KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 47

 

1. SƯ TỬ

1.1. SƯ TỬ CHÚA BẢO VỆ KHỈ

Vào thời quá khứ, có một con sư tử chúa ở trong hang núi sâu, thường suy nghĩ rằng:

– Ta là chúa của tất cả loài thú, có năng lực bảo hộ cho chúng.

Trong núi có hai con khỉ, sanh hai con khỉ con. Một hôm, hai chú khỉ hỏi sư tử chúa:

– Ngài có thể bảo vệ cho tất cả loài thú, giờ tôi gửi hai đứa con tôi cho Ngài để đi nơi khác kiếm ăn.

Sư tử chúa liền nhận lời, khỉ mang hai con của mình đến gửi sư tử rồi ra đi. Bấy giờ trong núi có một con chim thứu chúa, tên là Lợi Kiếm, nhân lúc Sư tử ngủ quên, nó bay đến bắt hai con khỉ con đem đến nơi vắng. Sư tử thức dậy liền bảo chim Thứu:

Tôi nay cố xin
Hãy thả chúng ra
Chớ khiến thất tín
Khiến tôi Hổ thẹn.
Thứu chúa đáp:
Tôi bay trên không trung
Sợ gì cõi của Ngài
Như muốn tôi trả khỉ
Khác nào lấy mạng tôi.

Sư tử nói:

Tôi nay giữ hai khỉ
Xả thân là chuyện nhỏ
Nếu tôi dối gạt anh
Sao xứng với trượng phu.

Nói xong, sư tử liền leo lên chỗ cao muốn kết liễu đời mình, thấy thế chim thứu liền cản:

Vì nó bỏ thân mạng
Được niềm vui Vô thượng
Nay tôi trả khỉ lại
Xin Ngài chớ huỷ mình.

(Trích kinh Đại Tập quyển 3)

1.2. MƯỜI MỘT VIỆC CỦA SƯ TỬ

Ngày xưa có một con sư tử chúa sống trong hang núi sâu, cằm vuông, xương to, thân béo, đầu to mắt lớn, mày dài lại rộng, miệng rộng mũi to, răng đều và nhọn, lưỡi đỏ hồng, hai tai cao vểnh lên, xương sống dài, bụng thon, sáu răng nanh dài, đuôi và bờm óng mượt, tự biết đầy đủ sức khoẻ, răng móng bén nhọn, bốn chân vững chải, ở yên trong hang núi sâu, vẫy đuôi gầm rống.

Nếu sư tử đủ các tướng như trên thì nên biết đó chính là Sư tử chúa, buổi sớm nó ra khỏi hang để hít thở không khí, nhìn quanh bốn phía, phát ra tiếng gầm chấn động. Đây là mười một việc:

  1. Thật chẳng phải sư tử mà dối mạo sư tử, là mất uy danh của sư tử giả.
  2. Tự biết sức lực của mình
  3. Luôn ở nơi vắng vẻ
  4. Khiến con biết chỗ
  5. Đối với quần thú không có tâm sợ sệt
  6. Đánh thức người mê ngủ
  7. Các loài thú không dám phóng dật
  8. Các loài thú được nương nhờ
  9. Điều phục được đại hương tượng
  10. Nhắc nhở các con nghỉ ngơi
  11. Trang nghiêm quyến thuộc.

Thông thường nghe tiếng rống của sư tử, cá lặn xuống nước đầm sâu, thú ở trên đất bằng thì ẩn vào trong hang sâu, chim đang bay trên cao thì liền rớt xuống đất, hương tựơng trong chuồng bứt dây xiềng, sợ hãi bỏ chạy. Giống như Giả-can, học đòi sư tử mấy ngàn năm nhưng hoàn toàn không học được tiếng rống của nó. Như sư tử mới được ba tuổi thì nó có thể rống được. Trong con đường nhỏ ở núi Hương có sư tử sinh sống, ở đây những loài chim bay thú chạy đều vắng bóng. Tất cả các loài súc sanh, sư tử là trên hết.

(Trích kinh Niết-bàn quyển 2 và luận Đại Trí Độ)

1.3. KẺ VONG ÂN

Đức Phật bảo Tôn giả Mục-kiền-liên, Bồ-tát Dũng Trí vào thời Phật Định Quang Minh có sư tử chúa, lúc ấy ta làm vị Phạm chí trong thời gia tu tập phạm hạnh. Sư tử chúa sáng sớm đứng chầm lên trong tư thế bất động, thân thể hăng hái, gầm lên vang dội, khiến thú mọp mình, chim đang bay ruổi cánh xuống đất. Sau đó, nó trở lại tư thế bình thường, đi vào trong khu vực đồng trống núi sâu để tìm các loài thú. Gặp một con voi chúa, sư tử liền giết để ăn thịt, nhưng lại bị mắc xương, chết đi sống lại. Lúc đó sư tử bảo chim sẻ:

– Ngươi gỡ xương giúp ta, sau này ta sẽ báo ơn ngươi.

Chim sẻ nghe lời, bay vào miệng sư tử nhổ hết xương rồi mới bay ra. Hôm sau sư tử chúa này lại đi tìm thức ăn, nó giết nhiều thú rừng. Chim sẻ đi bên cạnh sư tử để mong được báo ân, thế nhưng sư tử không thèm xỉa đến.

Đức Phật bảo Mục-kiền-liên:

Lúc bấy giờ, sư tử dùng kệ nói với chim sẻ:

Ta là sư tử chúa
Giết cầm thú là nghề
Ăn thịt uống máu tươi
Xem đó là chuyện thường
Ngươi đã không tự lượng
Khó thoát khỏi răng ta
Nay ra khỏi miệng ta
Ân ấy khó thể quên.

Chim sẻ đáp:

Tuy tôi loài chim sẻ
Nhớ ân không ngại chết
Chúa sơn lâm quên ân
Tự trái với lời thề sâu
Nếu mở lòng một chút
Nhiều người được nhờ ân
Bỏ mạng không hề tiếc
Đâu dám có lời chê.

Thế nhưng, sư tử chúa hoàn toàn không chịu đền ân, hắn ra đi bỏ chim sẻ ở lại. Chim sẻ thầm nghĩ:

– Ân cứu mạng ta đã ban cho hắn rất lớn, thế mà hắn lại xem thường, giờ ta đuổi theo hắn chờ cơ hội. Người không biết báo ân thì không thể sống giữa đời được, hắn ở đâu ta cũng theo sát nó.

Sư tử lại tiếp tục giết các loài thú, tha hồ ăn thịt, ăn no lại nằm ngủ, không lo sợ gì cả. Bấy giờ chim sẻ Âm thầm bay đến chỗ sư tử, đậu trên trán rồi hết sức dùng mỏm mỗ vào mắt. Sư tử đau quá kinh hoảng vùng dậy, nhìn quanh nhưng không có con vật nào, chỉ thấy chim sẻ đang đậu trên cành cây. Nó hỏi chim sẻ:

– Hôm nay sao ngươi dám mỗ mắt ta?

Chim sẻ dùng kệ đáp:

Ân nặng không chịu đáp
Ta mới sanh tâm hại
Nay chừa lại một mắt
An này sao dám quên
Tuy ngươi chúa muôn loài
Việc làm vô liêm sĩ
Từ nay hãy dừng lại
Chớ tạo thêm oán kết.

Sư tử chúa lúc bấy giờ nay chính là Bồ-tát Dũng Trí, chim sẻ nay là Mục-kiền-liên.

(Trích kinh Bồ-tát Anh Lạc quyển 9)

1.4. NHỜ TỲ-KHEO ĐƯỢC THOÁT KIẾP SƯ TỬ

Ngày xưa, ở trong vùng núi sâu nọ có hai vị Tỳ-kheo cùng chung tu tập và gần chứng được thần thông. Cách chỗ của hai vị Tỳ-kheo này không xa, có một con sư tử mẹ sanh được hai sư tử con, nuôi dưỡng đã khá lớn. Một hôm, sư tử mẹ muốn đi tìm thức ăn mới lạ cho con nên chúng gửi cho hai Tỳ-kheo rồi sang những hang gần bên kiếm mồi. Có khi sư tử mẹ năm ngày mới trở về thăm con một lần, thấy chúng gần gũi với hai Tỳ-kheo nên yên tâm rồi lại ra đi nữa. Lần đi này sư tử mẹ đi lâu về, hai vị Tỳ-kheo đi nơi khác, hai sư tử con gặp phải thợ săn, gã thợ săn muốn bắt chúng nên cả hai bỏ chạy vào rừng. Thợ săn suy nghĩ:

– Loài thú này rất thân cận với Tỳ-kheo, nay ta sẽ cải trang thành Tỳ-kheo, như vậy mới bắt được chúng.

Trong hang sâu có để lại một pháp y Ca-sa, thợ săn lấy mặc vào rồi đến chỗ sư tử con. Khi gặp thợ săn, Chúng cho là Tỳ-kheo thật nên vui vẻ đi theo. Lúc ấy người thợ săn liền bắn chết hai chú sư tử con, rồi lột lấy da làm áo đem bán cho người khác. Tỳ-kheo trở về không thấy sư tử đâu vội đi tìm khắp nhưng tìm cũng không ra. Bấy giờ Ngài nhập định thiền quán nên biết được hai sư tử con bị bọn thợ săn bắt giết. Tỳkheo liền dùng thần thông đuổi theo thợ săn đoạt lấy tấm da lại để làm mền ngồi và thường sờ vào để chú nguyện cho sư tử được giải thoát kiếp súc sanh. Chú nguyện không bao lâu, một hôm Ngài nhập định, quán sát biết sư tử con đang sanh về đâu và sẽ làm hai đứa con sanh đôi trong một nhà trưởng giả ở thủ đô của nước. Khi mới nhập thai, người mẹ không biết. Tỳ-kheo đến hỏi:

– Nay trưởng giả còn thiếu điều gì?

– Nhà tôi giàu có nhưng lại chưa có con trai. Trưởng giả đáp.

– Tôi có thể giúp ông.

– Như thế thì phúc đức cho nhà tôi. Trưởng giả vô cùng vui mừng nói.

– Nếu chắc chắn là con trai thì ông sẽ lấy gì đền ân?

– Được như thế thì con sẽ cho nó làm đệ tử của Ngài.

Tỳ-kheo chú nguyện rồi ra đi, từ đó người vợ của trưởng giả cảm thấy mình đang mang thai. Không lâu, bà sanh ra hai cậu con trai, dáng mạo giống nhau y đúc. Năm hai cậu bé lên tám, Tỳ-kheo lại đến nhà, vì có túc duyên nên khi gặp Ngài, hai cậu đã tỏ lòng kính mến Ngài.

Tỳ-kheo nói với trưởng giả:

– Ông còn nhớ lời hẹn xưa không?

Vì lời thề trước kia, bất đắc dĩ ông cho hai đứa con mình làm đệ tử của Ngài. Tỳ-kheo dẫn về và cho xuất gia làm Sa di. Hai chú tinh tấn tu tập, không bao lâu thì cả hai đều chứng đạo. Hai chú này thường ngồi thiền trên tấm da sư tử, nên khi chứng đạo họ liền biết đó là tấm da của mình ngày trước. Hai vị Sa di này lần lượt quán sát rồi cùng đến trước thầy đảnh lễ, tỏ lòng biết ơn:

– Chúng con được như ngày hôm nay thật sự là nhờ vào ân đức lớn lao của thầy.

