KINH ĐẠI OAI ĐĂNG QUANG TIÊN NHÂN VẤN NGHI

Hán dịch: Đời Tùy, Tam-tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Bà-già-bà ở tại thành Già-da, sau khi thành đạo chưa bao lâu, cùng với đông đủ tất cả chúng Tỳ-kheo, trong đó hoặc có người đắc quả vị thứ nhất, quả vị thứ hai, quả vị thứ ba, cho đến quả vị thứ tư, tùy theo sự chứng đắc quả đó, tất cả công đức đều thanh tịnh. Lại có chín mươi chín ức các chúng Bồ-tát và hai mươi tám ức chúng chư Thiên, còn có vô lượng chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheoni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, sáu vạn lực sĩ, mười hai ức các Ni-kiền Tử, tám vạn bốn ngàn Tiên nhân đạt ngũ thông, riêng năm trăm vị ngoại đạo… thì đều dùng tro bôi lên thân, để lộ ra bụng, ngực, thịt và mỡ tiêu hết chỉ còn lại da bọc xương, lưng gù, quấn tóc quanh thân, mặc áo bằng vỏ cây, tay cầm bình tưới, tìm cầu ngôn ngữ luận nghĩa khắp chốn.

Bấy giờ như núi Tu-di ở trong Hắc sơn, ánh sáng rực rỡ, oai đức cao vời, Như Lai Thế Tôn cũng lại như vậy, ở trong chư Tiên là bậc nhất. Lại như voi trắng sáu ngà thanh tịnh, hoàn toàn tự tại ở trong đàn dê trắng, như đêm trăng sáng che khuất ánh sáng của loài đom đóm, như hoa Mạn-đà mọc nơi ruộng cỏ lau, như chim Kim sí ở trong bầy quạ, Đức Thế Tôn ở trong chúng chư Tiên kia cũng lại như vậy, oai đức chiếu sáng thù thắng gấp bội.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nhập vào Tam-muội Bảo xả, hiện ra vô lượng thần thông, phóng ánh sáng thanh tịnh, khắp thân sáng chói xoay vòng quanh người. Lại từ nơi thân phát ra vô lượng ức các hóa thân Phật, mỗi mỗi hóa thân lại phát ra vô lượng ức các Hóa Phật. Lại từ trong thân phát ra vô lượng ức các thân Bồ-tát, vô lượng thân Đế Thích, vô lượng thân Phạm vương, vô lượng thân Tứ Thiên vương, vô lượng trăm ngàn thân A-la-hán, vô lượng trăm ngàn thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, vô lượng thân Đại chuyển luân vương, vô lượng thân Tiểu chuyển luân vương, vô lượng thân Túc tán chư tiểu vương, vô lượng thân người nơi biên địa trong châu biển Đông, vô lượng tất cả thân người nơi các cõi hiện có như Nam Thiên Trúc vô lượng hết thảy thân người nơi các chủng tộc lớn như Sát-lợi, Bà-la-môn, các Trưởng giả đại phú, vô số hình loại như vậy với tất cả phục sức, tất cả lời nói, nơi cảnh giới hiện có của hết thảy chư Thiên, tất cả đều từ thân của Đức Như Lai phát ra. Lúc này tất cả đại chúng tâm đều hoài nghi nhìn nhau, còn các Bồ-tát thì rất hoan hỷ, mưa các châu báu làm vật cúng dường, cho đến cúng dường anh lạc cũng lại như thế.

Lúc này, Đức Thế Tôn hiện điềm lành ấy xong, lại từ Tammuội Bảo xả đứng dậy, rồi như sư tử vương chồm lên cao, ngoái đầu nhìn lui, quán khắp mười phương, tức thời thấy tất cả cõi nước của chư Phật hiện có nơi mười phương thế giới kia và đại thiên thế giới Ta-bà này, do Phật nhãn nên quán thấy rõ ràng, giống như trong lòng bàn tay. Như Đức Như Lai Thích-ca này phóng đại thần thông với vô số biến hiện, hết thảy chư Phật trong mười phương hiện hóa thân Phật cũng lại như vậy. Từ thân hóa Phật hiện ra thân hóa Phật. Tất cả đức hóa Phật hiện có của các Như Lai kia đều vân tập đến, đại hội của Đức Thế Tôn. Lại có vô lượng hằng hà sa các chúng Bồtát, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, vượt hơn các thí dụ đều cầm vô số các loại vật cúng dường, tùy theo chỗ ứng hợp để có thể cúng dường, đều đi đến chỗ Phật. Còn có tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầula-già, Nhân phi nhân với tất cả đại chúng tùy theo trụ xứ của họ đều thấy diệu lực nơi thần thông của Như Lai, rồi theo đó đi đến hải hội này.

Bấy giờ, Bồ-tát trong mười phương đi đến pháp hội đều dùng vật dụng cúng dường vô thượng để cúng dường Đức Như Lai. Cúng dường xong, chư vị lại dùng tòa cao Sư tử được thành tựu do sáu Bala-mật, tùy theo thân họ xứng hợp với tòa nào thì ngồi vào tòa cỡ đó. Đức Như Lai Thích-ca đã giáo hóa chúng sinh, trên đến cõi trời Aca-ni-tra, dưới đến địa ngục A-tỳ, tất cả loài chúng sinh đều được hóa độ viên mãn. Ngay lúc đó, do diệu lực của Phật, nên hết thảy đều thấy thế giới của chư Phật trong mười phương giống như một hội. Tất cả chỗ giáo hóa của chư Phật hiện có khắp mười phương, đều nhập vào các lỗ chân lông nơi thân của Đức Như Lai Thích-ca. Chỗ giáo hóa chúng sinh của Đức Như Lai Thích-ca đều nhập vào các lỗ chân lông nơi thân của Đức Phật kia. Hiện ra như vậy rồi, ngay lúc ấy trong chúng hội có một Bồ-tát tên là Thắng Phần, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đứng khoan thai, dung mạo đoan nghiêm, bày vai bên phải, gối phải sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, liền nói kệ tụng:

