn phát điên lên. Có phải là các con đã bị cọp sói, ma quỷ yêu quái giặc cướp bắt ăn thịt rồi không? Thái tử hãy mau giải thích rõ ngọn nguồn sự việc này. Nếu không chắc thiếp chết mất thôi.

Thái tử im lặng hồi lâu mới đáp:

– Có vị Phạm chí đến xin hai đứa trẻ. Ông ta nói mình tuổi đã già, mạng sống mong manh, muốn đem chúng về giúp đỡ ông, nên ta đã cho hai con.

Nghe Thái tử nói xong, người vợ té lăn xuống đất, ngậm ngùi lệ rơi, thảm thiết nói:

– Đúng như giấc mộng đêm rồi, thiếp thấy ông lão Phạm chí nghèo cắt mất hai vú của mình cầm lấy đem đi, chính là điều xảy ra hôm nay vậy.

Bà thảm thiết kêu Trời, chấn động cả núi rừng. Thái tử thấy vợ quá thảm, Ngài khuyên:

– Ta vốn nể nàng nặng tình hiếu đạo, tôn thờ người trên, ai xin đều ban bố, lời thề ấy rất rõ ràng, mà bây giờ sao nàng lại khóc thảm thiết làm rối loạn lòng ta.

Người vợ nói:

– Thái tử cầu đạo phải khổ sở quá vậy sao?

Chư thiên Đế thích đều bàn bạc, Thái tử cầu đạo bố thí khắp nơi, chúng ta hãy thử đến xin vợ của Ngài.

Đế thích liền hoá ra Phạm chí đến nói:

– Ngài luôn có lòng nhân của đất Trời, cứu khắp quần sanh, bố thí không nghịch ý, cho nên tôi đến đây. Vợ Ngài hiền thục đức hạnh, tiếng tăm vang khắp gần xa, xin Ngài hãy ban cho tôi.

Thái tử đáp:

– Được thôi.

Thế là Trời Đất thảy đều chấn động mạnh, Trời người quỷ thần đều ca ngợi, Phạm chí nói:

– Tôi là Thiên Đế chẳng phải kẻ tầm thường, cho nên tôi đến thử. Ngài tôn sùng trí tuệ Phật, nêu gương cao cả không ai sánh bằng. Giờ Ngài muốn điều gì cứ nói, tôi sẽ vâng theo.

Thái tử bảo:

– Xin cho tôi giàu có, thường thích bố thí không hề tham lam. Hôm nay tôi và vua cha cùng thần dân trong nước được gặp nhau.

Thiên Đế nói: Hay lắm! Rồi ông ta biến mất.

Phạm chí già kia vui mừng vì được toại nguyện như ý. Ông ta đi không cảm thấy mệt mỏi, kéo lê hai đứa trẻ như bắt được kẻ sai dịch. Hai đứa trẻ cháu của vua vốn sang cả tự do, nay rời xa cha mẹ, lại bị trói, tay chân sưng phù lên. Chúng đều thương cảm, kêu khóc gọi mẹ. Phạm chí lấy roi đánh cho nó đi, máu chảy đỏ đất. Thiên thần thương xót cởi trói cho chúng và điều trị vết thương.

Ông ta lại hoá ra thứ trái cây tươi ngon và khiến cho mặt đất mềm lại. Hai đứa trẻ hái trái chia nhau ăn và nói:

– Thứ trái cây này ngọt như trái cây trong vườn thượng uyển. Mặt đất mềm mại như thảm len ấm bên vua.

Hai anh em ôm nhau ngửa mặt lên Trời gọi mẹ, lệ rơi ướt đẫm thân mình. Về đến nhà, Phạm chí cười nói:

– Ta đã tìm được cho bà hai đứa tớ, từ đây mặc sức sai bảo.

Cô vợ trông thấy hai đứa trẻ, nói:

– Hai đứa này không giống như đầy tớ. Đứa trẻ này xinh đẹp, tay chân mịnh màng, không đảm đương nổi nhọc nhằn. Hãy đem bán nó đi, mua đứa khác về sai vặt.

Phạm chí lại muốn đem hai đứa trẻ sang nước khác. Trời khiến ông ta bị lạc đường, dừng lại ở nước cũ. Dân chúng biết hai đứa trẻ đều nói:

– Đây là cháu của Đại vương.

Họ truyền nhau tới vua. Nhà vua truyền gọi Phạm chí đưa hai đứa trẻ vào cung, người trong cung đều bùi ngùi. Nhà vua muốn ôm hai đứa trẻ, nhưng nó không chịu. Vua hỏi:

– Tại sao vậy?

Đứa trẻ đáp:

– Xưa con là cháu của vua, nay là đứa ở hèn hạ, làm sao dám ngồi trên gối của vua.

Vua hỏi Phạm chí:

– Nguyên nhân nào ngươi có được hai đứa trẻ này?

Phạm chí trình bày đúng như sự thật. Vua hỏi:

– Nhà ngươi muốn bán hai đứa trẻ này bao nhiêu tiền?

Phạm chí chưa trả lời thì đứa cháu trai ra giá:

– Đứa con trai trị giá tiền vàng một ngàn con trâu đực và trâu cái. Trâu đực mỗi thứ một trăm con. Còn con gái trị giá một ngàn con trâu đực, trâu đực và trâu cái mỗi thứ hai trăm.

Nhà vua hỏi:

– Sao con trai lớn hơn lại rẻ, còn con gái bé nhỏ lại mắc?

Đáp:

– Thái tử đã là bậc Thánh lại nhân từ, mọi người ai cũng nương về mà bị đuổi đi xa vì vậy biết con trai giá rẻ. Còn con gái hàng dân dã quê mùa nhờ sắc đẹp được ở chốn thâm cung, cho nên biết con gái đắc giá.

Nhà vua nói:

– Đứa con trai mới tám tuổi mà có biện luận của bậc cao sĩ, huống gì cha của nó?

Mọi ngừơi trong cung nghe nhà vua nói thế, ai cũng buồn bã. Nhà vua quay lại đưa đủ tiền cho Phạm chí lui về. Vua bồng hai đứa cháu đặt ngồi trên gối và hỏi:

– Lúc nãy ta bồng hai cháu không được, nhưng sao bây giờ lại đồng ý?

Đáp:

– Lúc nãy là đứa ở, còn bây giờ là cháu của vua.

