KINH CHƯ PHÁP TỐI THƯỢNG VƯƠNG

Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người miền Bắc Ấn Độ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Khi thuyết pháp này, Đức Thế Tôn đang ở tinh xá Ca-lan-đà, rừng Trúc lâm, thuộc thành Vương xá, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm đủ một ngàn hai trăm năm mươi vị, do cựu búi tóc Ưu-lâu-tầnloa Ca-diếp dẫn đầu, tất cả đều chứng A-la-hán, các lậu đã sạch, những việc cần làm đã làm, vứt bỏ gánh nặng, đạt được lợi cho riêng mình, chấm dứt các phiền não, tâm trí chân chánh, giải thoát, đến được bờ bên kia một cách tự tại, chỉ trừ một vị, đó là Mạng giả Anan-đà.

Lúc ấy, vào ngày rằm Đức Thế Tôn ngồi bố tát giữa đất trống, chúng Tỳ-kheo cung kính vây quanh, hướng về phía Đức Phật. Có một Tỳ-kheo mới, xuất gia chưa bao lâu, được thọ giới Cụ túc, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, nhiễu phải ba vòng, chắp tay bạch:

–Bạch Thế Tôn! Con mới xuất gia, hôm nay lại được thọ giới. Xin Thế Tôn vì con thuyết giảng, vì sao thọ thức ăn ở làng xóm gọi là thọ thức ăn lành? Vì sao thọ thức ăn rồi là được ruộng phước sạch, sẽ được lợi ích bậc nhất?

Bạch rồi Tỳ-kheo ấy lại nói kệ:

Con chỉ mới xuất gia
Ngày nay thọ đủ giới
Thế Tôn vì con thuyết
Làm sao được tịnh thí.
Con vì đạo tu hành
Bỏ nhà không chỗ ở
Tịnh thí là như vậy
Vì con thuyết nghĩa này.

Phật bảo Tỳ-kheo:

–Ông hãy khéo nghe và khéo nghĩ cho đúng. Ta sẽ giảng nói cho ông. Tỳ-kheo không giả dối, thọ thức ăn ở xóm làng, thọ sự ban cho trong sạch. Cho nên thiện nam, thiện nữ bỏ nhà đến chốn không nhà, tu hành hạnh vô thượng sẽ được nơi rốt ráo hơn. Tỳ-kheo như vậy, là gia nhập trong chúng Tăng, hành động theo Tăng và cùng hưởng lợi dưỡng của Tăng. Đầy đủ ba pháp này, không uổng thọ thức ăn ở xóm làng, thọ sự ban cho trong sạch, được lợi ích bậc nhất. Rồi Thế Tôn nói kệ:

Chúng sinh nhập chúng Tăng
Nhớ nghĩ, hành động Tăng
Được hưởng lợi của Tăng
Được phước cho trong sạch.

Tỳ-kheo bảo Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nay con nghe Phật giảng nói giáo nghĩa sơ lược như vậy con không hiểu rõ nghĩa này. Bạch Thế Tôn! Vì sao Tỳ-kheo phải nhập trong chúng Tăng, phải dự vào hành động của Tăng và dự lợi dưỡng của Tăng. Rồi Tỳ-kheo lại nói kệ:

Vì sao nhập chúng Tăng
Thấy và hành như Tăng
Vì con nói Tăng lợi
Nghe rồi, con hiểu rõ.

Phật dạy Tỳ-kheo:

–Hãy chú ý lắng nghe! Ta sẽ nói cho ông rõ về Tăng, hành động Tăng và lợi ích Tăng.

Tỳ-kheo bạch:

–Bạch Thế Tôn! Con rất muốn nghe điều đó.

Phật nói:

–Sao gọi là Tăng? Tăng là những người đủ bốn hướng, bốn quả là tám Đấng, nên gọi là Tăng. Nên khéo dâng thức ăn và chắp tay hướng về các vị ấy. Đấy là nơi có thể được sự ban cho trong sạch, gọi là ruộng phước. Các trời và người đều phải cúng dường. Rồi Thế Tôn nói kệ:

Nay ta nói về người
Đủ bốn đôi tám đấng
Các vị ấy là Tăng
Là ruộng phước cao tột.

Này Tỳ-kheo! Sao gọi là hành động của Tăng? Hành động của Tăng là thực hành bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy phần Giác ngộ, tám Thánh đạo. Đó là hành động của Tăng. Rồi Thế Tôn nói kệ:

Siêng cầu đạo Tối thắng
Gọi là tám Thánh đạo
Chánh nghiệp của vị
Tăng Được ta nói như vậy.

Này Tỳ-kheo! Sao gọi là lợi dưỡng của Tăng. Những lợi dưỡng của Tăng là bốn quả Sa-môn. Những gì là bốn?

  1. Quả Tu-đà-hoàn.
  2. Quả Tư-đà-hàm.
  3. Quả A-na-hàm.
  4. Quả A-la-hán.

Đấy là lợi dưỡng lớn của Tăng. Nói rồi Thế Tôn nói kệ:

Thân lớn lợi ích lớn

Những vị Tăng như thế

Được bốn quả Sa-môn

Trong sạch nơi phước thí.

Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Theo như Thế Tôn đã nói, gia nhập trong chúng Tăng, dự vào hành động Tăng và dự lợi dưỡng của Tăng, thì người kia sẽ khéo thọ những thức ăn ban cho ở các xóm làng, thọ nhận sự ban cho trong sạch, được phước lợi bậc nhất. Bạch Thế Tôn! Nếu lại có người phát tâm nơi Đại thừa, vì trí Biến tri mà bỏ nhà xuất gia. Những vị đó có dự vào trong Tăng không? Dự vào hành động của Tăng không? Dự vào lợi dưỡng của Tăng không?

Phật nói:

–Lành thay, Tỳ-kheo! Ông một lòng đối với Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, mới có thể suy nghĩ mà hỏi nghĩa này. Tỳ-kheo! Ông là người giỏi khéo biện tài và có sự điềm an lành lớn lao, mới khéo hỏi nghĩa này. Tỳ-kheo! Ông khéo léo nghĩ suy nên mới hỏi Như Lai nghĩa này. Tỳ-kheo! Những điều này, đều nhờ oai lực của Phật, đã khiến cho ông phát sinh biện tài như vậy, muốn hỏi nghĩa này, cũng do nguyện lực từ xưa của ông, mới hỏi được như vậy. Thế nên Tỳ-kheo! Hãy khéo lắng nghe, khéo nhớ nghĩ, ta sẽ nói cho ông rõ.

Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Lành thay! Nay con muốn nghe.

Phật nói:

–Tỳ-kheo! Ý ông thế nào? Người kia phát tâm Đại thừa vì trí Biến tri, bỏ nhà xuất gia. Người đó có dự vào trong Tăng không? Dự hành động Tăng không? Được lợi dưỡng của Tăng không? Này Tỳ-kheo! Chúng sinh ấy không được gia nhập trong Tăng, hành động, lợi dưỡng của Tăng cũng không được dự. Rồi Thế Tôn nói kệ:

Người ấy phát Bồ-đề
Không dự hàng chúng Tăng
Không hành động chúng
Tăng Lợi dưỡng, cũng không dự.

Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì lý do gì mà người đó xuất gia đã cố gắng hưởng thọ thức ăn ở xóm làng, nhưng không dự trong hàng Tăng, hành động, lợi dưỡng của Tăng cũng không dự?

Bạch Thế Tôn! Vì sao những hạng người đó có thể là phước ban cho trong sạch, nhưng không dự vào trong Tăng, hành động và lợi dưỡng của Tăng, đều cũng không được dự?

Phật nói:

–Tỳ-kheo! Ông cần gì phải hỏi điều không nên hỏi.

Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Làm sao có thể là sự ban cho phước trong sạch?

Phật nói:

–Tỳ-kheo! Ông cần gì phải hỏi điều không nên hỏi.

Tỳ-kheo lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Người kia không dự vào trong Tăng, hành động và lợi dưỡng của Tăng cũng không được dự, làm sao có thể là sự ban cho phước lành trong sạch?

Bấy giờ, Thế Tôn thấy Tỳ-kheo kia đã thỉnh cầu ba lần, liền mỉm cười và hiện thần thông. Dựa vào loại thần thông mà biến hiện. Tướng lông giữa chặn mày phát ra nhiều ánh sáng lớn. Ánh sáng đó, lại có vô lượng trăm ngàn màu sắc khác nhau. Sức oai thần của ánh sáng, chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, chiếu sáng đến chúng sinh ở trong biển lớn. Ai chưa từng thấy nghe những ánh sáng này, nay mới thấy, cho nên kinh hãi rợn tóc gáy. Trời Phi tưởng phi phi tưởng cũng đều một suy nghĩ này. “Do sức oai thần của Phật, nên biết những ánh sáng này, phát ra từ giữa chặn mày của Phật, thấy những ánh sáng này rồi, ai cũng kinh hãi, rợn tóc gáy”.

