KINH CÁC PHÁP VỐN KHÔNG
(KINH CHƯ PHÁP BẢN VÔ)
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người xứ Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THƯỢNG

Đức Thế Tôn cùng năm trăm đại Tỳ-kheo, chín vạn hai ngàn Bồ-tát, đi đến núi Thứu tụ trong thành Vương xá. Chín vạn hai ngàn Bồ-tát đây đều là những bậc đứng đầu, như Đại Bồ-tát Trang Nghiêm Oánh Sức, Đại Bồ-tát Sư Tử Du Bộ, Đại Bồ-tát Vô Ngại Diễm Tịnh Quang Đức Oai Vương, Đại Bồ-tát Mê Lưu Sơn Đảnh Âm Vương, Đại Bồ-tát Ái Tiếu Vô Cấu Quang, Đại Bồ-tát Xuất Quang Tế Nhật Nguyệt Quang, Đại Bồ-tát Tối Thắng Vô Cấu Trì Quan, Đại Bồ-tát Xuất Oai Liên Hoa Khai Thân, Đại Bồ-tát Phạm Tự Tại Âm, Đại Bồ-tát Tượng Hý Sư Tử Vương Ý, Đại Bồ-tát Kim Quang Tịnh Vô Cấu Oai, Đại Bồ-tát Nhu Nhuyến Xúc Thân, Đại Bồ-tát Kim Trang Nghiêm Tướng Khai Thân, Đại Bồ-tát Bách Quang Hưu Ma La Lực, Đại Bồ-tát Tịch Căn Oai Nghi Tịch Hạnh, Đại Bồ-tát Địa Tối Thượng Vương, Đại Bồ-tát Thiên Ngôn Từ Minh Âm, Đại Bồ-tát Pháp Lực Tự Tại Tịch Tĩnh Du Hành, Đại Bồ-tát Đức Oai Vô Cấu Thân, Đại Bồ-tát Mạn-thù-thi-lợi.

Khi ấy, thấy các vị Bồ-tát đã nhóm họp, Đại Bồ-tát Sư Tử Du Bộ, liền đứng dậy, sửa sang lại y phục, một vai mang y Ức-đa-latăng-già, gối phải chạm đất, hướng về Phật, chắp tay dùng ca tụng mà hỏi Phật về nghĩa lý:

Không ngã, không mạng, không pháp dục
Vô biên danh xưng, vì ta nói?
Vắng lặng rất lặng thường lặng yên
Như vậy chúng đây rất thù thắng.
Chư kiến thế nào là Bồ-đề
Kiêu mạn, sân giận và ganh ghét
Dục thể thế nào là Bồ-đề
Vì đạo sư nói, vô biên xưng.
Nếu không Niết-bàn, không phiền não
Hành giới thế nào là Bồ-đề?
Thể ấy không hai, Phật cũng vậy
Người vì con diễn nói đại Bi.
Chư pháp thế nào: Thoát rốt ráo?
Niết-bàn, tướng tợ như giải thoát.
Thế nào mà lại như hư không?
Không ngại, không đắm, không vướng mắc.
Âm: Ca-lăng-tần-già, Phạm thiên
Sắc: Vô cấu quang, Minh kim quang
Âm thanh tịnh quang, vô biên đức
Đang vì nói pháp, không trần hết.
Thế nào chư cái… như Bồ-đề?
Thế nào: Dục là thể Bồ-đề?
Pháp chẳng pháp, đạo sao là một
Vô cấu, thanh tịnh… Bằng, hư không
Nếu không hữu số, không vô số
Pháp đã diệt độ, sao là vậy?
Bồ-đề nếu không, không gì đắm
Tại sao biến trí cũng lại không?
Là làm, chẳng làm, không tranh cãi
Thủ cùng không thủ đều không thể
Ở trong chúng sinh chưa từng có
Trong pháp chướng ngại cũng lại không.
Bên trong không giới, lại không nhẫn
Phá giới cũng lại không chỗ nào
Định cùng với không hai vậy.
Không trí và trí, không chỗ được.
Vì sao pháp này sạch, không nhơ
Mà không chỗ có như: Hư không…
Vào một lúc, tâm không nơi đắc
Không tâm, vì sao mà là pháp?
Bên trong tri kiến không chỗ có
Không có niệm tu, cũng không chứng
Bên trong cũng lại không chỗ đoạn
Chúng sinh vì sao đồng cõi không?
Bên trong pháp thể là một hạnh
Bên trong không sinh cũng không chuyển
Pháp khởi và sinh, không chỗ có
Các pháp như vậy, Thắng nhân nói.
Bên trong không học, không La-hán
Duyên giác cũng lại không chỗ có
Nếu cầu Bồ-đề, không thể được
Pháp này không tới, cũng không lui
Bên trong không trụ cũng không xứ
Cũng không có qua cũng không lại
Pháp không tới lui, lại là sao?
Như núi Tu-di trụ không động.
Bên trong không tưởng cũng không sắc
Thể sắc vì sao là Bồ-đề?
Sắc và Bồ-đề không phải hai
Thể pháp như vậy, Thắng nhân nói.
Bên trong không rỗng, không không tướng
Không có dính mắc, không không đắm
Danh với không danh, pháp thế nào?
Nói đạo như tiếng vang giữa núi.
Bên trong không sinh, không phiền toái
Bên trong cũng lại không không sinh
Có không đã diệt, cũng không ngăn
Các pháp vì sao là một hành?
Bên trong không Trời cũng không
Rồng Không Khẩn-na-la, cả Dạ-xoa…
Bên trong địa ngục không chỗ có
Không có xứ sở và chúng sinh,
Nếu Đạo sư nói pháp Tối thắng
Nếu các ngoại đạo nói ác ý
Cả hai sao gọi là một hành
Các chữ như thế đều nhập một.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Đại Bồ-tát Sư Tử Du Bộ:

–Tốt lắm, thật tốt thay! Hiếm có người như ông! Đối với những điều ông hỏi, hiện nay, cả đến các đời, không thể tin thọ, hàng chư Thiên nhiều đời, chìm đắm trong mê hoặc.

Thiện gia tử! Nay ông chớ nên hỏi nhân duyên này.

Thiện gia tử! Hàng Bồ-tát sơ nghiệp đối với phi địa này thì gọi là Bồ-tát Không kiến, Vô tướng kiến, Vô nguyện kiến, Vô sinh kiến, Vô hữu kiến, Vô tướng mạo kiến, Niết-bàn kiến, Phật-đà kiến, Bồđề kiến.

Thiện gia tử! Trước hàng Bồ-tát sơ nghiệp không nên nói pháp này. Vì sao? Vì rất có thể xảy ra các căn lành bị cắt đứt, đối với Bồđề Phật thì hành phi đạo, nếu rơi vào đoạn – thường, thì không biết được, vì ý nghĩa gì mà Như Lai nói pháp này.

Nghe Phật nói như vậy, Đại Bồ-tát Sư Tử Du Bộ lại bạch Phật:

–Nói về Đức Thế Tôn, nói về Bậc Thiện Thệ. Bạch Thế Tôn! Nếu có hàng Đại Bồ-tát, ở đời sau, như Bồ-tát: Không kiến, vô tướng kiến, Vô nguyện kiến, Vô sinh kiến, Vô hữu kiến, Vô tướng mạo kiến, Niết-bàn kiến, Phật-đà kiến, Bồ-đề kiến; đối với không, vô tướng cho là cảnh giới, dính mắc nơi ngôn thuyết, cho chữ nghĩa là trong sạch; nói đạo là hơn hết; coi trọng việc danh lợi. Họ nghe Như Lai nói pháp không tên gọi này rồi, liền xả bỏ các kiến, liền biết các pháp là đạo một tướng, tin chúng sinh như tin pháp được nói; trong phương tiện khéo léo, họ cần phải khéo học. Tuy nói ít ham muốn, biết đủ, giảm tỉnh, nhưng đều không tin là sạch; tuy nói những lỗi lầm trong chúng, nhưng tin các pháp xa lìa; tuy khen ngợi nói chỉ là một, không xen tạp, nhưng cũng không tin là trong sạch; tuy khen ngợi việc phát tâm Bồ-đề, nhưng cũng biết tâm tự tánh là Bồ-đề; tuy khen ngợi việc rộng nói Khế kinh, nhưng tin các pháp là rộng; tuy khen ngợi Bồ-tát, nhưng tin các hàng Thanh văn, Độc giác và Phật, không có sự khác biệt; tuy khen ngợi Tĩnh lự nhưng khéo thông đạt sự bình đẳng của Tĩnh lự; tuy khen ngợi trì giới nhưng khéo thông đạt bản tánh của trì giới; tuy khen ngợi nhẫn nhục nhưng đối với sự tận diệt, không sinh các pháp, khéo thông đạt kiến; tuy khen ngợi tinh tấn nhưng khéo chọn lựa các pháp không phát khởi; tuy khen ngợi Đệ-da-na Tam-ma-địa, Tam-mabát-đế nói Tam-ma-địa, phát ra đủ trăm ngàn đến Tam-ma-địa môn nhưng biết bản tánh của kiến là Tam-ma-bát-na; tuy khen ngợi trí tuệ cả ngàn chủng tướng, nhưng khéo thông đạt trí cùng vô trí, tự thể của bản tánh khéo lựa chọn các pháp; tuy nói hủy bỏ lỗi của dục, không thấy một pháp có thể nhiễm; tuy nói hủy bỏ lỗi của sân, không thấy một pháp có thể ghét; nói hủy bỏ lỗi của si, nhưng tin các pháp lìa si, không ngại; tuy vì chúng sinh hiển thuyết những lỗi lầm, những sự đáng ghét, ở cõi địa ngục, súc sinh, Diễm-mathế…, nhưng cũng không thấy địa ngục, súc sinh, Diễm-ma-thế… Những người đó, tin chúng sinh, như tin pháp được nói, nên tin một hành, đó là: Tín Không, tín Vô tướng, tín Vô nguyện, tín Vô sinh, tín Vô sở hữu, tín không tướng mạo.