Vua hỏi:

– Cha các cháu ở trong núi ăn cái gì để sống?

Hai đứa trẻ đều đáp:

– Cha cháu ăn trái cây để sống, ban ngày cùng muôn thú chim chóc vui chơi, chẳng hề buồn bã gì.

Nhà vua liền sai sứ giả đến đón Thái tử về. Sứ giả lên đường. Trong núi, cây cối đều nghiêng mình dường như quỳ làm lễ chào hỏi. Trăm chim cất tiếng kêu buồn bã động lòng người.

Thái tử hỏi:

– Đây là điềm gì?

Người vợ đang phủ phục trên đất nói:

– Lòng vua cha đã cởi mở nên sai sứ giả đến đón, chư thần vui mừng nên hiện ra điềm ấy.

Người vợ vì mất con nằm lăn trên đất, khi sứ giả đến, bà liền ngồi dậy, lạy tiếp lệnh vua. Sứ giả thưa:

– Vua và Hoàng hậu bỏ ăn, nghẹn ngào rơi lệ, thân thể ngày càng mòn mỏi, lòng mong nhớ muốn gặp Thái tử.

Thái tử ngoảnh nhìn xung quanh, quyến luyến cỏ cây sông núi chốn núi rừng, rồi gạt lệ lên xe. Nghe tin sư giả đón Thái tử về, cả nước đều vui mừng lo sửa đường quét dọn, chuẩn bị treo cờ phướng, thắp hương, rãi hoa, trỗi nhạc giương bảo cái. Cả nước nhảy múa reo hò xưng vạn tuế. Thái tử vào thành cúi đầu tạ lỗi rồi lui về chỗ ở. Nhà vua lại đem kho trân báu của nước giao cho Thái tử, khuyến khích bố thí. Dân nghèo ở các nước láng giềng lại đến như sông tuôn về biển cả. Những nước oán thù xưa yết kiến Ngài, dâng biểu xưng thần, cống lễ bang giao. Bọn giặc cướp trân trọng lòng nhân từ đua nhau bố thí, dẹp bỏ khí giới, phá bỏ nhà tù. Chúng sanh trọn đời hưởng lạc, mười phương vui vẻ, không ngừng tích đức. Thuở ban đầu, Thái tử tuy vất vả, nhưng nay là bậc tối tôn vô tận.

Đức Phật kể, Thái tử sau khi lâm chung, sanh vào cõi Trời Đâu Suất, rồi từ cõi Trời, giáng sanh cung vua Tịnh Phạn, nay chính là thân ta. Phụ Vương nay là A-nan, Vợ là Cù Di, con trai là La Hầu La. Con gái là La hán Chu Trì Mẫu. Thiên Đế thích là Di-lặc. Gã thợ săn là Ưuđà-da. Châu Đà là Đại Ca-diếp. Phạm chí bán đứa trẻ là Điều Đạt. Bồ Tát đại từ bố thí như thế đó.

(Trích Kinh Tu Đại Noa).

8. KỲ VỰC BỎ NƯỚC LÀM THẦY THUỐC

Ngày xưa ở nước Tỳ-xá-ly, trong vườn ngự uyển của nhà vua có một cây mít nài, cành lá xum xuê, lại có ánh sáng và hương thơm khác thường. Nhà vua rất yêu quý cây mít của mình. Nếu như không phải là những bậc tôn quý trong cung khì không bao giờ nếm nó được. Bấy giờ có một vị Phạm chí không những rất giàu có cả nước không ai bằng, mà còn thông minh tài trí, uyên bác hơn người. Nhà vua phong ông làm đại thần trong cung, được nhà vua mời thưởng thức hương vị của trái mít này.

Thấy trái mít quá thơm ngon, bèn hỏi vua:

– Xin đại vưong cho thần một cái rễ nhỏ của cây mít này được không?

Nếu khanh muốn thì ta sẽ chiết rễ cho. Nhà vua trả lời.

Phạm chí đem rễ về trồng, sớm tối vun tưới nên cành là xum xuê tươi tốt. Đúng ba năm cây mít kết trái, ánh sáng màu sắc nhiều ít lớn nhỏ đều giống hệt mít nhà vua. Phạm chí lấy làm vui mừng, ông thầm nghĩ:

– Tài sản của ta vô số không thua gì nhà vua, chỉ là không có cây mít này, nay ta được nó rồi thì không còn gì là kém nữa.

Thế rồi ông ta bèn hái ăn, nhưng lạ thay, mít rất đắng chát. Ông suy nghĩ hay là do đất không màu mỡ.

Ông ta nhỗ hổng cây lên rồi lấy sữa bò đã chế luyện thành đề hồ, ngày nào cũng tưới cho nó. Đến năm sau thì trái của nó rất ngọt. Bênn cạnh cây mít lại có mọc ra một khối u bằng nắm tay, và cứ to dần theo ngày tháng. Ông ta sợ nó làm hại đến trái, muốn chặt bỏ nhưng lại sợ tổn thương đến cây. Ông ta đang phân vân thì ngay đốt đó sanh ra một cành rất to và thẳng đuột cao khỏi ngọn cây, cách mặt đất bảy trượng. Lại nảy ra những cành cây hình như cái lọng xếp, hoa lá xum xuê đẹp hơn cả cây cũ. Ông thường leo lên lầu ngắm nó, thấy trong cái lọng xếp đó có một hồ nước vừa trong lại vừa thơm, có nhiều loài hoa xinh tươi. Ngắm nhìn một hồi, ông thấy trong hồ nước có một cô bé, ông bế vào nhà để nuôi dưỡng, đặt tên là Nại-nữ. Đến năm mười lăm tuổi, cô gái này nhan sắc vô cùng xinh đẹp, thiên hạ không ai bằng, tiếng đồn vang khắp cả nước. Bấy giờ bảy quốc vương cùng đến nhà Phạm chí để xin cưới làm vợ, thế nhưng quá nhiều người Phạm chí không biết phải gả cho ai. Ông xây một lâu đài cao để Nại Nữ ở trên đó rồi thưa với các vị quốc vương rằng:

– Cô gái này chẳng phải là con ruột của tôi, cô ta xuất sanh từ trên cây mít. Nay bảy vua cùng đến một lúc, giả sử tôi đem gả cho người nay thì sáu người kia sẽ tức giận. Tôi không dám yêu tiếc, hiện giờ nó đang ở trên lầu cao trong khu vườn, các vua hãy tự thương lượng để mọi người đều vừa ý, tôi không dám ngăn cản.

