KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 10

  1. Đế-thích độ bạn đời trước.
  2. Nhờ công đức bố thí dâm nữ được chuyển thân tu tập đắc đạo.
  3. Vua Tát-Bà-đạt cắt thịt mình cứu chim bồ câu.
  4. Văn Thù hoá làm thiếu niên giáo hoá nàng Thượng-kim-quangthủ.
  5. Bồ-tát Nhất-thiết-diệu-kiến hiếu thảo với cha mẹ.
  6. Chư Bồ-tát thọ thân sai khác độ chúng sanh.
  7. Tiên nhơn Bà-tẩu độ sáu trăm hai mươi vạn thương buôn.
  8. Chuyển-luân vương phát nguyện bố-thí.
  9. Vua đem mắt cho người bệnh.
  10. Vua trị tội Phạm chí.
  11. Vua bố thí đất nước vợ con.
  12. Vua cứu giúp người nguy khốn.
  13. Thái tử Liên Hoa đem tuỷ cho người bệnh.
  14. Thái tử đem máu cho người bệnh.

1. ĐẾ THÍCH ĐỘ BẠN ĐỜI TRƯỚC:

Lúc Đức Phật làm Đế thích vẫn tinh tấn tu tập, tâm thường nghĩ đến các pháp khổ không, vô thường, ngồi thì tư duy, đi thì giáo hóa, thương người ngu, mến người trí.

Một hôm, Ngài nhìn thấy người bạn đời trước của mình thọ thân người nữ, làm vợ một người giàu có. Bà ấy không nhận thức được lý vô thường, đam mê tài sắc, thường ở chốn chợ búa ăn chơi. Thấy vậy, Đế Thích hóa làm một người lái buôn đến chốn chợ búa ấy.

Thấy vị lái buôn đến, người phụ nữ mời ngồi, vị lái buôn nhìn bà chằm chằm rồi cười, khiến bà vô cùng kinh ngạc. Bên cạnh người phụ nữ có một đứa bé đang vỗ trống con đùa giỡn. Vị lái buôn lại cười.

Có một người cha bệnh, người con đem trâu đi tế thần để cầu nguyện, vị lái buôn lại cười.

Co một phụ nữ bế đứa con, đứa con quào rách mặt mẹ, máu chảy đến tận cổ. Lái buôn lại cười.

Thấy vậy, phụ nữ-vợ của người nhà giàu kia hỏi:

– Tại sao ông nhìn tôi và đứa bé đùa giỡn rồi cười mãi như thế?

Vị lái buôn bảo:

– Chị và tôi vốn là bạn tốt của nhau nay chị quên rồi sao?

Người phụ nữ nghe xong không khỏi kinh ngạc, tâm tư buồn bã.

Vị lái buôn bảo:

– Sở dĩ tôi cười đứa bé, vì đứa bé đời trước vốn là cha của chị. Nay đầu thai làm con chị. Cha con trong một đời còn không nhận ra nhau huống chi qua nhiều đời. Đứa bé vỗ trống trong một đời phải làm thân trâu, trâu chết trở lại làm con của chủ. Gia đình lấy da trâu bịt trống, nay đứa trẻ đánh vào đó mà không biết là đang đánh vào thân cũ của mình.

Còn người con đem trâu tế thần để cầu cho cha mình lành bệnh cũng như uống thuốc độc mà cầu mong khoẻ mạnh. Người cha sau khi chết sẽ làm thân trâu, nhiều đời bị đồ tể giết hại mổ xẻ. Nay con trâu tế thần này đã được làm người.

Đứa bé quào vào má mẹ nó đời trước vốn là vợ lẽ, mẹ là vợ cả. Do sự đố kỵ ganh ghét trong tình cảm của phụ nữ nên hai người thường gây gỗ xô xát nhau đến nỗi người vợ lẽ phải ngậm hận trọn đời. Sau khi chết cô đầu thai làm con của vợ cả.Vì vậy, nay nó quào rách cả mặt mà người mẹ không hề oán giận.

Ôi! tâm vô thường xưa ghét nay thương có gì cố định. Người thân trong một đời còn không biết huống chi nhiều kiếp.

Kinh nói: “Vì sắc thân ngăn che nên không thấy được đạo lớn. Người chuyên nghe những lời sai quấy thế gian thì không thể nghe được những lời chỉ dạy của Đức Phật”.Tôi cười là vì vậy. Sự vẻ vang ở đời như ánh chớp vụt lên rồi tắt lịm. Chị cần phải hiểu rõ lý vô thường của cuộc đời, hãy tôn quý tu tập phép lục độ chớ như ngưởi ngu si. Bây giờ tôi về, mai sẽ đến nhà chị. Nói xong, vị lái buôn biến mất.

Phụ nữ buồn bã trở về, tâm tư luôn trông ngóng vị lái buôn kia.

Ngày hôm sau quả thật có một người mặt mũi xấu xí, áo quần rách rưới đứng trước nhà người phụ nữ và bảo:

Bạn của ta ở trong nhà này hãy gọi họ giúp ta.

Người giữ cửa vào thưa với bà chủ. Bà liền ra và nói:

Ông không phải bạn của ta.

Đế thích cười, bảo:

– Tôi chỉ mới thay đổi hình dáng và y phục mà chị còn nhận không ra, huống chi là qua đời khác. Chị hãy dốc lòng phụng thờ Tam bảo, vì Phật khó được gặp, Tỳ-kheo đức hạnh cao cũng khó được cúng dường; Sinh mạng của con người chỉ ở trong hơi thở, chớ say mê theo thú vui của cuộc đời.

Biết được việc ấy,cả nước vui mừng tán thán người người tu tập hạnh tốt đẹp của lục độ.

Phật nói với Thu Lộ Tử: người phụ nữ đó nay chính là Di Lặc. Thiên Đế Thích ấy nay chính là thân ta.

(Trích kinh Di Lặc Vi Nữ Nhân)

2. NHỜ CÔNG ĐỨC BỐ THÍ, DÂM NỮ ĐƯỢC CHUYỂN THÂN TU TẬP ĐẮC ĐẠO:

Thuở xưa, nước Ưu ba-la-việt lúa đậu được mùa, dân chúng đông đúc, vua đang trị vì là Bà La. Trong nước ấy có một dâm nữ nhan sắc mặn ma.Một hôm đi qua một căn nhà,cô gặp một phụ nữ vừa sanh một bé trai và định ăn thịt con mình. Dâm nữ hỏi lý do:

Chị đáp:

– Tôi đói quá.

– Chị đợi một lát, tôi sẽ tìm thức ăn cho.

– Tôi đói quá rồi! cô chưa bước ra khỏi cửa, tôi đã chết mất. Làm sao đợi tôi được!

Dâm nữ nghĩ:

– Nếu mình bế đứa bé đi thì mẹ nó chết còn để lại thì nó sẽ bị ăn thịt. Mình phải làm sao cứu cả hai mới được. Nghĩ rồi dâm nữ tự cắt hai vú của mình đưa cho người sản phụ ăn, ăn xong cô hỏi:

– Chị đã no chưa?

– Cám ơn cô, tôi đã no!

Dâm nữ trở về nhà lúc đó có một chàng trai đến tìm cô. Thấy cô như vậy liền hỏi:

– Ai đã cắt vú của cô?

Dâm nữ kể lại sự tình, anh nghe xong rất cảm động, lửa lòng lắng dịu. Anh hỏi:

– Chị có thể chứng minh lòng chí thành này được không?

Dâm nữ nói:

– Nếu tôi thật lòng cứu người thì khiến hai vú tôi bình phục như cũ

Vừa nói xong hai vú cô liền bình phục

Khi ấy Thích-Đề-hoàn-nhân nhìn thấy phước đức bố thí của dâm nữ này,sợ cô chiếm đoạt ngôi vị của mình nên hóa làm một ba- la- môn đến nhà dâm nữ.

Thấy Bà-la-môn đến dâm nữ lấy bát vàng đựng đầy cơm đem dâng cho ông nhưng ông từ chối không nhận.

Dâm nữ hỏi:

– Tại sao?

Bà-la-môn đáp:

– Tôi không cần cơm. Nghe nói cô đã đem hai vú mình để cứu một sản phụ, có thật vậy không?

– Thật vậy.

– Lúc đó cô có hối hận không?

– Nếu tôi thật lòng bố thí cứu người thì khiến tôi chuyển thân thành nam.

Vừa nói xong dâm nữ liền chuyển thân.