Ở tam thiên đại thiên thế giới, từ trời Tứ Thiên vương cho đến trời cõi Sắc, trời cõi Vô sắc tất cả đều đến tinh xá Ca-lan-đà, trong vườn Trúc lâm, thuộc thành Vương xá. Đến rồi, đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu bên phải vô lượng trăm ngàn vòng, đứng trước Phật, chắp tay, cúi mình, cung kính nhớ nghĩ chân chánh, không động không dựa, mắt không hề nháy, sinh tâm tôn trọng, tâm yêu kính, tâm vui mừng, tâm sung sướng, tâm thọ nhận, tâm nhu mềm, tâm trong sạch, tâm không chướng ngại. Rất muốn được nghe pháp, đứng sang một bên.

Khi ấy, tam thiên đại thiên thế giới, có sức oai thần lớn của các Trời, các Rồng, Dạ-xoa, La-sát, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Người và không phải người, các chủ loài Trời, chủ loài Rồng, chủ Dạ-xoa, chủ Càn-thát-bà, chủ A-tu-la, chủ Ca-lầu-la, chủ Khẩn-na-la, chủ Ma-hầu-la-già, chủ loài người và chủ không phải loài người; từ dưới đất, cho đến trên cao, đều đầy kín không trống một chỗ nào. Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di của tam thiên đại thiên thế giới cùng đủ loài chúng sinh sống trên mặt đất của các thế gian, nhờ sức oai thần của Phật, đều thấy được những ánh sáng của Phật, lòng kinh hãi rợn tóc gáy. Ví như trượng phu có sức mạnh lớn co duỗi cánh tay trong chốc lát. Cũng vậy, nhờ sức oai thần của Phật, chỉ trong một niệm đều hướng về tinh xá Ca-lan-đà ở rừng Trúc lâm, thành Vương xá, đến đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh phải ba vòng, đứng trước Phật, chắp tay, nhớ nghĩ chân chánh, cúi mình cung kính, sinh tâm tôn trọng, tâm kính yêu, tâm vui mừng, tâm vui hớn hở, tâm thọ lãnh, tâm nhu mềm, tâm trong sạch, tâm không chướng ngại. Chiêm ngưỡng Thế Tôn, mắt không hề chớp, thân đó không động, rồi đứng một bên.

Tam thiên đại thiên thế giới này, hoặc trong, ngoài thành, hoặc chỗ bị che khuất, có nhiều sông lớn nhỏ, từ nguồn xuất phát, các dòng nước đều chảy thuận dòng, âm thanh nhẹ nhàng. Lại ở bên trong, các chỗ bị ngăn che trong hư không, đủ loại chim, cất tiếng hót véo von. Nhờ sức oai thần của Phật, các âm thanh đều hòa hợp tương ưng. Voi, ngựa, trâu, dê cho đến trâu núi, trâu nước; nhờ sức oai thần của Phật, đều ở yên chỗ mình. Các chúng sinh sống ở biển, nhờ sức oai thần của Phật, mỗi loài tự phân chia chỗ sống, không xâm lấn gây khổ cho nhau. Các trời ở thế giới này, nhờ sức oai thần của Phật, đều đứng im lặng, âm thanh cõi trời cũng không vang tiếng. Chúng sinh ở các cõi ác, tánh độc ác mạnh mẽ; cho đến các loài hay chống đối nhau, tất cả đều được an vui; đều nhờ sức oai thần của Phật, nên chỉ trong một niệm mà tất cả đều thương mến nhau, giống như bạn thân, tâm được lợi ích, tâm an vui, tâm nhu mềm, tâm tạo các việc làm tốt, tâm vui mừng, tâm trong sạch, tâm không chướng ngại; hình dạng, mặt mày đều tươi vui, lời nói nhẹ nhàng, không nhanh không chậm, nói ra điều gì, cũng được mọi người yêu mến. Già trẻ, trung niên đều thích.

Ngay trong lúc này, cả ba ngàn thế giới không có một tiếng tằng hắng. Nhờ sức oai thần của Phật, chúng sinh đều đứng im lặng. Gió thổi nhẹ nhàng mà thơm, chúng sinh thích thú đứng ngắm, lòng rất vui mừng, gió cũng không thổi động các cành cây hoa lá cỏ. Đều nhờ sức oai thần của Phật, mới có việc như vậy.

Giống như bậc La-hán, nhập vào định diệt tận, không còn hơi thở ra vào. Các đại chúng đứng im lặng, cũng như vậy. Vì chúng Tỳkheo kia, nhờ vào sức công đức thù thắng đời trước giúp đỡ và nhờ sức công đức thù thắng của Phật giúp đỡ.

Bấy giờ, Mạng giả Xá-lợi-phất biết mọi người đều im lặng, nương sức oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch một bên vai áo, theo cách của chúng Tăng, gối phải sát đất, chắp tay, cúi mình, một lòng ngắm nhìn mến mộ; vì muốn cho đại chúng được lợi ích an ổn, tâm trong sạch không chướng ngại; muốn được nghe pháp môn, mà Tỳ-kheo kia đã hỏi Phật, muốn biết lý do Đức Phật phóng những luồng ánh sáng và cũng vì chư Thiên loài người đều đến tập hợp, nên mạnh dạn thưa với Phật:

–Bạch Thế Tôn! Có nhân duyên gì mà Như Lai mỉm cười và phóng hào quang. Hiện điềm tốt lành là có lý do, cho đến chư Thiên cũng đều đến tập trung rất im lặng. Rồi Xá-lợi-phất nói kệ:

Chư Phật tối thắng có nguyên nhân Vì sao Phật hiện tướng tốt lành? Xin Thế Tôn giảng nói nghĩa này Vì duyên gì hiện thần thông lớn?

Hơn trăm ngàn chúng sinh
Và hơn na-do-tha
Đều đến đây tập hợp
Vì thấy thần thông này.
Thế Tôn vì nhân gì
Mà lại có duyên này?
Cớ gì các đại chúng
Hôm nay đến đây họp?
Phật biết rõ điều này
Do đâu người tập họp
Xin Thế Tôn thương con
Vì con giải nghĩa cho.
Các trời, người thế gian
Đều khởi lòng tôn kính
Chắp tay hướng về Phật
Chiêm ngưỡng Lưỡng Túc Tôn.
Các trời bỏ cung điện
Con trời cùng đến đây
Tôn trọng để nghe pháp
Chiêm ngưỡng Lưỡng Túc Tôn.
Rồng cũng lìa bỏ cung
Vô lượng đều đến đây
Phật nên nói lý do
Nghĩa sự thần biến này.
Dạ-xoa bỏ cung điện
Nhiều Dạ-xoa đến đây
Nay Phật nên giảng nói
Ý nghĩa thần biến này.

Xá-lợi-phất nói kệ rồi, đứng im lặng. Thế Tôn nói kệ:

Là Trượng phu Phạm âm
Rống tiếng sấm vang động
Vì Xá-lợi-phất, nói
Nghĩa thần biến thế này:
Có một Tỳ-kheo mới
Xuất gia thọ đủ giới
Tỳ-kheo ấy hỏi ta
Các hàng Đại Bồ-tát.
Vì sao khi xuất gia
Hành động như thế nào?
Thọ thức ăn xóm làng
Sao gọi là tịnh thí.
Xá-lợi! Vì nghĩa đó
Hào quang giữa chặn mày
Phóng oai đức rộng lớn
Chiếu khắp cả thế giới.
Chính vì lý do này
Chư Thiên đến tập hợp
Chắp tay rất cung kính
Chiêm ngưỡng Lưỡng Túc Tôn.
Xá-lợi! Chính ý này
Rồng, Dạ-xoa đều đến
Mây sấm chớp nổi tan
Đến chỗ của Như Lai.
Xá-lợi! Chính vì thế
Nhiều chúng sinh tập trung
Đều đắc A-la-hán
Sạch lậu, đến Niết-bàn.
Xá-lợi! Vì nghĩa này
Vô số chúng tập họp
Đều phát tâm như vậy
Điều kiện đến Độc giác.
Xá-lợi-phất! Chính vậy
Vô số chúng tập hợp
Mặc áo giáp trang nghiêm
Ở nơi trí tuệ Phật.
Xá-lợi-phất! Chính vậy
Nhiều người đến tập hợp
Không thoái tâm Đại thừa
Đắc Bồ-đề tối thắng.
Nghe ý nghĩa này rồi
Nên được Phật thọ ký
Rất nhiều người làm ác
Hối hận quyết không làm.
Nghe nói câu nghĩa này
Ở đời mạt pháp sau
Ngàn ức số chúng sinh
Trụ nơi đạo tối thắng.
Trừ Bồ-tát đã chứng
Ở đời mạt pháp sau
Nếu giữ được kinh này
Trọn không có việc ấy.
Trừ Bồ-tát đã chứng
Ở đời mạt pháp sau
Nếu ai nghe kinh này
Kẻ vô trí, không tin.
Chúng sinh kia tin ít
Không thể phát Bồ-đề
Nếu khi nghe kinh này
Vô số người nghi hoặc.
Nếu không tin kinh này
Thường ở trong sinh tử
Địa ngục là chỗ đi
Súc sinh là vườn rừng.
Ở cõi trời, cõi người
Đều phá, không có phần
Không phá hoại kinh này
Ở đời mạt pháp sau.
Các trời và loài người
Đều chứng A-la-hán
Nếu nói những điều trên
Mà sinh tâm nghi hoặc.
Chứng được đạo Độc giác
Ở khắp mười phương cõi
Nếu nói những điều trên
Tâm không sinh nghi ngờ.
Không có không tu thiện
Được nghe nói như vậy
Nếu thành tựu nghĩa này
Mới nghe được đạo này.
Vì các hàng Bồ-tát
Ta thuyết kinh pháp này
Trong chúng tu hành rồi
Sẽ thành Lưỡng Túc Tôn.

Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất:

–Vị Tỳ-kheo kia mới xuất gia chưa được bao lâu, ngày nay được thọ giới, đến hỏi ta: “Người phát tâm Đại thừa, làm sao hưởng thọ được thức ăn của xóm làng mà gọi là khéo thọ thực. Thọ thực rồi có thể làm ruộng phước cho thí chủ”. Xá-lợi-phất! Vị Tỳ-kheo đó đã hỏi ý như vậy nên vô lượng a-tăng-kỳ, trăm ngàn na-do-tha chúng sinh đến đây tập hợp, muốn nghe ta thuyết nghĩa này.

Xá-lợi-phất! Nay ta muốn giải thích, trình bày, phân biệt nghĩa này, để cho người kém cỏi được dễ hiểu, vô lượng chúng sinh được lợi ích lớn.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nay đã đúng lúc, xin Thế Tôn vì con giảng thuyết.

Phật nói:

–Xá-lợi-phất! Nếu khi ta nói nghĩa này, hoặc có chúng sinh tâm mê muội là vì sao? Vì vị có lòng bố thí đó, không thể suy nghĩ về sự bố thí, giữ giới, về sự nhịn nhục, sáng suốt tấn tới, thiền định, trí tuệ. Vì bậc có tiếng rống lớn sư tử không thể nghĩ bàn. Vì đại chúng sinh này không thể nghĩ về pháp. Vì các phàm phu và Nhị thừa đó không thể phân biệt, tin tưởng, thâm nhập, hiểu biết, chỉ trừ có Đại Bồ-tát không thoái.

Xá-lợi-phất! Ta thấy việc này như vậy, nên ba lần Tỳ-kheo kia thỉnh cầu mà vẫn im lặng không đáp.

Xá-lợi-phất lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn là Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, xin vì con mà giảng nói, để có thể khiến cho nhiều chúng sinh được lòng tin chân chánh.

Phật nói:

–Xá-lợi-phất! Nếu khi ta giảng thuyết nghĩa này, chúng sinh mê muội. Vì sao? Vì việc ban cho các pháp đều không thể nghĩ. Vì ta thấy điều này, cho nên tuy ông thỉnh ba lần mà vẫn im lặng không thuyết.

Xá-lợi-phất lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Vì lợi ích an vui của nhiều chúng sinh, vì lòng thương xót họ, cúi xin Thế Tôn, vì con nói nghĩa trên. Ở đời vị lai, có Đại Bồ-tát nào, phát tâm Đại thừa nghe nghĩa này, sinh lòng yêu kính tôn trọng sẽ được niềm tin chân chánh, tu hành nhiều nghiệp lành, mặc áo giáp lớn để tự trang nghiêm thân mình.

Bấy giờ, Thế Tôn thấy Xá-lợi-phất, ba lần cung thỉnh, nên bảo Xá-lợi-phất:

–Đại Bồ-tát không cần sự tịnh thí. Vì sao? Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến thành đạo, sự tịnh thí luôn rốt ráo. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát thành tựu ruộng phước cho các chúng sinh, nên các chúng sinh nhờ đó, được đầy đủ sự an vui, dù có cúng dường Bồ-tát cũng không thể báo được ân của Bồ-tát. Rồi Thế Tôn nói bài kệ:

Giả sử như có người
Phát tâm cầu Phật trí
Từ mới phát đến nay
Là ở trong tịnh thí.
Còn nếu như có người
Phát tâm cầu Phật đạo
Không cần tu tịnh thí
Vì vốn đã tịnh rồi.
Các trời, người thế gian
Thường siêng năng tinh tấn
Bậc dũng kiện vâng giữ
Trí tuệ Đại Bồ-tát.
Đạo của trời và người
Đều do Bồ-tát thành
Bậc trí một phát tâm
Đã trong sạch các thí.
Không nương cõi Dục, Sắc
Cùng với cõi Vô sắc
Bằng tâm không nương dựa
Các thí đều đã sạch.

Đọc kệ rồi, Thế Tôn lại bảo Xá-lợi-phất:

–Xá-lợi-phất! Ta sẽ dùng ví dụ, để ông hiểu rõ nghĩa này. Vì sao? Vì ta dùng ví dụ, là để cho người có trí, hiểu rõ nghĩa này, một cách chân chánh. Xá-lợi-phất! Giả sử có Bồ-tát, hưởng thọ y phục của chúng sinh cúng dường, nhiều khắp cả cõi Diêm-phù. Từ lúc mới phát tâm, ngày nào cũng thọ hưởng. Y phục như vậy đều có thể là sự tịnh thí. Vì sao? Vì Bồ-tát đó, là ruộng phước cao tột đối với các chúng sinh.

Xá-lợi-phất! Ví như có Bồ-tát, hưởng thọ thức ăn của chúng sinh cúng dường, lớn như núi Tu-mê-lưu. Từ lúc phát tâm, ngày nào cũng nhận dùng. Thức ăn như vậy đều có thể là tịnh thí. Vì sao? Vì Bồ-tát, đối với các chúng sinh, là ruộng phước cao tột.

Xá-lợi-phất! Ví như có Bồ-tát hưởng thọ những vật nằm ngồi của chúng sinh cúng dường, nhiều khắp cả bốn châu thiên hạ, cao như núi Tu-mê-lưu, đem bảy báu đến để trang sức, dùng thiên y trải lên, y đó rất mềm mại mịn màng, tất cả cũng chất cao như núi kia. Từ lúc mới phát tâm, ngày nào cũng nhận dùng. Vật nằm ngồi tốt đẹp như vậy đều có thể là tịnh thí. Vì sao? Vì Bồ-tát ruộng phước cao tột đối với các chúng sinh.

Xá-lợi-phất! Nếu như có cung điện nhiều lầu cao quý báu, cửa sổ của nhiều lầu ấy, trang hoàng bằng cờ, lọng, chuông, rèm, đủ loại màu sắc. Có bảy báu làm thành bảy lớp tường bao quanh, giống như cung điện ở cõi trời Tha hóa tự tại; cũng có vô lượng cây Kiếp-ba, cây Âm nhạc, cây hương hoa quả, cây chuỗi ngọc, mỗi một nơi đều trưng bày vô số bình xông hương, đủ các loại hoa, ao thì đầy nước tám phần, đẹp mà lại trong vắt, không chút cáu bẩn, không bùn nhơ. Hoa che ở trên, dưới đáy thì cát vàng, màu nước trong suốt, giống như ngọc lưu ly, lan can có bảy báu bao bọc xung quanh bảy vòng. Bốn hướng chính, đều có lối đi, treo các loại tơ lụa và để bình báu, đủ màu sắc rất đẹp. Trong đó, có vô lượng trăm ngàn na-do-tha tòa, làm bằng bảy báu, Đông, Tây, Nam, Bắc đều trải tòa, đốt hương, rải hoa, dùng màn báu che lên.

Xá-lợi-phất! Ví như có tòa báu, cung điện báu như trên, mà chúng sinh đều dâng cúng lên Bồ-tát. Bồ-tát nhận lấy. Từ lúc mới phát tâm, ngày nào cũng hưởng thọ, tất cả đều có thể là sự ban cho trong sạch. Vì sao? Vì Bồ-tát là ruộng phước cao tột đối với các chúng sinh.

Xá-lợi-phất! Ông nên biết! Pháp lành ở thế gian và xuất thế gian đều do Bồ-tát phát sinh ra. Đó là đại gia Sát-đế-lợi, đại gia Bàla-môn, đại gia trưởng giả; hoặc vua, vua Chuyển luân; hoặc trời Tứ Thiên vương, trời Tam thập tam, trời Tu-dạ-ma, trời San-đâu-suấtđà, trời Thiện hóa, trời Tha hóa tự tại và trời Sắc giới, Vô sắc giới; hoặc trụ ở quả thứ nhất, cho đến quả thứ tư; hoặc hướng đến Độc giác và đắc Độc giác, đắc đạo Vô thượng chánh biến tri, chuyển pháp luân. Nếu người nào, nghe được chánh pháp đã thuyết, mà thọ giữ tu hành, tu hành thọ giữ rồi, tức là trụ ở bốn quả Thanh văn, cho đến phát tâm cầu Độc giác, hoặc phát tâm Vô thượng Chánh Biến Tri. Nếu nghe nói bố thí, liền tu hạnh bố thí. Tu rồi được sinh trong gia đình Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả cho đến địa vị Chuyển luân vương. Nếu nghe nói về giới liền tu giới nghiệp. Tu rồi, được sinh ở trời Tứ Thiên vương, cho đến trời Tha hóa tự tại. Nếu nghe diễn thuyết về bốn Tâm vô lượng. Nghe rồi tu hành, tu hành rồi, được sinh ở cõi Sắc và Vô sắc. Xá-lợi-phất! Vì thế nên biết, tất cả điều này đều do Bồ-tát phát sinh.