Phật ra đời hy hữu
Vì chúng nên xuất hiện
Việc này chưa từng có
Che khuất tất cả ma.
Xen nhau quán qua lại
Nói rằng việc hy hữu
Vì sao chúng ta đến
Kêu ra lời hủy hoại?
Chúng ta hay luyến tiếc
Chỉ đầu, thân thể, xương
Chúng ta đã suy yếu
Già nua lại mất vui.
Không ngôn tự thần thông
Ngăn che, hủy hoại đạo
Phật tử đại thần thông
Nay tự rõ pháp Phật.
Tâm chúng sinh này nghi
Lại sinh rất hoan hỷ
Nơi hội này nói ra
Chúng ta nguyện thành Phật.
Văn-thù ở trong chúng
Các Phật tử vây quanh
Văn-thù hầu nhiều Phật
Lại nói rõ thần thông,
Vì pháp nào hiện tướng
Nay Phật nói pháp nào?
Tâm đều sinh nghi hoặc
Xin vì chúng con nói.

Khi đó, có một Tiên nhân tên là Oai Đăng Quang, ở trong chúng do bị ma lực, liền thưa Bồ-tát Thắng Phần:

–Đồng tử! Ông chớ nên mặc nhiên, nay tôi sẽ hỏi. Nếu là Samôn thì có thể giải quyết chỗ nghi ngờ trong tâm tôi mới có thể được gọi là Nhất thiết trí. Nếu ông không thể giải quyết tâm nghi ngờ của tôi thì làm sao được gọi là Nhất thiết trí? Thần biến như vậy nếu là huyễn hóa thì chư vị Ma-hê-thủ-la, Na-la-diên đã nói những lời. Hàng phàm phu thế gian cho là pháp nên cũng có thể thành tựu vô lượng các việc, như thế có gì là lạ?

Nghe nói như vậy, Đức Như Lai Thế Tôn vui vẻ mỉm cười, rồi quán khắp chư Tiên, tất cả đại chúng. Quán sát chúng rồi, liền bảo Đại tiên nhân Oai Đăng Quang:

–Này Tiên nhân Oai Đăng Quang! Nay chính đúng lúc tùy ý ông thưa hỏi, theo như trí lực của ta, sẽ vì ông mà giảng nói.

Đại tiên nhân Oai Đăng Quang liền hỏi Đức Phật:

–Thưa Sa-môn Cù-đàm! Trước hết vì tôi giảng nói về thể tánh của chúng sinh từ đâu sinh ra? Bao nhiêu là thô, bao nhiêu là tế? Trong thể tánh của chúng sinh là một gang tay là một thước, là một ngón tay, cho đến bằng hạt lúa lớn, lúa nhỏ, đậu lớn, đậu nhỏ, thậm chí bằng hạt cải ở trong thể tánh của chúng sinh chăng?

Đức Thế Tôn liền khen Đại tiên nhân Oai Đăng Quang:

–Hay thay, hay thay! Này Tiên nhân Oai Đăng Quang! Ông đã khéo nêu hỏi về ý nghĩa này như người thọ mạng sáu vạn kiếp.

Khi Đức Thế Tôn nêu bày như vậy, các Tiên nhân đều rất sợ hãi, liền suy nghĩ: “Chúng ta cùng với vị Đại tiên kia lâu nay cùng ở một chỗ hãy còn không biết về số lượng thọ mạng của Oai Đăng Quang, nay Sa-môn Cù-đàm này vì sao mau hiểu biết được như thế?”

Đức Thế Tôn liền bảo Đại tiên nhân Oai Đăng Quang:

–Này Đại tiên nhân! Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì ông mà giảng nói rõ đầy đủ. Ông hỏi ta rằng: Thể của chúng sinh từ đâu sinh ra? Đại tiên nên biết! Thể thật sự không có lời nói, không có câu chữ để có thể nói chúng sinh. Từ đâu mà đến. Chỉ do là các nhân duyên vô minh, hành… nên khởi lên chúng sinh kia, cho đến do các nhân duyên sinh già, bệnh, chết nên khởi lên các chúng sinh kia. Này Đại tiên! Lại có nhân duyên có thể khởi lên chúng sinh, đó là do mẹ làm nhân, do cha làm duyên nên sinh ra chúng sinh. Lại nữa, do cha mẹ hòa hợp làm nhân, vọng tưởng tà niệm khởi, các gió nghiệp thổi hạt giống thức vào trong thai tạng tức là duyên. Lại nữa, Khổ thánh đế, Tập, Diệt, Đạo thánh đế là chúng sinh. Lại nữa, từng phần nơi năm ấm, mười tám giới hòa hợp là chúng sinh. Lại nữa, này Đại tiên! Không lìa chúng sinh mà có nghiệp, không lìa nghiệp mà có chúng sinh. Chúng sinh là nghiệp, nghiệp là chúng sinh, ông phải biết điều đó. Cảnh giới của chúng sinh là không tăng không giảm.

Đại tiên nhân nói:

–Thưa Cù-đàm! Nếu cảnh giới của chúng sinh không tăng không giảm thì cớ sao chúng sinh xả bỏ thân cấu uế rồi được thân tự tại?

