KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 43

 

1. DÂNG THẦN CHÂU CÚNG PHẬT

Ngày xưa có người thương buôn tên Ba-lợi cùng với năm trăm người bạn vào trong biển tìm châu báu. Thần biển hiện lên rồi lấy tay vốc nước hỏi Ba-lợi:

-Ngươi xem nước biển nhiều hay là nước trong lòng bàn tay ta nhiều?

-Nước trong lòng bàn tay nhiều, tại sao? vì nước biển tuy nhiều nhưng không có lợi ích gì, không thể cứu người qua cơn đói khát được. Nước trong lòng bàn tay tuy ít nhưng khi gặp đói khát thì nó có thể cứu được mạng sống của con người, đời đời hưởng phước không thể tính kể.

Ba-lợi đáp.

Nghe những lời ấy, thần biển rất vui vẻ và khen ngợi lời của Ba-

lợi rất chí lý. Ông liền cởi đồ trang sức gồm tám loại hương thơm làm bằng bảy báu trên thân ra trao cho Ba-lợi và tiễn đưa ông ta an toàn về đất liền. Về đến nước Xá-vệ, Ba-lợi đem chiếc áo thơm dâng lên cho vua Ba-tư-nặc, trình bày rõ nguyên do và mong nhà vua nhận lấy. Có được anh lạc thơm nhà vua cho là vật quý hiếm, liền gọi các phu nhân ra xếp hàng trước mặt mình, nếu người nào đẹp nhất thì lấy anh lạc thơm nhất tặng họ, sáu muôn phu nhân đều lấy làm trang sức bước ra. Nhà vua hỏi Mạt-lợi phu nhân sao không ra trình diện. Người hầu đáp:

-Tâu đại vương, hôm nay là ngày rằm, phu nhân đang giữ giới của Phật, mang y phục thô sơ, không trang điểm nên không ra trình diện.

Nghe vậy, nhà vua nổi giận, sai người mời phu nhân ra bảo, nhưng vì hôm nay là ngày trai giới nên bà phải không theo lệnh của nhà vua.

Nhà vua cho người gọi ba lần, Mạt-lợi phu nhân đành phải mặc y phục thô sơ bước ra. Với thô sơ đó, đứng giữa mọi người chẳng khác nào như vầng nhật nguyệt, xin đẹp bội phần. Thấy thế nhà vua sững người ra và thêm phần kính trọng, hỏi:

Hôm nay nàng có oai đức gì mà sáng đẹp rực rỡ khác thường vậy?

-Tiện thiếp nghĩ mình phước đức kém cỏi, tư chất của hàng nữ hân không được trong sạch, đêm ngày tội lỗi lại chất chồng, mạng người ngắn ngủi, sợ phải rơi vào ba đường khổ, vì vậy hàng tháng vâng giữ trai giới của Phật, xa lìa ân ái, tu tập chánh pháp, cầu mong đời đời có được phước đức. phu nhân trả lời.

Nghe những lời ấy xong, nhà vua vui mừng, liền lấy anh lạc thơm trao cho phu nhân Mạt-lợi.

phu nhân liền nói:

-Mong đại vương thông cảm, hôm nay thần thiếp giữ gìn trai giới nên không nhận được vật này, đại vương đem cho người khác.

Nhà vua nói:

-Ta vốn có ý cho người đẹp nhất, hôm nay ở trong đây khanh là người đẹp nhất lại vâng giữ giới pháp, chí đạo cao vời, vì vậy ta mang tặng cho ái khanh, nhưng nếu khanh không nhận thì ta sẽ mang cất. phu nhân thưa:

-Đại vương đừng buồn, xin Đại vương cùng thần thiếp đến chỗ của Phật và dâng anh lạc này lên cúng dường đức Phật. Đựơc Ngài nhận cho và ban những lời Thánh huấn thì chúng ta sẽ được phước muôn đời.

Nhà vua bằng lòng và sai sửa soạn xe giá đến chỗ đức Phật. Đến nơi, nhà vua đảnh lễ đức Thế tôn xong rồi đứng qua một bên bạch Phật:

-Bạch đức Thế tôn, châu anh lạc của thần biển được Ba-lợi dâng tặng, sáu muôn phu nhân ai cũng muốn có đựơc, riêng Mạt-lợi phu nhân cho mà không lấy, giữ gìn giới pháp, không khởi tâm ham muốn, nay ân cần dâng lên cúng dường đức Thế tôn, xin Ngài rũ lòng thâu nhận. Đệ tử của Ngài giữ tâm kiên cố, tính tình thẳng thắn như thế há chẳng phải là phước đức hay sao? Xin Ngài hoan hỉ nhận chuỗi anh lạc này.

Đức Phật liền nói kệ:

Tạo nhiều hoa báu
Kết nhiều phước báu
Rộng chứa hương đức
Đời này tướng hảo
Gần đạo nghe pháp
Đức hạnh ngát hương
Tuy là chân hương
Sao bằng hương giới.

(Trích kinh Pháp Cú Thí Dụ quyển 12)

2. HAI ANH EM THIỆN CẦU VÀ ÁC CẦU

Ngày xưa trong vùng Tát-bạc thuộc nước Ba-la-nại, trong cõi Diêm-phù-đề có người tên Ma-ha-gia-di. Từ khi vợ của ông ta mang thai đột nhiên tánh tình của bà ngày càng nhân từ, dịu dàng, hoà nhã. Đến ngày khai hoa, sanh được một người con trai, khôi ngô tuấn tú, hai ông bà vô cùng vui mừng, bày tiệc khoản đãi bà con xóm giềng và các thầy tướng cùng nhau vui chơi. Vợ chồng bồng bé trai ra để cho mọi người thấy và cùng đặt tên cho bé.

Thầy tướng hỏi:

– Khi bà nhà mang thai bé có điềm gì không?

– Vợ tôi khi mang thai cháu thì đột nhiên rất hiền lành. Người chồng thưa.

Thế là thầy tướng liền đặt tên cho cháu là Thiện Cầu. Lớn lên, cậu bé thích làm những điều phước thiện, hay thương xót chúng sanh. Không lâu, người vợ lại mang thai, ngày tháng đã đến bà sanh thêm một bé trai, nhưng bé trai này thì ngược lại, mặt mày xấu xí, thấy tướng hỏi:

– Lúc mang thai bé có điềm gì xảy ra không?

– Lúc mang thai, mẹ bé tự nhiên cộc cằn thô lỗ. Người chồng đáp.

Thế là thầy tướng liền đặt tên cho cậu bé là Ác Cầu. Lớn lên, cậu bé này thích làm những việc ác, thường có tâm tham lam tật đố.

Khi trưởng thành, cả hai anh em dẫn nhau vào biển để tìm châu báu, mỗi người có năm trăm người theo hầu, đường xa diệu vợi, giữa đường lại thiếu lương thực. Trải qua bảy ngày, cái chết gần kề, Thiện Cầu và các người thương buôn cùng nhau thành tâm cầu nguyện chư thần cứu giúp để thoát khỏi cơn đói hiểm. Họ cùng nhau đến một đầm vắng, nhìn xa xa có một cội cây, cành lá xum xuê, họ đi về hướng đó bỗng gặp một con suối, mọi người cùng nhau khẩn cầu, thần cây xuất hiện, bảo:

– Các con hãy bẻ lấy một cành cây thì mọi thứ cần dùng đều hiện ra.

Thế là mọi người cùng nhau vui mừng, một cành cành cây được bẻ xuống, nước ngọt ở trong cây chảy ratràn trề, bẻ cành thứ hai thức ăn hiện ra đủ cả trăm mùi, mọi người đều cùng nhau ăn uống no say. Chăt nhánh thứ ba, y phục tốt đẹp hiện ra. Chặt nhánh thứ tư, các thứ báu vật hiện ra đủ cho người dùng.

Ác Cầu đến sau thấy vậy liền cùng nhau làm như trước, tất cả đều được no đủ. Ác Cầu thầm nghĩ:

– Hiện tại, trên mấy cành cây này mà có thể hiện ra đủ các thứ tốt đẹp huống gì là gốc của nó? Giờ mình đem chặt nó thì hẳn nhiên có đủ các thứ báu tuyệt vời.

Thế rồi, Ác Cầu liền sai người chặt gốc cây ấy, Thiện Cầu nói với em:

– Chúng ta đói khát, nay nhờ ân cây mà được sống sót, sao em lại muốn chặt nó đi?