(Trích kinh Thí Dụ quyển )

1.5. SƯ TỬ CHÚA GẶP NẠN ĐƯỢC DÃ CAN CỨU

Vào thời quá khứ, dưới chân núi Tuyết sơn có một con sư tử chúa lãnh đạo năm trăm sư tử cùng nhau sinh sống. Thời gian sau, sư tử chúa già bệnh, thân hình gầy ốm, mắt loà tai điếc. Một hôm sư tử chúa dẫn đầu đoàn sư tử, không hay rơi vào trong giếng cạn, năm trăm sư tử kia thấy vậy đều bỏ đi. Bấy giờ có con Dã can thấy sư tử rớt trong đáy giếng, nó thầm nghĩ:

– Sở dĩ ta ở trong khu rừng này được yên ổn, ăn uống no đủ đều nhờ vào sư tử chúa. Nay sư tử chúa rơi vào sự nguy hiểm như thế, ta phải làm sao cứu lên để báo ân?

Bấy giờ, bên cạnh giếng có dòng nước chảy, Dã can nghĩ:

– Ta nên dùng chân để đào thông nguồn nước, khi nước đầy sư tử chúa sẽ nổi lên.

Thấy vậy, vị thần rừng nói kệ:

Tuy thân mình dũng mãnh
Nhưng nên kết bạn yếu
Dã can nhỏ cứu cho
Sư tử thoát nạn giếng.

Phật bảo, sư tử chúa xưa nay là ta, năm trăm sư tử kia nay chính là năm trăm Tỳ-kheo, Dã can kia nay chính là ông A-nan. (Trích luật Thập Tụng quyển 1)

1.6. TỘI BÁO CỦA LỜI NÓI ĐÂM THỌC

Vào thời quá khứ, dưới chân núi Tuyết sơn có đôi bạn thú kết làm tri thức, cùng nhau sanh sống, một con tên Hảo Mao sư tử, con kia tên là Hảo Nha Hổ. Hai chú rất thương yêu nhau, thường nhắm mắt liếm lông cho nhau, cả hai đều thích ăn món thịt mềm ngon. Cách đó không xa có một con Dã can chuyên môn đâm thọc, nó suy nghĩ:

– Ta sẽ đến bên cạnh đôi bạn thân này nói: ta sẽ là người bạn thân thứ ba của hai anh. Và nó xin hai thú cho kết bạn.

Đôi bạn kia nói:

– Được thôi!

Dã can này thường hay nói lời gây ra sự chia rẽ, nó ăn phần thịt vụn của hai thú này nên thân thể càng ngày càng béo phì ra, nó nghĩ:

– Hảo Sư Tử và Hảo Nha Hổ này kết bạn thiện tri thức với nhau, lại thương yêu nhau, chúng thường ăn thứ thịt ngon, có khi không kiếm được thức ăn chắc chắn chúng sẽ ăn thịt của ta, nay ta nên tìm cách làm cho chúng chia tay nhau.

Thế rồi nó bảo sư tử:

– Hổ sanh tâm xấu đối với Ngài đấy, nó nói, sở dĩ có những thứ thịt ngon để ăn là nhờ vào sức của nó.

– Làm sao ngươi biết được? Sư tử hỏi.

Dã can đáp:

– Sáng mai gặp Hổ, khi nó nhắm mắt liếm lông Ngài thì Ngài sẽ nhận ra tướng xấu của nó.

Nói với Sư tử xong nó lại đến nói với Hổ:

– Sư tử nay có tâm xấu với Ngài đấy! Hắn ta nói có thịt ngon để ăn toàn là nhờ vào sức của nó.

Làm sao ngươi biết được điều đó? Hổ hỏi.

– Sáng mai, lúc Ngài gặp sư tử, khi nó nhắm mắt liếm lông của Ngài thì Ngài sẽ nhận ra tướng xấu của nó. Dã can nói.

Hai người bạn tri thức này, Hổ là người sợ tình bạn mất đi sự tín nhiệm của nhau, cho nên trước tiên nó đến tìm sư tử để hỏi cho ra lẽ:

– Có phải anh sanh lòng ác với tôi không?

– Ai nói với bạn vậy? Sư tử hỏi.

– Là Dã can nói với tôi.

Sư tử hỏi:

– Có phải anh cũng sanh lòng ác đối với tôi không?

– Không có.

Hổ nói tiếp:

– Nếu như anh có lời nói ác như vậy thì thôi chúng ta chớ kết bạn tri thức với nhau nữa.

Sư tử nói:

– Con Dã can hai lưỡi đó nói với tôi như thế, tại sao anh không thích chung sống với tôi? Liền nói kệ:

Nếu tin lời người xấu
Sớm sẽ chia tay nhau
Thêm mang lòng sầu khổ
Sân hận mãi không thôi
Không tin bạn xấu ác
Tin nó thời chia rẻ
Sẽ thành món họ ăn
Không tin kẻ đâm thọc
Lại cùng nhau hoà hợp
Nỗi niềm cùng tỏ phân
Tâm tịnh lời nhu nhuyến
Nên làm bạn tri thức
Hoà hợp như nước sữa
Nay loài sâu bọ kia
Sanh ra tánh vốn xấu
Một đầu mà hai lưỡi.

Hổ và Sư tử cùng nhau vở lẽ rồi bắt Dã can xé thành hai mảnh.

(Trích phần 3 của bài tụng thứ 2 luật Thập Tụng và phần 9 của bài tụng thứ 3 luật Di Sa Tắc và kinh Dã can lưỡng thiệt cũng giống như vậy)

1.7. MƯỜI HAI CON GIÁP

Ngoài cõi Diêm-phù-đề, trong vùng biển phía đông có ngọn núi Lưu ly gọi là Triều, chiều cao khoảng hai mươi do tuần, ở đó có rất nhiều các thứ báu lạ. Trong ngọn núi có hang sâu gọi là chủng chủng sắc. Nơi đây, cũng là nơi ngày xưa Bồ tát đã từng tu khổ hạnh. Bề ngang của hang khoảng một do tuần, cao sáu do tuần, trong hang có một con rắn độc, tu tập hạnh từ của Thánh văn.

Lại có một cái hang khác tên la Vô tử, chiều cao bề rộng đều giống như hang trước. Hang này cũng là nơi ngày xưa Bồ tát từng tu tập khổ hạnh. Trong hang lại có một con ngựa cũng tu hạnh từ của Thánh văn.

Lại có một hang khác tên là Thiện Trụ, cao rộng cũng như hai hang trước. Ngày xưa Bồ-tát cũng từng tu khổ hạnh ở đó, trong hang lại có một con Dê cũng tu hạnh từ của Thánh văn.

Trên núi có vị thần cây tên là Vô Thắng, một La-sát nữ tên Thiện Hạnh, mỗi người có năm trăm quyến thụôc thường vây quanh. Hai người nữ này thường cung cấp thức ăn cho ba con thú này.

Trong vùng biển phía nam ngoài cõi Diêm-phù-đề có một ngọn núi Pha lê cao hai mươi do tuần. Trong núi có hang tên là Thượng sắc, chiều dài chiều rộng cũng như các hang được nói ở trên, nơi đây cũng là nơi ngày xưa Bồ-tát từng tu khổ hạnh. Trong hang có một con khỉ tu tập hạnh từ của Thánh văn.

Lại có một hang tên là Thệ nguyện, chiều cao rộng cũng như thế, cũng là nơi ngày xưa Bồ-tát từng tu tập khổ hạnh. Trong hang này có một con gà tu hạnh từ của Thánh văn.

Lại có một hang tên là Pháp lâm, bề cao rộng cũng như thế, cũng là nơi ngày xưa Bồ-tát tu tập, có một con chó tu hạnh từ của Thánh văn. Trong núi có một vị thần lửa và một La sát nữ tên là Nhãn kiến, mỗi người có năm trăm quyến thuộc vây quanh. Hai người nữ thường cung cấp thức ăn cho ba con chim thú này.

Trong vùng biển phía tây ngoài cõi Diêm-phù-đề lại có ngọn núi bạc, tên là Bồ-đề nguyệt, cao hai mươi do tuần, cao rộng cũng như thế. Trong núi có hang tên Kim cương, cũng là nơi ngày xưa Bồ tát tu tập, ở đó có một con heo tu hạnh từ của Thánh văn.

Lại có một hang tên là Hương công đức, cao rộng cũng hhư thế, cũng là nơi ngày xưa Bồ tát tu, ở đây có một con chuột tu hạnh từ của Thánh văn.

Lại có một cái hang tên là Cao công đức, chiều cao rộng cũng như thế. Đây là nơi ngày xưa Bồ tát tu tập, trong hang có một con Trâu tu hạnh từ của Thánh văn. Trên ngọn núi có vị thần gió tên là Động phong và nữ La sát tên là Vô hộ, mỗi người đều có năm trăm quyến thuộc, thường có hai ngươi nữ cung cấp thức ăn cho ba con thú đó.

Trong vùng biển phía bắc ngoài cõi Diêm-phù-đề có ngọn núi vàng tên là Công đức tướng, cao hai mươi do tuần, bên trong có hang tên là Minh tinh, rộng một do tuần, cao sáu do tuần. Cũng là nơi ngày xưa Bồ tát tu tập, trong hang có con một con sư tử tu tập hạnh từ của Thánh văn.

Lại có một hang ttên là Tinh đạo, cao rộng cũng như thế, cũng là nơi ngày xưa Bồ tát tu tập, trong hang có một con Thỏ tu tập theo hạnh từ của Thánh văn. Trên núi có thần nước tên là Thuỷ tiên, một nữ La sát tên là Tu Tàm quý, mỗi người có năm trăm quyến thuộc. Hai cô gái này thường cung cấp thức ăn cho ba con thú đó.

Mười hai con thú này thường đi trong cõi Diêm-phù-đề, được người Trời cung kính. Công đức của chúng đã thành tựu, ở nơi chư Phật đã phát nguyện sâu rộng. Một ngày một đêm thường cho một con thú đi giáo hoá, mười một con còn lại an trụ trong hạnh từ bi, cứ như thế giáp vòng rồi lại bắt đầu từ chuột. Chúng đem Thánh văn thừa để giáo hoá tất cả chúng sanh mang thân chuột, khiến cho họ lìa được nghiệp ác, chuyên tu thiện hạnh. Như thế lần lượt đến mười ba ngày lại đến phiên chuột. Cho đến mười hai tháng, mười hai năm cũng như thế. Do cõi này có nhiều công đức nên đến cả súc sanh cũng có thể giáo hoá. Thế nên Bồ-tát ở phương khác thường cung kính thế giới của chư Phật ở đây. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di muốn nhìn thấy mười hai con thú này, muốn được đại trí đại định, đại thần thông lực, muốn thọ học tất cả kinh điển đã có, muốn được tăng trưởng pháp lành, người này nên lấy đất trắng làm núi, chiều ngang rộng bảy thước, cao mười hai thước, nhiều loài hương thơm, bôi lên lớp vàng mỏng, bốn bên lát vàng giáp vòng hai mươi thước. Rải hoa Chiêm bà, lấy đồ bằng đồng đựng, các loại nước phi thời đặt ở bốn phía. Thanh tịnh trì giới, ngày tắm gội ba lần, kính tin Tam bảo. Đứng ở hướng chánh đông cách núi ba trương, tụng chú suốt mười lăm ngày, khi thấy trăng non trên đỉnh núi thì sẽ thấy được mười hai con thú. Thấy xong, bao nhiêu sở nguyện đều được như ý. Nếu có thể tu hành khổ hạnh thì liền chứng quả, mắt sẽ nhìn thấy mười hai con thú này và chư vị Bồ-tát. Hoặc hiện làm thân Trời, hoặc làm thân quỷ, tượng chim thú dạo cõi Diêm-phù-đề giáo háo các loài chúng sanh như thế. Nếu làm người Trời thì điều phục chúng sanh, đó chẳng phải là khó. Nếu làm thân súc sanh mà điều phục chúng sanh mới khó.