Đức Phật đáp:

–Này Đại tiên nhân! Như ông đã nói thì không thể như thế. Vì sao? Vì nếu người tự tại đạt được tự tại thì không bị đọa lạc, thường ở trong tự tại. Nếu người tự tại mà thân không được tự tại, làm sao gọi là được tự tại? Này Đại tiên nhân! Ví như con đom đóm nghĩ: “Ánh sáng của ta đều có thể chiếu khắp cõi Diêm-phù-đề”. Giả sử con đom đóm thật sự có thể phát ra ánh sáng chiếu khắp cõi Diêmphù-đề thì trọn cũng không thể khiến cho tâm người không điều phục để được gọi là tự tại chân thật. Lại nữa, này Đại tiên! Nếu người tự tại được tự tại thì sẽ dứt hết các phiền não cấu uế. Nếu không tự tại thì còn nhiều các phiền não. Nếu các phiền não cấu uế cùng với tự tại hiện hữu bằng nhau, do đó cảnh giới của chúng sinh không có tăng giảm mà có thể thấy.

Đại tiên nhân lại thưa:

–Thưa Sa-môn Cù-đàm! Ngài đã đoạn hết phiền não chưa?

Đức Phật đáp:

–Này Đại tiên nhân! Ta cũng không đoạn hết các phiền não, cũng lại không làm tăng các phiền não.

Đại tiên nhân thưa:

–Này ngài Cù-đàm! Nếu như vậy thì cũng không nên nói là ta được tự tại.

Đức Phật đáp:

–Này Đại tiên! Đúng vậy, đúng vậy! Đại tiên nên biết! Ta cũng không nói là ta được tự tại. Vì sao? Vì ta không thật nên cũng không tự tại.

Đại tiên nhân thưa:

–Ngài Cù-đàm chớ nói như vậy. Thưa Cù-đàm! Như trước Ngài nói: cha mẹ hòa hợp nên có được chúng sinh, sinh ra, vậy do đâu nhiều người cùng hòa hợp mà chỉ một số ít chúng sinh được sinh ra.

Nghĩa này là thế nào?

Đức Phật đáp:

–Này Đại tiên! Nay ta vì ông đưa ra ví dụ, tùy theo khả năng của ông, ta sẽ giảng nói. Này Đại tiên nhân! Như có một hạt mầm mọc ra nhiều cây, lại trong một cây có vô biên nhánh, trong mỗi mỗi nhánh lại có vô lượng hoa, mỗi mỗi hoa ấy đều sẽ kết trái. Cớ sao có kết trái hay không kết trái? Nếu đã kết trái thì trái đều chín, tạo thành hạt giống, cớ sao lại có chín, không chín? Nghĩa này thế nào?

Đại tiên nhân thưa:

–Thưa Cù-đàm! Do gió thổi nên có kết trái, không kết trái. Nếu đã kết trái thì rụng xuống, nếu không chín thì không thể làm giống.

Đức Phật bảo Đại tiên nhân:

–Do gió nghiệp tự chuyển thổi nghiệp của chúng sinh nên quả bị đọa lạc, có một số ít chúng sinh được sinh chăng? Này Đại tiên nhân! Ông phải biết việc đó, nếu ở trong thai hoặc bị trùng ăn, hoặc bị gió nghiệp chuyển làm hư mất, ông phải biết đều ấy. Cây bị khô héo ngã xuống là số ít chưa đủ để nói. Chúng sinh hiện có vì tai họa bị đọa lạc nhiều không thể nói hết. Lại nữa, này Đại tiên nhân! Do tâm tà nên khởi lên cảnh giới của chúng sinh. Nếu các chúng sinh có từng ấy tâm tưởng chuyển biến thì trở lại có từng ấy số lượng thọ sinh nơi đời sau. Thế nên ta nói tâm tà khởi lên cảnh giới của chúng sinh.

Đại tiên nhân thưa:

–Thưa Cù-đàm! Đúng vậy, đúng vậy! Như tôi đã hỏi, Ngài đã trả lời cho tôi nghĩa này. Thưa Cù-đàm! Lại vì tôi giảng nói, do đâu có kiếp thiêu đốt sạch?

Đức Phật đáp:

–Này Đại tiên nhân! Ông nên biết việc đó, không tạo tác nên gọi là pháp giới. Nếu khi kiếp tận, đại địa chẳng bị thiêu đốt thì pháp giới lại có hai loại: Một ít phần là vô thường, một ít phần là thường. Nếu như vậy thì các Đức Như Lai tức cũng không đúng là thật ngữ. Nếu tất cả là vô thường thì trong pháp vô vi là không thể nghĩ bàn. Vì thế Như Lai được gọi là Nhất thiết trí.

Đại tiên nhân nghe lời này rồi, xoay đầu lại nói với các đệ tử:

–Các ông có biết người này chăng? Đức Cù-đàm đây đúng là Bậc Nhất Thiết Trí.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Đại tiên nhân:

–Nếu khi kiếp tận, tất cả đại địa không bị thiêu đốt thì không được phân biệt đây là lúc đầu, đây là lúc cuối, cũng lại không biết nghiệp tốt xấu, những quả báo thiện ác, ông phải biết điều đó. Khi kiếp này bị thiêu đốt cháy sạch thì đó là diệu lực nơi đại phương tiện tạo tác hành hóa của các Đức Như Lai. Chúng sinh hiện có nếu có thể nghe hiểu tin tưởng về kiếp sẽ thiêu đốt sạch thì số chúng sinh đó được các Đức Như Lai thọ ký, ông nên biết việc ấy. Như thân của đại mãng xà với các phần nơi mắt, tai, miệng, mũi do sức độc đều có thể thâu phục tất cả những loài chúng sinh bay, chạy. Nên biết Đức Như Lai cũng lại như vậy, dùng bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, do diệu lực của giáo pháp đều có thể thâu nhận, hàng phục tất cả các chúng sinh.