Ác Cầu không nghe theo lời của anh, quật ngã gốc cây. Thấy vậy, Thiện Cầu thương xót không nỡ nhìn thấy cây bị đốn ngã, mới dẫn mọi người về nhà. Ác Cầu vừa đốn ngã cây thì bị năm trăm La-sát xuất hiện, bắt lấy anh ta và mọi người thương buôn ăn thịt. Thế là tài sản tiêu tan sạch.

Phật bảo A-nan:

Thiện Cầu ngày xưa nay chính là ta, cha mẹ thuở ấy là vua cha Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma-da, Ác Cầu nay chính là Đề-bà-đạt-đa. Thuở xưa ta cùng Đề-bà-đạt-đa thường gặp nhau, ta thường đem pháp làm khuyên bảo nhưng ông ta không nghe mà còn xem ta là oán hận nữa.

(Trích kinh Hiền Ngu quyển 9)

3. SƯ TỬ CÓ TRÍ NÊN THOÁT ĐƯỢC NẠN LA SÁT

Ngày xưa, trên cõi Diêm-phù-đề có rất nhiều thương buôn cùng nhau vào trong biển lớn để tìm châu báu. Một hôm họ gặp phải sóng gió dữ dội, thổi mạnh làm hư thuyền lớn. Trong số thương buôn, có một toán người bám theo chiếc thuyền hư, theo gió trôi lạc vào nước Lasát, các La-sát nữ xinh đẹp cùng nhau tiến ra để đón tiếp những người thương buôn, và bảo:

-Ở đây có nhiều thứ trân báu, minh châu, các vị cứ tự nhiên lấy dùng. Chúng tôi không chồng, các vị không vợ, vậy thì ở lại đây cùng với chúng tôi vui chơi lạc thú.

Sau đó họ gặp được ngọn gió lành nên cùng nhau trở về nhà. Các La-sát bảo:

– Các anh phải biết, nếu thấy bên trái có một con đường thì cẩn thận chớ đi vào.

Trong nhóm các vị thương gia có một người có trí tuệ nói với mọi người:

– Những lời nói của các người nữ này chúng ta không nên nghe theo.

Thế là mọi người theo đường bên trái, đi được vài dặm bỗng nghe bên trong một cái thành có mấy muôn ngàn người kêu gào thảm thiết:

– Tại sao chúng ta lại bỏ Diêm-phù-đề mà đến nơi này chịu chết?

Mọi người nghe tiếng gào thét liền đi vòng quanh thành quan sát thì thấy thành sắt kín mít không có cửa thông ra vào. Cách thành không xa thấy có mấy cây Thi-lê-sư, họ cùng nhau đến đó và leo lên cây nhìn vào thì thấy có mấy muôn ngàn người liền lên tiếng hỏi vọng vào:

– Các ngươi là ai, sao kêu gọi cha mẹ cùng anh em vậy?

Người trong thành đáp:

– Chúng tôi vào biển tìm châu, chẳng may bị gió thổi trôi dạt vào đây, lại bị La-sát nữ ép uổng, nhốt vào lao ngục. Trước đây gồm có năm trăm người, bị bọn quỷ La-sát giết dần giờ còn lại phân nửa. Các ông chớ cho họ là người, chúng chính là bọn quỷ La-sát đó.

Người này tuột xuống cây rồi kể lại cho mọi người cùng nghe. Và bảo:

– Chúng ta cùng nhau trở về nhà rồi tìm phương kế, giờ ý của các anh em như thế nào?

Mọi người nói:

– Tối qua sao anh không hỏi lại họ, những người ấy có phương kế gì không để mọi người cùng nhau trở về nhà được yên ổn vô sự không?

– Tối nay tôi sẽ đến hỏi lại thử xem. Người trí đáp.

Đợi đến lúc bọn quỷ La-sát ngủ, người trí mới leo lên cây và hỏi mọi người trong thành:

– Có phương kế gì hay có thể cứu các anh và cũng giúp cho mọi người được trở về cõi Diêm-phù-đề không?

– Chúng tôi mỗi khi sanh khởi một niệm muốn trở về thì thành sắt này lại hoá mấy lớp bao quanh, không thể hư hoại, ngày nào cũng có người chết, không ai thoát khỏi, chỉ có Ngài là người bên ngoài có thể tìm ra phương tiện khéo léo để thoát khỏi chốn này mà trở về quê hương. Vào sáng sớm ngày rằm có một con ngựa thần từ cõi Uất-đơnviệt bay đến cõi này, dừng ở trên đỉnh núi cao, ngựa thần tự hí kêu: ai muốn trở về cõi Diêm-phù-đề, thì lúc ấy các Ngài nên đến đảnh lễ và cầu xin được trở về quê hương.

Người trí này trở về thuật rõ cho mọi người cùng nghe, mọi người đều lên tiếng hỏi hôm nay đã đi được chưa?

Người ấy đáp:

– Hãy đợi ngày rằm có ngựa thần đến thì chúng ta mới đi được.

Mấy ngày sau thì ngựa thần liền đến, nghe ngựa hí, mọi người cùng nhau chạy đến đảnh lễ ngựa thần và nói:

– Chúng tôi đều mong muốn trở về quê hương, xin Ngài hãy giúp chúng tôi.

– Các vị hãy chú tâm mà nghe theo lời của ta. Ngựa thần nói: những ai muốn trở về quê nhà thì hãy nhiếp tâm chuyên chánh ắt sẽ được trở về, còn như tâm không chân chánh thì không có cách nào về được. Vì sao? Vì khi các vị trở về thì các cô gái đó mỗi người sẽ bồng theo một đứa con trai hay con gái đuổi theo sau các vị, kêu gào khóc lóc, nếu lúc đó các vị sanh tâm quyến luyến, giả sử các vị ở trên lưng ta cũng không thể đi được. Nếu bỏ được tâm thương yêu, một lòng chuyên chú, không mãy luyến lưu thì chỉ nắm lấy một sợi lông của ta cũng có thể về đến nhà.

Bấy giờ bọn nữ quỷ La-sát biết được liền lên tiếng:

– Chàng thật sự có thể bỏ rơi kẻ hèn mọn này nhưng làm sao nỡ bỏ con cái của chúng ta?

Thế rồi các cô dạy con đến ôm cổ cha kêu gào khóc lóc:

– Nay cha muốn bỏ các con để đi đâu?

Những người buôn, tâm còn luyến ái đều không thể về nhà được, chỉ có một vị đại trí sư tử an ổn trở về. Bấy giờ bà vợ La-sát bế con đuổi theo sư tử, nói với người trong xóm:

– Sư tử này là chồng của tôi, cùng chung sống với tôi sanh được hai người con, một trai một gái, giờ đây ông ta bỏ trốn không biết về đâu.

Nghe xong, mọi người đều hỏi sư tử:

– Chúng tôi thấy vợ của ông dung mạo xinh đẹp tuyệt vời, con cái của ông đáng thương như thế, nỡ nào ông lại bỏ chúng?

– Cô ta chẳng phải người mà là quỷ La-sát, Sư tử đáp. Chúng sống trong biển, giết vô số thương buôn để ăn thịt không thể kể hết. Tất cả mấy trăm người bạn của tôi nay bị bọn chúng nhốt trong thành sắt, chỉ có một mình tôi may mắn được thoát khỏi mà thôi, nay nữ La-sát này đuổi theo tôi là muốn bắt ăn thịt, tôi sợ rằng không thoát khỏi.

Vừa nói ông vừa chạy về phía trước, khi về đến nhà rồi quỷ La-sát ấy vẫn theo. Nó đem chuyện tâu vua:

– Tôi và sư tử kia đã kết hôn làm vợ chồng, đã sanh được hai đứa con, hi vọng sau này có thêm sức mạnh, chẳng phải mưu tính gì nhung ngày nay ông ta lại đành vĩnh viễn buông bỏ.

Nhà vua triệu sư tử vào hỏi rõ sự tình, ông trình bày hết mọi chuyện cho nhà vua nghe, vua bảo:

Nếu như khanh không cần thì thôi để cho ta.

– Cô gái đó chẳng phải là người, sư tử đáp. Nó là loài quỷ La-sát, thần đã nói rõ ràng, về sau chớ bắt tội thần. Ông lại quay sang nói với các quan hầu cận:

– Con quỷ này đến đây ắt sẽ gây thêm tổn hại, hiện giờ nhà vua không tin lời tôi, muốn thâu nhận vào cung cấm, như thế thì không lâu đại vương và tất cả người trong cung sợ bị nó tiêu diệt sạch.