Lúc ấy vua Ưu-ba-la-việt, trị nước đã năm mươi năm, băng hà mà không người kế vị. Quần thần nghe nói dâm nữ đã chuyển thân thành nam, nên nghĩ:

Bây giờ nên lập người này làm vua. Nghĩ rồi họ cùng nhau đến đón người ấy. Sau khi lên ngôi,vua thích bố thí. Hễ ai cần gì thì vua ban cho thứ ấy. Ngoài ra Ngài còn dạy dân chúng giữ gìn và tu tập bát quan trai giới. Dưới sự cai trị của vua, nhân dân yên vui tuổi thọ kéo dài. Một hôm vua nghĩ: “ta tuy tu hạnh bố thí nhưng chưa bố thí thân, đem thân bố thí mới là việc khó”. Nghĩ xong, vua lấy váng sữa hương thơm bôi vào thân mình rồi đi vào một ngon núi hoang vắng,nằm trên một phiến đá cao vót. Lúc ấy cả trăm loài chim muôn bay đến mổ ăn. Sau khi mạng chung vua sanh vào nhà Bà-la-môn thân hình xinh đẹp. Đến tuổi trưởng thành đồng tử lén ra chợ tận mắt nhìn thấy người buôn bán, nghèo khổ, xin ăn thì thương xót nghĩ rằng:”nếu có thể giúp cho những người này giàu có sung sướng thì họ sẽ không phải buôn bán vất vả thế này,

Thế rồi đồng tử trở về xin phép cha mẹ xuất gia làm Sa-môn.

– Cha mẹ không đồng ý, đồng tử nhịn ăn. Đến ngày thứ năm những người thân trong gia tộc đều can ngăn nhưng đồng tử vẫn không chịu nghe theo, họ đành quay sang khuyên cha mẹ đồng tử nên cho đồng tử đi học đạo.

Cha mẹ nhìn nhau buồn cảm rơi lệ đành phải cho phép.

Đồng tử vui vẻ lo lắng dưỡng nuôi cha mẹ suốt sáu, bảy ngày rồi

nhiễu quanh ba vòng đảnh lễ từ giã.

Đi đến một khu rừng rậm, đồng tử gặp hai đạo nhân đã đắc ngũ thông ngồi ngoài đất trống tu tập. Họ vì dân chúng mà chuyên tu khổ hạnh. Đồng tử cũng đến gốc cây ngồi tọa thiền tu tập khổ hạnh và đắc ngũ thông. Càng ngày đồng tử càng tinh tấn hơn hai vị đạo nhân kia. Theo qui tắc của các vị đạo nhân: Trái cây rụng xuống thì lượm ăn chứ không hái.

Hôm nọ các vị đạo nhân cùng đi lượm trái cây rừng, họ gặp một con hổ đang mang thai. Đạo nhân đồng tử nói với hai vị kia:

Con hổ này sắp sanh rồi, đã mấy ngày đói khát sợ rằng sau khi sanh nó sẽ ăn thịt con nó. Ai có thể đem thân mình cứu nó?

Đạo nhân Di Lặc liền bảo:

Tôi sẽ đem thân cho nó ăn.

Ba người đi kiếm trái cây trở về thì thấy hổ đã sanh con. Nó rất đói và muốn ăn thịt con mình.

Đạo nhân đồng tử nhắc hai vị kia:

Hổ đã sanh con rồi,nó rất đói, muốn ăn thịt con, ai có thể đem thân cứu nó thì hãy cùng tôi đến chổ của nó.

Nghe tiếng động, hổ mở mắt há miệng nhìn về phía hai vị đạo nhân kia. Hai vị sợ quá bay tuốt lên hư không. Vị đạo nhân kia nói:

Lòng chí thành của bạn là như thế ư? Đã hứa đem thân cứu hổ bay giờ cớ gì lại bay tuốt lên đây? Đạo nhân kia buồn bã rơi lệ rồi đi.

Nhìn quanh bốn phía không thấy ai, đạo nhân đồng tử liền cầm dao đâm vào cánh tay bảy nhác cho máu chảy vào miệng hổ, sau đó tự gieo mình xuống đất cho hổ ăn.

Phật bảo A-nan:

Dâm nữ chuyển thành thân nam, được làm vua và đồng tử con Bà-la-môn xả thân cứu hổ thuở ấy nay chính là thân ta. Hai vị đạo nhân kia nay chính là hai vị Bồ-tát Ca-diếp và Di-lăc. Trong sáu mươi kiếp ta luôn tinh tấn đem thân bố thí nên thành Phật trước Di -lặc chín kiếp.

(Trích kinh Tiền Thế Tam Chuyển)

3. VUA TÁT-BÀ ĐẠT CẮT THỊT MÌNH CỨU CHIM BỒ CÂU:

Thuở xưa Bồ-tát Thích-ca làm vua một nước lớn hiệu là Tát-Bàđạt. Ngài luôn thương xót người khốn khó, bố thí theo chỗ mong cầu của chúng sanh. Trời, rồng, quỷ thần đều nói:

– Ngôi vị tối cao của Thiên đế vốn chẳng phải người bình thường có thể đạt được. Vị vua này có đạo hạnh cao, lại có từ bi, trí tuệ, phước đức đầy đủ, sau khi chết ắt sẽ làm Đế-thích.

Đế-thích sợ vua chiếm đoạt ngôi vị của mình cho nên tìm đến để thử. Một hôm Đế-thích bảo Biên vương:

– Nay vị vua ở cõi người kia có lòng từ thấm nhuần muôn vật, phước đức cao vời vợi, sợ rằng vua ấy có ý cầu đoạt ngôi vị thiên đế của ta.

Bàn xong, Đế-thích hoá làm chim ưng, Biên vương hoá làm chim bồ câu. Bồ câu bay đến dưới chân vua Tát-Bà-đạt sợ hãi cầu cứu:

– Xin đại vương thương xót cứu mạng!

Vua an ủi:

– Chớ sợ, ta sẽ bảo vệ mạng sống của ngươi.

Sau đó chim ưng tìm đến và nói:

– Bồ câu là thức ăn của ta, nó đã bay đến đây, vua hãy trả nó cho ta.

Vua bảo:

– Bồ câu đến đây xin ta cứu mạng, ta đã hứa thì phải giữ lời, nếu như ngươi muốn lấy thịt thì ta đổi cho gấp trăm lần.

– Ta chỉ dùng thịt bồ câu chứ không dùng những thứ thịt khác.

Vua hỏi:

– Dùng vật gì để đổi bồ câu ngươi mới bằng lòng vui vẻ bay đi?

– Nếu vua có lòng cứu giúp chúng sanh thì cắt thịt mình đổi thịt bồ câu ta mới bằng lòng.

Nghe vậy, vua rất vui liền cắt thịt đùi của mình cân cho bằng thịt bồ câu, nhưng vua cắt hết thịt trên thân mình mà vẫn chưa cân bằng bồ câu. Lúc đó thân thể vô cùng đau nhức nhưng vua dùng lòng từ nhẫn chịu và bảo cận thần:

– Ngươi hãy giết ta lấy tủy cân cho bằng chim bồ câu. Ta thờ Phật, giữ trọng giới, tuy có đau đớn nhưng chỉ như một làn gió nhẹ đâu đủ sức làm lay động núi thái sơn!

Bấy giờ chim ưng thấy được tấm lòng của vua, cả hai đều biến lại thân cũ, đê đầu sát đất thưa:

– Đại vương mong cầu điều gì mà chấp nhận khổ não như thế?

– Ta không mong cầu ngôi vị Đế-thích hay Phi hành hoàng đế. Vì thấy chúng sanh chìm đắm trong vô minh, không biết Tam bảo, buông lung làm ác, mặc tình gây tội sau phải đoạ vào địa ngục vô gián nên ta thương xót, nguyện thành Phật để cứu vớt khiến cho họ được giải thoát.

Đế-thích sợ hãi thưa:

– Kẻ ngu này nghĩ đại vương muốn chiếm đoạt ngôi vị của mình nên cố tình đến quấy nhiễu như thế, không biết làm thế nào để chuộc tội.

Vua bảo:

– Ta luôn có tâm nguyện bố thí giúp người ngươi hãy làm cho những vết thương trên thân thể ta bình phục lại.

Đế-thích sai thiên y đem thần dược đến xoa vào thân vua, vết thương liền khỏi, sắc diện đẹp đẽ hơn truớc.

Đế-thích cúi đầu nhiễu quanh vua ba vòng, vui vẻ từ giã.

(Trích kinh Độ Vô Cực Tập quyển một)

4. VĂN THÙ HOÁ LÀM THIẾU NIÊN GIÁO HÓA NÀNG THƯỢNG KIM QUANG THỦ:

Phật đi du hoá ở thành Vương-xá, lúc đó có một dâm nữ tên Thượng-kim-quang-thủ dung nhan xinh đẹp, màu da vàng óng. Quốc vương, đại thần, trưởng giả… đều say đắm và theo đuổi cô. Hễ cô đi đến đâu mọi người lớn nhỏ đều đi theo ngắm nhìn.

