KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 9

BỒ TÁT GIÁO HÓA NGOẠI ĐẠO

  1. Ngài Văn-thù biến cô gái đẹp thành xấu xí
  2. Ngài Văn-thù hiện thần thông giáo hóa
  3. Bồ-tát Phổ Hiền phát nguyện ủng hộ năm hạng Pháp sư
  4. Bồ-tát Tịnh Tinh Tấn cảm hóa Công Đức Tài
  5. Tay của Thọ-đề-ma-nạp hiện ra voi lớn
  6. Bồ-tát Phổ Thí cứu giúp người nghèo
  7. Bồ-tát Trọng Thắng Vương bị Ngài A-nan chê bai
  8. Bồ-tát Đại-tát-ca-bà tự sát để cứu người
  9. Bồ-tát ngồi thiền trong núi suốt đời
  10. Đức Phật vào biển tìm châu, cứu giúp người nghèo
  11. Bồ-tát tự sát để cứu khách buôn
  12. Đức Phật hiện tướng lưỡi rộng dài
  13. Cậu bé chăn trâu truyền bá Đại thừa

1. Ngài VĂN THÙ HÓA THÀNH CÔ GÁI XẤU XÍ:

Cô gái Thượng-kim-quang-thủ và con trưởng giả Úy-văn, cùng ở nơi vườn Du-quán rải hoa, đốt hương, trỗi nhạc tưng bừng. Nhà của con trưởng giả nhìn thấy khung cảnh ấy lấy làm ưng ý.

Ngài Văn-thù-sư-lợi (xưa gọi là Nhu-thủ) hóa làm cô gái này, ngay lúc đó liền mạng chung. Nhan sắc trở nên xấu xí, máu mủ từ nơi mắt, tai, mũi, miệng chảy ra. Thân thể lở loét, không ai dám nhìn lâu. Ruồi xanh bay đến, bu quanh để ăn.

Bấy giờ, người con trưởng giả thấy thân thể cô gái biến hoại như thế, sợ hãi không yên, muốn cầu quy y Tam bảo để giải thoát khổ nạn, nhưng không biết làm sao. Oai thần đồng chân của Ngài Văn-thù-sư-lợi khiến cây cối trong vườn tự nhiên phát ra những lời tán tụng. Người con trưởng giả nghe thế, vui mừng hớn hở, phát khởi thiện tâm, lấy áo bọc kín tử thi, bỏ vào rừng cây rồi đi.

Để hóa độ người con trưởng giả, Đức Thế Tôn từ nơi thân phóng quang. Ánh sáng chiếu khắp cõi nước Ma-kiệt. Thấy Như Lai oai thần vĩ đại, người con trưởng giả trong lòng vui vẻ.

Khi ấy, Trời Đế-thích đứng ngay trước mặt người con trưởng giả, khen ngợi:

– Cậu bé có duyên lành, có phước lớn mới gặp được Phật.

Người con trưởng giả nghe lời ca ngợi khuyến khích như thế, liền theo Đế-thích đến chỗ Phật. Trời Đế-thích đưa hoa và bảo người con trưởng giả:

– Hãy lấy hoa này rải trên thân Đức Như Lai.

Rải hoa xong, người con trưởng giả cúi đầu làm lễ rồi đứng lên bạch Phật:

– Nay con xin tự quy y Phật, Pháp và Thánh chúng. Người con gái phóng túng tên là Thượng-kim quang-thủ đã cùng với con vui chơi trong vườn Du-quán. Hôm nay dung mạo cô ta trở nên xấu xí rồi chết, bỏ tất cả thân bằng quyến thuộc. Con rất sợ hãi, quốc vương sẽ không tra hỏi con về việc này chứ?

Đức Phật bảo:

– Hãy thôi đi!

Thượng-kim-quang-thủ thấy người con trưởng giả đã được giáo hóa, phát tâm xuất gia, liền đem kỹ nhạc đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ, rồi đứng qua một bên.

Ngài Văn-thù-sư-lợi hỏi người con trưởng giả:

– Biết cô gái này không?

– Thưa, biết ạ.

– Biết thế nào?

Người con trưởng giả kể lại cho Ngài nghe rồi nói kệ:

Sắc như bọt nước tụ
Đau khổ trong khoảnh khắc
Vọng tưởng như ngựa hoang.
Con hiểu rõ như thế.

Đức Phật bảo Ngài A-nan:

– Vào thời xa xưa, Văn-thù-sư-lợi đã khuyến hóa cô gái này phát khởi đạo tâm. Đời trước cô gái này cũng đã được ta giáo hóa. Hơn chín mươi hai vạn kiếp sau, Thượng-kim-quang-thủ sẽ được thành Phật, hiệu là Bảo Quang Minh. Người con trưởng giả sẽ làm Bồ-tát, hiệu là Đứcquang-diệu; về sao cũng sẽ thành Phật, hiệu là Trì Kiểm. Trước khi diệt độ, ta đã thọ ký như vậy.

(Trích kinh Đại Tịnh Pháp Môn)

2. NGÀI VĂN THÙ HIỆN THẦN THÔNG GIÁO HÓA:

Có hai trăm vị thiên tử phát tâm Bồ-đề nhưng chưa kiên cố, sắp phải đọa lạc. Mỗi người tự nghĩ:

– Phật pháp khó gặp, nay chúng ta nhất định sẽ không tu hạnh Bồ-tát nữa, chi bằng chấp nhận quả vị A-La-hán, Bích-chi-Phật rồi nhập Niết-bàn.