Thế rồi bảy vị quốc vương tranh dành lẫn nhau vô cùng rối ren. Đêm hôm ấy, vua Bình Sa vương lén đột nhập leo lên lầu cao cùng ngũ với cô gái. Lúc Trời sáng, ông sắp đi, cô gái hỏi:

– Đại vương hạ cố tiếp đãi thiếp, nếu có con thì là dồng dõi của Ngài, thiếp phải giao cho ai?

Nhà vua đáp:

– Nếu là con trai thì nàng giao lại cho ta, còn con gái thì thuộc về nàng.

Nhà vua cởi chiếc vòng vàng có dấu ấn trên tay trao cho Nại nữ và nói.

– Đây là tín vật.

Sau đó nhà vua bảo với quần thần:

– Ta đã cùng chung Nại nữ qua đêm.

Nghe thế, quân sĩ của Bình sa vương tung hô vạn tuế và nói

– Đại vương ta nay đã được Nại nữ rồi. Sáu vua nghe tin thì kéo quân trở về.

Về sau Nại nữ sinh ra một đứa con trai, khi vừa sanh ra thì cậu bé đã cầm một túi kim thuốc trong tay.

Phạm chí nói:

– Đây là máu mũ của nhà vua mà lại cầm một bình thuốc thì ắt hẳn là một bậc y vương, vì vậy ông đặt tên cho đứa trẻ là Kỳ Vực (trong các kinh như Niết-bàn đều gọi là Kỳ Bà, riêng trong Kinh Thỉnh Tỳkheo Bàn Đặc gọi là Kỳ Vực).

Đến năm tám tuổi, câu bé rất thông minh và đã học hết tất cả các kinh thư giỏi tuyệt luân. Khi cậu chơi đùa với bọn trẻ láng giềng, trong lòng thường chê bọn trẻ ấy nên bị chúng thường hay mắng:

– Mày là đứa con không cha, do bọn dâm nữ sanh ra sao lại dám khinh bọn ta?

Kỳ Vực sững sờ, im lặng không đáp trở về hỏi mẹ:

– Mẹ ơi con thấy bọn trẻ kia không bằng con mà nó lại mắng con là đồ con không cha, giờ cha con đang ở đâu hỡ mẹ?

Người mẹ đáp:

– Cha con là Bình Sa vương.

Kỳ Vực lại hỏi:

– Bình Sa vương đang ở nước La-duyệt-kỳ, cánh đây năm trăm dặm, vì sao lại sanh ra con?

Người mẹ liền trao chiếc vòng bằng vàng có dấu ấn của nhà vua cho Kỳ Vực mang đến nước La-duyệt-kỳ. Kỳ Vực vào cung liền đến trước nhà vua, quỳ gối làm lễ tâu vau:

– Con là con của Đại vương do Nại nữ sanh ra, nay lên tám tuổi mới biết là dòng dõi của nhà vua, cho nên phụng chỉ đem ấn vàng, vật làm tin này trao lại.

Nhìn thấy hoa văn của ấn, nhà vua nhớ lại thuở ấy có lời thề nên biết đó là con của mình, vô cùng thương mến, nhà vua phong Kỳ Vực làm Thái tử. hai năm sau gặp lúc A-xà-thế chào đời, Kỳ vực nhân đó thưa với vua:

– Lúc con mới sanh trong tay đã cầm túi kim thuốc, đúng là phải làm thầy thuốc. Tuy được phụ hoàng phong cho con làm Thái tử nhưng đó chẳng phải là niềm vui của con. Nay phụ hoàng đã sanh ra người con dòng đích mới đáng là người nối dòng cao quý, con xin được học nghành y thuật.

Nhà vua chấp thuận cho Kỳ Vực, ông truyền lệnh cho tất cả danh y của toàn nước đến dạy y thuật cho con. Thế nhưng Kỳ Vực cứ mãi vui chơi không chịu học, các thầy đều phiền trách:

– Y thuật hèn mọn của tôi chẳng phải là chỗ học cao tột của Thái tử, nhưng lệnh của Đại vương không thể bỏ phế. Từ khi được lệnh đến nay cũng đã nhiều ngày nhiều tháng mà Thái tử không hề học lấy nữa lời, nếu đại vương hỏi thì tôi làm sao trả lời?

Kỳ Vực đáp:

– Tôi sanh ra là đã có tấm bằng y thuật trong tay, vì vậy tôi mới tâu với đại vương bỏ hết vinh hoa sang giàu để cầu học y thuật há lại có thể biếng nhác hay sao? Thật ra mà nói, chỉ vì y thuật của các thầy không đủ cho người học nên tôi mới như vậy thôi.

Nói xong, Kỳ Vực liền lấy cây cỏ thuốc, dùng kim châm vào hết tất cả các kinh mạch rồi hỏi các thầy, nhưng thầy không thể nào đáp được, trở lại làm lễ và thưa:

– Thưa Thái tử, Ngài là thần y chúng tôi không thể sánh kịp. Nay bao nhiêu nghĩa trong nhiều đời xin Thái tử giải thích cho.

Kỳ Vực giải thích cho họ nghe về y học, các thầy nghe xong vui mừng làm lễ và vâng theo lời chỉ giáo. Kỳ Vực bắt đầu đi khắp nơi để trị bệnh, những người được Ngài chữa trị đều lành hẳn, tiếng tăm được đồn xa. Trên đường trở về cung, Kỳ Vực gặp đứa trẻ gánh củi, nhìn thấy toàn bộ ngũ tạng của nó, Ngài thầm nghĩ:

– Trong sách bản thảo có ghi, có loại cây thuốc chúa, đặt ở ngoài nhưng soi thấu suốt vào trong ngũ tạng, trong gánh củi của đứa bé này ắt hẳn là có loại thuốc đó. Ngài liền hỏi cháu bé:

– Gánh củi này cháu bán hết cho chú, cả thảy bao nhiêu tiền?

– Dạ mười tiền, giá thue là mười tiền chú a!

Cháu bé đặt gánh củi xuống, bị khuất nên không còn thấy trong ruột gan của nó nữa. Kỳ Vực nghĩ:

– Không biết trong gánh củi này cây nào là cây thuốc chúa?

