KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 8

  1. Tát đà ba luân vì muốn nghe pháp mà bán tim, máu, tủy.
  2. Dược vương đời nay bỏ tay, đời trước thiêu thân.
  3. Tịnh Tạng Tịnh Nhãn giáo hóa cha mẹ của mình.
  4. Sằn-đề-hòa bị vua cắt thân thể.
  5. Vô ngôn thọ lời dạy của chư Thiên theo nghĩa tư duy chứng được tứ thiền.
  6. Bồ-tát Thường Bi đi về phương Đồng cầu pháp.
  7. Bồ-tát Thiện Tín đi về phương Đồng cầu nữa bài kệ.
  8. Nhất Thiết Thế Gian Hiện vì vợ thầy yêu mến mà làm việc trái đạo lý.
  9. Diệm quang thự hành hạnh kiết tường, gặp người nữ trở về lập gia nghiệp.
  10. Đề-kỳ-la và Na-lại đề xích mích nhau khiến trơì tối năm ngày.
  11. Bồ-tát Nhạo Pháp xả bỏ trang sức quý báu đổi lấy một bài kệ.
  12. Vì muốn nghe nửa bài kệ mà xả thân.
  13. Tu nhẫn nhục bị cắt thân thể mà không buồn khổ.
  14. Bán thân cúng dường Phật, nghe một bài kệ kinh Niết-bàn bị cắt thịt mà không đau đớn.
  15. Vì nghe kinh Pháp Hoa, mặt đất rung chuyển nứt ra, Bồ-tát vọt lên không trung.
  16. Hái hoa dâng vua, gặp Phật cúng dường.
  17. Thọ trì giới cấm phát nguyện ngăn trừ.
  18. Sơ phát tâm Bồ-đề liền vượt hơn Tiểu thừa.
  19. Ba đứa trẻ cúng dường Phật. Hai đứa phát tâm Tiểu thừa, một đứa phát tâm Đại thừa.
  20. Tuổi trẻ bị quỷ dục làm mê hoặc.

1. TÁT-ĐÀ-BA-LUÂN VÌ MUỐN NGHE PHÁP MÀ BÁN TIM, MÁU, TỦY:

Vào thời Đức Phật Đại-Lôi-Âm, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân hành Bồtát đạo, vì muốn cầu Bát-nhã-ba-la-mật nên không cần danh lợi chẳng tiết thân mạng. Bấy giờ trên không trung có tiếng dạy bảo Ngài.

Ngài tự nghĩ: “Ta phải cầu Bát-nhã-ba-la-mật ở đâu?”. Nghĩ đến đây Ngài buồn bã khóc lóc suốt bảy ngày, chịu sự đói khát, nóng lạnh khiến cho sức lực cùng kiệt.

Khi ấy có tiếng Đức Phật từ trên không trung vọng xuống rằng;

Này thiện nam tử! Thời quá khứ có Đức Phật hành Bồ-tát đạo, cầu nghe Bát-nhã-ba-la-mật, dụng siêng năng tinh tấn, ưa mến pháp để cúng dường Bát-nhã-ba-la-mật cũng như ông ngày nay vậy.

Bồ-tát Đàm-vô-kiệt đang ngồi trên tòa thuyết Bát-nhã-ba-la-mật. Nếu có người thọ trì đọc tụng, như lời dạy mà thực hành thì sẽ chứng đạo vô thượng Bồ-đề. Ông từ hôm nay bất luận ngày đêm tinh tấn, không bao lâu sẽ được Bát-nhã-ba-la-mật.

Bồ-tát tự nghĩ: “Ta nghèo cùng không có vật gì để cúng dường Bát-nhã-ba-la-mật và pháp sư, chẳng lẽ đến đó bằng tay không? Ta nên bán thân được chút ít tiền để cúng dường Bát-nhã-ba-la-mật và pháp sư. Ta nhiều đời mất vô lượng thân mạng, từ vô thủy đến nay chìm đắm trong sanh tử hoặc chết hoặc bán thân, hoặ vì tham dục mà phải ở trong địa ngục chịu nhiều đau khổ. Ta chưa từng vì pháp thanh tịnh và cúng dường pháp sư mà mất thân mạng”.

Nghĩ xong Ngài liền đi vào chợ thành, lớn tiếng rao rằng: “Ai muốn cần người! Ai muốn cần người!”.

Bấy giờ ác quỷ nghĩ rằng: “ Tát-đà-ba-luân vì yêu mến pháp muốn bán thân mình. Ta nay sẽ phá hạnh nguyện của ông ta”.

Ác quỷ liền ngăn che người dân trong thành không cho nghe tiếng rao của Ngài.

Bán thân không ai mua Ngài vô cùng buồn bã. Lúc ấy Thích-đềhoàn-nhơn hóa làm một Bà-la-mônđến trước Ngài nói rằng:

– Ta cần tim, máu, tủy của người để tế trời, ông có thể bán không?

Bồ-tát đáp:

– Ta nay được lợi ích lớn.

Ngài liền cầm dao đâm vào cánh tay trái cho máu chảy ra, rồi cắt thịt vế phải. Khi Ngài định đập xương lấy tủy thì có một người con gái của trưởng giả ở trên lầu cao, từ xa trông thấy liền hỏi vọng xuống:

Vì lý do gì mà ông lại moi tim chích máu, đập xương lấy tủy của mình khốnn khổ đến như vậy?

Ngài đáp:

Vì muốn chúng sanh tài vật để cúng dường Bát-nhã-ba-la-mật và Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, nên mới bán những thứ này cho Bà-la-môn-kia.

Làm như vậy được công đức gì?

Người này khéo học Bát-nhã-ba-la-mật và phương tiện lực. Ta học pháp này có thể được đạo vô thượng, làm chổ nương tựa cho chúng sanh, được thân sắc vàng, đầy đủ các công đức, đem công đức này ban cho tất cả chúng sanh đều được lợi ích.

Công dức này thật là vi diệu khó gặp, đáng phải xả thân như số cát sông Hằng. Ngài cần gì con sẽ cung cấp đầy đủ, con cũng muốn đến chổ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt để gieo trồng căn lành.

Lúc ấy Thích-đề-hoàn-nhơn hoàn lại, khen rằng:

Lành thay! Thiện nam tử! Chư Phật đời quá khứ hành Bồ-tát đạo cũng cầu Bát-nhã-ba-la-mật như vậy. Thật ra tôi không cần đến máu, tủy của Ngài, chỉ đến đây để thư Ngài thôi. Ngài cần gì tôi sẽ cung cấp cho.

Bồ-tát đáp: Tôi chỉ muốn thân thể bình phục lại như cũ.

Khi thân thể Ngài được bình phục, đến nhà con gái trưởng giả. Cha mẹ cô ta cung cấp đầy đủ các thứ: hoa quý thơm, châu anh lạc, hương thơm, ttràng phan bảo cái, y phục, bảy báu, kỷ nhạc. Con gái trưởng giả cùng với người hầu theo Ngài đến cúng dường kinh và Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Bồ-tát Đàm-vô-kiệt thuyết Bát-nhã-ba-la-mật và phương tiện lực.

Lúc ấy Tát-đà-ba-luân tìm nước rưới đất mà không có, liền cắt thân mình lấy máu rưới đất, để bụi không bám áo pháp sư. ( Trích kinh Đại Phẩm quyển 30 ).

2. DƯỢC VƯƠNG ĐỜI NAY BỎ TAY, ĐỜI TRƯỚC THIÊU THÂN:

Bồ-tát Tỳ-kheo-Vương-Hoa bạch Phật:

Bạch Đức Thế Tôn! Ngài Dược Vương du hóa cõi Ta Bà này như thế nào? Ngài đã lam trăm vạn ức na-do-tha nhũng hạnh khổ khó làm.

Cúi xin Đức Thế Tôn giảng sơ lược cho chúng con được nghe.

Vào-hằng-ha-sa kiếp trong đời quá khứ có Đức Phật hiệu là NhựtNguyệt-Tịnh-Minh-Đức, trong cõi nước ấy không có người nữ. Bồ-tát

Hỷ Kiến đối với giáo pháp của Phật này tinh tấn tu hành nhất tâm cầu thành Phật. Trải qua hai vạn năm, Ngài chứng được Hiện Nhứt thiết sắc thân tam muội, đều nhờ thần lực kinh Pháp Hoa, trên không trung rưới mưa hoa mạn-đà-la cùng hương Hải-ngạn-chiên-đàn. Bồ-tát dùng thiên y cuốn thân,tưới dầu thơm mà tự đốt thân. Ánh sáng đó chiếu khắptám mươi ức hằng hà sa thế giới. Đây là chơn tinh tấn chơn pháp cúng dường.

Than Ngài cháy một ngàn hai trăm năm sau mới tắt. Khi ấy tất cả chúng sanh thấy Bồ-tát Hỷ Kiến cúng dường pháp xong, liền hóa sanh vào nhà của vua Tịnh Đức ở nước này. Bồ-tát nói kệ cho phụ hoàng nghe:

Khi xưa con kinh hành
Đã được thân tam muội
Thực hành hạnh bố thí
Bỏ thân thể đáng yêu.

Rồi Ngài tâu với phụ vương:

Đức Phật Nhựt-Nguyệt-Tịnh-Minh-Đức hiện vẫn còn ở đời, con sẽ đến đó để cúng dường vị Phật này.