Đức Phật biết những người này có thể thành tựu Bồ-tát đạo, nhưng họ đã thối tâm. Đức Phật hóa ra một người đàn-việt bưng bát đựng đầy thức ăn trăm vị, đến làm lễ dâng lên Đức Phật. Đức Phật liền thọ nhận.

Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ cố báo ân.

Ngài Xá-lợi-phất nghi ngờ liền hỏi Phật. Phật ném bát xuống đất. Bát ấy chìm xuống, qua hơn bảy mươi hai hật cõi ấy hiệu là Quang Minh Vương, hiện còn ở đời.

Bát ấy lơ lửng giữa hư không trong cõi nước Phật kia, không ai lấy được. Bát bay qua cõi nước Phật nào, các thị giả hỏi Đức Phật ấy và đều được trả lời:

– Phương trên có Phật hiệu là Thích Ca Văn. Bát từ nơi ấy đến để cứu hộ hàng Bồ-tát thối tâm Bồ-đề.

Phật Thích Ca bảo Ngài Xá-lợi-phất đi tìm bát ấy về. Nương oai thần Phật, Ngài Xá-lợi-phất tự dùng trí tuệ và hàng vạn Tam-muội đi qua hàng ngàn cõi nước Phật, nhưng không tìm thấy bát. Ngài xuất định, trở về bạch Phật:

– Con tìm bát nhưng không thấy đâu cả.

Phật lại sai Ngài Mục-kiền-liên. Ngài Mục-kiền-liên cũng không tìm thấy bát. Rồi Ngài Tu-bồ-đề, cho đến năm trăm vị Tôn-giả, ngay cả bồ-tát Di Lặc vẫn không cách nào tìm thấy được. Phật lại bảo Ngài Văn-thù-sư-lợi đi tìm bát. Ngài Văn-thù liền nhập định, ngay tại chỗ ngồi, lấy ngón tay phải chỉ xuống đất, đi qua bảy mươi hai hằng hà sa cõi nước Phật. Các cõi nước ấy đều bị chấn động và ai cũng thấy biết.

Mỗi sợi lông trên cánh tay của Ngài Văn-thù đều có trăm ngàn ức ánh sáng và hoa sen. Bồ-tát ngồi trên hoa sen, tán thán công đức của Phật Thích Ca và các Bồ-tát, Thanh-văn cho đến các cõi nước Phật.

Bấy giờ, Phật Thích Ca Văn từ dưới chân phóng quang. Ánh sáng chiếu khắp bảy mươi hai hằng-sa cõi nước phương dưới. Ai thấy ánh sáng này cũng đều được tam-muội Ma-tỉ-đê. Ngài Văn-thù-sư-lợi dùng tay phải lấy bát, rồi cùng với vô số Bồ-tát làm lễ dâng bát lên Đức Phật.

Đức Phật bảo Ngài Xá-lợi-phất:

– Nay ta sẽ nói cho các ông nghe về những chuyện trong quá khứ. Xưa vào thời Đức Phật Dũng Mạc Năng Thắng, có vị Tỳ-kheo tên Huệ Vương cầm bát đi vào nước Duy Trí khất thực, được thức ăn trăm vị. Bấy giờ, con của vị tôn giả này là Ly Cấu Vương đang được nhũ mẫu bế đứng trên cửa thành. Đứa bé trông thấy Tỳ-kheo liền tuột khỏi tay nhũ mẫu, chạy đến xin thức ăn. Vị Tỳ-kheo liền cho nó bánh mật. Đứa bé ăn bánh, thấy ngon, liền đi theo vị Tỳ-kheo, không để ý đến nhũ mẫu.

Đứa bé theo vị Tỳ-kheo đến chỗ Đức Phật Dũng Mạc Năng Thắng, lễ Phật xong ngồi qua một bên. Vị Tỳ-kheo lấy thức ăn trong chiếc bát đang cầm nơi tay, đưa cho đứa bé dâng lên Đức Phật. Đứa bé vâng theo lời dạy.

Đức Phật thọ trai xong, biến ra tám vạn bốn ngàn Tỳ-kheo và một hai ngàn Bồ-tát. Ai nấy cũng no đủ mà thức ăn trong tay đứa bé vẫn không giảm bớt. Đức Phật dùng oai thần khiến đứa bé vui mừng. Nhân đó, đứa bé thọ năm giới với vị Tỳ-kheo, phát tâm Bồ-đề.

Cha mẹ đứa bé bảo con mình đảnh lễ Phật. Đứa bé thưa với cha:

– Con nay đã vào hàng Bồ-tát, xin được làm Sa-môn.

Cha mẹ đứa bé đồng ý và phát tâm theo con mình.

Đức Phật bảo:

– Tỳ-kheo Huệ Vương chính là Văn-thù-sư-lợi, đứa bé lúc ấy chính là thân ta, còn các Ứng thân của ta nhiều không tính kể. A-tăng-kỳ cõi Phật đều là nơi hành đạo của Văn-thù-sư-lợi. Chúng ta đều thấm nhuần ân đức của Ngài.

