PHẬT THUYẾT GIẢI ƯU KINH

Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Pháp Thiên
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Cúi đầu quy y Chánh Đẳng Giác
Hay độ vô biên biển khổ não
Thường rưới cam lồ cho chúng sinh
Đạt đến Niết-bàn, con đảnh lễ
Cúi đầu quy y tạng chánh pháp
Ngăn ngừa vô biên nhân khổ não
Chỉ dạy lỗi lầm, giúp chúng sinh
Đạt đến tịch tĩnh, con đảnh lễ
Cúi đầu quy y Tỳ-kheo Tăng
Hay làm ruộng phước cho thế gian
Phát nguyện siêng tu nhân an lạc
Khéo đoạn luân hồi, con đảnh lễ

Thương mà xa là khổ
Lửa sầu, sân thiêu đốt
Nếu muốn tự an tâm
Ngồi thiền để quán tưởng
Như bầy chim, bầy thú
Tạm gặp rồi ra đi
Người sống, chết cũng vậy
Tại sao ôm sầu khổ?
Chỉ có một mình chết
Mọi người đều sống lâu
Cách biệt rất đau đớn
Thân nhân đều khóc than
Ba cõi luân hồi lớn
Không có miễn cho ai
Bình đẳng chịu vô thường
Tại sao ôm sầu khổ?
Nếu người sinh tham ái
Sao biết lửa tham đốt
Như trâu mao mến đuôi
Nên bị người giết chết.
Người đời nhiều mê say
Muốn vào đường hiểm ác
Dùng đủ mọi phương cách
Không thể lìa thoát khổ.
Như hươu, nai ở rừng
Thường bị sư tử rượt
Cuối cùng không trốn thoát
Tại sao ôm sầu khổ?
Mặt đất và trên trời
Ba cõi cùng bốn loài
Chưa từng được nghe thấy
Ai không chịu vô thường
Cũng như lửa rừng núi
Lúc thiêu cháy cỏ cây
Không lựa rừng hoa quả
Đều thiêu đốt cháy rụi.
Các chúng sinh ngu si
Điên đảo sinh vọng tưởng
Bị vô thường trói buộc
Không ai được giải thoát
Cõi sắc, cõi Phạm thế
An vui trong thiền vị
Cũng như cây ven sông
Gió, nước dễ làm hoại
Trăm ức, Chuyển luân vương.
Ngàn vạn trời Đế Thích
Niệm niệm đều vô thường
Như gió thổi tắt đèn
Quá khứ đại thần tiên
Năm thần thông tự tại.
Chim bay giữa hư không
Còn bị vô thường bắt
Thân Kim cang kiên cố
Còn thị hiện tịch diệt.
Người phàm như cây chuối
Tại sao mong sống lâu?
Mặt đất núi Diệu cao
Và cả bốn biển lớn
Kiếp hoại trở về không
Huống chi cõi chúng sinh
Rồng ở trong biển sâu
Quyến thuộc thường vây quanh
Bị chim cánh vàng ăn
Cách biệt cũng khổ vậy
Hoặc người qua cõi khác
Muốn tránh khỏi vô thường
Như vào miệng Ma-kiệt
Ở đó cầu an ổn.
Cõi Dục và cõi Sắc
Cùng cõi Phi phi tưởng
Chưa có một vật nào
Không bị vô thường nuốt
Chỉ có Chánh Đẳng Giác
Nơi chân thật nương tựa
Người lắng nghe tin thọ
Có thể thoát sầu não.

********

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Kỳ thọ Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Chúng sinh vô số, luân hồi vô biên, như kiến đi vòng quanh, không bao giờ kết thúc. Chúng sinh bị tham ái, vô minh che lấp giống như núi bị chìm đắm trong bùn không thể thoát ra được. Hữu tình quá khứ luân hồi qua lại vô số kiếp không thể biết được.

Này các Tỳ-kheo! Tất cả đất trên mặt đất đều nhóm lại một chỗ, ngồi lại thành viên tròn nhỏ như hạt đậu. Nếu tính chúng sinh từ vô thỉ đến nay đã sinh làm cha, mẹ, con, cháu, cứ mỗi một người thả xuống một viên đất, như vậy thì số viên đất đã hết mà số cha, mẹ, con, cháu vẫn còn.

