KINH PHẬT THUYẾT HOA THỦ

QUYỂN 2

Phẩm 6: NÓI VỀ NIỆM XỨ

Đức Phật bảo Bồ-tát Bạt-đà-bà-la:

–Bấy giờ những người thiện ở đời nên suy nghĩ như thế này: “Chúng ta sẽ tự nương theo bốn Niệm xứ.” Bốn Niệm xứ ấy đối với Thánh pháp, có thể xem tất cả các pháp đều là niệm xứ. Vì sao? Vì tất cả các pháp tự tánh của chúng là thường trụ, không gì có thể hủy hoại được. Đó là cửa niệm xứ, là cửa an trụ của các pháp, là cửa bắt đầu hội nhập với pháp, là cửa gồm tám con đường của bậc Thánh, là cửa của ba nẻo giải thoát. Nẻo giải thoát ấy là dùng pháp bất nhị để xa lìa nhị biên, đạt đến cảnh giới giải thoát của bậc Thánh. Pháp bất nhị đó là không chốn có. Đã không chốn có tức là vô tận. Đây chính là chánh kiến, xa lìa nhị biên. Biên là tự không, không có chân thật.

Này Bồ-tát Bạt-đà-bà-la! Bồ-tát nên biết rằng, Như Lai không dùng tới cái tri kiến về biên để đạt được sự lìa biên, mà vốn không có biên, cho nên mới gọi là lìa biên. Chư Phật Thế Tôn luôn lìa hết thảy các pháp. Chỗ lãnh hội của kẻ trí không như hàng phàm phu.

Này Bồ-tát Bạt-đà-bà-la! Cầu tìm chân tướng của các pháp thực chất là bất khả đắc, vì thế nên gọi là lìa. Pháp ấy là hư vọng, không được không mất.

Này Bồ-tát Bạt-đà-bà-la! Diệu nghĩa chính là ở đấy. Ngày trước, từng có vị trời đến hỏi ta rằng: “Sa-môn vui vẻ chăng?” Ta liền đáp: “Ta có được việc gì mà vui vẻ?” Lại hỏi: “Lo buồn chăng?” Ta lại đáp: “Vì mất việc gì mà phải lo buồn?” Lại hỏi: “Chẳng vui chẳng buồn chăng?” Đáp: “Đúng như vậy!”. Vị trời ấy nói: “Lành thay! Chẳng vui chẳng buồn!” Ta bèn hỏi vị trời: “Ông lãnh hội được ý gì nơi tôi?” Vị trời ấy đáp: “Tôi cho rằng Sa-môn an xứ tịch diệt.”

Này Bồ-tát Bạt-đà-bà-la! Bồ-tát hãy xem vị trời ấy đã mau chóng thấu đạt pháp của ta! Vị trời thời xa xưa ấy, hiện nay ở trong chúng hội này đã thông tỏ hết thảy các pháp bản tánh vốn tịch diệt. Nên biết rằng, vị trời ấy từ xưa đã từng cúng dường năm trăm vị Phật, do vậy mà đối với pháp của ta đã mau chóng thông đạt. Vì thế Phật thường nói: Không vun trồng căn lành, căn lành chưa thuần thục thì đối với các pháp của hàng Thanh văn hãy còn chưa thể lý giải, huống hồ nơi pháp của ta lại có thể mau chóng thông đạt được?

Này Bồ-tát Bạt-đà-bà-la! Nếu được nghe pháp ấy mà có thể mau chóng thông hiểu thì công đức đó ít nhất cũng như ở nơi ngàn vị Phật mà vun đắp gốc các điều lành. Vì sao? Vì căn lành vốn rất là rộng lớn, cho đến có thể thông đạt được trí tuệ thâm diệu.

Bấy giờ Bồ-tát Bạt-đà-bà-la cùng với các vị Bồ-tát như Bồ-tát Bảo Tích, Bồ-tát Đạo Sư, Bồ-tát Tinh Đắc, Bồ-tát Na-la-đạt, Bồ-tát Đế Thiên, Bồ-tát Thủy Thiên, Bồ-tát Thiện Lực, Bồ-tát Đại Ý, Bồ-tát Ích Ý, Bồ-tát Tăng Ý, Bồ-tát Bất Hư Kiến, Bồ-tát Thiện Trụ Ý, Bồtát Quá Lực, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Bồ-tát Bất Hưu Tức, Bồ-tát Nhật Tạng… có tới năm trăm vị Bồ-tát, mỗi vị đều dùng những đóa hoa tung lên cúng dường Đức Phật và thưa rằng:

–Kính bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh cầu tìm những kinh ấy và đều được nghe thì nên khiến họ có được sự không thoái chuyển đối với con đường giác ngộ của Phật, Bồ-tát. Lại nhờ nhân duyên ấy nên khiến cho chư Phật hiện tại trong mười phương được cung thỉnh trụ thế lâu dài cùng thuyết pháp nhằm đem lại cho chúng sinh đầy đủ các pháp trợ giúp sự giác ngộ.

Lúc này Đức Phật hỏi Bồ-tát Bạt-đà-bà-la:

–Chúng sinh đối với Bồ-tát thì có được những lợi ích gì mà có thể vì đấy để phát đại nguyện kia, cũng như cung thỉnh Phật trụ thế lâu dài để thuyết pháp, khiến cho chúng sinh có đầy đủ các pháp trợ giúp con đường giác ngộ?

Bồ-tát Bạt-đà-bà-la đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Chẳng phải do chúng sinh làm tổn giảm

hay tăng ích cho con mà còn phát nguyện về sự trang nghiêm. Con không suy nghĩ như thế này: “Do những chúng sinh ấy đem lại lợi ích cho ta, nên khiến Phật pháp được thường trụ. Còn như đem đến những tổn giảm cho ta thì chẳng khiến cho Phật pháp được thường trụ.” Các vị Bồ-tát khác cũng không có sự phân biệt như thế trong việc phát nguyện trang nghiêm. Ví như Đức Thế Tôn, hồi ở nơi cây Ba-lê-chất-đa Câu-ni-la, hoa lá tươi tốt, chư Thiên ở cõi trời Đao-lợi trông thấy cảnh cây sum suê ấy, tâm hết mực hoan hỷ, thường ở nơi bóng mát cây đó mà cùng nhau vui với năm thứ vui thú.

Kính bạch Thế Tôn! Chư Thiên cõi trời Đao-lợi ở nơi cây Thụ vương ấy có những tổn giảm hay tăng ích gì mà khiến cho họ sinh tâm yêu mến, vui thích, thường đi đến nơi cây đó để cùng vui? Chỉ vì trông thấy cây ấy là liền có được sự hỷ lạc, không gì có thể sánh kịp. Chư Bồ-tát cũng vậy, chẳng do chúng sinh có lợi ích hay bị tổn giảm mà Bồ-tát mới phát tâm trang nghiêm. Bồ-tát chỉ tâm niệm rằng: “Đến lúc nào thì mình có được đầy đủ trí tuệ như Phật, làm chỗ quy ngưỡng cho vô lượng chúng sinh trong mười phương thế giới, như cây Thiên thụ kia, hoa đó nở rộ làm chỗ vui thích của chư Thiên vậy. Sẽ khiến cho chúng sinh lấy năm căn của Phật làm pháp hoan hỷ để tự an vui, như cây Thụ vương kia đã khiến chư Thiên đến nơi bóng mát mà cùng vui với năm thứ an lạc.”

Lại nữa, kính bạch Thế Tôn! Nếu lìa chúng sinh mà phát nguyện trang nghiêm thì chẳng có được chúng sinh, giống như do lìa bỏ ta mà phát nguyện trang nghiêm thì cũng chẳng có được ta vậy. Do lìa bỏ pháp mà phát nguyện trang nghiêm thì chẳng có được các pháp. Lìa bỏ ấm mà phát nguyện trang nghiêm thì chẳng thể có được các ấm. Lìa bỏ giới mà phát nguyện trang nghiêm thì chẳng có được các giới. Lìa bỏ nhập mà phát nguyện trang nghiêm thì chẳng có được các nhập.

Kính bạch Thế Tôn! Trong sự trang nghiêm ấy không có các quả, là do sự trang nghiêm luôn xa lìa hết thảy. Do từ quả không ấy nên đối với các pháp, không lấy không bỏ, để từ đấy mà phát nguyện trang nghiêm.

Kính bạch Thế Tôn! Tướng trang nghiêm như thế là bất khả

đắc. Xứ trang nghiêm đó cũng như chốn làm nên sự trang nghiêm đều là bất khả đắc.

Kính bạch Thế Tôn! Nếu có chỗ được ấy, thì đó là được cái ngã. Do vậy mà Bồ-tát không tham, không nhận, dù là ngã hay vô ngã. Nếu nhận vô ngã thì đó là ngã rồi. Còn nếu không gọi là vô ngã thì cũng không có nơi chốn để thọ nhận.

Kính Thế Tôn! Theo ý nghĩa như thế thì đó là sự trang nghiêm lớn lao xuất hiện ở thế gian. Trong sự trang nghiêm ấy không còn tướng đây kia.

Đức Phật bảo Bồ-tát Bạt-đà-bà-la:

–Sự trang nghiêm như thế xét ra có lợi ích thế nào?

Bồ-tát Bạt-đà-bà-la đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Con phát nguyện trang nghiêm không còn thấy có hạng phàm phu và người tu học đạo pháp. Đối với con là xa, nhưng đối với Phật pháp là gần. Con cũng không còn thấy các pháp Phật ấy là pháp Phật như thế.