(Trích kinh Đại Tập quyển 24)

2. VOI:

2.1. VOI CHÚA CÚNG DƯỜNG PHẬT

Một hôm, Đức Phật muốn yên tĩnh cho nên Ngài đi dạo một mình đến khu rừng Đa-lợi-la-da-bà-la, thuộc nước Kiều-tất-la, ngồi dưới gốc cây báu. Ở đó có đoàn voi năm trăm con, voi chúa thường đi phía sau, nó luôn uống nước đục và cỏ héo, vì chán theo cai quản đoàn voi nên một mình đứng dưới gốc cây. Xa xa nhìn thấy Đức Phật đang ngồi, nó dùng vòi nhổ cỏ và san đất bằng phẳng, rồi đi múc nước rưới lên cho khỏi bụi, trải cỏ làm toà và đến quỳ gối thỉnh Phật lên ngồi. Phát tâm cúng dường ba tháng như thế, Đức Phật biết ý của voi chúa nên Ngài nhận lời thỉnh cầu và nói nói kệ:

Một mình không lo lắng
Như voi giữa đồng không
Vui học theo hạnh giới
Cần chi đến bạn bè.

Bấy giờ voi chúa lấy gốc ngó sen tươi ngon, rửa sạch rồi đem dâng cho Đức Thế tôn. Voi cúng dường như thế ba tháng

(Trích luật Tăng kỳ quyển 11)

2.2. VOI CHÚA THIỆN TRỤ LÀM CHUYỂN LUÂN VƯƠNG

Xưa có voi chúa tên Thiện Trụ, thân hình trắng đẹp, bảy tướng đầy đặn, sức mạnh phi thường, đầu đỏ, long trên thân đủ màu, sáu ngà nhỏ nhắn, thường làm quyến thuộc với tám ngàn voi chúa ở dưới cây Sa-la thuộc núi Hương sơn.

Nơi cây Sa-la chúa này có tám ngàn ao hồ, chiều ngang rộng sáu mươi do tuần, nước trong ao thật trong mát, thành ao làm bằng bảy báu, trong ao có đủ các loài hoa năm màu. Voi chúa vừa muốn vào tắm thì lập tức có tám ngàn con voi khác cùng nhau đến. Có con cầm dù lọng, có con thì hát ca đi trước dẫn đường, hoặc có con xuống tắm rửa đuôi lưng, chân tay cho voi chúa, có con thì nhổ rể hoa dâng cho voi chúa ăn, có con thì hái hoa rải lên voi chúa. tám ngàn voi cũng cùng nhau tắm rửa vui chơi với voi chúa. Các Dạ-xoa thấy thế đều dời ra ở ngoài bìa rừng (trong luật Thập Tụng ghi: trong ao A-nậu có cung điện của voi chúa. Kinh Tăng Nhất A-hàm ghi: cạnh núi Hương Tích có tám mươi bốn ngàn voi trắng). Thích Đề Hoàn Nhân cởi voi nhỏ nhất. Chuyển luân Thánh vương cởi voi Tượng Bảo. Trong núi Kim bích có tám vạn hang núi, tám vạn con voi cùng ở, toàn thân trắng mượt, đầu có nhiều màu, miệng có ngà to, giữa răng có khảm vàng.

(Trích kinh Trường A-hàm quyển 18, Tăng Nhất A-hàm, kinh Lâu Thán)

2.3. VOI CON MẤT MẸ ĐƯỢC TIÊN NHÂN NUÔI DƯỠNG

Ngày xưa, có một con voi ở nơi vắng vẻ, sinh một chú voi con, không bao lâu voi mẹ qua đời. Cách đó không bao xa có vị Tiên nhân đang cư trú, vị Tiên nhân này có oai lực, đầy đủ công đức, lòng từ bao la. Từ xa, ông nhìn thấy voi con, mẹ mất từ khi mới biết đi, xum quanh quạnh vắng, không thể tự sống, ông liền đến đem voi con về chỗ mình, lấy nước và trái cây để nuôi dưỡng.

Voi con được sống trong sự nhân ái hiền thiện của Tiên nhân, công đức cao vời, vui nơi đạo lý nên nó được an ổn không còn lo sợ điều gì.

Sống chung với Tiên nhân, voi con dần dần trưởng thành, bộ áo lông rất mượt. Nó thường đi lấy nước và hái trái cây về dâng cho Tiên nhân rồi sau đó mới ăn. Tiên nhân thấy nó có đức hạnh nên yêu mến như con, chăm sóc nuôi nấng không biết chán.

Bấy giờ Trời Đế thích thầm nghĩ:

-Nay vị Tiên nhân này thương voi con như thế, ta há có thể làm chia lìa tình thương của họ khiến cho họ phải buồn bã.

Đế thích liền hoá hiện để thử lòng của vị Tiên nhân. Ông biến hoá

làm cho voi con tự nhiên lăn ra chết, máu chảy lênh láng. Tiên nhân thấy voi con chết, đau xót rơi lệ. Những vị Tiên nhân khác nghe tin liền đến an ủi khuyên lơn nhưng Tiên nhân không thể nào quên được nỗi buồn.

Bấy giờ Thiên Đế thích đứng trên không trung nói kệ an ủi Tiên nhân và biến hoá cho voi con sống lại, Tiên nhân hết sức vui mừng.

Đức Phật kết luận:

(Vị Tiên nhân là Hoà thượng, voi con là đệ tử, Thiên Đế thích thuở ấy chính là ta)

2.4. VOI KẾT BẠN VỚI KHỈ VÀ CHIM

Vào thời quá khứ, trong khu rừng Ni-câu-luật, có ba con thú là voi, khỉ và chim (luật Tăng Kỳ quyển 27 ghi là chim Điên-đà-điểu) cùng kết bạn và chung sống với nhau. Chúng bảo nhau:

– Chúng ta cùng sống trong khu rừng này thì phải nên cung kính lẫn nhau.

Khỉ và Đà-điểu hỏi voi:

– Anh còn nhớ việc xa xưa không?

– Tôi nhớ lúc còn nhỏ, hàng cây này chỉ cao tới bụng của tôi mà thôi. voi đáp.

Voi và chim cùng hỏi khỉ như thế, khỉ đáp:

– Lúc tôi còn nhỏ cây này đưa tay lên là tới đầu ngọn của nó (luật Tăng Kỳ ghi: phun nước giải lên tới cây).

Voi bảo khỉ:

– Vậy anh lớn tuổi hơn tôi.

Voi và khỉ cũng hỏi chim Đà-điểu, đáp:

– Tôi nhớ phía bên phải núi tuyết sơn có cây Ni-câu-luật to lớn, tôi ăn quả của nó và đến nhỗ hạt ở đây, bây giờ mọc lên và lớn như thế đó.

Cả hai con cùng bảo là chim lớn tuổi nhất. Voi liền đặt khỉ lên đầu mình, khỉ cho chim đậu trên vai, cả ba cùng dạo chơi trong nhân gian. Từ thôn này sang thôn khác, từ ấp này đến ấp kia, chúng thường nói kệ:

Nếu người hay nhớ pháp
Hãy kính các trưởng lão
Hiện đời được tiếng khen
Tương lai sanh cõi lành.

Nghe chim nói pháp như thế, mọi người cùng nhau lưu truyền khắp nơi.

Phật dạy: Các vị xuất gia trong giáo pháp của ta càng phải yêu kính nhau, được như thế giáo pháp của ta mới lưu truyền mãi mãi. Từ nay trở đi, nên tuỳ theo lớn nhỏ mà cung kính lễ bái, chào hỏi đón tiếp lẫn nhau.

(Trích luật Tứ Phần quyển 3, Bảy pháp của luật Thâp Tụng quyển 6)

3. NGỰA

3.1 NGỰA CHÚA BÀ LA HÊ LÀM CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG

Ngựa chúa tên Bà-la-hê, cung điện ở núi Minh Nguyệt, trong vùng biển cả có tám ngàn con ngựa làm quyến thuộc. Nếu Chuyển luân Thánh vương xuất thế, chọn con nhỏ nhất làm ngựa báu cho vua cưỡi.

(Trích kinh Tăng Nhất A-hàm)

4. TRÂU

4.1. TRÂU GẶP PHẬT CHỨNG ĐẠO

Có người dân từ phương xa đến, dắt theo một con trâu lớn, mập mạp, có sức khoẻ phi thường, bán cho người ở thành Xá-vệ. Bấy giờ người mua muốn đem làm thịt. Ông ta dắt trâu vào trong cửa thành thì gặp Đức Phật. Trâu từ xa trông thất Đức Phật, trong lòng xen lẫn buồn vui, nó liền bứt dây xiềng rồi bỏ chạy, nguời chủ không thể ngăn được.

Trâu chạy thẳng đến trước mặt Đức Phật rồi quỳ mọp hai chân trước xuống, miệng rống lên những tiếng cầu cứu, nước mắt tuôn ra, nói:

– Đại Thánh khó gặp, vạn kiếp mới thấy, xin Ngài thương xót cứu giúp con.

Phật nói:

– Được rồi, ta sẽ cứu ngươi.

Ngài kể:

– Vào kiếp lâu xa có Chuyển luân Thánh vương, hàng ngàn thứ bảy báu khắp trong thiên hạ đều của vua, vua dùng chánh pháp trị quốc an dân. Bốn đức của vua rộng lớn, xem dân như con, dân kính như cha. Hàng Sa-môn, Phạm chí, trưởng giả, dân chúng không bao giờ mang bệnh tật. Khắp bốn cõi ca ngợi đức của nhà vua vang khắp cả mười phương. Một hôm, vua đi tuần hành khắp thiên hạ, khi trở về cung thì gặp một người thân đang bị chủ nợ bắt trói vào thân cây lớn và đòi năm mươi lượng vàng. Thị tùng của vua thấy thế lấy làm lạ bèn dừng lại hỏi nguyên do. Ông nói:

– Ngươi cởi trói cho hắn ta sẽ trả cho một trăm lượng vàng.

Chủ nợ liền cởi trói cho người ấy về nhà, người này thường đến cửa cung để xin vàng nhưng không được, còn người chủ nợ kia không biết bỏ trốn đi đâu. Thế rồi trôi lăn trong sanh tử trải qua vô số kiếp cho đến ngày nay, sanh trong loài trâu, chủ nợ đem bán mấy chục lượng vàng. Bấy giờ Chuyển luân vương nay chính là ta, người chủ nợ nay là con trâu. Phật làm Thánh vương, nói với họ sẽ bồi thường cho họ nên nay trâu đến cầu cứu.

Bấy giờ Phật bảo với chủ của trâu:

– Ta sẽ khất thực để bồi thường giá tiền bằng con trâu này.

Thế nhưng chủ trâu không chịu, ông ta cứ đòi lấy con trâu.

– Nay ta sẽ trả vàng cho ông theo trọng lượng nặng nhẹ của con trâu, có chịu không? Đức Phật hỏi.

Chủ trâu cũng không đồng ý.

Bấy giờ Trời Đế-thích, Trời Phạm thiên từ trên không trung hạ xuống bạch Phật:

– Bạch Đức Thế tôn, muôn ngàn lượng vàng nay con đã mang đến.

Bấy giờ Đức Phật thoả thuận với chủ trâu và mang trâu về Tinh xá Kỳ-hoàn, bảy ngày sau trâu chết, thần thức liền sanh lên cõi Trời. Nhớ lại việc quá khứ, được Phật cứu thoát kiếp trâu nên vô cùng cảm niệm công ơn của Đức Phật, ông ta liền xuống trần gian, rải hoa cúng dường để báo đáp ân Phật. Đức Phật liền thuyết pháp, nghe xong ông chứng quả bất thoái địa vô sanh pháp nhẫn sau đó về lại cõi Trời.