Xá-lợi-phất! Ví như vua rồng A-na-bà-đát-bá-đa, dùng sức oai thần của mình, mà chia ra bốn sông lớn. Đó là sông Hằng-già, sông Tân-đậu, sông Bạc-xoa, sông Tư-đa. Bốn con sông như vậy, mỗi con đều có năm trăm sông nhỏ làm quyến thuộc. Sông Hằng-già và các quyến thuộc, chảy vào biển phía Đông, để biển kia được tràn đầy. Sông Tân-đậu và quyến thuộc, chảy vào biển phía Nam, để biển kia được tràn đầy. Sông Bạc-xoa và quyến thuộc, chảy vào biển phía Tây để biển kia được tràn đầy. Sông Tư-đa và quyến thuộc, chảy vào biển phía Bắc để biển kia được tràn đầy.

Ý ông thế nào? Bốn sông lớn này và quyến thuộc, lần lượt chảy vào biển, thực hành đúng chỗ. Chúng sinh bốn phương có lợi ích không?

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Làm được vô biên lợi ích đối với chúng sinh. Người và không phải loài người, đều thấm nhuần được lợi ích lớn. Những ruộng lúa, đậu, mì ở gần sông đều được thấm nhuần.

Phật bảo:

–Xá-lợi-phất! Ý ông thế nào? Bốn biển kia do ai làm cho đầy đủ tràn trề?

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Do bốn con sông này làm cho sung mãn.

Phật nói:

–Xá-lợi-phất! Ý ông thế nào? Bốn con sông đó, có lợi ích, đối với các chúng sinh không?

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh ở dưới nước hay ở đất liền, đều được lợi ích lớn. Đó là các loại rùa, cá… người bắt cá, đó là Dạxoa, La-sát, A-tu-la, Tất-xá-giá-long-xà, Ma-hầu-la-già và vô lượng các loại chúng sinh khác. Hoặc các chúng sinh ở cung điện, nhà cửa. Nơi đó đủ các loại báu vật như san hô, lưu ly, như các báu vật trong suốt ở trời Đế Thích, như xa cừ, ma-ni đủ loại châu báu, cùng vô số các báu vật đều từ biển cả sinh ra, tạo đủ các thứ đồ dùng để làm lợi ích. Lợi ích cho người sử dụng rất nhiều.

Phật nói:

–Xá-lợi-phất! Ý ông thế nào? Nước của bốn con sông lớn từ đâu chảy ra?

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Từ ao A-na-bà-đát-bá-đa phát sinh ra.

Phật nói:

–Xá-lợi-phất! Vua rồng A-na-bà-đát-bá-đa đã thoát khỏi ba điều sợ hãi. Những gì là ba?

  1. Sợ chim cánh vàng.
  2. Sự cát nóng đốt cháy.
  3. Khi muốn hành dâm sợ hóa làm hình rắn.

Ba điều sợ hãi ấy đã thoát rồi.

Xá-lợi-phất! Long cung của vua rồng A-na-bà-đát-bá-đa, chỉ có các vị đạt được thần thông, thiền định ở đó. Nếu có người nào vào, hoặc có người nào thấy, đều không bị thiêu cháy.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Long cung kia, có đầy đủ các pháp thù thắng hiếm có, kỳ lạ. Các rồng khác còn có điều sợ hãi, nhưng vua rồng kia thì hoàn toàn không có điều đó. Chúng sinh ở chỗ ấy không sợ hãi điều gì, nhờ những vị đại thần thông có oai đức đang, ở chỗ đó. Bạch Thế Tôn! Chỉ vua rồng A-na-bà-đát-bá-đa mới có đầy đủ vô lượng công đức, phát ra bốn sông lớn, chảy về bốn hướng biển, làm lợi ích an vui cho chúng sinh.

Phật nói:

–Đúng thế! Đúng thế! Xá-lợi-phất nên biết! Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Xá-lợi-phất! Như vua rồng A-na-bà-đát-bá-đa thoát khỏi ba điều sợ hãi. Đại Bồ-tát cũng thoát khỏi ba điều sợ hãi. Những gì là ba?

  1. Sợ hãi ở cõi địa ngục.
  2. Sợ hãi ở loài súc sinh.
  3. Sợ hãi ở cõi ngạ quỷ.

Xá-lợi-phất! Giống như ao lớn A-na-bà-đát-bá-đa phát ra bốn sông lớn, chảy đến bốn hướng. Bồ-tát cũng vậy, dùng bốn pháp thu phục để giáo hóa chúng sinh:

  1. Ban cho.
  2. Nói lời yêu thương.
  3. Cùng tu hành có lợi.
  4. Cùng làm việc với nhau.

Xá-lợi-phất! Như biển lớn kia là xuất phát, từ ao A-na-bàđát-bá-đa. Cũng vậy, Chánh biến tri của chư Phật, phát sinh từ Bồtát. Xá-lợi-phất! Như biển lớn kia, có vô lượng trăm ngàn na-do-tha câu-chi chúng sinh đều sống ở đó và được đầy đủ an vui. Nên biết, chúng sinh các loài ở ba hữu này cũng đều nương vào Biến tri của chư Phật mà an trụ. Đó là sự sống chết ở cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.

Xá-lợi-phất! Do nghĩa này, nên biết các sự an vui ở tam thiên đại thiên thế giới, đều do Bồ-tát phát sinh. Vì sao? Vì Bồ-tát khi phát tâm, liền tu hành. Đã tu hành, liền được thọ ký. Đã thọ ký, thì đắc Vô thượng Chánh đẳng giác. Chứng đắc Bồ-đề rồi liền chuyển xe pháp.

Xe pháp như vậy, trước đây chưa ai chuyển, dù cho Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Ma, Phạm và các chúng sinh khác, cũng không thể chuyển được. Khi đã vì chúng sinh mà chuyển bánh xe pháp, pháp sẽ được vị ấy, giảng nói dù ở đầu, giữa hay sau cuối đều hoàn hảo, nghĩa vị đầy đủ, đơn giản, trong sáng, giảng nói phạm hạnh, để cho bốn chúng biết. Bốn chúng là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưubà-di. Nhờ nhân duyên này mà vô lượng vô số chúng sinh, hưởng thọ được an vui của trời, người không dứt, chấm dứt các khổ não, không lìa các niềm vui.

Xá-lợi-phất! Ý ông thế nào? Pháp vui như vậy, từ đâu phát sinh?

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Phát sinh từ Bồ-tát.

Xá-lợi-phất! Ý ông thế nào? Ông thấy các pháp, được truyền bá trong ba cõi, từ ai mà sinh ra?

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Phát sinh từ Bồ-tát.

Xá-lợi-phất! Ý ông thế nào? Các vật cúng dường ở trong ba cõi, nếu đem dâng cúng tất cả cho Bồ-tát, thì có thể báo được ân đức của Bồ-tát đã làm lợi ích không?

Bạch Thế Tôn! Không! Vì sao? Vì tất cả đều phát sinh từ Bồtát. Bạch Thế Tôn! Như có người nghèo, nghèo khổ không có tiền tài phẩm vật. Có người giàu có, phát tâm Từ bi, đem trăm ngàn vô lượng vô số các tài sản vật báu, cho người nghèo kia. Lại có người nghèo thứ hai, thứ ba; cũng ban cho như vậy, cho đến đem hết các tài vật báu, cho cả trăm ngàn, vô lượng vô số các chúng sinh, khiến họ đều được đầy đủ giàu sang và nếu có bị các nỗi khổ sở, lo sợ, tranh giành, trói buộc, bắt bớ, cũng đều làm cho họ thoát khỏi. Lại còn khiến họ thoát khỏi các nỗi khổ nơi đường ác, khiến cho họ được đầy đủ vô lượng an vui ở trời, người.

Trong chúng sinh đó, có một người dùng ngọc thủy tinh, chia làm trăm phần; lấy một phần trong trăm phần ấy, đem đến chỗ vị ân nhân trước và nói:

–Trước, ông đã làm nhiều điều lợi ích cho tôi. Nay tôi đến báo ân ông.

Bạch Thế Tôn! Người kia đối với chúng sinh đã làm lợi ích lớn. Còn một người, mà chỉ dùng một phần tinh châu, đem cho lại bậc Trượng phu đó, đấy có gọi là báo ân không?