Ngài liền ngồi trên tòa cao bảy báu, bay lên hư không, đến chổ Đức Phật chấp tay tán thán Đức Phật:

Dung nhan rất đẹp lạ
Ánh sáng chiếu mười phương
Con đã từng cúng dường
Nay lại về gần gũi.

Phật bảo Bồ-tát Hỷ Kiến:

– Giờ diệt tận của ta đã đến! Ngay trong đên nay ta sẽ nhập Niếtbàn. Ta phó chúc cho ông nên đem xá lợi ban phát khắp nơi, để chúng sanh xây tháp cúng dường.

Bồ-tát Hỷ Kiến dùng củi Hải-thử-ngạn-chiên-đàn, chất lên để trà tỳ.

Sau đó Ngài thu lấy xá lợi đựng trong tám vạn bốn ngàn bình báu, xây tám vạn bốn ngàn tháp để cúng dường. Tuy cúng dường như vậy nhưng lòng Bồ-tát chưa thấy đủ, liền ở trước tám vạn bốn ngàn tháp đốt cánh tay trăm phước trang nghiêm, lửa cháy suốt bảy vạn hai ngàn năm để cúng dường Phật. Vô số chúng Thanh văn, vô lượng người phát tâm bồ-đề điều được Hiện Nhất thiết sắc thân tam muội. Các Bồ-tát, trời,người v.v… thấy Bồ-tát không có tay nên âu sầu buồn bã nói:

Bồ-tát Nhất-thiết-chúng-sanh Hỷ-Kiến là bậc thầy giáo hóa chúng ta,nay Ngài không đủ tay.

Bồ-tát ở trong đại chúng phát lời thệ rằng:

Tôi bỏ hai tay ắt sẽ được thành Phật, nếu đúng thật như thế thì khiến tay tôi trở lại như cũ.

Bấy giờ ba ngàn thế giới có sáu loại chấn động, trời mưa hoa báu, tức thời hai tay của Bồ-tát bình phục như cũ.

Phật bảo Bồ-tát Tú Vương Hoa:

– Bồ-tát Hỷ Kiến thuở đó nay chính là Dược Vương Bồ-tát. Nếu có người phát tâm muốn được đạo vô thượng bồ-đề, nếu đốt một ngón tay nhẫn đến một ngón chân cúng dường Phật, còn hơn đem vợ con, đất nước cho đến ba ngàn cõi nước, núi rừng, ao suối, các vật trân báu mà cúng dường Phật, Bồ-tát, Bích Chi và cúng dường-La-hán. ( Trích kinh Pháp Hoa quyển 6 ).

3. TỊNH TẠNG TỊNH NHÃN GIÁO HÓA CHA MẸ MÌNH:

Vào thời quá khứ có Đức Phật hiệu Vân-Lôi-Âm-Vương-Hoa-Trí. Bấy giờ có vị vua tên Diệu-Trang-Nghiêm, phu nhân của vua là Tịnh Đức. Họ có hai người con tên Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn.

Hai vị thái tử này có thần lự lớn và có phước đức trí tuệ, chuyên tu Bồ-tát đạo. Đức Phật vì thương xót chúng sanh và muốn giáo hóa vua Diệu-Trang-Nghiêm nên thuyết kinh Pháp Hoa này.

Lúc bấy giờ hai vị thái tử thưa với phu nhân:

– Xin mẹ hãy đến chổ của Đức Phật Vân-Lôi-Âm-Vương-HoaTrí, chúng con cũng đi theo để cúng dường, lễ bái hầu hạ Ngài.

Phu nhân đáp:

– Cha các con tin theo ngoại đạo, chấp trước pháp Bà-la-môn. Các con nên đến thưa với cha để cùng đi.

Phu nhân lại nói:

– Các con nên thương phụ vương mà biến hiện thần thông để giáo hóa ông ấy.

Bấy giờ hai vị thái tử bay lên hư không cao bằng bảy cây Đa-la, hiện mười tám món thần biến. Vua thấy thần lực của các con, tâm rất vui mừng, chấp tay hướng về phía các con nói:

– Thầy các con là ai?

Hai vị thái tử thưa:

– Thầy chúng con là Phật Vân-Lôi-Âm-Vương-Hoa-Trí, hiện nay Ngài đang ngồi trên pháp tòa, dưới cội Bồ-đề bảy báu thuyết kinh Pháp Hoa.

Ta nay muốn gặp Ngài!

Hai vị thái tư từ trên không trung bay xuống thưa với phu nhân:

– Phụ vương nay đã tin hiểu, phát tâm Bồ-đề. Các con đã vì phụ vương làm Phật sự rồi, xin mẫu hậu chấp nhận cho chúng con theo Đức Phật kia xuất gia tu học.

Phu nhân đáp:

– Ta chấp nhận cho các con xuất gia, vì Phật rất khó gặp.

Bấy giờ hai thái tử thưa với cha mẹ rằng:

– Ngay bây giờ chúng con đến chổ Đức Phật để thân cận cúng dường.

Vua Diệu-Trang-Nghiêm dẫn quần thần, quyến thuộc, phu nhân và thể nữ nơi hậu cung, cùng với hai thái tửdắt theo bốn vạn hai ngàn người cùng đi đến chỗ Phật.

Đức Phật thuyết pháp dạy bảo khiến họ được lợi ích. Vua rất vui mừng. Bấy giờ. Vua và phu nhân liền cỡi chuỗi châu anh lạc nơi cổ để rải trên Đức Phật. Từ trên không ttrung hóa thành bốn đài báu. Trong mỗi đài có tòa báu lớn dùng một trăm ngàn vạn thiên y để trải. Trên mỗi tòa báu đều có Đức Phật ngồi kiết già, phóng hào quang rực rỡ.

Đức Phật Vân-Lôi-Âm-Vương-Hoa-Trí bảo bốn chúng rằng:

– Các ông có thấy vua Diệu-Trang-Nghiêm đứng chấp tay trước mặt ta không? Vị vua này ở trong giáo pháp ta sẽ làm Tỳ-kheo tinh tấn tu tập trợ duyên giáo pháp của Phật. Vào kiếp Đại-Cao-vương, ở nước Đại Quang ông sẽ được làm Phật hiệu là Ca-sa-la-thọ-vương.

Vua liền nhường ngôi lại cho em rồi cùng phu nhân, hai người con và các quyến thuộc xuất gia tu học giáo pháp của Phật. Sau khi xuất gia, trong suốt tám vạn bốn ngàn năm. Vua thường tinh tấn tu hành kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sau đó chứng đắc Nhất thiết công đức trang mghiêm tam muội. Vua liền bay lên hư không cao bằng bảy cây Đa-la.

Vua Diệu-Trang-Nghiêm thuở xưa nay chính là Bồ-tát Hoa Đức. Phu nhân Tịnh Đức chính là Bồ-tát Quang- Chiếu-Trang-Nghiêm-tướng.

Hai vị thái tử nay chính là Bồ-tát Dược Vương và Dược Thượng. ( Trích kinh Pháp Hoa quyển 7).

4. SẰN-ĐỀ-HÒA Ở TRONG NÚI, GẶP QUỐC VƯƠNG, BỊ CẮT THÂN THỂ:

Thuở xưa Bồ-tát lúc còn làm vị phạm chí tên Sằn-đề-hòa, bấy giờ Ngài thường ngồi dưới gốc cây trong núi rừng, ăn trái cây uống nước suối, mọi nhơ bẩn bên trong đều tiêu sạch, chứng lục thông đạt trí biết tất cả. Tiếng tăm Ngài vang khắp thiên hạ. Thánh phàm bàn tính ủng hộ nước của Ngài. Vì thế trong nước Ngài ở mưa thuận gió hòa, ngũ cốc được mùa, không có tai họa tật dịch. Vua nước này tên là Ca-lê. Một hôm nhà vua vào rừng săn bắn, lúc đuổi theo dấu chân nai, thì ngang qua trước mặt Bồ-tát, vua liền dừng lại hỏi xem Bồ-tát có thấy nai chạy qua không. Nhưng Bồ-tát im lặng vua quát:

– Gả ăn mày đáng chết kia! Ta là bậc tôn quý của một nước, tại sao ta hỏi ngươi không trả lời, mà giả vờ cúi đầu. Quyền thế của ta có thể giết chết ngươi đấy!

Bồ-tát nói:

– Tôi xin nghe Ngài đây.

– Ngươi là ai?

Tôi là người nhẫn nhục.

Vua tức giận rút kiếm ra chém đứt cánh tay phải của Ngài.

Bồ-tát nghĩ: “ Chí ta cầu đạo vô thượng không tranh chấp với đời, mà vua này còn chém ta, huống gì là dân chúng? nguyện ta thành Phật sẽ độ người này trước, khộn để chúng sanh bắt chước ông ta làm ác”. Vua lại hỏi:

– Ông là ai?

Bồ-tát đáp:

– Tôi là người nhẫn nhục.

Vua lại cắt cánh tay trái của Bồ-tát cho đến hai chân, tai, mũi, máu chảy như suối, đau đớn vô cùng. Trời đất chấn động mặt trời mặt trăng không sáng. Tứ thiên vương đều đến đồng thanh nói:

– Vua này thật tàn ác, rồi nói với đạo sĩ rằng:

– Chúng tôi sẽ giết chết vị vua này cùng với vợ con của hắn và tiêu diệt cả nước để nêu rõ tội ác của hắn ta.

Đạo sĩ đáp:

– Sao lại nói như thế! Tai họa này là do ta đời trước không vâng lời Phật dạy,làm hại ông ấy. Bởi làm ác nên họa theo ta như bóng theo hình.