Hai trăm thiên tử ngay lúc đó tự nghĩ:

– Đức Phật Thích Ca Văn nhờ Ngài Văn-thù-sư-lợi mà phát tâm tu hành cho đến thành Phật, chúng ta sao lại lười biếng?

Nhờ nghĩ như vậy, các thiên tử đều được tâm kiên cố

( Trích kinh A-xà-thế Vương quyển thượng )

3. BỒ-TÁT PHỔ HIỀN PHÁT NGUYỆN ỦNG HỘ NĂM HẠNG PHÁP SƯ:

Bồ-tát Phổ Hiền dùng thần thông tự tại, oai đức danh tiếng của mình cùng vô số Bồ-tát từ phương Đông đi đến. Tất cả cõi nước các Ngài đi qua đều chấn động, mưa hoa sen báu, trỗi các kỹ nhạc. Lại có vô số tám bộ chúng quỷ thần… đồng vây quanh và đảnh lễ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bạch rằng:

– Con ở nước của Đức Bảo Oai Đức Thượng Vương Phật, xa nghe thế giới Ta-bà này nói kinh Pháp Hoa nên cùng đến nghe và thọ trì. Cúi mong Đức Thế Tôn thuyết pháp cho chúng con.

Đức Phật bảo Ngài Phổ Hiền:

– Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào thành tựu bốn pháp, thì sau khi Như Lai diệt độ sẽ có được kinh Pháp Hoa này.

Bồ-tát Phổ Hiền bạch Phật:

– Nếu có người khi đi, khi đứng đều đọc tụng, suy nghĩ kinh này; nếu có người quên mất một câu, một bài kệ trong kinh, thì các vị Đại Bồ-tát đều đến chỗ người đó, hiện thân cúng dường, bảo vệ, nhắc nhở người đó, khiến họ đọc tụng thông thuộc như xưa. Nếu người nhìn thấy thân con thì vui mừng, càng thêm tinh tấn. Do thấy thân con, người ấy liền được tam-muội và đà-la-ni. Nếu vào đời ác sau, trong hàng bốn chúng, có người tìm cầu, có người thọ trì, có người đọc tụng, có người biên chép, muốn tu tập kinh Pháp Hoa này thì nội trong hai mươi mốt ngày nên nhất tâm tinh tấn. Đủ hai mươi mốt ngày, con sẽ hiện thân đến trước mặt người ấy, thuyết pháp cho họ nghe.

(Trích kinh Diệu Pháp Liên Hoa quyển 7).

4. BỒ-TÁT TỊNH TINH TẤN CẢM HÓA CÔNG ĐỨC TÀI:

Vào kiếp xa xưa, thuở Đức Phật Quảng Quang Minh (Kinh Bồ-tát Hạnh ghi là Ly Cấu Quang), con của một vị quốc vương tên Tài Công Đức (Kinh Bồ-tát Hạnh ghi là Nghiệp Thủ). Năm lên 16 tuổi, cậu bé cậy mình xinh đẹp nên sanh tâm kiêu mạn. Từ nhỏ cậu bé đã không cung kính lễ bái Phật. Đức Phật suy nghĩ xem ai có thể giáo hóa cậu bé. Trong tám vạn bốn ngàn Bồ-tát, chỉ có Bồ-tát Tịnh Tinh Tấn nhận lãnh nhiệm vụ này. Ngay khi đó, đại thiên thế giới chấn động sáu lần.

Vị Bồ-tát đến đứng nơi cửa nhà vua. Vương tử trông thấy Bồ-tát liền dùng lời ác chê bai, phỉ báng, lấy đất ném vào mặt Ngài, lấy dao, gậy, ngói đá ném vào thân Ngài. Bấy giờ, Bồ-tát không giận dữ, cũng không bỏ đi, lòng không chán mỏi. Trải qua một ngày năm, Bồ-tát vẫn chịu khổ như thế; qua 20.000 năm mới đến cửa thứ hai; còn chưa đầy bảy ngày nữa là tám vạn bốn ngàn năm, mới đến được cửa thứ bảy. Lúc ấy, vương tử nhìn thấy Bồ-tát này liền hỏi:

– Hôm nay, Đạo sĩ đến đây muốn cầu việc gì?

Hỏi xong, vương tử khởi tâm không thể nghĩ bàn về Bồ-tát:

– Tại sao người này phải chịu khổ sở trải qua thời gian lâu dài như thế mà lòng không chán nản?

Khi ấy, Bồ-tát biết tâm vương tử đã được điều phục, mới nói kệ và bảo đến gặp Phật.

Vương tử liền bỏ vương vị, xuất gia tu hành theo Phật pháp, nghe pháp rồi như pháp hành trì, đắc Vô sanh nhẫn.

Đức Phật bảo:

– Tịnh Tinh Tấn lúc ấy chính là thân ta, còn Tài Công Đức tức là Di-lặc.

(Trích kinh Đại Tập quyển 26, lại trích kinh Điều Phục Vương Tử Đạo Tâm. Kinh Bồ-tát Hạnh phần lớn đều giống như vậy)

5. TAY CỦA THỌ-ĐỀ-MA-NẠP HIỆN RA VOI LỚN:

Đối trước Đức Phật Bảo Tạng, Thọ-đề-ma-nạp quỳ gối phải sát đất, chắp tay bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, nay con phát tâm Vô thượng Bồ-đề, thành tựu căn lành. Nếu pháp Tam thừa mà con nguyện cầu đã được tự lợi, xin cho voi trắng lớn tự nhiên hiện ra trên hai tay con.