Kính bạch Thế Tôn! Con phát nguyện trang nghiêm ấy thì ở trong đó không còn thấy có lợi ích hay bị tổn giảm. Trang nghiêm như vậy và đem cái hình tướng ấy mà xuất hiện nơi thế gian.

Bấy giờ, các vị Bồ-tát đã tung hoa cúng dường Phật liền hiện diệu lực thần thông đi đến khắp mười phương để cúng dường chư Phật, giáo hóa chúng sinh, khiến họ luôn vững trong Phật pháp.

 

Phẩm 7: BỒ-TÁT PHÁT TÂM TỨC CHUYỂN PHÁP LUÂN

Bấy giờ, ở phương Đông, cách xa thế giới này, trải qua vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ quốc độ có thế giới tên là Tướng đức tụ, Đức Phật ở thế giới ấy hiệu là Vô Tướng Âm, hiện đang thuyết pháp, đã vì Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân thọ ký đạo Vô thượng Bồ-đề và nói rằng: “Vị Bồ-tát này nối tiếp sau ta sẽ đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Lúc này, Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân trông thấy

ánh hào quang lớn cùng âm thanh vang động, liền thưa với Đức Phật Vô Tướng Âm rằng:

–Kính bạch Thế Tôn! Ánh hào quang và âm thanh ấy là của Đức Phật nào tạo ra?

Phật Vô Tướng Âm nói:

–Về phương Tây cách xa cõi này trải qua vô lượng a-tăng-kỳ quốc độ, có thế giới tên là Ta-bà, Đức Phật ở thế giới ấy hiệu là Thích-ca Mâu-ni, là vị Phật đã phóng hào quang cùng âm thanh ấy. Đức Như Lai đó hiện nay đang vì các vị Bồ-tát mà thuyết giảng Bồtát tạng kinh về “Sự dứt trừ mọi mối nghi vấn của chúng sinh, khiến mọi loài đều hoan hỷ.” Các vị Bồ-tát ở đấy đều đã thành tựu đầy đủ vô lượng trang nghiêm.

Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân liền thưa với Đức Phật Vô Tướng Âm rằng:

–Kính bạch Thế Tôn! Con muốn đi đến thế giới Ta-bà ấy để cúng dường, kính lễ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni cùng đông đảo các vị Đại Bồ-tát. Vì sao? Vì các bậc Đại sĩ ấy hãy còn khó được thấy, huống hồ là được gần gũi thân tình.

Đức Phật Vô Tướng Âm bảo:

–Bồ-tát đã tự biết thật đúng lúc!

Lúc này Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân đã được Đức Phật Vô Tướng Âm chấp thuận, nên rời chỗ ngồi đứng dậy, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu quanh theo phía tay phải rồi lui ra. Đức Phật Vô Tướng Âm trao một đóa hoa sen cho Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân và nói:

–Bồ-tát hãy mang hoa này dâng lên Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Trong đóa hoa sen đó sẽ thấy Phật Vô Tướng Âm vốn là vị Bồ-tát với công đức tu tập. Hoa ấy như thế là sẽ hóa hiện khắp thế giới Ta-bà, khiến cho mọi chúng sinh đều được thọ dụng.

Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân nhận lấy đóa hoa do Phật trao rồi đi đến thế giới Ta-bà. Bấy giờ ở thế giới này mọi thứ cây cỏ, hoa lá, quả trái, cho đến những thứ cây cỏ nhỏ nhất thảy đều từ trong tay của Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân hiện ra. Còn những chúng sinh nào có các thứ âm thanh thì cùng phát ra những tiếng Pháp âm về vô thường, khổ, không, vô ngã, Căn, Lực, Giác, Đạo, thiền định, giải thoát cùng các pháp Tam-muội.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất liền thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Lúc này lại thấy Như Lai thể hiện diệu lực thần thông.

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Đấy không phải là thần thông của ta. Từ đây về phương Đông trải qua vô lượng a-tăng-kỳ quốc độ, có thế giới tên là Tướng đức tụ, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Vô Tướng Âm, hiện đang thuyết pháp. Có vị Bồ-tát tên là Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân, đang từ thế giới ấy đi đến thế giới Ta-bà. Bản nguyện của vị Bồ-tát đó là có được phước báo về diệu lực thần thông.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân ở đời quá khứ đã từng vun trồng căn lành gì mà có được phước báo về thần lực như vậy?

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Lành thay! Lành thay! Tôn giả đã dùng Phật lực để có thể hỏi Như Lai về Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân từng theo Phật thời quá khứ vun trồng căn lành. Vậy Tôn giả hãy nhất tâm lắng nghe.

Vị Bồ-tát đó ở đời quá khứ, về chỗ gây dựng gốc công đức, như đối với mười phương chư Phật an tọa nơi đạo tràng lúc mới thành Phật, bấy giờ vị Bồ-tát ấy, hoặc là vị Phạm vương, Chuyển luân thánh vương hay Tiên nhân có được năm thần thông, luôn lui tới đạo tràng cúng dường chư Phật, cung thỉnh chư Phật chuyển pháp luân, số lần cung thỉnh ấy hoặc nhiều, hoặc ít. Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Như ta hồi mới chứng đắc đạo Vô thượng, có vị Phạm thiên vương đến cung thỉnh ta rằng: “Kính bạch Thế Tôn! Xin hãy chuyển pháp luân vì có những chúng sinh ở đời quá khứ đã tạo được những công hạnh sâu xa đối với các pháp lành, căn cơ thông lợi, trí tuệ phát triển, có thể lãnh hội ý của Phật. Nếu những người ấy không được nghe chánh pháp thời sẽ bị mất hết.”

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp

Luân ấy luôn khuyến thỉnh Phật chuyển pháp luân. Các công đức đó không cho ai làm thay mình, chỉ dốc lòng khuyến thỉnh Phật chuyển pháp luân thôi.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Ta nay sẽ nêu thí dụ để làm sáng tỏ ý nghĩa ấy. Kẻ trí thông qua thí dụ sẽ lãnh hội dễ dàng. Giả sử tam thiên đại thiên thế giới với trăm ức mặt trời mặt trăng, bốn trăm ức biển lớn, trăm ức bốn châu thiên hạ, bốn trăm ức na-do-tha các nước nhỏ thuộc bốn châu thiên hạ, trăm núi ức Tu-di, trăm ức núi Thiết vi… thảy đều làm một thứ đồ vật có hình dạng như hốc biển sâu, ở đấy đầy những hạt cải hay hạt mè, hạt gạo. Có vị đại lực sĩ đem hết sức mình nắm giữ chặt lấy rồi vẩy nước tung tóe khắp bốn phương. Gió lớn thổi lên khắp nên khiến cho một hạt cải rơi xuống một thế giới. Vậy thì theo ý Tôn giả thế nào? Những hạt cải rơi xuống khắp các thế giới ấy nên cho là nhiều chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức nhiều, không thể lường tính hay nêu ra số lượng được.

Đức Phật nói:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Ta nay vì Tôn giả mà nêu rõ sự việc ấy. Tôn giả đã lãnh hội về số lượng hạt cải rơi xuống khắp các thế giới. Bây giờ hợp làm một vật dụng dài rộng cùng bằng nhau, chiều cao cũng như vậy, các vách luôn chắc chắn. Cái vật dụng lớn lao như thế bên trong chứa đầy cát mịn. Như dùng thúng, hộc để đong lường đống bột gạo vậy. Như vậy thì số lượng cát ấy nên gọi là nhiều chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức nhiều, không thể nêu ra số lượng được.

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Số lượng những cát ấy hãy còn có thể nhận biết về số lượng. Còn vị Bồ-tát kia công việc có thể đến đạo tràng khuyến thỉnh chư Phật chuyển pháp luân nhằm độ thoát chúng sinh thì chẳng thể nào biết được số lượng. Những căn lành được vun trồng ấy hầu như không hồi hướng về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vị Bồ-tát kia lại còn đem những vòng ngọc làm bằng bảy thứ báu dâng lên Phật để khuyến thỉnh chuyển pháp luân, số lượng ấy càng thêm nhiều. Lại đem những vòng hoa làm bằng các thứ châu báu dâng lên cúng dường Phật để khuyến thỉnh chuyển pháp luân, số lượng đó lại càng gấp bội. Rồi dùng vòng hương quý dâng lên cúng dường Phật để khuyến thỉnh chuyển bánh xe chánh pháp, số lượng này lại càng nhiều hơn nữa. Huống chi vị ấy còn dùng vàng, bạc, lụa quý vẽ hình vòm cây dâng lên cúng dường chư Phật để cung thỉnh chuyển pháp luân. Mà sự vun trồng căn lành ấy cũng không hồi hướng về Phật đạo giác ngộ, chỉ dốc vào việc khuyến thỉnh Phật chuyển bánh xe chánh pháp thôi.