Này Đại tiên nhân! Lại như có người dùng thỏi vàng kia bỏ vào trong lửa, không vì sân giận mà bỏ vào, do vì không thành thục nên muốn khiến cho thành thục, vì muốn thành tựu vật báu đích thực, vì muốn khiến giá trị tăng lên được nhiều của cải nên đặt vào trong lửa, tôi luyện liên tục làm cho vàng mềm mại, trong sạch. Tất cả các chúng sinh như vậy đều nhân nơi chư Phật, Như Lai, khi kiếp bị đốt sạch mà được điều phục. Khi kiếp sắp tận, đại địa bị thiêu đốt như vậy, thật sự không có chúng sinh nào chịu khổ não.

Đại tiên nhân thưa:

–Thật hy hữu, thưa Thế Tôn! Khi kiếp sắp tận, lửa thiêu đốt cháy bùng hủy hoại đại địa nhưng không có một chúng sinh nào chịu khổ não.

Đức Phật đáp:

–Chẳng phải vậy. Này Đại tiên nhân! Chư Phật Như Lai không khiến một chúng sinh nào chịu các bức bách khổ não. Vì sao? Này Đại tiên nhân! Ví như giọt mưa rất nhỏ có khắp trong mười phương, các giọt mưa kia có nhiều không?

Đại tiên nhân thưa:

–Rất nhiều, thưa Thế Tôn!

Đức Phật nói:

–Này Đại tiên nhân! Chư Phật Như Lai, Bồ-tát Thập địa còn nhiều gấp bội hơn kia. Lúc đó, kiếp tận, đại địa bị thiêu đốt, ở trong hư không, chư vị sẽ dùng Từ bi trí tuệ giải cứu chúng sinh, chẳng khiến khổ não nào xúc chạm nơi thân. Vì sao? Vì chư Phật, Như Lai kia và tất cả Bồ-tát thân tướng đều vi diệu tướng hảo đoan nghiêm, rộng lớn, chúng sinh nào thấy đều hoan hỷ, sinh tâm chánh tín xướng lời như vầy: “Chúng ta nguyện ở trong đời vị lai đều được thành tựu đều được trừ khỏi tai họa như vậy, lại được thành tựu hình sắc như thế, thân sắc tướng hảo đoan nghiêm như thế”.

Lúc đó, lại có người tâm đạt giải thoát, được quả A-la-hán, hoặc có người sinh tâm chán lìa, được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm. Lại có người được pháp Nhẫn vô sinh, có người được quả vị không thoái chuyển, có người được sinh lên các cõi trời Tứ thiên vương, trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, lược nói, cho đến có người được sinh lên trời A-ca-ni-trá. Cũng ngay lúc này tất cả Đại chuyển luân thánh vương, Tiểu chuyển luân vương hiện có cùng Túc tán tiểu vương ở các cõi, các Đại tiên nhân cho đến các dòng họ lớn như Sát-lợi, đại Bà-la-môn, Trưởng giả đại phú, thứ lớp như thế do thấy sắc thân vi diệu của Đức Như Lai, lại thấy thân mình ở trong biển sinh tử đầy dẫy sự sợ hãi, được giải thoát nên sinh tâm hoan hỷ, vui mừng tột bậc ở bên Đức Như Lai khởi tâm biết ân, khởi tâm báo ân; ở bên Đức Như Lai nghe thọ pháp rồi, mỗi mỗi đều ở trong đạo mười thiện tạo hạnh không phóng dật. Do diệu lực nơi phương tiện của nhân duyên ấy nên đối với đạo mười ác mau được lìa bỏ.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát đạt được Thập địa, vì các Bồ-tát này đạo nhãn đã có được, soi chiếu khắp vi trần nơi đại địa. Những vi trần kia tuy lại rất nhiều, mà vào hoàn cảnh đó cảnh giới của các chúng sinh lại rất phức tạp, cho đến nhận biết thể tánh của phiền não bị nhiễm ô, bất tịnh, từ trong đạo vô vi Niết-bàn nhập vào đạo Niết-bàn vô dư gấp bội hơn kia. Nay ông nên biết, chư Phật Như Lai vì những lợi ích lớn như thế mà hiển thị phương tiện kiếp bị thiêu đốt sạch.

Khi đó, tất cả Đại tiên nhân nghe lời này rồi sinh tâm ngạc nhiên, sợ hãi “Thật kỳ lạ thay! Rất là hy hữu! Đại đức Thích tử vừa mới bảo chúng ta, vì Đại tiên nhân mà nêu ra thọ mạng của chúng ta. Khi chúng ta tuy đã nghe sự việc như vậy vẫn cho rằng chẳng phải là Bậc Nhất Thiết Trí. Nay do dùng kiếp nạn ở trong thế gian để vấn nạn đã ban cho đầy đủ, nên chúng ta mới biết Thích tử đúng là Bậc Nhất Thiết Trí. Ngày nay chúng ta dùng danh hiệu chân thật để tán thán xưng dương.”

