PHẬT NÓI KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư An Thế Cao, người nước An tức.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ngồi bên gốc cây trong vườn Lộc dã, nước Ba-la-nại.

Khi ấy có hàng ngàn Tỳ-kheo và chư Thiên tập hội đầy cả hư không.

Có pháp luân tự nhiên bay đến ngay trước Đức Phật. Đức Phật lấy tay vỗ pháp luân, nói:

–Hãy ngừng lại! Ta từ vô số kiếp đến nay, vì luân chuyển theo Danh sắc nên thọ khổ vô cùng. Ngày nay si ái đã chấm dứt, lậu hoặc đã giải, các căn đã định, đã đoạn sanh tử, không còn luân chuyển trong năm đường nữa. Bánh xe liền ngừng lại.

Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Thế gian có hai việc rơi vào hành động cực đoan. Người đệ tử xuất gia hành đạo trọn đời không nên theo cực đoan ấy.

Những gì là hai? Một là tâm niệm đắm trong tham dục, không có chí khí thanh tịnh, hai là yêu mến thân xác không chịu tinh tấn. Vì vậy bị rơi vào hành động cực đoan, không gặp được Phật và bậc Chân nhân đạo đức. Tỳ-kheo nào không tâm niệm về tham dục, không yêu mến thân xác, là thuận theo ở giữa. Đức Như Lai khi chứng Chánh giác, đắc nhãn, đắc tuệ, vượt trên hai cực đoan, tự chứng Niết-bàn.

Thế nào là thuận theo ở giữa? Nghĩa là theo tám Chánh đạo. Một là Chánh kiến, hai là Chánh tư, ba là Chánh ngôn, bốn là Chánh hành, năm là Chánh mạng, sáu là Chánh trị, bảy là Chánh chí, tám là Chánh định. Này các Tỳ-kheo, đây là đạo chưa từng được nghe, nay Ta đã thấu đạt, là chân đế về Khổ nên đã được nhất tâm, đắc nhãn, đắc thiền tư, đắc tuệ kiến, giác ngộ giải thoát. Ta đã biết chân đế về Khổ tập, Khổ tận nên đắc nhãn, đắc thiền tư, tuệ kiến, giác ngộ, giải thoát; như vậy là Tận chân đế (Diệt đế).

Thế nào là Khổ? Đó là sanh lão khổ, bệnh khổ, ưu, bi, não khổ, oán ghét gặp nhau là khổ, yêu thương ly biệt là khổ, cầu chẳng được là khổ; tóm lại năm thọ ấm bốc cháy là khổ.

Thế nào là Khổ tập? Nghĩa là từ tham ái nên sanh ưa thích, tham hỷ chỗ này chỗ kia, dục ái, sắc ái, vô sắc ái, chính Tập này sanh ra khổ.

Thế nào là Khổ tận? Là giác ngộ hỷ lạc từ ái phát sanh, nên xả ly tham ái, xả ly tham ái không còn gì, xả ly không phát sanh trở lại; như vậy là Khổ tập tận.

Thế nào là con đường đưa đến diệt tận Khổ tập? Đó là tám Chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư, Chánh ngôn, Chánh hạnh, Chánh mạng, Chánh trị, Chánh chí, Chánh định. Đó là chân đế về con đường đưa đến diệt tận khổ tập.

Lại nữa này Tỳ-kheo, Khổ là chân đế, Khổ tập là chân đế, Khổ tập tận là chân đế, Khổ tập tận đạo là chân đế. Trước đây đối với pháp chưa từng nghe ấy, chính Ta đã tu tập thiền quán niệm, tuệ kiến, giác niệm nên ý được giải thoát. Nếu tu tập pháp Tứ đế chưa từng nghe này, thì sẽ được đạo nhãn, tuệ kiến sanh, giác niệm sanh khiến tâm ý được giải thoát. Nếu các thầy thông suốt pháp Tứ đế chưa từng nghe này, thì cũng sẽ được đạo nhãn, tuệ kiến sanh, giác niệm sanh, khiến ý được giải thoát.

Đây là ba lần chuyển Tứ đế hợp thành mười hai hành. Nếu biết mà chưa chứng được, thì Ta không đối với tất cả thế gian chư Thiên, loài người, Phạm, Ma, Sa-môn, Phạm chí, tự biết đã chứng đắc giới, định, tuệ, giải thoát tri kiến, đó là bốn pháp tối thượng, không còn trở lại đời sau, thoát khỏi luân hồi, không còn đau khổ.

Khi Phật dạy như vậy, Hiền giả A-nhã-câu-lân và tám ngàn chư Thiên xa lìa mọi trần cấu, pháp nhãn sanh. Ngàn vị Tỳ-kheo nghe pháp dứt sạch lậu tâm, ý giải thoát, đắc A-la-hán, đoạn tận phiền não tập pháp ở trên. Âm thanh của Đức Thế Tôn ba lần chuyển pháp luân, tất cả chư Thiên và thế gian đều nghe biết, cho đến trời đệ nhất Tứ thiên vương, trời Đao-lợi, trời Diệm-ma, trời Đâu-thuật, trời Bất khiêu lạc, trời Hóa ứng thanh, tới các cõi trời Phạm thiên trong khoảnh khắc thảy đều nghe thấy.

Khi ấy, ba ngàn cõi Phật, một vạn hai ngàn trời đất đều chấn động mạnh, đó là vì Đức Phật Thế Tôn lần đầu tiên chuyển pháp luân vô thượng chưa từng được chuyển, độ vô số Thiên, Nhân được đắc đạo.

Phật thuyết giảng pháp này, mọi người đều hoan hỷ.