Dân chúng thấy biến cố xảy ra, liền chạy đến nhận tội, đồng thanh nói:

– Đạo sĩ ở đây, cầu cho đất nước khỏi tai họa thế mà ngu quân không hiểu phải trái, không biết cư xử, làm ác với bậc Thánh, nguyện xin Thánh nhân đừng đem chúng tôi tâu lên thượng đế.

Bồ-tát đáp:

– Vua hung ác làm khổ thân ta, mà lòng ta vẫn thương như mẹ hiền thương con đỏ, chứ dân chúng có tội gì mà phải lo ngại!

Bồ-tát có người em tu ở núi khác. Người em dùng thiên nhãn thấy Trời rồng hội họp bàn về vua ác, không ai không căm giận. Sợ anh mình tổn đức, liền dùng thần túc đến chổ người anh. Người em lấy tay,chân, tai, mũi bị chặt đứt nối lại như cũ, thân thể Bồ-tát bình phục trở lai như trước.

Bồ-tát nói:

– Lòng thương rộng lớn của ta nay đã tỏ rõ.

Thần trời, thần đất đều vui buồn lẫn lộn, cúi đầu ca ngợi, cùng khuyên nhau, thọ giới rồi lui ra.

Sằn-đề-hòa chính là thân ta,người em là Di Lặc, nhà vua là Câu Lân.

(Trích Độ Vô Cực Tập quyển ).

5. VÔ NGÔN THỌ NHẬN LỜI DẠY CỦA CHƯ THIÊN, THEO NGHĨA TƯ DUY, CHỨNG ĐƯỢC TỨ THỀN:

Lúc bấy giờ, tại nhà tướng quân Sư Tử ở thành Vương xá sanh được một người con trai. Trong lúc sinh đứa bé, chư Thiên trên không trung nói rằng:

– Đồng tử! Thường nên niệm pháp, tư duy pháp, phàm nói ra điều gì chớ nói chuyện thế gian. Thường nên nói pháp xuất thế, luôn giữ khẩu nghiệp, cẩn thận trong từng lời nói. Đối với việc thế gian chớ khởi các giác quan. Nên theo nghĩa của văn không chấp vào văn tự.

Lúc ấy, đứa trẻ nghe những lời này, khong khóc không có dáng vẻ của trẻ con. Cho đến bảy ngày sau sắc mặt của đứa bé lúc nào cũng vui tươi, người thấy rất vui vẽ, nhìn hoài không chán. Có người nói với cha mẹ đứa bé:

Đứa bé này là điềm chẳng lành, không nên nuôi dưỡng!

Cha mẹ đứa bé đáp:

– Đứa bé này tuy không nói được, nhưng các căn đầy đủ; nên biết hẳn là có phước đức chớ chẳng phải là điềm chẳng lành.

Vì thế họ đặt tên đứa bé là Vô Ngôn. Vô Ngôn dần dần lớn lên bằng đứa bétám tuổi. ai nấy cũng vui mừng, cũng thích nhìn. Những nơi nào có thuyết pháp, chuyển pháp luân đứa bé đều thích đến nghe rồi thọ trì nhưng miệng không nói được.

Lúc bấy giờ, Vô Ngôn cùng với cha mẹ và bà con họ hàng cùng đến bảo phường giữa hai cõi Sắc giới và Dục giới. Họ thấy Phật và chư Bồ- tát mười phương, sanh tâm vui mừng. Xá-lợi-phất bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Con của tướng quân Sư Tử vì tạo nghiệp gì, thân căn đầy đủ mà không nói được?”

Phật đáp: “Không nên khinh thường đứa bé này. Vì sao? Vì người này là bậc đại Bồ-tát, đã từng ở nơi vô lượng Đức Phật, trồng nhiều căn lành, không thối chuyển đạo Bồ-đề. Lúc đứa bé được sanh ra có nhiều chư Thiên đến dạy bảo như trước. Đứa bé theo lời chư thiên dạy bảo, im lặng tư duy, chứng được tứ thiền. Bồ- tát hiện thân như vậy có khả năng điều phục vô lượng chúng sanh”. Phật dùng sáuc thần thông khiến tám bộ bốn chúng, ai cũng thấy trên tay phải Phật có hoa sen giống như bánh xe, thơm tho đẹp đẽ, mọi người đều thích nhìn. Trên mỗi đài hoa có một vị Bồ-tát thân tướng trang nghiêm, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẽ đẹp đang ngồi kiết già. Vô Ngôn thấy sức thần thông của Đức Phật, cúi đầu chấp tay xưng Nam mô Phật-đà. Trong các đài hoa, tất cả Bồ-tát đồng thanh nói như vầy…Hằng hà sa thế giới trong mười phương có sáu lần chấn động. Trên hư không ch thiên dùng hương thơm trổi các thứ kỷ nhạc cúng dường chư Phật. Lúc ấy Vô Ngôn và chư Bồtát bay lên hư không cao bằng bảy cây Đa-la, nói kệ tán thán Phật. (Trích kinh Đại Tập quyển 17).

6. BỒ-TÁT THƯỜNG BI ĐI VỀ PHƯƠNG ĐÔNG CẦU PHÁP:

Thuở xưa, tiền thân Phật là Bồ-tát Thường Bi. Tình trạng Phật – Pháp – Tăng lúc bấy giờ như đời uế trược, người ta lại bỏ chánh theo tà, ưa dối ham lợi giống như thiêu thân thích lửa. Tứ vô lượng tâm, lục ba la mật là ngôi nhà an vui mãi mãi mà người đời phá bỏ Phật Pháp đi đến nguy hoạ kia, để tự huỷ hoại đời mình. Vì vậy Bồ-tát thường buồn bã khóc than.

Xưa có Phật hiệu là Cảnh Pháp Vô Uế diệt độ chưa bao lâu, mà kinh pháp không còn ở thế gian. Một hôm Bồ-tát Thường Bi nằm mộng thấy Phật thuyết pháp cho mình nghe, Bồ-tát nghe xong, lòng dơ trừ sạch, nhập vào định thanh tịnh, liền bỏ vợ con vào núi ở chổ vắng lặng tu tập, ăn trái cây, uống nước suối để sống. Một hôm Bồ-tát đang khóc than “con không gặp được Phật – pháp – Tăng, không biết được chổ cao tột của Đạo lớn”. Khi tiếng than vừa dứt, liền có vị Trời hiện xuống nói.

Kẻ sĩ sáng suốt chính là Ngài! Thôi đừng khóc than nữa! Phật có đại pháp gọi là trí sáng, sáng suốt vô cực. Chư Phật ba đời đều nhờ đây mà thành tựu. Ngài nên tìm để học tập văn này, nhớ hiểu nghĩa của nó, vâng giữ và hành trì ắt sẽ gặp Phật.

Bồ-tát Thường Bi ngưỡng mặt lên hỏi:

– Tôi sẽ nghe pháp tôn quý này từ ai? Phải dùng phương tiện gì và đến nước nào? vị thầy ấy tên họ là gì?

– Từ đây Ngài đi về phương Đông, khi đi đường nhớ nghĩ sắc, thọ, tưởng, hành, thức; ý dứt các chí nguyện. Nếu Ngài giữ lòng không trái với lời dạy của tôi, thì sẽ thấy sách Thánh trí tuệ vô cực.

– Vâng! tôi xin giữ trọn.

– Hãy siêng năng nhớ lấy.

Nói xong vị Trời bổng nhiên biến mất.

Bồ-tát theo lời dạy đi về phương Đông tìm pháp. Đi được và ngày Bồ-tát dừng lại nghĩ “phước đời trứơc của ta cạn mỏng. Vua tôi mù tối, không có Phật. Trí tuệ vô cực là vị thầy trừ sạch tối tăm cách đây vài dặm”. Lòng chí thành của Bồ-tát cảm đến chư Phật ở thượng phương. Phật bay đến trước mặt của Bồ-tát, chư Thiên theo hầu hai bên đều cùng khen ngợi Bồ-tát.

– Hay thay! Hay thay! Ở đời ít có Bồ-tát được thấy Phật.

Bồ-tát vui buồn lẫn lộn cúi đầu thưa:

– Xin Phật thương xót con, thuyết kinh cho con.

Đức Phật thuyết kệ:

Ba cõi đều không
Hễ có ắt không
Vạn vật như huyễn
Vừa sanh liền diệt
Giống như sóng nước
Nhìn đời như vậy
Nhớ nghĩ đừng quên.

Rồi Ngài nói:

Từ đây đi về phương Đông hai vạn dặm, có nước tên Kiền-đàviệt là thành của các Bồ-tát. Người trong nước ấy đều là những bậc thượng sĩ, không có người thường. Nếu nói công đức của các Bồ-tát thì dù trãi bao kiếp số có thể hết nhưng công đức của Bồ-tát vẫn còn. Ở đó có Bồ-tát tên Pháp Lai. Trong các Bồ-tát Ngài như trăng sao, đem các kinh điển, cặn kẻ dạy người. Các Bồ-tát có người trọng, người đọc, người viết. Người biết bản kinh nầy là thầy ông, ông hãy đến đó thầy sẽ thuyết kinh cho ông.

Bồ-tát Thường Bi từ chánh định dậy, ngoái nhìn trái phải không thấy chư Phật, lòng buồn rơi lệ nói:

Ánh sáng linh thiêng của chư Phật từ đâu đến, nay lại biến mất rồi!