Nghe thế, nhà vua nỗi giận mắng sư tử:

– Dung mạo của cô gái này như ngọc nữ trên Trời, thế sao ngươi lại gọi đó là quỷ La-sát. Bây đâu hãy lôi hắn ra ngoài để ta chiêm ngưỡng nàng ấy.

Nhà vua đưa nữ quỷ La-sát vào cung cùng ngủ một đêm, Trời đã sáng, đến giờ điểm tâm mà cửa vẫn chưa mở. Các quan cùng nhau bàn bạc:

– Đại vương nay có người đẹp mới, hẳn cùng nhau say đắm tận hưởng thú vui nên đến giờ vẫn chưa mở cửa thôi.

– Chẳng phải như lời người nói đâu, sư tử nói: Chắc chắn nhà vua, các phu nhân thể nữ đều bị quỷ La-sát ăn thịt cả rồi, vì vậy không mở cửa được.

Thế rồi mọi người bắc thang cao leo vào thành, thấy xương cốt chất đầy mấy gian nhà, các quan trách mắng sư tử:

– Chính ông mang quỷ La-sát về giết vua, làm cho nước mất vua, cung điện trở nên hoang tàn, giờ ông muốn gì đây?

-Trước đây tôi đã nói thật, đã có giao ước là sau này chớ oán trách tôi, giờ sao các ông lại trách?

Các quan và dân chúng bước tới thưa:

– Đại vương giờ đã mất rồi, ngai vàng chưa có người kế vị, xin sư tử hãy lên ngôi vua để trị vì thiên hạ.

Sư tử nói:

– Nếu như đã tôn tôi lên làm vua thì tất cả hãy nghe theo lệnh của tôi.

Mọi người đều hưởng ứng.

Vua bảo các quan:

Chúng ta nay tập hợp binh lính kéo vào biển khiêu chiến, giết sạch bọn La-sát, sau đó phá núi thành sắt để cứu người. Theo pháp thường lệ của quốc gia, nếu ai không quy y Tam bảo sẽ đuổi ra núi phía tây cho quỷ ăn thịt.

Từ đó đến nay Phật pháp hưng thịnh, người chứng đạo rất nhiều, cho nên nói những người có lòng tin Phật như thế, khiến cho chúng sanh được an ổn, tất cả đều nhờ ngựa thần.

Lại nữa, nghi thức thường lệ của nước ấy, khi quốc vương sanh con, hoặc là mười đứa, hoặc trăm đứa cho đến vô số, tất cả đều phải tu tập, tụng kinh Phật đầy đủ Ba tạng rồi mới thôi đạo để lên ngôi vua. Những người không đọc kinh sách thì không được đề cử, không được lên ngôi vua.

(Trích kinh Thừa Sự Thắng Dĩ)

4. SỰ TÍCH DI LIÊN

Ngày xưa có năm trăm vị thương buôn, Di Liên là bậc trưởng lão lãnh đạo trong nhóm. Một hôm, họ cùng nhau dong thuyền vào biển chạm phải cá Ma-kiệt nên thuyền bị phá vỡ, năm trăm thương buôn đều chết chìm, riêng Di-Liên vớ được tấm ván thuyền nên được sóng sót. Ông ta vì đề phòng cá ăn thịt mình nên đã cho ván trôi theo hướng Đông Tây, vào bờ Tỷ-ma. Bấy giờ ông thấy một con đường tắt nhỏ nên bước vào đó, chợt thấy một thành quách làm bằng bạc, cây cối ngút Trời, xen vào đó có những ao tắm tuyệt đẹp, tường thành vuông vức, có bờ hào vây quanh, bốn người con gái từ trong thành bước ra đón Di-Liên ai cũng có dung mạo xinh đẹp như ngọc, họ cùng cất tiếng:

– Thật nhọc nhằn cho Ngài từ xa hạ cố đến đây, từ lâu lòng đã luôn mong mỏi được găp để cùng hầu hạ Ngài. Nay thành bạc này là vật sở hữu của Ngài, trong thành này có loài cây hạnh lạc, che phủ ngút Trời, có khe suối sông hồ, tắm rửa vui chơi. Trong thành có cung điện bảy báu tên La-mạn, thành làm bằng kim ngân, thuỷ tinh, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ, mời Ngài ở lại đừng đi nơi khác để bốn chị em chúng tôi hầu hạ, sớm tối được cận kề.

Di-Liên liền theo chân các cô vào trong thành, bước lên cung điện bảy báu, thế là họ hằng ngày vui chơi thoả thích. Ơ đó hơn ột ngàn năm, một hôm ông ta suy nghĩ:

– Bốn cô gái này không muốn ta đi đến nơi khác là vì ý gì?

Thế là đợi cho bốn cô gái ngủ rồi, ông trốn ra khỏi cung điện đi về phía trước thì thấy xa xa thấp thoáng một thành quách bằng vàng, cây cối ao tắm đều giống như thành trước. Bên trong có tám cô gái xin đẹp ra mời và nói những lời như trước. Di-Liên cùng các cô gái vui chơi thoả thích, trải qua mấy ngàn năm, ông lại suy nghĩ:

– ay tám cô gái này không muốn ta đi nơi khác là có ý gì?

Như trước, Di-Liên đợi đến lúc mọi người ngủ rồi, ông lén trốn ra khỏi thành. Ông đi về phía trước, xa xa thấp thoáng một thành quách bằng thuỷ tinh, cũng có ao tắm, cây cối như các thành trước, nhưng lại có đến mười sáu cô gái trong thành ra nghinh tiếp, thốt ra những lời như trước. Thế là Di-Liên cùng vui chơi thoả thích đến mấy ngàn năm, rồi ông cũng bỏ thành đó ra đi. Tiếp tục lại gặp một thành lưu ly, ông được ba mươi hai cô gái ra nghinh đón, Di-Liên cùng họ vui chơi cho thoả mãn, qua thời gian mấy ngàn năm, rồi ông cũng lại bỏ ra đi. Tiếp tục đi chợt gặp một thành bằng sắt, trong thành không có người nào ra đón tiếp cả. Ông bước vào cổng thành thì gặp một con quỷ, ông hỏi và đựơc quỷ dẫn vào thành. Trong thành ông nhìn thấy có một người nam tên Câu-dẫn, tự đội bánh xe sắt nónglăn quay trên đầu, ông hỏi nguyên do, người đàn ông kia trả lời:

– Bởi tôi vào các thành vui chơi không biết chán cho nên khiến cho bánh xe sắt nóng quay trên đầu.

Di-Liên nghe và nhớ lại cung điện La-mạn, điện Tiết-mạt, điện Ma-la, điện Phạm-uất-đơn rồi rơi lệ, nói:

– Việc gì ta phải vào trong đó!

Di-Liên liền nói với quỷ vương giữ thành sắt rằng:

– Bánh xe sắt nónglăn quay trên đầu ta biết khi nào mới ngưng?

– Nếu có người nào đến thế thì ông sẽ khỏi. Quỷ vương đáp.

Phật dạy:

– Bánh xe lửa lăn trên đầu ông Di-Liên từ đó về sau trải qua sáu mươi ức vạn năm mới ngừng. Di-Liên lúc bấy giờ nay chính la ta, khi chưa chứng đạo, ta ngu si tắm gội mặc áo mới, chân dẫm lên đầu mẹ nên phải chịu quả báo bị bánh xe sắt nóng lăn quay trên đầu. Một ngày, bốn tháng bát quan trai lòng rất hoan hỷ nên gặp được bốn thành báu, hưởng thụ cả mấy ngàn vạn năm. Vì vậy người thế gian vui hưởng năm món dục cho đến chết cũng thấy chưa đủ, người có tư dục, bất hiếu với cha mẹ, thầy tổ thì sẽ chịu quả báo mang bánh xe lửa lăn quay trên đầu giống như Di-Liên ngày trước vậy.

(Trích kinh Di-Liên và kinh Phước báo)

5. QUẢ BÁO CỦA VIỆC GIẾT HẠI BÍCH CHI PHẬT

Ngày xưa ở nước La-duyệt-kỳ có hai anh em thương buôn, cùng nhau ở chung trong một nhà. Người anh cầu hôn con gái của Trưởng giả làm vợ nhưng cô gái tuổi còn nhỏ không thể theo chồng. Một hôm, người anh cùng các thương buôn đi sang nước khác, nhiều năm không về thăm quê, cô gái tuổi đã lớn, trưởng giả bảo người em trai thương buôn rằng:

– Anh của cậu đi biệt tăm không thấy, giờ cậu có thể lấy con gái của tôi.