Lúc ấy, tất cả Đại tiên nhân liền phát ra lời này:

–Bậc tích tụ các công đức lớn, bậc Đại trí Vô biên, bậc Nhất thiết trí nhận biết chúng ta, thấy chúng sinh theo nghiệp lưu chuyển mỗi mỗi sai khác, vậy từ nơi chốn nào được thành tựu được sự tích tụ chân thật. Cúi xin Đức Thế Tôn vì chúng con giảng nói khiến được khai ngộ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền bảo các Đại tiên nhân:

–Này các Đại tiên nhân, nên biết, không có thời khắc, cũng không có nơi chốn khiến chúng sinh có được sự tích tụ thật sự. Này Đại tiên nhân! Chỉ trong bình đẳng thì chúng sinh mới được tích tụ, chỉ trong đạo Nhất thừa chúng sinh mới được tích tụ, chỉ trong Bồ-tát địa chúng sinh mới được tích tụ, chỉ trong cõi Niết-bàn vô dư chúng sinh mới được tích tụ. Nay các ông nên biết, như có các dòng sông, suối, kênh rạch… tất cả đều chảy vào biển cả, vào biển cả rồi thì đều cùng một vị mặn, không sai khác. Này các Đại tiên! Nay các ông nên biết, cảnh giới của chúng sinh hiện có, nếu ai được dứt sạch các lậu thì hết thảy nơi chốn kia ở trong vị giải thoát đều hơn trụ cùng một vị. Nay các ông nên biết, ta tuy nói rằng ở trong phiền não bình đẳng, chúng sinh mới được tích tụ cũng chẳng phải là tích tụ. Sở dĩ vì sao? Ví như gió mạnh khởi lên, thổi các loài muỗi, côn trùng…, đã tụ tập, nếu gió dừng thổi thì mỗi mỗi đều phân tán. Tất cả các loài chúng sinh như thế, mỗi mỗi đều bị gió nghiệp trói buộc; hoặc những loài kia bị đọa trong địa ngục mới được tụ tập, bị gió nghiệp trói buộc; hoặc những loài kia ở trong ngạ quỷ mới được tụ tập; hoặc những loài kia ở trong súc sinh mới được tụ tập… như thế.

Tiên nhân lại thưa:

–Thưa Bậc Nhất Thiết Thức, Bậc Nhất Thiết Trí! Xin Ngài vì chúng con mà giảng nói, nếu có như vậy, thì những loài như thế, ở đời trước, đều sinh trong loài người, cùng tụ tập, hiện tại ngày nay, cho đến tất cả, làm sao có thể nhận biết hoặc ở súc sinh, hoặc ở ngạ quỷ, ở đời trước đã từng tụ tập, làm sao có thể nhận biết? Cúi xin Ngài giảng nói.

Đức Phật nói:

–Này các Đại tiên nhân! Tất cả chúng sinh hiện có hoặc ở đời trước từng tụ tập trong địa ngục, nơi đời hiện tại hoặc khi thấy nhau tâm không hoan hỷ, sinh giận dữ kết oán, hoặc khi đau đầu, hoặc lại mất giới cấm với các tiện lợi lớn nhỏ nên biết họ đã ở đời trước cùng nhau tụ tập trong địa ngục. Nếu lúc hiện ra tướng mạo như vậy thì phải nên biết, họ cùng với ta chắc chắn đã từng ở trong địa ngục, cùng ở một chỗ mà đến.

Đại tiên nhân lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tất cả bậc Tăng nhân chứng đại tịch diệt và Nhất thiết trí, xin Thế Tôn vì con giảng nói. Nếu trong đời trước từng ở nơi súc sinh, cùng ngàn vạn thân từ một nơi chốn đến, làm sao có thể nhận biết?

Đức Phật bảo Đại tiên nhân:

–Nếu những người kia sinh trong loài người thì đều thấy nhau,

kết thành giận, oán, thường tìm chỗ sơ hở của nhau. Ta nên tìm sơ hở của họ ở chỗ nào? Đó gọi là tướng mạo ở trong loài súc sinh, tướng nhiều thân cùng ở một nơi chốn, nên biết chắc chắn ta cùng với họ ở một nơi chốn trong loài súc sinh đến đây. Hoặc đã ở một chỗ trong loài ngạ quỷ đến đây, thường thích sự hôi nhơ, lại tham ăn nhiều, mong cầu cùng với tâm người khác không lìa bỏ, sinh tham lam keo kiệt, đắm chấp. Hoặc lại thấy họ giàu có, có thế lực, sinh tâm ganh ghét, thường lại mong cầu được tài vật của người kia. Khi nhận thấy tướng này thì chắc chắn biết họ cùng với ta đã ở một nơi chốn trong loài ngạ quỷ đến đây. Nếu ở đời trước, cùng một chỗ trong loài người, hoặc trong hiện tại, nếu lúc thấy nhau liền sinh tâm dục.

Khi ấy, Đại tiên nhân Oai Đăng Quang lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Hoặc lúc đời trước cùng ở một chỗ trong cõi trời, đời nay trong loài người, nếu khi thấy nhau làm sao có thể nhận biết?

Đức Phật bảo:

–Này Đại tiên nhân! Nếu đời trước cùng sinh trong cõi trời, hiện tại trong loài người, khi gặp nhau thường dùng ánh mắt thân giữ tướng từ xa cùng nhau yêu thương. Nếu có tướng ấy thì chắc chắn đã cùng tụ tập trong cõi trời, rồi đến đây. Nếu ai dùng tướng quán sát như thế thì biết được tướng tụ tập của chúng sinh.

Lúc này, Đại tiên nhân nghe lời ấy rồi thì vô cùng vui mừng, sinh tâm hy hữu, liền bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nay con mới biết những chúng sinh kia lời lẽ nói ra đích thật là đại hư dối. Vì sao họ mê muội, không cầu tu học Nhất thiết trí?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Đại tiên nhân:

–Ông đã hỏi ta trong thể của chúng sinh có bao nhiêu thứ vi tế? Này Đại tiên nhân! Nếu thể tánh của chúng sinh thể đạt được thì thể tánh của chúng sinh kia có được một phần vi tế dài ngắn. Nay ông nên biết, ví như có người sinh ra đã bị mù lòa, lại có một người hỏi người ấy: “Thưa ông, màu trắng thì giống cái gì? Ý ông nghĩ thế nào? Người kia đã không thấy thì có thể nói được sắc này như vậy… như vậy…?

