KINH PHẬT THUYẾT HOA THỦ

QUYỂN 8

Phẩm 27: NÓI VỀ NHIỀU THỨ PHÁP

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Có bốn pháp cứu độ. Những gì là bốn pháp?

  1. Chúng sinh bị sợ hãi, Như Lai có thể cứu độ.
  2. Những kẻ đi lạc vào nẻo tà, đạo pháp giải thoát có thể cứu độ.
  3. Người tạo các nghiệp ác, pháp Niệm xứ có thể cứu độ.
  4. Kẻ đang bị tám nạn, Bồ-tát có thể cứu độ.

Đó là bốn pháp cứu độ.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Có bốn pháp an lạc. Những gì là bốn pháp?

  1. Sinh ra được gặp Phật.
  2. Được sinh ở nơi chốn không có các nạn.
  3. Luôn tin tưởng nơi Phật pháp.
  4. Có được đầy đủ chánh kiến của Bậc Giác Ngộ.

Đó là bốn pháp an lạc lớn.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Lại có bốn pháp có thể thành tựu được sự nghiệp. Những gì là bốn pháp?

  1. Thân tứ đại được điều hòa, khiến thân tâm luôn được an lạc.
  2. Tâm thanh tịnh, tư chất chánh trực, có thể đạt được chánh kiến.
  3. Gặp Phật, có được lòng tin, làm nhân cho mọi sự an vui.
  4. Phát tâm vô thượng nhằm dứt trừ bao thứ bệnh phiền não của vô số lượng chúng sinh.

Đó là bốn pháp có khả năng thành tựu sự nghiệp.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Ở đời có bốn thứ mong được.

Những gì là bốn thứ?

  1. Các người bị bệnh tật ốm đau mong muốn được lành bệnh, khỏe mạnh.
  2. Kẻ bị đói khát bức bách mong muốn được ăn uống no đủ.
  3. Những người bị khổ não giày vò mong muốn được an lạc.
  4. Những kẻ đi trên đường nguy hiểm mong được an ổn. Đó là bốn thứ mong được ở đời.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Thế gian luôn có bốn nơi chốn tham đắm, do sự tham đắm ấy bị đọa vào các nẻo ác. Những gì là bốn?

  1. Tham đắm về thân.
  2. Tham đắm về thọ mạng.
  3. Tham đắm đối với tài sản.
  4. Tham đắm về ái dục.

Đó là bốn nơi chốn tham đắm.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Có bảy nơi chốn chứa đựng. Đó là chốn chứa đựng của gió, cái sống, chín, lạnh, nóng, kiến thức và tham dục. Trong các sự chứa đựng ấy, chốn chứa đựng về tham dục là bền chắc hơn hết. Nơi chốn chứa đựng tham dục đó đã nương tựa vào cái gì để tồn tại? Chính là nương tựa nơi thân tướng con người với bao thứ nước mắt, nước bọt, đờm dãi, máu mủ, gân xương, da thịt, tim gan, ngũ tạng, phân, nước tiểu…

Bấy giờ trong chúng hội có một vị Cư sĩ tên là Tuyển Trạch. Vị Cư sĩ này có người vợ tên là Diệu Sắc; dung mạo đoan nghiêm, nhân sắc diễm lệ. Cư sĩ Tuyển Trạch hết sức yêu thương say đắm nên luôn bị phiền não dấy khởi. Cư sĩ nghe Phật nói liền đứng dậy thưa với Phật rằng:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế Tôn chớ nên cho rằng tâm tham dục đã dấy khởi từ chỗ nhơ uế của con người. Vì sao? Vì như vợ con, vốn là người rất đoan nghiêm xinh đẹp, không có điểm nào xấu tệ cả.

Đức Phật biết vị Cư sĩ này vốn nhiều tham ái sâu nặng, tức thì hóa ra một người đàn bà dung mạo đoan nghiêm xinh đẹp giống như Diệu Sắc, đang thong thả đi vào chỗ chúng hội. Cư sĩ Tuyển Trạch trông thấy liền suy nghĩ: “Vợ ta do duyên gì đi đến chúng hội này?” Suy nghĩ như vậy rồi bèn hỏi người đàn bà kia:

–Nàng vì sao mà lại đi đến nơi này?

Người đàn bà đáp:

–Em đến là muốn được nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp.

Cư sĩ nghe vậy bèn dẫn vào chỗ ngồi và để vợ ngồi lên mé vạt áo mình. Đức Phật dùng thần lực khiến người đàn bà ấy phóng uế làm bẩn cả vạt áo gây mùi hôi thối, làm cho Cư sĩ Tuyển Trạch không thể chịu nỗi phải dùng tay bịt mũi quay đầu nhìn sang bên phải, có ý xem ai là kẻ làm chuyện xấu. Lúc này, người ngồi bên phải Cư sĩ là Bạt-nan-đà, bèn nói với Cư sĩ:

–Vì sao lại phải bịt mũi rồi quay sang phía tôi?

Cư sĩ Tuyển Trạch đáp:

–Vì phía bên này quá ư hôi thối không chịu nỗi!

Do thần lực của Phật nên Bạt-nan-đà cùng nhiều người trong chúng hội nhìn thấy người đàn bà kia đã làm xấu cả một vạt áo của Cư sĩ Tuyển Trạch. Bạt-nan-đà nói với Cư sĩ Tuyển Trạch:

–Hãy xem kìa, chính vợ anh đã gây ra chuyện hôi thối này.

Cư sĩ đáp rằng:

–Tôi không chút nghi ngờ về chuyện này! Vợ tôi trong lành, thân không chút nhơ nhớp. Nếu có người nào nghi ngờ thì tự mình nên xem lại chính mình. Lại như nói riêng với Bạt-nan-đà: “Ý tôi cho rằng anh là tác giả vụ này!”

Bạt-nan-đà nghe thế liền tức giận nên đứng phắt dậy nói với Cư sĩ:

–Anh thật không biết hổ thẹn! Ai là người đã tôn anh là Cư sĩ đấy? Anh nay đáng gọi là Cư sĩ hôi thối! Sao anh không tự tay mình đẩy vợ anh đang ngồi nơi vạt áo kia ra mà xem thử? Chính chị ta lúc ngồi lên vạt áo anh đã gây ra việc xấu ấy. Anh tự ngồi lên trên nên đã lãnh đủ. Vậy mà không xấu hổ lại còn muốn chê bai người khác.

Mọi người trong chúng hội bèn xướng to lên:

–Cư sĩ hôi thối ấy phải nên ra khỏi chúng hội!