Do sức oai thần của Đức Phật, trong hai tay của ông ta hiện ra voi lớn, lông toàn màu trắng, bảy thân phần đều chạm đất.

Nhìn thấy sự việc này, Đức Phật bảo:

– Long tượng các ngươi, bây giờ hãy bay lên hư không nhưng đừng bay xa quá, rưới mưa nước thơm tám công đức xuống khắp cõi này để làm cho tất cả chúng sanh ở đây đều giác ngộ. Nếu có chúng sanh nào được thấm một giọt nước mưa, ngửi được mùi hương sẽ đoạn trừ năm triền cái: dâm dục, sân nhuế, thùy miên, điều hý và nghi.

Bấy giờ, voi lớn bay lên hư không nhanh như người lực sĩ tài giỏi bắn tên.

Hai voi lớn này làm xong mọi việc, trở về đứng trước Ma-nạp.

Thọ-đề thấy thế, lòng rất vui mừng.

(Trích kinh Thọ-đề-ma-nạp Phát Bồ-đề Thệ Nguyện).

6. BỒ-TÁT PHỔ THÍ CỨU GIÚP NGƯỜI NGHÈO:

Xưa có Bồ-tát thuộc dòng Bà-la-môn, vừa lọt lòng mẹ liền nói:

– Chúng sanh chịu nhiều tai họa, ta phải cứu giúp họ. Họ không sáng suốt, không có phép tắc, ta sẽ trừ sự đui điếc cho họ, khiến họ thấy nghe được chánh pháp của Phật.

Họ hàng kinh sợ nói:

– Chưa nghe đứa bé nào nói những lời như vậy. Đây chẳng lẽ là hồn linh của trời, rồng, quỷ thần ư?

Họ liền bói quẻ.

Cậu bé trả lời:

– Tôi là bậc Thượng Thánh hóa sanh, vốn có cái biết sáng suốt rộng rãi, chẳng phải là bọn yêu tinh kia đâu, hãy dè dặt chớ nghi ngờ. Nói xong, cậu bé im lặng Cha mẹ bảo:

– Con ta có cái chí rộng lớn, thấm nhuần sánh bằng trời đất, chẳng lẽ là phàm phu ư?

Nên đặt tên cho cậu bé là Phổ Thí.

Năm lên mười, cậu bé làu thông tất cả kinh sách Phật và các học thuật đang lưu hành ở thế gian. Cậu từ giã cha mẹ để cứu giúp, bố thí những người nghèo thiếu.

Cha mẹ nói:

– Ta nổi tiếng là giàu có nhất, con có thể mặc tình bố thí!

Phổ Thí thưa:

– Không đủ đâu. Xin cho con làm Sa-môn, ban cho con pháp phục, bình bát, tích trượng, con sẽ dùng những thứ này cứu giúp chúng sanh.

Cha mẹ ưng thuận. Phổ Thí đi khắp nơi giáo hóa, qua một nước lớn. Trong nước có một nhà giàu có cũng hiểu biết về kinh sách, nhìn thấy dung nghi đẹp đẽ, tính tình dễ chịu của Phổ Thí, trong sáng như thiên kim, có biểu hiện của bậc thượng Thánh, sẽ được làm vua trên trời.

Người nhà giàu nói với Phổ Thí:

– Tôi có đứa bé gái quê mùa, xin cho làm kẻ hầu hạ Ngài.

Phổ Thí đáp:

– Rất tốt. Hãy đợi tôi trở về.

Phổ Thí liền đáp thuyền vượt biển, lên bờ vào núi, đến chỗ không có người, xa trông thấy một thành bằng bạc. Trong cung có rắn độc, quấn quanh thành bảy vòng, thân nó lớn trăm vòng, ngóc đầu nhìn Phổ Thí. Phổ Thí nghĩ rằng:

– Con rắn này có tâm hại người, ta phải khởi lòng từ.

Nọc độc rắn liền diệt, nó gục đầu xuống ngủ. Phổ Thí bước lên đầu nó vào thành. Vị thiên thần trong thành thấy Phổ Thí, vui mừng nói:

– Từ lâu khâm phục đức hạnh của Ngài, nay Ngài đến đây, thật đúng với lòng mong ước của tôi.

Thiên thần mời Phổ Thí ở lại ba mươi ngày.

Phổ Thí đem mọi việc giao phó cho cận thần, đích thân thọ nhận sự cúng dường. Đến hết thời hạn cúng dường, thiên thần đem viên trân châu minh nguyệt tặng cho Phổ Thí. Viên minh châu này chiếu sáng tới bốn vạn dặm, lòng chủ nhân ước muốn điều gì thì các thứ báu đều hiện đầy đủ. Thiên thần lại thưa:

Nếu sau này Ngài thành Phật, tôi xin được làm đệ tử.

Phổ Thí đáp:

– Được.