Lại nữa, Tôn giả Xá-lợi-phất! Sau đấy có Đức Phật hiệu là Quá Trí Lực xuất hiện ở đời. Bấy giờ có vị Chuyển luân thánh vương tên là Danh Văn Lực, uy đức tự tại, thế lực tiếng tăm vang khắp đại thiên thế giới. Trong cung, vườn cảnh lầu gác, đền đài luôn nhộn nhịp với năm thứ dục lạc vui thích. Đám thể nữ ca hát xưng tán theo cảnh dục lạc ấy, nhưng tự nhiên các thứ tiếng đó lại phát ra những âm thanh vô thường, khổ, không, bất tịnh. Nhà vua nghe vậy liền lo sợ và sinh tâm chán lìa. Lúc này nhà vua bèn đi đến chỗ Đức Phật Quá Trí Lực. Đức Phật liền khuyên nhà vua tự nhớ lại về cái gốc mình đã từng vun trồng căn lành. Vua nghe lời Phật nói, bèn suy nghĩ: “Chư Phật Như Lai có trí tuệ vô ngại, thật là chưa từng có, khiến ta được biết về chỗ đã vun trồng bao căn lành nơi bao nhiêu Đức Phật. Ta chỉ vì buông thả trong năm thứ dục lạc mà tâm bị che lấp, lại phải lo chuyện trị nước yên dân với bao thứ công việc buộc ràng, hãy còn chẳng thể tự biết chỗ vun trồng các căn lành nơi một vị Phật. Ta từ xưa tuy theo chư Phật để gầy dựng gốc các điều lành nhiều như thế mà chẳng hồi hướng công đức ấy về Phật đạo Vô thượng, khiến cho bao căn lành đó ở trong trường hợp bất định. Ta nay sẽ dùng chỗ tạo hợp các căn lành ấy, vì đạo Vô thượng mà đem lại lợi ích cho chúng sinh, từ nơi chốn mình sinh trưởng, du hóa khắp các cõi Phật. Ở đấy mọi thứ ngôn ngữ của chúng sinh có được đều là những âm thanh thể hiện các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, cũng như các thứ cỏ cây, rừng núi, hoa lá, quả hạt nơi các thế giới đó thảy đều phát ra âm thanh vô thường, khổ, không, vô ngã. Ta xin đem những căn lành này trao cho chúng sinh để cùng được hưởng, nhờ đấy mà sẽ có được trí tuệ như Đức Phật Quá Trí Lực hiện nay đã đạt được.” Suy nghĩ như vậy rồi, vị vua ấy liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đến đứng phía trước Phật, cung kính bày tỏ:

–Kính bạch Thế Tôn! Nay con xin đem hết thảy quốc độ của mình dâng lên Phật cùng Tăng chúng, mong được Đức Thế Tôn thọ dụng.

Sau khi phụng hiến xong, nhà vua liền xuất gia học đạo. Bốn thứ binh chủng được nghe biết việc này cũng theo nhà vua xuất gia. Đám thể nữ đến bốn chục na-do-tha người thảy đều xin xuất gia theo vua. Còn dân chúng thì có tám mươi ức na-do-tha kẻ cũng xin theo nhà vua mà xuất gia học đạo. Bốn chúng đệ tử của Đức Phật Quá Trí Lực lúc này đã tăng lên rất nhiều. Các vị xuất gia ấy đều chứng đắc năm thứ thần thông. Mỗi vị đều dùng thần lực để đi đến hằng sa cõi Phật ở phương Đông khuyến thỉnh vô lượng chư Phật đang an tọa nơi đạo tràng chuyển bánh xe chánh pháp tôn quý nhằm độ thoát chúng sinh. Các phương, Nam, Tây, Bắc, bốn hướng cùng phương trên, dưới cũng đều khuyến thỉnh vô lượng hằng sa chư Phật chuyển bánh xe chánh pháp để hóa độ muôn loài. Nhà vua Danh Văn Lực từ đó về sau không còn sinh ra theo ngã thọ thai, cũng không sinh vào các quốc độ bất tịnh. Thế giới mà ông đến du hóa, ở đấy chúng sinh cùng với cây cỏ, rừng núi thảy đều phát ra các âm thanh vô thường, khổ, không, vô ngã.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Tôn giả cho rằng nhà vua Danh Văn Lực thời bấy giờ ở nơi Đức Phật Quá Trí Lực tự xét biết về đời trước đã từng vun trồng căn lành nên xuất gia học đạo, chứng đắc năm thứ thần thông, du hóa khắp vô lượng thế giới trong mười phương để khuyến thỉnh chư Phật chuyển bánh xe chánh pháp hóa độ chúng sinh ấy, há là người xa lạ sao? Vị ấy hiện nay chính là Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân vậy.

 

Phẩm 8: THỂ HIỆN SỰ BIẾN HÓA

Bấy giờ Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân đi đến thành Vương xá, tới thẳng nơi vườn Trúc, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật rồi lui ra đứng một bên, thưa với Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Đức Phật Vô Tướng Âm xin gởi lời thăm hỏi vấn an Đức Thế Tôn có được ít phiền, ít bệnh, mọi sinh hoạt đều được thư thái, khí lực an lành chăng? Lại xin đem đóa hoa sen lớn này dâng lên Đức Thế Tôn.

Đức Phật liền nhận lấy hoa rồi nói rằng:

–Đức Phật Vô Tướng Âm có được an ổn trong mọi công việc cũng như sự giáo hóa luôn thuận hợp chăng?

Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phật Vô Tướng Âm khí lực luôn khang kiện, chúng sinh dễ độ. Vì sao? Vì nơi thế giới ấy, trong những lúc đại chúng được tập hợp đông đúc luôn có được bốn pháp thanh tịnh, đó là:

  1. Căn lành thanh tịnh, vì sự giác ngộ.
  2. Vô lượng giới thanh tịnh, luôn phát nguyện chân chánh.
  3. Vô lượng tri kiến thanh tịnh, chẳng vướng chấp các pháp.
  4. Chỗ quán tưởng thanh tịnh, không giữ chặt lấy tướng.

Kính bạch Thế Tôn! Nơi chúng hội ấy không có ai là kẻ hủy phá giới luật cùng uy nghi, cũng chẳng có tên gọi về ba thứ hủy phá kia. Chúng hội ở quốc độ ấy xem chúng sinh trong thế giới Ta-bà này như thể cảnh tra khảo đánh đập ở chốn ngục tù. Con nay xin được trở về, kính mong Đức Như Lai đến thăm thế giới của con.

Đức Phật bảo Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân:

–Hãy khoan! Này bậc thiện nam! Đi đến thế giới ấy là nhằm làm công việc gì? Ta nay ở đây đang lo giáo hóa chúng sinh.

Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân đã ân cần cung thỉnh ba lần:

–Kính mong Đức Như Lai đến thăm thế giới ấy. Nếu chẳng chiếu cố quan tâm thì con sẽ xin đem thần lực có được do phước báo tiếp thế giới này, chỉ trong khoảng một niệm đem đặt liền nơi cõi kia, cũng trong phần hư không chẳng khác.

Lúc này Đức Phật im lặng, lắng nghe vị Bồ-tát ấy nói về việc sẽ thể hiện diệu lực của thần thông tự tại, nhằm khiến cho chúng sinh có được đầy đủ các căn lành, cũng là nhằm thị hiện diệu lực của mức độ tri kiến. Và vị Bồ-tát ấy liền dùng tay phải dứt mạnh lấy cõi tam thiên đại thiên thế giới, giống như người thợ đồ gốm dùng cây gậy để quay bánh xe, cứ việc giữ chặt lấy mà bước đi.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất nhận biết khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới này đều đang bị dao động lớn nên thưa với Đức Thế Tôn:

–Hãy giữ chặt lấy thế giới này cùng với chúng ta! Hãy giữ chặt lấy thế giới này cùng với chúng ta!

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng âm thanh thuận theo trí tuệ, vừa êm dịu vừa hòa nhã, có thể đem lại sự vui thích cho mọi người, đầy đủ sự sâu xa, không cao không thấp, gọn đủ điều cốt yếu, không rối rắm để có thể chỉ rõ ý nghĩa, đáp lại Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Chẳng phải do ta tạo ra!

Tiếng nói ấy khắp đại thiên thế giới đều cùng được nghe. Lúc này có những chúng sinh vốn tham đắm nơi cái ta, tâm ta, dựa theo những điều nghe thấy nên hết sức kinh sợ mà có được tâm chán lìa. Ngoài ra thì bốn chúng đệ tử chỉ thấy Đức Như Lai được các vị Bồ-tát vây quanh và đang vì họ mà thuyết pháp, như vị Chuyển luân vương đang ngồi ngay ngắn nơi tòa ở chốn an ổn, các vị Đại phạm vương đang ở giữa chúng Phạm thiên.

Bấy giờ Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân đều đem vô lượng thế giới trong mười phương tập hợp lại ở một nơi để cho chúng sinh được thấy rõ. Lúc này Đức Thế Tôn dùng diệu lực thần thông khiến cho gió lớn dấy lên thổi khắp các thế giới, hỗ trợ cho việc lấy tay đánh mạnh vào làm vỡ tung ra và thảy đều tan biến. Đức Phật thể hiện thần lực như thế, các vị Đại phạm vương cùng các vị Phạm thiên, đối với kiến văn của mình luôn chấp các pháp là thường, chẳng bị hoại, nhất là ở chốn cung điện cùng ngôi vị Phạm vương, nay đều tự thấy cung điện tan hoại nên hết mực kinh hoàng, sinh tâm chán lìa, mỗi vị đều suy nghĩ: “Những cung điện này đã được xây dựng từ trước mà nay thảy đều bị phá vỡ, hủy hoại, như nước dấy sóng lớn đập vào sóng nhỏ thành bọt nước tung tóe lên cao. Nếu nước khô cạn, mặt trời dọi ánh nắng và gió thổi lên thì thảy tan hết! Thế thì đúng là chúng ta cùng chịu sự vô thường.” Suy nghĩ như vậy nên các vị đó đều cùng run rẩy sợ hãi, chắp tay lễ Phật.