(Trích Độ vô cực tập quyển 7)

7. BỒ-TÁT THIỆN TÍN ĐI VỀ PHƯƠNG ĐÔNG CẦU NỮA BÀI KỆ:

Lúc bấy giờ ở đời không có Phật pháp, Bồ-tát Thiện Tín đi tìm cầu chánh pháp. Trong không trung có tiếng nói rằng:

– Từ đây đi về phương Đông một vạn do tuần có nước của vua Thiện Trụ. Xưa có Như Lai xuất hiện ở đời nay diệt độ đã lâu, lúc thời tượng pháp suy vi có một người nữ sinh ra trong dòng họ thấp hèn, hình dáng xấu xí, đến nổi không ai xấu bằng, hình như cô ấy có thể nhớ nữa câu của một bài kệ, nếu Ngài muốn tìm học có thể đến hỏi xem! Nhưng đến nhà cô ấy phải trãi qua một đầm lầy rộng một vạn dặm. Mọi người đi qua đều bị chìm, cho đến chim bay cũng không qua, một sợi lông cũng không thể nổi được. Ông nay thân thể bệnh hoạn, tay chân rã rời làm sao đến đó được.

Bồ-tát nghe xong rất vui mừng liền đi về phương Đông, đến chỗ đầm lầy, Ngài không nghĩ đến thân mạng, đi ngay vào đầm lầy. Nhưng khi chân Bồ-tát vừa chạm đất, trong đầm lầy bổng nhiên hiện ra một con đường thẳng trắng toát, Bồ-tát đi trên con đường ấy, không gặp chướng ngại gì.

Đến nước kia, Bồ-tát đi vào thành vua Thiện Trụ, buồn khóc, tự trách tội lỗi của mình không được thấy Phật.

Sau đó Bồ-tát đến nhà cô gái hèn hạ xấu xí kia. Khi gặp cô gái, Bồ-tát cung kính tưởng chừng như gặp Phật. Ngài chiêm ngưỡng, lễ bái, nhiễu quanh tán thán, xin cô gái làm thầy mình, xót thương chỉ dạy Phật Pháp để được niềm tin vững chắc.

Cô gái đáp: Pháp vi diệu của chư Phật vô lượng vô biên, nhưng con chỉ nhớ một bài kệ, nếu Ngài muốn nghe con sẽ đọc, liền đọc: Chớ làm các điều ác, hãy làm các việc lành.

Bồ-tát nghe lời này rồi, thân tâm thanh tịnh, các căn vắng lặng, tự nhiên được điều phục. Từ đó Bồ-tát thường đọc tụng, tư duy nghĩa lý, thấu suốt yếu chỉ, chứng đắc thần thông. Bồ-tát bay về nước mình giảng nói nữa bài kệ này khắp nơi, đem công đức ấy cầu nguyện chánh pháp vững bền, tín tâm bất hoại.

Chúng ma bắt đầu hàng phục, quy y Tam bảo. Vì những người chưa có niềm tin này, nên Bồ-tát thường ở trong sinh tử để chỉ bày cho họ, khiến họ nghe theo và phụng trì.

(Trích Bồ-tát Quyết Định Yếu Hạnh quyển 1)

8. NHẤT THIẾT THẾ GIAN HIỆN VÌ VỢ THẦY YÊU MẾN MÀ LÀM VIỆC TRÁI ĐẠO LÝ:

Làng Tát na nằm cách phía Bắc thành Xá-vệ không xa lắm. Trong làng ấy có một cô gái Bà-la-môn nghèo cùng tên là Bạt đà la. Cô ta sinh được một thằng con trai tên là Nhất Thiết Thế Gian Hiện. Đứa bé sớm mồ côi cha, năm lên mười hai tuổi nó trở thành một thanh niên khôi ngô tuấn tú, lại thông minh, biện tài vô ngại.

Ở thôn Phả la ha tư có một Bà-la-môn sống ở đây đã lâu tên là Ma ni Bạt đà la. Ông ta thông suốt bốn bộ Tỳ đà. Nhất Thiết Thế Gian Hiện đến theo học với ông ta, luôn khiêm nhường cung kính, hết lòng phụng dưỡng thầy, các căn vắng lặng, những gì nghe qua đều nắm vững.

Thầy Bà-la-môn được lệnh vua triệu liền bảo Nhất Thiết Thế Gian Hiện ở lại giữ nhà, rồi ra đi. Vợ của Bà-la-môn tuổi còn trẻ lại xinh đẹp, đem lòng yêu thương Nhất Thiết Thế Gian Hiện, cô ta quên cả lễ nghi cấm kỵ, mà đến cầm áo anh. Lúc ấy Thế Gian Hiện nói:

– Tôi kính cô như mẹ tôi, tại sao cô làm việc trái đạo lý như thế?

Vợ Bà-la-môn cảm thấy sợ hãi và xấu hổ liền thả áo tránh xa. Dục vọng không được thoả mãn cô ta liền khóc rồi nghĩ: “ta bổng nhiên bị hắn cự tuyệt, không chìu theo ý mình, kiên quyết không chịu theo ta, ta phải đoạn mạng hắn mới được”. Nghĩ rồi vợ Bà-la-môn lấy móng tay tự cào khắp người, lấy dây tự cột chân rồi nằm lăn ra đất.

Người chồng trở về thấy vợ như vậy liền lấy dao cắt dây, lớn tiếng hỏi nguyên nhân.

Vợ đáp:

– Việc này chính là do Nhất Thiết Thế Gian Hiện lăng nhục, cưỡng bức thiếp nên làm như vậy.

– Người chồng suy nghĩ “ngày sinh Nhất Thiết Thế Gian Hiện, tất cả dao kiếm của các nhà Sát đế lợi đều tự tuột ra khỏi vỏ. Tất cả những vật nhọn đều co lại, rơi xuống đất. Lúc ấy các gia đình Sát đế lợi đều rất sợ hãi. Ngày sinh anh ta có tướng như vậy, nên biết người này có đứclực lớn.

Nghĩ rồi Bà-la-môn nói với Thế Gian Hiện:

– Ngươi là người ác, làm nhục thầy mình. Ngươi nay chẳng còn là Bà-la-môn chân chánh nữa, ngươi phải giết một ngàn người mới trừ hết tội lỗi.

Thế Gian Hiện bẩm tánh vốn kính trọng vâng lời thầy, liền thưa:

– Than ôi! thầy bảo giết một ngàn người việc đó chẳng thích hợp với con

– Ngươi là người ác, không thích làm Bà-la-môn sanh về cõi trời sao?

– Thưa thầy con vâng lời.

Thế Gian Hiện ra đi giết một ngàn người rồi trở về lễ dưới chân thầy.

Thầy Bà-la-môn thấy vậy sanh tâm hiếm có nghĩ “hắn là người đại ác nên không chết, lại nghĩ: “nay nên làm cách nào khiến nó phải chết”. Liền nói với Thế Gian Hiện ngươi nên giết một ngàn người mỗi người lấy một ngón tay, xâu thành vòng đội đầu, rồi hãy trở về, sau đó sẽ thành Bà-la-môn.

Vì nhân duyên này Thế Gian Hiện có tên là Ương Quật Ma La.

Anh ta thưa:

– Hay thay! Con sẽ làm theo lời dạy của thầy.

Thế rồi anh lại đi giết một ngàn người khác, đã được chín mươi chín người chỉ còn thiếu một người. Lúc bấy giờ mẹ của Ương Quật Ma La nhớ con, sợ con đói khát. Bà làm bốn loại thức ăn ngon đem đến cho con. Anh ta thấy mẹ liền nghĩ:“phải khiến cho mẹ ta được sanh lên trời”. liền cầm dao muốn giết mẹ.

Lúc bấy giờ Phật tại rừng cây A thâu ca cách nước Xá-vệ thiếu một trượng đầy mười do diên. Phật dùng nhất thiết trí biết được việc này, liền đi hùng dũng như voi chúa đến chỗ Ương Quật Ma La. Vừa thấy Phật anh ta cầm kiếm đi nhanh đến, nghĩ rằng: “ta nay phải giết vị Sa-môn này”. Thế Tôn thị hiện tránh xa xa. Ương Quật Ma La nói kệ:

Dừng lại đại Sa-môn
Thái tử của Bạch Tịnh
Ta là Ương Quật Ma
Phải lấy ngón tay người

Thế Tôn nói kệ:

Dừng lại Ương Quật Ma
Ông nên giữ tịnh giới
Ta là bậc chánh giác
Sẽ cho ông kiếm huệ.

Lúc ấy mẹ Ương Quật Ma La thấy Phật và con mình cứ nói qua lại mãi, tâm bà tự nhiên được điều phục, nghĩ đến thân mình nên nói kệ:

Của báu mất lâu, nay được trả
Mắt trần bị hoại nay sáng trong
Thương thay! con tôi tâm mê loạn
Luôn lấy máu người tự tô thân
Kiếm dao sắc bén thường trong tay
Giết nhiều người, thây chat thành đống
Phải khiến con hư nghe theo mình
Cúi đầu kính lễ bậc Chánh giác
Người đời nghe được chuyện thế này
Con ta như vậy, ta đáng tránh!