Bèn nói với người đàn bà kia:

–Người quá đỗi bất tịnh không nên ở trong chúng hội! Nói xong liền dùng tay kéo người ấy ra bên ngoài.

Tuyển Trạch trong lòng nghi hoặc, nói với người đàn bà:

–Ta vốn quý trọng nàng nên mới để ngồi nơi vạt áo ta. Nàng là người lớn sao lại giở trò như vậy?

Người đàn bà đáp:

–Ông ngồi sát nơi chỗ nhớp nên mới đến nông nỗi ấy!

Cư sĩ Tuyển Trạch lúc này liền sinh tâm chán nản, muốn bỏ chiếc áo bẩn ấy lại sợ vấy lên người mình, bèn hỏi Bạt-nan-đà:

–Làm cách nào để tống khứ chỗ nhớp bẩn này?

Bạt-nan-đà đáp:

–Chẳng phải chính thứ phân nhơ ấy đã làm ô nhiễm thân anh, mà chính những suy kém mới là điều anh nên quan tâm! Nếu muốn lìa bỏ thì nên trốn đi một nơi xa nào, không trở về nữa! Do vợ anh làm xấu khiến cho đại chúng ở đây phải đau đầu, buồn bực, rối loạn.

Cư sĩ Tuyển Trạch nói:

–Con em giòng họ Thích đều giàu lòng Từ bi thương người, sao anh ác khẩu quá vậy?

Bạt-nan-đà nói:

–Như anh hôm nay thì làm sao có thể từ bi thương xót được? Lời Phật chỉ dạy mà dám trái nghịch. Ăn nói như thế này: “Vợ tôi đoan nghiêm, không hề có những gì xấu xa!” Anh nay tự xem thử có trong sạch không mà muốn phỉ báng tôi?

Cư sĩ Tuyển Trạch nói với người đàn bà:

–Nàng nên trở về nhà! Bạt-nan-đà đã nói như thế đấy. Ta hôm nay đã thấy rõ người nữ chẳng chút chính trực, lại đầy dẫy những lỗi lầm, bất tịnh, nên sinh tâm chán lìa, muốn ở nơi pháp Phật xuất gia tu tập.

Bạt-nan-đà nói:

–Anh nay hình thể nhơ nhớp như thế, nếu dùng hương thơm xoa lên thì cũng phải trải qua hàng năm trời, sau đấy mới có thể kham lấy nổi việc xuất gia.

Cư sĩ đáp:

–Nếu tôi dùng hương xoa lên người phải trải qua hàng năm trời, thì hoặc là thân tôi vô thường hoặc Phật diệt độ, như thế thì nhân duyên xuất gia cầu đạo của tôi sẽ hỏng mất. Nay nếu thấy được chấp thuận cho xuất gia thì tôi chẳng hề lai vãng đến các thành ấp, thôn xóm; lấy chốn A-lan-nhã làm tăng phòng, tinh xá, mặc nạp y khuất phục, luôn ở nơi chốn vắng vẻ u tịch. Thế thì ai biết tôi xú uế?

Đức Phật bảo:

–Này Cư sĩ! Ông muốn ở nơi pháp của ta mà xuất gia chăng? Cư sĩ Tuyển Trạch liền thưa:

–Đúng vậy! Kính bạch Thế Tôn!

Phật nói:

–Lành thay! Ông là Sa-môn tu tập phạm hạnh!

Tức thì râu tóc của vị Cư sĩ được cạo sạch, áo ca-sa mặc lên thân, tay nâng bình bát, đúng hình dạng một vị Tỳ-kheo. Đức Phật vì vị Tỳ-kheo mới này mà thuyết giảng về bốn chân lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Được nghe bốn Thánh đế, vị này đạt được Pháp nhãn thanh tịnh, thành tựu quả Tu-đà-hoàn. Những lần thuyết pháp giáo hóa tiếp theo dần dần giúp cho vị ấy chứng quả Tư-đà-hàm và Ana-hàm. Qua khỏi đêm hôm ấy, vị Tỳ-kheo này liền khoác y mang bình bát đi đến thành Vương xá lần lượt khất thực, bèn trở lại nhà mình đứng bên ngoài cửa. Lúc này người vợ tên Diệu Sắc, thấy chồng mình đầu cạo, thân mặc pháp phục thành người xuất gia học đạo, liền nói rằng:

–Ông đã chọn việc lìa bỏ gia đình làm vị Sa-môn chăng?

Tuyển Trạch đáp:

–Hôm nay, nàng đã làm một việc không hay khiến áo ta bị nhớp bẩn cả thân ta.

Diệu Sắc nói:

–Ông đã là Tỳ-kheo rồi mà còn muốn phỉ báng người khác sao? Tôi từ nơi nhà cha tôi trở lại nhà này, chưa hề thấy ai ở ngoài cửa, huống hồ lại đi tới vườn Trúc và có mặt trong chúng hội ở đấy sao?

Bấy giờ, vị Tỳ-kheo mới này nói với Diệu Sắc:

–Có cả Bạt-nan-đà lúc ấy ngồi bên ta, và trong chúng hội đều thấy việc dẫn đưa nàng ra bên ngoài.

Lúc này, có tên ma ác vốn đã đi theo Tuyển Trạch, bèn nói xen vào:

–Hôm qua, người nhà ông thấy đó không phải là nàng Diệu Sắc đâu. Đấy là do biến hóa mà làm tâm ông bị huyễn hoặc đấy. Nay ông nên trở về nhà để tự vui thú với năm thứ dục lạc. Sa-môn Cù-đàm lừa dối ông. Ông nay đã làm chuyện hư vọng, đâu phải thực sự là một Tỳ-kheo. Sa-môn Cồ-đàm thường dùng thuật ấy để dối lừa mê hoặc nhiều người khiến họ xuất gia, như nay đã lừa dối ông vậy.

Tỳ-kheo Tuyển Trạch, vì đã thực chứng chánh pháp nên liền biết đấy là việc ma làm, bèn nói với kẻ ác rằng:

–Ông cũng biến hóa, tôi cũng biến hóa, chị Diệu Sắc này cũng đều là biến hóa. Phật thường thuyết giảng các pháp đều là không, như huyễn hóa cả.