Lúc này Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Ta từ trước đến nay luôn vì Tôn giả mà nói rằng: Thế gian hư vọng, không có chân thực. Ví như có người cùng với cái không tranh luận. Thế gian là như thế đấy. Chỉ theo sự nhớ tưởng phân biệt nên cho là có. Không chắc, không bền, chẳng khác gì bọt nước tụ lại trong chốc lác. Thế gian như ảo, có thể lừa dối chúng sinh. Thế gian như ánh lửa rực sáng, thể tướng nó là không thật, kể cả sự khát khao yêu mến. Thế gian như bóng hình, chẳng thể cầm giữ được. Thế gian như tiếng vang, hư dối, khiến các loài khởi nghiệp. Thế gian như thật chính là tánh dứt điên đảo.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Ta ngồi nơi đạo tràng đã thông đạt được điều như thật, biết hình tướng thế gian là không, không chốn có, không chốn nương tựa, dùng cái không bị ngăn ngại để đạt được hình tướng thế gian.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Xưa nay ta đã từng biết rõ về vị của thế gian, về nỗi lo ở thế gian cũng như việc ra khỏi thế gian, không tự mình tuyên bố là ta đã được Phật đạo. Chỉ khi ta đã nhận ra tướng như thật của thế gian cùng nguyên nhân gây nên bao nỗi khổ ở thế gian, nhận biết sự diệt khổ ở thế gian và con đường diệt khổ đó, thì mới tự mình tuyên bố rõ là ta đã đạt được Phật đạo.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Thế nào gọi là thế gian và những gì là năm ấm ở trong thế gian ấy? Năm ấm đó là sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm. Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Thế nào là sắc ấm? Hoặc như có chúng sinh suy nghĩ rằng: “Nếu như quá khứ ấy không gọi tên là sắc; vị lai, hiện tại không gọi tên là sắc, vì thế mà Phật bảo mọi sở hữu là sắc. Nếu ở nơi quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc gần hoặc xa, đều được gọi tên là sắc ấm, mà sắc ấm ấy thật không có hình tướng. Ví như không ấm, phong ấm, hỏa ấm, thủy ấm, địa ấm, chỉ có tên gọi thôi. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấm lại cũng như vậy, nên dùng sự tương hợp của nhân duyên ấy để nói về các ấm.”

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Hàng phàm phu ngu si tối tăm luôn tham đắm nơi thân mình, không biết rõ về hình tướng của sắc, cho là sắc là ta, là sở hữu của ta, để giữ lấy hình tướng phân biệt mà sinh ra tâm tham đắm. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Ta an tọa nơi đạo tràng, ở trong các sự việc ấy không cho là có, không cho là không, mà phát sinh Pháp nhãn. Hàng phàm phu ở những trường hợp không có pháp sở hữu, sinh tâm khao khát yêu mến, cho là pháp bị tan hoại bèn dấy sự buồn khổ lo phiền. Kẻ tham đắm sâu nặng ấy do bị mất chỗ mình tham đắm nên càng thêm mê muội, lầm lạc, liên tiếp tạo các nghiệp xấu ác. Như dùng gạch đá, gậy gộc, gươm giáo, đủ thứ binh khí để sát hại lẫn nhau, do si mê lầm lạc nên khởi tạo nghiệp dữ, gây ra tội lỗi như thế. Như Lai thông đạt các pháp đều bình đẳng, mọi tri kiến cũng bình đẳng nên thuyết giảng chánh kiến. Gọi là chánh kiến tức là bình đẳng, chánh trực, không có cao thấp, đó là hành đạo chân chánh, tu tập chính đáng, giải thoát chân chánh, đạt được những tri kiến ấy nên gọi là chánh kiến.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Phật nói về chánh kiến, chẳng thể chỉ dùng ngôn ngữ vì các vị mà nói suông, phải nên thuận theo lời nói để tu tập.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Các vị đều phải theo đúng pháp tu tập sẽ có được trí tuệ vô lượng, vô biên, đó chính là tám vạn bốn ngàn các Pháp tạng trong một cửa Pháp tạng. Đó gọi là những dấy khởi tạo tác chẳng phải tướng dấy khởi tạo tác.

Lúc Đức Như Lai nói về cửa Pháp tạng ấy, có đến bảy vạn bảy ngàn na-do-tha các vị Phạm thiên vương ở trong các pháp xa lìa bụi bặm phiền não, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh. Chư Thiên ở cõi Dục giới có tới tám vạn bốn ngàn na-do-tha vị ở trong các pháp đều lìa bỏ phiền não cấu uế, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh; cùng với vô lượng người khác, cũng đối với các pháp xa lìa bụi bặm và có được Pháp nhãn thanh tịnh. Có đến trăm ngàn vạn ức các vị Bồ-tát ở trong trăm ức cõi Diêm-phù-đề, đều ở nơi chúng hội này đạt được pháp Nhẫn vô sinh, cùng với vô lượng, vô biên chúng sinh khác thảy đều phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ Đức Thế Tôn thu lại thần lực. Bốn bộ chúng cùng với chư Thiên ở các cõi trời Phạm thế, Phạm trụ, Phạm chúng và trong cõi Dục giới, Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-đà-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… thảy đều tự nhận ra thân mình, trở lại thế giới ấy.

 

Phẩm 9: DIỆU LỰC CỦA NHƯ LAI

Bấy giờ, Tôn giả Mục-kiền-liên từ nơi chỗ ngồi đứng dậy, vắt một vạt y, để trần vai bên phải, chắp tay cung kính hướng về phía Đức Phật, thưa rằng:

–Kính bạch Thế Tôn! Thật là điều chưa từng có! Vị Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân ấy đã có thần lực lớn lao đưa thế giới Kham nhẫn này, kể cả Đức Như Lai, đem đặt trong khoảng thuộc thế giới khác.

Bạch Thế Tôn! Mang con đi đến cõi ấy rồi trở lại nơi này, lúc bấy giờ con thật sự là thần hãy chẳng còn, nói chi tới thông. Con lại suy nghĩ: “Hiện vị Bồ-tát ấy đã có đầy đủ thần thông lớn lao, đưa con đi đến rồi trở về, mà con đều chẳng rõ là chậm, nhanh, hay gần xa ra sao!” Con lại suy nghĩ tiếp: “Vị Bồ-tát ấy hiện chưa thành tựu Phật đạo mà đã có thần lực như thế, huống chi là đến lúc thành

Phật!”

Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên:

–Tôn giả đã cho rằng Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân ấy có thể đưa Như Lai trong việc đi đến và trở về chăng? Chớ có ý nghĩ đó. Vì sao? Vì ta chẳng hề thấy có Sa-môn, Bà-la-môn, A-lahán, Bích-chi-phật, cùng với bao loài chúng sinh, cả Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-đà-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… chưa ai có thể làm lay động nổi một góc y của Như Lai, huống chi lại có thể đưa bổng đến thế giới khác, rồi đặt trở lại nơi cũ. Không có chuyện ấy đâu!

Này Tôn giả Mục-liên! Hết thảy trời, người đều được đặt yên nơi thế gian này. Nếu như cõi tam thiên đại thiên thế giới này với mọi chúng sinh hiện có, có hình sắc, không có hình sắc, có tưởng, không có tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng, hoặc có thể trông thấy, hoặc không thể trông thấy, giả như khiến trong một lúc đều được làm thân người, do tin tưởng, xuất gia, đều chứng đắc A-la-hán, gồm đủ sáu thứ thần thông, giống như Tôn giả Mục-liên vậy. Vậy thì theo ý của Tôn giả thế nào? Trong trường hợp này, với thần thông trí lực có được ấy, nên cho là lớn chăng?

Tôn giả Mục-liên thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức lớn.

Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên:

–Các vị A-la-hán ấy dùng tay đưa cõi tam thiên đại thiên thế giới đi khắp hằng sa quốc độ trong mười phương. Giả như Như Lai dùng một hạt cải đem đặt nơi không trung, thì chúng A-la-hán có thần thông lớn lao ấy hãy còn không thể làm lay động như một vật bé xíu có thể làm được.

Này Tôn giả Mục-liên! Vả lại, việc đặt để của những thứ thần thông lớn lao kia, giả như một người có được thần lực lớn, Phật lắng nghe người ấy nói là có thể dùng một hơi thổi, thổi vỡ tung cả cõi đại thiên tan ra, khiến các vi trần tung bay khắp vô lượng hằng sa thế giới. Lại dùng một hơi thổi khiến các vi trần kia hợp trở lại thành cõi tam thiên đại thiên thế giới. Này Tôn giả Mục-liên, vậy thì theo ý của Tôn giả thế nào? Người ấy có đầy đủ thần lực lớn lao chăng?

Tôn giả Mục-liên đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức lớn!

Đức Phật bảo:

–Này Tôn giả Mục-liên! Giả sử có người đều được diệu lực thần thông lớn lao như vậy và số người ấy đầy cả cõi tam thiên đại thiên thế giới này, cũng như những rừng cây, đồng ruộng với lúa, mè, mía… hết thảy đều cùng một lòng thể hiện hết thần lực, hãy còn không thể làm lay động được một góc tấm y của Như Lai, huống hồ là nâng Như Lai đem đặt nơi thế giới khác rồi lại đem trở về!