Một ngày Niết-bàn nọ, Thượng-kim-quang-thủ cùng Uý-văn, con của trưởng giả đến chợ sắm đồ. Vì muốn đãi cô gái cho nên Uý-văn mua sắm một bữa ăn thật ngon rồi hai người cùng đến công viên chơi.

Lúc đó, Ngài Văn-thù ra khỏi thất, khởi lòng đại từ thương xót quần sanh, Ngài quán sát xem hôm nay ai có duyên được giáo hoá và nhìn thấy Thượng-kim-quang-thủ cùng Uý-văn đang ngồi trên xe đến công viên chơi là người đáng được giáo hoá.

Thế rồi trong phút chốc Văn-thù-sư-lợi hóa làm một thiếu niên đẹp trai hơn cả thiên tử, ai nhìn thấy cũng đều ưa thích. Thiếu niên mặc y phục thật đẹp, những hạt châu trên áo chiếu sáng khắp bốn mươi dặm, rồi đứng đợi nơi con đường dâm nữ sắp đi qua. Xe ngựa và y phục của hai vị ấy so với y phục của Văn-thù-sư-lợi thì chỉ như một vệt đen bên cạnh viên minh châu sáng.

Thượng-kim-quang-thủ nhìn thấy Văn-thù-sư-lợi dung mạo thanh tú giống như thiên tử, ánh sáng trên thân và màu sắc sặc sở của y phục khó ai sánh kịp nên khởi tâm tham, nghĩ: “Ta sẽ bỏ Uý-văn để đến vui chơi với thiếu niên kia ắt sẽ được y phục tốt đẹp”. Cô đang miên man suy nghĩ như thế, Văn-thù-sư-lợi vận oai thần cắt đứt dòng tư tưởng của cô.

Lúc ấy thiên vương hoá làm người nam đến bảo cô rằng:

– Thôi đi! Thôi đi! Chị đừng dấy tâm đi chới với thanh niên ấy, vì người ấy không có tâm thích sắc dục.

Cô hỏi:

– Tại sao?

Thiên vương đáp:

– Vì người ấy chính là Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Ngài hay đáp ứng mong muốn của mọi người. Hễ ai cần điều gì thì Ngài cho điều ấy không trái ý họ.

Cô nghĩ, nếu Ngài bíết được điều mong uớc của ta ắt sẽ cho ta y phục đẹp. Nghĩ rồi cô xuống xe thưa với Ngài Văn-thù:

– Xin Ngài cho con bộ y phục này.

– Chị à! Nếu chị có thể phát tâm vô thượng chánh chơn đạo thì tôi sẽ cho bộ y phục này.

Cô gái đồng ý, liền phát tâm vô thượng Bồ-đề vâng giữ năm giới.

(Trích kinh Đại Tịnh Pháp Môn Phẩm)

5. BỒ-TÁT NHẤT THIẾT DIỆU KIẾN HIẾU THẢO VỚI CHA MẸ:

Thuở xưa ở nước Ca-di có hai vợ chồng trưởng giạ mù không có con. Họ muốn vào núi, ở nơi thanh vắng tu tập hạnh thanh tịnh để cầu vô thượng Bồ-đề.

Bấy giờ, Bồ-tát Nhất-Thiết-Diệu-Kiến nghĩ: “Hai người này đã phát tâm vi diệu mà mắt mù loà, nếu họ vào nui ắt sẽ gặp nhiều khó khăn nguy hiểm” nghĩ rồi Bồ-tát mạng chung, nguyện sanh làm con hai vợ chồng trưởng giả mù tên là Thiểm. Thiểm là một người con rất nhân từ híếu thảo, tu thâp thiện, sớm hôm hầu hạ dưỡng nuôi cha mẹ như người đời tôn thờ Thượng đế. Năm lên mười tuổi, Thiểm quỳ thưa cha mẹ:

– Trước đây, cha mẹ đã phát tâm Đại thừa vào núi sâu cầu quả không tịch vô thượng chánh giác há vì con mà cắt đứt bổn nguyện ư? Người ở thế gian vô thường trăm thứ đổi thay. Mạng người không phải là vàng đá, chết sống không hẹn ngày, xin cha mẹ hãy thực hiện bổn nguyện vào núi tu tập, chớ để thời gian luống qua, con sẽ dưỡng nuôi cha mẹ không để thiếu sót.

Cha mẹ đồng ý, Thiểm đem hết tài sản trong gia đình bố thí cho tất cả người nghèo trong cả nước rồi theo cha mẹ vào núi.

Đến nơi, Thiểm lấy cỏ bồ làm nhà, làm giường, làm mền, luôn giữ nhiệt độ thích hợp không nóng không lạnh. Họ vào núi được một năm thì rau trái nơi đây ngày càng nhiều và ngon, ăn vào vừa thơm vừa ngọt. Nước suối tuôn chảy vừa trong vừa mát. Trong ao có hoa sen năm màu chiếu sáng. Cây chiên đàn… toả hương thơm ngát. Các loài chim hót líu lo như âm nhạc. Sư tử, gấu, beo, cọp, sói, thú độc… trở nên hiền lành, chúng ăn rau ăn quả, không lo sợ gì cả. Thiểm rất hiếu thảo, từ bi, dẫm lên đất còn sợ đất đau. Thiên thần, sơn thần thường biến làm người sớm tối đến thăm hỏi an ủi. Một hôm, Thiểm mặc áo da hươu, mang bình đi lấy nước. Các loài chim, hươu nai cùng đến uống nước, hai bên đều không cản trở nhau.

Khi ấy, vua nước Ca-di vào núi săn bắn, thấy bầy chim, hươu bên dòng nước liền giương cung bắn. Mũi tên bay lạc trúng vào ngực Thiểm. Bị trúng tên độc, Thiểm hét lên:

– Ai đã đem một mũi tên bắn chết ba đạo nhân rồi.

Vua nghe tiếng hét liền xuống ngựa chạy đến trước Thiểm. Thiểm bảo vua:

– Voi chết vì ngà, tê giác chết vì sừng, chim trả chết vì bộ lông, hươu nai chết vì da thịt. Còn tôi nay thật ra vì lý do gì mà phải chết thế này?

Vua hỏi:

– Khanh là ai, sao lại mặc áo da hươu chẳng khác nào cầm thú?

– Thần là dân trong nước của bệ hạ cùng cha mẹ mù vào đây học đạo, đã hơn hai nươi năm, chưa hề bị hổ sói, trùng độc làm hại. Nay thần lại bị vua bắn chết.

Ngay lúc ấy gió lớn nổi lên quật ngã cây cối, muôn chim cất tiếng buồn bã, sư tử, gấu, beo… đều kêu gào. Ánh mặt trời vụt tắt, nước suối khô cạn, hoa cỏ héo úa, sấm chớp vang rền.

Ở nhà, cha mẹ Thiểm kinh sợ bảo nhau:

– Thiểm nó đi lấy nước sao lâu qúa không thấy về, sợ rằng nó bị trùng độc làm hại. Sao chim thú kêu hót không như ngày thường, bốn bề gió lớn nổi lên, cây cối nghiêng ngã, ắt có tai nạn rồi.

Khi ấy, vua vô cùng sợ hãi hối hận tự trách: “Việc làm của ta là vô ý, ta vốn muốn bắn hươu nhưng mũi tên đi lạc bắn trúng đạo nhân. Tội của ta thật lớn, vì tham chút thịt mà phải chịu tai hoạ nặng. Nay ta đem hết của cai trân báu trong kho của cả nước cùng cung điện, kỷ nữ,thành quách, thôn xóm để cứu mạng sống người này”. Nghĩ rồi, vua liền đến rút mũi tên nơi ngực Thiểm, nhưng mũi tên cấm sâu qúa không thể rút ra được. Lúc ấy chim thú đều kéo đến vây quanh Thiểm kêu hót dậy trời. Vua càng thêm hoảng hốt sợ hãi, ba trăm sáu mươi khớp xương đều rung động.

Thiểm an ủi vua:

– Chẳng phải lỗi của bệ hạ đâu, đây là do tội đời trước nên nay thần phải chuốc lấy tai họa này. Thần không tiếc thân mạng mình, chỉ thương cha mẹ mù loà, tuổi cao sức yếu. Một ngày không có thần bên cạnh, không có người chăm sóc chắc cha mẹ thần cũng không sống nỗi.

Vì nghĩ đến đó mà thần đau buồn chứ chẳng phải do chất độc hành hạ.

Vua liền quỳ sám hối Thiểm:

– Thà ta vào địa ngục chịu tội trăm kiếp để khanh được sống. Nếu như khanh mất đi, ta sẽ không trở về hoàng cung mà ở trong núi này dưỡng nuôi cha mẹ khanh như lúc khanh còn sống, xin khanh chớ quá lo nghĩ. Chư Thiên, long thần đều làm chứng, ta sẽ không quên lời thệ này.