(Trích kinh Sanh quyển 4)

4.2. TRÂU CHÚA NHẪN NHỤC VỚI KHỈ

Vào thời quá khứ, có một khu đất trống, trâu chúa quen ở trong đó, thường dạo chơi, ăn cỏ và uống nước suối. Bấy giờ trâu chúa đi đầu dẫn cả đoàn trâu quyến thuộc theo, nó có dung mạo đẹp đẽ, uy thần dũng mãnh, danh đức vượt trội, nhẫn nhục hoà nhã, đi đứng ung dung. Gần bên có một con khỉ, khi thấy bầy trâu quyến thuộc chung sống hoà hợp, trong lòng thường nảy sanh những tâm ý ganh ghét, vì thế nó tung bụi và ném gạch đá qua, khinh mạn, huỷ nhục trâu chúa và quyến thuộc. Trâu chúa im lặng hứng chịu, không hề đáp trả. Bầy trâu đi qua chưa lâu thì có con trâu khác cứ nối đuôi nhau tiến tới. Khỉ trông thấy thế thì lại càng nổi giận, buông lời mắng nhiếc, tung bụi ném đá. Đoàn trâu đi phía sau thấy trâu chúa đi trước im lặng không phản kháng, nhẫn nhục không thù hận, vì vậy đàn trâu quyến thuộc cũng bỏ đi qua. Lát sau có một con nghé từ sau chạy đến, thấy vậy, khỉ chạy theo nghé để mắng nhiếc và khinh rẽ. Nghé lộ vẽ giận dữ nhưng lại vì thấy đồng loại mình đi trước nhẫn nhục không có tâm oán thù nên nó cũng bắt chước theo. Cách đàn trâu không xa, có một vi thọ thần đi dạo chơi và đến hỏi thăm trâu chúa:

– Sao các Ngài lại bị con khỉ bỉ ổi đó cứ theo mắng nhiếc mà lại im lặng nhẫn nhục, không chịu đáp trả?

Trâu chúa nói:

Kia khinh huỷ nhục ta
Nếu ta đáp trả lại
Họ sẽ càng mắng hơn
Rốt cuộc gây thêm hoạ.
 
Bầy trâu đi qua, không bao lâu thì có Phạm chí và các tiên nhân đi qu đường này. Khỉ thấy mọi người đi qua cũng buông lời mạ nhục. Đoàn người liền đến bắt và mang ra bẻ chân nó rồi giết chết. Bấy giờ thọ thần nói kệ:

Tội ác không mất đi
Chín muồi mới gặt hái
Tội ác nay đã mãn
Tai hoạ phải chuốc lấy.

Phật dạy:

Bấy giờ trâu chúa chính là ta. Lúc còn làm Bồ-tát mắc phải lỗi lầm nên đoạ làm chúa trong loài trâu, thường hành nhẫn nhục, tu bốn tâm bình đẳng, từ bi vui giúp người, rốt ráo thành Phật.

(Trích kinh Sanh phần 4)

4.3. NÓI LỜI ÁI NGỮ

Vào thời quá khứ, một gia đình nọ có con trâu, gia đình kia có một con bò, cả hai đều là tài sản của của hai gia đình. Một hôm, gia đình kia thách đố:

– Có trâu ai mạnh bằng bò của tôi không, thử dắt ra đọ sức, nếu như bò của nhà tôi thắng thì tôi sẽ thâu hết tài sản làm tài sản của nhà người thua, còn như thua thì tôi sẽ đem tài sản của mình nộp cho nhà thắng.

Nghe lời công kích của đối phương, chủ của trâu mới lên tiếng:

– Được thôi, tôi sẽ mang trâu tôi sẽ đọ sức với bò nhà anh.

Bấy giờ, chủ trâu vật nặng buộc vào bên trái của xe trâu và cười nói ngạo ngễ:

– Mày là đồ trâu đen, sừng công vòng!

Sau đó ông dùng dùi điều khiển. Lúc ấy, trâu nghe chủ buông những lời chê bai mình như thế nên rụng rời chân tay, không còn sức để kéo xe chạy lên dóc nổi. Vì thế chủ của trâu phải chịu thua và bị chủ nhà bò kia thâu hết tài sản. Chủ bò sau khi được tài sản rồi, một thời gian sau lại rao lời thách đố nữa.Trâu đen nghe tiếng ra thách thì nó thưa với chủ:

– Ngài hãy nhận lời thi đấu đi.

Chủ nói:

– Không được đâu, ngươi tệ quá làm ta mất hết tài sản, giờ lại muốn cho người ta lấy hết tài sản của ta thêm một lần nữa ư?

Trâu nói:

– Lúc trước, ở giữa mọi người Ngài chê hình tướng của tôi, bị chê nên tôi bủn rủn tay chân, mất hết sức lực, không thể kéo xe chạy lên dóc nổi. Giờ xin Ngài đừng chê tôi như vậy nữa. khi ở trước người khác, Ngài hãy khen tôi:

– Này trâu to lớn xin đẹp yêu quý của ta, từ khi sanh ra đến giờ rất hiền, có đôi sừng rộng và thẳng.

Người chủ đó nhận lời thách đấu, ông ta tắm rửa và lau sừng cho trâu, đặt tràng hoa đẹp vào phía trái xe và nói những lời dịu dàng:

– Trâu đen của ta hiền lành nhất, sừng dài lại thẳng, có sức mạnh phi thường. Nào, con kéo đi nào!

Trâu nghe những lời dịu dàng ấy thì tăng thếm sức mạnh để kéo vật nặng lên dốc.

Bấy giờ, trâu đen thắng, không những lấy lại tài sản luc trước bị tịch thu mà còn thu được tài sản gấp ba lần. Chủ được lợi lớn và nói kệ:

Chở nặng vào vết sâu
Theo lời ta mới đi
Vậy nên nói dịu dàng
Không nên nói thô tháo
Lời ngọt thêm sức mạnh
Trâu kéo nỗi chiếc xe
Ta thâu nhiều của cải
Thân tâm được an vui.

Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo, loài súc sanh nghe chê về hình tướng của mình mà còn buồn bã, mất hết ntuệ khí, huống gì là con người.

(Trích luật Thập Tụng quyển 2 và 3. Luật Tứ Phần quyển bảy phần đầu, đại thể là giống nhau)

4.4. TRÂU BIẾT NGHIỆP TRƯỚC CỦA MÌNH

Ngày xưa, có một gia đình giàu có, xuất tiền cho vay lấy lời. Bấy giờ có hai người vay một khoản tiền mười ngàn đồng, đến kỳ trả đủ. Ngày sau, hai người này cùng thông đồng với nhau, mỗi người mượn thêm mười vạn nữa nhưng sau đó họ không chịu trả.

Bấy giờ có con trâu đang cột bên hàng rào bảo với hai người rằng:

Ngày trước, tôi vì vay của chủ một ngàn mà không trả nên nay đã ba kiếp làm trâu để bồi thường nhưng cũng chưa trả xong, huống gì nay các ông lại vay của người ta mười vạn mà không trả thì sau này nợ không biết khi nào mới trả xong.

Hai người nghe trâu nói thế thì kinh hồn, đến sáng, họ gặp người chủ, hai người cùng kể lại việc ấy cho ông nghe, ông liền thả nó ra cho nhập đàn, không bắt nó phải làm trả nợ nữa. Ông lại nguyện: Nguyện cho con trâu nay từ nay trở về sau không còn thọ thân súc sanh nữa, số tiền còn lại không đòi nữa.

Sau đó trâu chết và được sanh vào loài người. (Trích kinh Thí Dụ)

5. LỪA

5.1. LỪA KÉO XE

Ngày xưa có con lừa thường dùng để kéo xe, một ngày đi đường xa đến cả mấy trăm dặm. Một hôm chủ nói với người em của mình:

– Em chớ nên thả con lừa này ra, nó sẽ gặp gở con lừa khác.

Người em nghe vậy lấy làm quái lạ, nghĩ rằng: Thông thường người trí gặp nhau thì sẽ có được niềm vui, kẻ nịn hót gặp nhau cũng có niềm vui, loài vật gặp nhau cũng vậy.

Nghĩ thế, người em cố tình thả lừa để cho chúng được gặp nhau. Sáu đó thì lừa không kêu nữa, bỏ ăn bỏ uống, khi người anh đến thắng yên thì nó liền nằm lì, không chịu đi. Người anh nổi giận, cạo long của nó. Bị cắt đau quá lừa phải gắng để kéo đi, nó nói:

– Em của Ngài thả tôi ra gặp phải bạn ác tri thức, tôi hỏi nó làm

sao để mập, nó trả lời là đội đất cho nhà thợ gốm, khi gặp đường xấu thì chỉ ăn nằm mà không chịu đi, khi ấy sẽ được thả ra ăn uống bên đường. Được ăn uống thoải mái, khi về lại được ăn lúa thơm, nhờ đó mới được mập.

Nó hỏi tôi:

+Tại sao gầy yếu như thế?

Tôi trả lời:

+Tôi kéo xe một ngày đi năm trăm dặm, chủ cho ăn uống quá kham khổ, cho nên tôi ốm. Vì ốm yếu cho nên tôi cho rằng nếu thả ra thì sẽ mập, ngược lại nay bị cạo lông nên không dám nằm nữa, chỉ xin được sống sót.

Nghe nói thế, người chủ thương tình nên thả nó đi. (Trích kinh Thí Dụ bộ 10 quyển, quyển 8).

5.2. LỪA DO BẮT CHƯỚC TRÂU BỊ GIẾT

Bầy trâu tánh tình hiền hoà, chúng dẫn nhau đến một chỗ có món cỏ non mềm mại, chọn nước trong mát. Bấy giờ có một con lừa suy nghĩ rằng:

– Ta cũng nên bắt chước ăn uống như bầy trâu này.

Nghĩ vậy, lừa liền nhập vào bầy trâu, chân trước cào đất, đi quanh đàn trâu, bắt chước tiếng rống của trâu nhưng không thể được. Nó tự cho tiếng của nó đã giống trâu. Cuối cùng lừa bị trâu húc chết.

(Trích kinh Tăng Nhất A-hàm quyển 20)

6. CHÓ

6.1. CHÓ KIỆN CHỦ NHÂN

Khi Đức Phật còn tại thế, trong thời quá khứ có một con chó bỏ nhà mình đến nhà khác để xin ăn. Khi mới bước vào nhà người khác, thân tuy đã vào cửa nhưng đuôi nó vẫn ở ngoài, vị chủ nhân nhà này đánh đuổi nó không cho vào ăn, chó liền đi đếnchỗ quan thưa:

– Ông ấy là cư sĩ, tôi đến nhà xin ăn, ông ấy không cho mà lại còn đánh tôi. Tôi đâu có vi phạm luật.

Quan hỏi:

– Chó có pháp gì?

– Tôi ở trong nhà tuỳ ý nằm ngồi, khi đến nhà người thì thân ở trong cửa nhưng đuôi ở ngoài cửa. Chó nói.

Quan cho mời cư sĩ đến và hỏi:

– Ngươi quả thật không cho chó này ăn mà còn đánh đuổi nó nữa phải không?

– Thưa đúng như thế! Cư sĩ nói.

– Người này nên trị tội gì? Quan hỏi chó.

– Cho làm chức cư sĩ lớn ở thành Xá-vệ này. Chó đáp.

– Tại sao?

– Ngày xưa, tôi là một người đại cư sĩ trong thành này, vì ba nghiệp tạo ác nên đoạ làm loai chó. Người này rất ác đối với tôi, nếu như cho người này có được thế lực thì hắn sẽ làm ác và rơi vào địa ngục, gánh chịu ác báo khổ sở.

(Trích luật Thập Tụng phần 3 quyển 1)

6.2. CHÓ ĐƯỢC THẦY SA-MÔN CỨU

Xưa có nước nọ, gạo thóc quý hiếm, dân chúng đói khát lầm than. Bấy giờ có thầy Sa-môn vào thành khất thực nhưng không có. theo thứ tự, thầy lần đến một nhà cư sĩ giàu sang nhất trong thành thì được một bát cơm hẩm thiu. Thầy Sa-môn vừa muốn ra thành thì gặp một người vác con chó đem về để giết ăn thịt. Khi gặp thầy Sa-môn, ông rất vui vẻ tiến đến làm lễ. Sa-môn chú nguyện.