Này Tôn giả Mục-liên! Ta đang ngồi nơi tòa này, có thể làm lay động vô lượng, vô biên chẳng thể nghĩ bàn a-tăng-kỳ cõi ở phương Đông, trong ấy mọi chúng sinh đều không hề tự biết, kể cả cảm tưởng về việc đi lại của mình. Các chúng sinh ấy cũng không thể biết được về các trường hợp thành hoại cũng như tận diệt của thế gian.

Này Tôn giả Mục-liên! Nên biết rằng, Như Lai khi thể hiện thần lực là tùy theo chỗ thích ứng của chúng sinh để vì họ mà thuyết pháp. Hoặc có chúng sinh nên hiện thân Phật để họ được hóa độ. Hoặc có chúng sinh nên hiện thân chư Thiên để họ được hóa độ. Hoặc có chúng sinh nên hiện thân rồng để hóa độ họ. Hoặc có chúng sinh nên hiện thân Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-đàla, Ma-hầu-la-già… để hóa độ họ. Hoặc có chúng sinh nên hiện thân nam, thân nữ để hóa độ họ. Hoặc có chúng sinh nên hiện thân lớn hay nhỏ để hóa độ họ.

Này Tôn giả Mục-liên! Như Lai vốn có diệu lực thần thông vô sở úy tự tại, nên biết là chúng thảy đều được thu nhiếp trong kinh này. Các phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng cùng hai phương trên, dưới cũng đều như thế cả.

Này Tôn giả Mục-liên! Tôn giả nếu được thấy Như Lai hành hóa, nhất là thể hiện thần lực lớn lao thì Tôn giả đã chẳng có những lời hỏi đáp vừa rồi.

Này Tôn giả Mục-liên! Ta đã dạy Tôn giả A-nan pháp môn Đà-la-ni là nhằm để thọ trì mười hai bộ kinh Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Xàca-la-na, Già-đà, Ưu-bà-na, Ni-đà-na, A-ba-đà-na,Y-đế-mục-đagià, Xà-đa-già, Quảng kinh, Vị tằng hữu kinh và Ưu-bà-đề-xá, khiến cho không bị quên mất. Mà hiện nay Tôn giả A-nan hãy còn chẳng có thể biết được thần lực của Như Lai. Vì sao? Vì Như Lai đã dùng từng lời, từng chữ, từng câu để nêu bày giảng nói. Tất cả hàng Thanh văn, Bích-chi-phật hoặc ở trong một kiếp hay trăm ngàn vạn kiếp, cho tới vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, hãy còn không thể đọc tụng thọ trì, suy nghĩ, diễn nói hết được, huống chi lại có thể biết hết được chỗ thần thông diệu lực lớn lao mà Như Lai đã thể hiện. Không có sự việc ấy!

Này Tôn giả Mục-liên! Như Lai đã từng thể hiện vô số nhân duyên, vô số uy nghi, vô số pháp môn, nẻo đường để giáo hóa chúng sinh cùng diễn nói chánh pháp. Chỉ vào lúc mang y, hết thảy hàng Thanh văn và Bích-chi-phật hãy còn không thể biết trong ấy số lượng chúng sinh tăng lên là bao nhiêu và thuyết pháp như thế nào, huống hồ là có thể biết hết các nẻo hành hóa của Như Lai cũng như thần thông và trí tuệ của Như Lai. Không hề có việc ấy!

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn theo Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân nhận lấy đóa hoa sen xong, liền gọi các vị Bồ-tát Bạt-đàbà-la, Bồ-tát Bảo Tích, Bồ-tát Đạo Sư, Bồ-tát Tinh Đắc, Bồ-tát Nala-đạt, Bồ-tát Đế Đắc, Bồ-tát Thủy Thiên, Bồ-tát Thiện Lực… là những bậc có thể hộ trì Pháp tạng ở đời sau, nói rằng:

–Này các vị thiện nam! Các vị có thể hộ trì kho tàng chánh pháp của Như Lai, có thể khéo thông tỏ, tin tưởng nơi con đường hành hóa của Như Lai để diễn thuyết chăng?

Các vị Bồ-tát thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Chúng con đều có thể làm được việc ấy.

Đức Phật nói:

–Các vị kể từ nay nếu có thuyết giảng thì trước hết hãy xem nẻo chốn hành hóa, ý hướng cùng các pháp môn hội nhập của Như Lai, sau đấy mới thuyết giảng. Nếu như có người bảo rằng: “Thế nào gọi là trí tuệ đầy đủ của Phật?”, thì các vị nên dựa vào những kinh như thế này cùng quan sát nẻo hành hóa của Như Lai, sau đó mới trả lời. Các vị nếu được nghe những chỗ nói về các pháp môn thì đều nên quan sát ý hướng hành động của Như Lai, vì sự việc ấy nên mới thuyết giảng pháp như vậy. Các vị nếu nhận thấy chỗ hành động của chúng sinh thì cũng phải xem nơi Pháp tạng của Như Lai để biết rằng các chúng sinh đã có những hành độ như vậy và Phật đã dùng sự hành hóa đó là nhằm để làm cho chuyển biến dứt trừ. Mọi nẻo hành động của chúng sinh có đến chín vạn chín ngàn các căn, Như Lai tất biết rõ. Đó là nhiều kẻ do tham dục mà có căn như thế. Nhiều kẻ do giận dữ mà có căn như vậy. Nhiều kẻ do ngu si mà có căn như thế. Kẻ gần như nhiều dục mà có căn như vậy. Kẻ gần như nhiều giận dữ mà có căn như vậy. Kẻ gần như có nhiều si mê mà có căn như vậy. Kẻ gần như nhiều tham giận mà có căn như thế. Kẻ gần như nhiều tham si mà có căn như vậy. Kẻ gần như nhiều sân si mà có căn như thế. Kẻ gần như nhiều tham sân si mà có căn như vậy… Các căn như thế là có thể lãnh hội đạo pháp thanh tịnh, cũng như có thể khởi mọi sự việc. Các căn như vậy là gốc từ nhân duyên sinh và từ nơi “tập” mà hành động, thu đạt. Có căn tạo tác nghiệp thì hoặc dấy nghiệp xấu ác hay tạo nghiệp thiện tốt, hoặc tạo cả nghiệp thiện, nghiệp ác. Căn ấy thuận với đạo, căn ấy thuận với định, căn ấy thuận với tuệ, đó là sự thuận hợp hết mực với trí. Thuận với trí vô sinh là sự tùy thuận của căn. Đạt đến tận cùng trí vô sinh là chân lý thuận hợp với căn.

Này các vị thiện nam! Ở trong hai vạn các căn ấy hòa hợp với sức mạnh của nhân duyên đời trước nên có thể khởi các nghiệp, hoặc nghiệp dữ, nghiệp lành. Do từ nghiệp duyên ấy mà có được đủ loại hình sắc, hoặc đen, hoặc trắng, hoặc chẳng đen chẳng trắng, hoặc ở trên hoặc xa lìa. Các thứ hình sắc như thế có hai vạn căn, có thể sinh ra các thân, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc thô hoặc tế, hoặc chẳng dài– ngắn, chẳng thô tế. Có hai mươi vạn căn có thể biểu lộ hình tướng bên trong như ở trong mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Nhận biết đó là người có tâm tham, đó là người có tâm sân, đó là người có tâm si, đó là người lìa tham, đó là người lìa sân, đó là người lìa si. Có ba vạn căn tạo nên những nghiệp báo sai biệt, như lúc người chết thì tình thức mê muội, hình sắc biến đổi, tay chân co quắp, các căn thác loạn, các chi phần cùng lìa nhau. Gặp lúc hơi tuôn ra, biết đó là các căn phải bị đọa vào địa ngục hay ngạ quỷ, súc sinh; hay là căn ấy được sinh nơi cõi người, trời, được sinh nơi cõi Phật. Ở phương khác được thấy chư Phật. Căn ấy nên dứt sự tương tục của sinh tử, không còn phải nhận lấy thân sau. Có bảy vạn căn, do tin hiểu được sức mạnh của căn mà thu nhiếp được gốc thiện. Có hai vạn các căn thu nhiếp pháp bất thiện, vào lúc chết có thể nhận biết.

Này các vị thiện nam! Đó gọi là diệu lực của Phật, là nẻo hành hóa của Như Lai, cũng là kho tàng chánh pháp của Như Lai.

Như Lai an trụ ở đấy để có thể diễn nói các pháp không tăng không giảm.

 

Phẩm 10: NÓI VỀ CÔNG ĐỨC

Lúc bấy giờ trong chúng hội có một vị Bồ-tát tên là Kiên Ý, từ chỗ ngồi đứng dậy cung kính chắp tay thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Con đối với pháp môn ấy đã đạt được pháp sáng tỏ, vì thế mà con sẽ dốc tu tập theo pháp môn ấy, khiến cho được đầy đủ. Vì sao? Vì con hiện nay sẽ xin tạo nên sự trang nghiêm như vậy, để tìm cầu học hỏi hành động đầy đủ pháp ấy, trước sau không chút biếng trễ hay dừng nghĩ, và vào đời vị lai sẽ trở lại được nghe Pháp tạng của Như Lai.