Ngài liền mở hai gánh củi ra rồi rút từng cây để lên bụng cháu bé nhưng không có cây nào có thể chiếu được cả. Cứ làm như thế gần hết hai bó củi, cuối cùng Ngài phát hiện ra một cành cây nhỏ chiếu thấu cả tim gan của cháu bé. Kỳ vực vô cùng sung sướng, biết cành cây thuốc chúa mà mình cân tìm chính là đây, vì thế Ngài chỉ lấy cành này còn bao nhiêu củi Ngài giao lại cho cháu bé. Cháu nhận tiền và gom củi lại, vui mừng ghánh về.

Bấy giờ trong nước, một gia đình thuộc dòng Ca-la-việt có một cô con gái, tuổi vừa mười lăm, sắp đến ngày cười thì đột nhiên nhức đầu mà chết. Kỳ vực nghe tin, Ngài đến nhà đó hỏi:

– Cô gái ngày thường có bệnh gì không mà sao đến nỗi phải chết yểu vậy?

Cha của cô đáp:

– Con gái của tôi có chút nhức đầu, nhưng càng ngày bệnh càng tăng thêm, buổi sáng ngày kia phát tác quá nặng nên đến nỗi phải bỏ mạng.

Kỳ Vực lấy cây thuốc chúa soi vào đầu của cô gái, phát hiện ra trong đầu có loài sâu kim nhọn, lớn nhỏ sinh sôi đến cả mấy trăm con, chúng chui vào não và ăn hết bộ não, cho nên cô gái chết.

Ngài liền lấy cây dao vàng rạch đầu của cô gái, bắt hết tất cả số sâu trong đầu ra rồi cho vào trong lọ. Ngài dùng ba loại cao thần bôi lên vết thương, một loại đắp vào vết thương trong xương nơi sâu ăn, một loại có tác dụng sanh ra não, còn loại kia trị vết thương do dao rạch ở bên ngoài rồi bảo với người cha của cô:

– Tốt rồi, hãy để yên chớ làm kinh động, bảy ngày sau sẽ khỏi hẳn, đến ngày đó tôi sẽ đến.

Kỳ Vực vừa bước ra khỏi cửa, mẹ của cô gái lại khóc to lên.

– Con tôi lại chết thêm một lần nữa, đâu có ai bị mổ đầu, đục não mà có thể sống lại bao giờ?

Người cha ngăn lại nói:

– Thái tử mới sanh ra là đã cầm kim thuốc, Ngài bỏ ngôi vị cao quý để đi làm thầy thuốc chỉ vì muốn cứu sống sanh mạng con nguời, vị thần y này lẽ nào đi dối gạt người ta? Ngài đã căn dặn cẩn thận, chớ có làm kinh động, bà muốn không cho đứa con của mình sống lại sao?

Bà mẹ nghe lời liền không khóc nữa, chỉ lo săn sóc cho con gái mình.

Bảy ngày lặng lẻ trôi qua, con gái tự nhiên hắt hơi tỉnh giấc, giống như người ngủ say vừa thức dậy, nàng hỏi?

– Sao bây giờ đầu của con không còn đau nữa, thân thể đều an ổn, thoải mái, ai đã cứu giúp co được như thề?

Người cha đáp:

– Trước đây con đã chết, thần y Kỳ Vực cố đến cứu con, Ngài mổ đầu bắt hết sâu ra rồi con mới sống lại.

Nói xong, ông mở chiếc lọ đổ sâu ra chỉ cho con thấy. Nhìn thấy sâu cô kinh hãi nhưng rất tự hào nói:

– Kỳ Vực là thần y, như thế thì con làm sao đền ơn ông ấy?

Chốc lát Kỳ Vực đã đến, cô gái vui mừng ra tận cửa để nghinh tiếp, nàng quỳ xuống thưa:

– Con xin trọn đời làm nô tỳ cho Ngài để đền đáp ơn cứu mạng.

Kỳ Vực đáp:

– Tôi làm thầy thuốc, đi khắp nơi để trị bệnh, không ở một chỗ nhất định, vì thế mà không cần người ở. Nếu người muốn đền ơn thì đưa cho tôi năm trăm lượng vàng, tôi không dùng cho mình mà để tạ ơn thầy của tôi, tuy thầy không dạy gì cả nhưng tôi từng làm đệ tử của ông ta, nay tôi lấy tiền của cô để tạ ơn ông ấy.

Cô gái liền đem năm trăm lượng vàng dâng cho Ngài, Kỳ vực nhận lấy rồi đem trao cho thầy. Nhân đó Ngài xin vua cha cho phép được về thăm mẹ.

Trên đường về, Ngài đi qua nước Tỳ-xá-ly gặp một đứa trẻ con của một nhà thuộc dòng Ca-la-việt thích học cưỡi ngựa, nên kiếm con ngựa cao hơn bảy thước, để học cưởi. Khi bắt đầu học, câu bé này leo lên lưng ngựa, sau đó ngựa chạy, mất đà cậu bé té xuống mà chết. Ngài nghe tin thì đến đó, dùng cây thuốc chúa chiếu vào thì thấy gan của cậu lộn ngược về phía sau, làm cho khí tụ lại không đựơc lưu thông nên đã chết. Ngài lại lấy con dao vàng mổ bụng cậu bé, rồi dùng tay sửa lại lá gan, đưa gan về phía trước, sau đó dùng ba loại cao thần bôi lên. Một loại đắp vào tay, chỗ được bảo vệ, một loại thông hơi thở, còn loại kia đáp vào vết dao mổ rồi dặn cha mẹ cậu:

– Cẩn thận, không nên sợ hãi, ba ngày nó sẽ tỉnh và lành hẳn.

Người cha vâng theo lời dặn, lặng lẽ săn sóc con đến ngày thứ ba thì cậu bé liền hắt hơi và tỉnh lại giống như ngủ vừa tỉnh giấc. Trong chốc lát Kỳ Vực đến nhà, đứa trẻ liền ra nghinh đón, làm lễ và nói:

– Con xin trọn đời làm người hầu hạ để đền ơn cứu mạng.

Kỳ Vực nói:

– Ta làm thầy thuốc đi khắp nơi để trị bệnh, nhà người bệnh tranh nhau làm người hầu của ta, mẹ ta nuôi ta khổ nhọc mà ta chưa hề chăm sóc hầu hạ người. Nếu ngươi muốn đền ơn ta thì chỉ đưa cho ta năm trăm lượng vàng để ta đền ơn mẹ ta.