(Trích kinh Ương Quật Ma La quyển 1)

9. DIỆM QUANG THỰC HÀNH NGUYỆN KIẾT TƯỜNG, GẶP NGƯỜI NỮ, TRỞ VỀ LẬP GIA NGHIỆP:

Vô số kiếp vào thời quá khứ, lúc bấy giờ có một Học chí tên là Diệm Quang ông ta thường ở chốn núi rừng, thực hành nguyện kiết tường, trải qua bốn trăm hai mươi vạn năm tu hành không trở ngại. Một Học chí vào nước Sa kiệt, lúc ấy có một người con gái, nhà thợ gốm thấy Học chí khôi ngô tuấn tú, ý muốn tôn sùng, liền tụ đến với Học chí. Nhưng học chí nói: “Ta không thích dục lạc” Người nữ đáp: “Nếu không được điều này tôi sẽ tự phá huỷ đời mình”. Lúc ấy học chí Diệm Quang nghĩ “Ta giữ gìn cấm giới, nay nếu phá giới thì chẳng phải là hạnh kiết tường”. Nghĩ xong học chí bỏ đi. Vừa đi cách xa chừng bảy bước Học chí liền sanh lòng thương hại nghĩ: “Huỷ hoại cấm giới thì tội đọa địa ngục. Thà khiến cho người nữ này được an ổn, còn ta chịu thống khổ ở địa ngục!” Nghĩ xong Học chí trở lại, theo điều mong ước của người nữ. Học chí trở về lập gia nghiệp, được mười hai năm, sau khi mạng chung được sanh lên cõi trời Phạm thiên.

Phật bảo: Học chí Diệm Quang lúc ấy chính là thân ta, người con gái nhà thợ gốm là Cù Di vậy.

(Trích kinh Huệ Thượng Bồ-tát)

10. ĐỀ-KỲ-LA VÀ NA-LẠI ĐỀ KỲ XÍCH MÍCH NHAU KHIẾN TRỜI TỐI NĂM NGÀY:

Xưa có hai vị Bồ-tát chí hạnh thanh cao, trong không còn tham dục, ngoài sáng như vàng ròng. Hai vị đục đá làm thất để tu tập thiền định. Họ măc áo vá chằm, nằm chiếu cỏ, ăn trái cây uống nước suối, tâm họ thanh tịnh vô vi, rỗng suốt như hư không, đắc tứ thiền ngũ thông. Phạm thiên, Đế thích, Tiên Thánh, chư Thiên, rồng, quỷ thần đều kính lễ. Hai Ngài ở chốn núi đầm hơn sáu mươi năm, thường thương xót chúng sanh, cung kính Tam bảo. Hai vị ấy tên là Đề-kỳ-la và Na-lại đề kỳ.

Một đêm nọ, Đề-kỳ-la tụng kinh xong, mệt mỏi nằm lăn ra ngủ.

Lúc ấy Na-lại cũng đi tụng kinh, sơ ý đạp nhằm đầu Kỳ Đề La. Đề-kỳla thức dậy nói:

Ai đạp vào đầu ta, sáng mai lúc mặt trời mọc, thì đầu kẻ ấy sẽ bị vỡ làm bảy mãnh Na-lại đáp:

Tôi sơ ý đạp nhầm đầu ông, sao ông nở nguyền rủa nặng như thế, phàm những đồ đạc còn có lúc va chạm, huống chi con người cùng ở chung với nhau, từ năm này sang năm khác mà không có lầm lở sao? Lời ông nói thường đúng, ngày mai lúc mặt trời mọc đầu tôi sẽ bị vỡ Vậy tôi sẽ ngăn không cho mặt trời mọc.

Thế là, năm ngày mặt trời không mọc, cả nước tối om, đèn đuốc thắp liên tục, các quan không đi làm việc, vua quan hoảng hốt. Vua liền triệu tập quần thần và cho mời các vị đạo sĩ đến để bàn luận.

Vua hỏi: Mặt trời không mọc, lỗi này do đâu? Trong các đạo sĩ có vị chứng ngũ thông tâu rằng:

Hai vị đạo sĩ ở trong núi có chút xích mích, nên ngăn không cho mặt trời mọc.

Vua nói: Vậy phải làm sao?

Bệ hạ nên dẫn quần thần dân chúng không kể lớn nhỏ đi đến chổ hai vị, đảnh lễ xin họ hoà giải, thì họ sẽ thương xót mà làm hoà.

Vua liền xuống chiếu theo lời đạo sĩ nói. Tất cả mọi người đi đến chỗ hai vị, dập đầu đảnh lễ. Vua thưa:

Nước giàu dân yên là nhờ đượm nhuần ơn của hai Ngài, mà nay hai Ngài bất hoà, nhất định cả nước sẽ mất đi chỗ trông nhờ. Lỗi này ở ta, chớ dân chúng có tội tình gì? Xin hai Ngài thương xót, tha cho.

Na-lại nói:

– Vua nên thuyết phục vị kia,nếu vị kia hoá giải lời nguyền thì tôi sẽ thả mặt trời ra.

Vua đến chỗ Đề-kỳ-la thuật lại ý của Na-lạ. Đề-kỳ-la nói:

Ngay bây giờ, hãy bảo ông ta lấy bùn bôi lên đầu, rồi thả mặt trời ra.

Sáng mai lúc mặt trời mọc, đầu bùn vở làm bảy mãnh, nhưng Nalại không bị gì cả. Vua tôi, dân chúng không ai không vui mừng. Hai đạo sĩ trình bày cặn kẻ cách trị nước cho vua nghe, hãy nên lấy tứ vô lượng tâm để khuyên dạy dân chúng, vâng giữ năm giớ hành mười điều thiện. Vua cùng thần dân hết thảy điều thọ giới.

Vua trở về hoàng cung xuống chiếu.“không kể kẻ sang người hèn phải lấy kinh ngũ giới, thập thiện làm chính sách của đất nước”.

Từ đó về sau, lòng của vua được nhuần đến cỏ cây quần thần vừa

trung thực vừa thanh liêm. Phật bảo các Tỳ-kheo.

Na Lạ chính là thân ta còn Đề-kỳ-la là Di-Lặc vậy.

(Trích Độ vô cực tập quyển7)

11. BỒ-TÁT NHẠO PHÁP XẢ BỎ TRANG SỨC QUÝ BÁU ĐỔI MỘT BÀI KỆ:

Vào thời quá khứ có Bồ-tát tên là Nhạo Pháp, sinh trong dòng dõi vua chúa. Bồ-tát khi nghe những điều thiện đều ghi lại đọc tụng. Vì muốn cầu pháp nên Bồ-tát đi khắp nơi. Ngày nọ, Bồ-tát gặp một người đứng bên cạnh hố sâu. Ông ta nói:

– Ngài đến đây, tôi sẽ nói cho nghe bài kệ của Phật thuyết.

Bồ-tát đáp:

– Ông hãy nói cho tôi nghe đi.

Ngài phải cho tôi áo quý, ma ni, anh lạc, sau đó tôi mới nói.

Bồ-tát liền nhận lời. Nhưng lòng tham của người kia không đáy, nên ông ta lại nói:

Sau khi Ngài nghe xong bài kệ, phải nhảy xuống hố sâu này. Nếu Ngài bằng lòng thì hãy thề trước, tôi mới nói.

– Than ôi! Này Nhân giả! ông muốn tôi nhảy xuống hố sâu này, thì ông được lợi ích gì?

– Tôi chẳng có lợi ích gì cả, chỉ sợ Ngài bỏ những vật báu này rồi, sau khi được nghe kệ Phật, biết đâu trong lòng lại sanh hối hận, ỷ vào thế lực mà đoạt lại?

– Ông chớ nói như vậy! vật báu ta cho ông rồi sẽ không bao giờ hối hận. Nhưng ta cũng sẽ nhảy xuống hố.

Người ấy nghe Ngài nói như vậy mới chịu nói bài kệ.

Nghe xong, Bồ-tát liền cởi y báu, ma ni, anh lạc trao cho người kia, rồi thề rằng “Nếu ta thực tâm xả bỏ những thứ này, sẽ khiến cho thân ta từ trên cao rơi xuống hố sâu không bị tổn thương”.

Thề xong, Ngài nhảy xuống hố. Nhưng khi thân chưa chạm đất thì Tứ thiên vương bay đến, từ từ đỡ Ngài đặt nhẹ xuống, thưa:

– Hy hữu thay! Này vương tử! Ngài làm được những việc như thế là muốn cầu pháp gì?

Bồ-tát đáp:

– Ta làm việc này là muốn được làm Phật, phát bốn lời nguyện rộng lớn.

Người ấy nghe xong liền sanh lòng tin, thưa với Bồ-tát:

– Con xin trả lại y báu và ma ni anh lạc cho Ngài.

Bồ-tát đáp:

– Giống như người đã nhổ ra lẽ nào lại nuốt lại.

Nếu Ngài không nhận vật báu thì xin Ngài nhận sự sám hối của con. Sau này được thành Phật xin Ngài hãy cứu độ con.

Vương tử Nhạo Pháp tức là Xá-lợi-phất người thuyết bấy giờ là Hoà-gia-lợi vậy.

(Trích kinh Nhu Thủ Vô Thượng Thanh Tịnh Phân Vệ phần thượng, kiểm lại thì không giống nhau).

12. VÌ MUỐN NGHE NỮA BÀI KỆ MÀ XẢ THÂN:

Này Thiện nam tử! Vào thời quá khứ lúc Đức Phật chưa ra đời, bấy giờ ta làm một vị Bà-la-môn tu hạnh Bồ-tát, thông suốt tất cả kinh luận ngoại đạo, tu hạnh tịch diệt,đầy đủ các oai nghi. Tâm ta thanh tịnh không bị các vật bên ngoài làm phá hoại, lửa sân dập tắt, thọ trì bốn pháp thường, lạc, ngã, tịnh. Ta đi khắp các nơi để tìm cầu kinh Đại thừa, nhưng cho đến tên kinh phương đẳng cũng không được nghe.