Đức Phật bảo Bồ-tát Kiên Ý:

–Lành thay! Lành thay! Ông đã có thể dốc lòng cầu chư Phật Như Lai trong vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ kiếp, về chỗ tập hợp các pháp lớn.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu như cõi tam thiên đại thiên thế giới này có những chúng sinh, hoặc có hình sắc, không hình sắc, có tưởng, không có tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng… giả như trong một thời, hết thảy đều được thân người. Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ cung cấp cho hết thảy chúng sinh ấy đầy đủ tất cả mọi thứ an lạc, tùy theo chỗ cầu về sắc, hương, vị, tiếp xúc mà đều có thể chu toàn. Rồi đem hết thảy chúng sinh đó đặt gọn trong lòng bàn tay, hoặc hơn một kiếp, hoặc ít hợn một kiếp. Lại dùng tay kia để trừ bỏ, xua đuổi mùi hôi hám nhơ bẩn đi xa tới chốn khác. Này Bồ-tát Kiên Ý! Theo ý của Bồ-tát thì thế nào? Chỗ làm của người ấy nên cho là lớn lao chăng?

Bồ-tát Kiên Ý thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức lớn lao.

Đức Phật bảo:

–Này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu lại có người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hoặc vào lúc Phật tại thế hay sau khi Phật diệt độ, có thể cầu được hỗ trợ các pháp Bồ-đề cùng các kinh tạng Bồ-tát như vậy và suy nghĩ: “Ta tu tập theo pháp Đại thừa này, vì chúng sinh mà thuyết giảng về sự đoạn trừ tham lam, sân hận, si mê, xa lìa sinh, già, chết với bao nỗi lo buồn khổ não.” Lúc mong cầu như vậy, nếu có được một bài kệ bốn câu của kinh này, có thể vì chúng sinh mà đọc tụng, giải thuyết, thì so với công đức ở trước, trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn phần hãy còn chẳng bằng một, kể cả việc dùng thí dụ cũng không thể đủ để diễn tả. Bồ-tát như vậy là đem nhân duyên cầu các pháp thâm diệu ấy mà có thể tạo được lợi ích lớn lao cho hết thảy chúng sinh.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Đối với sự việc đó, ai là người có thể tin tưởng? Chỉ có chư Phật là thông tỏ một cách rốt ráo. Cũng như các đệ tử của bậc Thánh cùng với những vị phát tâm cầu Phật đạo thì mới có thể tin tưởng, thọ nhận. Vì sao? Vì các vị Bồ-tát lúc mới bắt đầu phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tự nguyện sẽ vì những chúng sinh không được cứu độ mà tạo sự cứu giúp họ, không có nơi trú ngụ thì tạo chỗ trú ngụ, không biết đến đạo giác ngộ thì chỉ rõ con đường ấy. Ta sẽ tu tập theo pháp Đại thừa ấy, là trí tuệ của Phật sẽ khiến cho vô lượng, vô số chúng sinh đứng vững trong pháp vô lậu.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Giả sử như người ấy, từ lúc sớm đến lúc bữa ăn dùng các thứ châu báu tích chứa như núi Tu-di cùng với mỗi mỗi người, giữa buổi, vào quá trưa, vào lúc bắt đầu, sau, giữa đêm, dốc hết sức lực của mình, ngày đêm sáu thời đem số lượng châu báu tích chứa ấy cấp cho chúng sinh. Này Bồ-tát Kiên Ý! Theo ý của Bồtát thì thế nào? Tâm của chúng sinh ấy có được thỏa mãn đầy đủ chăng?

Bồ-tát Kiên Ý thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Không được thỏa mãn đầy đủ.

Đức Phật nói:

–Hoặc do cái nhân ấy nên bị đọa vào ba nẻo đường dữ, Bồ-tát suy nghĩ rằng: “Ta sẽ dốc cầu pháp thâm diệu vô thượng, cùng khiến cho mọi chúng sinh xem sự tích chứa các thứ châu báu trong tam thiên đại thiên thế giới cũng như nước mắt, nước bọt, chỉ sinh tâm lo sợ. Bậc Bồ-tát đại trí xem sự tích chứa châu báu ấy đều là ba thứ độc gây nên bao phiền não cho chúng sinh, là gốc của mọi nẻo sinh tử, qua lại các cõi địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ cùng những khổ não trong cõi người. Lúc mong cầu là gốc của khổ. Có được, giữ gìn lấy là gốc của khổ. Oán ghét, tranh cãi, dấy khởi các nghiệp, gây ra tội lỗi cũng chính là gốc của bao nỗi khổ.” Như thế thì Bồ-tát đối với sự tích tụ châu báu lớn lao nên sinh tâm chán lìa. Lại suy nghĩ rằng: “Đấy không phải là nơi chất chứa châu báu mà chỉ là sự tích chứa bao nỗi khổ não nơi các nẻo ác.”

Hoặc có chúng sinh do tham đắm nên bị đọa vào ba nẻo dữ. Này Bồ-tát Kiên Ý! Như đem cả cõi tam thiên đại thiên thế giới này cùng với mọi chúng sinh hiện có, cả chúng sinh trong vô lượng hằng hà sa số quốc độ khắp mười phương, hoặc có hình sắc, không hình sắc, có tưởng, không có tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng; giả như trong một lúc đều khiến trở thành thân người hết. Nếu có một người phát tâm cung cấp cho tất cả đủ mọi sự an lạc, tùy theo chỗ cần về sắc, thanh, hương, vị, thảy đều chu toàn; hoặc đặt ở trên đầu, hoặc dùng vai để gánh vác, trải qua hơn một kiếp hay giảm một kiếp, tùy ý mà ngồi, nằm, lại cũng dùng một tay để xua trừ các mùi hôi nhớp đi xa khỏi chốn khác. Này Bồ-tát Kiên Ý! Theo ý của Bồ-tát thì sao? Công việc làm của người ấy nên cho là nhiều chăng?

Bồ-tát Kiên Ý đáp:

–Hết sức nhiều, kính bạch Thế Tôn!

Đức Phật bảo:

–Này Bồ-tát Kiên Ý! Ta nay bảo Bồ-tát lời chân thành này: Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mong làm được sự hỗ trợ cho các pháp Bồ-đề cùng các kinh tạng Bồ-tát như thế. Chỉ mới bắt đầu thực hiện mà phước đức thật không thể lường, cho tới khi đạt quả vị Vô thượng Bồ-đề cũng không thể hết phước đức ấy, so với công đức trước thì đối với trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn phần còn không bằng một, kể cả việc dùng thí dụ cũng không đủ để diễn tả. Vì sao? Vì người đem lại sự an lạc đầy đủ ở trước thì đó là những kết sử thuộc nhân duyên hữu lậu, không thể lìa bỏ được sự khổ, đạt đến an ổn một cách trọn vẹn. Các vị Bồ-tát mong có được nhân duyên thuận hợp cho các pháp là nhằm làm tăng trưởng ba thứ giới, định, tuệ, cũng có thể thiện hiện đầy đủ hết thảy các pháp Phật, đạt được vô lượng không thể nghĩ bàn diệu lực của các phương tiện, thành tựu công việc hóa độ chúng sinh, làm thanh tịnh cõi Phật. Này Bồ-tát Kiên Ý! Vì thế mà Phật nói về nhân duyên cầu pháp của Bồ-tát là nhằm đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, Bồ-tát Kiên Ý! Nếu như ở bốn châu thiên hạ trong ấy có vô số các Bậc Như Lai đông nhiều như thể những rừng cây, cánh đồng với lúa, mè, mía. Nếu như có một người dốc hết sức lực chính mình cúng dường y phục, đồ để nằm, thuốc men, cùng đủ thứ, đủ loại cần dùng cho các vị Như Lai ấy. Và sau khi các Bậc Như Lai nhập Niết-bàn, đã tôn tạo bảo tháp bằng bảy thứ châu báu, vuông vức mỗi chiều là một do-tuần. Hình dáng bên ngoài của bảo tháp rất trang nghiêm, luôn có hoa, hương, cờ phướn, dù, lọng, đèn đuốc thắp sáng để cúng dường, hoặc đến một trăm kiếp hay hơn nữa.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Theo ý của Bồ-tát thì sao? Người ấy có được phước đức nên cho là nhiều chăng?

Bồ-tát Kiên Ý đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức nhiều. Thật là vô lượng, vô biên!

Đức Phật nói:

–Này Bồ-tát Kiên Ý! Ta nay bảo Bồ-tát lời chân thành này: Người ấy cúng dường cho vô số các vị Như Lai như thế, lại tôn tạo từng ấy ngôi tháp và luôn trong bao nhiêu kiếp cúng dường đủ thứ đủ loại. Nếu như có hàng thiện nam, thiện nữ phát tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mong được hỗ trợ cho các pháp Bồ-đề cùng tạng kinh Bồ-tát để thọ trì đọc tụng, thì so với phước đức ở trước, trong trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn phần hãy còn không bằng một, cho đến dùng thí dụ cũng không thể diễn tả hết. Vì sao? Vì trong các sự bố thí, pháp thí là hạng nhất; trong các việc cầu mong, cầu chánh pháp là hạng nhất. Vì thế, này Bồ-tát Kiên Ý! Các vị nên biết là trong khoảng năm trăm năm về sau này, nếu thọ trì đọc tụng các kinh như thế thì chỗ công đức đạt được là vô lượng, vô biên, cho đến lúc đạt quả vị Vô thượng Bồ-đề cũng không thể hết.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Ta nay muốn dùng thí dụ để làm sáng tỏ sự việc này và Bồ-tát sẽ tin tưởng, thọ nhận. Ví như các quốc độ trong khắp cõi tam thiên đại thiên này được dùng làm một đồ vật, trong ấy chứa đầy những hạt cải như hạt mè đen, hạt gạo. Thế thì theo ý của Bồ-tát, số lượng hạt cải được chứa trong đồ vật ấy là bao nhiêu?