Muốn sống lâu, mà sao lại muốn giết chó? Rồi thầy Sa-môn hỏi mang chó đi đâu?

– Không can hệ gì đến Ngài. Người ấy nói.

– Nay tôi muốn nhìn thấy chó, xin hãy cho tôi xem, tôi sẽ lấy thức ăn có được xin đổi lấy chó, cho nó được sống sót. Thầy Sa-môn nói.

– Không thể được, Ông ta đáp.

Thầy Sa-môn cứ nài nĩ như thế ba lần nhưng ông cũng không bằng lòng. Thầy Sa-môn lại ân cần tiếp tục năn nĩ, cuối cùng ông cũng đành phải lấy chó ra cho Sa-môn xem. Ngài lấy cơm ra cho chó ăn và vuốt ve chú nguyện cho chó. Chó cảm được tấm chân tình ấy bèn rơi lệ. Thầy Sa-môn nói:

– Ngươi thọ quả báo mang kiếp chó không được tự do, nay ta chú nguyện cho ngươi đời đời tội diệt phước sanh, lìa thân chó được sanh làm người và quy kính Tam bảo.

Chó ăn được cơm, phát khởi tâm lành. Không bao lâu, chó chết và sanh vào nhà đại trưởng giả giàu sang. Vừa mới sanh ra thì bé đã có sẵn lòng từ. Hôm ấy, vị thầy Sa-môn này tuần tự đến cổng nhà trưởng giả khất thực, bấy giờ con của trưởng giả đã lên bảy, khi vừa thấy thầy Samôn thì cậu bé nhớ lại duyên cũ, liền bước đến cúi đầu đảnh lễ Sa-môn và thỉnh Ngài vào cúng dường. Cậu trở vào nhà thưa với cha mẹ:

– Thưa song thân, cho con được phép theo đại hoà thượng thọ học kinh giới và làm đệ tử của Ngài.

Thế nhưng, vì thương con, cha mẹ không nỡ để con đi, cậu buồn bã khóc lóc không chịu ăn uống và nói:

– Nếu cha mẹ không cho phép con được xuất gia tu tập thì con không muốn sống nữa.

Cha mẹ cậu buộc phải theo bản nguyện của cậu, cho cậu theo thầy xuất gia học đạo. Cậu được xuống tóc, đắp ba pháp y, tinh tấn tu tập và chứng tam muội không thối chuyển, khai hoá tất cả mọi người phát tâm Bồ-đề.

(Trích kinh Ca-diếp Cật A-nan)

6.3. TIỀN THÂN CỦA CHÓ TRẮNG

Bấy giờ, Đức Phật khất thực, đi vào trong thành Xá-vệ, đến nhà của Oanh vũ Ma-lao-đâu-la-tử. Ngài không gặp ông ta ở nhà chỉ có con chó trắng tên là Cụ đang ngồi trên nệm đẹp, ăn cơm bằng bát vàng thịt ngon. Vừa thấy Đức Như Lai đến, nó liền sủa, Ngài nói:

– Thôi đi chó trắng, không nên sủa như thế, ngươi vốn thích ngâm nga mà? (tiếng của Phạm chí đi khất thực)

Lúc đó chó trắng nổi giận đến cực điểm, nó liền bước xuống nệm gấm, luồn ra theo ngạch cửa và nằm im. Sau đó Ma-lao-đâu-la về thấy vậy liền hỏi người bên cạnh:

– Có ai xúc phạm con chó ta mà khiến cho nó buồn bã như thế?

– Hôm nay, nhà ông có Cù-đàm đến khất thực, chó thấy ông ta liền sủa, ông lại nói: thôi đi chó trắng, ngươi vốn không thích sủa ồn ào như thế, ngươi chỉ muốn ngâm nga kia mà? Vì thế chó giận dữ không vui. Người nhà bên đáp.

Ông ta quá tức giận, mắng nhiếc Đức Thế tôn, phỉ báng Ngài rồi chạy đến vườn Cấp-cô-độc. Vừa thấy ông ta đến, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Người sân giận này sau khi chết sẽ đoạ vào địa ngục Nê-lê.

Lúc ấy, ông ta bước đến hỏi Đức Thế tôn:

– Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đến nhà tôi khất thực, con chó trắng của tôi đâu có lỗi gì mà sao ông lại làm cho nó buồn rầu như thế?

Đức Phật đáp:

– Chó trắng thấy ta thì sủa.

Ta nói:

– Chó trắng! Ngươi không nên sủa tiếng như thế, ngươi thích tiếng ngâm nga kia mà?

– Nhưng nó lại giận dữ.

– Vậy thì nó vốn có nguyên do gì? Ông ta hỏi:

– Điều này ngươi không nên hỏi, nếu ngươi biết thì thêm buồn bã mà thôi. Ông ta nài nỉ như thế ba lần.

Đức Thế tôn bảo:

– Này Ma-lao, con chó trắng này đời trước chính là cha của ngươi tênlà Đâu-la.

Nghe thế ông ta càng giận dữ, nói:

– Cha tôi Đâu-la thường thực hành hạnh bố thí và thờ thần lửa, sau khi chết đã sanh lên cõi Trời Phạm thiên rồi, sao lại sanh trong loài chó này?

– Này Ma-lao, vì cha ngươi tăng thượng mạn, Đâu-la ngươi sau này cũng như thế, sanh trong loài chó xấu xa.

Đức Phật liền nói kệ:

Phạm chí tăng thượng mạn
Chết sanh trong sáu đường
Gà heo chó chồn hoang
Lừa trứng trong địa ngục.

– Nếu ngươi không tin lời ta thì ngươi hãy về hỏi chó trắng thử xem?

– Người khi còn sanh tiền có phải là Đâu-la cha của tôi không? Hãy ngồi trên giường nệm, ăn thức ăn ngon trong bát vàng. Hãy chỉ chỗ tài sản của cha tôi để lại, xưa người cất ở đâu, tôi không biết chỗ?

Nghe những lời của Đức Phật nói thế, ông ta suy đi nghĩ lại rồi về nhà hỏi chó trắng.

Bấy giờ chó trắng trở lại ngồi trên giường nệm, ăn thức ăn ngon trong bát vàng rồi đến dưới chân giường chỗ nằm xưa, dùng chân miệng quào đất. Theo dấu vết của chó, ông ta đào lên và lấy được một số tài sản rất lớn, lòng ông rất vui mừng và quỳ gối hướng về vườn Kỳ-thọ đảnh lễ tự xưng tên tuổi:

– Ngài là vị Sa-môn chân thật, lời nói quả thật không hư vọng.

Xướng lên như thế ba lần rồi ông ta ra khỏi nhà đi đến vườn Kỳthọ. Vừa thấy ông ta, Đức Thế tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Các vị có thấy Oanh vũ Ma-la-đâu-la tử đến không?

– Thấy, Bạch Thế tôn. Các Tỳ-kheo thưa.

– Nếu vào lúc này ông ta mạng chung thì được sanh về cõi an lành, vì đối với ta, ông ấy đã phát được tâm lành. Ông ta lại có tâm tốt với tất cả chúng sanh nên khi chết sẽ sanh lên cõi Trời an vui.

Lúc ông ta đến, Phật ân cần an ủi và thuyết pháp cho ông nghe.

Lời nói của Đức Thế tôn quả thật không sai chạy. (Trích kinh Thí Dụ quyển 10 và quyển 6)

6.4. CHÓ DỮ ĐƯỢC TỲ-KHEO CỨU

Ngày xưa có vị trưởng giả, của cải vô số, trong nhà nuôi con chó dữ hay cắn người. Thông thường mọi người không thể ngang nhiên mà trá mà vào cổng nhà trưởng giả. Bấy giờ có vị Tỳ-kheo thông tuệ, bậc Thánh không ai sánh kịp, Ngài vào nhà này khất thực, gặp lúc con chó ra ngoài nằm nên không biết Ngài vào. Trưởng giả dọn thức ăn cúng dường, khi ấy chó thức dậy mới biết. Chó nghĩ:

Lúc ta ra ngoài nằm nên không biết người này vào, nay ông đã ngồi rồi phải làm cách nào đây? Nếu như ông ta ăn một mình thì khi ra cổng ta sẽ cắn chết, rồi sẽ ăn thức ăn tuyệt hảo trong bụng của ông ta, nếu như ông ta chia thức ăn cho ta thì mới mong toàn mạng.

Sa-môn biết tâm niệm của chó liền bóc lấy một nắm thức ăn cho chó, chó vui mừng hướng về Tỳ-kheo, bước đến liếm chân Ngài. Sau đó nó ra cửa nằm thì bị người mà nó đã cắn dùng kiếm chém đứt đầu. Sau khi chết, nó đầu thai vào nhà của trưởng giả. Sau khi sanh ra, vì yểu mạng mà chết. Nó lại sanh vào nhà của một trưởng giả nước khác, năm hơn mười tuổi, lại gặp Tỳ-kheo trước đây, cậu ra tiếp đón vào và thưa cùng cha mẹ xin làm đệ tử của Ngài. Cha mẹ liền dọn thức ăn cúng dường, cậu theo thầy thọ học kinh giới. cậu lại giáo hoá được tất cả mọi người trong nhà biết tụng kinh hướng đạo. vì báo đáp song thân nên cầu xin làm Sa-môn nhưng không thọ giới cụ túc. Ngày đêm siêng năng tu tập, hầu hạ thầy, sau khi thầy viên tịch, cậu mới thọ giới cụ túc.

(Trích kinh Thí Dụ bộ mười quyển, quyển 6)

7. NAI

7.1. TẤM LÒNG CỦA NAI MẸ

Xưa có đàn nai vài trăm con, do mê vùng cỏ non nên xâm phạm vào ấp người, nhà vua cho thợ săn đuổi chạy tứ tán. Lúc ấy có con nai mẹ đang mang thai đi một mình bị thợ săn rượt. Vì đói và mệt mỏi, lại lạc mất bạn bè. Lúc sanh được hai con thì đói quá nên nó bỏ đi kiếm ăn. Vì sơ ý nên bị rơi vào bẫy của thợ săn. Nai mẹ kêu la ai oán muốn tìm đường ra nhưng không ra được. Thợ săn nghe tiếng kêu liền đến xem, thấy con nai mắc bẫy nên rất vui mừng liền bước đến muốn giết. Nai dập đầu tha thiết cầu xin, bày tỏ nỗi lòng:

– Tôi vừa sinh hai con nhỏ dại, chúng mới mở mắt nên còn ngu dốt chưa hiểu được việc đời, xin nương cho chốc lát để về thăm nhìn hai con, chỉ cho nó chỗ cỏ nước để nó tự sinh sống rồi tôi sẽ quay lại đây chịu chết, nguyện không trái lời thề.

Thợ săn nghe vậy kinh ngạc liền nói:

– Tất cả người đời còn không thành thật huống gì loài nai từ cái chết được thoát ra thì làm gì có chuyện quay trở lại?

Nai nói kệ:

Thân tôi là súc sanh
Không thể nào thoát chết
Nay sa vào bẫy ông
Sẽ bị ông làm thịt
Tôi không tiếc thân mạng
Chỉ thương con dại khờ.

Thợ săn lại vô cùng kinh ngạc nhưng lòng vẫn còn tham, ông nói với nai:

Ngươi nay khéo nguỵ biện, gian trá khó tin, giả dối tìm đường thoát mà giảo hoạt thì chẳng phải ít, tiếc thân mạng mà nói quay lại đền mạng. Con người không lương thiện còn khó mà tin được, huống gì là loài cầm thú, một khi đã đi rồi há có thể quay lại sao? Ta nay không thể thả ngươi đi được.