Phổ Thí lại lên đường, thấy một thành bằng vàng ròng, có con rắn độc quấn quanh thành mười bốn vòng, thân to lớn gấp bội con rắn trước, ngóc đầu cao mấy trượng. Phổ Thí lại nhập từ định, rắn gục đầu xuống. Phổ Thí bước lên đầu rắn vào thành. Vị thiên nhân trong thành thấy Phổ Thí liền vui vẻ nói:

– Từ lâu khâm phục đức sáng của Ngài. Ngài đi đến đây thật là quý. Xin thỉnh Ngài lưu lại một trăm tám mươi ngày để tôi cúng dường.

Thời hạn đã hết, Phổ Thí từ giã lên đường. Vị thiên nhân tặng cho Phổ Thí một viên thần châu. Ánh sáng chiếu tới hai mươi vạn dặm, lòng chủ nhân ước muốn điều gì thì các thứ báu đều hiện đầy đủ. Thiên nhân thưa:

– Nếu Ngài đắc đạo, tôi xin được làm đệ tử có thần túc đệ nhất.

Phổ Thí tiếp tục lên đường, thấy một thành lưu ly. Có một con rắn độc, thân quấn quanh thành hai mươi mốt vòng, ngóc đầu lên, cặp mắt lộ vẻ giận dữ, đang giữ cửa thành ấy.

Phổ Thí lại nhập Từ định, nguyện cứu giúp chúng sanh. Nọc độc tiêu đi, rắn gục đầu xuống. Phổ Thí bước lên đầu rắn vào thành. Có vị thiên nhân vui mừng, nói lời như trước, mời Phổ Thí ở lại ba thời (270 ngày) và xin cúng dường theo như ý nguyện.

Kỳ hạn đã hết, Phổ Thí từ giã lên đường. Vị thiên nhân tặng cho Phổ thí một viên thần châu, ánh sáng chiếu xa một triệu sáu trăm ngàn dặm. Viên thần châu ở đâu thì ở đó có các thứ báu, đầy cả trong vùng ánh sáng kia, tuỳ theo ý muốn, không có điều mong cầu nào mà không được toại nguyện. Thiên nhân thưa:

– Nếu Ngài thành bậc Chánh Giác, tôi xin được làm đệ tử có trí sáng nhất.

Phổ Thí nói:

– Chắn chắn ông sẽ được như chí nguyện người.

Phổ Thí được ba viên thần châu, trở về chỗ cũ. Các long thần ở biển đều hội họp bàn rằng:

– Biển lớn của chúng ta, chỉ cần ba viên thần châu này là giàu sang mà vị đạo sĩ kia đã có đủ. Vậy chúng ta thà mất hết các châu báu khác, chứ không để mất ba viên thần châu này.

Vị thần biển hóa làm một thường dân, đứng trước mặt Phổ Thí, nói:

– Nghe Ngài được của báu bậc nhất thế gian, tôi có thể được xem chăng?

Phổ Thí lấy ra đưa cho coi.

Vị hải thần vươn đoạt lấy ba viên thần châu.

Phổ Thí nghĩ:

– Ta trải qua nhiều hiểm trở, vượt biển lớn mới được của báu này, muốn dùng nó để cứu giúp người nghèo khổ, lại bị vị thần này thấy rồi đoạt lấy hay sao?

Phổ Thí nói với vị thần:

– Ngươi hãy trả những viên thần châu lại cho ta, bằng không ta sẽ làm cạn nước biển của ngươi.

Vị hải thần nói:

– Biển lớn sâu rộng, ai có thể tát cạn được? Trời đất chấn động chỉ tạo thành gió thôi.

Phổ Thí nói:

– Xưa ta ở trước Đức Phật Đĩnh Quang, nguyện được đạo lực lật úp các biển, tay nâng núi Tu-di, làm chấn động trời đất, dời các cõi nước. Đức Phật theo chí nguyện của ta. Ta nay được toại nguyện. Ngày nay, sức yêu ma nhỏ bé như tơ tóc của ngươi đâu có thể ngăn trở được sức mạnh chơn chánh của ta.

Phổ Thí liền đứng ngang bằng hai chân, tát nước biển ra ngoài núi Thiết Vi.

Có vị Trời Biến Tịnh nghĩ:

– Xưa ta ở trước Đức Phật Đĩnh Quang nghe chí nguyện của người này, ắt sẽ thành Phật cứu độ chúng sanh.

Vị Trời ấy liền bay xuống giúp tát nước giúp Phổ Thí. Nước biển mười phần cạn hết tám phần.

Vị hải thần sợ hãi nói:

– Nước biển này cạn, sẽ làm hỏng chỗ ở của ta

Vị hải thần liền trả lại ba viên thần châu cho Phổ Thí.

Dọc đường bố thí, những nước nào Phổ Thí đi qua đều không còn dân nghèo. Các vị vua ở khắp nơi đều sửa đổi chính sách, lấy Ngũ giới, Thập thiện làm phép trị nước, mở cửa ngục, thả tù nhân. Ân đức của Ngài thấm nhuần tất cả chúng sanh, đều được thành Phật.

Đức Phật bảo:

– Phổ Thí chính là thân ta. Cha ta chính là vua Bạch Tịch. Mẹ ta là bà Xá-diệu. Người con gái đạo sĩ nay là Cầu-di. Vị thiên nhân trong thành bằng bạc nay là A-nan. Vị thiên nhân trong thành bằng vàng là Mục-kiền-liên. Vị thiên nhân trong thành lưu ly là Xá-lợi-phất.