Kỳ Vực lấy vàng dâng cho Nại nữ rồi quay về nước La-duyệt-kỳ. Vì cứu sống hai người này mà tên tuổi của Ngài truyền vang khắp cả nước, ai cũng đều biết đến Kỳ Vực.

Lại nữa, ở phương Nam có một nước lớn, cách La-duyệt-kì tám ngàn dặm, vua Bình Sa và các nước nhỏ đều phải thuần phục nước ấy. Vua nước ấy đang lâm vào căn bệnh hiểm nghèo, nhiều năm chữa trị nhưng không khỏi, ông ta hay bực bội, sân hận, hễ ông trợn mắt lên là sẽ giết chết người, người nào đưa mắt nhìn ông ta thì cũng bị giết, nhìn xuống không ngước lên cũng bị giết, người phục dịch mà chậm chạp cũng bị giết, đi nhanh cũng bị giết, mọi người không biết phải làm cách nào. Thầy thuốc chế thuốc dâng lên mà ông nghi có độc cũng bị giết. Trước sau ông giết không biết là bao nhiêu thầy thuốc và cung nữ, quan binh hầu cận. Bệnh nhà vua ngày càng trầm trọng, khí độc thâm nhập vào tim khiến cho ông vô cùng sầu muộn, hơi thở mòn mỏi như lửa đốt thân. Kỳ vực nghe vị vua này giết rất nhiều thầy thuốc nên cũng rất sợ. Vua Bình Sa vương cũng vì thương con còn nhỏ, sợ bị ông ta giết chết, nên vừa muốn không cho con đi nhưng vì Bình sa bị ép. Tối hôm ấy, hai cha con nằm ôm nhau suốt đêm, rất lo lắng và buồn bã. Sáng ra Bình Sa vương bèn dẫn Kỳ Vực đến yết kiến Đức Phật.

Phật dạy:

Ngày xưa ngươi cùng ta giao ước, chúng ta sẽ cứu chữa bệnh cho người trong thiên hạ, ta trị bệnh tâm, người trị bệnh thân. Nay ta đã thành Phật y như lời nguyện trứơc kia của ta. Vị vua này bệnh tình trầm trọng, phương xa đang mong chờ, tại sao ngươi không đến? Hãy mau đến cứu ông ấy! Ngươi hãy tìm cách để cứu chữa, ông ấy không giết ngươi đâu!

Kỳ Vực nương oai thần của Phật, đến trị bệnh cho nhà vua nước ấy, chuẩn đoán bệnh tình và dùng cây thuốc chúa rọi vào, Ngài thấy rõ ràng trong lục phủ ngũ tạng, các mạch máu của nhà vua, khí huyết rối loạn, đó là do nọc độc của loài mãng xà hoành hành khắp cơ thể.

Kỳ Vực thưa:

– Bệnh của nhà vua có thể chữa trị, chắc chắn là hết, nhưng phải gặp Thái hậu để nói cách điều chế và sắc thuốc cho nhà vua. Nếu như không được Thái hậu bào chế và sắc thuốc thì nhất định không thành tựu.

Nghe Kỳ Vực nói như thế, nhà vua không hiểu lý do, trông lòng muốn nổi lôi đình nhưng sợ thân bệnh, vả lại trước đã nghe danh của Kỳ

Vực nên gượng đón tiếp, mong mõi sẽ được lợi ích. Hơn nữa, là một đứa trẻ không có tình ý gian dâm nên ráng nghe theo. Nhà vua liền bảo cung nữ và thái giám dẫn vào cung Thái hậu. Kỳ Vực thưa với Thái hậu:

– Bệnh nhà vua có thể chữa trị, bây giờ phải điều chế thuốc và giữ kín cách thức điều chế thuốc không được tiết lộ cho một ai biết, xin Thái hậu đuổi hết người hầu ra.

Thái hậu liền bảo cung nữ và thái giám ra hết, Kỳ Vực nhân đó hỏi Thái hậu:

– Vừa rồi thần chuẩn đoán cho nhà vua, thấy khí huyết lưu thông trong cơ thể đều có nọc độc của mãng xà, giống như con của phi nhân, vậy rốt cuộc nhà vua là con của ai, xin thái hậu hãy nói thật ra mới có thể trị cho nhà vua được, còn như Thái hậu không chịu nói thì thần không có cách nào trị cả!

Thái hậu bèn tường thuật lại:

– Ngày xưa, ban đêm tôi thường ngủ trong điện Kim Trụ. Một hôm có một con quỷ đến choàng lấy người tôi, lúc ấy tôi mơ màng hoảng hốt, cùng giao hợp với con quỷ đó. Khi giật mình tỉnh dậy, tôi thấy một con mãng xà to lớn, dài hơn ba trượng đang bò qua người tôi, từ đó tôi mang thai. Nhà vua thật sự là con của con mãng xà đó. Vì quá xấu điều ấy nên tôi chưa hề đem chuyện nói với ai cả. Đồng tử giờ đã biết chuyện bí mật này, nếu bệnh có thể chữa trị thì tôi xin đem mạng sống của vua giao cho Đồng tử. Bà hỏi:

– Xin hỏi Đồng tử hôm nay nếu chữa được bệnh này thì phải dùng thuốc gì?

Kỳ vực đáp:

– Chỉ có đề hồ mà thôi.

Thái hậu bảo:

– Đồng tử cẩn thận chớ nói, nhà vua rất ghét mùi đề hồ, đến nỗi tên đề hồ cũng ghét, trước sau chỉ vì đề hồ mà chết mấy trăm người, bây giờ người lại nhắc đến, coi chừng bị giết chết mất, lấy thứ này cho nhà vua uống hoàn toàn không được đâu, xin Đồng tử dùng thứ khác.

Kỳ vực nói:

– Đề hồ là trị nọc độc của rắn, vì thế nhà vua không muốn nghe từ đề hồ là phải rồi. Nếu như bệnh vua nhẹ và chất độc khác thì tôi dùng thuốc khác có thể chữa khỏi. Nhưng nay chất độc mãng xà đã ăn sâu vào trong xương tuỷ, lưu thông khắp cả cơ thể, nếu không phải đề hồ thì không bao giờ trị khỏi. Bây giờ phải sắc và chưng cất cho chất đề hồ hoá thành nước.