Đại Đức Thế Tôn! Chỉ nên nói như vậy. Họ không thể suy nghĩ về những lời lẽ của phương tiện khéo léo; ở trong các hàng Thanh văn, Độc giác cho đến Đại Bồ-tát phát hạnh sơ thừa… đều chẳng phải là địa vị của họ, chỉ trừ hàng Đại Bồ-tát tin sâu xa vào một hành… mà thôi.

Nói như vậy rồi, Đức Thế Tôn lại bảo Đại Bồ-tát Sư Tử Du Bộ:

–Này Thiện gia tử! Nếu họ đã như vậy, ông nên nghe cho khéo, chân chánh nhớ nghĩ cho khéo, nên vì họ mà diễn nói.

Đại Bồ-tát Sư Tử Du Bộ đáp:

–Đúng như vậy, thưa Thế Tôn! Con phải nghe một cách chân chính.

Khi đó, Đức Thế Tôn nói bài kệ tụng:

Nếu muốn hiểu cái đẹp Bồ-đề
Chớ nên phân biệt lỗi tham dục
Các pháp thường là tự tánh tham
Nếu biết được vậy, là cao quý.
Không thể nắm bắt tham, sân, si
Cũng không, đạt những gì đã đạt
Các pháp đều cũng như hư không
Nếu biết được vậy, là cao quý.
Kiến và chẳng kiến thường một hạnh
Tăng và chẳng Tăng, hai đồng một
Ở trong không Phật không pháp diệu
Nếu biết như vậy, đạt thế trí.
Như bậc Trượng phu, trong cơn mộng
Đắc Bồ-đề, giáo hóa chúng sinh
Trong đó không đạo, không chúng sinh
Như vậy, tự tánh tức các pháp.
Không thể đắc Bồ-đề tọa xứ
Nó không thể đạt, cũng không có
Minh, vô minh, hai nhưng một tướng
Nên biết như vậy, đắc Đạo sư.
Nói tánh chúng sinh là Bồ-đề
Tánh Bồ-đề tức các chúng sinh
Chúng sinh Bồ-đề, hai nhưng một
Nếu biết như vậy, đắc Thượng nhân.
Như bậc Trượng phu hiểu rõ huyễn
Huyễn ấy, hóa hiện vô biên thứ
Trong đó, mọi thứ hiện đều không
Hoặc loạn chúng sinh chẳng phải một.
Tham dục, sân giận giống như huyễn
Các phiền não này, đều như huyễn
Phàm phu đều nghĩ: Ta nhiễm giận
Nó mê loạn tâm, theo nẻo ác.
Trong ấy không có tham, giận, si
Trong ấy, cũng không phiền não khác
Pháp thể cùng huyễn… đã phân biệt
Như vậy phàm phu, phiền não đốt.
Nếu không phiền não, không chúng sinh
Trong ấy, không Phật không có gì
Đấy pháp vô sinh đã phân biệt
Phàm phu nghĩ: Ta nên làm Phật.
Tức không có Phật, không pháp Phật
Chúng sinh cũng không thấy một nơi
Nếu biết pháp thể tựa hư không
Thì sẽ chóng thành bậc Thượng nhân.
Nếu cầu Bồ-đề, mà không biết
Sẽ cách Bồ-đề như đất, trời
Nếu biết pháp thể ngang với huyễn
Thì sẽ chóng thành bậc Thượng nhân.
Nếu phân biệt giới, thì không giới
Nếu thấy trì giới tức phá giới
Giới, phá giới, hai nhưng một tướng
Nếu biết như vậy, làm Đạo sư.
Như bậc Trượng phu, trong cơn mộng
Hưởng thọ việc dục, sinh vui vẻ
Si loạn phân biệt, nghĩ phụ nữ
Trong ấy, phụ nữ thường là không.
Phá giới, trì giới, như tánh mộng
Phàm phu phân biệt hai thứ này
Trong ấy, không giới, không phá giới
Nếu biết như vậy, làm Đạo sư.
Đắm danh đích thị là phàm phu
Do không biết tự tánh âm thanh
Nếu biết danh này chẳng là danh
Họ sẽ đạt được nhẫn thắng diệu.
Có các chúng sinh, nguyện thành Phật
Rồi đem nói cho mọi người biết
Tin lời là đúng, không tu hành
Tức ngăn mọi nẻo, đạo Bồ-đề.
Ở trong oai nghi, không sai trái
Lời vui thích nói thì không biết
Không cho lời đúng, tỏ Bồ-đề
Do họ không biết pháp tự tánh.
Tuy với pháp không thường hiển nói
Nhưng ưa tranh đấu, ác ý sinh
Sao có Bồ-đề cùng Phật pháp
Chính là nói đến sân, không trí.
Sân – Nhẫn, hai thứ là một tướng
Người biết như vậy, không phân biệt
Tự tánh chúng sinh, họ không biết