Người em đáp:

– Sao có thể làm như thế được?

Trưởng giả nói mãi nhưng người em lòng kiên quyết không xoay chuyển. Thế là trưởng giả dối viết thư từ xa, giả những người khách gửi về nói ngưòi anh đã chết, và ông lại bảo người em:

– Nay anh cậu đã chết rồi cậu tính thế nào?

Người em bèn cưới cô ta làm vợ. Qua một thời gian người vợ mang thai thì người anh từ nơi xa trở về, người em lo sợ chạy đến nước Xá-vệ, dò tìm đến chỗ đức Phật để cầu xin xuất gia. Đức Phật chấp thuận cậu vào trong Tăng đoàn và trở thành Sa-môn tên Ưu-ba-tư, vâng giữ giới luật nên không lâu chứng quả A-la-hán.

Sau khi trở về, biết chuyện, người anh vô cùng giận dữ, muốn tìm đến nước Xá-vệ để giết chết người em, ông ta xuất năm trăm lượng vàng ban thưởng trọng hậu mướn người sát hại người em. Họ cùng nhau lên đường đến Xá-vệ, đến nơi thấy người em đang ngồi thiền thì người giết thuê liền sanh lòng từ, tự hỏi:

– Tại sao ta lại phải giết vị Tỳ-kheo này? nhưng nếu ta không giết thì ông kia lấy lại số tiền của ta.

Thế là người này dương cung bắn Tỳ-kheo nhưng không may trúng phải người anh, người anh vô cùng tức tối, trong chốc lát thì bỏ mạng, thọ thân rắn độc sống trong chốt cửa phòng của người em. Cửa phòng mấy lần đóng mở nên rắn bị chẹt vào khe cửa mà chết. Sau khi bỏ thân rắn lại thọ thân sâu độc nhỏ, ẩn nấp trong phòng của tu sĩ, rồi từ dưới mái ngách cửa rơi trên cổ của Tỳ-kheo, chất độc quá mạnh, Tỳkheo tức thời mạng chung.

Đức Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất:

– Vào thời quá khứ có vị Bích chi Phật ẩn tu trong núi rừng. Lúc ấy có gã thợ săn thường săn bắt cầm thú, vị này thường tìm cách bẩy thú nhưng bị Bích chi Phật làm kinh động đến cho loài thú biết nên thợ săn không bắt được, vì vậy ông nổi giận, dùng tên độc bắn vào Bích chi Phật. Thương xót kẻ thợ săn muốn cho hắn ta sửa đổi sai lầm nên Ngài hiện thần túc. Bấy giờ gã thợ săn sanh lòng kính ngưỡng, sợ hãi, tự trách mình và chí thành sám hối. Bích chi Phật nhận sự sám hối của người thợ săn xong Ngài bị chất độc phát tác mà chết. Do quả báo hại Bích chi Phật nên sau khi mạng chung, người thợ săn phải bị rơi vào địa ngục. Khi mãn địa ngục, năm trăm đời ông đều phải chịu trúng chất độc mà chết, cho đến nay, tuy đã chứng quả A-la-hán nhưng vẫn còn bị sâu độc cắn chết.

(Trích kinh Hiền Ngu quyển 10)

6. TÁT BẠC ĐỐT TAY CỨU CÁC KHÁCH BUÔN

Thuở xưa, trong cõi Diêm-phù-đề, có năm trăm khách buôn cùng nhau đi qua một cánh đồng hoang dã, rồi men theo đường núi vào một hang sâu, trong hang rất tối. Bấy giờ các khách buôn không thấy đường sầu khổ, sợ mất tiền của. Chốn núi rừng nhiều giặc cướp, họ lại càng thêm sợ hãi, thế là đồng tâm, hướng về những vị Trời thần, mặt trăng, mặt Trời, thần núi thần biển mà cầu khẩn, khóc lóc.

Bấy giờ, Tát-bạc vì thương xót tất cả thương buôn, bảo họ chớ nên sợ sệt, tôi sẽ làm ánh sáng rực rỡ soi chiếu cho các anh em.

Tát-bạc liền lấy bạch điệp, tự quấn vào hai cánh tay, rồi dùng dầu tô rưới lên, đốt làm ngọn đuốc soi đường cho đoàn thương buôn đi. Suốt cả bảy ngày đoàn người mới thoát ra khỏi khu rừng tối tăm ấy. Thoát khỏi rồi, các khách buôn vô cùng cảm kích tấm lòng của Tát-bạc, và rất kính quý ông. Mọi người đều bình an trở về vô cùng phấn khởi.

Phật dạy:

– Tát-bạc bấy giờ nay chính là ta, các khách buôn nay chính là năm trăm Tỳ-kheo.

(Trích kinh Hiền Ngu quyển 6)

7. GIỮ GIỚI ĐƯỢC THOÁT NẠN LA SÁT

Ngày xưa, Tát-bạc nghe ở nước ngoài có nhiều thứ châu báu lạ, muốn đến đó để mưu sinh, thế nhưng giữa hai nước thường có nạn quỷ La-sát, không thể qua đó được.

Một hôm, Tát-bạc dạo chơi, nhìn thấy cổng thành phía Tây phố chợ đông đúc, có một vị đạo nhân ngồi trên chiếc giường trống, miệng rao bán năm giới. Tát-bạc ghé lại hỏi năm giới như thế nào? Vị đạo nhân trả lời:

– Giới không hình tướng, trực tiếp miệng thọ tâm trì, đời sau được sanh lên Trời, hiện đời được thoát khỏi nạn quỷ La-sát. Tát-bạc nghe thế thì muốn mua liền hỏi bao nhiêu tiền?

– Một ngàn đồng tiền vàng. Đạo nhân đáp.

Tát-bạc bằng lòng, vị đạo nhân liền truyền trao năm giới cho ông và dặn:

– Ông ra nước ngoài, khi đi sang biên giới gặp phải quỷ La-sát thì ông chỉ cần nói tôi là đệ tử tại gia của Phật Thích Ca là thoát nạn.

Theo lời của Đạo nhân dạy, không bao lâu Tát-bạc đến ranh giới giữa hai nước thì thấy La-sát thân dài một trượng ba thước, đầu vàng như nghệ, mắt đỏ như đinh nung, toàn thân là vi vảy như vảy Lân, miệng há như miệng cá mang trống, ngước lên để đón chim én bay, chân lún đất tới đầu gối, miệng máu nóng chảy, cả bọn mấy ngàn Lasát nắm lấy Tát-bạt, ông nói:

– Tôi là đệ tử năm giới của Phật Thích Ca.

La-sát nghe vậy nhưng nhất quyết không chịu buông, ông liền nắm tay đánh La-sát, nhưng tay ông bị dính chặt trong đám vảy của nó, rút không ra. Ông lại dùng chân đạp vào đầu nó, nhưng chân cũng mắc cứng vào vảy, rút không ra. Đến lúc này năm vóc của ông đều đã dính chặt trong vảy của nó, chỉ còn lưng cữ động được mà thôi.

La sát bảo:

Thân ông và chân tay
Nhất thời đều bị dính
Nếu rút ra sẽ chết
Không cách nào thoát được.

Tát-bạt vẫn kiên trì, nói với La-sát:

Thân và chân tay ta
Nhất thời tuy bị dính
Nhiếp tâm như vàng đá
Quyết không chết vì ngươi.

La-sát nói tiếp:

Ta là chúa loài quỷ
Dù người nhiều sức mạnh
Trước giờ bị ta ăn
Không thể nào đếm hết
Nếu bỏ đi sẽ chết
Sao lại còn khoe khoang?

Tát-bạc sắp nổi giận, muốn mắng nhiếc nhưng nghĩ lại:

Thân luân hồi ba cõi
Chưa từng thí người ăn
Nay ta sẽ thí thân
La-sát một bửa no.

Nghĩ vậy bèn nói với La-sát:

Thân thịt tanh hôi này
Từ lâu muốn bỏ đi
Nay ông cần ta cho
Ông cứ tự nhiên dùng
Chí cầu Đại thừa pháp
Muốn đạt quả Chánh giác.