Tiên nhân thưa:

–Người kia đã không thấy rõ sắc thì sao dám quyết định phán đoán như vậy?

Đức Phật nói:

–Đúng vậy, đúng vậy! Này Đại tiên nhân! Các người phàm phu này giống như người mù lòa, không thấy thể tánh của chúng sinh, không thể nói bàn, trong thể vi tế của chúng sinh là dài ngắn, thô rít như vậy. Lại nữa, này Đại tiên nhân! Nhãn chẳng phải là chúng sinh; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng chẳng phải là chúng sinh. Hữu vi, ấm phần cũng chẳng phải là chúng sinh, mười tám giới, mười hai nhân duyên cũng chẳng phải là chúng sinh. Danh tự của chúng sinh cũng không thể nắm bắt được, cũng chẳng phải nội không, ngoại không, nội ngoại không cũng không được gọi là chúng sinh. Sở dĩ vì sao? Đại tiên nên biết! Nhãn là giả danh, tạm thời, chẳng hợp nhau. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là giả danh, tạm thời, chẳng hợp nhau. Pháp năm ấm là giả danh, tạm thời, chẳng hợp nhau. Ba mươi sáu thứ bất tịnh, tất cả là giả danh, tạm thời, chẳng hợp nhau. Như vậy, không có chúng sinh có thể thủ đắc cũng chẳng phải các trần như sắc cùng nhau hòa hợp nên có chúng sinh với các trần như sắc… mỗi mỗi sai khác, phân ra ly tán. Những pháp kia cũng chẳng phải là chúng sinh, chẳng phải là thọ mạng, chẳng phải là dưỡng dục, không chủ, không nhân, cũng không có ngã, đều không thể thủ đắc.

Lại nữa, này Đại tiên nhân! Nếu có chúng sinh thì các Đức Như Lai này không nên giảng nói bốn loại pháp Tứ đế, vì thật không có tánh của chúng sinh. Thế nên, hết thảy chư Phật, Như Lai đạt được các pháp ấy, tùy thuận như vậy, tu hành như vậy, mới được thân Như Lai.

Khi ấy, Đại tiên nhân Oai Đăng Quang vì muốn cầu được Nhất thiết trí nên phát thệ rộng lớn, nói lời như vầy:

–Bạch Thế Tôn! Giả sử con ngày nay rơi vào hầm lửa lớn, trọn đời ở trong chỗ đó. Lại có núi lớn giống như Tu-di, núi đó hiểm trở, cao ngất, đứng trơ trọi, cao tới cõi trời A-ca-ni-trá. Trong lúc này, thân con từ trên núi cao rơi xuống vực thẳm, lại có đống lửa lớn kia giống như kiếp tận thiêu đốt, những lửa dữ như vậy bốc cháy hừng hực. Năm thứ lửa nóng đốt thân mà ngày lại dài–một phần trong một ngày bằng một kiếp thì như kiếp ấy lấy ba mươi ngày làm một tháng, đủ mười hai tháng cho là một năm. Như vậy, khi hết số kiếp đó tu khổ hạnh này đều hoan hỷ chấp nhận, trọn không nhân đấy mà bỏ tinh tấn không cầu Nhất thiết trí.

Bấy giờ, khi Đại tiên nhân Oai Đăng Quang nêu bày chí nguyện như vậy thì ở trong đại hội tất cả Tiên nhân ngũ thông đều từ chỗ ngồi đứng dậy cung kính, chắp tay hướng về Đức Phật, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tiên nhân chúng con từ nay về sau đều dũng mãnh siêng năng tinh tấn, mong cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tất cả chư Tiên này nói như thế rồi, lúc đó Đức Thế Tôn liền phóng ra các ánh sáng từ giữa chặng mày, ánh sáng đó tên là Vô năng hàng phục. Tất cả chư Phật, Thế Tôn trong mười phương từ chòm lông trắng giữa chân mày phóng ra ánh sáng cũng lại như vậy. Ngay lúc ấy, do nhân duyên từ diệu lực nơi hào quang của Đức Phật, các đại địa đều hiện đủ sáu cách chấn động, đó là: Động, biến động, đều động khắp. Dũng, biến dũng, đều dũng khắp. Giác, biến giác, đều giác khắp. Khởi, biến khởi, đều khởi khắp. Chấn, biến chấn, đều chấn khắp. Hống, biến hống, đều hống khắp. Đông hiện Tây ẩn, Tây hiện Đông ẩn, Nam hiện Bắc ẩn, Bắc hiện Nam ẩn, giữa hiện bên ẩn, bên hiện giữa ẩn, cho đến trên dưới ẩn hiện cũng lại như vậy.

Khi ấy, mười phương chư Phật Thế Tôn ở trong hư không trên chỗ Đức Phật Như Lai Thích-ca mưa các loại hoa, các loại diệu hương, các loại hương trời, khiến chúng hội thấy nghe tùy tâm vui thích.

Lại có Càn-thát-bà vương và vô lượng chúng chư Thiên đều tạo ra năm thứ âm nhạc làm vui Đức Như Lai. Trong tất cả âm nhạc ấy cùng phát ra các thứ tiếng tán thán, ca vịnh Như Lai. Hương của chư Thiên lại có gió nhẹ từ từ lay động, thổi hơi thơm đó tỏa ra dày đặc ở trước Như Lai che khắp cả hư không.