Sinh các lỗi lầm là trí phàm.
Tự nói chúng sinh, ta đều mến
Làm bậc cao cả giúp chúng sinh
Bị động, họ tức sinh sân ác
Do có ác tâm nên không nói.
Thường thích tranh đấu, tìm lỗi người
Nhưng lại khen nói tâm nhẫn này
Cũng nói các pháp đều là không
Trong ý cống cao cầu sai trái.
Tham đắm ăn uống – người không trí
Ngày đêm suy nghĩ đến ham muốn
Bọn họ đi vào nơi thôn ấp
Nói là sẽ giải thoát chúng sinh.
Với chúng sinh, ta thương xót khắp
Ta làm lợi ích cho chúng sinh
Loại pháp thể này, tuy hiển nói
Đắm trong tâm hại, thường ác ý.
Nhưng ta chưa nghe, cũng chưa thấy
Có lòng thương, lại có tâm hại!
Họp lại cùng nhau phá vết thương
Mà cầu nước A-di-đa-do.
Cát sông Hằng có nhiều như vậy
Thường bị hủy nhục cùng đánh mắng
Không thể chịu được các việc ác
Chẳng đến cõi đó, Nhân ngưu vương.
Cõi chẳng phải cõi, nếu hay biết
Cõi không, giống như tự tánh không
Không niệm cõi, cùng công đức cõi
Nên đến cõi đó, nhân Ngưu vương
Nói ta hay nhịn các việc ác.
Ta với Bồ-tát, tưởng thầy dạy
Nhưng ta chưa nghe cũng chưa thấy
Nơi thầy dạy tưởng, mà sinh ác
Tất cả cùng hủy mọi việc làm
Chấp nhà khất thực và nhà bạn
Cho ta là người đã thành thục
Bên trong chẳng khiến người khác vào.
Ta giải thoát ngươi, chẳng vì thân
Kẻ ấy không có hạnh trong sạch
Đến nơi ồn ào là vô trí
Chẳng được lợi ích nơi Bồ-đề.
Ngày đêm như vậy làm ba thời
Nên lễ chư Phật cùng Bồ-tát
Chớ nên soi mói lỗi người, ta
Như đạo dục hạnh thường tu hành.
Nếu thấy vui thích nơi dục lạc
Lỗi lầm của người, chớ tìm cầu
Như vậy lâu dài sẽ chứng được
Bồ-đề tối thắng, đức vô biên.
Nên lần lượt học, lần lượt làm
Không thể nhất thời thành Phật được
Nhiều kiếp cả đến na-do-tha
Ta mặc áo giáp, đã lâu đời.
Chớ dùng phân biệt, phân biệt dục
Ta biết Bồ-đề như tánh dục
Phiền não này, cũng sẽ không sinh
Nếu tin được vậy, đạt thắng nhẫn.
Quán các âm thanh, chẳng phải thanh
Pháp thể vô tự, liền nhập vào
Loại thanh như vậy, các thể pháp
Nên không sinh dục, cũng không sân.
Đối với dục sân, quán vô sinh
Nên biết hai thứ, không có chữ
Cả hai chỉ có thể là danh
Chữ nếu không có, ở trong không.
Nếu biết các từ, tức một từ
Danh cũng không sinh, vốn chẳng có
Những lời ta nói, ngoại đạo nói
Pháp thể loại này, họ không biết.
Nói các pháp này, dùng thanh nói
Nhưng pháp và thanh, không thể đạt
Năng nhập các pháp, đạo một tướng
Thắng nhẫn vô thượng, liền được chứng.
Chớ phân biệt nhẫn, chớ không nhẫn
Chớ phân biệt sân, chớ khát dục
Những đấy không sinh, thường tỏ biết
Nên ở đời gần Thắng nhân trung.
Trong các phương Bắc, Nam, Tây, Đông
Đếm cát sông Hằng có bao nhiêu
Trong mỗi hạt cát là một người
Nếu cả đất đai, nhiều vô biên.
Của báu đầy khắp, đem cho hết
Vô biên trăm kiếp trội hơn trên
Nếu có nghe được Khế kinh này
Như vậy phước đức sẽ vô số.
Cầu Bồ-đề đó, nên xuất gia
Họ được ta truyền cho kinh này
Chắc chóng đạt được tối thắng nhẫn
Nên nói pháp cùng trong mọi pháp.
Dễ dàng đạt được Đà-la-ni
Sẽ đạt đủ cả na-do kinh
Lợi trí biện tài họ sẽ đạt
Ít động biết nhiều chóng đạt được.
Liền được vô biên các biện tài
Chư Phật đều cùng họ biện tài
Nói Khế kinh, chẳng phải một báu
Biện thuyết vô biên, họ sẽ có.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Sư Tử Du Bộ bèn bạch Phật:

–Đại Đức Thế Tôn! Khi Thế Tôn nói bài kệ này, có bao nhiêu chúng sinh nghe được và làm lợi ích?

Nghe hỏi vậy, Phật bảo Đại Bồ-tát Sư Tử Du Bộ:

–Này Thiện gia tử! Ông có thấy chúng đây, tập họp bàn luận không?

Đáp:

–Con đã thấy, thưa Thế Tôn! Con đã thấy, thưa Thiện Thệ! Con số đã vượt qua cả tính toán; cả đến những hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Già-lưu-nại, Khẩn-na-la, Ma-hầu-làgià, đầy khắp cả hư không và cùng với những chúng sinh khác, ở khắp các thế giới, tại chúng hội thuyết pháp này, đều đã nghe bài thuyết pháp này.

Nghe nói như vậy rồi, Phật bảo với Đại Bồ-tát Sư Tử Du Bộ:

–Thiện gia tử! Khi nói bài pháp này, có chín mươi tám ngàn Thiên tử đạt được nhẫn trong pháp vô sinh. Có chín mươi hai ngàn Dạ-xoa sinh tâm đối với Vô thượng Cháng đẳng Chánh giác. Có ba mươi sáu ngàn rồng, sinh tâm Vô thượng Cháng đẳng Chánh giác. Có năm trăm Tỳ-kheo tăng thượng mạn, ý chưa đạt được, tưởng đã đạt khi được nghe kinh này, nghe được bài pháp nói về ngã mạn này, liền tin hiểu các pháp là đạo một tướng, không còn gì để thọ nhận nên lậu tâm được giải thoát; trong số Bồ-tát kia, có sáu mươi hai ngàn Bồ-tát, tin hiểu các pháp, không có chướng ngại, đạt được nhẫn trong pháp vô sinh. Tại sao? Thiện gia tử! Vì đây là bài pháp cao tột trong các bài pháp đã được nói.

Thiện gia tử! Như khi ở trước Đức Như Lai Nhiên Đăng, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri; ta đã tin hiểu ngay được các pháp là đạo một tướng. Ngay sau đó, ta liền đạt được nhẫn trong pháp vô sinh. Thiện gia tử! Nếu đạt được sáu pháp Ba-la-mật, nếu lại nghe pháp này thì xưa nay, cả hai cùng một thể.

Thiện gia tử! Đại Bồ-tát nhờ nơi đạo này mà đầy đủ cả sáu pháp Ba-la-mật. Ta nói như vậy, là tại sao? Thiện gia tử! Như có Bồtát trong hằng hà sa đẳng kiếp, thực hành bố thí, giữ giới, siêng năng, tu nhẫn, nhập định, tu trí; nhưng do vì không biết đạo pháp này, nên tất cả căn lành có được, hoàn toàn bị mất sạch!

Thiện gia tử! Ngươi hãy xem Đề-bà-đạt-đa đấy. Mặc dù có đủ căn lành, đủ ba mươi tướng như vậy; nhưng do vì không biết đạo pháp này, mà ông ta đã mất hết các căn lành, đọa vào trong đại địa ngục.

Thiện gia tử! Vì lý do này, ông nên biết: Các căn lành bị dứt sạch chính là bởi không biết đạo pháp này vậy!