La-sát thông minh, hiểu lời Tát-bạc nói liền sanh lòng hổ thẹn nên buông Tát-bạc ra và quỳ xuống chắp tay sám hối:

Ngài là thầy cứu người
Hiếm có trong ba cõi
Chí cầu Bồ-tát đạo
Không lâu sẽ chứng quả
Nay tôi xin quy y
Cúi đầu xin đảnh lễ.

Sám hối xong, La-sát đưa Tát-bạc sang nước khác, kiếm được nhiều châu báu. La-sát lại đưa ông trở về lại nhà. Nhờ huân tu công đức nên không lâu chứng quả giải thoát.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ, phần lớn đồng với bản kinh trước, chỉ có khác chút ít, hai bản nay vẫn tồn tại)

8. BỐN LOÀI CHÚNG SANH

Súc sanh cùng với người, hết thảy gồm bốn loài.

Tại sao biết trong loài người có noản sanh?

Trong cõi Diêm-phù-lợi này có rất nhiều thương nhân vào biển để tìm châu báu. Một hôm có một vị thương nhân bắt được hai con ngỗng, sơ ý thả mất một con, ông thường dạo chơi cùng với con còn lại, tối ngủ chung và giao hợp với nó. Đẻ ra hai trứng, ngỗng dần dần ấp, thời gian đã đến, nở ra hai đồng tử. về sau, hai đồng tử này lớn lên đều xuất gia học đạo, chứng quả A-la-hán. Một người hiệu là Thi-ba-la, người kia là Ưu-bát-thi-bà-la.

Tại sao biết trong loài người có thấp sanh?

Như trong kinh nói: có vua Đảnh-Sanh, Tôn giả Già-la, Tôn giả Ưu-bà-già, La-sát nữ.

Tại sao biết trong loài người có hoá sanh?

Đó là người trong giai đoạn kiếp sơ. Khi đã chứng được Thánh pháp thì không còn sanh bằng noãn sanh hoăc sanh bằng thấp sanh.

Tại sao không còn noãn sanh và thấp sanh?

Vì đã nhiếp thọ con đường noãn sanh và súc sanh.

(Trích Tỳ-bà-sa quyển 4)

9. TIÊN NHÂN RƯỚI NƯỚC TÁM CÔNG ĐỨC

Ngày xưa có vị đạo sư cùng đi chung với năm trăm vị khách buôn, ngang qua vùng đồng vắng, hoàn toàn không có nước để uống, đói khát cùng cực, kiếm ăn khắp nơi mà không có. Thế rồi họ cùng nhau leo lên trên một đỉnh cao, xa trông thấy một cội cây, họ cho rằng đến đó sẽ có nước uống. Mọi người cùng nhau tìm đến, thấy dưới gốc cây cỏ mọc xung quanh, đất đai sạch đẹp, họ cùng nhau xúm lại đào bới. Bấy giờ có vị thiên nhân, từ xa trông thấy đạo sư, trong nháy mắt Thiên nhân đã đến chỗ ấy. Vị này đứng trên tán tán cây cao, xoè bàn tay phải xuống, dòng nước tám công đức mát lạnh từ trong những kẻ của bàn tay cứ tuôn trào không dứt, khiến cho mọi người được no đủ.

(Trích kinh Thí Dụ bộ 10 quyển, quyển 3)

10. THƯƠNG BUÔN CỨU LONG NỮ

Bấy giờ, Đức Phật ở ấp Đại lâm, thuộc phía Nam của thành Xávệ, ở đó có một vị thương buôn đang lùa tám con trâu đi đến phía Bắc nước Câu-di. Lại gặp một thương buôn, cả hai người cùng thả trâu trong đầm. Bấy giờ có một Ly xa bắt được một Long nữ, xỏ mủi kéo đi, vị thương nhân thấy vậy liền khởi lòng từ và hỏi:

– Này Ly-xa, nay người dẫn nó đi là muốn làm gì?

– Tôi muốn bắt nó về ăn thịt. Ly-xa đáp.

– Chớ giết nó, ta sẽ đổi cho ngươi một con trâu, ngươi mau thả nó ra.

Ly-xa không chịu đổi. Thương nhân nài nỉ và dần dần tăng giá cho đến tám con trâu thì Ly xa mới chịu và nói:

– Hôm nay tôi vì nễ mặt ông mà thả nó.

Thế rồi Ly-xa liền dẫn tám con trâu đi và bỏ lại Long nữ. Thương nhân này thầm nghĩ:

– Đây là kẻ ác, sợ nó sẽ trở lại bắt long nữ.

Nghĩ thế, ông liền đi theo long nữ, đến bên bờ đầm thì Long nữ liền biến thành thân người và bảo ông:

– Mạng sống của tôi là do Ngài ban cho, tôi muốn báo đáp, Ngài hãy theo tôi vào cung để tôi có dịp báo ân cứu mạng.

Khách buôn trả lời:

– Dòng họ rồng nhà cô tánh tình hung bạo, sân hận vô chừng, tôi sợ vào đó e khó mà trở về.

Long nữ đáp:

– Kẻ trước kia trói tôi, sức tôi có khả năng giết chết nó, nhưng vì tôi đã thọ giới Bồ-tát cho nên không khởi tâm sát hại, huống gì Ngài là ân nhân cứu mạng của tôi sao tôi có thể giết Ngài được? Ngài đứng ở đây đợi giây lát, tôi xin vào trước để lo liệu.

Nhìn thấy bên cửa cung rồng có hai con rồng đang bị trói, ông ta hỏi:

– Tại sao các ngươi bị trói ở đây?

Chúng đáp:

Long nữ của chúng tôi nửa tháng có ba ngày trai giới, anh em tôi phải bảo vệ, vì không cẩn thận nên bị Ly-xa kia bắt đi, vì thế mà bọn tôi bị phạt trói ở đây, xin Ngài cứu giúp nói với Long nữ thả chúng tôi. Nếu Long nữ hỏi Ngài muốn ăn gì thì Ngài nên nói là ăn những món trên Diêm-phù-đề.

Sau khi Long nữ chuẩn bị xong liền cho mời vị khách buôn vào ngồi ở trên giường nệm báu, Long nữ thưa:

– Bây giờ Ngài muốn ăn món gì?

– Tôi muốn ăn những món của người Diêm-phù-đề. Khách buôn trả lời.

Long nữ liền soạn các món ăn ra, khách buôn hỏi:

– Hai người kia vì sao bị trói?

– Chúng có tội, tôi muốn giết chúng.

– Ngươi không nên giết họ. Khách buôn nói.

– Không được, tôi phải giết chúng. Long nữ nói lời kiên quyết.

– Ngươi hãy thả họ ra ta mới ăn những món này. khách buôn nài nỉ.

– Cũng được, nhưng không phải lúc, phải phạt tuần tra cõi người sáu tháng rồi mới tha. Long nữ đáp.

– Ngươi có hình phạt nghiêm ngặt như thế thì cần gì phải thọ giới Bồ-tát? Thương buôn hỏi.

– Loài rồng chúng tôi có năm điều khổ, đó là lúc sanh ra, lúc ngủ nghỉ, lúc hành dâm, khi nổi sân hận, một ngày có ba điều khổ, da thịt rơi xuống đất bị cát nống đốt thân. Long nữ than thở.

– Vậy ngươi muốn cầu thứ gì? Khách buôn hỏi.

– Vâng, tôi muốn sanh vào cõi người. Long nữ đáp.

– Khi đã sanh vào loài người rồi thì tôi phải nên làm gì? Long nữ lại hỏi.

– Làm được thân người rồi nhưng muốn cầu được xuất gia là khó.

– Vậy thì tìm ai để cầu xuất gia?

– Đức Như Lai bậc giải thoát giác ngộ hiện đang cư trú tại nước Xá-vệ, người chưa được giải thoát nhờ Ngài mà được giải thoát, ngươi hãy đến đó cầu Ngài xuất gia.

Bấy giờ khách buôn lại nói:

– Nay tôi muốn trở về nước.

Long nữ liền đưa cho Ngài tám chiếc bánh bằng vàng và nói:

– Đây là vàng ở cung rồng, đủ cho Ngài phụng dưỡng cha mẹ và quyến thuộc, trọn đời dùng cũng không hết. Bây giờ Ngài hãy nhắm mắt lại, tôi sẽ đưa Ngài trở về.

Long nữ liền vận thần thông đưa ông về nước cũ. Những người bạn của ông trước đó đến nói với mọi người trong gia quyến của ông là ông đã đi xuống cung của rồng rồi. Cha mẹ cho rằng con mình đã chết, thế là cả dòng họ, quyến thuộc đều đến để chia buồn, khóc lóc thương tiếc.