Bồ-tát Kiên Ý đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức nhiều, không thể tính được số lượng.

Đức Phật nói:

–Này Bồ-tát Kiên Ý! Giả sử cũng số lượng hạt cải như thế trong khắp cõi đại thiên thế giới hợp làm một đồ vật, trong ấy chứa đầy cát nhỏ, thì số lượng cát nhỏ đó là bao nhiêu?

Bồ-tát Kiên Ý đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức nhiều! Thật là vô lượng, vô biên!

Đức Phật nói:

–Này Bồ-tát Kiên Ý! Nếu có người với sức mạnh phi thường, mang số lượng cát nhỏ ấy tung rải khắp bốn phương. Bấy giờ gió lớn nỗi lên thổi tung đám cát kia, mỗi mỗi hạt cát rơi xuống trong một thế giới. Thế thì theo ý Bồ-tát, các thế giới đó số lượng là bao nhiêu?

Bồ-tát Kiên Ý đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Hết sức nhiều, thật là vô lượng, vô biên chẳng thể nêu lên số lượng được!

Đức Phật bảo:

–Này Bồ-tát Kiên Ý! Ta nay nói cho Bồ-tát được thông tỏ, Như Lai có đầy đủ vô lượng thần thông từ diệu lực của việc trì giới, thiền định và trí tuệ, có thể dùng một bước vượt qua hết từng ấy thế giới, mà ở nơi chỗ từng ngồi thì oai nghi, bất động, đối với diệu lực thần thông cũng chẳng thể hiện hết.

Này Bồ-tát Kiên Ý! Như Lai dùng một hạt cát này làm một

kiếp, dùng số lượng kiếp ấy làm một ngày, dùng số lượng ngày đó làm một tháng, dùng số lượng một tháng ấy làm một năm, dùng một ngàn năm như vậy để đi về phương Đông, không hề dừng nghỉ. Các phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và hai phương trên, dưới cũng lại như thế. Nếu có hàng thiện nam, thiện nữ muốn nghe kinh này và thọ trì, đọc tụng, chỉ mới bắt đầu thực hiện thì chỗ công đức đạt được ấy, giả sử có hình sắc đối với từng ấy quốc độ mà Như Lai vượt qua như đã nói ở trên cũng không thể dung nạp hết. Như Lai chỉ biết rằng người ấy có được phước đức quả là vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn. Này Bồ-tát Kiên Ý! Phước đức ấy không thể dùng văn tự, toán số để nhận thức và diễn đạt được. Phước đức đó được thu nhiếp ở trong vô lượng số.

 

Phẩm 11: NÓI VỀ PHÁT TÂM

Bấy giờ về phương Đông trải qua a-tăng-kỳ quốc độ, có thế giới tên là Đại danh văn, Đức Phật ở thế giới ấy hiệu là Tu-di Kiên, hiện tại đang vì Bồ-tát Quang Minh Uy Đức Tụ thọ ký quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và nói rằng: “Bồ-tát Quang Minh Uy Đức Tụ ấy sẽ lần lượt sau ta mà thành Phật.”

Bấy giờ Đức Phật Tu-di Kiên được đại chúng vây quanh và vì họ mà thuyết pháp. Bồ-tát Quang Minh Uy Đức Tụ ấy lúc này đang ở nơi chúng hội, nhìn thấy luồng ánh sáng lớn chiếu tỏa, nghe tiếng nói vang vang, cùng thấy đại địa có sự chuyển động, liền hỏi Phật Tu-di Kiên:

–Kính bạch Thế Tôn! Ánh sáng và âm thanh ấy là do Đức Phật nào tạo ra vậy?

Đức Phật Tu-di Kiên đáp:

–Về phương Tây, cách xa cõi này trải qua a-tăng-kỳ quốc độ, có thế giới tên là Ta-bà, Đức Phật ở thế giới ấy hiệu là Thích-ca Mâu-ni, hiện đang thuyết giảng về tạng kinh Bồ-tát. Các vị Bồ-tát ở chúng hội ấy đều gồm đủ sự trang nghiêm lớn lao, hiện nay đối với hằng sa quốc độ trong mười phương, ít có nơi nào có được các vị Đại Bồ-tát như thế. Nếu có người được nghe tên của các vị Bồ-tát ấy hãy còn được lợi ích lớn, huống hồ là tận mắt được nhìn thấy và gần gũi cúng dường.

Tức thì Bồ-tát Quang Minh Uy Đức Tụ thưa với Đức Tu-di Kiên:

–Kính bạch Thế Tôn! Con muốn được đi tới thế giới Ta-bà ấy để ra mắt Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, lễ bái, cúng dường, cũng nhằm được thấy chúng Đại Bồ-tát đầy đủ sự trang nghiêm ấy.

Đức Phật Tu-di Kiên nói:

–Bồ-tát muốn đi đến cõi ấy, xin cứ tùy ý.

Rồi Đức Phật Tu-di Kiên trao cho Bồ-tát Quang Minh Uy Đức Tụ bảy cành hoa sen và bảo:

–Bồ-tát hãy đem hoa này dâng lên Đức Phật Thích-ca Mâu-ni cùng chuyển lời ta vấn an thăm hỏi Đức Phật: Có được ít bệnh, ít phiền, mọi sinh hoạt có được thư thái, khí lực luôn khang kiện chăng?

Bồ-tát Quang Minh Uy Đức Tụ liền nhận lấy hoa, đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu quanh Đức Phật Tu-di Kiên rồi lui ra. Và chỉ trong một khoảnh khắc chớp mắt, hốt nhiên biến khỏi cõi Phật này, đến thế giới Ta-bà, đi tới thành Vương xá, thẳng đến vườn Trúc, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật Thích-ca Mâu-ni, lui ra đứng một bên, thưa với Phật rằng:

–Phật Tu-di Kiên gởi lời vấn an thăm hỏi Đức Thế Tôn có được ít bệnh, ít phiền, mọi sinh hoạt có được thư thái, khí lực luôn được an khang chăng? Lại gởi hoa sen này cúng dường Đức Thế Tôn.

Lúc này Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nhận lấy hoa và hỏi Bồ-tát Quang Minh Uy Đức Tụ:

–Phật Tu-di Kiên có được ít bệnh, ít phiền, khí lực luôn được an khang chăng?

Bồ-tát Quang Minh Uy Đức Tụ đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Phật Tu-di Kiên ở thế giới ấy luôn được mọi sự an lành.

Đức Phật đem hoa vừa nhận, trao cho Bồ-tát Di-lặc và nói:

–Này A-dật-đa! Bồ-tát nên mang hoa này để vun trồng nhân duyên căn lành cho sự hỗ trợ Phật đạo.