Kỳ Vực ra yết kiến nhà vua và thưa:

– Thần vừa gặp thái hậu, đã thưa rõ thang thuốc, bây giờ phải điều chế nó, chỉ trong mười lăm ngày sẽ xong. Nay thần có năm điều kiện trước khi chữa trị cho bệ hạ, còn không thì bệnh khó mà vượt qua được.

Nhà vua hỏi:

– Năm điều ấy là những gì?

Kỳ Vực đáp:

  1. Nhà vua hãy cho thần chiếc long bào mới, chưa một lần mặc của vua đang cất trong rương.
  2. Cho phép thần được tự do ra vào trong cung cấm.
  3. Cho thần được tự do ra vào gặp Thái hậu và Hoàng hậu.
  4. Khi Bệ hạ uống thuốc thì phải uống một hơi cho đến hết, không được ngưng lại nữa chừng.
  5. Cho thần được sử dụng con voi đi tám ngàn dặm của bệ hạ thường dùng để dạo chơi.

Nhà vua nghe xong liền nổi giận lôi đình, mắng:

– Ngươi trẻ con sao dám yêu cầu ta chấp thuận năm điều kiện ấy?

Ngươi mau giải thích cho ta nghe, nếu không ta sẽ chém đầu ngươi.

Kỳ Vực thưa:

– Điều chế thuốc phải trai giới trong sạch, thần đến đây đã lâu ngày, y phục đều nhơ bẩn, vì thế thần chỉ có mặc Long bào của đại vương chưa từng mặc mới được trong sạch trọn vẹn để điều chế thuốc.

– Hơn nữa, trước giờ đối với những người hầu cận, những thầy thuốc, bệ hạ đều nghi ngờ không tin tưởng họ, còn giết chết họ, không chịu uống thuốc của họ. Quần thần đều nói bệ hạ sẽ giết thần, nhưng bệnh của bệ hạ đã quá nặng, sợ người ngoài sanh tâm phản loạn. Nếu như cho phép thần tự do ra vào thì họ đều cho bệ hạ tin tưởng vào thần, ắt sẽ dùng thuốc của hạ thần, bệnh chắc chắn sẽ khỏi, vì thế họ không dám sanh lòng tạo phản.

– Trước giờ bệ hạ giết người nhiều quá, quần thần đều canh cánh sợ hãi, không ai muốn cầu cho nhà vua được bình an cả, người không thể tin tưởng, nay lại cùng điều chế thuốc, sợ trong lúc thần miệt mài bào chế thì họ lại cho độc dược vào thuốc, thần không hay biết, đó chẳng phải là điều lo lắng hay sao? Trong thiên hạ, người đáng tin cậy, thương yêu nhất chỉ có người mẹ và người vợ của mình. Vì vậy thần muốn vào gặp Thái hậu và Hoàng hậu cùng nhau điều chế thuốc mới tin tưởng được. Vả lại, điều chế thuốc mất mười lăm ngày mới xong, cho nên hằn ngày muốn vào canh cho lửa cháy có chừng mực.

– Trong thuốc, khí và vị ngang nhau nên phải uống ngay một lúc, không được dừng hơi thở, nếu ngừng thì khí không dẫn được.

– Trong ngọn núi phía Nam, cách đây bốn ngàn dặm có loài có thuốc hay, khi bệ hạ uống thuốc thì cần phải có loài có thuốc này để nhai. Hơn nữa, bệ hạ uống thuốc nhiều lần, sợ không kịp nên thần muốn cưỡi voi ấy đến núi hái thuốc, đi về trong ngày cho thuốc có hiệu nghiệm.

Nhà vua nghe Kỳ Vực giải thích mới vở lẽ nên chấp thuận cho cả năm điều. Bấy giờ, Kỳ Vực đã chưng cất đề hồ đã mười lăm ngày, đề hồ trở thành trong suốt. Hễ được năm thăng thì đưa cho Hoàng hậu và Thái hậu bưng ra cho nhà vua uống và xin để con voi trước điện. Nhà vua chấp thuận cho Kỳ Vực. Thấy thuốc trong suốt nên nhà vua uống một hơi thì cạn, cùng lúc đó Kỳ Vực đã lên voi đi ngõ tắt trở về nước. Vì tuổi nhỏ sức yếu không thể đi nhanh được, nên vừa đi được ba ngàn dặm thì đầu óc choáng váng. Quá mỏi mệt, Kỳ Vực liền nằm nghĩ trong núi. Quá giờ ngọ, nhà vua ựa ra mùi đề hồ liền nổi giận:

Thằng nhỏ này dám dùng đề hồ để làm hại ta, quái gở thật, sở dĩ xin ta con bạch tượng chính là muốn làm phản.

Trong triều có một lực sĩ tên Ô, có thần túc nên có khả năng đi xa. Nhà vua liền ra lệnh nó đuổi theo để bắt Kỳ Vực về cho vua đích thân chém đầu. Không bao lâu thì Ô đã đuổi kịp, ông nói:

– Sao ngươi dám lấy đề hồ cho nhà vua uống mà nói là thuốc? Ngươi bảo ta đuổi theo để bắt ngươi trở về, ngươi mau theo ta về chiụ tội thì may ra còn mong sống sót, nếu muốn bỏ chạy nữa thì ta sẽ giết ngươi, rốt cuộc ngươi không thoát được đâu.

Kỳ Vực thầm nghĩ:

– Tuy ta dùng phương tiện để xin được con voi này nhưng vẫn không thoát khỏi. Bây giờ phải tìm cách để thoát thân.

Kỳ Vực nói với Ô:

– Từ sáng đến giờ tôi chưa ăn uống gì cả, về tới cung chắc sẽ chết đói, xin thư thả cho tôi chốc lát, ở trong núi này ăn trái cây uống nước no lòng rồi rồi chết, chứ không sợ trở thành ma đói, có được không?

Ô thấy Kỳ Vực nhỏ bé, lại sợ chết, có lời tha thiết cầu xin như thế nên khởi tâm thương xót mà chấp nhận cho:

– Ngươi hãy ăn mau đi, đừng chần chờ lâu nữa.