Ta ở trong núi Tuyết, chuyên tâm thiền định, trãi qua nhiều năm, làm những hạnh khổ khó làm. Bấy giờ Thích đề hoàn nhơn biến ra thân hình ghê sợ như La-sát, bay đến núi Tuyết, đứng gần chổ Bồ-tát. Lúc đó trong lòng La-sát rất tự đắc, nghĩ là không ai thắng được mình, liền dùng biện tài và âm thanh thanh như của mình nói ra nữa bài kệ của chư Phật đời quá khứ đã nói:

Các hành vô thường
Là pháp sanh diệt.

Nói xong, La-sát đứng yên, dung mạo thật đáng sợ, đảo mắt quan sát bốn phía.

Bồ-tát nghe nữa bài kệ trong lòng rất vui mừng, liền đứng dậy, lấy tay vén tóc, ngoái nhìn khắp nơi rồi nói:

– Ai đã nói bài kệ này?

Nhưng nhìn xung quanh không thấy một người nào cả, chỉ thấy La-sát, Bồ-tát liền nói:

– Ai mở cửa giải thoát này? Ai có thể phát ra âm thanh chấn động của chư Phật? Ai ở trong sanh tử triền miên mà riêng mình được giác ngộ, nói được lời như vậy? Ai có thể ở nơi đây dẫn dắt những chúng sanh đói khát trong vòng sanh tử đến được đạo vô thượng, vô lượng chúng sanh đang chìm đắm trong biển sanh tử, ai có thể ở trong đó làm người thuyền trưởng? Các chúng sanh thường bị các bịnh phiền não trói buộc, ai có thể ở trong đó làm vị lương y? Ai đã nói nữa bài kệ này khai ngộ tâm tôi giống như nữa tháng hoa sen dần dần nở.

Bây giờ ta lại nghĩ “chẳng lẽ La-sát này nói nữa bài kệ ấy ư? Nhưng lại sanh nghi, chẳng phải là lời của La-sát. Vì sao? Vì người này dung mạo xấu xí, nếu có ai được nghe bài kệ này thì tất cả sự sợ hãi, xấu xí đều tiêu diệt, người có hình dạng xấu xí như thế này, lại có thể nói ra bài kệ như vậy sao?

Này thiện nam tử! Bây giờ ta lại nghĩ: “La-sát này hoặc có thể được gặp chư Phật trong đời quá khứ và được nghe các Ngài thuyết nữa bài kệ này?”

Nghĩ xong ta liền đến chỗ La-sát nói:

– Lành thay! Này đại sĩ! Ông đã nghe được nữa bài kệ lìa sợ hãi vào thời quá khứ, ở đâu?

La-sát đáp:

– Thưa đại Bà-la-môn, ông nay không nên hỏi tôi điều này. Vì sao? Vì tôi đã trãi qua nhiều ngày không được ăn uống gì cả, đi khắp nơi tìm không được. Tôi đang đói khát khổ sở, tâm tư tán loạn, nói ra sẽ sai lầm, không đúng với điều tôi đã biết.

Nếu thuyết cho tôi nghe trọn bài kệ xong, tôi nguyện suốt đời làm đệ tử Ngài. Những điều Ngài nói, danh từ không cùng, nghĩa cũng bất tận, vì cớ gì mà không muốn nói? Phàm tài thí có lúc cạn, nhưng nhân duyên pháp thí thì không thể cùng tận. Pháp thí vô tận, được nhiều lợi ích.

– Ông thật là quá đáng! Chỉ lo cho thân mình mà không nghĩ đến sự đói khát của ta. Ta đang đói, quả thật không thể nói ra được.

– Vậy Ngài muốn ăn gì?

– Ông chớ hỏi, vì nếu ta nói ra khiến nhiều người phải sợ hãi.

– Ở đây vắng vẻ không có ai cả, còn tôi thì không sợ Ngài, sao lại không nói?

– Cái ta ăn chỉ có thịt nóng của người, cái mà ta uống chỉ là máu nóng của người. Trên đời người tuy đông nhưng họ đều có phước đức nên được chư Thiên bảo vệ, ta không thể giết được.

– Nếu Ngài nói cho tôi nữa bài kệ còn lại, tôi sẽ đem thân này cúng dường Ngài. Tôi dã sử có chết đi thì thân này cũng thành vô dụng, sẽ làm mồi cho cọp, sói, chim, quạ… mà không được tí phước đức nào. Tôi vì cầu pháp Phật, xã bỏ thân mạng không bền chắc đổi lấy thân bền chắc.

– Ai sẽ tin được ông vì tám chữ mà bỏ đi thân thể đáng yêu!

– Như cho người ta bình sành mà được bình bảy báu. Ta bỏ thân không bền chắc để được thân kim cang. Đại phạm thiên vương, Thích Đề hoàn và Tứ Thiên vương làm chứng cho việc này. Lại có các Bồ-tát chứng thiên nhãn, vì muốn lợi ích chúng sanh, tu hạnh lục độ cũng có thể chứng biết, cho đến mười phương chư Phật cũng làm chứng cho.

La-sát liền nói:

Sanh diệt diệt rồi
Tịch diệt là vui.

La-sát lại nói: “Ngài đã nghe xong trọn vẹn ý nghĩa của bài kệ rồi, Ngài đã được mãn nguyện. Nếu muốn lợi ích chúng sanh thì ngay bây giờ hãy thí thân cho tôi”.

Lúc bấy giờ, ta suy nghĩ cặn kẽ bài kệ này, sau đó hễ nơi nào có đá, tường, cây, đường ta điều viết bài kệ này vào đó. Xong Bồ-tát cột chặc quần áo, sợ sau khi chết bị lộ thân ra, rồi leo lên cây cao nhảy xuống. Khi thân ta chưa chạm đất thì giữa hư không trổi lên các âm thanh cho đến A-ca-ni-sất.

Bây giờ La-sát hiện lại nguyên hình đỡ ta đặt xuống chỗ bằng phẳng. Nhờ nhân duyên này mà được phước đức tối thượng, trãi qua hai mươi kiếp ta thành vô thượng Bồ-đề trước Phật Di Lặc.

( Trích kinh Đại Niết-bàn quyển 13)

13. TU NHẪN NHỤC BỊ CẮT THÂN THỂ MÀ KHÔNG BUỒN KHỔ:

Hỏi: Thân thể Bồ-tát chẳng phải là cây, đá vì sao chúng sanh đến cắt xẻo mà tâm không lay chuyển?

Đáp:

– Có người nói: Bồ-tát từ lâu đã tu nhẫn nhục nên không khổ não. Như tiên nhân nhẫn nhục bị cắt xẻo chân tay, mà máu biến thành sửa.

Có người nói: Bồ-tát trong vô lượng kiếp đến nay, vì tu tâm đại từ dù có ai đến cắt xẻo cũng không buồn phiền. Thí như cây cỏ không có tâm tức giận.

Có người nói: Bồ-tát tu Bát nhã ba la mật đời sau được quả báo bát nhã ba la mật. Vì tâm Bồ-tát rỗng không nên biết tất cả đều không. Vì thế khi thân bị cắt xẻo tâm cũng không động. Đối với ngoại cảnh mà không động thì trong tâm cũng như vậy. Vì quả báo bát nhã ba la mật đối với các pháp không phân biệt.

Có người nói: thân Bồ-tát chẳng phải là thân sanh tử, mà là thân pháp tánh vượt khỏi ba cõi, vì trụ ở trong quả báo tâm Thánh vô lậu. Thân như cây đá mà thương xót chúng cắt xẻo mình. Bồ-tát này có thể sanh tâm như vậy. Khi bị cắt xẻo, cướp đoạt những thứ bên trong lẫn bên ngoài cơ thể mà tâm vị ấy bất động. Đây là pháp hy hữu của Bồtát.

Ta dùng Phật nhãn thấy mười phương như trong hằng hà sa thế giới, Bồ-tát đi vào trong địa ngục lửa liền dập tắt, nước nóng thành mát, dùng ba việc để giáo hoá chúng sanh. Ở trong vô lượng A tăng kỳ kiếp Bồ-tát hành sâu tâm từ bố thí ngoại vật, vẫn chưa lấy làm đủ, đem thân bố thí cũng chưa lấy làm đủ. Như Bồ-tát Dược Vương dùng trân bảo cúng dường chư Phật, ý chưa thoả mãn, liền dùng thân làm đèn cúng dường cũng chưa nghĩ là đủ. Ngoại vật tuy nhiều nhưng không cho đó là báo ơn. Vì sao? Vì đó chẳng phải là cái đáng quý. Cúng dường thân này mới là cái đáng quý cho nên mới đem thân này bố thí.

( Trích luận Đại Trí Độ quyển 80 )

14. BÁN THÂN CÚNG DƯỜNG PHẬT, NGHE MỘT BÀI KỆ KINH NIẾT-BÀN, BỊ CẮT THỊT MÀ KHÔNG ĐAU ĐỚN:

Ta nhớ trong vô lượng kiếp vào thời quá khứ. Bây giờ có Đức Phật hiệu Thích Ca Văn, xuất hiện nơi thế giới Ta bà, thuyết kinh Niết-bàn cho đại chúng. Bây giờ ta ở chỗ bạn lành, được nghe thuyết pháp, trong lòng vui mừng, muốn thiết lễ cúng dường Phật, nhưng nhà nghèo chẳng có vật gì, nên đi khắp nơi bán thân mong kiếm được chút ít tiền. Lúc đi giữa đường, ta gặp một người. Ông ta nói:

Tôi muốn mua người, nhưng với gia sản của tôi sợ người ta không kham nổi. Ta lại có bịnh ngặt nghèo, thầy thuốc bảo mỗi ngày phải dùng ba lạng thịt người. Nếu mỗi ngày ông có thể cung cấp cho ta ba lạng thịt thì ta sẽ trả cho ông năm đồng tiền vàng.