Thiểm nghe lời thệ của vua vui vẻ lên tiếng:

– Tuy bị trúng độc nhưng trong lòng thần rất vui mừng, dù chết cũng không ân hận. Vì cha mẹ thần mà làm nhọc đến bệ ha, tuy vậy, bệ hạ nhờ nuôi dưỡng bậc đạo nhân nầy tội hiện tại tiêu trừ, tương lai được phước vô lượng.

Vua giục Thiểm:

– Bây giờ còn sống, ngươi hãy mau chỉ nơi ở của cha mẹ khanh cho ta biết.

– Từ đây đi bộ không xa, bệ hạ sẽ nhìn thấy một túp lều cỏ, cha mẹ thần đang ở đó. Bệ hạ thu dọn lên đường được rồi, chớ để cha mẹ thần lo sợ. Bệ hạ hãy khéo léo giải thích cho cha mẹ hiểu được lòng dạ thần, hãy thay thế thần tạ tội cùng cha mẹ. Vô thường đã đến với thần xin gặp lại cha mẹ ở kiếp sau. Chết đi thần không tiếc thân mạng mình, chỉ thương cha mẹ mù tuổi cao sức yếu, một ngày không có thần thì không biết nương cậy vào ai. Vì thế thần rất đau lòng. Trúng phải mũi tên độc chết là kết quả dĩ nhiên. Xưa gây tội đến thế thì nay không thể tránh khỏi. Con xin sám hối cùng cha mẹ. Tất cả tội ác con đã gây ra trong vô số kiếp, nay đã trả xong. Tội hết phước sanh nguyện đời đời được gặp cha mẹ, xin cha mẹ hãy giữ gìn sức khoẻ, chớ có lo buồn. Trời thần sẽ thường đến ủng hộ cha mẹ khiến tai hoạ đều được tiêu trừ.

Vua liền dẫn vài người đến chỗ cha mẹ Thiểm. Sau khi vua đi Thiểm qua đời. Chim thú kêu gào nhiễu quanh thi thể. Đưa miệng liếm máu trên ngực Thiểm. Cha mẹ Thiểm ở nhà nghe tiếng kêu gào ấy càng thêm lo sợ.

Vua đi quá nhanh làm cây cỏ lay động. cha mẹ Thiểm biết có người lạ đến, kinh sợ hỏi:

– Người này là ai? Chẳng phải bước đi của con ta.

Vua lên tiếng:

– Ta là vua nước Ca-di nghe tiếng đạo nhân ở trong núi này học đạo nên đến cúng dường.

– Muôn tâu bệ hạ! Thật là phúc đức. Bệ hạ không quản nhọc mệt mình rồng, lặn lội đường xá xa xôi đến chốn hoang dã này. Chẳng hay bệ hạ có được an ổn chăng? Phu nhân, thái tử cùng trăm quan ở hoàng cung và nhân dân trong nước an vui khoẻ mạnh cả chứ? Mưa hoà gió thuận, lúa đậu được mùa, nước khác không đến xâm lăng chứ ạ?

– Nhờ ân của đạo nhân, tất cả đều được bình an. Chẳng hay đạo nhaân vào chốn núi rừng này khổ công tu tập, có chim thú nào làm hại chăng? Mùa nóng, mùa lạnh ở đây vẫn được an ổn chứ ?

– Nhờ ơn dày của bệ hạ chúng thần vẫn an ổn. Thần có đứa con hiếu tên Thiểm. Nó thường đi hái trái, lấy nước lo lắng cho chúng thần đầy đủ. Ở đây mưa hoà gió thuận không có gì thiếu thốn. Ăn thì sẵn có rau trái, nằm ngồi thì đã có chiếu cỏ. Thiểm nó đi lấy nước chắc sắp về rồi.

Vua nghe những lời ấy lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa:

– Tội ác của ta thật là quá lớn, ta vào núi săn bắn, thấy bên dòng suối có bầy hươu liền giương cung bắn, chẳng may mũi tên đi lạc trúng vào Thiểm, cho nên ta đến đây cho đạo nhân hay.

Cha mẹ Thiểm nghe xong toàn thân ngã xuống như núi thái sơn sụp đổ chấn động mặt đất. vua liền đến đỡ họ dậy, cả hai ông bà ngưỡng mặt lên trời than khóc:

– Con tôi hiếu thảo, từ bi, dẫm lên đất còn sợ đất đau. Nó có tội gì mà bị bắn chết. Lúc nãy nghe gió thổi, cây cối ngã nghiêng, chim thú kêu gào, tôi nghi ngờ là con tôi chết.

Nói đến đó cả hai ông bà đều gào khóc, một hồi lâu người chồng bảo:

– Thôi bà ơi chớ khóc nữa, người ta có sanh ắt có chết ai tránh khỏi được. Nay hãy hỏi vua Thiểm bị bắn ở đâu, còn sống hay đã chết.

Vua liền thuật lại lời Thiểm dặn. Hai ông bà nghe xong vô cùng cảm động thương xót:

– Chúng tôi một ngày không có nó bên cạnh thì cũng sẽ chết, xin bệ hạ hãy dẫn chúng tôi đến thăm thi thể nó.

Vua liền dẫn họ đến nơi Thiểm nằm. Người cha vội ôm chân con, người mẹ ôm đầu con kêu trời than khóc. Người mẹ liền đưa lưỡi liếm vào vết thương nơi ngực Thiểm, cầu nguyện: “Xin chất độc hãy thấm vào miệng tôi, tôi nay già rồi, mắt lại mù loà, cho tôi được thế mạng cho nó. Tôi chết để nó sống, tôi không hề ân hận. Nếu như nó là người con chí hiếu, có trời đất chứng minh thì khiến cho mũi tên bật ra, Thiểm được sống lại.

Lúc ấy chỗ ngồi của thiên vương cõi trời thứ hai Đao-lợi rung động, thiên vương nhìn xuống, thấy hai vị đạo nhân ôm xác con gào khóc. Nghe tiếng gào khóc ấy, cung điện của chư Thiên và trời Đâuthuật thứ tư đều rung động. Trong phút chốc, Thích phạm Tứ thiên vương từ cõi trời thứ tư bay xuống đem thần dược rót vào miệng Thiểm. Nước vào miệng, mũi tên tự bật ra, Thiểm sống trở lại.

Cha mẹ Thiểm kinh ngạc vui mừng, thấy cảnh Thiểm chết đi sống lại, hai mắt họ mở ra. Chim thú đều hân hoan, gió ngừng, mây tan, mặt trời chiếu sáng, nước suối lại chảy, hoa cỏ cây cối năm màu lung linh tươi tốt hơn trước.

Vua thấy vậy vui mừng không thể kể xiết, cúi mình đảnh lễ Đếthích rồi quay sang đảnh lễ cha mẹ Thiễm và Thiểm. Vua nguyện đem tài sản cả nước cúng dường đạo nhân. Thiểm tâu:

– Nếu muốn báo ân, bệ hạ nên trở về an ủi, khuyên bảo dân chúng giữ gìn năm giới. Bệ hạ đừng săn bắn làm hại muông thú nữa. Người giết hại sinh mạng đời này thân thể không được an ổn, sau khi mạng chung sẽ bị đọa vào địa ngục. Người ta sống ở đời, ân ái chỉ là tạm bợ, biệt ly mới lâu dài, không ai có thể sống mãi ở đời. Bệ hạ nhờ đời trước có tạo công đức, nay mới được làm vua, chớ vì tự mãn mà buông lung phóng túng.

Vua tỏ lòng hối hận, hứa từ nay về sau sẽ vâng theo lời chỉ dạy của Thiểm. Mấy trăm người đi theo vua đều rất vui mừng, xin thọ trì ngũ giới.

Vua hồi cung, ra lệnh trong nước ai có cha mê mù như Thiểm đềi phải nuôi dưỡng, không được để cho họ thiếu thốn, ai vi phạm sẽ bị xử tội nặng. Bởi thế, nhân dân trong nước đều đem câu chuyện Thiểm chết đi sống lại cùng dạy nhau tu tập. Những người tu tập ngũ giới, thập thiện sau khi chết đều được sanh lên cõi trời, không rơi vào ba đường ác.

Đức Phật bảo Ngài A-nan:

– Thiểm thuở ấy chính là thân ta, ngưòi cha mù nay là phụ vương Duyệt-đầu, người mẹ mù là phu nhân Ma-da, vua nước Ca-di chính là A-nan, Thiên-đế-thích chính là Di-lặc.