Kỳ Vực liền cầm một trái lê, ăn hết phân nửa rồi lấy thuốc độc bôi vào trong móng tay, lấy nửa trái lê còn lại để trên mặt đất, lại lấy ly nước uống trước phân nửa rồi dùng thuốc độc trong móng tay mình nhiễu vào trong nước và để trên đất, cất giọng than thở:

– Nước uống và Lê này đều là thuốc Trời cho, thơm trong lại ngọt, ăn uống đựơc loài thuốc này thì thân thể được an ổn, trăm bệnh đều khỏi, khí lực sung mãn. Đáng tiếc là nó không có trong thủ đô của quốc gia để cho trăm họ cùng nhau chung hưởng mà lại ở trong rừng núi khiến cho người ta không biết đến, chỉ có vào núi mới tìm thấy.

Tánh Ô tham ăn đồ ngọt, cầm lòng không đậu, lại nghe Kỳ Vực khen là thuốc thần và thấy Kỳ Vực đã ăn rồi, anh ta tin chắc là không có phương hại gì liền cầm lê ăn và uống nước còn lại. Trong chốc lát, anh ta bị tháo dạ, đi như nước rót, nằm lăn lộn trên đất, đứng lên thì choáng váng, không thể nào động đậy, Kỳ Vực đến xem và bảo:

– Nhà vua uống thuốc của ta thì sẽ hết bệnh ngay, nhưng hiện giờ chất thuốc chưa ngấm hết nên chất độc vẫn còn hoành hành. Nếu bây giờ trở về thì chắc chắn ông ta sẽ giết ta. Ngươi không biết gì cả, cẩn thận đừng cữ động, ba ngày sau ngươi sẽ khỏi thôi, nếu như ngươi còn đuổi theo ta thì ngươi sẽ mất mạng.

Nói xong, Kỳ Vực leo lên bạch tượng cưởi về. Khi ngang qua quán rượu Ngũ tường, Kỳ Vực mới nhắn:

– Sứ giả của nhà vua nay đột nhiên mắc bệnh, các ông hãy mau đến khiêng ông ta đem về nhà khéo chăm sóc, chăn nệm ấm áp, cháo lao đường hoàng, cẩn thận chớ để ông ta chết. Nếu ông ta chết thì nhà vua sẽ hỏi tội các ông.

Nói xong, Kỳ Vực trở về nước. Mọi người trong Ngũ Trường vâng lời chăm sóc, ba ngày thì chất độc tiêu tan, Ô vội quay về, thấy nhà vua y bèn dập đầu tạ tội:

– Thần quả thật ngu si, làm trái lệnh vua, tin lời Kỳ Vực, ăn uống nước dư của nó nên trúng phải độc dược, tháo dạ ba ngày, vừa mới khỏi bệnh, tự biết minh đáng phải tội chết.

Trong ba ngày, Ô trở về thì nhà vua đã lành bệnh, trong lòng hối hận đã sai Ô đi giết Kỳ Vực, thấy Ô trở về, lòng vừa vui mà lại vừa buồn, nói:

– Nhờ ngươi không mang đứa bé về, nếu không đang lúc ta giận dữ sẽ giết chết nó mất rồi. Ta nhờ ân của nó mà nay được sống sót, nay lại giết nó thì tội ác không thể lường được. Trước giờ biết bao nhiêu người bị ta giết oan, xin các vị mang an táng cho trộng hậu, lại ban cho gia quyến họ tiền của.

Nhớ đến Kỳ Vực, nhà vua muốn đền ơn, ông liền sai sứ giả đi đón Kỳ Vực. Biết vua đã lành bệnh nhưng lòng còn sợ hãi không muốn đến đó nữa.

Đức Phật bảo:

– Ngươi đời trước đã có nguyện lớn, muốn thành tựu công đức sao nay lại nữa chừng thoái lui. Nay hãy đến đó, ngươi đã trị bệnh thân cho ông ta, nay ta cũng sẽ trị bệnh tâm cho ông ta.

Kỳ Vực liền theo lời thỉnh mời của sứ giả ra đi. Đến nơi, nhà vua thấy Kỳ Vực thì vô cùng vui mừng, ông dẫn Kỳ Vực lên ngồi chung và nắm cánh tay cậu bé nói:

– Nhờ ân của nhân giả mà nay ta được sống, nay không biết phải đáp đền ân ấy như thế nào mới xứng. Ta sẽ đem giang sơn, và đem thể nữ hầu cận trong cung chia hai cho nhân giả.

Kỳ Vực thưa:

– Thần vốn là Thái Tử, dù là một nước nhỏ nhưng cũng có giang sơn, dân chúng, trân báu đầy đủ, nhưng vì không thích trị nước cho nên xin phụ vương thần cho đi làm thầy thuốc để du hoá trị bệnh cho mọi người. Vì thế, đất đai, cung nữ, châu báu đều là những thứ thần không dùng đến. Trước đây, bệ hạ có đồng ý cho thần năm điều nguyện nên bẹnh ngoài thân đã khỏi, giờ đây bệ hạ cho thần thêm một điều nguyện nữa thì bệnh tâm của bệ hạ sẽ trừ sạch.

Nhà vua nói:

– Trẫm sẽ nghe lời của nhân giả, xin nhân giả cứ nói.

– Xin bệ hạ hãy thỉnh Phật đến để được nghe pháp lành.

Kỳ Vực lại nói công đức của Phật cho vua nghe, nhà vua hết sức vui mừng nói:

– Giờ trẫm muốn sai quan Ô mang bạch tượng đi đón Ngài được không?

– Không nên dùng bạch tượng, Đức Phật tuy ở phương xa nhưng Ngài thấu rõ tâm tánh của mọi người, chỉ cần bệ hạ trai giới trong sạch, sắm sửa các thứ cúng dường, thắp hương đảnh lễ thỉnh Phật thì Ngài sẽ tự đến.

Vua làm theo lời của Kỳ Vực, hôm sau một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo được Phật dẫn đến hoàng cung của nhà vua. Sau khi thọ trai xong, Đức Phật giảng kinh cho vua và quần thần nghe, nhà vua tõ ngộ phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Toàn nước, trẻ già đều vâng giữ năm giới.

Nói đến Nại nữ, khi mới chào đời đã có những điều kỳ diệu, lớn lên thông minh, lại theo cha học hỏi, uyên bác các môn như thiên văn, chú thuật v.v… hơn cả cha. Bên cạnh đó, cô còn là một tay đàn nỗi tiếng, tiếng đàn gảy ra như là Trời Phạm thiên. Nại nữ thường dạy kinh thuật cho năm trăm đệ tử. thường khi dạo chơi ở hồ nước trong vườn, ở đó nàng thường gảy đàn. Người trong nước không hiểu nguyên nhân nên sanh lòng phỉ báng, liền cho Nại nữ là một người dâm nữ, cho năm trăm đệ tử của cô là đồng bọn người dâm đảng. Lúc Nại nữ chào đời, trong nước cũng có hai bé gái cùng sanh một lượt. Đó là Tu-man-nữ và Ba-đam-nữ.