Ta nghe xong, lòng rất vui mừng, liền nói:

– Ông hãy làm ơn đưa trước tiền công cho tôi bảy ngày, đợi tôi lo liệu việc xong, tôi sẽ trở lại

– Bảy ngày à! Không được! Ta làm sao dám tin ông. Ta chỉ đưa tiền một ngày thôi.

Ta nhận tiền trở lại chỗ Phật đê đầu đảnh lễ và dâng tiền lên cúng dường Phật, sau đó thành tâm lắng nghe kinh này. Ta bấy giờ vì ngu si chậm lụt, tuy được nghe kinh nhưng chỉ nhớ một bài kệ. Cúng dường xong, ta đi đến nhà người bịnh kia. Ta lúc ấy tuy mỗi ngày đều cắt thịt cho người ta, nhưng vì nhớ đến bài kệ nên không cảm thấy đau đớn. Trãi qua một tháng thì bịnh của người kia được khỏi hẳn, thân của ta cũng bình phục như cũ.

Khi ta thấy thân được toàn vẹn, liền phát tâm vô thượng Bồ-đề. Sức mạnh của một bài kệ còn có thể như vậy huống gì là thọ trì đọc tụng trọn bộ kinh thấy kinh này có lợi ích như vậy, lại càng phát tâm hơn, nguyện sau này thành Phật hiệu là Thích Ca Văn.

(Trích kinh Đại Niết-bàn quyển 20)

15. VÌ NGHE KINH PHÁP HOA, MẶT ĐẤT RUNG CHUYỂN NỨT RA, BỒ-TÁT VỌT LÊN KHÔNG TRUNG:

Bấy giờ Đức Như Lai thuyết kinh Pháp Hoa, các Bồ-tát ở phương khác xin hộ trì. Đức Phật nói:

Thôi đi! Đã có vô lượng vô số Bồ-tát ở phương dưới hộ trì.

Nhân đó mặt đất chấn động nứt ra, đồng thời Bồ-tát từ dưới đất vọt lên trụ giữa hư không. Họ đều đến tháp bảy báu, chổ của Đức Đa Bảo Như Lai và Đức Thích Ca Văn, đảnh lễ hai vị Thế Tôn.

(Trích kinh Pháp Hoa quyển )

16. HÁI HOA DÂNG VUA, GẶP PHẬT CÚNG DƯỜNG:

Thuở xưa có lần Đức Thế Tôn đi đến xứ La-duyệt-kỳ. Bấy giờ vua nước ấy thường sai mấy mươi người đi hái hoa đẹp. Một hôm, sau một ngày các quý nhân và thể nữ ra ngoài thành hái hoa, lúc sắp trở về thì từ xa trong thấy Đức Thế Tôn tướng hảo uy nghiêm, rực rỡ giống như mặt trăng giữa các vì sao, như mặt trời chiếu khắp thiên hạ, có các đệ tử vây quanh. Họ liền đến chỗ Phật cúi đầu đảnh lễ và nghĩ rằng: “thân người khó giữ, khó gặp Phật ra đời, khó được nghe kinh Pháp. Nay được gặp Phật giống như người bệnh gặp thầy thuốc. Chúng ta nghèo khổ, lại phải chịu kiếp tôi tớ trong nhà quan, thường mất tự do. Vua lại quá nghiêm khắc, nếu người chủ dâng hoa muộn sẽ bị giết. Nhưng Thánh chúng khó gặp, ngàn đời mới có. Thà bỏ thân mạng, lấy hoa dâng Phật và rải lên Thánh chúng, vì thích nghe pháp, muốn quan sát cặn kẻ trí tuệ vô cùng của Phật. Chúng ta từ vô lượng kiếp bị người làm hại không thể tính kể, nhưng chưa từng vì pháp mà xả bỏ thân mạng, nay chúng ta đem hoa cúng dường Tam bảo, giả sử có bị giết, cũng không đoạ vào đường khổ, được sanh vào chổ an vui”.

Nghĩ rồi, người chủ bảo mọi người lấy hoa cúng dường Phật và Thánh chúng, nhất tâm quy y, đảnh lễ Đức Phật.

Phật biết tâm niệm của những người này, liền phát tâm từ rộng lớn thương xót họ, nên thuyết pháp đại an lạc: Lục Ba la mật, Tứ Vô lượng tâm, tứ ân, tam giải thoát môn. Những người hái hoa nghe xong đều phát tâm Bồ-đề, tâm hiểu được huệ Phật, lòng không thối chuyển. Đức Phật thọ ký cho người chủ hái hoa đời sau sẽ thành Phật, hiệu là Diệu Hoa, đầy đủ mười hiệu. Những người chung quanh nghe đều vui mừng, xin lãnh thọ đại pháp, cúng dường Tam bảo.

Bấy giờ người chủ hái hoa trở về nhà từ biệt cha mẹ, vợ con nói rằng:

– Mạng ta hôm nay đã hết, vì sẽ bị vua giết. Cha mẹ ngạc nhiên hỏi:

– Con có lỗi gì?

Nhà vua rất khắc khe, hôm nay con về không đúng giờ, lại không có hoa, ắt sẽ nguy đến tánh mạng. Cho nên con về từ biệt.

Cha mẹ nghe xong rất đau buồn, không biết phải làm sao? Nhưng khi họ đến mở tráp hoa ra thì thấy đầy tráp hoa đẹp, đủ các mùi hương xông khắp bốn phương. cha mẹ liền bảo:

– Con có thể đem đến dâng vua.

Người con đáp có người thấy con đem hoa cúng Phật, ắt đã tâu lên vua rồi, lại còn về trể giờ, e rằng không toàn mạng.

Hôm ấy người chủ dâng hoa đến trễ, vua rất tức giận vì không có hoa, nên ra lệnh quân lính tìm bắt. Quân lính vâng lệnh bắt trói ông ta đem về cung. Tội nặng đáng bỏ chợ, nhưng người chủ hái hoa không lộ vẻ sợ sệt. Vua lấy làm lạ hỏi:

– Tội ngươi quá lắm, bị bắt trói đến đây để giết, vì sao không lộ vẻ sợ hãi?

Người chủ hái hoa đáp:

– Con người có sanh ắt có tử, vật có thành ắt có hoại. Tôi từ vô số kiếp vì phi pháp mà còn không tiếc thân mạng. Sáng nay hái hoa, gặp Đức Thế Tôn nên tôi lấy hoa cúng dường, đảnh lễ quy y. Vẫn biết trái với lệnh vua sẽ chết, nhưng thà chết mà có phước còn hơn là sống mà không tạo phước. Nhưng khi trở về nhà nhìn lại thì tráp hoa vẫn đầy như cũ. Đó là nhờ ân huệ trùm khắp của Phật.

Vua nghe xong liền đến hỏi Đức Phật. Phật cũng đáp y như vậy, rồi Đức Phật dạy:

– Tâm của người này muốn độ khắp mười phương, không tiếc thân mạng, nên đem các thứ hoa cúng dường Phật, nhưng tâm không hề mong cầu quả báo. Vì thế được Phật thọ ký đời sau ông ta sẽ được thành Phật hiệu là Diệu Hoa.

Nhà vua nghe xong, vui mừng sai cỡi trói cho ông ta, hối hận và tự trách mình về những việc đã qua. Ta vì ngu si không biết nên trói Bồ-tát.

Phật nói: Lành thay! Lành thay! Người có tội mà biết tự hối cải thì giống như người không tội.

( Trích kinh Thái Hoa Vi Vương Thượng Phật Thọ Quyết Hiệu Diệu Hoa)

17. THỌ TRÌ GIỚI CẤM PHÁT NGUYỆN NGĂN TRỪ:

Này thiện nam tử! Bồ-tát thọ trì giới cấm phải nên phát nguyện như vầy: Thà nhảy vào hầm lửa, quyết không huỷ phạm giới cấm cùng người nữ làm hạnh bất tịnh, của ở đời chư Phật đã chế ra. Thà lấy sắt nóng quấn thân, quyết không đem thân phá giới mà thọ thân y phục của đàn việt tín tâm. Thà nuốt hoàn sắt nóng, quyết không dùng miệng phá giới mà ăn uống thức ăn của đàn việt tín tâm. Thà nằm trên giường sắt nóng, quyết không đem thân phá giới màthọ nhận giường nằm, toạ cụ của đàn việt tín tâm. Thà chịu ba trăm mũi nhọn đâm vào thân mình, quyết không đem tâm phá giới mà thọ thuốc men của đàn việt tín tâm. Thà nhảy vào vạc sắt nóng, quyết không đem thân phá giới mà thọ nhận phòng nhà của đàn việt tín tâm. Thà lấy sắt đập nát thân này từ đầu đến chân ra thành bụi nhỏ, quyết không đem thân phạm giới thọ nhận sự cung kính, lễ bái của hàng Bà-la-môn và cư sĩ. Thà dùng que sắt nóng chọc vào hai mắt, quyết không đem tâm nhiểm ô nhìn sắc đẹp. Thà lấy dùi sắt đâm khắp thân thể, quyết không đem tâm ô nhiễm mà nghe những âm thanh hay. Thà dùng dao bén cắt mũi mình, quyết không dùng tâm ô nhiễm mà tham ngửi các mùi thơm. Thà dùng dao bén cắt lưỡi mình, quyết không đem tâm ô nhiểm tham đắm các sự xúc chạm. Vì sao? Vì những việc làm như thế sẽ khiến cho hành giả đoạ vào địa ngục, ngã quỷ, súc sanh. Đại Bồ-tát Ca Diếp hộ trì giới cấm, đều đem thân cho tất cả chúng sanh. Nhờ nhân duyên này sẽ khiến cho tất cả chúng sanh giữ gìn các điều cấm, được giới thanh tịnh.