Lúc bấy giờ, nàng Diệu Sắc được nghe pháp xong, liền đối với các pháp đã thấy được và xa lánh tính chất cấu uế bụi bặm, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh, dứt trừ mọi mối nghi hoặc nên không nghe theo lời kẻ kia, và ở trong pháp Phật được diệu lực Vô úy, bèn nói với Tuyển Trạch:

–Việc ông làm là hết sức tốt đẹp. Đã có thể ở nơi pháp Phật vui thích tu tập phạm hạnh. Tôi nay cũng ở nơi pháp xin xuất gia học đạo.

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Nếu người phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề thì phải nên xa lìa bốn pháp. Những gì là bốn pháp nên lìa? Xa lìa bè đảng xấu ác, các hàng tri thức xấu ác và hành bất thiện. Đó là lúc mới phát tâm, chỗ nên lìa bỏ vậy.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu người phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề, phải nên xa lìa đối với sự tham đắm hình tướng nữ nhân, không nên cùng với nữ nhân chung nơi chung chuyện. Đó là pháp thứ hai phải nên xa lìa.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu người phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề, thì phải nên xa lìa đối với các thứ sách vở luân thuyết của ngoại đạo. Đấy là Lõa Hình luận, Lộc-già-da luận, Mạtgià-lê luận, đều chẳng phải Phật thuyết giảng, không nên gần gũi, nghe nhận, đọc tụng. Đấy là pháp thứ ba nên cần xa lìa.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu người phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề, thì chẳng nên gần gũi các nẻo tà kiến, ác kiến. Đó là pháp thứ tư cần nên xa lìa.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Như Lai không còn thấy có thêm một pháp nào khác nữa mà có thể tạo nên chướng ngại sâu dày cho Phật đạo như bốn pháp này. Vì thế, Bồ-tát phải nên xa lìa.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu muốn mau chóng đạt được đạo quả Vô thượng Bồ-đề, thì phải nên tu tập bốn pháp. Những gì là bốn pháp nên tu tập?

Bồ-tát phải nên theo các bậc Thiện tri thức. Các hàng Thiện tri thức ấy chính là chư Phật. Nếu như các vị Thanh văn có thể khiến cho Bồ-tát an trụ nơi các pháp Ba-la-mật của Pháp tạng thâm diệu, thì đó cũng là bậc Thiện tri thức của Bồ-tát, phải nên gần gũi, kính lễ, cúng dường.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát phải nên thân cận hàng xuất gia, cũng nên gần gũi với các pháp A-lan-nhã, nên xa lìa nữ sắc.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát phải nên thân cận tu tập theo chánh kiến lớn về không, nên xa lìa tà kiến.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu chư Bồ-tát muốn mau đạt được đạo quả Vô thượng Bồ-đề thì phải nên gần gũi bốn pháp như thế.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ thêm ý nghĩa trên nên nói bài kệ:

Xa lìa nơi nữ nhân
Cùng lìa ác tri thức
Cũng rời ngoại đạo luận
Và bao nẻo tà kiến.
Nếu gần gũi nữ nhân
Cùng những ác tri thức
Theo ngoại đạo luận bàn
Tăng trưởng các tà kiến.
Do tà kiến tăng thêm
Nên mau đọa xứ nạn!
Lìa tám nạn khó được
Cũng khó tin Phật pháp.
Nếu người muốn làm ác
Liền tạo nên hạnh ác
Nếu tạo những hạnh ác
Ắt đọa vào nẻo ác.
Vì thế kẻ cầu đạo
Chớ nên gần nữ sắc
Thường phải sinh chán lìa
Xem đấy như chốn uế.
Chớ gần ác tri thức
Khiến lạc nẻo phi pháp
Nếu gần nẻo phi pháp
Khiến người mất mắt tâm.
Như thân cận ngoại đạo
Các luận nghĩa Ni-kiền
Ngôn từ tuy trau chuốt
Nhưng sinh bao lỗi lầm.
Tất lìa mọi nẻo đó
Ắt rời các đường tà
Ta nói bốn pháp ấy
Gốc lưu chuyển sinh tử.
Xa lìa pháp thấp kém
Tập gần hạnh thượng diệu.
Ta vốn siêng tu tập
Hành hóa pháp như thế
Xuất gia tu Phạm hạnh
Gần gũi Thiện tri thức
Chư Phật cùng đệ tử
Khiến ta trụ Phật đạo.
Ta thường tu hạnh không
Không, không cùng Đại không
Tuy hành pháp không ấy
Mà không chấp nơi không.
Nếu pháp cùng chốn đạt
Cả hai chẳng đều không
Đó gọi là chân không
Thế giới thật khó lượng.
Ta vốn vì Phật đạo
Nẻo tu tập các pháp
Pháp ấy rất vi diệu
Trí phàm phu khó kịp
Lúc ta cầu Phật đạo
Mọi chốn nghe kinh pháp
Tâm ý tự suy nghĩ
Chẳng theo người khác nói
Ta tự mình thông tỏ
Mà vì người khác thuyết
Đó là nẻo chánh đạo
Không, vô ngại, tịch diệt
Trong không chẳng có sinh
Cũng chẳng có già, bệnh
Trong không cũng không chết
Đó là tướng thường trụ.
Đó là tướng thật pháp
Chốn đạo tràng thông đạt
Trừ diệt các quân ma
Đạt giác ngộ vô thượng
Mọi pháp ta chứng đắc
Liền vì người diễn nói
Khiến chứng cõi vô thượng
Mà không chốn tướng chuyển
Như muốn đạt Phật đạo
Cùng an tọa đạo tràng
Muốn phá diệt chúng ma
Thường tu pháp không ấy.
Nếu có người muốn chuyển
Pháp luân diệu vô thượng
Độ vô lượng chúng sinh
Nên học pháp không ấy
Muốn trụ mười lực Phật
Cùng bốn Vô sở úy
Tạo tiếng rống Sư tử
Nên tu tập pháp ấy
Muốn có được tiếng tốt
Truyền tụng khắp mười phương
Phải chánh tâm tu tập
Thông tỏ pháp không ấy
Chư Bồ-tát bậc trí
Theo học pháp không ta
Đạt được nẻo giác ngộ
Đó là trí tối thắng.
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Nếu theo học hạnh ta
Cũng sẽ đạt giác ngộ
Như ta nay đã đạt.
Chẳng những hai chúng này
Mới hành pháp không ấy
Mà hết thảy chúng sinh
Cũng học, thành Phật đạo
Ta đem tám nẻo chánh
Tu tập pháp không này
Thông đạt các tướng pháp
Chứng Vô thượng Chánh giác.
Ta siêng tu pháp ấy
Nên được trí vô ngại
Là nẻo chính như Phật
Thường tu tập pháp không
Vì vậy, chư Bồ-tát
Dốc vì lợi muôn loài
Phải nên học pháp ấy
Chính là các pháp không.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát lại có bốn pháp, nhờ đấy mà trải qua nhiều đời nhiều kiếp thân mạng chuyển biến cũng không mất chánh niệm, có thể theo như lời Phật chỉ dạy mà hành hóa, ở trong các pháp có được tâm quyết định; đạt được biện tài vô ngại, biện tài sắc sảo nhanh nhẹn, biện tài sâu xa cùng biện tài không gì hơn; chư Phật đã thấu đạt nên gia hộ thần lực và ở nơi đời sau sẽ dốc sức với việc giữ gìn bảo vệ thành trì chánh pháp. Những gì là bốn pháp ấy? Thường vui thích với việc xuất gia, đời đời tu tập theo pháp xuất gia ấy, vì tất cả chúng sinh nên cầu pháp không biết chán, thuyết pháp không ngại mệt mỏi, thực hiện các pháp Định không nương tựa để dứt trừ sự vướng mắc nơi hình tướng các pháp, luôn siêng năng tu tập pháp Tam-muội Niệm Phật, ở trong các duyên mà không dấy riêng lẻ. Đó là pháp đầu tiên để giữ gìn chánh niệm.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát tự mình cầu Phật đạo cùng giáo hóa chúng sinh khiến họ được an trụ trong ấy, thường vui thích xưng tán thần lực, công đức của chư Phật. Đó là pháp thứ nhì nhằm giữ gìn chánh niệm.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát có khả năng thành tựu pháp Nhẫn Vô Sinh hết mực thâm diệu. Đấy là pháp thứ ba nhằm giữ gìn chánh niệm.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát ngay vào lúc mạng chung, tâm không hề tán loạn, luôn nhớ nghĩ đến chư Phật cùng các pháp thâm diệu, do từ pháp nhẫn thâm sâu ấy mà chánh niệm không bao giờ bị mất. Đấy là bốn pháp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ ý nghĩa ấy nên nói bài kệ:

Bồ-tát luôn cầu pháp
Cũng luôn hành pháp thí
Vì thế ở các pháp
Chánh niệm không hề mất.
Hóa độ vô lượng loài
Khiến trụ nơi Phật đạo
Đời đời thân lưu chuyển
Luôn giữ gìn chánh niệm.
Học hỏi nẻo Phật khen
Pháp không tịch thâm diệu
Vì vậy, Bồ-tát ấy
Mau đạt Nhẫn vô sinh.
Cũng chẳng dấy vô sinh
Vô sinh tức vô sinh
Do được nhẫn diệu ấy
Nên chẳng mất chánh niệm
Bồ-tát bậc trí đó
Mạng chung tâm chẳng loạn
Thường dốc niệm chư Phật
Cùng pháp diệu chư Phật
Người ấy lúc mạng chung
Tâm kia không thoái chuyển
Nên đời đời thân chuyển
Luôn giữ được chánh niệm.
Do đó, nếu có người
Muốn đạt đạo Vô thượng
Nên tu tập hết thảy
Bốn pháp lành như vậy.
Pháp ấy là hơn hết
Chư Phật luôn khen ngợi
Ta nay cũng xưng dương
Các vị phải tu học.
Mọi pháp Như Lai thuyết
Nhằm lợi lạc các vị
Phật vì lợi ích khắp
Chẳng buộc vì ông nói
Nếu quyết cầu trí Phật
Nên tu học đạo ấy
Do tu học đúng nẻo
Theo đấy sinh Phật tuệ
Nếu kẻ còn biếng trễ
Cùng sinh tâm thoái chuyển
Trọn chẳng được Phật đạo
Nên xa lìa nẻo đó.
Nếu người chấp tâm ta
Cùng vướng tưởng chúng sinh
Hoặc nương tựa vào pháp
Chẳng thể chứng Phật đạo.
Nên lìa bỏ tâm ấy
Thường tu học tướng không
Phá mọi chấp về pháp
Cùng chấp trí thâm diệu
Cũng chớ chấp chốn nương
Có nương tức tướng động
Ưa thích các pháp động
Nên mãi bị sinh tử.

 

Phẩm 28: CÁC PHÁP THÂM DIỆU

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Bồ-tát có bốn pháp, nhờ đấy có thể đạt đến tất cả các pháp diệu tối thắng. Những gì là bốn pháp?

  1. Nếu người phát tâm Đại thừa, thấy đạo pháp đang hồi suy diệt, vì muốn cho chánh pháp được trụ thế lâu dài, nên siêng năng tinh tấn cầu pháp không biết mệt mỏi.
  2. Nếu thấy các tháp miếu của Như Lai bị hư hại, thì nên dốc tâm tu bổ sửa sang khiến được tồn tại lâu bền.
  3. Lại vì dốc vui thích chánh pháp mà không tiếc thân mạng.
  4. Nhận thấy bao nỗi khổ của chúng sinh nên dấy tâm Từ bi rộng lớn, cùng thêm tinh tấn thực hiện các hạnh nguyện như vầy: “Đến lúc nào mình sẽ tu tập thành tựu Phật đạo dứt trừ mọi nỗi khổ kia, vì họ mà thuyết giảng chánh pháp.”