Công hạnh khiến ta mau thành Phật đều là nhờ ân hiếu thảo dưỡng nuôi cha mẹ của ta. Ta từ cõi chết sống trở lại và làm cảm động trời, rồng, quỉ, thần là do an đức của cha mẹ và lòng hiếu thảo mà được như thế. Ta nay được thành Phật và cứu độ chúng sanh đều nhờ ân đức hiếu dưỡng cha mẹ vậy.

(Trích kinh Thiểm)

6. CHƯ BỒ-TÁT THỌ THÂN SAI KHÁC ĐỘ CHÚNG SANH:

Lúc bấy giờ Bồ-tát Khoáng-dã làm thân quỷ, Bồ-tát Tán-chi hiện làm thân hươu Bồ- tát Huệ-cư hiện làm thân khỉ, Bồ-tát Ly-ái hiện làm thân dê đen, bố tát Tận-lậu hiện làm thân ngỗng chúa. Tất cả năm trăm vị Bồ-tát đều hiện đủ các thứ thân như thế. Những thân ấy đều toả ra ánh sáng trí tuệ. Mỗi vị Bồ-tát đều cầm đèn sáng muốn đến cúng dường mười phương chư Phật.

Khi ấy Bồ-tát Nghi-tâm quán sát và biết năm trăm vị ấy đều là Bồ-tát, liền hỏi quỷ Khoáng-dã:

– Thưa hiền giả! Vì sao các Ngài lại hiện thân như vậy cúng dường chư Phật?

– Thưa hiền giả! Vào thời quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp có Phật ra đời hiệu là Tỳ-Bà-thi. Lúc ấy chúng tôi là anh em cùng cha mẹ, cùng thọ trì ngũ giới, phát tâm Bồ-đề. Vì muốn cứu độ tất cả chúng sanh, chúng tôi đều cúng dường Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù, Phật Cưu-lưu-tôn.

Đại sĩ Tán-chi ở trước Phật ấy lập thệ nguyện: “Con nguyện ở đời vị lai làm thân quỷ thần để giáo hoá chúng sanh. Nếu có loài quỷ nào quá xấu xa độc ác, con sẽ giảng Tam thừa để điều phục. Sau đó thân con mới thành tựu quả vị Bồ-đề”. Ở thế giới này còn có một vạn hai ngàn đại quỷ phát nguyện lớn giáo hoá chúng sanh. Còn tôi phát đại nguyện: “Nếu có ác quỷ nào muốn phá hoại chánh pháp tôi sẽ trị tội nó”. Cho nên tôi thọ thân quỷ như vầy là để giáo hoá khiến cho chúng sanh dự vào hàng Tam thừa. Nếu như có chúng sanh xa rời pháp lành, thân, khẩu, ý tạo nghiệp bất thiện thì sẽ bị đoạ vào ba đường ác. Hoặc có chúng sanh tạo nghiệp thiện ác lẫn lộn phải thọ thân quỷ. Ác quỷ ngày càng nhiều, thiện quỷ ngày càng ít. Tôi muốn điều phục họ cho nên thọ thân này. Đồng thời cũng khiến cho hàng Sát-đế-lợi, Bà-lamôn, Tỳ-xá, Thủ-đà-la từ bỏ tâm ác.

– Thưa hiền giả! Có thần chú Kim cang chuỳ có thể khiến cho tất cả ác quỷ không thể gây tội ác với bốn giai cấp ấy. Ngoài ra còn khiến cho chim thú sanh tâm lành xa lìa tất cả xấu xa sợ hãi. Tôi phát thệ nguyện lớn muốn nói chú ấy.

( Trích kinh Đại Tập Quyển hai mươi mốt)

7. BÀ TẨU LÀM THÂN TIÊN NHƠN ĐỘ SÁU TRĂM HAI MƯƠI VẠN THƯƠNG BUÔN:

Thuở xưa, khi Phật ở cõi trời Đâu-suất. Tiên nhơn Bà-tẩu ở cõi Diêm-phù-đề thường làm thương chủ cùng sáu trăm hai mươi vạn thương buôn vào biển tìm châu báu. Một hôm họ đang ở trên thuyền lớn sắp trở về nước thì gặp nạn cá Ma-kiệt, quỷ Dạ-xoa, sóng to, gió lớn. Ngay khi ấy sáu trăm hai mươi vạn thương buôn mỗi người đều hứa cúng cho Trời Ma-hê-thủ-la một con vật. Vừa hứa xong, họ thoát khõi bốn nạn. Về đến nước mình, mỗi người đều chuẩn bị một con dê muốn đến đền tế trời.

Bà-tẩu thấy vậy thầm nghĩ: “Nay ta làm sao để khuyên những thương buôn này không làm việc ác đây? Chắc phải dùng phương tiện thôi”. Nghĩ rồi tiên nhơn liền hoá làm một vị Sa-môn xuất gia và một vị Bà-la-môn tại gia.

Khi ấy Bà-la-môn đến trước mọi người nói lớn:

– Thương chủ cùng sáu trăm hai mươi vạn thương buôn muốn đến đền tế trời.

Cùng lúc ấy, vị Sa-môn đang đi trên đường từ xa trông thấy Bàla-môn liền đến hỏi:

– Ngài cùng đại chúng muốn đến đâu vậy?

– Chúng tôi đến đền tế trời cấu đại lợi.

– Tôi nhìn thấy quý vị muốn cầu đại suy chứ đâu phải đại lợi.

Hai bên cứ tranh cãi, không ai nhường ai. Khi ấy mọi người hỏi Bà-la-môn:

– Người này là ai mà có hình dáng như thế?

– Người này gọi là Sa-môn.

– Sa-môn là sao?

– Sa-môn là người cho rằng giết sinh vật tế trời là mang tội lớn.

Mọi người liền nói:

– Vị Sa-môn ngu si này cần gì phải nói như thế. Chúng ta hãy mau đến đền tế trời để cầu đại lợi.

Bà-la-môn liền bảo:

– Thầy của chúng ta không có gì mà không thông suốt. Hiện nay thầy đang ở tại đền tế trời, chúng ta cùng đến hỏi Ngài.

Mọi người đều cho là hay và cùng nhau đến chỗ đại tiên. Đến nơi, Sa-môn liền hỏi:

– Giết mạng sống tế trời sẽ được sanh lên trời hay đoạ vào địa ngục?

– Hỏi sao mà ngu thế Sa-môn, giết sinh mạng chắc chắn sẽ bị đoạ vào địa ngục.

Bà-tẩu phản đối:

– Không đúng.

Sa-môn bảo:

– Nếu như không tin đoạ vào địa ngục thì ngươi hãy chứng minh đi.

Khi ấy Bà-tẩu lập tức vùi thân rơi xuống địa ngục A-tỳ. Mọi người nhìn thấy sợ hãi gào thét:

– Đáng sợ quá! Thật có việc như thế sao? Thương chủ là người thông minh trí tuệ mà nay đã biến mất, huống gì chúng ta làm sao tránh khỏi cảnh địa ngục.

Khi ấy mỗi người đều thả dê ra, mặc tình cho chúng chạy khắp. Họ kéo nhau vào núi gặp tiên nhơn xin thọ học giáo pháp của tiên. Qua hai mươi mốt năm, họ lần lượt mạng chung và đều được sanh vào cõi Diêm-phù-đề.

Phật bảo:

– Lúc ta ở cõi trời Đâu-suất hạ sanh vào cung vua cha Bạch-tịnh ở cõi Diêm-phù-đề, sáu trăm hai mươi vạn người ấy đều thọ thân người sanh vào nước Xá-vệ. Lúc trước, khi mới đến nước Xá-vệ, ta đã hàng phục khiến họ xuất gia, phát tâm Bồ-đề. Họ chính là những thương buôn thuở xưa. Bà-tẩu tiên nhơn có sức oai thần lớn hoá ra những người như thế đi đến chỗ ta.

(Trích kinh Phương Đẳng Đà La Ni quyển 1)

8. CHUYỂN LUÂN VƯƠNG PHÁT NGUYỆN BỐ THÍ:

Thuở xưa, Bồ-tát Lô-Bà-la vì nguyện lực nên sanh ao cõi Diêmphù-đề ở phương Đông làm Chuyển luân Thánh vương, chủ Tứ thiên hạ, hiệu là Hư-không-tịnh. Ngài dạy chúng sanh tu tập mười điều thiện và pháp Tam thừa.

Thuở ấy, vua bố thí cho tất cả chúng sanh không có tâm phân biệt. Người đến xin rất đông mà của báu vẫn không thiếu. Vua hỏi đại thần:

– Trân bảo này từ đâu ra?