(Trích Độ Vô Cực Tập quyển 1, lại trích kinh Hiền Ngu)

7. BỒ-TÁT TRỌNG THẮNG VƯƠNG BỊ NGÀI A-NAN CHÊ BAI:

Ngài A-nan bạch Phật:

– Con nhớ xa xưa khi vào thành Xá-vệ thấy Bồ-tát Trọng Thắng Vương nằm cùng giường với người nữ. Con cho là Bồ-tát đã phạm giới, không khác người đời. Người tu phạm hạnh đối với giáo pháp Như Lai, không khởi lên thấy, nghe, tưởng niệm.

Ngài A-nan nói xong, ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu lần.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Trọng Thắng Vương bay lên hư không, cách đất bốn trượng chín thước, bảo A-nan rằng:

– Người phạm cấm giới há có thể bay lên đứng giữa hư không được chăng?

Ngài A-nan đến trước Phật cúi mình, hối lỗi, thưa:

– Làm sao thấy hết được chỗ khiếm khuyết của bậc Đại Long?

Đức Phật bảo A-nan:

– Người nữ kia vào thời quá khứ đã trăm đời kết hôn với Trọng Thắng Vương. Tình cảm nhiều đời vẫn còn, tham đắm vẻ đẹp của Trọng Thắng. Cô ta đã phát lời thề:

– Nếu Trọng Thắng Vương làm ta thỏa nguyện, ta sẽ nghe theo lời dạy của ông ấy.

Bấy giờ, Trọng Thắng Vương biết tâm niệm cô gái, sáng sớm, ăn mặc chỉnh tề đến nhà cô ta, nói kệ rằng:

Ta ngu si tham dục
Bị chư Phật chê bai
Khéo diệt trừ ân ái
Được làm Phật cao cả.
 
Bấy giờ, cô gái vui mừng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, gieo mình xuống đất, quy y Tam bảo, tự trách và sám hối tội lỗi, làm bài kệ khen ngợi Trọng Thắng Vương:

Con đã lìa các dục
Được Thế Tôn ngợi khen
Tiết chế lòng ân ái
Cầu Phật đạo vô thượng
Những tâm tưởng trước đây
Nay thú tội sám hối
Thương xót các chúng sanh
Đều phát khởi đạo tâm.

Lúc ấy, Trọng Thắng Vương thọ ký cho cô gái chuyển thân nữ thành thân nam, chín mươi chín kiếp sau sẽ được thành Phật hiệu Ly Vô Số Bách Thiên Sở Thọ Như Lai.

(Trích kinh Tuệ Thượng Bồ-tát quyển thượng)

8. BỒ-TÁT ĐẠI-TÁT-CA-BÀ TỰ SÁT ĐỂ CỨU NGƯỜI:

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm Bồ-tát tên là Đại-tát-tha-bà, đang lúc qua biển lớn, bị gió dữ làm hư thuyền, Ngài bảo những người buôn:

– Hãy nắm lấy tóc, tay, chân của ta thì sẽ giúp các ngươi vượt qua biển.

Khi mọi người nắm xong, Ngài lấy dao tự sát. Phép của biển lớn không chứa tử thi, nên ngay lúc đó gió thổi dạt tất cả vào bờ.

( Trích luận Đại Trí Độ quyển 4)

9. BỒ-TÁT NGỒI THIỀN TRONG NÚI SUỐT ĐỜI:

Bồ-tát ngồi thiền trong núi, tư duy về từ tâm bất động. Biết chim đang sanh nở trên đầu, sợ trứng rớt xuống đất, Bồ-tát không dám động thân hay đi nơi khác, cứ ngồi yên bất động. Đến khi chim con mọc cánh nhưng chưa thể bay được, rốt cuộc Bồ-tát cũng không thể bỏ đi. Tự biết như thế, Bồ-tát nói kệ:

Giải quyết được việc này
Là thầy của trời người
Không làm chúng sợ hãi
Đức ấy không gì hơn
Cho nên Đức Thế Tôn
Là vị Thánh bậc nhất
Xưa ở nơi đạo tràng
Công đức đều đầy đủ.

( Trích kinh Tăng-già La-sát quyển thượng )

10. ĐỨC PHẬT VÀO BIỂN TÌM CHÂU, CỨU GIÚP NGƯỜI NGHÈO:

Đức Phật kể lại:

Từ vô số kiếp đến nay, ta tinh tấn cầu đạo, lúc mới phát tâm chẳng biếng lười, nên được chứng quả trước Phật Di Lặc chín kiếp.

Ta nhớ thuở quá khứ, do thấy người dân trong nước nghèo khó, nên khởi lòng thương xót, muốn vào biển tìm ngọc như ý. Ta tập hợp mọi người lại, đợi gió giương buồm, đến biển, xin ngọc như ý trên đầu Long vương. Long vương nghe ta muốn cứu giúp người nghèo, liền cho ta viên ngọc. Bấy giờ, các khách buôn tìm được nhiều của báu, lên thuyền trở về. Các rồng và quỷ thần trong biển này đều bàn với nhau:

– Ngọc như ý này là của báu quý nhất trong biển, người thế gian không thể có được. Vì sao Long vương không nghĩ đến biển mà lại làm lợi ích cho cõi Diêm-phù- đề? Thật là đáng tiếc. Phải tính cách lấy lại viên ngọc này, không để cho mất.