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát luôn cầu pháp không biết chán, vì nhằm cầu pháp nên phát tâm sâu rộng lớn lao mà dấy khởi sự mong muốn to tát. Đại Bồ-tát vì cầu trí tuệ lớn với những thần lực và công đức không gì hơn được nên phải diệt trừ tâm kiêu mạn. Đại Bồ-tát thường ở nơi chúng sinh vui thích thực hiện tâm Từ bi, vì chúng sinh mà mong cầu lợi lạc, nên suy nghĩ thế này: “Những chúng sinh đó không có ai là người cứu giúp, chỉ một mình ta nên phải dốc sức.” Đại Bồ-tát vì đã dứt mọi sân hận, nên tu tập thể hiện tâm Từ bi lớn lao. Đại Bồ-tát vì đã dứt mọi ganh ghét đố kỵ, nên đã khiến cho chúng sinh có được niềm vui về chân trí tuệ mà mình đạt được. Đại Bồ-tát vì tâm không còn keo lận, nên luôn đem pháp thí để nhiếp phục chúng sinh. Đại Bồ-tát vì sự bố thí lớn lao ấy, nên có thể dốc hết tâm mình an vui với Phật đạo. Đại Bồ-tát đối với tất cả các pháp, tâm không hề tham đắm. Đại Bồ-tát vì luôn khéo léo trong sự thuyết pháp, nên dung mạo luôn hòa nhã vui vẻ, ngôn ngữ thường vui tươi, nhận thấy bao nỗi khổ của chúng sinh thì càng gia tăng siêng năng tinh tấn tu học. Đại Bồ-tát luôn vui thích với Phật pháp cùng an lạc trong pháp Phật. Đại Bồ-tát vì đạt pháp vô sở úy, nên ở trong đại chúng tạo được tiếng rống của Sư tử. Đại Bồ-tát vì đã dứt hết mọi kinh sợ nên luôn an trụ trong Phật pháp. Đại Bồ-tát luôn siêng năng tinh tấn trong sự hành hóa, nên có thể tập hợp được mọi căn lành và vun đắp chúng. Đại Bồ-tát ở nơi các cõi nước thành ấp thôn xóm không hề tạo sự dính líu vướng mắc. Đại Bồ-tát luôn siêng năng trong giáo hóa hết thảy chúng sinh trong mười phương thế giới. Đại Bồ-tát luôn là hạng người thông minh, căn trí hơn người, thông tỏ hết thảy các pháp. Đại Bồ-tát cầu ý nghĩa chân thật, nên luôn tư duy như thật về tất cả các pháp. Đại Bồ-tát đối với các pháp Phật luôn mong đạt được diệu nghĩa chân thật, là nhằm để đạt đến sự giác ngộ vô thượng. Đại Bồ-tát do đạt được giác ngộ nên khéo biết được hoàn cảnh thuận tiện để giáo hóa chúng sinh.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát có thể theo đúng chánh pháp để diệt trừ các luận thuyết của ngoại đạo. Đại Bồ-tát đối với tất cả các pháp, luôn là người có được sự quyết định về ý nghĩa của chúng. Đại Bồ-tát luôn thể hiện được chân tính của Phật pháp. Đại Bồ-tát vì là phước điền của Pháp bảo, nên luôn đem lại sự sống cho Pháp bảo. Đại Bồ-tát ví như biển lớn, luôn nhận lấy tất cả các pháp không bao giờ cho là đủ. Đại Bồ-tát như núi Thiết vi, có khả năng ngăn chận làn gió tạo nên bao thứ phiền não cho vô lượng, vô số chúng sinh. Đại Bồ-tát như nước nơi biển rộng, luôn diễn nói thuyết giảng các pháp vô tận. Đại Bồ-tát do tâm luôn được tịnh diệu, nên luôn bao la như hư không. Đại Bồ-tát vì đã chứng đắc tính chất vô tận của các pháp nên cùng hòa hợp với hư không. Đại Bồ-tát như núi Tudi nên luôn tích chứa các pháp lành. Đại Bồ-tát ví như đại địa, luôn nhận lấy bao sự yêu ghét đủ nẻo. Đại Bồ-tát ví như ruộng tốt, nên gieo trồng các căn lành không hề bị mất mát. Đại Bồ-tát ví như mặt trời dũng mãnh nên có thể đem lại cho muôn loài ánh hào quang chánh pháp sáng chói. Đại Bồ-tát cũng giống như mặt trăng trong lành, luôn xua tan mọi nẻo tăm tối. Đại Bồ-tát ví như chiếc lọng dày kín, có thể ngăn chận mọi nẻo dâm dục giận dữ si mê cùng bao lửa phiền não của chúng sinh. Đại Bồ-tát cũng như đám mây dày che phủ, vì mọi chúng sinh mà đem lại sự an ổn cho họ. Đại Bồ-tát giống như cây lớn, có khả năng làm chỗ quay về cho mọi chúng sinh. Đại Bồ-tát có thể vì thế gian mà làm người hóa độ, làm nơi chốn khiến cho mọi chúng sinh quay về, làm chỗ nương tựa cho họ, cùng trao cho họ pháp vô úy. Đại Bồ-tát là bậc thầy trong thế gian, nên đối với mọi nghề nghiệp kỹ xảo thảy đều thông tỏ. Đại Bồ-tát vì lợi ích của chúng sinh, nên có thể đem lại cho đời nay đời sau sự an lạc của Niết-bàn. Do vậy mà đối với Đại Bồ-tát, hết thảy chúng sinh đều nên kính lễ.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu như các chúng sinh có thể biết được Bồ-tát đã vì họ mà làm những việc khó làm khổ nhọc như thế, đã vì nhân duyên mong có được an lạc mà đảm nhận những sự việc quan trọng như ta đã biết, thì hết thảy chúng sinh đều nên hết sức kính trọng ghi ân. Từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành tựu quả vị Phật-đà, trong khoảng thời gian ấy, tất cả chư Thiên và người trong thế gian với đầy đủ mọi thứ an vui hiện có, đều đem cúng dường, luôn bày tỏ sự cung kính hết mực. Lại nữa, đối với Bồ-tát ấy, thời gian hướng đến đạo tràng, nên dùng các loại y phục quý giá, hoặc loại Thiên y cùng các loại hoa sen tươi tốt bày ra thành tòa cao lên tới đỉnh đầu để cúng dường. Hoặc dùng các thứ Thiên y quý báu mà làm dù lọng, hiên che nhằm ngăn chận gió và ánh sáng mặt trời. Vị Bồ-tát ấy đã thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì đem các thứ hương, hoa, cờ phướn, các loại kỹ nhạc để cúng dường, cũng có thể tự thân lo liệu đảm nhận mọi công việc cúng dường, hầu cận. Những chúng sinh đó tôn kính cúng dường như vậy, cũng chưa có thể báo đáp hết được ân đức của Bồ-tát. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát, đã vì việc đem lại cho chúng sinh các pháp vô lậu tịnh diệu, sự an lạc của đạo pháp vô thượng, mà tạo nên được sự trang nghiêm lớn lao.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đem sự an lạc của thế gian mà so sánh với điều ấy, thì trong trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn phần, sự an lạc của thế gian hãy còn chẳng được lấy một. Thậm chí dùng thí dụ cũng không thể diễn tả hết được. Vì sao? Vì mọi thứ an lạc mà chúng sinh cúng dường cho Bồ-tát đều là các pháp thế gian hữu lậu, hư dối, vô thường biến đổi. Còn những an lạc mà Bồ-tát đem lại cho chúng sinh đều là các pháp xuất thế gian vô lậu, chân thật, là những an lạc dứt sạch mọi thứ phiền não nung đốt, những an lạc thường hằng, rốt ráo, không bến bờ, không hạng lượng. Vì vậy, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nên biết là chúng sinh dù đem hết thảy mọi thứ an lạc để cúng dường Bồ-tát, cũng không thể báo đáp đủ.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát đối với những kẻ chìm đắm trong sự ngủ nghỉ thì làm cho họ thức tỉnh giác ngộ. Đối với kẻ buông lung thì làm cho họ trở nên siêng năng tinh tấn. Đối với kẻ mê cuồng thì giúp họ tu tập chánh niệm. Đối với kẻ tăm tối thì luôn vì họ mà làm ánh sáng mặt trời. Đối với kẻ bệnh tật ốm yếu thì làm bậc đại lương y. Đối với kẻ lạc vào nẻo tà kiến thì chỉ cho họ thấy chánh đạo. Đối với những chúng sinh chưa phát khởi các pháp lành thì giúp cho họ dấy khởi pháp lành. Đối với hạng chúng sinh chưa tăng trưởng các pháp lành thì giúp họ tăng trưởng.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Cần ghi nhận lời quan trọng này: “Rõ ràng là không một người nào khác có thể vì chúng sinh làm chỗ cho họ quy ngưỡng, làm người cứu độ họ, đem họ đến với đạo giải thoát rốt ráo. Chỉ có chư Phật mới làm được những điều ấy. Mà các pháp của chư Phật, các pháp của Như Lai, các pháp an nhiên tự tại ấy chẳng phải từ một ai sinh ra, tất cả đều được sinh ra từ nhân của Bồtát đạo.”