Phật nói:

–Không.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Bạch Thiện Thệ! Đúng vậy! Bồtát kia cũng giống như đại trượng phu làm lợi ích lớn cho chúng sinh. Một người, mà chỉ dùng một phần ngọc thủy tinh, thì không thể báo ân được. Cũng vậy, bạch Thế Tôn! Nếu có người phát tâm Đại thừa, chúng sinh đem lòng vui tùy ý cúng dường, cho đến cúng dường trọn đời. Dù có làm việc như vậy, cũng không thể báo ân được.

Phật nói:

–Rất hay! Rất hay! Xá-lợi-phất! Ông rất khéo thuận theo lời dạy của Phật. Làm những việc xứng đáng đệ tử Phật. Xá-lợi-phất! Nếu các chúng sinh, đem da thịt, gân, máu, xương, tủy của mình; hoặc xả bỏ thân này, cho đến cả trăm ngàn lần, vì muốn làm lợi ích để báo ân Bồ-tát, thì cũng không báo ân được, dù là một phần trăm, cho đến một phần trăm ngàn, một phần a-tăng-kỳ, toán số, thí dụ… cũng không thể báo ân được!

Vì sao? Xá-lợi-phất! Vì nếu ai, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều phải làm lợi ích lớn, đối với các chúng sinh. Xá-lợi-phất! Ví như ở Diêm-phù-đề này, có cây Chiên-đàn-na. Khi mới nảy mầm, bé trai, bé gái nào có bệnh hoạn thì lấy mầm cây này dùng sẽ chữa được bệnh hoạn. Khi ra lá, đàn ông, đàn bà, trai, gái có bệnh hoạn, lấy lá cây này dùng, sẽ hết bệnh ngay. Khi cây to lớn, ai đi vào bóng mát của nó, có bệnh cũng đều trừ diệt được. Sau khi ra quả, ánh sáng của nó, chiếu khắp mười phương thế giới. Nếu có chúng sinh nào, nhớ nghĩ đến ánh sáng này, thì sẽ không bị già, bệnh, chết. Nếu chặt cây này lấy gỗ, cũng không sợ bị nghèo khổ. Cây bị chặt rồi, cũng còn có lợi ích. Nếu lấy cây làm phòng nhà. Ai vào trong nhà đó, những sự sợ hãi đều được diệt trừ, cũng không bị lạnh, nóng, đói, khát.

Như vậy, Xá-lợi-phất! Cây Chiên-đàn-na này, từ lúc nảy mầm, ra lá, hoa, quả, rồi to lớn, cho đến lúc chặt phá để làm nhà, đều làm lợi ích lớn cho các chúng sinh.

Xá-lợi-phất! Nên biết, Đại Bồ-tát khi phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, dùng bốn pháp thu phục để giáo hóa chúng sinh. Đó là sự bố thí, nói lời yêu thương, đem lại lợi ích, cùng làm việc với nhau, để làm cho chúng sinh được an vui. An vui rồi, liền tu tập ba môn giải thoát, đó là Không, Vô tướng, Vô nguyện. Khi đã tăng trưởng điều đó, liền đạt được hoàn toàn pháp Vô sinh nhẫn, cho đến đạt được rốt ráo quả Biến tri. Đắc quả ấy rồi, sẽ nhập cảnh giới đại Niết-bàn vô dư, rồi diệt độ. Khi diệt độ, tự phân Xá-lợi nhỏ như hạt cải, vậy là vẫn trụ ở đời.

Xá-lợi-phất! Như cây Chiên-đàn-na, phá bỏ các nhánh, chỉ lấy

gỗ làm nhà, vậy mà ai đã vào trong nhà đó, thì các nóng bức ham muốn cũng không còn phát sinh lại nữa. Xá-lợi của Như Lai, cũng lại như vậy. Xá-lợi-phất! Nương nghĩa này, nên biết, nếu các thiện nam hay thiện nữ nào, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mới báo được ân đức như đã nói trên kia. Vì sao? Xá-lợi-phất! Vì ai phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức không cắt đứt giáo pháp của Như Lai, không dứt bỏ địa vị Thanh văn, Duyên giác mà ngược lại có thể đoạn trừ các khổ của chúng sinh và nỗi khổ của hàng trời, người.

Xá-lợi-phất! Ý ông thế nào? Có người nào khác, cùng với người kia, giống nhau không?

–Bạch Thế Tôn! Không. Người kia hoặc là Người, Trời, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn hay các chúng sinh khác đem nhiều sự an vui đến cúng dường Bồ-tát, cũng không thể báo được ân đức đã làm trước kia.

–Xá-lợi-phất! Nếu đem hết một kiếp, hoặc ít đi một kiếp, hoặc trăm kiếp, ngàn kiếp, trăm ngàn câu-chi, na-do-tha kiếp cúng dường các sự an vui cho Bồ-tát, thì có thể báo ân được không?

–Bạch Thế Tôn! Không.

–Xá-lợi-phất! Đúng như lời ông nói! Nếu thiện nam, thiện nữ nào, muốn báo đền ân đức kia, thì nên phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, mới có thể cùng người kia giống nhau, là báo được ân đức trên.

–Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy! Như người kia đã lấy của ban cho, mà lại lấy rất ít để hoàn trả lại mà gọi là báo ân được sao! Nếu người ở hiện tại, muốn báo ân, chỉ nên phát tâm Vô thượng. Thiện nam, thiện nữ ở đời vị lai muốn báo ân Vô thượng chư Phật, cũng phải phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy mới được gọi là báo ân.

Xá-lợi-phất! Có hai hạng người đem tâm Vô thượng cúng dường Như Lai. Hai hạng người đó là? Người dứt sạch các lậu và người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy Thế Tôn nói kệ:

Chỉ có hai hạng người
Có thể cúng dường Phật
Sạch lậu, phát Bồ-đề
Đó là hai hạng người.
Các thế gian ba cõi
Cũng không có tài thí
Đem dâng bậc Đại sĩ
Mà gọi là báo ân!
Đủ các sắc, hương, vị
Ưa thích và ca ngợi
Dâng cúng cho vị ấy
Cũng không gọi cúng dường.
Nếu phát tâm Bồ-đề
Thì được quả Bồ-đề
Đấy không phải sự cầu
Là cúng dường trên hết.
Trời, người và thế gian
Và các ma ở đời
Ai cần đều đem cho
Cũng không gọi báo ân.
Dù chỉ có một chút
Cũng không sinh ham muốn
Với các bậc Đại sĩ
Không gọi là cúng dường.
Nếu có người muốn được
Cúng dường cho Đức Phật
Cầu phát tâm như vầy
Cầu nơi đạo Bồ-đề.
Nếu muốn làm công đức
Vô số không thể lường
Nên phát tâm Bồ-đề
Mau làm điều quan trọng.
Nếu muốn cầu thiền định
Muốn tu vô lượng niệm
Nên sinh lòng tinh tấn
Là nhân duyên trí Phật.
Nếu muốn nhiều an vui
Dẹp trừ các nỗi khổ
Cần phải phát tâm này
Là Bồ-đề của Phật.
Nếu muốn thấy vô lượng
A-tăng-kỳ chư Phật
Làm điều tôn quý rồi
Vui sướng phát Bồ-đề.
Nếu người kia muốn đến
Vô biên các thế giới
Nên phát đại tinh tấn
Vui sướng phát Bồ-đề.
Lòng người được sướng vui
Thấy chư Phật quá khứ
Cần phát tâm Bồ-đề
Nên tu hạnh Bồ-tát.
Nếu người muốn mau thấy
Chư Phật đời vị lai
Cần phát tâm Bồ-đề
Nên tu hạnh Bồ-tát.
Nếu người muốn được thấy
Chư Phật đời hiện tại
Người kia luôn được vui
Là do Tu-bồ-đề.
Nếu người khởi lòng Từ
Muốn biến các chúng sinh
Cần sinh tâm như vậy
Là tâm Bồ-đề Phật.
Đối với các chúng sinh
Muốn họ thoát khổ não
Cần phải siêng năng học
Trí tuệ cao tột kia.
Nếu muốn cho chúng sinh
Vô lượng, vô biên vui
Cần phải phát tâm này
Cầu Bồ-đề của Phật
Nếu người muốn xả bỏ
Khổ não các đường ác
Cần phải phát tâm này
Là cầu nơi Bồ-đề
Công đức đó vô biên
Không thể nói hết được
Nếu phát tâm như vậy
Sẽ giác ngộ Bồ-đề.
Phật vừa nói kệ xong,

Xá-lợi-phất liền bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn nói pháp môn này có bao nhiêu chúng sinh, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Phật bảo:

–Xá-lợi-phất! Ông cần gì phải hỏi sự việc này. Vì sao? Xálợi-phất! Với đại trí của Như Lai có giảng nói thì tâm vô biên của chúng sinh đều vẫn mê hoặc. Vì sao? Xá-lợi-phất! Vì giới đức, định lực, trí tuệ, thần thông của Như Lai đều không thể lường. Xá-lợiphất! Ý ông thế nào? Có người, có thể biết hư không, có biên giới chăng?