Thiện gia tử! Vô số kiếp a-tăng-kỳ, ở quá khứ, lại vượt trội hơn cả vô số, rộng lớn vô lượng, không thể nghĩ, không thể lường; có vị Phật ra đời, tên là Mễ Lưu Thượng Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Cụ Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Giáo Sư, Phật Thế Tôn. Vị Như Lai ấy sống lâu đến chín mươi chín câu-chi na-do-tha trăm ngàn năm. Thế giới Phật ấy, tên là Kim diễm ảnh. Đất trong thế giới ấy, được làm bằng vàng. Đức Như Lai ấy cũng dùng ba Thừa giáo hóa, khiến cho chúng sinh nhập vào Niết-bàn. Ba thừa ấy là:

  1. Thanh văn thừa.
  2. Độc giác thừa.
  3. Bồ-tát thừa.

Hội thứ nhất của Như Lai ấy, hàng Thanh văn có đến tám mươi trăm ngàn câu-chi na-do-tha. Những vị này đều là những bậc A-lahán, các lậu đã dứt, việc cần làm đã làm xong, vứt bỏ được gánh nặng, đạt được lợi ích cho mình, chấm dứt mọi trói buộc của phiền não, dùng trí bình đẳng khéo được giải thoát.

Ở hội thứ hai, hàng Tỳ-kheo có bảy mươi trăm ngàn câu-chi na-do-tha.

Hội thứ ba, hàng Tỳ-kheo có sáu mươi trăm ngàn câu-chi nado-tha.

Hội thứ tư, hàng Tỳ-kheo có hai mươi lăm trăm ngàn câu-chi na-do-tha.

Lại có lượng Tỳ-kheo-ni nhóm lại, gấp đôi số trên. Lại có lượng Ưu-bà-tắc nhóm lại, gấp đôi số trên. Lại có lượng Ưu-ba-di nhóm lại, gấp đôi số trên. Lại có lượng chư Bồ-tát nhóm lại, gấp đôi số trên. Các Bồ-tát này, đều là những vị đã đầy đủ pháp Nhẫn vô sinh, khéo léo phát ra vô biên Tam-ma-địa đạo, đạt được vô biên Tổng trì môn, chuyển bánh xe pháp không thoái chuyển, huống chi là hàng Bồ-tát ở thừa thứ nhất mới phát hạnh. Trong số đó, lại có vô lượng vô số những vị Độc giác thừa.

Thiện gia tử! Vào lúc đó, vị Phật ấy, có vô lượng vô số các Thanh văn.

Thiện gia tử! Tại thế giới Kim diễm ảnh ấy, có những cây những trụ được làm bằng bảy báu. Cây báu ấy phát ra những âm thanh như sau: Âm thanh không, âm thanh không tướng, âm thanh không nguyện, âm thanh không sinh, âm thanh không chỗ có, âm thanh không hình dáng. Ngay khi cây báu phát ra âm thanh như vậy, những chúng sinh ở trong thế giới này nghe được, tâm liền giải thoát. Sau khi Đức Như Lai diệt độ một ngàn năm, chánh pháp hết trụ ở đời, thì các âm thanh ấy cũng không còn phát ra nữa.

Thiện gia tử! Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Mễ Lưu Thượng Vương ấy khuyên nên mời Tỳ-kheo Tịnh Thiện Hạnh thuyết pháp; khi Tỳ-kheo này thuyết pháp rồi, Đức Phật ấy mới diệt độ.

Thiện gia tử! Lúc đó lại có một Tỳ-kheo khác, tên là Thiện Hạnh Ý. Tỳ-kheo này, đầy đủ sự tích tụ giới trong sạch, tốt lành, lại đạt được năm thông, trí thế gian cao cả, cũng có khả năng lưu truyền và tụng luật tạng. Tỳ-kheo này, lại có khổ hạnh cao tột, tin ưa sự trong sạch, dè dặt, lãnh đạo chúng để thuyết giáo; tạo lập chỗ ở an vui và trụ trong đó. Đồ chúng của vị Tỳ-kheo này, khéo trụ vào giới tụ, tin ưa công đức Đầu-đà, cùng sống đơn giản. Tỳ-kheo này, cũng phát khởi siêng năng tu hành, nhưng lại xa lìa tâm Bồ-đề. Tỳ-kheo này, có chúng Bồ-tát khác; cũng đem đạo oai nghi mà giáo hóa, khiến họ giống như mình; đem sự hiểu biết của mình, chỉ bảo cho mọi người, nắm chặt các hành là vô thường, nắm chặt các hành là khổ, nói các hành là vô ngã. Tỳ-kheo này, không có trí tuệ khéo léo, cũng không có sự khéo léo đối với hạnh Bồ-tát. Mặc dù là như vậy, nhưng Tỳ-kheo này lại có đầy đủ căn lành. Còn vị Tỳ-kheo thuyết pháp Tịnh Thiện Hạnh kia, biết rõ căn cơ của mỗi chúng sinh, có sự khác biệt nhau. Đồ chúng của vị Tỳ-kheo này, không chú trọng đến công đức hạnh Đầu-đà và lối sống đơn giản, cả đến phương tiện khéo léo đối với nhẫn vô sở đắc.