Này thiện nam tử! Bồ-tát lúc giữ giới như vậy sẽ trụ ở bất động địa, vững như núi tu di, dù gió mạnh cũng không lay động. Bồ-tát trụ trong địa này không bị sắc, thanh, hương, vị… nhiểu loạn, không đọa địa ngục, ngã quỷ, súc sanh, không lùi lại địa vị Thanh văn, Bích chi Phật, không bị các tà kiến khác dẫn dắt.

(Trích kinh Đại Niết-bàn quyển 11)

18. SƠ PHÁT TÂM BỒ-ĐỀ LIỀN VƯỢT HƠN TIỂU THỪA:

Bồ-tát phát tâm có hai hạng: hành các Ba la mật và chỉ phát tâm

rỗng không. Người hàng đạo Bồ-tát tuy việc chưa xong nhưng có thể vượt lên tất cả như chim ca la tần già tuy còn ở trong trứng cũng có thể phát ra âm thanh hay hơn các loài chim khác. Như một vị thầy La-hán đã đắc lục thông, sai đệ tử Sa-di gánh y bát. Sa-di nghĩ:” Nên dùng Phật thừa nhập Niết-bàn. Người này biết được suy nghĩ của đệ tử mình, bèn lấy lại y bát tự gánh, rồi dục Sa-di đi trước. Vị Sa-di lại nghĩ: “Đạo Phật rất khó, ở lâu trong sanh tử thọ vô lượng khổ, hãy dùng Tiểu thừa sớm nhập Niết-bàn”. Vị thầy lại đưa túi y bát lại cho Sa-di gánh và bảo đi sau. Cứ như vậy đến ba lần. Vị Sa-di bạch thầy:

Thầy đã lớn tuổi mà giống như trẻ con!

Vị thầy đáp:

– Sơ phát tâm làm Phật của ông rất quý, đáng làm thầy ta, các vị Bích chi Phật còn phải cúng dường, huống chi là La-hán, nên ta nhường ông đi trước. Sau tâm ông lui sụt, muốn thọ nhân pháp Tiểu thừa, mà chưa đạt được nên còn cách ta rất xa, cho nên ta bảo ông đi sau.

Vị Sa-di hốt nhiên giác ngộ, liền trụ trong Đại thừa.

( Trích Luận Đại Trí Độ quyển 78)

19. BA ĐỨA TRẺ CÚNG DƯỜNG PHẬT. HAI ĐỨA PHÁT TÂM TIỂU THỪA. MỘT ĐỨA PHÁT TÂM ĐẠI THỪA:

Vô số kiếp về thời quá khứ có Đức Phật hiệu là Nhất Thiết Độ. Một hôm Đức Phật cùng các Thánh chúng đi khất thực gặp ba đứa trẻ con nhà tôn quý, ăn mặc sang trọng, đang đùa giởn. Một đứa trông thấy Phật cùng các Bồ-tát uy nghi rực rỡ, liền chỉ và nói:

– Chúng ta nên cúng dường cho vị này!

Hai đứa trẻ kia hỏi:

– Không có hoa hương, vậy nên dùng vật gì để cúng dường?

Một đứa trẻ tháo bạch ngọc trên đầu cầm nơi tay, rồi bảo hai đứa trẻ kia: nên cúng dường Phật.

Hai đứa trẻ kia cũng bắt chước tháo bạch ngọc trên đầu cầm nơi tay, rồi cả ba đứa trẻ cùng đi đến chổ Phật.

Đứa trẻ quay sang hỏi hai bạn:

Các bạn đem công đức này để cầu xin điều gì?

Đứa thứ nhất đáp:

– Tôi xin được như vị Tỳ-kheo đi bên trái Phật.

Chúng hỏi lại đứa bé kia:

– Còn bạn muốn xin điều gì?

– Tôi muốn được như Phật.

Tám ngàn thiên tử đều khen: “Lành thay! Nếu đúng như lời nguyện thì tất cả chúng sanh đều được nhờ ơn”.

Ba đứa trẻ cùng đến trước Phật, lấy bạch ngọc rãi lên Ngài. Ngọc của hai đứa trẻ phát nguyện Thanh văn đều rơi trên vai Phật, chỉ có ngọc của đứa trẻ phát tâm Bồ-đề dính trên đầu Phật. Ngọc này kết thành lưới hoa bao trùm khắp Phật.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Đứa trẻ cầu thành Phật chính là ta, đứa trẻ cầu ở bên phải Phật chính là ông, đứa trẻ cầu ở bên trái Phật là Mục-kiền-liên. Này Xá-lợiphất! Các ông vốn sợ sanh tử không phát tâm Bồ-đề, muốn sớm vào Niết-bàn, hãy xem đứa trẻ phát tâm Bồ-đề này.

(Trích kinh A Xà Thế Vương)

20. TUỔI TRẺ BỊ QUỶ DỤC LÀM MÊ HOẶC:

Bồ-tát thuở xưa khi còn làm chúng sanh, lúc mười sáu tuổi học rộng, thông đạt chỗ sâu xa của kinh điển nên đã ca ngợi:

– Chỉ có kinh Phật là chơn thật mầu nhiệm bậc nhất, ta nên giữ gìn chổ chơn thật của kinh này để được an lạc.

Khi cha mẹ muốn cưới vợ cho anh ta, anh ta buồn bã thưa:

– Tai hoạ lớn không gì qua sắc, một khi sắc dục đến thì đạo đức bị tiêu mất, nếu ta không trốn đi sẽ bị sói nuốt mất.

Thế rồi, anh ta bèn trốn sang nước khác, làm thuê nuôi thân. Bấy giờ, nước ấy có một gia đình điền chủ giàu có, nhưng không có con nối dõi. Họ nhặt được một bé gái rất xinh đẹp, nên vui mừng đem về nhận làm con. Khi cô gái đến tuổi lấy chồng, ông lão chọn hết khắp nước cũng không được một người vừa ý. Khi gặp Bồ-tát ông liền vui mừng bảo:

– Này chàng trai! Nhà ta có đủ tài sản, ta sẽ gã con gái cho ngươi để làm người nối dõi nhà ta!

Người nữ có thần đức nên đã mê hoặc được tâm của Bồ-tát. Cưới vợ không bao lâu, một hôm Bồ-tát chợt tỉnh ra và nói:

Phật đã dạy rõ ràng, nên thấy sắc là lửa, người là con thiêu thân. Thiêu thân vì tham màu sắc của lửa nên bị đốt cháy. Ông lão này đã dùng lửa sắc dục đốt cháy thân ta, mối tài lợi móc vào miệng ta. Những thứ nhơ uế này sẽ làm mất đi công đức của ta.

Ngay trong đêm đó, Bồ-tát lặng lẽ trốn đi xa hơn trăm dặm mới dừng lại, vào một ngôi đình vắng để nghĩ ngơi. Người giữ đình hỏi: – Ông là ai?

– Tôi muốn xin ngủ nhờ.

Nhưng khi vào bên trong Bồ-tát nhìn có một người nữ nằm, dáng mạo giống như vợ mình. Bị người nữ này mê hoặc, Ngài lại sống chung với người ấy năm năm, tâm chợt tỉnh ngộ nói:

– Dâm là trùng độc làm hại thân mạng.

Ngài lại vội vã âm thầm bỏ đi, lại gặp người đàn bà khác, cùng ăn ở với nhau mười năm, mới tỉnh ngộ nói:

– Tai hoạ của ta rất nặng, quyết chạy trốn mà không khỏi.

Ngài liền phát lời thề sâu nặng “Quyết không bao giờ ngủ đêm”.

Rồi Ngài lại bỏ trốn, xa thấy nhà lớn liền lánh đi đường nhỏ.

Người giữ cửa thành hỏi:

– Người nào mà đi trong đêm thế?

– Tôi đi đến tụ lạc ở đằng trước

– Có lệnh cấm không cho người ngoài vào.

Ngài lại nghe có tiếng kêu phía trước, nhìn lại thì trông thấy người đàn bà trước kia. Bà ta nói:

– Từ vô số kiếp đã thề làm vợ chồng ông đi sao khỏi!

Bồ-tát nghĩ: “gốc dục khó trừ đến như thế ư?”. Ngài liền khởi bốn tâm vô lượng, diệt các sự nhơ uế trong ba cõi thì những cấu uế còn sót lại không dứt hết sao?

Người vợ quỷ liền biến mất, Ngài thấy mình đang đứng trước cảnh giới của chư Phật, được nghe thuyết định vô tưởng và được trao cho giới pháp Sa-môn, làm Bồ-tát Vô Thắng, độ khắp tất cả chúng sanh không ngằn mé.

(Trích Độ Cực Tập quyển 8)