Nai ngậm ngùi rơi lệ nói:

Tuy tôi là súc sanh
Không biết điều nhân nghĩa
Làm sao thọ từ ân
Một đi không trở lại
Thà chịu đau cắt xé
Không dối để sống còn
Thương xót hai con thơ
Xin nương chút thời gian
Như người ác ở đời
Náo loạn Tỳ-kheo tăng
Phá tháp huỷ chùa Phật
Giết hại bậc La-hán
Phản nghịch giết cha mẹ
Cả vợ con, nô tỳ
Nay nếu không trở lại
Tội tôi lớn hơn thế.

Thợ săn nghe lời nai nói lòng thêm kinh hãi, ông than thở:

– Tuy ta ở đời được làm thân người, nhưng lại ngu si, vong ân bội nghĩa, chuyên nghề săn bắn, giết hại chúng sanh, dối trá cẩu thả, tham cầu không chán, chẳng biết vô thường để quy y Tam bảo. Những lời ngươi nói thật là hơn người. Nay thề nguyện chí tín, tỏ bày lòng trung.

Nói xong ông đến mở bẫy cho nai đi. Nai về đến chỗ con mình, ân cần liếm thân và hỏi thăm các con, lòng vui buồn xen lẫn liền nói kệ:

Hết thảy việc ái ân
Đều từ nhân duyên hội
Có hội tức có lìa
Vô thường trong nháy mắt
Nay ta là người mẹ
Thường lo không giữ được
Đời sống nhiều lo sợ
Mạng tợ như sương mai.

Nai mẹ dẫn các con chỉ cho nó chỗ cỏ nước mà nước mắt tuôn trào nói lời li biệt:

Sáng mẹ đi bất ngờ
Rơi vào bẫy thợ săn
Tức thời phải bị giết
Nát thân như cháo nhừ
Nhớ con mẹ xin về
Nay trở lại chịu chết
Thương con nhỏ bơ vơ
Cố gắng lo phận mình.
 
Nói xong, Nai mẹ liền ra đi, hai con thấy vậy vô cùng buồn đau, kêu gào thảm thiết, chạy theo chân mẹ, té lên ngã xuống. Nai mẹ vô cùng xót thương ngoái lại bảo con:

Các con hãy trở về, đừng đi theo mẹ, nếu không thì chết cả mẹ lẫn con. Mẹ một lòng chịu chết, con chưa hiểu đời vô thường phải biệt ly, mạng mẹ ngắn ngủi, nay khiến các con không nơi nương tựa, sao không buồn bã canh cánh nỗi sầu lo được! Nhưng các con hãy bền chí để sống cho trọn vẹn. Nai mẹ lại nói kệ:
 
Đời trước do tham ái
Đời nay chịu buộc thân
Cuộc sống rồi phải chết
Không thoát khỏi lo buồn
Hãy quyết chí lìa tham
Sau đó mới đại an
Thà chết giữ chữ tín
Trọn không dối cầu sanh.

Thế nhưng vì mất mẹ nên các con quyến luyến gào khóc thảm thương, theo mẹ đến chỗ găng bẫy. Chúng tìm kiếm khắp nơi mới thấy thợ săn đang nằm dưới gốc cây. Nai mẹ đứng nói kệ:

Trước Ngài thả tôi đi
Nay trở lại chịu chết
Ân Ngài đã ban cho
Được từ biệt hai con
Dẫn đi chỉ cỏ nước
Nói pháp khổ vô thường
Chết vạn lần không hối
Ân Ngài đâu dám quên!

Thợ săn chợt tỉnh giấc, kinh ngạc ngồi dậy, nai lại quỳ xuống nói kệ:

Trước Ngài thả tôi đi
Đức nặng hơn Trời đất
Từ bi che thú hèn
Báo tin cho con biết
Ân nghĩa này khó quên
Không dám trái lời hứa
Dù phân thây ngàn lần
Vẫn không báo trọn ân.

Thợ săn thấy nai dốc lòng, tin giữ lời hứa hẹn, lòng chí tiết chí thành, hạnh từ thật hiếm có, hiển lộ lòng can đảm, chịu chết giữ lời thề. Nay mẹ con quyến luyến theo nhau, thợ săn càng cảm phục và mến mộ, liền cúi đầu cảm phục tạ lỗi:

Là Trời hay là thần
Tín nghĩa nhân như thế?
Lòng kinh hãi lo sợ
Đâu dám nghịch hại thêm
Thà tự giết thân hèn
Hại đến cả vợ con
Nào dám hướng thần linh
Khởi ý tưởng nhỏ nhoi.

Thợ săn liền thả mẹ con nai, vô cùng mừng tủi, chúng cất tiếng kêu u u, nói kệ tỏ lòng biết ơn:

Súc sanh hèn ở đời
Thân đáng để nấu nướng
Trời người trọng mến vật
Lại nhờ ơn tha bổng
Ân đức quá cao dày
Không thể thốt nên lời.

Sau khi trở về, thợ săn trình rõ với vua, chuyện lan ra mọi người trong nước đều biết, ai cũng cảm được lòng nhân từ tín nghĩa của nai.

Từ đó nhà vua cấm săn bắn loài nai.

Nai trở về đoàn tụ với đàn, tất cả đều an ổn.

Phật bảo:

– Nai đó nay chính là thân ta. Hai đứa con nay là La-vân và mẹ Mạt-lợi, quốc vương thuở ấy nay là Xá-lợi-phất, thợ săn là A-nan.

(Trích kinh Lộc Tử)

7.2. NAI CHÚA HI SINH CỨU ĐỒNG LOẠI

Thời xưa có một vị quốc vương đi săn bắn, ông cho quân lính bao vây khoảng rừng rộng lớn để tóm hết đàn nai. Bấy giờ nai chúa dẫn đàn nai mấy ngàn con, ăn cỏ non lần tiến vào trong phạm vi nhà vua bao vây. Khi thấy đàn nai vào hết thì lính gác cổng đóng cửa lại rồi đến báo cho vua biết, nhà vua rất vui mừng. Nai chúa biết được đồng loại của mình đang lâm hoạn nạn, nó liền nghĩ rằng:

– Nay đàn nai sở dĩ đến đây là do ta hướng dẫn, ta phải nghĩ cách để cứu mạng chúng.

Nai chúa liền dùng thân chắn ngang trên đường hào mai phục để cho đàn nai đạp trên lưng mà thoát ra. Chân của đàn nai dẫm đạp lên lưng nên thịt da của nai chúa bị trầy nát, chỉ còn lại bộ xương, thế nhưng nai chúa vẫn kiên nhẫn chịu đựng để cho đàn nai ra hết.

Sau khi đàn nai đã ra hết rồi, nai chúa cố sức leo mình lên trên bờ hào và nhìn ra bốn hướng thì thấy chỉ còn một chú nai không biết đường ra. Nai chúa liền gọi mau đến để được thoát, nhưng lúc ấy nai chúa đã quá kiệt sức nên rơi xuống hào.

(Trích kinh Thí Dụ bộ 10 quyển, quyển 8)

8. MINH ĐÀ: THÚ MINH ĐÀ LỘT DA CỨU MẠNG THỢ SĂN

Bấy giờ Đức Phật đang ở núi Kỳ-xà-quật thuộc nước La-duyệtkỳ, thân Ngài có chút bệnh phong, có y vương Kỳ-vực đang chăm sóc thuốc thang, ông dùng 32 loại thuốc, mỗi ngày Đức Thế tôn uống 32 lượng. Bấy giờ Đề-bà-đạt-đa thường đem lòng ganh gét Ngài, lòng tự cao tự đại, tự cho mình bằng Phật, bắt chước Phật uống thuốc, xem mạch lý nên sức khoẻ càng suy nhược, ông ta khổ não rên la. Đức Phật thương xót liền lấy tay xoa đầu cho ông ta khiến cho bệnh được thuyên giảm. Ông ta nhìn biết bàn tay của Phật nên nói:

Tất Đạt y thuật ở đời không ai bằng sao không chịu dùng mà lại đi học y đạo?

Đức Phật bảo:

Đề-bà-đạt-đa có lòng xấu xa không chỉ mới ngày nay, Ngài kể:

Ngày xưa trong cõi Diêm-phù-đề, ở thành Ba-la-nại, có vị vua tên Phạm-ma-đạt hung ác. Một hôm ông ta nằm mộng thấy một con thú, lông trên thân màu vàng óng, phát ra ánh sáng rực rỡ. Ông liền gọi thợ săn và tường thuật giấc mộng lại cho thợ săn nghe và bảo:

– Các nguời hãy tìm bắt nó, nếu lấy được da nó ta sẽ trọng thưởng cho các ngươi, còn không được thì ta sẽ tru di cả dòng họ nhà ngươi.

Nghe nhà vua phán như thế những nguời thợ săn buồn bã lo sợ, họ cùng nhau nhóm họp để tìm phương kế, rồi họ tuyển một người đi tìm con thú đó. Họ giao nhiệm vụ cho người ấy nếu bắt không được thú thì tài sản vợ con của người này sẽ bị tịch thu.

Người này suy nghĩ: Xả bỏ thân mạng là việc đáng làm.

Thế rồi ông ta lặn lội qua những con đường hiểm nạn, lâu ngày thân hình tơi tả, gặp phải tiết Trời nóng bức, cây cối toàn gai góc khô héo sắp chết, thấy thế mà muốn chết đi được, ông than cầu thảm thiết:

– Ai có lòng từ xin cứu giúp thân tôi!

Bấy giờ có con giả thú tên Minh Đà, màu lông vàng óng ánh nghe lời than cầu thảm thiết như thế nên mới động lòng, từ trong suối lạnh lặn đến, chốc lát lấy lại sức lực chở người này đến bên dòng suối, tắm rửa và hái trái cây cho ông ta ăn. Không bao lâu, sức khoẻ đã hồi phục, ông ta thầm nghĩ:

– Đây chẳng phải là con thú chúa mà ta đang cần tìm hay sao? Nhưng khi ta sắp chết thì nó lại cứu mạng ta, ân cứu mạng đã chưa đáp đền sao lòng lại nỡ hại chết. Nhưng nếu không bắt nó thì những người thợ săn kia chắc chắn sẽ chết.

Nghĩ như thế, ông ta buồn thảm không biết phải làm thế nào cho được. Thấy thế Minh Đà hỏi:

– Tại sao ông lại buồn như thế?

Ông ta đáp:

– Vì tôi đang mang một trọng trách.

Minh Đà biết trước và nói:

– Việc này ông đừng lo, da của tôi dễ sanh lại, trôi lăn trong sanh tử vô số kiếp mà chưa từng làm phước, nay dùng da này cứu mạng chúng sanh, cầu mong gặt hái được sự lợi ích. Nay ông chỉ cần lột lấy da đừng làm tôi tuyệt mạng. tôi phát nguyện cho ông hoàn toàn không chút hối hận.

Thợ săn kia lột da thú, Minh Đà phát nguyện:

– Nay tôi đem da của mình bố thí cho người này để cứu lấy mạng sống của họ, nguyện đem công đức này hồi hướng cho tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo để độ khắp chúng Trời người.

Sau khi phát nguyện xong, trong ba ngàn đại thiên thế giới, sáu điệu đều chấn động. Sau khi lột da xong, thân thịt Minh Đà đỏ au, máu chảy dầm dề, lại có tám vạn con ruồi nhặng bu kín trên thân cắn hút máu thịt. Bấy giờ Minh Đà muốn chui xuống hang nhưng sợ tổn thương đến chúng nên cố gắng chịu đau nhức, nằm bất động trên đất. Không bao lâu con thú này bỏ mạng, những loài ruồi nhặng đến ăn thịt của Minh Đà sau khi chết cũng được sanh lên cõi Trời.