Này các Tỳ-kheo! Như vậy chúng sinh luân hồi vô lượng vô biên bị tham ái vô minh làm điên đảo, chìm đắm trong bùn ái dục, luân hồi sinh tử không có kỳ hạn. Do đó, ta chỉ dạy cho các ông tự biết cách đoạn trừ luân hồi.

Như vậy, chúng sinh luân hồi, đem xương chất lại như núi Diệu-cao, không hoại, không rã. Bậc Thanh văn vô học chứng bốn Thánh đế, hiểu biết khổ này chân thật là khổ. Khổ diệt thì chứng khổ Thánh đế. Các chúng sinh kia thấy đống xương khô không biết là khổ, cũng không thể diệt trừ phiền não trong ba cõi. Nếu diệt phiền não trong ba cõi thì chứng Tu-đà-hoàn chân thật pháp, chắc chắn được đạo quả Bồ đề. Do bảy lần sinh trong cõi trời, người, đoạn diệt luân hồi, trừ sạch phiền não. Bảy lần sinh đã hoàn tất, Thánh đế hiện bày, chánh kiến, trí tuệ, tận diệt các lậu hoặc còn sót lại, đạt đến Niết-bàn tịch tĩnh, chúng sinh kia mới được thoát khổ luân hồi.

Đức Phật nói:

–Này các Tỳ-kheo! Quyến thuộc loài người yêu thương lẫn nhau, do vì tham ái nên tạo nhiều nghiệp và rồi bị luân hồi sinh tử trói buộc. Giống như voi rừng sa vào hố bùn lầy, không thể thoát ra được.

Lại nữa, quyến thuộc kia nhiều như cát sông Hằng. Cha mẹ nuôi dưỡng đều như con ruột cho đến đời sau tùy theo quả báo mà không đồng nhau, hoặc làm đày tớ, hoặc làm oan gia, sân hận, đánh đập, nhục mạ lẫn nhau, hoặc cùng ăn uống với người hàng xóm, hoặc bị giết hại.

Các việc như vậy làm luân hồi các cõi như bảy chúng Tiên tụ họp hoặc tan rã, cũng như trời mưa tạo thành bọt nước lúc còn, lúc mất. Như vậy, chúng sinh do quá ngu si, mê hoặc điên đảo không biết luân hồi, đối với quyến thuộc, vọng sinh, tưởng lạc, tạo vô số nghiệp, chưa có khoảnh khắc nào được thanh tịnh.

Lại nữa, hữu tình kia đã luân hồi từ vô thỉ, vào trong địa ngục uống nước đồng sôi nhiều hơn nước biển cả. Chẳng khác nào loài heo, chó ăn vật bất tịnh chất đống như núi Diệu cao.

Lại nữa, hữu tình kia, sống chết chia lìa, nước mắt luyến ái, cũng nhiều như nước biển.

Lại nữa, hữu tình kia, giết hại lẫn nhau, đem đầu chất lại cao hơn cõi Phạm thiên, máu mủ trùng ăn cũng nhiều như nước biển.

Ở loài ngạ quỷ do đời trước, keo kiệt tham lam nên chịu khổ đói khát. Nếu có được thức ăn, uống liền biến thành than lửa. Hết quả báo ở ngạ quỷ được sinh trong loài người thì nghèo cùng khốn khổ, chịu nhiều khổ não, nói không hết được.

Lại nữa, hữu tình kia do tu phước nghiệp được sinh ở cõi trời Đao-lợi… ở các cảnh giới thù thắng, thường được vui sướng, do tham ái hừng hẫy như lửa thiêu cỏ khô nên khi tuổi thọ đã hết liền đọa vào cõi ác. Giống như loài chim bị bẻ gãy đôi cánh, trong khoảng khắc liền rơi xuống đất chịu nhiều đau khổ. Vì vậy, các ông phải tu tập đoạn diệt luân hồi, chóng cầu giải thoát.

Đức Phật nói:

–Này các Tỳ-kheo! Ví như sông, ngòi, mặt đất, mặt trăng, mặt trời, các vì sao, núi Tu-di và các xóm làng và thế giới chưa hoại mà được tồn tại lâu dài, thường còn ở thế gian. Nay kinh điển này cũng như vậy. Thế giới chưa hoại, pháp cũng tồn tại lâu dài.

Ý các ông nghĩ sao? Các ông có thể khiến cho tất cả chúng sinh chấm dứt sự luân hồi!

Các Tỳ-kheo nghe rồi, tín thọ phụng hành.