Đại thần đáp:

– Tâu bệ hạ, Long vương tuy có nhưng chỉ để cúng dường Thánh vương. Đời ngũ trược chúng sanh phiền não sâu dày. Khi con người thọ đến một trăm tuổi thì Thánh vương chắc chắn thàng tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề. Vì bổn nguyện thị hiện làm Đại Long vương, hiện ra vô số kho báu. Ở các thế giới ác khắp nơi trong Tứ thiên hạ, trong mỗi thiên hạ bảy lần thọ thân. Trong mỗi thân thị hiện vô lượng trăm ngàn vạn ức na do tha kho tàng trân báu. Như thế lần lượt biến khắp mười phương.

Lúc đời ác ngũ trược, có trăm ngàn vạn ức chư Thiên ở trên hư không rải hoa khen ngợi Thánh vương là người có thể đáp ứng theo tâm nguyện của chúng sanh. Mọi người nghe chư Thiên gọi vua Hư-khôngtịnh là Nhất-thiết-thí liền kéo đến xin phu nhân, thể nữ, con cái… vua đều đem cho hết.

Một hôm có cậu bé ăn xin, thọ trì giới chó tên Thanh Quang Minh đến xin vua cõi Diêm-phù-đề. Vua vui vẻ đồng ý, làm lễ nhường ngôi cho cậu bé. Nhưng nhà vua vẫn được dân chúng tôn trọng như vua, cuộc sống sinh hoạt cũng như trước. Vua lại phát nguyện: “Nếu ta được thành Phật sẽ thọ ký cho vua này cùng được Nhất sanh bổ xứ”.

Lúc ấy Bà-la-môn Lô-chí đến xin hai chân của vua, Bà-la-môn Nha xin hai mắt, Bà-la-môn Tịnh-kiên-lao đến xin hai tai, Tưởng Nikiền-tử xin nam căn, Bà-la-môn Mật-vị xin hai tay, vua lần lượt cắt cho hết.

Thấy vậy, các tiểu vuương và các quan đại thần đều mắng:

– Người đâu mà ngu quá! Sao lại tự cắt thân thể của mình cho người khác, đã vậy thì xem còn chỗ nào cắt luôn đi rồi quẳng ra đồng trống cho trùng bọ, chim thú đến ăn.

Vua liền phát nguyện: “Nếu điều mong ước của ta thành hiện thực hãy khiến cho thân này trở thành một núi thịt to”. Tất cả chúng sanh uống máu ăn thịt đều đến đây mặc tình ăn uống mà thân ta ngày càng lớn. Vì nguyện lực ta xả bỏ lưỡi, mong đời sau được tướng lưỡi rộng dài.

Khi ấy, vua mạng chung ở cõi Diêm-phù-đề, vì nguyện lực xưa cho nên làm Long vương tên Thị-hiện-bảo-tàng. Đồng thời trong đời này vua thị hiện trăm ngàn ức na do tha các kho báu và ra thông báo tất cả trân báu, vật lạ cho đến ma-ni-châu, ai muốn gì thì mặc tình đến lấy. Vua tiếp tục tu thập thiện, phát tâm vô thượng Bồ-đề. Bảy lần thọ thân như thế đều sống lâu đến bảy vạn bảy ngàn ức na do tha trăm ngàn tuổi, vô lượng trân báu cũng nhiều như vậy.

(Trích kinh Đương Lai Tuyển Trạch Chư Ác Thế Giới)

9. VUA ĐEM MẮT CHO NGƯỜI BỊNH:

Phật bảo Ngài A-nan:

– Thuở xưa ở nhân gian có một vị vua tên Nhật-nguyệt-minh, tướng mạo đẹp đẽ, oai phong lẫm liệt.

Một hôm trên đường ra khỏi cung, vua gặp một người mù nghèo khổ đói khát đang xin ăn, biết có vua đến người ấy đến trước vua tâu:

– Tâu bệ ha, chỉ có bệ hạ là người tôn quý, bình yên vui sướng, riêng thần nghèo khổ lại thêm mù loà.

Vua thấy vậy xót thương hỏi:

– Có loại thuốc nào trị lành bịnh cho khanh không?

– Chỉ có đôi mắt của bệ hạ mới trị lành mắt của thần.

Vua liền đưa tay móc hai mắt của mình đưa cho người mù mà lòng vẫn bình thản không hề hối hận.

Vua Nhật-nguyệt-minh chính là thân ta. Núi Tu-di có thể biết nặng bao nhiêu còn đôi mắt cuả ta đem bố thí không thể nào cân đếm được.

(Trích kinh Di Lặc Sở Vấn Bổn Nguyện)

10. VUA TRỊ TỘI PHẠM CHÍ:

Thuở xưa Bồ-tát làm vua một nước lớn, quy y Tam bảo, vâng giữ mười điều thiện, không sử dụng binh khí, không xây tù ngục. Nước ấy mưa hoà gió thuận, lúa đậu được mùa, nhân dân giàu có. Những sách vở tà giáo, cả nước không hề ngó đến, pháp lục độ thì tranh nhau đọc tụng.

Lúc ấy có một vị Phạm chí giữ gìn tiết tháo, nên vào chốn núi rừng thanh vắng tịnh tu, không liên hệ gì đến cuộc sống của người đời. Một đêm khát nước, đi tìm nước uống, Phạm chí uống nhầm nước trong ao trồng sen của dân nước này. Uống xong ông mới biết, nên đến quan thưa là mình đã phạm tội, xin vua dùng luật pháp trị.

Vua bảo:

– Đó là nước thiên nhiên không phải là một vật cụ thể, có gì là tội đâu.

– Tâu bệ hạ! Thần không xin mà uống há không phải là tội sao, xin bệ hạ hãy trị tội thần.

– Nay công việc của ta quá nhiều, khanh hãy ngồi trong vườn chờ ta.

Thái tử liền dẫn ông ta vào sâu trong vườn. Vua vì công việc quá bận rộn nên quên mất Phạm chí đến ngày thứ sáu mới sực nhớ liền hỏi Phạm chí đang ở đâu, mau gọi ông ta đến đây.

Suốt sáu ngày, Phạm chí giữ giới nên chịu đói khát, thân thể gầy yếu, đứng lên liền loạng choạng té xuống.

Vua nhìn thấy, nước mắt tuôn rơi, nói:

– Tội của ta thật nặng.

Hoàng hậu thấy vậy thì cười.

Vua sai người tắm rửa cho Phạm chí, cho sắp đặt tiệc ngon rồi đích thân vua cúng dường, đảnh lễ sám hối.

– Từ hôm nay trở đi, trải qua vô lượng kiếp sanh tử, đến khi sắp được thành Phật sẽ không ăn sáu năm.

Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

– Vua thuở ấy chính là thân ta, phu nhân là Câu-di, thái tử là Lavân. Vua thuở xưa bỏ quên đạo sĩ khiến ông ấy phải đói khát trong sáu ngày, nay thọ tội sáu năm chịu đói khổ. Nhờ sau sáu ngày vua đích thân cúng dường Phạm chí nên qua hết sáu năm cơ cực liền được thành Phật. Câu-di cười ông ta cho nên nay phải mang thai La-vân suốt sáu năm. Thái tử vì dẫn Phạm chí vào sâu trong vườn cho nên sáu năm phải ở trong chỗ tối tăm.

(Trích kinh Tác Vương)

11. VUA ĐEM ĐẤT NƯỚC, VỢ CON BỐ THÍ:

Thuở xưa, Bồ-tát làm vua một nước lớn, đem lòng từ trị dân. Hàng tháng đi tuần thú, gặp người nghèo thiếu, goá bụa, bịnh tật vua đều ban cho thuốc men, cơm cháo.

Mỗi lần đi như vậy, vua đều ra lệnh cho xe đi sau chở đầy những thứ áo quần, thuốc men cần thiết, gặp người chết vua cho người chôn cất. Từ đó danh tiếng của nhà vua vang khắp mười phương.

Trời Đế-thích thấy đức hạnh của vua, sợ vua sẽ chiếm đoạt ngôi vị của mình, nên muốn đến phá. Thế rồi Đế-thích liền hoá làm một Phạm chí già đến xin vua một ngàn tiền vàng. Vua liền cho.

Đế-thích lại thưa:

– Tôi ở nơi vắng vẻ sợ sẽ bị người lấy trộm, xin vua cho tôi gởi.

– Nước ta không có ăn trộm.

Ông ta không nghe, cứ xin gởi mãi, vua liền nhận.

Đế-thích lại hoá làm một Phạm chí khác đến cửa cung, vua liền ra đón. Phạm chí khen:

– Danh tiếng của đại vương lan khắp tám phương, đức hạnh thật hiếm có. Tôi vốn sanh ra trong hàng dân hèn, rất thích được mến mộ tôn vinh, nên muốn xin nước của Ngài.

Vua vui mừng đem nước cho ông ta rồi cùng vợ con lên xe nhỏ ra đi.

