PHẬT THUYẾT THANH TỊNH TÂM KINH

Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Một thời, Đức Phật cùng đại chúng Tỳ-kheo trú tại vườn Kỳ thọ Cấp cô độc ở nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các ông hãy lắng nghe! Thanh văn nào tu tập chánh hạnh mong được tâm thanh tịnh thì phải đoạn trừ năm pháp chướng ngại, tu tập bảy pháp mới đạt được viên mãn.

Năm pháp ấy là gì? Đó là sân hận, tham dục, thùy miên, trạo cử và nghi hoặc.

Các ông phải tinh tấn đoạn trừ năm chướng ngại này mới được tâm thanh tịnh.

Lại nữa, sao gọi là bảy pháp? Đó là: Trạch pháp, niệm, tinh tấn, hỷ, khinh an định và xả.

Các ông phải siêng năng tu tập bảy pháp này thì tâm mới được thanh tịnh.

Này các Tỳ-kheo! Tâm thanh tịnh là tâm hiểu biết hay tâm giải thoát tăng trưởng, tuệ giải thoát tăng trưởng. Do tham làm nhiễm ô, khiến cho tâm trở nên bất tịnh. Do vô minh ràng buộc, khiến cho trí tuệ trở nên bất tịnh.

Tỳ-kheo nào đoạn trừ tham thì đạt được tâm giải thoát; đoạn trừ vô minh thì đạt được trí tuệ giải thoát.

Tỳ-kheo lìa tham nhiễm ô đạt được tâm giải thoát. Đây gọi là thân tác chứng: Đoạn trừ vô minh đạt được trí tuệ giải thoát đây gọi là vô học. Xa lìa tham ái, biết rõ chánh trí chân thật, hiện tại chứng được đạo quả, đoạn tận vô số khổ.

Này các Tỳ-kheo! Ta đã giảng nói như thế, các ông nên nhẫn nại tu tập.