Thiện gia tử! Khi ấy, Tỳ-kheo thuyết pháp Tịnh Thiện Hạnh, cùng đồ chúng của mình, đến ở tại nơi ở của Tỳ-kheo Thiện Hạnh Ý; nhưng do vì thương xót chúng sinh, nên cũng nhiều lần vào thôn xóm khất thực, xong xuôi rồi mới ra. Ông ta, đã khiến cho hàng trăm ngàn nhà, phát khởi lòng tin trong sạch. Đồ chúng của vị Tỳkheo này, cũng khéo léo trong việc cảm hóa, hướng dẫn, đến từng nơi ở của mọi người mà nói pháp, khiến cho hàng trăm ngàn người phát khởi tạo lập nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trong khi đó, những đồ chúng của Tỳ-kheo Thiện Hạnh Ý, lại ưa thích việc tu định, không thường vào thôn xóm. Lúc bấy giờ, ở trước Tỳ-kheo Tịnh Thiện Hạnh cùng đồ chúng của ông ta bên cạnh; Tỳ-kheo Thiện Hạnh Ý sinh tâm không sạch nói: “Đây chính là Tỳ-kheo biếng nhác thường xuyên vào thôn xóm.” Bèn đánh bảng nhóm họp các Tỳ-kheo lại, tự mình ra lệnh: “Các ông, không một ai, được vào thôn xóm”; rồi xoay sang số đồ chúng của Tỳ-kheo Tịnh Thiện Hạnh, nói: “Các ông không biết rõ việc làm, không tiết chế lời nói. Tại sao các ông, lại nhiều lần đi vào xóm làng vậy? Chư Phật, Thế Tôn khen ngợi biết bao, về việc ở nơi không ồn ào. Các ông chớ đến nhà người, mà phải nên vui vẻ ở trong suy nghĩ và thiền định.”

Thiện gia tử! Khi ấy, đối với những điều mà Tỳ-kheo Thiện Hạnh Ý đặt ra; vì muốn thành thục cho các chúng sinh, nên Tỳ-kheo Tịnh Thiện Hạnh cùng đồ chúng của mình, không chấp nhận theo những điều đặt ra ấy, nên lại vẫn nhiều lần đi vào thôn xóm. Thiện gia tử! Khi Tỳ-kheo này đi ra khỏi thôn xóm, Tỳ-kheo Thiện Hạnh Ý lại đánh bảng, nhóm họp chúng Tỳ-kheo lại mà nói: “Nếu như vẫn còn tiếp tục vào xóm làng, tôi sẽ không chấp nhận cho các người ở đây nữa.”

Thiện gia tử! Vì muốn chở che cho Tỳ-kheo này, Tỳ-kheo thuyết pháp Tịnh Thiện Hạnh, bèn bảo với đồ chúng của mình: “Các vị, không ai được vào xóm làng!”

Không thấy các Tỳ-kheo xuất hiện, những người ở trong thôn đã được Tỳ-kheo kia thành thục, thảy đều ôm lòng buồn rầu, khổ sở, pháp lành cũng giảm mất.

Thiện gia tử! Ba tháng đã xong, Tỳ-kheo thuyết pháp Tịnh Thiện Hạnh ra khỏi chỗ ở này, đến ở nơi khác. Tỳ-kheo này lại cùng với đồ chúng của mình, tiếp tục đi vào thôn ấp, thành quách, kinh đô, vì các hàng chúng sinh mà nói pháp.

Thiện gia tử! Vẫn thấy Tỳ-kheo thuyết pháp Tịnh Thiện Hạnh nhiều lần vào xóm làng, vẫn thấy đồ chúng kia bản tánh oai nghi, đi vào trong thôn xóm; Tỳ-kheo Thiện Hạnh Ý sinh tâm không sạch, chỉ nghĩ: “Tỳ-kheo này đúng là ác giới, phá giới, tự mình đã vậy, lại khiến cho đồ chúng của mình cũng như thế. Kẻ ngốc này làm sao có Bồ-đề được! Chỉ là kẻ hư dối mà thôi!” Ông ta lại còn nói với mọi người: “Tỳ-kheo này đức hạnh, lộn xộn, quá cách xa Bồ-đề, chỉ biết quý trọng lợi ích riêng, dính mắc nơi nhà người.”