Bấy giờ các rồng, quỷ thần ngày đêm vây quanh thuyền, muốn lấy lại viên ngọc. Nhưng do đức độ của ta và sức thần của ngọc như ý nên chúng không thể thực hiện được.

Vượt qua biển cả, ta vui mừng đứng trên bờ, cúi đầu, ra sức chú nguyện cho thần biển, lấy viên ngọc cột vào cổ.

Lúc ấy, Long thần ở biển tìm cách làm cho viên ngọc rơi xuống biển.

Ta rất hài lòng đối với việc vào biển, đi thuyền, vượt bao khó khăn gian khổ mới được viên ngọc này để cứu giúp người nghèo khó.

Bấy giờ, thần biển lại khiến ngọc rơi xuống biển, ra lệnh cho người hầu bên cạnh mang một chiếc bình lại để hút nước biển đến tận đáy; Nếu không được ngọc, sẽ không ngưng nghỉ. Thần biển ra sức hút nước biển không tiếc mạng sống. Nước tự nhiên cuốn hết vào bình. Thấy vậy, các long thần trong biển sợ hãi, nghĩ rằng: Uy lực và sự quyết tâm của những người này, thế gian không thể có được. Nước không bao lâu sẽ cạn hết. Thế là, Thần biển liền đem ngọc đến từ tạ Đạo sư, rồi trở về.

Mọi người nói với nhau:

– Bây giờ, chúng ta thử nghĩ, nếu không nhờ sự quyết tâm thì không thể nào được ngọc. Khắp cả đất trời, không ai hơn ông ta được.

Có ngọc trong tay, ta mang về nước, làm mưa bảy báu, tất cả thiên hạ đều được an ổn.

Người vượt biển tìm ngọc bấy giờ chính là thân ta. (Trích Sanh kinh quyển1 )

11. BỒ-TÁT TỰ SÁT ĐỂ CỨU KHÁCH BUÔN:

Xưa có Bồ-tát cùng năm trăm lái buôn vào biển, tìm châu báo. Vào biển mấy tháng, của báu tìm được chở nặng cả thuyền. Khi sắp trở về bản xứ, giữa đường gặp cơn bão, sấm chớp rung trời, thần nước tụ tập lại vây kín bốn phía như thành, trong mắt tóe lửa, sóng vỗ đẫm núi, mọi người kêu khóc:

– Chúng ta chết mất!

Sợ hãi biến sắc, họ ngửa mặt lên trời kêu cứu. Bồ-tát buồn bã, nghĩ ra một kế:

– Ta cầu thành Phật, chỉ vì chúng sanh. Điều thần biển ghét chính là tử thi, liều mình cứu người là sự nghiệp cao cả của Bồ-tát. Ta không lấy máu mình đổ xuống biển, thì thần biển làm dữ, thuyền nhân rốt cuộc không được vào bờ.

Bồ-tát bảo mọi người:

– Các ngươi đan tay nhau lại, nắm lấy thân ta.

Mọi người vâng lời. Bồ-tát rút dao tự đâm chết mình. Thần biển ghét quá, đẩy thuyền vào bờ, mọi người đều được cứu mạng. Thuyền nhân ôm lấy tử thi, gào khóc:

– Đây hẳn là Bồ-tát, chẳng phải người bình thường.

Rồi họ lăn lộn kêu trời:

– Thà để chúng tôi mất mạng nơi này, chứ đừng giết bậc đức trọng.

Lời nói chân thành cảm đến chư Thiên. Thấy Bồ-tát lòng từ rộng lớn, Đế thích xuống nói:

– Đây là Bồ-tát có đức cao tột, sẽ làm đấng Thánh hùng, nay ta cứu sống lại.

Đế-thích bèn lấy thuốc thần đổ vào miệng, và thoa khắp thi thể. Bồ-tát sống lại, bỗng nhiên ngồi dậy, thăm hỏi mọi người. Đế thích đem danh báu cho họ đầy thuyền gấp nghìn lúc trước. Mọi người trở về quê cũ, họ hàng gặp nhau, không ai không vui mừng. Bồ-tát cứu giúp người nghèo thiếu, cho khắp chúng sanh, giảng giải kinh Phật, khai hóa người ngu tối. Vị quốc vương cảm phục đức hạnh Bồ-tát, xin được Ngài hóa độ. Vua nhân, tôi trung, cả nước trì giới, nhà có con hiếu, nước giàu, họa hết, dân chúng yên vui, chết sanh lên trời, mãi lìa các khổ. Bồ-tát nhiều kiếp tinh tấn không ngừng cho đến khi thành Phật.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Người giết mình cứu người chính là thân ta, trời Đế thích là Di Lặc, năm trăm lái buôn nay là năm trăm A-La-hán đang ngồi trong đây.

(Trích kinh Sát Thân Cứu Cổ Nhân, lại trích Độ Vô Cực Tập )

12. ĐỨC PHẬT HIỆN TƯỚNG LƯỠI RỘNG DÀI:

Lúc bấy giờ, các vị đại Bồ-tát như số vi trần trong ngàn thế giới từ dưới đất vọt lên, một lòng chắp tay, chiêm ngưỡng dung nhan của Phật mà bạch Phật rằng:

– Sau khi Phật diệt độ, ở các cõi nước Đức Thế Tôn phân thân diệt độ, chúng con sẽ rộng nói kinh này. Chúng con cũng muốn được pháp lớn thanh tịnh này để thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép cúng dường Đức Phật.