–Bạch Thế Tôn! Không. Vì sao? Vì ngằn mé của hư không, ở đời quá khứ đã không thể biết, vị lai, hiện tại cũng không thể biết.

–Đúng vậy! Xá-lợi-phất! Đại trí của Như Lai, hàng Thanh văn, Duyên giác, chúng sinh ở vị lai, hiện tại đều không thể biết. Vì sao? Xá-lợi-phất! Vì đấy là trí Phật, chẳng phải cảnh giới của Thanh văn hay Duyên giác.

–Bạch Thế Tôn! Thật là điều chưa từng có. Các chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chắc chắn sẽ hiểu rõ được trí như vậy.

–Xá-lợi-phất! Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói! Các chúng sinh, Đại Bồ-tát sẽ chắc chắn hiểu rõ trí như vậy.

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát kia làm sao chắc chắn hiểu rõ trí này?

–Xá-lợi-phất! Ý ông thế nào? Nếu tất cả chúng sinh ở Diêmphù-đề này, hoặc ở đất liền, dưới nước, trên không, trong đất, tu hành lần lần sẽ được thân người. Nếu có người, dạy họ giữ gìn năm giới hoặc an trụ mười việc lành. Xá-lợi-phất! Thiện nam, thiện nữ này nhờ nhân duyên ấy, công đức được nhiều không?

–Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều! Cho đến không thể ví dụ được.

Xá-lợi-phất! Nay ta lại giảng nói để ông nghe mà được an vui. Chúng sinh ở cõi Diêm-phù-đề đều giữ gìn năm giới và đầy đủ mười nghiệp lành. Người này sẽ được công đức. Nếu có một người, chỉ dạy một người, trụ ở địa “Tín hành”, thì thiện nam, thiện nữ này sẽ được công đức nhiều hơn kia.

–Xá-lợi-phất! Ý ông thế nào? Nếu có người, dạy hết chúng sinh ở trong cõi Diêm-phù, trụ ở địa “Tín hành”, công đức có nhiều không?

Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều! Công đức người kia không thể ví dụ, nhiều hơn người ở trên vô lượng, vô biên.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào chỉ dạy một người, trụ ở địa Tín hành, đã được công đức rất nhiều. Dạy hết chúng sinh trụ ở địa Tín hành, thì công đức càng nhiều vô lượng, nhưng không bằng dạy một người trụ ở Địa thứ ba (địa Bát nhẫn) thì công đức nhiều hơn. Nếu dạy hết chúng sinh, trụ ở địa Bát nhẫn, thì công đức không bằng dạy một người, trụ ở quả thứ nhất. Nếu dạy hết chúng sinh ở cõi Diêm-phù, trụ ở quả thứ nhất, thì công đức không bằng dạy một người, trụ ở quả thứ hai. Nếu dạy hết chúng sinh ở cõi Diêm-phù, trụ ở quả thứ hai, thì công đức không bằng dạy một người, trụ ở quả thứ ba. Nếu dạy hết chúng sinh ở cõi Diêm-phù, trụ ở quả thứ ba, thì công đức không bằng dạy một người, trụ ở quả thứ tư. Nếu dạy hết chúng sinh ở cõi Diêm-phù, trụ ở quả thứ tư, thì công đức không bằng dạy một người, trụ ở đạo Duyên giác. Nếu dạy hết chúng sinh ở cõi Diêm-phù, trụ ở đạo Duyên giác, thì công đức không bằng dạy một người, trụ tâm nơi Vô thượng Bồ-đề. Nếu dạy hết chúng sinh, trụ tâm Vô thượng Bồ-đề, thì công đức không bằng dạy một người, trụ ở pháp không thoái. Nếu dạy hết chúng sinh ở cõi Diêm-phù, trụ ở pháp không thoái, thì cũng không bằng dạy một người, mau chóng đạt được Biến tri, công đức sẽ nhiều hơn. Nếu dạy hết chúng sinh ở cõi Diêm-phù, mau chóng đạt được Biến tri, cũng không bằng có người, ở trong pháp môn này, sinh trí Bồ-tát, phá các nghiệp ma, bỏ năm tụ, không lệ thuộc cảnh giới, lìa các nhập, phá hoại phiền não, giữ gìn pháp trong sạch, diệt trừ pháp đen tối. Dùng các pháp cao cả, các kinh vua này, mà thuyết giảng cho người khác, thì công đức này nhiều hơn kia vô lượng.

Xá-lợi-phất! Để cõi Diêm-phù cho đến bốn châu qua một bên. Như vậy, nếu chúng sinh ở cả ngàn thế giới, hai ngàn thế giới, hoặc cả tam thiên đại thiên thế giới, cho đến hằng hà sa số thế giới ở phương Đông; hoặc có sắc, không sắc; có tưởng, không tưởng, chẳng có tưởng, chẳng không tưởng; loài dưới nước, trên đất liền; loài sinh bằng trứng, sinh bằng thai, loài sinh nơi ẩm thấp, loài hóa sinh. Đủ loại như vậy, tu hành lần lần đều được thân người, cho đến tất cả chúng sinh ở mười phương thế giới, cũng tu hành lần lượt được thân người. Nếu người nào hết lòng dạy họ, trụ nơi năm giới và đầy đủ mười nghiệp lành. Thì Xá-lợi-phất! Ý ông thế nào? Công đức của người ấy có nhiều không?

Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều! Vô lượng, vô biên, không thể ví dụ.

Xá-lợi-phất! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào đối với các pháp là kinh vương cao tột này, nghe mà không chê bai hủy báng, lại tăng thêm lòng ưa thích, nghe rồi thọ trì, đọc tụng, dạy cho người khác. Đem công đức trên, so với công đức này, không bằng một phần trăm, phần ngàn, phần trăm ngàn, phần câu-chi, phần trăm ngàn na-do-tha câu chi, cho đến toán số thí dụ cũng không thể sánh bằng.

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Nếu dạy chúng sinh ở mười phương thế giới đều trụ ở pháp Tín hạnh, đều trụ địa vị Bát nhẫn, Tứ quả, Duyên giác cho đến phát tâm, trụ ở pháp không thoái lui, pháp Vô sinh nhẫn, mau đạt được Biến tri. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào, đối với các pháp là kinh vương cao tột mà thọ trì, đọc tụng, giảng rộng cho người khác. Công đức này đối với công đức nói trên là tối hơn hết, là tối hơn cả, là rất lớn, là rất tốt đẹp, là rất diệu kỳ, là không thể so sánh, là không gì cao hơn, là trên sự cao cả, là không có giống nhau. Ở trong các không giống nhau thì được phước cũng không giống nhau.