Lại có các Đại Bồ-tát từ mười phương đến, tất cả đại chúng đều hết mực vui mừng, đều ở trên chỗ Đức Phật mưa các loại hoa, các loại anh lạc, các loại châu báu, các loại tạp hương, các loại tràng hoa, các loại hương thoa, các loại hương bột, các loại y phục, các loại cờ phướn, lọng báu những loại như vậy là vô lượng, vô biên để cúng dường Đức Như Lai.

Lại có vô lượng, vô biên chúng chư Thiên nơi phương khác đều rất hoan hỷ, cũng ở trong hư không mưa các hoa Mạn-đà-la thượng diệu, hoa Ma-ha mạn-đà-la trời, các hoa như vậy đều để cúng dường Đức Như Lai. Khi đó các đại chúng sinh tâm hy hữu, lại lấy các loại y phục tối thắng của mình đang mặc tung rải khắp trên chỗ Đức Phật để cúng dường Như Lai. Lúc này, ánh sáng lớn Vô năng hàng phục chiếu lên đến cõi trời A-ca-ni-trá, dưới đến địa ngục A-tỳ, cùng tỏ khắp mười phương. Tất cả chúng trong đại hội của chư Phật đều vây quanh hết thảy các Đức Như Lai kia. Vây quanh rồi, ánh sáng lớn ấy từ nơi kia tỏa đến, lại nhập vào đảnh của Đức Thế Tôn.

Bấy giờ, Trưởng lão Tu-bồ-đề từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật, đảnh lễ sát chân. Lễ sát chân rồi, gối phải chấm đất, chắp tay dùng kệ tụng rằng:

Nay Thích-ca đều có nhân duyên
Phóng ánh sáng chiếu khắp các cõi
Xin Phật thương xót cho chúng con
Nhân đại chúng nói trừ tâm nghi,
Vì thấy Thế Tôn hiện oai dung
Hoặc lại hoài nghi, hoặc hoan hỷ
Trong ấy, hoặc là giơ một tay
Hoan hỷ khen công đức Thế Tôn.
Đế Thích, Phạm chúng, Tứ thiên vương
Khen công đức Phật như hư không
Trời mưa nhiều hương hoa, anh lạc
Nhạc cụ không tự nhiên vang.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Nay Tôn giả có thấy Đại tiên nhân Oai Đăng Quang này chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Dạ vâng, thưa Thế Tôn, con đã thấy! Thưa Hành giả chân chánh, con đã thấy!

Đức Thế Tôn lại bảo Tu-bồ-đề:

–Này Tu-bồ-đề! Nay ông nên biết, Đại tiên nhân Oai Đăng Quang này ở đời vị lai, trải qua hiền kiếp ấy, với một ngàn Đức Phật, lại có kiếp tên là Hiền, cõi tên là Nguyệt chủ, ở trong cõi đó sẽ được thành Phật hiệu là Tỳ-bà-thi Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, đầy đủ mười tôn hiệu. Này Tôn giả Tu-bồ-đề! Ông phải biết điều đó, khi Đức Tỳ-bà-thi Như Lai kia xuất hiện ở đời, có người nghe được danh hiệu của Đức Phật này đều đạt được lợi ích. Giống như ngọc báu Như ý tùy tâm mãn nguyện.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ông nên biết việc đó. Nay trong pháp hội này, tám vạn bốn ngàn các Tiên nhân nghe pháp ấy rồi đều được quả vị không thoái chuyển. Khi Đức Phật Di-lặc hạ sinh, tất cả đều đầy đủ hạnh nguyện của Bồ-tát Thập địa, trải qua ba ngàn kiếp sẽ được thành Phật hiệu là Oai Đăng Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Nay trong đại hội ở đây lại có vô lượng ức các chúng Bồ-tát nghe pháp này rồi đều đạt được Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, Tammuội Thượng thượng trí oai, Tam-muội Như lai thọ vị, Tam-muội Như huyễn hóa, Tam-muội Tứ đại nan hàng phục, Tam-muội Ý vương, Tam-muội Hải tạng, Tam-muội Điều phục trang nghiêm, Tam-muội Chân tam tạng, các Tam-muội Thanh tịnh như vậy. Lại có ức hằng hà sa chúng chư Thiên đều được trụ nơi pháp Nhẫn vô sinh. Vô lượng trăm ngàn Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều được quả A-la-hán. Hằng hà sa số chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Cànthát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân người chưa phát tâm đều phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Nay ông nên biết, ta thấy các đại lợi ích như thế nên phóng ánh sáng ấy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại hiện bày tướng lưỡi che khắp khuôn mặt, từ trong tướng lưỡi kia phóng ra đầy đủ các loại màu sắc, các loại ánh sáng, đó là: lưu ly với các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, lam, tía, sắc của vàng ròng hồng, màu sắc pha lê… Ánh sáng ấy chiếu khắp vô lượng, vô biên các thế giới trong mười phương rồi lại nhập vào dưới chân của Đức Như Lai. Lúc đó, Bồ-tát Vô Tận Ý từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên phải, gối phải sát đất, chắp tay bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai đều có nhân duyên nên hiện ra tướng lưỡi. Cúi xin Đức Thế Tôn vì chúng con mà giảng nói do nhân duyên gì hiện ra tướng lưỡi, phóng ánh sáng ấy?

Đức Phật bảo Bồ-tát Vô Tận Ý:

–Này thiện nam! Ta vì các chúng sinh bất tín nên hiện ra tướng lưỡi ấy. Như Lai, Thế Tôn trọn không dùng tướng thiệt căn ấy tạo ra vọng ngữ.