Tu-nam-nữ sanh trong nhà quý tôc, thường nấu rượu và làm dầu mỡ thơm, nấu rượu một bên tảng đá dầu mỡ. Một hôm, tảng đá đó bổng nhiên mọc ra một khối u lớn bằng nắm tay và sau đó vỡ vụn ra và nhìn thấy trong phiến đá phát ra ánh sáng li ti như đom đóm bắn ra, ba ngày sau biến thành một đoá hoa xin đẹp, bên trong có một bé gái. Trong nhà liền mang về nuôi dưỡng, đặt tên là Tu-man nữ. Đến tuổi trưởng thành, cô rất thông minh, có tài trí chỉ thua Nại-nữ mà thôi.

Ba-đàm-nữ thì sanh ra trong nhà của một vị Phạm chí. Một hôm, ở trong hồ sen nhà Phạm chí này nở một đóa sen xanh, ngày càng lớn, bằng năm cái bình. Khi đoá hoa nỡ ra, Phạm chí nhìn thấy bên trong nhuỵ hoa có một bé gái, ông liền mang vào nuôi dưỡng, đặt tên là Bađàm-nữ. Đến khi trưởng thành, cô có trí thông minh như Tu-man-nữ. Các quốc vương nghe được tin hai nàng có nhan sắc tuyệt thế nên cùng kéo nhau đến xin cầu hôn.

Hai nàng nói:

– Tôi không phải sanh ra từ bào thai, mà lại ra đời trong hoa cỏ, không như người bình thường, làm sao thích nghi với người thế tục mà quý Ngài đến cầu hôn?

Các cô Nghe nói Nai-nữ thông minh, khắp thế gian không ai sánh kịp, lúc sanh ra cũng giống như mình.

Hai cô gái này từ biệt cha mẹ để đến xin làm của Nại-nữ. Trong hàng đệ tử của Nại nữ, hai cô là người thông minh uyên bác nhất. Khi Đức Phật đi du hoá đến thành Tỳ-xá-ly, Nại-nữ liền dẫn toàn bộ hàng đệ tử của mình ra thành để nghinh tiếp, đảnh lễ Đức Thế tôn. Họ thưa:

– Chúng con kính thỉnh Phật cùng tăng đoàn, ngày mai quang lâm đến khu vườn nơi chúng con cư trú để thọ trai.

Đức Phật im lặng nhận lời.

Bấy giờ, nhà vua ra cũng ra tiếp đón Đức Phật và cũng thỉnh Phật ngày mai vào cung thọ thực, thế nhưng Đức Phật từ chối vì đã nhận lời của Nại-nữ. Nhà vua nói:

– Nay tôi là chủ của đất nước, thành tâm thỉnh Phật, mong Ngài xót thương hứa khả. Nại nữ kia chỉ là dâm nữ, ngày ngày cùng các đệ tử làm những việc không quy tắc, sao Ngài bỏ tôi mà đi nhận lời thỉnh của cô ta?

Phật bảo:

– Cô gái này không phải là dâm nữ, đời trước cô có phước đức rất lớn, đã cúng dường ba ức Đức Phật. Nại-nữ xưa đã từng làm chị em với Tu-man và Ba-đàm. Nại nữ lớn nhất, kế đó là Tu-man, Ba-đàm là người em nhỏ, họ đều sanh vào nhà giàu có, tiền của dư dả, họ thường cùng nhau kết làm sư tư và cúng dường cho năm trăm Tỳ-kheo-ni những phẩm vật như thức ăn nước uống, y phục, tuỳ theo chỗ thiếu thốn mà họ cung cấp đến trọn đời. Ba người cùng phát lời thề: “xin cho con đời sau được gặp Phật, tự nhiên hoá sanh chứ không sanh ra bằng bào thai nhơ uế. Nay họ sanh ra như ý nguyện, lại gặp đựơc ta. Xưa vì cúng dường năm trăm Tỳ-kheo-ni nên được sanh ra trong nhà giàu có, nhưng lời nói của họ kiêu ngạo buông lung, có lúc đùa giỡn với Tỳ-kheo-ni và nói rằng:

– Các đạo nhân ôm ấp lâu ngày chắc sẽ cưới nhau, bắt buộc ta cúng dường thì không được tư tình, vì vậy mà hôm nay phải thọ dư báo. Tuy giảng kinh đạo nhưng lại bị người vu báng là dâm nữ, còn năm trăm đệ tử của nàng ta, xưa cùng nhau đồng tâm hiệp lực, nay sanh ra đời lại theo nhau. Bấy giờ Kỳ-vực là con của nhà nghèo, thấy Nại-nữ cúng dường thì lòng rất mến mộ và yêu thích nhưng lại không có tiền của, chàng bèn đến quét dọn Tinh xá cho các Tỳ-kheo-ni. Chàng thầm nguyện:

– Nguyện cho tôi có thể chữa lành bệnh cho mọi người.

Nại-nữ thương cậu quá nghèo, lại vui vẽ siêng năng nên thường gọi là con. Những vị Tỳ-kheo-ni khi gặp bệnh hoạn đều bảo Kỳ-Vực đón thầy và điều chế thuốc thang. Các vị thường nói:

– Nguyện cho ngươi cùng ta đời sau cùng nhau hưỡng phước.

Những người được Kỳ-vực đón thầy đến trị bệnh đều lành hẳn. Kỳ-Vực thấy thế liền phát nguyện:

– Xin cho con đời sau được làm bậc đại y vương, trị bệnh thân cho loài người.

Nhà vua nghe Đức Thế tôn nói như thế nên ông hổ thẹn và xin sám hối dời lại ngày sau. Sáng hôm sau, Đức Phật cùng tăng đoàn đến khu vườn của Nại-nữ, Ngài nói rõ về công đức bổn nguyện của họ. Ba cô gái nghe xong liền tỏ ngộ, năm trăm đệ tử cũng chứng quả A-lahán.

(Trích kinh Nại-nữ)