 

Phẩm 29: NÓI VỀ SỰ NGHỊCH, THUẬN

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Thật là điều hy hữu! Bồ-tát ấy thật là hết sức vi diệu, sâu xa, có thể đem lại sự thanh tịnh trang nghiêm cho chính mình mà cũng đem lại sự thanh tịnh cho chúng sinh. Ví như, bạch Thế Tôn! Nơi cõi trời Đao-lợi, tại cây Ba-lợi-chất-đa-câu-tỳ-la, hoa nở rộ không chỉ đem lại vẻ tươi đẹp cho chính nó, mà còn tăng thêm vẻ tươi vui, trang nghiêm cho chư Thiên cõi Đao-lợi. Đại Bồ-tát cũng như vậy, đạt được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đầy đủ các pháp Phật, đã tự đem lại sự nghiêm tịnh cho chính mình, lại cũng vì vô lượng chúng sinh làm chốn quy ngưỡng cho họ, thành tựu Thanh văn thừa, đều đạt được các pháp tự tại về căn lực, giác đạo, thiền định, Tam-muội Bối xả để tạo được an lạc cho mình. Cũng giống như cây Ba-lợi-chất-đa-câu-tỳ-la với hoa nở rộ đem lại niềm vui thích cho chư Thiên cõi trời Đao-lợi.

Kính bạch Thế Tôn! Không có người trí nào mà không nương theo thừa ấy để tu tập. Chỉ vì chúng con vốn dĩ biếng trễ, tin theo lời kẻ khác, ở nơi chỗ pháp được nghe sinh tâm an lạc, bèn cho là đã đạt được an lạc. Hôm nay mới rõ là mình không có được đạo lực có thể khiến cho một người đứng vững trong đạo ấy.

Kính bạch Thế Tôn! Con từ nay trở đi, nếu có thuyết pháp thì trước hết nên khai diễn Bồ-tát thừa đó, sau đấy mới nói về các pháp Thanh văn. Vì sao? Vì là con làm như thế, nhằm để báo đáp ân Phật, ở chỗ là đã khiến cho ít nhất là một người, phát tâm Vô thượng Bồđề, mau đạt đến Chánh giác.

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Lành thay! Lành thay! Tôn giả nay mới có thể phát tâm như thế, nhằm thuyết giảng pháp lớn giáo hóa Bồ-tát. Vì sao? Vì ở đời vị lai sẽ có nhiều kẻ khinh thường đối với pháp Đại thừa ấy, như thế là các kinh ít người tin thọ.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Ở vào đời bấy giờ, nếu kẻ thiện nam, thiện nữ, là người cầu pháp lành, sẽ tự mình chánh niệm, nương theo nghĩa theo pháp, chớ nên tin ở chúng hội. Vì sao? Vì chúng hội thời bấy giờ chẳng phải là những người hành đạo. Chúng Thanh văn của ta, là những người tu tập, hành đạo, chẳng hề coi thường Bồ-tát cũng như hủy hoại các pháp Đại thừa, huống hồ là đối với các kinh pháp do Phật thuyết giảng hết sức thâm diệu như thế mà tạo sự trái nghịch. Vì sao? Vì nếu sinh tâm trái nghịch thì chẳng phải là kẻ đang trên đường hành đạo. Chẳng phải là kẻ hành đạo thì đó là hành động của hàng phàm phu không phải kẻ trí.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Vì thế mà phải nên học hỏi theo nẻo hành hóa của kẻ trí, lìa bỏ nẻo đường phàm phu. Nếu có vị Tỳ-kheo thờ ta làm thầy thì nên hành hóa theo con đường ấy.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Trong đời vị lai, những người cầu Phật đạo, thâm tín dốc hết sức tinh tấn, nhất tâm biết hổ thẹn, vui cầu pháp lành, hay bị chỗ coi thường, phá hoại của những kẻ khác, chúng nói như thế này: “Đó là kẻ biếng nhát không có sức mạnh của các phương tiện, không thể ở đời hiện tại đắc quả Sa-môn, vì muốn hưởng thụ năm thứ dục lạc mà làm bậc Quốc vương. Các pháp môn hiện hành tự cho là Bồ-tát, lại thọ nhận sự cúng dường, khen ngợi của người khác! Trong các kinh pháp Đại thừa Đức Phật không nói hạng người ấy là hành giả!”

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Hãy xem kẻ ngu ấy, chỉ đem một duyên nhỏ nhặt mà hủy báng ta. Ta nói người cầu đạo thâm tín kia là kẻ hành đạo chân chánh, thì kẻ ngu đó cho là chẳng phải. Hoặc như Như Lai nói về hành giả tối thắng là người đạt được giải thoát thù thắng, thì kẻ ngu đó cho là chẳng phải hành giả, chẳng phải là người đạt được giải thoát.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Lúc ấy, nếu có kẻ bạch y làm đệ tử kẻ kia tin thọ vào lời gã ta nói, trông thấy chư Bồ-tát, Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni, Ưu-bà-sắc, Ưu-bà-di đọc tụng, tin tưởng tu tập các kinh như thế thì sinh tâm oán hại!