Bấy giờ những người chăn trâu cắt cỏ trông thấy ông liền vội vã chạy về báo tin. Mọi người nghe tin ấy hết sức vui mừng, cùng nhau ra đón và tụ tập kho tiệc ăn mừng. Trong lúc cùng nhau ăn mừng, ông ta liền lấy ra tám chiếc bánh bằng vàng của cung rồng dâng lên cha mẹ và thưa:

-Đây là vàng của rồng, khi đem cắt xài thì nó tự đầy trở lại, và cứ hưởng trọn đời như thế không bao giờ hết.

(Trích luật Tăng Kỳ quyển ba mươi ba)

11. KHÁCH BUÔN GẶP NẠN LA SÁT

Xưa kia có một người thương buôn dẫn đoàn người lạc vào nơi hiểm nạn, gặp bọn quỷ La-sát dang tay chận đường và nói:

– Các ngươi dừng lại, không được nhúc nhích, ta không cho các người đi qua.

Người buôn trưởng đoàn liền dùng nắm tay phải đánh vào quỷ, nhưng tay đánh vào thì bị hút chặt, không rút ra được. Ông tiếp tục dùng tay trái đánh, tay ông cũng dính chặt vào như trước. Ông lại dùng chân phải đá, chân Ông cũng dính chặt như thế. Ông dùng đầu húc vào, đầu cũng dính vào. Quỷ liền hỏi:

– Toàn thân của ông dính chặt như thế, giờ ông đã chịu thua chưa?

– Tuy thân ta bị dính chặt nhưng ta quyết không chịu thua ngươi, nay ta dùng đức tinh tấn để đánh với ngươi. Người trưởng đoàn nói.

Lúc ấy quỷ liền nghĩ:

– Người này gan quá, liền nói:

– Ngươi có sức tinh tấn vô cùng mạnh mẽ, chắc chắn không chịu thối lui, vậy thôi nay ta thả cho ông đi.

(Trích luận Đại Trí Độ quyển 16)

12. KHÁCH BUÔN CỨU NGƯỜI CHẾT

Xưa có vị trưởng đoàn thương buôn tên Cát-lợi, dẫn mọi người vào trong biển tìm châu báu và an ổn trở về. Thông thường ông kiếm được tám mươi ức viên châu ma ni, mỗi viên trị giá trăm ức lượng vàng. Khi về đến, chưa bước vào nhà thì gặp một người ăn xin, ông đem tất cả châu ấy bố thí cho người ăn xin ấy rồi lại trở ra biển tìm châu báu.

Lần này ông vào biển, tìm được rất nhiều châu báu quý hiếm, trải qua tám mươi năm sau ông mới trở về. Trên đường sắp vào thành, ông lại gặp kẻ phạm tội, bị quan lại trói đánh rất dã man, giống trống khắp phố xá, đưa ạam nhân tới pháp trường để xử tử. Trên đường đi, kẻ phạm tội trông thấy Cát-lợi liền gọi:

– Xin trưởng giả cứu tôi, tôi sắp chết hãy cứu tôi, ban cho tôi mạng sống. Ngài là đại đàn việt, hiền từ rộng lượng.

Nghe những lời cầu cứu như thế, Cát-lợi liền nói:

– Bạn chớ lo, giờ đây ta sẽ ban cho bạn sự vô uý, sẽ cứu mạng sống cho bạn.

Thế rồi ông liền đến chỗ quan phủ trên pháp trường, thưởng cho mỗi vị một viên châu Ma-ni và một ức lượng vàng, nói:

– Các Ngài đợi tôi một lúc, nay tôi sẽ đến chỗ nhà vua rồi sau đó tôi sẽ quay lại.

Cát-lợi liền đến chỗ của nhà vua và tâu:

– Tâu đại vương, nay tôi muốn đem tất cả châu báu này để đổi lấy mạng người phạm tội kia.

– Người đó phạm tội rất nặng không thể tha được, không thể đổi được. Nhưng nếu cần thì ngươi có bao nhiêu vật báu đưa hết cho ta, như thế tội chết mới có thể tha. Nhà vua ra lệnh.

Cát-lợi vui vẻ nói:

– Nếu cứu được người này thì tôi đã mãn nguyện.

Ông lấy hết tất cả châu báu trong nhà ông và các thứ ông tìm được trong biển cả, vô lượng ngàn ức vàng bạc châu báu đều dâng hết cho nhà vua và tâu:

– Theo lời hứa, nay tôi đã đem tất cả tài sản đến, xin đại vương hãy thả người ấy ra.

Nhà vua ra lệnh cho quan phủ đem Cát-lợi ra chém đầu.

Thế rồi họ liền trói Cát-lợi đem ra pháp trường, bọn đao phủ vung đao sắp chém Cát-lợi thì bỗng dưng tay chân cứng đơ không còn nhúc nhích được nữa. Mọi người thấy thế thì mất hồn liền bẩm báo cho nhà vua. Nhà vua nhận được tin liền đến tự tay cầm dao giết Cát-lợi, nhưng khi vung đao lên thì lập tức tay rớt xuống đất, nhà vua đau đớn la thét mà chết.

Đức Phật xác định:

Cát-lợi xưa nay chính là ta, Ông vua kia nay chính là Điều-đạt.

(Trích Tạng Kinh Bồ-tát quyển hạ)

13. QUẢ BÁO CỦA THAM LAM

Vào thuở xa xưa, trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp trước, ở thành Ba-la-nại có hai đoàn thương buôn, một đoàn có năm trăm người. Họ chọn lấy những phương tiện tài sản cần dùng cho bản thân đem chất lên thuyền rồi cùng nhau vượt biển. Hôm ấy họ nhổ neo, căng buồm, theo gió lướt đi, không mấy chốc thì đã đến bãi biển châu báu. Nơi đây có gái đẹp, không vật gì mà không có. vị trưởng đoàn nói với mọi người.

– Chúng ta vì những tài sản này khó khăn lắm mới đến được đây, giờ chúng ta nên cùng nhau ở đây vui chơi mãi mãi.

Vị trưởng đoàn thứ hai nói với mọi người:

– Thưa các vị, nơi đây tuy nhiều của báu nhưng không thể ở lâu được.

Bấy giờ có một vị thiên nữ, vì thương xót bọn người này liền ở trên không trung nói vọng xuống rằng:

– Chốn này tuy vui vẻ nhưng không nên ở lâu, bảy ngày sau vùng đất này sẽ chìm trong biển cả.

Nói xong thiên nữ biến mất. Lúc đó lại có một ma nữ, vì muốn cho những khách buôn chết chìm ở đây nên biến hiện trên không trung kêu gọi rằng:

– Các Ngài không nên sửa soạn trở về, vùng đất này không có nước rồi sẽ có nước, các thứ châu báu, các cô gái và năm món dục ở đây, do đâu mà có? những gì vị Trời trước đã nói đều không đúng.

Nói xong, cô ta biến mất. Vị trưởng đoàn thứ nhất bảo với mọi người chớ đi, không nên tin theo vị Trời trước đó.

Vị trưởng đoàn thứ hai bảo đoàn của mình:

– Các anh đừng luyến tiếc, hãy mau sửa soạn lên thuyền, lời vị Trời trước nói là thật. Nước không dâng thì ở đây vui chơi, từ từ trở về, nếu nước tràn tới thì mình cũng đã sửa soạn xong và đi mà thôi.

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Đúng như lời của thiên nữ kia nói, bảy ngày sau thì nước đã dâng tràn ngập cả vùng đất ấy. Vì đã chuẩn bị nên vị trưởng đoàn thứ hai dẫn được đoàn buôn của mình lên thuyền, còn vị kia cùng đoàn của họ không chuẩn bị trước, ngày nước dâng lên, ông cầm gậy gộc cùng nhau tìm cách chèo chống. Trưởng đoàn buôn thứ hai lên thuyền rồi thì nước đã giâng đến chân của thuyền trưởng thứ nhất, nước ngập sâu quá nên ông ta liền mạng chung.

– Này Xá-lợi-phất, vị thuyền trưởng thứ nhất ngày xưa nay chính là ông Đề-bà-đạt-đa, còn thuyền trưởng thứ hai nay chính là ta. Năm trăm chúng thương buôn do thuyền trưởng thứ nhất dẫn đi nay chính là năm trăm đệ tử của Ông ta, còn năm trăm thương buôn do thuyền trưởng thứ hai dẫn đi nay chính năm trăm vị A-la-hán. Thiên nữ nay chính là ông, Ma nữ nay chính là Tỳ-kheo Mẫn Nguyệt, là đệ tử Bà-la-môn.