Sau khi lấy được da, thợ săn mang về dâng lên cho nhà vua. Thấy tấm da kỳ lạ này nhà vua rất mừng và ông thường trải nằm, thân tâm thường được an lạc.

Phật dạy:

– Thú Minh Đà ngày xưa nay chính là ta, vua Phạm-ma-đạt nay chính là Đề-bà-đạt-đa, tám vạn ruồi nhặng lúc bấy giờ là tám vạn Chư thiên được chứng quả vào hôm ta mới thành Phật, lần đầu tiên chuyển pháp luân.

(Trích kinh Hiền Ngu quyển 3)

9. CHỒN HOANG: VÌ THAM ĂN MÀ PHẢI CHỊU CHẾT

Xưa có con chồn hoang theo sư tử xin ăn, mỗi lần có được thịt dư của sư tử, nó chạy đến ăn mê mải. Hôm nọ, gặp lúc sư tử đang đói mà chưa kiếm được thức ăn, nó liền gọi chồn hoang đến, ngửi ngửi một hồi rồi vồ lấy chồn nuốt chửng vào bụng. Chồn ở trong yết hầu nhưng chưa chết, nó kêu to:

– Xin hãy cứu tôi!

Sư tử thầm nghĩ:

– Ta nuôi mày nay đã mập mạp, đến lúc ta phải xơi mày thôi, mày còn muốn gì nữa?

(Trích kinh Thí Dụ bộ 10 quyển )

10. SÓI LẤY OÁN BÁO OÁN

Một hôm, có cô gái nọ vì bận công việc nên bồng đứa con của mình bỏ một nơi, sói thấy đứa bé liền tha nó chạy. Bấy giờ có người bắt lại và nói:

– Tại sao ngươi lại tha con người khác chạy?

Sói đáp:

– Mẹ của đứa bé này có oan gia với ta, trong năm trăm kiếp trước, người này ăn thịt ta, ta cũng năm trăm đời vì trả mối thù này nên đã ăn thịt con của bà ấy. Nếu nay bà ta chịu xả tâm thù oán cũ thì ta cũng xả bỏ.

Người này đến bảo cô gái kia:

– Cô có xả bỏ tâm thù oán xưa không?

Mẹ đứa bé đáp:

– Giờ tôi đã xả tâm thù oán xưa rồi.

Sói quan sát người đàn bà này, miệng tuy nói xả nhưng trong lòng vẫn khư khư niệm củ nên nó hại đứa bé rồi bỏ đi.

(Trích kinh Sao Tỳ Đàm quyển 28)

11. KHỈ

11.1. DUYÊN XƯA

Xưa có vị Phạm chí thọ 120 tuổi, không cưới vợ, không dâm dục, ở trong núi sâu rừng thẳm, lấy cỏ tranh lợp nhà, kết cỏ làm chiếu, ăn trái cây rừng, sống trong tĩnh lặng, không chứa chất tài sản của báu, không mơ đến gái đẹp, tâm trụ vô vi. Hơn mấy ngàn năm cùng vui chơi với các loài cầm thú như những loài cáo, khỉ, ráy cá và thỏ.

Bốn loài thú này thường đến nghe đạo nhân thuyết pháp, lâu ngày như thế, chúng ăn hết trái cây nên đạo nhân này muốn đi nơi khác, bốn thú này biết được, chúng rất buồn bã, nên cùng nhau bàn bạc:

– Nay chúng ta nên tìm thức ăn cúng dường đạo nhân.

Khỉ tìm hái trái cây ngọt, cáo tìm được một túi cơm mạch, rái cá lặn xuống nước bắt cá lớn rồi cùng nhau dâng cho đạo nhân, thỏ suy nghĩ:

– Nay ta phải dùng những thứ gì để cúng dường cho đạo nhân đây?

Nghĩ một hồi rồi nó tự nhủ:

– Nay ta đem thân mạng này cúng dường đạo nhân.

Thế rồi thỏ đi lấy củi đốt làm than rồi đến thưa với đạo nhân:-

Nay con đem thân mạng nhỏ nhoi này nướng trong lửa đỏ để làm thức ăn cúng dường Ngài.

Thế nhưng thỏ nhảy vào thì lửa tắt. Đạo nhân thấy thế cảm động trước tấm lòng nhân ái của thỏ, thương thỏ đạo nhân liền ngăn hành động của nó.

Phật dạy:

– Vị đạo nhân lúc bấy giờ nay chính là Đức Phật Đề-hoà-kiệt, thỏ nay là thân ta, khỉ là Xá-lợi-phất, cáo là A-nan, rái cá là Mục-kiền-liên.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển hạ)

11.2. KHỈ DÂNG MẬT CÚNG DƯỜNG

Bấy giờ, Đức Thế tôn cùng với các Tỳ-kheo thọ trai ở nhà Bàla-môn Sư-chất xong, Ngài cùng tăng đoàn trở về Kỳ-xà-quật, rửa bát bên cạnh dòng sông. Trong rừng cây Am-la có con khỉ, nó đi và gặp cội cây có tổ ong, trong tổ có mật nóng nhưng không có ong. Khỉ đến thưa với Tôn giả A-nan cho mình mượn bát của Phật để đến lấy mật. A-nan không chịu đưa, Phật bảo Tôn giả đưa bát cho khỉ. Khỉ mượn được bát (trong luật Di-sa-tắc ghi là khỉ xin bát của Phật) đựng đầy bát mật rồi dâng lên cúng dường Đức Thế tôn.

Thế tôn không nhận, bảo nó lấy nước sạch, khỉ không hiểu nguyên do. Phật bảo:

– Trong bát mật có con sâu.

Khỉ liền đến bên dòng nước rồi bỏ bát mật xuống nước cho sâu trào ra rồi đem lên dâng cho Phật. Đức Phật lấy bát mật chia khắp cho chúng Tăng (kinh Hiền Ngu ghi: khi đem nhúng bát xuống nước thì sâu tự nổi lên. Luật Di-sa-tắc cũng ghi: khi nhúng bát mật xuống nước thì sâu tự bỏ đi). Thấy Phật thọ dụng, khỉ vô cùng vui mừng, nhảy nhót và rơi xuống hầm rồi chết. Khỉ chết đầu thai vào vợ của Bà-la-môn Sưchất, sau đó bà sanh ra đứa bé trai khôi ngô (luật Di-sa-tắc nói Khỉ sanh lên tầng Trời thứ ba mươi ba, về sau sanh trong cõi người, chứng quả A-la-hán).

Đức Phật bảo:

– Quá khứ, vào thời Phật Ca-diếp có vị Sa-môn trẻ thấy vị A-lahán nhảy qua một con kênh có nước, ông ta bảo A-la-hán: ông nhảy nhẹ nhàng như khỉ.

Vì lời nói ấy mà năn trăm kiếp phải thọ thân khỉ.

(Trích kinh Hiền Ngu quyển 12, luật Di-sa-tắc quyển 10, luật Tăng Kỳ quyển 19)

11.3. KHỈ LÀM THẦY CỦA NĂM TRĂM TIÊN NHÂN

Đức Như Lai vào Niết-bàn tại nước Ma-thâu-la, khoảng một trăm năm sau, bên cạnh núi Ưu-lâu-mạn-đà có năm trăm vị Duyên giác đang tu tập, bên kia núi có năm trăm vị tiên và một bên lại có năm trăm con khỉ. Khỉ chúa đến chỗ của năm trăm vị Duyên giác tu tập, thấy vậy nó sanh lòng hoan hỉ, lấy hoa quả cúng dường các Ngài, đảnh lễ và ngồi vào cuối hàng trong tăng chúng, ngày nào cũng như thế.

Không bao lâu, vị Duyên giác trưởng lão vào Niết-bàn, khỉ vẫn tiếp tục cúng dường như cũ nhưng những vị Duyên giác không thọ nhận, nó liền nắm áo, lay chân của quý Ngài nhưng không động đậy. Khỉ thầm nghĩ:

– Các vị này đã vào Niết-bàn cả rồi.

Nghĩ vậy, nó buồn quá khóc lóc rất áo não. Bấy giờ nó đến chỗ năm trăm vị tiên nhân, các vị này tu khổ hạnh, nằm trong gai góc, nó cũng nằm trong gai góc. Tiên nhân lại dời đến nằm ở chỗ tro đất, khỉ cũng đi theo. Các tiên nhân dùng lửa đốt thân, khỉ cũng làm theo họ. Tiên nhân dùng tay đu cây treo mình như khỉ rồi buông tay để rơi xuống đất. Khỉ ở trong chúng tiên nhân thường dạy họ thực hành bốn oai nghi, hướng dẫn xong, nó lại ngồi toạ thiền ngay ngắn ở chỗ của các vị tiên nhân và bảo họ:

– Tất cả các vị nên ngồi như thế này mới đúng.

Bấy giờ, các tiên nhân theo khỉ toạ thiền, các vị tiên không có thầy thuyết pháp, tự mình quán chiếu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tư duy chứng được Duyên giác. Họ đều nghĩ thầm:

– Chúng ta chứng được Thánh đạo là nhờ khỉ.

Thế rồi họ đem thức ăn đồ uống cúng dường khỉ, khi khỉ lâm chung, các tiên nhân này dùng gỗ thơm để trà tỳ cho khỉ.

Đây là lời Đức Phật huyền ký cho A-nan: con khỉ đó chính là Ưuba-cấp-đa, tuy thọ thân trong đường ác mà làm được nhiều điều lợi ích cho chúng sanh. Hơn một trăm năm sau khi ta vào Niết-bàn sẽ có những sự việc trên.

(Trích khi A-dục Vương quyển 6)

11.4. KHỈ BẮT CHƯỚC LA-HÁN XÂY THÁP PHẬT

Bấy giờ, Đức Phật ở tại nước La-duyệt-kỳ, Ngài bảo La-hán Tumạn đem tóc, móng tay của Phật đến ngọn núi phía nam nước Kế-tân để xây tháp chùa Phật. Trong đó thường có năm trăm vị La-hán ở, sớm tối thắp hương lễ bái. Bấy giờ trong ngọn núi có năm trăm chú khỉ thấy các vị tu sĩ cúng dường chùa tháp, chúng liền dẫn nhau đến bên khe suối sâu, khiêng vác những tảng đá và bùn đất đem lên tập xây tháp chùa Phật, sau đó dựng cây, dùng lá lợp chùa, xé phướng buộc đầu, ngày đêm lễ bái giống như các tu sĩ. Bấy giờ nước trong núi dâng đầy, năm trăm con khỉ này cùng lúc bị chết trôi, thần thức được sanh lên cõi Trời Đao-lợi thứ 2, có cung điện bảy báu, ăn mặc tự nhiên. Chúng Trời thấy thế thầm nghĩ;

– Chúng ta vì sao được sanh vào cõi Trời này?

Chúng Trời liền dùng thiên nhãn quán sát lại thân cũ, biết mình là loài khỉ nhờ bắt chước làm chùa tháp, lễ Phật nên sau khi chết được sanh lên cõi Trời. Chúng Trời nghĩ:

Giờ đây, chúng ta nên xuống báo đáp ân của thi thể cũ. Thế là họ cùng nhau xuống rải hoa thơm, kỹ nhạc hát xướng, đốt hương cúng dường nhiễu quanh thi thể cũ suốt cả bảy vòng. Lúc ấy trong núi có năm trăm vị Bà-la-môn, học theo ngoại đạo tà kiến, không tin tội phước, thấy các vị tiên nhân rải hoa cúng dường, thổi nhạc nhiểu quanh thi thể của khỉ, họ lấy làm lạ bèn đến hỏi:

– Chư thiên sáng chói vời vợi như thế tại sao lại hạ mình cúng dường những thi thể đó?