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Hãy xem kẻ ngu đó nào có trì giới! Trong kinh ta nói, nếu trông thấy cây cao hình tướng giống như con người, hãy còn không nên giận dữ, huống hồ là có người biết được.

Người ác như thế là luôn mang lòng giận dữ, phiền não.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Tôn giả hãy xem thời kẻ ấy, cuộc đời có biết bao điên đảo: Pháp thì cho là phi pháp, phi pháp thì cho là pháp. Thiện thì cho là chẳng thiện, chẳng thiện thì cho là thiện. Đối với hành giả thì dấy tưởng chẳng phải hành giả; chẳng phải hành giả thì dấy tưởng cho là hành giả. Đối với người đạt giải thoát thì sinh trưởng cho là chẳng giải thoát; chẳng phải đạt được giải thoát thì dấy tưởng cho là đạt được giải thoát! Nên biết rằng, kẻ ấy chẳng phải là người hành đạo, chẳng phải là người giải thoát; đã chẳng biết pháp cũng chẳng biết điều thiện; chẳng có thể thuận theo đúng giáo pháp của Phật chỉ dạy. Người ngu như vậy là đã bị sân hận che lấp; bị tham lam, keo kiệt, đố kỵ, kiêu mạng phủ ngăn; tự khen ngợi mình, kiêu căng, cao ngạo, coi thường người khác, luôn bị sự thiêu đốt, bức hại của tham lam sân hận ngu si; lún sâu vào các nẻo ác, lìa bỏ các pháp lành.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu ta nói đầy đủ về lỗi lầm của kẻ ấy thì tất nhiên là sẽ tiếp tục tăng thêm các nghiệp tạo ra tội lỗi chẳng thể cứu được. Người ngu si như vậy thì phải nên xa lìa giống như phải tránh loài trâu bò dữ.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Như Lai là thầy của người biết hổ thẹn chứ không phải thầy của kẻ không biết hổ thẹn; là thầy của người tin tưởng, thọ nhận chứ không phải thầy của kẻ không biết tin tưởng; là thầy của người biết thuận theo chánh pháp chứ không phải thầy của kẻ hủy hoại chánh pháp; là thầy của người hành hóa tinh tấn chứ không phải thầy của kẻ biếng nhác bê trễ; là thầy của người biết nhiếp phục các niệm chứ không phải thầy của kẻ bị tán loạn; là thầy của người có trí tuệ chứ không phải thầy của kẻ ngu si.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Kẻ ngu si ấy chẳng phải là đệ tử của ta, ta cũng chẳng phải là thầy của kẻ ấy. Tôn giả hãy xem người đó như thế nào đối với Phật thừa, đối với chánh trí của Như Lai cũng như nơi chốn tu học trong sự gắn bó lâu xa với Như Lai. Vì đã gắn bó trong sự tu học thì thông tỏ trí tuệ lớn lao, thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề liền đem pháp ấy vì chư Bồ-tát mà thuyết giảng. Và suy nghĩ rằng: “Nếu có Bồ-tát theo học pháp này tu tập theo trí tuệ Phật, mới có thể đạt được đạo quả Vô thượng Bồ-đề cứu vớt chúng sinh, khiến họ thoát khỏi sinh tử và làm cho Phật chủng luôn được tiếp nối. Như Lai cũng tự tôn kính pháp ấy. Thế mà kẻ ngu si thì coi thường chẳng tin. Thật là điều bất thiện tột bậc trong mọi điều bất thiện! Không còn gì tệ hơn!”

Vì thế, đối với các vị nên dựa vào pháp mà hành hóa, chớ dựa nơi người. Nên tự y chỉ nơi chính mình chớ nương nhờ kẻ khác.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đó chính là giáo pháp của Như Lai. Các vị Tỳ-kheo làm thế nào để chỉ nương theo pháp mà hành hóa chứ không dựa nơi người, nên tự y chỉ nơi chính mình chứ không nhờ ở kẻ khác?