(Trích kinh Hưng Khởi Hạnh quyển thượng)

14. QUẢ BÁO HẠI BẠN LẤY CHÂU BÁU

Vào thời Đức Phật Định Quang có năm trăm vị khách buôn vào biển tìm châu báu, trong nhóm có kẻ khởi tâm xấu nghĩ rằng:

– Ta nay ra tay hại những khách buôn này để chiếm toàn bộ châu báu của họ.

Bấy giờ ở cõi Diêm-phù-đề có một vị đạo sư tên là Đại Ai, nằm mộng thấy thần biển mách bảo:

– Trong nhóm khách buôn có một kẻ giặc muốn giết cả thảy năm trăm người bạn để một mình chiếm lấy châu báu. Giả như việc này xảy ra thì hắn sẽ rơi vào địa ngục. Nay Ngài hãy thương xót, tìm phương tiện khiến cho khách buôn không bị hắn giết chết, như vậy mới cứu cho hắn thoát được tội địa ngục.

Vị đạo sư suy nghĩ suốt cả bảy ngày nhưng không tìm ra bất cứ một giải pháp nào, đành chọn giải pháp giết kẻ hung ác đó, hoạ may cứu được mọi người.

Nhưng nếu báo cho mọi người trong nhóm biết thì họ sẽ nổi giận, họ sẽ cùng nhau giết chết kẻ giặc kia và rồi cùng rơi vào trong đường ác cả. Nếu như một mình ta giết thì một mình ta chịu tội, ta thà nhẫn chịu trăm ngàn kiếp khổ chứ không thể để cho mọi người phải bị hại chết, lại không để cho tên cướp phải rơi vào trong địa ngục. Vậy là trước tiên ta phải thuyết pháp khiến cho hắn phát tâm hoan hỷ, phấn khởi và ngủ ngon.

Phật dạy:

– Vị đại sư Đại Ai vì các khách buôn nên dùng phương tiện giết tên cướp, sau khi mạng chung sanh lên cõi Trời Quang Âm thứ mười hai. Đại Ai bấy giờ nay chính là ta, dùng phương tiện ấy nên vượt qua ngàn kiếp sanh tử. năm trăm vị khách buôn chính là năm trăm vị Phật trong hiền kiếp.

(Trích kinh Tuệ thượng Bồ-tát quyển 1)

15. THOÁT CHẾT NHỜ NIỆM PHẬT

Xưa có năm trăm thương buôn, dông thuyền vào biển, gặp phải cá Ma-kiệt đang nhoi đầu lên khỏi mặt nước, há miệng muốn ăn chúng sanh. Lúc ấy Trời rất ít gió nhưng thuyền lại đi như tên bắn. Vị Thuyền trưỏng bảo mọi người:

– Thuyền đi quá nhanh, có thể hạ buồm.

Theo lời của thuyền trưởng, các thuỷ thủ bèn hạ buồm. Nhưng buồm hạ rồi mà thuyền lại đi nhanh hơn không thể dừng lại được.

Tác-bạc liền hỏi người ở trên mui:

– Ông có thấy gì không?

– Tôi thấy phía trên mặt biển có hai mặt Trời mọc, phía dưới thì có một quả núi trắng, ở giữa lại có ngọn núi đen. Người thuỷ thủ trên mui đáp.

Thuyền trưởng nghe vậy thì sợ hãi nói:

– Hiện tượng này là chúng ta gặp phải cá to, phải làm sao đây? Chúng ta nay gặp nguy rồi, khi vào bụng loại cá này thì không còn mong sống sót. Nay các ông thờ thần nào thì hãy nhất tâm cầu thần ấy. Thế là mọi người tuỳ theo vị thần Thánh của mình tôn thờ mà dốc lòng cầu nguyện hầu mong thoát được tai nạn này.

Thế nhưng, mọi người càng cầu thì thuyền lại đi càng nhanh không chụi ngưng, như thế chẳng mấy chốc sẽ vào miệng cá. Thuyền trưởng vội bảo mọi người:

– Tôi tôn thờ một vị thần lớn, đó chính là Đức Phật. Nay quý đừng niệm gì khác, hãy một lòng hướng về Đức Phật để xưng niệm danh hiệu Ngài.

Bấy giờ cả năm trăm vị thương buôn đồng thanh niệm lớn Nam mô Phật.

Cá nghe đến danh hiệu Phật thì tự suy nghĩ:

– Ngày nay thế gian lại có Phật xuất thế, ta nỡ nào làm hại đến chúng sanh.

Nghĩ thế xong, cá liền ngậm miệng lại và nước cũng đổi chiều, thuyền thoát khỏi miệng cá. Năm trăm thương nhân nhờ đó mà phát được tâm lành và đều được giải thoát.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển 6)

16. NỖI SỢ HÃI CỦA QUỶ

Ngày xưa có một huyện nọ, hầu hết mọi người trong huyện đều giữ năm giới, tu tập mười thiện nghiệp, cả huyện đều không có lò nấu rượu. Trong đó có người con của một gia đình thuộc dòng Bà-la-môn muốn đi làm ăn nơi xa. Khi sắp lên đường, cha mẹ bảo:

– Con hãy siêng năng giữ gìn năm giới và tu tập mười thiện nghiệp, cẩn thận chớ nên uống ruợu mà phạm trọng giới của Đức Phật.

Bấy giờ cậu đến nước khác gặp lại bạn đồng học cũ, quá vui mừng bạn liền rủ cậu về nhà rồi mang rượu Bồ đào ra định thiết đải.

Thế nhưng cậu ta từ chối, nói:

– Xứ tôi giữ giới của Đức Phật, không một ai dám phạm, hơn nữa trước lúc ra đi, cha mẹ tôi đã dặn kỷ. Nay gặp lại bạn bè, tôi rất vui mừng nhưng bạn cũng không nên ép tôi phạm giới cấm, trái lời giáo huấn của song thân.

Người bạn nói:

– Tôi và bạn cùng thọ ơn thầy tức là huynh đệ, cha mẹ tôi tức là cha mẹ bạn, anh em lâu gặp nhau uống một chút không hề gì đâu! Nếu như tôi đến nhà của bạn thì ắt phải thuận theo cha mẹ của bạn.

Từ chối không đựơc nên cậu đành phải uống. Sau khi xong việc, cậu trở về nhà thưa rõ với cha mẹ, cha mẹ bảo:

– Con đã tráilời của cha mẹ dặn lại phạm giới, con đã làm rối loạn phép tắc không còn là người con hiếu nữa, thôi không còn nói gì nữa cả.

Cha mẹ liền đưa cho cậu một ít đồ và bảo đi khỏi nước. Người con bị cha mẹ đuổi đi nên mới đến một nước khác ở trọ. Chủ nhà trọ thờ ba vị quỷ thần, có thể biến ra hình người để cùng nhau ăn uống. Lúc ấy chủ nhà than thở với khách:

– Thờ các vị này nhiều năm, tiền của đã hết, trong nhà lại cứ bệnh tật, chết chóc mãi.

Hai ngưòi cùng nhau bàn luận như thế, quỷ biết ý nên họ cũng cùng nhau bàn tán:

– Nhà này tài sản hết rồi chính là vì chúng ta chưa từng giúp đỡ họ, giờ này họ đang chán nản lo lắng, chúng ta nên đi tìm trân bảo về cho ông ta.

Thế rồi ba vị quỷ thần ấy cùng nhau đi qua nước khác, trộm vật trong kho của nhà vua đem về chất trong khu vườn và nói với chủ nhà:

– Người nhiều năm đã nhọc nhằn khổ sở để phụng sự chúng tôi, nay phước sắp đến, ngươi sẽ được giàu sang.

Chủ nhà thưa:

– Tôi cảm ơn chư vị đại thần.

Quỷ bảo:

– Trong khu vườn của người có rất nhiều vàng bạc, ngươi hãy đến đó để lấy dùng.

Nghe thế, chủ nhà vô cùng vui mừng, rồi đi ra vườn đem hết tất cả của báu vào nhà, hết lời cảm tạ các vị quỷ thần. Sáng hôm sau muốn sửa soạn thức ăn để thiết đãi, cầu chư thần hạ cố. Thức ăn đã chuẩn bị đầy đủ thì quỷ thần đều đến, tới cửa thì thấy người nước Xá-vệ đang ở trong nhà chủ mình, họ liền vội vàng bỏ chạy. Chủ nhân liền đuổi theo và gọi:

– Các vị đã hạ cố đến đây sao lại bỏ chạy?