Bấy giờ Bồ-tát Di-lặc nhận lấy hoa từ chỗ Phật trao cho các vị

Bồ-tát: Bồ-tát Bạt-đà-bà-la, Bồ-tát Bảo Tích, Bồ-tát Đạo Sư, Bồ-tát Tinh Đắc, Bồ-tát Na-la-đạt, Bồ-tát Đế Đắc, Bồ-tát Thủy Thiên, Bồtát Thiện Lực, Bồ-tát Nhật Tạng, Bồ-tát Trì Thế, Bồ-tát Trì Địa, Bồ-tát Trụ Ý, Bồ-tát Vô Biên Ý, Bồ-tát Việt Tam Giới Hành, Bồtát Vô Biên Hành, Bồ-tát Vô Lượng Lực, Bồ-tát Phổ Hiện Duyên, Bồ-tát Kiên Ý, Bồ-tát Vô Biên Lực, Bồ-tát Bất Hư Lực, Bồ-tát Sư Tử Lực, Bồ-tát Tật Biện, Bồ-tát Lợi Biện, Bồ-tát Thâm Biện, Bồtát Vô Biên Biện, Bồ-tát Vô Lượng Biện, Pháp vương tử Văn-thùsư-lợi, Pháp vương tử Hoa Đức Tạng, Bồ-tát Vô Biên Thủ, Bồ-tát Vô Trước Thủ, Bồ-tát Bảo Thủ, Bồ-tát Bảo Tý, Bồ-tát Bất Hư Đức, Bồ-tát Bất Động Hạnh, Bồ-tát Vô Ưu, Bồ-tát Ly Ưu, Bồ-tát Phát Vô Phân Biệt Hành, Bồ-tát Ly Chư Nạn, Bồ-tát Ly Nam Tướng, Bồ-tát Ly Nữ Tướng, Bồ-tát Ly Chúng Sinh Tướng, Bồ-tát Võng Minh, Bồtát Bất Nhập Thai, Bồ-tát Phật Hoa Thủ, Bồ-tát Hoa Thủ, Bồ-tát Hương Tượng, Bồ-tát Thành Lợi, Bồ-tát Thượng Đức, Bồ-tát Bảo Đức, Bồ-tát Châu Anh, Bồ-tát Châu Kế, Bồ-tát Hoa Nhĩ, Bồ-tát Vân Âm, Bồ-tát Tất Cánh Tư, Bồ-tát Vô Biên Xả, Bồ-tát Thiện Tư Hành, Bồ-tát Bất Hư Nguyện, Bồ-tát Quá Nguyện, Bồ-tát Chuyển Nguyện, Bồ-tát Thâm Hạnh Nguyện, Bồ-tát Nguyện Ly Nạn, Bồ-tát Diễn Hoa, Bồ-tát Bảo Hoa, Bồ-tát Bất Hư Xưng, Bồ-tát Bất Hư Tán, Bồ-tát Phổ Nguyện, Bồ-tát Chư Đạo Bất Loạn, Bồ-tát Thường Hỷ Nghiêm, Bồ-tát Thường Bi Nghiêm, Bồ-tát Hóa Vô Tri Nguyện, Bồ-tát Cụ Giới Nguyện, Bồ-tát Chấp Cự, Bồ-tát Lạc Chúng, Bồ-tát Thiện Chúng, Bồ-tát Lạc Hạnh, Bồ-tát Ái Thiên, Bồ-tát Lạc Phật, Bồ-tát Nguyện Bất Ly Phật, Bồ-tát Nguyện Chuyển Pháp Luân, Bồtát Nguyện Chuyển Vô Ngại Pháp Luân, Bồ-tát Nguyện Xả Nhất Thiết, Bồ-tát Nguyện Vô Xan, Bồ-tát Nguyện Vô Sai Biệt, Bồ-tát Nguyện Thiệu Phật Chủng, Bồ-tát Nguyện Bất Loạn, Bồ-tát Nguyệt, Bồ-tát Pháp, Bồ-tát Đức Hải, Bồ-tát Thiện Giới, Bồ-tát Đạo Sư, Bồ-tát Đại Đạo Sư, Bồ-tát Thượng Chúng, Bồ-tát Tăng Thượng, Bồ-tát Bảo Nghiêm, Bồ-tát Phổ Lợi, Bồ-tát Phổ Đức, Bồtát Ca-sa Tướng, Bồ-tát Vô Nhiễm, Bồ-tát Diệt Tướng, Bồ-tát Tịch Diệt, Bồ-tát Thiện Ý, Bồ-tát Hỷ Kiến, Bồ-tát Lạc Thắng, Bồ-tát Thượng Nghiêm, Bồ-tát Thường Thắng, Bồ-tát Thắng Chúng, Bồtát Thắng Số, Bồ-tát Hoại Ma, Bồ-tát Hoại Oán, Bồ-tát Thắng Oán, Bồ-tát Phổ Danh Văn, Bồ-tát Nhật Bảo, Bồ-tát Chuyển Pháp, Bồtát Tăng Pháp, Bồ-tát Thiện Tri Thức, Bồ-tát Thiên Thiện Hữu, Bồtát Tăng Hữu, Bồ-tát Nhất Cái, Bồ-tát Bảo Cái, Bồ-tát Thiện Túc Vương, Bồ-tát Tinh Tú, Bồ-tát Pháp Thiên, Bồ-tát Tịnh Môn, Bồ-tát Tịnh Dũng, Bồ-tát Dũng Hành, Bồ-tát Vô Biên Hạnh, Bồ-tát Bất Hư Hạnh, Bồ-tát Hương Đức, Bồ-tát Trí Đức, Bồ-tát Vô Biên Nhãn, Bồ-tát Đế Đức, Bồ-tát Phạm Thượng, Bồ-tát Trì Pháp, Bồ-tát Pháp Đức, Bồ-tát Tự Tại Lực, Bồ-tát Vô Tích Hành, Bồ-tát Thiện Hành, Bồ-tát Đẳng Hành… cùng với bảy vạn bảy ngàn các vị Bồ-tát như thế, và nói với các vị Bồ-tát ấy:

–Chư Thiện tri thức! Tôi từ chỗ Đức Phật nhận được hoa này, nay xin đem trao cho các vị. Các vị hãy giữ lấy hoa này để làm công việc hỗ trợ cho Phật đạo, đều nên nhất tâm cùng phát nguyện lớn.

Lúc này bảy vạn bảy ngàn các vị Bồ-tát cầm lấy hoa sen đó và ngay lúc ấy đều phát nguyện lớn về phương tiện hành hóa độ sinh, rồi trở lại dâng lên Đức Phật. Đức Phật với nét Từ bi hiện rõ, đã nhận lấy hoa và bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Ta nay thật hết sức hoan hỷ, vì đã khiến cho các vị vun trồng căn lành lớn lao. Này Bồ-tát A-dật-đa! Chư Phật thật khó được gặp, mà chư Bồ-tát thì cũng vậy. Vì sao? Vì chánh pháp mà ta đạt được, tất cả đều từ hạnh của Bồ-tát mà có. Theo ý của Bồ-tát thì sao? Nếu Như Lai từ gốc đã không phát tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì sẽ có được mười Lực xuất thế gian chăng?

Bồ-tát Di-lặc đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Không thể có được.

Đức Phật hỏi:

–Này Bồ-tát A-dật-đa! Theo ý của Bồ-tát thì sao? Nếu Như Lai từ gốc đã không phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề thì sẽ có được bốn Vô sở úy xuất thế gian chăng?

Bồ-tát Di-lặc đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Không thể có được.

Đức Phật bảo:

–Này Bồ-tát A-dật-đa! Nếu Như Lai từ gốc đã không phát tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì sẽ có được bốn Tâm vô lượng là đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả xuất thế gian chăng?

Bồ-tát Di-lặc đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Không thể có được.

Đức Phật hỏi:

–Nếu Như Lai từ gốc đã không phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề thì sẽ có được mười tám pháp Bất cộng xuất thế gian chăng?

Bồ-tát Di-lặc đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Không thể có được.

Đức Phật hỏi:

–Nếu Như Lai từ gốc đã không phát tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì sẽ có được pháp Bất hư hành xuất thế gian chăng?

Bồ-tát Di-lặc đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Không thể có được.

Đức Phật hỏi:

–Nếu Như Lai từ gốc đã không phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề thì sẽ có được quán Tượng vương xuất thế gian chăng?

Bồ-tát Di-lặc đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Không thể có được.

Đức Phật hỏi:

–Nếu Như Lai từ gốc đã không phát tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì sẽ có được pháp Tam-muội Sư tử phấn tấn xuất thế gian chăng?

Bồ-tát Di-lặc đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Không thể có được.

Đức Phật hỏi:

–Nếu Như Lai từ gốc đã không phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề thì sẽ có được tướng tốt Vô kiến đảnh xuất thế gian chăng?

Bồ-tát Di-lặc đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Không thể có được.

Đức Phật hỏi:

–Nếu Như Lai từ gốc đã không phát tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì sẽ có được ba chuyển, mười hai hành pháp luân xuất thế gian chăng?

Bồ-tát Di-lặc đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Không thể có được.

Đức Phật hỏi:

–Nếu Như Lai từ gốc đã không phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề thì sẽ có được ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân xuất thế chăng?

Bồ-tát Di-lặc đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Không thể có được.

Đức Phật hỏi:

–Nếu Như Lai từ gốc đã không phát tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì sẽ có được trăm ngàn, đến vô lượng các pháp xuất thế gian chăng?

Bồ-tát Di-lặc đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Không thể có được.

Đức Phật hỏi:

–Nếu Như Lai từ gốc đã không phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề thì sẽ có được đại chúng là các bậc Thanh văn xuất thế gian chăng?

Bồ-tát Di-lặc đáp:

–Kính bạch Thế Tôn! Không thể có được.

Đức Phật bảo:

–Này Bồ-tát A-dật-đa! Vì vậy mà Bồ-tát nên biết, hết thảy công đức của chư Phật đều ở tại lúc mới phát nguyện điều phục tâm. Do đó, được gặp Bồ-tát ở thế gian là điều khó, gặp được Phật lại càng khó hơn nữa.

Này Bồ-tát A-dật-đa! Ví như không có trâu bò thì sẽ không có đề hồ, cho nên nếu không có Bồ-tát phát tâm cầu đạo thì không có Phật chủng. Nếu như có trâu bò thì sẽ có đề hồ, cho nên nếu có Bồtát phát tâm cầu đạo thì Phật chủng không bị gián đoạn.

Này Bồ-tát A-dật-đa! Ví như có gieo hạt thì sẽ có được hoa trái.

Cho nên nếu có Bồ-tát phát tâm cầu đạo thì Phật chủng luôn được tiếp nối. Do vậy mà Bồ-tát nên biết rằng phát tâm là điều khó. Phát tâm đã là điều khó nên quả vị Phật cũng rất khó đạt.

Này Bồ-tát A-dật-đa! Ví như nơi biển báu, những vật báu vô giá thì ít, còn các thứ vật báu khác thì nhiều, cho nên trong chúng sinh ít người có thể phát tâm Bồ-tát, phần nhiều là khởi ý nguyện theo hàng Thanh văn, Bích-chi-phật. Do đó mà Bồ-tát nên biết, tâm Bồ-tát ấy là điều khó có được vào hạng nhất. Như hoa Ưu-đàm thường thường chỉ một lần xuất hiện, cho nên tâm Bồ-tát ấy chính là tâm châu báu vào loại vô giá, là tâm như núi Tu-di hết mực cao to; là tâm như cõi không, chẳng thể hủy hoại được; là tâm như biển sâu khó có thể lường được, đó là tâm không gì có thể so sánh. Hơn cả số ngọc báu Ma-ni đầy khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới.

Này Bồ-tát A-dật-đa! giả sử tâm ấy có hình sắc thì cả thế gian với chư Thiên, người, A-tu-la… đều nên kính lễ. Do đó, các vị đã phát tâm ấy thì phải nên siêng năng tinh tấn để có được lòng mong muốn sâu xa nhằm đạt được sở nguyện.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10