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Các vị Tỳ-kheo tùy trường hợp mà lìa hay thuận để tu tập bốn Niệm xứ nhằm đạt đến Niết-bàn. Thế nào gọi là Niệm xứ? Đối với sự thọ nhận của thân, tâm luôn nhớ nghĩ không rời bỏ.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Có được tri kiến như thật về các pháp là không có tự tánh, đối với pháp ấy luôn đạt được chánh niệm dứt mọi sai lầm, đó là Niệm xứ. Đấy là việc Tỳ-kheo nương theo pháp mà hành hóa, không nương theo người, luôn tự y chỉ nơi chính mình chứ không dựa vào kẻ khác.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu như có thể tu tập các pháp Niệm xứ như vậy thời tất dứt trừ được sự tham đắm, vướng mắc. Đó là bậc A-la-hán, là người dứt sạch các lậu, là người diệt hết phiền não, là kẻ làm phước điền cho đời, là người đạt được tự tại, là kẻ không còn bị ô nhiễm, là kẻ có trí tuệ, là người đạt tới bờ giải thoát, là bậc thầy dẫn đường, là hàng Bà-la-môn phạm hạnh.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bậc A-la-hán ấy, luôn xa lìa nơi tất cả các pháp ác, bất thiện, không ham thích các pháp hữu vi, luôn dứt trừ các nghiệp không cho chúng dấy khởi trở lại.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu cho rằng A-la-hán còn dấy khởi các nghiệp tạo phước tội thì hoàn toàn không đúng. Vì sao? Vì đã lìa bỏ ba thứ mong cầu, chuyển đổi chín thứ kết sử nên đối với tất cả các pháp tâm không còn tham đắm, vướng mắc, dứt sạch mọi tham ái, ra khỏi nẻo sinh tử trong ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc, không còn bị phiền não quấy nhiễu nung đốt, tâm tịnh như hư không. Đó là A-la-hán.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Gọi là người dứt sạch các lậu, tức là đối với các pháp không còn sót chút lậu nào, đạt tới sự rốt ráo hoàn toàn. Là ngưới không bị phiền não trói buộc, tức là tâm của các bậc A-la-hán bản lai luôn như hư không, không uế không tịnh. Là kẻ không còn bị nhiễm ô, tức là đối với sáu trần, hoặc ưa hoặc ghét hoặc chê hoặc khen tâm không chút đổi khác nên luôn dứt sạch mọi thứ hý luận. Là người làm phước điền cho đời, tức là đã đoạn hết mọi sự nung đốt của phiền não, nên có thể đem lại cho mọi loài pháp thí thanh tịnh bậc nhất. Gọi là người đạt được tự tại, tức là nhận biết tất cả các pháp là không, không thực có, ở trong pháp không ấy đạt tới bờ giải thoát, nên lìa mọi lý luận hư vọng. Gọi là hàng Bà-la-môn tự tại, tức là ngăn chận được mọi pháp ác, xa lìa hết thảy các pháp nên không còn bị cấu nhiễm. Là bậc thầy dẫn đường, tức là có thể vì người mà thuyết giảng về chỗ bậc thầy dẫn dắt chúng sinh vượt qua sinh tử. Gọi là kẻ có trí tuệ tức là người ấy có khả năng thông tỏ về mọi nghiệp duyên quả báo trong ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc đều từ sự phân biệt hư vọng mà dấy khởi, nên ở trong ấy đã đạt được giải thoát. Gọi là người đã đạt đến bờ giải thoát, tức là có thể phá trừ các ma cùng mọi nẻo trói buộc, có thể đạt đến bờ kia của hết thảy các pháp, đã ra khỏi chốn bùn lầy sinh tử, an trụ nơi đất lành, vì vậy nên được gọi là người đạt đến bờ giải thoát.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Như Lai có thể theo chỗ phước đức hiện có của bậc A-la-hán dứt sạch các lậu để nói về tính chất không tăng giảm. Các vị A-la-hán là phước điều lớn, không có cấu uế, xấu ác, cũng không phải là việc gieo trồng các thứ cây tạp nhạp cùng đầy những thứ sỏi đá.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Các bậc A-la-hán dứt sạch các lậu, nếu bị người hủy báng cũng không dấy niệm: “Người đó mắng mỏ tôi!” Nếu được người khen ngợi thì cũng không dấy niệm: “Người đó ngợi khen tôi!” Luôn dứt mọi niệm phân biệt. Cũng không còn chỗ nghi hoặc, lại khéo nhiếp phục sáu căn, an trụ nơi địa Bất thoái, nương nơi pháp mà hành hóa chẳng dựa nơi người, có thể tự y chỉ nơi chính mình không nhờ cậy kẻ khác.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Do vậy mà hành giả như thế là trọn không trái nghịch với con đường giác ngộ của chư Phật, cũng trọn đời không dấy nghiệp chẳng phải là kẻ hành đạo giác ngộ. Như vậy là cũng không bị các người tu phạm hạnh chê trách, cũng là dốc sức ủng hộ nẻo giác ngộ của chư Phật khiến trụ thế được lâu dài.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bậc A-la-hán ấy đối với các pháp tâm không còn nghi hoặc, mọi tạo tác đều hoàn thành và an trụ trong chánh đạo.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Bậc A-la-hán trọn không trái nghịch, luôn an trụ trong Phật pháp. Vì sao? Vì, nếu làm việc trái nghịch thì đó là nẻo hành động của hàng phàm phu chứ không phải là con đường tu tập của A-la-hán.

Đức Phật nói:

–Đúng như vậy! Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Kẻ trái nghịch chánh pháp, là nẻo hành động của hàng phàm phu chứ không phải sự nghiệp của kẻ trí. Như Lai chỉ vì, về đời vị lai, có các vị Tỳ-kheo tuổi tác cao, có nhiều hiểu biết, tâm có được sự an trụ tạm thời, ở một mình xa lìa đại chúng, không tiếp xúc với nữ sắc, bèn tự cho rằng ta là A-la-hán, sinh tâm cao ngạo. Thời bấy giờ, chúng nhân nhiều người có lòng tin, bảo rằng đấy là A-la-hán nên cung kính cúng dường. Kẻ ngu si ấy cũng tham danh lợi nên thọ nhận mọi sự cúng dường, tự cho là mình có được pháp A-la-hán không dấy khởi các kết sử. Kẻ ấy thật chẳng rõ các pháp không phân biệt lại vui thích dấy sự phân biệt, lấy một sự dừng dứt nhỏ đối với các kết sử bèn cho là đắc đạo. Nếu đi vào các thôn xóm thì còn giữ gìn các pháp về oai nghi, còn ở nơi riêng lẻ một mình thì lại phóng túng buông thả, ở chỗ chúng hội cũng khác. Người ấy thích nuôi nhiều đệ tử có nhiều hiểu biết. Nhiều khi còn được các bậc quốc vương, đại thần cúng dường lớn lao, danh tiếng vang khắp được nhiều người yêu quý kính trọng. Các kết sử thật đã đầy dẫy mà tự cho là đã dứt sạch hết. Nếu được nghe các kinh điển nói về không, về sự tương hợp của các pháp hết sức thâm diệu như thế! Ta vốn ưa thích các đệ tử yêu kính nghe nhận mong được thông tỏ diệu nghĩa, đem tâm tôn kính để tu tập các pháp ấy, thế mà kẻ ngu si kia thì chẳng chịu tín thọ, lại chỉ muốn mang sự trái nghịch để bảo rằng: “Đấy chẳng phải là lời Phật nói, chẳng phải là giáo pháp của bậc Đại sư, chẳng phải chánh pháp, chẳng phải điều thiện.” Kẻ ấy ở nơi pháp thì dấy tưởng cho là phi pháp; ở trong phi pháp thì lại dấy tưởng cho là pháp; ở trong pháp bất thiện thì sinh tưởng cho là thiện; ở trong pháp thiện thì lại dấy tưởng cho là chẳng thiện.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Những kẻ ngu si ấy, theo chỗ các pháp mình cho là đạt được để tự khen ngợi, theo chỗ các pháp mình cho là không đạt được để chê bai khinh thị, tự đại kiêu căng coi thường kẻ khác.

Kẻ ngu si ấy như thế là chỉ có trì giới, nhiếp phục các niệm ở một chốn, dần dần điều phục tâm ác để được đọc tụng nghe rộng, nuôi nhiều đệ tử, được nhiều người tôn kính khen ngợi lễ bái nên sinh tâm kiêu mạn, ngã mạn cho mình là hơn hết. Đối với việc được nghe các kinh thâm diệu như thế thì đã dấy khởi nghiệp tạo nên tội nặng. Kẻ ngu si ấy đã không tự biết là mình có tội ấy, lại càng tăng thêm cái tâm ngạo mạn ngu si làm trái nghịch lại kinh kia, dấy lên tội nặng nên bị đọa vào các địa ngục lớn.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10