Xá-lợi-phất! Dùng nghĩa này, thì nên biết, chúng sinh kia, chắc chắn cũng hiểu rõ trí này, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, người nghe pháp môn này sẽ sinh tín tâm. Xá-lợi-phất! Chúng sinh như vậy, nên được gọi là không thoái lui, gọi là giải thoát, là đã tới, là vắng lặng, là Đại Niết-bàn, là trong sạch, là điều phục, là không gì hơn, là trên sự cao cả, là đến Niết-bàn, là đã diệt độ, là có thể nói pháp, là có thể giảng nghĩa, là nói thật, là nói đúng, là làm theo lời nói, là bỏ gánh nặng, là lìa ham muốn, là lìa sân, là lìa si, là không dơ, là đã tẩy rửa trong sạch, là đến bờ bên kia, là người nghe, là vứt bỏ dục, là vứt bỏ sân, là vứt bỏ si, là diệt sạch các ác, là con Phật, là ruộng phước, là dũng mãnh, là trượng phu mạnh mẽ, là chiến thắng phần sắc, là hàng phục được quân khác, là sư tử, là trượng phu, là trượng phu lớn, là trượng phu không gì hơn, là trượng phu không sợ, là trượng phu có ý chí, là trượng phu có ý chí lớn, là trượng phu điều thuận, là vua trâu trượng phu, là trượng phu siêu việt, là trượng phu dũng kiện chiến thắng, là người sư tử, là người trâu, là rồng, là trời, là trời trong loài trời, là Bà-la-môn, là lìa ác, là không trở ngại, là không phiền não ràng buộc, là không keo kiệt, là không độc, là chẳng ngu, là không cùng, là không lìa, là lời nói không tạp, là lời nói có suy nghĩ đúng đắn, là lời nói cao cả, là lời nói trên sự cao cả, là lời nói hơn hết, là lời nói không nhiễm, là lời nói không đắm, là lời nói không trói buộc, là lời nói chắc chắn, là nói điều gì đều thật, nói điều gì đều đúng, là đầy đủ các công đức, là người làm điều nên làm, là người đã làm xong việc cần làm, là các việc làm đều thành đạt, là đầy đủ sự hổ thẹn, là làm nhiều, là làm nhiều lợi ích, là lòng lành, là đầy đủ các pháp công đức, là bỏ các điều chẳng phải công đức, là đầy đủ các việc, là không nhiễm, là không nhiễm cùng khắp, là không khiếp không sợ, là không kinh hãi, là không lo, là không hoảng hốt, là không thể suy nhược, là không buông thả, là vô lượng, vô biên công đức, pháp hạnh đầy đủ, là núi, là núi Tu-mê-lưu, là núi Mê-lưu, là núi Luân, là núi Đại luân, là không thể động, là người cho, là chủ cho, là bỏ những gì đã có, là khéo cho, là nhan sắc dung hòa vui vẻ, là ban cho đầy đủ, là giữ giới, là nhẫn nhục, là tinh tấn, là thiền định, là trí tuệ, là tu thần thông, là thần thông đã thành đạt, là đến các xứ, là đại thế chí, là lực chí, là đến chỗ an ổn, là đã độ đến bờ kia, là học các việc Phật, là không dứt làm các việc Phật, là đối với các pháp Phật đều được thỏa mãn mong cầu, là phá các oán ma, là các độc hại bị không chế, là làm cho sức lực của ma bị suy yếu, là làm tan rã quân chúng ma, là làm cho quân ma bỗng dưng hư hoại, là ngồi đạo tràng Phật, là đã chế ngự các độc hại, là trừ quân ma đối địch, là tùy thuận giác ngộ, là khiến cho nghịch lưu thành thuận lưu, là bờ, là có thể cứu độ, là đã cứu độ, là tự được giải thoát, là phá u ám, là mặt trăng, là mặt trời, là ánh sáng vô biên, là ánh sáng vô ngại, là ánh sáng không thể nghĩ, là ánh sáng khó ca ngợi, là ánh sáng không thể lường, là ánh sáng đến các nơi, là ánh sáng chiếu khắp, là không dính mắc cõi Dục, là không dính mắc cõi Sắc, là không dính mắc cõi Vô sắc, là giải thoát khỏi địa ngục, là giải thoát khỏi súc sinh, là giải thoát khỏi ngạ quỷ, là làm cho địa ngục được mát mẻ, là làm cho súc sinh được mát mẻ, là làm cho ngạ quỷ được mát mẻ, là có thể cho những gì ai cần, là xả bỏ các điều suy kém, là diệt các khổ, là hiện ra niềm vui, là Chuyển luân vương, là cha thế gian, là vượt thế gian, là giải thoát thế gian, là thoát khỏi thế gian, là hiện ra kín đáo, là tạo dựng Bồ-tát, là phát khởi Bồ-tát, là khai mở kho chứa ngầm, là hiện sự bí mật của chư Phật ở quá khứ, là điều không thể suy nghĩ nơi có thể nghĩ đến, là đầy đủ pháp vô biên, vô tế công đức.

Bấy giờ, Thế Tôn dùng tâm trong sạch trang nghiêm từ vô số kiếp, phát lời nói với âm thanh đầy đủ công đức. Đó là lời rất cao cả, lời để dạy người, lời thuận nghĩa, lời sâu xa, lời không thể giấu, lời tốt đẹp, lời nghe được, lời vui vẻ, lời trong sạch, lời vui tai, lời hướng tâm, lời đáng yêu, lời đầy đủ, lời được nhiều người yêu thích, lời hoạt bát, lời trôi chảy, lời khéo độ trước sau, lời yêu thích như con mình, lời nói hoàn hảo, lời dễ nghe, câu chữ liên tục rõ ràng, khéo đoạn dứt các việc nghi ngờ, hạnh ngay thẳng sâu dày, lời thấm nhuần, lời tựa âm thanh Phạm thiên, âm thanh đẹp như sấm, lời nói rõ ràng chân thật, âm thanh giống như tiếng chim Ca-lăng-tần-già, lời nói trong trẻo chân thật, lời nói có thể làm trong sạch bạn bè, đoạn dứt vô lượng việc nghi hoặc, lời nói không dựa dẫm, lời nói có thể làm an ổn người khác, lời đáng nghĩ nhớ, lời nói có thể làm mỏng đi các phiền não, lời làm các nhập tròn đầy, lời đoạn trừ các tránh luận, lời nói từ trước đến nay đều đúng, không dối trá, câu không chân thật không phát ra, đủ cả trăm ngàn lời tương ưng; dùng trí tuệ ca ngợi, khiến cho thế gian yêu thích và được an vui, cùng với pháp môn nghĩa thứ nhất, lời không lỗi lầm, lời cùng tương ưng, khéo tương ưng đúng thời, lời có thể kêu, lời không có phân biệt câu chữ, lời chắc chắn các câu chữ sạch, lời diệt trừ nhiều mũi nhọn của dục, lời diệt trừ nhiều mũi nhọn của sân, lời diệt trừ nhiều mũi nhọn của si, lời có thể hiện ra nhiều nghĩa, lời chứng vô biên nghĩa, lời xa lìa sáu nẻo, lời xa lìa các đạo, lời xa lìa các luận bàn ngoại đạo, nói về sự việc chư Thiên, nói về sự việc của loài rồng, nói về sự việc của Dạ-xoa, nói về sự việc của Kiền-thát-bà, nói về sự việc của Atu-la, nói về sự việc của Già-lưu-trà, nói về sự việc của Khẩn-na-la, nói về sự việc của Ma-hầu-la-già; thuyết âm thanh Từ bi nhẫn nhục, làm cho người khác hoan hỷ tin tưởng giáo lý; lời không dua nịnh, lời có mặt khắp nơi, lời không chỗ dính mắc, lời không điên đảo, lời tự trọng không láu lỉnh, lời luôn thật đúng pháp định, lời không quanh co, lời không thiên lệch, lìa lời u tối khổ sở, lời khéo tương ưng thành lợi ích, lời dạy người cho đầy đủ, lời tin tưởng hơn hết, lời phá trừ, lưu chuyển hắc ám, lời xa lìa xấu xa chống trái mất câu nghĩa, phát ra lời phân biệt các câu nghĩa, diệt trừ câu nghĩa luận bàn ngoại đạo, lời chắc chắn không nghi hoặc, diệt trừ các pháp khổ, làm cho nó không còn, lời cao cả chân thật, trong sạch, tự nhiên, lời nói cùng tương ưng các pháp lành làm cho vui vẻ, nói các pháp lành cùng tương ưng lời vắng lặng, lời lìa các dơ bẩn, lời thuần sáng tương ưng với nghĩa thứ nhất, lời đoạn nhiều sự nghi ngờ tương ưng, lời trong sạch tương ưng với tâm trong sạch, không tương ưng với lời nói phi nghĩa, lời có thể tương ưng với các ngôn ngữ biện tài, lời nói tùy theo các dục mà diễn rộng ra, dùng các ngôn ngữ thế gian làm cho chúng sinh vui mừng, lời nói được nhiều người yêu kính, lời tương ứng, lời giải thoát, lời khéo giải thoát, lời hơn hết, âm thanh bậc vua chúa, lời khéo tương ưng với âm thanh an ổn, lời thu phục tương ưng với các bạch pháp, lời khéo rốt ráo, lời của ánh sáng vô biên, lời làm ra ánh sáng vô biên, có thể giải thích chỗ hỏi về pháp trí vô biên, lời có thể độ thoát, thuyết tương ưng với pháp lạc; thuyết về câu chữ hoàn toàn, lời khéo rốt ráo, thuyết tương ưng với nghĩa câu chữ, thuyết tương ưng với câu chữ không hoàn toàn, thuyết tương ưng với câu chữ biết đủ, thuyết tương ưng với câu chữ thể hiện sự đầy đủ an vui, lời hiện ra vô lượng căn lành, thuyết tương ưng với vô lượng căn lành, dùng lời trang nghiêm tương ưng với sự trang nghiêm của Phật, thuyết tương ưng với vô biên câu chữ, thuyết câu chữ ngay thẳng không đến không đi, thuyết câu chữ vô ngại, lời khéo rốt ráo; thuyết lời tương ưng với các Trời và A-tu-la để dạy họ không dứt; thuyết tương ưng với câu chữ, lời nói không khiếm khuyết, thuyết tương ưng với câu chữ, lời không tạp loạn; thuyết tương ưng với câu chữ, lời không trì hoãn; hiện ra lời nói rõ ràng, làm việc rõ ràng, hiện ra lời nói cùng việc làm phải rõ ràng, hiện lời nói vượt qua, hiện lời nói hơn cả sự vượt qua, hiện lời nói siêu việt và vượt quá siêu việt; thuyết về hạnh khéo giữ y bát, đối với vị truyền trao giảng dạy cần phải tôn trọng, siêng năng thu phục để tương ứng; đối với bậc thân giáo sư phải tôn trọng, siêng năng thu phục để được tương ưng. Pháp trí luôn luôn trong sáng, trong sáng rồi, lại làm cho sáng thêm. Lời siêng năng thu phục câu chữ thứ nhất. Khéo thuyết pháp Tổng trì, kinh tạng, khéo thuyết ba tạng kinh diển, Bồ-tát tạng; sinh ra Bát-nhã ba-la-mật-đa, khéo thuyết sự lưu chuyển hoa Ma-ni tạng, khéo thuyết tám vạn bốn ngàn pháp tụ, lại còn hiện ra trăm ngàn pháp, phát khởi Bồ-tát khiến phát tâm Bồđề, nguyện được thấy Phật pháp trong ba đời, không bị nhiễm vào; đã giải thoát, hoàn toàn giải thoát, âm thanh đến cõi Phạm thiên, cõi Phạm âm, âm thanh như tiếng chim hót, xa lìa âm thanh về dục, xa lìa âm thanh về sân, xa lìa âm thanh về si, âm thanh vui theo chư Phật được chư Phật ca ngợi.