– Nhà ông có khách quý làm sao chúng tôi vào được?

Nói xong họ vô cùng hoảng sợ bỏ chạy tiếp.

Chủ nhà suy nghĩ: trong nhà ta không có người lạ, chính là chỉ có người ở trọ này thôi. Ông liền cung kính hỏi vị khách trọ:

– Ngài có công đức gì mà khiến cho các vị thần của tôi sợ bỏ chạy hết?

Vị khách trình bày về công đức của việc giữ gìn năm giới và thực hành mười thiện nghiệp của đức Phật. Sự thật là vì phạm giới uống rượu nên bị cha mẹ đuổi, nhưng còn bốn giới kia không phạm nên được các vị thiện thần ủng hộ, khiến cho thần của ông không thể đến được.

Nghe thế chủ nhà liền phát tâm:

– Nay tôi muốn thọ trì năm giới, xin ông hãy truyền trao cho tôi. Nhân đó người khách mới truyền Tam quy và Ngũ giới cho ông ta. Truyền xong, ông một lòng tinh tấn không biếng nhác, Đức Phật hiện đang ở đâu, tôi có thể đến gặp Ngài được không?

Người khách nói:

– Hiện giờ đức Phật đang cư trú trong vườn Cấp-cô- độc thuộc nước Xá-vệ.

Biết chỗ của Đức Phật rồi, chủ nhà một mạch thẳng đến nước Xávệ. Giữa đường gặp một ngôi đình, bên trong có một cô gái, chính là vợ của quỷ ăn thịt người. Đường còn xa mà Trời lại sắp tối, ông xin cô gái cho ngủ nhờ, cô gái nói:

– Ông hãy đi mau đi, đừng nên nấn ná lại đây.

Vị khách hỏi:

– Tại sao vậy?

– Tôi đã nói rồi, ông chớ nên hỏi. Nguời nữ đáp.

Người khách tự suy nghĩ:

– Người nước Xá-vệ trước đây đã tuyên giảng bốn giới của Phật, vị thần của ta còn sợ không dám đến. Nay ta đã thọ tam quy ngũ giới, tâm không lười biếng, còn sợ gì nữa!

Thế là ông bèn lưu lại qua đem trong miếu thờ. Bấy giờ quỷ ăn thịt người thấy thần hộ giới nên nó phải ở cách miếu đến bốn mươi dặm, suốt đêm không trở về.

Sáng ra người khách lên đường, thấy quỷ ăn thịt người, xương cốt rải rác, lòng lo sợ và hối hận, tự suy nghĩ:

– Ta ở xứ nhà, ăn mặc đầy đủ, nghe chi những lời của hắn nói Phật ở nước Xá-vệ, nhưng chưa thấy điều kỳ diệu mà đã thấy xương cốt ngổn ngang. Chi bằng đem cô gái này về nhà mình chung sống.

– Người khách này bèn quay lại xin cô gái ngủ nhờ. Cô gái hỏi:

– Sao ông quay lại đây?

– Tôi đi bị lạc đường nên quay lại đây xin ngủ đêm nữa.

– Ông sẽ chết, chồng tôi là quỷ ăn thịt người, không bao lâu sẽ về đến, ông hãy mau đi khỏi đây chứ không thì mất mạng.

Vị khách không tin cứ ở lại trong miếu, tâm dâm mê loạn phát sanh, không còn tin Phật, không quy y Tam bảo, không còn giữ giới nên các Thiên thần hộ giới liền bỏ đi, quỷ ăn thịt người quay trở lại.

Cô gái sợ quỷ ăn thịt vị khách này nên đem giấu trong cái góc đá.

Quỷ ngửi được mùi thịt người nên hỏi vợ:

– Nàng kiếm được thịt người ư, ta muốn ăn?

– Tôi không đi đâu cả làm sao mà kiếm được thịt người?

Cô gái hỏi:

– Hôm qua chàng đi đâu mà không về nhà?

– Chỗ nàng ngồi có một vị khách quý xin ngủ nhờ khiến ta bị đuổi đi. Quỷ đáp.

Trong chum, người khách nghe vậy nổi run sợ không còn nhớ tam tự quy y.

Người Vợ hỏi:

– Tại sao không ăn thịt người ấy được?

– Chính vì người ấy là đệ tử của Phật nên Thiên thần đuổi ta ra xa cả bốn mươi dặm. Vì ngủ ngoài đường, lo sợ đến giờ không được yên ổn nên không ăn được thịt người.

Vợ nhân đó hỏi chồng về giới của Phật như thế nào?

Quỷ nói:

– Ta đói quá, nàng hãy mau lấy thịt ra đây, không cần phải hỏi việc đó, đó là giới của bậc Vô thượng chánh chân, chẳng phải là điều ta dám nói.

Người vợ nài nỉ:

– Mình hảy nói việc ấy đi, tôi sẽ cho mình ăn thịt.

Quỷ vốn là loài tham tàn, tham ăn không ngừng. Người vợ cứ hối thúc chồng, quỷ liền nói Tam quy ngũ giới. khi vừa nói giới thứ nhất thì người vợ liền một lòng lãnh thọ, quỷ đọc đến giới thứ năm thì người vợ cũng tâm nhớ miệng đọc theo. Vị khách ngồi ở trong chum cũng nhớ lại nămgiới liền độc theo.

Bấy giờ Trời Đế thích biết hai người này tâm đã quy y Tam bảo, liền sai năm mươi vị Thiên thần ủng hộ hai người. Quỷ thấy vậy liền bỏ chạy. Đến sáng người vợ hỏi vị khách:

– Ông có sợ không?

– Tôi rất sợ quỷ ăn thịt, nhờ ơn cô mà tôi tỉnh ra, nhớ đến Phật- Sao đêm qua ngươi trở lại đây làm gì?

– Tôi thấy người chết mới và cũ, xương cốt ngổn ngang, sợ quá nên quay trở lại.

– Xương là do tôi bỏ đó, tôi vốn là con gái nhà hiền lương, bị quỷ bắt ép tôi làm vợ, đau khổ tột cùng, không có cách nào, nay nhờ ân người mà đựơc nghe giới của Đức Phật nên thoát được quỷ dữ. Giờ đây hiền giả muốn đi đâu?

– Tôi muốn đến nước Xá-vệ để yết kiến đức Phật.

Người phụ nữ liền nói:

– Vậy thì hay qúa, cho tôi cùng đi với, tôi cũng muốn gặp Phật.

Thế rồi cả hai người cùng nhau lên đường về phía trước liền gặp 498 người, nhân đó hỏi thăm họ:

– Các hiền giả từ đâu đến và đi về đâu?

Mọi người đáp:

– Chúng tôi từ chỗ Đức Phật đến.

– Các vị đã gặp Phật rồi sao lại bỏ đi?

– Đức Phật giảng kinh, chúng tôi nghe mờ mịt, vẫn không hiểu gì nên nay phải trở về nước.

Hai người cùng thuật lại chuyện cho mọi người nghe, vì loài quỷ sợ người có giới hạnh cao, mọi người nghe xong mới thấu hiểu nên cùng nhau quay trở lại gặp Phật.

Đức Phật từ xa trông thấy liền mỉm miệng cười, trong miệng phóng ra hào quang năm sắc. Thấy vậy, Tôn giả A nan quỳ xuống thưa:

– Bạch Đức Thế tôn, Ngài không bao giờ cười mà không có ý nghĩa, chẳng hay có điều gì muốn nói?

Đức Phật hỏi:

– Ông có thấy 498 người kia quay lại đây không? Những người ấy giờ đã gặp được bậc hướng đạo cho mình rồi, đến đây đều sẽ chứng đạo.

Bấy giờ, cả năm trăm người cùng nhau đến chỗ của Đức Phật nghe Ngài giảng kinh, tâm được khai, ý được mở, tất cả đều trở thành Sa-môn, chứng quả A-la-hán. Hai người nam nữ này là bậc thầy đời trước của 498 người kia, cầu được pháp yếu nên họ là bậc thầy hướng đạo. Người cầu đạo, phải tìm được bậc thầy hướng đạo và người bạn đạo của họ, như vậy mới hiểu được đạo.

(Trích kinh Giới Tiêu Tai)