Lúc đó, Đức Thế Tôn ở trước vô lượng trăm ngàn vạn ức vị Bồ-tát cựu trụ ở thế giới ta-bà như Ngài Văn-thù-sư-lợi…và các Thanh-văn, tất cả chúng nhân, phi nhân…bày tướng lưỡi rộng dài lên đến trời Phạm Thế, tất cả lỗ chân lông phóng ra vô lượng tia sáng đủ màu, thảy đều chiếu khắp các cõi nước ở mười phương. Các Đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới cây báu cũng lại như thế.

(Trích kinh Pháp Hoa quyển 6)

13. CẬU BÉ CHĂN TRÂU TRUYỀN BÁ ĐẠI THỪA:

Xưa có vị Tỳ-kheo tinh tấn trì giới không hề hủy phạm, ở trong tinh xá, thường tụng kinh Bát-nhã-ba-la-mật. Hễ ai nghe được tiếng tụng kinh của Tỳ-kheo này thảy đều hoan hỷ.

Có một cậu bé bảy tuổi chăn trâu ở ngoài thành, xa nghe tiếng tụng kinh, nương theo tiếng ấy tìm đến chùa, vừa nghe liền hiểu. Cậu bé vui mừng, hỏi vị Tỳ-kheo, nhưng không có được câu trả lời vừa ý. Trái lại, cậu bé nói nghĩa Bát-nhã rất vi diệu, xưa nay ít được nghe.

Vị Tỳ-kheo nghe xong, khen ngợi cậu bé, cho là bậc có trí tuệ, không phải người bình thường.

Bấy giờ, cậu bé trở lại chỗ thả trâu, phát hiện có một con nghé chạy lạc vào núi. Lần theo dấu chân trâu, cậu bé bị hổ sát hại, rồi thác sanh làm con của đệ nhất phu nhân nhà trưởng giả. Trong thời gian mang thai, phu nhân có thể nói Bát-nhã-ba-la-mật từ sáng đến chiều, không hề ngưng nghỉ.

Gia đình trưởng giả vốn không tin Phật pháp, cho là phu nhân mắc bệnh ma, ăn nói bậy bạ. Xem bói, hỏi thăm khắp nơi, không ai biết được. Hai bên nội ngoại trong nhà đều lo buồn.

Lúc ấy, vị Tỳ-kheo vào thành khất thực, ngang qua nhà trưởng giả nghe tiếng tụng kinh, lòng rất vui mừng, liền hỏi trưởng giả: – Trong nhà ai nói kinh cao sâu, âm thanh vi diệu vậy?

Trưởng giả đáp:

– Vợ tôi mắc bệnh ma, ngày đêm nói bậy liên hồi không dứt.

Vị Tỳ-kheo bảo:

– Không phải bệnh ma đâu, chỉ là nói kinh, nghĩa lý rất sâu xa. Ta nghi rằng thai nhi phu nhân đang mang là đệ tử Phật.

Trưởng giả vỡ lẽ, mới mời vị Tỳ-kheo ở lại thọ trai.

Khi đủ ngày đủ tháng, phu nhân sanh ra một bé trai khác thường lai không có nước ối. Đứa bé vừa được sanh ra, liền chắp tay, quỳ gối, nói kinh Bát-nhã-ba-la-mật, còn phu nhân sanh xong, trở lại như xưa; Giống như nằm mộng, thức giấc, không còn nhớ gì nữa. Trưởng giả mời chư Tăng vân tập, thấy đứa bé nói kinh rất lưu loát.

Bấy giờ, chúng Tăng ai cũng một lòng quán xét đứa bé. Trưởng giả hỏi:

– Đứa bé này là ai?

Tỳ-kheo đáp:

– Đúng là đệ tử Phật. Hãy thận trọng, chớ có nghi sợ, nhớ nuôi dưỡng cho tốt. Lớn lên, đứa bé này sẽ làm Thầy của trời người. Chúng ta đều phải theo thọ giáo.

Khi lên bảy, đức bé đã biết hết các lẽ vi diệu và trí độ vô cực cao siêu. Các Tỳ-kheo đều theo thọ học. Những chỗ sai lầm,thiếu xót trong kinh, đứa bé đều san định đầy đủ, hoàn chỉnh. Mỗi khi đứa bé đi đâu, đều có mục đích là giáo hóa mọi người phát tâm Đại thừa. năm trăm người lớn nhỏ, nội, ngoại trong nhà trưởng giả đều theo đứa bé tu học, phát tâm Đại thừa và làm Phật sự. Số người trong thành quách chợ búa được đứa bé chỉ dạy và phát tâm vô thượng, tổng cộng tám vạn bốn ngàn người. Số người xin làm đệ tử là năm trăm người. Các Tỳ-kheo nghe đứa bé giảng giải, tâm ý đều khai mở, chí cầu Đại thừa, đắc pháp nhãn tịnh.

Đức Phật bảo A-nan:

– Đứa bé ấy chính là thân ta, còn vị Tỳ-kheo là Phật Ca-diếp.( Trích kinh Tiểu Nhi Văn Pháp Tức Giải )