Tất cả các loại âm thanh như vậy, đều phát ra, Thế Tôn giữ gìn ba mươi hai tướng Pháp luân vương, Như Lai đầy đủ tám phần đều là bậc nhất. Có vô lượng ngàn loại được dùng để ca ngợi. Ngay lúc ấy Đức Phật nói kệ:

Nếu phát tâm Bồ-đề
Người này quyết định đến
Không cần sinh nghi hoặc
Ta không đắc Như Lai.
Phước người này có được
Là không thể ví dụ
Phước người này có được
Từ Bồ-đề phát sinh.
Vô lượng không ngằn mé
Chúng sinh ở các cõi
Phước này hơn phước trên
Như ta nói ở trên.
Phước người này có được
Cao tột hơn người kia
Với người phát Bồ-đề
Không có phước nào hơn.
Ngoài kinh này đã thuyết
Không có kinh nào hơn
Ai học được kinh này
Gọi là được phước lợi.
Nếu ai nghe kinh này
Phật tử theo lời dạy
Ruộng phước và điều phục
Ta nói là vắng lặng.
Nếu ai nghe kinh này
Là Trời, Rồng, Sư tử
Người dũng mãnh không sợ
Là giải thoát nhu hòa.
Tin tưởng nơi kinh này
Kinh lớn không gì hơn
Trên trời, vượt cả đời
Chúng sinh không gì bằng,
Huống chi là được nghe
Tôn trọng và hay nói
Biện tài của người kia
Cùng cực không thể được
Cũng như với hư không
Không có chỗ tận cùng.
Ai giữ pháp môn này
Nhẫn nhục không có sân
Hành giới không yếu kém
Mắt trí tuệ trong sáng.
Nếu ai tin kinh này
Là được trí vô biên
Tôn trọng vị thầy dạy
Như yêu kính cha mẹ.
Ai giữ được kinh này
Bồ-tát trí tuệ lớn
Không dựa vào cõi
Dục Cõi Sắc và Vô sắc.
Ai giữ được kinh này
Là bậc Đại Bồ-tát
Mau chóng hướng được đến
Vô thượng Bồ-đề tràng.
Ai giữ được kinh này
Đại trí tuệ Bồ-tát
Tan biến những sợ hãi
Chứng Vô thượng Bồ-đề.
Ai giữ được kinh này
Đại trí tuệ Bồ-tát
Sẽ chuyển xe chánh pháp
Mà đời không thể chuyển.
Ai giữ được kinh này
Đại trí tuệ Bồ-tát
Thế Tôn sẽ thọ ký
Sẽ thấy Phật ba đời.
Ai giữ được kinh này
Đại trí tuệ Bồ-tát
Là đã nhập Niết-bàn
Như chư Phật không khác.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thật là hiếm có, Như Lai đã lược nói giáo pháp cho các Bồ-tát. Các Đại Bồ-tát dù đã trải qua a-tăng-kỳ kiếp tu hạnh Bồ-tát, nhưng chưa tỏ ngộ đạo Vô thượng Chánh biến tri, cũng chưa đạt được trí Vô thượng Chánh biến tri. Bạch Thế Tôn! Đối với kinh này, Thế Tôn đã nói đó là pháp không gì cao hơn được, các chúng sinh kia được rất nhiều lợi ích, ở ngay đời hiện tại, được nghe Phật nói kinh cao tột này, đó là pháp môn vua, trên cả các pháp. Lành thay! Bạch Thế Tôn! Pháp môn như vậy, nay lại được nói. Vì sao? Vì theo hiểu biết của con, về ý nghĩa sự thuyết pháp của Phật, là chư Phật quá khứ khi diệt độ, đã vì các chúng sinh, thuyết chánh pháp này, pháp cao tột, đó là pháp môn vua, trên cả các pháp. Chư Phật ở đời vị lai cũng dùng kinh này, làm pháp cao tột, để giảng nói, đó là pháp môn vua, trên cả các pháp. Con cũng được ở chỗ Thế Tôn, được nghe nói vô lượng pháp môn, đối với nghĩa của câu chữ, nhất định được hiểu rõ, như con đã từng được nghe, pháp này là hơn hết. Lành thay! Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã liên tục vì con mà giảng nói pháp môn rất cao cả này.

Phật bảo:

–Xá-lợi-phất! Ta tùy theo từng lúc, tùy theo sự tin tưởng hiểu biết nơi tâm của chúng sinh, tùy theo suy nghĩ nơi tâm chúng sinh, mà thu phục nhận lãnh họ. Xá-lợi-phất! Đây là Phật trí, chẳng phải là cảnh giới của Thanh văn, Duyên giác.

Khi thuyết pháp môn này, có tám vạn bốn ngàn người, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; có sáu vạn chúng sinh phát tâm Bồ-đề; có bảy mươi câu-chi Dục hạnh thiên, chưa phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nay đều phát tâm; có ba mươi câu-chi chúng sinh đạt được pháp Vô sinh nhẫn; có vô lượng chúng sinh sống trên đất, các trời, rồng… vị nào chưa từng phát tâm Bồ-đề, nay cũng đều phát tâm.

Xá-lợi-phất! Vì nghĩa này, nay ta lại rộng giảng pháp môn cao cả này. Đúng ngay lúc ấy, có vô lượng ngàn chúng sinh, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, đứng im lặng, chắp tay hướng về phía Phật, chiêm ngưỡng dung nhan Thế Tôn.

Khi ấy, Thế Tôn liền mỉm cười. Khi Phật mỉm cười, từ nơi miệng, phát ra ánh sáng đủ loại màu sắc, có vô lượng trăm ngàn màu sắc, đó là màu xanh, vàng, đỏ, trắng, sắc trong như pha lê, chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, nó chiếu khắp cùng che lấp mặt trời, mặt trăng, cho đến cõi Phạm thiên, rồi trở về, nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi nhập vào đảnh Phật.

Xá-lợi-phất thấy thần thông của Phật, liền đứng dậy, vạch áo qua một bên, gối phải quỳ sát đất, chắp tay, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Có nhân duyên gì mà Thế Tôn mỉm cười. Chư Phật không có nhân duyên thì chẳng bao giờ mỉm cười?

–Này Xá-lợi-phất! Ông thấy Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, chắp tay hướng về phía ta, mắt chẳng chớp không?

–Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy.

–Này Xá-lợi-phất! Bốn chúng này, đều phát tâm Đại thừa, muốn nghe hạnh Bồ-tát. Xá-lợi-phất! Ở trong tâm Như Lai mà hành trí tuệ. Nếu là Như Lai, quá khứ không thể nắm bắt, vị lai không thể nắm bắt, hiện tại không thể nắm bắt; gọi là hành Bồ-tát. Xá-lợiphất! Nếu không được Bồ-đề, nếu không được tâm, gọi là hành Bồtát. Xá-lợi-phất! Không được tụ họp, không dính vào cảnh giới, không ôm giữ lấy nhập; gọi là hành Bồ-tát. Nên tùy thuận theo đó mà hành.

Khi thuyết hành Bồ-tát này, tam thiên đại thiên thế giới, chấn động sáu cách.

Lúc ấy, ma Ba-tuần hoảng sợ, ngã lăn xuống đất, các ma trời khác cũng đều té xuống đất. Do nhân duyên này mà có bài kệ:

Phá ma và quân ma
Chạy trốn không chỗ thoát
Như nay bậc Tối thắng
Thuyết pháp, người đời tin.
Làm sao ma phiền não
Các sức lực đều mất
Đến nay không còn sức
Nghe nói pháp không này.
Ma hoảng sợ cuồng mê
Nghe thuyết pháp vô tác
Bỏ đi, không chỗ hành
Chỗ nào cũng bị chết.

Khi ấy, Thiên tử ma, từ chỗ té, đứng dậy, bạch:

–Lành thay! Bạch Thế Tôn! Lành thay! Đại Long! Lành thay! Đại Từ! Đã đem lòng thương xót, làm lợi ích đối với các chúng sinh. Ngày nay, Thế Tôn làm cho con sống lại. Thế Tôn lòng thương lớn, chớ làm cho chúng con phải chết.

Thế Tôn nói kệ:

Này ma mặc áo giáp
Như Lai nói như vậy
Rất ít người tin ta
Nên ở mãi phàm phu.

Bấy giờ, ma Ba-tuần được Như Lai thương xót, vui mừng hớn hở hoàn hồn trở lại thân mình cùng quyến thuộc ẩn mất.