Chư thiên đáp:

– Những thi thể này là thân cũ của chúng ta.

Rồi họ thuật rõ việc xưa, nhờ vào phước nhỏ ấy mà được sanh lên cõi Trời, nay rải hoa để cúng dường đáp đền ân của thân cũ, học làm chùa tháp theo mà được phước như thế, nếu như chí tâm cúng dường Phật thì công đức ấy khó mà thí dụ được. Các vị theo tà kiến không tin những lời chân thật, trăm kiếp nhọc nhằn mà chẳng được chút gì, chẳng bằng cùng nhau đến núi Kỳ-xà-quật đảnh lễ cúng dường Thế tôn được phước vô lượng.

Bấy giờ, tất cả Chư thiên và năm trăm vị Bà-la-môn này vui mừng cùng nhau đến chỗ Đức Thế tôn, gieo mình làm lễ, rải hoa cúng dường. Các thiên nhân bạch Phật:

– Chúng con ở đời, gần đây là thân khỉ, nhờ ân của Thế tôn mà con được sanh lên cõi Trời, hận vì không gặp được Phật, nay chúng con đã gặp được Ngài, xin được đảnh lễ quy y Tam bảo.

Rồi họ lại bạch Phật:

– Bạch Đức Thế tôn, xin Ngài nói rõ đời trước chúng con làm những tội nghiệp gì mà phải thọ thân khỉ. Tuy cất chùa tháp, lễ Phật mà thân vẫn bị chết trôi.

Đức Phật bảo các tiên nhân:

– Mọi chuyện chẳng phải từ không mà có, vào thời quá khứ có năm trăm thiếu niên Bà-la-môn muốn vào trong núi sâu để cầu học đạo tiên. Trên núi đó có vị Sa-môn muốn cất một ngôi Tinh xá bằng đất bùn. Bấy giờ ông xuống núi lấy nước, thân hình nhẹ nhàng như bay. Năm trăm Bà-la-môn nay sanh lòng ganh ghét đồng cất tiếng cười chế giểu ông ta.

– Vị Sa-môn này từ trên núi xuống chân khe để lấy nước, bước đi nhẹ nhàng nhanh nhẹn hơn khỉ, thật là kì lạ.

Sa-môn không ngừng đi lấy nước như thế để đem lên núi, không bao lâu vì kiệt sức mà chết.

Phật dạy:

– Này các tiên nhân, vị Sa-môn từ trên núi xụống suối lấy nước nay chính là ta. Năm trăm thiếu niên Bà-la-môn bấy giờ nay chính là năm trăm chú khỉ, vì cười chế giểu nên mắc phải quả báo thọ thân trong loài khỉ.

Đức Phật nói kệ:

Cười đùa chế giễu
Thọ báo lầm than.

Năm trăm thiên nhân nghe Phật nói xong liền chứng quả Tu-đàhoàn. Năm trăm Bà-la-môn kia nghe Phật nói quả báo tội phước như thế nên tự mình than thở:

– Chúng ta học đạo tiên đã nhiều năm mà chưa có được kết quả gì, chẳng bằng khỉ làm phước cho vui mà được sanh lên cõi Trời, công đức của Đức Phật tuyệt vời.

Thế rồi họ cùng nhau lễ Đức Thế tôn, cầu xin làm đệ tử Ngài.

Đức Phật nói:

– Thiện lai Tỳ-kheo!

Lập tức họ trở thành những bậc Sa-môn, do tinh tấn tu tập nên sớm chứng được quả vi giải thoát.

(Trích kinh Pháp Cú quyển 1)

11.5 CÔNG ĐỨC TOẠ THIỀN

Xưa có đạo nhân ngồi tụng kinh thiền toạ dưới gốc cây, có một con khỉ ở trên cây bắt chước ông, bất ngờ rơi xuống đất, chết sanh lên cõi Trời.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ).

11.6 KHỈ ĐÙA GIỠN VỚI NÔ TỲ

Xưa có vị quốc vương nuôi một con khỉ, tối ngày nó cứ đùa giỡn lộn với bọn nô tỳ. Có vị Phạm chí tâu vua:

– Xin bệ hạ hãy tách con khỉ này với những người nô tỳ ra!

Vua bảo:

– Có chỗ nào thích hợp nữa mà khiến chúng tách riêng!

Hôm sau, nô tỳ bưng mâm cơm và tay cầm thêm cái gậy từ ngoài đi vào. Khỉ thấy mặt nô tỳ lập tức chạy đến đùa giỡn. Nô tỳ tức quá liền vung chân, dùng gậy đánh nó. Khỉ bị đánh té vào trong lửa nên bộ lông của nó cháy hết. Nó vội chạy vào trong đống củi, lửa cũng theo nó cháy lan đến nhà cửa cung điện, kho báu đều trở thành tro bụi. Bấy giờ nhà vua mới hiểu được lời của Phạm chí nói.

(Trích kinh Di Hầu Dữ Tỳ Cộng Hí Trí Biến)

12. THỎ: THỎ CHÚA BỐ THÍ THÂN

Ngày xưa, trong rừng có con thỏ chúa cùng đồng bọn vui chơi, ăn trái cây, uống nước suối. Thỏ thường hành bốn tâm bình đẳng từ bi hỉ xả, dạy cho quyến thuộc của mình đều sống nhân hoà hiền thiện, không làm các điều ác, hẳn thoát được thân này sanh vào thân người mới có thể thọ pháp. Quyến thuộc của thỏ chúa nghe dạy như thế thì vô cùng vui mừng, tất cả đều tuân theo.

Bấy giờ, trong rừng có vị tiên nhân, một mình hành đạo, ăn trái cây uống nước suối, chưa từng buông thả bốn tâm vô lượng, siêng năng tu tập tụng kinh, âm thanh thanh thoát, hoà nhã, ai nghe cũng vui vẻ. Thỏ chúa dẫn quyến thuộc đến gần chỗ của Ngài, lắng nghe tụng kinh, trong lòng phấn khởi không biết chán. Thỏ chúa và quyến thuộc cùng nhau hái trái cây cúngdường tiên nhân. Cứ thế trải qua nhiều năm tháng. Vào năm nọ, khi mùa đông đến, vị tiên nhân muốn trở về với nhân gian. Thỏ chúa thấy vậy vô cùng buồn bã, lòng luyến nhớ không muốn xa tiên nhân. Nó mới hỏi Ngài đi nơi nào, hãy ở lại đây ngày ngày chúng tôi được gặp mặt Ngài mới cảm thấy vui vẻ, đói khát quên ăn như nương tựa vào cha mẹ, xin Ngài ở lại đừng đi!

Tiên nhân đáp:

– Tôi có bốn đại phải giữ gìn cẩn thận, nay mùa đông đến, trái cây đã hết, nước trong núi đã đông cứng, không có hang sâu để cư trú, vì vậy tôi muốn rời nơi chốn này, trở về với nhân gian, khất thực để sống, ở trong Tinh xá. Qua mùa đông lạnh chúng ta lại gặp nhau, đừng nên áy náy.

Thỏ chúa đáp:

– Quyến thuộc của chúng tôi sẽ đi tìm trái cây, gần xa sẽ kiếm đủ cung cấp cho Ngài, xin Ngài hạ cố thương xót mà nghĩ lại. Giả sử Ngài ra đi rồi thì chúng tôi luyến nhớ, có khi sống không nổi. Nếu như không có đủ thức ăn cung cấp cho Ngài thì tôi xin đem thân này cúng dường cho Ngài dùng.

Tiên nhân thấy vậy cảm thương nên thầm nghĩ:

– Lòng thỏ chân thành quá, ta phải làm sao?

Tiên nhân đốt lửa phía trước có than hồng, thỏ chúa thầm nghĩ:

– Đạo nhân vì ta nên im lặng.

Nó liền nhảy vào trong lửa, lửa bốc mạnh, đạo nhân tìm cách cứu nhưng khi tìm ra thân nó thì đã cháy rụi mất. Sau khi chết, thỏ sanh lên cõi Trời Đâu Suất, làm thân Bồ-tát, công đức vòi vọi, oai thần cao tột. Tiên nhân thấy thỏ vì đạo mà không tiếc thân mạng, lòng thương xót tự trách mình nên tuyệt thực không ăn, cùng lúc thác sanh lên Trời Đâu Suất.

Phật dạy:

– Thỏ chúa bấy giờ nay chính là ta, tiên nhân ấy chính là Phật Định Quang.

(Trích kinh Sanh quyển 3, 4 và kinh Thố Vương)

13. CHỒ:

CHỒN NUỐT CHUỘT, CHUỘT ĂN RUỘT CHỒN

Vào thời quá khứ có một con chồn đói khát gầy yếu, ở trong hang rình bắt chuột con. Một hôm, chuột vừa ló ra thì bị chồn nhanh nhẹn chụp nuốt chửng vào bụng. Thân chuột còn nhỏ nên chạy tuột vào bụng chồn cắn hết nội tạng của nó, chồn đau quá vật vã chạy khắp nơi cho đến chết.

Phật dạy:

– Kẻ tu hành ngu si, không khéo giữt thân tâm, bị nữ sắc mê hoặc nên phải chết oan uổng.

(Trích kinh A-hàm quyển 47)

14. CHUỘT

14.1. CHUỘT CỨU MẠNG VUA TỲ XÁ LY

Phật dạy:

– Ca-la-đà là chuột núi, bấy giờ vua nước Tỳ-xá-ly dẫn các cung

nữ vào rừng dạo chơi. Khi vua mệt mỏi, nằm nghỉ và thiếp đi dưới gốc cây. Các kỹ nữ tản nhau dạo chơi khắp nơi. Bấy giờ dưới cội cây có một cái hang có một con rắn độc lớn, nó ngửi mùi hôi rượu của nhà vua nên nó bò ra định cắn vua, chợt trên cây có con chuột chạy xuống đánh thức vua dậy nên rắn lại thụt vào. Nhà vua thức dậy rồi lại ngủ tiếp, rắn lại bò ra. Chuột thấy vậy nên chạy xuống kêu ríu rít để đánh thức nhà vua dậy. Khi vua tỉnh dậy, thấy rắn độc thì hoảng hồn, kêu cứu nhưng các kỹ nữ lại không có ai.

Nhà vua ngồi nghiệm lại:

– Ta nay sống sót là nhờ ân của chuột.

Ông nghĩ muốn báo ân, lúc ấy bên canh núi có một thôn xóm nhỏ, nhà vua đến đó lạnh cho mọi người trong thôn:

– Kể từ nay trở về sau, những bổng lôc thôn xóm cống nộp cho ta đều chuyển cung cấp cho chuột. Do con chuột này nên thôn ấy có tên là Ca-lan-đà.

Trong thôn có vị trưởng giả giàu có, tiền vàng bốn ức, nhà vua liền sắc phong trưởng giả. Do đó thôn này có tên là trưởng giả Ca-lanđà.

(Trích luật Thiện Kiến Tỳ-bà-sa quyển 6)

14.2. CHUỘT ĂN TRÔM BỊ MẮC HỌA

Xưa có nhà trưởng giả nọ đem bình sữa để trên lầu cao nhưng đậy không kính, chuột chui vào bình uống sữa suốt cả đêm. Nó uống sạch bình sữa nên thân thể của nó phình to ra, vì thế mà nằm chật cứng trong bình, hình dáng giống màu sữa. Lúc đó có người đến mua sữa, trưởng giả lấy bình sữa ra đặt trên lửa để hâm nóng. Chuột bị mắc kẹt nên chết trong bình và chảy ra thành sữa, trưởng giả đem bán cho người mua. Trưởng giả dùng đồ rót sữa ra, xương chuột chìm dưới đáy bình, đầu, xương, chân của chuột mỗi thứ mỗi đường. (Trích kinh Cam Lồ Đạo)