Bồ-tát Vô Tận Ý lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Hoặc đời vị lai các thiện nam và thiện nữ, đối với kinh này, hoặc dùng một câu, hoặc dùng một bài kệ, vì người khác giảng nói rõ thì phước đức đạt được là bao nhiêu? Cúi xin Thế Tôn nói cho.

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Tất cả cõi của chư Phật hiện có trong mười phương, nhãn quang của chư Phật Thế Tôn đều nhận thấy rõ. Tất cả của cải, vật dụng tạo an lạc nơi các cõi kia đều để cúng dường hết thảy chư Phật Thế Tôn trong mười phương, cho đến nhập đại Bátniết-bàn, sau khi Bát-niết-bàn rồi lại dùng tất cả các loại vật báu xây tháp xá-lợi để tôn thờ. Lại có người nào ở trong pháp bản chân như này, thậm chí chỉ một câu và một bài kệ, phân biệt, vì người khác giảng nói rõ, sẽ được phước đức nhiều hơn người kia.

Lại nữa, này thiện nam! Nếu có ai giảng nói pháp bản này, hay ở trong đó khen ngợi: “Hay thay, vui thay!” thì nên biết người kia đều được hết thảy chư Phật cùng tán thán. Nếu có ai cúng dường kinh điển này, nên biết người đó tức đã cúng dường thân ta.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhìn khắp đại chúng, rồi liền bảo:

–Này các thiện nam! Nếu chỗ nào có kinh điển này thì những nơi chốn như thế luôn được tất cả chư Phật nhớ nghĩ đến.

Này các thiện nam! Nên biết kinh này ở đời vị lai là vị thuốc hay cho các chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề. Nếu người nào đối với kinh này, hoặc tự chuyển đọc, hoặc dạy người khác đọc, một lượt, hai lượt và ba lượt thì nên biết người ấy đã tự thỉnh Như Lai chuyển pháp luân vi diệu. Nếu có thiện nam đối với kinh điển này, hoặc tự biên chép, hoặc dạy người khác biên chép, thì nên biết người ấy tức là thọ trì pháp tạng sâu xa của tất cả chư Phật, thường được hoan hỷ, mau được an lạc, ở đời vị lai sẽ được thành Phật. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào bị đọa nơi địa ngục thì trọn không được nghe kinh điển vi diệu ấy. Các thiện nam và thiện nữ nào nếu được nghe kinh điển vi diệu ấy, khi xả thân này rồi sẽ được sinh vào cõi nước thanh tịnh.

Lại nữa, này các thiện nam, thiện nữ được nghe kinh này, nghe rồi hoan hỷ, tinh tấn thọ trì, rộng vì người khác đọc tụng, giảng nói, nên biết người đó mau đạt được Bồ-đề, không lâu tất sẽ đầy đủ sáu căn, với năm mắt thanh tịnh, đến khi lâm chung không mất chánh niệm, lại được vô lượng, vô biên trăm ngàn môn Tam-muội, Đà-lani. Đó là nhập vào Tam-muội của tất cả chư Phật, Tam-muội Phổ chiếu phấn tấn, Tam-muội Tổng trì tạng, Tam-muội Kế châu ấn, Tam-muội Quán đảnh vị, Tam-muội Quán ấn. Lại đạt được Đà-la-ni Vô tự khiếp, Đà-la-ni Nhất thiết pháp vô năng hàng phục, Đà-la-ni Quyết nghi, Đà-la-ni Chân như quyết nghĩa, vô lượng, vô biên trăm ngàn Đà-la-ni. Như thế, lại được năm thần thông, ở nơi sinh tử, luôn được chánh niệm, không loạn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền bảo Đại Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi:

–Này thiện nam! Ông đã cúng dường vô lượng, vô biên trăm ngàn chư Phật. Ta nay đem pháp này phó chúc cho ông, đời vị lai nêu rộng vì những người khác giảng nói pháp ấy. Này Bồ-tát Vănthù-thi-lợi! Ý ông nghĩ thế nào? Ông đã ở chỗ chư Phật đời quá khứ, với vô số các thứ cúng dường, các thứ cung kính, các thứ nghênh đón… những phước đức ấy có thể biết được biên vực, có thể lường tính được chăng?

Văn-thù-thi-lợi thưa:

–Dạ không, thưa Thế Tôn!

Đức Phật bảo:

–Này Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi! Nếu ông ở đời vị lai, trong thế giới Ta-bà này gồm đủ năm thứ ô trược xấu ác ban bố rộng rãi pháp như vậy sẽ được phước đức gấp bội hơn kia. Này Bồ-tát Văn-thù-thilợi! Ông ở chỗ chư Phật đời quá khứ, tuy lại dùng vô số các loại y phục, tứ sự cúng dường luôn được đầy đủ, nhưng ông chưa từng đối với pháp bản này, vì người khác phương tiện giảng nói rõ. Do vậy, nên đối với Đức Phật kia còn nhiều thiếu sót. Nếu ông đối với các Đức Phật quá khứ kia, cho đến một vị Phật chưa từng cúng dường chỉ có thể đối với pháp bản vô cùng thâm diệu này, vì người khác rộng giảng nói, nên biết đó là đối với tất cả chư Phật Thế Tôn đã cúng dường đầy đủ, không còn lỗi lầm.

Khi Đức Phật giảng nói kinh này xong, Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi, các vị Bồ-tát tất cả Tiên nhân Oai Đăng Quang và quyến thuộc tám bộ chúng trời, rồng, quỷ, thần tất cả đại chúng nghe Phật thuyết giảng đều hoan hỷ phụng hành.