Đế-thích lại hoá làm Phạm chí khác đến xin xe. Vua liền đem xe cho rồi cùng vợ con đi bộ, đêm đến vào núi nghỉ. Lúc ấy có vị đạo sĩ chứng ngũ thông bạn của vua bỗng nhớ đến đức hạnh của vua, thấy vua bị mất nước nên tịnh tâm quán sát thì thấy Đế-thích vì tham lam ganh ghét, chiếm đoạt đất nước khiến cho vua phải suy yếu nhọc nhằn như thế.

Đạo sĩ dùng thần túc bay ngay đến chỗ vua, hỏi:

– Ngài vì cầu việc gì mà phải chịu nhọc nhằn như thế?

– Điều ta mong cầu ông đã biết rồi còn gì.

Đạo sĩ liền hoá làm một chiếc xe kéo tiển vua lên đường. Đếthích liền hoá làm Phạm chí đến xin xe. Khi còn chừng vài dặm nữa mới đến nước kia, Đế-thích lại hoá làm vị Phạm chí đầu tiên đến đòi tiền.

Vua nói:

– Tôi đem đất nước cho người khác nên quên mất tiền của Ngài.

Khi ấy, vua liền đem vợ con cầm được một ngàn tiền vàng trả cho Phạm chí. Vợ vua phải làm người hầu cho con gái chủ nhà. Một hôm, cô gái đi tắm liền cởi những đồ trang sức trân báu trên thân ra máng lên trên giá. Khi ấy Đế-thích lại hoá làm chim ưng bay đến gắp lấy quần áo cùng các vật báu của cô gái bay mất. Cô gái cho là người hầu lấy trộm bèn trình quan bắt nhốt vào ngục. Con của vua cùng con chủ nhà nằm ngủ, Đế-thích lẻn vào giết chết con chủ nhà. Gia đình chủ lại bắt đứa bé nhốt vào ngục. Hai mẹ con đều bị giam giữ, đói khổ tiều tụy, than thở không ai cứu nên chỉ biết suốt ngày âm thầm khóc than, về sau bị xử tội đem bỏ vào chợ.

Vua đi làm thuê được một ngàn tiền vàng liền đến chuộc vợ con. Khi đi ngang qua chơ, thấy vợ con bị xử tội vua liền niệm chư Phật sám hối tội của mình: “Đời trước ta đã gây tội ác đến thế này sao?” Vua liền tĩnh tâm nhập định, biết tất cả đều là việc làm của Đế-thích. Khi ấy trong không trung có tiếng bảo:

– Sao không mau giết ông ta đi?

– Tôi nghe nói Đế-thích là người chuyên cứu giúp chúng sanh, thương yêu chúng sanh như con đỏ, hơn cả mẹ hiền. Những loài mang dòng máu đỏ trong thân không loài nào không mong được cứu giúp.

Ông ta vì không làm ác mới được làm Đế-thích.

Đế-thích vì gây tội lớn, khi tội chín muồi phải sanh vào núi Thái.

Trời, rồng, quỷ thần đều cho là việc tốt.

Khi ấy vị vua bản xứ liền tha tội cho vợ con của vua. Hai vua gặp nhau, tìm hỏi nguyên nhân. Nghe xong, hết thảy dân chúng không ai ngăn được nước mắt. Vua bản xứ liền chia nước mình ra để hai bên cùng cai trị. Thần dân nước cũ tìm đến chỗ vua ở, cả nước đều tôn kính thỉnh vua trở về. Nhân dân hai nước bên buồn bên vui.

Phật bảo: Vị vua ấy chính là thân ta, người vợ là Câu-di, Đế-thích là Điều-đạt, vị đạo sĩ trong núi là Xá-lợi-phất, vua nước kia là Ngài Di-lặc.

(Trích Độ Vô Cực Tập quyển 1)

12. VUA CỨU GIÚP NGƯỜI NGUY KHỐN:

Một hôm, Phật ở nước Xá-vệ, bảo các vị Tỳ-kheo:

– Thuở xưa, Bồ-tát Phổ-minh là vua một nước lớn, lòng từ của vua toả sáng, bao trùm khắp nơi, mười phương đều khen ngợi. Dân chúng mong cho vua được an vui như người con hiếu mong cho cha mẹ được an ổn. Nước bên cạnh có vua tên A-quần dùng pháp luật trị nước. Vua có sức mạnh như sư tử, có thể rượt bắt chim ưng.

Một hôm, đầu bếp của A-quần cần thịt, sáng sớm chạy ra chợ kiếm. Trên đường đi, anh ta gặp một thi thể mới chết liền đem về làm món ngon, mùi vị hơn cả thịt súc vật. Ngày sau anh ta nấu món ngon khác thì không bằng như hôm trước. Vua khiển trách quan thái giám. Đầu bếp trở về thành thật cúi đầu thú tội. Vua bẽn lẽn bảo: “Thịt người ngon lắm sao?”. Sau đó vua ngầm sai đầu bếp dùng thịt người làm món ăn hàng ngày cho vua. Thế mới nói: Người thích mùi vị đậm đà thì lòng nhân mõng, người mà lòng nhân mõng thì tâm lang sói trỗi dậy. Hễ lang sói thích mùi vị thịt thì cướp đi mạng sống của sinh vật, cho nên thiên hạ thù ghét nó.

Đầu bếp vâng lệnh lén lút đi giết người làm thức ăn cung cấp cho vua. Thần dân biết được gào khóc, đồng lòng lên tiếng đuổi A-quần đi. A-quần chạy vào núi, chuyên rình những ông vua khác đi ra ngoài thì thình lình bắt lấy. Giống như chim ưng, chim săn chộp bắt chim yến, chim sẻ. Cứ thế, A-quần đã bắt được chín mươi chín vị vua.

Một hôm, vua Phổ-minh ra ngoài quan sát cuộc sống khổ vui của dân chúng. Trên đường đi, vua gặp một vị Phạm chí, Phạm chí khuyên vua chớ đi ra ngoài. Vua bảo là người thường ra lệnh nên ta phải đi không thể trái lời hứa. Nói rồi vua lên đường và bị A-quần bắt giữ.

Vua nói với A-quần:

– Tôi không sợ chết, chỉ hối hận là đã hủy bỏ lời hứa của mình.

– Đó là chuyện gì?

Vua đem hết việc của mình nói với A-quần:

– Trên đường đi có vị đạo sĩ gặp tôi, xin được một lần gặp mặt và nghe những lời chỉ dạy của tôi. Hãy cho tôi thực hiện lời hứa của mình thì có chết cũng không hối hận.

A-quần liền thả vua ra, cho vua tạm trở về. Vua gặp đạo sĩ, đem tiền bạc cho ông ta rồi mĩm cười trở về chỗ A-quần. A-quần hỏi:

– Nay mạng sống sắp mất rồi, có gì vui mà cười?

– Lời dạy của Đức Thế Tôn, chúng sanh trong ba cõi khó được nghe. Nay tôi chỉ nhớ lời Phật nên đất nước và sinh mạng này có gì đáng tiếc đâu.

A-quần nói:

– Xin cho tôi được nghe lời dạy của Đức Thế Tôn.

Vua liền đem những lời dạy của Phật dạy cho A-quần. A-quần nghe xong kinh ngạc vui mừng nói:

– Cao cả thay Thế Tôn! Đã trình này bốn pháp vô thường. Nếu như hôm nay không nghe được những lời này chắc chắn con sẽ mãi mãi làm việc sai trái.

Nói xong A-quần liền thả một trăm vị vua ra, cho mỗi vị trở về nước của mình. A-quần hối hận lỗi của mình, từ đó suốt ngày ở dưới gốc cây tụng bốn bài kệ vô thường. Sau khi mạng chung, A-quần sanh làm thái tử. Thái tử cưới vợ, không sanh được con trai, nhà vua rất lo buồn liền chiêu mộ người nữ trong nước về cung để giúp thái tử sanh con trai. Nhưng sau đó thái tử trở nên buông lung hoang dâm vô độ. Vua đem hình phạt xé xác treo ở ngã tư đường, ra lệnh cho những người đi đường, gọt đầu làm nhục thái tử, vừa đúng chín mươi chín người thì thái tử chết. Sau khi chết, thần thức A-quần lên xuống mãi trong ba cõi, cho đến khi Phật ra đời thì sanh vào nước Xá-vệ.

Cha mất sớm, A-quần sống với mẹ, thờ đạo Phạm chí. Tính tình của anh ta chân thật, lời nói đáng tin, sức mạnh hơn cả voi, được thầy yêu, bạn mến, khắp xa gần đều khen là người hiền. Thầy mỗi khi chu du khắp nơi thì gởi gắm nhà cửa cho anh ta. Vợ của thầy đem lòng yêu thương A-quần, đầu tiên bà chỉ nắm tay, sau đó dùng những lời khiêu gợi để dụ dỗ. A-quần thưa: “Hễ người lớn trong thế gian, người nam con xem như cha, người nữ con xem như mẹ hà huống gì sư mẫu. Thà sư mẫu bảo con đốt thân chứ con không thể làm việc trái đạo như vậy”. Vì vậy sư mẫu ghét anh ta nên tìm cách làm hại.