Thiện gia tử! Một thời gian sau, Tỳ-kheo Thiện Hạnh Ý này mất. Nhưng bởi do lúc trước, sinh tâm không sạch, gây nghiệp đã chín muồi nên khi chết đi, liền bị đọa vào địa ngục A-tỳ, cho đến các địa ngục lớn khác; trải qua chín mươi chín câu-chi trăm ngàn kiếp, ở trong các địa ngục lớn, chịu đủ mọi nỗi cực khổ tại các địa ngục này; trong sáu mươi ba trăm ngàn đời thường bị chê bai; vì do nghiệp chướng còn sót lại, nên trong suốt ba mươi ba trăm ngàn đời, được xuất gia, nhưng rồi cũng bị hoàn tục; về sau xuất gia trong giáo pháp của Như Lai Vô Cấu Nhiễm, là Đấng Ứng Cúng, Chánh Biến Tri; mạng sống dài lâu, siêng năng tu hành như cứu lửa trên dầu, trong suốt câu-chi trăm ngàn năm, nhưng cũng vẫn chưa từng đạt được Tùy thuận đạo nhẫn; lại do nghiệp còn sót lại kia, nên phải tiếp tục chịu tối tăm ngu muội, trong suốt trăm ngàn đời nữa.

Thiện gia tử! Đối với Tỳ-kheo thuyết pháp Tịnh Thiện Hạnh vào thời ấy, ông chớ nên có cái nhìn sai khác. Tại sao? Đó chính là Đức Như Lai Bất Động, vào khi xưa là vị Tỳ-kheo thuyết pháp tên là Tịnh Thiện Hạnh.

Thiện gia tử! Tỳ-kheo thuyết pháp thời ấy là Thiện Hạnh Ý, ông chớ nên có cái nhìn sai khác. Vì sao? Vì đó chính là ta đây, khi xưa là Tỳ-kheo thuyết pháp tên Thiện Hạnh Ý. Vào thời đó, ta sinh tâm không tốt với mọi phương tiện vi tế, rồi gây ra nghiệp chướng phải bị đọa vào địa ngục lớn. Thiện gia tử! Nghiệp chướng có những cái rất là nhỏ như vậy đấy.

Thiện gia tử! Nếu Bồ-tát nào không muốn có nghiệp chướng như vậy thì không nên chống trái với những hạnh tu, của hàng Bồ-tát thứ hai; phải tin thuận những việc đã gây ra, nên luôn sinh tâm như vầy: “Ta không biết tâm người khác, cũng khó thể biết được những việc làm của chúng sinh.”

Thiện gia tử! Vì thấy được nghĩa này, nên Như Lai mới nói pháp như vậy cho chúng sinh. Chúng sinh không nên lựa chọn; chỉ có ta mới có thể lựa chọn chúng sinh và những gì tương tự ta mà thôi.

Thiện gia tử! Nếu muốn tự bảo vệ thì không nên lựa chọn; nếu có ai làm điều gì, thì chớ nên ngăn chặn họ. Tướng như vậy đấy, nên siêng năng tạo sự tương ưng với Phật pháp, ngày đêm siêng năng nhớ nghĩ tương ưng với pháp.

Thiện gia tử! Bồ-tát nào nếu phát hạnh tâm sâu xa, thì không

nên ngăn trở chỗ ở của người, mà phải nên siêng năng tùy thuận, cùng nhau tu hành.

Thiện gia tử! Giả sử, nếu có Bồ-tát nào, khiến cho tất cả chúng sinh, trong tam thiên đại thiên thế giới, được an vui ở nơi con đường của mười điều lành; nếu có Bồ-tát nào một mình đến nơi vắng vẻ, chỉ trong một khoảnh khảy móng tay, tin các pháp là đạo một tướng; hoặc hỏi hoặc cùng nhau nghị luận; hoặc nói hoặc dạy dỗ, đọc tụng; hoặc tự tụng; thì lượng phước đức đạt được, vượt hơn cả lượng chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới. Vì sao? Thiện gia tử! Vì do nơi đạo này, mà hàng Đại Bồ-tát, mới đạt được những nghiệp chướng trong sạch, xa lìa sự yêu ghét đối với các chúng sinh, chóng đạt đến biên giới trí tuệ.

Pages: 1 2 3