Đến khi chồng về bà ta bảo:

– Ông khen A-quần là người hiền, đáng là người chăm lo cho ông chăng. Bà ta nói xấu A-quần đủ điều, vu cáo y như thật khiến cho Phạm chí cũng phải tin.

Nghe xong vị thầy gọi A-quần đến hỏi có muốn làm tiên không, A-quần thưa có. Vị thầy liền dạy A-quần giết đủ một trăm người chặt lấy ngón tay của họ thì được làm thần tiên. A-quần vâng theo lời thầy, xách kiếm ra đi, hễ gặp người thì giết. Chẳng mấy chốc đã được chín mươi chín ngón tay người. Dân chúng hoảng sợ trốn chạy náo động cả nước. Khi gặp được me, A-quần vui mừng reo lên:

– A! Giết mẹ nữa là đủ số, hôm nay ta được làm tiên rồi.

Khi ấy Phật nghĩ, tà đạo làm cho con người ta mê mờ mất hết lý trí khiến cho nhiều người bị chém giết. Nghĩ xong, Phật liền hoá làm một vị Sa-môn đi trước mặt A-quần. A-quần reo lên:

– Người này nữa là đủ số!

Anh ta liền đuổi theo Phật nhưng không kịp liền hét lên:

– Sa-môn kia hãy đứng lại!

– Ta đã đứng lại rồi chỉ có ngươi chưa đứng lại thôi.

Nghe lời Phật nói A-quần tỉnh ngộ, có cái gì đó bừng vỡ như áng mây tan, lập tức gieo mình xuống đất đảnh lễ Phật sám hối, rồi chắp tay theo Phật về tinh xá làm Sa-môn. Phật nhắc cho A-quần hạnh tu đời xưa, hiện bốn pháp vô thường khiến A-quần đắc quả A-La-hán.

Vua muốn bắt A-quần trị tội nhưng nghe A-quần đã đắc quả ALa-hán thì vui mừng bạch Phật xin được gặp vị ấy một lần. Phật bảo:

– Bậc thượng đức hiền nhân có thể mở một con mắt thì thấy được nhau.

Vua thưa đến ba lần, A-quần lên tiếng:

– Mắt của ta sáng trong, mắt của xạ thủ tuyệt chiêu cũng không sánh được.

Vua cúi đầu thưa:

– Ngày mai con thiết buổi tiệc ngon xin thỉnh Ngài một lần hạ cố.

– Thiết lễ ở nhà xí thì ta đến, còn ở cung điện thì thôi.

Vua đồng ý, trở về cung, cho người tách nhà xí ra đào hết phân đất ở dưới lên, dùng gỗ thị, gỗ long não làm cột kèo, nấu nước thơm rưới lên đất. Dùng các loại hương chiên đàn, tô hợp, uất kim trộn lại làm đất. Lấy chiên đàn cùng các loại len dạ, lụa màu làm toà làm chiếu. Xung quanh đều cho chạm trổ, điêu khắc các vật báu rất đẹp. Khung cảnh trở nên rực rỡ, sáng chói hơn cả cung điện.

Sáng hôm sau, vua đích thân bưng lư hương ra đón. A-quần ngồi lên toà, vua vén y lên đến gối, đích thân cúng dường đến mãn tiệc. Thọ trai xong A-quần thuyết kinh và hỏi vua:

– Với sự dơ bẩn của nhà xí trong ngày hôm trước thì có thể dọn cơm lên đó được không?

– Dạ không thể được.

– Còn như hôm nay thì được không?

– Dạ được.

– Lúc chưa gặp Phật, lòng dạ ta dơ hơn cả chuồng xí kia. Nhưng nhờ phước đời trước, ta sanh ra gặp Phật ở đời, được tắm gội sạch sẽ, không còn những mùi hôi thối. Trong ngoài trong sạch như trân châu ở cõi trời.

Thọ trai xong, A-quần muốn đi qua chợ. Khi qua đây, Ngài nghe chuyện có một phụ nữ sanh con ngược, mạng sống chỉ còn trong hơi thở. Ngài vội trở về thưa Phật. Phật bảo Ngài đến giúp đỡ sản phụ kia. Aquần vâng lời đem ân đức của Phật dạy cho phụ nữ kia khiến cho mẹ tròn con vuông.

Phật bảo A-quần:

– Người ngày đầu tiên vào đạo gọi là mới sanh. Người không gặp được Tam bảo, chưa thọ trọng giới giống như thai nhi còn trong bụng mẹ, tuy có tai mắt nhưng không thể thấy nghe, gọi là chưa sanh.

A-quần nghe xong tâm khai ngộ liền đắc quả A-La-hán.

Phật bảo các vị tỳ- kheo:

Vua Phổ-minh thuở xưa chính là thân ta. Đời trước ta trao bốn bài kệ vô thường cho A-quần, nhờ đó cứu sống một trăm vị vua, nên đời nay được đắc đạo, không thọ các tội lỗi. Đời trước A-quần từng làm Tỳ-kheo vác một đấu gạo đến cúng chùa, dâng lên Phật một con dao, vui mừng khen ngợi đức Thế Tôn, đảnh lễ ra về. Nhờ phước vác gạo mà đựơc sức mạnh phi thường, dâng lên Phật một con dao nên được vô lượng của báu, vui mừng nên được tướng mạo đoan chánh, khen ngợi Thế Tôn nên được làm vua, ra về đảnh lễ nên được mọi người tôn trọng. Chín mươi chín người gọt đầu A-quần cho đến chết, vì oán cừu cố sát đời trước cho nên nay bị chặt tay. Người sau cùng muốn gọt đầu thì thấy A-quần đã chết, nên đời nay khiến A-quần gặp vị Sa-môn, tâm từ phát sanh. Người đến sau cùng muốn gọt đầu A-quần chính là mẹ A-quần đời nay. Vì lúc đầu có tâm ác với A-quần, cho nên nay A-quần cũng có tâm ác với bà như thế. Gặp Sa-môn đã có lòng từ cho nên gặp Phật liền phát sanh lòng hiếu. Hễ gieo hạt thuần thì gặt quả thuần, gieo hạt tạp thì gặt quả tạp. Thiện ác đã tạo thì hoạ phước sẽ theo sau như bóng theo hình, vang theo tiếng. Tất cả đều có nguyên nhân, chẳng phải tự nhiên.

(Trích kinh Di-Lặc Sở Vấn Bổn Nguyện)

13. THÁI TỬ LIÊN HOA ĐEM TỦY CHO NGƯỜI BỊNH:

Phật bảo A-nan:

– Vào thời quá khứ có vị thái tử tên Liên-hoa-vương đoan chánh xinh đẹp, oai thần cao cả. Một hôm, trên đường đi dạo, thái tử gặp một người bị bịnh cùi thì thương xót hỏi:

– Thuốc gì có thể trị lành bịnh của ngươi?

Người bịnh thưa:

– Nếu lấy được tuỷ của vua bôi vào thì bịnh của tôi sẽ lành.

Nghe xong, thái tử đập xương mình ra lấy tuỷ trao cho người bịnh với tâm vui mừng không hề hối hận.

Thái tử lúc ấy là thân ta. Nước trong bốn biển lớn có thể đong lường được, tuỷ trong thân ta đem bố thí không thể tính kể.

(Trích kinh Di-Lặc Sở Vấn Bổn Nguyện)

14. THÁI TỬ ĐEM MÁU CHO NGƯỜI BỊNH:

Phật bảo A-nan:

– Thuở xưa khi ta cầu đạo, trãi qua vô lượng cực khổ. Trong một đời ta làm thái tử tên Hiện-chúng, tướng mạo đoan chánh đẹp dẽ. Một hôm trong vườn thượng uyển đi ra, thái tử gặp mợt người bịnh nặng, liền hỏi:

– Dùng thuốc gì có thể trị lành bịnh của khanh?

– Thưa thái tử, chỉ có máu của vua mới trị lành bịnh của tôi.

Nghe xong, thái tử liền lấy dao bén chích vào thân mình cho máu chảy ra, đem cho người bịnh với lòng chân thành không hề hối hận.

Thái tử thuở ấy chính là thân ta. Này A-nan! Nước trong bốn biển lớn còn có thể đong đếm, máu trong thân ta đem bố thí không thể tính được. Ta làm vậy để cầu quả vị chánh giác.

(Trích kinh Di Lặc Sở Vấn Bổn Nguyện).